Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A - Gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 90

HỒI THỨ CHÍN MƯƠI


Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản

Vũ Uy vương mời Tạ Phương Đắc cùng đọc thư. Tạ mừng vô cùng
            – Như vậy chiến cuộc tuy chấm dứt, Hốt Tất Liệt thắng, nhưng nguyên một thế hệ thanh thiếu niên chết hết. Toàn vùng Thảo nguyên chỉ còn đàn bà, trẻ con. Nếu muốn phục hồi lại những đạo kị binh thì ít ra Hốt Tất Liệt phải mất  5 đến 7 năm. Ta tạm yên được một thời gian để củng cố lực lượng.
            Vũ Uy vương mời sứ đoàn nghỉ tại Tòa Tổng trấn Bắc cương rồi lấy ngựa về Thiên trường tâu với Thượng hoàng. Nhưng đúng lúc đó Thượng hoàng đang se mình. Vương phải lộn về Thăng long hội ý với Thiệu long hoàng đế, Hưng Đạo vương, Hưng Ninh vương và Chiêu Minh vương. Cuộc họp có cả bốn tướng Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao Mang, Địa Lô cùng các tướng trâu từng tham dự Bắc viện. Bốn vương bàn đi tính lại suốt một ngày. Vũ Uy vương than:
            – Không ngờ chiến trận giữa Hốt Tất Liệt với A Lý Bất Ca lại kết thúc mau vậy. Tinh lực của Mông cổ, Đại nguyên kiệt quệ. Mông cổ chỉ còn Ngột A Đa cô đơn giữ được Vân Nam, Tây tạng. Y sẽ không tuân chỉ A Lý Bất Ca dầu hàng Nguyên. Đại nguyên không còn quân đánh y. Phía Tây thì các nước Kim trướng từ lâu không biết tới gốc Mông cổ, chắc chắn Hốt Tất Liệt sẽ không lý tới. Chỉ còn Nãi man của Hoài Đô, Bắc Liêu của Tháp Sát Nhi.
            Hưng Đạo vương quyết định:
            – Lực lượng Mông cổ ở Vân nam, Tây tạng do Ngột A Đa trấn thủ như bức tường bảo vệ cho ta. Ngột A Đa với Mục Tương Ca cầm cự nhau suốt  mấy năm nay, bất phân thắng bại. Nếu như Bắc Liêu theo Nguyên, thì Hốt Tất Liệt sẽ đem 25 vạn kị binh xuống  đánh, e Ngột A Đa nguy mất.
            Vương nhìn Vũ Uy vương:
            – Muốn giữ được Bắc Liêu thì cần Vũ Uy vương hay Địa Lô lên đường khẩn cấp cố vấn cho Hồng Liên. Nhưng Vũ Uy vương còn nhiệm vụ khác nặng hơn. Vậy phải cho Địa Lô lên đường ngay.
            Vương hỏi Địa Lô:
            – Bây giờ sang đó cháu sẽ hành động ra sao?
            Địa Lô suy nghĩ một lát, hầu thưa:
– Thần âm thầm đến gặp Hồng Liên. Hồng Liên đề nghị Tháp Sát Nhi phong thần làm một chức gì đó.
Nhà vua hỏi:
– Nếu như con Tháp Sát Nhi đang làm giám quốc không đồng ý thì sao?
Địa Lô mỉm cười:
– Aên được thì ăn. Không ăn được thì phá cho nát. Thần cố vấn  Hồng Liên. Hồng Liên sẽ dùng phương cách của Thanh Liên, là lạm quyền giết sạch những tướng nào chủ hàng Đại nguyên.
Nhà vua tính xa:
– Cuộc nội chiến Mông cổ, Đại nguyên khiến tinh lực của Thát đát gần như bị tuyệt. Lớp tuổi sắc dân Thảo nguyên từ 18 đến 30 hiện bị chết hết trong trận nội chiến. Cho dù Hốt Tất Liệt có tài thì cũng cần 5 đến 7 năm nữa lớp tuổi 13 đến 18 lớn lên, tinh lực mới phục hồi. Mà có phục hồi thì những kị binh thiện chiến chết hết rồi. Đây là cái may cho cho Tống, cho ta. Tuy nhiên nếu như lực lượng 25  vạn hùng binh của Bắc liêu theo Đại nguyên, thì triều Nguyên tạm vững, chúng không sợ Tống, Nãi man, cùng lực lượng của Ngột A Đa. Nguyên sẽ dùng quân của Tháp Sát Nhi tiếp viện cho mặt trận Vân nam. Ngột A Đa nguy mất.
Vũ Uy vương nhấn mạnh:
– Vậy cháu lên đường gấp, nắm giữ lực lượng Bắc liêu. Nếu như con Tháp Sát Nhi không theo Mông cổ, thì cố vấn cho Hồng Liên lạm quyền, gây ra cuộc chiến giữa Bắc liêu với Đại nguyên. Còn y theo Mông cổ, thì thúc A Lý Bất Ca đem quân đánh Hốt Tất Liệt, Tháp Sát Nhi sẽ giúp Mông cổ. Trận chiến càng thảm khốc càng tốt. Còn Lý Đảm, ông ấy sắp khởi binh đánh Đại đô. Nhưng không có chính nghĩa. Ông ta khởi binh như vậy thì không dễ gì thành công.
Nhà vua nhìn Vũ Uy vương:
– Anh chị biết rõ tình hình Tống, Lý Đảm. Anh chị nghĩ sao?
Vương phi Ý Ninh suy nghĩ một lát, rồi bàn:
– Về sứ quân Lý Đảm, bệ hạ dậy, mình cần kết hợp ông ta với Tống thì khởi binh mới có chính nghĩa. Nghĩa là ông ta nhân danh thần tử Tống triều ra quân. Khó một điều là nhạc phụ của ông, Vương Văn Thống đang là một trong bốn Tể tướng Mông cổ. Dễ gì Tống chịu liên binh?
Nhà vua bàn:
– Trong thế gian này, không ai có uy tín với Tống bằng anh chị Nhật Duy. Không biết anh chị có thể vì xã tắc lên đường sang Lâm an kết hợp Tống với Lý Đảm được không? Anh chị xin Tống phong cho Lý Đảm tước vương, rồi ban chỉ cho Lý Bắc tiến, đoạt lại giang sơn của Hán tộc. Như thế Đảm khởi binh mới có chính nghĩa.
Vương phi Ý Ninh than:
– Không dễ đâu. Vì trước đây phụ thân Đảm bị Tống giết. Đảm từng nhận sắc phong của Mông cổ đánh Tống bao phen.
Chiêu Minh vương tin tưởng:
– Vì vậybệ hạ mới nói ngoài Vũ Uy vương ra không ai làm nổi.

Hùng khí bốc dậy, Vũ Uy vương khẳng khái:
– Vợ chồng thần sẽ lại xuất mã một lần nữa. Tuy nhiên ta cần sai mật sứ tới khuyên Lý Đảm quy phục Tống. Mật sứ trong vụ này phi Yết Kiêu không xong.
Vương nói với Yết Kiêu:
– Vợ chồng cháu đi theo chú thím. Trước sang Tống. Rồi từ Tống cháu về Sơn đông. Cháu nên mang theo một đội Ngạc ngư, để huấn luyện cho Đảm mấy đội chống với Thủy quân Mông cổ.
Yết Kiêu khẳng khái:
– Cháu xin tuân chỉ chú. Dù gì cháu cũng là Đông hải Thiên kình đại tướng quân, Nam phương hùng uy, công thần, An biên đình hầu của Tống. Cháu xin vì Tống mà xuất trận. Cháu xin chú cho cháu đem theo bốn tướng trâu nữa. Đối với Lý Đảm, anh ấy là bạn cột chèo với cháu, thì thâm tình giúp cháu thuyết phục anh ấy không khó.
– Cháu có cần đem theo ai giúp không?
– Ngoài đội Ngạc ngư ra, cháu muốn đem theo hai cặp tướng trâu Lý Long Đại, vợ là  Vũ Trang Hồng ; Trần Long Nhất vợ là Phạm Trang Tiên.
Hưng Ninh vương đề nghị:
– Tại Trường sa hiện Tống có hiệu binh Thiệu hưng, Động đình, Tương giang. Tại Quảng tây có hiệu Trấn nam. Tại Quảng đông có hiệu Quảng châu. Tổng cộng 5 hiệu, như vậy có đủ không?
Vương phi Ý Ninh xua tay:
– Đa tạ Bồ tát. Ngoài năm hiệu binh, họ còn có Bảo binh. Vợ chồng đệ sẽ huấn luyện Bảo binh trở thành chính binh, thiện chiến như hiệu Văn bắc, Thiệu hưng.
Giữa lúc đó Thái giám báo :
– Thượng hoàng giá lâm.
Lễ nghi tất.
Nhà vua tâu trình chư sự  với Thượng hoàng. Thượng hoàng tuyên chỉ :
– Hiện Duy nhi, Ninh nhi đang lĩnh Tổng trấn Bắc cương, nhiệm vụ cực quan trọng. Thế nhưng mấy năm trước Tống phong cho Duy nhi tước Hành Sơn đại vương. Khi Duy nhi được Tống phong, trẫm tưởng họ chỉ phong cho có danh, không ngờ bây giờ họ mời sang trấn nhậm. Thế là Duy nhi làm vua vùng Kinh hồ, thì coi như vùng này trở về với tộc Việt. Tước này giống như  tước Kinh nam vương thời Tống Nhân tông phong cho tổ Trần Tự Mai. Lãnh thổ bao gồm Hồ nam, Quảng tây nam lộ, Quảng đông nam lộ, rộng gấp ba lần Đại việt ta. Thủ phủ nằm tại trấn Trường sa. Phía nam Trường sa là hồ Động đình, đất linh, nơi phát tích ra hai vị quốc mẫu. Sông Tương chảy dài từ hồ Động đình tới Quảng tây. Suốt hơn nghìn năm qua, các anh hùng tộc Việt không ngớt tìm cách chiếm lại mà không bao giờ thành. Vậy Duy nhi phải lên đường nhận đất ngay.
Hưng Ninh vương cẩn thận:
– Vùng Kinh hồ là nơi mà Đại nguyên đánh Tống sẽ đổ quân vào. Nếu Nguyên chiếm được Trường sa, ắt tiến quân chiếm Hồ Nam, Lưỡng quảng, thì coi như Tống không còn. Vì vậy bất đắc dĩ Tốngï phải trao cho chú Duy, để chú Duy chống Đại nguyên cho họ đấy.
Vũ Uy vương khẳng khái:
– Dù nguy hiểm, dù gian nan, mà lấy lại được đất tổ em cũng hứng chịu.
Vương phi Ý Ninh nhìn thượng hoàng:
– Bố yên tâm! Dâu bố sẽ làm được những gì bố ban chỉ.
Nhà vua nói:
– Anh chị đi trấn nhậm sẽ gặp muôn vàn gian nan. Vậy anh chị cần mang bất cứ văn quan, võ tướng nào theo, triều đình sẵn sàng.
Thượng hoàng ban chỉ:
– Nghe Khu mật viện tấu trình tình hình Mông cổ trẫm phải về đây để sắp xếp lại nhân sự.
Ngài hỏi nhà vua :
– Con có đề nghị gì khác không ? Nhật Duy đi kỳ này ngắn thì vài năm, lâu có khi hàng chục năm, không chừng suốt đời. Triều đình không thể không bổ nhiệm người thay thế  Duy nhi lĩnh Tổng trấn tây bắc cương.
Nhà vua cầm một tờ giấy, tâu:
– Về nhân sự, thần nhi quyết định như sau :
Trấn thủ Nam biên vẫn là Tĩnh Quốc vương Quốc Khang.
Trấn thủ Đông bắc cương vẫn là Hưng Ninh vương Quốc Tung.
Trấn thủ Tây bắc cương là Vũ Uy vương Nhật Duy. Anh chị được Tống phong cho tước Hành Sơn vương. Lĩnh địa này nằm phía Nam hồ Động đình, giáp với khu chiến Tương dương, Phàn thành. Nếu như Đại nguyên đánh Tống thì anh chị là người hứng chịu. Cuộc chiến không biết bao giờ mới dứt. Vì vậy thần nhi đề nghị chú Chiêu Văn Nhật Duật thay anh trấn thủ Tây bắc cương.
Thượng hoàng ban chỉ:
 – Trước đây ba châu Văn sơn, Khâu bắc, Chiêu dương thuộc Quảng tây nam lộ. Từ khi Duy nhi, Linh nhi thu hồi thì đặt trực thuộc Bắc cương. Bây giờ Duy nhi làm vua vùng Kinh hồ thì trả ba châu này về Quảng tây nam lộ để Duy nhi cai trị cho dễ dàng. Trong tất cả các nhiệm vụ trấn ngự biên cương thì Tây bắc cương là tối quan trọng. Với tài của Chiêu Văn thì triều đình yên tâm. Vậy ai sẽ thay Chiêu Văn tổng lĩnh Thiên tử binh?
Nhà vua nhìn Hưng Đạo vương :
– Thần nhi thấy trong ba vương Hưng Vũ, Hưng Hiếu, Hưng Nhượng, thì Hưng Nhượng vương tính tình cương quyết, hành sự mau chóng, nên cử Hưng Nhượng vương Quốc Tảng vào nhiệm vụ này.
Vương phi Ý Ninh tâu:
– Phụ hoàng đã cho 3 châu Văn sơn, Khâu bắc, Chiêu dương trở về Quảng tây thì thần nhi sẽ xin điều đạo binh Văn bắc lên Trường sa.
Thượng hoàng cười vui:
– Con muốn đem con voi đồng quê lên Trường sa dọa quân Nguyên đấy à?
Dã Tượng tâu:
– Thần từng ném đá giết Mông Ca. Mông Ca chết mà Hốt Tất Liệt thoát được cái ách. Nếu Mông Ca còn thì làm gì có triều Nguyên, làm gì có Chí Nguyên!
Nhà vua tiếp:
– Chiêu Minh vương Quang Khải vẫn lĩnh Phụ quốc Thái úy.
Vũ Minh vương Quang Húc vẫn Tổng lĩnh Ngự lâm quân, Thị vệ.
Chiêu Quốc vương Ích Tắc lĩnh Tổng trấn Thăng long, kiêm Quản Khu mật viện.
Chiêu Hòa ương Quốc Uất, Tổng lĩnh Kị binh, Ngưu binh, Ngạc binh.
Nhân Huệ vương Khánh Dư  là Đại đô đốc Tổng lĩnh Thủy binh.
Thượng hoàng vui vẻ:
– Nhân sự như vậy thì được rồi. Còn chư tướng thống lĩnh 10 hiệu Thiên tử binh thời Nguyên phong hiện đã già. Cần cho nghỉ hưu, bổ nhiệm tướng trẻ thay thế.
Buổi họp chấm dứt, Thiệu Long hoàng đế thỉnh Thượng hoàng cùng chư vương vào Hoàng thành cùng dự bữa ăn của gia đình. Chiêu Văn vương tâu với Thượng hoàng :
– Chị Ý Ninh mới hoài thai, mà theo anh Nhật Duy sang Tống, đường xa diệu vợi, lại nữa phải đánh nhau với Mông cổ, e có nguy hiểm không?
Ý Ninh cười rất tươi:
– Đa tạ Chú Chiêu Văn đã lo lắng cho chị. Nhưng chú ơi! Từ khi tuân chỉ phụ hoàng thành vợ chồng với anh Duy, có năm nào, tháng nào, ngày nào chị nghỉ ngơi đâu? Bây giờ anh Duy sang Tống, mà để chị ở nhà thì chị buồn không chịu nổi đâu.
Thượng hoàng phán:
– Chị Ý Ninh là đệ tử yêu của Vô Huyền bồ tát, thì là người ân oán phân minh. Chị ấy đã nhận tước phong cực cao của Tống: Thạc hòa, Minh đức, Trang duệ, Vũ thắng trưởng công chúa. Linh mẫn huyền quân. Nay theo chồng sang trấn ngự lĩnh địa của chồng, bảo vệ Tống thì là điều hợp với đạo lý. Nên không thể vì hoài thai mà ở lại Đại Việt.
Ngài ban chỉ cho nhà vua:
– Trước đây ta dã ban chỉ về phong chức tước trong hoàng tộc. Khi một hoàng tử sinh thì nội trong ba ngày phải phong cho tước vương. Khi 13 tuổi được phong cả chức văn, chức võ, cho mở phủ đệ riêng. Còn con của chư vương thì được phong tước hầu, có ấp phong. Đến tuổi 13 được bổ nhiệm vào chức văn võ. Bây giờ Ý Ninh mang thai, sẽ sinh con ở Trường sa. Sau khi sinh, báo về nước. Nếu là trai phải được phong thượng vị hầu; nếu là gái thì phong công chúa.
Nhà vua kính cẩn:
– Tuân chỉ phụ hoàng.
Phi  nói sẽ vào tai Thiệu Long hoàng đế:
  – Anh chị sang Tống, mà vẫn lo hai tên khả ố Vuông, Tròn đang bán nước, mong Hốt Tất Liệt phong cho tước An Nam quốc vương tranh ngôi với chú. Vậy chú phải cẩn thận như đấu võ: mắt trông tứ phương, tai nghe tám hướng.
  Nhà vua gật gật đầu:
  – Anh chị đi xa, em như mất một chỗ dựa lớn. Lời chị dặn, em luôn ghi nhớ trong lòng. Trước kia mọi thư tín gửi từ Mông cổ về thì do Khu mật viện nhận. Từ khi anh chị Bắc viện hồi hương, vì sợ hai tên khả ố Vuông, Tròn, chính anh chị nhận. Bây giờ em sẽ trực tiếp nhận.

  Tiệc giữa chừng thì Thái phi Đông Hoa tới. Thượng hoàng đứng dậy tiếp phi:
  – Phi vào dây dự bữa tiệc tiễn đưa Duy nhi, Ninh nhi.
  Nước mắt đầm đìa, phi kéo tai Vũ Uy vương:
  – Mẹ nghe con từ Bắc cương về Cố trạch, rồi lại về Thăng long. Sao không ghé thăm mẹ?
  Hưng Ninh vương đỡ đòn cho Vũ Uy vương:
  – Kính thưa thím. Vì quốc sự khẩn cấp, vợï chồng Nhật Duy về Thiên trường cáo với thượng hoàng. Nhưng thượng hoàng se mình, nên phải trở lại Thăng long họp với Thiệu long, nên lỗi đạo thần hôn, xin thím tha tội cho Duy.
  Thái phi hỏi thượng hoàng:
  – Bây giờ thượng hoàng lại sai Nhật Duy sang Tống đánh nhau với Mông cổ nữa phải không?
  Nhà vua nhỏ nhẹ:
– Tâu không phải thế, vì anh Nhật Duy được phong tước của Tống, lớn hơn tước của thần nhi:
 Thái sư, thượng trụ quốc,
Khai phủ nghị đồng tam tư,
Phụ quốc đại tướng quân,
Đồng bình chương sự,
Bình tây tiết độ sứ.
Hành Sơn đại vương.
Vì vậy anh chị phải sang nhận lãnh địa được phong của mình. Tức anh Duy làm vua vùng lớn gấp ba Đại Việt. Nếu thái phi muốn gần anh chị, xin thái phi vân du Trung quốc một lần. Hành Sơn là vùng đất phía Nam hồ Động đình. Thái phi sang đó lên ngôi thái hậu đấy.
  Thái phi là xuất thân là một nghệ nhân, giầu tình cảm. Ngài chỉ có một hoàng nam duy nhất là Nhật Duy, năm 13 tuổi Nhật Duy được phong vương, được trao cho Tổng trấn Bắc cương. Thế rồi suốt gần 20 năm qua, vương phải lĩnh những nhiệm vụ trọng đại: nào đánh Mông cổ, nào làm con tin, nào Bắc viện. Vì vậy mẹ con ít khi gặp nhau. Từ ngày Bắc viện hồi hương, mỗi khi vương về Thăng long dự buổi thiết triều hay về Cố trạch chầu Thượng hoàng, thì phi lại sang ở tại phủ Vũ Uy, ăn uống với vương, vương phi,  mẹ con đàm đạo. Phi tận hưởng những ngày hạnh phúc trong tình nhân luân. Bây giờ đứng trước việc vương sang Tống nhận lĩnh địa được phong, không biết bao giờ mới trở về, lòng phi đau như dao cắt. Phi cũng muốn đi với vương, nhưng giữa phi với thượng hoàng ngoài tình vợ chồng, còn tình tri kỷ. Phi không thể theo con, mà xa thượng hoàng.
Biết cục diện không thể thay đổi, phi đành nuốt lệ ngồi nhìn con, nhìn dâu mà đứt ra từng khúc ruột. Một tay phi cầm tay con, một tay phi cầm tay dâu:
– Các con đi kỳ này, biết bao giờ mẹ mới thấy các con?
Thượng hoàng cười:
– Trẫm già rồi! Không ngờ cuối đời lại được nhìn đất linh của tổ tiên trở về với tộc Việt. Phi đừng buồn, Duy nhi, Ninh nhi trấn nhậm Bắc cương cũng thế, làm vua vùng Kinh hồ cũng vậy. Nhất định Duy nhi phải ở Kinh hồ cả đời mình, đời con, đời cháu... Phi phải cười chứ sao lại khóc. Nào, cười lên nào!
Phi mỉm cười trong khi nước mắt lã chã!
Phi dạy:
– Như vậy Duy nhi làm vua vùng Kinh hồ. Kinh hồ là đất của Đại việt. Kinh hồ lớn gấp ba Đại việt. Vậy con phải nhất nhất quy phục Thăng long, chứ đừng nghĩ ta là anh, ta làm vua nước lớn rồi tách ra làm một nước khác.
Vũ Uy vương kính cẩn:
– Lời mẹ dậy con không bao giờ dám quên. Con nguyện suốt đời tuân phục chú Hoảng như tuân phục phụ hoàng.

Trong khi Dã Tượng điều động hiệu binh Văn bắc từ Khâu bắc đi Ung châu, rồi từ Ung châu đi Trường sa; thì Vũ Uy vương, vương phi theo sứ đoàn Tạ Phương Bắc, lên đường sang Tống. Kỳ này sứ đoàn khá đông: Yết Kiêu với vợ, dẫn theo một đoàn Ngạc ngư 36 người. Những kị mã Long biên theo La An hồi trước đã được thăng chức tước lớn, nên La An tuyển lấy 30 kị mã trẻ thay thế. Vương phi Ý Ninh xin Vô Huyền bồ tát cho 12 đệ tử Mê linh kiếm trận trẻ, vì lớp lớn đã được triều đình phong chức tước, bổ nhiệm vào các chức vụ quan trong.
Cao Mang muốn theo Vũ Uy vương sang Tống, hầu năn nỉ với vương phi:
– Thím ơi! Thím cho vợ chồng cháu theo chú thím, để được viếng hồ Động đình là đất linh của tộc Việt.
Vũ Uy vương thấy từ khi tướng trẻ này theo mình, mà chưa từng ở bên cạnh, luôn trấn ngự vùng Hồi cương. Nay nghe Cao Mang năn nỉ, vương quyết định:
– Được rồi! Cho cháu với Kha Li Đa cùng đi.
Sứ đoàn hùng hậu lên đường. Đi đầu là một thớt voi, với cây cờ cực lớn:
Đại Tống Hành Sơn đại vương Trần
Tạ Phương Đắc đã sai người báo cho Tuyên vũ sứ Quảng tây, nên khi sứ đoàn tới biên giới, Tuyên vũ sứ õ cùng các quan thuộc Quảng tây nam lộ chờ đón.
Tuyên vũ sứ họ Hoàng tên Nam Anh, xuất thân Tiến sĩ. Vì trấn nhậm ở biên giới Hoa Việt, lập được nhiều công, được phong tước Bá. Tuy Quảng tây nam lộ quá  xa với chiến trường Tứ xuyên, Kinh châu. Nhưng những tin về đạo quân Mông cổ như hùm, như hổ, tàn ác, khi chúng đi đến đâu thì giết tuyệt không còn một người. Y cũng lo lắng ngay ngáy trong lòng. Y được biết Mông cổ chiếm Tây tạng, Đại lý rồi đánh xuống Đại Việt. Chúng bị Đại việt phá. Vũ Uy vương là một trong các tướng phá Mông cổ. Rồi y nghe Mông cổ chiếm Tứ xuyên. Mặt đông vượt Trường giang đánh chiếm 10 châu 144 thành. Tống triều như ngọn đèn trước gió, thì Vũ Uy vương đem quân cứu viện, giết chết vua Mông cổ là Mông Ca, đuổi Mông cổ khỏi Tứ xuyên. Mông cổ phải ký thỏa ước trả 10 châu, 144 thành, rút khỏi Nam Trường giang. Nhờ vậy mà Tống còn. Tống triều phong cho Vũ Uy vương tước Thái sư, thượng trụ quốc Hành Sơn đại vương. Quảng đông nam lộ, Quảng tây nam lộ đều thống thuộc lĩnh địa của vương. Bây giờ vương lên đường nhậm chức, Hoàng cùng các quan văn võ đi đón với tất cả kính trọng. Coi vương như cây cột chống căn nhà ọp ẹp sắp đổ của Tống.
Tạ Phương Đắc đề nghị với Hành Sơn đại vương (từ đây chúng tôi dùng tước của vương do Tống phong là Hành Sơn đại vương):
– Khải vương gia, vương gia, vương phi cùng chư tướng nhận tước phong của triều đình thì nên dùng triều phục của Tống, để dân chúng, quan chức dễ nhận ra.
Hành Sơn đại vương hỏi thuộc hạ:
– Ý kiến của Tạ sứ như vậy, ta có nên theo không?
Đúng là cáo chết ba năm quay đầu về núi. Vương Chân Phương từng thấy những phụ nữ mặc y phục phu nhân, tiểu thư, nàng hằng ước mơ được mặc những bộ quần áo thướt tha này. Bây giờ được hỏi ý kiến, nàng nói ngay:
– Thưa chú! Chú là Hành Sơn đại vương, chồng cháu, anh Lô đều là tước hầu thì nên mặc phẩm phục của Tống, để  dân chúng biết rõ đây là những mệnh quan.
Biết rõ thâm ý của Chân Phương, Địa Lô trêu:
– Còn chị, tước phong của chị là công chúa. Vậy chị phải mặc  phẩm phục công chúa. Nhưng tìm đâu ra phẩm phục này bây giờ.
Tạ Phương Đắc đề nghị:
– Đợi tới Trường sa, thần sẽ ra lệnh cho thợ của Tòa tổng trấn may phẩm phục tước đại vương cho vương gia, tước hầu cho Yết Kiêu, Địa Lô, tước công chúa cho vương phi và phu nhân của hai hầu tước. Còn y phục cấp tướng quân cho bốn vị ngưu tướng thì có sẵn.
Châu trị của Hành Sơn vương là thành Trường sa. Không muốn làm phiền các quan lại địa phương, vương ban chỉ đoàn tùy tòng dùng thuyền ngược giòng sông Tương lên thẳng Trường sa.
Hồi hiệu binh Thiệu hưng mới thành lập, vì các tướng Hoa kiều chưa quen chỉ huy, nên triều đình Đại Việt cử Yết Kiêu thống lĩnh cùng một số tướng Việt. Từ sau trận đánh Tứ xuyên, hiệu binh được trao cho các tướng Hoa kiều chỉ huy. Các tướng được Tống triều phong chức tước,  được phối trí tại điểm nóng Trường sa.

Tuyên vũ sứ dàn hiệu binh Thiệu Hưng ra đón. Trấn bắc thượng tướng quân, Linh viễn đình hầu Phùng Tập, báo cho binh tướng hiệu Thiệu hưng biết, người cựu chỉ huy của họ là Yết Kiêu cũng đi theo Hành Sơn vương.
Lễ nghi tất.
Hành Sơn vương họp với bộ tham mưu tòa Tổng trấn Trường sa để biết rõ tình hình địch, tình hình Tống và dân tình. Mọi việc xong xuôi, vương dẫn vương phi, Yết Kiêu, Dã Tượng  đi Lâm an dự buổi thiết đại triều.
Trước khi về Lâm an, vương phi Ý Ninh dặn Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao Mang,  Địa Lô:
– Mỗi buổi thiết đại triều, Tống có hằng mấy trăm quan dự. Họ thuộc rất nhiều thành phần phức tạp. Mình từ phương xa tới, lần đầu chỉ nên nghe để hiểu, không nên phát biểu. Nhất  là mình nói tiếng Hán vùng Lâm an không chuẩn. E có sự hiểu lầm. Nếu như nhà vua hay các quan có ngợi khen, thì phải hết sức nhũn nhặn.
Tạ Phương Đắc thuyết trình về triều Tốâng:
– Hàm Thuần hoàng đế mới lên ngơi vua, tuổi còn trẻ, kiến thức cực rộng, là người biết chiêu hiền nạp sĩ. Ngặt vì Tống triều bị Liêu, Kim, Mông cổ xâm lăng biết bao lần, trong gần 200 năm, nên các quan không có chí tiến thủ chiếm lại Hoa Bắc. Họ chỉ  muốn giữ những gì hiện có. Thời tiên đế, Tể tướng Giả Tự Đạo nhân nhà vua tuổi già, y lạm quyền. Hồi đám tang tiên đế, ông ta bị Hoa sơn ngũ hiệp đột nhập dinh, dí kiếm vào cổ bắt phải tuân theo mười điều. Nên nay tương đối đỡ hơn nhiều. Hiện trong triều có ba vị đại thần tài trí phi thường, nên ông ta lùi trở lại với vị trí một thư lại.
Yết Kiêu hỏi:
– Ba vị đại thần tài trí đó là những ai vậy?
– Một là Văn Thiên Tường. Hai là Trương Thế Kiệt. Ba là Lục Tú Phu.
Vương Chân Phương hỏi:
– Ba ông này có hợp nhau không?
– Ba ông như ba cây cột chống căn nhà nghiêng ngả của Tống. Ba là một, một là ba. Họ là người tài trí phi thường, hành sự lỗi lạc. Biết chiêu hiền nạp sĩ.
Trước buổi thiết triều đã có một rắc rối, khó khăn về thủ thủ tục lễ nghi, khiến quan Quang minh điện đại học sĩ không giải quyết được. Nguyên do Tống triều là một triều trọng Nho học cực kỳ, lễ nghi nghiêm túc, không có nữ quan, cũng chưa từng cho các công chúa, vương phi, phu nhân dự buổi thiết triều. Bây giờ phải xếp chỗ cho vương phi Ý Ninh, Vương Chân Phương, Thúy Hồng tước công chúa;  Thái Ngọc Hồng tước phu nhân. Hai Ngưu tướng Vũ Trang Hồng, Phạm Trang Tiên tước Ngưu vệ tướng quân.
Cuối cùng Tể tướng Giả Tự Đạo phải lấy một điển hồi mới lập Tống triều. Bấy giờ vương phi của Trịnh Ân, nghĩa đệ của Thái tổ tên  Đào Tam Xuân, bà là một đại tướng. Khi thiết triều, thì phía sau chỗ ngai vàng của hoàng đế để cái ghế, bà ngồi đó. Quan Quang minh điện đại học sĩ truyền lấy 6 cái ghế, để sẵn.
Buổi thiết đại triều bắt đầu vào giờ Mão tại Trường hy điện.
Các quan tề tựu, theo thứ tự, phẩm hàm. Nhạc trỗi lên, nhà vua từ trong đi ra. Tể tướng Giả Tự Đạo hô lớn:
– Bách quan khấu đầu bái kiến thánh hoàng.
Nhà vua vẫy tay:
– Các khanh bình thân. Miễn lễ.
Quang Minh điện đại học sĩ tâu:
– Tâu thánh hoàng, buổi thiết triều hôm nay có Hành sơn đai vương Trần Nhật Duy, vương phi; ba vị hầu Trần Quốc Kinh, Trần Quốc Vỹ, Nguyễn Địa Lô và hai phu nhân. Đặc biệt có cả 4 Ngưu vệ tướng quân cũng về chầu.
Trong điện có tới hơn bốn trăm người mà không một tiếng động. Vì từ hồi Tống đang như ngọn đèn trước gió, được viện binh Việt vào Tứ xuyên đánh bại Mông cổ, giết Mông ca, mà Tống thu hồi được 10 châu, 144 thành. Các quan đều nghe danh Vũ Uy vương, cùng chư tướng Việt. Hôm nay họ mới được thấy người mà họ khâm phục.
Nhà vua ban chỉ:
– Thỉnh vương gia, vương phi cùng chư tướng vào.
Nhạc quan cho các nhạc công cử bản chiến thắng, chào đón các anh hùng Nam phương. Hành Sơn đại vương cùng phái đoàn vào điện. Nhà vua vẫy tay:
– Miễn lễ!
Tạ Phương Đắc trình diện từng người một. Các đại thần Tống đều là những nhà nho đạo đức.  Họ tự hào, họ đang sống ở Hàng châu, vùng nổi danh sản xuất ra những giai nhân mà khi thấy vương phi Ý Ninh, Vương Chân Phương, Thúy Hồng, Thái Ngọc Hồng, họ đều ngơ ngác. Họ thấy cái đẹp của vương phi Ý Ninh là một giai nhân luyện võ, chân khí sung mãn, tươi hồng, thân thể nảy nở cân đối. Rồi khi thấy hai tướng trâu Vũ Trang Hồng, Phạm Trang Tiên, da tuy ngăm đen, nhưng mắt sáng như sao, chỉ nhìn cũng thấy đầy sinh khí.
Nhà vua truyền kéo ghế mời vương, vương phi, các phu nhân ngồi. Nhà vua tuyên chỉ:
– Trẫm cũng như  bách quan từng nghe đại danh Hành Sơn đại vương, vương phi, các tướng Yết Kiêu, Dã Tượng, Đại Đởm. Vậy phiền chư khanh đứng ra giữa điện để mọi người được thấy phong thái anh hùng. Văn Thái phó tường thuật trận Bồ lăng mà An biên hầu đánh tan 4 vạn kị binh Mông cổ cho các đại thần n ghe.
Yết Kiêu, Dã Tượng tuân chỉ đứng giữa điện.
Văn Thiên Tường thuật chi tiết trận đánh như thế nào. Tể tướng Giả Tự Đạo nói:
– Kị mã Mông cổ là những binh mạnh bất khả đương. Thế mà bị Ngưu binh đánh bại. Hôm nay có 4 Ngưu tướng tại đây. Nào mời 4 tướng đứng ra giữa điện để thánh hoàng thấy khí sắc anh hùng.
Lý Long Đại, Vũ Trang Hồng ; Trần Long Nhất , Phạm Trang Tiên đứng ra giữa điện. Các quan nhìn hai cặp vợ chồng tuy trẻ, nhưng khí sắc tinh anh. Quan Hình bộ thượng thư Lục Tú Phu hỏi:
– Liệu Hành sơn vương có thể huấn luyện cho Tống mươi đội Ngưu binh không?
Phạm Trang Tiên lễ phép:
– Kính Thượng thư, hiệu binh Thiệu hưng có ba quân bộ binh. Mỗi quân đều có một một Vệ Ngưu binh 80 người. Các Vệ Ngưu binh vẫn ngày đêm thao luyện. Nếu triều đình muốn thì ba Vệ Ngưu binh có thể đào tạo thêm mấy chục Vệ nữa.
Sau buổi thiết triều, Khu mật viện họp để cùng Hành Sơn vương bàn mật sự. Hành Sơn vương tâu với nhà vua:
– Hiện sứ quân Lý Đảm đang có 15 vạn hùng binh. Lý thấy sau trận nội chiến, binh lực Đại nguyên tan tác. Lý muốn khởi binh đánh thẳng vào Đại đô. Nhưng Lý khởi binh thì không có chính nghĩa. Thần lớn mật xin bệ hạ ban chiếu chỉ phong chức tước cho Lý, gửi một hịch cần vương cho dân chúng miền Bắc. Lý nhân đó tuyên bố tuân chỉ của triều đình khởi binh đuổi Thát đát ra khỏi Trung nguyên.
Thái phó Văn Thiên Tường tán thành:
– Như vậy triều đình nên phong vương cho Lý.
Nhà vua hài lòng:
– Ai có thể đi sứ trong vụ này?
Vương phi Ý Ninh chỉ Yết Kiêu:
– Đông hải Thiên kình đại tướng quân, Nam phương hùng uy, công thần, An biên đình hầu Trần Quốc Vỹ là người của triều đình. Phu nhân cũng nhận tước phong Hồng đức, trang hòa Công chúa. Công chúa là em vợ của Lý.
Tể tướng Giả Tự Đạo trì nghi:
– Liệu Lý Đảm có nhận chức tước của triều đình không?
Lại bộ thượng thư  Trương Thế Kiệt cương quyết:
– Nhận! Tôi tin rằng Lý sẽ nhận. Vì Lý với Đại nguyên hiện ở vào thế không cùng đứng. Bắt buộc Lý phải khởi binh. Lý yếu hơn Đại nguyên, nên phải tìm thế liên binh. Nay triều đình mở vòng tay đón, thì Lý cầu mà không được.
Nhà vua tuyên chỉ:
– Vậy phải ban chỉ càng sớm càng tốt. An biên đình hầu cùng phu nhân sẽ dùng thuyền đi cho mau.
Rời Lâm an, Hành Sơn vương cùng phái đoàn về Trường sa. Vương dặn Yết Kiêu:
– Cháu đem đội Ngạc ngư, 4 tướng trâu dùng thuyền ra biển. Tới Liêu Đông thì cùng lên bờ, rồi để Địa Lô dùng đường bộ đi Bắc Liêu.
Vương trao cho Địa Lô một thẻ bài:
– Đây là thẻ bài của Hốt Tất Liệt, do Bạch Liên lấy trộm cho ta. Cháu dùng để đi qua vùng kiểm soát của Đại nguyên, tới Bắc Liêu.
Yết Kiêu, Địa Lô chưa kịp lên đường thì có thư của Vũ Chính gửi từ Đại đô:

“ Khải vương gia,
Có biến cố lớn. Lý Đảm bí mật chuẩn bị khởi binh, bất thình lình đánh úp Đại đô. Lý sơ hở để lộ kế hoạch.

Cha vợ của Lý Đảm là Vương Văn Thống được Hốt Tất Liệt tín dùng trao cho chức Tể tướng. Không kế nào của Vương mà không dùng, không lời nào của Vương mà không nghe. Vương ở trong, thông báo chư sự cho Lý Đảm. Đảm ở ngoài chỉnh bị binh mã, lương thực. Cả hai ước tính sẽ chờ dịp khởi binh. Sau trận đánh Tích Mộc Não Nhi, toàn lực kị binh Mông cổ, Đại nguyên bị tan nát. Vương Văn Thống thấy thời cơ đã đến, báo cho Lý Đảm khởi binh.

Tại Tế Nam có một đại thần Mông cổ, tên Vương Khánh, là một nhà nho. Ông ta thường tỏ ý thân với A Lý Bất Ca. Lý Đảm cho rằng ông ta chống Hốt Tất Liệt, nên chuyện gì cũng bàn với ông ta. Lý sơ hở để ông ta lấy được bức thư của Vương Văn Thống viết cho Đảm. Lập tức ông ta phi ngựa ngày đêm cáo với Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt đem bằng chứng đó ra hỏi tội Vương Văn Thống. Vương không còn chối được tội. Hốt Tất Liệt truyền chém Vương.

Sau khi chém Vương Văn Thống, Hốt Tất Liệt cử Thừa tướng Sử Thiên Thạch làm tướng cùng Thân vương Hợp Tất Xích đem mấy đạo kị binh thình lình đánh Lý Đảm. Đảm không kịp trở tay, hiện bị vây trong thành Tế Nam. Y không thể ra lệnh cho tướng sĩ các đạo quân đến cứu viện. Thân vương Hợp Tất Xích sai sứ đến các Tuyên vũ sứ, các tướng chỉ huy quân của Lý Đảm thuyết phục đầu hàng. Ai đầu hàng nhất nhất tướng đến quân đều được thăng lên một cấp. Chức vụ được giữ nguyên, của cải, đất đai cũng được giữ nguyên. Ai chống lại thì từ tướng đến quân, vợ con, dĩ chí dân chúng bị giết sạch. Hầu hết các Tuyên vũ sứ, các tướng đều đầu hàng. Chỉ trong 10 ngày toàn lãnh thổ của Lý Đảm thuộc về Nguyên. Đảm bị vây trong thành Tế Nam. Đã hai lần Đảm phá vòng vây mà không thành công“.

Hành Sơn vương họp chư tướng lại, giảng giải cho biết tình hình. Vương nói với Yết Kiêu:
– Nhạc phụ cháu chết, chắc chắn Chân Phương sẽ đau đớn lắm. Cháu đem Chân Phương vào gặp thím, để thím an ủi cho bớt u sầu. Còn việc cháu đi sứ thì ngừng lại. Vì gần như toàn lãnh thổ của Lý Đảm đã bị Đại nguyên chiếm đóng. Việc một đoàn 36 Ngạc ngư với tướng trâu không thể tới Tế Nam được. Ví dù tới Tế Nam, thì cũng không thể vào thành. Mà vào thành thì cũng bó tay, chứ cứu Đảm thì vô phương.
Vương phi bàn:
– Việc Yết Kiêu đi sứ Sơn đông phải hủy bỏ. Mình cần dâng biểu về Lâm an để triều đình biết tự sự. Còn Địa Lô phải dùng thuyền đi Cao ly. Rồi từ Cao ly vào Bắc liêu.
Địa Lô lên đường được hơn tháng thì có thư về:

“Khải vương gia,
Thần đã tới Bắc Liêu. Tháp Sát Nhi bị trúng phong huyền vựng, mê man*. Thần cho uống ba thang thuốc, tuy đã qua cơn nguy ngập, nhưng bán thân bất toại, miệng méo, mắt nhắm không kín. Chân, tay trái teo lại, không cử động được. Nếu dùng châm cứu ba ngày một lần thì trong vòng 3 tháng có thể đi lại tuy khó khăn một chút. Tháp Sát Nhi đã có thể thiết triều. Tuy nhiên vương vẫn cho Thái tử Đô Ngột Nhi ngồi cạnh nghe việc triều chính.
Cha con Tháp Sát Nhi có nhiều điều bất đồng ý kiến. Đô Ngột Nhi quá hèn, chỉ muốn quy phục Đại nguyên để được an thân. Trong khi đó em ruột y là Đô Nhĩ Kha nhỏ hơn y hai tuổi, văn mô, vũ lược, có chí khí, muốn  làm cho Bắc liêu hùng mạnh lên, quay mặt về Nam tranh hùng với Đại nguyên. Tháp Sát Nhi muốn phế Đô Ngột Nhi, lập Đô Nhĩ Kha, nhưng chưa có cớ. Đô Ngột Nhi biết thế, âm thầm tìm ngoại viện từ Đại nguyên.

Trước đây Tháp Sát Nhi nghe lời khuyên của Trung Thành vương, đã thiết lập một triều đình giống triều đình Tống ở Trung nguyên, Lý của Đại Việt. Trung Thành vương được phong làm Thái úy, thống lĩnh binh mã. Một nho sĩ người Liêu được bổ nhiệm làm Chiêu văn quan đại học sĩ, giám tu quốc sử  (Tể tướng). Bây giờ bổ nhiệm thần làm Vũ lâm đại học sĩ, quản Khu mật viện, kiêm Tổng lĩnh Cấm quân, Thị vệ. Lập tức thần tổ chức hệ thống phòng thủ, giám sát khắp nơi. Chỉ mười ngày thần đã biết những viên quan nào thân Đại nguyên. Viên quan nào còn hướng về Hốt Tất Liệt. Thần cài người vào làm chân tay cho Đô Ngột Nhi: từ đầu bếp cho tới mã phu, thị vệ. Nên nhất cử nhất động của Đô Ngột Nhi, thần đều biết hết. Thần đã liên lạc được với Thúy Trang và Hoài Đô. Có tin tức gì thần sẽ báo sau”.

Ghi chú,
* Trúng phong huyền vựng, tên một loại bệnh rất cổ của y học Á châu. Tương đương với ngày nay là Huyết áp cao rồi bị tai biến mạch máu não.

Vương viết chỉ dụ:

“Làm cách nào cho Đô Ngột Nhi rời kinh đô, đi xa. Giúp Đô Nhĩ Kha nắm quyền. Rồi khi Tháp Sát Nhi băng, lập Đô Nhĩ Kha lên thay“.

Tại Trường sa, ngày 20 tháng 6, giờ tỵ, vương phi Ý Ninh khai hoa, nở nhụy ra một hoàng nam. Năm đó là năm Bính Dần (1266). Vương đặt tên là Quốc Toản. Sau khi lễ vọng về Nam tạ ơn liệt tổ. Vương sai chuyển thư về Đại Việt cáo với Thượng hoàng và Tuyên thái phi. Tuyên Thái phi ban chỉ: tìm cách đưa Quốc Toản về nước để Thái phi dậy cháu. Triều đình ban chỉ phong cho Quốc Toản tước Hoài Văn hầu. Aáp phong là Hàm tử, gồm bốn xã, dân đông, tài nguyên xúc tích.

Thượng hoàng gửi một thanh kiếm ban cho Quốc Toản, trên thanh kiếm có hàng chữ:

Ngự tứ thượng phương bảo kiếm
Hoài văn hầu Trần Quốc Toản,
Nghĩa là: Thanh kiếm của vua ban cho Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.

Vương phi hướng về Nam bái tạ, rồi mời mọi người ra sân. Phi rút thanh kiếm ra khỏi vỏ: kiếm có mầu vàng óng ánh như vàng, tỏa ra khí lạnh ghê người. Phi khen:
– Kiếm này hơi nặng.
Phi vung lên, ánh vàng lóng lánh như quả cầu vàng. Phi đưa ngang, kiếm chạm vào cây côn sắt cắm bên cạnh. Chít một tiếng, cây côn to bằng cổ tay, đứt ngọt. Mọi người đều kinh ngạc.

 Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét