Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A – Gươm Thiên Hàm Tử - Hồi 105

HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM



Thân làm chó săn.
Bội cha, phản anh,
Mãi quốc cầu vinh,
Ô danh vạn đại.
   


Thoát Hoan lưu lại Tam lộ, có ý chờ Toa Đô từ  Hoan châu, Ái châu (Thanh, Nghệ) ra. Sáng hôm ấy, Thị vệ báo:
– Có sứ thần của vua An Nam xin cầu kiến.
– Sứ thần là ai?
– Sứ đoàn gồm có 13 người. Chánh sứ là nữ với 10 nữ Thị vệ, hai bồi sứ là nam. Trong hai bồi sứ một người là Trung hiến hầu Trần Dương Tổng lĩnh thái giám, và Trung minh hầu Đào Kiên phó Tổng lĩnh thái giám.
– Chánh sứ tên gì?
– Y thị xưng là công chúa An Tư.
Thoát Hoan rúng động tâm tư. Y nói với A Lý Hải Nha, Lý Hằng:
– An Tư là công chúa. Ta phải dùng  đại lễ tiếp cho phải  lẽ.
Y truyền văn võ quan dàn làm hai hàng phải, trái. Đích thân y với A Lý Hải Nha ra ngoài đón.
Công chúa An Tư chắp tay xá một xá, nói tiếng Mông cổ:
– Công chúa An Tư của Đại Việt, bái kiến Trấn Nam vương của Thiên quốc Đại nguyên.
Thoát Hoan như ngây, như dại trước nhan sắc tươi như hoa ban mai của An Tư. Y chưa kịp đáp lễ thì Lý Hằng đi sau, y nhớ lại trận đánh trên sông mấy đêm trước, rồi trận phục kích ven đê, trận đánh vào làng, uất khí bốc lên, y quát lớn:
– Người đừng hòng dùng nhan sắc hồ ly mê hoặc chúa ta. Hôm nay ta phải băm vằm mi ra để trả thù cho hơn vạn người của ta bị chết trên sông Hồng.
Biết rõ y là Lý Hằng, nhưng công chúa giả tảng hỏi Thoát Hoan:
– Vương gia! Khắp gầm trời này đều đồn rằng hoàng tử thứ chín của hoàng đế Chí nguyên là đấng mỹ nam tử, hào hoa, nhã lượng, cao trí phi thường. Văn võ quan dưới quyền đều là những bậc tài trí, văn mô, vũ lược. Thế mà sao lại có người thô lỗ cộc cằn thế này nhỉ? Y là ai vậy?
Thoát Hoan đưa con mắt nghiêm khắc nhìn Lý Hằng, rồi chắp tay xá An Tư:
– Công chúa điện hạ đừng chấp nhặt lời y. Y là Tả Thừa Lý Hằng.
Công chúa An Tư mỉm cười muốn nghiêng thành đổ núi:
– Trời ơi! Thì ra Lý tướng quân đó sao? Tôi từng nghe đồn tướng quân là một trong các khai quốc công thần của Nguyên triều! Người từng là một trong các đại tướng phá Phàn thành, Tương dương, rồi vây đánh Lâm an đó sao? Lại nữa người lập công đầu đánh bại Thừa tướng Văn Thiên Tướng của Tống. Chính người phục binh ở Nhai sơn diệt trọn vẹn Tống triều, khiến hơn 20 vạn người chết trên biển!
Công chúa nhìn Thoát Hoan nở nụ cười như hoa sen ban mai:
– Thế mà đêm qua tướng quân  đem quân đông gấp 100 tôi, bị tôi đánh chìm trên sông Hồng. Chết sạch. Rồi khi tướng quân đổ bộ bị tôi phục binh bắn như bắn vịt trên đê. Tướng quân dùng hơn vạn người đánh vào một làng. Trong làng chỉ có mấy nông dân, mấy người đàn bà đi cấy với bọn trẻ con. Tuy tướng quân chiếm được làng, nhưng chết hơn 500 người. Tướng quân vào được làng rồi, còn bị đám nông dân, mấy mụ đi cấy giết mất 18 thập phu. Thì ra những lời đồn đại về tướng quân nào là anh hùng, nào là tướng bách chiến bách thắng đều bố láo cả.
Công chúa chỉ vào mặt y:
– Hỡi ơi! Tướng quân chỉ là gã thô lỗ cộc cằn, đánh trên sông bị thua trên sông, đánh con đê quân bị bắn như vịt. Đánh vào làng bị mấy gã nông dân, mấy mụ đàn bà giết trên 5 trăm mạng, âm thầm giết 18 thập phu. Tiếc thay Nguyên phi của hoàng đế Chí nguyên đã gả giai nhân Ngọc Quốc cho một tên thô lỗ, vô tài, bất trí. Than ôi! Đúng là bông hoa lan cắm lên bãi cứt trâu.
Bị nhục mạ, Lý Hằng rút kiếm xả một chiêu với tất cả bình sinh công lực. Công chúa An Tư rút kiếm trả một đòn, công chúa ra chiêu sau, mà đến trước. Lý Hằng kinh hãi lộn người đi một vòng, chân nhảy lùi ba ước tránh đòn. Nhưng chân y vừa chạm đất, thủy chung kiếm An Tư vẫn chĩa vào cổ.
Lòng Lý Hằng nguội như tro tàn:
– Mi đánh trộm mà thành công. Ta không phục.
– Ta không cần cái thứ như mi phục hay không phục.
 Công chúa thu kiếm lại, nói như cha mẹ dạy con:
– Mi là tên tướng vô tài, bất tướng, giết mi chỉ thêm bẩn kiếm ta. Ta tha cho đấy.
Tuy bị nhục nhưng Lý Hằng vẫn không chịu lui, y lăm lăm kiếm:
– Người dùng tà thuật. Ta không phục. Đấu lại.
Công chúa An Tư khoanh tay, hất hàm:
– Người xuất chiêu đi.
Trong các võ tướng triều Nguyên, võ công Lý Hằng chỉ thua có Ô Mã Nhi, Toa Đô mà thôi. Tuy vậy y vẫn chưa chịu phục, bây giờ bị một cô gái đẹp đến phiêu hồn, tán phách đánh bại trước mặt Thoát Hoan thì y chịu sao được? Y xả một chiêu, An Tư vọt người lên cao. Y xê dịch theo, chặt chân nàng. Nhưng An Tư điểm kiếm vào kiếm của y, kiếm hai bên chạm nhau, nàng mượn sức tung người lên cao. Ở trên không nàng đá gió một cái người bay ra xa. Lý Hằng nhào theo, xỉa kiếm vào ngực nàng. Nàng thụp người xuống tránh, rồi chĩa kiếm chênh chếch lên hướng ngực y. Nàng ra chiêu sau, mà lại đến trước. Kinh hoảng, Lý Hằng lộn liền ba vòng ra sau. Khi chân y vừa chạm đất thì cổ đau nhói, thủy chung mũi kiếm của An Tư vẫn theo y như bóng với hình. Lòng nguội như tro tàn, y ném kiếm xuống đất:
– Ta vẫn không phục, ta bị thua vì kiếm pháp của công chúa ảo diệu. Ta thua vì tài trí tổ tiên ta không bằng tài trí của tổ tiên công chúa. Công chúa giết ta đi.
An Tư thu kiếm lại:
– Dù sao người cũng là chồng Ngọc Quốc, người là rể của Đại Việt. Ta không can đảm để Ngọc Quốc góa chồng. Ta tha cho người.
Thoát Hoan từng đấu lý với An Tư tại Trường sa mấy năm trước. Y đã biết miệng lưỡi cô công chúa này không tầm thường. Vạn vạn lần Lý Hằng không phải là đối thủ của An Tư. Bây giờ Lý Hằng bị nàng đánh bại 2 lần, lại nhân danh công chúa tha chết cho Hằng vì không muốn vợ  Hằng ở góa. Nhưng gã hoàng tử ngây người trước sắc đẹp của nàng. Cung tay mời công chúa vào trướng, y ra lệnh cho tả, hữu giải tán,  chỉ lưu lại mình A Lý Hải Nha với 10 Thị vệ.
Hai tay bưng chung trà trao cho An Tư, Thoát Hoan nói bằng tiếng Hán giọng Trường sa, với tất cả chân tình:
– Từ Trường sa cách biệt, cô gia đêm tưởng, ngày mơ sẽ được gặp lại tiên tử. Từ hôm đem quân nhập Việt, cô gia mong vào Thăng long, tìm Thượng hoàng ở đâu để sai sứ cầu hôn, mà mà nào có tin tức gì? Qủa thực tìm công chúa như tìm chim. Hôm qua nghe tin công chúa đi thuyền rút khỏi Thăng long, cô gia không quản đêm tối, tên bay đạn lạc, sai chèo thuyền tìm công chúa suốt đêm, cũng không thấy. Nào ngờ hôm nay đại giá tiên tử giá lâm.
An Tư thấy đối phương bầy tỏ tình cảm chân thành, nàng cảm động hít một hơi ngực nhô lên thụp xuống, nở nụ cười nghiêng thành đổ núi, làm Thoát Hoan choáng váng như người say rượu. Nàng nói tiếng Mông cổ bằng giọng ngọt nào:
– Đa tạ vương gia có lòng chiếu cố đến đóa hoa đồng cỏ nội này. Tôi có là gỗ, là đá đâu mà không cảm động? Địa vị như vương gia, tôi e rằng các thiếu nữ khắp gầm trời này đều ước mơ được diện kiến. Trong đó có tôi. Thế nhưng vương gia đem quân nghiêng nước sang Đại Việt, đi đến đâu tàn sát dân chúng bất kể đàn bà trẻ con. Như vậy e những lời của vương gia là không thực. Tôi là Phật tử, nhìn những cảnh đó, tôi đau đớn đến đứt ruột ra được.
A Lý Hải Nha thấy từ lúc gặp An Tư, chúa tướng của mình cứ như ngây, như dại trước sắc đẹp của cô công chúa này. Bây giờ bị  An Tư chất vấn, Thoát Hoan khó trả lời. Y xen vào:
– Thưa công chúa điện hạ. Việc nước, việc cá nhân không thể gộp chung làm một. Chúa tôi sủng ái điện hạ là tình cảm của một đấng anh hùng với một giai nhân. Nghĩa là hoàng tử  Thoát Hoan dâng cho công chúa An Tư một bó hoa. Còn việc Trấn Nam vương đem quân sang đây là tuân chỉ của phụ hoàng là hoàng đế Chí Nguyên, mượn đường đánh Chiêm thành. Vua An Nam từng gửi sứ sang quy phục thiên triều, đáng lẽ nhà vua phải mở đường cho quân đi, phải cung ứng lương thực, thì lại thiết lập đồn ải cản đường, đánh giết quân thiên triều. Đó là loạn thần tặc tử. Cho nên quan quân phải dẹp loạn. Thái tử không thể vì cá nhân mình mà bỏ đại sự quốc gia.
– Dẹp loạn thì quân hai bên chém giết nhau, tôi có than van gì đâu. Nhưng giết đàn bà, trẻ con, giết tuyệt thì tàn ác quá.
– Công chúa nói! Khi đánh một làng, đàn bà, trẻ con Việt hung dữ hơn hổ, hơn báo thì quan quân giết chết là lẽ đương nhiên. Như vừa rồi, quân vào làng, đàn bà vác cuốc, vác gậy gộc, vác dao phay, đánh chết mất trăm quân. Có người lòi ruột ra ngoài, tay nhét ruột vào, tiếp tục đánh. Tôi nhìn mà rùng mình. Ngay điện hạ. Có ai ngờ một người đẹp như công chúa, mà một kiếm vung lên, một cái đầu rơi xuống. Vừa rồi, Tả thừa Lý Hằng chỉ nói mấy câu không vừa lòng công chúa mà suýt bỏ mạng.
Y nói thực  chậm:
 – Còn việc quan quân giết tuyệt những làng chống trả là do luật từ thờ đức Thái tổ Thành Cát Tư Hãn. Đức Thái tổ ban luật rằng:

“ Phàm khi quan quân đánh nước nào, thành nào phải gửi sứ chiêu hàng. Nếu như quốc phụ, tướng giữ thành mở cửa đầu hàng thì một cọng rau, một ngọn cỏ cũng không đụng đến. Còn như ngoan cố chống trả khi quan quân chiếm được thành thì người bị giết tuyệt, dĩ chí chó mèo, gà, vịt cũng không tha.“

 Trước khi đem quân xuống nam, vương gia từng gửi nhiều sứ đoàn sang báo cho An Nam quốc vương của công chúa biết: Thiên triều ra quân vì Chiêm thành chứ không phải vì An  nam. Vậy An nam phải mở đường đón quân Thiên triều, cung cấp lương thảo. Thế nhưng An nam không tuân. Đó là lỗi của An nam.
Y cười kiêu hãnh:
– Muốn tránh chém giết, cũng không khó. Chỉ cần Thượng hoàng đến đây cùng chúa tôi đối ẩm, rồi Thượng hoang ban chỉ cho tướng sĩ An Nam mở đường cho chúng tôi đánh Chiêm thì chư sự tốt đẹp. Chúa tôi sẽ sai ngườiù về Yên kinh xin Chí Nguyên hoàng đế sai sứ đến Thăng long cầu hôn. Công chúa sẽ trở thành vương phi Trấn Nam vương. Nay mai chúa tôi lên ngôi, công chúa đương nhiên thành hoàng hậu, mẫu nghi thiên hạ. Hai nước có tình thông gia. Dễ quá mà.
Công chúa An Tư nghĩ thầm:
– Đây là tên quân sư của Thoát Hoan, mồm mép không vừa. Nhưng ta há thua y sao?
Công chúa lại cười  rất tươi:
– Quân sư có phải là một trong những đại công thần hàng đầu của Nguyên triều không? Dường như Nguyên triều liệt quân sư vào một trong năm khai quốc công thần là  Bá Nhan, Ngột Lương Hợp Thai, Lý Hằng, A Truật.  Có đúng thế không?
– Kiến thức công chúa rộng thực.
– Nhưng lời quân sư biện luận là những lời nói lấy được. Khi sứ của Thiên triều sang, triều  đình Đại Việt đã tin lời hịch, muốn mở rộng cửa ải đón quan quân, nhưng nhiều người nêu ra những gương quy hàng rồi bị tàn sát. Nên tất cả đều cương quyết chống trả để tồn tại hơn là hàng mà chết nhục.
Thoát Hoan vần nhỏ nhẹ:
– Xin công chúa cho biết những nơi nào hàng mà còn bị giết?
An Tư chỉ vào A Lý Hải Nha:
– Những trận vương gia đánh thì không có nhiều truyện hàng còn bị tàn sát. Nhưng quân sư thì có. Có nhiều lắm. Tôi xin cử vài tỷ dụ thôi. Như hồi quân sư cầm quân đánh Đàm châu, tướng Tống đã mở cửa thành quy hàng, mà quân sư còn ra lệnh giết tuyệt cả thành. Rồi khi quân sư đánh Tĩnh giang, tướng trấn thủ theo gió hạ cờ quy hàng, mà quân sư còn ra lệnh chôn sống toàn bộ dân chúng trong thành. Lúc đánh Kinh hồ, hai tướng Tống đã hàng, mà quân sư còn giết chết, giết cả vợ con, gia thuộc, lấy óc 2 tướng uống rượu. Đó là truyện cũ. Mới đây, ngay trên đất Đại Việt này: dân chúng Đại trợ đã mở cửa chiến lũy đầu hàng, mà còn bị giết tuyệt lớn, bé, già trẻ. Nhà cửa bị đốt sạch.
A Lý Hải Nha tuyệt không ngờ cô công chúa tuổi còn quá trẻ mà kiến văn rộng như vậy. Biết A Lý Hải Nha đuối lý, Thoát Hoan cung tay đánh trống lảng:
– Không biết đại giá tiên tử của công chúa đến đây có gì dạy bảo?
Gì mà công chúa An Tư  không biết gã hoàng tử này bị nhan sắc mình bắt mất ba hồn bẩy vía! Công chúa nói:
– Thượng hoàng vừa là vua, vừa là anh. Người sai tôi tìm gặp vương gia, với đề  nghị.
– Xin công chúa cứ nói.
– Chiếu chỉ của hoàng đế Chí nguyên ban ra rằng vương gia ra quân là vì Chiêm thành chứ không vì Đại Việt. Bây giờ vương gia đã chiếm được Lạng sơn, Kinh bắc, Thăng long, Thiên trường, Trường yên, Thanh hóa, Nghệ an. Như  vậy con đường Lưỡng quảng tới Chiêm thành đã khai thông. Quan quân cứ việc chuyển quân, chuyển lương thực qua Đại Việt tùy thích. Xin Thái tử ra lệnh cho chư tướng ngăn cấm quân sĩ không nên đốt phá, giết hai dân chúng nữa.
A Lý Hải Nha cười:
– Từ  thời đức thái tổ ban ra rằng bất cứ nước nào quy phục, cũng phải tuân theo 6 điều. Chắc công chúa biết 6 điều đó.
An Tư liếc mắt nhìn Thoát Hoan, nàng lại hít một hơi thở, khiến  ngực nhô lên, thụp xuống, miệng nở  nụ cười, làm cho cả Thoát Hoan lẫn A Lý Hải Nha cùng choáng váng:
– Tôi không biết.
A Lý Hải Nha  đọc:

Một là đích thân quốc vương phải vào chầu,
Hai là đem trưởng nam làm con tin,
Ba là kê biên dân số,
Bốn là phải chịu quân dịch,
Năm là phải nộp thuế, lương thảo.
Sáu là nhận Đạt lỗ hoa xích (Đa gu ra tri) .

Công chúa An Tư lại nở nụ cười:
– Sáu điều đó Đại Việt đã thuận theo đủ rồi. Có thiếu điều nào đâu? Thượng hoàng không sang Yên kinh chầu thì đã cử chú là Nhân Hòa vương Trần Di Ái đi thay. Còn  đem con trưởng làm con tin thì huynh trưởng của tôi là Vũ Uy vương Trần Nhật Duy với chị dâu tôi là Trần Ý Ninh làm con tin từ lâu rồi.
A Lý Hải Nha cau mày:
– Thượng hoàng không sang Yên kinh chầu lấy lý do đường xá, sức khỏe không đủ đi ngựa một hành trình đường xa diệu vợi thì thôi, chúng tôi cũng tin như vậy. Bây giờ tôi cả gan thỉnh Thượng hoàng về Thăng long hội với chúa tôi ! Không lẽ Thượng hoàng đủ sức đi quãng đường Thiên trường, Thăng long ?
Y nhìn Thoát Hoan :
– Thượng hoàng không về Thăng long thì tôi lớn mật mời đại giá tiên tử công chúa ở lại. Khi nào Thượng hoàng hay Thiệu Bảo giá lâm thì chúng tôi sẽ để công chúa về Thiên trường.
An Tư chua chát  vỗ tay vào bao kiếm :
– Quân sư muốn bỏ tù tôi thì cũng nên hỏi thanh kiếm này xem nó có đồng ý hay không đã chứ?
Thình lình nàng rút kiếm chĩa vào ngực A Lý Hải Nha, động tác nhanh không thể tưởng tượng nổi. Võ công Thoát Hoan, A Lý Hải Nha đều thuộc loại cao thâm không biết đâu mà lường, đâu có dở? Cả hai tuyệt không ngờ một thiếu nữ đẹp như hoa nở thình lình xuất chiêu nhanh như vậy. Đám Thị vệ Mông cổ hét lên be be:
– Bỏ kiếm xuống!
– Ta không bỏ thì bọn mi làm gì ta? Nếu ta nhả kình lực thì tên quân sư sẽ ra sao, các người biết đó. Khi ta đến đây thì dã bỏ sống chết ra ngoài rồi!
Thoát Hoan biết An Tư  chỉ ra oai, nên y nhỏ nhẹ:
– Trời ơi! Công chúa đẹp như thế này mà sao hỏa tính mạnh quá vậy? Cô gia muốn lưu gót ngọc công chúa để chiêm ngưỡng, để phục thị  mà thôi.
An Tư thu kiếm về:
– Như vậy là Thái tử bỏ tù tôi đấy.
– Không hề ! Công chúa vẫn được tự do đi lại cùng 10 nữ Thị vệ mà. Cô gia kính cẩn mở rộng cửa tiếp đón thượng khách. Hằng ngày cô gia sẽ bầy tiệc cùng công chúa đối ẩm.
Thoát Hoan ban chỉ :
– Nào chúng ta về Thăng long. Không biết đại giá công chúa muốn đi xe hay ngựa ?
– Tôi quen dùng ngựa.
Thoát Hoan lệnh cho Ô Mã Nhi đi với hai bồi sứ. Còn 10 nữ Thị vệ thì đi với đội Thị vệ của y. Y ruổi ngựa cạnh ngựa của An Tư. Dọc đường, Hữu thừa Khoan Triệt đi cạnh Thoát Hoan. Y hãnh diện chỉ vào những làng xóm bị tàn phá : nhà cửa bị đốt sạch, các lũy tre, các cổng làng, hoa mầu, ruộng vườn bị phá tơi tả. Những xác người chết nằm rải rác khắp nơi, trên trời quạ đen từng đàn đáp xuống rỉa thịt :
– Thưa vương gia, những làng này có hệ thống phỏng thủ cực kỳ kiên cố. Nếu đánh trực diện cần phải hy sinh rất nhiều binh tướng mới phá được. May nhờ có sơ đồ phòng thủ của vương gia trao cho, thần sai quân đi ngả sau, nên đánh úp được dễ dàng. Vào trong làng thần ra lệnh đốt sạch, giết tuyệt.
An Tư hỏi Thoát Hoan:
– Vương gia! Ai đã trao sơ đồ phòng thủ các đồn, ải, làng xã cho vương gia vậy?
Thoát Hoan cười đắc chí:
– Công chúa ơi! Người cung cấp sơ đồ toàn thể hệ thống phòng thủ các ải, các chiến lũy, các làng cho cô gia là một thân vương An Nam.
– Ai vậy?
– Cô gia phải giữ bí mật, đến quân sư cô gia cũng không cho biết tên y. Kỳ này công chúa về Thăng long sẽ biết cũng chưa muộn mà. Phụ hoàng đã ban chỉ phong cho y làm An Nam quốc vương. Khi chiếu chỉ tới, cô gia sẽ làm lễ tấn phong y, công chúa sẽ biết.
Là đệ tử của Vô Huyển bồ tát, An Tư thâm nhiễm đạo Phật, lòng dạ nhân từ, công chúa xót  xa trong lòng :
– Vì bảo vệ sự nghiệp tổ tiên mà những người dân vô danh phải hy sinh.

Khi còn cách Thăng long 30 dặm, An Tư thấy quân Nguyên đóng trại san sát ven đường, trại nọ liền với trại kia thì hơi chột dạ :
– Hai hiệu binh của Hoài Nhân vương, Hoài Văn hầu bị điều đi nơi khác, chứ phải giao chiến thì e cũng bị đánh tan.
Hành dinh của Thoát Hoan đóng tại điện Giảng võ, nơi Đại Việt đặt trụ sở của Khu mật viện.
Vào trong thành, Thoát Hoan mỉm  cười :
– Khi tiến vào đây, cô gia đã ban chỉ cho tướng sĩ phải giữ nguyên cung Đào hoa của công chúa, không cho một người ra vào, không làm hại đến những chậu hoa trân quý của công chúa. Chính cô gia ngủ trên dường của công chúa để tìm lấy hương thơm. Hôm nay xin trả cho công chúa.
Y sai một tên Thái giám Việt :
– Mi đưa công chúa  về cung Đào hoa của người.
Tên Thái giám rạp người xuống dẫn đường. Tổng thái giám  Trung hiến hầu Trần Dương, phó Tổng thái giám Trung minh hầu Đào Kiên, 10 nữ Thị vệ theo sau công chúa.
An Tư nhận ra viên thái giám này là Tổng thái giám phủ Chiêu Quốc tên Trần Nhật Thanh. Công chúa hỏi :
– Công công ! Công công phục thị ở phủ Chiêu Quốc tại Cố trạch, sao công công cũng có mặt ở đây ?
Nhật Thanh đáp như người mất hồn :
– Chiêu Quốc vương sắp lên ngôi Cửu ngũ, người đã đem tất cả cung quyến cùng Thị vệ, Thái giám, cung nữ từ Cố trạch về đây từ mấy ngày rồi.  Các vương phi ở trong những cung của hoàng hậu, phi tần của nhà vua. Còn vương ở cung Long thụy.
Tổng Thái giám Trần Dương hỏi :
– Như vậy Chiêu Quốc vương cùng vợï con chiếm trọn những nơi hoàng thượng với hoàng hậu, phi tần ở. Đúng là loạn thần tặc tử rồi.
 Nhật Thanh thở dài :
– Chỉ duy cung Đào hoa của công chúa thì khi nhập thành Trấn Nam vương không cho ai đụng đến. Vương ngủ ở đây để tìm hơi hướm của công chúa. Vương nói, đợi Chiêu Quốc vương lên ngôi sẽ ban chỉ gả công chúa cho vương.
Trung minh hầu Đào Kiên hỏi :
– Tôi nghe, trước đây Nguyên phi của hoàng đế Chí Nguyên đã gả một ca nhi sắc nước hương trời tên Ngọc Trí cho Thoát Hoan. Thoát Hoan sủng ái cùng cực. Y có nhiều phi  tần, nhưng trong cuộc ra quân này, y chỉ mang Ngọc Trí theo. Vậy Ngọc Trí đâu rồi?
Nhật Thanh cười nửa miệng:
– Khi chiếm được Chi lăng, A Lý Hải Nha nói: quân sắp đánh vào Kinh bắc, Thăng long là nơi có nhiều người đẹp, các tướng tha hồ bắt mà hưởng;  nên y ra lệnh các tướng phải để vợ con lại Chi lăng. Vì vậy từ khi vào Thăng long, quân Mông cổ lùng sục khắp nơi bắt con gái đẹp dâng cho chúa tướng.
An Tư hỏi Nhật Thanh:
– Chiêu Quốc vương đâu ?
– Người đang ở điện Giảng võ chờ đón Trấn Nam vương làm lễ đăng quang, lên ngôi Cửu ngũ.
– Lên ngôi Cửu ngũ ?
– Vâng, hoàng đế Chí nguyên ban chỉ truất phế hoàng đế Thiệu Bảo, phong cho Chiêu Quốc vương lên thay làm An Nam quốc vương. Chiếu chỉ do sứ mang đến hôm qua.
An Tư rúng động tâm can:
– Giòng họ Đông a nhà mình từ 10 đời nay nổi tiếng về phương diện anh em tương thân. Mà bây giờ sắp chém giết nhau rồi đây.
Tới cung Đào hoa, An Tư thấy từ giường nệm, bàn ghế, nhà bếp cho tới vườn cảnh còn y nguyên. Công chúa cảm động :
– Gã Thoát Hoan quả  thực sủng ái mình.
Tên Thái giám Nhật Thanh nhìn 10 nữ Thị vệ nói :
– Võ công các cô cao. Nhưng liệu có giữ được thân trong trắng với bọn quỷ sứ Mông cổ không ? Đêm qua tất cả các vương phi cũng như cung nữ phủ Chiêu Quốc, đều bị thất thân với bọn tướng Mông cổ.
– Còn chánh phi với các quận chúa ?
– Chính vương gia dâng chánh phi Lê Hương Thủy cho quân sư A Lý Hải Nha. Hai quận chúa cho Lý Hằng,  Lý Quán. Sáng hôm qua vương phi với hai quận chúa thắt cổ tự tử. Vương gia truyền đem xác về Thiên trường chôn.
Nói dứt y xá công chúa rồi trở lại diện Giảng võ.
Những lời của viên Thái giám Nhật Thanh nói, làm An Tư bừng tỉnh :
– Hỡi ơi ! Suốt 18 năm qua, trên cao nhất là phụ hoàng Thái tông cho tới Hưng Ninh vương, Hưng Đạo vương, Vũ Uy vương hết sức truy tìm hai tên thân vương Vuông, Tròn mãi quốc cầu vinh. Đã tìm ra tên Vuông là chú Di Ái, mà chưa tìm ra tên Tròn. Không ai có thể ngờ anh Ích Tắc. Anh Ích Tắc là người có tài nghiêng trời lệch đất được trao cho trấn thủ Thăng long, quản Khu mật viện, lại là tên thân vương Tròn.
An Tư vào trong phòng, định nằm nghỉ, bất giác nàng giật mình, vì trong phòng có hai người, một người ngồi, một người nằm. Người nằm là đàn bà. Người ngồi là đàn ông. Hai người đều đeo mặt nạ da người. Công chúa rút kiếm chĩa vào người đàn ông:
– Người là ai mà dám  vào đây?
Người đàn ông bật tay một cái, dùng hai ngón tay giữa và trỏ kẹp cứng thanh kiếm, một luồng chân khí truyền theo kiếm vào tay, làm An Tư cảm thấy tê liệt. An Tư buông kiếm nhảy lùi lại.
Vốn cực thông minh, An Tư biết rằng 2 người này không có ác ý. Nàng hỏi tiếp:
– Các người là ai?
Người đàn ông trả lời:
– Tôi là người cùng xương, cùng thịt với công chúa.
Tiếng nói rất quen thuộc.  Nói dứt, 2 người lột mặt nạ ra:
– Cháu kính chào cô.
Thì ra Quốc Toản với Như Vân.
– Các cháu vào đây bằng cách nào?
– Cô biết không? Trong Hoàng thành có một đường hầm thông ra hồ Tây.
– Có, nhưng không biết cửa hầm đó ở đâu!
– Con đường này chỉ hoàng đế mới được biết. Hầm đào  vào thời vua Lý Thái tổ. Nguyên niên hiệu Thuận thiên  thứ nhất, khi dời đô từ Hoa lư ra đây (1010), ngài thấy cái gương các hoàng tử con vua Lê  Đại Hành chém giết nhau cực kỳ tàn bạo. Ngài mới nảy ý xây một đường hầm từ Hoàng thành ra hồ Tây, phòng khi chính biến, nhà vua có thể thoát thân.
– Cô sống cạnh Thượng hoàng bao nhiêu năm mà cũng không biết. Tại sao cháu biết?
– Trước khi rút khỏi Thăng long, Thượng hoàng gọi cháu với Hoài Nhân vương vào, cho hai dứa biết, phòng khi cần còn xử dụng. Bác Hưng Đạo ấm ức vì không biết tên thân vương Tròn là ai, người sai cháu với Hoài Nhân cố tìm cho ra. Từ hôm triều đình rút khỏi Thăng long, đêm nào cháu với Hoài Nhân, Như  Vân, Nang Tiên cũng dùng đường hầm này vào dò xét. Bây giờ chúng cháu tìm ra tên thân vương Tròn rồi. Hơn nữa biết rõ những âm mưu của Nguyên.
– Ngoài vụ chú Ích Tắc, cháu đã tìm ra được những gì?
– Nhiều lắm! Ích Tắc dâng sơ đồ phòng thủ các ải cho Thoát Hoan. Thì bây giờ cháu với Như Vân sao chép được tất cả phóng đồ phòng thủ các đồn của Nguyên từ Vân nam đến Kinh bắc, từ Lạng sơn tới Gia lâm. Bác Quốc Tuấn sẽ dùng  phóng đồ phá các đồn của chúng dễ dàng.
Như Vân  nhìn An Tư lắc đầu:
– Cô đẹp quá. Thế nhưng cháu không ngờ Chiêu Quốc vương lại táng tận lương tâm, người nhất định dâng cô cho tên Thoát Hoan đấy. Cô phải cẩn thận.
– Anh ấy muốn dâng là truyện của anh ấy. Còn cô có thuận hay không mới là điều quan trọng.
Trung hiến hầu Trần Dương than :
– Đúng như công chúa Như Vân nói. Chiêu Quốc vương thực là người táng tận lương tâm. Trong khi đi thuyền từ Thăng long về Thiên trường, hoàng thượng cứ thắc mắc mãi về việc ải Chi lăng, Nội bàng, Kiếp bạc phòng thủ kiên  cố như vậy mà bị vỡ mau chóng. Thì ra chính vương cung cấp tất cả sơ đồ đồn trú, phòng thủ các ải, các chiến lũy cho Thoát Hoan.
An Tư chợt hiểu ra:
– Nội cung dùng thuyền âm thầm ra đi trong đêm, đến quỷ thần cũng không biết, thếù mà Mông cổ  biết đường tắt chặn ngang sông, rồi truy đuổi phía sau. Thì ra Chiêu Quốc vương đã chỉ con đường mật cho kị binh vượt lên trước, vương còn cung cấp thuyền cho chúng. Rồi nữa trong 6 làng thì khi đánh một làng Lý Hằng phải tốn không biết bao nhiêu nhân mạng mới đánh được. Năm làng kia đánh không nổi. Khi Thoát Hoan tới thì các cánh quân đánh vào 5 làng còn lại dễ dàng vì chúng biết hệ thống phòng thủ.
Công chúa nghiến răng:
  Chiến lũy  Tam lộ, 8 làng từ Thăng long đến Tam lộ, phòng thủ kiên cố biết là dường nào. Thế mà đạo quân của Khoan Triệt đều biết ngõ sau không phòng thủ, rồi đánh vào. Chiến lũy Tam lộ, 8 làng thất thủ quá dễ dàng.
Quốc Toản nói với An Tư:
– Lát nữa đây Thoát Hoan làm lễ tấn phong cho chú Ích Tắc lên ngôi An Nam quốc vương. Cháu sẽ cùng Dã Tượng, Yết Kiêu, Thúy Hồng, Cao Mang, Thủy Tiên, Hoài Nhân, Triệu Trung, phá nát buổi lễ ra cho bõ ghét.
Công chúa gọi Trần Dương, Đào Kiên, 10 nữ Thị vệ ban chỉ :
– Hai hầu với các em theo Hoài Văn hầu với công chúa Như Vân dùng đường hầm ra hồ Tây, rồi tìm dân thuyền khẩn về Vạn kiếp cáo với Hưng Đạo vương những gì hai bầu biết  từ hôm theo tôi, sau đó đi Thiên trường báo tình hình cho Thượng hoàng với hoàng thượng. Nhớ hai người đi hai thuyền khác nhau, kẻo lỡ một người bị giặc  bắt, người còn lại mới thoát thân.
Quốc Toản, Như Vân dẫn hai hầu, 10 nữ Thị vệ rời cung Đào hoa.
14 người vừa đi khỏi thì Nhật Thanh trở lại:
– Chiêu Quốc vương mời công chúa.
An Tư theo thái giám Nhật Thanh tới điện Giảng võ. Ngoài điện, Thị vệ Mông cổ dàn ra cực kỳ uy nghiêm. Văn chiêu hầu Trần Văn Lộng đang lăng xăng tiếp khách. Công chúa chửi thầm:
– Tên này đang thống lĩnh hiệu binh Trung thánh dực, trấn ở vùng Tam đảo, Thảo lâm, Bình lệ nguyên (Bạch hạc). Sao lại có mặt ở đây?
Giữa điện một bàn thờ, 4 góc 4 đỉnh hương, khói nghi ngút. Một bài vị lớn đề tên các vua Mông cổ, cao nhất là Thành Cát Tư Hãn, Thái tông Oa Khoát Đài, cuối cùng là Tuyên Túc hoàng đế, miếu hiệu là Hiến Tông (Mông ca).
An Tư đảo mắt nhìn khắp trong điện, thấy gần như đầy đủ tướng soái Mông cổ, chỉ thiếu có 4 người là Thoát Hoan, thân vương Giảo Kỳ, thân vương Hốt Khê Xích, quân sư A Lý Hải Nha. Tất cả tướng soái Mông cổ ngồi trên những dẫy ghế đối diện với bàn thờ. Hai khu hai bên dành cho các tướng, thân vương, hoàng tộc Việt. Công chúa An Tư được mời vào vị trí danh dự cạnh chỗ ngồi của Thoát Hoan.
Điểm mặt người Việt, An Tư giật mình vì thấy Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, các quan văn võ trong Khu mật viện, trong Tòa Tổng trấn Thăng long như Nghĩa Quốc hầu Trần Vân, Lê Diễn, Trịnh Long. Chương Hiến hầu Trần Kiện, thống lĩnh hiệu binh Thiên cương, và các chức sắc của trường Lạn kha, các quan văn võ của tòa Tổng trấn Ái châu (Thanh hóa). Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn, thống lĩnh hiệu binh Tứ thiên và các quan văn võ tòa  Tổng trấn Trường yên như Vũ Đạo hầu Trần Nghi, Minh thành hầu Trần Thế Hiệp, Minh Trí hầu Trần Cư, Trương hòa hầu Trần Dị. Văn chiêu hầu Trần Văn Lộng, thống lĩnh hiệu binh Trung thánh dực, các quan văn võ tòa Tổng khu chiến Tam đảo, Thảo lâm, Bình lệ nguyên (Bạch hạc).
Người điều khiển buổi lễ là Tả thừa Lý Hằng. Lý Hằng hướng cử tọa nói lớn:
– Từ gần 20 năm qua, một người bác học đa năng của An Nam là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đã âm thầm quy phục Thiên triều. Gần đây với cương vị Quản Khu mật viện, Tổng trấn Thăng long vương đã lập không biết bao nhiêu công trạng với Thiên triều. Xin kể ra một vài vụ.
Trần Ích Tắc xua tay, ý ngăn cản Lý Hằng kể ra nhưng vụ đâm sau lưng Đại Việt. Nhưng vương đâu biết  rằng đó là chủ ý của Thoát Hoan, làm cho quần chúng khinh ghét vương, để vương không bao giờ dám chống lại Mông cổ.
Sau khi Lý Hằng kể hết những công trạng của Ích Tắc với Nguyên:
– Cung cấp tất cả tin tức của triều đình An nam suốt 20 năm qua.
– Nộp tất cả sơ đồ phòng thủ các chiến lũy, các đồn, các làng cho Trấn Nam vương.
– Điều các hiệu binh trấn thủ Thăng long đi nơi khác cho quân Thiên triều chiếm kinh đô không phải bắn một mũi tên, chém một chiêu kiếm.
– Cung cấp đường trốn chạy khỏi Thăng long của Nhật Huyên,  Trần Khâm.
– Cung cấp chiến thuyền cho quân Thiên triều đuổi bắt Trần Khâm.
– Ban lệnh cho các làng xã quanh Thăng long nộp lương thảo cho quân Thiên triều.
– Kêu gọi các đại tướng cầm quân, đem các hiệu binh về hàng. Đó là: Văn chiêu  hầu Trần Văn Lộng, Tổng trấn Tam đảo, Bình lệ nguyên và hiệu binh Trung thánh dực. Chương Hiến hầu Trần Kiện, tổng trấn Nghệ an với hiệu binh Thiên cương. Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn, Tổng trấn Trường yên và hiệu binh Tứ thiên. Với các văn võ tòa  Tổng trấn Trường yên như Vũ Đạo hầu Trần Nghi, Minh thành hầu Trần Thế Hiệp, Minh Trí hầu Trần Cư, Trương hòa hầu Trần Dị.
Lý Hằng kết luận:
– Vì vậy Thiên triều quyết định phong cho vương làm An Nam quốc vương, thay thế Trần Khâm, hiện tại đào. Hôm qua sứ giả đem sắc tới. Vì vậy mới có lễ tấn phong này.
Trong điện ồn lên những tiếng bàn tán.
 Ba hồi chiêng trống vang lừng. Lý Hằng hô:
– Thiên sứ tới. Tất cả quỳ gối.
Một văn quan gốc Hán hai tay bưng cái khay bạc, trên khay có một trục giấy. Phía sau là Thoát Hoan, Giảo Kỳ, Hốt Khê Xích, A Lý Hải Nha.
Viên sứ thần bưng khay để lên bàn thờ. Các thân vương, Thoát Hoan về chỗ ngồi. Lý Hằng lại hô:
– Mời Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Văn chiêu hầu Trần Văn Lộng, Chương Hiến hầu Trần Quang Kiện, Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn lên nhận sắc chỉ.
Bốn người lên trước bàn thờ lễ tám lễ. Văn quan mở trục đọc chiếu chỉ. Đó là một bản văn bằng Hán ngữ, nội dung khoe Thượng đế mặt trời giáng sinh thành Thành Cát Tư Hãn, thần văn, thánh vũ, chinh phục tất cả dân dưới hạ giới. Cho nên con cháu người là Hốt Tất Liệt diệt Tống, Liêu, Kim, chinh phục Cao ly,  Đại lý, Hồi cương, Tây tạng, Đại Việt. Nay xét công lao, phong chức tước như sau:
Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc lĩnh:

Thái sư thượng trụ quốc,
Khai phủ đồng nghị tam tư,
Đồng trung thư môn hạ bình chương sự,
An sát sứ,
Xử trí xứ,
Nam phương tĩnh lự công thần,
 An Nam quốc vương,

Văn chiêu hầu Trần Văn Lộng lĩnh:
Hổ uy đại tướng quân,
Trung liệt, minh tâm công thần,
 Văn chiêu công,
Tổng trấn Thăng long.

Chương Hiến hầu Trần Quang Kiện lĩnh:
 Nam uy đại tướng quân,
Vũ uy minh văn công thần,
 Chương Hiến công.
Tổng trấn Bắc cương.

Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn lĩnh:
Trấn viễn đại tướng quân,
Thành tâm, nghĩa dũng công thần,
Văn Nghĩa công,
Tổng trấn Hoan châu, Ái châu.

Bốn người hướng  bàn thờ lạy. Lúc lạy đến lần thứ nhì thì  Trần Quang Kiện giật mình khi thấy 4 người trùm đầu trang phục như nông dân, đứng sững sau bài vị của 4 tiên đế Mông cổ. Y dừng lại quát lớn:
– Bọn mi là ai mà dám đến chỗ tôn nghiêm này hý lộng quỷ thần?
Bốn người cười khằng khặc. Ích  Tắc, Quang Kiện, Tú Hoãn,  Văn Lộng nhảy lên chụp 4 người. Bốn người vọt mình nhảy ra bốn phía. Bọn Ích Tắc tung mình đuổi theo.
Trong điện náo loạn cả lên.
Thình lình bốn tiếng ầm, ầm, ầm, ầm, rồi nóc điện thủng 4 lỗ, bốn người khác từ bốn phía đáp xuống như bốn con đại bàng. Một người vung quyền dáng xuống đầu viên sứ, bộp, đầu y vỡ ra. Người đó chụp cuộn giấy chiếu chỉ. Ba người chia ra đứng ba góc nam, đông, tây phóng chưởng đánh vỡ nát bàn thờ. Cả bốn người, mỗi người cùng tung ra một trái cầu lửa, khói bốc mịt mờ, mọi người ôm mắt hét lên:
– Khói có độc.
– Cay mắt chết đi thôi!
– Thế này thì mù mắt rồi.
Mọi người nín thở ôm mắt la hoảng.
Lý Hằng quát lớn:
– Có thích khách. Các vị ngồi yên tại chỗ tránh đánh lẫn nhau.
Bốn người đứng giữa điện oai phong lẫm liệt.
Người gầy dõng dạc nói lớn:
– Các người họp nhau đây làm cái trò hề phong chức tước cho bọn mãi quốc cầu vinh, bọn phản cha, hại anh. Khó lắm!
Người cướp chiếu chỉ cầm cuộn giấy xé làm 2, rồi làm 4, làm 8, làm 16. Rồi ném xuống thềm điện, dí chân đạp lên.
Ô Mã Nhi phóng chưởng đánh thích khách cướp chiếu chỉ. Người ấy cười nhạt trả lại một chiêu. Rầm một tiếng. Cả hai lảo đảo lui lại.Các võ quan Mông cổ đều bật lên tiếng kinh ngạc. Vì Ô Mã Nhi là đệ nhất cao thủ của triều Nguyên.
Ô Mã Nhi vung kiếm xỉa vào thích khách đeo kiếm. Thích khách rút kiếm đỡ, chít một tiếng, kiếm của Ô Mã Nhi bị đứt, tay y chỉ còn cái chuôi. Kinh hoảng y lùi lại gườm gườm nhìn đối thủ. Người này hướng Thoát Hoan phóng một chưởng. Chưởng phong mạnh như bài sơn đảo hảo. Thoát Hoan kinh hãi nghiến răng vận đủ 10 thành công lực đỡ. Ầm một tiếng, y bay bổng lên cao, rơi xuống chỗ các văn võ Nguyên ngồi.  Thân vương Giảo Kỳ đánh một chiêu, cắt ngang chưởng lực của người ấy cứu Thoát Hoan. Người ấy phát chiêu thứ nhì, Thoát Hoan gào lên:
– Mạng ta cùng rồi.
Ô Mã Nhi, Đường Ngột Đải cùng phát chiêu đỡ chưởng cứu chúa. Rầm một tiếng, hai người bật tung lại sau, cả hai ọe lên một tiếng rồi mửa ra một búng máu. Bốn tướng Mông cổ cùng rút vũ khí tấn công người ấy. Người ấy vung kiếm, vũ khí bốn võ tướng cùng bị tiện đứt.
Lý Hằng, A Lý Hải Nha tấn công hai thích khách còn lại. Nhưng cả bốn người trơn tuột như con cá trạch xuyên bên đông, lách bên tây, tránh khỏi các thức tấn công; thấp thoáng một cái cả 4 người đã rời khỏi điện.
Viên thiên phu chỉ huy Thị vệ đến trước Thoát Hoan xin chịu tội, vì không bắt được thích khách. Thoát Hoan vẫy tay:
– Người không có tội gì cả. Thích khách là những người có bản lĩnh siêu việt.
Trật tự trong điện đã được lập lại. Lý Hằng hỏi Trần Ích Tắc:
– Vương gia! Vương gia từng quản Khu mật viện An Nam, vương gia có nhận ra lý lịch 4 thích khách không?
Trần Ich Tắc chưa kịp trả lời thì Ô Mã Nhi đã nói:
– Tổ bà nó! Cái tên cướp sắc chỉ đích thị là gã Dã Tượng. Vì tôi đã từng đối chưởng với y tại điện Quang minh trong thành Yên kinh. Lại từng đấu với y trong trận Thảo trường ở Tứ xuyên.
Y tần ngần cầm thanh kiếm chỉ còn cái chuôi:
– Cái tên nhóc con công lực thực cao thâm không biết đâu mà lường. Tôi xả một kiếm định giết y, y rút kiếm đỡ, chặt đứt kiếm của tôi. Tôi đối một chưởng với y, cánh tay gân như tê liệt. Dường như y còn trẻ. Không biết là ai?
Trần Ích Tắc tỏ ra thông thạo:
– Y tên là Trần Quốc Toản, tước Hoài Văn hầu. Hữu thừa bình tâm. Những người bản lĩnh như tên ôn con này không nhiều đâu. Thanh kiếm của y có tên Trấn bắc, rất sắc bén.
Các tướng nghe đến tên Trần Quốc Toản đều ghê ghê, nổi da gà, mặt nhìn mặt.
Đường Ngột Đải thắc mắc:
– Dường như tên Trần Quốc Toản chỉ dọa vương gia mà thôi. Như lúc y phát chưởng đánh tôi với Ô Mã Nhi, rõ ràng khí lực chúng tôi bị tuyệt, y chỉ vung tay thì vương gia đã mất mạng. Nhưng y thu chiêu lại.
– Lại còn tên thân hình nhỏ thó, y vung tay gạt một cái, làm cánh tay tôi muốn tê liệt!
– Đó là một mụ đàn bà. Mụ là vợ tên chăn trâu Dã Tượng, tên Lý Thúy Hồng.
Lý Quán than:
– Cái tên hộ vệ tên Dã Tượng là ai? Mà y vung kiếm, đẩy lui tôi với vương gia?
– À đó là một người đàn bà, y là công chúa Thủy Tiên, vợ của thằng Phạm Ngũ Lão.
Lý Hằng hỏi Ích Tắc:
– Vương gia! Còn bốn tên hý lộng quỷ thần, mà vương gia với 3 quân hầu đuổi theo là ai? Có bắt được chúng không?
– Chúng tôi không bắt được đứa nào cả. Nhưng tôi biết lý lịch chúng. Một đứa là cháu gọi tôi bằng chú ruột tên Trần Quốc Kiện, tước phong Hoài Nhân vương, thống lĩnh hiệu binh Tứ thần.
Ô Mã Nhi, Lý Hằng từng giao chiến với Hoài Nhân vương tại con đường thượng đạo từ Bắc cương đi Phú lương. Cả hai từng nếm mùi thất bại; nghe nói đến vương, cả hai cùng bật lên tiếng ái chà.
Ích Tắc tiếp:
– Tên thứ 2 là Cao Mang, thống lĩnh hiệu binh Củng thần Lĩnh chức Chiêu võ thượng tướng quân, tước Chiêu dương hầu. Tên thứ ba là Trần Quốc Vỹ, lĩnh chức  Đông hải Thiên kình đại tướng quân, tước An biên đình hầu, hiện Thống lĩnh Ngạc ngư binh. Tên cuối cùng là Triệu Trung. Y là người Tống, tước phong Trường sa quốc công hiện thống lĩnh hiệu binh Văn Thiên Tường . Chúng tôi đuổi chúng tới bờ sông Hồng thì chúng phóng xuống một con thuyền, chèo ra giữa giòng. Chúng tôi đành trở về.
A Lý Hải Nha than:
– Bốn vị mắc mưu diệu hổ ly sơn của chúng. Chúng dẫn dụ vương với ba hầu rời khỏi đây cho bốn tên Dã Tượng, Trần Quốc Toản, Lý Thúy Hồng, Trần Thủy Tiên gây náo loạn, cướp, hủy chiếu chỉ của Thiên triều.

Thoát Hoan truyền giải tán buổi lễ. Y chỉ lưu các quan văn võ của Nguyên lại mà thôi. Chân tay y vẫn còn run lập cập.
A Lý Hải Nha ra lệnh cho Ô Mã Nhi:
– Tướng quân điều động Thị vệ canh phòng cẩn mật.
Ô Mã Nhi dẫn Thị vệ kiểm soát trong, ngoài điện một lượt, rồi vào trong điện:
– Trình quân sư, hoàn toàn an ninh. Có thể họp được rồi.

Mở đầu Thoát Hoan hồ hởi nói:
– Thời Đông Hán, Mã Viện bình định Giao chỉ rồi, y đúc một cột đồng trụ, sai khắc chữ :
Đồng trụ chiết,
Giao chỉ triệt.
Nghĩa là nếu Đồng trụ gẫy thì đất Giao chỉ bị tuyệt. Dân Giao chỉ sợ cột Đồng trụ bị gẫy nên mỗi người đi qua, đều cầm viên đất hay đá ném vào chân cột. Vì vậy lâu ngày, đá đất lấp mất, không biết cột đó ở đâu. Từ hơn nghìn năm qua các triều đại Trung nguyên mỗi lần đem quân sang đánh Giao chỉ, đều bị thất bại. Nam Hán xuất binh, Thái tử Hoàng Thao bị bắt, bị giết. Thời Tống, Tống Thái tông sai bọn Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Trung, Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân sang đánh bị phá ở Chi lăng, Bạch đằng. Thời Tống Thần tông sai bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết đem quân nghiêng nước sanh đánh bị thất bại ở Như Nguyệt, Kháo túc. Mới đây Ngột Lương Hợp Thai tuân chỉ phụ hoàng đem quân sang đánh cũng bị phá ở Đông bộ đầu, Cụ bản, Phù lỗ. Bây giờ ta đuổi bọn Nhật Huyên khỏi Thăng long, chúng chạy như chuột. Ta chiếm Thăng long. Ta đã khai thông con đường từ Lạng sơn tới Nghệ an. Ta sẽ đem quân bình Chiêm. Sở dĩ được như vậy là nhờ công lao chư tướng. Vậy ta phải đúc một cây đồng trụ thực to, đặt giữa Thăng long, trên khắc bài minh ghi chiến công của ta. Các vị nghĩ sao?
A Lý Hải Nha nói đầy kiêu khí:
– Vương gia thực là người trí tuệ siêu việt. Bây giờ ta cho quân vào các làng thu chuông trong những ngôi chùa, lại thu mâm đồng, nồi đồng, đem về nấu ra. Ta không đúc một cột hình trụ nhỏ như Mã Viện, mà một cột hình nón. Ta sẽ đúc thành những mảnh hình khum dài 2 trượng rưỡi, bốn mảnh ghép lại, hàn dính vào nhau thành những ống to bằng ba người ôm. Lại chồng 4 ống thành hình trụ cao  10 trượng. Trong ống, ta đào mồ bọn Trưng Trắc, Trưng Nhị, bọn Đinh Bộ Lĩnh,  bọn Ngô Quyền, 8 đời vua triều Lý, bọn Lý Thường Kiệt, Tôn Đản lấy xương bỏ vào trong ống đồng, cho dân Man Việt kinh sợ. Bên ngoài ta khắc bài minh bằng chữ Hán, chữ Nãi man, chữ Hoa thích tử mô, chữ Nga la tư, chữ  Ý lợi thì, chữ Đức lan tây, chữ  Pháp lan tây thuật chiến công này.
Ô Mã Nhi hỏi:
– Tại sao không đào mồ tổ tiên bọn họ Trần lên, giam chung với bọn kia?
Lý Hằng xua tay:
– Tướng quân ơi! chúng ta đã phong tên gian vương Trần Ích Tắc làm An Nam quốc vương, ta cần dùng y để an dân. Y như con chó săn cho ta. Nếu ta đào mồ tổ tiên y lên thì dân chúng không ai theo y. Việc bình định An Nam sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
Thoát Hoan ban chỉ:
– Bọn Nhật Huyên, Thiệu Bảo trốn như chuột. Ta đã nặn ra một tên An Nam quốc vương mới. Ngày mai y họp tân triều đình, gửi sứ đến các An phủ sứ, Tuyên vũ sứ, các tướng thống lĩnh binh lực. Cuộc bình An nam coi như hoàn tất. Bây giờ các vị ở đâu về đó. Chúng ta chờ hoàng thượng ban chỉ lập An Nam tuyên phủ ty, rồi chúng ta rút quân. Thôi giải tán.
Hôm sau Lý Hằng tới mời Thoát Hoan ra xem đúc ống đồng. Người chỉ huy đúc là Lộ Giáng Kim Mạnh (Laurent Krismer)  (1) người Đức lan tây, một kỹ sư theo Mông cổ hồi Tốc Bất Đài đem quân đánh nước này. Y là người chuyên về luyện kim chế vũ khí giỏi nhất cho đạo quân Thoát Hoan. Kim Mạnh trình bầy:
– Khải vương gia, theo lệnh quân sư thì cột  đồng sẽ có hình nón, cao 16 trượng (32 mét ngày nay), chia làm 4 tầng, mỗi tầng cao 4 trượng (8m). Đáy có đường kính 1 trượng (2m), đỉnh có đường kính 1 phần tư trượng (0,50m). Hai tầng dưới cùng có 2 cửa mở ra. Tiểu nhân đã đúc xong 2 tầng lớn nhất; mỗi tầng gồm 4 mảnh khum ghép lại với nhau thành hình trụ.
Thoát Hoan quan sát nhưng mảnh khum sáng choang, y dùng ngón tay đo bề dầy, tới 2 ngón chỏ.
A Lý Hải Nha trình bầy:
– Trên đỉnh sẽ gắn hình con đại bàng đang xòe cánh bay. Tầng thứ nhất quá cao sẽ khắc hình 9 con chim ưng đang bay. Tầng thứ nhì khắc bài minh bằng chữ Đức lan tây, Pháp lan tây. Tầng thứ ba khắc bài minh bằng chữ Ý lợi thì, Hoa thích tử mô. Tầng dưới cùng khắc chữ Nãi man, Tây tạng và Hán văn.
Thoát Hoan hỏi Lý Quán:
– Hữu thừa phụ trách thu đồng, đã thu được bao nhiêu?
– Khải vương gia, lính công binh thu được hơn trăm quả chuông, tám mươi tượng Phật đều bằng đồng thau. Trên ba nghìn nồi, xanh bằng đồng trụ. Không biết có cần thu nữa không?
Kim Mạnh xua tay:
– Đủ rồi! Đủ quá rồi, không cần thu nữa.
Thoát Hoan ban cho Kim Mạnh một cái hổ phù, một kim bài và 5 nén vàng, khen ngợi:
– Tướng quân tiếp tục đúc 2 tầng còn lại, hàn với nhau. Cô gia sẽ làm lễ tế thần, rồi cho dựng cột đồng.
Y ban chỉ cho Trần Ích Tắc:
 _ An Nam quốc vương! Cô gia cần 50 đồng nam, 50 đồng nữ từ 8 tới 12 tuổi. Quốc vương trao cho Hữu thừa Lý Hằng, để dùng vào một việc cơ mật.
Trần Ích Tắc không biết gì về việc ếm linh khí. Nghe Thoát Hoan ban chỉ, y chỉ biết tuân theo, ra lệnh cho bọn Trần Kiện, Trần Tú Hoãn, Lê Tắc vào các làng ven đô tuyển đồng nam, đồng nữ. Chúng nói với cha mẹ bọn trẻ rằng: Triều đình tuyển trẻ đến hồ Tây dự lễ dựng cột đồng .
             Thoát Hoan quan sát những mảnh khum sáng choang, y dùng ngó n tay đo bề dầy, tới 2 ngón chỏ.
A Lý Hải Nha mời Thoát Hoan vào điện Giảng võ họp khẩn. Lý Hằng trình  bầy:
– Bọn Man Việt không thể tin được. Sau buổi họp hôm trước; bọn văn võ quan thuộc Khu mật viện và Tòa tổng trấn Thăng long, đã đem tất cả hồ sơ của Khu mật viện trốn về Thiên trường rồi. Triều Trần cử  Hưng Vũ vương lĩnh Khu mật viện, Tổng trấn Thăng long thay Trần Ích Tắc.
Thoát Hoan than:
– Ái chà! Nguy quá! Mất Khu mật viện từ nay ta như người mù không biết tin tức gì về bọn Nhật Huyên nữa.
Lý Hằng tiếp:
– Trước đây triều đình An Nam  nghi ngờ bọn Trần Quang Kiện, Trần Văn Lộng, Trần Tú Hoãn, nên đã sai hai tên ôn con Trần Quốc Kiện, Trần Quốc Toản âm thầm ban chỉ cho các quân, sư trưởng của ba hiệu binh dưới quyền ba tên này rằng: phải đề phòng. Khi thấy ba người theo ta thì trở mặt không tuân lệnh nữa. Vì vậy quan quân của tòa Tổng trấn Thăng long, Hóa châu, Trường yên, Tam đảo thấy bọn Ích Tắc, Quang Kiện, Văn Lộng, Tú Hoãn hàng ta, chúng đã trở mặt chống lại bọn Tắc, Kiện, Lộng, Hoãn. Bọn này phải dẫn vợ con bỏ chạy vào trại quân ta, để được bảo vệ.
Thoát Hoan ban chỉ:
– Cho quân hộ vệ đưa chúng về Yên kinh. Chỉ giữ lại tên Ích Tắc thôi.
Ô Mã Nhi kinh ngạc:
– Đem chúng về Yên kinh ư?
Thoát Hoan cười nhạt:
– Ta phong chức tước cho bọn Tắc, Hoãn, Lộng, Kiện với mục đích để chúng dùng văn quan võ tướng với các hiệu binh làm chó săn cho ta đánh bọn Trần Huyên, Trần Khâm. Bây giờ chúng không còn văn quan, võ tướng và binh lính thì dùng làm gì?
A Lý Hải Nha gọi Minh Lý Tích Ban (2):
– Tướng quân là người trí dũng song toàn. Tướng quân lĩnh một thiên phu, hộ tống gia thuộc của bọn hàng thần, đưa về Yên kinh.
– Thưa quân sư, gia thuộc, gia tướng của bọn này đông vô cùng, ít ra trên  ba nghìn người. Chúng là vương, là hầu nên của cải súc tích, tính trung bình ít ra từ 3 trăm đến 5 trăm xe, lềnh kềnh vô cùng. Đường từ đây tới Lạng sơn, Ung châu quân ta đóng đồn chằng chịt thì có thể có an ninh. Nhưng đường Ung châu tới Yên kinh, đoạn qua núi Hỏa giáp, Đại giáp, suối Ngọc tuyền, bọn Cần vương Tống thường giả làm trộm cướp, chúng sẽ phục kích đánh cướp; thì với 1 thiên phu, tiểu tướng không bảo vệ nổi.
Thoát Hoan xua tay:
– Tướng quân không cần bảo toàn cho gia thuộc bọn gian thần tặc tử này. Võ công chúng không tầm thường đâu. Chúng có bị giết, bị cướp cũng chẳng sao!
Thoát Hoan rời điện Giảng võ, trong lòng hân hoan, vì lát nữa y sẽ được động phòng hoa chúc với công chúa An Tư, là điều y mơ ước suốt mấy năm qua. Khi đến gần cung Đào hoa thì gặp Trần Ich Tắc. Y hỏi:
– Quốc vương! Kết quả ra sao?
 Nguyên mấy hôm trước Ích  Tắc dâng vương phi Lê Hương Thủy cho Thoát Hoan. Vương phi tuy là người đẹp mượt mà, nhưng tuổi đã 32, hơi lớn. Sau ba đêm hưởng thụ, y thấy vương phi tỏ ra miễn cưỡng. Ích Tắc lại dâng Hương Thủy cho A Lý Hải Nha. Nhưng chỉ được 2 dêm, Hương Thủy thắt cổ tự tử. Ích Tắc thấy mình đã muối mặt dâng vợ cho Thoát  Hoan, mà Thoát Hoan không tìm thấy lạc thú. Lúc nào Thoát Hoan cũng mơ màng đến công chúa An Tư. Ích Tắc hứa khi lên ngôi sẽ ban chỉ gả An Tư cho Thoát Hoan. Hôm trước Ích Tắc được phong tước An Nam quốc vương, tuy bị Quốc Toản, Dã Tượng phá nát. Nhưng y cũng thân đến cung Đào hoa dùng lời ngọt ngào thuyết phục cô em gái chịu làm vương phi cho Thoát Hoan. An Tư không những không nghe, mà còn mắng chửi ông vua anh. Ích Tắc quát mắng rằng y hiện là vua, vua ban chỉ gả An Tư cho ai, thì An Tư phải tuân chỉ. An Tư không những không tuân mà còn nhục mạ y là bọn mãi quốc dâng vợ con cho bọn mọi rợ.
Thuyết phục không xong, dùng uy quyền không nổi, Ích Tắc nghĩ ra một kế. Không nói gì, y bỏ đi chuẩn bị kế hoạch. Mọi sự vừa xong, y trở lại điện Giảng võ thì gặp Thoát Hoan. Y nói với Thoát Hoan:
– Tiểu vương đã sai làm tiệc để Thái tử đãi An Tư. Trong mâm tiệc có món canh trứng cá, tiểu vương bỏ thuốc mê vào. Vương gia chớ có ăn, để cho An Tư ăn. Sau khi An Tư ăn xong, ắt chân tay vô lực trong 2 khắc ( nửa giờ ngày nay). Thái tử tha hồ bẻ hoa. Lúc An Tư tỉnh dậy, chân tay hoạt động được thì ván đã đóng thuyền, gạo đã thổi thành xôi. Nó không chịu thì sự đã rồi.
Từ lúc rời điện Giảng võ, công chúa An Tư  trở về cung Đào hoa thì Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đến thuyết phục công chúa chịu làm phi cho Thoát Hoan. An Tư cực lực phản đối. Ích Tắc bỏ đi, công chúa cảm thấy miệng đăng đắng, nàng than thầm:
– Trong các anh của ta, thì anh Vũ Uy tài trí bậc nhất, vì  mẫu thân là ca nhi, thành ra không được truyền ngôi. Anh Nhật Hoảng trí lự trung thuần, được truyền ngôi. Anh khéo hòa hợp anh em trong giòng họ. Hai anh Quang Khải, Nhật Duật đều có tài vương bá, văn mô, vũ lược. Duy anh Ích Tắc là có tài nghiêng trời lệch đất, trong giòng họ không ai mà không phục. Chỉ mình Thái phi Huệ Túc là không ưa anh, vì người tính số Tử vi, biết anh thuộc loại tử bất hiếu, thần bất trung. Quả nhiên bây giờ anh  ấy mãi quốc cầu vinh, bội cha, phản anh, đem người vợ đầu gối tay ấp dâng cho giặc làm đồ chơi. Kinh tởm hơn nữa anh dâng hai con gái cho bọn mọi rợ. Bây giờ anh lại dâng ta cho tên Thoát Hoan. Hỡi ơi!
Thoát Hoan xuất hiện với 10 Thị vệ, lưng đeo đoản đao, tay cầm cung tên gác quanh cung. Thoát Hoan cười với An Tư:
– Cô gia đã sai bầy tiệc để cùng tiên nữ đối ẩm.
An Tư lặng thinh không trả lời. Tiệc bầy ra, trong mâm có cả món Trung quốc, món Tây vực và món Việt. Công chúa tự nói thầm:
– Dù sao y cũng là một tước vương của Nguyên. Ta phải ngọt ngào với y, để sai y làm những điều lợi cho Đại Việt.
Công chúa nở nụ cười:
– Đa tạ vương gia! Tôi là Phật tử, nên giới tửu. Tôi xin rót rượu mời vương gia.
Nói rồi nàng rót một chung rượu trao cho y:
– Mời vương gia. Đây là rượu Thiệu hưng của Tống thì phải.
Thoát Hoan tiếp chung rượu, tay vẫn còn run. Y uống cạn:
– Đa tạ công chúa.
An Tư hỏi:
– Vương gia thấy Trần Quốc Toản là người thế nào?
– Tuy y làm tôi phiêu hồn bạt vía, nhưng tôi phải công tâm mà nói: Y là một đại anh hùng của Đại Việt. Võ công vô địch, dùng binh như thần, nhã lượng cao trí, văn mô vũ lược, lại là một mỹ nam tử. Từ nay thấy y, cô gia phải tránh xa. Phải chăng y là con của Vũ Uy vương?
– Đúng! Tôi là cô ruột của y. Tôi với Vũ Uy vương cùng cha, cùng mẹ. Tuy y là người uy vũ, nhưng tôi là cô ruột y,  bảo gì y cũng nghe răm rắp.
– Liệu công chúa có thuyết phục y hàng Nguyên không? Phụ vương y hiện được phong Bình Tây vương, cai trị Hoa Thích Tử Mô. Nếu y hàng, tôi sẽ tâu phụ hoàng phong cho y chức Kinh nam vương.
An Tư nghĩ:
– Nếu Quốc Toản được phong Kinh Nam vương, thì Đại Việt lại thu hồi đất tổ như  hồi vua Trưng.
 Công chúa hỏi:
– Thái tử có hứa chắc không?
– Cô gia hứa chắc.
Thoát Hoan chỉ vào món canh trứng cá nấu với hoa thiên lý:
– Dường như đây là món ăn đặc sản của vùng Thiên trường, cố trạch của công chúa thì phải.
– Đúng như vương gia nói.
Công chúa cầm muỗng múc canh ăn. Nàng thấy có mùi vị hơi lạ, thì nghĩ rằng bọn đầu bếp để khói tạt vào. Vì đói bụng, nàng ăn hết bát canh trứng cá. Ăn xong, nàng cảm thấy các đầu ngón chân, ngón tay tê tê. Rồi thoáng một cái, chân tay đều tê  hết. Kinh hãi, nàng bỏ đũa:
– Thức ăn có thuốc độc. Chân tay tôi tê hết rồi.
Thoát Hoan nở một nụ cười đắc thắng:
– Cô gia cảm thấy vẫn bình thường. Có lẽ công chúa bị trúng gió. Mời công chúa vào nằm nghỉ.
Nói rồi y đứng dậy quàng tay bế nàng lên. An Tư kinh hãi né tránh, nhưng chân tay tê liệt. Thoát Hoan bế An Tư  đặt lên dường. Y hôn lên môi nàng:
– Hôm nay là ngày tốt, chúng ta nên động phòng hoa chúc.
Bây giờ An Tư mới biết mình bị đánh thuốc độc. Chân tay nàng hoàn toàn tê liệt, nhưng thần trí vẫn tỉnh. Thoát Hoan làm gì nàng đều biết hết. Nàng nghiến răng nghĩ thầm:
– Mày làm ô uế thân thể tao, lấy đi cái quý báu nhất của đời con gái. Lát nữa thuốc mất tác dụng tao sẽ giết mày.
Chân tay không cử động được, An Tư nhắm mắt để Thoát Hoan dầy vò cơ thể nàng,
Thế là:
     Tiếc thay một  đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.
Đêm xuân một trận mơ màng,
Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ.
(Kiều)

Trống điểm canh ba, Thoát Hoan đang ngủ say, thì chân tay An Tư từ từ cử động được. Vận khí thấy chân khí lưu thông bình thường, nàng nghĩ:
– Bây giờ ta phóng chưởng giết y thực quá dễ dàng. Nhưng y chết như vậy thì chẳng hóa ra nhẹ nhàng ư? Ta phải làm cho y tàn tật, mới hả dạ.
Nghĩ là làm. Nàng phóng chỉ điểm vào huyệt  Kiên ngung của y. Thoát Hoan giật mình thức dậy, thì hai cánh tay y  bị tê liệt hoàn toàn. An Tư điểm huyệt Dương lăng tuyền, để khống chế chân y. Nhưng thuốc vẫn còn tác dụng, nên chân khí phát ra không đủ. Không kết quả. Chân Thoát Hoan còn hoạt động được, y tung mình dậy, tri hô:
– Có thích khách,
Rồi y phóng cước, đá bay cửa sổ, nhảy ra sân. An Tư chụp thanh kiếm treo ở đầu dường, vọt mình theo. Nàng phóng chỉ điểm huyệt  Hoàn khiêu của y. Y ngã lăn ra đất. Thị vệ đã  đốt đuốc sáng sực sân. Chúng dương cung hướng An Tư. Thoát Hoan  cố đứng dậy. An Tư dí kiếm vào ngực y:
– Ra lệnh cho Thị vệ hạ cung xuống, bằng không ta nhả kình lực.
Đám Thị vệ hạ cung xuống. Trong sân đã có nhiều người: A Lý Hải Nha, Ô Mã Nhi, Lý Hằng, Trần Ích Tắc.
Trần Ích Tắc quát:
– An Tư! Em phải thu kiếm lại, không được vô phép với Trấn Nam vương.
– Y đã hại đời con gái của em. Em phải làm cho y tàn tật.
Nói rồi nàng vung kiếm định cắt gân gót chân Thoát Hoan. Ích Tắc phóng một chỉ, kiếm của An Tư bay lên cao.  Bọn Thị vệ buông tên. An Tư kinh hoảng tung mình lên tránh, thì bọn Thị vệ bắn theo. Chới với ở trên không, nàng bị trúng 10 mũi tên, rơi xuống như trái mít rụng.
Ích Tắc giải huyệt cho Thoát Hoan. Thoát Hoan kinh hoảng kêu quân y sĩ đến chữa trị cho An Tư. An Tư được đưa vào đặït lên dường, tên được nhổ ra. Y sĩ rắc thuốc bột lên vết thương rồi băng bó. Nhưng An Tư đã mê man. Thoát Hoan hỏi y sĩ:
– Liệu còn hy vọng gì không?
– Vương gia tha tội, thần bó tay thôi. Vì một mũi tên trúng ngực thấu tới phổi, một mũi trúng bụng thấu tới tỳ, một mũi hông thấu tới gan, và một mũi trúng bụng dưới thấu tới bàng quang.
Một lát An Tư từ từ tỉnh dậy. Thấy Ích Tắc ngồi cạnh dường, nàng rên lên một tiếng rồi nói:
– Mày với tao cùng một cha sinh ra. Uổng cho mày là con một hoàng đế anh hùng, lòng dạ từ bi như Phật, thế nhưng mày táng tận lương tâm, bán nước cầu vinh. Mày hại tao mất mạng thế này đây. Tao chết đi sẽ làm quỷ ngày đêm theo dõi làm cho mày ăn không ngon, ngủ không yên.
Nàng nói với Thoát Hoan:
– Đa tạ vương gia sủng ái tôi. Tôi sắp chết rồi! Trước khi chết tôi nhắc vương gia một điều: thằng Trần Ích Tắc này đã hại nước, hại anh, hại em, liệu nó có trung thành với Đại nguyên không? Đừng bao giờ vương gia tin nó ! Vương gia biết không, bao nhiêu sơ đồ đồn ải của quân Nguyên, y sao chép, gửi cho Hưng Đạo vương hết rồi.
Nói dứt nàng nghẹo đầu sang một bên, tắt thở.
Thoát Hoan ôm lấy An Tư, như muốn giữ hồn nàng lại. Y truyền Ngõ tác dùng ngũ vị hương tắm cho An Tư, dùng gỗ trầm đóng quan tài, rồi an táng tại Từ liêm, quê ngoại của công chúa. Y lập bàn thờ nàng trong cung Long thụy, trong điện Giảng võ.
 Mệt mỏi, Thoát Hoan ngủ thiếp đi. Buổi sáng hôm sau, y vừa tỉnh dậy thì  cung nga hầu cận báo:
– Quân sư thỉnh vương gia thăng trướng khẩn cấp.
Dù biết có việc khẩn cấp, nhưng Thoát Hoan vẫn đốt ba nén hương trước bàn thờ An Tư, rồi khấn:

“Em ơi! Tiếc tằng anh sinh ra làm một hoàng tử của Nguyên. Em lại là công chúa Việt, vì tự ái, phụ hoàng quyết bắt Đại Việt khuất phục, nên ban chỉ cho anh đem quân xuống đây! Phải chi em đầu thai làm một tiểu thư của đại thần triều Nguyên thì chúng ta thành vợ chồng hạnh phúc biết bao.Tại sao anh không là một thanh niên Việt? Hỡi ơi chúng ta bị ngăn cách bởi ngọn núi Nguyên-Việt“.

Nước mắt đầm đìa, Thoát Hoan đến diện Giảng võ. Bộ tham mưu hiện diện đầy đủ. Mặt người nào cũng căng thẳng. Có cả An Nam quốc vương Trần Ích Tắc.
Nguyễn Chiến Thắng tường trình:
– Khải vương gia. Tình hình đột biến nguy hiểm vô cùng. Tại Nghệ an, hiệu binh Củng thần, do Chiêu võ thượng tướng quân, Chiêu dương hầu Cao Mang, thình lình xuất hiện, vượt qua Nam giới đánh chiếm 6 căn cứ hậu quân của Toa Đô rồi tiến binh quay trở về đánh Nghệ an . Nghệ an thất thủ, quân tan. Giảo Kỳ, Đường Ngột Đải, bỏ chạy về Ái châu (Thanh hóa). Nguồn tiếp tế, đường tiếp tế của đạo quân phía nam bị tuyệt.
A Lý Hải Nha kinh hãi:
– Hồi Toa Đô tiến quân vào Nghệ an, tên Cao Mang chỉ đánh có một trận rồi bỏ chạy. Chúng trốn đâu mà Toa Đô không biết? Toa Đô đã tái chiếm Nghệ an chưa?
Ích Tắc trả lời:
– Đánh một trận, rồi rút, đó là đại kế của Hưng Đạo vương.Tất cả các đồn ải, các hiệu binh đều áp dụng. Mục đích cho ta  vào sâu, trải quân thực rộng, rồi mới phản công.
Lý Hằng tiếp:
– Toa Đô đang bị vây ở Ái châu!
– Lý nào?
– Hiệu binh Thiên cương, trước đây của Chương Hiến hầu Trần Kiện hàng, giúp Toa Đô đánh bại Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật. Bây giờ hiệu binh này trở dáo đánh lại ta. Quân của Toa Đô tan.
– Còn Trường yên?
– Từ khi, Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn, Tổng trấn Trường yên đem hiệu binh Tứ thiên, và các quan văn võ tòa  Tổng trấn Trường yên như Vũ Đạo hầu Trần Nghi, Minh thành hầu Trần Thế Hiệp, Minh Trí hầu Trần Cư, Trương hòa hầu Trần Dị đầu hàng. Toa Đô cả tin, nên chỉ phối trí cho Diệc Hắc Mê Thất (3) có một vạn phu. Đâu ngờ trước đây triều đình An Nam nghi ngờ y Trần Tú Hoãn, đã sai Trần Quốc Kiện, Trần Quốc Toản âm thầm tiếp xúc với các tướng chỉ huy quân đoàn, sư đoàn ban chỉ đề phòng khi Hoãn làm phản thì trở dáo chống y. Nên khi Hoãn hàng ta, binh tướng không theo y, bây giờ thình lình chúng đánh úp. Cả vạn phu của ta bị đánh tan.  Diệc Hắc Mê Thất mất tích.
Thoát Hoan than:
– Như vậy toàn bộ vùng Trường yên, Hoan châu, Ái châu, Hà tĩnh đã bị bọn An Nam chiếm lại. Còn đường từ Vân nam, qua Thảo lâm, Bình lệ nguyên (Bạch hạc), Phù lỗ ra sao?
– Con đường này, ta đóng tất cả 20 đồn. Khi Trần Văn Lộng hàng ta, Vân nam vương chia binh lính hiệu Trung thánh dực, đóng chung với lực lượng Vân nam. Cũng như tại Trường yên thình lình đang đêm hiệu binh Trung thánh dực nổi loạn, nên 12 đồn bị chiếm.
Đến đó, Thị vệ báo:
– Có tướng quân Lưu Thế Anh, Lý Bang Hiến xin cầu kiến.
Thoát Hoan giật mình:
– Cho vào.
Hai tướng mặt nhợt nhạt, y phục tả tơi bước vào. A Lý Hải Nha hỏi:
– Cái gì đã xẩy ra?
Lý Bang Hiến run run:
– Nguy lắm! Chúng ta bị tuyệt đường tiếp tế lương thảo rồi. Từ khi ta nhập Việt bất cứ đồn ải nào, quân Man chỉ đánh một trận rồi trốn mất. Bây giờ thình lình chúng tái xuất hiện, tái chiếm thiết lập các đồn ải cũ: các ải Khả lan vi, Đại trợ, cũng như kho lương bị vợ chồng Phạm Ngũ Lão tái chiếm. Hai chiến lũy Khâu ôn, Khâu cấp do Trấn biên tướng quân Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh chỉ huy hiệu binh Thiên thuộc tái chiếm, tái lập kiên cố hơn trước. Các đồn dọc biên giới của ta bị tràn ngập.
– Còn Chi lăng, Vạn kiếp?
– Hưng Đạo vương đem hơn nghìn chiến thuyền tái chiếm Vạn kiếp. Vương sai, Hưng  Trí vương Quốc Hiện đem hiệu binh. Tiền thánh dực tái lập các đồn ải dọc núi Đông triều. Dã Tượng cùng vợ, với hiệu binh Văn bắc cực kỳ hung hăng tái chiếm chiến lũy Chi lăng.
Lý Hằng kinh hãi:
      – Vương phi Trấn Nam vương, cùng phu nhân các chúa tướng, của cải đều để ở Chi lăng. Bây giờ ra sao?
– Tôi không biết.
– Ôi! Chi lăng kiên cố vô cùng làm sao chúng chiếm dễ dàng như vậy?
– Không biết ai cung cấp hệ thống phóng thủ Chi lăng cho tên Dã Tượng, nên chúng đột nhập vào giữa đồn, ta mới biết thì không trở tay kịp.
Thoát Hoan đưa mát nhìn Ích Tắc:
– Trước khi hoăng, công chúa An Tư  đã tố đích danh Ích Tắc sao chép sơ đồ phòng thủ cho Hưng Đạo vương.
Ích Tắc kinh hoảng, thụp xuống đất  rập đầu binh binh:
– Xin Thái tử xét cho. Các kế hoạch phòng thủ, chính vương gia luôn mang theo bên mình, làm sao tiểu nhân sao được?
A Lý Hải nha hỏi:
– Trước đây hai chiến lũy Khâu ôn, Khâu cấp do hiệu binh Thần cách của Nguyễn Địa Lô, Nguyễn Thế Lộc chỉ huy! Bây giờ hiệu binh đó đâu?
– Tên Nguyễn Địa Lô được Hưng Đạo vương sai y chỉ huy hiệu binh Thần cách, chia ra làm nhiều toán đi đánh các đồn từ biến giới đến Gia lâm.
Thoát Hoan hỏi:
– Hiện từ Lạng sơn tới Gia lâm, mình còn bao nhiêu đồn?
– Thần cho thiết lập  300 đồn, hiện chỉ còn 11 đồn.
– Đồn chắc lắm, làm thế nào tên Địa Lô đánh dễ dàng như vậy?
– Không biết bằng cách nào Hưng Đạo vương có được tất cả sơ đồ phòng thủ đồn của ta. Vương trao cho tên Nguyễn Địa Lô, tên này mưu trí vô cùng. Y sai tên Nguyễn Thiên Sanh dùng bọn Đại đởm, bỏ thuốc độc xuống các nguồn nước sông, nước suối chảy vào đồn. Khi quân ta uống nước ấy thì bị té re hết. Y chỉ việc tiến quân vào bắt như bắt cua đồng vậy.
Đến đó Thị vệ vào báo:
– Có sứ giả của Thiên tượng đại tướng quân, Nam phương uy dũng công thần.  Tước Khâu bắc đình hầu xin cầu kiến.
– Sứ giả là ai?
– Là Lý Thúy Hồng, tước Nam phương, đại từ, thạc hòa huyền quân.Vũ uy, quang minh công chúa.
Thấy các tướng Nguyên ngơ ngác, Trần Ích Tắc nhắc:
– Đó là con hát Lý Thúy Hồng, vợ tên chăn trâu Dã Tượng Trần Quốc Vỹ. Hôm rồi thị với chồng từng đại náo trong lễ tấn phong của tiểu vương.
– À! Hữu thừa Lý Quán ra đón thị vào.
Tuy tuổi đã 40, nhưng Thúy Hồng là đệ tử của A Hàm La, tâm tính từ ái, lương thuần, không phiền, không lo, nên vẫn tươi đẹp như hồi 20 tuổi. Bước vào điện Giảng võ, giữa mấy trăm võ tướng Mông cổ, mà Thúy Hồng phơi phới như đi du xuân.
Lễ nghi tất.
Thấy Thúy Hồng không hành lễ với mình, Trần Ích Tắc nạt:
– Lý Thúy Hồng! Trần Quốc Kinh là dưỡng tử của Hưng Đạo vương thì là cháu gọi ta bằng chú. Đến Khâm Từ hoàng hậu thấy ta cũng phải gập người lại hành lễ. Còn mi, bất quá mi là vợ tên chăn trâu Dã Tượng, mà thấy ta mi không hành lễ!


––––––––––––

 (1).  Lộ Giáng Kim Mạnh (Laurent Krismer)  y là một kỹ sư người Đức, rất giỏi thuật luyện kim. Khi Tốc Bất Đài đánh Đức. Y bị bắt. Luật của Thành Cát tư Hãn là khi đánh được thành nào thì lựa thợ giỏi, mỹ nữ, ca nhi không giết, để dùng. Vì vậy Krismer được trao nhiệm vụ chế vũ khí cho Mông cổ.  Y tử trận trong cuộc tháo chạy của Thoát Hoan ở Thăng long.

(2). Minh Lý Tích Ban do Nguyên sử An nam truyện, An nam chí lược phiên âm từ tiếng Mông cổå là  Manglai Siban (đọc là Mang lai Si ban)

(3). Diệc Hắc Mê Thất. Nguyên sử phiên âm từ tên gốc Mông cổ là Yigmia. Phát phát âm là Y gơ mi sơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét