Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A – Gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 94

HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TƯ



An Nam tứ đại thần khí

Hầu đọc sơ qua thẻ đồng rồi nói:
– Hai tên Vuông, Tròn chắc chắn là bậc chú, bậc ông ta. Dù ta có đem chứng cớ về tố giác với triều đình. Với tinh thần gia tộc giòng họ Đông a, thượng hoàng cũng không giết hai tên này. Mà có khi ta bị chúng hại ngầm cũng nên. Bây giờ ta tạm mượn nơi này làm chỗ luyện võ. Trước hết ta hãy luyện nội công Âm nhu, rồi sẽ luyện Mê linh kiếm pháp. Sau khi ta có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất, ta sẽ tìm hai tên khả ố Vuông, Tròn hỏi tội chúng.
Đã quyết định, hầu luyện nội công Âm nhu. Vì đã luyện thành Vô ngã tướng thiền công, nên hầu luyện nội công Âm nhu rất mau. Không đầy 6 tháng hầu đã luyện hết, bắt đầu luyện Mê linh kiếm pháp.
Hồi ở Trường sa, hầu đã được thân mẫu dạy 72 chiêu căn bản. Rồi phụ thân dạy Kinh dịch, hầu biến 72 chiêu thành âm, dương hóa ra 144 chiêu. Âm dương biến thành tứ tượng 576 chiêu. Tứ tượng thành bát quái 4.608 chiêu. Mẫu thân muốn dạy hầu biến tam hư, là 13.824 chiêu, thất thực 32.256 cộng chung 46 080 chiêu, nhưng hầu học không được. Bây giờ nội công thâm hậu, hầu luyện lại 72 chiêu căn bản dễ dàng. Từ 72 chiêu, hầu biến thành Âm, Dương, Bát quái không khó. Hầu đọc kỹ rồi biến các chiêu tam hư, thất thực. Phải mất 6 tháng nữa hầu mới luyện xong.
Hầu cầm thanh Thượng phương bảo kiếm vận khí viết lên vách đá mấy chữ:

Đông a Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản,
Bị giam vào đây ngay rằm tháng 2, niên hiệu
Thiệu Bảo thứ hai. Trải 2 năm, 6 tháng, 9 ngày..

Nét khắc sâu hằn vào đá. Một ý nghĩ thoáng qua:
– Tại sao ta không dùng kiếm khoét lỗ vào vách đá rồi leo lên khỏi giếng, thoát cảnh tù đầy?
Nghĩ là làm. Hầu chĩa kiếm vận âm kình khoét vào tảng đá cao ngang đầu. Miếng đá rộng bằng bàn tay bị khoét sâu khoảng hơn đốt ngón tay, rơi xuống. Hầu lại khoét miếng thứ nhì ngang với miếng thứ nhất, rồi vọt người lên, hai chân móc vào hai lỗ vừa khoét. Nhưng không có chỗ bám, nên hầu chơi vơi rơi xuống.
Con vượn tiến đến bên Hầu, nó chỉ vào vai, rồi hú lên. Hiểu ý nó, hầu nhảy lên vai nó, rồi khoét vào tảng đá cao hơn hai đầu người hai lỗ nữa. Hầu vừa khoét xong, nó tung mình lên
hai lỗ đầu, tay bám vào hai lỗ thứ nhì. Quốc Toản tung mình lên vai nó rồi khoét hai lỗ thứ ba . Hầu vừa khoét xong, con vượn tung mình lên, tay bám lỗ thứ ba, nó phi thân lên cao, đã đáp xuống bờ giếng. Tay nó cầm cái thang dây ném xuống. Hầu theo thang dây lên trên.
Con vượn nhảy nhót hú lên lanh lảnh tỏ ra vui mừng. Ngay bờ giếng, có cái cọc sắt to bằng cổ tay. Con vượn reo lên, rồi nó nhổ cọc. Thì ra đó là cái côn sắt. Nó cầm côn múa vù vù. Hầu nhận ra đây là mộ bài trượng pháp của phái Tiêu sơn. Múa xong, nó trao cọc cho hầu. Hầu cầm côn, thấy khá trầm trọng. Trên côn có khắc chữ cạnh có hình bông sen:

“ Thiết côn này đúc cho Bạch Viên, dài 1 trượng, nặng 50 cân. “

Hầu tỉnh ngộ:
– Bông sen là biểu hiệu của Bồ tát Viên Chiếu. Thì ra con Bạch Viên này sống đồng thời với Bồ tát Viên Chiếu. Như vậy nó đã trên 200 tuổi. Không biết ai lấy côn của nó chôn ở đây rồi giam nó dưới giếng? Và giam bao giờ?
Hầu nghĩ:
– Tuy ta đã học được Vô ngã tướng thiền công, nội công âm nhu, kiếm pháp Long biên. Nhưng như vậy cũng chưa đủ. Ta phải tiếp tục ở tù để luyện thêm võ công nữa rồi hãy ra khỏi đây. Chứ ta rời khỏi chỗ này, biết về đâu? Làm gì có chỗ yên tĩnh để luyện võ? Nghĩ vậy, hầu nói với Bạch Viên:
– Bạch Viên. Chúng ta không nên rời đây vội. Hãy xuống giếng một thời gian nữa.
Hầu cầm lấy cây côn sắt từ tay Bạch Viên cắm lại chỗ cũ, rồi cả hai thòng sợi dây tụt xuống giếng. Để xóa các hố khoét trên  vách, hầu  đem mấy viên đá trám vào chỗ cũ.
Biết đã có thể rời khỏi cái giếng, hầu mừng chi siết kể! Hầu ngồi tần ngần với 90 cái thẻ đồng, suy nghĩ:
– Bố ta đã dạy ta 36 chiêu trong Đông a chưởng pháp. Nếu sau này đối chiêu với hai tên Vuông, Tròn, chúng xử dụng Đông a chưởng thành thạo thì ta đấu không lại chúng. Bây giờ công lực ta cao thâm. Ta cần luyện bộ chưởng nào khác lạ hơn.
Hầu lật từng thẻ đồng một, xét kỹ rồi quyết định:
– Trong rừng võ học, còn hai pho chưởng tinh diệu hơn Đông a chưởng là Mục ngưu thiền chưởng và Tán-cốt lạc phách tiêu hồn chưởng.
Hầu đọc thẻ đồng:

“ Năm mươi năm trước, Bố-đại hòa thượng, tức Phật Di-Lặc giáng sinh làm người Việt. Một lần người hợp Phục-ngưu thần chưởng âm dương lại dậy cho phò mã Thân Thiệu-Thái, mang tên Mục-ngưu thiền chưởng, dùng nội công là Vô-ngã tướng. Công chúa Bảo-Hòa đứng cạnh theo dõi, cũng lĩnh hội được. Nhưng công chúa chưa luyện Thiền-công, hơn nữa người không bỏ ra ngoài được Ngũ-uẩn, Lục-tặc, thành ra khi phát chiêu, nhìn bề ngoài thì giống nhau, mà sát thủ lại khác. Nếu Mục-ngưu thiền chưởng của phò mã Thân Thiệu-Thái khi phát chiêu chính đại quang minh; thì công chúa Bảo-Hòa, phát chiêu ba phần âm, ba phần dương, bốn phần hỗn tạp. Ba loại đó cực kỳ bá đạo. Người nào trúng phải, thì thịt, xương, chỗ thì bị xé nát, chỗ thì bị nghiền như bị dã chả, xương thì vỡ như bột. Bấy giờ Bố-Đại hòa thượng phải than rằng, chưởng này mà lưu truyền rộng, thì võ lâm sẽ gặp tai kiếp không biết đâu mà lường. Ngài đặt tên chưởng là Tán-cốt Lạc-phách Tiêu-hồn chưởng. Gọi tắt là Tán-lạc hồn chưởng. Mười chiêu Mục ngưu với 10 chiêu Tán lạc hồn chưởng mang cùng tên. Nhưng khi xử dụng hoàn toàn khác nhau.
           1. Sơn trung tầm ngưu (Trong núi tìm trâu).
           2.Kiến tích dã ngưu ( Thấy vết trâu hoang).
           3.Lâm trung kiến ngưu ( Thấy trâu trong rừng).
           4.Đắc ngưu hội thủ ( Bắt trâu đem về).
           5.Mục ngưu ư dã (Chăn trâu ở đồng).
           6.Kị ngưu qui gia (Cỡi trâu về nhà).
           7. Vong ngưu tồn nhân (Trâu mất, người còn).
           8. Nhân ngưu câu vong (Người và trâu đều mất).
           9. Phản bản, hoàn nguyên (Trở về cội nguồn).
           10. Nhập triền, thụy thủ (Buông tay, vào chợ). »

Hầu luyện chiêu đầu tiên : Sơn trung tầm ngưu. Hầu vận khí phát lực, nhưng chưởng không ra. Suy nghĩ, rồi luyện lại, phát cũng không ra. Hầu nghĩ :
– Đây là những chiêu võ công phát xuất từ cửa Phật. Mà ta vận khí âm nhu, thì chưởng không ra là phải. Nghĩ vậy Hầu không tâm, vận Vô ngã tướng Thiền công, rồi phát chiêu. Quả nhiên chưởng phong có ra, mà không mãnh  liệt.
Hầu đọc lại Tổng khẩu quyết :















« Mục ngưu thiền chưởng đi từ Thập mục ngưu đồ, tương ứng với quá trình hành đạo của một người phát nguyên đạt đến sự giác ngộ và bên trong ẩn giấu những tinh hoa của Phật giáo. Khi luyện phải biết mượn hình ảnh chăn trâu để diễn tả về quá trình “minh tâm kiến tính” tức con trâu là cái bản ngã của ta được ví như một con vật. Nguồn gốc của Thiền tông chính là nằm ở khái niệm nhận biết về sự tồn tại của vật dĩ. »
Hầu đọc khẩu quyết  của chiêu Sơn trung tầm ngưu :
Mang mang bát thảo khứ truy tầm
Thuỷ khốt sơn dao lộ cánh thâm
Lực tận thần bì vơ xứ mịch
Đãn văn phong thụ vãn thiền ngâm
(Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu
Núi thẳm đường xa nước lại sâu
Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy
Thoáng nghe trong gió tiếng ve sầu. )
Chúng ta đi tìm lẽ giải thoát, đi tìm Phật, như người vào rừng tìm trâu. Đi hoài, chỉ thấy này cây, này hoa, này cỏ. Càng tìm càng vô vọng. Trâu ở đâu, nào có thấy?
Như chúng sinh đi tìm Phật vậy. Phật ở đâu mà tìm? Tìm đến bao giờ? Thực giống như nằm mơ, phiêu phiêu, tưởng tưởng.“

Hầu tỉnh ngộ :
–  Bản chất của chiêu này là không tâm. Mà ta cứ chú ý vào hình Mục ngưu đồ thì sao thành công?
Nghĩ vậy hầu tập trung bỏ hết Lục tặc : nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân ý rồi phát chiêu. Vù một tiếng chưởng phong trúng vào cánh cửa sắt của chuồng Bạch Viện. Cánh cửa bị bật tung vào trong. Hầu bước lại: những song sắt to bằng cổ tay cong queo.
Biết đã thành công, vốn bản tính kiên trì, hầu luyện chiêu ấy suốt ba ngày. Thấy kết quả, hầu luyện sang chiêu thứ nhì Kiến tích dã ngưu.
Chiêu này hầu phải luyện trong 5 ngày mới được hai thành. Bền chí, hầu luyện trong suốt 6 tháng mới xong 10  chiêu.
Bản tính không tham lam, thấy mình học như vậy cũng đủ rồi. Hầu lại xuống hầm,  quỳ xuống khấn :




– Nam mô Minh Không bồ tát. Đệ tử may mắn được chiêm ngưỡng di thể của Bồ tát, được học võ công trong di thư. Đệ tử nguyện đem hết tâm trí ra để hoằng dương đạo pháp của đức Thế Tôn, để bảo vệ Đại việt.
Hành đủ tám lễ, rồi hầu lên khỏi hầm, vận cơ quan cho nắp hầm đóng lại. Hầu tính đốt ngón tay : mình xuống dưới giếng này thấm thoát đã hơn 2 năm. Bây giờ mình phải ra khỏi đây, để tính tội bọn mãi quốc cầu vinh.
Có tiếng ho, rồi cái người hằng ngày cho hổ ăn xuất hiện. Như thường lệ, mỗi khi thả hổ ra y cảnh cáo hầu:
– Cậu bé kia ! Tôi sắp mở cửa chuồng  thả hổ ra. Mau vào hang đá bằng không hổ ăn thịt đấy.
Nói rồi y kéo cái cần thép. Cánh cửa chuồng hổ mở ra. Y ném xuống hai tảng thịt rồi  bỏ đi.
Hai con hổ gầm gừ ra khỏi chuồng. Con hổ đực quật đuôi xuống đất, nhảy tới vồ hầu. Hầu tung người lên cao. Con hổ vồ hụt. Hầu đáp trên lưng hổ, như cỡi ngựa. Con hổ gầm gừ lồng lộn, muốn hắt hầu khỏi lưng nó. Hầu chụp bả xương hai tay nó bóp mạnh. Một luồng nội lực từ vai con hổ theo tay cuồn cuộn nhập vào người hầu. Hầu nghĩ thầm :
– Thì ra hai con hổ này không biết ai đã dạy nội công cho nó. Nên mình dùng Vô ngã tướng thiền công kiềm chế nó, thì nội lực của nó bị mình hút hết .
Hầu qui liễm chân khí hấp được vào đơn điền. Bị hút hết  nội lực, bị bóp đau, con hổ rống lên rồi khuỵu bốn chân xuống, tỏ vẻ khuất phục. Con hổ cái thấy chồng bị kiềm chế, nó nhảy lên vồ hầu. Hầu đứng dậy phát chiêu cầm nã thủ chụp hai chân trước nó. Chân khí từ chân nó cuồn cuộn tràn vào người hầu. Thoáng một cái, chân khí nó bị kiệt. Hầu quẳng nó xuống cạnh con đực.
Hối hận, hầu than :
– Hổ ơi ! Người với ta tuy cùng bị giam trong giếng này thân phận có khác nhau. Nhưng suốt hai năm qua, chúng ta là bạn. Vừa rồi ta vô tình làm người bị tuyệt hết chân khí. Ta ân hận vô cùng.
Trời đã mờ mờ sáng. Trở lại động đến trước cái cửa đá vuông, hầu suy nghĩ :
– Ta phải vào trong động này xem Bồ tát Minh Không có cất gì không ?
Hầu vận sức đẩy mạnh. Cánh cửa từ từ lùi vào. Thì ra đó là một tảng đá. Bên trong có một đường hầm. Hầu đeo kiếm, đốt ngọn nến, kéo tảng đá lại như cũ, rồi theo đường hầm đi. Đến hết đường hầm, thì hiện ra một  cái hố nước, một ngã rẽ về phía phải. Hầu tiếp tục đi. Đường hầm khá dài. Khoảng gần trăm trượng có bậc đá đi lên.  Đi hơn trăm bậc thì đường cụt. Phía trước là một tảng đá chắn ngang, ánh sáng lọt vào chói chang. Hầu hít hơi, vận khí đẩy mạnh, tảng đá hơi nhúc nhích. Hầu không tâm vận Vô ngã tướng Thiền công đẩy nữa. Tảng đá chuyển sang phải. Không khí trong lành ùa vào. Hầu reo lên chui ra khỏi hầm. Thì ra cửa hầm trổ ra vách ngọn đồi. Ánh sáng ban mai, làm hầu quáng mắt. Hầu đứng trên sườn đồi nhìn về trước: toàn bộ khu trang trại rộng mênh mông. Xa xa có ba toán  võ sinh đồng phục đang luyện ngoại công.  Hầu tự hỏi:
– Có lẽ đây là tổng đàn một võ phái nào thì phải.
Quan sát những chiêu số võ sinh luyện tập, hầu trấn động tâm thần vì họ luyện võ công Đông a. Hầu nghĩ:
– Đúng như mình đoán. Bọn bắt giam mình là người nhà. Có thể y là hai tên khả ố Vuông, Tròn. Không chừng y là chú, là ông chú, ông bác mình. Không lẽ đây là tổng đàn phái Đông a ?
Xa xa  là cái hồ trước ngôi dinh thự bốn tầng.
Trời đã sáng hẳn.
Có bốn người, đi trên hai cái xe, do hai con bò kéo tiến về phía đồi. Hai người mặc võ phục mầu xanh. Hai người mặc võ phục mầu tím. Hầu tìm chỗ ẩn thân. Khi hai cái xe tới chân đồi, bốn người xuống xe, tay vác búa chia nhau đốn cây,  bó thành từng bó xếp lên xe. Hầu mỉm cười:
– Thì ra bọn này đi đốn củi. Ta phải bắt bọn này tra hỏi xem tên chủ việc bắt giam ta là ai?
Rời chỗ nấp, hầu lững thững lại chỗ hai cái xe, khoan thai leo lên ngồi. Chợt một người áo tím quay lại thấy hầu. Y lên tiếng:
– Người là ai?
Hầu giả ngây, mắt mở trừng trừng không trả lời. Cả bốn người cùng ngừng tay quay lại nhìn Quốc Toản. Một người nói:
– Dường như một tên si ngốc, đầu bù tóc rối. Y phục dơ bẩn. Hắn ở đâu lọt vào đây?
Người áo tím tiến tới xe quan sát Quốc Toản:
– Thì ra một tên si ngốc, dơ bẩn. Mi là ai? Từ đâu đột nhập vào đây?
Quốc Toản vẫn mở mắt trừng trừng nhìn y. Y xuất một chiêu hổ trảo chụp vào vai hầu. Hầu vận công chịu đòn. Khi tay người áo tím chạm vào vai hầu, y cảm thấy như chụp vào phiến đá. Y kêu lên tiếng úi chao tỏ ra đau đớn. Quốc Toản vận Vô ngã tướng Thiền công. Công lực của y cuồn cuộn chuyển vào người hầu. Không đầy mười tiếng đập tim, công lực kiệt quệ, y ngã ngồi xuống. Hầu phóng hai chỉ điểàm huyệt y. Một người áo tím khác hỏi:
– Quốc Minh! Cái gì vậy?
– Không biết nữa! Có lẽ tên này dùng tà thuật. Quốc Đức ơi! Công lực tôi mất hết rồi.
Quốc Đức quan sát Quốc Toản thực kỹ rồi vung tay tát vào mặt hầu. Quốc Toản vẫn ngồi im, xòe bàn tay ra đỡ. Hai bàn tay chạm nhau, Quốc Đức kinh hoảng khi thấy chân khí mình cuồn cuộn bị hút mất. Không quá 6 tiếng đập tim, đến lượt Quốc Đức ngã ngồi xuống. Quốc Toản phóng chỉ điểm huyệt y. Y lên tiếng gọi:
– Minh Hòa, Minh Chiêu! Mau bắt tên phù thủy hôi thối này.
Hai người áo nâu đứng ngoài quan sát từ đầu đến cuối. Bây giờ nghe Quốc Đức kêu cứu, cả  hai đứng trung bình tấn, rồi tay bắt ấn:
– Mi là ma, hiện ra nhát chúng ta hả ? Ta không sợ đâu.
Quốc Toản bật cười, hầu thè lưỡi ra, miệng khè khè mấy tiếng. Người áo nâu quát :
– Mi là người hay là ma.
– Là ma! Ma đói.
– Là ma sao ta bắt quyết mi không biến đi ?
– Ta là ma rừng không sợ quyết.
– Nói láo!
Hai tên Minh Hòa, Minh Chiêu múa búa tấn công. Quốc Toản tung mình lên cao, rồi điểm xuống hai chỉ. Véo, véo hai tiếng, trúng huyệt Bách hội. Hai gã Minh cứng đơ trong tư thế cầm búa dơ ra trước mặt. Quốc Toản xách cả bốn người đem vào hang đá, để ngồi thành một hàng, rồi giải huyệt cho chúng. Vì mất hết công lực, cả bốn người uể oải như người bệnh. Quốc Toản cười hì hì. Hầu cầm cái búa, vận công Âm nhu rồi chém vào một tảng đá. Chít một tiếng, tảng đá bị chẻ làm đôi êm đềm như cắt củ chuối vậy. Hầu cầm búa ướm thử vào đầu hai tên Minh:
– Này hai vị huynh đệ! Nếu tôi bổ xuống đầu hai anh, hai nhát búa thì cái gì sẽ xẩy ra nhỉ?
Minh Hòa run run nói lắp bắp:
– Lọ là phả hỏi, đầu chúng tôi sẽ bị chẻ làm đôi. Nhưng trường hợp này chẳng ích lợi gì cho nhân huynh.
– Tôi cần biết về tổ chức của trang trại này. Nếu hai người khai thực thì tôi sẽ thả ra. Bằng nói dối nửa câu, tôi sẽ bổ đầu hai huynh thành đôi.
– Chúng tôi thề không nói dối!
– Trước hết Minh Chiêu cho tôi biết đây là cơ sở gì? Ai là người đứng đầu?
– Đây là trường Lạn kha. Trường này do Thái úy Chiêu Minh vương Trần Quang Khải thành lập để đào tạo cấp Lượng trưởng, Vệ trưởng, Đô trưởng cho các hiệu binh toàn quốc.
– Những người như thế nào thì được nhập trường này?
–  Trước hết là con em trong giòng họ Đông a. Dù được phong tước vương, tước hầu cũng phải nhập trường học rồi mới được trao chức võ. Thứ nhì là các cấp ngũ trưởng, lượng trưởng, đô trưởng nếu có chiến công, có tài năng thì  được nhập học. Học xong sẽ được thăng vệ úy, tá lĩnh.
– Các học sinh sẽ học gì?
– Thứ nhất học hành binh, bố trận,  học chỉ huy, học binh pháp. Sau đó phải học võ. Đây là trường huấn luyện bộ binh. Còn trường về Ngưu binh thì học ở Trường yên. Học về Thủy quân, Ngạc binh thì ở  Đồn sơn. Học về Kỵ binh thì ở Phù đổng.
– Ai là người thống lĩnh trường này?
– Trên danh nghĩa thì do Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc quản lĩnh. Nhưng vương trao cho chú là Nhân hòa đại vương Trần Di Ái, cùng với Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng, Chương hiến hầu Trần Quang Kiện, Văn nghĩa hầu Trần Tú Hoãn trực tiếp chỉ huy.
– Thế bốn người là hoàng tộc Đông a hay từ các hiệu binh nhập học?
– Chúng tôi đều là vệ úy của hiệu binh Thiên cương và Thiên thánh về học. Tháng sau ra trường được thăng tá lĩnh.
– Bốn người có biết ta là ai không?
– Không! Trên đời tôi chưa từng thấy ai trẻ tuổi mà võ công cao như người.
– Các người không biết ta là ai càng tốt cho các người. Ta hứa không làm các người đau đớn đâu! Các người thuộc hai hiệu binh  Thiên cương, Thiên thánh thì là thuộc hạ cũ của cha mẹ ta. Ta nói cho các người biết ta là Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Ta là cháu nội của đức Thái tông, là con của Vũ Uy vương. Khi ta từ Trung nguyên về nước thì bị tên khả ố Kiến Đao bắt cóc giam dưới cái giếng kia. Bây giờ ta thoát ra được rồi!
Hầu hỏi chi tiết đường đi nước bước của trường Lạn kha,  nhắc bốn người bỏ vào trong hang, điểm vào huyệt đại trùy, dương lăng tuyền rồi dặn:
– Các người tạm ở đây. Khi  việc của ta xong, ta sẽ thả các người ra. Nếu ta bận thì sau bốn giờ huyệt các người tự giải. Các người có thể ra về. Hy vọng sau này chúng ta còn gặp nhau.
Hầu nghĩ :
– Ta ở trong hầm hai năm qua, đầu tóc rối bù, y phục quá chật. Phải đợi trời mưa mới được ra sân tắm rửa. Người hôi hám. Ta phải tới ấp phong của anh Đại Hành, xin chị Cẩm Nhãn giúp ta may quần áo, dóc tóc cho ta. Chứ người ta hôi thối thế này mà về Thăng long thì không ổn.
Hầu dùng khinh công chạy về hướng nam. Gặp một hàng rào, tung mình nhảy ra ngoài. Hầu reo lên một tiếng, vì đó chính là con đường dẫn về ấp phong Côi sơn. Có tiếng ngựa phi. Hầu nhìn lại : một gã thiếu niên đang khoan thai lỏng buông tay khấu. Nhìn quần áo hầu biết y là một học sinh Lạn Kha, chuyên về Võ học. Vì y phục của y giống hệt thằng Cả, thằng Hai, thằng Ba. Đợi khi con ngựa vượt qua, hầu tung mình lên, ngồi vào sau kị mã, tay điểm huyệt đại trùy của y. Người y cứng đơ. Hầu cảm thấy chân khí của y cuồn cuộn chuyển vào thân mình. Biết Vô ngã tướng thiền công hút nội lực của y. Hầu thu liễm vào đơn điền.
Tuy trên lưng có thêm một người mà dường như con ngựa không cảm thấy nặng nề. Nó gõ móng đều đặn, nhưng chậm một chút. Khi qua chân ngọn đồi, Quốc Toản rẽ vào một khu cây cối rậm rạp, rồi xuống ngựa. Hầu cột ngựa vào một gốc cây, nhắc kị mã xuống đặt trên đất, giải huyệt cho y. Người y mềm nhũn vì mất hết công lực. Y quát mắng :
– Mi là ai ? Bắt ta để làm gì ?
Nghe tiếng quát hầu nhận ra y là thằng Cả, đã đấu với hầu 2 năm trước. Nhưng sau 2 năm hầu lớn lên. Y không nhận ra hầu.
Hầu đáp lạnh lùng :
– Không vội ! Lát nữa người sẽ biết ta là ai !
Thẳng Cả nhảy vọt lên phát chiêu tấn công hầu. Nhưng chân tay y vô lực. Hầu cười nhạt điểm huyệt y, ném xuống đất. Y nằm thẳng cẳng.
  Hầu rút kiếm chặt một cây tre lớn gần bằng cổ tay, rồi cắt hai đoạn dài khoảng 3 gang. Hầu vót nhọn một đầu, mỉm cười với thằng Cả :
– Người hãy nhìn cho kỹ nhé.
Hầu vận sức, dùng tay trái đập trên thanh tre. Thanh tre ngập xuống đất  tới chuôi. Hầu cầm thanh còn lại, ướm mũi nhọn vào ngưc trái y, tay vung lên như định nện vào chuôi. Thằng Cả  kêu thất thanh:
– Đừng ! Tráng sĩ đừng làm thế ?
– Ta nghe nói, muốn biết người nào nói thực hay không thì đóng vào ngực trái y một ống tre. Khi hỏi, nếu y nói thực thì ống tre rung rung. Còn y nói láo thì ống tre sẽ bất động. Vì vậy trước khi hỏi mi mấy câu, ta cần đóng ống tre vào ngực mi để biết thực sự.
– Đừng ! Đừng tráng sĩ đừng đóng. Tráng sĩ hỏi gì tôi xin nói thực.
– Mi tên gì ? Học khoa gì tại Lạn Kha ?
– Tiểu nhân tên Trần Quốc Kiện, học binh pháp để chỉ huy một hiệu binh.
– Trường Lạn Kha do ai chỉ huy ?
– Trường được thành lập mới hơn mười năm. Người thành lập là Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Người trực tiếp thống lĩnh là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Vì vương quá bận, vương trao cho chú là Nhân Hòa vương Trần Di Ái thay thế. Nhưng Nhân Hòa vương giao cho Chương Hiến hầu Trần Quang Kiện, Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng, và  Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn chỉ huy.
– Gốc gác các ông này ra sao?
– Ông Trần Di Ái là em vua Thái tông. Ông không giữ chức vụ gì của triều đình. Ông được trao cho phụ trách dạy dỗ con cháu tộc Đông a. Con vương là Vũ Đạo Hầu Trần Cương, lĩnh Tuyên vũ sứ Thiên trường. Ông Cương là bố của Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn, thống lĩnh hiệu binh Trung thánh dực, Tổng trấn Thiên trường. Con thứ của ông Cương  là Minh Thành hầu Trần Tú  Huy phó thống lĩnh.
– Nhiệm vụ của ba ông này như thế nào?
– Chương Hiến hầu Kiện phụ trách đào tạo các vệ úy, tá lĩnh. Văn Chiêu hầu phụ trách đào tạo các đô thống, tướng quân. Văn Nghĩa hầu phụ trách dạy con cháu trong hoàng tộc tước hầu, tước vương chỉ huy các quân đoàn, các hiệu binh.
Quốc Toản nghĩ thầm:
– Đúng như tên Minh Chiêu khai.
Hầu hỏi tiếp:
– Trần Quang Kiện à ? Y thuộc chi nào của hoàng tộc ?
– Hầu thuộc giòng chính, là con của Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang. Tĩnh Quốc đại vương hiện là Tổng trấn nam thùy. Hầu thống lĩnh hiệu binh Thiên cương. Hầu với tôi trùng tên chỉ khác chữ lót của tôi là Quốc, của hầu là Quang.

Quốc Toản trấn động tâm can : Tĩnh Quốc vương là con cả của ông nội ta, do công chúa Thuận Thiên sinh ra. Khi xưa vương phi của An Sinh vương Liễu có thai ba tháng, thì TrungVũ đại vương Thủ Độ ép đem vào cung làm hoàng hậu cho ông nội, để dự phòng ông nội không có con trai, thì dùng con của An Sinh vương thay thế. Quả nhiên  công chúa Thuận Thiên sinh hoàng nam. Sau được phong Tĩnh Quốc vương. Vì không phải con của ông nội nên không được truyền ngôi. Cũng như phụ vương ta vì bà nội là ca nhi, nên tuy người có tài nghiêng trời lệch đất, mà không được truyền ngôi, lại phải bôn ba trấn thủ Bắc cương, rồi đi làm con tin. Tĩnh Quốc vương được trao cho trấn thủ Nam thùy.
– Còn Trần Văn Lộng, Trần Tú Hoãn y là ai?
– Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng,  Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn là con của Nhân Hòa vương Trần Di Ái. Nhân Hòa Vương không giữ chức gì trong triều. Còn Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng  là người tổng trấn Trường yên kiêm thống lĩnh hiệu binh Trung Thánh Dực , Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn là người tổng trấn Thiên trường kiêm thống lĩnh hiệu binh  Tứ thiên.
Quốc Toản tra hỏi chi tiết về tổ chức trường Lan Kha, thấy những gì Quốc Kiện nói đều đúng như hai tên  Minh Chiêu, Minh Hòa khai. Hầu hỏi thằng Cả :
– Mi có biết ta à ai không ?
– Tôi không biết.
– Hai năm trước mi từng đấu với ta tại cái giếng đá sau trường Lan Kha.
– À ! Thì ra người là Tế tác Nguyên. Người là tên Thát đát con. Tưởng mi là người Việt thì ta nhún nhường, chứ mi là Tế tác Thát đát thì ta không chịu nhục. Người giết ta đi, ta không ân hận đâu.
– Mi bị tên Kiến Đao lừa rồi !
– Kiến Đao là ai ?
– Là người bắt ta hôm đó.
– Người ấy là thầy Lê Tắc chứ không phải Kiến Đao.
– Thì y xưng với ta như vậy. Phải rồi, chữ Kiến với chữ Đao thành chữ Tắc. Y bịp cả mi lẫn ta.
Hầu đưa thanh kiếm Thượng phương cho thằng Cả xem :
– Mi thấy không ? Đức Thái tông là ông nội ta, ban cho ta thanh kiếm này. Ta là Hoài Văn Hầu, con của Vũ Uy vương. Ta bị tên Lê Tắc dùng thủ đoạn hèn mạt bắt giam, rồi vu rằng ta là Tế tác Nguyên. Y bịp mi như thế đấy. Mi có nghe biết về Vũ Uy vương không ?
– Vũ Uy vương là bác ruột tôi, nhưng tôi chưa từng gặp bao giờ. Người hiện làm vua vùng Kinh nam ở bên Tống. Phụ hoàng tôi thường không tiếc lời khen đức độ của bác Nhật Duy với bác giái Ý Ninh. Nghe nói Tống mới bị Nguyên diệt. Phụ hoàng sai hai bác sang Nguyên làm con tin. Còn con người là Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản khi về tới Tiên yên thì bị bọn thổ phỉ tàn binh Tống giết chết, ném xác xuống biển.
– Chính tên Lê Tắc bắt tôi, giam vào cái động đá trong trường Lan Kha. Chứ thổ phỉ Tống đâu có làm truyện đó !
– Không lẽ thầy Lê Tắc lại dám làm truyện phản nghịch bắt con của chú Nhật Duy như vậy ? Chú Nhật Duy có nhiều chân tay  tài trí, mà Lê Tắc làm vậy thì không khác gì y tự tử. Nhưng ta thấy người có thanh kiếm Đông a thì ta tin người là Quốc Toản.
– Mi biết rõ lai lịch thanh Đông a không ?
– Biết. Hồi bọn Mông cổ sang đánh       ta. Đức Thái tông bắt được một tên tù binh người Đức lan tư, rất giỏi thuật luyện kim. Y tên Xì Mít (Smid). Khi trao trả tù binh, y xin ở lại lấy vợ Việt, rồi được trao cho coi xưởng luyện kim. Y đúc được 2 thanh kiếm cực kỳ sắc bén dâng cho đức Thái tông. Đức Thái tông đặt tên cho thanh lớn là Đông a, thanh nhỏ là Trần tộc. Phụ hoàng truyền sứ mang thanh Đông a sang Trường sa cho Quốc Toản.
Quốc Toản thuật cho thằng Cả nghe tình hình Tống, Nguyên, rồi hỏi :
– Mi thuộc chi nào mà dám xưng là cháu của bố ta ?
– Tôi thuộc giòng cả. Tôi là cháu nội của đức Thái tông, là con útt của thượng hoàng, là em của đương kim Thiệu Bảo thiên tử. Tước phong Hoài Nhân vương. Nhưng vì còn nhỏ tuổi, chưa được mở phủ đệ riêng, cũng chưa được trao cho chức văn, chức võ gì.
– Mi nói lạ, phàm các hoàng tử, thế tử khi đến tuổi 13 thì được phong tước, cho mở phủ đệ riêng, rồi trao cho chức văn, chức võ. Ngay như ta, mới sinh ra đã được phong tước Hoài Văn hầu. Tại sao mi chưa được trao cho chức văn, chức võ ?
– Tôi hỏi anh nhé ! Tuy anh được phong tước Hoài Văn hầu, nhưng chức văn, chức võ của anh là gì ?
Quốc Toản ngớ người ra.
– Ừ nhỉ ta chỉ có tước, mà không có chức.
– Hồi đức Thái tông sắp băng, người thấy con cháu trong hoàng tộc quá đông, được phong vương, phong hầu thì nhiều tài trí không hơn đời, mà trao chức văn, chức võ cho thì sẽ làm hỏng đại sự. Vì vậy người theo lời tâu của Chiêu Minh vương, lập trường Lạn kha,  bắt tất cả con em hoàng tộc nhập học. Sau đó xét trài trí trao cho chức văn, chức võ. Tuy nhiên tước thì vẫn phong. Cho nên phụ hoàng gửi tôi vào trường Lạn Kha học binh pháp, rồi sẽ trao cho chức. Nhưng ông Di Ái không ưa phụ hoàng tôi, nên chỉ cho học văn, học binh pháp chung với các con em trong hoàng tộc. Còn võ thì trao cho chú Lộng. Chú Lộng dạy tôi cho có, nên bản lĩnh của tôi quá thấp. Hừ ! nhục nhã qúa !
Quốc Toản đứng dậy chắp tay xá ba xá :
– Xin lỗi ! Như vậy mi là vai em tôi. Chúng ta là con chú con bác. Thực đúng như tục ngữ nói : đánh nhau vỡ đầu rồi mới nhận họ. Cũng chỉ vì tên Lê Tắc. Thôi bây giờ chúng ta đường đường, chính chính đến trường Lạn Kha chất vấn y.
– Không nên ! Trong trường Lạn Kha có hằng nghìn võ sinh với hằng trăm đại cao thủ. Chúng mình không địch lại họ đâu. Chúng sẽ vu cho anh là Tế tác Nguyên. Chính anh giết Quốc Toản đoạt thanh Đông a. Chúng sẽ hô các võ sinh bao vây giết anh. Trong khi anh không nỡ giết họ, vì họ hiểu lầm. Em nghĩ anh em mình nên về Thăng long trước, để thân phận anh được Tuyên cao thái phi công nhận, rồi hãy trở lại đây cũng chưa muộn.
Quốc Toản cười khẩy, tay chỉ vào cây thông to bằng bắp đùi :
– Em sợ trong trường Lạn kha có nhiều cao thủ ư ? Em coi này.
Hầu phát chiêu Phản bản hoàn nguyên trong Tán lạc hồn chưởng. Bộp một tiếng, cây thông từ từ đổ xuống. Quang Kiện mở to mắt ra nhìn : những thớ gỗ thông quăn queo như vỏ bào, lại có những thớ nát ra như cám. Y rùng mình :
– Em nghe thời Lý, Tiên nương Bảo Hòa phát minh ra 10 chiêu Tán lạc tiêu hồn chưởng, cực kỳ hung dữ, đã thất truyền hơn trăm năm. Sao anh lại biết xử dụng ? Lại nữa ban nẫy anh nắm cổ em, hút hết công lực của em. Bây giờ tuổi anh bất quá 13-14 mà đã thế này. Nếu anh tiếp tục thì năm sáu năm không ai địch lại anh nữa.
Quốc Kiện đề nghị :
– Dù gì chúng mình cũng là anh em . Chúng mình đường đường là vương, là hầu. Anh phải thay y phục, chứ quần áo anh rách rưới thế kia thì không nên xuất hiện.
Quốc Kiện móc trong túi ra một nén bạc :
– Từ đây đến thị trấn Trường yên không xa. Chúng ta đến đó mua y phục cho anh.
Hai trẻ ôm lấy nhau, cùng rơm rớm nước mắt . Hoài Nhân vương than :
– Chỉ vì Lê Tắc mà suýt nữa chúng mình giết nhau ! Nào đi mua quần áo !
– Không cần. Phía trước kia là ấp phong của Tuyên uy đại tướng quân, Trung hòa hầu Nguyễn Đại Hành. Chúng ta đến đó nhờ chị Đại Hành mua quần áo cho.
– Ừ nhỉ.
Hai trẻ cỡi chung một ngựa tới ấp Côi sơn. Dù cách nhau hai năm, Quốc Toản lớn lên, nhưng Cẩm Nhãn cũng nhận ra hầu. Phu nhân hỏi :
– Hai năm qua em ở đâu ? Chúng bắt em, có hành hạ gì không ?
Quốc Toản thuật sơ những gì mình trải qua cho Cẩm Nhãn nghe. Cẩm Nhãn tuy là phu nhân tước hầu, nhưng chưa hề học lễ nghi cung đình. Nàng đối xử với Quốc Toản bằng tình nghĩa dân gian : khi Đại Hành được phong tước hầu, dù hầu không có nhà, nhưng triều đình ban cho Đại Hành bộ phẩm phục hầu tước, phu nhân cất rất kỹ. Bây giờ nàng trao cho Quốc Toản :
– Em tạm mặc quần áo của anh Đại Hành đã. Trong ấp có nhiều thợ may giỏi. Để chị sai họ may quần áo cho em ! Em ra ao kia tắm đi.
Quốc Toản tắm rửa, thay y phục. Cẩm Nhãn chải tóc cho hầu, rồi ngắm :
– Em giống bố quá. Nhưng đẹp trai hơn bố một tý.
Thị nữ bưng ra một cái sàng, trên sàng có đĩa rau muống chẻ, với kinh giới, tía tô và hơn chục cái bánh tôm :
– Hai em ăn bánh tôm đi.
– Bố em nói, chị Cẩm Nhãn bán bánh tôm Hồ tây từ hồi 12 tuổi. Rồi 13 tuổi thành vợ anh Đại Hành. Chị giỏi thực, mới thoáng một cái mà đã ra tay tiên thành bánh tôm.
Hai thiếu niên cùng ăn. Từng nghe bố mẹ nói về bánh tôm hồ Tây. Đây là lần đầu tiên được ăn. Quốc Toản, Quốc Kiện ăn rất ngon miệng. Cẩm Nhãn rán luôn tay không kịp.
Trong bữa ăn Quốc Toản cho Quốc Kiện biết chi tiết về việc triều đình đức Thái tông gửi Tô lịch, Đông hoa sang Mông cổ. Sau thêm 10 nàng Ngọc. Rồi hầu nói về hai tên thân vương Vuông, Tròn. Hai tên này muốn Nguyên phong cho làm An Nam quốc vương, tranh quyền với hoàng đế Thiệu Bảo.
Quốc Toản nói gay gắt :
– Nhất định gã Lê Tắc có liên quan tới một trong hai tên Vuông, Tròn. Chúng mình phải dò cho hai tên này là ai?
Quốc Kiện buồn buồn :
– Khó đấy ! Chắc chắn hai tên này đang nắm trọng quyền trong tay. Phụ hoàng rất trọng tình ruột thịt. Khi chúng ta tâu lên, chưa chắc người đã tin. Dù có tin, người cũng không giết chúng. Em nghĩ võ công anh cao, khi chúng mình biết chúng là ai, anh dùng thanh Đông a giết quách chúng đi, rồi cáo với triều đình thì sự đã rồi.
– Ý kiến hay.
Quốc Kiện bàn :
– Cách đây hơn hai năm, Mông cổ  sai tên Toa Đô đem quân đánh Chiêm. Triều đình cho thành lập một cơ quan mang tên Trợ Chiêm sát Đát hành doanh. Nói theo tiếng bình dân là Bộ tư lệnh quân viện Chiêm, giết Mông cổ. Hưng Nhượng vương được trao cho làm Tuyên uy Nam viện nguyên soái. Hành doanh đóng tại Nam giới. Cứ hai tháng một lần, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc quản Khu mật viện từ Thăng long vào duyệt xét tình hình. Nên Hưng Nhượng vương đem văn võ quan của Hành doanh hội tại trường Lạn kha để tường trình chư sư.  Hôm nay là ngày hội quân đây.
– Chúng  ta cần dò xem. Có nên lột mặt nạ tên Lê Tắc để Khu mật viện bắt giết y không?
Chiều hôm đó thợ may đã may cho Quốc Toản ba bộ quần áo như nông dân. Hai bộ y phục tước hầu.  Buổi tối, dưới ánh trăng, Trần Quốc Kiện, Cẩm Nhãn, ngồi nghe Quốc Toản giảng giải về tình hình Mông cổ, Nãi man, tình hình triều Nguyên. Nhất là nghe nói về những gì Đại Hành, Cao Mang đã làm. Khi nghe nói đến hai thân vương Vuông, Tròn, Cẩm Nhãn lo lắng vô cùng:
– Nếu như hai tên Vuông, Tròn cáo với triều Nguyên về nhiệm vụ của Đại Hành, của Thất tiên, Đông hoa thì e tai họa không nhỏ.
Trước khi đi ngủ, Quốc Toản bảo Quốc Kiện :
– Em bị anh hút hết công lực e đi lại khó khăn. Em ngồi ngay ngắn lại. Anh  trả em.
Quốc Toàn để tay lên huyệt bách hội Quốc Kiện rồi đồn chân khí sang. Kiện rùng mình một cái, rồi ngồi im quy liễm chân khí.  Khoảng một khắc Kiện thấy người mình căng thẳng, thì vẫy tay ra hiệu, Quốc Toản thu tay lại.
– Trên đời, em chưa từng thấy ai có nội lực manh như anh. Có lẽ chỉ bác Hưng Ninh với chú Chiêu Quốc là hơn được mà thôi.
Hưng Ninh vương là tước phong của Tuệ Trung bồ tát. Vương là con của An Sinh vương Liễu. An Sinh vương Liễu là anh của Trần Thái tông, nên Quốc Kiện gọi là bác.
Sáng hôm sau, hai trẻ ngủ cho đến cuối giờ tỵ mới thức giấc. Cẩm Nhãn cho hai trẻ ăn bánh cuốn hồ Tây, rồi lên đường thì mặt trời đã đứng bóng. Phu nhân trao cho Quốc Toản mấy nén bạc, mấy xâu tiền :
– Ngựa, bạc, tiền chị chuẩn bị cho em đây. Chị nghĩ hai em nên về Thăng long, yết kiến triều đình để thân phận Quốc Toản được chứng minh, rồi muốn làm gì hãy làm.
Cẩm Nhãn đem con ngựa khỏe nhất của dinh Trung hòa hầu cho Quốc Toản. Quốc Kiện lấy trong bọc ra một bộ y phục võ sinh :
– Nào. Chúng ta lên đường về trường Lạn Kha. Anh mặc bộ võ phục này, để khi qua cổng trường, binh canh không chặn lại. Khi vào trường anh giả làm một võ sinh.
Hai trẻ lấy ngựa lên đường. Vừa tới cổng trang, thình lình Quốc Kiện gò cương cho ngựa dừng lại, rồi tung mình nhảy vào một bụi rậm, tay vẫy Quốc Toản. Tuy hơi ngạc nhiên, nhưng Quốc Tỏan cũng nhảy theo. Quốc Kiện chỉ về phía trước, xa xa có một đội giáp sĩ khoảng trăm người, hộ tống một người trang phục vương tước. Phía sau có hai chiếc xe song mã buông màn kín mít. 
Quốc Toản hỏi:
– Tại sao mình phải trốn tránh?
– Anh không biết đấy thôi. Đây là đội giáp sĩ hộ tống Nhân Hòa vương.
– Nhân Hòa vương à! Tên ông ta là gì?
– Trần Đi Ái.
– Lạ nhỉ! Hồi ở Trường sa, bố anh thường đem sổ Uyên hàng kim diệp ra giảng về giòng họ mình. Nhưng chưa hề nghe nói tới Trần Di Ái bao giờ? Ông ta thuộc chi nào? Giòng nào?
– Ông ấy thuộc giòng thứ, là con của Thái tổ Trần Thừa. Em ruột đức Thái tông. Chúng mình phải gọi là ông trẻ.
– Tài trí ông ra sao?
– Ông được Tuyên minh thái hoàng thái hậu dậy văn, luyện võ, nên văn võ kiêm toàn.
– Ông giữ chức vụ gì ở triều đình?
– Theo di chúc của Tuyên minh thái hoàng thái hậu, ông không giữ bất cứ chức gì. Ngài giao ho ông phụ trách dậy văn, luyện võ cho con cháu trong giòng họ nhà mình. Tuy nhiên đức Thái tông cũng phong cho ông hàm Thái phó, tước Nhân Hòa vương. Tính ông bất thường, ghét ai thì ghét, không cần lý do. Trong các con cháu, ông ghét nhất ba người. Một là Vũ Uy vương, hai là Chiêu Quốc vương. Ba là phụ hoàng.
Đến đó đoàn tùy tùng đã tới. Đi đầu khoảng ba chục Thiết kị. Tiếp theo là Chiêu Hòa vương cỡi ngựa. Phía sau có hai cái xe, màn che kín mít. Cuối cùng khoảng 70 Thiết kị nữa. Nội công Quốc Toản rất thâm hậu. Hầu nói sẽ vào tai Kiện:
– Trong hai xe kia, ai cũng tưởng chở phụ nữ, trẻ con. Nhưng không ngờ có bốn đại cao thủ người Trung nguyên. Vì hơi thở của họ trầm, dài như tơ.
Đoàn thiết kị đi qua, Quốc Toản hỏi:
– Tại sao em thấy Nhân Hòa vương lại phải trốn tránh?
– Bắt đầu từ 6 tuổi, em được phụ hoàng trao cho ông dạy võ. Vì ông không ưa phụ hoàng, nên ông ghét lây em. Ong trao em cho một người con là Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng dậy em. Chú Lộng dậy em cho có, thành ra võ công em thua xa những bạn học cùng. Sau ông trao cho thầy Lê Tắc dậy văn, vì vậy trong các thiếu niên hoàng tộc võ công em kém nhất. Này anh!
– Gì?
– Võ công anh cao như vậy, anh dậy em đi!
– Anh rất vui lòng.
Quốc Kiện quỳ gối bái lậy:
– Đứa em là Trần Quốc Kiện, xin bái anh làm sư phụ.
– Em cứ gọi anh là anh như cũ cho thân! Em có biết  Chiêu Hòa vương đi đâu không?
– Ông ấy thường về trang ấp của chú Trần Văn Lộng, nằm trên sườn núi Cánh diều để nghỉ ngơi. Núi Cánh diều không xa đây làm bao.
Quốc Toản nghi ngờ:
– Nội công anh rất cao. Nên anh nghe thấy trên hai chiếc xe của vương có đến bốn đại cao thủ thổ nạp. Rõ ràng đó là những cao thủ Trung quốc. Tại sao ông đi nghỉ mà lại dấu cao thủ trên xe? Võ công ông cao, việc gì ông phải mang cao thủ theo? Chúng ta phải dò cho ra cái bí mật này.
– Em từng đến trang trại của chú Trần Văn Lộng. Trang trại cách dây không xa. Nhưng phải cẩn thận, vì võ công ông Di Ái hiện cao thâm nhất giòng họ mình. Võ công chú Lộng cũng không thua gì ông. Ông biết chúng mình tò mò vào truyện của ông thì e mất mạng.
–––––––––––––––––––––

Phụ lục: An Nam tứ đại thần khí
Xin đọc Nam Quốc sơn hà, cùng tác giả. Quyển 5, hồi 44
Theo truyền thuyết: Thời Bắc thuộc, vua Đường sai Cao Biền sang Đại-Việt yểm hết các thế đất linh, lấy tất cả tinh hoa linh khí bỏ vào bụng ba mươi sáu con trâu vàng đem về giam núi Thái-sơn. Đến đời vua Tống Thái-tông, vì thất trận nên sai đào trâu mang về yểm ở trong Hoàng-cung, hy vọng tuyệt hết linh khí Đại-Việt. Trong dịp hai thánh tăng Minh-Không, Đạo-Hạnh vân du Trung-thổ, trừ tà tại Hoàng-cung Tống, được nhà vua cúng dàng đồng đen. Hai ngài làm phép lấy hết một kho đồng đem về Đại-Việt. Nhân đó hai ngài đoạt ba mươi sáu con trâu chứa tinh hoa anh linh tộc Việt, rồi đem về đặt vào chỗ cũ. Linh khí Đại-Việt lại sáng rực trời Nam.

Thần khí thứ nhất.
Thần khí thứ nhất mà ngài đúc là đỉnh tháp Đại-thắng Báo-thiên. Tháp nằm trong khuôn viên chùa Sùng-khánh Báo-thiên. Chùa Sùng-khánh Báo-thiên dựng vào tháng tư, năm Bính-Thân, nhằm niên hiệu Long-thụy Thái-bình thứ ba đời đức Thánh-tông (1056). Sở dĩ chùa có tên Báo-thiên, vì ngày lễ Thượng-nguyên, tức rằm tháng giêng năm ấy, xa giá vua ra hồ Tây xem cá. Khi đến bờ đê, thì gặp một người trang phục như thằng điên, mắng vua rằng: Nhà vua làm chúa trời Nam, sao không tu đức, sửa sang chính sự, mà lại rong chơi? Như vậy là làm gương xấu khiến cho bọn quan lại tham ô, hà hiếp dân chúng. Ta là thần, được thượng đế sai xuống giữ việc mưa nắng vùng này. Nay thấy dân khổ, nên hiện ra báo cho vua hay. Lập tức đức Thánh-tông bỏ cuộc đi chơi, trở về giảm yến tiệc, giảm chi tiêu nội cung, cách chức bọn tham quan, sai làm chùa để tạ ơn trời. Chùa mang tên Sùng-khánh Báo-thiên là tích đó. Nơi tọa lạc chùa, được mang tên phường Báo-thiên, thuộc thôn Tiên-thị, huyện Thọ-xương, Thăng-long.
Năm sau, Đinh-Dậu, niên hiệu Long-thụy Thái-bình thứ tư (1057) đức Thánh-tông lại cho dựng tháp ở trong sân chùa. Tháp cao hai mươi trượng (40 mét), gồm 12 tầng. Nay hai thánh tăng lấy đồng đen, là tinh hoa linh khí núi Thái-sơn bên Trung-nguyên đúc cái đỉnh tháp. Từ khi đỉnh tháp được an vị, linh khí Trung-nguyên, tinh đẩu phương Bắc đều chiếu về trời Nam. Đêm đêm hào quang chiếu sáng rực đất Thăng-long.
 Chùa Sùng-khánh Báo-thiên, tháp Báo-thiên cho đến đời Trần vẫn còn. Nhà thơ Phạm Sư-Mạnh, cuối đời Trần có làm bài thơ Đề Báo-thiên tháp như sau:
           Trấn áp Đông, Tây củng đế kỳ
           Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy.
           Sơn hà bất động kình thiên trụ,
           Kim cổ nan ma lập địa chùy.
           Phong bãi chung linh thời ứng đáp,
           Tinh di đăng chúc, dạ quang huy.
           Ngã lai dục thử đề danh bút,
           Quản lĩnh xuân giang tác nghiễn trì.
          
Đào Thái-Tôn dịch như sau:
Trấn áp Đông, Tây giữ đế đô,
Hiên ngang ngọn tháp đứng trơ trơ.
Non sông vững trãi tay trời chống,
Kim cổ khôn mòn đỉnh tháp nhô.
Thỉnh thoảng gió lay, chuông ứng đáp,
Đêm đêm sao xế đuốc khôn mờ.
Tới đây những muốn dầm ngòi bút,
Chiếm cả giòng sông mài mực thơ.
          
Năm 1406, vì giặc Hồ Quý-Ly cướp ngôi nhà Trần, linh khí trời Nam mất hết, đỉnh tháp bị gẫy rơi xuống. An-phủ-sứ Đông-đô là Lê Khải thấy đềm gở, không dám báo cho giặc Hồ biết, vì vậy bị biếm một tư. Sau đó đỉnh tháp được hàn, đem lên như cũ.
 Năm 1427, quân Minh bị Bình-Định vương Lê Lợi vây ở Đông-đô (Thăng-long) chúng cho rằng tháp Báo-thiên là nơi hút linh khí thiên hà, vì vậy vương thành công, chúng phá tháp với hy vọng tuyệt linh khí trời Nam; nhưng thác rằng lấy đồng làm súng. Chỗ nền tháp được đổ đất thành gò cao để dựng đàn tràng.
Đến cuối thời Lê, chùa bị bỏ hoang phế. Khu đất gần nền tháp cũ biến thành chợ, gọi là chợ Tiên. Đến thời Tây-sơn, năm Giáp-Dần, 1792, dân chúng đào gò lấy gạch, đá; tu bổ thành Thăng-long, nhặt được tượng đá chạm hình tiên, chim muông, chén bát sứ không biết bao nhiêu mà  kể. Trên gạch đào được có chữ « Lý gia đệ tam đế Long-thụy Thái-bình tứ niên tạo» (Làm năm Long-thụy Thái-bình thứ tư đời vua thứ ba nhà Lý).
Định-vương Trịnh Căn có bài thơ Đề Báo-thiên tự như sau:
           Tứ bề chăn ngắt gấm chương sinh,
           Cảnh lạ mười phân, chín khác thường.
           Thăm thẳm liên đài, nhuần diệu sắc,
           Thênh thênh phúc chỉ nức thanh hương.
           Vậy nên cõi phép trừng tha tính,
           Tốt được lòng người lạc thiên phương.
           Gió đạo thổi đưa hòa hây hẩy,
           Trong khi ngoạn thưởng rất thư lương.

Bình phong tám bức mọi đồ thâu,
Đầm ấm trời xuân ngọc một bầu.
Mây thụy soi soi truyền bảo các,
Non nhân rắp rắp đối chung lâu.
Mở đường tế độ là ơn rộng,
Song cửa từ thông tỏ đạo mầu.
Thắng lãm luận đây làm phẩm nhất,
So trong tỉnh  giới há nhường đâu.  

            Đến thời Nguyễn, đời vua Tự-Đức, tổng đốc Hà-nội là Tôn-thất Bật theo nền chùa cũ, xây lại, giữ được một số đá xanh chạm hình hoa sen là đá ở tháp Báo-thiên, đá chạm hình bát giác là đá ở bệ tháp từ thời Lý.
Hồi người Pháp sang cai trị (1884), họ phá chùa này, lấy đất xây nhà thờ lớn Hà-nội. Vị trí chùa cũ nằm từ phía bên phải đền Lý Quốc-Sư đến đầu phố Nhà-chung, quận Hoàn-kiếm, Hà-nội.
Độc giả muốn thâm cứu thêm về chùa Sùng-khánh Báo-thiên, tháp Báo-thiên có thể tìm đọc các sách:

Trung-quốc:
 Quách thị Nam-chinh,
 Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký.

Việt-Nam:
 Việt sử lược (Lý kỷ),
 Đại Việt sử ký toàn thư (Lý kỷ, Thánh-tông kỷ),
 Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
Đại Nam nhất thống chí,
 Hoàng Việt địa dư chí,
 Bắc thành địa dư chí lục,
 Thăng-long cổ tích khảo,
Hà-nội địa dư,
Hà-nội sơn xuyên phong vực,
 Đại-Việt địa chí,
 Hoàng Việt thi tuyển,
 Khâm định thăng bình bách vịnh,
Ngự đề Thiên-hòa doanh bách vịnh,
Toàn Việt thi lục,
Tang thương ngẫu lục,
Long-biên bách nhi vịnh.

Thần khí thứ nhì,
Bảo khí thứ nhì là một tượng phật Thích-ca Mâu-ni cao hai trượng. Trên thân tượng ngài cho yểm 18 viên Xá-lợi của 18 vị bồ tát Đại-Việt, 360 hạt đá linh khí lấy từ 360 đền thờ chư thánh Đại-Việt.
Khi đúc tượng, các vị tăng thường để một lỗ trống phía sau lưng tượng thông vào bụng, chỗ huyệt thần đạo. Sau đó hoặc yểm ngọc Xá-lợi vào, hoặc yểm ngọc, hay vàng vào. Nhưng ngài Minh Không lại không làm thế. Phàm các bậc đại giác như phật, bồ tát, la hán, thường phân thân đi khắp nơi, làm đủ mọi loài để cứu độ, để thuyết pháp. Thế danh hiệu 18 bồ tát, 360 thánh là những vị nào?
Về bồ tát thì có các ngài Tỳ-ni Đa-lưu-chi, Pháp-Hiền, La Quý-An, Sùng-Phạm, Bố-Đại, Vạn-Hạnh... Về chư thánh thì Phù-Đổng thiên vương, thánh Tản, Chử đạo tổ, công chúa Tiên-Dung, Vạn-Tín hầu Lý Thân, Cao-Cảnh hầu Cao Nỗ, Trung-Tín hầu Vũ Bảo-Trung, Phương-Chính hầu Trần Tự-Minh, vua Trưng cùng 162 anh hùng thời Lĩnh-Nam... mới nhất bấy giờ là Vũ-dực đại tướng quân Dư Phi, Phiêu-kị đại tướng quân Bùi Hoàng-Quan và Nhu-mẫn Đoan-duệ Anh-văn công chúa Trần Ngọc-Huệ.
Pho tượng là tượng đức Thích-ca Mâu-ni, nhưng yểm tâm toàn là chư bồ tát, chư thần linh Đại-Việt. Như thế thì anh linh của các ngài tập trung lại, mạnh vô cùng. Hai ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh sẽ đặt pho tượng đó vào một vị trí quan trọng để trấn áp quân Trung-nguyên. Đó là chùa trong núi Quỳnh-lâm, thuộc trấn Đông-triều, mặt hướng về phương Bắc. Như vậy linh khí chư bồ tát, chư thần vừa trấn Bắc, vừa trấn biển Đông. Từ nay, và mãi mãi, khi pho tượng còn, thì Trung-nguyên không thể đánh chiếm Đại-Việt được nữa.
 Chùa Quỳnh-lâm được kiến tạo vào thời đức Lý Thái-tổ (1010-1028), tường xây bằng đá, mái lợp ngói, rất đẹp, là nơi cho dân làng tới niệm Phật, chứ không có tăng ni trụ trì. Bồ tát Từ Đạo-Hạnh quyên giáo được rất nhiều tiền. Ngài cho xây dựng qui mô rồi đúc tượng. Từ ngày an vị tượng, đêm đêm hào quang chiếu sáng rực một vùng, dân chúng đến lễ bái rất đông. Chùa hiện (1077) do một đệ tử của quốc sư Huệ-Sinh trụ trì.
Chùa Quỳnh-lâm tọa lạc tại núi Quỳnh-lâm, xã Hà-lôi, huyện Đông-triều, tỉnh Hải-dương. Nay thuộc tỉnh Quảng-ninh. Từ khi ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh an vị tượng quốc bảo, chùa trở thành danh tiếng. Sang đời Trần, thiền sư Pháp-Loa trụ trì tại đây. Chùa có viện Quỳnh-lâm rất lớn, làm nơi giảng kinh. Tương truyền viện có thể thu nhận tới ba nghìn người một lúc. Lại có am Bích-động để tọa thiền. Một phò mã họ Vũ đời Trần cúng 20 mẫu ruộng. Quan tư đồ Văn-Huệ vương Trần Quang-Triều và công chúa Thượng-Trân cúng 900 lượng vàng để đúc tượng Di-Lặc. Chùa sở hữu tới hơn nghìn mẫu ruộng, tá điền nghìn người. Đương thời chùa được tôn làm Thiên Nam đệ nhất danh lãm. Trong thời gian 1285 đến 1315 chùa nổi danh cùng với chùa Vân-yên ở núi Yên-tử, chùa Báo-ân (Từ-quang) ở làng Siêu-loại. Khi giặc Minh xâm lược Đại-Việt (1407) chùa bị phá hủy, tượng phật Quỳnh-lâm bị cướp mang về Kimh-lăng. Đầu đời Lê, chùa được dựng lại.
Vào thời Vĩnh-khánh (1729-1732) Uy-Nam vương Trịnh Giang cấp tiền, rồi lấy dân ba huyện Đông-triều, Thủy-đường, Chí-linh, tu tạo qui mô, bài trí lộng lẫy. Đến đầu đời Vĩnh-hựu (1735-1746), lại lấy dân các huyện Hiệp-sơn, Thủy-đường, Đông-triều, Kim-thành và Thanh-hà sửa sang lần nữa, rộng lớn hơn.
Đến thời Nguyễn, niên hiệu Thiệu-Trị thứ sáu (1845) chùa bị bọn Thổ-phỉ người Tầu đốt cháy mất chính điện và tiền đường. Tất cả các tượng gỗ đều cháy, duy tượng vua Trần Nhân-tông là còn nguyên.
Độc giả muốn thâm cứu thêm về chùa, tượng phật Quỳnh-lâm, có thể tìm đọc thêm các sách:

Trung-quốc:
 Quách-thị Nam chinh,
Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký,
 Nam-hải chư thần cảo lục.
Việt-Nam:
Lục Nam địa chí,
Kiến văn tiểu lục,
Lịch triều hiến chương loại chí,
Hoàng Việt địa dư chí,
Thoái thức ký văn,
 Đại Nam nhất thống chí,
Đồng-Khánh địa dư chí lược,
 Bắc-kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo,
 Việt-Nam địa dư chí,
Đại-Việt địa chí.        
Thần khí thứ ba,
Thần-khí thứ ba là cái vạc lớn an vị tại chùa Phổ-minh thuộc trấn Thiên-trường. Nguyên niên hiệu Thuận-Thiên thứ mười chín (1028), trong lúc chư vương nổi loạn, Ngô-quốc quận vương Trần Tự-Mai cùng công chúa Huệ-Nhu đem anh hùng võ lâm Trung-nguyên về giúp Khai-Quốc vương đánh dẹp. Nhân đó vương xây chùa Phổ-minh tại trang Thiên-trường để cầu phúc cho thân mẫu. Nay hai thánh tăng cho đúc vạc, xây bệ đặt tại chùa. Vạc nặng ba vạn cân (13 tấn ngày nay), phía ngoài có hình rồng quấn xung quanh, và hình chim âu đang bay. Đầu rồng, đầu âu nghểnh lên trên vành vạc để quy linh khí của Quốc-tổ Lạc-long quân, Quốc-mẫu Âu-Cơ. Thành vạc khuyết 100 lỗ hình như quả trứng, trong mỗi lỗ khuyết đặt một tượng rồng vàng, để quy liễm linh khí trăm con của Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Bệ vạc khắc tên tất cả các vị vua tộc Việt. Cao nhất là vua Kinh-Dương, gần nhất là vua Lý Thánh-tông; để anh linh các tiên đế tụ lại, phù hộ cho dân giầu, mưa thuận gió hòa. Sau khi an trí vạc xong, thì ngay đêm đó, trên không có tiếng nhã nhạc vang lừng, rồi hàng vạn con hạc từ đâu về bay lượn, hào quang từ trong chùa chiếu ra sáng rực. Ngài Minh-Không thấy vậy, mới nói rằng: « Không ngờ linh khí tụ nhanh như vậy. Sau đây hơn trăm năm, sẽ có giặc phương Bắc, thiên hạ không ai đương nổi. Đất này sẽ có một vị đại thánh giáng trần phá giặc đó».
          
Ghi chú,
Chùa Phổ-minh ở xã Tức-mặc, nay là Lộc-vượng, ngoại ô thành phố Nam-định. Từ khi bồ tát Minh-Không đúc vạc, an vị, thì chùa trở thành đanh tiếng. Đây là nơi phát tích ra giòng dõi các vua Trần sau này. Sau khi họ Trần lên làm vua, các thân vương được cắt đất phong khắp nơi, nhưng mỗi thân vương đều được cấp một mảnh đất nhỏ ở Tức-mặc, gọi là cố trạch, có nghĩa là đất cũ.
Đúng như lời tiên đoán của Minh-Không bồ tát, sau khi an vị vạc Phổ-minh, vùng Tức-mặc quy liễm được nhiều khí thiêng của trời Nam, nên đức thánh Trần mới giáng sinh, đánh bại Mông-cổ ba lần.
Đức thánh là con của An-sinh vương Liễu, sau khi thắng giặc, vua Nhân-tông cắt nhiều ấp giầu có phong cho ngài, ngài không nhận, và vẫn ở Yên-bang là ấp của An-sinh vương. Tại Tức-mặc, cố trạch của ngài nằm ngay cạnh chùa Phổ-minh.
Niên hiệu Thiệu-long thứ nhì (1262) đời vua Trần Thánh-tông, dựng cung Trùng-quang ở gần và cho tu sửa chùa, làm chỗ nghỉ ngơi của Thái-thượng hoàng.
Niên hiệu Hưng-long thứ 13 (1305) đời vua Trần Anh-tông, cho xây tháp 14 tầng trên 12 bậc gạch, cao hơn 20 mét bằng đá quý, gạch nung trang trí hình rồng lượn, với chữ « Hưng-long thập tam niên».
Sau khi vua Trần Nhân-tông băng hà, nhục thể đem thiêu, triều đình đem bẩy viên xá lợi đặt trong tháp để thờ phụng. Chính vua Trần Minh-tông có thơ đề:

           Đề Phổ-minh tự thủy tạ.
           Huân tận hương đầu mãn tọa hương,
           Thủy lưu sơ khởi bất đa lương.
           Lão dung ảnh lý tăng khai bế,
           Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường.
          
Đào Thái-Tôn dịch như sau:
           Đề ở nhà thủy tạ chùa Phổ-minh.
           Hương cháy ngàn tăm khắp chốn thơm,
           Nhẹ trôi dòng nước khói lan nồng.
           Đa già rợp bóng, sư cài cửa,
           Một tiếng ve kêu, thu rộn buông.
          
Năm 1426, Vương Thông bị Bình-Định vương Lê Lợi đánh bại, có người mách với y rằng: sở dĩ người Việt nổi lên bại được quân Minh là do Nam-thiên tứ khí. Vương Thông sai quân hủy vạc Phổ-minh cùng với đỉnh tháp Báo-thiên, tượng phật Quỳnh-lâm, nói thác rằng để đúc súng đạn.

Tiến-sĩ Bùi Huy-Bích (1744-1818) có bài thơ Du Phổ-minh tự dưới đây:
           Loạn hậu trùng tầm đáo Phổ-minh,
           Nhàn hoa dã thảo mãn nham quynh.
           Bi văn tước lạc hòa yên bích,
           Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh.
           Pháp giới dữ đồng thiên quảng đại,
           Thổ nhân do thuyết địa anh linh.
           Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại?
           Thức đắc vô hình thắng hữu hình.
Ngô Đức-Thọ dịch như sau:
           Sau loạn tìm về đến Phổ-minh,
           Hoa đồng cỏ nội ngút trời xanh.
           Văn bia sứt mẻ nhòe mây khói,
           Mắt Phật âu sầu chiếu ngũ canh.
           Cõi phép cùng trời bao rộng lớn,
           Người đây vẫn nói đất linh thiêng.
           Não lòng đỉnh cổ rầy đâu tá?
           Mới biết vô hình thắng hữu hình.
          
Hiện nay (2001) vạc không còn nữa, nhưng tháp, chùa Phổ-minh vẫn còn đó. Chùa, tháp cùng vời đền thờ các vua Trần, đền thờ Hưng-Đạo vương ở cạnh nhau. Du khách muốn hành hương, có thể dùng xe, đi về hướng Bắc thành phố Nam-định, qua khu Lò-trâu, tới những đoạn sông Vỵ-hoàng chỗ còn, chỗ bị lấp, rồi quẹo trái là đến khu di tích lịch sử này. Đầu tiên là cái sân ngoài, có cây đa cổ. Qua lần cổng thứ nhất tới cái hồ. Đi vòng qua bờ phải hồ tới đền thờ đức thánh Trần. Vòng qua trái hồ là đền thờ các vua Trần. Bên trái đền thờ vua Trần là tháp và chùa Phổ-minh. Trong đền thờ đức thánh Trần cũng như các vua Trần. Hai đền, chùa, tháp còn giữ được khá đầy đủ tượng, câu đối, hoành phi cổ.
Tháp Phổ-minh hiện được các nhà sản xuất tranh sơn mài, các họa sĩ dùng làm cảnh tiêu biểu cho di tích lịch sử, văn hóa Việt-Nam. Nếu đi sâu vào Tức-mạc còn có lăng đức thánh Trần và vương phi, nhưng lăng này là lăng vọng, chứ không phải lăng thực.
Độc giả muốn thâm cứu về chùa, tháp Phổ-minh, có thể đọc hêm các sách:

Trung-quốc:
Quách-thị Nam-chinh,
Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký,
 Giao-chỉ linh thần kỷ sự.

Việt-Nam:
Đại-Việt sử ký toàn thư (đệ ngũ kỷ),
Hoàng-Việt nhất thống địa dư chí,
Đại-Việt địa chí,
 Nam-định tỉnh địa dư chí,
 Phương-đình mạn hứng tập,
Tồn thi cảo,
Đại-Nam nhất thống chí,
Đồng-Khánh địa dư chí lược,
 Toàn Việt thi lục.

Thần khí thứ tư,
Tinh hoa của Hoa-hạ là một con trâu bằng vàng nằm ở trong lòng núi Thái-sơn. Biết bao đời, các anh hùng Trung-nguyên thi nhau bắt giữ nó mà không được. Nguyên thời vua Thần-Nông mới định thiên hạ, ngài quy liễm linh khí sơn xuyên, giang hà, cương vực, nhật nguyệt, tinh đẩu xuống núi Thái-sơn. Cho nên đá trong lòng núi kết tinh thành con trâu vàng. Khi thiên hạ thanh bình, hoặc có chúa thánh ra đời, thì những đêm trăng sáng con trâu vàng thường chui ra khỏi núi, bay lửng lơ trên các ngọn cây, ánh sáng chiếu rực một vùng. Tại núi Thái-sơn có mỏ đồng đen, các nhà phong thủy Hoa-hạ mói rằng đồng đen là mẹ vàng. Chính đồng đen đã kết tinh thành trâu vàng. Cho nên vua các đời đều thu nhặt đồng đen ở núi Thái-sơn cất trong kho, rồi làm phép trấn yểm, để giữ cho con trâu vàng không rời núi. Bởi trước đây, đã có lần Ngũ-hồ ở phương Bắc làm cách nào không biết, họ gọi được con trâu vàng rời Thái-sơn về với họ. Từ đấy Ngũ-hồ thay nhau chiếm Trung-nguyên làm vua, sử gọi là Ngũ-hồ loạn hoa.
Truyền thuyết nói rằng: hai thánh tăng đem đồng từ Tống về đúc quả chuông, đánh lên, tiếng vang rền không gian. Không biết các ngài đánh thế nào, mà con trâu vàng nằm trong núi Thái-sơn tưởng tiếng mẹ gọi, vùng chạy về Đại-Việt. Khi về đến nơi, không thấy mẹ đâu, nó nhảy lung tung, thành ra đất lún, khiến hồ Tây trở thành rộng hơn đến mấy mẫu ?
Sự thực như thế này. Ngài mang đồng từ Tống về, đầu tiên đúc tượng phật Quỳnh-lâm. Khi linh khí tượng tỏa hào quang trấn quốc rồi, ngài mới đúc vạc Phổ-minh. Vạc Phổ-minh an vị, linh khí chư bồ tát, chư thần chiếu xuồng sáng rở trời Thiên-trường. Bấy giờ các ngài mới đúc đỉnh tháp Báo-thiên cùng một lúc với quả chuông lớn gọi là chuông Ngân-thiên. Chuông mang tên Ngân-thiên, vì vì tiếng vang tới trời. Sau khi đỉnh đưa lên tháp, thần linh tụ về, ngài mới làm phép, đánh chuông, tiếng chuông vang rền, khiến con trâu vàng nằm ở trong núi Thái-sơn chạy bổ về Đại-Việt. Khi về đến nơi, ngài làm phép, khiến nó bị sa lầy ở hồ Tây. Ngài bèn bỏ 90 thẻ đồng, khắc tinh hoa võ thuật các phái của Đại-Việt vào một quả chuông nhỏ, rồi lấy dây buộc chân trâu với quả chuông. Sau đó ngài làm phép, ném quả chuông xuống đáy hồ, rồi nguyền rằng: « Nhà nào một vợ một chồng, đẻ mười con trai, thì ra kéo được cái chuông với con trâu vàng». Từ đấy, đêm đêm, dân Thăng-long thường thấy con trâu vàng đi lập lờ trên mặt hồ Tây.
 Như vậy là tinh hoa hồn nước của Hoa-hạ đã bị chuyển về Đại-Việt .

Ghi chú,
Thăng-long cổ tích khảo lại chép rằng: Đền Kim-ngưu ở thôn Tây-hồ, phường Võng-thị, Thăng-long; nay thuộc quận Ba-đình, Hà-nội. Tương truyền hồi Cao Biền làm An-Nam đô hộ phủ, thường đi khắp các danh lam, địa linh nước ta đặt bùa yểm long mạch. Khi Biền đào sông yểm núi Long-đọi (huyện Duy-tiên, tỉnh Nam-Ninh), sơn thần núi ấy thấy nguy, hóa hình thành con trâu vàng, bơi qua sông Đường-giang lên phía Bắc, rồi dừng lại ẩn náu ở vùng hồ Tây gần thành Đại-la (Thăng-long). Những đêm trời đẹp, dân chúng thấy trâu vàng hiện lên ở bãi sông. Nhân đó lập đền thờ. Thuyết này không hợp với các sư kiện lịch sử. Vậy quả chuông Ngân-thiên, ngài để đâu? Phép mầu của chuông là gì, có giống tượng phật Quỳnh-lâm, vạc Phổ-minh, đỉnh tháp Báo-thiên không?
Sau khi đánh chuông gọi trâu vàng về Thăng-long. Hai ngài sai chở chuông đem về chùa Chúc-thánh trên núi Phả-lại, thuộc lộ Đông-triều.
Điều thắc mắc là ngài Minh-Không tu ở chùa Chúc-thánh. Tại sao ngài không đúc chuông tại đây, mà đúc ở Thăng-long rồi chở về chi cho tốn sức Phật-tử?
Nguyên do như thế này. Chùa Chúc-thánh là nơi xuất thân của Minh-Không bồ tát. Sau khi dùng chuông Ngân-thiên gọi con kim ngưu từ núi Thái-sơn về hồ Tây, ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh thấy rằng thần linh Đại-Việt tuy nhiều, nhưng ác qủy, ác ma không thiếu. Lại nữa sau những lần chiến tranh Hoa, Việt, binh tướng Trung-quốc bỏ mình tại Đại-Việt không biết bao nhiêu mà kể. Một số đã trở về quê quán, một số đã đi đầu thai. Một số vì quá uất ức không siêu thoát được, vẫn chập chờn đi lại trên đất nước ta. Hai ngài bèn chiêu hồn họ về chùa Sùng-khánh Báo-thiên để làm chay giải oan cho họ. Khốn thay, có một số không tuân, cứ vơ vẩn chờ quân Tống đến Thăng-long là trợ giúp. Các ngài đành thu tất cả hồn phách họ vào  chuông Ngân-thiên rồi dùng thuyền chở về chùa Chúc-thánh. Trong khi đi đường, có không biết bao nhiêu oan hồn tử sĩ Trung-quốc trầm dưới đáy sông, không sao lên được. Chúng làm sóng làm gió giúp quân Tống. Vì vậy, hai ngài đành tùng quyền thu hết hồn chúng vào trong chuông, rồi ném xuống sông Lục-đầu.
Thế bọn ma quỷ này  là oan hồn tử sĩ trận nào vậy?
Xin thứ họ chết trong trận đánh biển Đông giữa công chúa Gia-Hưng Trần Quốc với Nam-an hầu Đoàn Chí, trận Lãng-bạc, hai trận Bạch-đằng, vào thời Lý là  trận đánh Khâm, Liêm.

Ghi chú,
Nhiều thuyết nói rằng Nam-thiên tứ khí là :
– Tượng phật Quỳnh-lâm,
– Đỉnh tháp Báo-thiên,
– Vạc Phổ-minh,
– Chuông Quy-điền,
Thực lầm lớn.
Vì chuông Quy-điền không do ngài Minh-Không, Đạo-Hạnh đúc.
Chùa Chúc-thánh còn gọi là chùa Phả-lại. Đây là một trong những ngôi chùa danh tiếng trong Thiền-sử Việt-Nam. Chùa ở trên núi xã Phả-lại, huyện Quế-dương, tỉnh Bắc-ninh. Nay là huyện Quế-võ, tỉnh Hà-Bắc. Chùa được xây vào niên hiệu Thuận-Thiên thứ mười tám (1027) đời vua Lý Thái-tổ. Chính sư Minh-Không, Chân-Không đã tu ở đây. Sau này, vua Trần Nhân-tông đi tu cũng có lần đến đây giảng kinh.
           Vị đại thần cuối đời Trần là Nguyễn Sưởng qua đây cảm tác một bài thơ nhan đề:

Đề Phả-lại sơn tự

Thế áp ngao đầu, thống bách man,
Chử ba cô điểu tịch dương gian.
Giang bàn lão tướng luận binh địa,
Vân ủng tiên hoàng trách tích san.
Tuế nguyệt xâm xâm phong bán lạc,
 Thủy thiên mạc mạc điểu song hoàn.
Thắng du phủ ngưỡng thành trần tích,
Liêu vị bằng cao phá lữ nhan.

Huệ-chi Phạm Tú-Châu dịch như sau:

           Thế đè cá dữ cắn trăm nơi,
           Sóng bãi, chiều buông cánh nhạn côi.
           Vua dựng gậy thiền, non khói phủ,
           Tướng bàn chiến sự, bãi sông bồi.
           Lá phong rụng nửa, năm theo tháng,
           Chim chóc về đôi, nước lẫn trời.
           Chớp mắt cuộc chơi thành dấu cũ,
           Lên cao, lữ khách hãy tươi cười.
          
Còn rất nhiều danh sĩ làm thơ ca tụng cảnh chùa Chúc-thánh, chép hết vào đây, e dài giòng quá.
Độc giả muốn thâm cứu thêm về chùa Chúc-thánh, xin đọc thêm các sách:

Trung-quốc:
Quách-thị Nam chinh,
 Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký,
 Giao-chỉ linh thần kỷ sự.

Việt-Nam:
Toàn Việt thi lục,
 Lã-Đường di cảo,
 Hoàng Việt thi tuyển,
 Nam Việt địa dư chí,
 Hoàng Việt địa dư chí,
 Thiền-uyển tập anh,
 Đại-Nam nhất thống chí,
Bắc thành địa dư chí,
Bắc-ninh tự miếu bi văn,
Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư,
Đồng-Khánh địa dư chí lược,
Nam sử lược biên.

 Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét