Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A - Gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 65

HỒI THỨ SÁU MƯƠI LĂM

 Bát nhã ba la mật đa tâm kinh

  Yết Kiêu tưởng trêu như vậy Hồng Nga sẽ e thẹn, không ngờ nàng lại cho rằng Yết Kiêu coi thường nàng chỉ biết ca hát, chứ không có chí khí nữ kiệt Đại Việt. Nàng trả lời:
            – Em là cháu vua Trưng, là  con bà Triệu. Nếu vương phi bảo em nhảy xuống nước, nhảy vào lửa mà có lợi cho Đại Việt em cũng làm, huống hồ làm vợ bọn Thát Đát. Hy sinh tấm thân, mà Xã tắc yên thì tại sao em không làm? Em không sợ đâu! Tục ngữ nói: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Thím cũng như mẹ, thím lại thay đức vua. Vậy thím gả đâu, em tuân ngay.
            Nói rồi nàng liếc nhìn Thúy Trang, Thanh Nga vì biết hai cô này đang được chuẩn bị làm vợ Ngột A Đa và Hoài Đô. Yết Kiêu thè lưỡi ra, lắc đầu:
            – Vừa đẹp, vừa tài hoa, vừa có chí khí. Anh sợ em, phục em rồi.
            Vương phi sẽ tát yêu Hồng Nga:
            – Cháu Quốc Vỹ mới lên đây nên không biết rõ tình hình. Để thím nói cho mà nghe. Hồi trao đổi tù binh, chú thím đãi tiệc Hoài Đô, A Truật. Hồng Nga xuất trận,  bắt sống A Truật bỏ vào đôi mắt phượng rồi. Y tiết lộ tất cả những bí mật của Mông cổ. Chính vì vậy mà ta biết rõ những uẩn khúc hậu trường của Mông cổ, rồi thiết kế. Sau khi trở về, A Truật ngày đêm tưởng nhớ Hồng Nga đến mất ăn mất ngủ. Ngột Lương Hợp Thai đã sai sứ giả đến gặp thím xin hỏi Hồng Nga cho  A Truật. Chú thím đã mật tấu về triều xin chỉ dụ.
           
Phi chỉ Thúy Trang:
            – Cũng dịp đó Thúy Trang chăng lưới bắt Hoài Đô. So với A Truật thì Hoài Đô khó bắt vô cùng. Địa Lô, cháu được tặng mỹ danh Khổng Minh non. Cháu thử đoán xem Thúy Trang có thành công không?
            – Dạ, so tuổi, cũng như bản lĩnh thì Thúy Trang thấp hơn Hồng Nga nhiều. Nếu như thím dùng Hồng Nga bắt Hoài Đô thì e khó thành công. Y sẽ đề phòng. A Truật là một viên tướng, bản lĩnh non trẻ. Còn Hoài Đô, y đã có vợ, từng trải qua nhiều mỹ nhân, tuổi y lớn, từng đại diện Mông Ca  thống lĩnh mấy mặt trận lớn. Y thuộc loại cáo già. Vì vậy thím cho Thúy Trang đóng vai ngây thơ thì y bị sa lưới ngay.
            – Giỏi. Y cũng cử sứ giả đến cầu hôn với Thúy Trang. Trong dịp chăng lưới, Thúy Trang cũng khai thác được nhiều tin tối mật về Mông cổ. Thím đã mật tấu về triều rồi.
            Dã Tượng ngước mắt nhìn Thanh Nga:
            – Thím đã trả lời hai sứ giả cầu hôn chưa?
            – Chưa! Thím đang chờ chỉ dụ của triều đình. Hai sứ giả đó đang ở Thăng long.
            Địa Lô nhìn hai cô em Hồng Nga, Thúy Trang:
            – Đẹp! Đẹp thực, lại tài hoa. Song đẹp, tài hoa mà như bẩy nàng Tô Lịch thà đừng đẹp, đừng tài hoa còn hơn. Hai em có chí khí của Trưng-Triệu mới đáng bái phục. Không biết chú thím đã chuẩn bị cho hai em phải làm những gì, nói những gì khi đi làm vợ Hoài Đô, A Truật chưa?
            – Rồi! Mọi sự hầu như xong. Chờ chỉ dụ của triều đình là lên đường.
            – Còn Thanh Nga với Ngột A Đa? Thúy Nga với A Lan Đáp Nhi ra sao?
            Vương phi Ý Ninh chưa kịp trả lời thì Linh Từ quốc mẫu từ ngoài vào. Ngài phán:
            – Cháu Ý Ninh là vương phi của chúa tướng, lại là thím. Thím lo cho các cháu thì đúng đạo lý của tổ tiên. Nhưng già này thấy kết đôi mà chúng không yêu thương nhau, không cùng chí hướng thì thà đừng.
            Ngũ ưng được Quốc mẫu giải vây thì hớn hở:
            – Đa tạ Quốc mẫu ban chỉ dụ.
            Quốc Mẫu nhìn Hĩm Còi, 5 nàng Đông hoa rồi tát yêu cả 6 người. Ngài liếc nhìn Thúy Trang mỉm cười:
            – Ý Ninh! Già nghe cháu định gả Thúy Trang cho phò mã Hoài Đô, Hồng Nga cho A Truật phải không? Vụ này đi đến đâu rồi?
            Vương phi Ý Ninh tâu trình với Quốc Mẫu việc nàng đãi tiệc Hoài Đô, A Truật hồi trao đổi tù binh với Mông cổ, phi dùng Thúy Trang làm Hoài Đô say tình ra sao một lượt.
            Quốc mẫu nâng cằm Thúy Trang, rồi tát yêu hai cái:
            – Hồi còn nhỏù, cái con bé này đã đẹp rực rỡ, đẹp xót ruột. Bây giờ tươi như hoa lan, hoa huệ ban mai. Già nghe Phò mã Hoài Đô của Mông cổ mê nó như cỏ gặp bão, như cò bợ phải nước mưa. Hoài Đô cưới con gái Mông Ca. Năm trước đây công chúa này chết vì tai nạn. Hoài Đô theo làm giám quân cho Ngột Lương Hợp Thai. Vào Thăng Long y dành con điếm Bạch Hoa, giữ làm tỳ thiếp. Nay con phản quốc này sắp bị voi dầy rồi.  Già sẽ gả Thúy Trang cho cho Hoài Đô. Nhất định Thúy Trang sẽ sai khiến được tên tướng đa tình, làm lợi cho Đại Việt. Thúy Trang, cháu có nghe lời già này không?
             Song thân Thúy Trang là một gia tướng trong phủ Quốc Thượng phụ Trần Thủ Độ. Hồi nàng sáu tuổi, nhân ngày tết nàng được cha dắt vào vương phủ ăn tết. Nàng từng được Quốc Mẫu bế bồng, rồi tặng cho chiếc vòng ngọc bích. Nay nàng vẫn đeo trên tay. Nghe Quốc mẫu hỏi, nàng cúi đầu:
            – Tâu Quốc mẫu, cháu tuy sinh là gái, nhưng được dạy dỗ tinh thần Trưng, Triệu. Các nữ mục đồng cỡi trâu lăn mình vào trận được thì cháu cũng phải tuân chỉ Quốc mẫu ra trận. Tuy hai mặt trận khác nhau, nhưng cùng một mục đích. Cháu không thể từ nan. Cháu chờ chỉ dụ của Quốc mẫu.
            Quốc mẫu ôm lấy Thúy Trang một lúc rồi mới buông ra:
            – Cháu tôi! Cháu tôi là cháu vua Trưng, con bà Triệu đây.
            Quốc mẫu hỏi Thanh Nga:
            – Già nghe cháu treo bảng tuyển phu, hơn hai tháng không ai trúng cách, cuối cùng Trần Quốc Kinh thành công. Vậy việc này đi đến đâu rồi?
            Vương phi Ý Ninh tâu từ đầu đến cuối cuộc tuyển phu của Thanh Nga, rồi Thanh Nga bị Ngột A Đa bắt cóc ra sao.  Hiện Dã Tượng chưa muốn cưới vợ, mà Ngột A Đa thì say mê Thanh Nga đến điên đảo thần hồn. Thanh Nga thì chỉ biết có Dã Tượng, không chịu làm vợ A Đa. Cuối cùng phi hỏi:
            – Xin  Quốc mẫu phát lạc.
            Quốc mẫu chưa kịp nói thì cung nữ báo: Thái hoàng Thái hậu tuyên triệu.

Cuộc họp gồm Linh Từ quốc mẫu, Vũ Uy vương, vương phi, Hưng Ninh vương, Đông hoa ngũ tiên, Thiên trường ngũ ưng, thêm Như Lan, Nguyễn Thiên Sanh, Hĩm Còi. Tổng cộng 18 người.
            Vừa khai hội, Tuyên minh Thái hoàng Thái hậu:
            – Hồng Nga, Thúy Trang quỳ xuống nghe chiếu chỉ.
            Hai nàng quỳ gối. Thay vì đọc chiếu chỉ, ngài phán:
            – Nhờ trí minh mẫn, nhờ lòng son với Xã tắc, hai con đã lập đại công. Triều đình phong cho:

            Hồng Nga nhũ danh Phạm Thúy Hồng tước Hồng anh,  trang duệ Quận chúa.
            Song thân có công nuôi dạy con, phụ thân được phong tước Tam tư. Thân mẫu được phong tước phu nhân. Truyền ban cho 15 mẫu ruộng nhất đẳng điền.

            Thúy Trang nhũ danh Cao Thúy Trang tước Trinh nhất, anh minh Quận chúa.
            Song thân có công nuôi dạy con, phụ thân đang giữ chức Quản nhạc tại phủ Trung vũ đại vương, được thăng lên Lang trung, chuyển sang bộ Lễ. Thân mẫu được phong tước phu nhân. Truyền ban cho 15 mẫu ruộng nhất đẳng điền.

            Hai nàng bái tạ.
            Trừ Vũ Uy vương, vương phi và năm nàng Đông hoa đều biết hai nàng đã bắt hai con nai Hoài Đô, A Truật, thu được những tin tức cực quan trọng cho Đại Việt; còn lại không ai biết hai nàng đã lập công gì. Hai nàng đứng dậy, mọi người đều chúc mừng.
           
            Tuyên Minh đưa mắt nhìn Thúy Hồng rồi hỏi cử tọa:
            – Các con, các cháu hãy nhìn Thúy Hồng. Từ hôm già này lên đây, cứ vài ngày không thấy Thúy Hồng, khi gặp lại thì thấy ngoại hình Thúy Hồng như có gì thay đổi. Có đúng thế không?
            Hồng Nga nhìn lại Thúy Hồng rồi tâu:
            – Thưa bà, cháu thấy mắt chị Thúy Hồng chiếu ra tia hàn quang lấp lánh, mà dịu dàng khác hẳn hồi mới rời bến Bắc ngạn. Trước kia da chỉ trắng mịn mà không nhiều khí sắc, nay khí sắc tươi hồng. Trước kia tóc khô khao. Nay tóc  dài, chảy xuống như suối. Hai bàn tay trắng hồng, chắc, mịn. Lưng thon lại, ngực nở căng. Giá chị ấy mặc áo trắng đi trong đêm thì người người đều tưởng là Quan thế Âm giáng thế.
            Địa Lô tiếp:
            – Tiếng nói Thúy Hồng ngày càng trong, cường lực mạnh, hơi dài hơn, rõ ràng nội lực sung mãn vô cùng.
            Đại Hành gật gật đầu:
            – Không biết Thúy Hồng học khinh công chưa, mà bước đi nhẹ như chim, cháu có cảm tưởng Thúy Hồng lướt đi trên mây vậy.
            Dã Tượng hỏi Thúy Hồng:
– Anh đã luyện Vô ngã tướng thiền công mấy năm, anh thấy em thổ nạp hơi giống anh. Vậy em đã được vị cao tăng nào truyền Thiền công, phải không?
Thúy Hồng thú nhận:
– Tâu bà, hồi đi từ Giang an về đây, cháu gặp đại sư A Hàm La. Lúc đầu ngài dạy cho cháu sáu pháp Mật tông. Chỉ mới sáu pháp cháu đã có thể nhảy cao hơn trượng, di chuyển nhẹ nhàng. Khi luyện tới 10 pháp, đứng trước bất cứ người nào họ nghĩ gì cháu đọc được. Gần đây cháu luyện thành trọn vẹn 36 pháp. Tối nào cháu cũng luyện từ canh hai đến canh tư.  Hơn nửa tháng qua sư phụ về núi Yên tử giảng kinh, tối nào người cũng dùng pháp môn tối cao nhập vào tâm tưởng của cháu, giảng cho cháu. Không biết phép luyện của cháu có gì khiếm khuyến không? Mong bà chỉ dẫn thêm cho.
Tuyên Minh đưa mắt nhìn Vũ Uy vương. Vương vận khí phóng vào người Thúy Hồng một chưởng của phái Đông a tên Đông hải lưu phong. Chưởng phong cực kỳ trầm trọng. Thúy Hồng biết vương giảo nghiệm võ công mình. Nàng vận pháp thứ 18 của Mật tông, rồi đẩy ra chiêu Thiên vương chưởng tên Lôi đả Ân tặc. Bình một tiếng, người nàng chỉ hơi rung động. Còn kình phong của Vũ Uy vương biến mất.
Vũ Uy vương khen thầm:
– Cô bé này công lực không thua gì mình. Công lực nhà Phật giúp cô ngày càng đẹp thêm.
Thúy Hồng nghe được  nàng chắp tay:
– Đa tạ vương huynh khen tặng.
Vũ Uy vương kinh ngạc. Vương nói thầm:
– Thúy Hồng ơi!
– Dạ em nghe đây.
– Phúc trạch em thực vĩ đại. Em được một vị Bồ tát truyền cho 36 pháp Mật tông, em thành Bồ tát rồi.
–  Dù em thành Bồ tát  hay không, cũng không quan trọng. Quan trọng là em sẽ làm được gì cho Xã tắc.
Cử tọa chỉ nghe Thúy Hồng nói, mà không nghe tiếng Vũ Uy vương. Người người đều ngơ ngác.
 Tuyên Minh hỏi Vũ Uy vương:
– Cháu thấy thế nào?
– Kình phong của Thúy Hồng là kình phong đường đường chính chính nhà Phật. Một phần hóa giải nội công Đông a, một phần truyền qua cơ thể của thần nhi. Thần nhi cảm thấy trong người cực kỳ sảng khoái. Thần nhi nói gì trong tâm tưởng Thúy Hồng đọc được cả.
Tuyên Minh bảo Thúy Hồng:
– Cháu đừng giữ lễ, cháu cứ vận đến pháp 36, rồi phát chưởng tấn công, để bà biết rõ những huyền bí của Mật tông.
Tuân chỉ, Thúy Hồng vận đủ 36 pháp Mật tông rồi phát chưởng hướng vào người ngài. Trong lòng nàng nghĩ:

“ Mình đang được ngài sủng ái, mình phải ngoan ngoãn để còn xin tội cho Thất tiên”.

 Kình phong xé gió kêu lên tiếng vi vu như sáo diều, hướng Tuyên Minh. Tuyên Minh xòe tay ra bắt lấy chưởng của nàng. Ngài thấy chân khí của nàng truyền vào người ngài. Có tiếng nói:

 “Tâu bà, cháu muốn bà ân xá cho bẩy chị Tô lịch”.

Ngài tuyên chỉ:
– Lời cầu khẩn của cháu, bà sẽ xét xem nên ân xá dưới hình thức nào?
Cử tọa có gần 20 người mà không ai hiểu gì cả. Thúy Hồng lại tâu trong tâm tất cả những gì Địa Lô dạy nàng. Tuyên Minh cười:
– Lòng dạ cháu là lòng dạ Bồ tát. Bà sẽ biến họ từ tử tội thành người có công với xã tắc.
Thúy Hồng lại tâu trong tâm tưởng:

“Cháu xin bà tuyên chỉ triều đình cử người lên dạy bẩy chị thuật chinh phục tướng sĩ Mông cổ, cùng phương pháp thu lượm tin tức, phương pháp gửi tin tức về cho Khu mật viện”.

– Được! Bà sẽ làm như cháu tâu.
Đến đây ngài bỏ tay Thúy Hồng ra. Nàng lui lại. Trong cuộc đối đáp ngắn ngủi giữa Tuyên Minh với Thúy Hồng, không ai nghe Thúy Hồng nói gì, mà chỉ thấy ngài tuyên chỉ. Rõ ràng Thúy Hồng dùng Mật công nói truyện với ngài.
Ngài hỏi Hưng Ninh vương:
– Ở đây có Ý Ninh, với Dã Tượng đã luyện Vô ngã tướng Thiền công. Còn Mật công thì chưa từng nghe, từng biết. Cháu là một Bồ tát tại thế, nghe nhiều, biết rộng, cháu thử kiến giải xem Mật công so với Thiền công giống nhau hay khác nhau, để mọi người cùng biết.
Hưng Ninh vương tâu:

“ Thiền công lấy từ yếu chỉ kinh Kim cương, Lăng già, thu ngắn lại thành tâm pháp là Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh. Thiền công chia làm bốn loại:
Vô nhân tướng,
Vô ngã tướng,
Vô chúng sinh tướng,
Vô thọ giả tướng.
Khi luyện Thiền, bỏ ra ngoài được một tướng thì sẽ bỏ ra hết cả bốn tướng”.(1)

 Ý Ninh, Dã Tượng đều gật đầu tỏ ý hiểu biết.
Vương tâu tiếp:

“ Mật tông công, khác biệt với Thiền công. Thiền công vô ngã tướng hóa giải kình lực đối phương tấn công mình. Thu liễm chân khí của đối phương làm chân khí mình. Còn Mật công thì dù đối phương tấn công mình, hay mình tấn công đối phương thì mình có thể nghe, biết những gì đối phương đang suy nghĩ, đang muốn nói. Lại có thể chuyển những gì mình muốn nói với đối phương. Cao hơn nữa, đứng trước một người bình thường, có thể nghe, hiểu người đó muốn nói gì, và mình có thể nói với người đó. Phương pháp này gọi là Nhân ngã tương thông”.

Tuyên Minh nhìn Thúy Hồng:
– Cháu có duyên gặp Bồ tát A Hàm La, học được pháp môn Mật tông, cháu sẽ là người mở ra một pháp môn mới tại Đại Việt. Trong khi ta nắm tay cháu, cháu tâu xin tha cho Tô lịch thất tiên, để chúng có thể đới tội lập công. Khó thay! Bởi bẩy người này dâm đãng đã quen, được ưu đãi chiều chuộng đã nhiều, sao có thể đưa chúngï về chính đạo ngay? Nếu nay ta tha cho chúng, dạy chúng làm lợi cho Đại Việt, liệu chúng có tuân theo không? Đứng trước án voi dầy, bố mẹ, anh chị em chết chém, thì bây giờ ta bảo gì chúng cũng nghe. Sợ một mai làm vợ bọn rợ Mông cổ, các thị lại ngựa quen đường cũ làm hại Đại Việt thì sao?
Hưng Ninh vương tâu:
– Điều này không khó. Trước hết thần nhi dùng Thiền công, truyền vào người chúng, quét sạch ma chướng là những cặn bã, những ý nghĩ dâm đãng trong tâm chúng. Giống như ta quét nhà sạch sẽ. Sau đó Thúy Hồng dùng Mật công dồn vào tâm chúng những ý nghĩ, những tư tưởng trung quân, ái quốc; thì chúng sẽ thành người thiện.
Lê Linh Anh nhăn mày:
– Vương gia! Bồ tát. Người giảng Phật pháp cao quá, cháu không hiểu. Nói như vương gia, nghĩa là moi tim chúng ra rửa sạch, rồi nhuộm tim chúng bằng chủ đạo tộc Việt. Có phải vậy không?
Hưng Ninh vương nhìn Linh Anh như thầy nhìn trò:
– Lời con nói mộc mạc, nhưng gần đúng. Đó là lý. Còn thực hành như thế này.
Vương chỉ Ý Ninh, Dã Tượng:
– Để bác giảng cho cháu nghe. Ở đây luyện Thiền công có Ý Ninh, Dã Tượng, và bác. Trước hết cả ba chúng ta dùng Thiền công truyền vào người họ, Thiền công khiến trong tâm họ bị quét sạch Lục căn là nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân ý, làm tuyệt Ngũ uẩn. Họ như một cái bình trống không. Sau đó Thúy Hồng dùng Mật công truyền vào cái bình trống không những tinh hoa hiểu biết, hạnh ngộ của bất cứ ai.
Linh Anh vò đầu:
– Cái vụ quét những vẩn đục trong tâm chúng thì cháu hiểu. Còn truyền hạnh ngộ thì cháu không hiểu.
– Để bác giảng vào thực tế cho cháu hiểu. Tỷ như cái nàng Thanh Hoa là người chua ngoa, dâm đãng, ích kỷ, không có một chút căn bản luân lý. Nếu Dã Tượng dùng Thiền công truyền vào người thị, đẩy sạch những ô trọc trong tâm thị ra. Sau đó hai tay cháu ấp vào hai tay thị. Bấy giờ Thúy Hồng để tay lên đầu cháu, dồn Mật công đem tất cả tinh hoa trung quân, ái quốc từ người cháu sang người thị. Thế là thị sẽ suy nghĩ như cháu, hành sự như cháu. Nghĩa là thân xác thì vẫn là Linh Anh, Thanh Hoa. Nhưng hồn gần như giống nhau, suy nghĩ, hành sự giống nhau.
Mọi người cùng reo lên như từ trong hầm tối, vượt ra ngoài ánh sáng.
Linh Anh cười:
– Vậy thì giống như mụ lên đồng. Cháu từng thấy những cô hầu bóng vào giá cô Bơ, cô Sáu. Khi thăng đồng thì các cô ấy không còn là mình nữa mà là cô Bơ, cô Sáu. Có phải vậy không?
Linh Từ quốc mẫu nhìn Linh Anh: một thiếu nữ da ngăm đen, mắt sáng như sao, lưng thon như ong, ngực nở, tóc đen óng mượt, gương mặt trái soan, cử chỉ, tư thái nhẹ nhàng, lời lời đầy chính khí. Thực là một bức tượng đẹp, vẻ đẹp thiên nhiên. Ngài nhìn nàng với tất cả yêu thương như bà với cháu:
– Cháu ví gần giống. Nhưng giữa việc chuyển tinh hoa trong tâm của cháu sang người khác, thì họ chỉ suy nghĩ, hiểu biết như cháu. Còn ngoài ra bệnh tật, tư thái, cử động vẫn giữ nguyên như cũ.
Tuyên Minh ban chỉ:
– Ở đây Lý Như Lan, Lê Linh Anh, và năm Đông hoa gồm bẩy cháu. Vậy Thúy Hường sẽ đẩy đức hạnh của mỗi cháu cho một Tô lịch. Ta sẽ có hai Như Lan, hai Linh Anh và hai lần năm Đông hoa. Tuy thể xác khác nhau, nhưng suy nghĩ như nhau, hành sự như nhau.
Địa Lô chắp tay vái Hưng Ninh vương:
– Thưa thầy qua lời thầy giảng, con thấy cái huyền diệu pháp Mật tông này có hơi giống việc ngài Từ Đạo Hạnh đầu thai thành vua Lý Thần Tông. Nhưng Mật tông thì cao hơn.
– Đúng vậy, ngộ tính của con thực cao. Ngài Từ Đạo Hạnh muốn đầu thai, phải chờ khi Đỗ phu nhân hoài thai, sắp sinh, ngài xuất hồn nhập vào hài nhi. Hài nhi đó dần dần lớn lên như tất cả hài nhi khác. Nghĩa là thành một người không giống ngài Từ Đạo Hạnh. Còn Mật công thì xóa bỏ tất cả ma tính, quỷ tính, ác trược trong tâm một người, rồi đem thiện tính của người khác truyền vào. Mật tông cũng có thể xóa bỏ thiện tâm một người rồi đem ác tâm của người khác truyền vào.
Tuyên Minh ban chỉ:
– Vụ này cần người thâm trầm mới làm được. Già quyết định ân xá tội chết cho bọn Tô lịch, giảm án xuống ba bậc. Tuệ Trung điều động tất cả, dùng Phật pháp cải hóa bẩy con ma dâm đãng, dùng chúng vào việc nước.

Hôm sau, Tô lịch thất tiên còn đang cùng gia đình than khóc thì An xuyên hầu Nguyễn Thiên Sanh với sáu Đại đởm đeo đao xuất hiện. Hơn trăm người rú lên:
– Thôi rồi! Họ tới mang chúng ta đi hành hình đây.
Nguyễn Thiên Sanh là người yêu nước cuồng nhiệt. Hầu cực kỳ khinh ghét bẩy nàng Tô lịch. Thấy các nàng sợ hãi, hầu dọa thêm:
– Mỗ chưa cho voi dầy hết một lúc bẩy mụ đâu. Tại đây chỉ có một thớt voi biết hành hình. Hôm nay mỗ cho voi dầy một mụ thôi. Còn sáu mụ thì đứng xem cho vui. Ngày mai mỗ sẽ hành hình người thứ nhì. Vậy ai tình nguyện cho voi dầy hôm nay?
Bẩy nàng run lẩy bẩy, hàm răng đánh vào nhau kêu lôp cộp. Không nàng nào đứng lên nổi. Hầu càng dọa già:
– Khi mụ nào bị hành hình thì đứng trước voi. Quản tượng dùng chầy đập vào bành voi. Voi sẽ dùng vòi quấn lấy người mụ, rồi tung lên cao. Khi mụ rơi xuống, voi dùng chân dầy lên người mụ một cái, rồi lại dùng vòi quấn lấy người mụ quật xuống đất. Cứ như vậy khi nào người mụ nát ra như tương mới thôi.
Các mụ rú lên. Bẩy mụ Tô Lịch sợ quá, ngồi run lật bật, không nói lên lời. Đợi cho các mụ sợ đến gần như muốn mê đi, hầu mới quát:
– Các mụ đừng vội tuyệt vọng. Có con đường thoát chết trước mắt mà không biết.
– Con đường nào? Xin quân hầu dạy cho.
– Hãy đứng dậy đi yết kiến Tuyên Minh thái hoàng thái hậu. Khi gặp ngài tất cả cùng rập đầu cầu khẩn xin tha mạng, may ra hậu ban chỉ ân xá cho.
Nghe hầu nói, cả bẩy nàng đứng bật dậy:
– Xin cho tôi yết kiến ngài. Mau mau.
– Mau gì !Mỗ đã cho voi dầy đâu mà mau.
Hầu với sáu Đại đởm dẫn giải Tô lịch vào phòng hội Khu mật viện Văn sơn. Trong phòng, Linh Từ quốc mẫu ngồi sau án thư. Bên phải có vương phi Ý Ninh. Bên trái có công chúa Như Lan. Hai bên có hai hàng ghế. Một hàng bẩy người là Hưng Ninh vương, Vũ Uy vương, Thiên trường Ngũ ưng. Một hàng sáu người nữa là Lê Linh Anh và năm nàng Đông hoa.
Thấy không khí trang nghiêm, bẩy nàng phát ớn. Cả bẩy cùng quỳ gối rập đầu :
– Bọn tiện tỳ tử tội xin tham kiến Quốc mẫu.
– Bình thân.
Thanh Nga chỉ bẩy cái ghế :
– Mời bẩy chị ngồi.
Linh Từ quốc mẫu tuyên chỉ :
– Ta triệu hồi 7 người đến đây để báo cho các người biết rằng Tuyên minh Thái hoàng Thái hậu chấp nhận lời cầu khẩn đới tội lập công của các người. Ngài ban chỉ giảm án các người xuống ba bậc. Các người thoát khỏi án voi dầy.
Lan Hoa hỏi :
– Giảm ba bậc, như vậy nghĩa là ?
Vương phi Ý Ninh dẫn giải :
– Dưới voi dầy một bậc là thắt cổ, hoặc uống thuốc độc, hoặc dùng kiếm tự tửû. Dưới hai bậc là thích chữ vào mặt, chặt một chân hay một tay. Dưới ba bậc là đầy đi các trấn, làm vật tiêu khiển cho binh lính biên cương.
Linh Từ quốc mẫu ban chỉ :
– Ta lấy quyền là Quốc mẫu, ân xá cho các người không phải nhận lĩnh hình phạt ra biên cương làm vật giải trí cho lính trấn thủ. Ta sẽ cho các người làm việc tương tự. Trước hết ta trao cho Hưng Ninh vương giáo huấn các người.
Nghe nói đến Hưng Ninh vương cả bẩy nàng thở phào hướng vào vương bái lạy :
– Nam mô  cứu khổ, cứu nạn Tuệ Trung bồ tát. Bọn chúng con xin Bồ tát cứu mệnh.
Vương phi Ý Ninh hạ lệnh :
– An xuyên hầu ! Bẩy người này được giảm ba bậc thì cha-mẹ, anh-chị em được trắng án. Đại đởm tướng quân, đem tất cả tội nhân thuộc thành phần gia đình các can phạm vào đây.
Hơn trăm người được đưa vào phòng hội. Lê Linh Anh hô :
– Các can phạm quỳ xuống nghe chỉ dụ.
Linh Từ quốc mẫu vẫy tay :
– Cho bình thân.
Ngài dùng lời ôn nhu phủ dụ :
– Các người chẳng may sinh ra đứa nghịch nữ, mà cả nhà bị vạ lây. Do lời tâu xin ân xá của Đông hoa ngũ tiên, Tuyên minh Thái hoàng thái hậu ban chỉ giảm án cho các chính phạm. Chúngï sẽ đới tội lập công. Do hệ quả của giảm án tử hình cho chánh phạm, gia đình cũng được giảm án theo. Các người được ân xá thành trắng án. Tòa sẽ cho xe đưa các người về nguyên quán. Tài sản được trả lại. Các người là cha-mẹ, anh-chị can phạm phải luôn nhắc nhở con em thi hành chỉ dụ của triều đình. Nếu chúng lập được công trạng, thì các người cũng được ban thưởng hàm phẩm, chức tước, ruộng đất. Còn như chúng tái phạm thì các người sẽ bị chém ngang lưng. Nhớ đấy.
Ngài ban chỉ cho Địa Lô :
– Đây thuộc địa phận Văn sơn. Vậy Văn bác thượng tướng quân, tước Văn sơn Nam hãy cung cấp thực phẩm, nơi cư trú cho bẩy can phạm Tô lịch và những ngoan dân này. Hãy đề các can phạm sống với gia đình trong nửa tháng, rồi cho xe đưa họ về nguyên quán. Bãi tòa.

Trong đền thờ Quốc tổ của châu Văn sơn. Hưng Ninh vương ngồi kiết già. Đối diện với vương, bên trái là bẩy nàng Tô lịch. Bên phải là năm nàng Đông hoa, Lý  Như Lan, Lê Linh Anh. Sau khi giảng bài kinh Bát nhã ba la mật đa, vương nói :
– Cái tên Tô lịch thất tiên thực là hay, gợi cho người nghe nhĩ đến con sông của đất nghìn năm văn vật. Ngặt vì vừa rồi bẩy người tay nhúng chàm, án xử cả nước đều nghe. Các người lĩnh án tử hình, thì coi như chết rồi. Cái tên Tô lịch thất tiên cũng chết theo. Hôm nay là ngày đầu tiên các người được nghe diệu pháp của đức Thế tôn. Thầy đặt cho các con một cái tên mới.
Bẩy nàng chắp tay :
– Chúng con xin đa tạ thầy.
– Triều Tống bên Trung nguyên, triều Lý bên Đại Việt, khi ban chế phong cho các bà thái hậu, hoàng hậu đều dùng chữ linh. Linh nghĩa là thấu cảm, nhìn xa, biết lẽ huyền diệu. Các con từng nghe nói đến Linh Nhân hoàng thái hậu, Linh Cảm hoàng hậu. Hôm nay các con từ vũng bùn lầy, được bay lên đài sen tại châu Văn sơn, thầy đặt cho các con cái tên mới Linh văn thất liên. Nghĩa là bẩy đóa sen được cảm hóa tại Văn sơn.
Công chúa Lý Như Lan reo :
– Chúc mừng bẩy chị có tên mới.
Tiếp theo Thiên trường ngũ ưng, Đông hoa ngũ tiên đều lên tiếng chúc mừng.
Thế rồi Hưng Ninh vương bận rộn suốt bẩy ngày đêm. Mỗi ngày vương dành ra một giờ giảng những yếu chỉ của kinh Quán thế âm, kinh A di đà, kinh Cú pháp cho Linh văn thất liên. Vương lại sai vương phi Ý Ninh, công chúa Như Lan với Địa Lô thay nhau giảng về chủ đạo tộc Việt, về hành trạng 162 tướng thời vua Trưng. Bẩy nàng vốn có trí thông minh sẵn, nên ngộ rất mau. Còn lại thời gian, vương dạy võ công cho Thiên trường ngũ ưng. Sang ngày thứ tám, vương gọi Ý Ninh, Như Lan, Linh Anh Thất liên và Đông hoa vào điện Kinh Dương:
– Các con đã hiểu sơ lược về đạo của đức Thế tôn. Đạo đức Thế tôn không có chỗ khởi đầu, mà cũng chẳng có chỗ cuối. Hôm nay chúng ta dùng Thiền công tẩy ma nghiệp, quỷ trướng, rửa sạch hôi tanh trong tâm Thất liên.
Vương chỉ Hoàng Liên, Bạch Liên, Huyền Liên:
– Ba con ngồi kiết già thành hàng ngang trước mặt Ý Ninh. Được rồi. Tay trái Hoàng Liên nắm tay phải Bạch Liên. Tay trái Bạch Liên nắm tay phải Huyền Liên. Ý Ninh dùng tay trái nắm tay phải Hoàng Liên, dùng tay phải nắm tay trái Huyền Liên. Được rồi.
Vương hô:
– Nhập tĩnh. Ngồi bất động.
– Rồi! Nhắm mắt lại, bỏ ra ngoài nhãn, trong tâm không còn hình ảnh nào. Rồi! Mũi không chú ý đến mùi hương trong điện, đó là bỏ ra ngoài tỵ.
Tiếp theo vương hô bỏ ra ngoài thiệt, thân, ý. Tất cả trụ tâm vào hình đức Quan thế âm trên tòa sen. Cuối cùng vương hô:
– Ý Ninh dẫn khí từ đơn điền theo sáu kinh dương, truyền vào tay Hoàng Liên, Huyền Liên.
Khoảng nửa khắc, cả ba nàng Liên cảm thấy người nhẹ nhàng, sảng khoái tột cùng. Trong khi chân khí trong người vương phi Ý Ninh cuồn cuộn truyền sang người ba nàng. Vương hô:
– Ngừng!
Cả bốn bỏ tay nhau ra. Ba nàng chắp tay hướng vương:
– Nam mô Tuệ Trung bồ tát.
Ba nàng hướng vương phi Ý Ninh:
– Bọn thần kính cẩn bái tạ vương phi đã ban cho Thiền công.
Vương phi Ý Ninh nhắm mắt dưỡng thần, vận khí theo vòng Đại chu thiên, cho phục hồi chân khí bị hao.
Tiếp theo vương ra lệnh cho bốn nàng Thanh, Hồng, Tử, Lan Liên ngồi nắm tay nhau. Dã Tượng nắm tay hai nàng ngồi đầu hàng. Vương nhắc lại:
– Vì Thiền công của Dã Tượng là thiền công của nam giới, thuộc dương. Mà các con là nữ giới thuộc âm. Các con phải cẩn thận. Luôn trụ tâm vào tượng Quán thế âm, tuyệt đối không phân tâm. Phân tâm sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, nhẹ thì ngất xỉu, nặng có thể chết.

Vương lại truyền năm người thực hành như đám Ý Ninh. Giữa lúc đó Địa Lô từ ngoài bước vào. Cả bẩy nàng vẫn nhắm mắt, trong khi Hồng Liên mở mắt ra nhìn chàng. Ký vãng hiện lên trong tâm: nàng giả đau bụng kinh, dẫn dụ Địa Lô tới trị bệnh . Rồi nàng ôm lấy cái anh chàng Đại Việt đệ nhất mỹ nam tử. Suýt nữa thì anh chàng đã ngả vào tay nàng. Nghĩ đến đây, nàng thấy tim đập mạnh.
Vừa lúc đó, Hưng Ninh vương hô:
– Ngừng lại.
Thúy Hồng, Dã Tượng thu chân khí. Bốn nàng Liên buông tay nhau ra. Thình lình Hồng Liên kêu lên tiếng ái, rồi ôm ngực ngã bật ngửa, nằm dài trên nền nhà, miệng xùi bọt, mắt trợn ngược, chân tay co giật.
Mọi người kinh hoảng. Địa Lô than:
– Hồng Liên bị kinh phong!
Hưng Ninh vương đứng bật dậy, chĩa ngón tay chỏ điểm vào huyệt Nhân trung của nàng. Hồng Liên từ từ tỉnh lại.
Dã Tượng hỏi:
– Thưa thầy, con thấy Hồng Liên có chứng trạng như người bị kinh phong, mà không hoàn toàn giống. Tại  sao lại có phản ứng này?
Vương nhìn Hồng Liên đầy vẻ thương xót:
– Hồng Liên bị tẩu hỏa nhập ma, chứ không phải kinh phong.
Linh Anh hỏi:
– Thưa thầy con nghe nói đến tẩu hỏa nhập ma hoài mà không hiểu nghĩa của từ ngữ này.
– Tẩu là chạy. Hỏa là nhiệt khí. Ma là tà khí. Khi người luyện võ, luyện khí công không đúng phép thì chân nguyên hỗn loạn. Nhẹ thì đau đớn không kết quả. Nặng thì hôn mê, tử vong. Vừa rồi thầy dạy cho bốn cô Liên thức Thiền khá cao. Khi nhập tĩnh rồi, phải bỏ ra ngoài Lục căn là nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý thì trong lòng trống không, người nhẹ nhàng khoan khoái. Dã Tượng đang truyền Thiền công vào người bốn Liên hóa giải tất cả ý nghĩ tà đạo, ác trược, ma trướng trong người họ; Hồng Liên đang trụ tâm vào đức Quan thế âm thì Địa Lô vào, Hồng Liên nghĩ tới truyện cũ: giả đau bụng kinh để đưa Địa Lô vào dâm chướng, nên tâm tạng bị trấn động.
Dã Tượng hỏi:
– Như vậy con có cần dùng Thiền công đẩy ác trược của Hồng Liên nữa không?
– Không, vì thầy đã điểm vào Đốc mạch của Hồng Liên, ác trược rời khỏi cơ thể rồi.
Vương nói với bẩy nàng Liên:
– Các con có bẩy người, được Thiền công đẩy hết ác trược ra khỏi tâm. Trong tâm hiện như cái bình trống không. Ở đây cũng có bẩy người tâm ý lương thuần, lòng dạ quảng đại, chí khí hùng tráng đó là Ý Ninh, Như Lan, Linh Anh và bốn cháu Đông hoa. Bây giờ Thúy Hồng dùng thượng thừa Mật công truyền hạnh từ bẩy người vào Thất liên. Thầy cho các con chọn người mình muốn xin hạnh.
Lan Liên chỉ công chúa Lý Như Lan:
– Thưa thầy con xin ăn mày công đức của công chúa.
– Phúc đức quá, nào Như Lan, Lan Liên ngồi kiết già đối mặt vào nhau. Hai bàn tay xòe ra, tay phải Như Lan ấp vào tay trái Lan Liên. Tay trái Như Lan ấp vào tay phải Lan Liên. Bốn mắt nhìn thẳng vào nhau. Rồi! Thúy Hồng để bàn tay úp lên huyệt Bách hội Như Lan, vận Mật công truyền vào.
Vương vừa ngừng, thì Thúy Hồng vận khí ra bàn tay. Người Như Lan rung động mạnh, nàng cảm thấy chân khí cuồn cuộn từ huyệt Bách hội truyền xuống cổ, vai, ra hai tay, sang hai tay Lan Liên. Người Lan Liên nóng bừng, mặt đỏ như uống chung rượu. Khoảng một khắc, vương hô:
– Ngừng tay.
Thúy Hồng, Như Lan thu tay lại. Vương hỏi Lan Liên:
– Con thấy thế nào?
Lan Liên cảm động:
– Thưa thầy bây giờ con mới nhìn thấu những gì trong quá khứ quả thực đáng chết. Chết đến mười lần cũng chưa hết tội.
– Thôi Như Lan đem Lan Liên ra ngoài tìm chỗ yên tĩnh, giảng cho Lan Liên về đạo lý của người Việt.
Tiếp theo sáu cặp là:
Ý Ninh với Hoàng Liên,
Thanh Nga với Bạch Liên,
Thúy Trang với Huyền Liên,
Hồng Nga với Thanh Liên,
Thúy Nga với Hồng Liên,
Lê Linh Anh với Tử Liên.
Phải mất 7 ngày Thúy Hồng mới thực hiện xong phần truyền hạnh từ bẩy người sang Thất liên.
Hưng Ninh vương ban cho lời dạy cuối cùng:
– Khi con người sinh ra, thì đã có không biết bao nhiêu thiện duyên, nghiệp quả từ những kiếp trước. Bởi vậy duyên, nghiệp tùy hoàn cảnh sẽ xuất hiện. Nay các con được Thiền công đẩy một phần ma nghiệp, quỷ tính khỏi cơ thể; rồi được Mật công đem những đức hạnh từ người khác truyền cho. Nhưng các con ơi! Các con đừng nghĩ là từ nay các con trở thành người vĩnh hằng thiện duyên đâu. Khi các con quá mệt mỏi, khi các conquá phẫn uất, khi các con quá kinh sợ thì Thiền công, Mật công không kiềm chế đuộc ma nghiệp, quỷ trướng, thì chúng sẽ hiện ra trong tâm các con. Các con nhớ lấy!

Sau nửa tháng, Vũ Uy vương triệu hồi Linh văn thất liên, năm nàng Đào hoa Đông bộ đầu, và Thiên trường Ngũ ưng tới nhận lệnh. Mười bẩy người bước vào phòng, tất cả đều kinh ngạc khi ngoài vương, vương phi còn có 10 người tung tích giấu kín từ khi lên đây.
Cả 17 người từng cùng vương sống cạnh nhau mấy năm, lúc nào họ cũng thấy nét mặt vương, vương phi nhàn nhã khoan hòa. Đây là lần đầu tiên họ thấy nét mặt hai vị nghiêm trọng như vậy.
Vương hỏi Địa Lô:
– Nửa tháng trước, chú có ban mật lệnh cho cháu tu bổ ngôi nhà của Đông hoa ở bên bờ suối Nam tuyền. Vậy cháu đã thực hiện đến đâu rồi?
– Ngôi nhà ấy trước đây là hậu cung của giặc Thân Long Vân, gồm bốn ngôi nhà gạch lợp ngói xanh cho cung tần ở. Mỗi ngôi 10 phòng rất khang trang, dường chiếu, bàn ghế bằng gỗ gụ chạm trổ xà cừ hoa mỹ. Lại có hai ngôi nhà cho tỳ nữ, thái giám hầu hạ và một khu nhà bếp. Cả khu có tường bao bọc. Cổng ra vào có vọng canh. Bên trong trồng đủ kỳ hoa dị thảo. Từ khi tiếp quản, Đông hoa ở 5 phòng trong ngôi số một. Ngôi này còn thừa đến bốn phòng. Còn ba ngôi để trống. Trong nhà có dường, chiếu, chăn màn rất tươm tất. Trong bốn bức tường bao bọc hoa cảnh vẫn tỉa cắt, tưới bón rất chu đáo.
Vương phi vui lòng:
– Đúng là Khổng Minh non.
Được khen, Địa Lô chắp tay hướng vương phi vái một vái, tỏ ý: đa tạ thím.
 Vương đưa mắt nhìn 17 người cùng một lượt rồi ban chỉ:
– Cô gia triệu Linh văn thất liên, Đào hoa Đông bộ đầu tới đây để nhận lệnh tối mật. Kể từ lúc này 12 người không còn là những người đàn bà con gái bình thường nữa, mà là những khâm sứ chuẩn bị lên đường giữ nước.
Vương chỉ vào Thiên trường ngũ ưng:
– Chắc các em tự hỏi: các em nhận nhiệm vụ lên đường thì có gì liên quan tới Ngũ ưng, mà Ngũ ưng cũng có mặt tại đây? Xin trả lời: khi các em về Mông cổ, lúc gặp khó khăn thì làm sao? Biết hỏi ai? Làm thế nào nhận lệnh từ Khu mật viện? Làm thế nào gửi tin tức về Khu mật viện? Ngũ ưng sẽ là những đầu cầu liên lạc giữa các em với Khu mật viện. Vì vậy những gì các em học, thì Ngũ ưng cũng phải học.
Vương chỉ vào người đàn ông cao niên mặc quần áo nâu, râu dài:
– Đây là Kinh Trạng nguyên Trần Quốc Lặc, hiện là Kinh diên quan tại Quốc tử giám.
Vương lại chỉ vào một vị cao niên khác cũng quần áo nâu:
– Đây là Trại Trạng Nguyên Trương Xán, lĩnh Tham tri chính sự tùng sự tại Quốc sử quán.
Vương chỉ vào hai vị nam:
– Đây là Bảng nhãn Chu Hinh, Thám hoa Trần Uyên lĩnh Binh bộ thị lang, tùng sự tại Khu mật viện.
Vương chỉ vào hai vị nữ tuổi trung niên:
– Hai vị này là Vũ Minh Hà, Lý Minh Giang, lĩnh Viên ngoại lang Lại bộ, tùng sựï tại Khu mật viện.
Vương chỉ vào hai vị cao niên mặc y phục xanh:
– Đây là hai y sư Vũ Y và Vũ Dược. Cả hai hiện giữ chức Lang trung tại Thái y viện.
Hai vị này Linh văn thất liên đã biết từ lâu: sau khi treo bảng tuyển phu, bẩy nàng biết rằng mình từng bướm chán ong chường với biết bao người; nhưng bề ngoài vẫn treo cao giá ngọc rằng còn là hoàng hoa khuê nữ. Bẩy nàng bỏ ra số vàng rất lớn nhờ y sư Vũ Y, Vũ Dược giảng dạy phương pháp lừa chồng trong đêm động phòng hoa chúc, để chồng tưởng mình còn trinh. Vụ lừa này tuyệt cao, khiến những người từng có hằng chục thê, thiếp mà cũng không khám phá ra. Bây giờ thấy Vũ Y, Vũ Dược bẩy người lo thầm: vị y sư này lên đây chắc có liên quan tới các nàng đây.
Vũ Uy vương lại chỉ vào hai người đàn bà:
– Đây là bà Kim Bình và Ngân Bình. Cả hai trước đây từng là ca kĩ nức danh Thăng long. Bà Kim Bình sau làm chủ Quán văn Tô lịch. Bà Ngân Bình làm chủ Quán văn Tây hồ. Hiện hai bà làm việc tại bộ Lễ.
Ngay từ lúc thấy Kim Bình, Ngân Bình thì Linh văn thất liên đã nhận ra hai người này. Vì cả bẩy nàng từng hát tại Quán văn Tây hồ, Ngọc thụy, Nghi tàm. Sau cùng Kim Bình dùng tiền mua cả bẩy người về Tô lịch.
Vương tiếp:
– Hai vị Thái y và hai bà Kim Bình, Ngân Bình sẽ dậy các em nghệ thuật Vu sơn, để các em vu quy, đừng ỷ ta là cô giái sắc nước hương trời, giỏi cầm ca, được chồng sủng ái rồi kênh kiệu, mà làm mất tiếng gái Việt. Các em sẽ được học để  biết thế nào là nghi gia nghi thất; hiểu thế nào là nữ tắc; nghĩa là tạo hạnh phúc cho chồng cũng có nghĩa cho mình. Vương phi sẽ giảng giải cho các em đạo lý tộc Việt: gái Việt yêu nước hơn yêu chồng.
Vương chỉ vào 4 nam, 2 nữ còn lại:
– Đây là 6 vị tùng sự tại Quốc tử giám, và Khu mật viện. Các vị này sẽ giảng dậy về đạo lý tộc Việt, nữ tắc, nhất là truyền thống nữ kiệt con cháu vua Trưng và các nữ anh hùng thời Lĩnh Nam. Gương bà Triệu. Lại cũng giảng dạy về hệ thống phức tạp các lãnh địa của  Mông cổ, triều đình Mông cổ, cho tới lý lịch các lãnh chúa Mông cổ. Thời gian học trong một tháng. Sau một tháng thì các em lên đường. Suốt thời gian học, các em sẽ sống cô lập, cùng ăn, cùng ở tại khu vực cạnh suối Nam tuyền, nơi ở của Đông hoa. Châu trưởng Văn sơn Địa Lô sẽ cắt cử đầu bếp, thị nữ giúp việc cho các em. Các em chỉ được tiếp xúc với nhau. Còn ngoại giả, kể cả cha mẹ, thân thuộc lên thăm cũng không được gặp.
Vương chỉ vào Địa Lô:
– Lớp học này tạo cho các em bản lĩnh phụ nữ, gọi nôm na là bản lĩnh bắt nai. Ta cử  Địa Lô làm trưởng. Các em nhất nhất phải tuân lệnh Địa Lô. Thôi các em về đem hành lý tới khu vực suối Nam tuyền. Trưa nay bắt đầu học.
Biết rằng mình bắt đầu lĩnh trọng trách, cả 17 người rời phòng họp, không ai nói với ai lời nào. Họ được tỳ nữ giúp dọn tới khu Nam tuyền.
Chương trình học gồm ba phần. Phần thứ nhất là chủ đạo của tộc Việt. Phần này gồm 3 chương, 18 bài, do Kinh diên quan Trần  Quốc Lặc của Quốc tử giám gảng dạy.

Chương thứ nhất nguồn gốc tộc Việt:
– Nguồn gốc tộc Việt, bắt đầu từ khi Quốc tổ Lạc Long Quân hết hôn với Quốc mẫu Âu Cơ lập ra triều Hồng bàng.
– Lãnh địa tộc Việt Bắc tới hồ Động đình. Tây giáp Ba Thục (Tứ xuyên), nam tới Chiêm thành.
– Ý nghĩa Quốc mẫu đẻ ra trăm trứng, nở ra trăm con.
– Truyền thuyết năm mươi con theo mẹ lên núi, năm mươi con theo cha xuống biển.
– Truyện bánh chưng, bánh dầy.
– Truyền thuyết về Sơn Tinh, Thủy Tinh.
– Sự thực về Phù Đổng thiên vương.
– Nguồn gốc lịch số của Trung nguyên, gốc từ Quy lịch của tộc Việt.Nguồn gốc chữ Khoa đẩu.

Chương thứ nhì xây dựng chủ đạo tộc Việt:
– An Dương vương với nẫy nỏ thần, nguồn gốc của Lôi tiễn hiện đang sử dụng làm vũ khí của Đại Việt.
– Hình thành tinh thần nữ kiệt của người Việt với cuộc khởi binh của vua Trưng cùng 162 nam nữ tướng,
– Cuộc khởi binh của bà Triệu.
– Phật giáo truyền vào Đại Việt, Việt hóa thành chủ đạo: đạo pháp với dân tộc là một.

Chương thứ ba Nam quốc sơn hà:
– Vua Ngô với trận Bạch đằng,
– Vua Lê với trận Chi lăng,
– 5 cuộc đánh Tống, kháùng Tống triều Lý.
– Các cuộc bình Chiêm của triều Lê, triều Lý.
– Tinh thần trấn quốc của 207 châu-động Bắc cương.
–  Việc chuyển ngôi vua từ họ Lý sang họ Trần.

Sau 6 ngày học liên tiếp, mỗi ngày ba bài,  năm người đẹp Đông hoa nhờ còn trẻ, tâm trong sáng nên tiếp thu dễ dàng.  Đối với Thiên trường ngũ ưng thì năm người từng học những vấn đề này tại trường dạy Ngưu binh và trong các buổi học hành binh, xung trận. Nay được dịp ôn lại. Tuy nhiên Linh văn thất liên thì mệt  nhừ. Cũng may nhờ được truyền Thiền công, Mật công, tiếp thu kiến thức có sẵn từ người cho nên cũng chịu được. Địa Lô xin cho nghỉ ba ngày, để phục hồi sức khỏe. Trong thời gian nghỉ, họ lại hợp nhau ca hát, ăn uống. Năm nàng Đông hoa vốn có hoa tay làm bếp, nên ngày nào cả lớp cũng được ăn ngon.
Phần thứ nhì gồm ba chương, 21 bài do Binh bộ thị lang Chu Hinh, Trương Xán là hai vị tùng sự tại Khu mật viện giảng dạy về hiện tình bang giao Việt, Tống, Mông cổ. Quốc sách giữ nước hiện thời:

Chương thứ nhất: bang giao Tống Việt ( 5 bài).
– Nguồn gốc thành lập triều Tống.
– Tổ chức triều Tống.
– Triều Tống bị Liêu, Kim xâm lấn như thế nào.
– Sự hình thành triều Nam Tống.
– Quốc sách trợ giúp Tống, để tự vệ của triều đình Việt.

Chương thứ nhì: nguồn gốc Mông cổ (7 bài)
– Các sắc dân vùng Thảo nguyên.
– Sự thành lập nước Mông cổ.
–  Mông cổ đánh sang Tây vực lập ra Kim trướng.
– Mông cổ chiếm Tây hạ, Kim, Liêu.
– Cuộc chiến giữa Mông cổ và Tống 30 năm qua.
– Hiện tình các Hãn Mông cổ.
– Tổ chức triều đình Mông cổ.

Chương thứ ba: Quốc sách bình Mông (9 bài)
– Xung đột giữa Đại hãn Mông Ca với Hốt Tất Liệt .
– Hốt Tất Liệt dùng Hán pháp thành công ở Trung nguyên.
– Hán pháp bị các quý tộc Mông cổ chống đối.
– Cuộc chiến dằng dai giữa  Mông cổ, Tống tại Trung nguyên.
– Chủ trương đánh Đại Việt của Hốt Tất Liệt.
– Hốt Tất Liệt đang phân vân: chống Mông Ca thành lập nước riêng, rồi chiếm chính quốc Mông cổ? Hay tuân phục về Hoa lâm.
Chủ trương của triều đình Đại Việt: hòa hoãn với Mông cổ, tránh chiến tranh. Còn như không thể được thì hợp tác với Tống, Cao ly, Tây tạng, Đại lý chống Mông cổ.
– Việc đưa Linh văn thất Liên sang Mông cổ là tỏ thiện ý của Đại Việt.
– Việc gả Đông hoa cho các tướng Mông cổ do họ cử sứ thần sang cầu hôn. Đại Việt chấp nhận, để nối thông gia giữa hai nước.

Phần này mất 5 ngày. Địa Lô lại xin cho lớp học nghỉ 3 ngày. Sang phần thứ ba của chương trình rất quan trọng, giảng về đạo lý phụ nữ tộc Việt. Phần này ngắn chỉ có  5 bài, do Tham tri chính sự Trần Quốc Lặc giảng.

– Đạo lý của Việt nữ, rút ra từ tinh thần chủ đạo từ thời lập quốc.
–  Nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ.
– Di sản tinh thần của các nữ anh hùng thời Lĩnh Nam, của bà Triệu.
 – Đạo lý giữ nước: giặc đến nhà đàn bà phải đánh.  Chống ngoại xâm là trách nhiệm gái, trai chung.
– Hành trạng của các nữ tướng triều Lý: các ông chúa Lĩnh Nam Bảo Hòa, Bảo Hòa, Bình Dương, Kim Thành, Trường Ninh, Thiên Ninh, Đoan Nghi.

Phần thứ tư của chương trình, cũng do Khu mật viện đảm trách, với sự hiện diện của Vũ Uy vương phi. Đây là phần giúp các nàng hiểu rõ ông chồng của mình. Vì vậy được dạy riêng rẽ từng người. Như Thanh Nga được giảng chi tiết về tiểu sử Ngột A Đa, học thức, võ công, tài dùng binh, tất cả những đàn bà từng qua tay y. Những sở thích của y, những món ăn mà y thích, tình trạng sức khỏe của y. Thúy Hồng, vì chưa định gả cho một tướng nào, nên được thư thả.
Sau khi 12 nàng học riêng, vương phi Ý Ninh kết thúc chương trình:
– Thông thường một cuộc hôn nhân dân dã Đại Việt của chúng ta thì có mai, mối, treo cưới, cha-mẹ, họ-hàng, làng-xã chứng kiến. Đây cuộc hôn nhân của các em do triều đình đứng làm chủ. Do sứ thần của Mông cổ gửi sang cầu hôn. Triều đình sẽ ban chỉ phong tước Quận chúa cho các em: Thanh Nga được gả cho Ngột A Đa, Thúy Nga được gả cho A  Lan Đáp Nhi, Thúy Trang được gả cho Hoài Đô, Hồng Nga được gả cho A Truật. Bốn cuộc hôn nhân này là bốn cuộc hôn nhân cao quý. Các em một bước thành đại phu nhân. Chồng của các em là những nhân tài, không phải họ thiếu đàn bà con gái xinh đẹp mà vì họ yêu những những cái mà con gái Mông cổ, Trung nguyên không có, chỉ con gái Việt mới có: nét dịu dàng, duyên dáng, tính tình đằm thắm, cơ thể mềm mại hợp với y phục Việt. Khi về nhà chồng, các em phải giữ lấy nét Việt của mình. Các em phải cho chồng hưởng hết những gì nữ tắc tộc Việt có.
Phi nhìn Linh văn thất tiên:
–  Còn bẩy chị thì ở hoàn cảnh khác. Hồi còn ca hát ở Quán văn Tô lịch, tài sắc các chị vang tới Mông cổ, Tống, Chiêm. Cao nhất là Đại hãn Mông Ca, hai thân vương Hốt Tất Liệt, A Lý Bất Ca dĩ chí các danh tướng như Ngột Lương Hợp Thai, Tháp Sáp Nhi,  Mục Tương Ca, Thiết Mộc Nhi, Hỗn Đô Hải, Mật Lý Hỏa Giả... đều ước mơ được làm chủ một trong bẩy chị. Họ mơ là mơ cái nhan sắc bề ngoài của các chị. Họ coi các chị như một món đồ chơi không hơn, không kém. Có đúng thế không?
Cả bẩy đều gật đầu công nhận ý kiến của Ý Ninh.
Vương phi tiếp:
– Khi Mông cổ vào Thăng long, thì Ngột Lương Hợp Thai dùng chị Hoàng Liên, Hoài Đô dùng chị Bạch Liên, A Truật dùng chị Huyền Liên như những chiến lợi phẩm. Rồi ba người thay nhau dùng các chị Thanh, Hồng, Tử, Lan Liên. Ba người dầy vò thân xác các chị như khách làng chơi vào kỹ viện, không chút tình cảm. Bởi vậy khi Hoài Đô gặp Thúy Trang, A Truật gặp Hồng Nga thì hai người say mê, bỏ rơi các chị; rồi xin Hốt Tất Liệt gửi sứ sang cầu hôn. Hai viên tướng này không một chút lưu luyến các chị.
Thất liên cúi mặt xuống thở dài, vì trong quá khứ mình tuy có nhan sắc, tài hoa, mà bị coi khinh nhục nhã. Bây giờ được giảng giải mới hiểu rõ cái nhục; mà trước đây mình lại vênh váo tự cao, tự đại.
Vương phi nhấn mạnh:
– Người đã phụ ta, coi rẻ ta, thì tội gì ta phải gắn bó với người. Không thiếu danh tướng Mông cổ sủng ái các chị. Sủng ái thực hay giả, các chị không cần biết, vì các chị như nữ tướng ra trận mà: chúng mày mưu chiếm nước tao, bắt tao, dùng tao như kỹ nữ  thì tao cũng đối xử với chúng mày như khách làng chơi. Mày với tao như hai tướng đối địch. Tao cho chúng mày thân xác, thì tao cũng lợi dụng chúng mày cho nước tao, dân tao.
Vì đã được Thiền công tẩy não, được Mật công đưa vào tâm trí tuệ trong sáng, bây giờ nghe vương phi Ý Ninh giảng giải, bẩy nàng mới thấy rõ bọn Hồi, bọn Mông cổ chỉ đến với các nàng như những người qua đường, không chút tình cảm. Trái lại những ông chồng mới là người yêu thương, chiều chuộng, mà các nàng không biết. Bây giờ hối thì đã muộn.
Vương phi tiếp:
– Tôi dự đoán, Ngột Lương Hợp Thai sẽ giữ chị Hoàng Liên làm của riêng. Còn lại y đem cống cho Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt sẽ giữ một chị làm làm phi tần. Còn lại 5 chị, y đem về Hoa lâm cống cho Mông Ca. Theo truyền thống của Mông cổ, sau mỗi chiến thắng, họ bắt gái đẹp đem về chia cho các tướng. Tôi đoán 5 chị sẽ được lọt vào tay Đại hãn Mông Ca; Thân vương A Lý Bất Ca, Tháp Sát Nhi, Mục Tương Ca, Thiết Mộc Nhi, hoặc các tướng Hỗn Đô Hải, Mật Lý Hỏa Giả.
Vương phi lên giọng:
– Bất biết các chị thuộc về ai, các chị cần áp dụng những kinh nghiệm hồi còn làm ca kĩ để được sủng ái. Nhưng đó là kinh nghiệm cá nhân. Các chị sẽ được hai y sư Vũ Y, Vũ Dược, hai phu nhân Kim Bình, Ngân Bình dạy kinh nghiệm phòng the. Sau này các chị sẽ có dịp thi thố tài năng giúp Xã tắc.
Vương phi vẫy tay:
– Mấy hôm nay học nhiều, các chị mệt rồi. Các chị nghỉ một hai ngày ta sẽ học tiếp.

Ba ngày sau, buổi học cực quan trọng. Khác với các buổi học trước chỉ có một vị giảng huấn, lần này gồm 5 vị một lúc: Kinh diên quan Trần Quốc Lặc, hai y sư Vũ Y, y sư Vũ Dược và hai bà Kim Bình, Ngân Bình.
Vị Kinh diên quan Trần Quốc Lặc mở lời:
            – Tất cả bài học hôm nay tóm tắt trong bốn chữ bản lĩnh bắt nai. Các con yêu! Trước hết thầy phải nói ra một sự thực rằng từ nghìn xưa con gái sinh ra ở đất Việt đều xinh đẹp, dịu dàng hơn con gái sinh ra ở các nơi khác. Trong 12 con hiện diện hôm nay lại là những đóa hoa đẹp nhất trong một rừng hoa đất Việt. Sắc đẹp đó thầy tạm gọi là hương sắc trời cho. Biết dùng hương sắc thì các con sẽ thành công cho mình, cho đất nước mình. Các con ít nhiều từng dùng nhan sắc trong thời gian hai năm qua, đạt được một vài kết quả. Các con có tự biết như thế không?
            Thúy Trang nhanh miệng đáp:
            –Thưa thầy, chúng con biết.
            – Các con từng nghe nói về những người đẹp nổi tiếng trong lịch sử Trung quốc: Nàng Bao Tự làm mất nhà Hạ (1765 tcn),  nàng Đắt Kỷ làm mất nhà Thương (1134 tcn). Đó là những người đàn bà Trung nguyên. Các con từng nghe nói về hành trạng của hai người đàn bà này. Thầy không cần nhắc lại.
            – Còn tại nước Việt mình?
            Thúy Nga hỏi: Nước Việt mình có trải qua giai đoạn nữ sắc làm hư đại cuộc không?
            – Có, nhưng hư đại cuộc là hư đại cuộc của nước thù nghịch với mình. Chắc các con có nghe truyện Tây Thi? Bấy giờ vào thời Chiến quốc, nước Việt nhỏ bé cạnh nước Sở, nước Ngô hùng mạnh. Việt bị Ngô Phù Sai cai trị, bóc lột, không ngóc đầu dậy được. Thế mà Việt vương Câu Tiễn chỉ dùng có một Tây Thi, giúp nước Việt đánh bại nước Ngô, giữa lúc Ngô làm bá chủ Trung nguyên (473 trước công nguyên).
            Địa Lô tiếp lời:
            – Thưa thầy, hiện mình có đến 12 Tây Thi, không chỉ đẹp mà lại có thêm hùng tâm của vua Trưng và 162 tướng của người.
            Vị Trần Quốc Lặc thở dài:
            –  Bây giờ Mông cổ hung hãn, hùng mạnh đánh chiếm Tây hạ, Kim, Liêu, Tống và 18 nước Tây vực rồi tràn vào Đại Việt, tàn sát hết dân Thăng long. Chưa hả, họ còn yêu sách hằng chục điều, làm nhục nước ta. Các con là con cháu vua Trưng, con cháu Triệu vương, các con tới 12 người, tài sắc hơn Tây Thi nhiều. Không lẽ các con lại chịu thua Tây Thi! Thầy sắp nói với các con những lời tâm huyết.
            Cả 12 nàng cùng cương quyết:
            – Chúng con xin nghe lời thầy dậy.
            – Triều Hán, Triệu phi. Triều Đường Dương phi đều là những người đẹp làm nghiêng ngả giang sơn. Bên Đại Việt mình thì duy dưới thời vua Lý Anh Tông, Tống âm thầm gửi sang trước sau 6 người đẹp vùng Hàng châu, Tô châu. Có ba người thành công. Một người thành vợ Tể tướng Đỗ An Di, hai người thành Phi của nhà vua. Kết quả: cuộc chuẩn bị Bắc phạt dành lại đất tổ của Đại Việt bị phá tan.  Các con nghĩ sao?( Xin đọc AHĐA dựng cờ bình Mông)
            Hồng Nga đứng lên:
            – Thưa thầy cạnh vua Kiệt, vua Trụ không thiếu người đẹp hơn Bao Tự, Đát Kỷ. Trong cung điện Hán có hàng trăm, hàng nghìn người đẹp hơn Triệu Phi Yến. Trong cung thời Dường có biết bao nhiêu người đẹp hơn Dương Ngọc Trân. Thế nhưng tại sao Bao Tự, Đát Kỷ, Triệu Phi, Dương Phi lại được nhà vua sủng ái hơn hết? Các người đẹp ấy phải có tài nghệ gì đặc biệt lắm.
            – Tài nghệ đó gọi là bản lĩnh bắt nai. Đúng như Hồng Nga nói. Bây giờ thầy Vũ Y, cô Kim Bình sẽ dạy các con những nghệ thuật của người xưa, kinh nghiệm của người nay, để các con có bản lĩnh vững chắc.
            Kim Bình nói:
            – Đầu tiên là 10 nụ cười khunh quốc. Các em đã từng cười. Nhưng không biết khi nào cần cười. Cười như thế nào? Cô kể cho các em nghe một giai thoại về nụ cười.

Vũ-đế nhà Hán bên Trung nguyên  là ông vua rất mạnh về Vu sơn, rất thích lên đỉnh Vu sơn, và được gặp may về Vu sơn.
Sử chép, nhà vua xây dựng một cung điện cực kỳ mỹ lệ, rộng lớn, đặt tên là cung Minh-quang, rồi tuyển mỹ nữ  vùng Yên, Triệu đem về đấy. Lớp đầu trên hai nghìn người, tuổi từ 15 đến 20, người nào cũng đẹp như hoa đào, hoa mận. Sau đó mỗi năm lại tuyển thêm. Khi có người nào chết, hoặc già trên 25 được phóng thích về dân, thì viên Thái-giám giữ chức vụ Dịch-đình lệnh (Dịch là phục vụ. Đình là cung đình. Lệnh là chức quan đứng đầu) tuyển lớp trẻ thay thế. Thông thường số cung nữ lên tới hơn bẩy tám nghìn người.
Với số cung nga nhiều như vậy, thì nhà vua tiêu thụ sao cho xuể? Vấn đề sẽ giải thích ở dưới.
Vũ-đế thích đi tuần du tại các quận. Mỗi lần đi, nhà vua dùng mười xe chở mỹ nữ theo thực đông, để bất cứ lúc nào ông muốn thì sẵn sàng thỏa mãn liền. Trên xe của nhà vua có 16 người mà ông ta sủng ái nhất. Sử chép: Những khi trận mạc, nhà vua có thể  nhịn ăn liên tiếp ba ngày, nhưng không thể một ngày thiếu mỹ nữ.
 Vì phòng sự quá độ, nhà vua bị bất lực. Truyện đến tai công chúa Bình Dương, chị của nhà vua. Bà tìm cách trị bệnh cho em.
Hán-sử thuật:
Mùa Xuân, niên hiệu Kiến-nguyên thứ nhì (139 trước Tây-lịch, Nhâm Dần), ngày lễ Thượng Tỵ đầu tháng 3, (Lễ Thượng-Tỵ nhằm ngày Tỵ đầu tiên tháng 3). Công-chúa Bình Dương tổ chức cho nhà vua xuất thành, đi dự lễ hội Đạp-thanh, dọc bờ sông Bá-thủy. Lần đầu tiên Hoàng-đế được thưởng ngoạn cảnh mùa Xuân, chín vạn hoa trời nở, cỏ non xanh tươi, trai thanh gái lịch dập dìu. Bao nhiêu mệt  mỏi, bực bội, tù túng biến mất. Trong lòng nhà vua cực kỳ sảng khoái. Giữa lúc trên đường về thì có sứ giả của Công-chúa Bình Dương thỉnh nhà vua tới dinh thự của người dự yến.
Trong lúc nhà vua cao hứng, ăn uống vui vẻ, Công-chúa cho đội mười mấy ca nhi xinh đẹp múa giúp vui. Liếc nhìn đội ca nhi, nhà vua thấy họ không đẹp hơn những cung nga của mình, nên thản nhiên ăn uống. Thình lình một ca nhi khác xuất hiện, nàng cất tiếng hát, rồi múa, khiến nhà vua hứng khởi rạo rực trong lòng. Nhà vua thấy nàng tươi như hoa, đường cong cơ thể, điệu múa nhẹ nhàng, tiếng hát ru hồn, ngài dán mắt vào người nàng. Công chúa chỉ chờ có thế. Sau bản hát đó, bà truyền ca nhi dẫn nhà vua vào phòng thay áo. Vừa vào phòng, mỹ nữ nở một nụ cười. Đời sau gọi nụ cười đó là : Lộc nhập cương la nghiã là khi con nai đã vào lưới rồi, thì bắt lấy nó.
Tình dục nhà vua sống dậy. Vũ Đế ngắt nụ hoa đời con gái đó của nàng.
Mãn cuộc, nhà vua trở lại bàn ăn với chị, mà vẫn còn cảm thấy đê mê. Dĩ nhiên Công-chúa Bình-Dương hiến ca nhi đó cho nhà vua. Nàng có tên Vệ Tử Phu. Vệ Tử Phu được Vũ-đế sủng ái cùng cực, đem về Tẩm-cung cho hầu hạ.

Bà chỉ Hoàng Liên :
– Em bước ra đây ! Khi một người đàn ông đứng trước mình rồi, mà y còn lưỡng lự, thì ta phải khiêu khích y bằng nụ cười Lộc nhập cương la, để  bắt y. Nụ cười như thế này.
Bà nghiêng ngươi, nghiêng đầu cười, bắt Hoàng Liên làm theo : Hoàng Liên hơi nghiêng đầu sang trái, hai mắt nhìn thẳng, con ngươi liếc sang phải, nàng hít  hơi, ngực nhô lên, miệng nhếch mép cười một nửa.

–––––––

(1). Ghi chú.

BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
           
Dưới đây chúng tôi xin dịch nguyên bản bài kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh, và mạn phép lạm bàn. Nếu có gì sai trái, là do ngộ tính của chúng tôi còn u mê, dốt nát, chứ không phải bản sư của chúng tôi dạy như vậy. Tôi xin tường thuật lại kỷ niệm hồi thơ ấu, khi được giảng bài kinh này.
            Bấy giờ tôi vừa đầy sáu tuổi (bẩy tuổi ta), học chữ Nho đã xong bộ “Ấu học ngũ ngôn thi”; vì học sau, mà lại vượt lên trước các anh lớn hơn hàng chục tuổi, nên hơi có kiêu khí. Ông tôi biết thế, cho tôi  quy y Tam bảo. Sau khi quy y rồi, bản sư hỏi tôi:
–  Con có biết tại sao, ngoại tổ là người sùng Nho, lại xin cho con được quy y không?
            Tôi đáp không do dự:
–  Vì ông muốn con được đức Phật phù hộ cho khỏi bị ma, quỷ hại.
– Con có thấy ma quỷ bao giờ chưa?
– Bạch, chưa ạ.
– Con thấy rồi, thấy nhiều rồi mà con không biết đấy thôi.
            Nói rồi người chỉ vào tôi:
– Con xem người đi câu, muốn họ câu được cá, như thế là ác quỷ, sát quỷ nhập vào con. Con mới học được mấy chữ Nho, hơn các anh, đã có kiêu khí là quỷ trong tâm sinh ra...
            Cứ thế người cử ra hàng trăm tỷ dụ. Tôi kinh hoàng hỏi:
–  Như vậy, con quy y để nhờ sức Phật giúp con đuổi quỷ phải không?
– Không, Phật không giúp con đâu.
– Vậy sư phụ giúp con ư?
–  Cũng không nốt.
–  Vậy thì???
– Ma, quỷ trong tâm con nảy sinh, thì chỉ mình con mới xua đuổi chúng được. Bà dạy con bài kinh Bát-nhã, rồi chính con sẽ dùng kinh này đuổi quỷ. Phương pháp của Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh là sao cho ma, quỷ không hiện, chứ chẳng phải đuổi ma. Ma, quỷ trong tâm con đấy !
– Dạ thưa sư phụ, kinh này con thuộc rồi.
– Con đọc bà nghe nào?
            Tôi ngồi ngay ngắn lại đọc thuộc làu như con vẹt. Sư phụ hỏi:
– Tại sao sắc lại là không? Không lại là sắc?
            Tôi ngây người ra. Nhưng tôi được học lễ của Nho gia đã một năm, hơi biết tiến, lùi, vội cung tay:
– Con ngu tối, xin sư phụ thương xót dạy cho.
            Thế rồi tôi được giảng bài kinh này.

1.ĐI TIM NGUỒN GỐC.

1.1.          NGUYÊN VĂN

            Bát-nhã tâm-kinh là bản văn ngắn nhất của Bát-nhã Ba-la-mật, bản này ngài Huyền-Trang dịch năm 649, gồm 262 chữ. Nguyên văn như sau:

Quán-tự-tại bồ-tát, hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời,  chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ-ách.
 Xá-lợi-tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc.
Thụ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.
Xá-lợi-tử! Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc; vô thụ, tưởng, hành, thức;
vô nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, súc, pháp.
Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệt vô vô minh tận.
Vô khổ, tập, diệt đạo.
Vô trí diệt vô đắc, dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề tát-đóa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quải ngại, vô quải ngại cố,
vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn, Tam-thế chư Phật, y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc a-lốc-đa-na tam-diểu tam Bồ-đề.
Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại-minh chú, thị vô thượng chú, thị vô-đẳng đẳng chú, năng trừ nhất-thiết khổ, chân thực bất hư.
Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ-đề tát bà ha.
Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

1.2.Tạm dịch
           
Ngài bồ-tát Quán-tự-tại (Avalokitévara) (1) thực hành Bát-nhã Ba-la-mật (2) sâu sa, soi kính thấy rằng có ngũ-uẩn (3), nhưng năm uẩn đó đều không có tự tính.
            Này Xá-lợi-phất (Sàriputra) (4) sắc ở đây là không, không là sắc; sắc không khác không, không không khác sắc; sắc tức thị là không, không tức thị là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức đều thế cả.
            Này Xá-lợi-phất, hết thẩy các pháp ở đây đều biểu thị là không: chúng không sinh, không diệt, không cấu nhiễm, không không cấu nhiễm; không tăng, không giảm. Vậy này Xá-lợi-phất, trong không không có sắc; không thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có nhãn giới, cũng không có ý thức giới. Không có minh, không có vô minh, không có minh diệt, không có vô minh diệt, bởi vậy không có tuổi già và cái chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí, không có đắc, và không có chứng, bởi không có đắc.
            Trong tâm của Bồ-tát an trụ trên Bát-nhã Ba-la-mật không có những chướng ngại; bởi không có những chướng ngại đó trong tâm, nên không sợ hãi, vượt ra tà kiến điên đảo, đạt tới Niết-bàn. Hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai, do y trên Bát-nhã ba-la-mật, mà chứng đắc giác ngộ viên mãn tối thượng.
            Vì vậy, nên biết rằng Bát-nhã ba-la mật là đại thần chú (mantram), là chú của đại minh huệ, là thần chú cao tuyệt, thần chú vô giá, trừ diệt hết mọi đau khổ; đó là chân lý vì không sai lầm; đây là thần chú được công bố trong kinh Bát-nhã ba-la-mật: Này bồ-tát, tự độ lấy mình, độ cho người, độ đến bờ bên kia, độ khắp chúng sinh đến bờ bên kia, để giác ngộ tận gốc.

Chú giải
(1) Quán-tự-tại (Avalokitésvara) tức là ngài Quan-thế-âm bồ tát. Bồ-tát thường được người Hoa, Việt tôn thờ theo hình bà. Hình này vẽ theo truyền khẩu nói rằng ngài thị hiện ở đảo Phổ-đà (ngoài khơi Thượng-hải). Tôi đã hành hương đảo Phổ-đà nhiều lần. Trên đảo có rất nhiều miếu, am, đền thờ Phật bà cùng chư linh thần khác. Nhưng người Tây-tạng lại thờ theo hình ông, chính ngài là đức Đạt-lai lạt-ma chuyển thế liên tiếp.

(2) Bát-nhã ba-la-mật đa (Prajnâparamita). Người Pháp dịch là la sagesse, vertu cardinale, gồm có hai chữ Bát-nhã (Prajnâ) và Ba-la-mật-đa (Paramita). Bát-nhã là trí-huệ, hay là sức học cao xa của nhà tu Phật. Ba-la-mật-đa là vượt qua mé bên kia (Niết-bàn) và cùng đưa người tới. Bát-nhã ba-la-mật-đa dịch ra Hán-Việt là trí-huệ đáo bỉ ngạn, huệ độ dữ tha nhân đáo bỉ ngạn. Vì ý nghĩa hàm súc như vậy, nên các dịch giả xưa để nguyên Phạn-tự.

(3) Ngũ-uẩn là năm uẩn, năm thứ hòa hợp cấu tạo ra con người, chúng che khuất chân lý khiến cho con người đi vào luân hồi, khổ não. Ngũ uẩn là:
Sắc (Rũpa, forme): là những vật hữu hình.
Thọ (Védana, sensation): Đối cảnh sinh tình, thấy buồn, khổ v.v.
Tưởng (Sanjnẫ, perception): Đối cảnh phân biệt ra mầu sắc, nhỏ, to, đực, cái v.v.
Hành (Samskâràs, impression): Đối cảnh vật sinh lòng ham muốn, hoặc giận, hờn, yêu, ghét.
Thức (Vijnâna, concience): Đối cảnh mà hiểu biết, phân biệt sự vật.
Ngũ-uẩn hiệp lại tạo thành con người, thú vật. Đôi khi ngũ-uẩn còn gọi là bản ngã.

(4) Xá-lợi-phất (Cariputra). Người Hoa dịch là Thu tử (fils de Carica), con bà Thu. Tên một vị đại đệ tử của Phật Thích-Ca. Mẹ ngài có cặp mắt giống như chim thu, nên được đặt tên là Thu và ngài có tên là con bà Thu. Ngài ngang tuổi với đức Thích-Ca, viên tịch trước đức Phật.

2. NGUỒN GỐC TÂM KINH
           
Bát-nhã Ba-la-mật-đa là một trong những kinh điển đại thừa tối cổ của Phật-giáo gồm 125.000 bài tụng. Có nhiều bản dịch, nhưng tôi chỉ được đọc bản dịch của ngài Huyền-Trang mang tên “Đại bát nhã” gồm 600 quyển. Bài Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh là bản yếu chỉ, thu tóm ý nghĩa của toàn bộ kinh Bát-nhã.
            Nếu ta theo dõi kỹ, thì trong bài tâm kinh không có gì, ngoài một tràng phủ định, cái được mệnh danh là tính không lại cũng bị phủ định. Vậy kết lại tâm kinh chỉ là một mớ phủ định. Phủ định ngũ uẩn, phủ định thập bát giới, phủ định thập nhị nhân duyên, cuối cùng không có đắc gì cả. Vì không có đắc nào, nên tâm vượt qua mọi chướng ngại, tức những sai lầm khởi từ trí năng, vượt luôn những chướng ngại bắt rễ trong ý thức truy nhận, cảm quan của con người như sợ hãi, kinh khủng, vui vẻ, buồn phiền, thất vọng... Khi được như thế là tới Niết-bàn.

3. ÁP DỤNG VÀO KHÍ-CÔNG

            Mục đích của chúng ta không phải là thành Phật, là nhập Niết-bàn. Độc giả muốn nhập Niết-bàn thì tìm đến chùa, nghiên cứu kinh điển, bỏ vọng tâm tu luyện. Phần này chỉ hướng dẫn các vị luyện công cho khỏe mạnh, và trị bệnh. Chúng ta dùng phương pháp phủ định của Bát-nhã tâm kinh hầu nhập tĩnh mà thôi. Chúng ta cần sao đạt tới vô nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý.

Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét