Nhớ nước đau lòng người
đất khách,
Thương
nhà tủi phận, đạo thần hôn.
Vèo, vèo, 10 người vọt lên không, đáp xuống sau sứ
đoàn Đại Việt. Nhóm Tây hạ gườm gườm lui lại.
Hoàng Liên khoanh tay đứng trước mụ Hy Hà, người người
đều lo cho nàng: tuổi còn trẻ, công lực không làm bao, lại mù mắt thì địch sao
lại một nữ tướng Mông cổ, một đệ nhất kiếm khách Tây hạ?
A Lý Hải Nha hô:
– Xuất chiêu!
Tay trái Hoàng Liên bắt kiếm quyết, tay phải xòe ra để trước ngực. Đó là
chiêu Liên hoa hiến Phật dùng để chào đối thủ, trước khi giao đấu. Mụ Hy Hà tỏ
vẻ khinh bỉ, không coi Hoàng Liên ra gì, mụ cũng rút kiếm chĩa về trước
đáp lễ.
Thình lình Hoàng Liên rút kiếm, thấp thoáng bóng vàng,
nàng đã đưa kiếm vào cổ Hy Hà, chiêu số cực thần tốc. Kinh hãi mụ Hy Hà ngửa cổ
ra sau, lộn đi một vòng, Hoàng Liên cũng chuyển mình theo. Mụ lại lộn liền ba
vòng, Hoàng Liên vẫn theo sát như bóng với hình. Khi mụ đáp xuống, thủy chung
kiếm Hoàng Liên vẫn dí sát vào cổ mụ. Mụ hét lên một tiếng tỏ vẻ tuyệt vọng, thì
Hoàng Liên đã lui lại tra kiếm vào vỏ đến cách một cái. Nàng cười nhạt:
Từ lúc Hoàng Liên ra chiêu, cử tọa đều nín thở, bây
giờ mọi người mới thở phào, tự hỏi:
– Kiếm pháp này là kiếm pháp gì? Rõ ràng những chiêu thức
bình thường, nhưng nàng ra tay thần tốc quá mà thôi.
Mụ Hy Hà kinh hoảng đến đờ người ra, hai hàm răng của mụ
đánh vào nhau lạch cạch:
– Như vậy không kể, mi ra tay trước mà thành công.
A Lý Hải Nha lại hô:
– Xuất chiêu!
Mụ Hy Hà xả kiếm về trước, kình lực rít lên. Hoàng
Liên không đỡ, nàng đưa kiếm vào ngực mụ, như lối đánh cả hai cùng chết. Nàng
ra chiêu sau, mà kiếm lại tới trước. Mụ Hy Hà vọt người lên cao tránh, nhưng
không kịp, xoạc một tiếng kiếm Hoàng Liên đã đâm trúng hông mụ, áo của mụ bị rách
một mảng lớn, vết thương tuy nhỏ nhưng máu cũng rơi xuống nền điện lộp bộp. Mụ
thét lên lanh lảnh, trong khi Hoàng Liên di chuyển tới trước, chĩa kiếm lên cao
chặt chân mụ. Trong lúc nguy cấp, mụ điểm kiếm của mình vào kiếm Hoàng Liên,
người mụ bắn ra xa, đáp xuống nền điện. Hoàng Liên cũng xê dịch theo, mũi kiếm lại
dí vào ngực mụ. Mụ thụp người xuống, rồi trả đòn.
A Lý Hải Nha hỏi Lý Hằng:
– Hiền đệ! Tại sao kiếm của Hoàng Liên toàn là công,
mà không thủ?
– Đây là pho Mê linh kiếm của Đại Việt, khi ra tay,
luôn đưa đối thủ vào thế bị động. Nếu đệ là Hy Hà, thì cũng đành chịu chết mà
thôi.
Trước đây Ô Mã Nhi từng ở dưới trướng mụ Hy Hà. Tình xưa,
nghĩa cũ chưa dứt, y nhắc mụ bằng tiếng Tây hạ:
– Vương phi! Con nhỏ này bị mù, nó chỉ có thể dùng tai
để phân biệt chiêu số ,vương phi lùi ra xa, rồi dùng chiêu nhu không kình lực
thì giết được thị.
Tại sứ đoàn Đại Việt, vương phi hỏi Vũ Cao San:
– Vũ huynh! Tên Ô Mã Nhi nói gì vậy?
Vũ Cao San dịch lại câu nói của Ô Mã Nhi. Tạ Quốc Ninh dùng lăng không truyền ngữ
nói với Hoàng Liên bằng tiếng Việt:
– Không thể tiếp tục đấu với mụ này được, vì công lực
em có hạn, mà công lực mụ cao thâm khôn lường. Em phải làm như công lực cạn, dụ thị tới gần rồi thình lình ra
tay.
Giữa lúc đó mụ Hy Hà quy tức, tay lăm lăm cầm kiếm tiến
tới trước mặt Hoàng Liên; Hoàng Liên vẫn giả như không biết gì. Thình lình mụ
xỉa một kiếm, khi kiếm sắp tới hông, Hoàng Liên mới nghe thấy, nàng lại ra
chiêu tấn công mụ, mà không đỡ. Hai người chiết thêm đến chiêu thứ một trăm thì
Hoàng Liên giả như chân khí bị tuyệt. Nàng chống kiếm thở dốc. Mụ Hy Hà cười thầm:
– Hôm nay mi phải chết.
Mụ sẽ xê dịch tới trước Hoàng Liên, còn nàng thì giả vờ như không biết. Mụ
từ từ đưa kiếm vào ngực nàng. Thình lình Hoàng Liên vung tay lên, ánh thép lóe
sáng đâm trúng cườm tay phải mụ, tiếp theo tiếng choang kiếm mụ bị rơi xuống
thềm. Lập tức Hoàng Liên ra một chiêu trấn môn của Mê linh kiếm pháp, chiêu này
phân ra âm dương; âm dương phân ra tứ tượng; tứ tượng phân ra bát quái thành 64
chiêu; rồi 64 phân ra tam hư, thất thực thành 640 chiêu. Người người không còn
phân biệt được chiêu số nữa, chỉ thấy muôn vàn kiếm lấp loáng, rồi mụ Hy Hà rú lên,
ngã vật xuống điện: máu từ hai cổ tay, cổ chân, hai mắt chảy ra xối xả.
Hoàng Liên chĩa kiếm vào cổ mụ:
– Trần Hy Hà! Nếu mi dùng bản lĩnh chân thực đấu với ta, thì muôn ngàn lần
ta không phải đối thủ của mi. Đây mi hèn hạ dùng nhu kiếm định ám toán ta, nên
ta dùng cái giả trá để trị mi. Ta làm như công lực cạn, dụ cho mi không đề
phòng tới gần ta, mà lĩnh cái họa này.
Mụ Hy Hà than:
– Lỗi tại ta! Lỗi tại ta. Đàn ông năm thê bẩy thiếp là
sự thường. Ta lại già rồi mà còn tàn nhẫn với người! Ta lại nhân người bị mù
rồi ra tay ám toán, nên hôm nay ta phải chịu cái tai họa này. Đúng là ác giả,
ác báo!
Đám bộ hạ Tây hạ vực mụ dậy, đem ra khỏi điện.
Hoàng Liên nói với A Lý Hải Nha:
– Đa tạ Thừa tướng đã giữ lời hứa không can thiệp vào chuyện
chúng tôi.
A Lý Hải Nha hỏi ba khâm sứ:
– Ta không muốn lằng nhằng với các người nữa. Các người
có đưa binh phù ra hay không?
Y hất hàm, ba Cấm vệ túm áo ba khâm sứ nhắc lên. Thúy Nga,
Thanh Nga xỉa kiếm vào tay ba Cấm vệ.
Thanh Nga quát:
– Không được đụng đến chồng ta.
Bốn Cấm vệ vung đao bao vây hai nàng vào giữa.
Trong điện cực kỳ hỗn loạn : các sứ đoàn bị trúng
độc, họ vẫn hiểu biết mọi sự, nhưng chân tay tê liệt, cùng mở to mắt nhìn. Sứ đoàn
Đại Việt, Đại lý, Cao ly không bị trúng độc, nhưng theo lệnh Vũ Uy vương, cũng
giả như tê liệt.
A Lý Hải Nha ra
lệnh cho đám Cấm vệ :
– Vây bắt cho
bằng được hai con vợ của A Lan Đáp Nhi với Ngột A Đa. Tuyệt đối không được đả
thương.
Nghe A Lý Hải
Nha ban lệnh cho thủ hạ, Thanh Nga nói với Thúy Nga bằng tiếng Việt :
– Bọn này không
được đả thương mình, thì mình cứ tấn công, không cần thủ.
Biết mình chỉ
có hai người, mỗi ngươi khó địch lại hai Cấm vệ; Thúy Nga, Thanh Nga lùi dần về
phía sứ đoàn Đại Việt.
Vũ Uy vương ban
chỉ cho Địa Lô, Cao Mang, Như
Lan:
– Bọn Cấm vệ
nhận lệnh không được đả thương hai con bé nhà mình thì bất cứ trường hợp nào
mình cũng không nên can thiệp.
Thình lình kiếm
của Thanh Nga văng lên không. Hai tên Cấm vệ buông vũ khí chụp nàng. Phản ứng
tự nhiên nàng xuất hai chiêu quyền đánh thẳng vào ngực chúng. Bình, bình hai
tên ngã bật ngửa, rồi nằm bất động.
Tất cả đám Cấm
vệ đều kinh ngạc, vì quyền của Thanh Nga kình lực không làm bao, mà khiến hai
người bị thương đến tê liệt, không bò dậy được. Chính Thanh Nga cũng không hiểu
tại sao. Chợt nàng thấy thoang thoảng có hương thơm như hương sen, thì biết có
người tung Lạc hồn phấn cứu mình.
Vũ Uy vương hỏi
Địa Lô :
– Ai đã tung
Lạc hồn phấn trợ giúp Thanh Nga?
Địa Lô
than :
– Người tung
thuốc có lẽ ẩn ở phía bên kia điện, xa chúng ta, nên thần không nghe tiếng gió.
Vương phi cũng
thấy thế :
– Người tung
thuốc dùng Thiền công thì phải. Công lực có lẽ cao hơn thím.
Về phía Thanh
Nga, nàng cho rằng Vũ Uy vương giúp mình, nên nàng cảm thấy yên tâm. Bọn Cấm vệ
vực đồng bọn dậy đem đi, rồi hai tên khác bước ra :
– Không ngờ
công lực phu nhân mạnh như vậy. Hai tiểu nhân không lượng sức, xin phu nhân dạy
cho mấy chiêu.
Hai tên cùng
phát chưởng đánh vào hai bên hông Thanh Nga. Nàng ra chiêu Ưng phi sơn lĩnh,
hai tay co lại, hai cùi chỏ hứng chưởng của đối phương. Nhưng công lực nàng gần
cạn, sức không còn. Hai Cấm vệ mỗi tên
chụp một vai, một cùi chỏ của nàng. Thanh Nga hít hơi rồi quay tròn, hai tên văng
ra xa, nằm bất động.
Đám Cấm vệ kinh
ngạc, chúng nói với nhau :
– Dường như vị
phu nhân này có tà thuật. Chứ có đâu chỉ vung tay một cái mà hai người bị
thương đến mê man ?
Sáu tên đứng
vây quanh Thanh Nga. Chúng không dám tấn công nữa. Là phu nhân, thân thể cao
quý biết bao, nhưng dù sao Thanh Nga vẫn là một thiếu nữ tuổi hai mươi, lại là
một danh ca ; tính tinh nghịch nổi dậy, nàng cười dòn :
– Các Cấm vệ
nghe đây ! Mỗi người đàn ông có ba hồn, bẩy vía. Bốn trong các người bị ta
bắt mất hai hồn bốn vía, nên mê man như vậy. Các người hãy tránh ra xa, bằng
không ta bắt hồn các người ngay bây giờ.
Nói rồi hai tay
nàng bắt quyết, miệng hú lên lanh lảnh.
Chợt nhìn sang
bên cạnh, Thúy Nga cũng đánh ngã sáu Cấm vệ. Nàng đang bị bốn tên Cấm vệ vây
quanh.
Là người tinh
minh mẫn cán, A Lý Hải Nha thấy từ chiêu số đến công lực, mụ Hy Hà cao hơn Như
Lan nhiều, mà bị bại trong trường hợp kỳ lạ. Bây giờ hai cô gái này, từ chiêu
số cho tới công lực quá tầm thường mà tại sao mỗi chiêu lại đánh ngã hai Cấm vệ
đến mê man ? Nghi có người ám trợ, y ra lệnh cho Ô Mã Nhi :
– Người hãy giả
đấu với hai cô gái này, nhớ chỉ dọa chứ đừng làm chúng bị thương, để cái người
ẩn thân phải xuất hiện.
Ô Mã Nhi bước
ra, nghi Thúy Nga, Thanh Nga có tà thuật y không dám xuất chiêu. Thình lình y
xuất chỉ điểm huyệt. Hai ngàng bị kiềm
chế đứng như cây chuối. A Lý Hải Nha thấy Vương Chân Phương ngồi
sau ba Khâm sứ, y điểm huyệt rồi túm áo nàng để cạnh Thanh Nga, Thúy Nga. Y
nghĩ thầm :
– Mình phải dọa
ba con nhỏ này để cái người ám toán Cấm vệ phải ra tay.
Y hất hàm cho
Toa Đô, Ô Mã Nhi. Hai tên này rút kiếm chĩa vào mặt ba nàng, trong khi A Lý Hải
Nha hỏi A Lan Đáp Nhi :
– Hai người có
chịu đầu hàng không ? Nếu ta hô một tiếng mà các người không chịu đầu hàng
thì mặt ba vị phu nhân sắc nước hương trời này sẽ bị rạch một nhát kiếm. Ta hô
hai tiếng mà các người không chịu đầu hàng thì hai phu nhân bị rạch hai kiếm...
Sợ Như Lan, Địa
Lô, Cao Mang can
thiệp, Vũ Uy vương nói sẽ :
– Chúng dọa đấy
thôi, đừng ra mặt vội.
A Lý Hải Nha hô lớn :
– Một.
Thanh Nga quát :
– Tướng
công ! Không hàng.
Thúy Nga cũng
lớn tiếng:
– Vương gia!
Không hàng bọn phản nghịch.
A Lý Hải Nha ra lệnh :
– Rạch một nhát.
Toa Đô, Ô Mã Nhi vung kiếm lên. Cả sảnh đường nhắm mắt
lại, không ai can đảm nhìn hai đóa hoa tươi thắm bị tàn hại.
Thình lình ầm, ầm, ầm ba tiếng, nóc điện bị thủng ba mảng,
rồi ba người đáp xuống như ba con đại bàng. Hai người, mỗi người dùng một tay
xớt Thúy Nga, Thanh Nga nhảy ra xa; một tay vung chưởng đỡ hai chưởng của Ô Mã
Nhi, Toa Đô. Còn một người đánh hai chưởng đẩy lui A Lý Hải Nha, Lý Hằng. Cả
điện đều bật lên tiếng kêu kinh ngạc. Vì bản lĩnh của A Lý Hải Nha, Lý Hằng đâu
có tầm thường mà người này chỉ đánh một chưởng coi nhẹ nhàng như gió thổi mà
hai người bị bật lui.
Cả ba người mặc y phục giống như Cấm vệ, đầu chụp một miếng
vải che kín, chỉ hở ai con mắt. Người to lớn kềnh càng xớt Thanh Nga, người nhỏ
bé xớt Thúy Nga, người cao lêu khêu xớt Vương Chân Phương. Trong điện náo loạn cả lên. Đám Cấm vệ lăm lăm vũ khí
chờ lệnh.
Sau khi bị người nhỏ bé đẩy một chưởng, A Lý Hải Nha cảm
thấy kình lực như có, như không, chính
đại quang minh. Y than thầm:
– Người có bản lĩnh như vậy không nhiều, mà sao mình chưa
từng nghe nói? Dường như y là thiếu nữ vì có hương thơm thoang thoảng.
Không hổ là thủ lĩnh, y cười nhạt:
– Ba vị là cao nhân phương nào, tại sao lại can thiệp
vào việc tranh quyền của triều đình?
Người nhỏ bé lên tiếng. Giọng nói trong, ngọt như cam thảo,
rõ ràng là giọng một thiếu nữ:
– Chúng tôi là ai, không cần đại giá ngài Tả thừa
tướng hành Trung thư tỉnh biết làm gì. Chúng tôi núp trên nóc điện từ lâu.
Chúng tôi không muốn can thiệp vào việc ủng Mông Ca, hay ủng Hốt Tất Liệt.
Chúng tôi thấy Thừa tướng là người uy quyền, thay Đại vương Hốt Tất Liệt ngồi trấn Hoa hạ mà lại ra tay hủy nhan
sắc hai vị phu nhân trẻ cùng một vị tiểu
thư, nên phải can thiệp mà thôi.
Người đó nói bằng giọng trong, ngọt, nhưng lời lẽ lại
tỏ ra trách móc:
– Thừa tướng là người tài trí bậc tài trí bậc nhất
trong các văn quan võ tướng của Mông Cổ. Thừa tướng thiếu gì cách đối phó với
ba khâm sứ, mà phải dùng đến thủ đoạn đê hèn áp chế ba người con gái này?
Tại bàn sứ đoàn Đại Việt, Vũ Uy vương hỏi vương phi Ý
Ninh:
– Em nhận ra ba người này là ai chưa?
– Người to lớn là Dã Tượng, người cao lêu khêu là Yết Kiêu,
người nhỏ bé là Thúy Hồng. Không biết tại sao ba người này lại hiện diện ở đây?
– Anh cũng không biết. Còn như họ bắn Lạc hồn phấn, có
lẽ họ tưởng mình cũng bị trúng độc, nên mới ra tay. Em truyền lệnh cho họ rời
khỏi đây ngay, đừng tiết lộ thân thế.
Vương phi Ý Ninh dùng lăng không truyền ngữ rót vào
tai ba người:
– Ý Ninh đây. Dã Tượng, Yết Kiêu, Thúy Hồng có nghe rõ
không? Ba người hãy rời khỏi điện, chiều nay tới khu Lan hoa hội ngộ. Không
được tiết lộ thân thế. Ba người không cần lo cho chúng tôi. Chúng tôi không bị
trúng độc.
Nhận được lệnh vương phi Ý Ninh, người nhỏ bé, tức Thúy
Hồng hỏi A Lý Hải Nha:
– Không biết Thừa tướng có cho chúng tôi mang hai vị
phu nhân này với tiểu thư Chân Phương đi không?
Toa Đô cười nhạt:
– Các người là ai? Các người có biết đây là nơi tôn nghiêm
nhất thế gian không? Nếu các người muốn rời khỏi nơi đây thì phải hiển lộ một
chút bản sự ra chứ?
Người to lớn kềnh càng tức Đã Tượng cười nhạt:
– Không khó! Người hãy đỡ của ta ba chiêu.
Nói rồi bá hít
hơi vung bàn tay khổng lồ phát chiêu Đông hải lưu phong đánh xuống đầu Toa Đô:
– Chiêu thứ nhất.
Toa Đô thấy kình phong cực kỳ dũng mãnh chụp lên đầu,
y nghiến răng dùng cả hai tay phát chiêu đỡ. Aàm một tiếng, y bật lui hai bước,
miệng y mửa ra một búng máu. Y cảm thấy chiêu số của đối phương cực kỳ tinh vi,
nội lực bao hàm sát thủ khủng khiếp. Dã Tượng định phát chiêu thứ nhì thì Địa
Lô đã bắn ra viên Lạc hồn phấn chụp lên đầu Toa Đô, giữa lúc y hít hơi vận khí.
Y lảo đảo ngã ngồi xuống.
Ô Mã Nhi thấy chưởng của Dã Tượng tuy dũng mãnh, nhưng
không thể khiến Toa Đô lạc bại mà bị mê
man. Y nghiến răng phát một chiêu với tất cả bình sinh công lực hướng Dã Tượng,
thì Thúy Hồng đã vận Mật tông công đỡ:
– Tôi xin lĩnh cao chiêu của tướng quân.
Xèo một tiếng nhẹ nhàng, kình lực của Ô Mã Nhi bị mất tích
như nắm muối ném xuống biển. Y hít một hơi dài phát ra một chưởng nữa. Thúy
Hồng vận Mật tông công đỡ. Vù một tiếng. Ô Mã Nhi bật lui ba bước rồi lảo đảo
ngã xuống như người say rượu.
Tất cả mọi người đều kinh ngạc, họ không thể tin được
chỉ một chưởng nhẹ nhàng, mà một đại cao thủ như Ô Mã Nhi lại bị đánh ngã đến
mê man. Riêng Thúy Hồng, nàng biết người nhà mình đã tung Lạc hồn phấn đánh Ô
Mã Nhi.
A Lý Hải Nha thấy trong ba đệ nhất cao thủ của mình,
thì hai bị hai người lạ mặt, mỗi người chỉ đánh một chiêu mà lạc bại đến mê
man, thì kinh hãi. Y tiến lên chỉ vào đám Cấm vệ:
– Thôi được! Nếu
ba vị có bản lãnh thì cứ rời khỏi đây.
Đã Tượng, Yết Kiêu, Thúy Hồng mang Thúy Nga, Thanh Nga,
Chân Phương khoan thai bước ra cửa chính. Đội Cấm vệ hơn hai mươi người vung
đao cản lại. Thông thường thì Dã Tượng, Yết Kiêu đã vung chưởng đánh bật chúng
ra, có thể chúng mất mạng. Nhưng hai người là đệ tử yêu của Hưng Ninh vương,
được thế gian tôn là Tuệ Trung Bồ tát; vì vậy Yết Kiêu quơ tay đoạt từng thanh đao của đám Cấm vệ ném
vào giữa điện. Còn Dã Tượng túm từng tên ném lên cao. Trong khi ném bá nhả kình
lực vào huyệt đản trung của chúng. Võ học cũng như y học nói: khí hội đản
trung. Vì vậy khi huyệt đản trung bị điểm, toàn bộ chân khí bế tắc. Khi chúng
rơi xuống đều nằm bất động, tuy nhiên mắt vẫn mở, thần trí tỉnh táo, nhận biết
mọi sự.
Dã Tượng, Yết Kiêu, Thúy Hồng vác người vọt ra khỏi điện.
Trong điện, Địa Lô bắn thuốc giải cho ba Khâm sứ. Chân
tay ba người cử động như thường. Cả ba rút kiếm đứng lên. Ngột A Đa tấn công A
Lý Hải Nha. Lưu Thái Bình tấn công Lý Hằng.
Đám Cấm vệ cùng các cao thủ Tây hạ đứng ngoài hò hét, nhưng
chúng không can thiệp. Vũ Uy vương ban chỉ:
– Phải kiềm chế hai tên ngày ngay. Bằng không chúng dùng
Cấm vệ thì sẽ đổ máu nhiều lắm.
Tạ Quốc Ninh bắn Lạc hồn phấn vào người A Lý Hải Nha, Lý
Hằng. Hai người hôn mê ngã xuống điện.
Ngột A Đa nói lớn:
– Chư đại thần, thị vệ, cấm vệ nghe đây! Hai tên này với mụ
Hy Hà mạo danh Đại vương Hốt Tất Liệt mưu
phản. Tội trạng chúng đã rõ ràng. Tất cả tội trạng do ba người này gây ra. Còn
lại vô can. Mụ Hy Hà đã thành người tàn tật. Còn hai tên này, nhân danh Đại
hãn, chúng tôi tuyên án tử hình.
Hai người vung kiếm lên định giết bọn A Lý Hải Nha,
thì có tiếng quát:
– Ngừng tay!
Rồi thị vệ, cấm vệ rẽ ra, năm người bước vào, đó là
thân vương Tháp Sát Nhi, phò mã Hoài Đô, Trung Thành vương Trần Tử An, Đại tướng A Truật, Côi sơn tử Đại Hành. Phía sau có Hồng
Liên, Thúy Trang, Hồng Nga mặc võ phục, lưng đeo kiếm.
Hơn năm mươi cấm vệ Hoa lâm từ ngoài tràn vào, giải giới
cấm vệ Yên kinh và đám cao thủ Tây hạ.
A Lan Đáp Nhi hỏi Tháp Sát Nhi:
– Nhị ca! Nhị ca tới đây lúc nào vậy?
Nguyên hồi thơ ấu Mông Ca, A Lan Đáp Nhi, Tháp Sát Nhi
cùng là cháu của Thành Cát Tư Hãn. Ba người kết huynh đệ với nhau. Cho nên khi Mông
Ca lên ngôi Đại hãn mới phong cho hai em làm Thừa tướng. A Lan Đáp Nhi coi về Đông phương, Tháp Sát
Nhi coi về chính quốc.
Tháp Sát Nhi chỉ A Truật, Hoài Đô:
– Đại hãn ước đoán bọn Hán pháp có thể sẽ khống chế Khâm
sứ rồi lấy Binh phù làm loạn. Nên người ban chỉ cho anh làm Tổng trấn Trung nguyên thay Hốt Tất Liệt. Lại truyền
Trần Tử An, A Truật, Hoài Đô, Đại Hành theo giúp anh, cùng anh lên đường. Sáng
nay anh tới đây thấy bọn Cấm quân bao vây ngoài thành Yên kinh. Trên thành bọn
Thị vệ canh phòng thì biết cuộc nổi loạn đã khởi động. A Truật đem binh phù của
Hốt Tất Liệt ra, bắt vạn phu trưởng Cấm quân thoái binh. Lại bắt Thiên phu trưởng
Thị vệ mở cửa thành, chỉ theo lệnh A Truật. Rồi anh tới đây.
Hoài Đô chỉ Tháp Sát Nhi nói lớn:
– Tất cả im lặng, nghe đây: Đại hãn cùng bàn với Đại vương Hốt Tất Liệt rằng sau mấy năm chinh chiến mệt mỏi, Đại vương
cần được nghỉ ngơi một thời gian. Hiện Đại vương thay Đại vương Tháp Sát Nhi, phò tá Đại hãn ở Hoa lâm. Còn Đại vương Tháp Sát Nhi được cử thay thế Đại vương Hốt Tất Liệt tổng trấn Trung nguyên. Bách quan, chư
quân từ nay phải tuân chỉ Đại vương Tháp Sát Nhi như tuân chỉ Đại vương Hốt Tất Liệt. Mọi bổ nhiệm, thăng thưởng, giáng truất
do Đại vương Tháp Sát Nhi.
A Truật đưa binh phù của Hốt Tất Liệt ra nói:
– Đây là binh phù của Đại vương Hốt Tất Liệt. Vương biết bọn A Lý Hải Nha mạo lệnh chỉ
của vương, khởi binh làm phản, nên người sai ta về đây dẹp loạn. Chư quân chỉ
tuân lệnh một mình ta mà thôi.
Hoài Đô nói với Ngột A Đa, Lưu Thái Bình:
– Xin nhị vị dừng tay. Chúng ta cần ổn định nhân tâm trước
đã. Sau ta xét công tội, tài năng từng người, tâu về xin chỉ dụ Đại hãn. Chưa
thể giết bọn này.
A Truật hô:
– Bắt trói bọn phản loạn.
Cấm vệ Hoa lâm trói A Lý Hải Nha, Lý Hằng, Toa Đô, Ô Mã
Nhi cùng đám Cấm vệ Yên kinh lại.
Y ra lệnh cho Đi Mi Trinh, A Mít Lỗ Tề, Kim Đại Hòa:
– Ba người hãy ra ngoài nắm lấy Cấm quân, Thị vệ, Thái
giám cung nga.
Vương phi Ý Ninh là người tinh, minh, mẫn, cán, bậc
nhất thời Đông A. Suốt thời gian đi cùng ba viên võ sĩ này từ Ích châu về đây,
phi hấy mắt ba người không bao giờ rời Hoàng Liên. Từ lúc nhập điện Quang minh,
mắt ba người luôn dán vào Thanh Nga, Thúy Nga, rồi Như Lan. Phi biết rằng ba
người này phải lòng mặt ba giai nhân. Ba người định rời khỏi điện thì vương phi
Ý Ninh ra theo. Phi hỏi:
– Ba tướng quân! Ba tướng quân đã cùng chúng tôi trải
qua biết bao tai nạn suốt từ Ích châu tới đây. Gần nhau lâu tôi thấy ba vị đều
còn quá trẻ, tương lai sáng ngời. Cả ba vị tuổi cũng xấp xỉ hai mươi rồi. Thế
có vị nào cưới vợ chưa?
A Mít Lỗ Tề thẹn thùng:
– Thưa phi chưa.
– Ba vị thấy Hoàng Liên, Thanh Nga, Thúy Nga thế nào?
Đi Mi Trinh thở dài:
– Tôi cứ tự hỏi mãi rằng tại sao trên đời lại có những người đẹp như
vậy?
– Trong nước tôi còn nhiều thiếu nữ đẹp hơn ba người này nhiều.
– Ôi tôi tưởng ba tiên cô đó là người đẹp nhất trần gian. Thì ra con gái
Việt đều đẹp như tiên cả.
Kim Đại Hòa hỏi:
– Thần nghe nói chính vương phi hỏi vợ cho Ngột A Đa với A Lan Đáp Nhi.
Cũng chính vương phi cưới vợ tiên nữ cho phò mã Hoài Đô cùng thế tử A Truật. Có
đúng thế không?
– Đúng.
– Thực mạo muội, không biết chúng tôi phải lập công gì, mà được phi hỏi
vợ cho như A Lan Đáp Nhi, Ngột A Đa? Như Hoài Đô, Như A Truật?
– Hiện quanh tôi không còn cô nào
cả. Nếu ba tướng quân muốn, việc ở đây xong, trở về Đại Việt, tôi sẽ hỏi cho
mỗi vị một cô đẹp hơn Thanh Nga, Thúy Nga nhiều, rồi gửi sang đây cho ba vị !
– Nếu được như vậy thì phi bảo chúng tôi nhảy vào lửa, nhảy xuống nước
chúng tôi cũng tuân.
– Ba vị nhớ lấy lời nghe!
Hoài Đô hướng 16 Thượng thư của Tuyên phủ ty, các Tham
tri chính sự, Lang trung, Viên ngoại lang:
– Các vị là những bậc tài trí Trung nguyên. Trung
nguyên, Cao ly, Tây hạ, Đại lý, An Nam đều là lãnh thổ của Mông cổ. Các vị đừng
sợ tài năng bị mai một với cỏ cây. Tôi sẽ cùng hai thân vương A Lan Đáp Nhi, Tháp Sát Nhi cứu xét công lao, tài trí từng
vị, rồi tâu về Hoa lâm. Các vị hãy trở về cơ sở của mình, tiếp tục điều hành
công việc.
Các quan của Trung thư tỉnh, Tuyên phủ ty thuộc Hốt
Tất Liệt theo A Lý Hải Nha định làm loạn là vì muốn giữ địa vị của mình, chứ
trong lòng ai cũng e ngại cuộc khởi binh thực muôn vàn khó khăn, mà dễ gì thành
công. Nay nghe lời hứa của Phò mã Hoài Đô, người người vui mừng. Họ cùng hành lễ với Tháp Sát Nhi, A
Lan Đáp Nhi, Hoài Đô, rồi ra khỏi điện.
Vừa lúc đó hai người bước vào điện, đó là Thúy Nga, Thanh
Nga. Từ lúc vợ được ba người lạ mặt cứu, đem ra khỏi điện, A Lan Đáp Nhi, Ngột
A Đa lo lắng không biết an nguy Thúy Nga, Thanh Nga ra sao. Bây giờ thấy vợ trở
về, ánh mắt sáng ngời, nét hoa tươi thắm thì hai người mừng chi siết kể. Ngột A
Đa hỏi Thanh Nga:
– Em! Em có sao không? Ai đã cứu em?
Thanh Nga xua tay:
– Em sẽ kể cho anh nghe sau. Mình hãy lo quốc sự trước
đã.
Không thấy Chân Phương đâu. Vương Văn Thống, Địa Lô lo lắng hỏi:
– Còn Chân Phương?
Thúy Nga mỉm cười nói với Vương Văn Thống:
– Vương nhị tiểu thư bị thương, chúng tôi đưa về nghỉ
tại khu Lan hoa của Đại Việt, chờ Địa Lô về trị bệnh.
Thúy Nga thấy cần phải dùng quyền vương phi đối với
anh chàng đẹp trai, tài hoa Địa Lô. Nàng nói như ban chỉ bằng tiếng Mông cổ:
– Văn bác thượng tướng quân. Vị hôn thê Chân Phương của
tướng quân bị trúng tên độc, tên đã rút ra, độc cũng được hút rồi. Hiện nàng
được đội kỵ mã Long biên bảo vệ tại khu dành cho sứ đoàn Đại Việt. Tướng quân
mau tới đó trị thương cho nàng.
Là người thông minh tuyệt đỉnh, gì mà Địa Lô không
hiểu ý cô em xinh đẹp:
“Nàng muốn mình
tách khỏi sứ đoàn Cao ly, đến khu Lan hoa họp với Vũ Uy vương”.
– Tuân chỉ vương phi.
Tử quay lại sứ đoàn Cao Ly, không thấy Như Lan đâu, chàng hỏi Lý Cán Đại:
– Đại phu! Thái tử phi đâu?
– Như Lan thấy trong người khó chịu, đã rời đây từ lâu
rồi.
– Xin Đại phu hộ tống Thái tử, tôi phải đi trị thương
cho Chân Phương.
Rời điện Quang minh, Địa Lô vượt cửa Nam ra ngoài thành.
Một phu xe vọt tới:
– Mời quan khách lên xe.
Địa Lô lên xe. Gã phu xe tuyệt không hỏi Địa Lô muốn
đi đâu, y ra roi cho ngựa chạy về phía Nam. Sợ bị gài bẫy, Địa Lô hỏi bằng
tiếng Hán vùng Lâm An:
– Này anh, anh định đưa tôi đi đâu đây?
Gã phu xe trả lời bằng tiếng Việt:
– Tôi đưa khách quan đi đâu thì tý nữa khách quan sẽ
biết. Tôi ngâm bài thơ, khách quan nghe cho rõ nhé.
Nói rồi y ngâm, giọng y rất tốt:
Thụ
nhập Thiên-thai thạch lộ tân,
Vân hòa thảo tĩnh quýnh vô trần.
Yên hà bất tỉnh sinh tiền sự,
Thủy mộc không nghi mộng hậu thân.
Vãng vãng kê minh nham nguyệt hạ,
Thời thời khuyển phệ động trung
xuân.
Bất tri thử địa tri hà xứ,
Tu tựu Đào-nguyên vấn chủ nhân.
Ngâm xong y hỏi:
– Khách quan là đấng tài tử của Đại
Việt ắt hẳn biết bài thơ này chứ?
– Dĩ nhiên tôi biết, đây là bài thơ
của Tào Đường, thuật lại việc Lưu Thần, Nguyễn Triệu lạc lối vào Thiên thai kết
hôn với tiên.
Nói xong Tử dịch sang tiếng Việt,
hát theo điệu Xẩm:
Thiên-thai đường đá chen cây,
Mây êm cỏ lặng, chẳng
dây chút trần.
Khói mây quên bẵng phàm căn,
Tưởng sau giấc mộng ra
thân suối rừng.
Tiếng gà khe đá gáy trăng,
Trong hang chó sủa như
mừng bóng xuân.
Về đâu chốn ấy, xa gần,
Tới đây ta hỏi chủ nhân
vườn đào.
Gã phu xe cười:
– Tôi đưa quan khách đi gặp tiên.
Đến đó y cho ngựa rẽ vào con lộ nhỏ,
tới một ngọn suối nước chảy trong veo, hai bên bờ hoa nở rực rỡ. Y gò ngựa lạ
chỉ vào một khối đá to:
– Phía sau tảng đá kia là cửa động.
Nếu quý khách nhát gan, sợ cạm bẫy thì tôi đưa quý khách về khu Lan hoa. Còn
như quý khách có gan thì cứ đi tới, có tiên nga đang chờ quý khách.
Bị thách thức, Địa Lô vọt mình lên
cao, Tử từ từ đáp xuống. Tử móc túi tung lên một lượng bạc, rơi xuống trước mặt
gã phu xe; gã phu bắt lấy bạc cho vào túi, rồi dánh xe quay trở lại:
– Đa tạ đại tài tử Nam thiên.
Vốn can đảm, nhiều mưu trí, Địa Lô
tự nhủ:
– Dù cạm bẫy gì, ta há sợ sao?
Tử tung mình từ tảng đá này, sang
tảng đá khác. Đến tảng thứ 7 thì Tử đã tới phía sau khối đá: quả có một phụ nữ ngồi, đầu gục lên hai gối. Tử quan
sát: rõ ràng y phục người này là y phục Việt: váy lụa đen, áo tứ thân, khăn mỏ
quạ, dây lưng xanh, đỏ, trông rất quen. Thình lình người đó quay đầu lại, Địa
Lô giật bắn người lên, vì nàng là Như Lan. Như Lan đứng bật dậy mắt đỏ hoe:
– Xin lỗi anh! Em phải thiết kế như
vậy, mới được gặp anh.
Nói rồi nàng ôm chầm lấy Địa Lô, gục
đầu vào vai Tử:
– Anh thực là người bạc tình. Mới gặp cô gái Dương châu, mà đã quên
em, lấy cô ấy làm vợ ngay trước mặt em.
– Em trách anh, sao không tự trách
mình. Anh với đội Ngưu binh Cao ly phải xa kinh đô hai tháng để tập dượt. Khi
về thì người trong phủ Kiến bình cho biết em được tuyển làm Thái tử phi. Em
biết lòng anh đau đớn thế nào không? Thế rồi khi chồng em đi làm con tin, anh
còn bị sung vào sứ đoàn, ngày ngày thấy em hạnh phúc bên chồng. Vì vậy khi tới
Yên kinh anh lấy cớ mở dược phòng, để tránh phải nhìn cảnh đau lòng.
Địa Lô bế bổng Như Lan lên, rồi ra
bờ suối, ngồi trên tảng đá. Tử đặt lên môi nàng một nụ hôn. Như Lan run lên bần
bật:
–
Anh đau đớn một thì em đau đớn mười. Em phải làm vợ một người văn dốt,
vũ rát, không tư cách. Vì vậy vợ chồng cãi nhau không ngừng. Anh ta còn dám
đánh em nữa. Hai lần đầu em còn né
tránh, đến lần thứ ba, chịu không được, em đánh trả. Em cho y một trận đòn nhừ
tử. Từ đấy y sợ em như sợ cọp.
– Bộ anh ta không biết em luyện võ
sao?
– Không!
Y không biết gì về em. Thấy y dốt, em thường giảng sách cho y.
–
Nghĩa là em vừa là thầy dậy văn, vừa là vợ
y. Chắc y phải nể em lắm!
– Luân
lý Cao ly coi vợ như tôi tớ, vì vậy y vẫn coi thường em.
Chợt nhớ ra một truyện, Địa Lô hỏi:
– Anh nghe nói, đức vua Cao ly gửi
sứ sang Hoa lâm cầu hôn một công chúa Mông cổ cho Thái tử. Đại hãn đồng ý, gả công
chúa Mạc Huệ Dĩ (Margueritte), con của một bà phi cho y. Kỳ này em với chồng
tới Hoa lâm, Đại hãn làm lễ cưới cho chồng em với công chúa Mạc Huệ Dĩ thì em
sẽ bị hạ xuống làm thứ phi hay sao?
– Em chưa biết sẽ phải đối phó ra
sao?
– Luật Mông cổ, cũng như Cao ly, cho
phép vua, chúa muốn cưới bao nhiêu vợ tùy ý. Em chống lại không được đâu!
Địa Lô rùng mình:
– Bây giờ em là gái có chồng! Chúng
mình nên chia tay ở đây thôi. Tình chúng ta chỉ có vậy. Tới không được nên chia
tay sớm thì hơn.
– Không! Em không chịu để mất anh
đâu! Anh mới là chồng em. Em quyết không cho anh lấy Vương Chân Phương. Anh
mà lấy Chân Phương, em sẽ tự tử chết, rồi làm quỷ ngày đêm gào khóc, anh không
yên được đâu!
Nói rồi nàng ép ngực thật chặt vào
ngực Địa Lô. Địa Lô choáng váng. Hai người thở hổn hển rồi lăn vào bụi cỏ. Đâu
đó tiếng quốc kêu dài dài, ảo não, trên
trời mây trắng lững lờ bay . Đố ai biết đôi tài tử Địa Lô, Như Lan đang nói gì
với nhau? Làm gì với nhau?
Trong khi Địa Lô tâm tình với Như Lan bên bờ suối thì việc
trong điện Quang minh đã yên. Tháp Sát Nhi nói với các sứ đoàn:
– Đại hãn quyết định đem tất cả các con tin cùng sứ
đoàn về Hoa lâm. Tại Hoa lâm các sứ đoàn được cấp dinh thự ở. Những con tin,
những nhân viên sứ đoàn có tài sẽ được trọng dụng. Việc ở đây coi như xong. Các
vị trở về chẩn bị mười ngày sau sẽ lên đường đi Hoa lâm.
Vương nói với Vũ Uy vương:
– Riêng vương gia với sứ đoàn Đại Việt nán lại Yên
kinh, để tôi với Hoài Đô, A Truật thù tạc ít ngày, gọi là tạ ơn đã tác thành
cho cuộc giai ngẫu.
Thường các quan Mông cổ đều gọi Đại Việt bằng tên An Nam,
trong khi Tháp Sát Nhi gọi là Đại Việt, chứng tỏ vương coi trọng sứ đoàn. Vũ Uy
vương nhìn vương phi như muốn nói: Thân vương Tháp Sát Nhi coi trọng mình.
Các sứ đoàn đứng lên bái biệt, rồi rời khỏi điện.
Thúy Nga, Thanh Nga cùng tiễn đưa phái đoàn Sơn Đông. Thanh
Nga nói nhỏ với Vương Văn Thống, Lý Đảm:
– Tuy có biến cố xẩy ra, nhưng những gì Khâm sứ quyết định
vẫn không đổi. Nhị vị đem công tử về thôi, công tử không cần đi Hoa lâm làm con tin nữa. Nhị vị
mau về Sơn Đông đem quân tiếp quản các châu huyện của Hốt Tất Liệt, lập một
nước ở vùng bờ xôi giếng mật. Tiến ra vương gia có thể làm chủ Hoa Bắc, lui về vương gia vẫn làm chủ một nước giầu mạnh.
Bảo bối để tồn tại là:
Bắc liên kết Cao
ly.
Nam hợp binh Đại
Tống.
Khi hành sự, cả ba cùng liên thủ với nhau.
Nàng nói với Vương Văn Thống:
– Vương tiên sinh! Muội muội Chân Phương là tiên nữ. Đại
vương A Lan Đáp Nhi đã thay
quyền Đại hãn gả muội muội cho Địa Lô. Hiện muội muội bị thương. Đợi muội muội
khỏe, chúng tôi sẽ đưa về Sơn Đông. Địa Lô là dưỡng tử của Hưng Đạo vương, là
đệ tử của Tuệ Trung Bồ tát. Đại Việt
sẽ cử sứ đem lễ tới cửa của tiên sinh với phu nhân, rồi rước muội muội về Đại Việt.
Khi trong điện chỉ còn người của nhóm Hoa lâm, nhóm Câu
khảo cục, sứ đoàn Đại Việt. Ba nhóm ngồi lại bên bàn của Khâm sứ. Tháp Sát Nhi
nói với A Lan Đáp Nhi:
– Đại ca quyết định thân chinh diệt Tống, trao quyền nhiếp
chính cho hoàng đệ A Lý Bất Ca. Tam đệ với Lưu Thái Bình là những người thông
hiểu tình hình phương Đông. Vậy tam đệ với Tham tri Lưu Thái Bình khẩn về Hoa
lâm phụ chính giúp cho hoàng đệ A Lý Bất Ca. Còn Tham tri Ngột A Đa thay Lý
Hằng lĩnh Yên kinh hành Trung thư tỉnh.
Nghe Tháp Sát Nhi nói, Vũ Uy vương đưa mắt nhìn vương phi,
ngụ ý:
– Không xong rồi! Vừa đẩy Hốt Tất Liệt đi thì lại
chính Mông Ca thân chinh. Song đúng như Hưng Đạo vương ước tính: quân-tướng
Mông cổ, dĩ chí quan lại tại Trung nguyên đều là người Hán, đều là chân tay của
Hốt Tất Liệt, họ bị Mông Ca nghi ngờ, thì không dễ gì Mông Ca thành công. Vả
tài trí Mông Ca thua xa Hốt Tất Liệt.
Thúy Nga thấy đây là dịp mình nên nắm lấy quyền vương phi,
hơn nữa tỏ ra mình là gái Việt, có tài quán xuyến. Nàng nói với Tháp Sát Nhi:
– Nhị ca cùng phò mã A Truật vừa tới, xin chờ một lát,
muội với Thanh Nga thân vào Ngự trù chuẩn bị bữa tiệc, để anh em uống rượu tẩy
trần.
Trung Thành vương tát yêu Thúy Nga:
– Con bé này chỉ làm tiệc đãi Tháp Sát Nhi, mà quên cái
ông già đưa dâu này rồi à!
Từ hồi mới gặp
vị vương này ở Văn sơn, mỗi lời, mỗi cử chỉ của vương đều làm cho Thúy Nga cảm
thấy ấm áp. Nàng cung tay:
– Bố ơi! Có bao giờ con quên bố đâu. Cái vụ làm món ăn
này, tài con thua xa dâu bố là Thanh Nga, nên con không dám múa rìu qua mắt
thợ.
Tháp Sát Nhi cười lớn nói với A Lan Đáp Nhi:
– Suốt mấy năm qua, khắp Mông cổ, Trung nguyên đồn rằng
Đại Việt có Tô lịch thất tiên, Đông hoa ngũ tuyệt là 12 người đẹp như Tây Thi.
Tôi may mắn được kết giai ngẫu với Đệ ngũ nhân của Tô lịch thất tiên là Hồng
Liên. Hồng Liên luôn nhắc rằng trong năm giai nhân Đông hoa thì ngoài ca hát ra
mỗi người có một biệt tài. Thanh Nga có bàn tay tiên hóa phép thành những món
ăn tuyệt vời. Tiệc tẩy trần này tam muội để Thanh Nga trổ tài đi.
Thanh Nga vui vẻ:
– Vậy thì em phải mượn cả chị Hồng Liên, Thúy Nga và hai
cô bé Thúy Trang, Hồng Nga giúp một tay.
Vương phi Ý Ninh muốn cùng các em xuống bếp, để hỏi thăm
một vài tin tức. Ngặt vì đối với Đại Việt thì phi từng là người trên, dạy dỗ,
xây dựng cho năm người con gái sắc nước, hương trời này. Nhưng hoàn cảnh bây
giờ, Vũ Uy vương chỉ là một tước vương của nước An Nam nhỏ bé, đang đi làm con
tin. Còn Hồng Liên, Thúy Nga là vương phi của thân vương; Thanh Nga, Thúy
Trang, Hồng Nga là phu nhân của tước Công đại quốc Mông cổ, nên phi không thể
tự quyết theo mấy cô em. Phi nháy Thanh Nga một cái. Thanh
Nga hiểu ý, nàng cung tay với Vũ Uy vương:
– Xin vương gia cho em mượn vương phi để cùng làm bà Táo
có được không?
Vũ Uy vương cười:
– Được! Được chứ.
Thế là sáu người cùng xuống Ngự trù. Vương phi Ý Ninh đưa
mắt cho năm đệ tử Mê linh. Năm người chia nhau tản ra xung quanh canh gác. Bây
giờ chị em quây quần bên nhau, Ý Ninh hỏi Hồng Liên:
– Thế nào từ ngày năm chị Liên đi Hoa lâm đến giờ , truyện
vui, truyện buồn ra sao?
Hồng Liên biết Ý Ninh muốn mình tường trình công việc được
trao phó. Nàng khoan thai thuật:
– Năm đứa em được Hốt Tất Liệt đưa về Hoa lâm như là một
loại chiến lợi phẩm, cống phẩm. Triều đình Mông cổ có hằng nghìn thân vương quý
tộc, hằng vạn đại tướng quân, người nào cũng có cả trăm phi tần, ít thì cũng
hằng chục. Họ đều là công chúa, quận chúa của các tiểu quốc đem cống. Cũng có
những người quân Mông cổ bắt về rồi dâng cho chúa tướng, ép làm tỳ thiếp. Khi
nghe Hốt Tất Liệt đem bọn em về thì cái đám phi tần xuất thân công chúa, quận
chúa, tiểu thư nổi lên một làn sóng ghen tương khủng khiếp. Họ miệt thị bọn em
là gái lầu xanh, là Nam man. Người người đón đường xem bọn em đẹp xấu ra sao. Khi
biết nhan sắc của họ thua xa bọn em, tài ca hát lại muôn ngàn lần không bằng.
Họ đành im lặng chịu thua.
Nàng tỏ ý công phẫn:
– Bọn em tự nhủ: mình có tranh dành tình yêu của mấy ông
Mông cổ thô lỗ cộc cằn đâu? Mình đi làm
việc do đất nước trao cho như chiến sĩ xung trận mà! Khi năm đứa tới Hoa lâm thì
Đại hãn Mông Ca chọn Thanh Liên, phong ngay cho tước Tuyên phi. Mông Ca gả Huyền Liên cho hoàng đệ A Lý Bất
Ca, Huyền Liên được phong tước thứ phi. Còn Lan Liên gả cho Ngọc Một Hốt Nhi,
Tử Liên gả cho Cáp Thích Sáp Nhi*. Hai ông hoàng này chưa có chánh phi, nên hai
đứa được phong là chánh phi ngay. Còn em thì gả cho Thát Sáp Nhi, vì vương phi
của Tháp Sát Nhi mới qua đời, em được phong làm vương phi thay thế. Bọn em được
sủng ái cực kỳ. Nhưng bọn em đâu có vui gì?
* Ghi chú,
Ngọc Một Hốt Nhi,
Cáp Thích Sáp Nhi là con của Mông Ca.
Vương phi Ý Ninh nhìn Hồng Liên nghĩ thầm:
– Bẩy nàng Tô lịch xuất thân lầu xanh, không một chút giáo
dục căn bản. Thế mà sau khi được truyền huệ, được dạy dỗ, bây giờ trở thành
người yêu nước nhiệt thành. Cần phải khích động thêm.
Phi nắm tay Hồng Liên:
– Còn Đô thống Đại Hành?
Hồng Liên bật cười:
– Cái con chim ưng Thiên trường này tim bằng sắt, dạ bằng
gang. Có không biết bao nhiêu tiểu thư, quận chúa muốn tuyển anh ấy làm chồng,
mà anh ấy cứ trơn như trạch, tránh né. Anh ấy suốt ngày không học tiếng Mông
cổ, tiếng Tây vực thì luyện võ, đọc binh thư; nhưng vẫn liên lạc với chúng em,
lấy tin tức gửi về cho Khu mật viện Đại Việt.
Vương phi Ý Ninh xua tay:
– Không phải tim Đại Hành bằng sắt, dạ bằng gang đâu! Đại
Hành đã có một người trong lòng, mà không ai có thể thay thế.
Mọi người cùng hỏi:
– Ai thế?
– Đại Hành có mẹ già, y lại là người con cực kỳ hiếu
thảo. Khi y nhận được chỉ dụ phải lên đường, mà không có người phụng dưỡng mẹ
già. Y đau lòng lắm, ôm mẹ mà khóc. Bấy giờ có một con bé 13 tuổi, bán bánh tôm
Tây hồ ở gần nhà, tên là Võ Cẩm Nhãn. Con bé tuy quê mùa, ít học nhưng rất xinh
đẹp. Con bé tình nguyện thay Đại Hành nuôi mẹ già. Trung Vũ đại vương khuyên Đại Hành cưới Cẩm Nhãn trước khi lên
đường. Nhưng Đại Hành hứa khi nào thi hành xong chỉ dụ của đức vua, sẽ cưới nàng.
Từ đấy, trên đường dài lo quốc sự, lúc nào Đại Hành cũng tưởng nhớ đến cô bé
đang thay mình phụng dưỡng mẹ già ở bên bờ Hồ Tây. Thôi Hồng Liên tiếp đi!
– Thanh Liên tiến cử Đại Hành với Đại hãn. Đại hãn cho
anh ấy thi võ, kỵ mã, bắn tên với các tướng Mông cổ, anh ấy trúng cách Vạn phu
trưởng. Đại hãn phong cho anh ấy chức Phi
mã tướng quân, lĩnh Vạn phu trưởng. Nhân chồng em (Tháp Sát Nhi ) được cử
đi Yên kinh, em xin chồng cho anh ấy theo. Chồng em hứa sẽ bổ nhiệm anh ấy lĩnh
Vạn phu trưởng Cấm quân. Như vậy giữa anh ấy với Ngột A Đa một người lĩnh Yên
kinh hành trung thư tỉnh, một người coi Cấm quân sẽ cùng bắt tay làm việc.
– Thế còn Trung Thành vương?
– À bọn em gọi ông là Bố. Bố Trung Thành vương Tử An là khai quốc công thần thời Thành Cát Tư Hãn, thêm vào đó
khi Hốt Tất Liệt phản Đại hãn Mông Ca; vương sai bố Tử An đánh Đại lý, bố chống
lại lệnh ấy, trốn về Đại Việt. Vì vậy Mông Ca càng kính trọng. Bố được cử theo
làm quân sư cho chồng em.
Vương phi Ý Ninh đặt một nghi vấn:
– Có một điều chị cũng như triều đình thắc mắc là
trong 7 chị cũng như 5 em Đông hoa đều là người Việt, mà triều đình Mông cổ
không nghi ngờ gì sao?
Hồng Liên lắc đầu tỏ vẻ không nắm vững vấn đề. Nàng chỉ
Thúy Trang:
– Điều này có lẽ Thúy Trang biết nhiều hơn em, vì
chồng Thúy Trang là Phò mã, có chân trong Hội đồng quý tộc.
Thúy Trang nhỏ nhẹ:
– Muốn biết chính sách dùng người của Mông cổ, thì ta phải
lui về quá khứ. Hồi khởi đầu Thành Cát Tư Hãn chỉ là lãnh chúa một bộ tộc Ki
Dát nhỏ bé, rồi chinh phục hằng mấy trăm bộ tộc, sau lại chinh phục hằng trăm
nước. Tới đâu thân vương, tướng sĩ cũng kết hôn với con gái địa phương, không
phân biệt chủng tộc, bộ lạc. Họ lại dùng người địa phương làm quan. Tại triều
đình Mông cổ hiện có hằng ngàn quan chức là người ngoại quốc. Ngay như Hốt Tất
Liệt vào Trung nguyên, các quan chức tại Tuyên phủ ty đến gần nghìn người mà
chỉ có mươi người gốc Mông cổ thực sự. Như A Lý Hải Nha là người Hồi cương, Lý Hằng
là người Hán; Ô Mã Nhi, Toa Đô là người Tây vực. Vì vậy chả ai nghi ngờ bọn em
cả. Vả bọn em giỏi ca hát, lại nhũn nhặn, nên không ai gặp tai vạ như chị Hoàng
Liên.
Nghe các nàng nói năng tỏ ra hạnh phúc, bằng lòng với địa
vị phù ảo. Vương Ý Ninh phi cảm thấy có một cái gì đó không lợi cho đất nước
sau này. Phi nghĩ thầm:
– Phải khích động lòng yêu nước, thương nhà của các nàng.
Phi nghiêm nét mặt:
– Tất cả 7 chị, 5 em đều được phong Công chúa, Quận chúa
Đại Việt. Thân thể cao quý biết bao! Các chị, các em đều là con cháu vua Trưng, đừng bao giờ tự
hạ thể ngang với đám con gái Tây vực, Mông cổ hay Trung nguyên làm món đồ chơi
cho người. Các em phải nhớ rằng, tại quê nhà, cha mẹ các em được phong hàm,
được cấp bổng lộc rất nhiều.
Cả 5 nàng đều cảm động. Hồng Nga tha thiết:
– Chị không nhắc, chúng em cũng nhớ nhiệm vụ được trao
phó. Chồng là hạnh phúc nhỏ bé, hạnh phúc nhất thời. Lập công với nước là nhiệm
vụ cao cả, là hạnh phúc muôn đời. Huống hồ chồng chúng em coi chúng em như món
đồ chơi. Chúng em là con cháu vua Trưng, thì phi muốn dạy gì xin cứ ban chỉ.
Chúng em lĩnh nhiệm vụ của Tây Thi mà. Nếu vì quốc sự, mà triều đình bảo chúng
em phải nhảy vào lửa, nhảy xuống nước
chúng em cũng không từ.
Phi biết trong 12 giai nhân thì Thanh Nga, Hồng Nga thiết
tha với quê hương, trung thành với xã tắc nhất. Tài trí Hồng Nga như một thượng
thư. Tuy nhiên phi cần khích động thêm:
– Chị biết các em vẫn giữ lòng son với đất nước. Nhưng
còn đối với nhà? Trung, hiếu phải lưỡng toàn. Việc nước, việc nhà là hai điều
không thể bên nhẹ bên khinh. Bây giờ chị hỏi thực các em câu này: hồi ở Côn
minh, Hoàng Liên, Hồng Nga, Thúy Trang được trượng phu tặng vàng, ngọc. Ba
người nhờ chị gửi về cho song thân, anh chị em ở quê nhà. Còn chị Hồng Liên,
hai em Thúy Nga, Thanh Nga, đã
gửi gì về báo hiếu phụ mẫu chưa?
Nghe vương phi hỏi, Thanh Nga rùng mình:
– Ừ nhỉ! Chồng em tặng em không biết bao nhiêu vàng ngọc,
mà sao chưa bao giờ em nghĩ đến gửi về dâng cho hai thân!
Phi biết cô em này là người cực kỳ hiếu thảo, nhưng vô
tâm, cần phải dạy thêm:
– Này, chị nói một câu em phải ghi lòng nghe! Về nhan sắc,
cũng như tài ca hát khó có người nào hơn em. Nhưng em ơi, đối với chữ hiếu em thua cả con quạ đen rồi!
Bị mắng quá nặng, Thanh Nga kinh hoảng:
– Em không hiểu ý chị muốn nói gì? Chị kết tội em thua
cả con quạ hôi thối ư?
– Quạ đen là loài cầm dơ bẩn nhất. Nhưng khi mẹ nó đau,
thì nó biết đi kiếm mồi về nuôi mẹ. Còn em, em là một cô bé ở Thăng long, thoắt
một cái trở thành đại phu nhân, tiền rừng, bạc biển, sống trong nhung lụa, kẻ
hầu người hạ. Nhưng mấy năm qua em quên ơn sinh thành, dưỡng dục rồi.
Thấy mặt Thanh Nga tái xanh, phi bồi thêm:
– Chị hỏi em nhé: em ở trên trời, rách rời rơi xuống
hay em ở dưới đất, đất nứt rồi chui lên mà mới phú quý đã quên hai thân?
Thanh Nga òa lên khóc:
– Không! Em không bất hiếu. Chồng em cho em nhiều vàng,
nhưng em chưa nghĩ đến gửi về biếu song thân mà thôi.
– Chưa nghĩ đến báo hiếu là thua quạ đen rồi.
Mặc Thanh Nga khóc, phi nháy Thúy Nga. Thúy Nga biết ý
phi, nàng cất tiếng hát theo điệu Trống quân:
Bây giờ cá chép
hóa rồng,
Quên công bác mẹ
bế bồng ngày xưa.
Rồi đổi sang điệu hát Xẩm:
Cây đa rụng lá
sân đình,
Tiếc công cha mẹ
sinh thành ra ai?
Ngày ngày hướng
mắt lên trời,
Bạc đầu lệ nhỏ
thương người phương xa!
Phương xa, có
biết quê nhà,
Hai thân đau xót,
lệ nhòa tấm khăn!
Nghe Thúy Nga hát, lòng Thanh Nga quặn đau, nàng nấc lên
mấy tiếng, rồi gục đầu vào lưng Hồng Nga:
– Phi mắng đúng! Em không bằng con quạ đen! Bố ơi! Mẹ ơi!
Tha tội cho con. Quả con sống trong nhung lụa, mà quên báo hiếu bố mẹ.
Để cho Thanh Nga khóc, vương phi hỏi Thúy Nga:
– Còn em?
Thúy Nga than:
– Em đã nghĩ đến gửi vàng bạc báo hiếu bố mẹ, mà đường
về Đại Việt xa diệu vợi, không biết làm sao gửi được. Em nghe anh Địa Lô nói,
mỗi tháng Kiến Bình vương đều có thuyền về nước. Em phải nhờ cái anh đẹp trai
này gửi hết những gì em có về dâng song thân mới được.
– Em mới gả Chân Phương cho Lô, Lô thâm cảm lắm. Hơn nữa
năm con chim ưng Thiên trường này rất trọng chữ hiếu. Các em mà gửi vàng ngọc
báo hiếu hai thân thì Địa Lô coi trọng các em lắm. Gửi ngay đi.
Phi hỏi Hồng Liên:
– Còn chị! Chị là người cực kỳhiếu thảo. Chị có
định gửi gì về báo hiếu chín chữ cù lao
không?
Hồng Liên cung tay với phi:
– Vương phi! Nói thực với phi, gia cảnh của em thanh bạch.
Tuy gia nương được triều đình phong hàm, chu cấp ruộng đất, không đến nỗi thiếu
thốn. Song phận làm con, mỗi khi ăn miếng ngon, vật lạ em đều đau xót trong
lòng vì không được dâng cho phụ mẫu. Phi ơi! Chồng em cho em không biết bao nhiêu
vàng ngọc, em muốn gửi hết về dâng cho hai thân. Xin phi giúp em nói với Địa Lô
mang về dùm em với.
Lệ nhỏ xuống đôi má trắng hồng. Nàng cất tiếng hát
theo điệu Chầu Văn:
Mẹ già tóc bạc
như sương,
Cha già vất vả
ruộng vườn nắng mưa.
Nhớ thương,
thương mấy cho vừa!
Nghìn trùng cách
biệt, bao giờ báo ân?
Nàng lại ngâm:
Công cha như núi
Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước
trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ
kính cha,
Cho tròn chữ
hiếu, mới là đạo con.
Tiếng hát dứt, nàng nấc lên:
– Bố ơi! Mẹ ơi! Con lấy chồng nghìn trùng cách biệt, không
được ở cạnh bố mẹ. Lỗi đạo thần hôn định tỉnh, con xót xa lắm. Trong lòng con
lúc nào cũng nghĩ đến bố mẹ vò võ ở quê nhà tấc lòng thương nhớ biết là có
nguôi?
Thế là cả năm nàng đều khóc.
Phi nắm tay Hồng Liên:
– Được! Tôi sẽ
chu toàn việc này. Ngay lập tức chị Hồng Liên với các em về viết thư cho
phụ mẫu đi. Viết càng nhiều càng tốt. Có điều các em phải nhớ: trong thư chỉ kể điều vui, mà không được kể điều buồn.
Phi thấy như vậy cũng đủ đốt lên ngọn lửa yêu nước thương
nhà của năm người đẹp. Phi hỏi sang truyện khác:
– Trong các em, ai biết rõ về cuộc thân chinh đánh
Tống của Đại hãn Mông Ca?
Thúy Trang lắc đầu chỉ Hồng Liên:
– Kế hoạch này tuyệt mật. Chồng em là Phò mã, được dự trong Hội đồng quý tộc, mà cũng chỉ biết
lơ mơ. Có lẽ không quá mười người biết chi tiết, trong đó có Thân vương Tháp Sát Nhi. Vương có hằng mấy chục phi tần mà cuộc Đông
chinh này, vương chỉ mang mình chị Hồng Liên theo. Không biết vương có tiết lộ
gì cho chị biết không?
Hồng Liên chỉ
tay vào ngực:
– Chị biết rất rõ. Hồi đầu chị biết rất lơ mơ. Chị
nghĩ: mình được Xã tắc ưu ái, mình là con cháu vua Trưng, mục đích mình sang
Mông cổ chịu nhục làm cống vật, mình không phải là món đồ giải trí cho người.
Mình cần dùng bản lĩnh bắt nai để biết những tin tức trọng đại. Bây giờ là lúc
mình phải trổ hết bản lĩnh ra. Chị đã thành công!
Nàng nhìn Ý Ninh:
– Nếu vương phi không hỏi, em cũng phải tìm cách gửi
tin này về Thăng long. Có vậy triều đình mới đủ thời gian phòng ngự. Em biết
rất rõ rằng nếu như việc em tiết lộ tin
tuyệt mật bị khám phá, thì Tháp Sát Nhi mất tước vương, em bị quẳng cho cọp ăn
thịt, tiếp theo Thất liên, Đông hoa ngũ tuyệt đều bị giết hết. Nhưng đây là
việc quốc gia đại sự. Xin phi ghi nhớ thực chi tiết.
Nàng nói rất chậm:
– Đại hãn Mông Ca thấy các quý tộc, thân vương phục tài
Hốt Tất Liệt, nên ông ấy muốn thân chinh, để tỏ ra mình cũng có tài thao lược.
Đại hãn không tin Hốt Tất Liệt, cho ông ta coi về luyện quân, tuyển tướng. Đại
hãn trao quyền cho hoàng đệ A Lý Bất Ca
nhiếp chính, phụ chính có A Lan Đáp Nhi, Lưu Thái Bình và hội đồng quý tộc. Đại
hãn sẽ tiến quân làm hai cánh đánh vào Tống. Cánh thứ nhất chính Đại hãn dẫn
đại quân theo Lục bàn sơn, tiến về Quan trung vào Tứ xuyên, rồi từ Tứ xuyên
theo dòng Trường giang đánh Kinh châu, tức từ Tây sang Đông, tấn công vào hông
Tống. Cánh thứ nhì thì chồng em đánh Ngạc châu, tức từ Đông sang Tây. Hai cánh quân bắt tay nhau ở Tương dương,
Phàn thành. Khi hạ được Tương dương, Phàn thành thì lấy kinh đô Lâm an của Tống
như thò tay vào túi lấy đồ vậy.
Nghe Hồng Liên nói, phi lo lắng:
– Thế mặt trận Nam Tứ xuyên, ai sẽ phụ trách?
– Đúng ra thì là Ngột Lương Hợp Thai. Nhưng vì vợ ông ta là Trần Hy Hà một trong
những chân tay của Hốt Tất Liệt, nhiều lần phản Đại hãn nên Đại hãn không tin,
mà điều ông ta về mặt trận phía Đông, đặt dưới quyền anh Tháp Sát Nhi. Anh Tháp Sát Nhi trao cho ông ta lĩnh tổng trấn vùng Kinh Sở.
– Vậy ai thay Ngột Lương Hợp Thai tổng trấn Nam Tứ xuyên, Đại lý, Tây tạng?
Hồng Liên chỉ Thúy Trang:
– Việc này Thúy Trang biết rõ hơn em.
Thúy Trang nói trong nét lo lắng:
– Đại hãn xóa bỏ nước Đại lý, Thổ phồn (Tây tạng), Hồi
cương, phong cho ba thân vương Mông cổ làm vua ba vùng này. Một người là Vân Nam vương, một người là Tây
tạng vương, một người la Hồi cương vương.
Nếu như trước đây Đại Việt đầu hàng Mông cổ thì nay cũng cùng chung số phận của
Đại lý, Tây tạng. Mông cổ sẽ cử thân vương làm vua Đại Việt. Hoặc tìm một người
nào trong hoàng tộc triều Trần, vô tài, bất tướng, tư cách càng tồi tệ càng tốt
rồi phong cho làm An Nam quốc vương, ngồi trên ngai vua bù nhìn. Hầu hết các
nước Tây vực đầu hàng Thành Cát Tư Hãn đều chung số phận là Mông cổ cử thân
vương làm vua, với một đạo quân trấn ngự.
Hồng Liên tiếp:
– Chị là vương phi của Vũ Uy vương. Vương là hoàng tử lớn
tuổi nhất của Thái thượng hoàng, lại là người tài trí chỉ sau Hương Đạo vương,
Hưng Ninh vương. Ngay sau khi sự ở đây xong, hai vị phải trở về Đại Việt khẩn
cấp tâu lên triều đình bằng này việc:
Một là tuyệt đối không
nhận phái đoàn Đạt lỗ hoa xích (Đa gu ra tri). Nếu nhận thì dần dần Mông cổ sẽ
cử người sang làm vua. Hoặc có nhận thì phải tìm cách cô lập chúng.
Hai là phải tối cẩn
thận, bằng không Mông cổ sẽ tìm một người họ Trần, rồi phong làm An Nam quốc
vương. Trong nước có nội chiến. Mông cổ có cớ đem quân giúp bọn phản loạn, rồi
đặt quan cai trị. Thế là mất nước.
Vương phi Ý Ninh hỏi tiếp:
– Đại hãn Mông ca sẽ đem bao nhiêu quân đánh Tống?
– Ý chị muốn hỏi lực lượng tham chiến ư?
– Đúng vậy!
– Lực lượng tham chiến rất đông. Đông lắm! Có thể nói là
nghiêng nước. Một phần lấy ở chính quốc Mông cổ, một phần lấy quân ở Trung
nguyên làm nỗ lực chính. Một phần nữa trưng dụng quân của các Hãn ở Tây
hạ, Kim trướng, Hoa thích tử mô, Cao ly,
Đại lý, Tây tạng và cả Đại Việt mình. Tổng cộng khoảng 40 vạn người.
Vương phi Ý Ninh than :
– Như vậy mặt trận phía Tây của Tống sẽ bị sức ép mạnh
nhất. Hỏng! Hỏng to rồi. Quân Mông cổ dù ở chính quốc, dù thuộc các Hãn đều
tinh nhuệä, họ lại sẵn sàng thu nhận, trọng dụng các tướng đầu hàng. Quân của
họ đông gấp 10 quân Tống, thì Tống bị nghiền nát dễ dàng! Tống bị tràn ngập thì
Đại Việt nguy tai.
Hồng Nga xen vào:
– Anh chị phải khẩn về mật tấu với triều đình: tuyệt
đối không gửi quân tham chiến. Khi gửi quân, họ sẽ bắt mình phải cung ứng lương
thảo. Binh tướng tử trận mình phải bổ xung. Thế là quân mình bị lăn vào chỗ
chết cho cái tham vọng của Mông cổ, dân mình phải è cổ nộp lúa-gạo, oằn lưng
mang lúa gạo sang cho quân mình ăn.
Vương phi Ý Ninh băn khoăn:
– Nếu như Mông cổ cứ gửi sứ sang thôi thúc, thì mình phải
làm sao? Nếu không tuân, họ đem quân vào tàn phá nước mình!
Hồng Nga tỏ ý cương quyết:
– Nếu Mông cổ gửi sứ sang ép mình, mình cứ cù nhầy,
tìm đủ cớ từ chối. Mông cổ đang bận đánh Tống, lại nữa họ còn ớn mình trong
trận thời Nguyên Phong, họ không dám đem quân đánh mình ngay đâu. Nếu có, khi
họ diệt xong Tống kia.
Hồng Liên suy nghĩ một lúc rồi đề nghị:
– Hoặc nếu có thể, thì triều đình nên gửi quân giúp Tống.
Cả bốn nàng Thanh Nga, Thúy Nga, Hồng Nga, Thúy Trang
cùng tỏ ra kinh ngạc cùng cực:
– Giúp Tống! Giúp kẻ thù của Mông cổ ư?
Hồng Liên cương quyết:
– Mông cổ đánh Tống, sau khi diệt Tống họ sẽ đánh Đại Việt,
Chiêm thành, Lão qua. Tống là kẻ thù của Mông cổ. Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta.
Vậy thì tại sao Đại Việt không chống Mông cổ trên đất Tống còn hơn chống Mông
cổ trên đất Việt; làng mạc, nhà cửa, dân chúng bị tàn hại.
Từ vương phi Ý Ninh cho tới bốn nàng Đông hoa cùng nhìn
Hồng Liên với tất cả kính trọng, nể phục.
– Còn một điều tuyệt mật, em muốn nói với chị.
Hồng Liên ghé miệng vào tai vương phi Ý Ninh:
– Chị Bạch Liên ở cạnh Hốt Tất Liệt, nhờ tính tình
chân chất, chị ấy giả ngây thơ, chỉ nghe mà không bao giờ bàn việc quân, việc
chính sự, nên bọn mưu sĩ Hán cạnh ông ta không nghi ngờ gì cả. Chị nhờ em báo
cho triều đình Đại Việt biết một tin khủng khiếp: bọn mưu sĩ Hốt Tất Liệt thiết
kế giết Mông Ca!
–!?!?!?
– Kế ấy như sau:
“ Diêu Khu hiến
kế: cái ông Mông Ca này thân là Đại hãn,
mà thường đem Thành Cát Tư Hãn ra làm gương. Ông ta không biết rằng Thành Cát
Tư Hãn xuất thân chỉ là một tộc trưởng, do xông pha trận chiến, rồi thống nhất
vùng Thảo nguyên, lập thành một nước. Bây giờ Mông Cổ là một đại quốc, thống
lĩnh hàng ngàn nước, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc. Tống là một nước đất
rộng, người nhiều, anh hùng nghĩa sĩ như sao trên trời. Muốn thắng Tống, ông ta
cần chọn tướng tài, sai họ chinh tiễu. Ông ta nên ngồi ở Hoa lâm lo điều động
các chư hầu tiếp viện các mặt trận. Thế nhưng vì mặc cảm với Hốt Tất Liệt, ông
ta thân chinh. Đó là cái dũng của kẻ thất phu. Vì vậy Hốt Tất Liệt âm thầm sai sứ
mật lệnh cho các tướng người Hán ở mặt trận Tứ xuyên khích cho ông ta xông ra
tuyến đầu, mượn tay tướng Tống giết chết. Bấy giờ Hốt Tất Liệt tại Hoa lâm
chính thức lên ngôi Đại hãn”.
Vương phi Ý Ninh mừng không bút nào tả siết:
– Tuyệt! Nếu như Mông Ca tử trận, Mông Cổ sẽ có nội chiến.
Các chư hầu Mông cổ sẽ nhân đó thoát khỏi vòng kiềm chế. Trong đó có Đại Việt
mình. Này nhé khi Mông Ca chết thì nhóm ủng Hốt Tất Liệt toàn người Hán sẽ thúc
ông ta chiếm ngôi Đại hãn. Trong khi A Lý Bất Ca đang thay Mông Ca nhiếp chính sẽ
được nhóm toàn người Mông cổ đưa lên ngôi. Cuộc tương tàn này khủng khiếp vô
cùng.
Phi hỏi:
– Trong các em, có em nào nói với trượng phu, để Vũ Uy
vương với chị về nước khỏi làm con tin không?
Thúy Trang chỉ Hồng Liên:
– Không khó, lần ra quân này, Đại hãn thân chinh, nên người
ban chỉ trưng dụng quân tất cả các nước. Thân vương Thát Sáp Nhi là phu quân của chị Hồng Liên phụ trách đánh vào ngả
Ngạc châu của Tống. Vương sẽ đích thân sai sứ trưng dụng binh các nước Đông
phương. Khi trưng dụng thì bao giờ cũng bắt con tin gửi thư về nước thúc cha
tuân hành. Em thấy Thân vương Tháp Sát Nhi là đấng đa tình, vương lại sủng ái chị Hồng Liên đến
không biết đường ra lối vào. Vậy Chị Hồng Liên nhân lúc vợ chồng tình ái mặn
nồng, cần dùng lời nói cho khéo thì gì mà không thành công.
Bàn về bản lĩnh bắt nai, thì Hồng Liên cao nhất trong
Tô lịch thất tiên, dĩ nhiên bỏ xa các nàng Đông hoa. Nhưng về mưu trí, nàng lại
kém nhất. Nghe Thúy Trang đưa ý kiến,
nàng ngây người ra:
– Em ơi! Em
mách cho chị đi. Chị phải nói với chồng như thế nào để ông ấy nghe theo?
Thúy Trang chỉ Hồng Nga:
– Chị Hồng Nga là người nhiều mưu lắm mẹo, chị bầy mưu
đi.
Hồng Nga cười:
– Chị Hồng Liên ơi! Có khó gì đâu? Chị nói với phu
quân rằng: Vũ Uy vương là một bậc trí dũng có thừa, dùng binh giỏi bậc nhất,
bậc nhì Đại Việt. Vì vậy hơn mười vạn Lôi kị của Ngột Lương Hợp Thai bị vương đánh tan trong có hơn tháng. Bây giờ phải
trọng dụng vương, trao cho vương ít ra năm, ba vạn binh, để vương đánh Tống ở
mặt trận Ngạc châu.
Hồng Liên lắc đầu quầy quậy:
– Không được đâu! Tháp Sát Nhi chỉ có quyền bổ nhiệm tới
cấp Vạn phu trưởng thôi! Làm sao anh ấy trao cho Vũ Uy vương năm, ba vạn quân
được?
Hồng Nga cười khúc khích:
– Em biết điều này! Nên em xui chị phải nói như thế để
tỏ ra là chị ngây thơ, không biết luật Mông cổ. Thế rồi khi Tháp Sát Nhi từ
chối rằng anh ấy không có quyền thì chị mới đề nghị: nếu như anh không có quyền
trao cho Vũ Uy vương năm, ba vạn quân Mông cổ thì anh không cần giữ vương làm
con tin, mà để vương về nước, đem năm vạn quân Việt sang Tứ xuyên theo giúp Đại
hãn. Hoặc để vương chỉ huy mười vạn quân
Việt đánh sau lưng Tống vào mặt Lưỡng Quảng. Chị nói như vậy thì Tháp Sát Nhi sẽ
đồng ý cho vương về nước ngay.
Hồng Liên mừng chi xiết kể, nàng tự tin:
– Chị sẽ làm được việc này.
Vương phi Ý Ninh thấy từ lúc bị bắt, được cứu trở về gương
mặt Thanh Nga cứ khi đỏ, khi trắng, thần trí bất định. Phi hỏi Thúy Nga, Thanh
Nga:
– Hai em với Chân Phương được Dã Tượng, Yết Kiêu, Thúy
Hồng cứu đem đi đâu? Có gì lạ không mà Thanh Nga bứt rứt như đứng đống lửa, như
ngồi đống rơm vậy?
Thúy Nga nháy vương phi Ý Ninh, rồi cất tiếng ngâm thơ
theo điệu Cò lả:
Nhớ ai dạ những
bồi hồi,
Như đứng đống
lửa, như ngồi đống rơm.
Rồi chuyển sang
ngâm Sa mạc:
Cây đa lá rụng
sân đình,
Bao nhiêu lá rụng
thương mình bấy nhiêu.
Thấy Thanh Nga xịu mặt xuống, Thúy Nga chuyển theo điệu
Hát Xẩm:
Một đàn cò trắng
bay quanh,
Để em ôm bóng
trăng thanh nhớ người.
Nghìn trùng một
gánh tình ơi,
Nhớ ai? Lệ nhỏ,
lệ rơi, lệ sầu.
Thanh Nga òa lên khóc. Nàng lắc đầu quầy quậy như người
lên đồng, rồi bẽn lẽn, lấm lét nhìn phi. Phi hỏi Thúy Nga:
– Cái gì đã xẩy ra?
Thúy Nga thuật.
Đoạn này Thúy Nga
thuật sự việc diễn ra khi Dã Tượng, Yết Kiêu, Thúy Hồng cứu Thúy Nga, Thanh
Nga,Vương Chân Phương ra khỏi điện
Quang minh.
Dã Tượng, Yết Kiêu, Thúy Hồng vác người ra khỏi điện Quang
minh, nhưng ngơ ngác không biết đi lối nào để ra khỏi thành. Trong khi ba người
lo lắng tìm đường thoát thân thì Thanh Nga mơ màng, như đi trên mây. Nguyên do:
giữa lúc nàng đang bị đe dọa rạch mặt thì Dã Tượng xuất hiện xớt nàng cặp vào nách,
ngực nàng ép chặt vào ngực chàng. Đừng nói bị dọa rạch mặt, dù sắp bị quẳng vào
chuồng cọp, dù sắp bị voi dầy ngựa xé, nàng cũng không còn biết trời đất là gì
nữa. Nàng ước ao Dã Tượng cứ cặp nàng như vậy, càng lâu càng tốt.
Dã Tượng hỏi:
– Để anh giải huyệt cho em. Em bị điểm huyệt nào?
Thanh Nga bị điểm huyệt Đại chùy, huyệt này nằm phía sau
cổ. Nhưng vì không muốn được giải huyệt. Bởi khi huyệt giải rồi thì nàng không
còn được Dã Tượng ôm trên tay nữa. Nàng nói dối:
– Em bị điểm huyệt Đản trung.
Đản trung là huyệt thuộc Nhâm mạch, ở ngực, nằm trên trung
điểm của đường nối hai đỉnh nhũ hoa. Nghe Thanh Nga nói, Dã Tượng chuyển dùng
tay trái vòng qua lưng ôm nàng trước ngực như bế trẻ con; tay phải giải huyệt.
Không kết quả. Thanh Nga rên lên:
– Anh ơi! Em mặc một lớp áo da lót mình, anh giải
huyệt, chân khí bị áo da cản lại thì không kết quả đâu. Anh phải cởi áo da ra
thì chân khí mới nhập vào huyệt được.
Không muốn cởi áo ngoài, áo da nàng, Dã Tượng luồn tay
vào dưới lớp áo da giải huyệt. Bàn tay Dã Tượng to lớn, mà Thanh Nga lại nhỏ
người, nên bàn tay của Bá gần như úp lên cả hai nhũ hoa của nàng. Thanh Nga run
lật bật, nàng nhắm mắt lại để hưởng cái cảm giác thần tiên, mà nàng ước mơ từ
ngày gặp Dã Tượng. Dã Tượng dùng ngón tay chỏ, ngón tay giữa, ngón tay vô danh
chà đi chà lại trên ngực nàng. Vô tình ngón út, ngón cái cọ xát trên hai nhũ
hoa. Nàng nhắm mắt, nghiến răng để không phát ra tiếng rên, nhưng rồi tiếng rên
cũng bật ra. Xoa đến hơn mười lần, mà không thấy huyệt được giải, lại thấy nàng
rên hừ hừ, mắt nhắm nghiền, Dã Tượng tưởng đâu nàng bị đau, Bá hỏi:
– Có đau lắm không em?
– Đau, đau lắm! Anh xoa thì em bớt đau. Anh xoa nữa
đi.
Dã Tượng tưởng thật, Bá lại tiếp tục xoa ngực cho
nàng, trong khi liếc mắt sang bên cạnh thấy Thúy Hồng hỏi Thúy Nga:
– Trong thành này cung điện có hằng nghìn, lối đi hằng
vạn. Làm sao thoát ra? Chậm e Thị vệ đến bây giờ thì có cánh bay cũng không
thoát.
Thúy Nga nói:
– Chị để em xuống, giải huyệt cho em. Em sẽ dẫn chị thoát
khỏi cái thành mênh mông này.
– Em bị điểm vào huyệt nào?
– Huyệt Đại trùy.
Thúy Hồng phóng chỉ điểm một cái, Thúy Nga vẫn tê liệt.
Kinh ngạc nàng điểm liền ba lần, cũng không kết quả. Quay lại nhìn Dã Tượng,
Yết Kiêu cũng đang bối rối vì không giải huyệt được cho Thanh Nga, Chân Phương.
Thúy Hồng chợt hiểu:
– Nội công bọn Toa Đô, Ô Mã Nhi bao gồm nội công các phái
Tây vực, Mông cổ, Trung nguyên, vì vậy khi chúng điểm huyệt mà giải bằng nội
công Đại Việt không thành công.
Dã Tượng nói:
– Dù điểm huyệt bằng nội lực nào chăng nữa thì sau một
giờ huyệt cũng tự giải. Bây giờ phải tìm chỗ ẩn thân, bằng không Thị vệ kéo đến
thì nguy lắm.
Thanh Nga đề nghị:
– Các anh chị mặc quần áo Cấm vệ, nếu bỏ khăn trùm đầu
ra, như vậy bọn Thị vệ sẽ tưởng anh chị
là Cấm vệ, không nghi mình là gian tế. Thị vệ thì không đáng sợ, vì em có thể
dùng quyền phu nhân khống chế chúng. Sợ là sợ bọn Tây hạ đuổi theo trả thù.
Chúng ta phải phân làm ba ngả mà chạy. Anh Yết Kiêu chạy về phía Tây, khu đó là
khu đổ rác, không có Thị vệ canh gác, thành không cao. Anh vượt tường ra ngoài,
rồi tìm về khu Lan hoa, ở đấy có đoàn Kỵ mã Long biên, thì không còn sợ gì nữa.
Chị Thúy Nga chỉ đường cho chị Thúy Hồng chạy vào khu Ngự trù, mình có năm đệ
tử Mê linh làm đầu bếp sẽ giúp mình.
Có tiếng nói lạnh lùng bằng âm Yên kinh, nhưng lơ lớ:
– Võ sĩ Tây hạ đã tới rồi! Bỏ người xuống! Chịu trói, bằng
không chúng ta băm bọn mi như băm chả.
Y chỉ vào Thanh Nga, Thúy Nga:
– Hai con ác phụ sát hại Thái tử, làm Công chúa thành tàn
tật. Chúng ta cần bắt chúng, lóc thịt trả thù cho chúa.
Hơn hai chục võ sĩ Tây hạ tay cầm đoản đao dàn thành hàng
chữ nhất, chĩa thẳng vào sáu người. Thanh Nga biết bọn này không dính dáng gì
tới bọn A Lý Hải Nha. Chúng bao vây với mục đích trả thù cho mụ Hy Hà và Yên
Kinh, nàng nói với Dã Tượng:
– Phải giết bọn này mới thoát được!
Vốn kinh nghiệm đối phó với biến cố, Dã Tượng hô bằng tiếng
Việt:
– Giết bọn này thì dễ quá. Ngặt vì chậm trễ, e Thị vệ tới. Ta phải phản công, mỗi chúng ta
hạ một vài đứa rồi chia ba như đã định
mà chạy.
Cả ba cùng rút kiếm xả vào đám võ sĩ Tây hạ, rồi tỏa
ra ba phía. Đám võ sĩ này tuyệt không ngờ ba người vác trên vai một người mà
dám tấn công mình. Loảng xoảng mấy tiếng bốn võ sĩ Tây hạ bị đánh bay ra xa.
Bọn chúng hét lên tấn công thì ba người đã chạy ra ba ngả khác nhau. Chúng cũng
chia ba đuổi theo.
Dã Tượng theo lời hướng dẫn của Thanh Nga chạy về dinh
của Ngột A Đa. Phía sau bẩy cao thủ Tây hạ reo hò bám sát. Tới dinh, thấy toán
Thị vệ thường trực gác dinh đang canh phòng. Nàng nghĩ thầm:
– Bọn này không biết gì về diễn biến tại điện Quang
minh. Mình có thể dùng chúng chống bọn Tây hạ.
Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét