Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A - Gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 91

HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT

Liên minh Bắc liêu, Mông cổ, Nãi man

Vương phi viết thư báo cho Tô lịch thất tiên, Đông hoa biết việc sinh Quốc Toản. Các nơi gửi quà, gửi thư chúc mừng. Thư của Thanh Nga, Ngột A Đa làm phi chú ý:
“ Nếu không gặp vương, vương phi thì giờ này may mắn lắm em làm vợ một gã nho sinh ở Thăng long. Nhờ anh chị dạy dỗ mà em có ngày nay. Em đang hoài thai. Nếu em sinh gái thì sẽ gả cho Quốc Toản, để đền ơn sâu như biển, cao như núi của anh chị“.
Phi viết thư trả lời:
“ Chị nhận lời đính ước của em. Chị sẽ luôn nhắc nhở Quốc Toản, rằng nó đã được bố mẹ đính ước trăm nam từ khi lọt lòng“.
Vào một ngày rằm, Vương phi Ý Ninh tổ chức cuộc du ngoạn trên hồ Động đình, thăm núi Tam sơn, là nơi xưa kia quốc tổ Lạc Long Quân, quốc mẫu Âu Cơ sau khi thành hôn đã đến núi ở ba năm để hưởng thanh phúc. Cuộc du ngoạn gặp mưa, khi trở về vương phi Ý Ninh bị cảm, bị mất sữa. Y sĩ trị không khỏi.
Vương Chân Phương thấy Quốc Toản kháu khỉnh quá, công chúa khải với vương phi Ý Ninh:
– Thưa thím! Con của cháu đã hai tuổi, tự nhiên nó không bú sữa mẹ nữa. Ngực cháu căng khó chịu lắm, cứ phải nặn sữa. Thím cho cháu nuôi Quốc Toản, để thím đỡ bận.
Hành Sơn vương cười:
– Theo hàng lộ dòng họ Đông a thì Quốc Toản là em Quốc Vỹ. Chân Phương là chị dâu nó. Bây giờ Chân Phương nuôi Quốc Toản, thì Quốc Toản là con sữa của Chân Phương. Để chính danh, Quốc Toản vẫn gọi Yết Kiêu là anh. Nhưng phải gọi Chân Phương là má má, tiếng Việt là mẹ sữa. Xét số tử vi, thì Quốc Toản Thiên hình thủ mệnh tại dần, đắc cách mà Tử vi kinh nói:
“Hình hổ cư Dần,
Hổ đới kiếm hùng“
Nên lưu danh vạn cổ. Do Hình, Hổ nên tính tình cương nghị. Chân Phương là người nhu nhã thì nuôi sữa nó, nó sẽ bớt cứng.
Thế là Chân Phương trở thành nhũ mẫu Quốc Toản. Là thầy dậy khai tâm cho Quốc Toản. Sau này độc giả sẽ thấy tâm tính Chân Phương ảnh hưởng vào vị đại anh hùng này rất nhiều. Sử cũng như gia phả ghi: hầu rất cương quyết, chỉ Vô Huyền bồ tát, Tuệ Trung bồ tát (Hưng Ninh vương), Hưng Đạo vương, Khâm Từ hoàng hậu, và Chân Phương nói là hầu nghe theo mà thôi.
Bàn về số Tử vi của anh hùng Trần Quốc Toản:
Tuổi Bính dần, mệnh lập tại dần. Đắc cách Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương, có Hóa lộc phù trì. Đúng ra đây là người tính tình phóng khoáng nhẹ nhàng. Sự nghiệp thiên về văn hơn võ. Thế nhưng vì sinh tháng 6, Thiên hình đắc địa thủ mệnh, nên là người cương nghị. Cung quan Thiên cơ tại Ngọ được Hóa quyền phù trì, thì vang danh thiên hạ, ngặt vì gặp Kình dương, Địa không nên dù tài trí, dù công lao, luôn bị bọn Trần Di Ái, Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Lê Tắc vu cho làm gian tế của Nguyên. Được Vương Chân Phương nuôi sữa nên tình tình hầu nhu nhã. Hầu lại được Thúy Hồng dậy kinh điển nhà Phật, do đó Hầu là một Phật tử thuần thành. Đó là truyện sau.

Có thư của Đại Hành:
“Khải vương gia,
Cách đây hơn mười ngày thành Tế Nam thất thủ. Lý Đảm đã âm thầm cho con trai là Lý Nhan Giản dùng thuyền vượt biển về Đại Việt xin ẩn thân. Còn Lý dùng kiếm giết chết phu nhân, tiểu thư rồi lấy một con thuyền bơi ra giữa hồ, định trầm mình tự tử. Nhưng hồ nông quá, Lý bị bắt. Tông vương Hợp Tất Xích đem Đảm ra giũa chợ, họp dân chúng kết tội chống lại Nguyên triều, rồi chém đầu. Thế là một giải Sơn Đông thuộc về Nguyên.
Vì Hốt Tất Liệt dùng toàn người Hán cai trị Trung nguyên, nên nhân sĩ, dân chúng coi triều Nguyên như triều Tống, triều Đường. Dân chúng kinh sợ chiến tranh, nên quy phục Nguyên triều. Họ coi Lý Đảm như một thứ giặc cướp. Họ còn coi Tống triều như một phiên vương của Nguyên. Nguyên mộ quân, trai tráng ùn ùn ứng nghĩa tòng quân rất đông. Hốt Tất Liệt đem trai tráng ra vùng Thảo nguyên huấn luyện, đào tạo thành kị mã như quân Mông cổ trước đây.
Đại Nguyên sai người đi khắp Thảo nguyên mua ngựa. Toàn bộ vùng Đại uyển được trao cho một hoàng tử làm Đại hãn, đem những người nuôi ngựa giỏi nhất Thảo nguyên đến Sơn đông huấn luyện binh sĩ nuôi, chăn ngựa. Nhờ vậy, Đại nguyên đã thành lập được 20 vạn kị binh, thiện chiến không thua gì kị binh thời Thành Cát Tư Hãn.
Để chuẩn bị đánh Tống, Hốt Tất Liệt đang:
– Âm thầm sai sứ đến các Tuyên vũ sứ Tống, chiêu dụ, khi Đại nguyên vượt sống đánh Tống thì quy hàng. Các quan văn võ hàng sẽ được thăng lên một cấp, cho giữ nguyên chức vụ, phẩm hàm cũ. Của cải, ruộng đất được giữ nguyên. Kẻ nào chống thì không những bị sát thân, mà toàn gia bị tru lục.
– Các tướng hiến kế: Hoa Nam là nơi nhiều sông ngòi, đồng lầy. Muốn đánh Tống phải dùng thủy quân. Hốt Tất Liệt đang cho huấn luyện 10 vạn thủy quân, đóng 6 nghìn chiến thuyền.
– Dùng toàn bộ các quan chức của Lý Đảm, cho thăng chức, phẩm hàm, rồi cử xuống trấn nhậm những vùng giáp biên với Tống, để các quan Tống thấy hàng tướng được trọng dụng.
Hốt Tất Liệt họp các mưu sĩ, các tướng bàn chuyện đánh Tống. Có hai kế.
Kế thứ nhất: dùng hai mũi dùi. Mũi thứ nhất dùng thủy quân đánh vào bờ biển hông Tống. Mũi thứ nhì vượt sông đánh Ngạc châu.
Kế thứ nhì: chia làm hai mũi. Mũi thứ nhất đánh Tứ xuyên, xuôi giòng Trường giang chiếm Trường sa, đánh xuống Nam chiếm Hồ Nam, Quý châu, Quảng Nam lộ. Mũi thứ nhì vượt sông chiếm Trường sa, hồ Đông đình.
Hốt Tất Liệt quyết định dùng kế thứ nhì. Đã sai Trấn Nam vương Thoát Hoan cầm quân đánh Ngột A Đa chiếm Tây tạng, Vân Nam, rồi xuôi Trường giang chiếm Đông Tứ xuyên. Lại sai Liêm Hy Hiến đánh chiếm Thành đô rồi hợp với Thoát Hoan. Sau khi chiếm trọn Tứ xuyên sẽ đánh Trường sa. Đích thân Hốt Tất Liệt cho quân vượt sông đánh vào Trường sa.
Khu mật viện Đại nguyên biết vương gia cùng hiệu binh Thiệu hưng trấn Trường sa. Nên y nghi ngại. Các mưu sĩ thiết kế: gửi Nguyên phi Bạch Liên hay vợ A Truật là Hồng Nga vượt sông chiêu hàng. Sứ mang chiếu thư hứa phong cho vương gia làm Kinh Nam đại vương, với toàn quyền vùng Trường sa, Hồ nam, Quý châu.
Đã liên lạc được với Nguyễn Địa Lô“.
Đọc thư Đại Hành xong, vương mời vương phi, Cao Mang, Yết Kiêu, Dã Tượng vào họp mật. Vương phi bàn:
– Từ trước đến nay, từ tể tướng Giả Tự Đạo dĩ chí các tướng Tống cầm quân, cứ nghe thấy Mông cổ là kinh hãi, nên muốn họ chống Mông cổ thì cầm chắc cái bại rồi. Vùng Trường sa, hồ Động đình này chỉ dựa vào thế hiểm của Trường giang. Bây giờ Mông cổ huấn luyện thủy quân, đóng chiến thuyền, để đánh ta. Vậy ta phải nghênh địch bằng cách nào?
Yết Kiêu phát biểu:
– Trước đây vào thời Lý, Tống Thần tông với Vương An Thạch chuẩn bị đánh ta. Linh Nhân hoàng thái hậu với thái úy Lý Thường Kiệt quyết định: ngồi chờ giặc sao bằng tìm giặc mà đánh. Bây giờ mình nên vượt sông đánh phá các xưởng đóng chiến thuyền của chúng.
Cao Mang góp ý:
– Hiện toàn bộ khu Trường sa hồ Động đình, ta chỉ có 4 hiệu binh, khoảng 10 vạn người. Trong khi bên kia sông, chúng có tới 20 vạn. Mình không đủ quân vượt sông chiếm thành, giữ đất thì mình nghiên cứu thực kỹ. Ta vượt sông đánh chớp nhoáng rồi rút về.
Vương phi đồng ý:
– Lực lượng tham chiến chủ yếu là Ngạc binh, Đại đởm. Bây giờ ta cần đào tạo ít nhất năm nghìn Ngạc binh, năm nghìn Đại đởm. Muốn đào tạo một bộ binh, một tráng niên thành Ngạc binh, Đại đởm phải mất một thời gian 9 tháng đến một năm. Trong khi kế hoạch huấn luyện thủy quân, đóng chiến thuyền của Nguyên ít ra là 18 tháng. Như vậy thì ta có thể ra tay trước.
Trong khi khu Trường sa tổ chức huấn luyện Ngạc binh, Đại đởm thì trên bờ Bắc Trường giang, các tướng Nguyên huấn luyện thủy quân, chuyển gỗ từ các nơi khác về đóng chiến thuyền.
Có thư của Địa Lô:
“Khải vương gia,
Kiến Bình vương mới hoăng. Triều Nguyên gửi sứ sang Cao ly đòi Quốc vương phải tuân theo sáu điều:
Một là đích thân quốc vương phải vào chầu,
Hai là đem trưởng nam làm con tin,
Ba là kê biên dân số,
Bốn là phải chịu quân dịch,
Năm là phải nộp thuế, lương thảo.
Sáu là nhận Đạt lỗ hoa xích (Đa gu ra tri) .
Triều đình Cao ly nghị luận phân vân. Cuối cùng quốc vương tuân theo 5 điều. Xin miễn chịu binh dịch. Hốt Tất Liệt chấp thuận. Hoàng hậu Như Lan phản đối quyết liệt, nhưng quốc vương không nghe. Lý do: quốc khố phải nuôi một đạo quân lớn quá, làm dân nghèo khổ. Đại nguyên cử một phái đoàn Đạt lỗ hoa xích đông đến 300 người sang đóng tại kinh thành. Quốc vương giảm một nửa quân số, cho về làm ruộng. Những đạo quân còn lại không còn thiết tha luyện tập, vì cái vạ Mông cổ không còn nữa.
Quốc vương lên đường về Đại đô chầu Hốt Tất Liệt, lại đem Thái tử mới 11 tuổi sang làm con tin. Triều Nguyên tiếp đón Quốc vương rất nồng hậu.
Hốt Tất Liệt sai sứ đến Cao ly, bắt Quốc vương cử người dẫn đường, làm thông dịch sang chiêu hàng Nhật bản. Sứ thần là Binh bộ thị lang Hách Đức làm Quốc tấn sứ. Lễ bộ thị lang Ân Hoàng là phó. Hai người mang quốc thư sang Nhật bản. Nhưng sứ sang đến cảng Nhật bản, không ai ra đón, nên sứ đoàn chờ hơn hai tháng rồi ra về.
Bực tức vì chạm tự ái, triều Nguyên sai sứ đoàn thứ nhì sang Nhật. Chánh sứ là Khởi Cư Cá Nhân Phan Phụ, cùng một sứ đoàn hùng hậu. Không ai tiếp đón. Sứ đoàn ở lại sáu tháng rồi về không.
Nguyên triều bị tự ái, Hốt Tất Liệt ra lệnh thành lập Hành tỉnh bình chương chính sự đánh Nhật.
Hốt Tất Liệt dùng quân đầu hàng của Lý Đảm tổ chức thành kị binh Mông cổ. Lại tái tổ chức thủy quân của Lý, thành lập hai hạm đội. Tất cả trao cho Toa Đô làm nguyên soái, vượt biển đánh Nhật.
Hạm đội Nguyên tới Mã Đảo* thuộc eo biển Đối Mã* thì chạm với lực lượng phòng thủ tại đây. Trong khi quân Nguyên với quân số 2.500 thủy quân, với 2000 bộ binh, thì quân Nhật chỉ có gần nghìn người. Phía Nhật bị bại. Toa Đô truy sát tới các đảo lớn thì đụng với lực lượng hải quân hùng hậu của Nhật. Toa Đô bị đánh bật ra biển. Giữa lúc đó bão tới. Quân Nhật quen địa thế, đem chiến thuyền ẩn bão, vô sự. Trong khi quân Nguyên bị bão vật, chiến thuyền bị vỡ, quân sĩ chết gần hết, chỉ còn mươi chiến thuyền bơ phờ rút về“.
Ghi chú,
*. Mã Đảo tức Tsushima.
**. Đối Mã tức Tsushima Kaikio.
Hành sơn vương, vương phi cười thầm:
– Hốt Tất Liệt vì tự ái hão mà nướng gần hết số thủy quân của Lý Đảm. Giá y kiên nhẫn, đem số thủy quân đó đánh vào bờ biển phía Đông của Tống thì Tống nguy!
Vương viết chỉ dụ cho Vũ Chính:
“ Tâu với Nguyên phi, Hồng Nga dùng bốn người đẹp Ngọc, khích Chí Nguyên, Thái tử, triều thần Đại Nguyên rằng: Nhật bản chỉ là một bộ tộc nhỏ bé ở trên những hòn đảo xa xôi. Đại nguyên là Thiên triều, đã thu gộp tất cả các nước từ Đông sang Tây; từ Nam chí Bắc. Thế mà chúng không coi Thiên triều ra gì. Nếu Thiên triều muốn thì sẽ dùng chân di chúng như di đàn kiến. Thiên triều cần xuất quân giết chúng như làm cỏ. Có như vậy sau này mới khiến các nước trên biển quy phục“.
Quả nhiên, sau này Hốt Tất Liệt cùng triều thần mang đại quân sang đánh Nhật bản, đó là truyện sau.
Có thư của Địa Lô:
“ Có biến cố cực kỳ lớn. A Lý Bất Ca băng. Theo phong tục Thảo nguyên, Huyền Liên được gả cho một Đại hãn vùng Đại uyển.
Đại hãn Nãi Man là Hoài Đô tập họp gần 300 các Hãn ở Thảo nguyên, cận Tây vực, vùng của A Lỗ Hốt. Các hãn lên án Hốt Tất Liệt vong bản, biến Trung quốc thành đại quốc, bắt Mông cổ phải quy phục. Đó là phản lại Thành Cát Tư Hãn. Các Hãn bầu Hoài Đô làm Đại hãn, chuẩn bị đánh Nguyên, khôi phục Mông cổ như hồi Thành Cát Tư Hãn còn tại thế. Các tướng Vũ Cao San, Trần Mạnh Quốc, A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh đều được phong cho làm Hãn 5 bộ tộc, mà Hãn của họ chết trong dịp đánh nhau với Nguyên. Đại hãn Hoài Đô sai sứ sang kết thân với Tháp Sát Nhi. Hoàng hậu Hồng Liên nhiếp chính gửi sứ sang chúc mừng. Hứa liên hợp bảo vệ lẫn nhau“.
Lại mấy tháng sau có thư của Địa Lô:
“Triều Nguyên ban chỉ trưng 5 vạn kị binh gốc Mông cổ của Bắc liêu để đánh Vân nam, Tây tạng. Hồng Liên mượn chỉ của Tháp Sát Nhi từ chối. Trong khi Thái tử Đô Ngột Nhi muốn tuân theo. Y cương quyết thân cầm 5 vạn đặt dưới quyền Trấn nam vương Thoát Hoan đi Vân nam.
Trong khi Hồng Liên đang có việc ra ngoài thành, y lọt vào hậu cung nhất quyết gặp Tháp Sát Nhi. Y đưa ý kiến này. Tháp Sát Nhi biết rằng mình sống không được bao lâu, nên muốn truyền ngôi cho con thứ là Đô Nhĩ Kha. Nhưng không có cớ phế Đô Ngột Nhi. Vương đồng ý cho y cầm quân đi xa, khi vương băng để di chiếu lại thì sẽ truyền ngôi cho con thứ. Thế là Đô Ngột Nhi dẫn 5 vạn kị binh lên đường. Quyền tại Bắc Liêu hoàn toàn do Hồng Liên, Trung Thành vương, Đô Nhĩ Kha nắm giữ.
Khi Đô Ngột Nhi lên đường được nửa tháng thì Tháp Sát Nhi băng. Hoàng hậu Hồng Liên công bố chiếu chỉ của Tháp Sát Nhi lập con thứ nhì là Đô Nhĩ Kha lên kế vị. Tân quân sai ngựa trạm báo tin cho Đô Ngột Nhi biết. Đô Ngột Nhi để quân ở Đồng quan dẫn nhóm vệ sĩ trở về Thẩm dương chịu tang. Trung Thành vương ban lệnh cho y được vào thành chịu tang, bái yết tân quân, nhưng không được mang theo tùy tùng. Y chống lại. Đám tướng sĩ của y giao chiến với Thị vệ. Bị đánh bật khỏi thành, y ra lệnh cho kị binh đang ở Đồng quan về đánh Thẩm dương. Y cáo với các quan rằng di chiếu nhường ngôi cho Đô Nhĩ Kha là do hoàng hậu Hồng Liên giả tạo. Trung Thành vương đem quân dẹp y. Tướng sĩ một nửa theo Đô Ngột Nhi, một nửa theo Đô Nhĩ Kha. Quân hai bên giao chiến ác liệt trong 5 ngày. Cả hai cùng thiệt hại nặng. Có tin gì thần sẽ báo sau“.
Vương viết chỉ dụ:
“Phải cẩn thận bằng không Hốt Tất Liệt mượn cớ giúp Đô Ngột Nhi, rồi đem quân chiếm Bắc liêu“.
Mấy hôm sau có thư của Đại Hành:
“Có biến cố lớn tại Bắc liêu. Thái tử Đô Ngột Nhi tuân theo lệnh trưng binh của Đại nguyên, đem 5 vạn kị binh tinh nhuệ Mông cổ đi Vân Nam với Thoát Hoan trợ lực cho Mục Tương Ca đánh Ngột A Đa. Khi lên đường 15 ngày, quân tới Đồng quan thì Tháp Sát Nhi băng. Di chúc cho con thứ là Đô Nhĩ Kha lên kế vị. Đô Ngột Nhi không tin, tuyên bố đó là di chiếu giả do hoàng hậu Hồng Liên tạo ra. Y đem quân trở về tranh ngôi thì Trung Thành vương không cho vào thành. Quân Bắc liêu chia làm 2 đánh lẫn nhau. Tướng sĩ chia 2. Thiệt hại trong 5 ngày đầu rất trầm trọng.
Đô Ngột Nhi cầu cứu với Đại nguyên. Hốt Tất Liệt sai Trấn Nam vương Thoát Hoan, Cao Bằng Tiêu mượn dịp này đem quân giúp Đô Ngột Nhi rồi chiếm Bắc liêu luôn. Thần đã báo tin cho Địa Lô biết. Hốt Tất Liệt ban mật chỉ cho Thoát Hoan, Cao Bằng Tiêu: Thủng thẳng tiến quân, để Đô Ngột Nhi đi trước. Khi y đánh được thành nào thì trấn đóng. Đô Ngột Nhi ngu xuẩn, dùng toàn lực giao chiến. Sang ngày thứ 20 thì 5 vạn quân của y bị chết phân nửa. Mà quân của Đô Nhĩ Kha cũng bị hao hụt trầm trọng. Bấy giờ Cao Bằng Tiêu mới ra quân. Tuy vậy Bắc liêu vẫn còn quân ở các trấn kéo về. Thêm tài dùng binh của Địa Lô, Đô Nhĩ Kha thắng lớn. Thoát Hoan, Cao Bằng Tiêu bị bại phải rút về Khai bình.
Một tin đáng chú ý: ngay từ khi Thoát Hoan tiếp kiến tên Đô Ngột Nhi. Y say mê Ngọc Trí đến không còn biết đường ra lối vào. Ngọc Trí nhân danh Thái tử phi, ban cho y ăn uống nhiều lần.
Nguyên triều nghị: nên nhân dịp này dùng đại quân chiếm Bắc Liêu, tránh mối lo về mai hậu. Hốt Tất Liệt quyết định dĩ độc trị độc là dùng những đạo binh của A Lý Bất Ca, Lý Đảm đầu hàng đánh Bắc liêu. Y mong cho cả quân đầu hàng, quân Liêu đều chết. Y sai Thoát Hoan, A Lý Hải Nha đem 5 vạn phu của của Lý Đảm đầu hàng cùng ba vạn phu của các hãn A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh, Kim Đại Hòa từ Mông cổ đánh vào phía sau quân của Đô Nhĩ Kha. Thần đã báo cho Địa Lô biết mưu thâm độc này. Đia Lô sai sứ báo cho vợ của ba tướng là Ngọc Hạ, Ngọc Tiên, Ngọc Trị biết rằng, nếu đem quân đánh Bắc liêu, quân sẽ chết hết. Hốt Tất Liệt cũng giết ba tướng để trừ hậu hoạn. Vậy chi bằng trở giáo đánh Nguyên, hy vọng sống.
Đang đêm cả ba tướng đem quân đánh tan ba vạn phu người Hán nguyên là hàng binh của Lý Đảm. Sau đó ba tướng đem quân về Hoa lâm.
Hiện quân của Thoát Hoan, A Lý Hải Nha, Đô Ngột Nhi đang chong mặt đánh nhau với Đô Nhĩ Kha, Trung Thành vương. Chiến cuộc có lẽ kéo dài. Vì quân của Nguyên đông gấp đôi, nhưng là quân tân mộ, trong khi quân của Bắc liêu tuy ít nhưng là kị binh gốc Mông cổ thiện chiến“.
Hành Sơn vương ban lệnh cho Địa Lô:
“ Nếu Thoát Hoan, A Lý Hải Nha bại trận thì Hốt Tất Liệt sẽ thân chinh. Cần đánh cầm chừng. Trường hợp Hốt Tất Liệt thân chinh, y sẽ vét hết quân các nơi về quyết chiến, Đại đô bỏ trống. Bắc Liêu quân ít, thế cô, không phải là đối thủ của Đại nguyên, cần hợp binh với Hoài Đô đánh úp Đại đô. Cái thế của Bắc liêu không cần thắng, mà cần kéo dài cuộc chiến, để tiêu hao lực lượng của Bắc liêu, Đại nguyên, mục đích không cho Đại nguyên đem quân của Bắc liêu cứu Vân nam, Tây tạng.
Ta hợp quân của Hoài Đô, Vũ Cao San, Trần Mạnh Quốc và bọn A Mít Lỗ Tề đánh Đại đô.
Đã gửi thư cho Vũ Cao San, Trần Mạnh Quốc, để hai người này đem hai vạn kị binh thống thuộc chuẩn bị sẵn, nếu Hốt Tất Liệt thân chinh, thì thình lình kéo về giúp Hoài Đô đánh chiếm Khai bình. Còn Địa Lô phải khuyên Trung Thành vương sau khi đánh Khai bình thì hợp với Hoài Đô, Vũ Cao San, Trần Mạnh Quốc đánh úp Đại đô“.
Giữa lúc những tin tức không hay dồn dập gửi về thì có Tuyên thái phi dẫn công chúa An Tư cùng sứ giả từ Đại Việt sang báo hung tin: Thượng hoàng băng hà. Hành Sơn vương chết lặng đi một lúc rồi mới hỏi thăm chi tiết. Sứ giả khải:
– Thượng hoàng biết trước ngày người băng hà. Người không muốn dùng chữ băng hà mà muốn dùng từ viên tịch. Người có để di chúc lại cho vương gia và vương phi.
Hành Sơn vương, vương phi mặc triều phục, quỳ gối quay mặt về nam, rồi mở trục lụa ra đọc. Vương phi nhận ra bút tự của phụ hoàng vẫn mềm mại:
“Tiếc quá, ta ra đi mà chưa được ôm bé Quốc Toản. Ta xem số Tử vi của Quốc Toản, thấy đây là một đấng anh hùng tài trí phi thường hơn cả Duy nhi.
Về việc hai con tổng trấn Trường sa, ta biết trước sau gì thì Tống cũng bị Nguyên chiếm. Đó là mệnh trời nếu các con cố chống trả dù thắng một vài trận rồi, rồi Tống cũng mất, mà số người chết sẽ nhiều lắm.
Ý dân là ý trời, không thể cưỡng lại được. Vậy các con hãy xét xem lòng dân thế nào? Nếu thấy lòng dân thuận theo Nguyên thì bỏ Kinh nam về Đại Việt. Ta không nên phí công vô ích. Tuy nhiên với chính sách hà khắc của Nguyên thì chỉ mấy năm sau dân bất phục triều Nguyên thì bấy giờ con ẩn vào dân, khích động họ cùng cầm vũ khí khôi phục Trung nguyên, không cho Nguyên yên ổn cai trị. Như vậy thì Nguyên có đánh mình, đường tiếp tế luôn bị đe dọa, riết rồi chúng phải nản lòng mà buông cái mộng cai trị mình“.
Vương phi cảm thấy đau quặn trong lòng. Vì trong hơn 30 con dâu, phi được thượng hoàng sủng ái nhất, trọng dụng nhất. Ngày cùng vương lên đường phi đã nghĩ đến lúc người băng hà, mà phi không hiện diện để nhìn long thể lần cuối.
Tuyên thái phi thuật cho vương, vương phi nghe hành trạng của thượng hoàng những ngày cuối rồi kết luận:
– Người ra đi nhẹ nhàng, không mệt mỏi, không đau đớn. Người luôn nhắc đến công trạng của hai con.
Vương phi Ý Ninh ngắm nhìn công chúa An Tư: mới mấy năm mà đã lớn thành một thiếu nữ nhan sắc mặn mà. Phi hỏi:
– Em đã luyện võ tới đâu rồi?
– Sư phụ dốc túi truyền cho em tất cả những gì người có. Còn về văn thì các Kinh diên quan thay nhau dậy em.
Tuyên Thái phi nói:
– An Tư cực thông minh. Sách nào cũng chỉ liếc qua là hiểu hết lẽ uyên thâm. Em nói được tiếng Mông cổ, tiếng Hán và cả tiếng Chàm.
Quốc Toản đã 8 tuổi. Bắt đầu từ năm 5 tuổi, Hầu được thụ hưởng một chương trình giáo dục cực kỳ nghiêm khắc. Bẩm tính thông minh, không thích chạy nhảy nô đùa như các bạn cùng lứa tuổi trong thành Trường sa. Ngoài thời gian học ở trường trong trấn, vương phi dạy văn, dạy quốc sử cho con. Vương đích thân luyện võ. Thúy hồng dậy kinh điển nhà Phật.
Suốt từ khi biết nghe, biết nói, Hầu luôn được cha mẹ nhắc đến ông nội, bà nội như những vị phúc thần. Bây giờ Hầu mới được hưởng tình yêu nhân luân bà cháu. Suốt ngày ngoài giờ học, Hầu quanh quẩn bên bà nội, chơi đùa với cô An Tư, các con của Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao Mang và đám bốn con của vị cựu tổng trấn Triệu Phương. So vai vế, Triệu Phương là chú của Hàm Thuần hoàng đế. Khi Phương hoăng, nhà vua phong cho ông tước Kinh Nam đại vương. Ba con trai của ông là Triệu Nhất, Triệu Trung, Triệu Hòa đều được phong hàm Thái bảo, tước Quốc công. Con gái Triệu Ngọc Hoa được phong Tương giang Nhu mẫn công chúa.
Quốc Toản nhỏ tuổi hơn ba anh em họ Triệu, cùng tuổi với Ngọc Hoa. Hai thiếu niên cùng tuổi, cùng học với nhau, thân thiết với nhau ngay từ buổi mới gặp nhau. Ngọc Hoa có cái tự hào cha là Kinh nam vương, cựu tổng trấn, tước công chúa. Quốc Toản có tự kiêu ông nội là thượng hoàng, bố là đại vương đang nắm trọng trách. Cả hai cùng tỏ ra nhường nhịn nhau, vì tự hào gia thế. Có một điều mà bốn anh em họ Triệu không bằng Quốc Toản là võ công Quốc Toản cao thâm hơn nhiều. Bốn anh em họ Triệu luyện võ với gia sư thuộc phái Hoa sơn. Còn Quốc Toản luyện võ với chính cha mình võ công Đông a.
Một lần Hầu được Thúy Hồng giảng về Thiền học. Thúy Hồng nói:
– Thiền học với Thiền công là một. Thiền đặt yếu chỉ từ kinh Kim cương, Lăng già, Bát nhã ba la mật. Thiền công do chính Phật tổ Như Lai tìm ra. Trong thời gian ngồi dưới gốc cây Bồ đề, có không biết bao nhiêu ma chướng, quỷ chướng hiện ra phá phách. Ngài đã dùng Thiền chế chỉ tâm thần, vượt qua, rồi đắc quả Vô thượng chính đẳng chính giác.
– Con nghe bố giảng :
“ Yếu chỉ của Thiền có bốn loại:
– Vô ngã tướng,
– Vô nhân tướng,
– Vô chúng sinh tướng,
– Vô thọ giả tướng.
Vô ngã tướng thiền công tuyệt tích từ khi Bồ tát Minh Không vân du rồi không biết viên tịch bao giờ.“
– Đúng vậy.
Hầu hỏi:
– Con nghe nói khi xử dụng Vô ngã tướng thiền công đấu với ai, thì hút hết công lực của đối thủ. Như vậy có ác quá không?
Thúy Hồng xoa đầu Hầu:
– Vô ngã tướng thiền công thuộc loại thần công tối cao nhà Phật. Nó tổng hợp của Vô nhân tướng của Thiếu-lâm, Tiêu-sơn. Vô chúng sinh tướng của Tây-tạng, Vô thọ giả tướng của Tây-hạ và Đại-lý. Con đừng sợ xử dụng Vô-ngã tướng thần công hút công lực người là ác độc. Con nhớ thần công này vốn xuất phát từ đức Thích-ca Mâu-ni, sau truyền cho Bồ-tát Ma-ha Ca-Diếp thì làm gì có truyện ác độc?
Hầu chợt hiểu ra:
– Con hiểu rồi. Để con nói xem có đúng không nghe. Lỡ có sai, cô đạy dỗ cho. Các loại Thiền-công đều phát xuất từ nhà Phật. Cho nên căn bản là nhân từ, chỉ hóa giải những gì người ta đánh mình.
– Đúng.
– Thiền-công Vô nhân tướng truyền cho Thiếu-lâm ở trong trường hợp này. Nghĩa là người ta đánh mình, mình đỡ.
– Đúng nữa. Thiền công Vô nhân tướng truyền cho Tiêu-sơn không hoàn toàn theo Kinh Kim-cương mà theo Lăng-già, Tịnh-đầu, nên trong cái hóa giải có phần sát thủ. Người ta đánh, mình đỡ. Trong cái đỡ có phần phản kích.
– Đúng hoàn toàn.
– Thiền-công Tiêu-sơn truyền sang phái Đông-a, tổ Trần Tự-Viễn biến đổi đi, dùng cái sức người đánh mình, quay trở lại đánh người, lại thêm vào lực giải ma chướng của kinh Thủ-lăng-nghiêm bao gồm phong lôi, thủy hỏa, vân vũ, nhật nguyệt, thổ mộc. Cho nên sát thủ kinh người, rất khó hóa giải.
– Giỏi. Cháu thông minh thực, nhớ hết những gì bố dạy. Thiền công Vô chúng sinh tướng hơi giống Thiền công Vô nhân tướng. Có điều nó phức tạp hơn. Vô nhân tướng thì lực phát ra đơn thuần. Tòan thân chỉ có một lực đạo. Còn Vô chúng sinh tướng có thể chia người ra làm nhiều khu khác nhau. Như bị đối phương đánh, vận khí ra vai, chịu đòn, hóa giải lực đối phương. Trong khi tay phải, tay trái cũng có thể phát ra lực đạo khác nhau tấn công, phản kích và hóa giải ngoại lực.
Thúy Hồng ngừng lại hỏi:
– Khi cháu hiểu biết được như vậy là đi vào hạnh đại giác rồi đó. Vậy còn Vô-thọ giả tướng ?
– Thiền công vô thọ giả tướng lại khác. Đối thủ đánh mình, cơ thể mình thu nhận chân khí vào người, rồi truyền xuống đất, làm biến đi. Hoặc giả người này đánh mình. Mình chuyển lực đó sang giúp người khác, hoặc đánh người khác.
– Đúng như thế. Thiền-công Vô ngã tướng bao gồm uy lực của cả ba lọai trên. Nó có thể hóa giải lực đạo đối phương đánh. Nó cũng có thể chia người thành nhiều lực khác nhau. Chỗ hóa giải, chỗ phản công, chỗ nghinh lực, chân tay chia thành nhiều lực đạo khác nhau. Mình cũng có thể thu nhậân chân khí đối thủ vào cơ thể chuyển ngược lại đánh đối thủ. Chuyển sang giúp người khác và chuyển xuống đất.
Thúy Hồng lắc đầu cười:
– Như vậy Thiền công vô ngã tướng đâu có đáng kể là hung ác? Cái hung ác là khi đối thủ đánh mình. Bao nhiêu lực đánh ra mình thu vào người hết làm của mình. Nó nhân từ ở chỗ đối thủ đánh mình mới bị mất. Còn không đánh mình lại không sao. Lực đối thủ đánh mình, mình thu mất, người đối thủ trở thành trống rỗng, tê liệt, phải tập luyện ít nhất nửa tháng mới phục hồi được.
Việc tang lễ xong, thì có sứ giả của triều Tống tới báo hung tin: Hàm Thuần hoàng đế băng hà, miếu hiệu là Độ tông. Thái tử Triệu Hiển lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Đức Hựu. Lại một cái tang nữa. (1274)
Tại Thẩm dương, Trung Thành vương họp với Thái hậu Hồng Liên, Địa Lô. Trung Thành vương bàn:
– Vùng đất Bắc Liêu này rất phức tạp. Trước đây là sắc dân Khiết đan. Khiết đánh đánh Tống chiếm Yên kinh, di dân vào Hoa Bắc lập ra nước Liêu. Sau một bộ tộc khác hùng mạnh đánh chiếm Liêu lập ra triều Kim. Kim cũng di dân vào Hoa Bắc. Vùng này hỗn hợp đủ các sắc dân Liêu, Kim, Hán, Thát đát. Gần đây Mông cổ diệt Kim, lập ra vùng Bắc liêu, phong cho Tháp Sát Nhi làm vua. Cho nên dân chúng không có một giòng nào được coi là chính thống cả. Có điều dân vùng này vốn hung hãn, giởi cỡi ngựa bắn cung, thích chém giết. Thực là vùng nguy hiểm cho Đại nguyên. Cho nên bằng mọi cách Hốt Tất Liệt phải chiếm cho được, bằng không thì Đại đô luôn bị đe dọa. Bây giờ lực lượng Bắc liêu chia làm hai chém giết nhau. Hốt Tất Liệt giúp Đô Ngột Nhi để có cớ chiếm Bắc liêu. Vậy ta cần phá cái chính nghĩa của y.
Ông hỏi Đia Lô:
– Mình cần một kế giết tên Đô Ngột Nhi mới yên.
Địa Lô tự tin:
– Phục binh giết y rất khó. Cháu sẽ đánh thuốc độc cho y chết rồi vu rằng Hốt Tất Liệt giết y để chiếm quân, chiếm nước.
Hồng Liên mỉm cười không nói gì. Trong khi Trung Thành vương ngơ ngác không hiểu:
– Làm thế nào mà được như vậy?
Hồng Liên nhỏ nhẹ:
– Bố ơi! Hiện hoàng tử Thoát Hoan là đại diện Hốt Tất Liệt trấn tại Khai bình. Ngay từ hôm hoàng tử tiếp kiến tên dâm tặc Đô Ngột Nhi đầu tiên, y đã mê mệt Ngọc Trí. Ta nhờ Ngọc Trí tìm cách bỏ thuốc độc vào rượu của tên Đô Ngột Nhi. Như vậy y sẽ toi mạng ngay.
Có sứ của Hoài Đô tới. Sứ họp với Địa Lô, Trung Thành vương bàn kế đánh úp Đại đô, Khai bình. Khu mật viện Bắc liêu trình tình hình địch:
– Hồi A Lan Đáp Nhi đánh với Liêm Hy Hiến, cả hai bên đều chọn vùng đồng bằng dàn quân. Nên trận đánh khủng khiếp. Hiện nay tại Khai bình Thoát Hoan, A Lý Hải Nha, Đô Ngột Nhi có 5 Vạn phu của Bắc Liêu, đóng chung với 5 vạn kị binh tân lập người Hán. Tổng cộng địch có 10 vạn quân đóng làm hai khu.
– Kế tiếp 5 vạn phu hàng binh của Lý Đảm đóng ngay trong Trương gia khẩu do Lý Hằng chỉ huy.
– Từ Trương gia khẩu về Đại đô, Nguyên còn 5 vạn nữa do Ô Mã Nhi chỉ huy. Đại đô chỉ có Thị vệ, Cấm quân, không có kị binh.
Địa Lô hỏi:
– Vậy chúng ta đánh như thế nào?
Vương ngừng lại, rồi tiếp:
– Tôi tình nguyện đánh Khai bình. Tôi sẽ chỉ huy 5 vạn kị binh gốc Kim, thiện chiến, thình lình cướp trại kị binh Hán tân lập. Tôi sẽ có cách biến 5 vạn kị binh Bắc liêu của Đô Ngột Nhi hoặc án binh bất động, hoặc hợp với ta đánh trại Nguyên.
Vương tiếp:
– Về đạo quân của Lý Hằng trấn tại Trương gia khẩu. Xin Đại hãn Hoài Đô cho hai Hãn Vũ Cao San, Trần Mạnh Quốc đang đêm xua quân cướp trại. Rồi cho hai cánh quân của A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh thình lình xuất hiện đánh vào hông chúng.
Vương chỉ lên tấm lụa vẽ bản đồ:
– Sau khi đánh Khai bình, Trương gia khẩu, chúng ta hợp hai đạo quân làm một tiến về Bôi lôi. Ô mã Nhi là tướng tài, nhưng quân của y không thiện chiến. Chúng ta phá y không khó.
Vương nói với sứ giả của Hoài Đô:
– Đại hãn đem quân vượt Trường thành, theo đường Sơn Tây đánh úp Đại đô. Vì Đại đô không còn quân. Sẽ có Địa Lô, cùng đạo binh của Kim Đại Hòa tiếp viện.
– Hoàng đế Bắc Liêu Đô Nhĩ Kha trấn Thẩm dương.
Tại Khai bình, sau khi Đô Ngột Nhi dự tiệc tại lều của hoàng tử Thoát Hoan trở về, thì trong đêm lên cơn sốt, đau bụng dữ dội rồi chết. Ai cũng cho rằng y bị cảm mạo nhập lý, đưa đến tử vong. Nhưng Ngự y không chịu, cãi rằng: Thái tử Đô Ngột Nhi bị trúng độc, vì thất khiếu đều ứa máu ra *. Tin lan rất mau trong quân rằng Thái tử bị đầu độc. Trấn Nam vương Thoát Hoan nổi giận, gọi Ngự y tới mắng rằng:
– Ta đãi tiệc Đô Ngột Nhi. Ta ăn gì, y cũng ăn như ta. Nếu bảo rằng y bị đầu độc thì sao ta không bị? Trong tiệc còn có thái tử phi Ngọc Trí, thừa tướng hành Trung thư tỉnh với phu nhân. Tại sao không ai bị trúng độc?
Ngự y tâu:
– Khải vương gia có thể Đô Ngột Nhi bị trúng độc từ trước khi dự tiệc. Cũng có thể bị sau khi dự tiệc.
Chú giải:
Thất khiếu, 7 lỗ: hai mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai và miệng.
Năm vạn phu kị binh thiện chiến nhất của Bắc liêu, được chỉ huy bởi năm Vạn phu trưởng rất trung thành với Tháp Sát Nhi. Tháp Sát Nhi là con của Tê Mô Gu, em ruột Thành Cát Tư Hãn. Hồi Thành Cát Tư Hãn chưa thành lập nước Mông cổ, Tê Mô Gu được trao cho làm Đại hãn một vùng nằm trên bờ sông Long lý hà. Cho nên các vạn phu trưởng của Tháp Sát Nhi hầu hết xuất thân từ hãn địa này. Họ với Tháp Sát Nhi có thâm tình từ ba đời. Họ được lệnh đặt dưới quyền Trấn nam vương Thoát Hoan, đem bản bộ quân mã theo Đô Ngột Nhi đi Vân nam giúp Mục Tương Ca, đánh đám quân còn trung thành với A Lý Bất Ca đã là điều họ không muốn. Bây giờ đang đi giữa đường họ được báo Tháp Sát Nhi băng, Đô Ngột Nhi truyền họ trở về tranh ngôi với em. Họ càng không muốn. Vì mỗi kị mã của họ đều là một chiến sĩ thiện chiến mà phải chết trong cuộc nội chiến thì thực uổng phí. Qua mấy ngày giao chiến, năm vạn phu của họ còn không quá hai vạn. Họ được biết Đô Ngột Nhi quy phục Hốt Tất Liệt. Mà Hốt Tất Liệt làm vua Trung nguyên, coi Mông cổ như một thuộc quốc. Bây giờ họ biết rõ Đô Ngột Nhi bị đánh thuốc độc. Họ họp nhau để làm một cái gì cho hả cái đau khổ này?
Giữa lúc đó có một thái giám hầu cận Đô Ngột Nhi xin cầu kiến. Viên Thái giám nói:
– Trung Thành vương, Đô Nhĩ Kha đang tiến quân về đánh Đại đô, giết Hốt Tất Liệt để trả thù cho thái tử Đô Ngột Nhi. Xin 5 vị cùng ứng nghĩa.
– Liệu đánh úp có thành công không? Chúng ta đang chong mặt đánh với Đô Nhĩ Kha, bây giờ đánh với Nguyên, hóa ra lưỡng đầu thọ địch sao?
– Các vị yên tâm, tôi là đặc sứ của tân quân Đô Nhĩ Kha đây. Các vị hãy cùng nhà vua đánh Nguyên, để lập công, thì không những được tha tội, mà còn được thăng thưởng nữa. Đêm mai, 5 vạn Kị binh gốc Kim do Trung Thành vương chỉ huy sẽ đánh úp trại quân này. Vậy ba tướng quân hãy án binh bất động, hoặc cùng vương đánh quân Nguyên.
– Chúng tôi sẽ đánh quân Nguyên.
– Các vị phải cho binh tướng biết trước kế hoạch để tránh ngộ nhận.
– Được rồi.
Tên thái giám lập tức rời khỏi doanh trại.
Tại Tòa tổng trấn Trường sa, vào một buổi trưa, Cao Mang trình cho Hành Sơn vương một ống đựng thư. Thư của Đại Hành:
“ Khải vương gia,
Kế hoah đánh úp Khai bình, Đại đô của Đại hãn Hoài Đô bị thất bại. Lý do: bị nội phản. Hiện không biết Trung Thành vương, Địa Lô, Hồng Liên ra sao.
Theo kế hoạch, Trung Thành vương thống lĩnh 5 vạn kị binh gốc Kim tấn công vào phía Đông Khai bình, nơi đóng 5 vạn tân quân của Thoát Hoan, A Lý Hải Nha. Phía Tây là nơi đóng quân của 5 vạn quân của Đô Ngột Nhi. Buổi trưa, Đô Ngột Nhi được vương phi Thoát Hoan là Ngọc Trí mời đến dinh ăn tiệc.
Sau khi ăn xong Đô Ngột Nhi về trại mình thì bị đau bụng, rồi chết. Các tướng Bắc liêu theo Đô Ngột Nhi cho rằng chúa mình bị Thoát Hoan đánh thuốc độc. Họ bàn nhau quay về với Đô Nhĩ Kha. Giữa lúc đó mật sứ của Đô Nhĩ Kha xuất hiện, thuyết phục, đêm nay khi quân của Đô Nhĩ Kha đánh Khai bình thì làm nội ứng. Họ nhận lời. Nhưng đúng lúc đó, vợ của Đo Ngột Nhi sai sứ từ Thẩm dương tới báo cho 5 tướng rằng không phải Thoát Hoan đánh thuốc độc giết Đô Ngột Nhi mà do người của Đô Nhĩ Kha. Vậy thay vì các tướng làm nội ứng cho Đô Nhĩ Kha, thì âm thầm kéo quân về đánh úp Thẩm dương. Vì quân của Đô Nhĩ Kha đã kéo đi hết, thành Thẩm dương không còn quân. Vì vậy trong khi Trung Thành vương kéo quân về đánh Khai bình, thì 5 vạn phu của Đô Nhĩ Kha đi đường tắt về đánh Thẩm dương. Thẩm dương bị chiếm. Đô Nhĩ Kha cùng triều đình bị bắt. Họ tôn đứa con trai mới 5 tuổi của Đô Ngột Nhi lên ngôi vua, vợ của Đô Ngột Nhi phụ chính.
Về phía Trung Thành vương, khi quân tới Khai bình thì được tin Thẩm dương thất thủ. Vương vội kéo quân về cứu thì phía sau quân của A Lý Hải Nha, Thoát Hoan đuổi theo. Thế là phía trước thì không vào Thẩm dương được. Phía sau bị Thoát Hoan tấn công. Vương cho hạ trại giữa đường. Vợ của Đô Ngột Nhi sai sứ ra ngoài thành xin đầu hàng Thoát Hoan. Thoát Hoan hứa để cho con Đô Ngột Nhi được tồn tại. Triều đình Bắc liêu mới chiêu hàng 5 vạn phu trưởng theo Trung Thành vương. Họ đầu hàng, vì vợ con của họ đều ở trong thành Thẩm dương.
Trung Thành vương thấy nguy, đang đêm cùng mấy vệ sĩ bỏ trốn. Chưa có tin tức gì.
Về hai đạo quân của Vũ Cao San , Trần Mạnh Quốc, đang tiến tới Trương gia khẩu, thì được tin đạo quân của Trung Thành vương thất bại. Hai người dừng quân lại, rồi rút về Hoa lâm.
Đạo quân của Đại hãn Hoài Đô với Địa Lô đang trên đường từ Sơn tây tiến về Đại đô thì được tin báo hai đạo quân của Trung Thành vương, Vũ Cao San thất bại, biết đại sự đã hỏng, phải rút quân về Hoa lâm.
Thế là toàn bộ lãnh thổ Bắc liêu đã thuộc về Đại nguyên. Tuy nhiên sau những trận đánh, những vạn phu thiện chiến tơi tả hết, không còn khả năng tham chiến.
Triều đình Nguyên ăn mừng, vì đã gỡ xong hai cái ách Lý Đảm và Bắc liêu. Hốt Tất Liệt thừa thắng dồn quân đánh Tống.
Có tin gì thần sẽ báo sau“.
Suốt hơn nửa năm không có tin tức gì từ Lâm an, Hành Sơn vương sai Cao Mang, Kha Li Đa đi sứ về Lâm an báo cho triều Tống biết tình hình, lại sai chim ưng mang thư về Đại việt tâu lên triều đình. Hơn tháng sau, Cao Mang trở lại báo cho vương biết:
Quân Nguyên vượt sông, đánh chiếm lại 10 châu, 144 thành mà hồi trước họ trả cho Tống. Với chính sách dùng người Hán của Đại nguyên, họ chiêu hàng các quan văn võ của Tống dễ dàng. Họ đi đến đâu, quan quân Tống mở cửa thành đầu hàng. Họ vào thành, kiểm điểm kho tàng, rồi thăng tất cả các quan văn võ lên một cấp, cho giữ nguyên chức tước cũ, ruộng đất, tài sản được giữ nguyên. Họ lại sai bọn mới đầu hàng đi chiêu hàng các thành lân cận.
Tương dương, Phàn thành bị bao vây. Quân thủ thành cương quyết giữ chắc. Đại nguyên sai tướng đi chiếm tất cả các vùng, các đồn trại quanh hai thành này. Triều đình Tống sai tướng tài ba nhất là đại tướng Phạm Văn Hổ , đem 2 nghìn chiến thuyền với 5 vạn thủy quân cứu Tương dương. A Truật, Lưu Chỉnh đem các chiến thuyền mới đóng cùng thủy quân nghênh chiến. Hai bên giao chiến tại Quán tử than, suốt 10 ngày đêm. Tống bị bại. Phạm Văn Hổ phải rút binh.
Phạm Văn Hổ lui binh, chỉnh đốn lực lượng, rồi nửa năm sau lại đem quân giải vây Tương dương. Một lần nữa Phạm Văn Hổ bị bại. Y đang sợ triều đình bắt tội, thì Hốt Tất Liệt sai người đến chiêu hàng. Phạm Văn Hổ đem toàn bộ chu sư, thủy quân hàng Nguyên. Y được Hốt Tất Liệt tiếp kiến, được phong tước hầu, được trao cho chức Đại đô đốc thống lĩnh thủy quân vùng Giang hán.
Tướng thủy quân Tương dương của Tống là Trương Quý chống trả tuyệt vọng. Hốt Tất Liệt sai Lưu Chỉnh chiêu hàng. Lưu Chỉnh là tướng của Tống đầu hàng, từng là thượng cấp của Lưu Quý. Lưu Quý đầu hàng.
Phạm Văn Hổ , Trương Quý tấn công ráo riết, quân trong Phàn thành hết lương phải đầu hàng. Phàn thành mất, Tương dương bị cô lập. Hốt Tất Liệt sai A Lý Hải Nha cầm quân công phá Tương dương. Tướng trấn thủ là Lữ Văn Hoán đầu hàng.
Khi quân Nguyên tiến đánh Hán khẩu, thì đại tướng tài của Nguyên là Sử Cách, bị tướng Tống là Trình Bằng Phi đánh bại. Hốt Tất Liệt phải thân chinh. Sau hai trận Nguyên, Tống ngang sức. Hốt Tất Liệt sai sứ chiêu hàng. Trình Bằng Phi đem toàn bộ binh tướng dầu hàng. Y được phong tước công, lĩnh chức Bình nam đại tướng quân.
Hiện Nguyên chia làm ba mũi đánh Lâm an. Triều Tống bối rối vô cùng.“
Hành Sơn vương kinh hoảng:
– Như vậy Tống nguy mất rồi. Nếu như Lâm an thất thủ, thì vùng Trường sa này trở thành một đảo cô lập. Tại sao triều đình không gọi chúng ta về tiếp viện?
Cao Mang đáp:
– Nhiều người đưa ý kiến thỉnh vương gia về cứu mặt trận phía đông. Nhưng Khu mật viện can rằng: Trường sa phải đối diện với 20 vạn bộ binh, 10 vạn thủy binh bên bờ bắc của Trường giang. Nếu như triệu vương gia mang quân về thì Nguyên đổ quân sang chiếm Trường sa, rồi xuôi giòng Tương giang, thì Lâm an nguy ngay.
Vương gọi Yết Kiêu, Vương Chân Phương:
– Hai cháu lên đường về Lâm an khẩn cấp. Đem theo chim ưng, bất cứ biến chuyển gì của Tống, Nguyên, báo về đây ngay.
Yết Kiêu, Vương Chân Phương lên đường được ba ngày thì thủy quân báo:
– Có một sứ đoàn của hoàng đế Chí Nguyên đi thuyền sang sông xin cầu kiến.
– Sứ đòan bao nhiêu người?
– Chánh, phó sứ là phụ nữ. Còn người trong hoàng tộc là con thứ chín của Chí Nguyên, lĩnh ấn Trấn nam vương Thoát Hoan. Tổng cộng 45 người.
Vương phi Ý Ninh ban chỉ:
– Dù nói cách nào thì Thoát Hoan cũng là tước vương của Đại nguyên. Mình phải dùng lễ tiếp đón.
Vương sai dàn một vệ Ngưu binh, một vệ Đại đởm, rồi dẫn vương phi Ý Ninh, Dã Tượng, Thúy Hồng, bốn tướng Lý Long Đại , Vũ Trang Hồng ,Trần Long Nhất, Phạm Trang Tiên, ra đón.
Thoáng thấy sứ đoàn, vương phi giật mình, vì chánh sứ là Bạch Liên, phó sứ là Hồng Nga. Phi dặn mọi người:
– Mình phải cẩn thận, vì bọn tùy tùng Nguyên đều biết nói tiếng Việt. Ta dùng tiếng Hán vùng Lâm an.
Tiếp dẫn sứ Việt nói tiếng Hán:
– Thưa chư vị sứ đoàn, đây là Hành Sơn đại vương Trần Nhật Duy, tổng trấn Tương giang hồ Động đình. Đây là vương phi Ý Ninh. Đây là hai đại tướng Phùng Tập, Trần Quốc Kinh và đây là bốn Ngưu tướng.
Tiếp dẫn sứ Nguyên chỉ Bạch Liên:
– Chánh sứ chúng tôi là Nguyên phi của hoàng đế Chí Nguyên. Phó sứ là phu nhân của Phiêu kị đại tướng quân A Truật. Còn đây là Trấn nam vương Thoát Hoan.
Từ khi bảy nàng Tô Lịch lên đường, đến nay thấm thoát gần 20 năm, bây giờ vương mới gặp lại Bạch Liên và Hồng Nga. Thấy nhan sắc hai người vẫn tươi thắm, phong thái nhẹ nhàng. Vương hỏi Hồng Nga:
– Thế nào từ ngày Hồng Nga vâng chỉ hoàng đế kết hôn với đại tướng quân A Truật, có hạnh phúc không?
Hồng Nga cúi đầu xá:
– Nhờ vương gia, vương phi tác thành cho chúng tôi thành duyên giai ngẫu. Dù hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn không quên ơn hai vị.
Khi sứ đoàn duyệt qua đội Ngưu binh, Thoát Hoan hỏi bằng tiếng Việt:
– Thưa đại vương, phải chăng đây là đội Ngưu binh, lừng danh trong trận đánh Bồ lăng?
Phạm Trang Tiên đáp bằng tiếng Mông cổ:
– Thưa Thái tử đúng thế.
Nói rồi nang bóp miệng hú lên một tiếng, cả 80 con trâu cùng cất cao hai chân trước giống như hành lễ, gật đầu chào. Nàng lại hú một tiếng nữa cả 80 con trâu cùng lùi lại sau bốn bước. Thoát Hoan than:
– Với đội Ngưu binh này thì hèn gì Ngột Lương Hợp Thai, Hoài Đô, A Truật không bị thất bại tại Đại việt, rồi Xích Nhân Thiết Mộc Nhi bị thất bại ở Bồ lăng.
Vào đại sảnh đường, phân ngôi chủ khách, vương phi Ý Ninh hỏi Thoát Hoan:
– Không biết có việc gì mà đại giá Thái tử tới đây?
Thoát Hoan là hoàng tử, nhưng y đang muốn kèn cựa với Chân Kim, đoạt ngôi thái tử. Bây giờ y được vương phi Ý Ninh gọi là Thái tử. Y mừng chi siết kể:
– Chánh sứ là A Di của tôi. Xin A Di trả lời vương phi đi.
Bạch Liên nháy mắt một cái rồi nói bằng tiếng Hán vùng Yên Kinh:
– Khải vương gia, vương phi, Đại nguyên đã chinh phục hầu hết các nước đưới gầm trời này. Hoàng đế Chí Nguyên coi dân Mông cổ, dân Hán, dân Tây vực, dân Việt đều như nhau. Chính vì vậy mà hầu hết tướng sĩ Tống theo gió quy hàng. Nay Tống như ngọn đèn trước gió, mệnh trời không còn chỗ cho con cháu họ Triệu. Quân Nguyên đang siết vòng vây Lâm an. Lãnh thổ Tống chỉ còn khu Kinh hồ mà thôi. Hoàng đế Chí Nguyên từng nghe nói về tài dùng binh, về võ công của vương gia, vương phi hồi đánh Ngột Lương Hợp Thai. Gần đây Hiến tông hoàng đế đánh vào Thục. Triều Tống bị diệt có thể đã trông thấy rõ, rồi vương gia, vương phi đem quân trợ Tống, khiến Mông cổ bị phá, Mông Ca tử trận. Chính vì thế mà hoàng thượng cũng như Nguyên triều vì yêu vì tài, kính vì đức, nên không đem quân vượt sông sang đánh Trường sa.
Phi ngừng lại nhìn Thoát Hoan. Thoát Hoan tiếp lời:
– Phụ hoàng yêu tài, trọng đức vương gia, vương phi mà phái Nguyên phi sang mời nhị vị về với Nguyên. Phụ hoàng hứa 4 điều.
Vương phi Ý Ninh mỉm cười:
– Xin Thái tử nói rõ 4 điều đó ra sao?
– Nếu vương gia quy phục Nguyên triều, phụ hoàng sẽ phong cho vương gia tước Kinh Nam vương. Một giải phía nam Trường giang gồm Hồ Nam, Lưỡng quảng vĩnh viễn là lãnh thổ của vương. Vương sẽ là vị hoàng đế như hoàng đế Đại việt. Đây là vùng đất linh của tộc Việt, xưa kia triều Lĩnh nam, triều Lý đều mất biết bao tâm huyết, mà không đòi lại được.
Hành Sơn vương gật đầu:
– Đa tạ hoàng đế Chí Nguyên. Không cần hoàng thượng phong, Tống đã trao vùng đất này cho Đại việt từ gần mười năm rồi. Điều này hoàng thượng hứa cũng như không. Còn điều thứ nhì?
– Quân đội của Kinh nam là quân đội của vương. Triều đình vẫn để nguyên cho vương thống lĩnh.
– Đa tạ hoàng thượng. Quân ở Kinh nam này, là quân của mỗ tuyển mộ đào tạo, thì vẫn là của mỗ, đâu cần Đại nguyên ban cho? Điều này lại càng không thuận tai tý nào cả. Thế còn điều thứ ba?
– Nếu như vương gia muốn, vương gia có thể đem quân đánh sang Đông, chiếm thêm đất của Tống, nhập vào lãnh địa của vương gia. Kinh nam vương sẽ là một hoàng đế của toàn bộ phía nam Hoa hạ.
Hành Sơn vương trả lời bằng giọng lạnh như băng:
– Tống triều trọng đãi mỗ, trao vùng đất linh của tộc Việt cho mỗ. Mỗ thâm cảm ơn đó. Nay Tống gặp cái ách Thát đát, mỗ không thể nhân người đang gặp nguy mà nổi lòng tham cướp đất của người. Điều này mỗ không thể làm. Ngược lại nếu Tống triều lâm nguy mỗ sẽ xả thân cứu viện. Thế còn điều thứ tư?
– Vương gia gốc là con trưởng của vua An nam. Tài trí vương gia bỏ xa anh em. Đúng ra vương gia phải được truyền ngôi vua. Chỉ vì vương gia là con thứ thiếp, mà bị đầy ra trấn thủ Bắc cương, bị gửi đi làm con tin, rồi bị đưa sang đây chịu chết cho Tống. Nếu vương gia muốn, phụ hoàng có thể phong cho vương gia luôn vùng đất An Nam, và cả Chiêm thành. Hai vùng này thuộc quyền quản chế của vương gia.
– Cái điều mà thái tử nói muốn chia rẽ tình huyết tộc trong anh em chúng tôi e vô ích. Phụ hoàng là người nhà Phật, tâm trong sáng vô cùng. Người đã thể theo lẽ chính thống nho gia mà truyền ngôi cho tam đệ. Còn tôi? Người tin tưởng vào tôi mà trao cho trấn nhậm Bắc cương, vì vậy mới có cuộc long tranh hổ đấu với Ngột Lương Hợp Thai, Hoài Đô, A Truật. Còn việc tôi đi làm con tin là do tôi tình nguyện. Cuộc Bắc viện cũng thế. Còn bảo tôi lên đây chịu chết thay cho Tống là nói lấy được. Vùng này nguyên là đất linh của tộc Việt. Tống triều từng phong cho tổ của tôi làm Kinh nam vương. Bây giờ trao trả cho tộc Việt, nên phụ hoàng sai tôi lên trấn nhậm. Đây là lãnh thổ Đại việt, nếu như thái tử muốn thương lượng đầu hàng thì xin đến Thăng long thuyết phục với Đại việt hoàng đế.
Vương phi Ý Ninh hỏi:
– Thái tử nói mời chúng tôi về với Nguyên, vậy nếu chúng tôi quy phục Nguyên, chúng tôi phải làm gì?
– Mấy trăm nước quy phục Nguyên triều đều phải tuân theo 6 điều.
Thúy Hồng đọc được ý nghĩ của Thoát Hoan, công chúa nói:
– Có phải 6 điều là:
Một là đích thân quốc vương phải vào chầu,
Hai là đem trưởng nam làm con tin,
Ba là kê biên dân số,
Bốn là phải chịu quân dịch,
Năm là phải nộp thuế, lương thảo.
Sáu là nhận Đạt lỗ hoa xích (Đa gu ra tri) .
Thoát Hoan thấy một thiếu phụ đẹp như Quan Thế Âm bồ tát, nói tiếng Hán vùng Yên kinh nhẹ như gió thổi thì ngạc nhiên:
– Phu nhân! Quả đúng như phu nhân nói. Phụ hoàng còn muốn trao cho vương gia, vương phi cầm đại quyền thống lĩnh binh lực Đại nguyên. Trước kia đức Thái tổ biết tài Tốc Bất Đài mà trao binh quyền cho người. Phong vương cho người. Người ruổi ngựa chinh phục hết các nước phương Tây lập ra Kim trướng. Nay phụ hoàng tìm khắp Đông Tây, kiếm một người như Tốc Bất Đài để chinh phục phương đông.
Thúy Hồng cười rất tươi:
– À thì ra thế. Chí Nguyên hoàng đế hiện ngồi trên đỉnh cao chót vót mà cứ phải thân chinh, nên muốn vương gia đây quy phục, để đem quân đi chém giết người đấy.
– Phụ hoàng xét đi xét lại, cuối cùng tìm ra hai người xứng đáng. Hai người tài trí hơn Tốc Bất Đài đó là Hưng Đạo vương và vương gia. Người tuyên chỉ: nếu trao binh quyền cho vương gia thì chỉ cần một tháng, không còn cái gọi là triều Tống nữa. Người thống mạ triều Tống rằng nếu họ biết dùng vương gia, trao trao binh quyền cho vương gia thì bọn A Truật, Lưu Chỉnh, Ba Nan, A Lý Hải Nha đẽ bị đánh bật về bắc ngạn Trường giang ngay.
Vương phi Ý Ninh cười:
– Đa tạ hoàng thượng đã coi trọng trượng phu tôi. Tôi xin trở lại 6 điều mà Nguyên triều muốn chúng tôi tuân theo. Sáu điều này Nguyên triều từng đem ra ép hoàng đế Đại Việt, không biết hoàng đế có tuân theo không?
Nguyên phi Bạch Liên lắc đầu:
– Không những Đại việt hoàng đế chối tuốt tuột tuồn tuốt, mà cả triều đình đều chối. Lại còn làm trái ngược nữa.
Dã Tượng (giả tảng) hỏi:
– Tâu phi! Đại việt đâu có chối tuốt tuột tuồn tuốt cả 6 điều?
– Tôi biết. Này nhé điều một là đích thân quốc vương vào chầu thì hoàng đế chối thẳng, vì hoàng đế Đại việt nghĩ mình là con rồng, cháu tiên, thân thể cao quý, không thể cúi đầu quỳ gối trước bất cứ ai! Sứ đi, sứ về có hàng chục lần mà vua Đại việt vẫn không chịu vào chầu. Còn điều thứ nhì là đem trưởng nam làm con tin, thì Đại việt có tuân, nên đã gửi vương gia tới Đại đô. Nhưng rồi vương phi hóa phép khiến đại vương Tháp Sát Nhi cho vương gia về để đem quân đánh phía sau Tống. Thay vì đánh Tống, vương gia đem quân trợ Tống. Vì vậy Mông cổ đại bại, và Đại hãn Mông Ca tuẫn quốc.
Phi chỉ vào Dã Tượng:
– Dường như vị tướng quân khổng lồ này đã ném đá sát hại Đại hãn Mông Ca thì phải?
Dã Tượng là người chân chất, hầu khẳng khái:
– Tâu phi! Đúng thế. Chính tôi là người chỉ huy trận phục kích Trường thảo. Chính tôi là người ném hai viên đá giết ác quỷ Mông Ca. Tôi nghĩ, Chí Nguyên hoàng đế phải gửi sang tạ mỗ mười vạn lượng vàng mới phải. Nếu mỗ không ném đá giết Mông Ca thì giờ này Chí Nguyên vẫn là Hốt Tất Liệt lêu bêu ở Hoa lâm, chứ đâu có là một hoàng đế vĩ đại.
Hồng Nga tiếp lời Bạch Liên:
– Điều ba, là biên kê dân số thì có đấy, nhưng sổ biên kê của Đại việt chỉ là một áng văn, không đúng sự thực. Còn điều bốn là chịu binh dịch thì thay vì gửi quân tham chiến đánh Tống, Đại việt gửi vương gia lên đây trấn vùng Kinh hồ. Oai danh của vương gia khiến không một tướng nào của Nguyên dám mang quân vượt sông đánh với vương gia. Điều 5 là phải nộp thuế, cung ứng lương thảo, thì Đại việt đã không nộp, lại còn cung ứng cho Tống năm chục vạn thạch gạo, năm vạn cân cá khô, mực khô! Điều thứ sáu, quả Đại việt có nhận Đạt lỗ hoa xích, nhưng giam lỏng họ như giam tù.
Hành Sơn vương quyết liệt:
– Mỗ là anh của Đại việt hoàng đế, nhưng mỗ tuân theo chỉ dụ của người, trấn nhậm ở Kinh hồ. Đây là lãnh địa Đại việt. Thái tử muốn mỗ tuân theo điều gì xin cứ đến Thăng long. Triều đình ban chỉ sao thì mỗ tuân làm vậy.
Thoát Hoan nói:
– Trong các phi tần của phụ hoàng, người sủng ái, trọng vọng A Di nhất. A Di là người Việt. Vì vậy người cử A Di làm chánh sứ để tỏ ra trọng vọng vương gia. A Di từng đi sứ chiêu hàng hoàng đệ A Lý Bất Ca thành công, mà tránh được cuộc chiến chết đến mấy vạn người. Nay phụ hoàng cũng cử A Di sang đây. Vương gia ơi! Vương gia là người tài trí bậc nhất thời nay, không lẽ vương gia thiếu đức nhân?
Thúy Hồng hỏi:
– Xin thái tử nói rõ hơn?
– Nếu vương gia không quy phục Nguyên thì phụ hoàng phải cử đại binh đánh Trường sa. Võ công vương gia, vương phi cao cường, tài dùng binh như thần, nhưng với bốn hiệu binh ọp ẹp của Tống, vương gia chống lại sao được với 20 vạn kị binh của chúng tôi? Trận chiến này bên Trường sa chết 10 vạn thì bên Nguyên chết ít nhất chết 10 vạn người. Giữa rừng gươm đao dân chúng chết oan biết bao nhiêu mà kể. Mà thưa vương gia, dân Kinh hồ tuy nói tiếng Hán, nhưng gốc họ là người Việt, họ là con cháu của Lạc long quân cả đấy chứ!
Từ đầu đến cuối, công chúa An Tư ngồi sau vương phi Ý Ninh. Công chúa nghe hai bên đối đáp, thấy Thoát Hoan cưỡng từ đoạt ý, công chúa đã tức ứa gan. Bây giờ nghe Thoát Hoan dùng cái gốc Việt của dân Trường sa thuyết phục anh mình. Công chúa lên tiếng:
– Thái tử nói như thế là nói cho sướng miệng. Ngay từ đầu, Nguyên phi chánh sứ đã nói: Hoàng đế Chí Nguyên coi dân Mông cổ, dân Hán, dân Tây vực, dân Việt đều như nhau. Vậy lòng nhân của người đâu mà cứ đẩy quân Nguyên vượt sông lăn mình vào chỗ chết? Còn quân của chúng tôi là quân Việt, giặc ngoài đến thì họ phải hy sinh tính mạng chống trả. Đó là sự bất đắc dĩ vậy! Nếu nói đức nhân thì sao Chí Nguyên không lùi quân về Bắc để trăm họ được thanh bình, mà cứ đem quân chiếm nước người?

ANH HÙNG ĐÔNG-A
Gươm thiêng Hàm tử
Lịch-sử tiểu thuyết
Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ

Quyển V
ANH HÙNG ĐÔNG-A
Gươm thiêng Hàm tử Q5
Lịch sử tiểu thuyết
Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ
Tác giả giữ bản quyền.
Copyright @ Trần Đại-Sỹ
All right reserved.

Cùng một tác giả

Do Nam-á Paris xuất bản, tái bản nhiều lần.
Anh hùng Lĩnh-Nam, 4 tập, 1318 trang.
Động-đình hồ ngoại sử, 3 tập, 880 trang.
Cẩm-khê di hận, 4 tập, 1305 trang,1992.
Do Thư viện Việt-Nam và Xuân-thu Hoa-kỳ ấn-hành. Viện Pháp-á Paris (Institut Franco-Asiatique) tái bản:
Anh hùng Tiêu-sơn, 3 tập, 1120 trang,
Thuận-Thiên di sử, 3 tập, 1080 trang,
Anh-hùng Bắc-cương, 4 tập, 1556 trang,
Anh-linh thần-võ tộc Việt,4 tập,1708 trang,
Do Đại-Nam Hoa-kỳ ấn hành. Viện Pháp-á Paris (Institut Franco-Asiatique) tái bản 2001.
Cốt tủy Tử-vi tuổi Tý, 1 tập, 362 trang,
Nam-quốc sơn-hà, 5 tập, 2230 trang,
Anh hùng Đông-a : Dựng cờ bình Mông, 5 tập 2566 trang.
Dịch cân kinh, 390 trang, 2003.
Do Thư-viện Việt-Nam, California, Hoa kỳ ấn hành
Giáo huấn tình dục bằng y học Trung-quốc,
(Sexologie Médicale chinoise), 3 tập, 1280 trang.
Những chữ viết tắt trong sách này.
AHBC Anh-hùng Bắc-cương
AHLN Anh-hùng Lĩnh-Nam
AHĐA-DCBM Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình
Mông
AHTS Anh-hùng Tiêu-sơn
ALTVTV Anh-linh thần võ tộc Việt
ANCL An-Nam chí lược
CKDH Cẩm khê di hận
DTLSVH Di tích lịch sử văn hóa được xếp
hạng
KĐVSTGCM Khâm định Việt sử thông giám
cương mục
ĐĐHNS Động-đình hồ ngoại sử
ĐNLTCB Đại-Nam liệt truyện chính biên
ĐNLTTB Đại-Nam liệt truyển tiền biên
ĐNNTC Đại-Nam nhất thống chí.
ĐNTLCB Đại-Nam thực lục chính biên
ĐNTLTB Đại-Nam thực lục tiền biên
ĐVSTT Đại-Việt sử ký toàn thư
MCMS Mông-cổ mật sử
NS Nguyên-sử
TS Tống sử
TTDS Thuận-thiên di sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét