Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A - Gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 92

HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI


Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh,
(Văn Thiên Tường)
Người ta sinh ra ai mà không phải chết,
Hãy để lại tấc lòng son trong sử sách


Hành Sơn vương không ngờ cô em mười hai tuổi của mình mà buột miệng đưa ra lý luận đanh thép bẻ gẫy lý của Thoát Hoan. Ngay từ khi ngồi đối thoại, Thoát Hoan thấy một thiếu nữ đẹp sắc sảo ngồi cạnh vương phi Ý Ninh, y cho rằng đây là con của phi. Y không quan tâm. Thình lình cô bé lên tiếng bẻ gẫy lý luận của mình bằng tiếng Hán vùng Lâm an rất chuẩn thì kinh ngạc:
– Cô nương đây là thế nào?
An Tư cười rất tươi:
– Tôi là một cô bé người Việt như hằng trăm cô bé khác. Tên tôi là Trần Diệu Tư, pháp danh Huyền An, nên thường gọi An Tư.
An Tư tiếp:
– Thái tử ơi! Thái tử hãy về tâu với hoàng đế Chí Nguyên rằng chính người gây ra cuộc chiến nồi da xáo thịt với Đại hãn A Lý Bất Ca, cướp đi sinh mạng của hơn 40 vạn quân. Họ đều là những  trang nam nhi đầy sức sống. Khắp vùng Thảo nguyên nay lớp tuổi 20 đến 45 chỉ còn đàn bà. Bao nhiêu trai tráng đã vì cái tham vọng của người mà chết sạch. Đức nhân của người là thế đó sao? Mấy chục vạn quân của Lý Đảm, mấy chục vạn quân của Tháp Sát Nhi phơi thây tại Khai bình. Đức nhân của người là thế đó sao? Ngươi xua quân đánh Tống.  Mấy chục vạn quân, dân Tống đều vì tham vọng của người mà xương cùng thịt chất như núi. Đức nhân của người là thế đó sao? Xin thái tử trả lời cho tôi nghe đã rồi hãy hỏi đức nhân của anh tôi.
Thoát Hoan reo lên:
– Thì ra cô nương là công chúa Đại việt đấy.
– Đúng vậy! Anh Nhật Duy là con cả của phụ hoàng. Tôi là con út.
– Thực là con giòng cháu giống. Công chúa còn nhỏ tuổi mà kiến thức vượt xa chúng nhân. Nhưng thưa công chúa, vạn nhất chúng tôi phải đem quân từ  đông sang tây, rồi vượt sông đánh Trường sa, thì kết quả ra sao công chúa đã biết trước rồi vậy.
Y cười:
– Công chúa là tiên nữ giáng trần, sắc đẹp e Hằng Nga, Tây Thi, không thể sánh. Chắc tôi phải xin phụ hoàng gửi sứ sang An nam cầu hôn, rồi đặt vào ngôi v ị chánh phi.
An Tư cười khúc khích:
– Cảm ơn Thái tử đã khen. Về việc Tống, Nguyên thì đánh là quyền của hoàng đế Chí Nguyên. Chống trả  là quyền của chúng tôi. Như thái tử nói: chúng tôi có 4 hiệu binh ọp ẹp thì chống sao nổi với 20 vạn kị binh như hùm như hổ của Đại nguyên. Nhưng thưa thái tử, thái tử nên về hỏi lại Ngột Lương Hơp Thai, A Truật xem những trận đánh  Thảo lâm, Phù lỗ, Đông bộ đầu ra sao đã. Hay gần đây, thái tử hỏi Xích Nhân Thiết Mộc Nhi, Mục Tương Ca về trận Trường thảo, Bồ lăng, Điếu ngư thế nào, rồi hãy ra binh.
Nàng chỉ vào Dã Tượng:
– Vị tướng quân này đang chờ thái tử xuất trận, rồi ném đá nữa đấy.
Thoát Hoan nói lớn:
– Cô gia sang đây để nói truyện với Hành Sơn vương, chứ không phải để nói truyện với giai nhân.
Y nói với Hành Sơn vương:
– Xin vương gia dạy cho ít lời.
Vương phi Ý Ninh nói với Bạch Liên:
– Đại giá Nguyên phi tới đây đã nói lên rằng hoàng đế Chí Nguyên coi trọng chúng tôi. Xin phi về tâu với ngài rằng: chúng tôi cần thượng biểu về triều xin ý kiến của Đại việt hoàng đế, rồi sẽ sai sứ sang sông phúc đáp thái tử.
Bạch Liên nói với Ý Ninh:
– Tôi cần ra sau một chút.
Phi nói tiếng Hán. Nhưng từ ra sau, tiếng Mông cổ có nghĩa như đi cầu. Ý Ninh đứng lên:
– Thần xin dẫn đường cho phi.
Hai người rời phòng họp ra sau. Tới nhà cầu,  nhìn kỹ xung quanh không có ai, Bạch Liên trao cho Ý Ninh một  ống bạc nhỏ, dặn:
– Đây là bút tích của hai tên thân vương Vuông và Tròn. Chúng gửi thư về cho Hốt Tất Liệt. Suốt mấy năm qua, em sợ hai tên này nhiều khi không biết mình lài ai nữa. Phải vượt qua trăm nghìn khó khăn, em mới lấy được bút tích của chúng. Anh chị gửi về nước, truy bút tích, tìm ra danh tính hai tên này. Phải giết hai tên bán nước khốn nạn, bằng không em với Hồng Nga sẽ mất mạng đấy.
Phi lại trao cho Ý Ninh một ống khác:
– Trong này có tin tức về việc Nguyên định đánh Đại việt. Em với mấy con bé Ngọc sưu tầm đầy đủ. Chị phải cáo cho Đại việt ngay.
Hai người trở lại phòng họp.
Sứ đoàn về rồi, Ý Ninh mời vương vào phòng ngủ, đóng cửa lại, nói với vương:
– Chị Bạch Liên đã tìm ra bút tích hai tên khả ố Vuông, Tròn, trao cho mình đây.

Phi mở nắp ống bạc , trong có hai tấm  lụa khác nhau. Một tấm mầu vàng lợt. Một tấm mầu hồng. Vương mở ra. Hai tấm lụa viết chằng chịt đầy chữ. Nội dung tấm mầu vàng nói đại cương về chính sự Đại việt, ghi chú chức vụ, tên tuổi, tài năng các đại thần Việt. Những bí mật trong cung cách tiếp sứ Nguyên. Tuy nhiên không có nhiều chi tiết nguy hiểm. Vương quan sát nét chữ rồi nói:
– Tên này học thức không làm bao, vì văn phong khô khan, báo cáo sự việc hỗn loạn. Dường như y không giữ chức vụquan trọng, nên y báo cho Mông cổ những điều bình thường.

Vương mở tấm lụa mầu hồng ra, bất giác vương, vương phi cùng bật lên tiếng khen, vì nét chữ như rồng bay phượng múa. Đọc nội dung tờ tâu trình văn phong rất rõ ràng, thứ lớp, từng việc, từng vụ rất đầy đủ. Nội dung nói về tổ chức phòng thủ mặt biển, cũng như các đồn ở biên giới Việt, Hoa. Vương than:
– Thằng cha này có học, có văn tài. Y lại giữ chức vụ quan trọng, nên biết rõ đồn trú, phòng thủ của mình. Đây chỉ là hai tờ thư ngắn. Có lẽ hai tên này đã gửi hàng trăm tờ thư khác. Ta cần gửi hai tấm lụa này về cho Bảo Phù hoàng đế. Người sẽ truy tìm xem nét chữ của ai, thì nảy ra đứa nào là tên Vương, Tròn.
– Em nghĩ mình không thể gửi theo chim ưng về, sợ đi đường gặp mưa, sẽ nhòe hết chữ. Có lẽ chính anh hay em phải cầm về trao tận tay chú Hoảng.
– Được. Em chịu khó lên đường về nước một phen.
Phi mở ống bạc ra, trong ống có đến 6 tờ giấy, chằng chịt những chữ. Phi nhận ra nét chữ của Đại Hành:

“ Dù chưa dứt được Tống triều. Bọn Trung thư tỉnh với Hốt Tất Liệt đã bàn việc chinh phục 16 nước nhỏ ở ngoài biển và các nước phương nam. Trung thư tỉnh họp tất cả những văn võ đại thần bàn việc đánh 16 nước này. Trong 16 nước, có cả Đại việt. Một số đại thần đã nghiên cứu rất kỹ về Đại việt. Chúng đưa ra nhận xét:

– An nam là nơi rồng nằm, hổ phục. Dân việt có truyền thống là khi Trung nguyên đem quân sang đánh thì từ vua tới dân cùng nhất nhất bỏ hết tỵ hiềm giữ nước. Cho nên các triều đại trước khi đánh An nam phải hội đủ bằng này điều kiện:

1– An nam là nước lam chướng cực kỳ độc. Một là quân ra đi phải có đủ thầy thuốc trị lam chướng.

2– Hai là phải có bọn gian trong nước làm nội ứng. Thường các tiền triều tuyển càng nhiều bọn vô tư cách, vô tài, bất tướng càng tốt, rồi phong chức tước cho chúng, để chúng làm nội ứng. Thời Hán, Quang Vũ dùng bọn Lê Đạo Sinh mà thắng Trưng Trắc. Cuối thời Đông Hán, dùng Cù thị mà thắng Lữ Gia. Thời Nam Hán dùng bọn Kiều Công Tiễn mà chống Ngô Quyền. Thời Tống dùng bọn Nguyễn Bặc chống lại Lê Hoàn. Vừa rồi Ngột Lương Hợp Thai cậy mạnh đem quân tràn vào Thăng long mà bị phá. Nay ta đã có tới hai thân vương họ Trần đã viết nhiều thư mong ta mang quân sang, chúng sẽ làm nội ứng, để được phong làm An nam quốc vương. Đây là dịp bằng vàng. Ta không thể bỏ qua.

3– Ba là ta phải sai nước Chiêm đem quân đánh vào phía Nam. Trong khi ta đem quân đánh từ Bắc. Đầu đuôi chúng bị đánh như vậy mới dễ thành công. Hiện vua tôi An nam với Chiêm thành rất hòa thuận. Bằng mọi giá phải chiêu dụ Chiêm thành. Nếu chiêu dụ không được thì đánh chiếm, rồi đổ quân vào Chiêm đánh lên phía Bắc.

4– Bốn là người Việt rất giỏi thủy tính. Trong lịch sử, tất cả những lần Trung nguyên giao chiến bằng Thủy quân cũng bị An nam đánh bại. Vậy cần huy động thủy quân, đóng chiến thuyền, có hạm đội  hùng hậu để đương với thủy quân An nam.

5– Năm là võ học An nam rất thịnh. Cần phải tuyển mộ các võ học danh gia, xung vào làm bách phu, thiên phu trưởng, mới mong đương nổi với quân Việt.

6– Sáu là phải sai sứ sang chiêu dụ bọn người Hoa ở An nam. Bọn người Hoa ở An nam rất phức tạp. Chúng sang An nam vào nhiều thời khác nhau. Mỗi nơi chúng đều lập những bang hội. Để chúng làm nội ứng khi ta đem quân sang, điều này không khó, chỉ cần sứ mang theo những bằng để trống tên. Khi một bang trưởng Hoa kiều nao theo thì điền tên vào. Khi quân ta chiếm được vùng nào thì trao những chức quan cai trị cho chúng.

7– Bẩy là  An nam không có những thành trì kiên cố. Khi quân đến đâu thì chúng rút ẩn vào dân chúng, rồi thừa cơ sơ hở đánh vào hậu quân. Cho nên các tướng cần tiến từ từ. Không nên tiến mau, mà để sau lưng không phòng vệ, rồi bị đáng úp.

Hốt Tất Liệt ban chỉ thành lập Trung thư hành tỉnh Chiêm thành* gồm:
– Nguyên soái Toa Đô làm Hữu thừa,
– Phó nguyên soái Lưu Thâm làm tả thừa,
– Binh bộ thị lang Diệc Hắc Mê Thất (Yigmia) làm Tham tri chính sự.

Ghi chú
Trung thư hành tỉnh, tương đương với thời Pháp là Phủ toàn quyền. Có thể coi như đây là Bộ tư lệnh chiến dịch.

Ngay ngày hôm sau Hốt Tất Liệt điều động đặt trực thuộc Chiêm thành hành tỉnh một lực lượng:
– 100 chiến thuyền lớn loại đi biển.
– 10. 000 chiến mã.
– Một vạn thủy thủ.
Rồi sai sứ sang Chiêm thành yêu sách Chiêm vương phải cung ứng lương thảo, cấp người chăn ngựa, cung phụng cho đội quân này. Khi nào Hành tỉnh Chiêm thành đặt xong nền móng cai trị thì đem quân lên Nam giới của Đại việt. Bấy giờ Hốt Tất Liệt mới cho quân đánh vào bắc cương của mình“

  Vương kinh hoàng, vội chuyển tin tức về Đại việt.

Hơn nửa tháng sau, có thư của Yết Kiêu gửi từ  Lâm an về:

“ Khải vương gia,
Tất cả đại cuộc đều tan nát hết rồi!  Quân Nguyên theo ba đường kéo về Lâm an. Chí Nguyên gửi sứ vào thành chiêu hàng. Sứ hứa nếu triều đình đầu hàng sẽ được bảo đảm tính mạng trên từ hoàng đế xuống tới binh sĩ. Còn chống lại, thì khi quân Nguyên sẽ tàn sát đến con gà, con chó cũng không sống sót.  Đức Hựu hoàng đế cùng thái hậu họp quần thần ở điện Trường hy để bàn kế đối phó. Các quan đều quyết định đầu hàng. Thế là hôm sau, trên là hoàng đế, thái hậu, tể tướng đến các quan, thân bưng ấn tín ra ngoài thành đầu hàng. Quân Nguyên kỷ luật rất nghiêm, vào thành tiếp quản cung điện, kho lẫm, bảo vật, sách vở, tranh vẽ đem về Đại đô.(1276)

Tướng Nguyên là  Bá Nhan, A Truật, Trương Hoằng Phạm sai một vạn phu giải nhà vua, thái hậu, về Đại đô an trí. Đối với các đại thần, ai không muốn làm quan với Nguyên thì cho về quê sinh sống; tài sản, ruộng đất vẫn giữ nguyên. Quá nửa đại thần từ quan. Trong đó có Văn Thiên Tường.

Nguyên công bố  5 điều:
– Bỏ hết luật pháp Tống,
– Thả hết tù dù thành án hay chưa,
– Áp dụng luật Mông cổ,
– Tha thuế một năm, tha tất cả thuế cho dân còn nợ.
– Tất cả chức quan cấp nhỏ của châu, huyện giữ nguyên.
Họ còn bắt các hàng thần dẫn quan Nguyên đến những vùng do quan, quân Tống còn cai trị chiêu hàng.
Chí Nguyên từng nghe danh Văn Thiên Tường, sai sứ triệu hồi ông về Đại đô. Khi đi đến Trấn giang, ông trốn thoát. Ông trở về Cảng châu (Giang tây) cùng với quân trú phòng tại đây kéo cao cờ cần vương. Ông sai sứ đến Phúc châu khuyên Ích vương Triệu Thi lên ngôi vua. Ích vương nghe lời ông được Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu phò tá, lập triều đình mới xưng hiệu là Cảnh Viêm *.(1276) Cảnh Viêm phong cho Văn Thiên Tường chức Tả thừa tướng, kiêm đại đô đốc. Văn gửi hịch tới các vùng quan quân Tống còn kiểm soát cùng hô hào cần vương đánh nhau với Nguyên.
  Có tin gì thần sẽ báo sau“

Chi ghú
Năm sau (1277) Cảnh Viêm băng được tôn miếu hiệu là Đoan Tông. Ông vua này không thọ, lên ngôi được một năm thì băng hà. Sử còn ghi lại bài hịch cần vương của ông. Đây là một áng văn khích động lòng yêu nước của tộc Hán. Văn học sử Trung quốc nói rằng bài hịch này do Văn Thiên Tường soạn, “quỷ  thần đọc cũng phải khóc“.

Hành Sơn vương họp tất cả văn võ quan tòa Tổng trấn Trường sa, các tướng chỉ huy 6 hiệu binh Văn Bắc, Thiệu Hưng, Động đình, Tương giang, Trấn nam, Quảng châu; thông báo tình hình Tống cho họ biết. Rồi hỏi ý kiến:
  – Chúng ta có ba con đường đi. Một là chịu nhục đầu hàng như triều đình để an thân, gia đình, tài sản được tồn tại. Nhưng khí phách, tam cương, ngũ thường không còn.
  – Hai là, chúng ta chiến đấu đến cùng. Trận chiến sẽ ác liệt. Cuối cùng ta bị bại. Thành lũy tan hoang, dân chúng bị giết sạch. Thân xác phơi nắng, phơi mưa, vợ con bị tàn sát, tài sản bị cướp. Nhưng thỏa chí nam nhi. Giữ được lòng trung với đất nước.
  –Thứ ba là chịu sáu điều, quy phục Nguyên triều như các nước Đại lý, Tây tạng. Rồi Nguyên sẽ gửi sang một thân vương làm vua vùng này như Tây hạ, như Tây tạng, như Hồi cương.
  Hầu hết các văn quan đều chấp nhận đầu hàng. Họ lý luận:
  – Thái hậu, nhà vua, dĩ chí đại thần quyết định bỏ chúng ta bơ vơ, bỏ dân chúng, bỏ lăng miếu tổ tiên, khuất thân hàng giặc vì biết rằng: chống cũng không giữ nổi xã tắc, thì đầu hàng để được an thân. Vậy chúng ta trung thành với ai đây? Chiến đấu cho ai đây? Chúng ta hàng là hàng Nguyên triều chứ không hàng rợ Thát đát. Trong triều Nguyên cứ trăm người mới có một người Mông cổ. Mông cổ bây giờ là phiên thần của Nguyên. Chúng ta hãy mở to mắt nhìn về phương bắc, nhìn về những vùng Nguyên cai trị: không giặc cướp, quan lại thanh liêm, dân chúng ấm lo hơn hồi do Tống cai trị. Thôi thì chúng ta hãy khuất thân đầu hàng để dân chúng được toàn vẹn, vợ con được toàn vẹn, bản thân được trọng dụng
Một số võ quan gốc Tống lý luận:
– Triều đình hàng là việc của triều đình. Chúng ta là con cháu vua Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế. Chúng ta có văn minh Hoa hạ. Chúng ta không thể chiu nhục quỳ gối trước bọn rợ Hung nô tàn ác. Hiện các đại thần Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu, Văn Thiên Tường đang phò hoàng đế Cảnh Viêm, hô hào cần vương chống Thát đát. Chúng ta quyết giữ đất, giữ thành, từ từ khôi phục lại các vùng đã mất.
Hành Sơn vương quyết định:
– Ý dân là ý trời. Bây giờ các quan trở về nhiệm sở, dò la ý dân ra sao? Nếu họ muốn hàng, thì ta có chiến đấu cũng vô ích. Còn như họ quyết chống giặc, thì ta sẽ hô hào cần vương. Trong một tháng nữa cô gia sẽ họp quý vị, rồi chúng ta cùng hành sự.
Buổi họp giải tán.
Có sứ giả của thừa tướng Văn Thiên Tường tới.
Lễ nghi tất.
Sứ giả nói:
– Triều đình sai tôi báo tang đến vương gia. Cảnh Viêm hoàng đế băng, miếu hiệu là Đoan Tông. Triều thần tôn Vệ vương mới 7 tuổi lên ngôi, hiệu là Tường Hưng. Thừa tướng Lục Tú Phu phụ chính. Văn thừa tướng được phong Thiếu bảo, Tín quốc công, coi toàn bộ binh quyền. Văn Thừa tướng đang cầm quân đánh với Nguyên ở Ôn châu, Thanh điền. Thừa tướng xin vương gia điều ba hiệu binh Tương giang, Trấn nam,  Quảng châu tới tiếp viện.
Vương hỏi tình hình tân triều đình. Sứ giả khải:
– Các quan văn võ đều hết lòng trung quyết chiến. Nhưng dân chúng thờ ơ. Vì họ phải nộp lương, phải cho con em nhập ngũ. Hầu hết họ muốn đầu hàng Nguyên để con em không bị chết, để làng xóm không bị đốt phá, không bị giết.
Vương làm lệnh, sai mang đến các tướng thống lĩnh ba hiệu binh Tương giang, Trấn nam,  Quảng châu ngay.
Biến cố dồn dập đến, làm cho vương, vương phi mề mệt. Hôm sau vương họp riêng các tướng Việt. Buổi họp vừa bắt đầu thì thân binh báo:
– Có một con thuyền chở khoảng 30 người vừa vượt hồ Động đình cập bến. Họ xưng là Trần Tử An, Nguyễn Địa Lô xin cầu kiến.
Vương truyền Dã Tượng, Thúy Hồng ra ngoài thành đón vào. Thị vệ phải dùng cáng, cáng Trung Thành vương, Địa Lô, Hồng Liên cùng mấy chục người. Tất cả đều bơ phờ, cử chỉ uể oải, tư thái bạc nhược. Trung Thành vương nói:
– Chúng ta trải muôn nghìn nguy nan, mới thoát thân về đây.
Ý Ninh truyền thị nữ đưa mọi người vào hậu đường an nghỉ, tắm rửa, nghĩ dưỡng sức. Địa Lô cầm bút viết một phương thuốc: Phục linh 3 tiền, Cam thảo 1 tiền rưỡi, Bạch truật 3 tiền,  Nhân sâm 3 tiền; trao cho quân y sĩ. Sắc lên mỗi người một thang.
Thuốc rất hiệu nghiệm, chiều hôm đó mọi người đều hết mệt, ăn uống khỏe, thần thái tốt. Trung Thành vương thuật:
– Trung nguyên loạn lạc suốt hai trăm năm qua. Bây giờ mới tạm yên được mấy năm. Nông nghiệp, chăn nuôi phục hồi. Dân chúng sống ấm no. Họ sợ chinh chiến lắm rồi. Chính sách của Hốt Tất Liệt chiêu hàng rất hiệu nghiệm. Vì vậy quân Nguyên đi đến đâu các văn quan võ tướng đều sẵn sàng đầu hàng để tính mệnh bản thân, gia đình, làng xóm không bị tàn hại. Nhất là việc Hốt Tất Liệt dùng Hán pháp, dùng các quan người Hán. Người Hán không có cảm tưởng mất nước. Họ coi Nguyên như triều Hán, triều Đường.
Địa Lô tiếp:
– Tháp Sát Nhi cai trị Bắc liêu như Thành Cát Tư Hãn cai trị Mông cổ nên dân Hán, Kim, Liêu coi như họ bị ngoại bang cai trị. Hơn nữa quân của Tháp Sát Nhi là quân Mông cổ chính tông. Họ đóng ở Bắc liêu, mà lòng vẫn nhớ quê hương là Thảo nguyên. Vì vậy họ đầu hàng Nguyên dễ dàng. Cả 15 vạn phu trưởng đều đã được Nguyên âm thầm sai sứ chiêu hàng từ lâu. Nay họ được dịp trở về với Mông cổ. Vì vậy Bắc liêu mất rất mau.
Hồng Liên thuật:
– Đang đêm 5 vạn phu theo Đô Ngột Nhi thình lình về chiếm Thẩm dương. Bọn thị vệ quá ít chống không lại. Vợ của Đô Ngột Nhi nghĩ tình tôi từng tuyển thị làm dâu, lại từng hòa hợp với tôi, nên thị không cho hại tôi. Thị sai thị vệ hộ tống tôi rời khỏi Thẩm dương. Tôi dùng chim ưng liên lạc với Đại Hành. Đại Hành mật sai thị vệ Đại đô đi đón tôi. Tới Đại đô tôi gặp bố Tử An. Bạch Liên dùng thẻ miễn tử xin Hốt Tất Liệt ân xá. Hốt Tất Liệt nghĩ đến công lao của bố Tử An, của tôi hồi theo Thap Sát Nhi đánh Tương dương, Phàn thành nên sai thị vệ hộ tống ra biển, dùng thuyền về Đại việt. Còn Địa Lô thì chạy sang Cao ly. Hoàng hậu Như Lan cấp thuyền cho Lô về nước. Khi thuyền Lô đang lênh đênh trên biển thì gặp thuyền của tôi với bố Tử An. Dọc đường chúng tôi kiệt lực, không thể tiếp tục về nước. Cả ba quyết định ngược sông về đây gặp vương gia, vương phi dưỡng sức.
Có sứ của Đại việt tới. Sứ khải:
– Mùa Đông tháng 10, ngày 22  niên hiệu Bảo Phù thứ 6, hoàng thượng nhường ngôi cho thái tử Khâm. Thái tử Khâm lên ngôi hiệu là Hiếu Hoàng, tôn thượng hoàng là:

Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế.

Tôn Thiên Cảm hoàng hậu làm:

 Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu.

Triều thần tôn hoàng đế làm:

Pháp Thiên, Ngự Cực, Anh Liệt, Vũ Thánh, Minh Nhân Hoàng Đếâ . (13)

Lập con gái Hưng Đạo vương làm Khâm Từ hoàng hậu.
Thượng hoàng có mật chỉ cho vương gia. Đây là lời nói của anh em trong nhà. Vương gia không cần xử dụng lễ nghi.
Nói rồi sứ đưa ra một cái ống tre. Vương mở ống tre ra, bên trong có một trục lụa, nhận ra đúng là bút tích nhà vua. Vương đọc:

“ Khu mật viện nhận được đầy đủ tin tức của Nguyên, của Tống do anh chị gửi về. Những biến chuyển của Bắc liêu, của Mông cổ, của Nãi man, của Cao ly đều thuận tiện cho Nguyên triều. Tống triều hiện như ngọn đèn trước gió. Nguyên triều dàn đại quân đối diện với Trường sa, đóng chiến thuyền, nhưng không vượt sông đánh, vì họ biết đánh sẻ thắng, nhưng tổn thất không nhỏ. Hơn nữa Kinh hồ bao gồm lưu vực sông Tương là nơi bờ xôi giếng mật. Nếu họ đánh, anh chị suất lĩnh dân chúng, quan lại, binh tướng chống trả. Họ có thắng chỉ chiếm được một vùng tiêu điều như bãi đất hoang.
  Trong nước, triều đình vẫn dùng lời lẽ khiêm cung, hậu lễ để tránh chiến tranh. Vùng Kinh hồ tuy là đất cũ của ta, nhưng dân chúng toàn người Hán. Anh chị trấn nhậm, phủ dụ tài tình đến mấy thì họ cũng không chịu nhận là người Việt. Bây giờ để tránh chiến tranh, trong nước đã phải nhận Đạt lỗ hoa xích. Nhưng điều quốc nhục là phải đích thân vào chầu thì không bao giờ chịu nhận. Còn như chịu binh dịch mình chối phắt, lấy cớ nước gần biển, đồng chua nước mặn, dân nghèo khổ, không thể cung ứng cho quân theo Nguyên viễn chinh.
Sau khi dứt Tống, chắc chắn Nguyên sẽ đánh ta. Mà đánh ta thì hậu quân phải đặt ở Kinh hồ.
Đối với Kinh hồ, anh chị phải giữ cho dân chúng toàn vẹn. Bởi chỉ cần Nguyên cai trị mấy năm, anh hùng hào kiệt sẽ nổi lên phục quốc. Những thế lực này là trở lực lớn của Nguyên. Họ sẽ đánh phía sau Nguyên cho ta.
Vậy anh chị cứ tự coi là một nước, quy phục Nguyên, chịu tất cả 6 điều họ đưa ra. Chính anh chị thân đến Đại đô chầu. Có thể Hốt Tất Liệt sẽ trao binh quyền cho anh chị, hay phong cho chức tước lớn. Anh chị cứ nhận, rồi tùy cơ hành xử“.

Sứ Việt vừa về thì Yết Kiêu, Vương Chân Phương đã từ Lâm an trở lại phục mệnh. Yết Kiêu tường trình:
– Sau khi được ba hiệu binh Tương giang, Trấn nam,  Quảng châu tiếp viện, Văn Thiên Tường đánh bại đạo quân của Ba Nhan, A Lý Hải Nha. Nguyên dùng ba hàng tướng là  Lưu Chỉnh, Trương Hoằng Phạm, Phạm Văn Hổ,  đánh vào phía sau. Tướng sĩ ba hiệu binh  Tương giang, Trấn Nam, Quảng châu đều là thuộc hạ của ba tướng này nên họ đánh cầm chừng. Trong trận đánh Triều dương, các cả ba hiệu binh Tương giang, Trấn nam, Quảng châu đều hàng Nguyên. Văn thừa tướng bị bắt. Tuy nhiên lực lượng chính do Lục Tú Phu, Trương Thế Kiệt còn khá mạnh, vẫn chiến đấu.  Trương Hoằng Phạm gọi Văn thừa tướng, trao cho giấy bút bắt viết thư chiêu dụ Trương Thế Kiệt. Ông cầm bút viết bài thơ tỏ chí khí. Hoằng Phạm dí gươm vào cổ đe dọa, ông vẫn thản nhiên.
Vương phi Ý Ninh hỏi:
– Cháu có thuộc bài thơ ấy không?
Yết Kiêu luống cuống nhìn vợ cầu cứu. Vương Chân Phương nói:
– Hốt Tất Liệt vì yêu tài ông, mà ban chỉ đưa Văn thừa tướng về Đại đô để trọng dụng. Vì vậy bọn văn quan, võ tướng cử người hộ tống ông, cung phụng đầy đủ, chứ ông không bị trói hay bị bỏ vào tù xa. Ông đi đến đâu, dân chúng, sĩ phu đón xe ông chào hỏi kính trọng. Vì vậy vợ chồng cháu theo ông tới Đại đô. Hốt Tất Liệt dùng lời lẽ ngọt ngào phủ dụ ông, muốn phong chức tước. Ông khẳng khái từ chối. Hốt Tất Liệt đành giam lỏng ông. Tuy bị tù, nhưng ông vẫn được tư do đi lại trong kinh thành. Ông biết cháu được Tống triều phong tước công chúa. Anh Yết Kiêu được phong hầu. Ông trao cho cháu bài thơ này, với bài Chính khí ca.
Nói rồi nàng mở cái ống bạc đeo bên mình ra đọc:

Quá Linh Đinh dương.
Tân khổ tao phùng khởi nhất kinh,
Can qua liêu lạc tứ chu linh.
Sơn hà phá toái phong phiêu nhứ,
Thân thế phù trầm vũ đả bình.
Hoàng khủng than đầu thuyết hoàng khủng,
Linh đình dương lý, thán linh đình.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Ghi chú,
Bài thơ này rất nổi tiếng, sau lưu  truyền khắp Trung quốc, Nhật bản, Cao ly, Việt Nam. Kẻ sĩ các nước A châu Thái bình dương không ai mà không thuộc.

Qua biển Linh đinh,
Gặp nỗi cay đắng khởi đầu từ một cuốn sách,
Từ ngày khởi binh (1275) đến nay là bốn năm.
Sông núi tan tành như gió thổi bông liễu.
Thân đời chìm nổi như mưa dập cánh bèo.
Trận chiến ghềnh Hoàng khủng  thực đáng sợ.
Lúc rút lui ở biển Linh đình  than ôi nỗi lênh đênh.
Từ xưa đến nay, ai cũng phải chết,
Nên để lại tấm lòng son trên thẻ tre (lịchsử)

Trong bài Kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ (1778-1858) có đoạn:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Đã hẳn rằng ai nhục, ai vinh?
Mấy kẻ biết anh hùng chi vị ngộ!

Vương phi Ý Ninh hỏi:
– Cháu nói bài Chính khí ca. Có phải bài Chính khí ca ông đã đọc cho mình nghe hồi ở Điếu ngư không?
– Thưa chính là bài đó, nhưng thêm nhiều đoạn nữa! Dài lắm.
Nói rồi nàng đem ra một trục lụa trao cho vương phi. Phi đọc to lên cho mọi người nghe:
– Đúng là bài ông làm tại Điếu ngư. Tại Điếu ngư ông mới làm có mười câu. Thôi giọng Địa Lô tốt, Địa Lô đọc cho mọi người nghe đi.
Địa Lô ngồi ngay ngắn lại, rồi cất tiếng đọc:

Thiên địa hữu chính khí,
Tạp nhiên phú lưu hình,
Hạ tắc vi hà nhạc,
Thượng tắc vi nhật tinh.

Ư nhân viết hạo nhiên.
Bái hồ tắc thương minh,
Hoàng lộ đương thanh di,
Hàm hòa thổ minh đình*

Thời cùng tiết nãi hiện,
Nhất nhất thùy đan  thanh.

Thúy Hồng xin phép diễn giải ra tiếng Việt:

Trong trời đất có chính khí,
Phân tán thành nhiều hình thể khác nhau.
Dưới thì là sông núi,
Trên là mặt trời và các sao.

Ở nơi người là khí hạo nhiên,
Đầy rẫy, tràn ngập bầu trời.
Khi đường vua gặp lúc thanh bình,
Ngậm hài hòa nhả trong sân sáng.

Lúc khốn cùng tiết mới hiện ra.
Tất cả đều để lại nét đẹp.

Vương phi trao trục lụa cho Thúy Hồng:
– Thúy Hồng đọc tiếp đi.
Thúy Hồng tiếp trục lụa đọc:

  Tại Tề thái sử Giản,
  Tại Tấn Đổng Hồ bút.
  Tại Tần Trương Lương trùy,
  Tại Hán Tô Vũ Tiết.

  Vi Nghiêm tướng quân đầu,
  Vi Kê thị trung huyết.
  Vi Trương Thư Dương xỉ,
  Vi Nhan Thường Sơn thiệt.

  Hoặc vi Liêu Đông mạo,
  Thanh tháo lệ băng tuyết.
  Hoặc vi Xuất sư biểu,
  Quỉ thần khấp tráng liệt.

  Hoặc vi độ giang tiếp,
  Khảng khái thôn hồ yết.
  Hoặc vi kích tặc hốt,
  Nghịch thụ đầu phá liệt.

Thúy Hồng ngừng lại, Vương Chân Phương biết sở học của chồng, của Dã Tượng, của Cao Mang không đủ để hiểu một bài ca đầy điển cố. Nàng giảng :
  – Tiếp theo ông cử ra 12 tấm gương, biểu tượng cho chính khí :

Ở nước Tề là thẻ tre của quan thái-sử, (1)
Ở nước Tấn là ngọn bút của Đổng Hồ,(2)
Ở đời Tần là cây trùy của Trương Lương.(3)
Ở đời Hán là cờ tiết của Tô Vũ;(4)

Là đầu của Nghiêm tướng quân.(5)
Là máu của Kê thị trung;(6)
Là răng của Trương Thư Dương,(7)
Là lưỡi của Nhan Thường Sơn.(8)

Có khi là mũ ở đất Liêu Đông,(9)
Tiết trong mạnh như băng tuyết;
Có khi là bài Xuất sư biểu,(10)
Khiến quỉ thần rỏ lệ hào hùng;

  Có khi là mái chèo vượt sông,
  Khảng khái nuốt rợ Hồ Yết;(11)
  Có khi là thanh hốt đánh giặc,(12)
  Làm cho đầu kẻ phản nghịch vỡ tan.

Thúy Hồng đọc tiếp:

  Thị khí sở bàng bạc,
  Lẫm liệt vạn cổ tồn.
  Đương kỳ quán nhật nguyệt,
  Sinh tử an túc luân.

  Địa duy lại dĩ lập,
  Thiên trụ lại dĩ tồn.
  Tam cương thực hệ mệnh,
  Đạo nghĩa vi chi côn (cân).

  Ta dư cấu dương cửu,
  Lệ dã thực bất lực.
  Sở tù anh kỳ quan,
  Truyện xa tống cùng bắc.

  Đỉnh hoạch cam như di,
  Cầu chi bất sở đắc,
  Âm phòng niết quỉ hỏa.
  Xuân viện bí thiên hắc.

  Ngưu ký đồng nhất tạo.
  Kê thê phụng hoàng thực,
  Nhất triêu mông vụ lộ,
  Phân tác câu trung tích.

  Như thử tái hàn thử,
  Bách lệ tự tích dịch.
  Ai tai tự như trường,
  Vi ngã an lạc quốc.

  Khởi hữu tha cù xảo.
  Âm dưong bất năng tặc,
  Cố thử cảnh cảnh tại,
  Ngưỡng thị phù vân bạch.

  Du du ngã tâm bi,
  Thương thiên hạt hữu cực.
  Triết nhân nhật dĩ viễn,
  Điển hình tại túc tích.

  Phong diêm triển thư độc,
Cổ đạo chiếu nhan sắc.
       
Yết Kiêu nghe chỉ hiểu lơ mơ. Hầu lại đưa mắt cầu cứu phu nhân. Vương Chân Phương lại diễn nghĩa :

Khí này bàng bạc khắp nơi,
  Lẫm liệt còn mãi muôn đời.
  Trong lúc khí đó xuyên suốt mặt trời, mặt trăng,
  Thì sống chết đâu còn đáng kể.

  Giềng đất nhờ đó mà dựng nên,
  Cột trời nhờ đó mà cao cả.
  Ba cương thực buộc chặt với sinh mạng,
  Đạo nghĩa là gốc rễ của nó.

  Thương thay ta gặp lúc khốn cùng,
  Bọn bộ hạ thật là bất lực.
  Phải thắt giải mũ của kẻ tù binh,
  Bị xe trạm đưa lên miền cực bắc.

  Vị vạc dầu mà thấy ngọt như đường,
  Cầu mong thế mà không thể được.
  Phòng giam tối tăm ánh lửa ma trơi,
  Viện xuân đóng kín khoảng trời đen tối.

  Trâu bò và ngựa ký cùng chung một mảng cỏ;
  Chim phượng hoàng ăn trong chuồng gà.
  Một sáng kia chịu cảnh mù sương,
  Sẽ thành nắm xương khô trong rạch.

  Trải qua hai mùa lạnh nắng,
  Mà trăm chứng bệnh vẫn lánh xa.
  Thương thay chỗ ẩm thấp,
  Lại là cõi yên vui của ta !

  Há có cơ-xảo nào khác đâu,
  Mà khí âm dương không hại nổi mình.
  Ngoảnh lại tấm lòng trong sáng vẫn còn,
  Ngước trông đám mây nổi trắng xóa.

  Lòng ta đau buồn man mác,
  Trời xanh kia có bao giờ hết được !
  Bậc triết nhân mỗi ngày một xa xôi,
  Khuôn mẫu ấy từng có ở thời trước.

  Trước hiên gió mở sách ra đọc,
  Đạo xưa soi sáng mặt mình.


















   

––––––––––––––––––––––––––––––––––––


CHÚ GIẢI

(1). Tại nước Tề thời Xuân-Thu, đại phu Thôi Trữ giết vua Tề Trang-công. Quan thái sử Giản chép sự kiện ấy là :
  Thôi Trữ giết vua. 
 Thôi Trữ tức giận, liền giết thái sử. Thôi Trữ cử người em thứ nhất của họ Giản thay thế. Ít lâu sau ông đến Thái sử đài cầm thẻ tre chép sự kiện ấy đọc, vẫn chép là :
 Thôi Trữ giết vua .
Thôi Trữ giết người em thứ nhất, cử người em thứ nhì lên thay. Ít lâu sau Thôi Trữ lại đến Thái sử đài, cầm thẻ tre lên đọc, cũng vẫn thấy chép :
 Thôi Trữ giết vua .
Thôi Trữ đe dọa 
– Người không thấy hai anh đã bị giết sao ?
Người em thứ nhì trả lời :
– Giết là quyền của ngài. Chép đúng sự thưc là bổn phận của chúng tôi.
Thôi Trữ định giết người em  thừ nhì của họ Giản, thì từ xa một người phi ngựa đến như bay. Ông ta xuống ngựa thì con ngựa mệt quá lăn ra chết. Thôi Trữ hỏi :
– Người đi đâu mà vội vậy ?
 Người ấy trả lời :
– Tôi phải đến vội vì sợ ba anh em  họ Giản chết, không có ai chép việc ngài giết vua.
Thôi Trữ quẳng kiếm bỏ đi.

(2)  Đổng Hồ làm chức sử quan ở nước Tấn, thời Chiến-Quốc. Vua Tấn Linh công muốn giết đại phu Triệu Thuẫn. Triệu Thuẫn chạy trốn ra nước ngoài. Khi ông mới tới biên giới thì Triệu Xuyên giết Linh công, Triệu Thuẫn mới trở về. Đổng Hồ chép là :
 Triệu Thuẫn giết vua. 
 Triệu Thuẫn hỏi :
– Khi vua bị giết, thì tôi đã chạy ra gần biên giới, tôi dâu có liên hệ đếnn vụ Triệu Xuyên giết vua ?
 Đổng Hồ đáp :
– Triệu Xuyên giết vua, thì ngài chưa ra khỏi nước. Lúc vua bị giết, ngài trở về nắm quyền, không xử tội kẻ giết vua, thì rõ ràng là ngài giết vua.
Triệu Thuẫn giết Triệu Xuyên, rồi tới sử đài, thì trên thẻ tre, Đổng Hồ vẫn chép :
–  Triệu Thuẫn giết vua .
 Triệu Thuẫn hỏi Đổng Hồ :
– Tôi đã trị tội Triệu Xuyên rồi mà !
 Đổng Hồ trả lời :
– Vì ngài thấy tôi chép ngài giết vua, ngài mới trị tội Triệu Xuyên, thì rõ ràng là ngài giết vua.

(3) Tần Thủy-Hoàng tiêu diệt nước Hàn. Trương Lương dòng dõi quí tộc nước này, quyết tâm báo thù, nhờ một dũng sỹ dùng một cây trùy ám sát vua Tần tại Bác lãng sa. Dũng sĩ đánh lầm xe việc thất bại. Trương Lương phải đổi họ tên, trốn tránh.

(4)  Đời Hán Vũ-đế Tô Vũ đi sứ Hung-Nô, bị bắt giữ tại bên đó đến 19 năm. Khi được tha về, lông trên cờ tiết mao đã rơi rụng hết.

(5) Thời Tam-Quốc tướng của Lưu Chương là Nghiêm Nhan giữ Ba quận bị Trương Phi bắt, giơ đầu chịu chết, quyết không đầu hàng.

(6) Đời Tấn vua Huệ  đế bị loạn quân toan sát hại. Quan thị-trung là Kê Thiệu đưa mình che cho vua. Ông bị giết, máu vương đầy hoàng bào.

(7) Đời Đường An Lộc Sơn làm phản, vây Thư dương. Tướng giữ thành này là Trương Tuần bị bắt, quyết không hàng, không ngớt lời chửi mắng An Lộc Sơn, nên bị giặc bẻ gãy hết răng, rồi giết chết.

(8) Cũng trong loạn An Lộc Sơn, thái-thú Thường sơn, tên Nhan Cảo Khanh bị bắt, chửi mắng An Lộc Sơn, tuy bị cắt lưỡi, nhưng vẫn tiếp tục chửi mắng cho đến chết.

(9) Thời Tam-Quốc, danh sĩ là Quản Ninh, vì không muốn thỏa hiệp với quyền lực hắc ám, nên lánh đi ở ẩn tại Liêu đông.

(10) Thời Tam-Quốc, Gia-Cát Lượng trước khi đi đánh Ngụy, dâng lên Hậu Chúa hai bức Xuất sư biểu lời lẽ rất hào hùng cảm động.

(11)  Đời Tấn Nguyên-đế, thứ sử Dự chương là Tổ Địch đem quân đi thâu phục miền bắc, chỉ dòng sông thề rằng : « Nếu không bình định được trung nguyên, quyết không qua sông này nữa. »

(12) Đời Đường Đức-tông, Đoàn Tú Thật lấy hốt ngà đánh vào đầu tên phản thần Châu Thử, rồi bị sát hại.
– Thiên trụ : cột trời. Theo thần thoại ngày xưa, trên núi Côn-luân có cây cột đồng lớn, chu vi ba dặm, cao ngất trời, gọi là « thiên trụ ».
– Sở tù : là kẻ tù nước Sở. Tiếng chỉ tù binh.
– Truyện xa : xe ngựa trạm.
– Âm phòng : phòng tối, chỉ nhà tù.

  Dưới đây là bản dịch của Trần Trọng San trong tác phẩm Thơ Tống, (Bắc đẩu Canada , xb 1991, trg 261-263.)

Trong trời đất, một bầu chính khí,
Phân tán ra ngàn thể muôn hình.
Dưới là nước tú, non linh ;
Trên là nhật nguyệt, thần tinh sáng ngời.

  « Hạo-nhiên » ở nơi người cao cả,
  Khí dâng tràn ngút tỏa trời xanh.
  Đường vua gặp lúc thanh bình,
Êm đềm vào chốn triều đình mà bay.

  Lúc khốn quẫn tiết ngay mới tỏ,
  Thảy đều treo rực rỡ đan thanh.
  Sử Tề còn thắm thẻ xanh ;
Bút son nước Tấn lừng danh Đổng-Hồ .

  Trùy Trương-Lương Tần xưa rửa hận ;
  Cờ sứ Tô tiết Hán dãi dầu.
  Nghiêm-Nhan khảng khái vươn đầu ;
  Máu đào Kê-Thiệu hoàng bào còn tươi .

  Răng Thư-Dương dẫu rơi chẳng quản ;
  Lưỡi Thường-Sơn dẫu cắt không sờn.
  Quản Ninh trắng mũ Liêu-Đông,
 Thanh cao tiết ấy sánh cùng tuyết băng.

  « Xuất sư biểu » ai dâng Hậu-chúa,
  Khiến quỉ thần chan chứa lệ tuôn ;
  Mái chèo Tổ-Địch qua sông,
  Kìa ai khảng khái quyết chôn rợ Hồ .

  Hốt họ Đoàn vùng giơ đánh giặc,
  Đầu quyền gian vỡ nát còn đây.
  Từ xưa bàng bạc khí này,
Trang nghiêm lẫm liệt muôn đời không tan.

  Lúc chính khí tràn lan nhật nguyệt,
  Thì phù sinh sống chết mà chi ?
  Nhờ đâu vững chắc địa duy ?
  Nhờ đâu thiên-trụ đứng kia ngất trời ?

  Tam cương nọ có nơi nương tựa,
  Đạo nghĩa này được chỗ nảy sinh.
  Thương ta gặp lúc phiêu linh,
Ươn hèn bộ thuộc ngả nghiêng cơ đồ.

  Đầu Sở tù mũ xô lệch lạc,
  Xe trạm đưa cõi bắc xa xôi.
  Vạc sôi mà ngọt vị đời,
  Cầu mong được thế, dễ ai thỏa lòng !

  Kín phòng tối, mịt mùng lân-hỏa ;
  Khóa viện xuân bả lả khói tuôn.
  Trâu bò, kỳ ký chung chuồng,
  Phượng hoàng mổ thóc lẫn trong bầy gà.

  Rồi một sớm sương sa mù tỏa,
  Nắm xương khô rời rã dòng khe.
  Hai mùa nóng lạnh não nề,
  Mà sao trăm bệnh vẫn chê thân tàn ?

  Thương thay chốn tối tăm ẩm thấp,
  Lại là nơi tràn ngập niềm vui.
  Phải đâu mưu trí khác đới,
  Âm dương chẳng hại nổi người gian nan.

Ngắm lòng này hoàn toàn trong sáng,
 Ngẩng đầu trông mây trăng nổi trôi.
 Lòng ta đau đớn khôn nguôi,
 Trời xanh thăm thẳm, hận người chứa chan.

  Triết-nhân ngày lại càng xa vắng ;
  Điển-hình xưa im lặng xa vời.
  Gió hiên mở sách ra coi,
Đạo xưa soi tỏ mặt người hôm nay .

(13) Sau này Hiếu Hoàng băng, miếu hiệu là Nhân tông. Thiền sử chép, sau hai lần phá quân Nguyên, nhà vua truyền ngôi cho con, rồi lên Yên tử tu, đắc quả Bồ Tát. Chúng tôi đính kèm bài nói về hành trạng của ngài, do cư sĩ Anh Chi đăng trên www. Phattuvietnam.com ngày 8-1-2009.

A Di Đà Phật,
Kính bạch thiện trí thức Anh Chi,
Yên tử cư sĩ cúc cung bái Anh Chi hỷ xả xí xái cho cái tội đưa bài viết vào đây mà không xin phép trước. Mong Anh Chi phát tâm Bồ đề, không phiền trách.Chúng ta đều là Phật tử.


Đức Vua, Phật Hoàng Trần Nhân tông :Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn.

Xem hình

Đã bảy trăm năm qua, tên tuổi người anh hùng, triết gia, thi sĩ Trần Nhân tông vẫn in đậm trong tâm trí người Việt Nam ta. Ông là một dấu mốc lớn trong lịch sử, văn hóa, tư tưởng nước Việt Nam, mãi mãi không phai mờ.
Trần Nhân tông tên thật là Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh tông, sinh năm 1258, là năm Thượng hoàng Thái tông đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về ông:
 "... được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thế chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng... Trên vai bên trái có nốt ruồi đen cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm... Vua nhân từ, hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song, để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân".
Nói về mục đích xuất gia lên núi Yên Tử đi tu của Trần Nhân tông, trong sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên hanh của danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746-1802) đã luận giải rất xác đáng:
 "Mọi người thấy Đức Điều Ngự (tức Trần Nhân tông) là tổ thứ nhất khi ra ở chùa Yên Hoa thì cho ngay là Ngài xuất gia. Nhưng có biết đâu, đương lúc bấy giờ, Đức tổ biết lấy thiên hạ làm chung, gặp buổi nước nhà yên ổn song nước láng giềng ở ngay bên cạnh rất mạnh nên chưa được yên tâm, mà việc đó không thể nói ra, sợ lòng người dao động. Nhân thấy Yên Tử là ngọn núi cao phía đông nhòm mặt được tính Yên, tỉnh Quảng, phía bắc có thể trông tới Lạng Sơn, Lạng Giang, nên mới dựng tu viện, thường qua lại xem động tĩnh, khiến quân giặc ở ngoài không thể gây những việc đáng lo ngại. Đó mới thật là vô lượng, lực đại thế chí Bồ Tát..."
Nói đến nhân vật lịch sử Trần Nhân tông là nói đến một người anh hùng cứu nước, một triết gia, một thi nhân lớn trong đời sống văn hóa, tư tưởng nước Việt Nam ta giai đoạn cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV. Khi còn là Thái tử, Trần Khâm đã được vua Thánh Tông gửi cho theo học Thiền với Thượng sĩ Tuệ Trung. Tuệ Trung chính là Tướng quân Trần Tung, từng hai phen cầm quân đánh giặc Nguyên Mông. Khi giặc tan, Trần Tung lui về Phong ấp Tịnh Bang học Thiền và ngộ đạo với Quốc sư Đại Tăng tức Thiền sư Tiêu Diêu. Và chính vua Trần Thánh tông đã yêu kính tặng cho ông hiệu Thượng sĩ Tuệ Trung. Do vậy, Trần Nhân tông sớm hoàn thiện một trí tuệ lớn, một tài năng và nhân cách lớn.
Thời gian Ngài ở ngôi vua, đã hai lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông vào năm 1285 và năm 1287. Trong hai lần kháng chiến oanh liệt, Trần Nhân tông là ngọn cờ tiêu biểu của dân tộc, "cố kết nhân tâm", lãnh đạo quân dân cả nước vượt qua mọi gian khổ hy sinh làm nên chiến thắng huy hoàng. Vào giai đoạn đầu cuộc kháng chiến năm 1285, khi quân giặc ồ ạt tiến công, Trần Nhân tông đã viết lên đuôi thuyền chiến hai câu thơ đầy hào khí và lòng tin vào sức mạnh tiềm tàng của quân dân ta sẽ làm nên chiến thắng:
 "Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh"
 (Bản dịch ĐV5KTT:
 "Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ,
 Hoan Diễn còn kia chục vạn quân.
 Hai câu thơ đó, đã đi vào lịch sử như một giá trị bất diệt trong sự nghiệp đánh giặc Nguyên Mông năm 1285, cùng bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải ca ngợi chiến công bình  Nguyên mà Trần Nhân tông là vị chủ soái:
"Đoạt sáo Chương Dương độ,
 Cầm hồ Hàm Tử Quan,
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san"
 (bản dịch ĐVSKTT:
"Bến Chương Dương cướp giáo
 Cửa Hàm Tử bắt thù.
 Thái bình nên gắng sức,
Non nước cũ muôn thu".
Trong lịch sử văn hóa, lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Nhân tông có một vị trí quan trọng. Người là một triết gia lớn, một thi sĩ sâu sắc của nước Việt ta. Thuở thiếu thời khi còn theo học Thượng sĩ Tuệ Trung, Trần Nhân tông đã hỏi Thượng sĩ về bổn phận tông chỉ Thiền. Thượng sĩ Tuệ Trung đáp rằng:
"Gốc của bổn phận Thiền là soi sáng lại chính mình, không từ bên ngoài mà được...".
Nghe qua Ngài đã thông suốt. Sau hai lần lãnh đạo dân tộc đánh thắng giặc Nguyên Mông, năm 35 tuổi Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh tông. Rồi năm 41 tuổi Ngài vào núi Yên Tử xuất gia, tu hành, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, trở thành tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Và, Ngài thực sự đứng đầu một Triết phái, là Triết phái Thiền Trúc Lâm. Với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, Phật giáo Việt Nam ta đã phát triển rực rỡ, đã thể hiện đầy đủ trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng nước nhà mà người kiến tạo là Triết gia Trần Nhân tông. Và Ngài đã kiến giải hầu hết những vấn đề triết học mà phật giáo đặt ra, như vấn đề tâm, Phật, vấn đề có, không; vấn đề sống, chết... Trần Nhân tông cũng là con người của thực tiễn, nắm bắt được quy luật sinh tồn tự nhiên, nên đã rất chủ động, tâm huyết trong việc đào tạo thế hệ tiếp nối. Một lần đến Nam Sách, Ngài đã thu nhận Đồng Kiên Cương (1284-1330) làm học trò đặt cho tên là Thiện Lai, năm sau lại ban cho Pháp hiệu là Pháp Loa. Pháp Loa trở thành một trí thức lớn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã biên soạn những sách về Phật học có giá trị lớn, như Tham Thiền chỉ yếu, Phát nguyện văn và viết nên tác phẩm Đoạn sách lục nổi tiếng... Đến năm 1308, Trúc Lâm Đại Đầu Đà đã truyền pháp giới cho Thiền sư Pháp Loa làm tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Một trường hợp đáng kể nữa là, Thiền sư Huyền Quang (1254- 1334), sau là tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Ông tên thật là Trần Đạo Tái, người vùng Gia Lương Bắc Ninh ngày nay, năm 21 tuổi đã thi đỗ đại khoa. Theo sách Tam tổ hành trạng thì Trần Đạo Tái thi đỗ nhưng không chịu làm quan mà xin vua Trần cho vào núi tư hành, pháp hiệu là Huyền Quang. Huyền Quang được Trần Nhân Tông rất yêu mến, cho ở luôn bên mình để kèm cặp và giao cho soạn một số sách về Phật học như Chư phẩm kinh, Công văn tậpThích khoa giáo. Trần Nhân tông từng thốt lên khen: "Phàm các sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt chữ nào". Dưới sự đào tạo của Trần Nhân tông, Huyền Quang trở thành một trí thức uyên bác của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chứng nhập sâu xa đạo pháp và là một bậc thầy tâm huyết trong giảng dạy Thiền học, có hàng ngàn môn sinh. Năm 1317, bị ốm nặng, Thiền sư Pháp Loa đã truyền Pháp giới cho Huyền Quang làm tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Lịch sử văn học Việt Nam cũng ghi nhận Huyền Quang là một nhà thơ lớn thời Trần, để lại cho đời những bài thơ câu thơ đẹp vào bậc nhất thơ ca Việt Nam xưa. Trong đó có bài phú Vịnh chùa Hoa Yên bất hủ, viết về vùng phúc địa Yên Tử.
Tư tưởng triết học của Trần Nhân tông có một đặc điểm nổi bật là tinh thần thực tiễn và rất táo bạo. Theo sách Tam tổ thực lục, có một học trò hỏi Điều Ngự Nhân tông:
"Luận thế nào là Phật?"
Ngài trả lời:
 "Như cám dưới cối".
 Lại một lần, học trò hỏi Trần Nhân tông:
 "Lúc giết người không để mắt thì như thế nào?".
Ngài đáp:
"Khắp toàn thân là can đảm"...
Là người anh hùng, là triết gia, Trần Nhân tông còn là một thi sĩ có tâm hồn rộng lớn, phóng khoáng và có cái nhìn tinh tế, thanh tao. Những câu thơ trong bài Trăng thật đa cảm, cao nhã (bản dịch Hoàng Việt thi tuyển):
Bên song đèn rạng, sách đầy giương
Khí lạnh đêm thu đượm giọt sương
Thức dậy riêng chày đà lặng ngắt
Trên chùm hoa mộc. nguyệt lồng gương
Ngoài vẻ đẹp tao nhã, thơ trần Nhân tông còn phảng phất phong vị Thiền, gợi mở cho người đọc thấy thế giới tinh thần cao khiết. Đó là một giọng thơ thuần khiết và sâu thẳm... Trần Nhân tông qua đời năm 1308 tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Sách Tam tổ hành trạng có ghi lại khá tỉ mỉ sự kiện này: Sáng ngày 1 tháng 2 bỗng thấy đêm quang, sao sáng nhà vua chợt hỏi Bảo Sá:
 "Bây giờ là giờ gì?" .
Bảo Sá thưa:
"Bây giờ là giờ Tý".
Nhà vua nghe, đoạn đưa tay ra cửa sổ, trông ra mà nói:
"Đây là giờ của ta".
Bảo Sá liền hỏi:
"Điều Ngự định đi nơi nào?".
Vua đáp:
"Nhất thiết pháp không sinh,
nhất thiết pháp không diệt.
Nếu biết được thế, các Phật hiển hiện, còn có gì đi và đến?".
 Nói dứt lời, Ngài liền phủ phục như hình con sư tử và tắt thở ngay tại sơn am. Pháp Loa vâng theo di chúc của Ngài, kính mang ngọc hài hỏa táng, lấy được hơn nghìn viên xá lị mang về triều. Vua Anh Tông, là con Ngài, đem một phần xá lị táng vào lăng Quy Đức, phủ Hưng Long (năm 1310), còn một phần để trấn ở tháp Vàng trên núi Yên Tử và sửa sang lại ngôi chùa ở núi, đặt tượng vàng đức Điều Ngự để thờ.Đã bảy trăm năm qua, tên tuổi người anh hùng, triết gia, thi sĩ Trần Nhân tông vẫn in đậm trong tâm trí người Việt Nam ta. Ông là một dấu mốc lớn trong lịch sử, văn hóa, tư tưởng nước Việt Nam, mãi mãi không phai mờ.
Anh Chi (Theo Hà Nội ngàn năm)
Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét