Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A - Dựng cờ bình Mông - Hồi 48

HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM

Phải coi dân như con đỏ
 
Đoàn quân của các Đô-thống Lê Phẩm, Phạm Long, Nguyễn Bích rút về tới Phù-lỗ, thì được Nguyên-Phong hoàng đế cùng Hưng-Đạo vương ra đón. Đoàn quân mang theo 180 tù binh Mông-cổ.  Các tướng tâu trình diễn tiến trận đánh lên hoàng đế. Ngài truyền lập đàn tế vọng tướng quân Phạm Cụ-Chích cùng chư quân. Bọn tướng trâu là 4 Cu, 5 Trâu, 5 Hĩm, 5 Cái cũng làm lễ tế Cu Méo. Chúng vừa tế xong, thì Tuyên-Minh thái hoàng thái hậu cùng hai vương phi, dẫn Vũ Mạc, Mụ Tình và Cu Méo về tới. Bọn tướng trâu reo hò, ôm lấy nhau mừng chi siết kể. Chúng quên cả hành lễ với Thái-hoàng thái hậu.
Sau khi nghe Thái-hoàng thái hậu, hai vương phi tường thuật tình hình quân Mông-cổ :
_ Lúc nghị kế, Hưng-Đạo vương đã định rõ rằng chúng ta cũng như các tôn sư võ học chia nhau, tìm cách ẩn thân để biết quân tình giặc. Tuyệt đối không xuất hiện. Chờ lúc phản công hãy ra tay. Nhưng trong trận Bình-lệ-nguyên, vì thấy Hoàng-nhi có thể bị hại, nên Lĩnh-Nam tam đại thần kiếm Vô Ảnh, Vô Sắc, Vô Huyền phải xuất hiện. Trong trận Cụ-bản, chúng ta ẩn thân từ đầu đến cuối. Nhưng sau cùng không nín được trước sự tàn bạo của Mông-cổ, mà phải xuất hiện giết A Tan, Triệt Triệt Đô. Chúng ta chịu lỗi với Tiết-chế.
Nghe nhắc đến Vô-Huyền bồ tát, tim Nguyên-Phong hoàng đế nhi bị kim đâm vào, ngài cảm thấy đau nhói một cái.
Hưng-Đạo vương chắp tay :
_ Muôn ngàn lần  thần nhi không dám.

Ghi chú của thuật giả
Tuyên-Minh thái hoàng thái hậu là thái tổ mẫu (cụ) của Hưng-Đạo vương. Nhưng, khi lĩnh nhiệm vụ, Ngài vẫn tự coi mình là người thuộc quyền của vương. Như vậy tỏ ra đức của Ngài cao biết mấy. Nhắc để độc giả nhớ :
Nguyên-tổ Trần Lý, Tuyên-Minh thái hoàng thái hậu sinh Thái-tổ Trần Thừa. Thái-tổ Trần Thừa sinh Anh-sinh vương Trần Liễu. An-sinh vương Trần Liễu sinh Hưng-Đạo vương.

Nguyên-Phong hoàng đế ban chỉ phong chức tước cho các tướng Cụ-bản như sau :
Đô-thống Lê Phẩm thăng lên Vân-ma thượng tướng quân, tước Phong-điền bá.
Đô-thống Nguyễn Bích thăng lên Chinh-thảo thượng tướng quân, tước Nga-sơn bá.
Đô-thống Phạm Long thăng lên Bình-Tây thượng tướng quân, tước Hiệp-sơn bá.
Đại-tư Vũ Mạc thăng lên An-phủ sứ Hồng-châu.
Mụ Tình xin được theo hầu Tuyên-minh thái hoàng thái hậu.
Quách thị Gái được truy phong Thạc-hòa Vũ-liệt Anh-văn công chúa. Sau này, hết giặc, triều đình ban tiền truyền dân làng Cụ-bản lập miếu thờ. Nay không còn di tích.

Bọn tướng trâu lại được thăng chức từ Đô-úy lên Vệ-úy, quân hàm Tá-lĩnh. Tuy cách nhau có mấy ngày, nhưng bọn tướng trâu đã biết giá trị của quân giai, chúng tạ ơn nhà vua, vui vẻ nhận sự ban thưởng. Riêng Dã-Tượng, Hĩm Còi, công trạng quá nhiều, chúng được thăng lên cấp Đô-thống. Tổng lĩnh bọn tướng trâu.
Các tướng sĩ nhất nhất đều được thăng chức, tước. Lại truyền tất cả rút về Đông Thăng-long đặt dưới quyền Hưng-Ninh vương để bổ xung quân số, chuẩn bị phản công.
Bọn tướng trâu lại nhao nhao đòi ở lại chiến đấu. Ai nói chúng cũng không nghe. Chúng còn viện dẫn một điều luật của Ngưu-binh, mà chúng được học tại trường Hoa-lư :
«  Chúng ta là con cháu của Phù-Đổng thiên vương, là hậu duệ của vua Đinh. Khi đối diện với địch quân, chúng ta chỉ tiến mà không lùi. Tiến là vinh, lùi là nhục ».
Cuối cùng Hưng-Đạo vương phải can thiệp :
_ Ta biết các con là con cháu Phù-Đổng thiên vương, là hậu duệ của vua Đinh. Ta ghi nhận tấc lòng son với xã tắc của các con. Thế nhưng địa thế Phù-lỗ quá chật hẹp, không cần nhiều Ngưu-binh. Vậy trong 20 Vệ-úy, chỉ 5 con ở lại cũng đủ rồi.
Nghe vương ban lệnh, chúng răm rắp tuân theo. Vương tiếp :
_ Ta quyết định để Đô-thống Hĩm Còi với 5 Vệ-úy Cái ở lại dự trận Phù-lỗ.
Vương gọi Hĩm Còi vào trướng, rồi ghé miệng vào tai nó dặn dò một lúc. Không biết vương dặn gì, mà chỉ thấy con bé cười rất tươi luôn gật đầu, tỏ ra thích thú vô cùng.
 Hưng-Đạo vương ban lệnh cho Phú-lương hầu Trần Tử-Đức:
_ Hơn tháng trước, triều đình phái loa đi khắp các phường quanh Thăng-long giảng cho dân chúng biết rõ sự tàn bạo của Mông-cổ, rồi ban lệnh cho dân chúng phải rời khỏi Thăng-long. Thế nhưng có người nghe, có người không. Vì vậy mà đến hôm qua, Thăng-long còn đến ba phần chưa sơ tán. Sau khi Bình-lệ-nguyên thất thủ, tin đưa về, triều đình lại sai loa đi báo cho dân biết, rồi hạ lệnh: Nội trong một hai ngày, quan quân sẽ rút khỏi Thăng-long. Dù Mông-cổ chưa tới, nhưng Thăng-long không có quân canh phòng, e trộm cướp sẽ hoành hành. Thế nhưng bọn người Hoa nhất định không tin, không nghe. Họ cho rằng Mông-cổ sang đây với mục đích đánh vua Việt, dân Việt. Họ là người ngoại quốc, họ vô can. Những người Hoa này ảnh hưởng tới nhiều người Việt.
Trần Tử-Đức than:
_ Triều đình cũng như vương huynh đã hết sức lo lắng, yêu thương dân, ngay dù dân đó là người Hoa. Nhưng họ lại không tự biết yêu thương lấy họ, thì mình cũng không làm gì hơn được.
_ Đệ luận như vậy là luận theo lý. Phàm làm vua, làm quan, phải coi dân như con đỏ. Con mình, mình dạy năm lần bẩy lượt mà còn không xong, huống hồ dân chúng. Dù họ không nghe triều đình, nhưng triều đình không thể để họ bị giặc giết. Nên Hoàng-thượng truyền Khâm-Thiên đại vương lưu ba hiệu Thiên-thuộc, Thiên-cương, Thiên-thánh, đóng lẫn với dân trong thành Thăng-long, để bảo vệ họ đến giờ chót...  Tôi cũng đã ban lệnh cho chiến lũy Cụ-bản, bằng mọi giá phải cầm chân giặc trong năm ngày, để dân chúng Thăng-long có thời giờ sơ tán. Nhưng thế giặc mạnh quá, thành ra Cụ-bản thất thủ.
Vương nắm tay Hầu:
_ Vậy quân hầu hãy cố gắng cầm cự càng lâu càng tốt, để dân Thăng-long kịp chạy về các vùng quê.
Trần Tử-Đức cam kết:
_ Xin Tiết-chế an tâm. Nếu giặc muốn vượt qua Phù-lỗ thì chúng phải bước qua xác thần.
Nguyên-Phong hoàng đế, Hưng-Đạo vương cùng một số đại thần xuống thuyền xuôi về Thăng-long.
Phú-lương hầu họp chư tướng lại, phân nhiệm vụ lần cuối. Hầu nói với chư tướng:
_ Từ khi nhập biên đến giờ, giặc bị bất ngờ, bị trúng kế của ta quá nhiều. Tuy chúng bị thiệt hại nặng, nhưng chưa quá 1 phần mười quân số. Bây giờ, Cụ-bản thất thủ, có lẽ sáng mai chúng sẽ đánh ta.
Ông chỉ vào địa thế Phù-lỗ:
_ Vị trí của ta hai mặt là sông. Phía sau là cánh đồng. Bên hông trái là rừng lau sậy. Nếu ta phá cầu, thì không dễ gì chúng vượt sông tấn công ta được. Nhưng sông về mùa Đông, nước cạn, có thể chúng lội sang tấn công. Chúng ta hiện chỉ có một hiệu bộ binh Yên-phụ, một đạo Ngưu-binh, một đạo Kỵ-binh. Trong khi giặc có hai chục vạn. Vậy chúng ta phải nghênh chiến như thế nào, để có thể cầm chân giặc ?
Đô-thống Trần Trữ, chỉ huy hiệu binh Yên-phụ đề nghị:
_ Theo binh pháp của Hưng-Đạo vương, khi đối phương là quân ngoại quốc, dù dùng chiến thuật nào chăng nữa, ta cũng luôn đặt chúng vào thế bị động. Vì thế, từ khi Mông-cổ nhập biên đến giờ, chúng không bao giờ được yên. Như đoạn đường từ biên giới tới Thảo-lâm do Vũ-Uy vương. Từ Thảo-lâm đến Bình-lệ-nguyên do tướng Lê Phụ-Trần. Từ Bình-lệ-nguyên tới Cụ-bản do tướng Phạm Cụ-Chích. Không lẽ từ Cụ-bản đến đây, ta để cho chúng yên?
Đô-thống Nguyễn Thiên-Sanh đứng dậy :
_ Không! Đời nào ta để cho chúng yên nhỉ?
Là người có chí khí hùng tráng, ông phát biểu như thế, nhưng vốn ít mưu, ông hỏi lại cử tọa :
_ Vậy chúng ta nên làm những gì?
Cử tọa bật cười.
Đô-thống Trần Trữ nghị:
_ Từ Cụ-bản tới đây không quá hai chục dặm. Đường lại rộng, hai bên là cánh đồng lau sậy, cỏ gianh, rất khó ẩn núp. Mông-cổ chỉ cần một khắc là chiến mã của chúng có thể tới đây. Muốn cản chúng ta phải làm gì ? Ta dùng Ngưu-binh đột kích trong đêm, e không hiệu nghiệm nữa. Nã Lôi-tiễn e cũng khó khăn, vì địa thế quanh Phù-lỗ không có vị trí nào an toàn để đặt Lôi-tiễn.
Mọi người đưa mắt nhìn Đô-thống Lý Tùng-Bách, bởi ông nổi tiếng là mưu thần, chước thánh. Lý Tùng-Bách trầm tư một lát rồi đứng lên:
_ Trước hết, căn cứ Phù-lỗ này là một ải, hơn là một chiến lũy, cũng không phải là một làng như Cụ-bản. Trong ải chỉ có quân, không có dân. Cũng lại không có hào sâu, lũy tre phòng vệ. Từ bờ đê đến ải có một khu rừng trúc khoảng hơn dặm. Khu này đất cứng. Giặc có thể đặt máy bắn đá, Lôi-tiễn nã vào ta. Vì vậy tôi có đề nghị : Một là, dọc hàng rào, cũng như trong ải, ta đào thực nhiều hố cá nhân, vừa đủ một người ngồi nấp ở dưới. Như vậy, nếu chúng nã Lôi-tiễn, bắn đá vào, thì chỉ khi nào rơi trúng hố, mới khiến quân ta thiệt hại mà thôi. Khi giặc tấn công, ta đợi chúng tới hàng rào, quân hai bên lẫn vào nhau, Lôi-tiễn, máy bắn đá vô dụng. Bấy giờ ta dùng đao-quất phản công, thì có thể giữ được ải lâu hơn. Hai là, ải quá hẹp, giữ Ngưu-binh, Kỵ-binh ở trong vô ích, chỉ làm mồi cho Lôi-tiễn, cho máy bắn đá. Từ lúc nhập biên đến giờ, bọn Mông-cổ chưa được xử dụng Kỵ-binh, chúng cực kỳ ấm ức. Nhân đoạn đường Cụ-bản đến đây, hai bên đường toàn cỏ gianh. Phía sau lớp cỏ gianh khoảng 3 đặm, có khu đất dài 8 dặm, sâu 10 dặm. Sâu nữa là đồng lầy. Tôi sẽ lừa cho chúng đem Lôi-kỵ vào đó, rồi kỵ chiến, ngưu chiến một trận cho chúng biết con cháu Phù-Đổng Thiên-vương giỏi kỵ chiến hơn chúng nhiều. Sau đó chúng ta làm như thế...như thế...May ra ta có thể cầm chân chúng được ít ngày, để Thăng-long có thời giờ di tản. Ba là khi chúng tiến quân đến bờ sông, thấy sông nông, chúng sẽ cho Lôi-kỵ lội qua. Ta đào hố cá nhân bên bờ Nam đê, phục binh tại đây, đợi khi Lôi-kỵ vừa tới thì nấp sau khiên-mây, dùng Nỏ-thần, đao-quất, tấn công.
Ông hỏi Đô-thống Ngưu-binh Hĩm Còi:
_ Hôm qua bọn em giải 180 tù binh Mông-cổ theo. Lúc về tới đây thì 3 thương binh bị chết. Hiện chưa chôn. Khi rời đây về Thăng-long, Hưng-Đạo vương đã ban lệnh cho em phải làm như thế...như thế...Có đúng không?
_ Đúng vậy!
_ Ái chà!
Phú-lương hầu xua tay: Làm như  vậy thì thành công, nhưng nguy hiểm lắm!
Đô-thống Nguyễn Thiên-Sanh tỏ ra thích thú :
_ Nguy hiểm thì nguy hiểm, theo tôi nghĩ chỉ có phương pháp đó thôi. Tôi xin lĩnh nhiệm vụ này.
_ Được !
Tử Đức miễn cưỡng gật đầu: Còn trấn thủ ải. Tuyến bờ sông do quận chúa Ý Ninh chỉ huy. Tuyến trái do phu nhân Thiệu Hoa chỉ huy. Tuyến phải do Đô-thống Trần Trữ chỉ huy. Tuyến hậu do Vệ-úy Trần Minh chỉ huy.
Quận chúa Trần Ý Ninh đề nghị:
_ Trước sau gì thì chúng cũng cho Kỵ-binh vượt sông. Vậy dưới lòng giòng sông, nửa bên này, ta nên đóng thực nhiều chông, chăng giây ngầm. Khi chúng vừa tới bờ, bị vướng giây, dẵm chông, hàng ngũ hỗn loạn, thì Nỏ-thần, đao quất tấn công mới có hiệu quả.
Đến đó chim ưng mang lệnh của Hưng-Đạo vương đến:
" Phải tối cẩn thận. Quân Mông-cổ đang đóng thêm bè, nhặt những thuyền nhỏ của dân chúng. Có thể sáng mai, khi đánh Phù-lỗ quá khó khăn, chúng sẽ bỏ Phù-lỗ lại sau, rồi tốc thẳng tới Thăng-long. Trường hợp này cần thủ ải cho chắc. Mặt trận Thăng-long đã có Khâm-Thiên đại vương đối phó".

Sáng hôm sau, khi ánh bình minh vừa ló rạng, thì  Ngột-lương Hợp-Thai ban lệnh cho các tướng :
_ Trước mặt chúng ta là chiến lũy Phù-lỗ. Từ đây tới Phù-lỗ, đường không quá 20 dặm. Bên phải là sông, bên trái là khu rừng hoang toàn cỏ gianh. Bây giờ đang giữa mùa Đông, cỏ khô héo, lưa thưa, chúng không thể phục binh. Qua Phù-lỗ 20 dặm là tới Thăng-long. Chiếm Thăng-long rồi, thì các phủ, các trấn phải đầu hàng. Vậy lương thực ta để cả ở Cụ-bản. Đợi khi vào Thăng-long, thì ta bắt các quan lại An-Nam phải cung đốn.
Lập tức, y ra lệnh tiến quân. Hơn giờ sau, đoàn Lôi-kỵ đã xuất khỏi Cụ-bản, dàn hàng ba, nối đuôi nhau hướng về Phù-lỗ. Người chỉ huy chính là A Truật, con trai của Ngộït-lương Hợp-thai.
Sau cái chết của hai đại tướng Triệt Triệt Đô, A Tan, với năm Vạn-phu trưởng, mười Thiên-phu trưởng. Quân Mông-cổ không còn kiêu khí nữa, mà trong thâm tâm những người lính Mông-cổ đều nghĩ rằng, mình đang đi vào vùng đất linh. Thiên-phu dẫn đầu là Thiên-phu do Hòa-Khâm chỉ huy.
Vó ngựa vỗ dòn dã trên đường. Ra khỏi cổng hậu của làng, thì đi vào vùng đất hoang toàn cỏ gianh, lau sậy ở hai bên đường. Bấy giờ là tiết trọng Đông, cỏ khô héo. Mấy hôm nay trời lại không mưa, nên cây cỏ càng hiu hắt.
Thình lình quân ùn lại. Thập-phu trưởng đi đầu quay ngựa báo :
_ Thưa tướng quân, giữa đường có năm Lôi-kỵ ngồi quay lưng lại phía ta. Xin tướng quân quyết định.
_ Phải cẩn thận ! Coi chừng trúng ma kế của Nam-man.
Y tế ngựa lên quan sát : Năm Lôi-kỵ ngồi bất động. Quân phục trên người còn đầy đủ. Quan sát xung quanh, không thấy có gì đáng ngại. Y hất hàm ra lệnh. Hai Lôi-kỵ xuống ngựa, lại quan sát. Thì ra đó là năm xác tử sĩ, được đặt giữa đường.
_ Hãy đem vào bãi đất kia chôn cất tử tế.
Vì là quân tiên phong, không có lao binh theo, nên mười Lôi-kỵ phải xuống ngựa. Ngựa thả bên đường. Vũ khí bỏ cạnh xác tử sĩ , rồi dùng mai đào lỗ. Toàn quân tiếp tục hành trình. Cho đến lúc người lính cuối cùng của Thiên-phu tiên phong đã khuất vào khu rừng cỏ, mà cuộc đào hố vẫn chưa xong.
Bỗng có tiếng quát lớn, rồi ba thây ma đang nằm trên bãi cỏ ven đường, vọt mình dậy, tay chụp đao. Đao vung lên, sáu Lôi-kỵ bị chặt làm hai khúc. Bốn Lôi-kỵ còn lại, chưa kịp phản ứng thì đã bị mười đứa con gái từ bụi rậm xuất hiện. Nhanh không thể tưởng tượng được, chúng dùng gậy tre phang túi bụi. Cả sáu Lôi-kỵ bị bắt.
Hĩm Còi khen :
_ Anh Sanh ! Mưu anh hay thực. Bây giờ ta phải làm gì ?
_ Đặt sáu xác chết này nằm ngay ngắn thành hàng giữa đường. Rồi ta làm như thế...như thế...
Thiên-phu thứ nhì nối tiếp ra khỏi Cụ-bản, do Thiên-phu trưởng Vương Huy chỉ huy. Vừa ra khỏi làng, viên Thập-phu trưởng đi đầu khám phá ra một hiện tượng kỳ lạ : Giữa đường, sáu xác chết Lôi-kỵ nằm thành một hàng ngay ngắn. Cạnh mỗi xác chết là một cây gậy tre, loại vót nhọn, mà dân binh Việt thường dùng. Sáu cây gậy cắm xuống cạnh sáu xác chết.
Y dừng ngựa lại, tay lăm lăm vũ khí, quan sát xung quanh : Trên bãi đất cạnh đường còn ba xác chết nữa, máu đã khô, đặt cạnh sáu cái hố mới đào. Hiện tượng quái gở này,  không sao giải thích được. Y quay ngựa trở lại báo với Vương Huy. Vương Huy cũng kinh ngạc không ít :
_ Rõ ràng Thiên-phu đi đầu chưa giao chiến với giặc, mà sao lại có sáu xác mới chết, và ba xác chết đã lâu ?
Bỗng có tiếng kêu cứu từ trong rừng cỏ vọng ra :
_ Tôi là Thập-phu trưởng Dược Ca Đa (Jurcãdã). Cứu tôi với.
Tiếng kêu không xa mấy.
Vương Huy hỏi :
_ Người ở đâu ?
_ Tôi bị bắt, bị trói bỏ vào chỗ cỏ rậm này.
Rừng cỏ mênh mông, biết chỗ nào mà tìm ?
Vương Huy chỉ tay ra lệnh. Ba Lôi-kỵ rẽ ngựa vào rừng cỏ. Tiếng cầu cứu vẫn vọng lại :
_ Cứu tôi với.
Ba Lôi-kỵ hướng theo tiếng kêu mà tìm cứu đồng bọn. Gần một khắc qua, không thấy ba Lôi-kỵ trở lại, Vương Huy sốt ruột, y ra lệnh cho một Thập-phu :
_ Người hãy vào lục soát xem.
Viên Thập-phu dẫn mười Lôi-kỵ men theo lối đường mòn, tìm dấu chân ngựa mà đi. Gần khắc sau, có tiếng ngựa hý, tiếng quát tháo, tiếng vũ khí chạm nhau vọng ra, rồi im bặt. Vương Huy kinh hãi :
_ Như vậy Thập-phu Lôi-kỵ gặp hung hiểm rồi.
Đến đó thì A Truật tới. Vương Huy báo cáo tình hình. A Truật còn đang chần trừ chưa quyết định thì Thám-mã phi tiễn từ Thiên-phu Hòa Khâm trở lại báo cáo diễn tiến từ sáng đến giờ.
Nghe y báo, A Truật kinh hãi :
_ Thế thì bọn Dược Ca Đa bị trúng phục binh rồi. Mười Lôi-kỵ của ta e cũng gặp hung hiểm.
Y ra lệnh cho một Bách-phu dàn Lôi-kỵ tiến vào rừng. Đi khoảng hơn dặm, thì  thấy đao, lao, cung, tên của Lôi-kỵ vương vãi trên mặt đất với nhiều vết máu. Viên Bách-phu trưởng sai người ra báo cáo tình hình với A Truật. A Truật ra lệnh cho Vương Huy dàn cả Thiên-phu tiến vào rừng  cỏ. Vừa tiến sâu vào hơn hai dặm, thì không còn cỏ gianh, lau sậy nữa mà là một bãi đất toàn cỏ gấu. Xa xa Kỵ-binh Đại-Việt dàn ra, cờ xí nghiêm chỉnh. Một cây cờ bay phất phới với hàng chữ
« Thống lĩnh hiệu binh Phù-Đổng.
Đô-thống Lý Tùng-Bách ».
Vốn tự kiêu về Lôi-kỵ của mình, thế mà từ lúc nhập biên bọn Vương Huy chưa từng thấy Kỵ-binh Đại-Việt, chứ đừng nói được giao chiến. Bây giờ là lần đầu tiên thấy Kỵ-binh dàn trên một cánh đồng bằng phẳng, cỏ chỉ cao tơí đầu gối. Địa thế giống hệt vùng Thảo-nguyên. Lòng kiêu hãnh nổi dậy, y cầm cờ phất , ra lệnh tiến quân, mà quên cả báo cho A Truật biết. Y dùng chiến thuật cố hữu của Mông-cổ : Hai Bách-phu tấn công đợt đầu, phóng lao, bắn cung, rồi cho hai Bách-phu đợt hai chọc thủng phòng tuyến địch, đánh tỏa ra hai bên. Đợt ba hai Bách-phu chọc sâu vào phòng tuyến địch. Đến đây thì cho bốn Bách-phu cuối cùng đánh ép hai bên trận.
Hai Bách-phu Lôi-kỵ hú lên rùng rợn, dàn hàng lao tới như bay. Khi sắp tới trận, chúng phóng lao, bắn cung, rồi quay trở lại, Kỵ-binh Việt dơ khiên-mây lên hứng, bao nhiêu tên, lao bị ghim vào khiên-mây hết. Một hồi tù và nổi lên, thế trận Việt đổi thực nhanh. Kỵ-binh lùi lại sau, bây giờ tuyến đầu là Ngưu-binh, trước mỗi trâu có một khiên-mây lớn. Hai Bách-phu Lôi-kỵ thứ nhì tấn công. Lao, tên ghim vào khiên-mây. Tướng chỉ huy Ngưu-binh là 6 đứa con gái, mặt còn non choẹt.
Đợt tấn công thứ ba của Lôi-kỵ ào ạt  lao tới, thế trận Đại-Việt lại đổi thực nhanh, tất cả lùi lại sau hơn trăm trượng, những màng Vạn-thằng dăng ra khắp mặt đất. Hai Bách-phu Lôi-kỵ không dừng ngựa kịp. Ngựa vướng giây ngã lăn ra. Trong khi đó trận Việt tách làm ba : Giữa là Ngưu-binh. Còn Kỵ-binh tỏa thành hai cánh đánh bọc vào trận Mông-cổ. Thế là trận thế Mông-cổ bị hỗn loạn. Bộ binh xông ra dùng đao-quất, không đầy mười cái chợp mắt, hai trăm Lôi-kỵ, hai trăm ngựa bị giết tươi. Giữa lúc đó đợt tấn công thư tư như sóng vỗ ào ạt như thác đổ. Lôi-kỵ vung đao chém bộ binh. Bộ binh lăn tròn dưới đất, đao-quất vung lên, chân ngựa bị chặt. Hàng ngũ Lôi-kỵ bị rối loạn. Vương Huy tung tất cả Lôi-kỵ xông vào. Cuộc chiến đấu kinh khủng diễn ra trong hai khắc, mà thắng bại chưa phân.

Vương Huy tự thị võ công cao, y cùng đội võ sĩ  mười người lao tới trung quân định bắt sống Đô-thống Lý Tùng-Bách. Cạnh Lý Tùng-Bách cũng chỉ có mười Kỵ-mã. Vương Huy hú lên một tiếng, bọn võ sĩ của y cùng dương cung bắn tên, nhanh như chớp phóng lao. Tùng-Bách quát lên một tiếng, đám võ sĩ của ông cùng dơ khiên-mây đỡ. Lao, tên bị cản lại. Cũng có võ sĩ không chịu dùng khiên-mây,  tay phải rút kếm gạt tên, tay trái bắt lao, rồi thúc chân vào bụng ngựa. Ngựa nhảy lùi liền mười  bước. Một trận địa giây dăng ra dưới đất như màng nhện. Biến chuyển xẩy ra đột ngột, bọn Vương Huy không kịp dừng ngựa. Ngựa của y cùng mười võ sĩ bị vấp ngã. Ngưu-binh tung giây ra. Bọn Vương đã bị bắt.
Tuy Thiên-phu trưởng bị bắt, nhưng bọn Lôi-kỵ vẫn chiến đấu ác liệt. Giữa lúc đó thì rừng bốc cháy ngùn ngụt. Rừng cỏ gianh về mùa Đông khô héo, gặp gió, phút chốc lửa lan ra một vùng mênh mông. Khu rừng biến thành biển lửa chặn mất đường về của bọn Mông-cổ.
Ở ngoài con đường cái quan, A Truật không thấy tin báo của Vương Huy, lại nghe tiếng ngựa hý, tiếng quân reo, thì biết rằng đang có cuộc giao tranh. Tự hào về Lôi-kỵ, y cho án binh bất động chờ đợi.
Sau hai khắc, thấy rừng cỏ gianh bốc cháy. Khu cháy ngăn giữa quân Vương Huy với y, thì chột dạ :
_ Chết rồi, Nam-man dùng hỏa công.
Y ra lệnh cho ba Thiên-phu xông vào tiếp viện. Nhưng bị ngọn lửa chặn phía trước, thành ra người, ngựa chỉ dàn ra hò hét.
Ngột-lương Hợp-thai đã tới. Nghe báo cáo tình hình, y nghiến răng nghĩ thầm
_ Khổ thực ! Bọn Lôi-kỵ của ta đều thuộc nằm lòng rằng phải tránh đồng lầy, rừng rậm, đề phòng hỏa công. Nhưng từ khi nhập biên, bị Nam-man gây bất ổn, sức mạnh không có nơi phát tiết, nên mới bị trúng kế.
Ngọn lửa cháy sang giờ Mùi (13-15 giờ), tự nhiên gó Bắc thổi, mưa phùn mù mịt giăng ra đầy trời. Ngọn lửa mới dứt. Khu rừng cỏ chỉ còn lại những cây cháy xém trơ trọi. Nhìn xa xa, khoảng 6 dặm, y thấy trên một bãi đất rộng mênh mông, đầy xác Lôi-kỵ, xác ngựa. Đích thân Ngột-lương Hợpï-thai dẫn một Thiên-phu băng qua khu rừng cỏ cháy. Tới chiến trường, y sai gọi hai Thiên-phu lao binh tới thu nhặt xác người chôn cất. Còn xác ngựa, thì sai xẻ thịt làm lương thực. Sau khi quan sát trận địa, nhìn vết chân ngựa của Lôi-kỵ, của quân thù, y rùng mình hỏi Trịnh Ngọc:
_ Đây là lần đầu tiên An-Nam dùng Kỵ-binh giao chiến với ta. Không biết tướng nào chỉ huy? Tên này quả là một tướng kỵ binh lỗi lạc.
_ Tướng Kỵ-binh giỏi nhất An-Nam là Lê Tần, y được phong Vũ-kỵ thượng tướng quân. Phó tướng là một Đô-thống còn trẻ, có tên Lý Tùng-Bách. Đây là một tên nức tiếng trí  dũng hơn đời. Ngoài võ công cao thâm, tài dùng binh như thần, y còn là người nổi tiếng mưu mẹo không biết đâu mà lường. Qua trận đánh này, bằng vào cung cách lừa Vương Huy, lựa địa thế, đốt cỏ...Tôi đoán tướng chỉ huy trận này phải là Lý Tùng-Bách.
_ Bọn An-Nam thực can đảm hiếm có. Chỉ nguyên cái vụ chúng giả làm xác chết lừa ta, cũng đáng sợ rồi. Lại nữa, khi Vương Huy dàn hàng ngang một Thiên-phu băng qua rừng cỏ gianh, chúng ẩn thân thế nào mà Lôi-kỵ không khám phá ra...cuối cùng chúng phóng hỏa đốt rừng !
_ Thưa Thái-sư ! Cái lối chơi trò ma trò quỷ này có lẽ do tên Nguyễn Thiên-Sanh thực hiện.
_ Nguyễn Thiên-Sanh là ai ?
_ Y là em kết nghĩa của Trần Tử-Đức với Lý Tùng-Bách. Trong ba tên này thì Trần Tử-Đức đứng đầu. Y thuộc tôn thất nhà Trần, là một trong những tướng tài. Y được cử trấn tại Phù-lỗ. Thứ đến Lý Tùng-Bách. Cuối cùng là Nguyễn Thiên-Sanh. Sanh ít học, nhưng yêu nước cuồng nhiệt, can đảm bậc nhất. Y hành sự xuất quỷ nhập thần. Vì vậy được thăng tới Đô-thống. Hiện y chỉ huy Vệ Tế-tác của Phù-lỗ. Cạnh y, còn có 12 tên, xuất thân từ trộm cướp, võ công khá cao. Cả 12 tên cùng Sanh kết anh em, được vua An-Nam ban cho mỹ danh là Đại-đởm thập tam kiệt. Mười hai tên này với y, thường hành sự táo bạo. Vì vậy tiểu nhân nghĩ, cái vụ giả xác chết, ngoài bọn y không có người thứ nhì nào bạo gan như vậy.
Hoài-Đô đề nghị :
_ Thưa Thái-sư , mình có nên cho Lôi-kỵ đuổi theo bọn Lý Tùng-Bách không ?
_ Không thể, không nên ! Bởi phía sau bãi chiến trường kia toàn là đồng ruộng lầy lội, không có nơi cho Lôi-kỵ vùng vẫy. Ta đành nhịn nhục chúng. Mục tiêu của chúng ta là Thăng-long kia mà. Chiếm được Thăng-long, thì các trấn, các huyện phải đầu hàng.
Ngột-lương Hợp-thai để lại hai Thập-phu Lôi-kỵ bảo vệ bọn lao binh, rồi ra lệnh rút quân khỏi bãi chiến trường. Khi toàn quân rời khỏi bãi đất, y với các tướng đi theo vẫn còn tần ngần quan sát bãi chiến trường. Y có ý chờ cho cuộc chôn cất xong, mới rút cùng với bọn lao binh.
Thình lình có tiếng hú dài miên miên bất tuyệt, rồi mười ba xác chết quân Mông-cổ đang nằm dài, vùng dậy tung mình lên mình ngựa của Lôi-kỵ, ra roi phi vào con đường mòn của khu rừng. Đám võ sĩ cận vệ của Ngột-lương Hợp-thai thúc ngựa đuổi theo, nhưng khi vừa vào con đường nhỏ, thì tên bắn ra veo véo. Chúng phải dừng ngựa lại.
Tuy ty hí mắt lươn, nhưng tên Trịnh Ngọc cũng kịp nhận ra đám xác chết cướp ngựa. Ychỉ vào xác chết đi cuối cùng :
_ Thiên-Sanh ! Cái tên đi sau cùng chính là Nguyễn Thiên-Sanh.
Ngột-lương Hợp-thai giận run người, nhưng y phải khâm phục bọn Đại-đởm thập tam kiệt.
Sau khi chôn cất tử sĩ, Ngột-lương Hợp-thai ra lệnh tiếp tục tiến binh.
Sang giờ Thân, thì chiến lũy Phù-lỗ hiện ra. Hòa Khâm báo cáo :
_ Kìa, chiến lũy nằm trên bờ sông. Vì vậy thuộc hạ phải dừng quân chờ lệnh Thái-sư.
Trời bắt đầu chập choạng tối. Không có bãi đất rộng.  Quân Mông-cổ chia thành từng khu, dọc theo con đường từ Cụ-bản tới Phù-lỗ. Mỗi khu đóng không quá 2000 quân. Quân kỵ đóng trước. Phía sau là quân bộ, quân Đại-lý. Thành ra khu vực đóng quân khá rộng. Đèn đuốc đốt sáng chưng một vùng. Lao binh chia nhau vào rừng kiếm củi nấu ăn. Trong khi bên kia sông, chiến lũy Phù-lỗ nằm im lìm trong bóng đêm, không một ngọn đèn leo lét !
Ngột-lương Hợp-thai, A Truật, Hoài Đô chia nhau cỡi ngựa đi kiểm soát lại các khu đóng quân, khu giữ ngựa, khu chứa lương. Thành ra đến hết canh hai, mới trở về trướng. Trời khá lạnh, trong soái lều lao binh đã lấy đất đắp thành cái lò sưởi, chất củi đốt lên sưởi  ấm cho chúa tướng.
Lao binh dâng thịt ngựa nướng. Cả ba cùng lấy bầu rượu rót ra uống. Uống hết bầu thứ nhất, Hoài Đô hỏi lao binh :
_ Còn rượu không ?
Tên lao binh sang lều kế bên là nơi chứa vũ khí, dụng cụ, của cải của Ngột-lương Hợp-thai, mang sang một bầu rượu khác.
A Truật tiếp lấy, rót ra ba cái bát :
_ Nào ! Chúng ta cùng uống, để ngày mai vào Thăng-long.
Vừa uống hớp thứ nhất, cả ba cùng cảm thấy mùi khai nước đái ngựa quen thuộc. Nhưng đã trót nuốt một ngụm. Cả ba nhổ nước bọt, rồi gọi ba lao binh phụ trách nấu ăn, thì không thấy chúng đâu. Hoài Đô gọi tên trưởng toán, cũng không thấy. Linh cảm có gì bất ổn, cả ba ra khỏi lều, thì thấy tên lao binh phục dịch nằm úp mặt xuống đất, lưng bị đâm một nhát dao ngay giữa tim. Máu còn đang chảy xối xả.
Hoài Đô giật mình:
_ Kẻ nào dám sát hại thân binh ngay trước soái lều?
Tên Bách-phu trưởng phụ trách hầu cận tới. Nghe Hoài Đô thuật, y kinh hãi, truyền lục soát khắp soái lều, nhưng không thấy gì khác lạ. Khi y cầm bình rượu nước đái ngựa lên, thì thấy dưới đáy vẽ hình cái đầu người méo miệng, với hàng chữ Hán :
« Đại-đởm thập tam kiệt bái kiến ».
Hoài Đô hét :
_ Ngay soái lều của ta là chốn tôn nghiêm, mà bọn Man ra vào giết người ngay trước mắt thì chúng muốn lấy tính mạng ta lúc nào thì lấy hay sao ?
Đến đây quân tuần phòng báo :
_ Tìm thấy xác chết của lao binh trưởng toán hầu cận Thái-sư, cùng bốn lao binh thuộc quyền ở trong rừng. Cả bốn đều trần truồng.
A Truật hiểu ngay : Bọn Đại-đởm thập tam kiệt đã giết bọn lao binh, lấy y phục của chúng mặc vào, rồi đột nhập hý lộng quỷ thần. Tuy kinh hãi, tức giận cùng cực, nhưng bọn Ngột-lương Hợp-thai cũng phải khâm phục kẻ thù.
A Truật truyền lệnh đem tên Bách-phu trưởng phụ trách hầu cận ra chém đầu, rồi lấy một tên gốc người Mông-cổ thay thế. Bọn lính hầu cũng thay thế hết. Bàn tiệc thịt nướng khác lại được bầy ra. Để ý thấy tên hầu cận cầm nhưng ống luồng dài, bỏ vào lò sưởi. Hoài Đô hỏi:
_ Sao người không lấy củi mà lấy ống luồng? Luồng đâu có nhiều hơi nóng?
_ Thưa phò mã, khi chiếm Cụ-bản, quân ta tịch thu được mấy nghìn ống luồng. Trong ống đựng xương thú, rơm tẩm bùn. Khi đốt lên, sức nóng rất mạnh, mà lại lâu nữa.
Hoài Đô cầm một ống luồng lên coi, rồi gật đầu:
_ Mình phải học lấy kỹ thuật này, mang về Mông-cổ, dậy dân, để dân biết chế tạo ra chất cháy mà sưởi ấm.
Sẵn thấy mười ống luồng để ngay cạnh đó, y bỏ vào lò sưởi. Thình lình lửa nháng sáng lòe, vốn có võ công cao, Ngột-lương Hợp-thai, Hoài Đô, A Truật tung mình khỏi lều, thì một tiếng nổ kinh hồn động phách phát ra, tiếp theo, bốn tiếng nữa. Soái lều chìm trong ngọn lửa, khói đen bốc lên mù mịt. Ngọn lửa được dập tắt. Ba tên thân binh hầu cận bị banh xác, da cháy đen như bò bị thui.
Tuy thoát chết, nhưng hú hồn. Vốn thông minh, Hoài Đô hiểu ngay: Mấy ống luồng mà chính tay y bỏ vào lò sưởi, là ống luồng chứa chất nổ. Y sai lao binh kiểm lại kho chứa ống luồng, thì chỉ thấy toàn ống luồng chứa xương thú, rơm tẩm bùn phơi khô.  Y đoán: Chắc bọn Đại-đởm đã bỏ ống luồng chứa chất nổ vào soái lều của y. Y vô tình, bỏ vào lò!
Tuy uất hận, nhưng y cũng phải bật cười:
_ Bọn Đại-đởm thập tam kiệt, quả thực  lớn gan, to mật.
Một đêm hoàn toàn yên tĩnh trôi qua.
Sáng hôm sau, Hoài-Đô bàn :
_ Dường như quân Man rút chạy khỏi Phù-lỗ rồi thì phải. Bằng không đêm qua, chúng không để cho ta yên tĩnh như vậy đâu. Bây giờ chúng ta chuẩn bị vượt sông. Không biết sông nông, sâu thế nào ?
Tên Trịnh Ngọc bầy tỏ cái hiểu biết của mình :
_ Quãng sông này vốn nông. Về mùa Đông dân chúng thường lội qua. Người lội qua được thì ngựa cũng qua được. Xin Thái-sư cứ cho quân vượt sông, không cần thuyền bè.
Tuy tin tên Trịnh Ngọc, nhưng Ngột-lương Hợp-thai cũng ra lệnh cho Tế-tác :
_ Người hãy đem một Thập-phu ra bờ sông, dùng tên bắn dò khắp các khu dọc chiên lũy. Hễ chỗ nào thấy tên nổi lên thì là chỗ sâu. Chỗ nào tên không nổi lên thì là chỗ nông.
Lát sau, viên Thập-phu về báo :
_ Tất cả lòng sông đều nông cả.
Ngột-lương Hợp-thai gọi A Truật :
_ Người hãy xử dụng ba Thiên-phu Lôi-kỵ, dàn ra thành sáu lớp, mỗi lớp 5 Bách-phu, cho vượt sông. Sang sông rồi phải dàn trận chờ đợi khi cánh quân của Phò-mã  sang hết, hãy tấn công.
Lại gọi Hoài Đô :
_ Phò-mã lĩnh ba Thiên-phu, cũng dàn thành sáu lớp, tiến sau A Truật. Khi sang sông, thì cùng tiến đánh chiến lũy.
Một tiếng tù và lệnh rúc lên.
Năm trăm Lôi-kỵ dàn ra bờ sông, cùng lội xuống. Nước nông, chỉ tới bụng ngựa. Ngựa tới giữa lòng sông thì hàng thứ nhì, đã lội xuống tiếp. Lớp thứ nhất sang được ba phần tư sông, thì lớp thứ ba đã xuống sông. Lơp thứ tư đang chuẩn bị.
Thình lình, xẹt, xẹt, xẹt, ba vệt khói vọt lên trời, rồi ba tiếng nổ như sấm, tiếp theo, ba trái cầu lửa tỏa ra trên không thành hình ba con chim ưng.
Bên kia bờ sông, tiếng quân reo hò, lẫn tiếng trống vang dội. Quân Đạị-Việt nấp sau những khiên-mây dùng đao-quất phóng vào địch thủ. Mỗi trái cầu bay ra, không phải là ngựa thì là người, ngã lộn xuống sông. Những dàn Nỏ-thần tác xạ từng loạt, từng loạt. Người ngã ngựa, ngựa ngã, kẻ chết, người bị thương, tiếng la hét hỗn loạn cùng cực. Bị bất ngờ, lớp Lôi-kỵ đầu tiên bị tử thương, chặn phía trước, làm lớp thứ nhì, thứ ba, thứ tư bị dồn ứ đọng lại trong lòng sông.
A Truật cùng đội võ sĩ hơn năm chục người, tay cầm đoản đao, tung mình lên bờ. Vừa tới bờ tay y lia đao, đầu một binh Việt bay khỏi cổ. Đám võ sĩ tấn công các xạ thủ Nỏ-thần. Nhưng chợt cảm thấy có luồng gió hắt vào cổ, y vội trầm người xuống, thì một thanh kiếm lướt qua đầu, cắt mất chỏm mũ. Quá kinh hoảng, y nhảy liền hai bước về trái tránh, thì thanh kiếm theo y như bóng với hình. Choang một tiếng, thanh kiếm chặt trúng miếng hộ tâm kính. Tuy kinh hoảng, A Truật phản ứng rất mau, y vung đao gạt kiếm. Nhưng thanh kiếm đã đổi chiều, chặt đứt đầu tên Thiên-phu trưởng dùng đao tấn công đối thủ cứu y.
Bây giờ A Truật mới nhìn rõ đối thủ, đó là một thiếu nữ sắc nước hương trời. Đội võ sĩ của y đang đấu với một đội nữ võ sĩ xử dụng kiếm. Chợt nhớ lại Tế-tác của tên Trịnh Ngọc cung cấp, y lên tiếng hỏi:
_ Cô nương! Phải chăng cô nương là quận chúa Ý Ninh?
Thiếu nữ trả lời bằng cái lắc đầu, tỏ vẻ không hiểu tiếng Mông-cổ.  Đội nữ võ sĩ tuy nhỏ người, nhưng kiếm thuật cực cao minh, thành ra đội võ sĩ Mông-cổ đã bị đẩy lùi xuống sông.
Dường như thiếu nữ không coi y vào đâu, nàng vung kiếm lên, ánh thép chói lòa, đầu ba Lôi-kỵ bay khỏi cổ. A Truật thúc đao vào cổ nàng. Thiếu nữ không tránh, cũng không đỡ, nàng đưa kiếm vào cổ y. Kiếm ra sau, mà lại tới trước. A Truật không kịp thu đao về, y lộn một vòng ra sau tránh. Y rơi tõm xuống sông.
Chợt thiếu nữ quát lên một tiếng thanh thoát, tất cả đội nữ võ sĩ cùng nhảy lùi lại, mỗi người tung ra một bọc, bụi trắng bay mị mờ. Võ sĩ, Lôi-kỵ Mông-cổ ôm mặt nhảy lùi lại. Nhưng không kịp, các nữ võ sĩ vung kiếm xông vào, đội võ sĩ Mông-cổ bị bay đầu. Biến cố xẩy ra ngoài dự liệu của A Truật.
Võ sĩ bị giết mặc võ sĩ chết, Lôi-kỵ chết nhiều mặc chết nhiều. A Truật vẫn thúc quân xung phong. Lớp thứ ba, thứ tư  dùng tên bắn vào quân Việt, yểm trợ cho lớp thứ nhì vượt sông. Nhưng ngựa sắp tới bờ, bỗng chúng hý lên, rồi con thì nhảy lung tung, con thì ngã lộn xuống nước. Hàng ngũ lớp thứ nhì bị loạn. Trong khi Nỏ-thần trên bờ vẫn tác xạ liên tiếp.
Một Bách-phu trưởng báo cáo với A Truật :
_ Thưa tướng quân, nửa lòng sông bên kia, chúng  chôn chông, chăng trận địa giây ngầm, ngựa của ta vấp ngã, đạp chông bị thương.
Lòng sông bị nghẹt vì xác người, xác ngựa. Đứng bên này sông quan sát trận địa, Ngột-lương Hợp-thai biết tiến không được. Y ra lệnh lui quân. Đoàn Lôi-kỵ trở về bên kia sông, chúng kéo theo hơn nghìn xác người, xác ngựa.
Ngột-lương Hợp-thai nghiến răng :
_ Một chiến lũy nhỏ bằng cái bàn tay, mà mới ra quân, ta đã hy sinh hơn nghìn Lôi-kỵ ! Đau thực ! Ta thề phải chiếm được trong ngày hôm nay.
Thấy con trai run run, y mắng:
_ Có gì đâu mà người phải sợ như vậy?
Một thân binh nói nhỏ vao tai Ngột-lương Hợp-thai:
_ Thế tử suýt mất mạng vì một nữ tướng Việt.
Y đưa mắt nhìn sang sông, thì quả có một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần đang chỉ huy quân. Tên Trịnh Ngọc lập công:
_ Thưa Thái-sư, trong chiến lũy Phù-lỗ có hai nữ tướng, nhan sắc thực hiếm có trên đời, kiếm thuật thần thông. Một tên Bùi Thiệu Hoa, là vợ Trần Tử Đức. Một tên Trần Ý Ninh, em Tử Đức. Cả hai đều là học trò Vô Huyền bồ tát.
_ Ban nãy bọn nữ võ sĩ tung cái gì ra, mà quân ta bị cay mắt, rồi bị giết tàn nhẫn như vậy
_ Thưa, chúng tung vôi bột.
Thấy con vẫn còn run sợ, Ngột-lương Hợp-thai an ủi :
_ Con bình tĩnh lại. Sau khi chiếm chiến lũy, chúng ta sẽ bắt Bùi Thiệu Hoa gả cho phò mã Hoài Đô, bắt Trần Ý Ninh gả cho con làm vợ.
Truyền thống của Mông-cổ là khi thắng đối thủ, thì sẽ bắt vợ, con gái của kẻ bại trận đem về làm vợ. Nghe cha nói, A Truật đưa mắt nhìn sang bên kia sông: Ý Ninh đang đứng chỉ huy quân. Y nói vào tai tên Trịnh Ngọc mấy câu. Tên Trịnh Ngọc nói vọng sang bên kia sông:
_ Thế tử A Truật muốn mời Quận-chúa Trần Ý Ninh sang đây chơi!
Tưởng rằng nói đùa cho vui, đời nào Y Ninh sang? Không ngờ Ý Ninh cắt một khúc cây chuối tung ra giữa sông, rồi nàng vọt người theo. Chân sẽ đạp vào khúc chuối, người nàng đã bay bổng lên cao, từ từ đáp xuống cạnh A Truật. Lúc còn lơ lửng trên không, y phục bay phất phới, trông nàng như một tiên nữ múa khúc Nghê-thường. Chân vừa chạm đất, ánh kiếm lóe lên, mũi chĩa vào ngực A Truật. Y quá kinh hãi, vội lộn người ra sau hai vòng, tay rút đao khoa trước ngực. Nhưng y gạt vào quãng không, vì Ý Ninh đã tra kiếm vào vỏ.
Ý Ninh đưa mắt nhìn tên Trịnh Ngọc:
_ Hãy dịch cho chủ người nghe.
Rồi nàng nói:
_ Tôi nghe danh Thế-tử A Truật võ công cái thế. Không ngờ bản lĩnh chỉ có vậy thôi sao? Người mời tôi sang đây có chuyện gì?
A Truật đã hoàn hồn:
_ Tôi thấy Quận-chúa xinh đẹp, muốn làm quen.
_ Làm quen? Thế tử là tướng Mông-cổ, tôi là tướng Đại Việt. Hai bên đang chém giết nhau, quen nhau để làm gì?
_ Tôi muốn cầu hôn với Quận-chúa.
_ Khi tôi bắt đầu học kiếm, đã phát thệ rằng: Nếu có chàng trai nào bước qua được thanh kiếm của tôi, thì tôi nguyện làm vợ người đó. Vậy Thế-tử có dám đơn đấu với tôi không?
_ Tôi xin lĩnh giáo cao chiêu của Quận-chúa. Nào mời!
Tưởng rằng ít ra Ý Ninh cũng đối đáp vài câu nữa. Nào ngờ, lấp loáng ánh thép, mũi kiếm của nàng đã đưa vào cổ A Truật. A Truật kinh hãi, y lộn người ra sau hai vòng để tránh chiêu số hiểm độc. Không ngờ Ý Ninh di chuyển thân hình theo, mũi kiếm thủy chung vẫn dí vào cổ y. Quá kinh hãi, y trầm người xuống đất, lăn mình đi mấy vòng, rồi tung người dậy. Y vừa đứng vững thì mũi kiếm vẫn dí vào cổ y đau nhói. Bốn võ sĩ Mông-cổ cùng vung đao tấn công Ý Ninh, để cứu chủ. Ý Ninh bỏ không truy kích A Truật nữa, nàng tung mình lên cao, tay khoa kiếm. Đầu bốn võ sĩ bay khỏi cổ. Vừa đáp xuống đất, tay nàng chụp tên Trịnh Ngọc ném ra giữa sông, rồi tung người theo, nàng đạp vào lưng tên Ngọc, thân hình đã đáp sang bên kia sông.
Tên Trịnh Ngọc đã bơi vào bờ. Ngột-lương Hợp-thai vừa hết kinh hoảng thì một viên Thập-phu Tế-tác báo :
_ Phía hạ lưu, bên kia sông không có giặc. Sông chỗ đó lại nông. Ta có thể vượt qua.
Ngột-lương Hợp-thai truyền lệnh cho A Truật :
_ Người đem ba Thiên-phu xuống hạ lưu vượt sông.
Lại ra lệnh cho Hoài Đô :
_ Phò mã cứ dàn quân, chuẩn bị vượt sông. Lần này ta cho lao binh lội trước, nhổ chông ngầm,  dùng dao cắt hết trận địa giây, sau đó cho Lôi-kỵ vượt sông.
Y ra lệnh cho Lôi-tiễn, Pháo-binh :
_ Hãy bắn vào tuyến phòng thủ bên kia sông của Nam-man.
Lôi-tiễn của Mông-cổ phỏng theo Lôi-tiễn của Đại-Việt. Sau thời gian dài đánh Trung-quốc, Tây-hạ, các nước phương Tây, học được kỹ thuật của họ, nên trở thành tinh vi, tầm bắn xa hơn, Lôi-tiễn lớn hơn. Từ hôm sang Đại-Việt, đây là lần đầu tiên Mông-cổ tìm được bãi đặt Lôi-tiễn, nã vào một vị trí cố định của Đại-Việt.
Một loạt Lôi-tiễn đầu tiên bay sang bên sông, rơi vào phòng tuyến quân Việt. Không thấy quân Việt phản ứng. Hai loạt kế tiếp, vẫn không thấy phản ứng. Cho rằng quân Việt đã rút chạy. Hoài Đô ra lệnh vượt sông. Ngựa hý, quân reo, ba lớp Lôi-kỵ vượt sông. Khi sắp tới bờ, một tiếng tù và rúc lên. Quân Việt lại xuất hiện. Khiên-mây dương lên, Nỏ-thần tác xạ. Đao-quất tung những trái cầu vun vút. Đội nữ võ sĩ với Ý Ninh dàn ra thủ sát bờ sông. Mỗi kiếm vung lên, đầu một Lôi-kỵ rơi xuống.
Hoài Đô tinh mắt, y đã nhìn rõ : Quân Việt núp dưới những hố cá nhân sâu, thò đầu lên, chỉ khi nào Lôi-tiễn nã trúng hố của cá nhân nào thì cá nhân đó mới bị chết. Vì vậy Lôi-tiễn, máy bắn đá trở thành vô ích.
Có tiếng reo hò ở hạ lưu. Quân của A Truật đã sang sông, đang đánh ép vào hông quân Việt. Nhưng quân Việt vẫn không lùi, họ vẫn chiến đấu. Sau hơn khắc, ba lớp quân của Hoài Đô đã lên được bờ, thì chỉ thấy phía sau đê, toàn khiên-mây, tên mắc vào như lông nhím,  dăm ba chục xác chết nằm cong keo. Còn quân Việt đã rút lui theo con đường cỏ rậm vào trong chiến lũy.
Đại quân Mông-cổ vượt sông dễ dàng.
Trời đã về chiều. Sau một ngày xung sát, người ngựa mệt mỏi, Ngột-lương Hợp-thai ra lệnh đóng quân qua đêm. Hòa Khâm trình cho y tình hình quân Việt :
_ Vì địa thế bờ sông quá mỏng, nên tên Trần Tử-Đức sai em gái là Trần Ý Ninh đem hai nghìn bộ binh trấn thủ. Chỉ hai nghìn bộ binh, mà chúng làm cho đại quân ta cực kỳ vất vả, tổn thất gần hai nghìn Lôi-kỵ. Sau khi ta vượt sông, thì đúng lúc Thần-nỏ của chúng hết tên. Biết thế không chống nổi, chúng rút vào trong chiến lũy rồi. Trong chiến lũy chỉ có một hiệu bộ binh Tiên-yên. Không có dân chúng. Còn Kỵ-binh, Ngưu-binh sau khi đánh nhau với Vương Huy, không biết chúng ở đâu.
Ngộït-lương Hợp-thai ra lệnh :
 _ Hãy dùng máy bắn đá, Lôi-tiễn nã vào trong chiến lũy suốt đêm. Rồi sáng mai ta đồng tấn công.
Lôi-tiễn, máy bắn đá nã liên tiếp vào trong chiến lũy. Chiến lũy nằm im lìm trong đêm. Ngột-lương Hợp-thai nghe Lôi-tiễn nổ y nói với Hoài Đô :
_  Cứ như vậy, thì sáng mai, chiến lũy Phù-lỗ chỉ còn là bãi đất hoang !
Đâu đó có tiếng ngựa hý, tiếng quân reo vọng lại rồi quân báo :
_ Dường như Cụ-bản có sự, vì lửa bốc cao. Lại có cả tiếng ngựa hý, tiếng trâu rống vọng về !
Ngột-lương Hợp-thai nhảy phắt lên :
_ Ái chà ! Từ sáng đến giờ, nghe báo vắng bóng đạo Kỵ-binh, Ngưu-binh tại chiến lũy Phù-lỗ, ta cứ lo ngay ngáy trong lòng, không biết chúng ở đâu ? Không chừng chúng tấn công Cụ-bản, cướp lương cũng  nên !
Tiếng quân reo, ngựa hý mỗi lúc một gần. Lát sau, quân báo :
_ Cánh quân Đại-lý đóng ngoài chiến lũy Cụ-bản bị bọn Đại-đởm thập tam kiệt dùng Ngưu-binh tấn công. Khoảng hơn ba trăm người vừa chết, vừa bị thương. Còn Cụ-bản vẫn yên tĩnh. Sau khi tấn công, Ngưu-binh bỏ trốn vào rừng.
Nhưng tiếng quân reo, tiếng người la hét vẫn vọng lại. Trong lòng Ngột-lương Hợp-thai nóng như lò lửa. Y kiên nhẫn ngồi chờ. Lát sau quân báo :
_ Cũng vẫn bọn Nguyễn Thiên-Sanh dùng Ngưu-binh, tấn công vào khu vực đóng quân của binh Đại-lý. Sau khi làm chết, bị thương vài trăm người, chúng lại bỏ chạy vào rừng. Bọn tướng chỉ huy là 5 con nhãi tuổi chưa quá 15!
Đến gần sáng, tiếng reo hò, tiếng trâu rống ngựa hý lại vọng về. Lát sau, quân báo :
_ Kỵ-binh, Ngưu-binh An-Nam do bọn Đại-đởm thập tam kiệt chỉ huy đánh Cụ-bản. Chúng đã lọt vào trong. Hiện hai bên đang giao chiến.
Ngột-lương Hợp-thai ra lệnh cho A Truật, Hoài Đô:
_ Hãy ngừng tiến đánh Phù-lỗ. Trở lại cứu Cụ-bản.
Những đội quân đóng trên đường phải nhổ trại trong đêm, để Lôi-kỵ lên đường. Khi sắp tới gần Cụ-bản thì tiền quân  báo :
_ Trong chiến lũy đèn đuốc đốt sáng như ban ngày.
A Truật ra lệnh cho bộ binh :
_ Tiến vào !
Một Bách-phu bộ binh tiến lên. Quân trấn bên trong mở cửa. Viên Vạn-phu trưởng trấn Cụ-bản báo cáo :
_ Hồi chiều, quân Nam theo những ngõ ngách bí mật đột nhập vào trong, rồi chúng phóng hỏa, hò hét khắp nơi. Khi chúng tôi đốt đuốc lên, thì chúng biến mất. Chỉ có một kho chứa lương thực bị cháy mà thôi.
A Truật sai quân báo với Ngột-lương Hợp-thai. Y nhảy phắt lên :
_ Mình ngu quá ! Mình ngu quá ! Mình mải mê đem đại binh tiến về Thăng-long, giao cho bộ binh gốc Trung-quốc trấn giữ Cụ-bản. Bọn An-Nam biết thế, chúng đột nhập đốt lương. Cũng may, chúng không chiếm được Cụ-bản.
Y truyền để lại ba Thiên-phu Lôi-kỵ, với một vạn bộ binh, trấn dài từ Thảo-lâm tới Cụ-bản.
Đến đây, trời dần dần sáng !


Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét