Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A - Gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 80

HỒI THỨ TÁM MƯƠI

Hán Việt giai huynh đệ

Vương hướng vào cử tọa:
– Mời chư tướng hiệu Thiệu Hưng nhận lệnh.
Hơn một trăm người đứng dậy:
– Thống lĩnh hiệu binh này là đại tôn sư võ học Phùng Tập. Cạnh Phùng sư phó là : Hữu thiên ngưu vệ thượng tướng quân, An biên tử, Trần Quốc Vỹ. Ngày mai sẽ lên đường vào giờ thìn. Ngay chiều nay Phùng sư phó phải cho Vệ Đại đởm khởi hành trước, cùng với đội Ngao binh, Ưng binh, để mở đường. Dùng chim ưng, Phi mã liên lạc với nhau. Hoa sơn ngũ hiệp sẽ cử người dẫn đường, cũng là người liên lạc giữa ta với Đô đốc Giang an. Khi tới Chiêu thông sẽ xuống thuyền đi Giang an. Từ Giang an đi Thành đô sẽ do thủy quân Tống chuyên chở.
Yết Kiêu vẫy tay, tướng sĩ hiệu Thiệu Hưng cùng rời phòng họp.
Vũ Uy vương lại ban lệnh:
– Mời chư tướng hiệu Văn Bắc nhận lệnh.
Hơn trăm người đứng dậy.
– Thống lĩnh hiệu binh này là : Tả thiên ngưu vệ Đại tướng quân, Khâu Bắc bá Trần Quốc Kinh, cùng năm ái đồ của đại sư Huệ Đăng .Tất cả đều là những người văn mô, vũ lược, kinh nghiệm chiến đấu. Đợi cho hiệu Thiệu Hưng lên đường ba ngày thì cho hiệu Văn Bắc tiếp theo. Tuy đã có hiệu Thiệu Hưng đi trước, nhưng cũng cần cho Vệ Đại đởm, Ngao binh, Ưng binh đi mở đường. Hoa sơn ngũ hiệp sẽ đi theo làm người  hướng đạo, liên lạc với Tống.
Sau khi tướng soái hai hiệu binh rời phòng họp. Vũ Uy vương họp riêng với bộ tham mưu gồm mười người. Bộ tham mưu do Địa Lô làm Thống lĩnh, gồm Quản tác chiến, phụ trách kế hoạch hành quân. Quản Tế tác, coi về tình báo. Quản chuyển vận coi về tiếp tế. Quản nhân sự coi về quân số và các tướng chỉ huy 7 Vệ yểm trợ gồm Nỏ thần, Lôi tiễn, Kị binh, Ngưu binh, Đại đởm, Ngạc ngư, Phi mã.
Vì Văn sơn là ấp phong của Địa Lô, nên Địa Lô phải trách nhiệm cung cấp thực phẩm, nơi cư trú cho bộ tham mưu. Châu trưởng Văn sơn là Hà Bổng, người đã có công trong trận đánh thời Nguyện phong. Châu này này là một châu bờ xôi, giếng mật;  trên rừng nhiều gỗ quý, sông nhiều tôm cá, dân chúng giầu có xúc tích.
Sau buổi họp Vũ Uy vương, vương phi dạo quanh một vòng khu châu lỵ. Hai vị phải công nhận châu trở về với Đại Việt, mới hơn năm qua mà đã thay đổi hẳn, phồn thịnh không thua bất cứ châu, quận nào ở miền xuôi: nhà ngói mọc lên san sát, đường đi lát đá. Hai bên đường trồng cây cho bóng mát. Châu có tới bốn ngôi trường, ngôi nào cũng có trên trăm học trò học. Tại mấy bến sông, thuyền bè đậu nối tiếp nhau. Trên đường xe ngựa, xe bò chạy rầm rập.
Phi khen:
– Châu trưởng Bổng quả là người có tài trị dân. Anh phải ban lệnh thăng chức tước cho châu trưởng để khuyến khích người tài.
– Anh sẽ tâu xin phong tước cho Hà.
Một Phi mã tới trình cho vương ống thư. Vương phi hỏi:
– Thư của ai vậy?
– Thư của Đại Hành.
Vương mở thư ra đọc:

“ Khải vương gia,
Rời Thăng long, thần phi ngựa bất kể ngày đêm. Sau ba ngày tới tổng hành dinh của Mông Ca ở Quan trung. Vì Hốt Tất Liệt trở lại nắm binh quyền, nên tất cả các quan của triều đình Yên kinh được thả ra khỏi nhà ngục, được phục hồi chức tước cũ. A Lý Hải Nha lại nắm Thừa tướng hành Trung thư tỉnh , với Tuyên phủ ty gồm 16 Thượng thư, Tham tri chính sự. Còn A Lan Đáp Nhi, Lưu Thái Bình, Ngột A Đa phải trở về Hoa lâm phụ tá cho A Lý Bất Ca. Bộ ba A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh, Kim Đại Hòa được gửi vào Tứ xuyên chỉ huy  ba đội Cấm quân  hộ vệ Đại hãn. A Lan Đáp Nhi lấy cớ thần là Phi mã tướng quân, Vạn phu trưởng, vương bổ nhiệm thần coi đội Cấm vệ cạnh Mông Ca. Ngoài ra Hốt Tất Liệt cũng tuyển mộ một số cao thủ võ lâm người Hán thành lập đội Cấm quân, sao Ô Mã Nhi chỉ huy đem vào Tứ xuyên hộ vệ Đại Hãn.
Thần xin yết kiến Thanh Liên (Thanh Hoa) trao chiếc áo giáp mũ bạc mà vương muốn dâng cho Đại hãn Mông Ca. Mông Ca mặc thử, mọi người đều khen đẹp, kiên cố hơn các áo giáp Mông cổ. Mông Ca đã mặc trong hai trận đánh với Tống.
Hiện Mông Ca cho quân nghỉ dưỡng sức sau mấy trận đánh.
Thần dùng chim ưng liên lạc được với Bạch Liên. Bạch Liên cho biết, Hốt Tất Liệt đã chỉnh bị lại toàn thể đội ngũ tại mặt trận phía Đông, đang chuẩn bị đánh Ngạc châu.
Báo với vương phi: thần đã liên lạc được với Trần Mạnh Quốc, Vũ Cao San. Thiên phu của hai người hiện đóng gần Thành đô.
Có tin tức gì, thần sẽ trình vương gia sau”.

Vương phi Ý Ninh tỏ ý thương xót thuộc cấp:
– Chinh chiến! Đại Hành mới cưới vợ được mấy ngày, mà phải lên đường. Hoa nở có thì. Nghĩ cũng tội nghiệp cho con bé Cẩm Nhãn, đa tình xinh đẹp mà uổng phí những ngày hoa rực rỡ.
– Địa Lô mới đáng thương chứ! Y là con người đa tài, đa tình mà duyên tình lại trắc trở.
– Anh nói! Trắc trở gì? Cu cậu quá đào hoa. Hết Như Lan, đến Chân Phương, bây giờ mới cưới con bé Ngọc Hồng tươi như hoa. Mấy ngày nữa cu cậu phải theo mình Bắc viện. Anh có cho con bé Ngọc Hồng theo quân không?
– Cho! Mình đã mang mười con bé ca nhi Ngọc theo thì cũng nên cho con bé Ngọc Hồng theo để tấu nhạc.
– Em định dùng 10 cô Ngọc vào việc gì? Có giống năm cô Đông hoa không?
– Hơi giống thôi!
– Hơi là thế nào?
– 10 con bé Ngọc đẹp hơn 5 cô Đông hoa. Trong 10 con bé, thì em đã quyết định gả Ngọc Đức, Ngọc Thiên cho hai người rồi.
– Ái chà trong 10 cô thì hai cô này đẹp nhất. Em định gả cho ai?
– Trần Mạnh Quốc, Vũ Cao San.
– Hai người này xứng đáng được vợ đẹp. Tại sao em lại có ý đó?
– Anh là đàn ông nên không mấy để ý đến những truyện tình cảm của trai gái. Cái lúc mà chúng mình núp nghe thầy Tạ Quốc Ninh với cô Hoàng Liên nói truyện với hai người này. Em chú ý thấy hai người nhìn cô Hoàng như ngây như dại. Lại khi trong điện Quang minh ở Yên kinh. Hai người này hết nhìn Bích Ngoan, Thúy Nga đến cô Hoàng Liên, miệng nuốt nước miếng ừng ực. Em nhân không ai chú ý, đã đặt câu hỏi với hai người.
– Em hỏi như thế nào?

“– Hai em thấy cô Hoàng Liên, Thanh Nga với, Thúy Nga thế nào? Có đẹp không?
– Ba người này là tiên nữ  trên thế gian.
Cao San, nếu như cho em chọn. Trong ba người em chọn ai?
– Em chọn Thúy Nga.
– Còn Mạnh Quốc! Em chọn ai?
– Em chọn cô Hoàng.
– Hai em tuổi đã trên dưới 20 rồi. Đã em nào có vợ chưa?
– Chưa! Chị gả cho chúng em mỗi đứa một cô như Thanh Nga, Thúy Nga đi.
– Hiện chị không còn cô nào ở cạnh cả. Đợi xong việc ở đây, chị về nước, chị sẽ tuyển cho hai em.  Mỗi em một cô đẹp hơn Thanh Nga với Thúy Nga, rồi gửi sang cho các em.
– Chị hỏi vợ cho chúng em, như  vậy chị là mẹ hai đứa bọn em rồi.
– Nếu sau này có sự! Chị bảo hai em tuân lệnh chị. Hai em có tuân không?
– Lọ là phải nói. Chị bảo chúng em nhảy vào nước, vào lửa chúng em cũng tuân.
– Hai em nhớ lời nhé;
– Dạ nhớ!”

– Hèn gì trong thư Đại Hành  có viết một câu: Báo với vương phi, thần đã liên lạc được với Trần Mạnh Quốc, Vũ Cao San. Vạn phu của hai người hiện đóng gần Thành đô. Thì ra thế. Em hành sự bí mật thật. Đến chồng ở bên cạnh cũng không biết.
– Em xin lỗi đã không cáo vụ này với anh trước.
– Em định gửi hai cô Ngọc cho Trần, Vũ như thế nào?
– Trần Mạnh Quốc, Vũ Cao San hiện chỉ huy một vạn phu kị binh Mông Cổ đánh chiếm Thành đô. Khi Đại Hành lên đường, em đã viết thư nhờ Đại Hành báo cho hai người này rồi. Đợi mình sang đất Tống, mình sẽ tìm cách đem Ngọc Đức, Ngọc Thiên tới cho hai người.
– Vụ này phải làm cho long trọng. Bởi Ngọc Đức, Ngọc Thiên là hai cô hoa khôi, đàn ngọt, hát hay. Phải làm như mình đã làm cho năm cô Đông hoa. Để anh gửi tấu chương về Thăng long, xin triều đình ban chỉ gả hai cô cho hai tướng. Như  vậy mình cột chết hai tướng với hai cô. Tức cột cứng hai người với Đại Việt.
– Anh cũng xin triều đình ban ân cho hai cô như trước đây đã ban ân cho Đông hoa.
– Chiều nay anh sẽ gửi biểu liền, sai ngựa Lưu tinh chuyển về Thăng long ngay.

Phi trở lại với thư của Đại Hành:
– Hồi về Thăng long, em thấy anh ra lệnh cho xưởng chế vũ khí làm một cái áo giáp bạc, một cái mũ; bên ngoài khảm xà cừ rất đẹp. Phía trong của vỏ bạc là một lớp gỗ trầm mỏng. Trên mũ gắn 18 viên ngọc trai. Khi Đại Hành lên đường anh trao cho y. Áo giáp, mũ dùng vào việc gì vậy?
– Dùng để cống cho Mông Ca hãn.
– Em không hiểu ý anh.
– Khi trao áo giáp cho Đại Hành, anh đã dặn y rằng:

“ Hiện Mông Ca hãn Đông chinh. Ông ta  cực kỳ sủng ái Thanh Liên. Ông ta có cả nghìn phi tần, thế mà lần viễn chinh này ông ta chỉ mang theo mình Thanh Liên. Bằng mọi giá phải yết kiến Thanh Liên, trao áo giáp này cho Thanh Liên, để Thanh Liên dâng Mông Ca. Tuyệt đối không cho bất cứ ai biết xuất xứ chiếc áo giáp với cái mũ “õ.

– Em vẫn không hiểu rõ ý định của anh.
Vương cười:
– Vợ chồng mình lo quốc sự, đúng ra anh không nên dấu em điều gì. Nhưng đây là một kế tối mật, áp dụng thuật Phong thủy, thiên cơ bất khả lậu, nên không thể nói ra. Nói ra sẽ mất linh. Sở dĩ anh cho làm áo, mũ khảm xà cừ cùng gắn ngọc trai, bởi hôm trước nghe A Lan Đáp Nhi với Ngột A  Da nói truyện với nhau rằng Mông Ca thích những đồ trang sức vàng bạc, giống như đàn bà. Hai người đó từng dâng cho Mông Ca một cái mũ vải gắn 5 viên ngọc trai. Mông Ca thích lắm, luôn đội cái mũ đó khi thiết triều. Vì vậy anh mới làm áo giáp, mũ khảm để Mông Ca mặc khi xuất trận. Tại sao phía trong áo anh lại lót một lớp gỗ trầm mỏng? Vì gỗ trầm sẽ tạo cho người mặc một cảm giác thơm tho.
– Thôi em không tò mò vào việc này nữa. Em muốn biết một điều, hôm ở Yên kinh, anh nhờ Đại Hành hỏi Thanh Liên ngày tháng năm sinh của Mông Ca, Hốt Tất Liệt, A Lý Bất Ca. Thế anh đã có chưa?
– Có rồi!
– Anh tính số Tử vi của chúng  chăng? Em thấy Phụ hoàng thường chú ý vào khoa Tử vi mà dùng người. Anh học Tử vi với ai?
– Tất cả các con trai của Phụ hoàng đều học khoa Tử vi rất sâu.
– Ai là thầy dậy?
– Chính Huệ Túc phu nhân. Phu nhân mới được phong làm Nguyên phi sau trận giặc thời Nguyên Phong.
– Em thấy Nguyên phi Huệ Túc cực kỳ kính trọng Hưng Đạo vương, và cảm  tình với anh. Người không mấy ưa Chiêu Quốc vương Ích Tắc, dù chú ấy là người bác học đa năng. Chắc vì phi căn cứ vào số Tử vi.
– Đúng vậy.
– Anh thấy số của ba anh em Mông Ca ra sao?
– Số của Mông Ca không tốt lắm. Chẳng qua con vua thì lại làm vua mà thôi. Năm nay đại tiểu hạn đều xấu, mà y thân chinh thì cái thất bại đã trông thấy.
– Y tử trận không?
– Mình có thể căn cứ vào số y, rồi thiết kế giết y!
– Ừ! Hay đấy! Vận hạn y ra sao?
– Số của y Vũ khúc, Thiên tướng, Tướng quân thủ mệnh tại Dần. Năm nay đại hạn tại Mùi ngộ Kình, Kiếp, Thiên thương. Tiểu hạn tại Thân ngộ Hình, Kỵ. Thiên tướng, Tướng quân  không sợ Kiếp, Không mà sợ Kình, Hình, Kị. Đúng ra tiểu hạn ngộ Kiếp thì mệnh Thiên tướng bất kịï. Nhưng Kiếp hợp với Kình, Thiên thương chúng nhập bọn với nhau thành nguy hiểm. Kình là thanh đao, Hình là thanh kiếm. Kị là nước. Thiên tướng, Tướng quân thủ mệnh, mà đại hạn ngộ đao, kiếm, thì dễ bị mất đầu. Nếu ta thêm Hình, Kình, Kỵ tại cung Thân thì y có thể sẽ bị chết cháy, chết đuối, hoặc bị chết vì Lôi tiễn.
– Làm thế nào mà thêm Kình, Hình, Kị?
– Ta dùng những tướng Kình dương, Thiên hình thủ mệnh thì trị y không có.
– Mình có những tướng nào thuộc loại này?
– Mệnh Dã Tượng có Kình dương thủ. Mệnh của Yết Kiêu có Thiên hình thủ. Mệnh của Nguyễn Thiên Sanh có Thiên hình thủ, cung quan có Kình dương thủ. Ta dùng ba người này thì hy vọng trị được Mông Ca. Ta còn dùng Thanh Liên nữa. Thanh Liên sinh tháng 10, nên số Tử vi thuộc cách mệnh Không, thân Kiếp, mệnh có Hóa kị.
– Khoa Tử vi huyền diệu quá. Em chỉ hiểu lơ mơ thôi. Sau này hết giặc, em phải học thực kỹ mới được.
– Điều gì hôm nay làm được đừng để ngày mai. Ngay chiều nay anh dạy em.
– Ừ! Nhỉ !
Lại một Phi mã tới hành lễ:
– Văn sơn Tử kính thỉnh vương gia, vương phi về dinh nhập tiệc.
Vương phi giật mình:
– Chiều rồi, vợ chồng mình mải mê quên cả đói.

Vương, vương phi  cùng hướng về dinh Văn sơn tử. Địa Lô dẫn vợ ra đón khách. Trong khi họp Địa Lô lo lắng không ít, vì cô vợ quá trẻ, lại mới làm dâu bốn ngày, liệu có đủ khả năng điều động đầu bếp, gia nhân làm tiệc chiêu đãi Vũ Uy vương cùng bộ tham mưu và Hoa sơn Ngũ hiệp hay không? Không ngờ khi Tử về dinh, thì đại sảnh trong dinh trang trí thực thanh nhã. Tiệc đã xong. Các đầu bếp, gia nhân, thị nữ người nào việc ấy đều đặn. Còn Ngọc Hồng thì đã y phục chỉnh tề, trang điểm giản dị, đang chờ khách.
Có tiếng nhã nhạc, lẫn tiếng ca theo điệu Lưu thủy vọng ra. Biết đây là do đội ca nhi Ngọc tấu, chào mời khách.
Thấy cô bé Ngọc Hồng trong y phục phu nhân, vương phi Ý Ninh nắm lấy tay nàng:
– Thế nào cô dâu trẻ, lấy chồng vừa được một ngày đã lên đường làm đại phu nhân. Có vui không?
Ngọc Hồng cung tay:
– Cháu đang là một cô gái bé tý tẹo! Trong cuộc đối thoại không quá một giờ của các anh, các chị, cháu được gả cho thầy Lô. Rồi chỉ qua một đêm, hôm sau đức vua làm lễ cưới, cháu thành phu nhân của Văn Bắc thượng tướng quân. Rồi cũng chỉ một ngày, cháu lên xe ngựa tới đây làm phu nhân.
– Ngọc Hồng đừng buồn vì đám cưới của Hồng diễn  ra mau qúa. Hồi thím với chú lấy nhau, không quá một khắc.
– Không quá một khắc?
– Đúng vậy! Chú, thím rời chiến trường, y phục đẫm máu, cả hai được lệnh triệu hồi xuống chiến thuyền chầu Nguyên Phong hoàng đế. Người ban chỉ:
“ Kể từ lúc này, hai con thành vợ chồng”.
Sau khi chú thím bái lậy phụ hoàng, thím trở thành vương phi. Vừa lên hỏi thuyền, cả hai lăn xả vào đánh chặn không cho giặc tràn về Thiên trường. Trận chiến kéo đài liên tiếp 10 ngày 11 đêm.

Trong sảnh đường, quan khách đã đầy đủ: Chiêu Quốc vương, vương phi; mười tướng trong bộ tham mưu, Hoa sơn ngũ hiệp, Tuyên vũ sứ Hà Bổng, châu trưởng Hà Đặc, Hà Chương, các tướng trong hai hiệu binh Thiệu Hưng, Văn Bắc.
Địa Lô ngồi vào chủ vị tiếp khách, thứ đến Vũ Uy vương, Chiêu Quốc vương, vương phi rồi tới Hoa sơn ngũ hiệp v.v.
Vương phi Ý Ninh hỏi:
– Ngọc Hồng! Sao cháu không ngồi vào chủ vị tiếp khách?
Ngọc Hồng kính cẩn:
– Cháu phải làm lễ cúng cơm công chúa Như Lan, xin thím đại xá cho.
Phi hỏi:
– Bàn thờ Như Lan đâu?
Ngọc Hồng dẫn phi sang một phòng khác. Trong phòng có một bàn thờ hương khói nghi ngút, tấm hình Như Lan lớn  bằng người thực, nét vẽ cực sống động. Trên bàn thờ có chín món ăn cùng hoa quả. Mười ca nhi đội Ngọc phủ Vũ Uy đang ngồi tấu nhạc. Bản nhạc vừa dứt, Ngọc Hồng nói:
– Mười chị sang đại sảnh dự tiệc. Việc cúng cơm em xin đảm trách.
Ngọc Hồng cầm dùi đánh ba tiếng chuông, rồi cầm cây nhị kéo, âm thanh thê lương uyển chuyển. Nàng cất tiếng ca:

Hỡi ôi!
Nhớ thủa sinh thời,
Nhan sắc diễm lệ,
Võ công vô địch,
Cử bút thành văn,
Bẩy bước thành thơ.
Cành càng lá ngọc,
Được tuyển làm phi,
Bây giờ hồn ở nơi đâu?
Cỗ một mâm, hoa thơm một bó.
Hồn có thiêng xin về chứng giám.
Thương ôi!
Nhớ xưa, tiết liệt, đài trang,
Nay hồn phiêu phưởng, thác oan quê người.

Để mặc cho Ngọc Hồng cúng cơm, vương phi Ý Ninh dẫn mười nàng Ngọc sang đại sảnh đường dự tiệc.
Thúy Hồng thuật cho cử tọa nghe về việc con gà trống, bốn phẩm oản trên bàn thờ Như Lan tại nhà Địa Lô biến mất. Hoàng Nương góp ý:
– Tôi không tin là hồn Như Lan hiện về ăn gà, ăn oản. Có lẽ một cao thủ võ lâm đã hiển lộ bản lĩnh trêu ghẹo Ngũ ưng mà thôi!
Dã Tượng tán đồng:
– Tôi cũng đã đoán như thế. Có điều võ công người này thực siêu phàm. Vì chúng tôi mười người cùng hiện diện, mà chỉ thoáng một cái người này đã hành sự xong. Tôi thấy quanh bàn thờ có mùi nước hoa thoang thoảng, giống mùi nước hoa của Chân Phương. Vậy cao thủ này là đàn bà! Và người này từng sang Trung nguyên.
Vương Chân Phương lắc đầu:
– Vì mùi nước hoa giống mùi nước hoa em dùng, em mới nghi hồn ma chị Như Lan hiện về.
Tiệc gần tàn thì viên đầu bếp nhớn nhác chạy lên, nói sẽ vào tai Địa Lô mấy câu. Vương phi Ý Ninh hỏi:
– Cái gì đã xẩy ra?
Viên đầu bếp thưa:
– Đang nấu món đùi lợn hầm măng, thần chạy ra ngoài lấy thêm củi, thì khi trở vào bếp, không biết ai đã dùng nước tạt tắt hết cả 6 cái bếp. Thần lên phòng thờ tìm phu nhân Ngọc Hồng, không thấy phu nhân đâu!
Địa Lô xin phép rời đại sảnh sang phòng thờ: hai con bồ câu quay với đĩa xôi lớn chỉ còn đĩa không! Tử sai tỳ nữ tìm khắp dinh, không thấy Ngọc Hồng đâu. Bình tĩnh, Địa Lô mời khách trở lại bàn tiệc. Đại Đởm đại tướng quân hét be be:
– Cái màn này là võ công của bọn Đại đởm. Hôm nay tôi có mặt tại đây, quyết không để cho kẻ nào đó hý lộng quỷ thần.
Hầu ra sân, hú lên một tiếng dài liên miên bất tuyệt, lập tức 12 Đại đởm xuất hiện. Mỗi người dẫn một con chó sói, trên vai một con chim ưng. Hầu thuật sơ sự kiện rồi ra lệnh:
– Anh em hành sự đi!
Mười hai Đại đởm tỏa ra bốn phía đinh cùng với chó, ưng. Sau hơn nửa giờ, tất cả đều trở về , không tìm ra vết tích Ngọc Hồng. Nguyễn Thiên Sanh giải đoán:
– Cái người ăn trộm gà, oản ở nhà Địa Lô cũng là người lấy bồ câu, xôi ở bàn thờ Như Lan. Y cũng là người tạt nước tắt bếp, và bắt cóc Ngọc Hồng. Chắc chắn y là người nhà nên chim ưng không báo cho ta biết.
Hầu nói với Hà Bổng:
– Chó, ưng này là chó ưng được nuôi dạy để canh phòng. Nó biết phân biệt quân nhà với kẻ gian. Người đùa dỡn này là người nhà, nên chúng không báo động cho ta. Xin Tuyên vũ sứ kiếm cho tôi mấy con chó nuôi trong nhà, rồi xua chúng đi tìm. Chúng sẽ xủa khi gặp bất cứ ai.
Mọi người trở vào đại sảnh. Vương phi Ý Ninh nghĩ ra một truyện. Phi dùng Lăng không truyền ngữ rót vào tai Địa Lô: hãy làm theo lời thím.
Tiệc tàn.
Địa Lô tiễn khách ra về, rồi trở vào phòng thờ Như Lan. Tử thắp hương, khấn:
– Em ơi! Anh yêu em với tất cả chân tình. Tưởng rằng chúng ta sẽ sống hạnh phúc bên nhau. Nào ngờ đức vua Cao Ly tuyển em làm Thái tử phi. Những đêm dài ở Cao ly anh muốn chết đi cho rảnh. Bây giờ cách trở âm dương, tuy mới cưới vợ, nhưng anh vẫn không quên được em. Anh muốn chết theo em. Thôi thì anh ra nơi chúng mình từng yêu nhau, mươn sợi dây để chúng mình bên nhau.
Khấn dứt, Tử lững thững ra bờ suối, nơi Tử cùng Như Lan từng hẹn nhau tâm tình. Tử ôm lấy tảng đá trước đây Như Lan từng ngồi, gục đầu vào mà khóc. Khóc một lúc, Tử lấy dây lưng buộc hai dầu vào cành cây, rồi khấn:
– Thôi thì anh mượn sợi dây này, để chết đi. Chỉ chết đi anh mới gặp lại được em.
Khấn dứt, Tử chui đầu vào cái thòng lọng. Hai chân tay dẫy loạn xạ. Có tiếng quát thanh thoát:
– Không nên! Ngừng lại.
Rồi một người mặc y phục bộc phụ từ một ngọn cây nhảy xuống, giật dây ra, tay đỡ Tử, đặt Tử ngồi trong lòng; hai tay vuốt cổ cho Tử. 
Thấp thoáng bóng tím, một người xẹt tới như điện chớp, vung tay điểm huyệt đại trùy của bộc phụ, tay giật cái khăn trùm đầu của bà ta ra, tiếp theo tiếng nói dịu dàng:
– Nào! Ta mở khăn ra để biết kẻ ăn vụng thịt gà tại nhà Địa Lô, ăn vụng chim câu tại đây là ai!
Địa Lô chuyển mình một cái, đứng dậy. Tử mở to mắt ra nhìn bộc phụ, tay giải huyệt cho nàng: bây giờ rõ mặt đôi ta. Rõ ràng người đó chính là Như Lan. Vương phi Ý Ninh nói lạnh như băng:
– Như Lan, về võ công em luyện tới bản lĩnh siêu việt. Em lại có văn tài. Khóc em, Ngọc Hồng ca tụng em: cử bút thành văn, bẩy bước thành thơ. Em là công chúa Đại Việt, là Thái tử phi Cao ly. Em về nước, cứ đường đường chính chính gặp mọi người. Tại sao lại ẩn ẩn, hiện hiện như thế này, e mất thể diện đi. Thôi trở lại dinh Văn sơn Tử, chúng ta nói truyện.
Vào đại sảnh, Như Lan kinh hoàng khi thấy sư phụ Huệ Đăng đã ngồi đó. Ngài nhìn đệ tử với tất cả thương cảm:
– Vương gia ban chỉ cho thầy về đây đón con. Đức vua Cao ly đã băng hà. Thái tử Điển trở về nước lên ngôi vua, ban chế phong con làm Nam thiên Linh từ Bảo quốc Hoàng hậu. Ngôi hoàng hậu đang chờ con. Con mau lên đường sang Cao ly, chúng ta chỉnh bị binh mã dàn ra biên giới làm áp lực giúp sứ  quân Lý Đảm.
Đại đởm đại tướng quân nói với Địa Lô:
– Chú mày vào phòng thờ Như Lan gỡ cái túi treo trên xà nhà xuống, để lâu e cô vợ bé tý tẹo của chú mày chết ngộp.
Thiên Sanh cười nói với Như Lan:
– Võ công của bọn Đại đởm là ẩn hiện bất thường. Thế mà công chúa lại dùng những cái thuật tiểu xảo để trêu ghẹo Lô đệ thì sao qua mặt chúng tôi được? Chắc công chúa muốn biết tại sao công chúa hành sự bí ẩn như vậy mà lại bị bại lộ! Thôi tôi để Vũ Uy vương phi giải thích!

“ Như Lan cùng 2  tỳ nữ người Việt lên ngựa rời Hoa lâm mà lòng uất ức: mình là chính thê bỗng chốc trở thành tỳ nữ. Ừ không được ăn thì ta đạp đổ. Đêm đó nàng âm thầm trở về Hoa lâm, đột nhập vào dinh dành cho phò mã Cao ly với công chúa Mạc Huệ Dĩ. Nàng chặt đầu tình địch, chặt luôn hai tay mang đi, rồi lên ngựa chạy trốn. Ba người chạy tới cửa Trương gia khẩu Trường thành thì bị Thập phu Thị vệ đuổi  kịp. Chúng hô lên một tiếng rồi xông vào chém giết. Vốn đã học được kinh nghiệm đối phó với Kị binh Mông cổ hồi còn ở Văn sơn. Cả ba rút phi tiễn ra phóng vào mắt ngựa của bọn Thị vệ. Sáu con trúng ám khí, chúng mù mắt đâm sầm về phía trước, vật ngã chủ. Ba người vọt khỏi ngựa mình, kiếm vung lên, 6 Thị vệ bị hạ. Bốn Thị vệ còn lại kinh hoàng dàn ra. Nhưng chỉ sau mươi hiệp 1 tên tiếp theo bị hạ. Còn tên Thập phu với hai tên nữa, phóng ngựa bỏ chạy.
Như Lan nghĩ:
– Bây giờ mình trở lại Cao ly thì không được nữa. Chi bằng tìm sứ đoàn Đại Việt, rồi tái hồi với Địa Lô thì hạnh phúc biết bao.
 Nhưng khi tới khu Lan hoa ở Yên kinh thì sứ đoàn đã lên dường về nước một ngày rồi. Như Lan nghĩ:
– Chi bằng mình đi Sơn Đông, nhờ Lý Đảm giúp thuyền trở về Đại Việt.
Gặp Lý Đảm, thuật hoàn cảnh của mình cho Lý nghe. Lý phái  một con thuyền lớn giả làm thuyền buôn lên dường. Khi nàng lên đường, Lý sai sứ sang báo cho Kiến bình vương. Bấy giờ Kiến bình vương mới biết mối ẩn tình đau khổ của con mình. Nhưng nếu để con mình tái hồi với Địa Lô thì tai họa không biết đâu mà lường. Vương nhờ đại sư Huệ Đăng khẩn về Đại Việt bắt con gái trở lại Cao ly. Thuyền của Huệ Đăng tới Đại Việt trước khi thuyền của Lý Đảm chở Như Lan một ngày. Sư không xuất hiện, mà theo dõi xem Như Lan làm gì?
 Như Lan với hai tỳ nữ  đi Gia lâm, hí lộng quỷ thần ở nhà Địa Lô. Hôm sau, triều đình làm lễ cưới cho Địa Lô với Ngọc Hồng. Như Lan cực kỳ đau khổ, nàng bàn với hai tỳ nữ âm thầm đến nhà Địa Lô giết cả hai vợ chồng trong đêm động phòng. Sư Huệ Đăng kinh hãi, xin yết kiến Vũ Uy vương, nhờ vương giúp đỡ. Vũ Uy vương nhận lời. Vương gọi Đại đởm Đại tướng quân, dặn phải làm như vậy, như vậy.
Như Lan cùng với hai tỳ nữ từ con thuyền trên bến sông thuê xe ngựa đi Gia lâm để giết vợ chồng Địa Lô. Xe ngựa vừa chạy một khắc thì cái bánh xe gẫy trục. Khó nhọc lắm nàng mới gọi được chiếc xe khác. Nhưng xe chỉ nhận chở tới bờ sông thôi, chứ không chịu sang Gia lâm. Nàng đành chấp thuận: sang bờ Bắc, mình sẽ thuê xe khác vậy.
Tới bờ sông, một con thuyền mời nàng qua sông. Ba người xuống thuyền, nước sông chảy siết, thuyền trôi về Nam cách bến đến năm dặm (2,5km). Hai người nhà đò dùng hết sức chèo ngược dòng sông, thì rắc một tiếng, bánh lái gẫy. Con thuyền  quay tròn giữa sông rồi trôi theo giòng nước. Hai người nhà đò cố chèo mà con thuyền vẫn trôi. Một người nhà đò chỉ vào bên bờ sông:
– Kia có con đò. Để tôi bơi vào đem ra đón ba cô.
Nói dứt y nhảy ùm xuống sông lặn mất. Trong khi Như Lan mải nhìn sang bên kia thì người nhà đò còn lại tuồn xuống sông từ bao giờ.
 Như Lan chửi đổng:
– Thực là bọn vô lương tâm. Chúng đem con bỏ chợ.
Ba người ngồi nhìn con đò trôi bồng bềnh. Đến gần sáng gặp một con thuyền đi ngược chiều. Cả ba lên tiếng gọi. Thuyền ghé vớt ba người lên đưa vào bờ thì mặt trời đã lên cao. Vừa đói, vừa bực mình. Ba người phải đi bộ đến ngọ mới thuê được chiếc xe, trở về con thuyền của mình.
Cơm nước, thay y phục, rồi lại thuê xe đi Gia lâm. Nhưng khi tới nhà Địa Lô thì hàng xóm cho biết Tử đã cùng vợ lên đường đi Bắc cương từ sớm.
Cả ba lại thuê xe song mã, quyết tìm Địa Lô. Khi xe tới Thảo lâm, thì có một toán hoàng nam, dàn ra đường chặn mất lối đi. Toán trưởng chỉ phu xe:
– Bắt tên trộm ngựa.
Y chỉ vào hai con ngựa nói với Như Lan:
– Xin lỗi cô nương. Cách đây mấy ngày, trong làng tôi mất trộm hai con ngựa. Chúng tôi được lệnh chặn hết các ngả đường tìm kiếm. Bây giờ mới thấy.
Đám hoàng nam hò reo bắt phu xe. Phu xe bỏ xe mà chạy. Khi chạy, y xớt cái túi đựng vàng bạc của Như Lan. Sự việc xẩy ra quá nhanh, Như Lan không phản ứng kịp. Tên phu xe chạy tới bờ sông y nhảy ùm xuống rồi lặn mất. Như Lan dở khóc, dở cười nói với toán hoàng nam :
– Xin các anh thuê dùm tôi cái xe khác. Chúng tôi cần tới Bắc cương.
Trưởng toán hoàng nam than :
– Ba vị cô nương chịu khó đi bộ về phía Nam, là huyện lỵ hy vọng có xe cho thuê. Chứ đây là con đường cái quan Nam-Bắc rất ít xe đi qua.
Ba người lại phải đi bộ hướng về Thăng long. Bỗng có tiếng gọi:
– Ba vị cô nương có thuê đò không?
Như Lan nhìn: dưới sông vẫn con đò hôm trước với hai tên nhà đò vô lương tâm. Một tên cười:
– Tuy rằng tôi không chở cô qua được sông, nhưng cô cũng phải trả tiền chúng tôi chứ?
Nói rồi y dơ tay lên vẫy: tay y cầm cái túi vàng bạc của nàng. Con thuyền vượt sóng trôi về Nam. Như Lan than:
– Dường như mình bị một thế lực nào trêu ghẹo thì phải. Đúng rồi, hai tên chèo đò với tên phu xe hôm nay cũng là một bọn. Có lẽ đám hoàng nam cũng là đồng bọn.
Tới huyện lỵ, Như Lan phải bán đôi xuyến đeo tay lấy tiền thuê xe lên Bắc cương. Tới Văn sơn, nàng thuê phòng tại một nhà trọ, chờ trời tối hành sự. Từng ở Văn sơn gần một năm, nàng thuộc tất cả đường xá, cũng như dinh của Văn sơn tử. Nàng đột nhập dinh, bắt một bộc phụ, điểm huyệt giam trong một phòng biệt lập. Theo khói hương nàng vào một phòng khác, đó là phòng thờ mình. Cảm động, tần ngần nhìn bài vị:

Hiền thê Lý Như Lan,
Thần võ, Trung liệt, Trấn quốc, Linh anh công chúa,

Thôn phu Nguyễn Đia Lô khốc đề.

Đang đứng cảm động trước bài vị thì đúng lúc vương phi Ý Ninh cùng Ngọc Hồng vào. Kinh hoảng Như Lan tung mình lên nằm sát xà nhà. Nàng nghe rõ Ngọc Hồng kéo nhị, tế mình bằng một bài văn tuy giản dị, nhưng lời lẽ chân thành. Lòng ghen giảm rất mau. Đợi vương phi Ý Ninh rời phòng thờ, nàng buông mình xuống, điểm huyệt Ngọc Hồng rồi ôm cô bé ẩn vào một phòng trống khác. Để Ngọc Hồng xuống, nàng rút kiếm đưa một chiêu qua đầu cô, đe dọa. Nàng những tưởng Ngọc Hồng sẽ rú lên, không ngờ cô bé thản nhiên như không có gì xẩy ra. Nàng hỏi Ngọc Hồng:
– Người có biết ta là ai không?
– Không! Tôi không biết bà là ai, mà chỉ biết bà là người giỏi võ, đang muốn uy hiếp thần trí tôi. Nhưng tôi không sợ
– Người tưởng ta không dám giết người chăng?
– Nếu bà muốn giết tôi thì khi tôi đang cúng công chúa Như Lan, bà đã giết rồi, việc gì phải đưa sang đây?
– Người có biết công chúa Như Lan không?
– Tôi chưa từng gặp công chúa. Nhưng tôi nghe nói nhiều về người. Công chúa có sắc tươi hồng của người luyện võ. Võ công cao tuyệt đỉnh. Cử bút thành van. Bẩy bước thành thơ, lại có tấm lòng son với tộc Việt.
– Công chúa là người tình của Địa Lô. Bây giờ người lấy Địa Lô, nên công chúa sai ta giết người.
– Nói láo. Công chúa hoăng tại cửa Trương gia khẩu bên Trung nguyên đã 6 tháng! Này người hèn vừa thôi nhé. Công chúa hoăng rồi, mà người đổ tiếng ác cho công chúa, thực đáng khinh bỉ. Hèn!!! Giả như công chúa còn tại thế, không bao giờ  công chúa sai người làm việc thương luân bại lý này.
– Tại sao? Người căn cứ vào đâu mà đưa ra lý luận này?
– Bà khinh tôi còn con nít nên mới hỏi như thế. Này tôi nói cho bà nghe nhé. Một là, công chúa là Thái tử phi, nay mai sẽ lên ngôi hoàng hậu. Công chúa không thể bỏ Cao ly về Đại Việt. Không thể bỏ ngôi hoàng hậu để làm vợ anh Địa Lô. Hai là, nếu công chúa có u mê trong tình trường, cũng không thể về làm vợ anh Địa Lô, luật Đại Việt rất nghiêm, công chúa sẽ bị ngựa xé, voi dầy. Anh Địa Lô sẽ bị chém ngang lưng. Ba là, Kiến bình vương cùng gia thuộc sẽ không yên với triều đình Cao ly! Bốn là, công chúa xuất thân là ái nữ của Kiến bình vương. Vương là người bác học, đa năng, đạo đức nức tiếng Cao ly, Đại Việt. Công chúa cũng biết lẽ phải trái, tự trọng mình, chứ có đâu lại làm truyện thương luân, bại lý, như tục ngữ nói: bán bò tậu ễnh ương?
Như Lan không ngờ cái cô bé xíu mà lại nhìn vấn đề sáng suốt như vậy? Nàng điểm huyệt Ngọc Hồng, bỏ cô bé vào cái túi, rồi đem sang phòng thờ, treo lên xà nhà. Nàng rời căn phòng, cũng đúng lúc Địa Lô đang như người mất hồn, ra bên bờ suối, nơi nàng cùng Lô từng hẹn ước nhau tình tự. Thấy Địa Lô dùng dây thắt cổ tự tử. Nàng hét lên, xông vào cứu người yêu. Nàng đâu ngờ đó là kế của vương phi Ý Ninh bắt nàng phải xuất hiện”.

Chờ vương phi Ý Ninh thuật xong, Nguyễn Thiên Sanh trao cho Như Lan cái túi. Đó chính là cái túi mà tên phu xe đã xớt của nàng rồi nhảy xuống sông. Nàng mở ra: bên trong vàng, bạc còn nguyên. Bây giờ nàng mới rùng  mình vì tất cả những rắc rối của nàng đều do Đại đởm gây ra.
Ngọc Hồng được gải cứu. Nàng đâu ngờ kẻ dọa mình chính là công chúa Như Lan. Nàng cung tay:
– Thì ra bà là công chúa Như Lan thực. Nếu công chúa có can đảm thì cứ ở lại đây làm vợ anh Địa Lô. Tôi xin lùi về làm con bé con ở Gia lâm
Nước mắt đầm đìa, Như Lan nắm tay Ngọc Hồng:
– Em mới xứng đáng làm vợ Địa Lô. Em còn ít tuổi mà tỏ ra có bản lĩnh hơn chị. Còn chị thì số phận đã an bài, chị phải theo sư phụ về Cao ly chịu cảnh cá chậu chim lồng vậy.

Tiệc tàn, Vũ Uy vương, vương phi mời sư Đại Đăng, Như Lan vào một phòng kín. Vương chắp tay hành lễ với sư, rồi nói:
– Đệ tử có một sứ mạng cực kỳ hệ trong, chỉ duy đại sư mới làm nổi.
Sư Huệ Đăng cảm động:
– Bần tăng tuy ở Cao ly, nhưng hồn thì vẫn ở Đại Việt.
– Hiện 3 tướng chỉ huy Cấm quân hộ tống Mông Ca là Kim Đại Hòa, A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh. Hồi ở Yên kinh, Ý Ninh thấy ba tướng này say Hoàng Liên, Thúy Nga, Thanh Nga đến đờ đẫn người ra. Ý Ninh có hứa khi về nước sẽ kiếm cho ba người ba giai nhân.
Như Lan cướp lời:
– Bây giờ có mười cô Ngọc đẹp chói chang, đẹp ủy mị. Chị Ý Ninh định gả ba trong 10 cô cho ba tướng này, để các cô dùng thuật bắt nai khi cần thì sai chúng. Có đúng thế không?
– Công chúa thông minh thực.
Ý Ninh tiếp:
– Vì vậy đệ tử lớn mật xin đại sư với Như Lan đi sứ, đưa ba cô dâu vào Ích châu gả cho...
Như Lan lắc đầu:
– Nếu bây giờ sư phụ với tôi đem ba người đẹp vào Thục, thì e bọn mặt dơi tai chuột người Hán theo Mông cổ sẽ nghi ngờ rồi nói ra, nói vào. Tôi đề nghị: Mông Ca mang Tuyên phi Thanh Liên theo trong cuộc viễn chinh này. Sư phụ với tôi đem ba cô xin yết kiến Tuyên phi, dối rằng đem tin nhà đến với phi. Rồi để ba cô lại làm tỳ nữ cho Thanh Liên. Thanh Liên nhân danh Đại hãn gả ba cô cho ba tướng. Như vậy là ổn.
Nghe Như Lan nói, vương phi Ý Ninh trầm tư suy nghĩ. Như Lan cười:
– Có phải chị sợ Mông Ca thấy ba cô vừa trẻ, vừa đẹp sẽ bắt luôn thì hỏng bét không?
– Em thông minh thực.
– Có khó gì đâu, mình viết thư cho Đại Hành. Đại Hành báo cho Thanh Liên biết trước. Trong thư mình dặn Thanh Liên tuyệt đối không cho Mông Ca gặp các nàng.
Vương truyền gọi ba nàng Ngọc Hạ, Ngọc Tiên, Ngọc Trị vào.
Lễ nghi tất.
Vương phi giới thiệu:
– Đây là đại sư phụ từ Cao ly về nước...
Ba nàng Ngọc hành lễ:
– A Di Đà Phật! Mấy năm nay, ở Thăng long, chúng con được bản sư nói cho nghe về hành trạng của Đại sư cùng công chúa Như Lan trong vụ tái chiếm ba châu Bắc cương. Hôm nay chúng con mới được bái kiến Phật giá.
Vương phi Ý Ninh tiếp:
– Hôm ở Cố trạch, chị đã cho các em biết, chị gả chồng cho các em. Bây giờ chị nhờ sư phụ với công chúa Như Lan đi sứù, đưa dâu.
Rồi phi giảng cho ba nàng về kế hoạch giả làm cung nữ cho Tuyên phi Thanh Liên. Ba nàng vốn thông minh, lại được đào tạo rất kỹ bản lĩnh bắt nai, nên phi chỉ nói thoáng qua, các nàng đã nắm vững vấn đề. Vương tiếp:
– Ngay ngày mai, triều đình sẽ ban chỉ phong cho các em tước Quận chúa, thân phụ các em hàm Tam tư, mẹ hàm Ngũ phẩm phu nhân. Cha mẹ được ban 10 nén vàng, và 15 mẫu công điền không phải nộp thuế.
Phi lấy ra ba cái bọc, trong mỗi bọc đều có 6 bộ quần áo lụa Nghi tàm, mầu sắc khác nhau. Mỗi bộ gồm váy, yếm, dây lưng, khăn quàng cổ, khăn chít trên đầu, áo cánh, áo tứ thân.
– Đây là y phục triều đình ban cho các em đây.
Ba nàng quỳ gối hướng về Thăng long lạy tạ, rồi lạy tạ vương, vương phi tác thành cho.
Vương hỏi Như Lan:
– Công chúa từng ở Hoa lâm, liệu bọn văn quan, võ tướng có biết mặt công chúa không?
– Không! Vì tôi ở đó có hơn tháng, suốt ngày cặm cụi  trong phủ. Chẳng ai biết mặt mà sợ.

Hôm sau Vũ Uy vương cùng bộ tham mưu lên đường. Tống cử vợ chồng Hoàng Hiệp là người đại diện, liên lạc. Hộ vệ thì ngoài đội kỵ mã Long biên của La An, còn có Đại đởm thập tam kiệt.
Vừa vào lãnh thổ Tống thì La An trình lên vương một bức thư. Vương mở ra: thư của Đại Hành. Vương trao cho vương phi. Phi đọc:

“ Khải vương gia,  Mông Ca chiêu hàng được tướng chỉ huy năm đạo quân trấn đóng trung ương Ích châu là Dương Đại Uyển cùng tướng Tổng trấn Thành đô là Đặng Văn. Vì vậy cả một vùng phía Tây, và Nam Ích châu Mông Cổ không tốn một mũi tên mà bình định được. Hiện Mông Ca đang tiến về phía Đông bằng ba mũi:
– Mũi thứ nhất do Thân vương Mật Lý Hỏa Giả đánh Ba trung.
– Mũi thứ nhì đích thân Mông Ca cùng hai thân vương Mục Tương Ca, Xích Nhân Thiết Mộc Nhi chỉ huy đánh Hợp châu.
– Mũi thừ ba do bọn hàng tướng Dương Đại Uyển từ Thành đô tiến đánh Đông sơn, Mi sơn, Nga biên, Thanh thần, rồi dọc theo Dân giang tiến về Giang an.
– Cả ba mũi sẽ gặp nhau tại Bạch đế rồi theo sông Trường giang đánh Kinh châu.
Mũi của Mật Lý Hỏa Giả đã hạ ba thành, nhưng bị chặn tại Ba trung.
Mũi của Mông Ca, do ông ta thân chỉ huy đánh liền ba trận. Tống bất lợi. Cho nên Mông Ca phấn khởi, đích thân tiến trước ba quân. Khi Mông Ca tiến đánh Tống thì dàn đội hộ tống Cấm quân  như sau:
Phía trước là A Mít Lỗ Tề,
Bên phải là Đi Mi Trinh,
Bên trái là Kim Đại Hòa.
Đội Cấm vệ của thần bảo vệ phía sau.
Đội Cấm vệ của Ô Mã Nhi lưu động bất thường.
Giữa mỗi đội có một người giả làm Mông Ca, trang phục giống Mông Ca, để lừa địch.

Hai hôm trước sư Huệ Đăng, công chúa Như Lan dẫn ba giai nhân Ngọc Hạ, Ngọc Tiên, Ngọc Trị tới. Thần xếp đặt cho năm người gặp Tuyên phi Thanh Liên. Hôm nay sư với Như Lan rời Ích châu về Cao ly. Tuyên phi cho thần biết rất rõ việc vương gia gửi ba nàng Ngọc cho ba tướng.
Thần gửi theo đây 10 thẻ bài của Cấm vệ để vương gia tùy nghi tiện dụng.
Hai tướng Trần Mạnh Quốc, Vũ Cao San đang chờ Ngọc Đức, Ngọc Thiên.
Cho đến lúc này Mông Ca cũng chưa biết gì về việc Đại Việt  viện Tống”.

Vừa lúc đó có ngựa trạm của Vương Kiên đem thư tới. Người mang thư là Nguyễn Văn Lập, phụ trấn thành Điếu ngư. Lại có cả Đô đốc Giang An Triệu Tử Minh của Tống. Hoàng Hiệp đọc xong, trình cho Vũ Uy vương. Vương cầm lên đọc:

“ Vì hàng tướng Dương Đại Uyển trước đây chỉ huy 5 đạo quân trung ương Ích châu, cùng tên Đặng Văn Tổng trấn Thành đô đầu hàng Mông cổ, nên Ích châu bị mất toàn bộ vùng Tây, Nam.
    Hiện Mông Ca sai hai tên này đánh chiếm lưu vực Mân giang, nên lương thực của Tống tại Nam giang, Hợp châu gần như bị tuyệt. Đây là vùng trù phú, lương tiền khắp một giải miền Đông Ích châu đều do vùng này cung ứng. Rất may hôm qua lương của Đại Việt tới. Quân tướng no đủ, ê hề. Tinh thần phấn chấn.
Hoàng Hiệp nên trình với Vũ Uy vương dùng tất cả sức lực chặn đánh Dương Đại Uyển, Đặng Văn. Lực lượng của chúng gồm 5 vạn binh Tống mà y đem hàng Mông Cổ là đạo Thành đô, đạo Kiếm các, đạo Dương bình quan, đạo Cẩm dương và đạo Phổ khách. Mông cổ dùng người của họ làm Thiên phu, Bách phu. Đám binh tướng này không muốn cầm giáo đánh lại người nhà, nên đã rã ngũ phân nửa. Nếu Vũ Uy vương phá được Uyển thì hông phải của Mông Ca bị uy hiếp, trái lại hông trái của Nam giang, Hợp châu được bảo vệ, lương thảo không bị mất”.

Vũ Uy vương truyền dừng quân ở Giang an. Dựng lều. Lệnh cho toán Đại đởm, toán  kỵ mã Long biên canh phòng cẩn mật, rồi phát lệnh mời các tướng hai hiệu binh lại họp.
Chư tướng Tống, Việt tề tựu. Đô đốc Giang an Triệu Tử Minh trình bầy chi tiết tình hình Tống, tình hình Mông cổ:
– Quân của Uyển, Văn tất cả đều gốc ở vùng Cửu long, Thành đô, Đức xương. Khi Mật Lý Hỏa Giả chiếm Thành đô, thì vợ con họ bị kiềm chế. Mông Ca sai sứ đến chiêu dụ: nếu đầu hàng thì chức vị được giữ nguyên. Vợ con, của cải được bảo toàn. Uyển, Văn họp chư tướng dưới quyền hỏi ý kiến. Hầu như họ đều lưỡng lự. Uyển, Văn quyết định đầu hàng. Uyển, Văn được Tống triều phong tước Ngũ đẳng Hầu. Mông Ca cho thăng lên tước Nhất Đẳng Hầu. Nghĩa là vượt  bốn bậc.
Yết Kiêu hỏi:
– Còn năm đạo binh! Mông Ca giữ nguyên tổ chức của Tống hay thay đổi?
– Năm đạo hàng binh được tổ chức thành 5 Vạn phu giống như Mông Cổ. Năm tướng chỉ huy năm đạo binh được Mông Ca bổ nhiệm làm Vạn phu trưởng các đạo binh người Thổ phồn, Hồi cương đóng tại vùng Hàm dương. Bắt họ phải mang vợ con lên đường ngay. Mông Ca cử 5 tướng gốc người Tây vực, Mông Cổ làm Vạn phu trưởng 5 vạn phu hàng binh này. Bây giờ Mông Ca hỗ trợ chúng một vạn kị binh người Mông Cổ rồi sai chúng đem quân đánh Đông sơn, Mi sơn, tiến đến Mân giang. Đánh Đông sơn chúng hy sinh phân nửa Vạn phu Thành đô, Cẩm dương. Đánh My sơn chúng hy sinh thêm năm ngàn nữa thuộc Vạn phu Kiếm các. Binh sĩ thấy đồng ngũ chết nhiều đều rúng động. Họ bỏ ngũ rất đông. Bây giờ Uyển, Văn chia binh đóng làm hai nơi bên bờ Mân giang. Phía bắc là Thanh thần, phía Nam là Nga biên. Đây là vùng đồng lầy. Còn kị binh Mông Cổ vẫn phải đóng ở Đông sơn. Hôm qua y dùng hai thủy đội chuyển vận hết lương thảo dọc theo Mân giang, nay mai sẽ chở về Thành đô. Vì Giang an chỉ có hai thủy đội với một vạn bộ binh, tôi không đủ sức chống lại y. Nếu viện binh Đại Việt tới chậm thì Giang an sẽ mất. Tứ xuyên bị cắt làm đôi.
Dã Tượng hỏi:
– Không biết quân đóng ở Nga biên thuộc Vạn phu nào?
– Đó là ba Vạn phu “què” vì quân số chỉ còn một nửa. Đó là Vạn phu Thành đô, Kiếm các, Cẩm dương. Còn hai vạn phu đóng ở Thanh thần là đạo Dương bình quan và Phổ khách. Hai đạo này tuy có hao hụt, nhưng tinh lực còn nguyên.
Địa Lô hỏi:
– Vạn phu Kị binh Mông cổ này là Mông cổ chính quốc hay quân của chư hầu? Tướng chỉ huy tên là gì?
– Vạn phu này không phải quân chính quốc, mà  là quân của Tây hạ. Chánh tướng là A Ba La. Phó tướng là Ngột Đặc Thiết Cấp.
Nghe Tử Minh trình bầy, Vũ Uy vương, vương phi mừng chi siết kể. Vì A Ba La là tên Mông cổ của Vũ Cao San. Còn Ngột Đặc Thiếp Cấp là tên Mông cổ của Trần Mạnh Quốc.
Dã Tượng hỏi:
– Đại Uyển là người thế nào?
Kiêu kị thượng tướng quânNguyễn Văn Lập trình bầy:
– Y xuất thân từ giới võ lâm. Bản lĩnh của y nức tiếng Quan trung. Y dùng kiếm. Cạnh y còn Đặng Văn, nổi tiếng đệ nhất Thần quyền vùng Quan trung. Trong các tướng Tống vùng Tứ xuyên không ai địch nổi hai tên này. Tài dùng binh của Dương bình thường thôi.
Đô đốc Triệu Tử Minh tiếp:
– Tôi đã cho Tế tác quan sát các trại quân của y: cả hai cánh quân đều dựa vào ba mặt đồng lầy. Còn thủy đội vận tải trên Mân giang gồm 50 con thuyền lớn, y cho thuyền đậu thành hai hàng dài hai bên sông. Không có quân hộ vệ. Ban đêm lính thủy quân lên bờ ngủ, dưới mỗi thuyền chỉ có hai binh ngủ lại mà thôi.
Địa Lô hỏi:
– Thưa Đô đốc, xin Đô đốc cho biết Tế tác của mình làm thế nào mà biết chi tiết tình hình của bọn Uyển, Văn.
– Bọn Đại Uyển đi đến dâu thì tràn vào làng xóm bắt tráng đinh làm phu vác lương thảo, chẻ củi, phụ hỏa đầu quân. Chúng gọi là Lao binh. Lợi dụng, tôi cho Tế tác lẫn vào lao binh. Hiện hai đạo quân bộ, một đạo thủy của y , mỗi nơi tôi có khoảng 50 Tế tác.
Vũ Uy vương quyết định:
– Vì quân gốc Mông cổ đều ở hai đạo Mật Lý Hỏa Giả, với Mông Ca. Còn đạo của bọn Uyển, Văn toàn là quân của Tống tại Ích châu đầu hàng. Mỗi Thiên phu, có một Thiên phu trưởng và 10 Bách phu trưởng người Mông cổ chỉ huy, vì Mông cổ không hoàn toàn tin các tướng Tống mới đầu hàng.
 Trước hết phải đánh chiếm hết lương thảo mà Uyển đã đem xuống thủy đội.
Sau đó thừa thắng ta chiếm Đông sơn, Mi sơn đoạt lại Thành đô. Bấy giờ dù muốn, dù không, Mông Ca phải rút quân từ mặt Hợp châu, Ba trung về cứu Thành đô.

Vương nhấn mạnh:
– Binh pháp quan trọng nhất là biết mình, biết người. Tên Dương Đại Uyển, Đặng Văn này khinh thường lực lượng Tống tại Giang an, nên y không cho quân hộ tống đội vận chuyển trên sông. Y lại không biết Tống có viện binh. Đối với dân chúng, binh tướng Tống, ta hãy phao rằng hai hiệu binh Văn Bắc, Thiệu Hưng là quân Tống ở vùng Hành sơn tiếp viện. Còn tôi là Hành sơn vương. Ta không nên chính diện chia quân đánh vào hai nơi đóng quân của y là Thanh thần với Nga biên. Đánh hai nơi này, ta phải hy sinh không ít, nhất là lâm cảnh người Hán giết người Hán. Lợi dụng binh tướng của y đang rã ngũ, ta dùng tâm chiến kêu gọi họ trở về với ta. Ta đánh cảm tử.
Vương hỏi Địa Lô:
– Văn bác thượng tướng quân! Mình có mang theo nhiều Hủ cân nhuyễn cốt tán không?
– Khải vương gia có. Số thuốc thần mang theo có thể đầu độc được 10 vạn quân.
Vũ Uy vương hài lòng, nói với Nguyễn Văn Lập:
– Kiêu kị thượng tướng quân mau trở về cùng Tiết độ sứ Vương Kiên giữ chắc Điếu ngư, trình sự việc lên cho Tiết độ sứ  biết.
Vương tiếp:
– Hôm nay là  ngày 26. Đêm 30 là đêm trời tối, rất thuận tiện cho chúng ta hành sự. Văn bác thượng tướng quân trao thuốc Hủ cân nhuyễn cốt tán cho Đô đốc Triệu Tử Minh. Đô đốc chuyển thuốc này cho Tế tác của mình tại ba khu đóng quân của Đại Uyển. Chiều ngày 30 thì bỏ thuốc vào thức ăn, khiến cho binh tướng buồn ngủ, chân tay vô lực.
Vương nói chậm lại:
– Ta đánh cảm tửù hai trại quân Nga biên, Thanh thần và thủy trại cùng một lúc. Trước hết trại Nga biên, y có ba Vạn phu, nhưng hao hụt trong các trận vừa qua, chỉ còn hai vạn. Dương Đại Uyển với bộ tham mưu không biết đóng tại đâu. Tuy vậy ta cũng cần người có võ công cao để đề phòng biết đâu y ở đây thì sao? Phùng sư phó đem 18 vị sư phụ, đệ tử của Thiên Phong đại sư,  mang theo Vệ Đại đởm của hiệu Thiệu Hưng phục tại ngoài trại Nga biên. Chờ Tế tác đánh thuốc độc, binh tướng giặc mê man thì đột nhập trại chờ đợi. Khi thấy hỏa pháo tại trại thủy quân bắn lên thì  đốt phá, khống chế, chiêu hàng bọn hàng binh Tống. Hôm sau, chỉnh bị binh mã đánh Mi sơn. Không nên đốt lương thảo. Lương thảo phải chuyển xuống thuyền chở về đây.
Vương ra lệnh cho vương phi, Thúy Hồng:
– Ngoài Phùng sư phó ra, thì vương phi, với Thúy Hồng đủ bản lĩnh trị Dương Đại Uyển, Đặng Văn. Có thể đêm 30 y không ở trại Nga biên mà ở trại Thanh thần. Từ Đông sơn tới Thanh thần không xa, lại có đường lớn, thuận tiện cho kị binh. Nếu Thanh thần bị đánh, kị binh Mông cổ chỉ cần mất hai khắc (30 phút ngày nay) là có thể cứu viện. Vương phi mang theo Vệ Đại đởm của hiệu Văn Bắc, phục ngoài trại Thanh thần. Đợi khi Tế tác đánh thuốc độc khiến binh tướng giặc mê man, thì âm thầm đột nhập trại. Khi thấy hỏa pháo từ trại thủy quân bắn lên thì đốt phá, chiêu dụ hàng binh Tống. Sau khi đoạt hết lương thảo chuyển xuống thuyền mang về Giang an, khẩn cấp chỉnh bị binh mã tiến lên đặt dưới quyền vương phi đánh Đông sơn. Đoạt được Đông sơn, thì hợp quân với Phúng sư phó tiến đánh Thành đô.
Vương nói với Địa Lô:
– Bây giờ Văn Bắc thượng tướng quân lĩnh nhiệm vụ của Trương Nghi, Tô Tần.
Vương phi gọi hai nàng Ngọc Đức, Ngọc Thiên vào trướng:
– Ngay từ khi gặp hai em ở phủ Vũ Uy, chị đã nói riêng với hai em là chị quyết định gả hai em cho hai đấng trượng phu. Hai em có nhớ không?
Ngọc Đức e thẹn:
– Em nhớ chứ! Chị nói chị gả em cho một người Việt ở Mông cổ tên Trần Mạnh Quốc. Còn Ngọc Thiên chị gả cho Vũ Cao San. Hai ông này lớn hơn bọn em bốn tuổi. Cả hai đang là Thiên phu trưởng Mông cổ.
– Bây giờ hai ông này đóng quân ở gần đây. Chị nhờ Văn Bắc thượng tướng quân đưa dâu. Hai em lên đường ngay bây giờ. Vì đường đi phức tạp, hai em phải giả trai, rồi làm như thế... như thế... Những gì chị với Thúy Hồng dạy các em về thuật bắt nai, phải ghi nhớ, chớ có quên.
– Hai anh ấy là người Việt mà cũng phải dùng thuật bắt nai ư?
Vương cười khúc khích:
– Chị Ý Ninh cũng phải dùng thuật bắt anh như bắt nai. Chị Thúy Hồng cũng phải dùng thuật bắt nai để bắt con Voi đồng quê!
Hai nàng chuẩn bị hành trang.
Vũ Uy vương gọi Sơn Cương, Sơn Trí là hai đệ tử của phái Mê linh, từng theo sứ đoàn mấy năm trước vào trướng. Vương phi Ý Ninh mời hai người ngồi rồi ôn tồn hỏi:
– Hồi chúng ta ở Yên kinh, hai em từng gặp, từng biết hai Vạn phu trưởng Mông cổ, được trao cho chỉ huy một vạn kị binh của Tây hạ. Hai em có nhớ không?
– Nhớ chứ! Hai ông đó là người Việt, giả tuân lệnh mụ Hy Hà đứng sau sứ đoàn Việt. Một ông tên Trần Mạnh Quốc. Một ông tên Vũ Cao San.
Vương xuất ra năm cái thẻ bài của Cấm vệ Mông cổ, mà Đại Hành gửi cho:
– Hay lắm. Bây giờ hai ông này chỉ huy một vạn phu kị binh, đóng lại Đông sơn. Văn Bắc thượng tướng quân với hai em là đặc sứ của chúng ta, đưa dâu, âm thầm tới gặp hai ông. Khi đi đường nếu gặp quân tuần tiễu thì xưng là quân Cấm vệ Mông cổ, đưa thẻ bài này ra. Ba người đem theo một cặp chim ưng để liên lạc. Địa Lô thuyết phục hai ông ấy làm như thế... như thế. Cả năm phải lên đường ngay hôm nay mới kịp.
Địa Lô, Sơn Cương, Sơn Trí dẫn Ngọc Đức, Ngọc Thiên cầm thư lên đường.

Vương đưa mắt cho Thiên Sanh, Yết Kiêu:
– Nước sông Mân giang chảy theo chiều Tây- Đông. Đại đởm đại tướng quân, cùng  Hữu thiên ngưu vệ thượng tướng quân Trần Quốc Vỹ, đem cả toán Đại đởm, hai Vệ Ngạc ngư Thiệu Hưng, Văn Bắc âm thầm phục hai bên sông. Chờ trời tối, đám binh lính thủy đội trúng độc mê man thì chiếm lấy các thuyền vận tải, nhổ neo, cho thuyền trôi về Giang an. Sau khi thuyền nhổ neo, thì  đốt hỏa pháo lên cho Phùng sư phó, vương phi hành động.
Vương gọi Dã Tượng:
– Tả thiên ngưu vệ đại tướng quân, đem Quân Văn Sơn, Chiêu dương, phục dọc theo sông Mân giang, đề phòng lúc ta cướp lương thảo, giặc đuổi theo thì chặn lại. Sau khi lương thuyền rời bến, cho quân tiến về Thanh thần, đặt dưới quyền vương phi đánh Đông sơn.
Vương gọi các tướng của hiệu Thiệu hưng:
– Vì Thống lĩnh Trần Quốc Vĩ phải cướp lương, Phó thống lĩnh hiệu binh Thiệu Hưng là Đô thống Lý Long Đại (Trâu Đen), phu nhân là Vũ Trang Hồng thay thế chỉ huy. Đô thống Trần Long Nhất ( Trâu Xanh), phu nhân là Phạm Trang Tiên  đem Quân bộ 1 ẩn vào phía Tây trại Nga biên. Đô thống Vũ Long Nhị (Trâu Điên) và phu nhân là Hoàng Trang Liên đem quân 2 ẩn vào phía Nam Nga biên. Đô thống  Phạm Long Tam (Trâu Trắng) đem quân 3, ẩn vào phía Bắc Nga biên. Khi Phùng sư phó đã nhập trại giặc thành công, thì xuất hiện tràn vào trại khống chế hàng binh, tránh chém giết. Chuyên chở lương thảo của giặc xuống thuyền.
Lý Long Đại hỏi:
            – Sau khi khống chế hàng binh, thì chúng tôi làm gì?
            – Đặt dưới quyền Phùng sư phó đánh Mi sơn, tiến về Thành đô.
            Vương gọi các tướng hiệu Văn Bắc:
              Đô thống Trần Nhị đem Quân Khâu Bắc âm thầm phục phía sau trại Thanh thần. Đợi khi vương phi nhập trại thì tràn vào khống chế tù binh. Tránh chém giết. Sau đó chuyên chở lương thảo thu được chở về Giang an. Chỉnh bị binh mã đặt dưới quyền vương phi  đánh Mi sơn, Thành đô.
Vương hỏi cử tọa:
– Có ai thắc mắc gì không?
Phu nhân của Hữu thiên ngưu vệ thượng tướng quân Yết Kiêu là Vương Chân Phương đề nghị:
– Các thành Mi sơn, Đông sơn, Nga biên, cũng như Thành đô hiện do hàng tướng Tống chỉ huy những đội hàng binh trấn thủ. Khi các tướng tiến đánh thì trước tiên sai sứ vào thành, nhân danh Tống triều chiêu hàng họ. Hứa tha hết tội lỗi khi họ hàng Mông cổ. Lại cho họ giữ nguyên chức tước, phẩm hàm Mông cổ ban cho.
Hoàng Hiệp thắc mắc:
– Nếu như binh tướng ấy hàng, mà ta để họ đóng tại đất cũ, lỡ họ trở giáo thì nguy to. Còn như ta dùng người của hai hiệu binh Thiệu Hưng, Văn  Bắc trấn thủ thì lực lượng xung kích bị chia sẻ. Hơn nữa binh tướng hai hiệu này chưa quen với phong tục, đời sống dân chúng Ích châu, thì e gặp nhiều khó khăn. Ta phải làm gì?
Chân Phương bàn:
– Ta dùng binh tướng hiệu binh Giang an chia nhau trấn thủ các thành trì này.
Đô đốc Tử Minh dẫy nẩy lên:
– Trần phu nhân ơi! Tại Giang an tôi chỉ có một hiệu binh với hai thủy đội. Nay đem hiệu binh này đi thì lỡ ra bọn hàng tướng Tống theo Mông cổ ở Độ khẩu, Hoa bình đánh úp thì ta mất đường về.
Chân Phương mỉm cười. Nàng vốn đẹp như hoa nở, nàng mỉm cười làm các tướng trẻ xao xuyến:
– Vậy tôi đề nghị như thế này: khi ta tiến binh thì phía Nam Giang an là vùng đất của Đại lý. Vương gia sai sứ giả sang Đại lý xin với Quốc công Tạ Quốc Ninh đem một đạo quân đóng ở Độ khẩu phòng phía sau cho Giang an. Còn đạo quân Giang an thì chia làm hai. Một nửa theo hiệu Thiệu Hưng, một nửa theo hiệu Văn Bắc. Khi hai hiệu này đánh được, hay chiêu dụ được thành nào thì quân Giang an tiếp quản trấn đóng. Còn binh tướng trước đây thuộc Tống, đầu hàng Mông cổ thì ta đưa về trấn tại Giang an, trong khi vợ con, gia thuộc họ vẫn ở trong các thành cũ, ta giữ họ như con tin, chồng họ không dám trở giáo nữa.
Cử tọa vỗ tay hoan hô.
Thúy Hồng đề nghị:
– Khi khởi hành, vương phi từ biệt sư phụ. Vô Huyền Bồ tát có gửi theo hai đội Kiếm trận Mê linh. Thần đề nghị vương gia gửi theo Phùng sư phó, vương phi, mỗi đạo một đội.  Khi xung sát ta dùng hai đội này vây bắt tướng giặc.

Địa Lô, Sơn Cương, Sơn Trí dùng thuyền nhỏ lên đường đi Đông sơn. Trại kị binh Mông cổ đóng dựa theo chân núi. Khi gần tới nơi, năm người vừa lên bờ thì gặp một thập phu kị binh đi tuần. Viên thập phu trưởng vẫy tay, thập phu bao vây 5 người lại. Viên thập phu hỏi bằng tiếng Hán vùng Thục.
– Các người là ai? Có phải gian tế của Tống không?
Địa Lô xuất trình 5 thẻ bài ra.Tử nói tiếng Mông cổ:
– Tôi là Y quan trong đội Cấm vệ hộ tống Đại hãn. Đại hãn được tin vạn phu chiến mã Đông sơn bị bệnh nên sai tôi tới điều trị. Còn đây là bốn huynh đệ hộ vệ tôi. Ngoài ra tôi còn mang mật chỉ của Đại hãn cho hai tướng chỉ huy vạn phu này.
Viên thập phu cầm năm thẻ bài lên xem. Y hỏi:
– Huynh đệ có biết tên của vạn phu trưởng chúng tôi không?
– Biết chứ, chánh tướng là A Ba La. Phó tướng là Ngột Đặc Thiết Cấp.
Để cho thập phu áp tải năm người. Viên thập phu trưởng phi ngựa đi trước để thông báo tin tức. Chỉ lát sau y trở lại, dẫn bọn Địa Lô vào trại. Nhìn trại kị binh : ngựa cột từng hàng, sạch sẽ. Quân sĩ ở trong những căn lều lớn hàng lối ngay thẳng. Khu này thông với khu kia bằng lối đi rộng rãi. Địa Lô chột dạ :
– Với quân khí này, chỉ cần một hồi trống, kị binh có thể lên ngựa, xuất trại xung trận.
Tới soái lều, viên thập phu hô lớn bằng tiếng Mông cổ :
– Năm Cấm vệ đã tới.
Có tiếng nói vọng ra :
– Mời vào.
Trần Mạnh Quốc, Vũ Cao San thoáng thấy Địa Lô, Sơn Cương, Sơn Trí và Ngọc Đức, Ngọc Thiên thì giật mình. Địa Lô nói lớn :
– Tôi là y quan Cáp Thiết Mật Hoa, xin kính chào nhị vị vạn phu trưởng. Tôi tuân chỉ Đại hãn trình mật chỉ đến nhị vị.
Vũ Cao San vẫy tay cho tùy tùng ra khỏi lều. Trần Mạnh Quốc ra lệnh cho Sơn Cương, Sơn Trí. Hai người vòng quanh lều kiểm soát một vòng, rồi đứng gác ở cửa.
Địa Lô trình thư của Vũ Uy vương cho Trần Mạnh Quốc. Mạnh Quốc đọc xong, hỏi  chi tiết về việc Đại Việt quân viện cho Tống, kế hoạch của Vũ Uy vương. Cao San hỏi :
– Ý Vũ Uy vương muốn chúng tôi làm gì ?
– Ý người không muốn sĩ tốt chết nhiều. Người muốn dùng tâm chiến, phá đạo binh đóng tại Thanh thần. Ta phải làm như thế... như thế...
– Tôi hiểu.
Đia Lô chỉ vào Ngọc Đức, Ngọc Thiên :
– Vương phi đã cưới vợ cho hai vị. Hai cô dâu này mặc y phục giả trai, để qua mặt thám mã Mông cổ. Chúng tôi lĩnh địa vị đưa dâu. Xin cho hai cô dâu thay y phục.
Hai nàng Ngọc ra sau lều, một lát trở lại : váy lụa Nghi tàm mầu hoa cà. Khăn cổ mầu xanh lá mạ. Áo cánh trắng, yếm đào, áo tứ thân cũng mầu hoa cà. Dây lưng xanh, đỏ.
Không những Vũ Cao San, Trần Mạnh Quốc ngây người ra nhìn, mà đến Sơn Cương, Sơn Trí dĩ chí Địa Lô cũng ngây ngất.
Địa Lô cho Ngọc Đức đứng trước Trần Mạnh Quốc. Ngọc Thiên đứng trước Vũ Cao San, rồi hô :
– Bốn người quỳ xuống, hướng về Nam.
Rồi Tử cầm trục giấy ra đọc :

« Thừa thiên khải vận Đại Việt hoàng đế chiếu rằng :
Âm dương là đạo trời đất. Xưa Quốc tổ Lạc Long Quân, kết hôn với Quốc mẫu Âu Cơ tại hồ Động đình, sinh ra trăm con, lập thành tộc Việt, truyền tử lưu tôn mấy nghìn năm đến nay.
Hai  dũng tướng Trần Mạnh Quốc, Vũ Cao San, do cha mẹ sinh tại Mông cổ, có tài được thọ lĩnh Vạn phu trưởng. Tuy phú quý, nhưng lòng vẫn hồi tưởng cố quốc. Thực xứng đáng con rồng, cháu tiên.
Nay hai hoa khôi Lý Ngọc Đức, Lê Ngọc Thiên, có tài cầm ca, lại thông thi, thư, đức hạnh khó bì.
Truyền gả :
– Lý Ngọc Đức cho Trần Mạnh Quốc,
Lê Ngọc Thiên cho Vũ Cao San.
Cha mẹ Ngọc Đức, Ngọc Thiên có công nuôi dưỡng con, ban cho cha được phong tước Tam tư. Mẹ được phong tước ngũ phẩm phu nhân. Truyền ban cho 15 mẫu ruộng nhất đẳng điền,  không phải nộp thuế.
Truyền Văn Bắc thượng tướng quân, Văn sơn tử làm Đào hoa  dẫn sứ.
Này hai dũng tướng Trần, Vũ, hai hoa khôi Lý, Lê, triều đình ưu ái giúp cho thành duyên Quan thư, phúc Đào chi*,  phải ăn ở với nhau cho phải đạo phu thê tộc Việt.
Khâm thử
Niên hiệu Thiệu Long thứ 7, tháng 3 ngày sóc.
Kiến thiên, thể đạo,
Đại minh, quang hiếu hoàng đế.

Ghi chú :
Duyên Quan thư, chữ cổ . Quan thư là tên một bài thơ trong Kinh thi, phần Quốc phong, Chu phong, ngụ ý nói về người quân tử tương tư thục nữ đến quên ăn, mất ngủ, rồi thành giai ngẫu.
Phúc Đào Chi, Đào Chi là tên một bài thơ, trong Kinh thi, phần Quốc phong, Chu phong nói về người con gái xinh đẹp, đi lấy chồng hòa hợp với gia đình nhà chồng.

Bốn  người hướng về Thăng long lậy tạ, lại hướng Địa Lô vái ba vái, tạ ơn đưa dâu.123
Trần Mạnh Quốc, Vũ Cao San nhìn hai cô vợ : quả thực hai người chưa từng thấy ai đẹp hơn. Mạnh Quốc nói :
– Vương phi Ý Ninh giữ lời hứa nặng như núi. Hai anh em chúng tôi muôn vàn cảm tạ. Quả thực Ngọc Đức, Ngọc Thiên đẹp hơn cô Hoàng Liên, với hai chị Thanh Nga, Thúy Nga. Nghĩ chúng tôi chưa lập công gì với Đại Việt mà được hưởng diễm phúc này. Chúng tôi sẽ đời đời nhớ ơn vương phi Ý Ninh.
Mạnh Quốc mở chiếc rương đặt phía sau trướng, lấy ra con phụng trên dát 7 viên kim cương cài lên tóc Ngọc Đức :
– Hồi còn sinh tiền, bố anh thường nói : phong tục Đại Việt cực kỳ trọng phụ nữ. Nên khi một người con trai, muốn thành hôn với cô gái phải có sính lễ. Anh chỉ là một gã võ phu thô lỗ, nhờ vương phi Ý Ninh mà được thành hôn với tiên nữ như em. Anh chỉ có chút quà mọn này tặng em mà thôi.
Chàng lấy ra 10 nén vàng trao cho Địa Lô :
– Tôi kính cẩn nhờ Đào hoa dẫn sứ mang số vàng này gửi về Đại Việt để kính biếu nhạc gia của tôi.
Vũ Cao San lấy ra một cái hộp, trong hộp có chiếc vòng ngọc trai đến 5 vòng. Chàng quàng lên cổ Ngọc Thiên :
– Anh cũng tặng em vật này làm quà cưới.
Chàng cũng gửi Địa Lô 10 nén vàng nhờ mang về Đại Việt dâng nhạc gia.
Hai người đem ra ba thanh kiếm trao cho Địa Lô , Sơn Trí, Sơn Cương:
– Ba thanh kiếm này  do người Đức Nhĩ Man (Germany) đúc, sắc bén, cứng vô cùng. Hai tôi xin tặng ba huynh để tưởng ơn đưa dâu.
Địa Lô hỏi hai tướng :
– Hai huynh có được phụ thân cho biết quê ở vùng nào trên đất Việt không ?
Vũ Cao San nói :
– Người luôn tưởng nhớ quê hương. Đó là một làng ở ven biển, có đồi núi thuộc vùng Đông triều. Trên rừng có nhiều thú hoang, chim muông, dưới biển có nhiều tôm cá. Khí hậu ấm áp, không lạnh như Mông cổ. Hồi còn bé, bà nội thường hát ru cho cha tôi ngủ. Tôi hỏi hát ru thế nào thì người lắc đầu nói : không nhớ.
Ngọc Thiên mỉm cười liếc mắt, ánh mắt lung linh, làm Vũ Cao San xao xuyến. Nàng nói :
– Để vợ anh hát ru cho anh nghe nhá.
Địa Lô thổi tiêu, Ngọc Thiên kéo nhị, Ngọc Đức đánh đàn bầu. Rồi Ngọc Thiên cất tiếng hát :

Hôm qua tát nước đầu đình,
Để quên cái áo với cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà !

Hết một đoạn, Địa Lô phải giảng về cái đình là gì cho hai người nghe.
Ngọc Đức hát tiếp:

Áo anh sứ chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Anh mượn cô ấy về khâu cho cùng.

Trần Mạnh Quốc góp ý:
– Tôi nghĩ cái anh chàng này chẳng hề quên áo gì cả. Anh ta bịa ra, để có cớ làm quen với cô gái mà thôi.

Địa Lô khen:
– Huynh thông minh thực. Để tôi hát tiếp.
Địa Lô cất tiếng hát ru:

Khâu rồi anh sẽ trả công.
Đến lúc lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi tầm em đeo.
Giúp em quan tám tiền treo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.

Ngọc Đức giải thích xôi vò là gì, rượu tăm  là gì. Thế nào là tiền treo. Vũ Cao San cười:
– À, thế thì hai đứa tôi có phải gửi tiền về quê vợ đóng tiền treo không?
Địa Lô cười:
– Hai anh được đức vua gả vợ cho thì miễn treo.
Nghe hát, nghe nói về quê hương, khiến hai dũng tướng mê mê, tưởng tượng về quê cha, mà chưa được thấy. Trước mắt họ chỉ thấy hai cô vợ đẹp tươi thắm, ánh mắt lung linh, nụ cười như mời, như gọi. Vũ Cao San mơ màng:
– Vương phi Ý Ninh thực là người mẹ thứ nhì của tôi. Phi giữ lời hứa, hỏi vợ cho chúng tôi. Hy vọng trận đánh đêm 30 này chúng tôi sẽ được gặp phi.
Trần Mạnh Quốc than:
– Quê cha! Biết bao giờ chúng tôi được thấy!!! Trước mắt tôi chỉ thấy đất Mông cổ với những đồng có mênh mông bất tận. Quanh năm gần như chỉ có tuyết, với những đàn bò, ngựa, cừu đếm không hết.
Ngọc Đức nghiêng đầu nhỏ nhẹ:
– Bây giờ Đại Việt còn là quê vợ của hai anh đấy! Tương lai hai anh sẽ được về quê cha, quê vợ.
Một tiệc  nhỏ bầy ra.
Đêm ấy tại doanh trại kị binh Mông cổ, dưới chân núi Đông sơn xứ Thục, hai kiều nữ Ngọc Đức, Ngọc Thiên cùng Địa Lô tấu nhạc, ca hát tới khuya. Rồi hai cặp anh hùng, giai nhân  động phòng hoa chúc, xuân tình phơi phới như vạn hoa nở.
Sáng hôm sau Mạnh Quốc hỏi Địa Lô :
– Vũ Uy vương muốn chúng tôi giúp vương như thế nào ?
Địa Lô nói thực chậm :
– Hôm nay là ngày 27 rồi. Còn 3 ngày nữa là ngày 30. Đêm 30, người cho đánh úp trại Nga biên, đoạt các thuyền lương thảo, rồi phao rằng Dương Đại Uyển phản Mông cổ. Chính y sai chở lương về cho Tống. Trong khi đó nhị vị đem kị binh tới Thanh thần nói với tướng sĩ rằng tuân chỉ Đại Hãn bắt y. Sau khi y bị bắt, nhị vị tập trung binh tướng lại, tuyên bố : Ai muốn về với gia đình thì cho.
– Vậy thì tôi cần đại huynh ở lại đây làm quân sư cho chúng tôi.
– Dĩ nhiên là được.
– Nhưng tôi sẽ trả lời sao với Đại hãn ?
– Phi mã đại tướng quân Đại Hành hiện chỉ huy đội Cấm quân sẽ tâu lên Đại hãn rằng : Đại Uyển bí mật trở về với Tống, nên đem toàn bộ 50 con thuyền chở lương đến Giang an cho Tống. Y định đem quân về đánh úp Thành đô, nên hai vị phải ra tay trước. Vả khi bắt được tù binh Mông cổ, chúng ta sẽ nói rằng : Dương Đại Uyển, Đặng Văn trước đây dùng khố nhục kế hàng Mông cổ, nay trở về với tộc Hán. Bọn này sẽ khai với Mông cổ. Như vậy nhị vị trở thành người có công lớn.
– Được ! Chúng tôi vì di chúc của cha rằng : nếu có dịp thì trở về với Đại Việt. Đây là lúc chúng tôi thực hiện đây.

Đêm 30. Trời tối đen như mực. Yết Kiêu, Thiên Sanh dẫn đội Ngạc ngư, đội Đại đởm âm thầm lên đường.
Trước khi đi, hai tướng bàn định với nhau.
Trong hai người thì Thiên Sanh quân hàm là Đại tướng, cao hơn Yết Kiêu đến 4 bậc. Về tước thì Sanh tới hầu, trong khi Yết Kiêu mới tước Tử. Trên nguyên tắc thì Sanh chỉ huy Yết Kiêu. Nhưng về mưu kế thì Sanh tự biết rằng muôn ngàn lần mình không bằng viên thiếu niên can đảm này. Hầu bàn:
– Bây giờ ta đánh úp đám thuyền này thế nào? Em còn trẻ, nhiều mưu, lắm mẹo, lại được truyền Binh Thư Yếu Lược! Em thiết kế đi!
Yết Kiêu bàn:
– Chúng có 50 con thuyền chở lương. Tin tế tác cho biết bọn lính vận tải không ở trên thuyền. Đêm chúng vào làng ăn uống, tìm gái. Trên mỗi thuyền chỉ còn một hai tên canh gác. Vậy ta chia dũng sĩ Đại đởm, Ngạc ngư làm 50 toán. Mỗi toán ba Ngạc ngư, một Đại đởm. Đại đởm âm thầm tới ván cầu của thuyền phục sẵn. Còn Ngạc ngư thì bơi theo sông. Sau đó cùng đột nhập thuyền, giết quân canh. Mọi việc hoàn tất, ta đốt pháo hiệu cho quân của Dã Tượng biết. Họ tràn xuống thuyền, cắt dây buộc, chèo thuyền về hướng Đông. Hai bên bờ sông đã có hiệu binh Văn Bắc phục sẵn, chặn đánh quân truy kích.

 Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét