Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A - Gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 89

Chùa Cầu Đông (phố Hàng Đường)
HỒI THỨ TÁM MƯƠI  CHÍN


Chùa Cầu Đông


– Dạ thuộc cấp thuộc làu.
– Người đọc điều thứ 7 cho ta nghe nào?
– “ Là quân lính Đại Việt phải giữ phong cách, không được cờ bạc, trai gái, rượu chè say xưa!”
– Được! Rồi khi uống rượu say đánh người vô tội mang thương tích thì bị tội gì?
– Dạ lần thứ nhất đánh 10 côn, lần thứ nhì đánh 50 côn. Lần thứ ba chặt một tay.
– Người thuộc quân luật đấy! Nay người say rượu đánh vợ hàng chục lần thì phải tội gì?
– Thực oan uổng! Thuộc cấp chưa từng uống rượu say. Cũng chưa từng đánh vợ.
– Vợ người tên gì?
– Thưa tên Tô Kiều Vy.
Yết Kiêu gọi lớn:
– Cho Tô Kiều Vy vào.
Đại Tư, Câu Đương vào cùng với Kiều Vy. Nước mắt rổng ròng, Vương Chân Phương nói với chồng:
– Anh ơi! Chị Kiều Vy bị thương tích khắp người. Phải chữa ngay, chậm e khó qua.
Yết Kiêu hỏi Lương Thiện:
– Trong tổng mình có thầy thuốc không?
– Thưa quân hầu, Đại tư có mộ được một lương y rất giỏi để chăm lo sức khỏe cho dân, nhưng là một cô. Cô này mát tay, song không có tài trị thương. Muốn trị thương phải nhờ quân y sĩ của xưởng đóng chiến thuyền. Ông này tên Nguyễn Duy Hoàng, cấp Tá lĩnh. Ông ấy là y sĩ của thủy quân, không trị cho dân. Dân muốn trị phải thù lao nhiều tiền lắm.
– Một lần chẩn mạch là bao nhiêu tiền?
– Một trăm đồng.
Chân Phương nói:
– Phiền Đại tư đi mời Tá lĩnh Nguyễn Duy Hoàng dùm. Tôi sẽ thù lao cho ông ấy gấp đôi người thường.
Đại tư Trịnh Nguyên Cừ đi khoảng một khắc thì tá lĩnh Nguyễn Duy Hoàng tới. Sau khi hành lễ, Tá lĩnh Hoàng dẫn Kiều Vy ra sau hè khám bệnh. Một lát Hoàng trở lại, tay cầm tờ giấy, trình với Yết Kiêu:
– Thưa quân hầu, chị Kiều Vy chỉ bị ngoại thương mà thôi, không bị nội thương. Cứ như vết thương thì bị đấm vào mắt bên phải, ngoại vi mắt bị thâm tím. Con ngươi không sao. Tay phải bị đấm 2 cái vào bắp tay và cùi chỏ, chỉ bị ngoại thương, không bị gẫy xương. Hông trái bị đạp ba cái, dập thịt. Bụng bị đạp ba đạp. Tất cả vết thương phải trị bằng châm cứu 20 lần. Dùng thuốc đắp các vết thương 10 ngày. Trong 30 ngày không được làm việc.
Yết Kiêu chỉ người đàn bà tên Kiều Vy hỏi Lê Văn Khoa:
– Người này có phải vợ mi không?
Khoa run rẩy:
– Thưa đúng.
– Người nói rằng người chưa từng đánh vợ, chưa từng uống rượu say. Vậy ai đã uống rượu say đánh cô này!
Lương Thiện đáp:
– Khoa đánh Kiều Vy bao nhiêu lần thì tôi không biết. Nhưng cô Vy đến đây khóc, cầu bà bẩy lần tất cả.
Yết Kiêu tuyên án:
– Cứ cho rằng y đánh vợ 10 lần, thì vợ y tới cầu bà 1 lần. Tổng cộng ít ra mi đánh vợ 70 lần. Vậy thì phải chặt hai chân, hai tay, khoét hai mắt.
Vy lạy thụp xuống đất:
– Trăm lậy quân hầu, xin quân hầu xử nhẹ cho anh ấy.
Tá lịnh Lê  Quang Nghi khẩn khoản:
– Thưa quân hầu, anh Lê Văn Khoa là trưởng toán đóng chiến thuyền rất giỏi. Chỉ duy có tật nát rượu. Xin quân hầu thương tài nới cho một lần.
Yết Kiêu tuyên án:
– Người đánh vợ quá tàn nhẫn, đúng tội, dù chặt chân, chặt tay cũng đáng. Đã có lời xin của Tá lĩnh Lê Quang Nghi với vợ người. Vậy ta tuyên án: chặt một chân, một tay, nhưng cho hưởng án treo. Từ nay, cứ mùng ba tết, mi phải tới đền thờ bà khấu đầu chịu tội vì đã đánh vợ ngay trên đất của bà. Lễ khấu đầu phải có sự chứng giám của quan Chánh ty, với lời chứng của vợ rằng trong suốt năm mi không đánh vợ. Nếu như vợ mi không chứng thì lập tức Chánh ty mang mi đi chặt tay ngay.
Chân Phương nhìn Tô Kiều Vy thâm tím khắp người. Phu nhân tiếp lời hầu, ban lệnh cho quan Chánh ty:
– Hôm nay tha tội chặt chân, chặt tay cho anh, nhưng phải đánh bằng roi mây 50 roi! Trong 30 ngày trị bệnh, anh phải thay vợ quét nhà, rửa bát, thổi cơm, giặt quần áo. Quan Chánh ty cho người tới nhà anh giám sát. Nếu anh thi hành án qua loa thì chặt tay ngay.
Lập tức Chánh ty nọc Lê Văn Khoa ra chiếc sập trước bàn thờ, rồi Lương Thiện cung cung kính kính lễ :
– Tấu lậy công chúa điện hạ. Tên Lê Văn Khoa, nát rượu đánh vợ trọng thương ngay trong vùng đất linh của điện hạ. Đông hải Thiên kình đại tướng quân, Nam phương hùng uy, công thần, An biên đình hầu Trần Quốc Vỹ lên án chặt chân, tay, nhưng cho hưởng án treo. Truyền đánh 50 roi. Tại thiên chi linh, xin bà chứng giám.
Sau khi Chánh ty đánh Khoa đủ 50 roi, Chân Phương móc trong túi ra 5 đĩnh bạc (đĩnh=10 lượng) trao cho Vy:
– Một lượng bạc là 10 quan tiền. Chị cầm lấy, để chi tiêu trong nhà, mua thuốc.
Công chúa nói với Tá lĩnh Hoàng:
– Tá  lĩnh trị bệnh lấy 100 đồng một lần khám bệnh. Lại còn châm cứu 20 lần cho chị Vy, cộng là 21 lần. Đây tôi trả tiền thù lao trước 4400 đồng.
Tá lĩnh Hoàng chắp tay tạ ơn:
– Đa tạ phu nhân ban thưởng.

Ghi chú
Từ sau khi bị đánh roi, Lê Văn Khoa bỏ rượu, trở thành người gương mẫu, dần dần thăng tới Đô thống, chuyên trách việc đẵn gỗ trong rừng, dấu tại hang Dấu gỗ. Hang này ngày nay vẫn còn tại vịnh Hạ long. Được Hưng Đạo vương sai điều khiển binh lính lấy gỗ đó đóng cọc trên sông Bạch Đằng. Hết giặc được phong chức tướng quân, tước Nam. Tô Kiều Vy tụ họp chị em luyện tập, trở thành một đội nữ binh, theo Yết Kiêu, đục thuyền giặc trong trận đánh đoàn lương của Trương Văn Hổ trong vịnh Hạ long, và trận Bạch Đằng, được triều đình phong cho tước Nhất phẩm phu nhân, hàm Tá lĩnh.

Cao Mang cũng có dinh cơ riêng. Nhưng Tử với Kha Li Đa lại về nhà nhạc phụ là đạo sư Mộ Hợp Mễ An Hat San (Mahomed Al Hassan) trong phường Diên hưng, thôn Đông Hoa Môn, bên bờ sông Tô lịch (ngày nay là phố hàng Đường, hàng Ngang, quận Hoàn kiếm Hà nội). Vì tuy đạo sư là đại thương gia, giầu có, nhưng là người ngoại quốc thường bị các quan văn võ thuộc Phủ thừa Thọ xương chèn ép. Hầu muốn vợ chồng mình về nhà nhạc phụ, để tạo cho ông một chỗ dựa. Gặp lại rể, con gái, Đạo sư dành ra một ngày ngồi nghe hai người thuật lại cuộc chiến đấu anh dũng của dân Hồi cương chống Mông cổ. Ông chắp tay hướng lên trời:
– Tạ ơn A La đã giúp dân Hồi cương!
Sống với nhạc phụ 10 ngày, rồi hầu dẫn vợ lên Bắc cương, về  ấp phong Chiêu dương. Đây là châu Chiêu dương thuộc Đại lý, mấy năm trước Vũ Uy vương chiếm lại từ bọn thổ phỉ Thân Long. Dân chúng phức tạp, gồm ba giống Việt, Hán, Thái. Họ nói cả ba thứ tiếng. Sau khi khôi phục, Vũ Uy vương đã bổ nhiệm Hà Chương làm châu trưởng, cho dân chúng được miễn thuế ba năm. Anh em họ Hà đã mười đời sống tại Bắc cương, nên hiểu dân tình, khéo hòa giải những bất đồng giữa các tộc. Sau mấy năm, dưới quyền cai trị của anh em họ Hà, châu Chiêu dương trở thành trù phú. Dân chúng ấm no, nhà cửa san sát. Phố chợ đông đúc, trên đồng bò, ngựa, trâu, cừu đếm không hết. Cao Mang trở về đất phong, không phải tổ chức, sửa đổi gì.
Còn Địa Lô dẫn Ngọc Hồng về dinh của mình tại Gia lâm. Cả làng họp lại mừng Ngọc Hồng, tuổi còn nhỏ mà đã được phong hàm phu nhân.Thái Ngọc Hồng được phong Nhu mẫn, hồng anh nhất phẩm phu nhân. Ngọc Hồng tỏ ra là người mẫn tiệp, nàng đổi vàng, bạc ra tiền, rồi phân phát cho các gia đình đông con, gia đình nghèo khó trong xã của mình. Địa Lô được hưởng 120 mẫu công điền. Nàng tự biết mình là phu nhân, phải nắm lấy quyền. Nàng xét hoàn cảnh từng tá điền rồi định tô phải nộp. Trước đây có năm tá điền được Địa Lô cho miễn nộp tô để khỏi phải đi làm, dành thời giờ phụng dưỡng mẹ già. Nhưng vì vợ chồng thiếu bổn phận, chỉ lo ăn chơi, rượu chè, cờ bạc. Nàng truyền thân binh đem ra giữa làng đánh cho cả vợ lẫn chồng 20 roi. Nàng mắng:
– Các người ở dưới đất chui lên như con bọ hung, hay ở trên trời đáp xuống như  con cú, mà không nhớ công ơn sinh thành, công ơn dưỡng dục?
Vợ chồng cả năm tá điền đều lạy lục xin tha tội. Nàng mắng:
– Hiếu là kỷ cương của trời đất. Quân hầu cho các người cầy ruộng không phải nộp tô, mục đích giúp các người có bát ăn bát để. Thế mà các người lại thiếu bổn phận. Nếu tiếp tục, lần sau ta không đánh 20 roi mà đánh 20 trượng. Trượng đau lắm chứ không như roi đậu. Nói cho mà biết.
Nói rồi nàng ra lệnh đánh mỗi người một trượng, để biết trượng đau như thế nào.
Ở quê mười ngày, Địa Lô cùng vợ lên châu Văn sơn là ấp phong của hầu. Trước khi Bắc viện, Địa Lô với Ngọc Hồng từng sống ở đây, từng tổ chức cai trị. Trong thời gian Bắc viện, công việc trong châu tốt đẹp.

Sau hai tháng, cả Ngũ ưng trở về Thăng long phục mệnh. Dã Tượng rủ các em cùng đến nhà Đại Hành thăm bà mẹ. Bà vẫn khỏe mạnh, bà luôn miệng khen dâu Cẩm Nhãn hiếu thảo, nhu mì. Nhưng bà buồn vì không biết bao giờ con trai về nước. Bà nói:
– Tháng nào Trung Vũ đại vương Thủ Độ cũng sai quan Trưởng sử tới thăm tôi và con bé Nhãn. Hôm triều đình phong hầu cho Đại Hành, Thái sư đi cùng Phủ thừa Thọ xương đến nhà đọc chiếu chỉ, rồi chúc mừng mẹ con tôi.
Trong bốn anh hùng Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao Mang, Địa Lô thì Địa Lô bận rộn nhất. Hầu phải đem quà của 6 trong 7 nàng Tô lịch về trao cho song thân các nàng. Đã hết đâu, còn quà của 4 nàng Đông hoa, 10 nàng Ngọc gửi về. Nhất là nộp vào quốc khố số vàng ngọc mà Hồng Liên đã nhận của Hốt Tất Liệt. Hầu còn phải dự cuộc họp tối mật giữa Thượng hoàng, Thiệu Long hoàng đế, Trung Vũ đại vương, Vũ Uy vương để tường trình:
– Tình hình Mông Cổ bị cắt làm 5 nước, đang kình chống nhau.
– Tình hình 6 nàng Tô lịch, 4 nàng Đông Hoa. 9 nàng Ngọc.
– Bí mật về hai thân vương Vuông, Tròn âm thầm làm gian tế cho Mông cổ.
– Bọn Trung Thống đang bận rộn với cuộc nội chiến, nhưng vẫn sai sứ sang hoạnh họe triều đình Việt.
– Lời nhắn của Hồng Liên, Bạch Liên: tụi Đại đô gửi sứ sang đe dọa gì, mình cứ cù nhầy từ chối tuốt tuột tuồn tuốt đòi hỏi của chúng. Nếu sứ hỗn quá thì đập vào xác chúng.
Nghe tấu trình xong, Trung Vũ đại vương Thủ Độ khen:
– Có ai ngờ 7 con bé Tô lịch, hư đốn cùng cực mà bây giờ lại là người trung với nước như vậy.
Thượng Hoàng tỏ vẻ không vui, vì những vương tước của triều đình hiện lên tới 109 người. Vậy hai thân vương Vuông, Tròn là ai? Nếu tin này lộ ra ngoài, e gây không khí nghi ngờ khắp giòng họ Đông A. Ngài ban chỉ cho Địa Lô:
– Gửi thư sang Cao ly cho công chúa Như Lan. Như Lan thư cho Bạch Liên, Hồng Nga tìm cách lấy được một bức thư của thân vương Vuông, Tròn gửi về. Căn cứ bút tích, triều đình sẽ tìm ra y là ai. Vụ này không cho Khu mật viện biết. Từ nay thư tín của Đại Hành, của Bạch Liên, Hồng Nga, Hồng Liên gửi về thì Vũ Uy vương trực tiếp nhận, rồi ban chỉ như khi còn là sứ đoàn.
Địa Lô tâu:
– Khi thần lên đường về Đại Việt thì Trung Thành vương đã gửi hai kị mã Long biên là Vũ Chính và Đào Minh đến Đại đô để cho Nguyên phi Bạch Liên và Hồng Nga sai phái. Hai người đó đã gửi về nhiều tin tức. Từ ngày ấy Khu mật viện Bắc biên không phải gửi thư vòng qua Cao ly, Bắc liêu nữa.
Trung Vũ đại vương đề nghị:
– Công  lao các nàng Tô lịch, Đông hoa quá lớn. Phải phong hàm tước bá cho cha; tước Nhất phẩm phu nhân cho mẹ các nàng. Còn các nàng đều phong tước công chúa. Riêng Thanh Liên, Mông cổ đã phong tước cực cao là Thánh mẫu, thì Đại Việt cũng giữ nguyên.

Hôm ấy, sau buổi thiết đại triều, Dã Tượng, Yết Kiêu dẫn hai phu nhân vào Hoàng thành dự  tiệc.Theo hội điển sự lệ Trần triều do Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ ban hành từ khi họ Trần lên ngôi vua: sau mỗi buổi thiết triều thì cao nhất là hoàng đế cho tới tất cả vương tôn, hoàng tộc đều vào Hoàng thành ăn tiệc. Trong buổi tiệc hoàng tộc sẽ dùng gia lễ, anh em cùng vui với nhau, không bị lễ nghi triều đình ràng buộc. Dã Tượng, Yết Kiêu là dưỡng tử của Hưng Đạo cũng được kể là hoàng tộc. Biết rằng mình sẽ được chồng dẫn vào Hoàng thành dự tiệc. Hai phu nhân là Thúy Hồng, Vương Chân Phương nhớ đến câu tục ngữ: nhập gia vấn húy *, nên có nhiều câu muốn hỏi phu quân về triều đình, về phủ Hưng Đạo.

Ghi chú,
* Nhập gia vấn húy, phong tục xưa của Việt-Hoa. Người Việt-Hoa coi tên rất quan trọng. Như con gái lấy chồng rồi thì không được nhắc đến tên đó. Con cháu không được nhắc đến tên ông, bà. Thành ra mỗi nhà đều có tên phải kiêng, gọi là Húy. Như bản sư của tôi, khuê danh là Trần Thị Hằng, pháp danh Diệu Quang thì đệ tử phải kiêng. Muốn nói  chữ Hằng tâm thì phải nói trại đị là Hồng tâm. Như khi ngài  viên tích thì cáo phó không được viết là Diệu Quang mà phải viết là thượng Diệu hạ Quang.

Hôm trước, trên dường từ Tứ xuyên về Văn sơn, Dã Tượng, Yết Kiêu đã giảng giải cho hai phu nhân Thúy Hồng, Vương Chân Phương biết sơ lược về tổ chức phủ Hưng Đạo vương. Hôm nay Chân Phương muốn biết chi tiết hơn. Nàng hỏi Dã Tượng.
Dã Tượng giảng:
– Anh với Yết Kiêu đều là nghĩa tử của Hưng Đạo vương. Theo lệ dân gian thì con nuôi dầu lớn tuổi, vẫn thấp vai hơn con đẻ. Nghĩa là làm em. Nhưng vương phi bỏ cái lệ đó. Phi quyết định: con nuôi, con đẻ đều là con. Ai lớn tuổi thì là anh, là chị. Vì vậy anh được coi như anh cả, thứ đến Yết Kiêu. Các vương tử, vương cô đều lễ phép gọi anh là anh.
Chân Phương hỏi:
– Xuất thân của vương phi từ đâu?
– Vương phi là công chúa Thiên Thành, là con của Thượng hoàng. Kể từ thời viễn tổ Trần Tự Mai *, người ban gia pháp cho tất cả con cháu dù trai, dù gái, dù giòng chính, giòng bàng (con nuôi, cháu nuôi) đều bắt buộc phải học văn, luyện võ. Cho nên Công chúa được hưởng một nền giáo dục cực kỳ phong phú. Công chúa được cụ nội là Tuyên minh thái hoàng thái hậu dạy cùng các hoàng tử. Vì vậy từ võ công cho tới văn học, phi đều là người quán chúng.

Ghi chú
* Theo gia phả của họ Trần, giòng Chiêu Quốc vương chép thì: Trần Tự Mai sinh Trần Vị Hoàng. Trần Vị Hoàng sinh Trần Tự Quang. Trần Tự Quang sinh Trần Tự Kinh. Trần Tự Kinh sinh Trần Tự Hấp. Trần Tự Hấp sinh Trần Lý, Trần Thủ Huy. Trần Lý sinh Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Kim Dung(Linh Từ quốc mẫu). Trần Thừa sinh Trần Liễu, Trần Cảnh (Trần Thái tông).

Thúy Hồng hỏi:
– Thông thường cai quản hậu cung là các vị Thái hậu hay Hoàng hậu. Em nghe Thuận từ hoàng Thái hậu chánh phi của Thái tổ Trần Thừa họ Lê chỉ học văn, không luyện võ thì sao có thể dậy cho các hoàng tử, công chúa? Còn hoàng hậu của Thượng hoàng, lúc đầu là Lý Chiêu Hoàng, sau là công chúa Thuận Thiên cả hai là con của vua Lý Huệ Tông. Cả hai cùng vu qui rất sớm, nên học văn không nhiều, chưa từng luyện võ, thì sao có thể dậy các hoàng tử, công chúa?
– Em hỏi vậy thực phải. Các hoàng tử công chúa con của Thượng hoàng đều do Tuyên minh thái hoàng thái hậu dạy. Ngài là Chính thất của Nguyên tổ  Trần Lý. Ngài là người bác học đa năng, tài trí bậc nhất trong dòng họ Đông A. Khuê danh là Tô Phương Lan. Chính ngài đã dạy văn, luyện võ cho ba người con là Thái tổ Trần Thừa, Kiến Quốc đại vương Trần Tự Khánh và Linh từ Quốc mẫu Trần  Thị Kim Dung.
– Như vậy ngài là bà nội của Thượng hoàng và cụ nội của Thiệu Long hoàng đế cũng như Vũ Uy vương. Chúng mình phải gọi ngài là Kị nội. Hồi ở Văn sơn em đã được ngài dạy dỗ một thời gian. Tiếc rằng nay ngài đã băng rồi!
– Đúng vậy. Khi Thượng hoàng tiếp ngôi từ  vua Chiêu Hoàng triều lý, thì  Tuyên minh Thái hoàng thái hậu vào ở trong nội cung. Chính ngài là người thiết lập điển lệ, tổ chức nội cung, đặt nữ quan, định rõ bổn phận của hoàng hậu, các phi tần.  Vì là cụ nội, chính ngài trực tiếp dậy văn, luyện võ cho các hoàng tử.
Vương Chân Phương tỏ vẻ kính phục:
– Không biết ngài dạy thế nào mà cả 8 hoàng tử của Thượng hoàng đều văn mô, vũ lược, tiếng đồn tới Trung nguyên. Vậy trong các con của Thượng hoàng, tài trí ra sao?
– Trong 8 người thì Tĩnh Quốc vương Quốc Khang, Vũ Minh vương Quang Húc, Chiêu Hòa vương Quốc Uất so với dân dã thì là người văn, võ kiêm toàn, nhưng không có gì xuất sắc so với anh em. Xét về văn thì ba vương Chiêu Minh Quang Khải, Chiêu Văn Nhật Duật, Chiêu Quốc Ích Tắc ngang nhau. Cả ba đều có tài tổ chức cai trị, vỗ về quần chúng, thống lĩnh binh mã, khuất thân chiêu mộ hiền tài. Vì vậy trong phủ của các vương có không biết bao nhiêu hào kiệt, tài trí. Cả ba có văn tài, là những thi sĩ hồn thơ hùng tráng, lại giỏi về âm luật. Nhất là Chiêu Quốc vương Ích Tắc, thực là đấng tài hoa cầm, kỳ, thi, họa, xạ, ngự, thư số... hiện trong nước chỉ Địa Lô là sánh được. Vương lập ra nhà học, dạy cho các học sinh đã học ở các trường phủ, huyện. Còn Chiêu Văn Nhật Duật thì có tài ngôn ngữ. Người đọc thông, viết thạo các tiếng Hán vùng Quảng,  vùng Yên kinh vùng Tứ xuyên; lại biết nói, viết cả tiếng Mông cổ, Cao ly, Hồi cương, Mường, Mán, Thái. Về võ công thì cao nhất là Vũ Uy vương, Chiêu Quốc vương. Thứ đến Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương.
Chân Phương hỏi:
– Trong 8 người con của Thượng hoàng, thì người thứ ba là Thiệu Long hoàng đế. Còn lại thì hiện các vị vương lĩnh nhiệm vụ gì?
– Người thứ nhất là Tĩnh Quốc vương hiện lĩnh chức Phiêu kị đại tướng quân. Tổng trấn Thanh hóa. Người thứ nhì là Vũ Uy vương lĩnh Tổng trấn Bắc cương. Người thứ ba là Thiệu Long hoàng đế. Người tư là Chiêu Minh vương Quang Khải, lĩnh Phụ quốc thái úy. Người thứ năm là Vũ Minh vương Quang Húc Tổng lĩnh Ngự lâm quân, Thị vệ. Ngươi thứ sáu Chiêu Quốc vương Ích Tắc lĩnh Tổng trấn Thăng long, trong khi Vũ Uy vương Bắc viện thì thay thay anh trấn ngự Bắc cương. Người thứ bẩy là Chiêu Văn vương Nhật Duật,  Quản Khu mật viện. Người thứ tám là Chiêu Hòa ương Quốc Uất, Tổng lĩnh Kị binh.
Thúy Hồng hỏi:
– So về tài năng  giữa Vũ Uy vương với các vương Chiêu Minh, Chiêu Văn, Chiêu Quốc, thì thế nào?
– Về võ công thì cả ba vương không thể sánh với Vũ Uy vương. Về cai trị sao cho nước giầu dân mạnh, vỗ về dân chúng, an ủi sĩ tốt, nhất là việc ngồi trong màn mà quyết thắng ngàn dặm, đối phó với ngoại bang thì tất cả các vương không ai bằng Vũ Uy vương. Nhưng tài tổ chức cai trị, thống bách quan, bình thứ chính thì Chiêu Minh vương đứng nhất. Bàn về thuật dùng người, hòa giải những tranh chấp, xung đột thì Chiêu Văn Vương đứng đầu. Nhưng lắm mưu, nhiều mẹo, khéo thu phục nhân tài thì Chiêu Quốc vương hơn cả.
Vương Chân Phương hỏi:
– Thông thường khi một vị hoàng đế có nhiều hoàng tử tài trí, thì các hoàng tử thường cạnh tranh, xung đột nhau rồi đi đến chém giết nhau như đời Đường. Vậy trong các vị vương có mầm mống tranh chấp gì không?
– Hiện giờ thì không. Nhưng thời thơ ấu thì có. Bởi Chiêu Quốc vương Ích Tắc tài năng sớm phát, nên được Thuận Thiên hoàng hậu hết sức nuông chiều. Thái phi Huệ Túc Hoàng Chu Linh thường đem thuyết Trung dung ra can rằng “ Tiểu nhân bất cập, quân tử quá chi” nghĩa là cái thuyết Trung dung thì người quân tử hay vượt quá bình thường. Còn tiểu nhân thì không theo kịp. Ngụ ý muốn can hoàng hậu phải đối xử công bằng với các con. Nhưng hoàng hậu không nghe. Khi vương được mở phủ  đệ riêng, hoàng hậu ban cho tất cả vàng ngọc của người, khiến các vương phi khác nổi lên những ganh tỵ. Thái phi Huệ Túc đã có lần tâu với Thượng  hoàng: khi một người con được cha mẹ quá yêu thương thì sau này sẽ trở thành người con bất hiếu. Nay số  Tử vi Ích Tắc mệnh lập tại Tuất, Tử vi, Thiên tướng thủ mệïnh là cách  tử bất hiếu, thần bất trung. Phải cẩn thận mới được. Thượng hoàng cho rằng vương được tam hóa phù trì thì không sao đâu.
Thúy Hồng hỏi:
– Thế công chúa Thiên Thành, khi được hạ giá với Hưng Đạo vương thì hoàng hậu có ban cho châu báu gì không?
– Rất  ít, bởi Hưng Đạo vương là con của An Sinh vương. Mà An Sinh vương giầu có súc tích, nên công chúa không được ban cho nhiều.
Vương Chân Phương hỏi:
– Hiện Hưng Đạo vương có bao nhiêu thế tử? Bao nhiêu quận chúa?
– Bốn vương tử, hai vương cô!
– Tài trí các vương tử, vương cô ra sao?
– Hiện cả 6 người tuổi chưa nhiều nên tài năng chưa phát. Lớn nhất là Quốc Nghiễn, rồi tới Quốc Uy, Quốc Tảng, Quốc Hiện. Nhị vị vương cô là Quế Hương và Thủy Tiên. Khi anh rời vương phủ theo Vũ Uy vương đi sứ thì tất cả các vương tử, vương cô đều chưa trưởng thành. Nay không rõ ra sao?
Hôm nay tiệc được bầy tại điện Long an. Người điều khiển là ba vị : Nguyên thái phi Hoàng Chu Linh, Tuyên thái phi Mai Đông Hoa, với Thiên Cảm hoàng hậu.

Vũ Uy vương, vương phi theo sau Thượng hoàng vào Hoàng thành. Tuy vương từng xung sát vào trận Mông cổ. Kị binh hò hét, gầm rú, vương vẫn coi thường. Thế nhưng vừa thấy mẫu thân, vương cảm động đến nỗi chân tay run rẩy. Vương chạy đến ôm lấy mẹ:
– Mẹ ơi! Vợ chồng con đã về đây.
– Hai con ra đi! Mẹ nhớ con đầu muốn bạc, mắt muốn mờ ra. Rồi vừa về, mẹ con chỉ gặp nhau có mươi ngày, các con lại lên đường trấn thủ Bắc cương!
Một tay phi dắt con, một tay phi dắt dâu, phi nói với Thượng hoàng:
– Thôi nhé! Kỳ này Bố không được sai Nhật Duy, Ý Ninh đi xa nữa nghe!
Thượng hoàng cười:
– Đấy, con thấy chưa? Bố làm Thượng hoàng, nhưng mẹ làm Đại Thượng hoàng, mẹ ban chỉ cho bố đấy.
Thái phi cười rất tươi, tay chỉ Chiêu Minh vương, Chiêu Quốc vương, Chiêu Văn vương:
– Bố còn ba người con tài trí này. Bố phải sai làm những việc vá trời, chứ giữ ở Thăng long thì không khác gì ngọc quý mà bọc vải, không ai thấy ngọc đẹp như thế nào?
Trần Ích Tắc cãi:
– Mẹ trẻ xét cho: mỗi đứa con của bố giữ một nhiệm vụ nặng chĩu đôi vai, chứ có được ngồi chơi đâu?
– Ừ nhỉ! Dì xin lỗi Ích Tắc. Bây giờ Nhật Duy trở về lĩnh lại chứcTổng trấn Bắc cương, để Ích Tắc sang Mông cổ làm con tin cho triều đình Mông cổ kinh sợ vì Đại Việt có một hoàng  tử bác học, đa năng.
Vương phi Ý Ninh thấy vương phi Chiêu Quốc Lê Hương Thủy đang cười tiếp khách mời vào điện. Phi trêu:
– Con gái Mông cổ thô, cứng. Nếu vương phi Chiêu Quốc theo vương đi sứ, ắt công chúa, quận chúa Mông cổ ghen đến điên được.
Hương Thủy nắm lấy tay Ý Ninh:
– Cả Đại Việt hiện không có ai đẹp hơn chị. Chị đừng trêu em.
Một bàn tay nhỏ bé nắm lấy tay vương phi Ý Ninh, rồi một giọng nói trong trẻo phát ra:
– Mẹ ơi! Có phải chị Ý Ninh đây không?
Ý Ninh nhìn lại, đó là một bé gái năm, sáu tuổi. Tuyên phi trả lời:
– Đúng đấy! Con thơm chị đi.
Cô bé nhảy vọt lên cao thân pháp nhẹ nhàng, hai tay ôm lấy cổ vương phi Ý Ninh, rồi hôn lên má phi:
– Mẹ ơi! Chị của con đẹp quá hả mẹ.
Ý Ninh bế cô bé trên tay, nhìn Tuyên phi như muốn hỏi: cô bé này là ai vậy? Tuyên phi biết ý dâu, mỉm cười:
– Em An Tư đấy. Lần trước hai con về đúng lúc mẹ cho An Tư về thăm ông bà ngoại nên hai con không gặp.
– À!
Vũ Uy vương đỡ lấy An Tư trên tay vợ, rồi ngắm nhìn cô bé:
– Ái chà! Em tôi đẹp quá.
Tuyên thái phi Mai Đông Hoa chỉ có hai người con là  Vũ Uy vương với An Tư. Anh em cách nhau gần 20 tuổi.
Vương Chân Phương đứng cạnh phi, nhìn An Tư rồi nói:
– Công chúa mới  năm sáu tuổi mà đã đẹp thế này. Khi đến tuổi dậy thì e nghiêng nước, nghiêng thành.
Tuyên thái phi nói:
– Mẹ gửi em An Tư theo học với Vô Huyền bồ tát, tại chùa Thần quang.
– Hèn gì ban nãy con thấy An Tư dùng khinh công nhảy lên ôm lấy con nhẹ nhàng quá! Thì ra em đã học khinh công Mê linh. Như vậy An Tư vừa là em chồng, vừa là sư muội của con!
Vũ Uy vương để An Tư xuống. Nó sửa lại y phục chắp tay hành lễ với Ý Ninh:
– Tiểu muội bái kiến sư tỷ.
Ý Ninh đáp lễ, rồi hỏi:
– Em theo học được với Vô Huyền bồ tát bao lâu rồi?
– Một năm rồi đấy.
Thái phi hỏi:
– Ý Ninh vừa là chị dâu, vùa là sư tỷ. Tại sao con không gọi là chị mà lại gọi là sư tỷ. Vậy con coi trọng sư môn hơn huyết nhục ư?
– Không phải vậy đâu mẹ. Theo Tang lễ bản triều thì sư tỷ sư muội để tang nhau 18 tháng. Còn em chồng chị dâu để tang nhau có 6 tháng. Như vậy nghĩa là tình sư tỷ, sư muội nặng hơn.
Lý luận của An Tư, Ý Ninh không ngạc nhiên, vì đó là lối giáo dục của phái Mê linh.
Điện Long An khá lớn, tiệc chia thành từng khu, mỗi khu dành cho một vương. Khu của các vương đều đông người: vương phi, thứ phi, thế tử, quân chúa. Đông nhất là phủ Hưng Đạo, Nhân Huệ.
Khu của phủ Vũ Uy chỉ có  vú Dư Hạo và chồng là Dư Thanh. Tất cả chư vương, hoàng tộc đều vây lấy Vũ Uy vương, vương phi hỏi thăm tình hình chiến sự Tống, Mông Cổ. Nhưng vì đã có chỉ dụ của Thượng hoàng, nên hai vị chỉ thuật những gì chung chung, đại lược mà thôi.
Vương Chân Phương hỏi chồng:
– Anh ơi ! Em thấy trong phủ của chư vương đều có rất nhiều tân khách. Vũ Uy vương là người ôn nhu, văn nhã, khuất thân cầu hiền mà sao trong phủ của vương không có ai?
Yết Kiêu giảng giải:
– Em là người đọc sách nhiều, chắc em biết những bóng đen trong các con của Đường Cao tổ chứ?
– Em biết!
– Trong 4 con của Cao Tổ thì con cả Kiến Thành được phong làm Thái tử. Thứ nhì là Thế Dân. Thứ ba là Nguyên Cát. Thứ tư là Nguyên Bá, chết yểu. Tần vương Thế Dân là người biết khuất thân cầu hiền nên những bậc tài trí trong thiên hạ đều theo vương. Vương lại có tài cầm quân, đánh đâu thắng đó. Vì vậy các anh, em đều ghen tài muốn hại vương rồi đi đến cái thảm cảnh Huyền vũ môn. Vũ Uy vương là người mẫn tiệp, vương tự biết mình đang ở trong hoàn cảnh của Tần vương Lý Thế Dân, nên vương cố tránh cái vết xe đổ của người xưa.

Ghi chú,
Đây là thảm trạng của triều Đường, sử còn ghi. Thái tử Kiến Thành cùng em là Nguyên Cát, ghen tài với Tần vương Lý Thế Dân, nên khi vương được lệnh chỉ của phụ hoàng vào chầu. Hai người  phục binh tại cửa Huyền võ định giết vương. Nhưng gia tướng của vương biết được, phản công giết hai người, rồi ép Cao tổ lên ngôi Thái thượng hoàng, nhường ngôi cho Tần vương thành Đường Thái tông.

– Em không hiểu hết!
– Này nhé, một là vương lớn tuổi nhất trong các con của Thượng hoàng. Chỉ vì xuất thân của mẫu thân không cao quý, nên vương không được truyền ngôi. Nhưng miệng thế gian độc ác luôn chụp lên đầu vương mối nghi ngờ. Bọn mặt dơi tai chuột muốn lập công luôn dèm pha.
– Em hiểu!
– Hai là  vương là người tài trí bậc nhất trong giòng họ Đông A. Có tài cai trị, phủ dụ dân chúng. Võ công cao nhất trong các hoàng tử. Tài dùng binh chỉ thua có Hưng Đạo vương, Nhân Huệ vương mà thôi.
– Em biết.
– Ba là vương có đại công trong thời Nguyên phong, trấn thủ Bắc cương đánh Mông cổ những trận long trời lở  đất, khiến nhân tâm trong nước đều hướng về vương. Chính vì vậy Thượng hoàng mới gửi vương đi làm con tin, để tránh mũi nhọn nghi ngờ, ganh tỵ. Trong khi vương vắng nhà Thượng hoàng nhường ngôi cho Thái tử Hoảng. Thế nhưng trên đường sang Mông cổ, vương kết thân với Tống, với các thân vương, đại thần Mông cổ. Nhất là phục hồi ba châu Văn sơn, Khâu bắc, Chiêu dương. Công này suốt hơn nghìn năm lịch sử chưa từng triều đại nào làm được: chưa  từng một thân vương, võ tướng, văn thần nào dám mơ!
– Em hiểu.
– Bốn là vương lập đại công trong việc giải binh quyền Hốt Tất Liệt, tránh cho Đại Việt mối lo y đem quân sang. Công này khiến ngay trong hoàng tộc nảy ra những mối ghen tỵ. Chính  các vương Trần Di Ái, Trần Nhật Hiệu, Trần Khánh Dư không dấu diếm, công khai đả kích vương khi vương đi sứ trở về cách dây mấy năm, đến nỗi Thượng hoàng phải can thiệp.
– À thì ra thế.
– Năm là sau đó Thượng hoàng, Trung Vũ đại vương không chọn được ai đủ khả năng cầm quân Bắc viện. Hai vị phải cử vương xuất chinh. Cuộc ra quân Bắc viện lại thành công. Thực là tiền vô cổ nhân, hậ vô lai giả. Tống triều phong chức tước cho vương ngang với Thiệu long hoàng đế. Nếu như vương thu nhận tân khách thì trong phủ của vương sẽ thu hút nhiều nhân tài thì tránh sao Thiệu long hoàng đế không nghi ngờ? Trong lịch sử Hoa, Việt khi uy tín, tài năng bề tôi vượt quá vua, thì vua phải nghi ngờ. Khi vua nghi ngờ bầy tôi thì có hai việc xẩy ra: bề tôi phản vua. Hoặc vua giết bầy tôi. Cho nên Vũ Uy vương không thu tân khách. Vương chủ trương: tất cả nhân tài của triều đình là của ta. Thế mà bọn Ngũ ưng, Tô lịch thất tiên, Đông hoa ngũ tiên, dĩ chí Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng, các tướng lĩnh hai hiệu binh Thiệu Hưng, Văn Bắc gần như là tân khách của vương. Trong tòa Tống trấn Bắc cương hiện nhân tài quy tụ nhiều hơn triều đình.
– À thì ra thế! Nếu vương đem tân khách, văn võ quan phủ Tổng trấn về, thì e bọn mặt dơi tai chuột lại dèm pha lôi thôi.
Dã Tượng, Yết Kiêu cùng 2 phu nhân được dẫn tới khu dành cho phủ Hưng Đạo. Hai hầu, cùng hai phu nhân tới bái kiến vương phi.
Lễ nghi tất.
Vương phi nắm tay Thúy Hồng, Chân Phương cho ngồi cạnh ngài. Ngài ngắm nhìn hai nàng dâu, rồi ban hỉ:
– Hai con thực xứng đáng là con cháu vua Trưng. Các con là những thiếu nữ nhan sắc như hoa đào, hoa mận nở mùa xuân. Thế mà mấy năm trước, các con vừa làm đám cưới xong phải lên đường Bắc viện, lăn mình vào chốn muôn ngàn mũi tên, nghìn ánh đao kiếm. Hôm trước mẹ nghe tường thuật về những chiến công hai con đã lập được mà vui mừng không bút nào tả xiết.
Phi gọi bốn vương tử:
– Các con! Mau lại chào hai chị dâu đi.
Nghe lời mẹ, 4 vương tử đứng dậy đến trước Thúy Hồng, Chân Phương hành lễ:
– Từ khi mới lớn,
Quốc Nghiễn nói: chúng em đã được nghe nói về anh Quốc Kinh, Quốc Vỹ. Mới đây lại được nghe nói về hai chị. Đúng là văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình ( chỉ nghe tiếng mà không thấy hình).
Quốc Tảng nói tiếng Hoa vùng Yên kinh:
– Ai cũng nói chị Quốc Vỹ đẹp như tiên. Em thì em nói tiên đẹp như chị Quốc Vỹ.
Chân Phương khen:
– Em nói tiếng Hoa vùng Biện kinh, hơi pha âm Dương châu rất chuẩn. Em học tiếng Hoa bao giờ? Em ví chị với tiên làm chị ngượng.
– Chị chỉ nhìn trong điện này xem! Có ai đẹp bằng chị đâu? Anh Quốc Vỹ hạnh phúc thật, không biết làm cách nào anh lọt mắt xanh của chị?
Yết Kiêu đã đến:
– Tại kiếp trước anh là hòa thượng, gõ thủng 18 cái mõ nên kiếp này mới được chị Chân phương. Các em nhớ nhé, chị Chân Phương có tài làm bếp. Tất cả các món ăn Trung nguyên chị ấy đều biết làm.
Dã Tượng nói nhỏ vào tai Quốc Tảng:
– Anh Yết Kiêu là cốt chó, anh ý cắn chị Chân Phương mấy miếng vào đùi, vào bụng dưới, và vào ... nên chị ý mới phải lòng anh ý đấy chứ!
Quốc Hương vui vẻ:
– Món ăn Trung nguyên thường là thượng phẩm. Để chị ấy làm bếp dâng bố mẹ, rồi anh em mình ăn chực!
Quốc Tảng nói với vương phi:
– Mẹ ơi! Trong vương phủ có nhiều thầy dậy chúng con học. Thầy dậy tiếng Hoa mới qua đời. Bây giờ có bà chị dâu tiên nữ, mẹ để chị dậy bọn con đi.
Thúy Hồng nhìn bốn vương tử: tuy nét mặt còn trẻ, nhưng thân thể hùng vỹ, khí vũ hiên ngang. Nàng hỏi:
– Các em bao nhiêu tuổi rồi?
Vương phi đáp thay các con:
– Trong nhà mình thì Quốc Nghiễn lớn nhất, 20 tuổi rồi. Thứ nhì Quốc Uy 18. Thứ ba Quốc Tảng 16. Thứ tư Quế Hương 15. Thứ năm Quốc Hiện 13. Thứ sáu Thủy Tiên 13.
Thấy Quốc Nghiễn, Quốc Uy mặc y phục vương tước, Chân Phương hỏi:
– Hai em đã được phong tước vương rồi à? Hiện hai em trấn thủ ở đâu?
Một nho sĩ dáng người thanh lịch đáp thay:
– Khải công chúa điện hạ, năm 14 tuổi vương tử Quốc Nghiễn được cho mở phủ đệ riêng, tước phong Hưng Vũ vương. Năm 18 tuổi được trao cho thống lĩnh hiệu binh Tiền thánh dực, được  thượng hoàng gả công chúa Thiên Thụy cho, thành phò mã. Hiện trấn thủ vùng Đông triều.
Ông  lại chỉ Quốc Uy:
– Vương tử Quốc Uy được mở phủ đệ từ năm 14 tuổi, tước phong Hưng Hiếu vương. Hồi đầu năm nay được trao cho thống lĩnh hiệu binh Tả thánh dực. Hiện trấn thủ vùng núi Côi.
Thấy Dã Tượng, Yết Kiêu ngơ ngác nhìn nho sinh, Hưng Vũ vương chỉ ông giới thiệu:
– Trình với hai anh đây là thầy Lê Văn Hưu.
Yết Kiêu chắp tay vái:
– Thì ra thầy đậu Bảng nhãn khoa Đinh Mùi, hiện lĩnh Hàn lâm viện học sĩ, kiêm Quốc sử viện giám tu đấy. Tuy vạn dặm xa xôi chúng tôi cũng nghe tiếng thầy.
Hưng Vũ vương tiếp:
– Ứng lời mời của phụ vương, hiện thầy dậy văn trong vương phủ. Chúng em đều là học trò thầy cả.
Lê Văn Hưu chỉ Quốc Tảng:
  Đệ tam vương tử Quốc Tảng mới cho mở phủ đệ năm ngoái, tước phong Hưng Nhượng vương. Hiện vương chưa lĩnh nhiệm vụ gì.
Thế rồi bốn vương tử, nhị vương cô quây quần quanh Dã Tượng, Yết Kiêu với hai phu nhân để nghe thuật cuộc Bắc Viện.
Tiệc dọn lên. Bốn vương tử dành ngồi bên Dã Tượng. Dã Tượng ăn khỏe gấp bốn, gấp năm người thường. Trong mâm cỗ có bao nhiêu thức ăn ngon, các vương tử gắp cho hầu. Không làm khách hầu ăn sạch.
Quốc Tảng từng nghe nói về hành trạng hai người anh Dã Tượng, Yết Kiêu. Vương móc Dã Tượng:
– Em nghe nói, hồi qua Gia lâm, anh ứng tuyển, được một đệ nhất giai nhân Thanh Nga. Nàng không những là một ca nhi, nhan sắc khuynh quốc, mà lại có tài bếp núc. Chắc vì anh được nàng nuôi, nên to lớn khác thường. Thế nàng bây giờ ra sao? Mà vợ anh lại là bà Quan Âm Thúy Hồng?
Dã Tượng cười:
– Hồi đó anh là con mèo mù, thấy cục mỡ trước mặt mà không ăn, nên để bọn Mông cổ bắt mất. Bây giờ nàng là phu nhân của Phó Tể tướng Mông cổ  đấy. Hiện nàng đang cùng chồng được Đại hãn A Lý Bất Ca sai trấn thủ Vân Nam, Tây tạng chống với quân của Hốt Tất Liệt.
Yết Kiêu hỏi:
– Các em học võ với ai?
Hưng Vũ vương đáp:
– Hai cô nhà này sướng lắm, được Vô Huyền Bồ tát thu làm đệ tử. Còn bốn đứa con trai thì đều học với bác Hưng Ninh Quốc Tung.
Thúy Hồng chúc mừng:
– Chị mừng cho sáu em, đều là đệ tử của chư Bồ tát.
Đúng như lệnh ban đầu của trưởng tộc Trần Thủ Độ ban ra:
Trong bữa tiệc hâm nóng tình ruột thịt tránh nói đến việc công. Nên các nhà toàn nói truyện con cái học văn, luyện võ ra sao? Sức khỏe của các bậc gia trưởng thế nào. Mọi người đều hướng về trưởng tộc Thủ Độ, vì năm nay ông đã 71 tuổi rồi. Sau đó ai cũng muốn biết sức khỏe của Thượng hoàng.

Bỗng Thái giám phụ trách Kính sự từ ngoài bước vào khải với  Chiêu Quốc vương, vì vương phụ trách Tổng trấn Thăng long:
– Khải vương gia, quan Phủ thừa Thọ xương* muốn khải với vương một việc khẩn.

Ghi chú,
* Phủ thừa Thọ xương, tương đương với ngày nay là Chủ tịch ủy ban nhân dân Thủ đô Hà nội.

Vương ban chỉ cho vào.
Viên Phủ thừa khải rất nhỏ, nhưng những người ngồi cạnh vương đều nghe rõ:
            – Khải vương gia, hồi chiều nay, có 12 người đi trên một con thuyền chạy dọc sông Tô lịch, tới cây cầu đá thôn Đông Hoa Môn thì đem lên một cái bệ bằng đá trắng. Rồi một con thuyền khác chở lên một pho tượng bằng đá xanh, lớn bằng người thật. Thoáng trông qua thì tưởng rằng tượng Phật Di  Lặc. Nhưng trông giống Trung Vũ đại vương như thật. Xin khải để vương gia tường.
Trung vũ đại vương Thủ Độ hỏi:
– Phủ thừa nói rõ đó là chỗ nào?
– Khải Đại vương đó là con đường Diên hưng thuộc phường Diên hưng, thôn Đông hoa môn. Tại đây có cây cầu đá bắc  ngang sông Tô lịch gọi là cầu Đông. Ngay mố cầu có ngôi chùa, gọi là chùa cầu Đông.
– Thế chùa cầu Đông tạo từ bao giờ? Hiện do sư nào trụ trì?
Viên Phủ thừa bỡ ngỡ không trả lời được. Chiêu Quốc vương Ích Tắc trả lời thay:
– Thưa ông trẻ, sông Tô lịch chảy từ cửa Hà khẩu, ngoằn ngoèo vào thành Thăng long. Hai bên sông có nhiều phố phường buôn bán. Khu vực phường Diên hưng là nơi tập trung các đại thương gia người Tầu, người Hồi, cả người Chiêm. Đông nhất là người Tầu. Những người Tầu đều là những thương gia giầu có súc tích. Họ kết thành nhiều bang hội, thiết lập trường dạy văn, luyện võ. Thương gia người Tầu đến đây sinh sốngï vào đời Đường. Khi triều Nam Đường bị Tống diệt một số quan lại, tông tộc nhà Nam Đường dùng thuyền vượt biển sang kiều ngụ. Vì vậy khu này còn gọi là phố hàng Đường.
Mọi người đều phục vương bác học. Nhân hòa vương Trần Di Ái than:
– Thế mà từ trước đến nay, ai cũng tưởng phố hàng Đường là nơi bán đường, thành ra viết sai hết.
Chiêu Quốc vương tiếp:
– Ngay trước chùa cầu Đông có một dẫy nhà gồm 36 căn, xây bằng gạch, có gác. Trong 36 căn nhà này tập trung đến gần trăm thầy bói đủ loại: Bói dịch, Độn số, Tử vi, Tướng mệnh, Thầy cúng, Phù thủy, xem chân gà. Vào những ngày rằm, mùng một, Phật tử đi lễ chùa cầu Đông đông nườm nượp. Sau khi lễ xong thì thế nào cũng xin quẻ thẻ, rồi ra nhờ thầy giải cho.
Thiên Cảm hoàng hậu than:
– Thảo nào dân gian có câu ca rằng:
Bà già đi chợ cầu Đông,
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói deo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn.
Trung vũ đại vương Thủ Độ khen:
– Ích Tắc thực xứng  đáng vời chức Tổng trấn Thăng long. Những chuyện vụn vặt như vậy mà cháu cũng biết rất tận tường.
Vương hỏi Yết Kiêu:
– Cháu từng thống lĩnh hiệu binh Thiệu hưng, đa số binh tướng hiệu binh này xuất thân từ khu cầu Đông, cháu thấy người Hoa thế nào?
Yết Kiêu thưa:
– Thưa ông! Cháu từng chỉ huy hiệu binh Thiệu hưng một thời gian. Hầu hết các anh tài của hiệu binh này đều xuất thân ở phường Diên hưng. Quả thực những Hoa kiều tuy xa quê hương vạn dặm, nhưng họ luôn hướng về đất tổ. Họ chiến đấu như những con sư tử. Khiến bọn Mông cổ kinh hoàng. Vừa rồi vua Tống đã sai sứ sang phong hàm cho cha mẹ những binh tướng hiệu này có công trong các trận đánh Tứ xuyên.
Thái sư Thủ Độ tuyên chỉ:
– Ta già rồi, người yêu ta, hay ghét ta đều có thể tạc tượng. Hãy để nguyên như vậy.
            Vương đưa mắt nhìn khắp điện, muốn cử một người trong hàng con cháu, đi quan sát tường tận rồi về trình lại. 
            Vương ban chỉ:
            – Ích Tắc, cháu cử một người tâm tính hiền hậu và một người thuộc Phật tử thuần thành ra coi sự thể thế nào?
            Chiêu quốc vương đang suy nghĩ chưa biết cử ai đi thì Vũ uy vương phi nói:
            – Chú Ích Tắc! Nên cử vợ chồng Dã Tượng đi. Vì Dã Tượng thuần hậu, còn vợ là Thúy Hồng, đệ tử của  A Hàm La bồ tát.
Thượng hoàng ban chỉ:
            – Chắc giờ này dân chúng đang chen nhau xem đông lắm. Hai con chỉ ra quan sát như những người dân. Đừng làm họ sợ.

Dã Tượng, Thúy Hồng vâng chỉ rời khỏi điện. Tiệc vẫn tiếp tục. Ba vương Chiêu Minh, Chiêu Quốc, Chiêu Văn cho bốn đội ca nhi Kim, Ngân, Ngà, Thúy trình bày diệu múa Trăm hoa (điệu múa Bài bông). Điệu múa rất dài, gồm chín màn, nên khi trình tới màn thứ bẩy thì Dã Tượng với Thúy Hồng về.
            Thúy Hồng khải với Thủ Độ:
– Thưa ông trẻ, chúng con tới nơi thì thấy một Ngũ binh của Phủ thừa Thọ xương, không mang vũ khí canh gác bên pho tượng. Pho tượng lớn như người thực bằng đá xanh, ngồi trên một bệ đá trắng tạc hình như hoa sen. Nhìn xa thì tưởng như Phật Di Lặc đắc đạo trong tư thế ngồi, cổ đeo chuỗi tràng hạt. Nhưng nhìn gần thì giống ông trẻ, lại có cả nốt ruồi ở môi trên. Ai cũng bảo tượng ông trẻ hóa Bồ Tát. Dân chúng tụ tập xung quanh vái lậy rồi niệm:
Nam mô Di Lặc tôn Phật.
Một bà phi  của Chiêu Minh vương hỏi:
– Cháu ơi! Thế nào là tượng Phật Di Lặc đắc đạo?
Thiệu Long hoàng đế tuyên chỉ:
– Cháu giải thích rõ : tượng Phật Di Lặc thường được thờ theo hai tư thế: khi chưa đắc đạo. Và khi đắc đạo.
Thúy Hồng nói lớn:
– Phật tử thường thờ Phật Di Lặc với dáng người mập, nên tiếng bình dân gọi là Phật bụng bự. Nguyên do, ngài tượng trưng cho tinh thần khoan, nhượng, thứ, nên lúc nào cũng cười. Vì khoan thứ, nên người mập, bụng như cái trống. Phật tử thờ ngài theo hai hình tượng. Tại các cửa hàng buôn bán thì thờ ngài lúc chưa đắc đạo với Lục tặc quấy phá. Còn tượng thờ ngài ở trong nhà để hưởng cái huệ thì trên người ngài chỉ có cỗ tràng hạt. Đó là hình tượng ngài đã đắc quả không bị Lục tặc quấy phá nữa.
Vũ Minh vương Quang Húc hỏi:
– Cháu nói Lục tặc à! Thế sao chú thấy trên người ngài chỉ có 5 đứa trẻ thôi chứ đâu có sáu?
Thúy Hồng vái Hưng Ninh vương:
– Sư phụ! Đệ tử không thuộc nhiều về Thiền sử. Xin sư phụ phát tâm Bồ đề !
Hưng Ninh vương đứng dậy, vương thuyết pháp:
            – Di Lặc tôn Phật hay ông phật bụng phệ cũng là một. Ngài còn có tên là Bố Đại hòa thượng. Ngài thác sinh tại Đại Việt mình, nức danh cao tăng thuộc phái Tiêu-sơn rồi  đắc đạo. Ngài là sư thúc của quốc-sư Vạn-Hạnh, và Lý Khánh-Vân. Mà Lý Khánh-Vân là nghĩa phụ của Lý-Thái-Tổ. Ngài đắc đạo rất sớm, võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Song chẳng bao giờ ngài đánh ai. Ai đánh, ngài chỉ đỡ, rồi bỏ chạy.
            Ngài có đặc tính, chỉ đóng cái khố, choàng ngoài bằng tấm áo cà-sa. Nơi nào ngài cũng ăn được. Chỗ nào ngài cũng ngủ được. Ngài không bao giờ tắm, mà trên người ngài luôn thoang thoảng mùi hương trầm. Ngài đi đến đâu, con nít bu xung quanh ngài, đứa thì vỗ bụng, đứa thì bẹo tai, đứa thì ngoáy tay vào rốn ngài.
            Ngài thuyết pháp rất giản dị, chỉ vài câu thôi, người ta đã hiểu tinh hoa đạo Phật. Ngài đi khắp các sứ Chân-lạp, Chiêm-thành, sang đến Trung-quốc. Người Trung-quốc vẽ hình nặn tượng thờ ngài. Có hai tượng khác nhau. Tượng thứ nhất ngài đeo tràng hạt, có năm đứa trẻ ngồi trên bụng, trên vai, trên tay ngài. Đứa bẹo tai, đứa bẹo mắt, đứa nắm tay, đứa ngoáy rốn, đứa bụm miệng. Còn một tượng nữa trong tư thế ngồi cầm tràng hạt cười.
            Sự thực ngài cũng có tục danh. Tục danh của ngài được lưu truyền là Khiết-Thử. Không rõ họ. Người ta tặng cho ngài tên Trường-đinh-tử. Sử Trung-quốc ghi ngài xuất hiện thuyết pháp đầu tiên vào đời nhà Lương (909-923). Niên hiệu Trinh-Minh thứ ba đời Lương (917) ngài dùng ngón tay viết lên đá ở chùa Nhạc-lâm bài kệ như sau:

            Di-lặc chân Di-Lặc,
            Phân thân thiên bá ức.
            Thời thời thị thế nhân,
            Thế nhân tự bất thức.

                        Dịch:
            Di-Lặc đúng Di-Lặc,
            Phân thân thành triệu người.
            Đời đời dạy nhân thế,
            Nhân thế nào có hay.

            Sau đó ngài gọi đệ tử đến, dạy rằng:
            – Ta có nguyện, đầu thai nhiều lần xuống vùng đất thiêng Nam Ngũ-lĩnh, giúp tộc Việt dựng lại thành quốc gia kỷ cương. Đây mới là kiếp thứ nhất. Nay xác ta mục. Ta tìm về phương Nam, nhập vào hài nhi sơ sinh, bắt đầu kiếp thứ nhì. Sau này ta cũng có hình dạng cùng hành trạng như hiện nay.
            Nói dứt, viên tịch. Tin đó truyền ra ngoài, dân chúng làm tượng thờ. Rồi ít lâu sau, vùng Cửu-chân lại xuất hiện một chú tiểu về tu ở chùa Tiêu-sơn. Chú nói tiền kiếp chính là Bố-Đại hoà thượng. Không ai tin, có người cho chú điên khùng. Năm hai mươi lăm tuổi chú béo tròn, trán bóng, lúc nào cũng cười toe toét, giống hệt Bố-Đại hoà thượng ngày xưa. Bấy giờ người ta mới tin Bố-Đại tái sinh.
Bố-Đại lại du hành thuyết pháp ở Trung-quốc. Lưng đeo túi vải. Nhân bố là vải, đại là túi. Nên người ta gọi ngài là Bố-Đại hoà thượng. Ai cúng dàng cái gì, ngài bỏ vào túi, đem phát cho trẻ con. Ngài đi đến đâu, trẻ con bu quanh ngài đến đấy.
Chiêu Hòa vương Quốc Uất hỏi :
– Anh ơi ! Tại sao người ta lại nặn hai loại tượng của ngài để thờ?
            Tuệ Trung cười :
              Chú đã có bao giờ nghe nói đến lục tặc không?
            – Thưa anh chưa ạ !
              Tượng có năm đứa trẻ ngồi trên bụng ngài, biểu tượng thời kỳ ngài chưa giác ngộ, bị Lục-tặc quấy phá. Còn tượng ngài ngồi cười, biểu tượng thời kỳ ngộ đạo rồi, Lục-tặc không còn nữa.
            Ngài nói đến đâu, Thúy Hồng gật đầu, tỏ ý hiểu đến đó. Còn Quốc Uất ngơ ngơ ngác ngác hỏi:
            – Em nghe võ công ngài cao thâm khôn lường. Sao ngài không đánh đuổi Lục-tặc là sáu tên giặc đi đi? Chúng bé xíu  mà?
            Tuệ Trung lắc đầu:
            – Đánh đuổi thế nào được. Nó có hình, có xương, có thịt đâu mà đánh? Nó không hình, không bóng. Nó chính là ngài. Trong chú cũng có Lục-tặc. Trong tất cả chúng tại diện này đều có Lục-tặc. Trong anh cũng có Lục-tặc. Chú hiểu chưa?
            Thúy Hồng gật đầu mỉm cười. Còn Quốc Uất càng ngơ ngác. Thượng hoàng giải thích:
              Để bố nói cho con nghe. Khi ngài chưa đắc đạo thì sáu thứ giặc nó quấy nhiễu. Sáu thứ giặc đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Mắt còn thích nhìn hoa thơm cỏ lạ là một tặc. Tai còn nghe lời thị phi, bị âm thanh lôi kéo là hai tặc. Mũi còn ngửi mùi hương thơm, mùi hôi thối là ba tặc. Miệng còn muốn ăn ngon, còn phân biệt ngũ vị là bốn tặc. Lưỡi còn nói không, nói có cho người là năm tặc.
            Quốc Uất tính đốt ngón tay:
            – Như vậy mới có ngũ tặc. Ừ, đúng ngũ tặc, vì tượng chỉ có năm đứa trẻ, chứ đâu phải sáu?
            Thượng hoàng cũng bật cười về ông con chân thật của mình:
            – Khi bị ngũ tặc quấy phá, trong tâm người không định được, còn giận hờn, còn cáu kỉnh, còn tức tối...thì chính người là một tặc nữa.
            Thượng hoàng giảng:
              Con nghe đây. Trong kinh Bát-nhã cũng như Kim-cương, Lăng-gìa đều không ngớt nói về nhân ngã tứ tướng. Khi luyện Thiền-công, dù Vô-ngã hay Vô nhân hay Vô chúng sinh hay Vô thọ tuy có khác nhau, nhưng đều thu về một mối, làm sao bỏ sáu căn của con người nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý bấy giờ trong người như một nơi chân không, hỏi rằng Lục-tặc làm sao nhập vào được? Đã đến trình độ này, sẽ thành Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ gỉa tướng. Người học loại thần công nào cũng thế thôi.
 Thượng hoàng nhìn Thúy Hồng:
            – Con xuất thân từ phường Đông hoa phải không? Phường Đông hoa rất gần chùa cầu Đông. Thế con đã từng đi lễ chùa cầu Đông chưa? Chùa do vị tăng nào trụ trì?
            Thúy Hồng tâu:
            – Hồi còn học ở phường Đông hoa, con cùng bạn học thường dạo chơi ở phường Diên hưng ăn quà, xem phố, mua sắm, đã nhiều lần vào chùa cầu Đông lễ Phật. Bấy giờ con còn nhỏ, nên không biết rõ chùa do sư nào trụ trì. Nhưng hiện nay chùa do sư phụ của con là Bồ tát A Hàm La làm trị sự trưởng.
            Thượng hoàng hỏi Chiêu Quốc vương Ích Tắc:
            – Con là cái kho chứa văn hóa, con có biết rõ chùa được xây năm nào không?
Được phụ hoàng khen, Chiêu Quốc vương Ích Tắc hãnh diện vô cùng:
            – Tâu con biết rõ. Chùa cầu Đông còn có tên là Đông hoa môn tự. Chùa được Lập nguyên hoàng hậu của vua Lý Thái tổ bỏ tiền ra xây vào niên hiệu Thuận Thiên thứ 10 (1019), do các sư thuộc chùa Tiêu sơn trụ trì. Cách đây mấy năm, Bồ tát A Hàm La từ Tây Tạng sang Trung nguyên hoằng dương đạo pháp, ngài bị bắt cùng các đạo sư Hồi giáo. Anh Nhật Duy cùng chị Ý Ninh biết hạnh nguyện của ngài, thỉnh ngài ở lại Đại Việt hoằng dương đạo pháp. Ngài được hòa thượng Quang Huệ trị sự trưởng mời về chùa để thuyết pháp. Ba năm trước, hòa thượng Quang Huệ viên tịch, ngài trở thành trị sự trưởng.
            Những lời đối đáp giữa Tuệ Trung, khiến Trung vũ dại vương Thủ Độ nhớ lại những kỷ niệm cũ thời thơ ấu:

Vương bị em con cô con cậu là Thái tử Sảm hành hạ khốn khổ. Vương phải trốn ra phường Đông hoa. Thái tử Sảm cùng bọn Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng dẫn Thị vệ lùng bắt, đánh đến chết đi sống lại. Vương cố lết đến chùa Đông Hoa Môn, được một vị tăng cứu tỉnh, cho ăn uống. Vương thề trước bảo điện sẽ tuyệt diệt triều Lý để trả thù. Nhà sư nghe lời thề đó, khuyên rằng: oán nên cởi, không nên buộc. Nhà sư coi tướng cho vương nói rằng: sau này sự nghiệp của vương sẽ vĩ đại vô cùng. Vương hỏi bao giờ thì chết? Nhà ư nói: khi nào con cởi bỏ hết hận thù, hóa thành Di Lặc tôn Phật là lúc chết. (Xin xem Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông, cùng tác giả)

            Bây giờ không biết ai tạc tượng Phật Di Lặc, nhưng lại giống vương, thì có lẽ ứng vào việc vương sắp hoăng. Tự nhiên trong lòng vương cảm thấy nhẹ nhõm, bao nhiêu hận thù triều Lý kết trong lòng vương biến mất. Vương tự hỏi: Ai đã tạc tượng, rồi đem đặt ở nơi mà vương bị Thái tử Sảm hành hạ vương khi xưa?
            Trong điện, con cháu đang vui vẻ ăn uống, nhưng vương ngồi trầm tư. Quá khứ cuộc đời hiện lên trong tâm vương.
            «  Khi triều Lý bị cái vạ gà mái gáy, bị các bà hậu cung ngu dốt làm cho tan hoang. Cụ ta, ông ta cho bố ta là Trần Thủ Huy về giúp triều đình. Phụ thân ta đem hết tài trí, trong thì tổ chức lại triều chính, ngoài thì dẹp yên giặc dã. Người được vua Anh Tông gả công chúa Đoan Nghi cho. Người được trao cho chức Phụ quốc Thái úy. Bố mẹ ta tổ chức binh bị, mưu đem quân tái chiếm vùng Lưỡng Quảng, vốn thuộc lãnh thổ Lĩnh Nam cũ. Nhưng ông ngoại ta là vua Lý Anh Tông bị Tống triều gài 2 mỹ nhân vào hậu cung. Hai người này phá vỡ kế hoạch Bắc tiến. Khi ông ngoại băng thì bố mẹ ta từ quan về điền đã. Cậu ta là vua Lý Cao Tông còn bế ngửa lên ngôi vua, bị mẹ là một người đàn bà điêu ngoa, dâm đãng áp chế. Triều đình đem bố mẹ ta cống cho Tống. Bố mẹ ta không tuân chỉ. Nhân có lời mời của một lãnh chúa vùng Thảo nguyên tên Thiết Mộc Chân thỉnh bố mẹ ta sang săn bắn. Bố mẹ ta vui vẻ lên đường. Khi tới vịnh Liêu Đông thì sinh ta trên con thuyền, đặt cho ta cái tên Thủ Độ. Thủ là đứng đầu, độ là bến đò. Khi bố mẹ ta tới Thảo nguyên thì đúng lúc Thiết Mộc Chân bị một đại hãn tên Vương Hãn đánh bại. Bộ tộc của Thiết Mộc Chân tan nát. Bố mẹ ta giúp Thiết Mộc Chân tổ chức hành chính, huấn luyện quân sĩ, đánh tan vương quốc của Vương Hãn, thành lập nước Mông cổ. Bố mẹ ta còn giúp Thiết Mộc Chân diệt hai bộ tộc lớn nhất Thảo nguyên là Thát Đát và Nãi Man. Thiết Mộc Chân tiếp tục đánh chiếm các bộ tộc nhỏ, rồi trở thành một Đại hãn lớn nhất vùng Thảo nguyên. Thiết Mộc Chân thành lập đế quốc Mông cổ, xưng là Thành Cát Tư Hãn. Thành Cát Tư Hãn cực kỳ kính trọng bố mẹ ta.
            Giữa lúc đó thì cậu ta là vua Lý Cao Tông bị bọn ngoại thích áp chế, người sai mật sứ sang Mông cổ mời bố mẹ ta trở về nước nắm quyền, diệt bọn ngoại thích. Bố ta nghi ngờ không về. Ít lâu sau, thì có sứ giả sang cáo với mẹ ta rằng bà ngoại ta bị bệnh nặng, người muốn thấy mặt mẹ ta trước khi băng. Được tin, mẹ ta nhất định trở về. Bố ta nghi ngờ: đây là cạm bẫy bọn ngoại thích dàn ra để hại bố mẹ ta. Mẹ ta cương quyết dẫn ta về. Khi về tới Thăng long thì mẹ ta bị trúng phục binh của bọn ngoại thích. Chúng dùng mấy trăm tiễn thủ ám sát mẹ ta. Cậu ta là vua Lý Cao Tông đem ta vào Hoàng thành nuôi, dối là cháu Hoàng hậu. Ta bị em con cô con cậu là Thái tử Sảm hành hạ khốn khổ. Ta phải trốn ra phường Đông hoa. Thái tử Sảm cùng bọn Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng dẫn Thị vệ lùng bắt, đánh ta đến chết đi sống lại. Ta cố lết đến chùa Đông Hoa Môn, được một vị tăng cứu tỉnh, cho ăn uống. Ta thề trước bảo điện sẽ tuyệt diệt triều Lý để trả thù. Nhà sư nghe lời thề đó, khuyên rằng: oán nên cởi, không nên buộc. Nhà sư coi tướng cho ta nói rằng: sau này sự nghiệp của ta sẽ vĩ đại vô cùng. Ta hỏi bao giờ thì chết? Nhà sư nói: khi nào con cởi bỏ hết hận thù, hóa thành Di Lặc tôn Phật là lúc chết.
            Trong dịp may ta gặp một thiếu nữ xinh đẹp kết bạn thanh mai, trúc mã tên Kim Dung. Nào ngờ Kim dung là chị con bác Trần Lý của ta. Ta lập ra bang Lĩnh Nam, rồi ta thi võ, đoàn tụ với ông ta, bác ta. Triều Lý phong ta làm Tổng lĩnh thị vệ, ban cho ta tước hầu, cử ta đi sứ Mông cổ, mời cha ta về nước cầm lại quyền Phụ quốc Thái úy. Nhưng ta tới Mông cổ, Thành Cát Tư Hãn vì kính bố ta, yêu tài ta, phong cho ta chỉ huy binh đoàn Phương Đông. Ta cầm quân đánh Kim, chiếm Yên kinh. Thành Cát Tư Hãn bàn liên binh với Tống diệt Kim, cử bố ta đi sứ Tống. Cử ta đi sứ về Đại Việt mời sư thúc Tử Tuệ sang trị thương cho người. Ta về nước đúng lúc bọn Quách Bốc làm loạn. Thái tử Sảm chạy về Thiên trường. Bác Trần Lý, cậu Tô Trung Từ mộ quân dẹp loạn. Thái tử Sảm cưới người tình, cũng là chị con bác của ta làm vợ. Ôi đau đớn biết bao, kẻ đại thù cướp người yêu của ta. Do nhà ta trợ giúp, Sảm dẹp được loạn, trở về Thăng Long. Bác Lý khi dẹp loạn bị tử thương, binh quyền vào tay anh Trần Tự Khánh, quyền cai trị về tay anh Trần Thừa. Quyền Tổng lĩnh Thị vệ vào tay ta. Kẻ thù của ta trở thành vua Lý Huệ Tông bị bệnh diên, không con trai, nhường ngôi cho con gái là Lý Phật Kim tức Chiêu Hoàng. Cháu Trần Cảnh con anh Thừa được tuyển vào cung hầu Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng phải lòng Cảnh. Ta công bố cho triều thần biết. Chiêu Hoàng cưới Cảnh làm chồng, nhường ngôi cho chồng. Cảnh lên làm vua lập ra triều Đông A. Ta lĩnh chức Thái sư Thống quốc hành quân chinh thảo sứ dẹp loạn, yên dân. Anh Thừa làm Thượng hoàng phụ chính cho Cảnh.
            Bấy giờ  Huệ Tông đi tu ở chùa Chân giáo, pháp danh là Huệ Quang. Huệ Quang thắt cổ tự tử. Dân chúng ngoa truyền rằng ta ép vua tự tử. Thậm chí ta giết vua. Ta không làm mà người bịa ra thì ta không thể nào ngăn được miệng lưỡi thế gian.
            Huệ Tông băng, chị Kim Dung với ta còn trẻ. Tuy chị đã lấy Huệ Tông có hai con, nhưng ta vẫn trung thành với chị. Bây giờ Huệ Tông băng, ta với chị tái hồi. Chị được phong tước Linh Từ quốc mẫu. Ta với chị tận hưởng thanh phúc 35 năm, chị mới băng. Người đàn ông nào khá giả một chút thế nào cũng thê, thiếp. Còn đại thần, thân vương, vua chúa có ít ra mươi vợ. Nhưng cả đời ta chỉ có chị Kim Dung.
            Kể từ lúc cháu Cảnh lên ngôi vua mới có 8 tuổi, giữa lúc đất nước rối loạn, giặc giã tứ phương. Một tay ta tổ chức cai trị, dẹp giặc đem lại nước mạnh, dân giầu. Ta đã thực hiện được cái chí của cha ta là: giết tuyệt bọn quan lại ăn hại của triều Lý, chỉ biết có truyện chui đầu vào váy mấy con mụ dâm đãng ở nội cung, rồi được cầm quyền. Dệt tuyêt bọn dâm đãng nội cung; thành lập một triều đại mới hùng mạnh, vì dân, cho dân.
            Hốt Tất Liệt sai Ngột Lương Hợp Thai mang 5 vạn Kị binh, 5 van hàng binh Đại lý đánh Đại Việt, mục đích lấy hàng binh, lấy Thủy qun đánh sau lưng Tống. Mông cổ tràn vào Thăng long cướp phá. Cảnh sợ hãi hỏi ta. Ta trấn an Cảnh:
Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo.
Thế rồi ta suất lĩnh binh mã, toàn quân, toàn dân đánh giặc. Mông cổ bị quét sạch khỏi Đại Việt.
            Bây giờ Trần triều đã trải qua 2 đời vua. Binh hùng. Tướng mạnh. Dân giầu. Trong nhà ta trên dưới một lòng. Hôm nay không biết ai tạc tượng ta giống Phật Di Lặc. Như vậy là ta sắp hoăng rồi. Bây giờ ta thấy trong tâm thảnh thơi, không vẩn một chút tham vọng nào, cũng chẳng còn thù hận triều Lý.  Ta tự hào đã sống một cuộc đời oanh liệt, lợi ích cho nước, cho nhà“.

            Tiệc gần tàn. Bây giờ là lúc con cháu thứ tự đến chúc thọ Thượng hoàng và trưởng tộc Thủ Độ.
            Thượng hoàng ngồi trên một cái ngai, đặt trên bệ cao. Dưới một chút là cái ghế lớn bện bằng cỏ khô, dành cho Thái sư Thủ Độ. Theo thứ tự, con cháu từng chi, từng giòng xếp hàng làm lễ, rồi chúc thọ. Đến lượt Vũ Uy vương, vương phi Ý Ninh chúc thọ Thượng hoàng rồi tới thái sư Thủ Độ. Khi lời chúc của vương phi dứt. Phi hỏi:
            – Ông trẻ ơi! Cuộc đời ông Trẻ thực oanh liệt, thực hào hùng. Bây giờ con cháu tụ họp đông đủ trước mặt, ông Trẻ có ước vọng gì nữa không?
            Thái sư Thủ Độ cười rất tươi:
            – Ước vọng ư? Ta đủ quá rồi. Ước vọng của ta là sao cho dân giầu thêm, nước mạnh thêm. Cuối cùng ta ra đi thanh thản mà thôi. Ta... ta...
Rồi mắt vương trợn ngược.
Ý Ninh kinh hoảng:
            – Ông! Ông! Sao?!?!
            Kinh hoàng, Chiêu Quốc vương vốn có tài về Y học. Vương chạy lại chẩn mạch. Vương vận sức nói lớn:
            – Quốc Thượng phụ vì vui vẻ, mà vãng du miền Cực lạc rồi.
            Trong điện náo loạn cả lên. Hưng Ninh vương nói lớn:
            – Vị trưởng tộc của chúng ta đã vãng sinh miền Cực lạc. Người ra đi thanh thản, không đau, không bệnh. Chúng ta phải mừng. Cấm không được khóc. Tất cả im lặng. Ai ở chỗ nào thì ngồi nguyên chỗ đó.
            Các vương Chiêu Minh, Vũ Uy, Chiêu Văn, Chiêu Quốc khiêng cái ghế của Trung Vũ đại vương đặt trên cái bệ cao nhất. Rồi theo thứ tự vai vế trong họ Đông A, đến trước thi hài của vương hành đại lễ.
            Chiêu Quốc vương Ích Tắc là Tổng trấn Thăng long, ban chỉ cho Tể tướng sai ngựa trạm báo cho tất cả các trấn, phủ, huyện biết tin buồn. Lập tức chuông tại các chùa cùng thỉnh mười hồi. Chùa thư nhất là Đông Hoa Môn thỉnh đầu tiên. Các chùa xung quanh nghe chuông Đông Môn Tự, lập tức thỉnh theo. Cứ như thế, đến trưa hôm sau thì các chùa ở xa như  trấn Nghệ an, như các châu Văn sơn, Chiêu dương, Khâu Bắc đều thỉnh xong.
            Quan tài của vương được tẩm liệm bằng gỗ Tử, đặt tại phủ Thái sư cho các văn võ bá quan, con cháu ở xa về viếng linh cữu. Rồi một tháng sau, đem ra thiêu tại chùa Đông Hoa Môn.

Vào một buổi trưa, Vũ Uy vương đang họp các quan phủ Tổng trấn Bắc cương thì có sứ giả của hoàng đế Hàm Thuần triều Tống xin cầu kiến. Sứ giả là Thái tử thiếu sư, Binh bộ thượng thư, phó quản Khu mật viện, Phong đô bá, Bình Tây đại tướng quân, Tạ Phương Đắc. Vương dẫn văn võ quan phủ Tổng trấn Bắc cương ra đón. Cố nhân gặp nhau, cả hai mừng đến không nói lên lời. Sơn Đức, Sơn Cao chắp tay, nói bằng tiếng Hán vùng Hàng châu:
– Kính chào thầy. Không biết hồi này thầy có mạnh khỏe không?
– Tuổi chưa già, nhưng lo việc nước thì khỏe cũng thành yếu. Nhờ hai em dậy cho mấy thức nội công hồi trước, nên mỗi khi mệt lại luyện, cũng đỡ. Hai em cũng là sư phụ của tôi.
Ông nói với Vũ Uy vương:
– Hoàng thượng có chiếu chỉ ban cho vương gia.
Vũ Uy vương sai bầy hương án rồi hô chư tướng hướng về phương Bắc nghe chiếu chỉ. Chiếu chỉ là một áng văn tuyệt tác, ca tụng công đức trước đây Đại Việt đã trợ Tống lương thảo, gửi hai hiệu quân sang đánh bại Mông cổ, giết Mông ca. Cuối cùng Tống triều thỉnh Hành sơn vương lên đường nhận lãnh địa được phong là vùng phía Nam hồ Động đình.
Tạ Phương Đắc gặp lại vương phi Ý Ninh, Yết Kiêu, Dã Tượng, Địa Lô nhất là đội Mê linh kiếm trận thì mừng vô hạn. Tiệc bầy ra. Tạ Phương Đắc nói:
– Tướng trấn thủ khu hồ Động đình là người đọc sách. Tước công, có tài cầm quân. Công gốc hoàng tộc tên Triệu Phương. Suốt mười mấy năm trấn nhậm, quốc công không cho Mông cổ từ Tứ xuyên xuôi Trường giang về Đông. Lại ngăn không cho chúng vượt Trường giang vào hồ Động đình. Tháng trước Công hoăng do tuổi già. Triều đình nghị: đây là cửa ngõ trấn ngự phương Nam, phi người tài trí như Hành sơn vương không ai đương nổi.
            Vương bàn với vương phi:
            – Lãnh địa Tống phong cho anh gồm một giải phía Nam hồ Động đình. Đây là khu đất linh, phát tích tộc Việt. Trước kia thời Tống Nhân tông gọi là Kinh Nam, đã phong cho tổ của mình là Trần Tự Mai tước Kinh Nam vương. Bây giờ phong cho mình. Mấy năm nay mình chưa lên đường nhận lĩnh địa. Vậy mình phải tâu với phụ hoàng về vụ này.
            Vương phi đề nghị:
            – Nếu như mình sang Tống thì triều đình phải bổ nhiệm người thay anh lĩnh Tổng trấn Bắc cương. Anh nghĩ ai có thể thay thế?
            – Các vương ngang vai với anh đều đã nhận nhiệm vụ trọng đại cả rồi. Anh nghĩ triều đình sẽ bổ nhiệm các vương trẻ. Lớp này có nhiều người tài trí.
            – Là những ai?
            – Các hoàng tử con của nhà vua, con của Hưng Ninh vương, Hưng Đạo vương, con của Tĩnh Quốc đại vương.
            – Các vương này tuổi đều dưới 20 liệu tướng sĩ có phục không?
            – Có thể dùng các vương trẻ thay Tĩnh Quốc, Chiêu Minh, Chiêu Quốc, Chiêu  Văn vương; rồi đưa các vương lớn tuổi lên thay anh.
            – Nếu anh là phụ hoàng, anh sẽ  bổ nhiệm như thế nào?
            – Anh bổ nhiệm một trong ba vương con của Hưng Đạo vương là Hưng Vũ, Hưng Hiếu, Hưng Nhượng thay các chú Chiêu Minh, Chiêu Quốc, Chiêu Văn, để các chú ấy thay anh.
             Giữa lúc đó Khu mật viện Bắc cương nhận được tin do Đại Hành gửi về:

            “ Khải vương gia,
            Như đã khải với vương gia: A Lý Bất Ca bỏ Hoa lâm chạy về Khiêm Khiêm châu, chiêu mộ binh. Hốt Tất Liệt trao Hoa lâm cho một Hãn giữ rồi rút về Đại đô.
Biết Hoa lâm không phòng vệ, A Lý Bất Ca, A Lan Đáp Nhi bất thần từ Khiêm Khiêm châu đem quân về đánh úp, tái lập lại hệ thống cai trị như Mông Ca. Sau đó đem quân đánh chiếm Khai bình. Bọn Liêm Hy Hiến, Ngột Lương Hợp Thai, A Truật, Lưu Hắc Mã, Cao Bằng Tiêu bị đại bại. A Lý Bất Ca vượt Trường thành tiến về Đại đô. Hốt Tất Liệt phải thân chinh. Hai bên dàn quân đánh nhau từ Trường thành tới Yên kinh. Trận chiến trải dài 400 dặm. Giữa lúc chiến thắng nghiêng về phía Mông cổ, Hốt Tất Liệt nghĩ đến bỏ Đại đô rút về Lạc dương; thì hai vạn  phu của Đại hãn A Lỗ Hốt quay giáo đánh vào sau lưng quân Mông cổ. Hốt Tất Liệt xuất toàn lực phản công. Quân Mông cổ đại bại. A Lý Bất Ca lùi khỏi Trung nguyên, Khai bình. Hốt Tất Liệt đuổi theo, rồi vét toàn bộ các đạo quân rút từ Quan trung, Hàm cốc quan tung vào trận chiến. Cả hai bên cùng dồn đại lực lượng tại Tích Mộc Não Nhi. Mỗi bên ước 30 vạn binh, toàn kị binh. Trận chiến thực thảm khốc. A Lan Đáp Nhi tử trận. Hầu hết các Hãn theo A Lý Bất Ca, các đại tướng đều bị giết. Những Vạn phu, Thiên phu gốc Mông cổ của Hốt Tất Liệt không còn một người. Tinh lực của cả Mông cổ lẫn Đại nguyên đều kiệt quệ. Những đạo kị binh hùng mạnh nhất dường như tan tác, chiến mã mười con, còn một hai. Tuy nhiên Đại nguyên còn mấy đạo quân Mông cổ gốc Hán trấn đóng tại Trung nguyên chưa hề tham dự nên còn nguyên.
            Tuy bị thiệt hại nặng, nhưng A Lý Bất Ca cho rằng Mông cổ đã tiến sát tới Đại đô, chỉ vì A Lỗ Hốt phản, mà phải rời Trung nguyên. Đại hãn trưng binh các Hãn Mông cổ đánh A Lỗ Hốt. Không khó khăn, Đại hãn chiếm thủ đô A Lực Ma Lý của Hãn A Lỗ Hốt. Vì thù hận, A Lý Bất Ca lại nghe lời các Hãn trung thành, coi hãn địa A Lỗ Hốt như kẻ thù, áp dụng thói man rợ thời mới thành lập Mông cổ: chém giết, cướp bóc. Bắt dân làm nô lệ. Dân chúng phẫn uất. A Lỗ Hốt lại tập trung quân các tiểu hãn, phản công. A Lý Bất Ca bị bại, đến nỗi không còn quá vạn người.
Hốt Tất Liệt sai sứ là Nguyên phi Bạch Liên chiêu hàng. Lần này A Lý Bất Ca nghe lời Huyền Liên thân đến Khai bình chịu tội. Hốt Tất Liệt tha tội, ban cho làm Đại hãn vùng chính quốc Mông cổ. Lại sai ba tướng Kim Đại Hòa, Đi Mi Trinh, A Mít Lỗ Tề đóng quân ở Hãn địa này canh phòng. Do nguyên phi Bạch Liên tiến cử, thần được Hốt Tất Liệt trọng dụng, trao cho chức Tuyên uy đại tướng quân, Trung hòa hầu. Thống lĩnh Cấm quân , Thị vệ. Hiện thần đang ở Đại đô ».

            Lại nhận được thư của Bạch Liên, do Vũ Chính, Đào Minh gửi về:

            “A Lý Bất Ca đầu hàng, Hốt Tất Liệt ân xá cho tất cả các Hãn đã theo A Lý Bất Ca, vẫn cho cai trị bộ tộc của mình. Do cuộc chiến, thanh thiếu niên không ở trong quân Nguyên, thì cũng ở trong quân Mông cổ chết hết, nên họ trắng tay, lo tổ chức lại bộ tộc.
Về Đại Hành, do trước đây Nguyên phi từng nói tốt về Hầu với Hốt Tất Liệt. Nên nhà vua coi Hầu như là gan ruột của mình tại triều đình A Lý Bất Ca. Bây giờ Đại Hành được phong tước Tuyên uy đại tướng quân, Trung hòa hầu. Trao cho Thống lĩnh Cấm quân , Thị vệ thay bọn Lý Hằng, Toa Đô, Ô Mã Nhi. Vì mới trở về với Nguyên, nên Đại Hành chưa dám chuyển tin tức về Đại Việt.
 Một việc lớn diễn ra: để có thể làm lợi cho con rể, Vương Văn Thống, nhạc phụ của đại vương Lý Đảm được bọn mưu sĩ của Chí Nguyên là Liêm Hy Hiến, Lưu Bỉnh Trung tiến cử. Ông ấy rời Lý Đảm, đem cháu ngoại về Đại đô làm con tin. Hốt Tất Liệt trọng dụng ông ta, trao cho trọng quyền tại Trung thư  bình chương chính sự.  Trong khi đó Lý Đảm lại tuyển binh, mộ tướng, thao luyện sĩ  tốt. Trong ngoài  cha, con mưu sự. Lý Đảm chuẩn bị thời cơ khởi binh đánh vào sau lưng Đại đô. Dường như cuộc chuẩn bị của Lý Đảm, bọn Trung thư tỉnh của Đại Nguyên biết hết. Bọn mưu sĩ khuyên Hốt Tất Liệt lờ đi, đợi diệt xong A Lý Bất Ca rồi sẽ tính sau. Chủ trương này chị Bạch Liên biết, đã âm thầm báo cho Lý Đảm. Vương Văn Thống cho con Lý Đảm là Lý Nhan Giản đang làm con tin ở Đại đô trở về Ích Đô, xui Đảm khởi binh ngay. Cuộc khởi binh có lẽ sắp nổ ra.
            Về mặt trận Đông Bắc, Lý Đảm sai sứ sang kết thân với Tháp Sát Nhi, Hoài Đô cùng khởi binh. Như vậy Đại đô bị uy hiếp hai mặt Bắc và Nam. Trung Thành vương với hoàng hậu Hồng Liên tán thành. Trong khi Bắc Liêu đang chuẩn bị thì Tháp Sát Nhi lâm bệnh. Bệnh tình nguy kịch. Không biết sẽ băng hà lúc nào. Dù những y sĩ tài ba nhất cũng không trị nổi. Triều đình Bắc Liêu tạm trao quyền cho con trai y giám quốc. Người con trai 25 tuổi, tên Đô Ngột Nhi không tài, chẳng trí, có khuynh hướng phụ thuộc Đại nguyên để được yên thân. Y không nghe lời Trung Thành vương, cũng không nghe lời Hồng Liên. Y muốn gạt Trung Thành vương với Hồng Liên để nắm quyền. Hồng Liên ước nếu có Địa Lô thì mới nắm được quyền. Triều thần hầu hết muốn nghiêng theo chủ trương của gã thái tử này“.

Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét