Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A - Gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 97

HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẨY

 Quần đảo Hoàng sa, Trường sa (1)


Nói dứt y thộp tay vào ngực nàng, cử chỉ cực kỳ khả ố. Nang Tiên lách mình tránh khỏi rồi vung tay tấn công y. Chiêu số khá trầm trọng. Nàng nói:
– Uổng cho chúng bay xưng là khâm sai của Thiên triều Đại nguyên, mà hai người uy hiếp một mình ta. Tên khả ố Trịnh Long kia! Nếu một mình mi thắng được ta thì ta mới phục. Chứ hai mẹ con mi vây đánh ta, thì thực là hèn hạ.
Trịnh Long rút kiếm ra tấn công Nang Tiên. Nang Tiên rút kiếm gạt mạnh. Choang một tiếng. Y bật lùi ba bước. Trong khi Nang Tiên bị bật lùi về sau, lưng chạm vào tường đến rầm một tiếng. Mụ đàn bà đã nhanh tay điểm huyệt, rồi nhắc bổng nàng lên, đem xuống lầu. Quốc Kiện quát:
– Để người lại!
Vương tung mình qua lan can, nhảy xuống đất, tay rút kiếm xỉa vào cổ mụ béo. Trịnh Long rút kiếm tấn công vương. Nang Tiên chuyển mình một cái đã thoát khỏi tay mụ. Nàng rút kiếm cùng Quốc Kiện tấn công mẹ con Trịnh Long.
Quốc Toản với anh em họ Triệu đã xuống lầu. Ngọc Hoa nói với Triệu Nhất:
– Anh mau can thiệp, vì hai tên khả ố hung dữ quá. Nang Tiên địch không lại.
Triệu Nhất quát lên một tiếng, y xông vào trận, tay lách giữa làn kiếm quang của hai bên, búng vào kiếm mụ đàn bà. Kiếm rơi xuống đất. Trong khi Nang Tiên đã đánh rơi kiếm Trịnh Long. Trịnh Long, với mụ đàn bà biết gặp kình địch. Cả hai nhặt kiếm, vọt lên ngựa, ra roi bỏ chạy. Quốc Toản cho tay vào miệng hú lên một tiếng, con Bạch viên từ trên cây nhảy xuống, chặn trước đầu ngựa hai người. Nó vung côn phạt một chiêu vào cổ gã Trịnh Long. Trịnh Long vung kiếm gạt. Choang một tiếng, kiếm của y văng lên không. Cánh tay y bị toạc hổ khẩu, máu chảy đầm đìa.
Quốc Kiện cười ha hả:
  Mẹ con mi chạy đâu cho thoát.
Mẹ con Trịnh Long kinh hãi, cùng nhảy ùm xuống con sông cạnh đường, rồi lặn mất.
Quốc Kiện định nhảy xuống sông đuổi theo thì Quốc Toản gọi:
– Bắt chúng nó làm gì! Trở lại thôi.
Nang Tiên hỏi Quốc Toản:
– Vừa rồi vị công tử này hú lên mấy tiếng, con vượn nhảy xuống. Phải chăng vượn này do công tử nuôi?
Quốc Toản gật đầu:
– Con vượn này đã 200 tuổi, võ công cực kỳ cao thâm. Tôi không hề nuôi, mà nó tự theo tôi đấy thôi.
Nang Tiên chắp tay xá Quốc Kiện, Triệu Nhất, Triệu Ngọc Hoa:
– Đa tạ các vị cứu viện.
Ngọc Hoa mời mọi người lên lầu trở lại. Quốc Kiện hỏi:
– Dường như cô nương là người Chiêm, thuộc giòng dõi Băng vương La Duệ thì phải.
– Kiến thức công tử rộng nhỉ. Vâng! Tôi là công chúa. Tôi tuân chỉ Thái tử Bổ Đích sang Thăng long dâng lễ cống lên hoàng đế Đại việt. Khi chúng tôi tới Thăng long thì bị bọn Thát đát trong Tuyên phủ ty cấm không được vào hoàng thành. Chúng tôi vẫn cứ vào. Khi chúng tôi ra, thì bị chúng vây đánh. Hai bồi sứ  của tôi đều bị giết. Trong cuộc đấu, tôi giết 2 thị vệ của chúng. Tôi bị chúng truy đuổi. Tới đây thì bị hai đứa này vây bắt về Tuyên phủ ty. May được các vị cứu trợ.
Quốc Kiện hỏi Nang Tiên:
– Công chúa! Trong hai đứa vây đánh công chúa, thì tên con trai là Trịnh Long, còn mụ đàn bà?
– Mụ có tên Mỹ Liên. Mụ là mẹ của Trịnh Long. Cả hai đứa đều là người của Tuyên phủ ty Mông cổ tại Thăng long.
Nghe Nang Tiên nói, Quốc Toản nhớ lại trước đây bố mẹ từng nói về mụ Mỹ Liên.

“Thời Nguyên Phong có gã Trịnh Thư, làm nghề hớt tóc ở Thăng long. Thư cho vợ tằng tịu với một đạo sư người Hồi, buôn bán ở Thăng long tên Mộ Hợp Mễ An Hat San (Mahomed Al Hassan) đẻ ra tên Trịnh Ngọc. Ngọc cưới vợ gái điếm tên Mỹ Liên, đẻ ra đứa con tên Trịnh Long. Cha con Ngọc làm Tế tác cho Mông cổ. Bị bắt. Bị tòa án Bắc cương xử tử hình. Sau Mộ Hợp Mễ tình nguyện làm Tế tác cho Đại việt, cha con được ân xá. Khi Mông cổ đặt Đạt lỗ hoa xích, chúng dùng Trịnh Ngọc, Trịnh Long, Mỹ Liên làm thông dịch. Nguyên bỏ Đạt lỗ hoa xích, lập Tuyên phủ ty, vợ chồng tên Ngọc và con được Tuyên phủ ty tuyển làm Tế tác”.

Quốc Kiện nói:
– Tuyên phủ ty bỏ tiền ra tuyển chọn bọn võ lâm, bọn đầu trâu mặt ngựa theo chúng. Bọn này hống hách vô cùng. Ngay thị vệ hoàng cung cũng không dám động đến chúng. Chúng tôi cũng đang trên đường vào Nam giới. Vậy mời công chúa đi cùng, không biết có tiện không?
Nang Tiên chắp tay:
– Xin đa tạ các vị trước.
Aên uống xong, 6 người, thêm Nang Tiên là bẩy, thủng thỉnh lên đường. Con vượn vẫn cỡi ngựa theo sau.
Vừa xuống lầu, thì có một thị vệ phi ngựa đến hành lễ với Quốc Kiện:
– Khải vương gia! Có lệnh chỉ của hoàng thượng.
Quốc Kiện kính cẩn tiếp một cái thẻ tre, trên có chữ chằng chịt. Vương đọc xong bỏ thẻ vào túi. Gã thị vệ hành lễ rồi lên đường trở về Thăng long.
Nang Tiên hỏi Quốc Kiện:
– Thì ra đại ca là một vương tước của Đại việt đấy!
Ngọc Hoa đi một vòng giới thiệu. Nang Tiên mừng vô hạn:
– Thực là may! Tiểu muội bị bọn Thát đát vây đánh, mà được kết thân với một vương tước, một hầu tước Đại việt; thêm ba công tước, một công chúa Tống.
Quốc Toản hỏi:
– Bây giờ công chúa về Chiêm hay về Thăng long?
– Việc dâng cống phẩm lên hoàng đế xong rồi. Tiểu muội vào Trường yên, yết kiến Hưng Nhượng vương. Vì vương thống lĩnh Trợ Chiêm sát Đát hành doanh. Hành doanh hiện đặt trong trường Lạn kha.
Con vượn vẫn cỡi ngựa theo sau.
Khi qua trường Lạn kha, Quốc Kiện chỉ cho Nang Tiên:
– Hành doanh của Hưng Nhượng vương hiện đặt trong trường. Công chúa vào trường thì gặp vương. Chúng ta chia tay thôi.
Nang Tiên bịn rịn chia tay với Quốc Kiện:
– Bèo mây gặp gỡ! Không biết bao giờ em mới được gặp lại anh?
Ngọc Hoa xen vào:
– Chúng ta có cộng nghiệp chống Thát đát thì có cộng duyên. Mà có cộng duyên thì lại gặp nhau. Đồ bàn, Thăng long tuy xa. Nếu Quốc Kiệân muốn gặp lại công chúa đâu có khó? Công chúa muốn gặp lại Kiện lại càng dễ hơn.
Chia tay bịn rịn. Mắt Nang Tiên đỏ lên như muốn khóc.
 Buổi chiều hôm ấy đoàn người tới trấn Trường yên. Trường yên từng là kinh đô của triều Đinh, Lê, lại nằm trên đường thông thương Bắc-Nam, nên phố phường đông đúc, buôn bán sầm uất. Chỉ mới xa Trường yên có mấy tháng mà Quốc Kiện thấy như khác lạ hẳn. Sáu người vào một khách điếm hạng  nhất tên Hoa lư. Con vượn lại lên cây cao, ngồi canh gác. Chủ quán thấy 6 thiếu niên y phục sang trọng, lưng đeo kiếm, cỡi những con ngựa hùng vỹ thì biết là khách giầu, lại thấy Quốc Toản, Ngọc Hoa đi cạnh nhau, y  cho rằng đây là cặp vợ chồng trẻ. Y đon đả :
– Có một phòng rất đẹp trông ra thung lũng. Mời công tử với phu nhân ở phòng này.
Ngọc Hoa đỏ bừng mặt lên :
– Chúng tôi không phải vợ chồng. Ông cho hai phòng riêng biệt.
Cơm chiều xong, Quốc Kiện nói với anh em họ Triệu :
– Chúng tôi có việc cơ mật phải làm ngay đêm nay. Vậy xin cho được tự tại.
Hầu gọi Bạch viên tới dặn nó canh gác chỗ ở.
Ngọc Hoa nói với Quốc Toản:
– Đại ca! Đại ca cho muội cùng đi được không? Võ công muội đâu có hèn! Muội sẽ giúp đại ca khi cần.
Quốc Toản định chối, nhưng khi nhìn thấy con mắt cầu khẩn của Ngọc Hoa thì lòng hầu nhũn ra:
– Muội đi cũng được, nhưng phải hóa trang thành con trai.
Vừa lên ngựa, Quốc Toản đề nghị:
– Chúng ta tới ấp Côi sơn thăm chị Cẩm Nhãn trước.
Ba ngựa gõ móng. Tới ấp Côi sơn. Cẩm Nhãn mừng mừng tủi tủi:
– Mừng cho em cốt nhục trùng phùng.
Quốc Kiện hỏi:
– Từ hồi ấy đến giờ đám Văn Lộng có gây rắc rối gì với chị không?
– Không! Ông ta sai thị vệ tới nhà đồ tể Đào Hiệp điều tra tông tích Quốc Toản. Đào Hiệp khai thực. À, ba cô Thúy Hòa, Bích Phương, Hoàng Phương ra sao?
Quốc Toản thuật chi tiết những gì mình gặp trong mấy tháng qua. Cẩm Nhãn mỉm cười:
– Em đào hoa thực, một lúc được ba cô hoa khôi Trường yên, bây giờ thêm một cô hoa khôi đất Hàng châu nữa.
– Sao chị biết Ngọc Hoa là con gái?
Cẩm Nhãn mở to mắt ra, tay kéo tai Quốc Toản:
– Em hãy nhìn chị cho kỹ đi! Chị từng bán bánh tôm ở hồ Tây gần chục năm, hằng ngày thấy trai thanh, gái lịch đất Thăng  long qua lại, chỉ thoáng một cái là chị biết sự thực ngay. Huống hồ lưng Ngọc Hoa như lưng ong, ngực nở, dáng đi yểu điệu. Họa chăng người mù thì mới không biết Hoa là con gái. Để chị về Cố trạch tâu với Tuyên cao thái phi cưới Ngọc Hoa cho em.
Quốc Toản dẫy nẩy lên như đỉa phải vôi:
– Em còn nhỏ tuổi mà. Em chưa muốn cưới vợ.
– Sao em giống năm ông chim ưng Thiên trường hồi xưa quá. Nói đến cưới vợ là dẫy nẩy lên.
Cẩm Nhãn thấy Quốc Toản, Ngọc Hoa có vẻ ngượng ngùng, nàng đánh trống lảng:
– Cái vụ Thúy Hòa với hai nàng Phương biến mất. Bà Thúy Vi biết con gái được em cứu đi, vì vậy bà ấy không buồn. Bà bỏ chồng theo tên Sài Thung về Thăng long. Còn ông chồng thì được Văn Chiêu hầu thăng lên làm An phủ sứ Nho quan. Có chức quyền, nhờ Sài Thung ông tống được con vợ già đi, ông ta cưới ba cô thiếp trẻ măng.
– Thế còn bố mẹ hai nàng Bích, Hồng?
– Ông bà là thương gia có tiếng ở Trường yên. Biết con được cứu ra, nhưng bà vẫn tới dinh Văn Chiêu hầu bắt đền. Gã Trần Văn Lộng phải đền ông bà 300 lượng vàng, ông bà mới để yên. Sợ Trần Văn Lộng gây phiền phức, ông bà bán nhà, cửa, ruộng vườn, rồi về Thăng long buôn bán, tìm con gái luôn.
Quốc Kiện, Quốc Toản, Ngọc Hoa hướng trường Lạn Kha. Nhờ bộ võ phục học sinh của trường, nên ba thiếu niên vào trường dễ dàng. Quốc Kiện dẫn Quốc Toản tới ngôi nhà chính tòa. Y chỉ tầng thứ nhì :
– Chỗ có ánh sáng kia là chính điện của Chương hiến hầu Trần Kiện, Hưng Nhượng vương thường dùng dùng để hội quân.
Nhìn chỗ trú mã dành cho khách, Quốc Toản đếm được 12 con ngựa. Hầu giật mình vì trong đó có con Bắc mã của Dã Tượng và con Hồng mã của mẹ sữa Vương Chân Phương. Hầu nói sẽ vào tai  Quốc Kiện:
– Trong 12 con ngựa, có con Bắc mã của Dã Tượng và con Hồng mã của phu nhân Yết Kiêu.
– Có phải Dã Tượng tên thực là Trần Quốc Kinh không? Ông í được Tống phong cho chức tước Thiên tượng đại tướng quân, Nam phương uy dũng công thần. Khâu Bắc đình hầu. Hiện đang thống lĩnh hiệu binh Văn bắc.
– Trí nhớ em tốt thực.
– Không phải trí nhớ em tốt mà phụ hoàng thường không tiếc lời khen vị anh hùng này. Còn Yết Kiêu tên thực là Trần Quốc Vỹ , được Tống triều phong làm Đông hải Thiên kình đại tướng quân, Nam phương hùng uy, công thần, An biên đình hầu. Hiện đang thống lĩnh hiệu binh Thiệu Hưng tăng viện giúp Chiêm đánh Nguyên.
Nghĩ đến Chân Phương, trong lòng Quốc Toản ngùn ngụt yêu thương người mẹ sữa này:
– Không biết có việc gì mà mẹ sữa Chân Phương đến đây? Chúng ta ẩn thân xem.
Quốc Kiện ẩn thân vào căn phòng cạnh đại sảnh. Còn Quốc Toản tung mình bám vào cửa sổ. Ngọc Hoa cũng tung mình theo. Quốc Toản dùng ngón tay chọc giấy dán cửa nhìn vào. Hầu rùng mình: đây là cuộc hội quân. Một người mặc phẩm phục vương tước, tướng mạo thanh nhã ngồi chủ vị. Người này giống Vũ Uy vương như hai giọt nước. Cạnh đó còn một người phẩm phục vương tước mặt hồng hào, thân thể hùng vĩ, trông rõ ra vẻ hơn người trí dũng lệch trời uy linh. Phía sau còn gần trăm người nữa, ngồi trên mười cái bàn. Trong đó có cả Lê Tắc, Trần Văn Lộng, Trần Quang Kiện, Trần Tú Hoãn,  Dã Tượng, Yết Kiêu, Địa Lô, Cao Mang, Kha Li Đa, Vương Chân Phương, Ngọc Hồng. Hơn năm chục võ tướng phẩm phục, tướng quân, đô thống, tá lĩnh. Công chúa Nang Tiên ngồi cạnh Kha Li Đa.
Dã Tượng khẩn thiết nói:
– Từ khi Quốc Toản bị bắt đi đến giờ đã gần 3 năm rồi.  Tuyên cao thái phi khóc khốn khổ. Chúng tôi ra công tìm kiếm. Gần đây chim ưng đã nhận ra dấu vết Quốc Toản đang hiện diện ở vùng này. Rất mong vương gia chú ý cho.
Quốc Toản kinh ngạc:
– Ta đã xuất hiện tại Thăng long gần năm mà sao những người này chưa biết gì vậy? À vụ này thượng hoàng bắt giữ kín, nên ở đây không ai biết cũng phải thôi!
Mặt Lê Tắc tái xanh. Y chỉ vào một người tầm thước ngồi trước y:
– Có lẽ lâu ngày chim ưng quên nét mặt Hoài Văn hầu, rồi nhận lầm chăng? Vì trong trường này có hơn hai nghìn võ sinh. Không thiếu gì người có khuôn mặt giống Hoài Văn hầu. Khi được Khu mật viện loan báo tìm ra dấu tích Quốc Toản ở đây, Chương Hiến hầu đã tung võ sinh đi từng thôn, từng xã, từng nhà tìm. Mà nào có thấy.
Quốc Toản nhìn Chương Hiến hầu Trần Kiện, thấy y không có nét nào giống Vũ Uy vương:
– Tên này với ta là con chú, con bác. Mà sao khuôn mặt y lại khác hẳn Quang Kiện với ta ?
Người mặc phẩm phục vương tước nhỏ nhẹ nói với Chân Phương :
– Quốc Toản là cháu gọi cô gia bằng chú ruột. Toản bị bắt cóc, mà cô gia đang quản Khu mật viện. Cô gia mất uy tín với triều đình, nên huy động toàn lực tìm nó. Suốt ba năm qua không ra tăm hơi. Nghi vấn thứ nhất là do Tế tác Nguyên ra tay thì không tin được. Nghi vấn thứ nhì là dư đảng Tống thì có thể lắm. Cô gia đã cài người vào tất cả các bang hội Tống, thì bọn ở phường Đông hưng đáng nghi nhất. Vì đây là nơi có tới 12 võ đường.
Quốc Toản tỉnh ngộ :
– Thì ra ông này là Chiêu Quốc vương.  Ông là chú ruột mình, hiện là Tổng trấn Thăng long, kiêm quản Khu mật viện. Bố mình thường hãnh diện về tài năng của ông. Ông bà rất thân với bố mẹ mình. Ông hiện bỏ Thăng long vào Nam giới duyệt tình hình, giúp Hưng Nhượng vương trợ Chiêm.
Vương Chân Phương khóc :
– Như vương gia minh kiến. Bọn bắt cóc Quốc Toản với mục đích đã rõ ràng : nhất định do Nguyên gây ra. Vì chúng đã âm thầm gặp Tuyên cao thái phi, đặt điều kiện.
Thấy mẹ sữa khóc, lòng Quốc Toản nhũn ra. Hầu muốn tung cửa vào ôm lấy bà, mà không dám.
Chiêu Quốc vương kinh hoảng :
– Có truyện  ấy ư ?
Chân Phương nói :
– Cách đây gần năm, thần ghé Cố trạch thăm Tuyên cao thái phi. Phi cho biết đã ba lần bọn Nguyên cử mật sứ yết kiến phi. Chúng nói rằng Quốc Toản hiện ở một nơi rất an ninh, được nuôi ăn chu đáo. Bây giờ Quốc Toản đã lớn. Chúng đặt điều kiện rằng : triều đình phải rút hiệu binh Thiệu Hưng, hạm đội Bạch đằng từ Chiêm thành về, thì chúng mới thả Quốc Toản ra. Nhưng Cao Thái phi đặt an ninh xã tắc trên tính mạng cháu nội. Nên phi trả lời : việc triều đình gửi hiệu binh Thiệu Hưng, hạm đội Bạch đằng sang Chiêm là truyện quốc gia đại sự. Còn tính mệnh Quốc Toản là truyện nhỏ. Nhất định phi không xin triều đình rút quân.
Chiêu Quốc vương rùng mình :
– Tuyên cao thái phi là người đức Thái Tông sủng ái cùng cực, thực xứng đáng. Thế kẻ gặp Cao Thái phi có nói rằng chúng là người do ai sai đến không ?
– Có ! Chúng nói rằng chúng là người của nguyên soái Toa Đô. Hiện Toa Đô là thống lĩnh mặt trận Chiêm thành. Vì hiệu binh Thiệu Hưng giúp Chiêm nên Nguyên bị sa lầy : ở lại thì lam chướng, đói khổ, rút về thì thuyền bè bị tan nát hết rồi. Nếu như Đại việt rút hiệu Thiệu Hưng với hạm đội Bạch đằng về thì Nguyên chiếm Chiêm dễ dàng.
Chiêu Quốc vương gõ tay lên bàn :
– Truyện Quốc Toản phải giải quyết ngay.
Vương chỉ vào Dã Tượng :
  – Hồi Quốc Toản mất tích, Khu mật viện sai chim ưng tìm khắp nơi không thấy. Gần đây Thiên tượng đại tướng quân, Nam phương uy dũng công thần, Khâu Bắc đình hầu nảy ra ý kiến : chim ưng Khu mật viện không biết mặt Quốc Toản, nên tìm không ra. Hầu sai chim ưng của hiệu Văn bắc tìm, thì thấy Quốc Toản ở trong trường này.
Mặt Lê Tắc xám như chàm. Y gượng gạo :
– Hồi Quốc Toản bị bắt cóc, trấn Trường yên khám phá ra bọn Tế tác của Tuyên úy ty Chiêm thành cho một thiếu niên có hình dạng giống  Quốc Toản, rồi đến ấp Côi sơn lừa phu nhân của Trung hòa hầu Đại Hành. Trường Lạn kha bắt y về giam ở cái giếng cạn. Chính thần đã cho Hoài  Nhân vương đấu với nó. Nó bị Hoài  Nhân vương đánh bại.
Dã Tượng hỏi :
– Có phải cái giếng này là nơi cuối đời hai vị Bồ tát Minh Không, Viên Chiếu đã nhập thiền rồi hóa không ?
– Đúng vậy.
– Khi chim ưng khám phá ra tông tích Quốc Toản, tôi có sai người theo chim ưng dẫn đường. Người này nói chính mắt thấy Quốc Toản bị giam dưới giếng, chứ không phải tên Tế tác nguyên. Ấy ấy ! Chim ưng cũng như người của quân hầu nhận lầm người rồi. Tên Tế tác bị giam có hình dạng giống Quốc Toản, mà không phân biệt được thực, giả.
Chiêu Quốc vương xua tay :
– Chúng ta không cần tranh luận nữa. Bất cứ ai cũng có thể lầm, còn Hồng đức, trang hòa Công chúa Vương Chân Phương là nhũ mẫu của Quốc Toản, từng ôm ấp, bế bồng y thì công chúa không thể lầm. Vậy hãy đem tên Tế tác Nguyên ra đây để phân biệt chân giả.
Chân Phương tiếp :
– Di truyền của giòng họ Đông a có hai tướng rất lạ. Một là ngón tay út có bốn đốt. Ngón tay út phải Quốc Toản cũng có bốn đốt.
Chiêu Quốc vương, Hưng Nhượng vương đều chìa bàn tay phải, ngón út ra : ngón út có bốn đốt.
Rồi Trần Văn Lộng, Trần Quang Kiện, Trần Tú Hoãn cung dơ tay ra.
Chân Phương tiếp :
– Một tướng nữa thỉnh thoảng trong giòng họ mới có một người có. Trước đây thì tổ Trần Thủ Huy, rồi Trung vũ đại vương Trần Thủ Độ đều có, đó là con ngươi phải có hai  lòng đen. Quốc Toản cũng có tướng ấy.
Trần Văn Lộng lắc đầu :
– Hơn năm trước đây, tên Tế tác đó đã lừa bịp phu nhân của Trung hòa hầu Đại Hành, với Hoài Nhân vương, rồi hai người bắt ba lương gia thiếu nữ đem đi mất. Phủ tổng trấn Trường yên có sai chim ưng báo cho thị vệ Cố trạch phục binh bắt y. Nhưng không rõ kết quả ra sao ?
Thình lình Hưng Nhượng vương lên tiếng :
– Chúng ta đang bàn quốc kế, các người là ai mà ẩn ẩn núp núp nghe trộm từ nãy đến giờ ! Các người có chịu xuất hiện không ?
Biết bị lộ, Quốc Kiện mở cửa bước vào, hành lễ với Chiêu Quốc vương :
– Thưa chú, cháu lĩnh mật chỉ của phụ hoàng vào đây, giữa lúc có buổi họp mật, cháu chưa dám ra mắt chú.
Vương lại hành lễ với Hưng Nhượng vương :
– Đệ kính cẩn ra mắt vương huynh. Nội công vương huynh cao thực. Đệ đã hết sức quy tức mà còn bị khám phá.
Hưng Nhượng vương cười :
– Ngay từ lúc mới khai hội, anh thấy có ba người núp nghe trộm. Một người nội công Đông a chính tông, anh biết là người nhà, nên để yên. Thì ra là em. Một người nội công Hoa sơn, là nữ. Còn một người nội công Đông a cực kỳ cao thâm, kiêm nội công âm nhu, thiền công Vô ngã tướng. Anh nghĩ trên đời chỉ có sư phụ Tuệ Trung hay Vô Huyền bồ tát mới luyện tới mức đó, nên không dám khinh động.
Hưng Nhượng vương nhìn Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng, dùng ngôn ngữ bình dân:
– Nghe nói thượng hoàng trao Hoài Nhân vương cho Nhân Hòa vương dạy. Vương lại trao cho Văn Chiêu hầu dạy. Thực là minh sư mới có cao đồ. Hoài Nhân còn trẻ mà Văn Chiêu đã dạy cho một bản lĩnh cao thâm hiếm có.
Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng chỉ mặt Hoài Nhân vương :
– Hưng Nhượng khen làm tôi ngượng. Thằng cháu này văn không học, võ không luyện, lêu lổng. Suốt ngày trốn trường vào Trường yên chơi. Võ chưa quá ba cái múa. Đến bộ Đông a quyền pháp cũng chưa thuộc. Văn thì chưa thông Tứ thư. Mới đây bị Tế tác Nguyên lừa, theo tên Quốc Toản giả, bắt lương gia thiếu nữ mang đi.
Nói rồi Văn Lộng vung tay chụp Hoài Nhân. Hoài Nhân phóng tay điểm một chỉ, véo một tiếng trúng bàn tay Văn Lộng. Văn Lộng bật lui hai bước. Rõ ràng thắng bại đã phân. Hoài Nhân cười nhạt :
– Ông Di Ái trao tôi cho chú dạy, chú có dạy gì đâu ? Gần đây tôi được người trong họ Đông a nhà mình chân truyền võ công bản môn. Bản lĩnh tôi cao hơn chú nhiều.
Văn Lộng khinh thường Hoài Nhân. Y thấy phải đập cho thằng học trò này tan xương nát thịt, mới không bị lột mặt nạ. Y phát chiêu Phong ba hợp bích trong pho Đông a chưởng chính tông tấn công Hoài Nhân. Hoài Nhân phát chiêu Phong đáo sơn đầu cũng trong Đông a chưởng đỡ. Bùng một tiếng. Văn Lộng bật lui ba bước. Còn Hoài Nhân đứng im. Thắng bại đã phân.
Hoài Nhân lên tiếng :
– Quốc Toản ! Ngọc Hoa, xuất hiện đi thôi.
Quốc Toản, Ngọc Hoa vào phòng. Cho rằng bản lĩnh Quốc Toản không có gì hơn khi bị bắt cóc, Văn Lộng đưa mắt ra hiệu cho Lê Tắc, cả hai cùng phát chiêu tấn công hầu. Quốc Toản cười nhạt, hầu vận Vô ngã tướng Thiền công đỡ. Bốn chưởng gặp nhau. Xèo một tiếng, hai người cảm thấy như tung một nắm muối vào biển, lảo đảo lui lại sau ba bước mới đứng vững. Cả hai lại phát chiêu tấn công Quốc Toản. Quốc Toản đẩy chưởng của Lê Tắc vào Văn Lộng. Rầm một tiếng, hai người lảo đảo muốn ngã. Nhưng không đừng được hai người lại vung chưởng tấn công Quốc Toản. Đã có chủ ý , Quốc Toản nghĩ thầm : ta phải dùng Vô ngã tướng thiền công hút hết nội lực hai tên này cho bõ ghét. Hầu xòe hai tay ra đỡ vào chưởng của chúng. Bốn chưởng dính tẹt vào nhau. Cuộc đấu võ trở thành đấu nội lực. Văn Lộng, Lê Tắc cười ha hả :
– Tên Tế tác Nguyên. Hôm nay mi phải chết .
Cao Mang quát lớn :
– Hai vị đường đường là người lớn thành danh, mà hai người đánh một thiếu niên ư ? Đạo lý ở đâu vậy ?
Lê Tắc già họng :
– Đây là tên Tế tác con của Nguyên, đã bị tôi bắt giam trong giếng khô hơn hai năm qua. Y mới vượt ngục, lừa bịp Hoài Nhân vương. Tôi phải đập chết y, nên không cần luật lệ võ lâm gì cả.
Nhưng chân khí hai người cuồn cuộn ra đi, không trở lại. Hơn khắc trôi qua, chân khí hai người gần như kiệt quệ. Họ muốn lên tiếng van xin Quốc Toản, nhưng vừa định mở miệng, chân khí càng bị thoát ra mạnh hơn. Võ công Hưng Nhượng vương cực kỳ cao thâm, lại kinh nghiệm chiến đấu. Nhìn trận đấu, vương hỏi Dã Tượng, Yết Kiêu, Địa Lô, Cao Mang, Kha Li Đa, Vương Chân Phương, Ngọc Hồng:
– Phải chăng thiếu niên này là Quốc Toản ?
Chân Phương mừng chi siết kể :
– Khải vương gia, đúng là Quốc Toản.
– Công chúa có chắc không ?
– Thần từng ôm ấp, bồng bế, cho Quốc Toản bú mớm suốt mấy năm, lại dậy văn cho Quốc Toản thì lầm thế nào được ? Xin vương gia nhìn mắt phải y có hai lòng đen chồng lên nhau kìa!
– Thế sao Văn Chiêu hầu với Trưởng sử Lê Tắc lại cứ nói rằng Quốc Toản là Tế tác Nguyên ? Tôi cũng ngạc nhiên, vì Tế tác Nguyên sao lại biết xử dụng võ công Đông a, võ công Đại việt chính tông ? Coi kìa Văn Lộng,  Lê Tắc bị bại, nguy đến nơi rồi.
Dã Tượng xen vào :
– Thần e trung gian có bí ẩn điều gì chăng ?
Hưng Nhượng vương nói với Chân Phương:
– Có điều lạ là Quốc Toản còn nhỏ tuổi mà nội công Đông a đã luyện tới mức thượng thừa, kiêm cả nội công âm nhu, thiền công Vô ngã tướng. Nếu tôi can thiệp thì cũng sẽ bị hút hết nội lực. Công chúa mau can thiệp bằng không Văn Chiêu hầu với Lê Tắc sẽ mất mạng.
Vương Chân Phương cất tiếng nói nhẹ như cam thảo:
– Quốc Toản, xa em ba năm, chị buồn muốn đứt ruột ra được. Em mau thu chân khí lại, chị muốn nói truyện với em. Hôm nay là ngày chị em trùng phùng, không nên giết người ! Em tha cho Văn Chiêu hầu với Lê trưởng sử đi.
Quốc Toản định dùng chân khí đánh cho Văn Lộng, Lê Tắc thành tàn tật. Nghe tiếng mẹ sữa, hầu vung tay, Văn Lộng, Lê Tắc văng ra xa, nằm thẳng cẳng. Hầu bước lại ôm lấy Chân Phương:
– Má má! Con nhớ má má muốn đứt ruột ra được.
Tình mẹ với con sữa làm Chân Phương quên cả lễ nghi. Hai tay công chúa áp vào má Quốc Toản kéo lại bên cạnh :
– Em lớn quá rồi !
Quốc Toản hành lễ với Chiêu Quốc vương:
– Chú! Cháu là Quốc Toản xin ra mắt chú. Hồi ở Trường sa, bố mẹ cháu nhắc đến chú luôn. Hai người muốn đem cháu về học với chú.
Chiêu Quốc vương chỉ Quốc Toản hỏi :
– Ở đây có Dã Tượng, Yết Kiêu, Địa Lô, Cao Mang, Kha Li Đa, Vương Chân Phương, Ngọc Hồng,  từng sống với Quốc Toản tại Trường sa. Vậy cả 7 hãy nhìn kỹ xem thiếu niên này có thực là Quốc Toản không ?
Yết Kiêu  nhẹ nhàng :
– Khải vương gia, từ khi Quốc Toản mới sinh, cho đến khi về Đại việt, 7 đứa chúng thần ngày đêm sống cạnh em, thì lầm thế nào được. Vợ thần là mẹ sữa của Quốc Toản, bao năm bồng bế, cho bú thì  không thể lầm.
Quốc Toản xòe ngón út bàn tay phải ra: quả có 4 đốt. Mọi người đều nhìn con ngươi mắt phải của hầu, quả có hai lòng đen chồng lên nhau.
Hoài Nhân vương tiếp :
– Hơn năm trước Quốc Toản với cháu đã về Cố trạch yết kiến Tuyên cao thái phi và công chúa Thúy Hồng. Cả hai đã nhận Quốc Toản, rồi dẫn về Thăng long bái kiến phụ hoàng. Một vị là bà nội, từng nuôi dưỡng, tắm rửa cho cháu. Một vị là bản sư, từng dạy thiền cho đệ tử. Cả hai cùng sống với Quốc Toản từ khi sinh ra cho đến khi  về nước. Hai vị không lầm lẫn đâu.
Quốc Toản khoan thai thuật chi tiết việc Lê Tắc bắt hầu về giam tại giếng đá hơn hai năm trước ra sao. Chiêu Quốc vương hỏi :
– Anh chị Vũ Uy tuy vạn dặm xa xôi, nhưng uy tín, thủ hạ nhiều vô cùng. Các người bắt giam Quốc Toản, thượng hoàng có bỏ qua, thì Vũ Uy vương không bỏ qua đâu. Các người chuẩn bị miệng lưỡi mà trả lời với thanh kiếm thần thông của vương phi Ý Ninh.
Trần Quang Kiện nói với Chiêu Quốc vương :
– Ở đây chúng tôi có ba người : Tôi, Chương Hiến hầu thống lĩnh hiệu binh Thiên cương, Tổng trấn Nghệ  an. Tôi với Quốc Toản là con chú con bác. Thứ nhì là Văn chiêu hầu Trần Lộng thống lĩnh hiệu binh Trung thánh dực, Tổng trấn Trường yên, là con chú con bác với Vũ Uy vương, vai chú Quốc Toản. Thứ ba là Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn thống lĩnh hiệu binh Tứ thiên, Tổng trấn Thiên trường cũng là con chú con bác với Vũ Uy vương. Có thể nói chúng tôi là những biên cương trọng thần. Chúng tôi đang chong mặt với bọn Thát đát trên đất Chiêm. Cả ba chúng tôi đều nhận được tin Tế tác Nguyên đón đường giết Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, rồi cho một tên nhóc có gương mặt giống Quốc Toản thay thế, để lừa dối mọi người. Nên anh Văn Lộng mới sai Lê Tắc bắt tên Tế tác về giam tại giếng khô này, để nhử cho đồ đảng đến cưu rồi bắt một thể.
Y chỉ Quốc Toản :
– Có thể đây là tên Tế tác tài ba của Nguyên thực. Y đã lừa được nhiều người. Cũng có thể đây là Quốc Toản thực, do tin tức Khu mật viện Nam thùy lầm lẫn rồi bắt giam. Thưa vương gia, chúng ta đều là giòng dõi Đông a, đều nhất tâm vì nước, vì nhà chẳng may có sự lầm lỗi mà thôi. Nếu bảo chúng tôi cố tâm bắt Quốc Toản thì hỏi chúng tôi bắt y để được gì ? Vì ai ? Cho ai ?
Quốc Toản, Quốc Kiện định nói toẹt âm mưu của Di Ái, bắt Quốc Toản để phi tang bút tự bán nước. Nhưng chợt nhớ lại chỉ dụ của thượng hoàng phải giữ vụ này tuyệt mật, nên hầu đành im lặng.
Văn Lộng chỉ Hoài Nhân :
  Tước của cháu là vương. Nhưng trong tộc thuộc cháu phải gọi ta với Tú Hoãn bằng chú. Thượng hoàng gửi cháu cho ông Di Ái dậy. Ông Di Ái ủy thác cho ta dạy cháu. Suốt mấy năm qua, ta khổ công tạo cho cháu một bản lĩnh hiếm có. Bây giờ đủ lông, đủ cánh, cháu chống lại chúng ta. Ông Di Ái ủy cho Trưởng sử Lê Tắc dạy văn cho cháu. Bây giờ cháu phản thầy như thế này sao ?
Hưng Nhượng vương can thiệp :
– Chú Lộng nói như vậy là nói lấy được. Vừa rồi chính chú đã nói: thằng cháu này văn không học, võ không luyện, lêu lổng. Võ chưa quá ba cái múa. Đến bộ Đông a quyền pháp cũng chưa thuộc. Văn thì chưa thông Tứ thư. Như vậy chú chưa dạy Hoài Nhân gì cả ! Bây giờ chú lại kể công. Võ công mà Quốc Kiện xử dụng là võ công Đông a hai trăm năm trước, từ thời tổ Tự Mai chép trong Lĩnh Nam vũ kinh. Còn võ công chúng ta luyện hiện thời đã được Tuyên minh thái hoàng thái hậu sửa đi. Chú không biết võ công thời tổ Tự Mai thì sao dậy em Quốc Kiện được ? Vả bản lĩnh Quốc Kiện cao thâm hơn chú với Lê Tắc nhiều !
Vương hỏi Quốc Kiện :
– Ai đã dậy võ công bản môn cho em ?
– Thưa là anh Quốc Toản đấy ạ. Phụ hoàng đã ban chỉ tước quyền làm thầy của Lê Tắc với chú Văn Lộng, rồi cho em bái anh Quốc Toản làm sư phụ rồi.
Hưng Nhượng vương nói với Quốc Toản :
– Em mới về nước, đã bị bắt giam, nên không biết nhiều về giòng họ nhà mình. Để anh giảng giải liên hệ huyết tộc cho em biết. Đức Thái tông với Anh Sinh vương là anh em ruột. Phụ thân anh là Hưng Đạo vương với phụ thân em là con chú con bác. Anh với em là cháu chú cháu bác.
– Thưa anh em biết. Bố em thường giảng giải cho em nghe về tông tộc nhà mình. Em biết anh là người Tổng lĩnh Thiên tử binh.
– Em nói thực cho anh biết, ai đã truyền võ công Đông a chính tông, nội công âm nhu, vô ngã tướng thiền công cho em ?
– Dạ, em tìm được di thư Lĩnh Nam vũ kinh, bảo quốc trấn bắc bình nam của ngài Minh Không !
– Có vậy chứ. Anh thấy em xử dụng Vô ngã tướng thiền công hút công lực của Văn Lộng và Lê Tắc. Anh ngạc nhiên vô cùng. Vì từ khi bồ tát Minh Không tiềm ẩn, thì thần công này tuyệt tích. Ban nãy em vung tay khiến Văn Lộng, Lê Tắc bay ra xa, rơi xuống nhẹ nhàng như nhảy vậy. Đó là võ công Tản viên. Vậy em đừng  nhân nhượng gì, phát một chiêu đánh vào anh, để anh biết sự thực.
Quốc Toản hít hơi vận Vô ngã tướng thiền công rồi phát chiêu Nhân ngưu câu vong trong Tán lạc tiêu hồn chưởng hướng vương. Chưởng phong như có như không. Hưng Nhượng vương thấy chiêu chưởng hung dữ, không dám đỡ, vương vọt mình tránh sang bên cạnh. Chưởng trúng cái bình bằng đồng lớn, trồng khóm thủy tiên. Vèo một tiếng, bụi bay tung. Cái bình bị bẹp dí lại thành một lá đồng. Còn cây ngọc lan thì cành, lá bị vỡ thành những mảnh cong queo như vỏ bào.
Chiêu Quốc vương la :
– Tán lạc chiêu hồn chưởng. Mừng cho cháu đã học được pho võ công vô địch này.
Nghĩ đến truyện Lê Tắc bắt mình, làm nhục mình ; hầu xẹt tới nhắc bổng y lên, rồi để tay lên đầu y :
– Lê Tắc ! Người luôn mồm bảo ta là Tế tác Nguyên. Nhưng người từng xuống giếng đá tra hỏi ta về một mật thư  mẹ ta gửi cho thượng hoàng. Rõ ràng người biết ta là Trần Quốc Toản, người mới tra khảo. Bây giờ người có khai thực ra mục đích người cầm tù ta để lấy thư của mẹ ta gửi cho thượng hoàng không ? Người không khai, ta sẽ cho người một chiêu Tán lạc tiêu hồn chưởng thì xương người sẽ nát ra như bột.
Lê Tắc kinh hoàng :
– Tôi chỉ là một viên Trưởng sử của phủ Nhân Hòa vương. Tôi tuân chỉ của vương làm truyện đó. Chứ tôi không có chủ trương gì.
Có tiếng của Hưng Ninh vương rót vào tai Quốc Toản :
– Việc này chưa thể công khai. Cháu tạm tha cho y.
Quốc Toản bỏ Lê Tắc ra :
– Mi bảo mi tuân chỉ của ông Di Ái. Nhưng ông không có mặt ở đây. Ta tạm tha cho mi. Việc này để phủ Tổng trấn Nam thùy của Tĩnh Quốc đại vương thụ lý.
Hưng Nhượng vương hỏi Quốc Toản :
– Chú Lộng tố cáo em với Hoài Nhân bắt lương gia thiếu nữ ở trấn Trường yên. Sự thực ra sao ?
Đến đó có tiếng Lăng không truyền ngữ rót vào tai vương :
– Không nên hỏi vụ này. Cũng đừng truy tội bọn Lộng, Hoãn, Kiện,  Tắc vội.
Rõ ràng là tiếng của Hưng Ninh vương. Sư phụ của vương. Vương đánh trống lảng :
– Thôi truyện ba thiếu nữ đó sẽ bàn sau. Bây giờ chúng ta nghị việc đánh Nguyên trên đất Chiêm.

Chiêu Quốc vương gõ ngón tay lên bàn :
– Chúng ta tạm ngừng việc Quốc Toản lại. Cô gia từ Thăng long vào đây để duyệt xét tình hình Nam biên, trợ giúp Hưng Nhượng vương. Bây giờ xin Hưng Nhượng vương cho biết quân tình chiến trận Chiêm ra sao đã ?
Hưng Nhượng vương chỉ Yết Kiêu :
– Chiến trận Chiêm chia làm hai mặt thủy và bộ. Mặt thủy do đo thống Võ Văn Sáu chỉ huy. Mặt bộ do Đông hải Thiên kình đại tướng quân Trần Quốc Vỹ  thống lĩnh. Quốc Vỹ cũng là người trực tiếp chỉ huy hiệu binh Thiệu Hưng trợ Chiêm. Hầu hãy trình bầy cuộc viện Chiêm trên bộ ra sao ?
Yết Kiêu đứng dậy:
– Hai năm trước, hiệu binh Thiệu Hưng theo lệnh Vũ Uy vương, rút từ Trường sa về yểm trợ cho Chiêm quốc. Thần chỉ huy hiệu Thiệu Hưng về nước bằng chiến thuyền. Hiệu binh đổ bộ lên vùng núi Nghi sơn, Biện sơn thuộc trấn Thanh hóa. Hưng Đạo vương cho thành lập Trợ Chiêm sát Đát hành doanh, bộ binh thì chỉ có hiệu Thiệu Hưng. Thủy quân có hạm đội Bạch đằng với 500 chiến thuyền. Thống lĩnh mặt trận Chiêm là Hưng Nhượng vương. Vương thấy sau hơn tháng lênh đênh trên biển, toàn thể tướng sĩ hiệu Thiệu Hưng đều bị say sóng, mệt mỏi. Vương cho nghỉ một tháng, rồi ban lệnh di chuyển vào Nghệ an. (2)
Chiêu Quốc vương hỏi:
– Thống lĩnh hạm đội Bạch  đằng là ai vậy ?
Hưng Nhượng vương đáp :
– Là đô thống Võ Văn Sáu.
– Sáu là người thế nào ?
– Văn mô vũ lược. Y laiï có tài làm thơ. Thơ của y vừa có hồn, vừa có thần. Suốt hai năm qua y chỉ huy hạm đội Bạch đằng làm chủ toàn bộ lãnh hải từ Nghệ an tới Chân lạp. Các chiến thuyền của Nguyên vừa xuất hiện thì bị y đánh chìm hoặc bắt.  Vì vậy thuyền tiếp tế của Nguyên phải đi xa bờ mấy trăm dặm, thành ra bị bão, bị sóng vùi dập mười thuyền thì 7, 8 bị vỡ. Trong khi đuổi thủy quân Nguyên, Sáu khám phá ra Nguyên chiếm hai quần đảo bỏ hoang một của Đại việt, một của Chân lạp dùng làm trạm tiếp vận cho các đạo quân đánh Chà và, và các nước ngoài biển đông.
Chiêu Quốc vương hỏi :
– Hai quần đảo đó nằm ở phía nam Quỳnh châu (Hải nam) phải không ?
– Đúng thế !
 – Hai quần đảo này có tên là gì ?
– Chúng ta hoàn toàn không biết. Nhưng Sáu khám phá ra trên đảo có bia do công chúa Gia Hưng thời Lĩnh nam dựng, sau khi phá hạm đội Hán, chém Đoàn Chí. Công chúa đặt tên hai quần đảo này là Hoàng sa và Trường sa.
Chiêu Quốc vương tỏ ra luyến tiếc:
– Tại sao buổi hội quan trọng như thế này mà không triệu đô thống Võ Văn Sáu về ?
Yết Kiêu đáp :
– Cách đây hai ngày, thần có sai chim ưng đem lệnh triệu hồi đô thống Võ về. Nhưng vì từ Hoàng sa tới đây quá xa, biển lại động, nên Võ đô thống về chưa kịp. Là người tinh, minh, mẫn, cán, nên đô thống cho chim ưng báo rằng sẽ về trễ.
Hưng Nhượng vương ban chỉ :
– Trong khi chờ đợi đô thống Sáu tường trình về mặt trận thủy, ta hãy nghe Yết Kiêu phúc trình về mặt trận bộ truớc.
Yết Kiêu tường trình:
– Trước khi khởi hành từ Trường sa, thần được Khu mật viện Kinh hồ của Vũ Uy vương cung cấp tin tức :

 « Ngày Kỷ dậu, tháng 10 năm Tân tỵ (29-11-1281) Hốt Tất Liệt ban chỉ thành lập Hành tỉnh Chiêm thành. Toa Đô được cử làm hữu thừa, Lưu Thâm làm Tả thừa, Binh bộ thị lang Diệc Hắc Mê Thất (Yigmia phát âm là Y gơ mi sơ)  làm Tham tri chính sự, điều động 100 hải  thuyền, một vạn quân bộ, một vạn thủy thủ chuẩn bị đánh Chiêm. Một tháng sau, y sai bọn Mạnh Khánh Nguyên, Tôn Thắng Phu đến Chiêm, dùng xảo kế : Yêu cầu Chiêm cung ứng lương thảo, để Toa Đô đổ quân lên, đánh vào sau lưng Đại Việt. Nhưng kế hoạch này bị các đại thần Nguyên phản đối. Vì họ còn ớn trận Ngột Lương Hợp Thai đại bại thời Nguyên Phong.
Gần một năm sau, ngày Mậu tuất, tháng 6, năm Nhâm ngọ (16-7-1282) Hốt Tất Liệt lại ban chỉ điều động 5 vạn quân, 100 hải thuyền, 250 chiến thuyền, giao cho Toa Đô đánh Chiêm. Lại ban chỉ tha cho tất cả tử tù xung vào đội quân đánh Chiêm. Lại ra lệnh cho Lý Hằng đến đảo Hải nam tích trữ lương thực, chế tạo vũ khí, đóng chiến thuyền, bắt lính. Vì từ Quảng châu vào Chiêm quá xa. Lý Hằng dùng quần đảo Hoàng sa, Trường sa làm trạm tiếp vận. Hốt Tất Liệt còn xảo quyệt, sai sứ sang Đại Việt yêu cầu cho mượn đường, cung ứng lương thảo để  đánh Chiêm, nhưng thực sự  sẽ ra tay thình lình đánh Đại Việt.
Vua Chiêm là  Thất lý cha nha tin  hợp bát lạt cáp diệt ngõa (Indravarman  V) tuổi đã lớn, trao quyền cho Thái tử Bổ Đích. »

Chiêu Quốc vương hài lòng :
– Những tin tức này, hồi đó Vũ Uy vương có báo cho Khu mật viện Đại Việt biết. Nên Thượng hoàng hỏi ý kiến Hưng Đạo vương. Vương đề nghị đem hiệu Thiệu Hưng vào trợ Chiêm. Người lại xin điều hạm đội Bạch đằng vào trợ chiến cho Yết Kiêu, để Yết Kiêu đánh phá căn cứ Hoàng sa, Trường sa.
Yết Kiêu tiếp :
–Tại Nghệ an, Thái tử Chiêm là Bổ Đích ( Harijit) thân tới họp với Hưng Nhượng vương, và các tướng hiệu Thiệu Hưng. Thái tử Bổ Đích trình bầy:

« Tháng 11 năm Nhâm ngọ (12-1282) đại binh Toa Đô khởi hành từ Quảng châu. Sau gần tháng, chúng tới cửa biển Thư mi liên (Quy nhơn ngày nay). Khi tới nơi Toa Đô thấy trên bờ cảng là một thành gỗ dài 20 dặm, trên thành phôi trí hơn trăm cỗ  đại pháo Hồi hồi ba cần (3). Cách thành gỗ 10 dặm là hành cung của phụ hoàng. Đại quân Chiêm đóng ở đây.
Toa Đô sai hai sứ giả là bọn Lý Thiên Hựu, tổng bả Giả Phủ đi sứ dụ hàng. Bẩy lần chúng tới, bảy lần về không ! Toa Đô lại sai Tốc Lỗ Mạn ( Salaymãn), Lý Thiên Hựu chiêu hàng nữa.
Thái tử nổi giận :
«  Các người mang quân đến đây thì rõ ràng là bọn cướp rồi. Thành gỗ đã dựng ! Giáp binh đã sẵn. Chúng ta chờ bọn bay ».
Toa Đô ra lệnh tấn công vào ban đêm chia ba mũi đánh thành gỗ.
– Mũi thứ nhất, do An phủ sứ Quỳnh Châu Trần Trọng Đại chỉ huy cùng tổng bả Lưu Kim, tổng bả Lưu Toàn với 1.600 quân.
– Mũi thứ nhì do tổng bả Trương Mân,  bách hộ Triệu Phùng đem 300 quân đánh vào phia đông.
– Mũi thứ ba do Toa Đô chỉ huy 3000 quân tấn công vào mặt nam thành gỗ.
Quân Nguyên bị sóng lớn vật, đến sáng mới vào được bờ, mà thuyền thì vỡ hết chỉ còn mấy chiếc.
Sau một ngày giao tranh, quân Chiêm  bị vỡ. Thành bị chiếm.
Thái tử rước xa giá nhà vua ẩn vào vùng núi phía tây kinh đô Chà bàn, ban chỉ toàn dân cần vương kháng chiến. Thái tử tâu xin nhà vua gửi sứ sang cầu viện Đại việt. Quân Đại việt bắt đầu tham chiến ».

Đến đây Yết Kiêu ngừng lại :
– Thần xin để Hưng Nhượng vương trình bầy.
Hưng Nhượng vương tiếp lời Yết Kiêu :
 – Khi sứ của thái tử tới Thăng long, triều đình Đại việt dùng đại lễ tiếp đón. Thượng hoàng ban chỉ :

«  Chiêm với Việt như môi với răng. Nguyên đánh Chiêm không phải vì Chiêm, mà với mục đích dùng Chiêm làm bàn đạp đánh vào sau lưng Đại việt. Khi chiếm được Chiêm, Mông cổ sẽ đem đại binh đánh Đại việt từ bắc. Đạo quân ở Chiêm đánh vào nam. Ta phải cứu viện Chiêm ».

Vương ngừng lại, nhìn cử tọa một lượt rồi tiếp :
– Giữa lúc đó triều đình nhận được tin : Vũ Uy đại vương rời Kinh hồ, hai hiệu binh Văn bắc, Thiệu Hưng rút về nước. Hưng Đạo vương đề nghị điều hiệu binh Thiệu Hưng viện Chiêm. Vì hiệu này rất thiện chiến. Tôi với thái tử quyết định sách lược   5 điểm như sau :

1– Các đạo binh của Nguyên cực kỳ tàn bạo, nhưng rất thiện chiến. Họ giỏi về dùng trường binh, dàn trận. Quân Việt, quân Chiêm ẩn vào dân chúng, giúp dân giữ ấp, giữ lương. Khi thấy chúng đi lẻ tẻ thì đổ ra đánh. Chúng dùng số đông người thì phân tán vào rừng, vào làng xóm.

2– Nếu chúng đóng quân lập đồn điền cứ để cho chúng làm. Tìm cách chặn các suối, sông cắt nước. Âm thầm phá hoa mầu của chúng. Dùng Ngưu binh phá đồn điền.

3– Viện binh, đường tiếp tế lương thảo của chúng chỉ có duy nhất đường biển. Chúng lập trạm tiếp viện Hoàng sa, Trường sa. Ta dùng hạm đội Bạch đằng, lực lượng Ngạc ngư đánh chìm thuyền của chúng. Phá căn cứ Hoàng sa, Trường sa.

4– Mông cổ là giống người ở vùng Thảo nguyên, quanh năm lạnh cắt da, xé thịt. Không có muỗi, chẳng vắt, mòng. Nay chúng sang Chiêm là vùng thấp nhiệt, muỗi như ong, vắt mòng nhung nhúc. Khí trời ẩm thấp nong nực ; về mùa hè người, ngựa bệnh hoạn, mệt mỏi. Ta sẽ phản công.

5–  Tuyệt đối chặn không cho Toa Đô tiếp cận với viện binh.

Suốt 2 năm qua, binh lính của Toa Đô phần chết vì bệnh, phần bị ta đánh lẻ tẻ, phần bỏ trốn về nước, nay không còn được làm bao. Hiện Toa Đô kéo quân ra định vượt đèo Trưởng tiến ra Thần châu, Hóa châu. Chúng bị chặn không thể vượt được đèo.
Vương ngừng lại hỏi :
– Không biết Khu mật viện có tin tức gì về viện binh Nguyên cho bọn Toa Đô không ?
Dã Tượng đứng dậy nói :
– Nguyên đã quyết đánh cho được Chiêm thành, nên đang đem đại quân tiếp viện cho Toa Đô. Viện binh do Ô Mã Nhi, Lưu Quân Khánh và vạn hộ Khu Tu Ku ( Qutuku) chỉ huy. Nhưng chưa biết bao giờ khởi hành”.

Hưng Nhượng vương quyết định :
– Thế nào Ô Mã Nhi cũng tới cửa biển Thư mi liên để liên lạc với bọn  Tọa Đô. Vậy ta phải phá bọn viện binh này.  Mời Chiêu võ thượng tướng quân, Chiêu dương hầu và phu nhân nhận lệnh.
Cao Mang với Kha Li Đa đứng dậy :
– Tại vùng cửa biển Thư mi liên, hầu hết dân chúng theo Hồi giáo, có ít nhất 10 đạo sư đang giảng đạo ở đây. Tôi đã sai người về Thăng long đón đạo sư  Sa Đa Hút San (Sadat Hassan) , với đạo sư Mộ Hợp Mễ An Hat San (Mahomed Al Hassan) vào đây ; tướng quân đem vệ  Đại đởm của hiệu Thiệu Hưng cùng hai đạo sư theo. Nhờ hai đạo sư thuyết phục các đạo sư ở Chiêm hợp tác : khuyên dân chúng cất dấu lương thực, cướp các chiến thuyền của giặc. Sau đó liên lạc với Yết Kiêu, rồi ra khơi đánh úp trạm tiếp vận của Ô Mã Nhi trên đảo Trường sa, Hoàng sa.
Vương chỉ Nang Tiên:
– Hôm nay có đại giá công chúa Câu-thi Lị-ha-thân Bài-ma-la (Sri Harivarman) Nang Tiên giá lâm. Xin công chúa cho biết tình hình cực nam của Chiêm.
Nang Tiên đứng lên:
– Từ khi viện binh Việt tham chiến. Một giải suốt từ Đồ bàn vào nam, Toa Đô không làm chủ đuộc một trang ấp nào. Vùng này hòa bình.Triều đình hoàn toàn làm chủ. Từ Đồ bàn tới châu Ô, Lý thì bọn Thát đát  bị co cụm lại trong các đồn ải. Quân Việt, quân Chiêm sống lẫn với dân chúng, không cho chúng mua thực phẩm. Nên đói quá chúng phải đánh chiếm các trang ấp kiếm lương. Nhưng mỗi khi đánh trang ấp chúng bị tổn thất nhân mạng nhiều lắm. Còn việc tiếp tế, thì không một thuyền nào của chúng có thể thoát lưới thủy quân Việt.
Hưng Nhượng vương tiếp :
– Mời Chương Hiến hầu Trần Kiện nhận lệnh.
Trần Quang Kiện đứng dậy.
– Cánh quân Nguyên từ Nam vượt thượng đạo vòng qua Lão qua, đổ vào Ô, Lý khoảng hơn ba nghìn. Hầu hết đói khát, bệnh hoạn. Nhưng chúng là bọn thiện chiến, bọn tử tù. Có thể chúng sẽ tràn sang Nghệ an cướp phá
. Hầu đem hiệu binh Thiên cương vào Nam giới, dàn ra biên giới Chiêm Việt. Nếu thấy quân Nguyên vượt biên đánh sang mình, thì dùng toàn lực diệt trọn vẹn cánh quân này. Không cho một tên chạy thoát.
Chương Hiến hầu thắc mắc :
– Hiệu binh Thiên cương là chủ lực trấn thủ tại Nghệ an. Nếu nay di chuyển vào Chiêm thì Nghệ an bỏ trống. Lỡ Nguyên đổ quân từ biển vào thì Nghệ an lâm nguy và hiệu binh Thiên cương mất đường về.
Hưng Nhượng vương xua tay :
– Hầu yên tâm. Tôi đã dự trù điều này. Mời Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn nhận lệnh.
Trần Tú Hoãn đứng dậy.
– Hầu đem hiệu binh Tứ thiên từ Thiên trường vào trấn Nghệ an, sẵn sàng tiếp viện cho Chương Hiến hầu.
Đến đó quân báo :
– Có đô thống Võ Văn Sáu xin cầu kiến.
– Xin mời vào.
Đó là một trung niên nam tử, trang phục đô thống thủy quân, mắt sáng, người thanh nhã. Dáng đi chững chạc.
– Đô thống Võ Văn Sáu thống lĩnh hạm đội Bạch đằng xin bái kiến nhị vị vương gia.
Hưng Nhượng vương đứng dậy đáp lễ :
– Mời đô thống an tọa.
Vương tóm lược ý chính buổi họp rồi ban chỉ :
– Tất cả đang chờ đô thống tường trình về tình hình mặt trận trên biển.
Võ Văn Sáu đứng lên trình bầy :
– Thần nhận chỉ dụ từ Hưng Đạo vương, mang hạm đội Bạch đằng từ  Đồ sơn vào lãnh hải Chiêm đặt dưới quyền Hưng Nhượng vương, thống lĩnh Trợ Chiêm sát Đát hành doanh. Vương ban chỉ cho thần :

«  Nhiệm vụ của hạm đội có ba phần :
– Vận tải lương thực, chuyên chở binh tướng Chiêm Việt từ Nghệ an vào tới cực Nam của Chiêm.
– Chặn đánh thủy quân Nguyên di chuyển trên biển Đông.
– Bao vây không cho các đoàn thuyền Nguyên tiếp viện đội quân đang đánh Chiêm. ».

Ngay lập tức thần chia lực lượng làm hai :
– Một cánh ngày đêm tuần tra trên biển Đông, chặn đánh các đoàn thuyền Nguyên chở quân, lương.
– Phá các chiến thuyền Nguyên đã tới Chiêm. Trấn đóng bảo vệ các cửa biển. Quan trọng nhất là cửa biển Nghệ an, Tư dung, Thư mi liên (tên cũ là Thi nại, nay là Quy nhơn).
Chỉ trong hơn nửa tháng, thần đánh chìm hết các chiến thuyền Nguyên đã tới Chiêm. Chiếm đóng, làm chủ cửa biển Thư mi liên, và 16 cửa biển nhỏ. Trên biển Đông tất cả chiến thuyền Nguyên liên lạc, vận tải lương thực, quân lính bị bắt hết. Thần đuổi thủy quân Nguyên đến tận Quỳnh châu (Hải nam).
Sau hơn tháng, thần khám phá ra : vì khiếp sợ thủy quân Việt, thủy quân Nguyên phải đi xa bờ đến mấy trăm dậm, chúng lập hai trạm tiếp vận trên hai quần đảo hoang; một của của mình và một của Chân lạp. Hai quần đảo mang tên Hoàng sa, và Trường sa từ thời vua Trưng. Trên hai quần đảo này Nguyên chở đến nào lương thực, vào vũ khí, nào quân lính, nào chiến mã, nào trâu bò. Chúng lập đồn điền ở đây để trồng hoa mầu, chăn nuôi, đánh hải sản. Lập tức thần báo về hành doanh của Đông hải Thiên kình đại tướng quân Trần Quốc Vỹ (Yết Kiêu). và hành doanh của Hưng Nhượng vương. Hưng Nhượng vương ban chỉ cho thần:

– Bao vây xa xa, chặn bắt các chiến thuyền của Nguyên giữa Quỳnh châu và hai quần đảo. Giữa hai quần đảo với quân Nguyên trên đất Chiêm.
– Đặt một nửa số chiến thuyền dưới quyền Thiên kình đại tướng quân đem hai Vệ Ngạc ngư và hai Vệ Ngưu binh ra đánh Hoàng sa trước, rồi đánh Trường sa sau. Khi đánh thì đánh từng đảo một.
– Không nên chiếm Quỳnh châu, vì mình không đủ quân trấn giữ.

Trận chiến Hoàng sa, thần xin để đại tướng quân Trần Quốc Vỹ tường trình.
Yết Kiêu đứng dậy trình bầy:
– Ngay từ khi vào Chiêm thần chia lực lượng hiệu Thiệu Hưng làm hai. Lực lượng thứ nhất do phó thống lĩnh là Uy viễn tướng quân Lý Long Đại và phu nhân là Vũ Trang Hồng dàn ra từ đèo Trưởng tới kinh đô Đồ bàn. Lực lượng gồm quân đoàn 1 của tướng quân  Trần Long Nhất với phu nhân Phạm Trang Tiên, quân đoàn 3 của tướng quân Phạm Long Tam. Tướng Phạm Long Tam với quân đoàn 3, hợp với quân Chiêm trấn thủ đèo Trưởng. Quân đoàn 1 trấn từ đèo Trưởng tới cửa biển Thư Mi Liên. Liên quân Chiêm Việt chia thành từng vệ (80 người) sống lẫn với dân chúng trong các trang ấp. Quân Nguyên đi lẻ tẻ thì đổ ra đánh. Chúng tập trung thì rút vào làng mạc, phòng thủ.
Chiêu Quốc vương hỏi :
– Lãnh thổ Chiêm có các cửa bể Nhật lệ, Tư dung rất quan trọng. Vậy tướng quân phòng thủ vùng này ra sao ?
– Thần trao cho hạm đội Bạch đằng.
Yết Kiêu tiếp :
– Lúc đầu bọn Toa Đô đem quân đánh về phương Tây truy tìm triều đình Chiêm thì gặp rừng núi bao la. Y đổi kế hoạch đánh chiếm trang ấp kiếm lương. Toa Đô đánh một lúc 20 trang ấp, kết quả không chiếm được trang nào, mà hao binh, tổn tướng. Trong khi binh tướng của y rời hậu cứ Thư mi liên, thần dùng thủy quân, Ngưu binh, Ngạc binh đánh phá căn cứ này. Thuyền của chúng bị đánh chìm hết.
Yết Kiêu ngừng lại uống một hớp nước rồi tiếp :
– Toa Đô bị lực lượng dân quân Chiêm bao vây, lâm thế tiến lên không được mà lui về không xong. Thì thần điều quân đoàn 1, với vệ Ngưu binh, Ngạc binh trao cho đô thống Sáu đánh Hoàng sa, Trường sa. Thủy quân chở hai vệ Ngạc ngư, Ngưu binh,và một quân bộ binh lên đường. Đô thống Sáu là người giỏi thủy chiến vô cùng. Đô thống đề nghị : « trên quần đảo Hoàng sa chúng có 50 chiến thuyền. Mình dùng mươi chiến thuyền đánh trống khua chiêng khiêu chiến. Nguyên thấy mình chỉ có mươi chiến thuyền, chúng cho toàn bộ thủy quân nhổ neo ra nghênh chiến. Mình giả thua chạy rồi cho hai hải đội thình lình xuất hiện đánh vào quần đảo. Thủy quân Nguyên lui về giữ  đảo thì mình cho vệ Ngạc ngư đã lặn xuống đục thuyền ». Trận chiến diễn ra đúng như đô thống Sáu ước tính. Toàn bộ chu sư Nguyên bị chìm. Quân sĩ bị bắt hết. Thần cho bộ binh, Ngưu binh đổ bộ chiếm ba đảo lớn nhất. Cuộc giao tranh khoảng nửa ngày thì ta đánh bại giặc. Còn lại 16 đảo nhỏ, mỗi đảo chỉ có một thập phu lính Nguyên gốc Trung quốc. Chúng đầu hàng.  Thần cho kiểm điểm lại: gạo, ngô, khoai, sắn chở đến 30 chiến thuyền lớn. Ngoài ra trâu, bò, lừa, ngựa đếm không hết. Thần lệnh cho Ngưu vệ tướng quân Trần Long Nhất và vợ là Phạm Trang Tiên, với quân bộ 1 hiệu Thiệu Hưng ở lại trấn thủ đảo. Yểm trợ có một vệ Ngạc ngư, một vệ Ngưu binh.
Yết Kiêu trình cho Chiêu Quốc vương tập sách mỏng, trong đó ghi rõ số chiến thuyền Nguyên bị đánh chìm, số thủy binh, bộ binh bị bắt, bị giết. Sổ cũng ghi chi tiết số gạo, ngô, khoai, trâu, bò, lừa, ngựa thu được.
Hưng Nhượng vương ban chỉ :
– Còn trận đánh Trường sa !
Tuy trong gia đình, Yết Kiêu là anh Hưng Nhượng vương. Nhưng hôm nay vương là chúa tướng. Yết Kiêu vẫn cung tay :
– Không có trận Trường sa. Thần xin chịu tội với triều đình. Nguyên sau khi chiếm Hoàng sa, thần ra lệnh cho đô thống Sáu, mở đường để năm chiến thuyền Nguyên chạy về Trường sa, bại binh phá tinh thần binh tướng Nguyên tại đây. Không ngờ quần đảo này chỉ có một thiên phu Nguyên trấn đóng. Nghe tàn quân báo Hoàng sa bị chiếm, chúng vận tải hết lương thực, thú vật trốn sang nước Cha ba, vì ở đây có đại quân Nguyên. Nên khi thần với đô thống Sau đem quân đến Trường sa thì trên đảo không còn quân, không còn lương thảo gì cả.
Chiêu Quốc vương khen :
– Mưu kế của tướng quân đúng với binh pháp của Hưng Đạo vương : không đánh mà làm cho quân giặc tan đó là tướng giỏi. Tướng quân không có tội gì cả, trái lại có công.
Đô thống Sáu tường trình :
– Sau khi chiếm được quần đảo Hoàng sa, thần đi kiểm tra toàn bộ các đảo, thì tìm thấy một tấm bia. Thần sao chép lại trên tấm lụa này, xin trình với vương gia.
Cầm tấm lụa, Chiêu Quốc vương khen:
– Có ai ngờ Võ đô thống là một tướng hải quân giỏi bậc nhất của Đại việt, mà chữ viết hoa dạng thế này. Tài đáng trạng nguyên, làm thượng thư cũng xứng, chứ đừng nói đô thống.
Chiêu Quốc vương là một người nổi tiếng có văn tài bậc nhất triều Đông a, mà vương khen chữ Võ Văn Sáu; khiến viên đô thống này sướng không bút nào tả siết.
Chiêu Quốc vương vẫy Địa Lô :
– Văn Sơn hầu, lại đây đọc cho mọi người cùng nghe.
Địa Lô tiếp tấm lụa, nhìn bút tự, dù hầu là người nổi tiếng cử bút thành văn, bẩy bước thành thơ, chữ viết đẹp bậc nhất Thăng long, mà khi nhìn nét chữ của đô thống Sáu, hầu cũng phải khâm phục. Hầu cầm tấm lụa tấm tắc khen:
– Lô này được tặng cho danh hiệu Long thành thư pháp đệ nhất, hôm nay mới thấy ngoài bầu trời này còn bầu trời khác. Chữ này hơi giống chữ của Tô Đông Pha thời Tống.  Hầu dịch sang tiếng Việt :

«  Vạn sự trên thế gian này đều do trời xếp đặt. Dù người tài trí, dù kẻ tham lam, tàn bạo không thể vượt qua mệnh trời.
Lưu Bang lập ra triều Hán. Hạng Vũ lập ra triều Sở. Hạng Vũ anh hùng, lực bạt sơn, binh như hùm, như hổ, nhưng không có mệnh trời, nên cuối cùng bại binh ở Cai hạ mà tan thây. Sở bị diệt.
Trời cho Hán được trên hai trăm năm, bị Vương Mãng cướp ngôi. Nhưng mệnh trời không cho Vương, nên Quang Vũ trung hưng lên được.
Chúa ta, nhân cái ngục của dân, cùng 162 anh hùng, khởi nghĩa ở Mê linh, lập triều đình Lĩnh Nam, uy linh mạnh như trúc chẻ, ngói tan, sấm ran cõi trời Nam. Lĩnh địa bắc tới hồ Động đình, nam tới Hồ tôn, tây tới Thục, đông tới  biển. Ta đượclĩnh ấn Đại đô đốc trấn biển Đông.
Quang Vũ không tuân mệnh trời, sai Mã Viện, Lưu Long mang quân nghiêng nước ý muốn nuốt Lĩnh Nam. Lại sai Đoàn Chí  lĩnh đại đô đốc chiếm biển Nam hải. Ta cùng các anh hùng dàn chu sư  chống giặc. Một trận hiển uy, phá tan hạm đội Hán, chiếm châu Nhai (đảo Hải nam) chém Đoàn Chí.
Ôi oai hùng biết bao, uy linh biết bao. Nhân chiến thắng, ta kinh lược quần đảo này, lập một bia, ghi lại cho đời sau biết : đây là lãnh địa tộc Việt.
Quần đảo lớn nhất có một giải cát vàng, ta đặt tên là Hoàng sa.
Quần đảo phía Nam ta đặt tên là Trường sa.
Niên hiệu Lĩnh Nam thứ 3, ngày Vọng, mùa Xuân, tháng ba.
Công chúa Gia Hưng,
Lĩnh đại đô đốc Lĩnh Nam.

Hưng Nhượng vương ngậm ngùi than :
– Thì ra từ thời Trưng vương, công chúa Gia Hưng đã từng kinh lý quần đảo Hoàng Sa, Trường sa, chính ngài đã đặt tên cho hai quần đảo này. Đảo này vốn thuộc Đại việt từ khi dựng nước, trải 3 nghìn năm đến thời Lĩnh Nam mới kinh lý.
Võ Văn Sáu tiếp :
– Sau khi đọc bia này, tướng quân Trần Quốc Vỹ cũng cho khắc bia kỷ niệm. Bia chỉ khắc hình một con chó mõm ngắn (Yết Kiêu) với giòng chữ :

Đông a Trần Quốc Vỹ
Đông hải Thiên kình đại tướng quân,
Nam phương hùng uy, công thần.
An biên đình hầu của Đại Việt
Đã thắng Thát đát làm chủ đảo này.
Mùa hạ ngày rằm tháng 6,
 niên hiệu Thiệu bảo thứ ba.

Tuy Hưng Nhượng vương là cấp chỉ huy của Yết Kiêu, nhưng trong gia đình, Yết Kiêu là con nuôi Hưng Đạo vương. Hầu lớn tuổi hơn vương, từng dạy vương thuật quy tức, lặn dưới nước đục thuyền giặc, nên vương phải gọi là anh. Vương không dám khen ngợi hầu, mà chỉ khen ngợi đô thống Sáu:
   Ngày mai cô gia thượng biểu về triều thăng thưởng cho đô thống Võ Văn Sáu. Thế trên đảo có sản vật gì không?
Nghe hỏi, Sáu hứng khởi thuật:
– Trên tất cả các đảo đều có cây cỏ. Những cây này được mang từ đất liền ra trồng từ thời vua Trưng. Trên các đảo lại có những ao nhỏ, trong ao nước ngọt khá nhiều, do mưa đọng lại. Nhờ vậy chim muông có nước uống. Binh sĩ có nước ăn, tắm giặt. Đảo nào cũng có đủ loại chim. Từ những chim nhỏ như se sẻ, cho đến các loại sếu, vạc, quạ, cò trắng, cò lửa. Có rất nhiều loại công, gà rừng. Chúng làm tổ khắp nơi. Vì không có người trên đảo, nên chúng rất dạn, thấy quân đổ lên, chúng không bay, không trốn. Quân lính nhặt trứng luộc, bắt chim nướng ăn. Lại có rất nhiều rùa lớn. Có con lưng dài tới ba thước (0,75 m). Thần có đem thổ sản về. Xin vương gia cho phép mang lên.
Chiêu Quốc vương mừng lắm:
– Hồi nãy nghe Thiên kình đại tướng quân Yết Kiêu khen đô thống là người tinh, minh, mẫn, cán, cử tọa ít ai tin. Nay xét việc này thì thấy lời của Yết Kiêu không sai.
Võ Văn Sáu xin ra ngoài. Một lát, đô thống trở lại với 10 thủy thủ. Mỗi người gánh một gánh. Sáu chỉ vào gánh thứ nhất:
– Trong hai thúng này là trứng chim nhỏ như cò, vạc, hải âu, đã luộc chín. Kính thỉnh vương gia cùng chư vị thưởng thức.
Sáu chỉ gánh thứ nhì:
– Đây là những vỏ trai, vỏ vạng, vỏ sò mà binh sĩ dùng làm bát ăn cơm.
 Bốn viên thủy thủ bốc trứng luộc bỏ vào đầy các vỏ vạng, sò, trai, rồi đặt trước mặt cử tọa. Mỗi người một cái. Họ lại múc muối vào một cái vỏ hến nhỏ.
Chiêu Quốc vương ban chỉ:
– Nào chúng ta cùng thưởng thức thổ sản của Hoàng sa, Trường sa.
Quốc Toản  nhanh tay bóc hai quả trứng lớn như trứng gà, trịnh trọng trao cho Chân Phương:
– Má má! Lần đầu tiên trong đời con được mời má má.
Chân Phương nắm lấy tay hầu:
– Em thực là người hiếu thảo.
Hầu bóc hai quả nữa trao cho Ngọc Hoa một trái, mình ăn một trái. Hầu nói với Sáu:
– Đô thống. Đô thống mang về 10 gánh. Gánh thứ nhất là trứng chim. Gánh thứ nhì là vỏ vạng, vỏ trai. Vậy còn 8 gánh kia ắt là chim quay hay rùa nướng?
– Đúng như quân hầu ước lượng.
Hai gánh mở ra: bên trong là những con chim nướng vàng ngậy, bốc mùi thơm khắp phòng. Thủy thủ lại đem chim nướng mời. Võ Văn Sáu giảng:
– Đây là những con hải âu, vạc biển, bồ câu mới ra ràng, còn non, thịt mềm thơm lắm.
Thấy một thiếu niên hầu tước nhỏ tuổi đoán trong hai gánh là chim quay. Võ Văn Sáu đùa:
– Còn 6 gánh nữa, xin quân hầu thử đoán xem trong có gì?
Quốc Toản xòe bàn tay phóng nội lực vào 6 gánh rồi nói:
– Đô thống, nếu tôi đoán trúng, đô thống có cho tôi một món trong đó không?
– Thưa quân hầu, tất cả thổ sản trên đảo đều là quý vật của quốc gia! Thần không dám lạm quyền. Chỉ có đức vua mới có quyền ban cho ai!
Hưng Nhượng vương can thiệp:
– Hoài Văn! Anh là tướng thống lĩnh mặt trận viện Chiêm. Anh có quyền thưởng cho tướng sĩ những gì thu được trên chiến trường. Nếu em đoán trúng anh sẽ thưởng cho em.
Quốc Toản phóng nội lực rồi nói:
– Trong sáu gánh này là san hô, ngọc trai.
Sáu tuyệt không ngờ một thiếu niên lại có nội lực siêu phàm, viên đô thống rạp người xuống:
– Khâm phục! Bái phục.
Đô thống mở 6 gánh ra, thì hết 5 gánh là những cây san hô lóng lánh. Còn một gánh, trong đó  có những cái vỏ trai lớn hơn hai bàn tay khép kín. Y mở một cái ra, cử  tọa đều bật lên tiếng ồ, vì trong đó là những viên ngọc trai. Dưới ánh đèn, ngọc trai chiếu ra những tia ngũ sắc đẹp tuyệt thế.
Chiêu Quốc vương ban chỉ:
– Quân trung bất hý ngôn. Hưng Nhượng vương hứa thưởng cho Hoài Văn thì phải thưởng đi chứ.
Viên thủy thủ đem tất cả những cái vỏ trai bầy ra: tổng cộng 48 cái, trong mỗi cái có một chuỗi ngọc trai.
Hưng Nhượng vương ban chỉ:
– Tất cả san hô, ngọc trai phải đem về Thăng long, xung vào quốc khố. Nhưng anh đã hứa với Toản, thì anh phải giữ lời.
Vương lấy một cây san hô ngũ sắc lóng lánh, một chuỗi hạt trai trao cho Quốc Toản:
– Đây! Ngọc và san hô của em đây. Em định dùng vào việc gì?
– San hô em sẽ đem về Thiên trường đặt trên lăng thờ đức Thái tông. Còn ngọc trai ư?
Hầu đến trước Chân Phương, quỳ gối, hai tay cung cung kính kính:
– Lần đầu tiên trên đời con có bảo vật trong tay. Xin kính dâng má má.
Chân Phương đỡ Quốc Toản dậy:
– Thực không uổng công chị cho em bú trong ba năm.Tắm rửa cho em bẩy năm.
Chiêu Quốc vương đem mọi người trở lại với cuộc họp. Vương nói với Yết Kiêu, Võ Văn Sáu:
– Anh hai với đô thống sẽ có một cuộc chiến mới. Cô gia mới được tin:

“Hốt Tất Liệt ra lệnh cho Tể tướng A Tháp Hải (Tataqai đọc là Ta Ta Khai) bỏ việc đánh Nhật bản, dồn lực lượng tiếp viện cho Toa Đô đánh Chiêm. Gồm 1 vạn 5 nghìn quân Mông cổ tinh nhuệ, 200 chiến thuyền. Lại ra lệnh cho hành tỉnh Giang hoài cấp thêm thuyền và quân. Tướng chỉ huy là Ô Mã Nhi, Lưu Quân Khánh và vạn hộ Khu Tu Ku  ( Qutuku)”.(4)

Mọi người cùng bật lên tiếng ồ. Vì Toa Đô là một tướng vô địch, bây giờ thêm đệ nhất dũng sĩ Ô Mã Nhi nữa. Không biết phải đối phó sao khi lâm trận với hai tướng này.
Yết Kiêu hỏi Dã Tượng:
– Anh cả! Hơn mười năm trước anh đã đối chiêu với Toa Đô, Ô Mã Nhi ở điện Quang Minh tại Yên kinh phải không?
Dã Tượng rùng mình:
– Nói ra thực xấu hổ! Hôm đó anh đối với y một chưởng, khí huyết đảo lộn, tai phát ra những tiếng vo vo không ngừng. May Lô đệ tung Lạc hồn phấn khiến y mất hết công lực. Bằng không y đánh một chiêu nữa thì anh mất mạng. Trong trận Thảo trường, anh lại đối chưởng với y, thấy công lực y cao hơn hồi ở Yên kinh nhiều. Cũng may vương phi Ý Ninh dùng Mê linh kiếm pháp mới cứu được anh.

––––––––––––––

(1). Trong bộ Anh hùng Đông a gươm thiêng Hàm Tử này thường nói đến địa danh Trường sa. Có hai địa danh Trường sa.
– Thứ nhất là một tỉnh nằm ở phía nam ngạn hồ Động đình. Thời Lĩnh Nam của người Việt, vua Trưng sai nữ vương Phật Nguyệt trấn thủ ở đây. Sau khi Lĩnh Nam bị Hán chiếm, Trường sa thuộc Trung quốc cho đến nay. Cũng vẫn mang tên Trường sa. (Xin đọc Động đình hồ ngoại sử, cùng tác giả)
– Thứ hai là quần đảo Trường sa nằm trên biển Nam hải. Trung hoa gọi là Nam sa. Quần đảo Hoàng sa, người Trung quốc gọi là Tây sa.
Đây là một trong hai quần đảo  của Việt Nam. Năm 39 sau Tây lịch, vua Trưng cùng 162 anh hùng nhân cái nhục của tộc Việt, đã nổ ra cuộc khởi nghĩa dành tự chủ lập triều đình Lĩnh Nam. Vua Quang Vũ nhà Hán sai Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí mang quân nghiêng nước sang đánh. Đoàn Chí lĩnh đại đô đốc Hán đem hạm đội chiếm châu Nhai  (đảo Hải Nam). Đô đốc Lĩnh Nam là công chúa Gia Hưng Trần Quốc phá tan hạm đội Hán, giết Đoàn Chí. Nhân đó ghi bia kỷ niệm đặt cho hai quần đảo là Hoàng sa, Trường sa.  Mặc dầu bấy giờ Trường sa thuộc nước Chân lạp.(Xin đọc Cẩm khê di hận, cùng tác giả)
 Cuối thế kỷ thứ 17, chúa Nguyễn đánh Chân lạp, thu Trường sa vào bản đồ nước Việt.
Trong sách Phủ Biên Tạp Lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776), Hoàng Sa còn được mô tả kỹ hơn. Năm 1775, Lê Quý Đôn được Chúa Trịnh cử vào vùng đất Phú Xuân lãnh chức Hiệp trấn để lo việc bình định hai trấn mới thu hồi được từ Chúa Nguyễn là Thuận Hoá và Quảng Nam. Sách dành nhiều trang để mô tả về các “Đội Hoàng Sa” và “Bắc Hải” của chúa Nguyễn tổ chức cho dân vùng Tư Chính, Quảng Ngãi thường vượt biển đến Hoàng Sa để thu luợm các sản vật đem về đất liền. Những tư liệu thu thập tại địa phương xã An Vĩnh (Cù lao Ré) còn nói tới “Đội Quế hương” cũng là một hình thức tổ chức do dân lập, suốt trong một thời gian dài  xin phép nhà nước được ra khai thác sản vật Hoàng sa.
Trong thời Pháp thuộc (1884-1945) hai quần đảo này do người Pháp quản trị, đã xây những cột hải đăng để hướng dẫn các thương thuyền quốc tế khi đi qua biển Nam hải. Khi chính phủ VN Cộng hòa thành lập, đã đem quân đóng trên hai quần đảo này. Hai quần đảo thuộc lãnh thổ tỉnh Phước tuy.
 Ngày 19-1-1974, Trung quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng sa từ Việt Nam cộng hòa.
Trong thời gian 1945-1975, tại quần đảo Trường sa, VNCH vẫn đóng quân tại các đảo lớn. Nhưng Trung hoa dân quốc (Đài loan) cũng đem quân đóng trên mấy đảo. Cái vô lý nhất là Phi luật tân, Mã lai, Brunei không có một chút lý về quốc tế công pháp, cũng như lịch sử nào cũng đem quân đóng trên mấy đảo và tuyên bố rằng của mình.
Sau 1975, chính phủ  Cộng hòa xã hội VN cũng đem quân trấn đóng những đảo mà VNCH đóng. Năm 1988, Trung quốc đem đại lực lượng hải quân tấn công, đánh chìm 4 chiến hạm của VN, khiến 80 thủy thủ hy sinh, chiếm mấy đảo lớn, lập căn cứ cho đến nay. Hiện VN, Trung quốc, Trung hoa dân quốc, Phi luật tân, Mã lai, Brunei mỗi nước đều có quân đóng trên mấy đảo, tuyên bố quần đảo của mình. Theo công ước quốc tế 1982 về luật biển, theo lịch sử thì chỉ duy VN mới là chủ của quần đảo Trường sa.
 Mới đây Trung quốc cho thành lập huyện Tam sa, gồm cả Hoàng sa (Tây sa), Trường sa (Nam sa), khiến người Việt khắp nơi biều tình chống đối. Hồi tháng 4-2009, thành phố Đà nẵng bổ nhiệm Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Hoàng sa. Trung quốc cực lực phản đối. Tháng 5-2009, VN nộp cho Liên hiệp quốc bản đồ tài liệu về lãnh hải Việt nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa, Trung quốc lại cực lực phản đối. Đã vậy Trung quốc lại ra lệnh cấm đánh cá trong khoảng thời gian 16/5 đến 1/8/2009 trong lãnh hải Việt thuộc vùng Trường sa. Việt Nam phản đối. Tuy vậy Ngư dân Việt Nam sẽ không thể, không dám vào vùng lãnh hải Việt mà Trung quốc cấm. Bởi trong quá khứ Hải quân Trung quốc đã bắn chết nhiều, rất nhiều, nhiều lắm Ngư dân Việt dù họ đánh cá trong vùng lãnh hải Việt. Đôi khi Trung quốc ra oai bắt thuyền đánh cá Việt về đảo Hải nam, rồi đưa ra tòa. Tòa Trung quốc chẻ sợi tóc làm tư, tìm cái xương trong quả trứng gà mà cũng không kết tội ngư dân Việt được. Họ đành tuyên bố phạm nhân vô tội, rồi thả ra. Cứ cái đà này, không chừng tương lai Trung quốc sẽ ra lệnh cấm đánh cá trên hồ Tây Hà nội, trên sông Cửu long hay trên Đồng tháp mười nữa.


 (2). Nguyên sử, An Nam truyện, q209. Tháng 3 niên hiệu Chí Nguyên thứ 21 An phủ sứ Quỳnh châu là Trần Trọng Đạt được Trịnh Thiên Hựu cáo rằng: Giao chỉ thông mưu với Chiêm thành, sai 2 vạn quân, 500 chiến thuyền ứng viện.

(3) Nguyên sử, Chiêm thành truyện, q.210. chép là Hồi hồi tam sảo pháo. Nghĩa đen là súng Hồi hồi ba ngòi. P. Pelliot  trong Mémoires sur les coutumes du Cambodge de Tcheou Ta-kuoan dịch là P’ao musulmans. Bấy giờ Hồi giáo đã tràn vào Indonésia, Chân lạp, Chiêm thành. Nên kỹ thuật vũ khí của họ được Chiêm học, chế tạo.

(4). A Tháp Hải, tiếng Mông cổ là Ataqai. Nguyên sử q129, chép Thừa tướng A Tháp Hải là người mang quân đánh Nhật.

 Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét