HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN
Vương ban lệnh :
– Chúng ta tái chiếm vùng đất của
đại vương Bác Câu La Chế Đa bằng bốn mặt. Trước hết là
mặt bắc là nơi trọng binh Thát đát trấn đóng. Mời Thiên Kình đại tướng quân
nhận lệnh.
Yết Kiêu đứng dậy .
– Đích thân Thiên Kình đại tướng
quân xử dụng quân cơ hữu là hiệu Thiệu Hưng, hợp với dân quân Chiêm. Đường tiến
binh khởi từ đỉnh đèo Trưởng, đổ xuống. Đánh từ từ tái chiếm từng trang, từng
ấp. Chiếm được trang ấp nào thì trao lại cho các quan người Chiêm cai trị. Khu
ấp có bãi cát đẹp, phía sau có núi hùng vĩ là ấp đức vua Chiêm phong cho giáo
hội Hồi của đạo sư Hi Si. Sau khi chiếm lại được thì trao cho đạo sư.
Vương tiếp :
– Mặt đông đánh từ biển vào. Mời đề
đốc Võ Văn Sáu nhận lệnh.
Đề đốc Sáu đứng dậy.
– Đề đốc dùng hạm đội Bạch Đằng
chở ba đạo binh của các tướng Tống : Mạnh Khánh Nguyên, Tôn Thắng Phu, Lưu Thâm. Để ba đạo này
có chính nghĩa, tôi gửi ba thế tử Triệu Nhất, Triệu Trung, Triệu Hòa mỗi vị
theo một đạo binh. Tất cả kéo cờ Tống, Chiêm. Đề đốc cho đổ ba đạo binh vào ba
cửa biển, rồi từ bờ biển tiến sâu vào trong đất liền, tái chiếm các trang ấp theo
Bác Câu La Chế Đa.
– Thái tử khẩn trở về Đồ bàn.
Trong suốt 3 năm qua, vùng Thư mi liên bị bọn Thát đát tàn phá. Dân chúng thù
ghét bọn ngoại tộc. Vì vậy tôi không dùng quân Việt, quân gốc Tống trợ giúp
thái tử. Từ biên giới Việt Chiêm đến đây các trang ấp trung thành với đức vua
tổ chức rất chặt chẽ, dân quân thiện chiến. Vậy thái tử rút hết các đạo chính
binh Chiêm về Thư mi liên, đánh lên bắc, thu hồi các trang ấp theo gian vương
Bác Câu
La. Đề đốc thống lĩnh hạm đội Bạch đằng sẽ dùng chiến thuyền chở các đạo chính
binh này theo chỉ dụ của thí tử.
Vương hỏi cử tọa :
– Có ai thắc mắc gì không ?
Ba tướng Tống Mạnh Khánh Nguyên, Tôn Thắng Phu, Lưu Thâm hỏi :
– Khi chúng tôi bắt được tù binh,
thì sẽ đối xử ra sao ?
– Chúng ta sang đây là vì Chiêm.
Tất cả các đạo khi bắt được tù binh phải phát lạc như sau. Một là tù binh gốc
Mông cổ thì trao về Hành doanh. Tôi sẽ xử lý. Hai là tù binh gốc người Tống,
trao cho ba vị thế tử Tống, các thế tử sẽ thuyết giảng về việc cần vương đuổi
Thát đát khỏi Trung nguyên, giúp họ trở lại với chính nghĩa diệt Thát đát phục
hồi Trung thổ. Ba là tù binh gốc Chiêm phải trao lại cho các tướng Chiêm. Tuyệt
đối không được làm nhục, không được đánh đập, không được chém giết tù binh.
Binh sĩ nào cướp của, giết người thì xử tử hình tại chỗ.
Nang Tiên tỏ vẻ bất phục :
– Thưa vương gia. Đối với bọn
Chiêm gian, chúng theo Thát đát tàn hại dân chúng. Khi ta bắt được chúng thì
nên giết tại chỗ cho thỏa lòng dân mới phải.
– Thưa công chúa điện hạ. Điện hạ
cũng như thái tử, các tướng Chiêm khi bắt được bọn Chiêm gian thì toàn quyền xử
tội chúng. Không ai hiểu tâm tình người Chiêm bằng công chúa điện hạ với thái
tử.
Thái tử Bổ Đích nhỏ nhẹ với Nang
Tiên :
– Em ơi ! Dù sao thì đại vương
Bác Câu
La cũng là chú mình. Khi đối trận với vương, em cũng nên lễ độ một chút.
Nang Tiên không chịu :
– Khi ông đã phản nước hại dân
thì ông không còn tư cách người Chiêm. Khi ông phản lại phụ hoàng thì không còn
tư cách hoàng thúc nữa. Nếu ông lọt vào tay em, thì em sẽ làm cho ông sống dở,
chết dở. Em sẽ làm cho ông ấy nhục nhã ê chề, để làm mát lòng các chiến sĩ tuẫn
quốc trong trận này.
Buổi hội chấm dứt.
Đạo binh của Hoài Nhân vương,
Hoài Văn hầu, công chúa Nang Tiên đem theo vệ Đại đởm lên đường. Vì đạo quân phải
vượt rừng, leo núi rất vất vả Yết Kiêu không cho Vương
Chân Phương
và Ngọc Hoa theo, vì Chân Phương lại chưa từng luyện võ. Ngược lại Chân Phương
theo đạo binh của ba tướng Mạnh Khánh Nguyên, Tôn Thắng Phu, Lưu Thâm.
Các đạo binh xuất phát được hai
ngày, tại Tổng hành doanh viện Chiêm, Hưng Nhượng vương nhận được tin báo của Yết
Kiêu :
«
Xuất phát từ sáng hôm qua tiến về các trang ấp dưới chân đèo Trưởng. Bọn Toa Đô
không bao giờ nghĩ rằng mình dám trực diện tấn công. Mỗi trang, y chỉ phối trí một bách phu Mông cổ đóng với
gian quân Chiêm. Phạm Long Tam dùng người Chiêm thuyết
phục gian quân đầu hàng. Họ hứa nếu quân của nhà vua xuất hiện, họ sẽ trở giáo
chống Thát đát. Long Tam cho quân của vua Chiêm đi trước, Quân đoàn 3 có vệ Ngưu
binh yểm trợ đi sau. Chiếm lại 18 trang ấp dễ dàng. Bọn Mông cổ bị khống
chế . Đến trưa đích thân Lưu Khánh Nguyên chỉ huy 5 thiên phu Mông cổ tái
chiếm các trang ấp bị ta đánh. Cuộc giao phần thắng nghiêng về phía Mông cổ,
thì thần điều Quân đoàn 2 hiệu Thiệu Hưng cùng đoàn quân Lưu Thâm do thủy quân đổ
lên, đánh vào hậu quân Mông cổ. Lưu Khánh Nguyên bị vây ép trước sau. Cuộc
chiến tạm ngừng vì trời tối. Phạm Long Tam chia quân bao vây, khua chiếng, thúc
trống làm cho Mông cổ mất tinh thần, rồi dùng Ngưu binh chiếm được 20 trang ấp
nữa.. Giữa lúc đó quân Toa Đô tới tiếp viện. Thần đích thân tới đốc chiến. Cuộc
giao chiến trong đêm. Mông cổ không có thời giờ nấu ăn. Phía Việt, Chiêm, đạo sư
Si Hi đốc thúc dân chúng tiếp tế thức ăn. Quân Nguyên tháo chạy về phía
nam ».
Hưng Nhượng vương cầm bút viết
lệnh :
«
Giặc đã bị phá mất nhuệ khí. Cần đánh như sét nổ. Đuổi theo. Cho quân của đức
vua Chiêm đánh các đạo gian quân . Quân Việt chỉ đánh bọn Thát đát mà
thôi. Phía trước của Toa Đô, đã cho đổ bộ đạo quân Tôn
Thắng Phu chặn đường. Bị bao vây,
ắt Toa Đô rút về phía tây, sẽ gặp quân của thái tửû Bổ Đích ».
Hôm sau, trời vừa sáng, có tin
của đạo binh Hoài Nhân vương, do Hoài Văn hầu báo về :
«
Kính báo Hành doanh,
Chúng
tôi đi theo đường núi, hơn nửa ngày thì được tin triều đình Bác Câu La Chế
Đa sẽ đến chiêu dụ trưởng tộc trong thung lũng Mỹ sơn. Triều đình y có một bách
phu Mông cổ với một thiên phu Chiêm gian
hộ tống. Trong khi quân số của chúng tôi chỉ có 160 người vừa Đại đởm Việt vừa
Cảm tử Chiêm.
Công
chúa Nang Tiên âm thầm chiêu dụ thủ lãnh Mỹ sơn. Ông ta tên Đoàn Đức. Dân chúng
trong thung lũng ước hơn vạn nóc gia. Hầu hết họ là con cháu người Việt sang
kiều ngụ đã 5 đời. Họ sống biệt lập như một nước riêng. Nang Tiên hứa phong cho
Đoàn Đức lên chức An phủ sứ. Ông ta hết sức hân hoan. Bề ngoài Đoàn Đức giả kéo
cờ, kết hoa chào đón Bác Câu La
Chế Đa Trong khi ông cùng chúng tôi
xếp đặt kế hoạch bắt triều đình gian :
–
Ông hứa với Bác Câu La
Chế Đa rằng sẽ phụ trách làm tiệc đãi
triều đình gian, cũng như bách phu Mông cổ.
–
Khi Bác Câu La Chế
Đa với triều đình tới thì sẽ có cuộc làm lễ triều yết rất long trọng.
Nang Tiên lại chiêu dụ tướng chỉ huy Chiêm
gian. Ông này tên Việt là Lý Nghĩa, tên Chiêm là Ta Điệp Bạc La Khô,
nguyên là Việt kiều, tổ tiên sang Chiêm từ thời vua Lý Thánh tông.
Thành
công.
Khi
đoàn giặc tới Mỹ sơn, thì bách phu Mông cổ đóng trên bờ suối ngoài trang ấp ở
phía tây. Thiên phu Chiêm gian đóng ba phía bắc, nam, đông. Mười cảm tử quân
cùng Đại đởm vào trang ấp, lĩnh nhiệm vụ chuyên chở lương thực thiết đãi bách phu
Mông cổ.
Sáng nay, triều đình gian tới. Dân quân Mỹ sơn dàn ra,
thúc trống, tấu nhạc. Chức sắc Mỹ sơn khăn áo chỉnh tề xếp hàng tiếp đón. Khi
Bác Câu La Chế Đa
lên đài ngồi vào ngai đểá mọi người bái yết thì thình lình bị Đại đởm, Cảm tử
quân bắt trói. Trọn triều đình 48 người bị bắt.
Tướng Lý Nghĩa hạ cờ Nguyên, kéo cờ Chiêm, rồi cùng binh
sĩ hướng về Đồ bàn làm lễ bái vọng đức vua.
Đoàn chở thực
phẩm đãi Mông cổ đem thức ăn đến cho bách phu. Chúng ăn xong thì cùng nhau ôm
bụng đau đớn. Tướng Lý Nghĩa xua quân bắt trọn vẹn.
Cuộc bắt triều đình Chiêm gian không đổ một giọt máu, không
tốn một mũi tên. Chúng tôi đã gửi thư báo cho thái tử. Thái tử ban chỉ :
«
Tuy Bác Câu La Chế Đa
phản triều đình, nhưng thủ hạ của ông ta còn nhiều. Tuyệt đối không xử tử hình
bất cứ một quan Chiêm gian nào. Giải tất cả về Đồ bàn cho đức vua phát lạc”.
Công chúa Nang Tiên cho tập tập hợp dân chúng xem hành
tội gian vương. Nàng sai lột quần áo Bác Câu La Chế Đa cho ông ta
mặc bộ quần áo da khỉ, đeo lục lạc hai cổ chân, hai cổ tay. Lại đào một
cái hố, bỏ than bên dưới, trên nắp hố để cái vỉ sắt. Sai quân trói ông ta để
trên vỉ. Vỉ nóng quá, ông ta nhảy chồm chồm như khỉ, miệng la hét. Dân chúng vỗ
tay hoan hô. Hoài Nhân vương phải can thiệp, bằng không, ông ta sẽ chết. Nang
Tiên giam Bác Câu La Chế Đa chung với 4 con đười ươi, giải về Đồ bàn.
Đức vua gửi sứ đến phong cho Lý Nghĩa chức Trung nghĩa
tướng quân, tước Trung nghĩa bá. Đức vua cũng ban chỉ nâng Mỹ sơn lên thành phủ
Mỹ sơn. Phong cho ông Đoàn Đức làm An phủ sứ, tước Mỹ sơn hầu.
Đức vua ban chỉ cho công chúa làm chánh sứ, ông Đoàn Đức làm phó sứ, đạo sư Mộ Hợp Mễ Si Hi làm bồi sứ mang
5 thớt voi với 100 viên ngọc trai sang Thăng long cống».
Hôm
sau, tất cả các đạo binh đều phúc trình : nhiệm vụ hoàn tất. Giữa lúc Hưng
Nhượng vương tổ chức khao quân thì có sứ từ Thăng long tới. Sứ là Văn sơn hầu
Nguyễn Địa Lô. Tước của Địa Lô là hầu. Nhưng hầu là sứ thần. Còn tước của
Hưng Nhượng là vương. Cao hơn nhiều. Nhưng Hưng Nhượng vương là đại tướng tổng
lĩnh mặt trận Chiêm, biên cương trọng thần. Hai bên ngang nhau.
Địa Lô khải:
– Có rất nhiều
biến cố. Nên triều đình sai tôi vào khải với vương gia, khải với Hoài Nhân vương.
Thấy thái độ của Địa
Lô hết sức nghiêm cẩn, Quốc Kiện nói:
– Xin sứ cho biết
chi tiết các biến cố!
– Triều đình ban
chỉ: việc trợ Chiêm đánh Thát đát đã hoàn tất. Lực lượng Toa Đô tại Chiêm không
phải là đối thủ của thái tử Bổ Đích nữa. Nguyên không còn lực lượng viện cho
bọn Toa Đô. Triều đình quyết định giải tán Hành doanh trợ Chiêm. Vậy xin vương
gia cho rút quân về. Hiệu binh Thiệu Hưng sẽ do hạm đội Bạch đằng chở về trấn
thủ Thiên trường. Vương hợp vệ Trương Thế Kiệt, vệ Lục Tú
Phu với quân của ba cựu tướng Tống Mạnh Khánh Nguyên, Lưu Thâm, Tôn Thắng Phu lập thành
hiệu binh Tường Hưng. Điều hiệu binh này về Tiên yên, huấn luyện rồi gửi sang
Tống kéo cờ cần vương. Lực lượng này trao cho hai thế tử Triệu Nhất, Triệu Hòa
chỉ huy.
Các tướng
Tống nghe Địa Lô nói, người người nhìn nhau mừng chi siết kể: họ sắp được trở
về quê hương đánh Thát đát.
Địa Lô
nháy mắt, ngụ ý muốn truyền mật chỉ cho Hưng Nhượng vương, Hoài Nhân vương. Hưng
Nhượng vương truyền giải tán buổi hội quân.
Hưng
Nhượng vương tổ chức buổi họp mật chỉ có mấy người: Hoài Nhân vương, Hoài Văn
hầu, Yết Kiêu, Cao Mang, Vương Chân Phương, Ngọc
Hoa, Nang Tiên, ba thế tử Triệu để nghe mật chỉ.
Hưng
Nhượng vương hỏi Điạ Lô:
– Xin
sứ cho biết chi tiết các biến cố?
– Khải với nhị vị
vương gia. Có ba biến cố cực kỳ hệ trọng. Đầu tiên là cuộc nội chiến của Nguyên
ở Vân nam đã chấm dứt. Các đạo quân chống Hốt Tất Liệt do Ngột A Đa thống lĩnh đã
bị phá. Ngột A Đa cùng phu nhân Thanh Nga rời Đại lý về Đại việt cùng với một đội
tàn quân. Đội quân này được đặt trực thuộc Hưng Ninh vương để trấn thủ đông Bắc
cương. Hốt Tất Liệt xóa bỏ Đại lý, Thổ phồn (Tây tạng), thống nhất thành Vân
nam. Y trao cho một người hoàng tộc Mông cổ làm Vân nam vương. Quân Vân nam
hiện đóng dọc biên giới Đại việt, chong mặt với quân ta. Tổng lĩnh mặt
trận tây bắc cương là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã bố trí phòng thủ.
– !?!?!?
– Biến cố thứ nhì
là Nguyên không còn che dấu dã tâm đánh Chiêm nữa, mà ra mặt công bố đánh Chiêm
để đánh vào sau lưng Đại việt.
– !?!?!.
– Hốt Tất Liệt
ban chỉ tước hổ phù của bọn Toa Đô, Ô Mã Nhi, Diệc Hắc Mê Thất , Lý Hằng, vì
những thất bại tại Chiêm. Y sai lập An nam hành tỉnh tại Kinh Hồ, đem quân
nghiêng nước đánh ta.
Công
chúa Nang Tiên than:
– Như
vậy chúng coi Đại việt như một tỉnh của chúng. Cái gọi là An nam hành tỉnh
chẳng qua là một tổ chức cai trị Đại việt.
– Đúng
như công chúa nói. Hốt Tất Liệt phong cho người con tài trí nhất làm Trấn Nam vương
làm nguyên soái.
Nang Tiên hỏi:
– Tên y là gì? Hành trạng của tên này ra
sao?
– Y là hoàng tử thứ 9 của Hốt Tất Liệt
tên Thoát Hoan; mẹ là người Hán ; văn mô, vũ lược, từng cầm quân đánh Bắc liêu,
thắng A Lý Bất Ca, bình định Mông cổ. Vì Hốt Tất Liệt muốn dùng Trung nguyên
làm chính quốc, cai trị thiên hạ; nên các mưu sĩ cố vấn rằng: muốn cai trị
Trung nguyên thì vị trừ quân phải do một phi tần người Hoa sinh ra. Hồi Hốt Tất
Liệt cùng triều đình nghị phong thái tử thì con thứ nhì của Hốt Tất Liệt là
Chân Kim đã được lập rồi. Chân Kim là con thứ
của Chiêu Duệ Thuận Thánh hoàng hậu. Hậu là người hiền thục, con của nhà
đại quý tộc Án Trần Na Nhan. Do con cả của Hốt Tất Liệt bị bệnh chết non, nên
Chân Kim được lập. Hầu hết các quan gốc
Hán kiến nghị lập Thoát Hoan. Nhưng thái tử Chân Kim được các nhà quý tộc Mông
cổ ủng hộ. Chính vì vậy Thoát Hoan hết sức cạnh tranh với anh. Đặc biệt Chân
Kim được Nguyên phi Bạch Liên thương yêu như con, tiến cử. Hốt Tất Liệt muốn
phế Chân Kim, nhưng không có cớ. Bây giờ y sai Thoát Hoan đánh Đại việt, trao
quân nghiêng nước cho y. Giống như Hốt Tất Liệt do nắm quân nghiêng nước mà đoạt
ngôi từ A Lý Bất Ca. Bọn người Hán cho rằng Thoát Hoan nắm quân nghiêng nước
thì việc hạ Chân Kim, không còn trở ngại
nữa.
Quốc Toản hỏi:
– Những tướng nào được cử phò tá Thoát
Hoan?
– Thứ nhất là A Lý Hải Nha, y là một đệ
nhất công thần triều Nguyên được phong làm Bình chương chính sự hành tỉnh Kinh
hồ. Thứ nhì là Lý Hằng, viên đại tướng đã thắng, bắt sống tể tướng Tống Văn
Thiên Tường, vây bắt đế Bính ở Nhai sơn. Thứ ba là toàn bộ các tướng tài, trong
đó có bọn Ô Mã Nhi, Toa Đô, Tăng Gu Tai. Quân số thủy bộ lên tới 50 vạn.
Hưng Nhượng vương than:
– Hồi Thành Cát Tư Hãn đánh tây phương, y
dùng có 35 nghìn quân, sai Tốc Bất Đài, Triết Biệt đuổi theo đại đế Mộ Hợp Mễ
dài hơn năm vạn dặm, phá nát đế quốc Hoa
Thích Tử
Mô. Thế mà nay đánh Đại việt nhỏ bé, y huy động tới 50 vạn. Như vậy y dồn hết
lực lượng vào canh bạc này. Đúng là quân nghiêng nước.
Quốc Toản hỏi:
– Còn biến cố thứ ba là gì?
– Hốt Tất Liệt phong cho Nhân Hòa vương
Trần
Di Ái làm An nam quốc vương. Phong cho Lê Mục làm Hàn lâm học sĩ, Lê Tuân làm Trung thư lệnh. Mục đích để
Trần Di Ái về nước đốc xuất chân tay gây cuộc chiến tranh tương tàn. Thoát Hoan
án binh bất đông, đợi cho bọn ngụy Di Ái, gây chia rẽ trong giòng họ Đông a, đem
quân đánh nhau với triều đình ; tạo cảnh trai, cò, ngư ông hưởng lợi. Bấy
giờ Thoát Hoan đem quân sang.
Quốc Toản hỏi bằng ngôn từ bình dân:
– Anh Đia
Lô
này! Ông Trần Di Ái chính là gã thân vương
Vuông,
đã âm thầm làm gian tế cho Nguyên. Khi ông tới Đại đô thì ông ta có tố giác vụ Đại
việt gửi 20 Tây thi sang không? Hốt Tất Liệt có nghe lời ông không?
Địa Lô thuật:
Tại Đại đô, vào một buổi chiều Tuyên uy đại
tướng quân, Trung hòa hầu, Đại Hành, Thống lĩnh Cấm quân , Thị vệ đến cung
Nguyên phi Bạch Liên, xin yết kiến. Nguyên phi truyền mời vào. Đại Hành vào
trong thư phòng của phi, thấy có Ngọc Kỳ, Ngọc Quốc, Ngọc Trí, đang ngồi đó.
Mặt người nào trông cũng có vẻ gay cấn, căng thẳng. Hầu cung kính:
–
Thưa chị, chị đã biết cả rồi ư?
–
Đúng như trước đây em báo cho chị. Trong nước đã tìm ra một trong hai tên thân
vương làm gian tế cho Nguyên, đó là Chiêu Hòa vương
Trần
Di Ái. Ông ta là em út của vua Thái tông, tức vai ông của hoàng đế Thiệu Bảo. Ông ta không giữ chức gì tại triều
đình, nhưng hai con ông đang nắm trọng binh. Một là Quang Hòa hầu Trần Lộng,
Tổng trấn Trường yên thống lĩnh hiệu binh Tứ thiên. Hai là Văn Nghĩa hầu Trần
Tú Hoãn, Tổng trấn Thiên trường, thống lĩnh hiệu binh Trung thánh dực.
Đại
Hành thêm :
–
Nguy hiểm hơn nữa ông ta đang cầm đầu sứ đoàn thay hoàng đế chầu Chí Nguyên.
Ngọc Kỳ than:
– Có điều khó hiểu
là nhà vua biết ông ta làm gian tế cho Nguyên, mà sao còn sai ông ta đi sứ?
Đại Hành xua tay:
– Khi đức vua khám
phá ra ông ta làm gian tế, thì ông ta đã lên đường đi sứ rồi. Đuổi theo không
kịp nữa. Thôi bây giờ chúng ta phải đối phó với vụ này ra sao? Trước hết Ngọc Kỳ!
Thái tử có thắc mắc gì không?
Ngọc Kỳ thuật:
“ Suốt bốn năm qua, Chân Kim sủng ái em cùng cực, việc gì
cũng bàn với em, không bao giờ nghi ngờ. Chân Kim luôn nhắc lại việc em đi sứ
Hoa lâm thành công, bình định cựu địa Mông cổ, không đổ máu. Nhất là việc trừ
hai đứa con của Tháp Sát Nhi.
Chân Kim kể:
– Phụ hoàng có hơn 100 con dâu. Chỉ duy em là tham dự vào
việc đại sự, lập công trạng lớn vô cùng. Thế mà em luôn nhũn nhặn, nhu thuận,
không cầu xin gì. Hơn nữa em dâng cho người 2 hoàng nam. Phụ hoàng mẫu hậu thương
yêu 2 bé cùng cực. Nếu sau này con em lên ngôi vua, em sẽ trở thành thái hậu.
Thế nhưng hơn tháng trước, có một lần Chân Kim hỏi em:
– Giữa Đại việt với Đại nguyên em coi bên nào trọng, bên nào
khinh?
Em trả lời:
– Đối với Đại việt em chỉ là một con bé ca hát, địa vị không
bằng con gái một Đại tư. Aên không đủ no, mặc không đủ ấm. Còn với Đại nguyên,
em là một Thái tử phi, địa vị cao quý biết mấy. Phú quý hơn cả hoàng hậu Đại
việt. Đại việt so với Đại nguyên thế nào được.
– Một vài đại thần người Hán tại Khu mật viện, căn cứ vào
một tin từ Đại việt gửi qua, đã thắc mắc nhiều về em”.
Thanh Liên hỏi:
– Thế em trả lời
sao ?
– Em giả nổi giận:
“ Mấy lão hủ nho ấy nghi ngờ em ư? Thế sao Khu mật viện
không nghi ngờ chính bọn y. Bọn y là người
Hán.
Thái tử cười:
– Anh cũng nói vậy với lão! Lão câm họng”.
Đại Hành hỏi Ngọc
Quốc:
– Còn em! Lý Hằng
có nghi ngờ gì em không?
– Chồng em là người Hán, văn võ toàn tài,
xuất thân từ phủ của Thoát Hoan. Mới đây bọn Toa Đô, Ô Mã Nhi, Lưu Quân Khánh, Khu Tu Hu ( Qutuku) , Diệc Hắc Mê Thất bị bại ở Chiêm,
triều đình sai chồng em đến thu hồi hổ phù của bọn họ; chiêu dụ tàn binh, đem
về tổ chức lại đội ngũ. Chồng em được Đường Ngột Đải ( Tang-gu-tai =Tang’utai)
thuật cho nghe: Đường Ngột Đải có dịp họp mật với cha con Di Ái. Di Ái đưa ra lời
đe dọa sẽ tố cáo với Nguyên về việc chị em mình làm gian tế. Nhưng y bị Sài
Thung dọa: không dễ gì triều đình tin y.
Như vậy kỳ này Di Ái sẽ tố cáo với triều đình. Chị em mình phải chuẩn bị
đối phó ngay.
Bạch Liên hỏi Ngọc Trí:
– Còn em, Thoát Hoan có nghi ngờ gì em
không?
– Em không rõ! Hồi em mới về phủ của y.
Trong đêm động phòng, y có hỏi em một câu:
người ta nói, con gái Việt yêu nước hơn yêu chồng. Bây giờ em là vương phi, địa
vị cao quý, em có còn tưởng nhớ đến An Nam không? Em trả lời: Đại việt là quê hương
của em. Ở đó có cha mẹ, anh chị em, mồ mả tiên làm sao em quên được. Nhưng ở Đại
việt em chỉ là con nhãi ranh, địa vị không, tiền của không! Bây giờ em là vương
phi, địa vị cao quý biết mấy; lại sống trong nhung lụa, thì em phải cố giữ,
không thể để mất. Mới đây anh ấy tiết
lộ: phụ hoàng quyết đánh An Nam, vì chúa An Nam không chịu vào hầu. Anh được
phụ hoàng ủy cho cầm quân chinh thảo. Em có muốn theo anh không? Em trả lời:
con gái lấy chồng có ai muốn xa chồng đâu.
Em cũng muốn theo anh, để có dịp làm thuyết khách chiêu hàng các tướng Việt như
chị Ngọc Kỳ chiêu hàng các tướng của A Lý Bất Ca.
Đại Hành bàn với Bạch Liên và ba nàng
Ngọc, phân vân chưa quyết định phải hành sự ra sao thì thị vệ canh gác cung báo:
– Có thân nhân của Nguyên phi xin cầu
kiến!
Phi hỏi:
– Họ có mấy người? Tên là gì?
Thị vệ đưa ra thanh kiếm:
– Họ có hai người, một nam, một nữ! Người
nữ đưa thanh kiếm này nói: chủ nhân của thanh kiếm muốn yết kiến Nguyên phi.
Bạch Liên cầm thanh kiếm lên xem,
chuôi có khắc chữ “Mê
linh, Trần Ý Ninh”. Phi giật bắn người lên, biết đây là Vũ Uy vương với vương
phi Ý Ninh. Phi ban chỉ:
– Mời khách vào.
Vũ Uy vương, vương phi trang phục như
những người chăn cừu miền núi Mông cổ. Bạch Liên cung cung, kính kính mời vào. Đại
Hành ra ngoài cắt đặt thị vệ canh gác. Cửa đóng kín.
Vũ Uy vương nói:
– Hốt Tất Liệt ban chỉ triệu hồi vợ chồng
tôi về Đại đô để tham khảo ý kiến vụ chú Trần Di Ái. Buổi tham khảo kéo dài suốt
ngày hôm qua. Có nhiều điều liên quan đến Nguyên phi và bốn em Ngọc, nên chúng
tôi phải âm thầm đến đây báo cho phi biết.
Vương phi Ý Ninh nói:
– Hốt Tất Liệt chỉ mới biết vụ Đại việt
gửi người đẹp sang Mông cổ hơn tháng nay mà thôi. Nhưng ông ta cũng không tin. Ông
ta nói rõ tin này do gian vương Di Ái cung cấp cho Tuyên phủ ty tại
Thăng long. Ông ta biết thế lực của phi, của bốn em Ngọc quá lớn, nên ông ta
giữ kín; đến bốn tể tướng, Khu mật viện ông ta cũng không cho tham dự vào. Ông
ta chỉ thảo luận với :
– Hoàng hậu,
– Trung thư hữu thừa tướng An Đồng,
– Trung thư bình chương chính sự ( phó tể
tướng) A Hợp Mã,
– Hai con là Chân Kim, Thoát Hoan,
–
Thêm A Lý Hải Nha nữa.
Bạch
Liên hỏi lại:
– Chỉ
có 6 người biết vụ này. Trong buổi họp, ý kiến của từng người ra sao?
Vũ Uy
vương đáp:
– Gần
như thống nhất. Ý kiến của Chân Kim có lợi cho chúng ta nhất:
“ Con nghĩ phụ hoàng không nên tin lời thằng Trần Di Ái.
Cái thằng trộm trâu này quá vô liêm sỉ, quá hèn nhát.
Thứ nhất, Trần Di Ái là em của Trần Thái tông, là chú của
vua An Nam, tước phong tới Thái sư. Hai con y đều nắm giữ trọng binh; thì dù y
không làm vua, địa vị đâu có thua vua? Thế mà y bán nước để cầu vinh; mà chưa
chắc đã vinh! Ngu! Quá ngu.
Thứ nhì, giòng họ Đông a của An Nam trên dưới như một. Triều Nguyên nhà ta uy trấn gầm
trời. Vua nước nào cũng phải phủ phục khiếp sợ. Duy An Nam thì không. Một trận phá đại quân như hùm, như hổ của
Ngột Lương Hợp Thai. Uy rúng thiên hạ. Vua An Nam không khép mình tuân
theo 6 điều của ta, mà còn sai Vũ Uy vương trợ Tống, làm Tuyên túc hoàng đế bị
hại. Mới đây sai Hưng Nhượng vương trợ Chiêm, khiến bọn Toa Đô, Ô Mã Nhi, Lưu
Quân Khánh, Khu Tu Hu ( Qutuku), Diệc Hắc Mê Thất bị thất bại. Hùng khí đáng
trọng. Thế mà tên Di Ái cam tâm đâm sau lưng anh-em, con-cháu mình. Táng tận lương
tâm đến thế là cùng.
Thứ ba, hiện Di Ái là người có vai vế cao nhất trong giòng
họ, y phải hãnh diện, xắn tay cùng con cháu giữ nước mới phải. Đây y âm thầm
làm gian tế cho ta. Y muốn cái chức An Nam quốc vương bù nhìn, ngồi nghe lệnh
Tuyên phủ ty của ta. Rõ ràng như tục ngữ nói: bán bò tậu ễnh ương.
Với ba điều vô tư cách như vậy, phụ hoàng nên đánh cho
y mấy roi, rồi bắt bỏ cũi chó, đem trả về An nam, cho bọn con cháu y xử tội y”.
Ý kiến
của Kinh Hồ hành tỉnh A Lý Hải Nha như sau:
“ Khắp gầm trời đều quy phục ta. Duy An nam thì không.
Ta mà không áp chế được chúng thì sẽ có nhiều An Nam khác nổi dậy. Như thái tử nghị: bọn Đông a ở An nam
anh hùng, không dễ gì ta phá nổi, thì tại sao ta không dĩ độc trị độc? Ta chỉ
cần mất một tờ giấy, phong cho cái gã vô tư cách Di Ái làm An nam quốc vương,
rồi lấy cớ đó đem một đạo quân hộ tống y về nước. Ít nhất giòng họ Đông a sẽ
chia hai, một nửa theo Di Ái, một nửa theo Nhật Hoảng (Trần Thánh tông). Đợi
chúng tàn sát nhau. Hai hổ tranh hùng, ắt một hổ chết, một hổ bị thương. Tinh lực
An nam kiệt quệ, ta chỉ dơ tay ra là chiếm được. Như vậy đỡ tốn tiền, tốn bạc, đỡõ
tổn nhân mạng”.
Cả 5
người đều đồng ý với A Lý Hải Nha.
Hốt
Tất Liệt nghị sang vấn đề Di Ái tố giác triều đình gửi người đẹp sang làm Tế
tác. Hoàng hậu nói với Thái tử Chân Kim:
“ Có thể An nam gửi thực. Có thể tên trộm trâu Di Ái
bịa đặt để tâng công. Dù thực, dù hư! Ta mà nghe nó thì chả hóa ra ta ngu ư?
Vậy trước hết hãy xét hành vi của từng người mà Di Ái cáo giác là Tế tác xem có
đúng không? Trước hết là Đặng Ngọc Kỳ. Chính ta ban chỉ gả Ngọc Kỳ cho Chân
Kim. Nay Ngọc Kỳ đã dâng cho ta hai hoàng nam. Con có tin rằng Ngọc Kỳ làm gian
tế cho An nam không ? Ngọc Kỳ có hành vi gì khả nghi không ? »
Thái
tử tâu:
– Như
phụ hoàng và mẫu hậu biết. Từ khi Ngọc Kỳ về với con, hầu hạ cơm nước, khăn áo,
thư phòng không hề khiếm khuyết. Lại sắc nước, hương trời, ca múa không ai
bằng. Hồi theo phụ hoàng chinh tiễu A Lý Bất Ca, Ngọc Kỳ không nề nguy hiểm, đi
sứ vào chốn hang hùm, ổ rắn, giúp phụ hoàng chiếm Hoa lâm không tốn một mũi
tên, một giọt máu. Thế nhưng Ngọc Kỳ vẫn
nhũn nhặn, chưa từng thốt ra một lời kiêu căng cậy công ! Còn bảo
Ngọc Kỳ làm gian tế cho Giao chỉ ư ? Kỳ không cầm quân, cũng chẳng có một
chút quyền thì dù có muốn làm gian tế cũng không làm được. Suốt bốn năm, Kỳ chỉ
xin thần nhi hai lần được gửi vàng ngọc phụ hoàng, mẫu hậu ban cho khi lập
công ; cũng như khi sinh hoàng nam; đem về quê dâng lên đấng sinh thành.
Qua Ngọc Kỳ, thần nhi thấy rõ tên Di Ái khi quân quá đáng. Y bịa truyện.
Hoàng
hậu nói với nhà vua :
– Bệ
hạ thường không ngớt lời ca tụng Nguyên phi là người tài trí, góp công lớn
trong việc chinh tiễu A Lý Bất Ca, trong việc bình Tháp Sát Nhi. Lại giúp bệ hạ
thu phục nhân tâm các tướng Toa Đô, Ô Mã Nhi, Lý Hằng, Đường Ngột Đải. Như vậy
cũng đủ chứng tỏ phi là người nhất tâm, nhất trí với bản triều. Thế mà tên Di Ái
bảo phi làm gian tế thì còn trời đất nào nữa. Qua vụ này bệ hạ đã thấy cái tên
trộm trâu Di Ái bịa truyện tâng công, khi quân, dối chúa rồi!
Sau
khi Vũ Uy vương, vương phi thuật truyện. Vương phi Ý Ninh nói :
– Có
thể nhà vua sẽ nghe lời bàn ra, tán vào mà thắc mắc với Nguyên phi. Cũng có thể
nhà vua sai người chất vấn các em. Tất cả không cần chối, chỉ hỏi ngược
lại :
« Từ ngày chúng tôi sang Nguyên. Chúng tôi đã làm
những việc có thể nói là lập đại công với triều đình! Đấy là việc nước. Còn
việc nhà, chúng tôi không hề khiếm khuyết bổn phận làm vợ, làm mẹ. Chúng tôi
không nắm giữ bất cứ quyền lực nào, lại không hề can thiệp vào việc của chồng.
Nếu bảo chúng tôi là gian tế, vậy xin hỏi: chúng tôi đã làm những gì gọi là Tế
tác cho Đại việt ? ».
Vương
nói :
– Phi
cũng như các em, nếu Di Ái muốn yết kiến, phải tỏ ra mình là Nguyên phi, là
Thái tử phi, là phu nhân các đại thần, coi y bằng nửa con mắt. Nghĩa là hách
dịch với y, làm nhục y cho y khiếp sợ.
Sau
buổi họp, Vũ Uy vương, vương phi trở về đất trọng nhậm.
Nghe Địa Lô thuật hành trạng của cha-mẹ, Hoài
Văn hầu cực kỳ súc động. Vì hầu phải xa cha mẹ ba năm qua. Bây giờ mới được
biết tin tức. Hầu hỏi :
– Vụ
Di Ái sau ra sao ?
Địa Lô
thuật :
– Đây
là lời phúc bẩm của Ngọc Trí với Nguyên phi Bạch Liên:
« Sứ đoàn Di Ái tới Đại đô, được tiếp đãi trọng
thể. Cho cư trú tại khu Lan hoa, được cung cấp tỳ nữ, bộc phụ, mã phu. Nghe tin
Thoát Hoan được phong Trấn Nam vương, A Lý Hải Nha được trao cho chức Tả thừa
An nam hành tỉnh, cầm quân đánh Đại việt. Y viết thư nhờ Sài Thung ngỏ lời xin được
đến phủ đệ của hai người để dâng kế sách, cung cấp tin tức về tổ chức, đồn trú
quân lực của An Nam.
Thoát Hoan nhận
lời tiếp y.
Di Ái dẫn Lê Tuân, Lê Mục đến phủ Trấn Nam vương. Thoát Hoan báo cho Ngọc Trí. Ngọc Trí khẩn
khoản nói với chồng :
– Em xuất thân bần khổ ở An Nam, đến muốn nhìn mặt một tên An phủ sứ cũng không được.
Nay may mắn nhờ uy linh vương gia mà thành vương phi. Xin vương gia cho em cùng
tiếp cái tên Nhân Hòa vương là chú của An Nam quốc vương, để y phải lậy em sứt
trán cho nở mặt nở mày.
Thoát Hoan đồng ý.
Di Ái cùng bọn tùy tùng tới phủ Trấn nam vương thì được
mời vào. Ngọc Trí ngồi trên một ghế cao. Hai bên có văn, võ quan của phủ Trấn Nam đứng hầu.
Thị vệ xướng :
– Có sứ thần An nam là Trần Di Ái cùng sứ đoàn xin bái
kiến.
– Cho vào.
Di Ái cùng tùy tùng quỳ gối rập đầu binh binh :
– Nô tài là Trần Di Ái ở An Nam xin bái kiến vương phi.
Ngọc Trí lờ đi không ban chỉ cho y đứng dậy như thông
lệ. Nàng hỏi bằng tiếng Hoa vùng Yên kinh :
– Ông này làm chức gì ở Đại việt ?
Lê Mục đáp :
– Khải vương phi, chánh sứ là chú của An nam quốc vương,
tước phong Nhân Hòa vương, giữ chức Thái sư.
Nghe Lê Mục đáp, Ngọc Trí nổi giận : mình chỉ là con bé chưa ráo máu đầu, mà
mình vẫn trân trọng quốc hiệu Đại việt. Trong khi những tên này ăn cơm vua,
lĩnh lộc nước lại tự ty là An nam. Nàng hỏi :
– Người có biết rằng khắp gầm trời này đều cúi đầu quy
phục Thiên triều, thế mà chỉ có cái việc đích thân vào chầu, mà chúa người cũng
không tuân. Vì vậy thánh thiên tử đã ban chỉ cho Trấn Nam vương, đem 50 vạn
quân sang chinh thảo. Quân đang chỉnh bị, người sang đây làm gì ?
Di Ái nhổm người dậy, rồi dập đầu binh binh :
– Khải phi ! Đó là điều bất hạnh trong nhà thần.
Từ khi Chí Nguyên thiên tửû lên ngôi, sai sứ sang phủ dụ, ban cho chức tước,
thì khắp nơi trong nước không ai mà không cảm ân mưa móc của Thánh Thiên tử. Nhưng
thằng cháu của thần là Hoảng (chỉ vua Thánh tông) ngu muội, không biết
thuận mệnh trời, nên cả 6 điều Thiên triều ban ra, nó đều không tuân theo. Ương
ương kiêu ngạo. Vì vậy Thánh đế ban chỉ chinh tiễu là thuận mệnh trời. Thần rập
đầu xin vương gia, vương phi tâu lên Thiên tử, phong thần làm An nam quốc vương,
thì không cần tốn sức quan, mệt sức dân xa xôi chinh thảo. Thần sẽ xuất lĩnh
toàn dân rập đầu chịu mệnh của Tuyên phủ
ty ; nhất nhất tuân 6 điều của Thiên triều ban ra.
Nghe Di Ái nói, Ngọc Trí buồn nôn, nàng định mắng y một
trận, nhưng kịp thời nghiến răng, im lặng.
– Nghe nhà ngươi nói thì dễ dàng quá. Nhưng ta không
có quyền gì. Chỉ vương gia mới quyết được việc này.
Lễ quan xướng :
– Trấn Nam vương giá lâm.
Ngọc Trí, cùng các quan cúi đầu hành lễ. Thoát Hoan bước
vào. Y giả không biết bọn Di Ái, mà hỏi :
– Bọn nào vậy ?
Lễ quan thưa :
– Là sứ đoàn An Nam.
– À cô gia có nhận được thư xin bái kiến của chánh sứ Trần
Di Ái. Thôi cho bình thân.
Di Ái cùng bọn tùy tùng được mời ngồi. Thoát Hoan hỏi:
– Di Ái! Phụ hoàng nghe lời tâu của cô gia, người đã thuận
phong cho ngươi làm An nam quốc vương. Người lại sai Sài Thung đem quân hộ tống
ngươi về nước. Vậy ngươi phải sai sứ báo về cho văn võ quan của người ở trong nước,
chuẩn bị nổi dậy khi ngươi về. Tuy nhiên
trong thư xin bái kiến ta, người nói sẽ trình bầy tất cả tổ chức quốc phòng của
An Nam. Bây giờ người trình đi.
Di Ái nhìn Ngọc Trí, tỏ vẻ ái ngại. Ngọc Trí cười:
– Việc quốc gia đại sự đàn bà không nên can thiệp.
Thiếp xin lui.
Nói rồi nàng vào trong. Khi đi qua chỗ Di Ái, nàng cố
ý làm cho giải váy bay lên, quệt vào đầu
y. Nàng những tưởng y sẽ né tránh hay tỏ vẻ bất mãn. Không ngờ y hân hoan cùng
cực, hướng mũi theo nàng hít một hơi dài”.
Địa Lô
thuật tiếp:
– Di Ái
với tùy tùng được dự một buổi thiết đại triều của Hốt Tất Liệt. Y được đứng vào
hàng các tước vương chư hầu. Giữa buổi thiết triều, Hốt Tất Liệt ban chỉ:
– Bọn
An nam cứng đầu, rồi cuối cùng cũng phải
chịu phép. An nam quốc vương gửi biểu nói rằng y bị bệnh hoạn từ nhỏ, nên không
thể đi ngựa đường xa vạn dặm sang chầu. Y sai chú là Thái sư Trần Di Ái thay
mặt. Chư khanh có ý kiến
gì?
Di Ái
bước ra phủ phục tung hô vạn tuế.
A Hợp
Mã là phó tể tướng, nhưng là cường thần, đệ nhất sủng thần của Chí Nguyên, tâu:
– Thần
thấy trong biểu của Quang Bính (chỉ vua Thánh tông) hoàn toàn giả trá. Bởi
giòng họ Đông a bắt con cháu dù nam, dù nữ đều phải luyện võ. Võ công các An
nam quốc vương đều cao thâm vô cùng, thì làm gì có việc bệnh hoạn đến không cỡi
được ngựa?
Di Ái
tiếp lời A Hợp Mã:
– Đúng
như lời tâu của Trung thư bình chương chính sự (
phó tể tướng) A Hợp Mã. Giòng họ Đông a nhà thần, trải gần 200 năm nay, thế thế
lưu truyền di chúc: con cháu đều phải luyện võ. Anh của thần là Trần Cảnh võ
công cao không biết đâu mà lường. Con là Hoảng tức Quang Bính nổi tiếng anh
hùng vô địch, suốt đời không bao giờ phải uống thuốc. Đừng nói cỡi ngựa đi sứ, y
có thể phi ngựa mỗi ngày ngàn dặm. Các vị võ quan hiện diện hôm nay đã biết võ
công của em y là Nhật Duy. Trong lần Thái sư Ngột Lương Hợp Thai nhập
Việt, Thái sư bị Nhật Duy đả bại tại Thăng
long. Bản lĩnh như A Truật, Hoài Đô mà cũng không chịu được cuả Duy quá 10
chiêu. Hồi Duy sang viện Tống ở Tứ xuyên, đã đánh bại Toa Đô, Ô Mã Nhi. Võ công
của Quang Bính trội hơn Nhật Duy một bậc.
Các võ
quan hiện diện đều đã nghe nói về võ công vô địch của Vũ Uy vương. Nay nghe võ
công vua An nam cao hơn Vũ Uy vương thì đều rùng mình.
A Hợp Mã tiếp:
– Bọn Quang Bính xảo quyệt thì triều
đình sẽ áp dụng cái thuật: dĩ bỉ chi đạo hoàn thi ư bỉ thân. Nghĩa là lấy cái
gian xảo của y mà trị y. Di Ái đã vào chầu thì Di Ái là thần tử. Triều đình
phong cho Di Ái làm An Nam quốc vương, sai Sài Thung đem quân đưa về nước.
Nhà vua tuyên chỉ:
– Lễ
bộ ban chỉ phong cho Trần Di Ái làm An
nam quốc vương. Phong Lê
Tuân làm Hàn lâm học sĩ, Lê Mục làm Thượng thư
lệnh. Binh bộ cấp cho Sài Thung một thiên phu Kị binh thiết đột đưa An nam quốc
vương về nước.
Di Ái,
Lê Tuân, Lê Mục quỳ gối bái
tạ. Hoàng đế ban chỉ chiều hôm ấy cho An nam quốc vương và sứ đoàn ăn yến. Yến
do Nguyên phi Bạch Liên khoản đãi.
Giờ
thân, Di Ái cùng Lê Tuân, Lê Mục được xe do bộ
Lễ
phái đến khu Lan
hoa đón, lại phái một thập phu Thị vệ hộ tống, tới cung Nguyên phi.
Khi mới tới Đại đô, bọn Di Ái dùng
ngọc, ngà, vàng, bạc đút lót cho một số quan lại. Trong câu truyện, y lộ cho họ
biết về xuất xứ ca kĩ của Nguyên phi. Y tố cáo Nguyên phi do triều đình Đại
việt gửi qua làm gian tế.
Y
tuyệt không biết rằng, bấy giờ tại Đại việt,
Nho học đã có cơ cấu sâu rộng, nên coi trinh tiết của phụ nữ là khuôn
vàng thước ngọc. Còn triều Đại nguyên tuy đã dùng Hán pháp cai trị, nhưng trên
từ nhà vua, xuống đến các thân vương, tể tướng đều giữ nguyên phong tục Thảo
nguyên. Họ lấy việc cướp vợ, cướp con gái của kẻ thù làm điều hãnh diện. Họ
biết rất rõ Bạch Liên khuê danh là Đặng Thị Anh, từng là danh kĩ Đại việt, từng
là vợ của Phiêu kị đại tướng quân, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Phi
bị Ngột Lương Hợp
Thai bắt dâng cho đại vương
Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt thường hãnh diện về xuất xứ
của Nguyên phi như một chiến lợi phẩm. Vì vậy những gì y nói với họ đã đến tai Nguyên
phi.
Chỉ dụ
của hoàng đế ban yến khoản đãi An nam quốc vương, nên Nguyên phi cho mời Thái
tử phi Ngọc Kỳ, vương phi Trấn Nam vương
Ngọc Trí, phu nhân của Khâm sứ Lý Hằng là Ngọc Quốc và
cả Tuyên uy đại tướng quân, Trung hòa hầu, Thống lĩnh Cấm quân , Thị vệ Nguyễn Đại
Hành. Cả bốn đều là người Việt.
Bọn Di
Ái được mời vào trong cung. Cung nga phụ trách Lễ nghi xướng:
– An
nam quốc vương, cùng Lê
Tuân, Lê Mục bái
kiến Nguyên phi.
– Cho
vào.
Di Ái
liếc nhìn người mà y từng nghe danh hai mươi năm trước, đẹp nức danh Thăng
long, nay đang ngồi ở chót vót quyền lực tại Thiên triều. Y rùng mình: giai
nhân trang phục quần áo Việt đẹp huyền ảo, đang ngồi trên ghế cao. Y quỳ gối rập
đầu:
– Nô
tài Trần Di Ái bái kiến Nguyên phi.
– Nô
tài Lê Tuân bái
kiến Nguyên phi.
– Nô
tài Lê Mục bái
kiến vương phi.
Ngọc
Kỳ tuyên chỉ:
– Bình
thân.
– Ông
tới đây đã trên nửa tháng. Trong nửa tháng qua, ông lê lết hết dinh thự các đại
thần, nói những truyện trên trời dưới biển, khép nép, nịnh bợ. Sao ông hèn thế?
Việc ông hối lộ các đại thần để họ giúp ông được phong làm An nam quốc vương, thì
kệ ông. Hà cớ gì ông bán rao Nguyên phi với chúng tôi. Nào là chúng tôi do Đại
việt gửi sang làm Tế tác. Nào Nguyên phi là ca kĩ. Chúng tôi là người Việt như
ông. Chúng tôi được sủng ái thì ông phải mừng vì có chỗ dựa lớn. Đây ông bán rao
khắp Đại đô. Ông hãy trả lời cho Nguyên phi đi! Ông nên nhớ không cần Nguyên
phi, tôi là Thái tử phi, lúc nào tôi cũng có thể chặt cái đầu củ chuối rẻ tiền
của ông.
Di Ái
run lẩy bẩy, y quỳ gối rập đầu binh binh:
– Khải
Nguyên phi, khải Thái tử phi. Vụ nói Nguyên phi, Thái tử phi làm gian tế do vua
An nam là Hoảng nói ra trong một buổi họp giỗ Linh từ quốc mẫu, chứ thần không
hề bịa đặt ra. Vì thần nhất tâm nhất dạ với Thiên triều, nên muốn tránh cho Thiên
triều bị Tế tác An nam hại ngầm.
– Hại
ngầm! Chúng ta là mấy thiếu nữ chỉ biết ca hát, nuôi con mà mi vu cho tội hại
ngầm ư?
Nàng
lấy chân đẩy sẽ vào đầu y.
Vì sợ
quá, y bò như chó bò đến trước Ngọc Kỳ, rồi úp mặt vào gấu váy của nàng:
– Thần
tuổi già lú lẫn, hành sự hồ đồ, xin phi
tha cho cái mạng kiến ruồi này.
Có
tiếng thái giám Kính sự:
–
Hoàng thượng giá lâm.
Nguyên
phi, Ngọc Kỳ, Ngọc Quốc, Ngọc Trí, cùng rời sảnh, ra ngoài tiếp nhà vua. Đi
theo Hốt Tất Liệt còn có Thái tử Chân Kim, Trấn Nam vương Thoát Hoan, A
Hợp Mã, A Lý Hải Nha.
Lễ
nghi tất.
Tiệc
dọn ra.
Được
ba tuần rượu, nhà vua hỏi Di Ái:
– Từ
hôm sang đây, khanh đã nói với hơn hai mươi đại thần rằng Nguyên phi với Ngọc
Kỳ, Ngọc Trí do An nam gửi sang làm gian tế. Vậy có chứng cớ gì không? Hay là
chỉ nghe đồn?
Di Ái
run lật bật:
–
Chính tai thần nghe Quang Bính nói trong một bữa tiệc. Chứ sự thực ra sao thần
cũng không biết.
Nguyên
phi cười:
– Khi
sang đây, Di Ái mới nói với một người thì người đó đã hỏi thần truyện này. Thần
không cần biện luận. Vì thần chỉ cần hỏi ngược lại một câu: thần được Thái sư
Ngột Lương Hợp Thai
dâng cho bệ hạ, chứ không phải An nam quốc vương dâng cho bệ hạ. Ở An nam, thần
chỉ là thứ thiếp một thân vương nhỏ như hạt vừng hạt đậu. Sang Nguyên thần là
Nguyên phi được sung ái cùng cực, thì tội gì thần phải làm gian tế cho An nam. Như
vậy chẳng hóa ra bán bò tậu ễnh ương ư? Đối với bệ hạ, truớc là chúa tôi, sau
là vợ chồng. Thiếp quyết tâm cùng bệ hạ, khai sáng một triều đại hơn cả Hán, Đường.
Lại nữa, nhờ những công lao lập được cho bản triều, bệ hạ liệt thần vào khai
quốc công thần, không ai có thể chối cãi được. Thế thì thần phải giữ những gì
mình lập được chứ! Có đâu đi làm gian tế để mất tất cả!
Phi
chỉ vào Đại Hành:
– Người
này chỉ là một võ sĩ vô danh, được bệ hạ tuyển làm Vạn phu trưởng. Từ ngày đó,
y luôn tìm dịp báo đền hồng ân. Dù y được Mông Ca tuyển làm trưởng đoàn Thị vệ.
Rồi y được A Lý Bất Ca cho làm việc tại Khu mật viện. Người y ở Hoa lâm mà lòng
ở Đại đô. Y báo cho bệ hạ tất cả những tin mật của A Lý Bất Ca. Trong cuộc
chinh thảo A Lý Bất Ca, y giúp bệ hạ chiếm Hoa lâm. Bệ hạ tin dùng y ban cho y
chức Tuyên uy đại tướng quân, Trung hòa hầu; thống lĩnh Cấm quân , Thị vệ. Thế
mà Di Ái cũng nhả độc rắn, phao rằng y là Tế tác của An nam. Nếu nói y là người
Việt, nên làm gian tế cho An nam thì e triều đình sẽ rung động. Than ôi! Triều đình
của bệ hạ hiện có tới chín phần mười là người không gốc ở Mông cổ. Bây giờ ai
cũng bảo họ làm gian tế thì sao?
Phi chỉ A Lý Hải Nha:
– Vị đại thần này là người có công, là
khai quốc công thần của bệ hạ là người gốc Hồi cương. Nếu cứ cái đà suy nghĩ
lẩm cẩm của Di Ái thì quan Bình chương Kinh hồ cũng là gian tế của Hồi cương ư ?
Phi chỉ Ngọc Kỳ, Ngọc Trí :
– Đây là hai nàng dâu của bê hạ, lúc rời Đại
việt chúng là những con bé ăn quà như mỏ
khoét, suốt ngày chỉ biết ca hát. Chúng xuất thân con nhà nghèo, đói không đủ ăn,
rét không đủ mặc. Cha mẹ phải bán con là điều đau xót cùng cực. Khi sang đây,
hạnh ngộ được bệ hạ tuyển cho hai hoàng tử . Chúng được sủng ái, chúng biết
rằng hai hoàng tử đem chúng từ chỗ cùng cực lên tiên. Chúng tự biết mình may
mắn, nên phải hết sức giữ gìn nhu thuận, hầu hạ không khiếm khuyết bổn phận.
Nay mỗi đứa đã dâng cho bệ hạ hai hoàng nam.
Thế mà bỗng dưng người ta kết tội chúng làm gian tế. Hỏi với địa vị chỉ
biết nuôi con, hầu hạ thì chúng làm được gì
đáng gọi là tế tác ?
Phi chỉ vào Di Ái :
– Người này là chú vua An nam, tước phong
tới vương, chức là Thái sư. Địa vị của y cao vòi vọi. Hai con y đang thống lĩnh
hai hiệu binh. Thế mà y lại âm thầm làm gian tế cho ta. Thử hỏi bệ hạ có tin được
y không ? Y cầu xin cái chức An nam quốc vương kệ y. Hà cớ y muốn phá gia
cang của Thái tử, của hoàng tử Thoát Hoan, cả của thiếp nữa. Thiếp xin thưa trước,
khi y rời Đại đô về nước, thần sẽ sai Thị vệ đuổi theo băm vằm y ra như băm chả.
Hốt Tất Liệt can :
– Thôi trẫm xin phi hãy hạ hỏa khí xuống,
trẫm cần dùng y trong việc chinh tiễu An nam.
Trong khi Hốt Tất Liệt nói, Di Ái quỳ
gối, ngửa cổ nhìn Nguyên phi, mắt trợn trừng khiếp sợ.
– Xin Nguyên phi tha cho cái mạng kiến
ruồi này !
Phi chỉ vào mặt Di Ái, nói bằng tiếng
Việt, trong khi Ngoc Kỳ dịch sang tiếng Mông cổ :
– Ta tiếc công cho Tuyên Minh Thái hoàng
thái hậu, một người bác học đa năng, đã dầy công đào tạo cho những đứa cháu thành
anh hùng, mà mi thì hèn mạt quá. Triều Nguyên ta, gồm toàn những bậc anh hùng
tài trí, mà phải nghe những lời hèn mạt của mi bôi bẩn ta, bôi bẩn Thái tử phi,
bôi bẩn vương phi Trấn Nam vương. Thôi mi đứng dậy di !
Niên hiệu Thiệu Bảo thứ 4 (1282).(vua Nhân Tông)
của Đại việt.
Bên Trung nguyên niên hiệu Chí Nguyên thứ 19. Thế
tổ của Đại nguyên.
Tại Khu mật viện Đại việt, điện Giảng võ.
Buổi thiết triều gồm Thượng hoàng (Thánh
tông), Thiệu Bảo hoàng đế, Tiết chế Hưng Đạo vương, Tổng trấn Tây Bắc cương
Chiêu Văn vương Nhật Duật, Tổng trấn Đông Bắc cương
Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung, Quản Khu mật viện
Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, Tổng trấn nam thùy
Tĩnh quốc vương Trần Quốc Khang, Tổng lĩnh Thiên tử
binh Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Tổng lĩnh Kị
binh Chiêu Hòa ương Quốc Uất.
Mục đích buổi thiết triều để nghe Hưng Nhượng
vương, tâu trình tình hình Viện Chiêm
sát đát, trong ba năm qua.
Sau
khi tâu trình, vương kết luận :
– Hiện tất cả chư tướng có công đều chờ
chỉ dụ của Thượng hoàng.
Thượng hoàng ban chỉ :
– Mời chư tướng vào.
Lễ nghi tất.
Thượng hoàng phủ dụ :
– Từ hồi rợ Thát đát gây nạn binh đao
khắp thiên hạ, trước sau Đại việt ta trải qua 5 cuộc chiến. Cả 5 cuộc, nhờ liệt
tổ Đại việt linh thiêng phù hộ. Nhờ sức của toàn dân cùng đứng dậy với triều đình.
Nhờ chư tướng xả thân giữ nước. Nhờ anh em trong nhà hòa thuận. Chúng ta thắng
cả năm.
Ngài nhìn chư tướng một lượt, rồi
tiếp :
–
Cuộc chiến thứ nhất,
vào thời Nguyên phong. Bọn Ngột Lương Hợp Thai (1257), hung hăng, tàn
bạo tràn vào như nước vỡ bờ. Đức Thái Tông, nghị với Trung
Vũ
đại vương, Hưng Đạo vương đưa ra sách lược Cả nước là thành, toàn dân thủ thành.
Ta lùi 5 trận, Thảo lâm, Cụ bản, Phù lỗ, Thăng long, cánh Đồng văn, để rồi chỉ đánh
một trận Đông bộ đầu, diệt gần trọn 10 vân Kị binh. Đó là một thời.
Ngài chỉ vào Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao
Mang,
Địa Lô :
– Bấy giờ trẫm mới 17 tuổi. Các khanh chỉ
mới 15-16 tuổi. Chúng ta cùng phá giặc. Trẫm tái chiếm Thăng long. Nay trẫm với
chư khanh tuổi đã lớn, nhưng nhớ lại lúc xung sát, mà hùng tâm rừng rực !
Ngài lướt nhìn chư vương hiện diện :
– Cuộc chiến thứ nhì, sau khi bọn Ngột Lương Hợp Thai đại bại, để duy trì hòa
bình cho Đại việt, đức Thái Tông với Trung Vũ đại vương (Trần Thủ Độ), theo
sách lược của Hưng Đạo vương mở rộng cuộc chiến không gươm đao sang Mông cổ. Triều
đình gửi Vũ Uy vương sang Mông cổ làm con tin. Vương đem Thiên trường ngũ ưng, Đông
hoa ngũ tiên, Tô lịch thất tiên theo.
Giữa lúc đó Hốt Tất Liệt đã chiếm hết Hoa bắc, đánh 11 châu, 144 thành
phía nam Trường giang. Thế như chẻ tre. Tống như ngọn đèn trước gió. Sứ đoàn
thành công trong việc gây cho Mông Ca nghi ngờ Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt bị
thu hồi binh quyền, về lêu bêu ở Hoa lâm. Tất cả tổ chức hành chính, binh bị của
y tại Trung thổ bị phá tan hoang. Các mũi tấn công Tống không còn nữa. Nhờ vậy
mà Tống được yên trong một thời gian dài. Vũ Uy vương giúp Cao ly, Đại lý, Tây
tạng, Hồi cương, Lý Đảm lấy lại được thế mạnh, phân tán lực lượng Mông cổ. Nhờ cuộc
chiến này, mà Tống nhượng bộ, ta thu hồi được ba châu : Văn sơn, Khâu bắc,
Chiêu dương. Đó là một thời. Triều đình lúc nào cũng trân trọng đại công của vương.
Ngài trầm ngâm :
– Cuộc chiến thứ ba, đây là cuộc chiến
thực sự. Hốt Tất Liệt bị thu binh quyền, Mông Ca phân binh làm ba mũi đánh Tống.
Tống cầu cứu với ta. Thượng hoàng quyết định : Tống như hàng rào bảo vệ
mặt bắc cho ta. Cần trợ Tống. Tống còn thì ta được yên. Vũ Uy vương cùng hai
hiệu binh Văn bắc, Thiệu Hưng được gửi sang trợ Tống tại Tứ xuyên. Kết quả phá
tan các đạo binh hùng mạnh nhất của Mông cổ. Vũ Uy vương đánh ba trận Giang an,
Bồ lăng, Điếu ngư, diệt chủ lực Mông Cổ, giết Mông Ca. Vũ Uy vương gây cho Mông
cổ có nội chiến giữa A Lý Bất Ca, Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt phải ký hòa ước
trả cho Tống 11 châu, 144 thành, đem
quân về tranh ngôi đại hãn với A Lý Bất Ca. Vũ Uy vương cũng trợ giúp cho anh
hùng Trung
nguyên là Lý Đảm kéo cao cờ nghĩa chống Thát đát. Giúp Cao ly đủ sức đương đầu
với Mông cổ. Vương khích cho các Hãn Thảo nguyên tách ra tái lập nước Nãi man,
Bắc liêu chong mặt với Mông cổ. Nhờ thế mà Tống, Đại việt ta yên được một thời
gian dài. Đó là một thời nữa. Tài trí của vương thực tiền vô cổ nhân, hậu vô
lai giả.
Ngài thở dài lúc rồi tiếp :
– Cuộc chiến thứ tư, do mệnh trời không
còn ban cho Tống cai trị Trung nguyên nữa. Hốt Tất Liệt thắng A Lý Bất Ca, lập
ra triều đình Đại nguyên, lấy Trung nguyên làm lãnh thổ chính, cai trị các nước
xung quanh. Hốt Tất Liệt đánh bại Lý Đảm. Cao ly cúi đầu quy hàng. Bắc liêu bị
phá. Sau một thời gian gần chục năm, tinh lực vùng Thảo nguyên, Trung nguyên
phục hồi. Hốt Tất Liệt quyết diệt Tống. Y thân chinh vượt Trường giang đánh
Tống. Tống quyết định phong cho Vũ Uy vương tước Hành sơn vương, lãnh thổ gồm
vùng Kinh châu, Hồ nam, Lưỡng quảng. Trẫm đồng ý cho vương sang Tống. Nhờ tài
trí của vương, Hốt Tất Liệt không dám cho quân vượt Trường giang đánh xuống Nam.
Nhưng y cho đánh vào vùng Tương dương, Phàn thành, Ngạc châu. Tống hèn nhát đầu
hàng. Vũ Uy vương bàn với trẫm : nếu dân chúng Kinh hồ ngả theo Nguyên,
thì mình có giữ cũng vô ích. Quả nhiên bốn hiệu binh còn lại của Tống hàng
Nguyên. Vũ Uy vương trao Kinh hồ cho Nguyên, rồi theo lời đề nghị của trẫm,
sang Đại đô làm con tin. Hốt Tất Liệt trọng tài của vương, trao cho vương trấn
nhậm vùng tây bắc Trung nguyên, gồm lãnh thổ của Hoa
Thích Tử
Mô, Tây hạ, Tây liêu. Ta cũng yên được mấy năm. Đó là một thời nữa.
Ngài đứng dậy :
– Cuộc chiến thứ năm, gốc của Hốt Tất
Liệt là vùng Thảo nguyên, vốn không có văn hóa, chẳng có văn học. Khi đánh Trung
nguyên, y học chữ Hán, thâm nhiễm Hán học. Y dùng Hán pháp mà thành công ở
Trung nguyên, ở chính gốc Mông cổ. Mà như chư vị biết bất cứ một ông
vua Trung
nguyên nào, một ông văn quan, võ tướng nào cũng muốn khắp thiên hạ phải quy phục.
Họ ảnh hưởng của kinh điển Trung nguyên : Vua của Trung nguyên là con
trời. Các quan văn võ đề là người nhà trời giáng sinh. Cho nên Hốt Tất Liệt
diệt Tống xong lập tức đánh Nhật bản ba phen, lại cử binh đánh các nước ngoài
biển Đông và phía nam. Nước mà y uất hận nhất là Đại việt ta. Nhưng nghĩ đến
trận đánh thời Nguyên phong, Ngột Lương Hợp Thai đại bại, các văn quan võ
tướng triều Nguyên đều ghê sợ, không dám nghĩ tới. Tuy vậy Khu mật viện Nguyên
sau khi nghiên cứu lịch sử Hoa-Việt đã đưa ra kế sách : muốn đánh Đại việt
phải có ít nhất bốn đạo quân.
Đạo
thứ nhất là phong chức tước cho vua Chiêm, xúi Chiêm đánh vào sau lưng ta.
Đạo
thứ nhì là dùng đội ngũ Hoa kiều ở Đại việt làm nội ứng.
Đạo
thứ ba là xúi người Việt nổi lên, gây cho trong nước có nội loạn.
Đạo
thứ tư là dùng đại quân kéo sang trợ cho
đạo quân nội
loạn.
Ngài cười :
– Thế nhưng đạo thứ nhất không thành, vì
Chiêm với ta quá thân. Khu mật viện Nguyên xin đem quân đánh Chiêm. Hốt Tất
Liệt lập bộ Tổng tư lệnh đánh Chiêm mang tên
Hành tỉnh Chiêm thành. Chiêm anh hùng chống trả. Trẫm nghe theo Hưng Đạo
vương lập Trợ Chiêm sát Đát hành doanh tức Bộ tư lệnh cứu viện Chiêm, cử Hưng
Nhượng vương làm nguyên soái. Gửi hạm đội Bạch đằng, hiệu binh Thiệu Hưng giúp
Chiêm. Dù các tướng Nguyên được sai đi đánh Chiêm đều là những bậc tài trí như :
Hữu thừa Toa Đô, Tả thừa Lưu Thâm, Binh
bộ thị lang Diệc Hắc Mê Thất. Nhưng
Nguyên bị sa lầy. Cuối cùng là tan nát hết.
Ngài chỉ vào các tướng :
– Binh bộ đang xét công trạng của chư tướng.
Ngày mai triều đình sẽ ban chỉ thăng thưởng.
Ngài mỉm cười chỉ vào Triệu Nhất, Triệu
Trung, Triệu Hòa :
– Đạo
binh thứ nhì thì đội ngũ Hoa kiều ở Đại việt lại là những người Tống, được Đại
việt giúp lập ra ba hiệu binh Thiệu Hưng, Tường Hưng, Văn Thiên Tường, đưa về
Trung thổ dựng cờ Cần vương đuổi Thát đát. Bây giờ Hốt Tất Liệt đành dùng đạo thứ
ba và thứ tư. Đạo thứ ba, y phong cho chú Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, rồi
sai Sài Thung đem một nghìn Thiết kị về nước gây nội chiếm. Đạo quân này đang
lên đường. Đạo thứ tư y sai Thái tử Thoát Hoan, người con tài trí nhất, với
những tướng kiệt hiệt như A Lý Hải Nha,Toa Đô, Ô Mã Nhi, Lý Hằng đem tới 50 vạn
quân sang đánh ta.(2)
Ngài chỉ vào Hưng Nhượng vương :
– Trẫm trao cho vương nhiệm vụ diệt cái đạo
binh Sài Thung này. Lúc đầu trẫm định trao cho bốn tướng Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao
Mang,
Địa Lô đón đường đánh Sài Thung, bắt chú Di Ái. Nhưng Hưng Đạo vương, Chiêu
Minh vương can rằng : về tài trí thì bốn tướng dư thừa. Ngặt vì Thiên trường
Ngũ ưng tính tình ngay thẳng, ghét kẻ gian cùng cực. Hai vị vương sợ bốn tướng
giết Di Ái, gây ra tai vạ lớn, trẫm mang tiếng giết chú. Trong khi trẫm, Hưng Đạo
vương, Chiêu Minh vương, Hưng Ninh vương muốn duy trì tình đoàn kết trong giòng
họ. Tất cả chỉ muốn bắt chú Di Ái đem về
Thăng long giam giữ. Như vậy hai người con của ông ta là Trần Văn Lộng, Trần Tú
Hoãn không dám phản triều đình. Chiêu Minh vương muốn trao việc này cho ba người.
Một là Hưng Nhượng vương, hai là Hoài Nhân vương, ba là Hoài Văn hầu. Cả người đều
thuộc hàng cháu của Di Ái, nên không dám xuống tay mạnh với ông
ta. Nhất
là Hưng Nhượng vương, tài trí, cương cường không ai hơn, nhưng vương là người
ôn nhu, thuần hậu. Vậy vương có gì thắc mắc không ?
Hưng Nhượng vương hỏi :
– Võ công ông Di Ái hiện cao thâm nhất
trong nhà ta. Làm sao thần địch lại ông ? Muốn thắng ông họa chăng phải nhờ
Hưng Ninh vương hay Vũ Uy vương !
Thượng hoàng cười không trả lời.
Cả phòng hội cùng im lặng. Một lát Hưng
Ninh vương lên tiếng:
– Thần
không thể ra tay trong vụ này. Thần thấy ở đây Quốc Toản có đủ khả năng bắt chú
Di Ái.
Chiêu
Quốc vương xua tay :
– Về
võ công Quốc Toản đã học được bộ Tán lạc tiêu hồn chưởng, bộ Mê linh kiếm pháp,
nhất là nội công Vô ngã tướng, nội công Âm nhu. Nhưng Toản còn quá trẻ, thời
gian luyện tập không bao lâu. Toản thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Trong khi chú Di
Ái tuổi ngoài 60, công lực cao thâm không biết đâu mà lường, kinh nghiệm chiến đấu
có thừa. Quốc Toản không đủ bản lĩnh thắng chú Di Ái đâu!
Thượng
hoàng vẫn mỉm cười :
– Trẫm
biết, Quốc Toản sẽ thành công.
Chiêu
Quốc vương bực mình nghĩ thầm :
– Từ xưa
đến giờ, trên cao nhất là đức Thái tông, dĩ chí Trung Vũ đại vương, Linh
Từ quốc mẫu đều khen anh Hoảng có con mắt tinh đời, biết dùng người. Nhưng nay
thì anh ấy xét đoán lầm người rồi. Tên nhãi con Quốc Toản này tuy có cơ duyên học
được những pho võ công trấn quốc. Nhưng địch sao lại Di Ái ?
Tự
nhiên vương thấy ghét Quốc Toản, Quốc Kiện :
– Hai
tên ôn con này mới xuất hiện ở mặt trận Chiêm lần đầu đã thành công chẳng qua
như chó ngáp phải ruồi. Thế mà Thượng hoàng trao việc trọng đại cho chúng e
hỏng đại sự. Đánh nhau với Mông cổ, với ông Di Ái đâu phải trò chơi!
Nhưng
vương không muốn nói ra, nghĩ thầm :
– Để
hai tên nhóc con bị Di Ái giết đi thì Thượng hoàng mới mở mắt ra. Mọi người sẽ
biết Thượng hoàng không hề có tài dùng người ! Tiếc thay, ta là người minh
mẫn, tài trí nhất trời nam, chỉ vì là con thứ mà phải thờ ông anh như thế này
thực đáng tiếc.
Chiêu
Quốc vương hỏi :
– Đối
phó với một Thiên phu kị binh thiết đột của Mông cổ không phải là điều dễ. Phải
đánh tiêu diệt thực mau, thực gọn, rồi rút ngay. Chậm trễ, Kị binh tiếp viện sẽ
tới trong hai giờ . Vậy Thượng hoàng muốn đánh chúng tại đâu ? Dùng
hiệu binh nào?
– Để
Hoài Văn hầu quyết định.
Chiêu
Quốc vương than thầm:
– Tên
nhóc con chưa học binh thư, chưa từng cầm quân, mà bây giờ để cho nó quyết định
một trận đánh sinh tử thì nguy thực. Được xem nó trả lời sao?
Mọi người
nhìn Hoài Văn hầu như muốn hỏi ý kiến. Chiêu Quốc vương nghe Thượng hoàng nói,
vương uất nghẹn, định hét lên :
– Trời
ơi ! Việc trọng đại như vậy mà trao cho tên ôn con quyết định thì còn trời
đất nào nữa ?
Hoài Văn
hầu tâu :
– Thần
nghĩ nếu ta đợi cho bọn Sài Thung vào bắc biên rồi đón đường phá Thiên phu kị
binh, thì ta ra mặt chống Nguyên. Trong khi hơn hai chục năm qua, ta vẫn mềm
dẻo giả bộ khuất phục Nguyên bằng các sứ thần, bằng các đạo biểu. Thần nghĩ mình
không cần ra mặt! Thần sẽ đánh Sài Thung trên đất Tống; bằng Cần vương Tống.
Cử tọa
thấy Quốc Toản nhỏ tuổi mà lý luận vững chắc đều gật đầu đồng ý.
Quốc
Toản tiếp :
– Hiện
toàn quốc đang chuẩn bị kháng nguyên, nhưng bề ngoài ta vẫn sai sứ sang xin
Nguyên bãi binh. Trong khi Thoát Hoan cũng đang tập hợp binh mã sang đánh ta. Y
vẫn đeo mặt nạ bề ngoài ra bộ nhân nghĩa : ra binh vì Chiêm không phải vì
Việt. Vậy thì tội gì ta phải thực thà
với chúng ? Mày xảo trá, thì tao cũng xảo trá. Thần sẽ dùng quân Cần vương Tống, kéo cờ Tống đón
đánh Sài Thung trên đất Trung nguyên. Dĩ nhiên sau trận đánh bọn Thoát Hoan sẽ
biết sự thực. Nhưng ta chối biến đi : không ! Đại việt tôi không đánh
quân Thiên triều. Đó là quân Cần vương
Tống.
Cử tọa
vỗ tay hoan hô. Trong khi Chiêu Quốc vương hỏi :
– Nói
thì dễ, nhưng liệu có điều được Cần vương
Tống đến chiến trường không ? Kị binh Mông cổ như
hùm, như hổ, liệu mấy ngoe Cần vương
Tống có làm được không ? Hay đem xác cho chúng băm
vằm ?
Quốc
Toản không hiểu những uẩn khúc trong lòng ông chú. Hầu đề nghị :
– Đối
phó với Kị binh thì nên tránh đồng bằng. Thời Anh vũ Chiêu thắng, Trung
thành vương, Tín nghĩa vương đã phục binh đánh kị binh của Tống tại núi Đại
giáp, Hỏa giáp và thung lũng Ngọc tuyền. Bây giờ thần cũng phục binh tại núi Đại
giáp. Dĩ nhiên có thể một số Kị binh chạy thoát, thần cho phục tại núi Hỏa
giáp, để bắt hết bọn tàn binh.
Thượng
hoàng khen:
– Quốc
Toản sinh ra tại vùng Kinh hồ, từng sống với dân Kinh hồ, từng gần gũi binh tướng
Kinh hồ. Hiểu địa thế Kinh hồ. Vì vậy trẫm mới ủy trận này cho Quốc Toản.
Chiêu
Quốc vương bực mình:
– Khen
cho lắm vào, cứ đợi đi. Mấy hôm nữa tên ôn con này sẽ nát thây ra, bấy giờ
không còn mặt mũi nào mà nhìn chúng ta.
Đến đó
Thái giám tâu :
– Vũ
Minh vương Quang Húc, Tổng
lĩnh Ngự lâm quân, Thị vệ, phụ trách xưởng chế vũ khí Thăng long xin vào tâu
trình.
Lễ
nghi tất.
Vũ
Minh vương tâu :
– Hồi
tháng 5, các xưởng luyện kim chế vũ khí ở Thăng long, Thiên
trường gặp một quặng gang không phải gang, thép không phải thép, đồng không
phải đồng. Các lò nấu đến hai ngày, quặng vẫn cứng. Đành bỏ ra không dùng được.
Thần góp lại đem về Thăng long, gọi là quặng hoàng thiết. Đúng lúc đó Hưng Vũ vương
cùng công chúa Thủy Tiên đem quân đi An bang. Khi quân vuợt sông Bạch đằng
khoảng 250 dặm thì nghỉ nấu cơm ăn. Quân sĩ lấy những tảng đá đen nhánh bắc lên
làm bếp. Không ngờ củi đốt, hắc thạch ( đá đen) cháy đỏ rực, đến nỗi nồi đồng, nồi
gang đều bị chảy ra. Vương sai quân sĩ
chở mấy xe hắc thạch về Thăng long. Dùng hắc thạch nung quặng thép nào cũng mềm
cả. Đem nung quặng hoàng thiết thì quặng mềm ra. Nhân đó Hưng Vũ vương dùng
quặng ấy đúc hai thanh kiếm. Một thanh lớn, một thanh nhỏ. Thần sai binh lên Đông
triều chở mấy trăm xe hắc thạch về dùng cho tất cả các lò luyện kim chế vũ khí.
(3)
Thượng hoàng truyền:
– Cho đem hai thanh
kiếm ấy vào đây.
Vũ Minh vương trở
ra, rồi dẫn hai Thị vệ bưng hai cái giá kiếm, trên phủ nhiễu đỏ, quỳ xuống dâng
lên. Thượng hoàng mở tấm nhiễu che thanh kiếm nhỏ , ngài rút kiếm ra khỏi vỏ:
ánh vàng chiếu sáng lòa, toát ra hơi lạnh rợn người. Thượng hoàng cầm lên múa
một vòng, ánh sáng chiếu như quả cầu vàng. Ngài chống thanh kiếm xuống nền điện.
Sột một tiếng, kiếm xuyên thủng viên đá lát điện sâu đến một tấc.
Thượng hoàng khen:
– Kiếm sắc thực.
––––––––––––––––––––––––––
(1). Trong chính sử, cũng như trong các gia phả dều chép : Hưng Nhượng vương là một đại tướng nhã lượng,
cao trí, hào hoa phong nhã. Mỗi lời nói ra đều đẳn đo. Vì vậy khi vương nói với
thái tử Chiêm, vương phải đứng dậy, tỏ ra lễ độ với vị trừ quân anh hùng này.
(2)
Hồi 1978-1985, Trung quốc đánh Việt Nam, họ cũng bản cũ soạn lại. Họ đánh Việt Nam bằng 4 đạo quân.
Đạo thứ nhất, ra lệnh cho
Pol Pot đem quân đánh vào miền Nam Việt nam. Tuyên bố đòi lại lãnh thổ Chân
lạp, từ Bình tuy đến Cà mau, Châu đốc.
Đạo thứ nhì dùng hơn 2 triệu Hoa kiều tại Việt Nam, gây loạn bằng đủ
mọi hình thức, phá rối an ninh, kinh tế, thương mại.
Đạo thứ ba dùng Hoàng Văn
Hoan làm nội ứng. Lại ra mặt cung cấp vũ khí, tiền bạc cho bọn Việt gian ở hải
ngoại lập ra các đôi Kháng chiến.(Không phải Mặt trận Quốc gia kháng chiến giải
phóng Việt Nam của phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh). Tại Pháp bọn ngơ ngáo đội tên cù
lần Trương Như Tảng lên làm lãnh tụ, mưu
bán nước, mà không có nước để bán. Ước làm một Trần Di Ái, Trần Văn Lộng, Trần Ích Tắc,
Trần Tú Hoãn. Rồi kéo nhau sang Bắc kinh chầu thánh thiên tử. Nhưng chúng quá
dốt nát, không tài, không đức. Trung quốc khôn hơn cáo, chẳng thí cho một tệ,
một đô la nào, đuổi ra khỏi Trung thổ.
Đạo thứ tư, đem đại quân vượt
biên, dậy Việt Nam bài học. Đại quân tàn phá 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam
rồi rút về.
Kết quả 4 đạo quân thu được
những gì độc giả đều biết, khỏi cần nhắc lại.
(3) Xét trong lịch sử Việt
thì từ đời Trần đã dùng Hắc thạch, tiếng bình dân gọi là than đá, đốt lên để
nấu nướng, để sưởi ấm, để luyện kim. Hồi cuối thế kỷ thứ 19, người Pháp nhân đó
khai thác thành mỏ than Hòn gai. Trữõ lượng than đá mỏ này rất lớn. Khai thác
trên 100 năm qua, mà mới như bốc một bốc cát trên một bãi cát vậy.
Những tài liệu còn lưu trữ
tại Pháp thì mỏ than Hòn gai có đặc điểm như sau:
– Than là loại than đá
nguyên chất, nguyên khối. Chứa 100% than đá, óng ánh như gương. Không giống như
những mỏ tại châu Phi, Trung quốc là loại than mùn, thường chứa 20-70 đất lẫn
với than, phải đào sâu xuống mặt đất đến mấy trăm mét, rất nguy hiểm cho thợ.
– Mỏ than nổi trên mặt đất,
hoặc cả một qủa đồi, quả núi là một khối than. Chỉ việc dùng sức đập ra, rồi
nghiền nhỏ, trộn 20-30% than với 70-80% đất là thành than dùng trong kỹ nghệ, đốt
nóng nấu ăn, sưởi ấm, chạy máy.
– Độ sâu của mỏ ước tính từ
2 km đến 15
km.
– Bề rộng dài từ Hòn gai ra
Cẩm phả min (Mine là mỏ), Cọc 1 đến cọc 7, Cẩm phả bo (Port) tức Cửa ông, Mông
dương, Tiên yên, Ba chẽ, Đầm ha, Móng cáỳ.
– Người
Pháp khai thác cho tới năm 1945 thì VN tiếp tục. Cho đến nay mỏ than khai thác đã
112 năm, mà những ngọn đồi mới như thấp đi trăm mét!
Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét