Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A - Gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 60

HỒI THỨ SÁU MƯƠI

Nguyên tổ họ Lý Hàn quốc .

 Dã Tượng vui vẻ:
– Cô nương ở mãi bên Trung nguyên mà cũng theo dõi được tình hình Đại Việt nhỉ.
Như Lan lắc đầu:
– Tôi không hề ở Trung nguyên. Tôi chỉ mới đến Trung nguyên chưa đầy một năm.
Nhà sư cau mày suy nghĩ, rồi hỏi Dã Tượng:
– Trần thí chủ, hồi nãy thí chủ đấu mấy chiêu với Như Lan, rõ ràng là võ công Đông A chính tông, tại sao nội công lại là Vô ngã tướng thiền công của phái Tiêu sơn. Dường như thí chủ mới luyện Thiền công không lâu, nên công lực không mạnh. Sở dĩ thí chủ đấm vỡ con ngựa gỗ là do thần lực cá nhân mà thôi.
Dã Tượng đáp thực tình:
– Kiến thức đại sư thực bao la. Quả đúng như đại sư nói. Tiểu bối học võ công căn bản với Vũ Uy vương. Vương là con của Thái thượng hoàng đế, đương nhiên là võ công Đông A. Còn Vô ngã tướng thiền công của vãn bối thì do một cao nhân của phái Trúc lâm yên tử truyền cho.
– À thì ra thế.
Nhà sư hướng cây đại đao móc một cái, cây đại đao bật tung lên. Ông múa thử mấy chiêu, rồi lắc đầu nói với Dã Tượng:
– Nặng thế này mà ban nẫy thí chủ múa coi nhẹ nhàng như múa cây roi! Thần lực của thí chủ thực bần tăng mới thấy lần đầu. Thí chủ không hổ thẹn với mỹ danh Dã Tượng.
Những ngày chiến đấu tại Bắc cương, rồi những ngày theo sứ đoàn, Dã Tượng học được cung cách ôn nhu, văn nhã của Vũ Uy vương. Chàng chỉ mấy cái ghế ngoài hành lang đền, nói với nhà sư và Như Lan:
– Kính thỉnh đại sư! Kính mời cô nương! Chúng ta cùng ngồi, cùng trao đổi câu truyện.
 Nhà sư cố ý để Lý Long Vân ngồi trên, ông ngồi thứ nhì, rồi đến Như Lan và năm gã áo đen. Dã Tượng ngồi vào vai chủ vị, thứ đến Thúy Hồng  và Tô lịch thất tiên.
  Vừa ngồi xuống, Thanh Hoa chỉ gã thanh niên:
– Tên vong quốc kia! Mi tới đây từ bao giờ?
Thanh niên trả lời bằng tiếng Hoa:
– Thái sư nói rằng bẩy vị cô nương bị bọn Tống bắt. Người sai tôi đi cứu các vị cô nương.
Dã Tượng hỏi:
– Thái sư nào?
– Ngài tên là Ngột Lương Hợp Thai.
Dã Tượng than thầm:
– Thì ra bọn này là người của Mông cổ.
Thanh Hoa hừ một tiếng chỉ gã thanh niên, hỏi Như Lan:
– Người là một cô gái đẹp, bản sự cũng vào hạng thượng thừa, tại sao người lại đi cùng với tên ghẻ lở này?
Cô gái vẫn cười:
– Tên ghẻ lở đó cũng ở trong đền này với cô, chứ đâu phải mình tôi? Này cô, tục ngữ Việt có câu: gái đĩ già mồm, cái trộm già miệng. Cô đừng tưởng mình từng là gái đĩ ở Thăng long, rồi làm gái đĩ với Mông cổ, mà dở giọng đầu đường xó chợ ra với tôi, trong khi cô chưa biết tôi là ai.
Thanh Hoa vẫn cứng đầu:
– Tôi cứ già mồm thì cô làm gì được tôi nào?
Chỉ thấy thấp thoáng một cái, Như Lan đã xẹt đến bên Thanh Hoa, rồi trở lại, tay nàng ném chiếc giầy xuống đất. Thanh Hoa thấy má mình bị quệt hai cái, nàng đưa tay sờ lên, thì ra  Như Lan đã rút chiếc giầy quệt lên má nàng.
Như Lan cười nhạt:
– Cô mà còn dở giọng vô học bất thuật ra với tôi, thì tôi không giết cô đâu; mà chỉ rạch lên mặt cô vài nhát dao, biến bộ mặt xinh đẹp của cô thành bộ mặt nửa người, nửa quỷ, cho cô hết kiêu căng.
Thanh Hoa run run ngồi im.
Hồng Hoa hỏi gã thanh niên:
– Mi xưng là con cháu của vua Lý Nhân tông, mà lại đi cúi đầu tuân lệnh mấy tên mọi Mông cổ, truy tìm chúng ta. Xưa kia vua Lý Nhân tông anh hùng là thế, mà nay con cháu sao lại hèn hạ như mi. Ta không tin mi là con cháu của người.
Dã Tượng kinh ngạc:
– Cứ như ngôn từ của Hồng Hoa thì cái gã xưng Thái tử này đã làm những việc phản dân hại nước. Hơn nữa đang theo Mông cổ. Dường như gã từng có hành vi ác độc với 7 nàng như vợ tên Trịnh Ngọc.
Dã Tượng lên tiếng trước:
– Bạch đại sư, chúng ta đều là người Việt, vậy cuộc thảo luận này sẽ nói tiếng Việt. Nhưng còn Thái tử Long Vân?
Lý Long Vân đỏ mặt lên vì ngượng. Y nói tiếng Hán:
– Tôi nói tiếng Việt không giỏi, nhưng các người nói, tôi hiểu hết.
Hồng Hoa nói cạnh bằng tiếng Hoa :
– Y xưng là giòng dõi vua Lý, mà không biết nói tiếng Việt. Rõ chán ! Y đang chạy theo bọn Mông cổ, phủ phục, bợ đít xin chúng cho chức An Nam Quốc vương rồi về ngồi trên đầu trên cổ dân chúng đấy.
Hồng Hoa là người nhiều mưu trí, nàng hỏi Dã Tượng :
– Quốc Kinh đệ ! Đệ là Tả thiên Ngưu vệ thượng tướng quân ! Hơn nữa đệ lại là khâm sứ. Còn chúng ta là con dân Đại Việt. Chúng ta bị cái tên mặt dơi Lý Long Vân truy bắt, cầm tù, tức y là giặc cướp. Một tướng quân khi gặp bọn cướp không thể không tru diệt. Một khâm sứ khi ra ngoài được toàn quyền tiền trảm hậu tấu. Đệ đệ hãy nắm cổ cái tên  ghẻ lở Lý Long Vân, vật chết nó đi.
Mặt Lý Long Vân tái như gà cắt tiết.
Dã Tượng đi một vòng giới thiệu, rồi nói với Thất tiên :
– Xin các chị bớt giận, để tôi điều tra xem y là ai đã.
Chàng hỏi nhà sư :
– Đệ tử không dám thỉnh pháp danh đại sư.
– Bần tăng là  Huệ Đăng thuộc phái Tiêu sơn.
Dã Tượng, Thúy Hồng cùng kêu lên tiếng úi chà kinh ngạc. Vì hai người thường được bản sư kể cho nghe : cách dây 32 năm, đại sư Huệ Đăng là một vị cao tăng, Phật pháp uyên thâm thuộc giòng Tiêu sơn. Sư thường được triều đình thỉnh về Thăng long thuyết pháp. Mỗi lần ngài thuyết pháp, thính chúng có hằng vạn người từ khắp nơi về nghe. Thế rồi thình lình ngài biến mất, không ai biết ngài vân du nơi đâu ? Sư chính là bản sư đầu tiên của Thượng hoàng.
Dã Tượng đứng dậy vái chào :
– Đệ tử kính cẩn ra mắt đại sư. Hồi đệ tử còn chăn trâu cho chùa ở Thiên trường, từng được nghe sư phụ nói về đại sư. Hôm nay có duyên được diện kiến.
Huệ Đăng cười mà không phải cười :
– Bần tăng bỏ nước ra đi thoắt một cái đã 32 năm.
Từ lúc được Như Lan lau mặt tỉnh lại, Hồng Hoa thấy Lý Long Vân cứ dán mắt vào nàng. Kinh nghiệm mấy năm hát tại Quán văn Tô Lịch, có không biết bao nhiêu người từng say mê sắc đẹp của mình. Nàng từng dùng khóe mắt, nụ cười bắt những người dân ông say mê mình như bắt con thỏ. Bây giờ thấy Lý Long Vân lưu vong ở bên Trung nguyên mà còn cố bám lấy cái mã bề ngoài, xưng là Thái tử. Một cảm giác lợm giọng dâng lên, nàng nghĩ thầm : mình cần giam tên này vào lưới tình cho bõ ghét. Nghĩ là làm, nàng nghiêng nghiêng đầu, liếc mắt đưa tình, rồi mỉm cười. Nàng nói tiếng Hán :
– Thái tử, năm nay niên kỷ Thái tử bao nhiêu ?
– Cô gia 25 tuổi.
– Thái tử thuộc giòng nào của triều Tiêu sơn ?
– Cô gia thuộc giòng chính, hậu duệ của vua Lý Nhân tông.
– Tôi không tin. Chị Bạch Hoa nói Thái tử là con một tên trộm trâu mà. Nếu tôi không bị bắt, tôi có thể đem một tên trộm trâu, trộm chó ra rồi  giới thiệu : đây là chú vua Lý Huệ tông cũng được.
Mặt Long Vân vẫn trai lỳ :
– Tôi có chứng cứ.
 Long Vân móc trong bọc ra một tập sách mỏng rồi đọc :

“ Đức Thái tổ bản triều, là con nuôi của Bồ tát Lý Khánh Vân, húy Công Uẩn, lĩnh Điện tiền chỉ huy sứ dưới triều Lê. Khi Lê Ngọa triều Long Đĩnh băng, người ứng lòng trời, thuận lòng người lên ngôi cửu ngũ. Được quần thần tôn hiệu:
Phụng thiên, chí lý,
Ứng vận, tự tại,
Thánh minh, long hiện,
Duệ văn, anh vũ,
Sùng nhân, quảng hiếu,
Thiên hạ thái bình,
Khâm minh, quang trạch,
Chương minh, vạn bang,
Hiểu ứng, phù cảm,
Uy trấn phiên man,
Duệ mưu, thần trợ,
Thánh trị, tắc thiên,
Đạo chính, hoàng đế.

Kế tục, đức Thái tông dẹp loạn chư vương Đông Chinh, Dực Thánh, Vũ Đức, lên ngôi, tôn hiệu là:
Khai thiên, thông vận,
Tôn đạo, quý đức,
Thánh văn, quảng vũ,
Sùng nhân, thượng thiện,
Chính lý, dân an,
Thần phù, long hiện;
Thể nguyên, ngự cực,
Ức tải, công cao,
Ứng chân, bảo lịch,
Thông huyền, chí áo,
Hưng long, đại định,
Thông minh, từ hiếu,
Thiên thành hoàng đế.

Đức Thái tông băng, đức Thánh tông kế vị, quần thần tôn hiệu là:
Ứng thiên, sùng nhân,
Chí đạo, uy khánh,
Long tường, minh văn,
Duệ vũ, hiếu đức,
Thánh thần hoàng đế.

Đức Thánh tông băng, đức Nhân tông kế vị, tôn hiệu là:
Hiếu từ, thánh thần,
Văn vũ hoàng đế.

Khi đức Nhân tông băng, để di chiếu cho Thái tử là Lý Thân Lợi kế vị, nhưng bọn gian thần lấy lý rằng Thái tử là con người thiếp, nên lập con của Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán lên kế vị, tiếm xưng Thần tông.

Thái tử Thân Lợi cùng mẹ trốn lên vùng Bắc cương. Năm Tân Dậu (1141) khởi binh tại châu Thái nguyên. Nghiã quân từ Tây nông tiến ra Lục lệnh, chiếm châu Thượng nguyên và Hạ nông. Ngụy vương sai Gián nghị đại phu Lưu Vũ Xứng, cùng tướng Tô Tiệm, Trần Thiềm đi đường bộ, Thái phó Hứa Viêm đi đường thủy. Tất cả bị nghĩa quân của Thái tử  phá tan, các ngụy tướng chết hết.
Thái tử đem quân các châu Thượng nguyên, Tuyên hóa, Cảm hóa, Vĩnh thông chiếm được phủ Phú lương. Nhưng vì quân ít thế cô, Thái tử bị bắt, bị giết.

Con của Thái tử là Lý Long Chương dẫn nghĩa quân chạy sang nương nhờ Tống. Tống cho hai dộng Văn sơn, Khâu bắc giữa biên giới Tống - Đại-lý - Đại việt làm nơi đóng quân, tuyển mộ sĩ tốt, chờ ngày phục quốc.”.

 Long Vân gấp sách lại, tiếp:
– Cô gia là cháu nội của Thái tử Lý Long Chương.
Hồng Hoa lại liếc mắt đưa tình:
– Thế từ hồi đó đến giờ phụ thân của Thái tử đã tiến quân về Đại Việt bao nhiêu lần?
– Tất cả bẩy lần, nhưng không thành công.
– Lần tiến quân mới nhất cách đây bao nhiêu lâu?
– Bẩy năm. Trong lần nhập Việt này, phụ thân tôi bị trúng tên tử thương. Tôi đem xác người về an táng, rồi lên ngôi.
– Hiện giờ Thái tử có bao nhiêu quân, đóng ở đâu?
– Cô gia không có thủy quân, bộ binh hơn năm vạn, kị binh năm nghìn. Nếu khi cần, tất cả nam nữ đều cầm vũ khí có thể tới 7 vạn.
Tử Hoa khinh bỉ:
– Nếu tôi cũng kiếm một tên thầy cúng, nhờ y chép cho tập giấy rằng tôi là giòng dõi vua Lý Anh tông cũng được đi. Tôi không tin cái danh con cháu vua Lý Nhân tông của người!

Dã Tượng hỏi Long Vân:
– Thế cô nương Như Lan với Thái tử là chỗ thế nào?
– Nàng là phi tần của tôi.
Như Lan lách tay tát vào mặt Long Vân, bốp, bốp:
– Cho cái miệng nói láo chừa.
Mặt Long Vân bị hai cái tát, đỏ ửng lên.
Như Lan lắc đầu:
– Giữa y với tôi không có một chút quan hệ nào cả.
Lúc đầu thấy Như Lan xuất hiện với Long Vân, ai cũng tưởng nàng phải là người thân thiết với y. Bây giờ thấy nàng tát y, ai cũng kinh ngạc.
Long Vân nổi cáu:
– Người nói như vậy là quên nguồn gốc quả núi Tiêu sơn rồi. Người với ta cùng là con cháu của vua Lý Thái tổ, mà người chối ư?
– Ta là con cháu vua Lý Thái tổ  thì đúng. Còn mi, mi là con cháu tên thầy bói trộm trâu.
Như Lan không lý đến lời Lý Long Vân, nàng nói với Dã Tượng:
– Trần tướng quân. Chắc tướng quân muốn biết tôi là ai phải không?
– Tôi biết cô nương từ lâu rồi.
Như Lan kinh hoảng:
– Vậy gốc gác tôi thế nào?
– Nhà cô nương ở trên cung Quảng. Tên cô nương không phải Như Lan mà là Hằng Nga. Đêm qua cô cỡi hạc xuống đây.
Bẩy nàng Tô Lịch tỏ vẻ phản đối:
– Vừa xấu, vừa dữ mà là Hằng Nga ư?
Thúy Hồng nghe Dã Tượng có những lời ngọt ngào, thân thiết với Như Lan, nàng linh cảm như sắp mất một báu vật, nàng hừ một tiếng. Như Lan biết ngọn lửa ghen trong lòng Thúy Hồng, nàng nghĩ thầm:
– Cái anh chàng khổng lồ này là ai? Còn cô gái đẹp như hoa này là ai? Mà khi thì xưng là vợ chồng! Khi thì xưng là anh em, khi thì nói thuộc sứ đoàn Đại Việt. Bất biết cô là ai, mà cô tỏ ra ghen với mình thì mình trêu cho bõ ghét. 
Nàng liếc mắt nở nụ cười với Dã Tượng:
– Tướng quân khéo đùa thì thôi. Tôi họ Lý, tên Như Lan. Tôi là con gái út của Thái sư thượng trụ quốc, Đại đô đốc, tước phong Kiến bình vương. Tôi được phụ vương gửi đến đây kiếm một ông chồng. Nhưng tôi chưa gặp người như ý.
Hoàng Hoa bực mình hỏi:
– Thì ra là quận chúa phủ Kiến bình đấy. Thế người mà quận chúa chọn phải như thế nào?
– Một là phải thực cao lớn! Hai là phải có huân công với xã tắc. Ở đây có Tả thiên ngưu  vệ thượng tướng quân vừa khôi ngô, vừa cao lớn như Hộ Pháp, vừa có huân công. Nhưng... có vợ rồi! Chán quá.
Nàng hướng Thúy Hồng, hát bâng quơ:

Của chua ai thấy chẳng thèm,
Em cho chị mượn chồng em vài ngày.

Thúy Hồng uất lên, nhìn Như Lan như  tóe lửa.
Tất cả mọi người cùng ồ lên.
Thanh Hoa nói  bâng quơ:
– Cô bảo cô là Quận chúa! Chưa chắc! Lấy gì làm bằng chứng?
Hồi mới được Hưng Đạo vương nhận làm con nuôi, Dã Tượng vào sống trong vương phủ. Hằng ngày, các vương tử, quận chúa, gia tướng đều phải nghe gia sư, trưởng sử giảng sách. Một buổi, gia sư giảng về giai đoạn từ triều Lý chuyển qua Trần có đoạn:

“ Niên hiệu Kiến trung thứ nhì (Đời vua Trần Thái tông, 1226) Đại đô đốc là Kiến bình vương Lý Long Tường cùng gia thuộc trên sáu nghìn người bôn xuất. Không biết đi đâu.

Lý Long Tường là hoàng tử thứ 6, con vua Lý Anh Tông, do Hiền-phi Lê Mỹ Nga, sinh vào niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 12 (DL.1174, Giáp-Ngọ). Kiến Trung hoàng đế (tức Trần Thái tông) phong chức tước phong như sau :
Thái-sư Thương-trụ quốc,
Khai-phủ nghị đồng tam tư,
 Thượng-thư tả bộc xạ,
Lĩnh đại đô đốc,
Tước Kiến Bình vương.
 Niên hiệu Kiến-trung thứ nhì đời đức Kiến Trung nhà ta (1226 tức Trần Cảnh), tháng tám, ngày rằm, vương cùng gia thuộc hơn 6 ngàn người bôn xuất”.

Bây giờ gặp Như Lan, chàng chắp tay vái:
– Thì ra cô nương là quận chúa con của Kiến bình vương đấy. Vậy hiện vương gia ở đâu?
– Tại vùng Hoa sơn bên nước Cao ly.
– Xa quá! Quận chúa năm nay bất quá 19 hay 20 mùa xuân trên mái tóc. Mà vương gia ra đi đã 32 năm. Như vậy quận chúa sinh ra trên đất Cao ly. Thế mà quận chúa nói tiếng Việt văn chương muốn hơn gã mục đồng này.
Như Lan thuật:

“Niên hiệu Kiến-trung thứ nhì đời vua Thái-tông nhà Trần (DL.1226, Bính Tuất), lo sợ bị Thái-sư Trần Thủ Độ hãm hại, vì vị thế trọng yếu của mình:
– Là con vua Anh-tông, em vua Cao-tông, chú vua Huệ-tông.
– Thân vương duy nhất nắm quyền hành.
– Chức tước cực phẩm Thái-sư Thương-trụ quốc, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Thượng-thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc.
Vương âm thầm cùng Bình Hải công  Lý Quang Bật từ căn cứ Đồn-sơn về Kinh Bắc, lạy ở lăng miếu Đình-bảng.  Lại đến Thái-miếu mang bài vị, các tế khí ra trấn Đồn-sơn, rồi đem hết tông tộc hơn 6 nghìn người, xuống hạm đội ra đi.
Sau hơn tháng lênh đênh trên biển, thì gặp bão. Hạm đội phải ngừng lại một đảo (Đài-loan?) rồi tiếp tục lên đường. Một trong các con của vương là Thế-tử Lý Đăng Hiền cùng vợ con ở lại đảo. Hạm đội lênh đênh trên biển một thời gian, thì táp vào cửa Phú-lương giang, quận Khang-linh (Ong Jin-Gun) tỉnh Hoàng-hải (Hwang-hac) thuộc Bắc Cao-ly. Nơi hạm đội táp vào, dân chúng gọi là Nak-nac-wac có nghĩa là Bến của khách phương xa có đồ thờ cúng.
Theo gia phả của con cháu vương thì : Đêm hôm trước, vua Cao-tông (Kojong) của Cao-ly mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lại đậu ở bờ Tây-hải. Tỉnh lại, vua sai người tới đó tìm kiếm, thì gặp hạm đội của Kiến-bình vương. Kiến-bình vương được bệ kiến. Vương dùng bút đàm với vua Cao-tông và các đại thần Cao-ly. Triều đình Cao-tông đối xử với vương rất tốt, chu cấp lương thực. Cho làm nhà ở Ung-tân phủ Nam-trấn sơn (Chin-sang). Thế là mấy nghìn người Việt trở thành thuyền nhân kiều ngụ tại Cao-ly.
Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc bắt đầu cuộc sống mới. Họ trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi làm kế sinh nhai. Vương mở trường dạy học: Thi phú, lễ nhạc, tế tự, binh pháp, võ thuật. Vương soạn sách Học vấn giảng hậu. Vì học trò đông, Vương cho xây Độc-thư đường, Giảng võ đường. Đệ tử của Vương lúc nào cũng trên nghìn người.
Tháng 7 năm Quý-sửu (1253) đời vua Cao-tông năm thứ 40, quân Mông-cổ xâm lăng Cao-ly, vượt Hỗn-đồng giang, chiếm Tây-hải, phá An-giang Tây-thành. Về mặt thủy, Mông-cổ chiếm các đảo Đại-thanh, Tiểu-thanh, Sáng-lân, rồi tiến chiếm Tây-đô (Giang-hoa). Thủ-đô Cao-ly bị đe dọa. Các tướng sĩ hầu hết bị tử trận.
Thấy tình hình Cao-ly nguy ngập, Kiến Bình vương đến gặp Thái-úy (tướng tổng chỉ huy quân đội) là Vi Hiển Khoan, cố vấn cho ông về binh pháp Đại-Việt. Đích thân vương cỡi bạch mã chỉ huy cuộc giữ thành: Đắp thành cao lên, đào hào đặt chông quanh thành. Trong thành đào giếng để có nước uống, tích trữ lương thảo. Vương đem tất cả binh pháp Đại-Việt trong những lần đánh Tống, bình Chiêm ra giúp Cao-ly.
Đánh nhau suốt 5 tháng, quân Nguyên bị tuyệt lương thảo, bị chặn đường rút lui, xin hàng. Tết năm ấy, toàn Cao-ly mừng chiến thắng. Triều đình khen ngợi Lý Long Tường, lấy tên ngọn núi ở quê hương vương là Hoa-sơn; phong cho vương làm Hoa-sơn tướng quân. Lại cho đổi tên ngọn núi nơi vương cư ngụ là Hoa-sơn. Nhà vua sai dựng bia ghi công vương trên núi Hoa-sơn, đích thân vua viết ba chữ Thụ hàng môn (Cửa tiếp thụ giặc đầu hàng)

Như Lan tiếp:
– Năm ngoái (1257), được tin Mông cổ đánh Đại Việt, phụ thân tôi lo lắng vô cùng. Người nói:

“ Đất nước của chúng ta là đất nước của vua Hùng, vua An Dương, vua Trưng, chư vị  tiên đế Tiêu sơn để lại. Họ Lý ta làm vua hay họ Trần làm vua cũng vậy thôi, miễn sao mang hạnh phúc cho trăm họ là được”.

Người nhấn mạnh:
– Nay Mông cổ sang đánh, chúng sẽ tàn phá đến ngọn cỏ cũng không còn. Bố định mang hạm đội trở về Đại Việt tham chiến. Bố cần một gia tướng thân tín về nước thám thính tình hình. Nhưng các anh của con đều làm đại thần cho Cao ly cả rồi. Anh cả Lý Cán Đại lĩnh Đề-học nghệ văn quán, Kim-tử quang lộc đại phu. Anh thứ nhì Lý Huyền Lương, Tham-nghị lễ tào, Chính-nghị đại phu. Anh thứ ba Lý Long Tiền lĩnh Chiêu văn quan đại học sĩ, Giám-tu quốc sử. (Tể tướng).
 Người nhìn tôi than:
– Tại sao con không là con trai, để lĩnh nhiệm vụ này?
Tôi thưa:
– Ngày trước trong 162 tướng thời vua Trưng thì có đến 99 nữ tướng. Con là con cháu của vua Trưng, tại sao con không làm được cái việc cỏn con này? Bố đừng coi thường con gái của bố.
Phụ thân tôi mừng lắm. Tôi thưa:
– Giòng họ Lý nhà ta từng có công chúa Bình Dương, Kim Thành, Trường Ninh, Thiên Ninh, Đoan Nghi, một thời trấn ngự biên cương, khiến người Tống kinh sợ. Không lẽ bây giờ con không làm được việc này?
Nghe đối đáp giữa Dã Tượng  với Như Lan, trong lòng Thúy Hồng ngùn ngụt hối hận:

“ Hỡi ơi, mình chưa biết gốc tích Như Lan, đã tỏ vẻ ghen, thực đáng trách. Vả dù gì chăng nữa thì Dã Tượng cũng là chồng của Thanh Nga rồi, mình có ghen cũng vô ích, chỉ làm mất tư cách mà thôi. Nhưng liệu cô này có thực là giòng giống vua Lý không? Ta phải dò mới được”.

Nàng nói với Như Lan:
– Quận chúa có nhớ hành trạng của các công chúa Bình Dương, Kim Thành, Trường Ninh, Thiên Ninh, Đoan Nghi không?
– Cái chị xinh đẹp này thử tôi đấy à? Các công chúa ấy đều là tổ cô của tôi, mà tôi không nhớ hành trạng thì phụ vương sẽ đánh đòn. Này nhé công chúa Bình Dương khuê danh Mỹ Linh hạ giá với phò mã Thân Thiệu Thái; công chúa Kim Thành hạ giá với phò mã Lê Thuận Tông; công chúa Trường Ninh hạ giá với phò mã Hà Thiện Lãm. Cả ba công chúa đều là con của vua Thái Tông. Ba công chúa trấn ngự Bắc cương, đánh những trận kinh thiên động địa, khiến Tống bỏ ý định xâm lăng Đại Việt. Công chúa Thiên Ninh tức  bà chúa Kho con vua Thánh Tông, gọi ba vị công chúa trên là cô. Còn công chúa  Đoan Nghi hạ giá với phò mã Trần Thủ Huy. Công chúa là sinh mẫu Thái sư Trần Thủ Độ, là cô ruột tôi. Tôi với Thái sư Thủ Độ là con cô con cậu.
Thúy Hồng khen:
– Giỏi! Trí nhớ của quận chúa tốt lắm. Mời quận chúa nghe một bài hát này nghe.
Thúy Hường vẫy tay, Hoàng Hoa kéo nhị, Bạch Hoa vỗ trống cơm, Huyền Hoa đánh đàn đáy, Thanh Hoa thổi sáo, Hồng Hoa đánh đàn bầu, Tử Hoa đánh trống mảnh, Lan Hoa gõ phách. Nàng cất tiếng hát theo điệu ca trù:

Nực cười châu chấu đá xe,
            Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng
           
            Thời Chiêu-Thắng (1),  mùa Xuân năm Đinh Tỵ,(2)
            Tống Thần-tông đem tướng sĩ Nam xâm.
            Phong Quách Quỳ với Triệu Tiết, làm nguyên soái, cầm quân.  (3)
            Đến Như-nguyệt (4) vượt sông, như thác đổ.
           
            Nam-quốc sơn hà, Nam đế ở,
            Bắc-cương địa giới, Bắc vương cư.

            Lũ giặc kia, bay dám đến đây ư?       
            Trận  Cổ-pháp phơi thây dư chục vạn.
            Bọn Miêu Lý, Lưu Mân, Trương Thế-Cự,(5)
       Bị quần thoa, yếm thắm, đánh tan hoang.
           
            Thương thay cái mộng họ Vương!(6)

Ghi chú
(1)   Chiêu thắng, tức niên hiệu Anh Vũ Chiêu thắng thời vua Lý Nhân Tông.
(2)   Đinh Tỵ, tức năm 1077.
(3)   Quách Quỳ, Triệu Tiết, tướng tư lệnh, tư lệïnh phó quân Tống sang đánh Đại Việt.
(4)   Như nguyệt một đoạn sông Cầu, nay thuộc Bắc Ninh, nơi ngài Lý Thường Kiệt làm phòng tuyến chống Tống.
(5)   Miêu Lý, Lưu Mân, Trương Thế Cự là các danh tướng Tống vượt qua chiến lũy Như nguyệt tiến về Thăng long bị công chúa Thiên Ninh đánh bật về Bắc Như nguyệt.
(6)   Vương để chỉ Vương An Thạch, Tể tướng của vua Tống Thần Tông, chủ xâm lăng Đại Việt.

Thúy Hồng hát xong, thì Hoàng Hoa cất tiếng hát tiếp theo, biến bài ca trù thành điệu chầu văn. Hoàng Hoa vừa ngừng thì Tử Hoa hát theo điệu Xẩm, rồi Lan Hoa hát theo điệu Quan họ. Năm giọng hát, theo năm điệu khác nhau làm Dã Tượng, Như Lan ngây ngất như người say rượu.
      Thúy Hồng hỏi Như Lan:
      – Quận chúa có biết bài hát trên để ca tụng ai không?
            Như Lan lại cười:
– Bài này do một danh sĩ làm để tụng công chúa Thiên Ninh. Công chúa là con vua Thánh Tông. Khi Quách Quỳ, Triệu Tiết sang đánh nước mình, Thái úy Lý Thường Kiệt thiết lập ba vòng đai phòng thủ. Vòng đai thứ nhất là các trang dộng Bắc biên. Vòng đai thứ nhì là phòng tuyến sông Như nguyệt. Vòng đai thứ ba bảo vệ Thăng long. Công chúa chỉ huy vòng đai thứ ba. Quân Tống phá vỡ vòng đai  thứ nhất, thứ nhì, tràn về Thăng long như sóng vỗ. Ba tướng Tống là Miêu Lý, Lưu Mân, chỉ huy bộ binh, Trương Thế Cự chỉ huy Kị binh bị công chúa đánh bật về Như nguyệt. Hiện đền thờ công chúa ở Thị Cầu, Kinh Bắc.
Dã Tượng khen:
– Cô nương xứng đáng là cháu của các vị công chúa. Như vậy tại Cao ly lúc đầu có 6 nghìn người Việt, nay sau 32 năm ắt thành một vạn không chừng. Trăm năm sau, nghìn năm sau, hễ gặp ai họ Lý tại Cao ly thì biết là con cháu của Kiến Bình vương. Kiến Bình vương là nguyên tổ giòng họ Lý tại Cao ly.
Như Lan lắc đầu:
– Tướng quân ơi. Phụ vương tôi không phải là giòng họ Lý đầu tiên tới Cao ly đâu. Trước phụ vương tôi, đã có một vị vương trốn khỏi Đại Việt kiều ngụ ở Cao ly rồi!
– Vị vương nào nhỉ?
Dã Tượng nặn óc suy nghĩ một lúc thì nhớ ra:
– À tôi nhớ ra rồi. Tôi được gia sư trong phủ Hưng Đạo vương giảng cho nghe như sau:

«  Vua Lý Nhân-tông không có hoàng nam, người nhận con của các thân vương trong hoàng tộc làm con nuôi. Năm Đinh Dậu (1117)  nhận con của hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng làm con nuôi. Sau truyền ngôi cho con của Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán, tức vua Lý Thần-tông. Khi Lý Thần-tông băng, Thái-tử Thiên-tộ còn bế ngửa, triều thần muốn tôn con của Thành Quảng hầu là Lý Dương Côn lên nối ngôi. Cuộc tranh quyền trong giòng họ Lý diễn ra, sau vợ của vua Lý Thần-tông nhờ có tình nhân là Đỗ Anh Vũ giúp đỡ, mà loại hết các địch thủ. Năm Canh Ngọ (1150) nhân vụ chính  biến, Cảm Thánh thái hậu mưu với tình nhân Đỗ Anh Vũ giết hết tông tộc của các hầu Thành Khánh, Thành Chiêu, Thành Hưng.
Bấy giờ con Thành Quảng hầu là Kiến Hải vương Lý Dương Côn (Lee Yang Kon) đang là đô đốc Thủy-quân, bèn đem gia thuộc xuống chiến thuyền lưu vong. Song không biết đi đâu (1150)”.

Như Lan gật đầu:
– Kiến Hải vương Lý Dương Côn  cùng hạm đội lưu lạc sang Cao ly.

“ Lý Dương Côn hiệu là Nguyên Minh, hoàng tử thứ ba con nuôi vua Lý Nhân Tông.
« Hậu đuệ đời thứ sáu của Lý Dương Côn là Lý Nghĩa Mẫn (Lee Unimin) trở thành nhân vật kiệt hiệt trong lịch sử. Bấy giờ Cao-ly đang ở dưới triều đại vua Nghị-tông (Ui-jiong 1146-1170). Nhà vua rất sủng ái Lý Nghĩa Mẫn, phong cho chức Biệt-trưởng. Nước Cao-ly trong thời gian này, phải chống trả với cuộc xâm lăng của Khiết-đan tức Đại-liêu, nên các võ tướng nắm hầu hết quyền hành. Năm 1170 tướng Trịnh Trọng Phu (Jeong Jung-bu) chưởng môn một võ phái, đảo chính vua Nghị-tông lập vua Minh-tông (Mycong 1170-1179). Trọng Phu bị các võ phái, võ tướng nổi lên chống đối. Lý Nghĩa Mẫn là người phụ tá đắc lực cho Trịnh Trọng Phu, đem quân dẹp các cuộc nổi dậy. Ông được thăng chức Trung-lang tướng, rồi dần dần thăng Tướng-quân, Đại-tướng quân (1173), Thượng-tướng quân (1174), cuối cùng là Tây Bắc bộ binh mã sứ (1178) (Tức Tư-lệnh quân lực miền Bắc Cao-ly). Năm 1179, một võ quan khác là Khánh Đại Thăng  (Kyung Dae-Seung) làm cuộc chính biến, giết chết Trịnh Trọng Phu, lên nắm quyền. Bấy giờ Lý Nghĩa Mẫn giữ chức Hình-bộ thượng thư (1181) (Bộ trưởng Tư-pháp). Vì ông thuộc phe Trịnh Trọng Phu, nên bị nghi ngờ, chèn ép. Ông cáo quan về hưu.
Sau khi Khánh Đại Thăng chết, vua Minh-tông  mời Lý Nghĩa Mẫn vào bệ kiến, được trao chức Tư-không, Tả-bộc xạ, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự tức Tể-tướng trong 14 năm (1183-1196).
Năm 1196, một phe võ tướng do Thôi Chung Hiếu (Cho Chung Heon) cầm đầu làm cuộc đảo chính, giết Lý Nghĩa Mẫn. Ba con ông là Lý Chính Thuần, Lý Chí Vinh, Lý Chí Quang đều là tướng cầm quân, cũng bị giết chết. Quân phiến loạn chỉ tha cho người con gái ông là Lý Hiền Bật. Giòng họ Lý Tinh-thiện tưởng đâu tuyệt tự. Nhưng may mắn thay, giòng họ này còn kế tục là nhờ người anh Lý Nghĩa Mẫn và các con không bị hại”.

Dã Tượng kéo mọi người trở lại:
– Quận chúa, thế rồi lý do nào vương gia lại cử quận chúa đi với sư phụ?
Như Lan chỉ sư Huệ Đăng:
– Người suy nghĩ một buổi rồi đồng ý.

« Vậy thì thế này, ta gửi đại sư đi với con. Con chuẩn bị lên đường càng sớm càng tốt. Ta có tất cả 8 con trai. Trừ Long Hiền, đã có vợ có con. Vậy khi về nước con cùng sư phụ chú ý tuyển lấy bẩy lương gia thiếu nữ mang sang đây làm vợ cho các anh-em con. Không cần học giỏi, không cần dung nhan đẹp mà cần có khí phách nữ kiệt Việt ».

Chúng tôi dùng một con thuyền đi biển, thủy thủ đoàn gồm 10 người. Lênh đênh trên biển 21 ngày, khi về tới trấn Đông triều thì gặp bão. Thuyền phải ẩn vào một ngọn núi nhỏ ven biển. Sư phụ để thủy thủ đoàn ở lại, rồi thầy trò lên đường về Thăng long. Giữa lúc đó thì được tin Mông cổ bị Đại Việt phá.
Nói đến đây nàng nhìn Lý Long Vân:
– Trên đường từ trấn Đông triều về Tiên yên, chúng tôi gặp một toán thương nhân trang phục Tống không ra Tống, Đại lý không ra Đại lý, ẩn ẩn hiện hiện. Sư phụ nghi rằng đây là bọn gian tế Mông cổ. Người dẫn tôi theo dõi. Sau một tuần chúng tôi thấy họ không phải gian tế, mà là người Việt kiều ngụ trên đất Tống. Họ thuộc nhóm người Việt sống lâu năm tại Văn sơn, Khâu bắc. Họ về nước tuyển mộ người xung vào đạo nghĩa quân phục hồi triều Lý. Tôi ngay thật tự giới thiệu là con của Kiến bình vương Lý Long Tường, cháu vua Anh Tông. Họ rủ chúng tôi gia nhập vào lực lượng phục quốc này. Sư phụ đặt điều kiện: trong hoàn cảnh vàng thau lẫn lộn, người muốn gặp thủ lĩnh của nghĩa quân.

Ghi chú
Trong dịp thăm Hoa-sơn, Bắc hàn năm 1981, tôi xin người đại diện tộc Lý cho phép được mượn thợ khắc vào một phiến đá bài thơ cổ phong bằng chữ Trung-quốc (Hán, Nho), đặt cạnh tấm bia trên, gọi là chút lòng của người sau, tế người trước. Xin phiên âm như sau:

Điếu Kiến Bình vương.
Phúc tại Tiêu-sơn lĩnh,
Thất đại bôn Bắc Cao,
Bình Mông danh vạn đại,
Tử tôn giai phong hầu.
Học phong nhân bất cập.
Vọng quốc hồn phiêu phiêu,
Kim tải quá bát bách,
Hà thời quy cố hương?






















Cổng trong đền thờ Bà chúa kho (Công chúa Thiên-Ninh) tại Thị-cầu Bắc-ninh.


Sau cổng trong tới tiền đình đền thờ Bà chúa kho



(Ngài là người họ Lý, được hưởng phúc tại ngọn núi Tiêu-sơn. Kể từ vua Lý Thái-tổ tới ngài là đời thứ bẩy, phải bôn tẩu đến xứ Bắc Cao-ly. Nhờ chiến công đánh Mông-cổ, mà con cháu ngài đều được phong hầu. Ngoài ra, ngài là người đem học phong tới Cao-ly, công đức ấy không ai sánh kịp. Thế nhưng trải trên tám trăm năm, hồn ngài lúc nào cũng phiêu phưởng, không biết bao giờ được về cố hương ?).

Ngày nay trên ngọn đồi Julbang thuộc xã Đỗ-môn (Tô-mơ-ki) cách núi Hoa-sơn 10 cây số về phía Tây còn lăng mộ ngài và con, cháu cho đến ba đời. Trên Quảng-đại sơn có Vọng-quốc đàn, nơi cuối đời ngài thường lên đó, ngày ngày nhìn về phương Nam, ôm mặt khóc, tưởng nhớ cố quốc. Mỏm đá mà ngài đặt chân đầu tiên lên bờ biển Cao-ly, được gọi là  Việt-thanh nham, tức đá xanh in vết tên Việt.

Trên Hoa-sơn còn rất nhiều di tích kỷ niệm huân nghiệp của vương. Khi đến Hoa-sơn hành hương, thay vì chào nhau, du khách được hướng dẫn viên du lịch dạy cho nói câu: Hữu khách, Hữu khách, kỵ bạch mã. Nghĩa là Có người khách cỡi ngựa trắng, tức Lý Long Tường.
Tương truyền một đạo binh thiện chiến do Vương huấn luyện, trở thành đạo binh bảo quốc, đời nọ sang đời kia đều lấy tên là Bạch-mã. Hồi chiến tranh Việt-Nam (1960-1975) sư đoàn Bạch-mã có tham chiến, trấn đóng tại vùng Bồng-sơn, Quy-nhơn, Bình-định.

Cho đến nay, giòng họ Lý Hoa-sơn truyền trải 28 đời. Tại Nam-hàn chỉ có khoảng hơn nghìn hộ. Tại Bắc-hàn thì đông lắm, không thống kê được. Lý tộc tại Nam-hàn, hầu hết họ là những gia đình có địa vị trọng yếu về giáo dục, kinh tế, kỹ nghệ. Hồi 1953-1957, Tổng thống Lý Thừa Vãn là cháu 25 đời Kiến bình vương.
Theo tấm bia trên mang tên Thụ-hàng môn bi ký, thì Kiến Bình vương Long Tường có nhiều con trai, tất cả đều hiển đạt. Không thấy nói tơí Lý Long Hiền, cùng tông tộc hơn 200 người ở lại đảo (Đài-loan ? ). Lý Cán Đại lĩnh Đề-học nghệ văn quán, Kim-tử quang lộc đại phu. Lý Huyền Lương, Tham-nghị lễ tào, Chính-nghị đại phu. Lý Long Tiền Giám-tu quốc sử.

Theo quan chế Tống, hồi đó thì chức Chiêu-văn quan đại học sĩ, giám tu quốc sử là danh tự để chỉ chức Tể-tướng. Không biết quan chế Cao-ly có giống Tống không ? Nếu giống thì Lý Long Tiền đã làm Tể-tướng.

Ngày nay, tại Bắc-hàn, cứ đến dịp tết Nguyên-đán, hậu duệ của Kiến Bình vương Lý Long Tường khắp lãnh thổ Đại-hàn đều kéo về Hoa-sơn để dự lễ tế tổ. Luật pháp Nam-Bắc Hàn đều cấm ngặt người Nam-Hàn du lịch Bắc-Hàn. Thế nhưng, hầu hết các hậu duệ tại Nam-hàn đã dùng phi cơ sang Trung-quốc, rồi từ Trung-quốc vào Bắc-hàn. Khi những hậu duệ Nam-Bắc Hàn gặp nhau, họ ôm nhau khóc nức nở. Sự kiện này chính phủ Nam-Bắc Hàn nhắm mắt lờ đi, vì tộc Lý dù ở Nam hay Bắc họ đều giữ những chức vụ trọng yếu. Khởi đầu của cuộc tế, đánh chín tiếng trống, gọi là Tâm-thanh để mọi người cùng tưởng nhớ cố quốc. Theo gia phả của chi Thuận-xuyên, sở dĩ đánh chín tiếng, vì muốn ghi lại triều Lý trải 9 đời vua, kể cả Lý Chiêu-hoàng.

Năm 1995, con cháu của Kiến Bình vương Lý Long Tường, quy tụ hơn trăm người trở về Đình-bảng, huyện Tiên-sơn, tỉnh Bắc-ninh hành hương lăng mộ tám vị vua triều Lý, tu bổ đền thờ Lý Bát đế, cùng dự lễ hội làng vào ngày rằm tháng ba Âm-lịch. Tại thiên chi linh, hẳn 9  đời vua triều Tiêu-sơn, cũng như  Kiến Bình vương Lý Long Tường đã thỏa nguyện: Những đứa cháu lưu lạc, nay trở về chầu tổ ».

Như Lan hỏi Lý Long Vân:
– Có đúng thế không?
Mặt Long Vân hãnh diện:
– Không sai.
            – Thái tử tiếp chúng tôi rất niềm nở. Thái tử đem tập sách mỏng Tiêu sơn truyền phả ra đọc cho chúng tôi nghe. Chỉ mới nghe mấy câu sư phụ đã biết Thái tử không phải giòng giống Tiêu Sơn như tôi. Thái tử thuộc giòng dõi của bọn cướp Thân Lợi. Tuy nhiên trót vào hang hùm, sư phụ dặn tôi phải cẩn thận, bằng không khó thoát ra khỏi vùng Khâu Bắc, Văn Sơn.
Lý Long Vân giật bắn người lên hỏi sư Huệ Quang:
– Sao? Sao đại sư biết?
Sư Huệ Đăng cười mà không phải cười, sư đổi cách xưng hô:
– Chỉ có những ma vương, quỷ dữ mới tưởng rằng chúng sinh ngu muội cả. Này Thân thí chủ, ngay khi tới Khâu bắc bần tăng đã biết sự thực rồi. Những gì thí chủ đọc từ nãy đến giờ là trò bịp bợm của tổ tiên thí chủ. Y là một tên thầy bói Thân Lợi. Vua Lý Nhân Tông không hề có cung nga nào sinh con tên Lợi cả. Chỉ có tên thầy bói tên Thân Lợi làm giặc bị giết mà thôi. Sau khi Thân Lợi bị chặt đầu, thì đồ đảng của chúng chạy sang xin Tống giúp quân về làm loạn. Tống vốn kinh sợ binh lực Đại Việt trong thời Anh Vũ Chiêu Thắng nên không dám mó tay vào tổ ong. Nhưng họ muốn nuôi một nhóm gian tế Việt, để mai sau có dịp dùng đến. Họ cho chúng khu đất Khâu bắc, Văn sơn lập trại sinh sống.
Long Vân hừ một tiếng, nói tiếng Hoa:
– Đại sư biết rõ như vậy mà vẫn theo cô gia gần năm nay là vì lý do gì?
Như Lan hừ một tiếng:
– Sao người ngu thế? Giữa hang hùm, thì phải giữ thân, đợi ra khỏi hang hùm thì tính tội gian nhân cũng chưa muộn.

Ghi chú,
Đoạn này Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép như sau:

Người thầy bói tên Thân Lợi nổi loạn.

Tân Dậu năm thứ hai (năm 1141)
 (Tống năm Thiệu Hưng thứ 11).Sai bọn Lưu Vũ Xứng đi đánh Thân Lợi ở Bồ dinh, bị thua trận.

Trước đây Thân Lợi tự xưng là con vua Lý Nhân Tông, đem đồ đảng đến châu Thái Nguyên, từ Tây Nông kéo ra, qua đất Lục Lệnh, vào giữ châu Thượng Nguyên và châu Hạ Nông. Y tụ tập những kẻ vong mạng, chiêu mộ thổ binh, định mưu nổi loạn . Lợi tự xưng là Bình vương, lập hậu phi, phong vương hầu, ban quan tước cho bè đảng. Bấy giờ đồ đảng Thân Lợi chỉ chừng hơn một nghìn người, đi đến đâu cũng nói phao lên rằng Thân Lợi giỏi thuật dùng binh, để bịp những dân ở các khê động nơi biên giới. Đâu đấy đều sợ hãi, không ai dám chống cự lại. Khi tin từ biên giới cáo cấp về, nhà vua sai Gián Nghị đại phu Lưu Vũ Xứng đi đường bộ, Thái phó Hứa Viêm đi đường thủy, đem quân đến đánh. Bộ tướng của Vũ Xứng là bọn Tô Tiệm và Trần Tiềm kéo quân đi trước. Gặp thủy quân Thân Lợi, hai bên giao chiến, Tô Tiệm thua, bị chết tại trận. Thân Lợi đắp ải Bác Nhự để chống lại quan quân. Vũ Xứng đánh hết sức mới hạ được. Khi Vũ Xứng kéo quân về đất Bồ dinh, Thân Lợi tung cả thủy quân ra đánh. Vũ Xứng thua, tướng sĩ chết đến quá nửa, phải rút về.

Lời bàn của Ngô Thì Sĩ :
Nay xét : Năm Thiệu Hưng thứ 9 (1139) nhà Tống, Quảng Tây súy ty nói rằng : « Thời Lý Nhân Tông có người cung thiếp sinh được con trai, vua Nhân Tông không nhận. Khi Lý Thần Tông lên ngôi, người con ấy chạy sang nước Đại Lý, đổi họ là Triệu, lấy tên Trí Chi, tự xưng là  Nam Bình vương. Kịp khi Thần Tông mất rồi, hắn quay về nước muốn tranh ngôi với Lý Anh Tông. Anh Tông đem quân chống lại, Trí Chi cầu xin nhà Tống xuất quân cứu giúp” . Súy ty đem sự đó tâu lên , nhưng vua Tống xuống chiếu từ chối. Vậy có lẽ Trí Chi với Thân Lợi cùng là một người : Khi tự giới thiệu ở Quảng Tây để xin Tống cứu viện thì lấy tên là Trí Chi, và nói dối là con vợ lẽ Lý Nhân Tông để lừa gạt nhà Tống đấy thôi. Còn xưng hiệu là Nam Bình vương  cũng là chứng cớ hợp với sử chép Thân Lợi tiếm hiệu là Bình vương ; nhưng không biết được gốc ngọn của Thân Lợi ra sao.

Tháng 4, mùa hạ. Thân Lợi phá phủ Phú Lương. Nhà vua sai Đỗ Anh Vũ đi đánh : Thân Lợi thua chạy, Tô Hiến Thành đuổi bắt được Lợi.

Thân Lợi ra giữ Tây Nông, đem người các xứ Thượng Nguyên, Tuyên Hóa, Cảm Hóa, Vĩnh Thông...đánh phá phủ Phú Lương, chiếm phá phủ lỵ, rồi cùng với đồ đảng mưu cướp kinh đô. Nhà vua sai Anh Vũ đem quân đi đánh. Bấy giờ Thân Lợi tiến đóng ở Quảng Dịch, gặp quân Anh Vũ đánh kịch liệt, quân Lợi thua, chết không biết bao nhiêu mà kể. Đảng nó là Dương Mục thủ lĩnh châu Vạn Nhai, và Chu Ái thủ lĩnh động Kim Kê đều bị bắt. Thân Lợi trốn thoát chạy sang châu Lục Lệnh. Nhà vua lại sai Anh Vũ đi đánh, bắt được đảng Thân Lợi hơn hai nghìn người làm tù binh. Thân Lợi chạy sang Lạng châu. Nhà vua xuống chiếu cho Tô Hiến Thành đuổi đánh, bắt được Thân Lợi, đưa sang đến quân doanh Anh Vũ, đóng cũi mang về kinh đô ; giao cho quan lại trị tội : chém Thân Lợi và những kẻ đồng mưu 20 người, còn thì cứ theo nặng nhẹ mà trị tội.
(Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, Q4, Viện sử học Việt Nam dịch chú giải, nhà xb Giáo dục 1998, trg394-396)

Như Lan tiếp:
– Thân Lợi bị giết, con y là Thân Minh, dẫn tàn quân sang nương nhờ Tống. Tống ban cho vùng đất hoang làm nơi tá túc. Thân Minh cùng đồ đảng khai thác đất hoang, trồng cấy, chăn nuôi. Mười năm sau khu đất trở thành hai châu Văn Sơn, Khâu Bắc. Thân Minh thường đem cái chiêu bài phục hồi chính thống triều Tiêu sơn, sai bọn bộ hạ về nước, chiêu mộ con cháu triều Lý, bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn vong mạng sang nhập bọn. Minh tổ chức:
Mười hộ là một  chòm,
Mười chòm là một xóm,
Mười xóm là một hương,
Mười hương là một trại.
Trai gái từ 12 tuổi trở lên cứ 8 ngày làm việc, thì hai ngày luyện tập võ nghệ, binh bị. Dân chúng phải làm việc từ giờ Mão đến giờ Dậu (5 tới 19 giờ). Nhưng họ chỉ được chu cấp thức ăn vừa đủ no. Còn bao nhiêu tài nguyên phải xung vào công khố. Thân Minh chết, con là Thân Anh kế nghiệp. Anh tổ chức hai châu Khâu Bắc, Văn Sơn như một nước. Cao nhất là Thân Anh, xưng Thái tử, dưới có Tể tướng, Lục bộ (Lại, Binh, Hộ, Hình, Công, Lễ ). Lại có cả Khu mật viện. Nội cung thì có Tam cung: Chánh phi, Nguyên phi, Tây phi. Ngoài ra còn có lục viện. Tổ chức đó cho đến nay vẫn duy trì.
Như Lan cười chế nhạo:
– Tổ tiên Thái tử cai trị cực tàn ác. Dân chúng chịu không nổi, bỏ trốn bị bắt về không cần biết chính phạm, tòng phạm cho xử cỡi ngựa gỗ hết.
Thúy Hường hỏi:
– Cỡi ngựa gỗ là hình phạt gì vậy?
Như Lan thuật:
– Bất kể tội nhân là nam, phụ, lão, ấu đều bị hình binh trói trong tư thế chân tay dang thẳng ra trên một tấm ván có bốn người khiêng. Hình binh khiêng đi từng xóm một, đánh trống họp dân chúng lại xem hành hình. Hình binh đánh ba tiếng trống, ba tiếng thanh la, lại xẻo một miếng thịt. Một hình binh khác cầm cây gậy đầu quấn dẻ, nhúng vào cái vại pha muối với vôi quét lên vết thương. Mỗi ngày hình binh chỉ xẻo mười miếng thịt thôi. Cứ như vậy cho đến khi phạm nhân chết thì xác vứt xuống một chuồng hôi (cầu tiêu) làm phân bón.

            Như Lan cười khúc khích, nàng tiếp tục gọi Long Vân  là Thái tử để chế diễu :
– Trong khi sư phụ với tôi ở Khâu bắc, Văn sơn thì người của Thái tử với Mông cổ qua lại nườm nượp. Sư phụ tôi đã bắt sứ giả của Mông cổ tra khảo, thì biết rằng Thái tử ước mong được phong làm An Nam quốc vương . Thái tử hứa rằng : nếu được phong làm An Nam quốc vương, Thái tử sẽ tích trữ lương thảo, huấn luyện sĩ tốt, chuẩn bị sẵn chờ khi Mông cổ mang quân đánh Đại Việt thì Thái tử đem bộ hạ đi tiên phong. Vừa rồi  Thái tử gửi một vạn bộ binh, hai nghìn kị binh theo Mông cổ vào cướp phá Đại Việt. Trong trận Đông bộ đầu đám thổ phỉ này nhanh chân chạy trước. Chúng cướp gái đẹp, lương thảo, trâu bò, lừa ngựa đến mấy vạn. Đích thân Thái tử chỉ huy thổ phỉ bắt không biết bao nhiêu ca kĩ đem về Văn sơn. Ngột Lương Hợp Thai bắt Tô lịch thất tiên, giao cho Thái tử đem về Văn sơn cung phụng. Thái tử hối lộ vàng, ngọc cho Ngột Lương Hợp Thai  để y xin với Hốt Tất Liệt cho Thái tử làm An Nam quốc vương. Y đồng ý, y ra lệnh cho Thái tử yết kiến Hốt Tất Liệt để nhận sắc phong. Sư phụ tôi muốn nhân dịp này thoát khỏi vùng Khâu bắc, Văn sơn, nên người thuyết Thái tử rằng :

“ Muốn Hốt Tất Liệt nể, thì Thái tử phải tỏ ra có thực lực. Thái tử phải mang sư phụ tôi theo, rồi nói cho Hốt Tất Liệt biết rằng : Khi Mông cổ tái nhập Đại Việt, ngoài quân của Khâu Bắc, Văn Sơn ra Thái tử còn một lực lượng 6 nghìn thủy quân với hai hạm đội hiện ẩn ở Cao ly. Cả hai nơi cùng kéo quân về làm tiên phong cho Mông cổ. Mông cổ chỉ có bộ binh, kị binh, họ rất yếu về thủy quân. Nay họ được 6 vạn thủy quân của Thái tử thì việc Thái tử muốn được phong làm An Nam quốc vương đâu có khó ?”

Long Vân càng nghe nói, càng tỏ ra bực tức. Như Lan tiếp :
– Thái tử dẫn sư phụ tôi theo cùng Ngũ hổ tướng tới Côn minh yết kiến Ngột Lương Hợp Thai. Giữa lúc đó tên gian tế Trịnh Ngọc trở về báo cho Ngột Lương Hợp Thai biết rằng cống vật là 7 cô gái Việt đẹp như tiên nga bị Hoa sơn ngũ hiệp cướp mang đi. Y ra lệnh cho Thái tử phải đi bắt lại. Thái tử líu ríu tuân lệnh, dẫn Ngũ hổ tướng đi Ô Giang. Y tăng viện cho Thái tử vợ chồng tên gian tế Trịnh Ngọc và thằng con tên Trịnh Long. Biết rằng khó địch lại Hoa sơn ngũ hiệp, Thái tử bầy ra cuộc đánh thuốc mê, bất chấp sư phụ tôi phản đối.
– Tôi làm gì có thuốc mê mà đánh. Người đánh thuốc mê là gã Trịnh Ngọc.
Như Lan cười chế nhạo :
– Thái tử khoe rằng Thái tử có Ngũ hổ tướng, vô địch thiên hạ, trung thành. Nhưng Thái tử đâu biết rằng họ vốn là hậu duệ của các Tiên đế triều Lý chính tông. Vì họ nghe lời bịp bợm của Thái tử, mà bỏ nước sang nhập đảng cướp. Biết bị lừa, họ cắn răng làm thân Câu Tiễn qua ngày, chờ dịp giết Thái tử để trừ cho Đại Việt một tên tướng cướp. Sư phụ tôi biết thế, nên đã âm thầm bàn với họ, thu họ làm đệ tử. Cho nên hồi nãy, khi đấu với  Dã Tượng, họ vờ dùng nội lực tự hất văng đao của họ đi. Họ chịu để Dã Tượng điểm huyệt. Chứ bản lĩnh họ cao thâm khôn lường.
Nàng bĩu môi khinh rẻ:
  Thôi, bây giờ Thái tử hãy trở về với ông tổ trộm trâu của mình đi. Thái tử không nên, không thể mạo nhận họ Lý của tôi nữa. Hãy nhận họ Thân, nhận ông tổ Thân Lợi trộm trâu.
Nàng cười lớn chỉ vào mặt Long Vân:
– Này tên trộm trâu con, hôm nay mi đừng hòng trốn thoát tay bản cô nương. Mi muốn chạy  ư? Khó lắm.
Nghe Như Lan thuật, bây giờ Thanh Hoa mới hiểu rõ sự thực. Nàng nhủ thầm: mình không biết chân tướng cái con Như Lan, mà đã chửi nó. Cũng may nó chưa lấy tính mạng mình.
Long Vân ra lệnh cho  Ngũ hổ tướng:
– Năm vị tướng quân của ta đâu? Mau ra tay.
Nhanh như chớp, hổ tướng Lý Kiệt đứng dậy:
– Tuân chỉ điện hạ.
Nói xong y túm lấy hai tay Long Vân bẻ quẹo ra sau, rồi dùng sợi dây đeo sau lưng trói y lại. Long Vân quát:
– Các người phản ta ư? Ta sẽ cho hình binh đem cả nhà người ra xử cỡi ngựa gỗ.
Hắn kêu lớn :
– Phu nhân Trịnh Ngọc đâu, mau cứu giá.
Có tiếng nói trong trẻo vọng vào :
– Đất này là nơi nào mà bọn gian nhân Mông cổ có thể lộng hành ?
Vù, vù, vù, ba thân người từ ngoài bay vào, rơi ngay cạnh bàn. Dã Tượng nhìn lại thì ra vợ chồng gã Trịnh Ngọc và đứa con bị điểm huyệt nằm thẳng cẳng. Rồi Vương Kiên xuất hiện với phu nhân là Minh Anh, Kim sơn tam kiệt.

 Giữa lúc đó một người từ trên mái nhà đáp xuống nhẹ như chiếc lá. An Nhất, An Nhị đồng xuất chưởng tấn công người kia. Người kia cười xì một tiếng, đẩy chưởng của An Nhất vào chưởng của An Nhị. Bùng một tiếng, anh em họ An bật lui trở lại. Người kia nói tiếng Hoa vùng Thục:
– Xin lỗi Kim Sơn  tam kiệt. Chúng ta là người nhà cả mà.
Nghe tiếng người ấy nói, Dã Tượng cảm thấy ấm áp trong lòng, vì y chính là Nguyễn Địa Lô.
Dã Tượng ôm chầm lấy Địa Lô:
– Chú năm! Em sang đây bao giờ?
Dã Tượng đi một vòng giới thiệu:
– Người này là em kết nghĩa của tại hạ.
Mọi người nhìn Địa Lô: dáng người phong lưu tiêu sái, da trắng môi hồng, như cây ngọc trước gió. Chàng nói với Dã Tượng:
– Anh cả! Em tới đây đã hai ngày, tìm anh khắp nơi hôm nay mới thấy.
Như Lan, Thúy Hường thấy dung quang của Địa Lô, bất giác cả hai cùng nghĩ thầm:
– Ôi! Tại sao trên đời lại có người uy vũ, khôi ngô thế kia?
Địa Lô chắp tay vái Vương Kiên, chàng nói tiếng Hán vùng Thục:
– Vương đại nhân! Từ Đại Việt xa xôi, tại hạ đã nghe danh đại nhân như sấm nổ bên tai. Nhưng mấy hôm nay đi tìm nghĩa huynh khắp vùng Kim sa giang, Trường giang, thấy tướng binh hùng tráng, kỷ luật, dân chúng yên vui, tại hạ thầm phục đại nhân quả có tài như Gia Cát Vũ hầu. Bái phục, bái phục.
– Đa tạ Đô thống quá khen.
Có tiếng Nhất Hổ rên vì đau nhức. Địa Lô đến bên Nhất Hổ chẩn mạch:
– Cả hai xương ống quyển trái bị anh Dã Tượng dùng nội lực trấn gẫy. Còn ống quyển phải chỉ bị dập bắp thịt thôi. Đại sư Huệ Đăng đã bó cho, nhưng không đúng khớp, vì vậy Nhất Hổ mới bị đau đớn. Nếu không trị ngay, thì chân trái bị úng máu, phải cắt đi.
Chàng móc trong bọc ra một hộp kim, tay gỡ hai thanh gỗ bó chân Nhất Hổ, rồi dùng kim châm vào huyệt Thần môn, Đại lăng:
– Tôi dùng hai huyệt này để trấn tĩnh thần trí cho huynh đã.
Thấy thủ pháp của Địa Lô, đại sư Huệ Đăng biết đây là danh y. Ông chắp tay:
– Xin Đô thống ra tay tiên cứu cho đệ tử của bần tăng.
Địa Lô mỉm cười, nụ cười tươi như hoa:
– A Di Đà Phật. Bây giờ đệ tử phải dùng kim làm tê ống quyển của Nhất Hổ, sau đó dùng dao mổ cho máu bầm chảy ra, bấy giờ mới bó xương được.
Rồi chàng dùng kim châm vào huyệt Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Tam âm giao, Huyền chung; lại dùng ngón tay búng kim liên tiếp. Một lát, chân Nhất Hổ hoàn toàn tê; chàng lấy con dao trong bọc rạch chỗ dập, máu tím tuôn ra chan chứa. Đợi máu tím ra hết, chàng dùng thuốc cao dán lên, rồi quấn vải quanh vết thương. Cuối cùng dùng hai thanh gỗ nhỏ bó lại và nhổ kim ra.
Mặt Nhất Hổ tươi hồng trở lại:
– Đa tạ Đô thống.
Trong khi Địa Lô chữa trị, ngươi người mở to mắt ra nhìn thủ pháp của chàng, mà từ trước đến nay họ chưa từng nghe, chưa từng thấy.

Vương Kiên hất hàm hỏi Long Vân :
– Tên mặt dơi, tai chuột kia. Tổ tiên nhà mi được Đại tống ban cho hai châu Khâu Bắc, Văn Sơn làm chỗ dung thân, trải đã 5 đời. Thế mà bây giờ mi lại phản triều đình, theo Mông cổ, mưu đánh phía sau Tống. Mi thực là bọn rắn rết, không thể nào tha thứ.
Nói dứt Vương hô:
– Đem chúng ra chặt đầu.
Long Vân kinh hoảng, nói với Dã Tượng:
– Trăm lạy tướng quân, nghìn lạy tướng quân! Bề gì tôi với tướng quân cũng là người Việt. Nếu được ân xá tôi xin đầu hàng triều đình. Tôi thề đem hai châu Khâu bắc, Văn sơn sát nhập vào cương thổ Đại Việt. Tôi xin đem tất cả lực lượng bộ binh, kị binh đi tiên phong đánh Mông cổ. Chứ tướng quân giết cái mạng kiến ruồi này, tối vô ích.
Địa Lô nói với Vương Kiên:
– Vương Tiết độ sứ. Xin Tiết độ sứ giao bọn này cho anh em tôi. Anh em tôi phải dùng bọn chúng thì mới bình định được các châu Khâu bắc, Văn sơn.
 Vương Kiên nói với Dã Tượng:
– Trần tướng quân! Long Vân là khâm phạm của Đại Việt, xin để Đại Việt xử chúng. Hai châu Văn sơn, Khâu bắc trước kia, khi thì thuộc Tống, khi thì thuộc Đại lý. Bây giờ dân chúng trong hai châu toàn người Việt. Vậy xin tướng quân dẹp bọn thổ phỉ Long Vân, rồi tổ chức cai trị. Tống không biết đến bọn  mặt dơi tai chuột này.

Về tới dinh tổng trấn Vương Kiên nói với Dã Tượng:
– Cứu binh như cứu hỏa. Bây giờ tên Long Vân bị cầm tù.  Ngũ hổ tướng của hai châu Khâu bắc, Văn sơn đã trở về với Đại Việt. Trần tướng quân có thể điều quân từ Đại Việt sang chiếm ngay hai châu này không? Để lâu e sinh biến.
Dã Tượng chắp tay:
– Đa tạ Vương Tiết độ sứ.

Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét