Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A - Gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 88

HỒI THỨ TÁM MƯƠI  TÁM


Lưỡng quốc công thần


Trong khi sự việc rung chuyển trời đất diễn ra tại Yên kinh, Khai bình, Hoa lâm thì tại Nam Tống: sau khi Tể tướng Giả Tự Đạo ký hòa ước với Mông cổ trở về Lâm an mặt đầy kiêu khí với Cảnh Định hoàng đế (Tống Lý Tông). *

Ghi chú,
* Cảnh Định là niên hiệu của Tống Lý Tông trong thời gian 1960 – 1964.
Tống Lý Tông tên thực là Triệu Quân, lên ngôi năm 1225, trải qua các niên hiệu:
– 1225   Bảo khánh,
– 1228   Thiệu định,
– 1234   Đoan bình,
– 1237   Gia huy           ,
– 1241   Thuần hựu,
– 1253   Bảo hựu,
– 1260   Cảnh định,
– 1264   Băng năm Giáp Tý .

Triều đình Tống ngày đêm lo sợ Mông cổ bây giờ họ thấy Tống chỉ mất một số vàng bạc tương đương với số tiền chi phí nuôi một hiệu binh trong hai năm mà cái ách Mông cổ được gỡ ra. Cái họa kị mã Mông cổ đốt nhà giết tuyệt cả một huyện, một thành phố không còn nữa thì mừng chi siết kể. Giữa bữa tiệc vua tôi, văn võ bá quan vui mừng ấy thì Khu mật viện đệ lên tấu chương của Tiết độ sứ Ích châu, nội dung tâu chiến thắng Bồ lăng, giết Mông ca. Vương Kiên còn xin xuất quân ra ngả Phù phong, đánh Võ đô, Hán trung, Vị Nam, Hàm dương. Xin triều đình cho quân vượt Trường giang đánh lên tái chiếm Kinh châu.
 
Giả Tự Đạo bỏ tấu chương vào túi, lệnh cho sứ giả của Vương Kiên nhập tiệc.
Tiệc tàn, Giả Tự Đạo lệnh ngày hôm sau, bách quan thiết đại triều nghe đình nghị về chiến cuộc Ích châu và hòa ước Ngạc châu.

Hôm sau,  trong buổi thiết đại triều, khi các lễ nghi dứt, vì Tể tướng Giả Tự Đạo được ban ân: khi tâu trình không phải xưng tên, không phải qùy. Ông bước ra:
– Muôn  tâu thánh hoàng, sau hơn tháng nghị hòa với Mông cổ , triều đình đã đạt được thắng lợi vô cùng lớn lao là Mông cổ chịu rút về Bắc, trả lại ta 11 châu, 144 thành. Tuy nhiên từ khi động binh họ phải chi quân phí quá nhiều, binh tướng chết vô kể. Họ đòi quân phí. Từ ngày nghị hội đầu tiên, điều kiện họ đưa ra để ngưng chiến là ta phải nộp vàng, bạc, lụa, và ngưng chiến tại chỗ. Tức chỗ nào họ chiếm được, họ giữ nguyên. Ta thì đồng ý nộp vàng lụa, nhưng không chịu cắt đất. Thế nhưng buổi hội cuối cùng, họ lại đồng ý rút quân về Bắc, trả ta 11 châu, 144 thành. Thực nằm mơ thần cũng không thể tưởng nổi. Chỉ mới hai ngày qua thôi, mà họ đã rút quân sang bên kia sông hết rồi.
Ông tự hào:
– Còn vàng, bạc, gạo nộp cho họ còn ít hơn quân phí một hiệu binh trong hai năm. Không biết bệ hạ cùng triều đình có gì cần nghị không?
Một văn quan bước ra tâu:
– Thần Văn Thiên Tường, Khu mật viện sứ xin kính tâu: Mông cổ đang khăng khăng đòi đất, rồi thình lình mềm như con chi chi, nhận tất cả điều kiện của ta vì họ đại bại tại Ích châu. Đại Hãn của họ bị ta giết chết. Mông cổ đang có cuộc tranh dành ngôi Đại Hãn giữa hai người em của Mông Ca là Hốt Tất Liệt với A Lý Bất Ca. Hốt Tất Liệt chịu điều kiện của ta, để y rút quân về Bắc tranh thắng với A Lý Bất Ca.
Từ nhà vua cho đến văn võ bá quan nghe tin quân Tống giết Đại Hãn của Mông cổ đều kinh ngạc, mở to mắt nhìn nhau ngỡ ngàng.
Nhà vua hỏi:
– Khanh tâu chi tiết hơn về việc Mông Ca bị giết.
Sứ giả tâu trình chi tiết các trận đánh Điếu ngư, Trường thảo, Bồ lăng. Cuối cùng kết luận:
– Khi thần lên đường về đây thì Vũ Uy vương, Vương Tiết độ sứ đang ra quân đánh như sét nổ, tái chiếm lại toàn bộ Tứ xuyên. Mông cổ đã rút hết quân từ Ích châu về Hàm dương. Vương Tiết độ sứ muốn xin bệ hạ chấp thuận cho người khôi phục lại Đông xuyên, Tây xuyên, xuất binh ra Tà cốc chiếm Phù phong, Vị Nam, Hàm dương, Lâm đồng. Người xin triều đình xuất quân tái chiếm Kinh châu.
Giả Tự Đạo lắc đầu:
– Vương Kiên bị Mông cổ đánh chiếm gần hết Tứ xuyên, sức cùng, lực kiệt. May nhờ Đại Việt viện binh, xuất kỳ bất ý  mà thành công. Mông Ca tuy chết, nhưng các tướng của y đâu có hèn? Mông cổ ở vùng ấy còn tới 30 vạn kị binh như hùm, như hổ. Bây giờ Vương Kiên định đem mấy hiệu binh ọp ẹp chọi với chúng e chết uổng mà thôi. Xin bệ hạ ban chỉ cho Vương Kiên: chỉ nên tái chiếm lại Ích châu là có đại công lớn vô cùng. Triều đình đã ký hòa ước với chúng, để được yên rồi. Không nên chọc chúng nữa.
Quản Khu mật viện Văn Thiên Tường cãi:
– Từ trước tới nay Hốt Tất Liệt muốn lấn áp Mông Ca. Vì vậy Mông Ca mới lập ra Câu khảo cục để tỉa bớt vây cánh của y, rồi thu binh quyền, đem y về Hoa lâm ngồi chơi. Mông Ca đem quân nghiêng nước vào đánh Trung nguyên, chính y thân chinh đánh Tứ xuyên, còn mặt trận phía Đông y trao cho Tháp Sát Nhi. Vì bị ta đánh bại, nên Tháp Sát Nhi bị Mông Ca cách chức trao cho mặt trận phía Bắc. Bất đắc dĩ Mông Ca phải gọi Hốt Tất Liệt ra thay thế.
Ông ngừng lại cho mọi người theo kịp, rồi tiếp:
– Đúng ra Mông Ca là con cả của Đà Lôi chết, thì con thứ là Hốt Tất Liệt sẽ lên thay. Đây Mông Ca để di chiếu cho em thứ ba là A Lý Bất Ca thay, thì đời nào Hốt Tất Liệt chịu ngồi yên? Y phải đem quân về tranh ngôi với A Lý Bất Ca. Chính vì vậy y buông mặt trận Ngạc châu, đem quân về Bắc. Cho nên mới hôm trước y nằng nặc đòi giữ 11 châu, 144 thành; mà hôm sau y đổi thái độ. Mông Cổ đang có nội chiến. Tại sao ta không nhân dịp này quét chúng khỏi Trung nguyên? Vương Kiên có lý khi muốn xuất binh đánh ra Hàm dương. Ta cũng nhân dịp này đánh thốc lên Bắc phục hồi cố thổ!
Thế rồi văn võ bách quan cùng nhau tranh luận. Cuối cùng nhà vua ngả theo phe Giả Tự Đạo:
– Suốt bao năm qua, ta chịu binh ách khổ cùng cực. Kho lẫm, quốc khố trống rỗng. Binh tướng chết quá nhiều. Bây giờ Hốt Tất Liệt chịu trả đất, rút binh, là dịp bằng vàng. Ta tạm thời ngồi trông anh em Hốt Tất Liệt tranh dành. Cuộc nội chiến này ít ra phải 3 tới 5 năm. Hai cọp tranh thắng, cuối cùng một cọp chết, một cọp bị thương, trong khi ta huấn luyện, bổ xung quân khí, phục hồi kho lẫm. Bấy giờ ta quay lên tranh phong với chúng cũng chưa muộn.
Nhà vua ban chỉ:
– Triều đình ghi công Vương Kiên cùng tướng sĩ Tứ xuyên. Binh bộ hãy xét công lao, phủ tuất gia đình tướng sĩ vị quốc vong thân. Thăng thưởng cho tướng sĩ có công. Đối với Vũ Uy vương và binh tướng Đại Việt thì tùy nghi, nếu họ muốn ở lại giúp ta, ta điều hai hiệu binh thiện chiến này trấn tại Tương dương, Phàn thành. Nếu họ muốn rút về thì triều đình gửi sứ sang tạ ơn Quốc vương Đại Việt, xin thăng thưởng cho tướng sĩ Việt có công.
Văn Thiên Tường tâu:
– So với Đại Việt thì Tống là đại quốc. Binh tướng Đại Việt sang đây xả thân vì Tống, thì Tống nên xét công thăng thưởng cho họ. Họ có thể có chức tước của Đại Việt, nay thêm chức tước của Tống, họ càng thêm hãnh diện. Nhất là hiệu binh Thiệu Hưng, họ gồm các Hoa kiều tài trí ở Đại Việt. Họ bỏ đời sống an nhàn, về nước đánh Thát đát. Triều đình cần phong chức tước cho họ. Lại sai sứ sang Đại Việt phong hàm cho cha mẹ của họ.
Nhà vua nhỏ nhẹ:
– Trẫm chuẩn lời tâu của Văn Thái phó. Vậy Binh bộ, Lễ bộ xét công tâu lên để thăng thưởng cho họ càng sớm càng tốt.
Nhà vua suy nghĩ một lát rồi tiếp:
– Trẫm nghe Vũ Uy vương, vương phi là những người có tài đại tướng, lại là những đấng bút mặc văn chương. Trẫm khẩn khoản kính mời vương, vương phi cùng các đại tướng Việt tới Lâm an, để triều đình tỏ lòng ngưỡng mộ. Không biết ai đi sứ được đây? Phải mời cho được ba đại tướng có mỹ danh Dã Tượng, Yết Kiêu, Đại Đởm Nguyễn Thiên Sanh.
Giả Tự Đạo tâu:
– Vũ Uy vương, vương phi có tài dùng binh như Tôn- Ngô, võ công cao không biết đâu mà lường. Cả hai lại là những đấng tài tử, bút mặc văn chương. Vậy cần phải có một danh sĩ đi sứ thì mới tỏ ra triều đình trọng vọng vương.
Trấn Viễn đại tướng quân Giả Nghị tâu:
– Danh sĩ tại triều thì nhiều vô kể. Thần xin tiến cử một trong ba vị là Lưu Khắc Trang, Tạ Phương Đắc, Văn Thiên Tường.
Nhà vua trì nghi:
– Nên cử hai vị là Thái phó Văn Thiên Tường và Phong đô hầu Tạ Phương Đắc. Trẫm nghe khi Tạ Phương Đắc từ Thục về triều, thì Vũ Uy vương phi gửi hai sư đệ là kiếm thuật danh gia theo hộ tống. Hôm trước Tạ Phương Đắc nhục mạ thậm từ Tể tướng bị đầy ra Hưng quốc quân. Vậy hãy ban chỉ ân xá cho Phong đô hầu, khiến hầu đem hậu lễ vào Thục mời Vũ Uy vương, vương phi và những đại tướng Việt có công về triều. Triều đình phải tổ chức tiếp đón thực long trọng, để tỏ lòng tri ân.

Tại Thành đô, sau khi quân Mông cổ rút khỏi Ích châu, thì Vương Kiên, Gia Huyễn Ông bận rộn vô cùng, vì phải lo phối trí lại lực lượng, tu bổ các thành trì, tái huấn luyện binh tướng, bố nhiệm các quan văn võ mới. Những việc này Vũ Uy vương không giúp gì được cả.
Vũ Uy vương cho họp các tướng hai hiệu binh Văn Bắc, Thiệu Hưng, kiểm điểm quân số tổn thất . Hiệu Thiệu Hưng bị thiệt hại nhẹ trong trận đánh Bồ lăng. Hiệu Văn Bắc thiệt hại chút ít trong trận Thảo trường khi giao chiến với đội Cấm quân. Các tướng vô sự.
Yết Kiêu đặt vấn đề:
– Mục đích của triều đình là cứu viện Tống. Nay Mông cổ đã rút khỏi Tứ xuyên. Triều Tống ký thỏa ước ngừng chiến với Mông cổ. Vậy chúng ta rút về Đại Việt hay tiếp tục ở lại?
Dã Tượng bàn:
– Binh tướng xa nhà đã lâu. Hiện Mông cổ đang có nội chiến khốc liệt, ta nên rút về càng sớm càng tốt.
Vũ Uy vương ban chỉ:
– Cô gia đã gửi biểu về triều. Hãy đợi chỉ dụ của triều đình đã.
Có sứ giả của Vương Kiên đến. Sứ giả là Kiêu kị thượng tướng quân Nguyễn Văn Lập. Sứ giả khải:
– Thưa vương gia, vương phi cùng chư tướng. Triều đình sai hai vị  sứ giả là Tạ Phương Đắc, Văn Thiên Tường tới để thăng thưởng cho tướng sĩ Tống, Việt có công trong trận đánh vừa qua. Vương Tổng trấn xin chỉ dụ của vương gia.
– Hiện sứ giả ở đâu?
– Sứ giả đang ở trong thành.
– Được rồi,  chúng tôi đi ngay.
Vương cho mời tất cả các tướng soái hai hiệu binh Thiệu Hưng, Văn Bắc từ cấp Quân trưởng lên đường vào thành.
Lễ nghi tất.
Văn Thiên Tường hướng tất cả tướng sĩ Việt:
– Hoàng thượng cùng triều đình đã gửi sứ giả sang Thăng long, tạ ơn Thượng hoàng, Thiệu Long hoàng đế cùng triều đình Đại Việt đã mở rộng kho lẫm giúp Tống trong cơn khốn khó. Đại Việt lại gửi binh hùng, tướng tài trợ Trung nguyên. Triều đình  sai tôi vào đây trước là phong chức tước cho tướng sĩ hiệu binh  Thiệu Hưng, Văn Bắc, sau là kính thỉnh vương gia, vương phi cùng chư tướng về Lâm an để được diện kiến chư vị anh hùng Nam phương.
Văn Thiên Tường đọc chiếu chỉ tuyên dương công trạng cho toàn thể binh tướng Đông xuyên, Tây xuyên, Hán trung, Thành đô đã xả thân báo quốc.
– Vương Kiên chức tước cũ là:

Thái tử thiếu bảo,
Trấn viễn thượng tướng quân,
Tây xuyên quốc công,
Ích châu Tiết độ sứ.

Nay được thăng:
Thái tử Thái phó,
Hán trung quốc công.
Trấn viễn đại tướng quân,
Trung vũ quân Tiết độ sứ,

– Tạ Phương Đắc, chức tước cũ là :

Binh bộ tham tri,
Khu mật viện sứ,
Thái tử thái bảo,
Phong đô hầu,

Nay được thăng:
Thái tử thiếu sư,
Binh bộ thượng thư,
Phó quản Khu mật viện,
Phong đô công.
Bình Tây đại tướng quân.

Gia Huyễn Ông chức tước cũ là:

Khu mật viện phó sứ,
Thái tử thiếu sư,
Long nhương thượng tướng quân,
Thành tâm hầu.
Giám quân Thành đô.

Nay được thăng:

Khu mật viện sứ,
Thái tử thái bảo,
Văn thành hầu.
Tổng trấn Thành đô.

Nguyễn Văn Lập chức tước cũ là:

Phó trấn thủ Điếu ngư.
Kiêu kị thượng tướng quân
Trung nghĩa hầu.

Nay được thăng:

Phiêu kị thượng tướng quân,
Đại thắng hầu.
Tổng trấn Hợp châu.*

* Ghi chú:
Tất cả chức tước cũ, và mới của bốn tướng, tôi lấy trong bộ Tống triều công thần bi ký.
Sau khi  Tống triều mất, dân chúng các nơi lập đền thờ bốn vị tướng này, rồi tạc kia kỷ niệm.
Đến đời Thanh, vua Khang Hy ra lệnh cho hai đại thần là Trần Hy-Cương, Tống Đạm sưu tầm tất cả văn bia các công thần Tống soạn thành bộ sách mang tên Tống triều công thần bi ký. Bộ này soạn vào Mậu-Tuất (1718), niên hiệu Khang Hy thứ 57. Nội dung sao chép tất cả văn bia, mộ chí các công thần nhà Tống . Thư viện Quảng-châu, Liễu-châu, Côn minh, Thành đô đều có bộ này.


Ngoài ra hầu hết tướng sĩ Tống có công đều được thăng chức, ban tước. Phu nhân Minh Anh của Vương Kiên, Hoa sơn ngũ hiệp, Kim sơn tam anh,  đều được thăng thưởng.

Các tướng hướng về Lâm an tạ ơn.
Hướng về các tướng Việt, Văn Thiên Tường nói bằng giọng đầm ấm:
– Từ nghìn xưa, người Hán dù lưu lạc bất cứ phương nào, từ nguyên do nào, đều luôn hướng về quê hương. Người Hán lưu lạc sang Đại Việt, được các triều đại Đại Việt ưu ái cho kiều ngụ, tất cả đều khá giả. Nay nhân đất nước bị rợ Thát đát tàn phá, muốn trở về quê hương đuổi giặc, được Thiệu Long hoàng đế cùng triều đình  nghĩ tình Tống-Việt môi hở răng lạnh, đã cho tổ chức thành hiệu binh Thiệu hưng rồi huấn luyện trang bị. Giữa lúc Ích châu như ngọn đèn trước gió, hiệu binh Thiệu hưng được đem về cứu viện. Với lòng yêu quê hương nhiệt thành, với tinh thần quyết đuổi giặc, đánh đâu thắng đó.
Ông nhìn các tướng hiệu Thiệu Hưng:
– Triều đình quyết định lao tưởng huân công, phong chức tước như  sau:
– Đại tôn sư Phùng Tập chức tước như sau:

Trấn Bắc thượng tướng quân,
Linh viễn đình hầu.

– Tất cả các Quân trưởng được phong chức Uy viễn tướng quân. Tước Thiện tâm bá.
– Tất cả các Vệ trưởng được phong chức Đô thống, tước Kiêu kị tử.
– Tất cả các Đô trưởng được phong chức Tá lĩnh, tước Hùng uy nam.

Ghi chú,
Phó tướng, tương dương với ngày nay là Thiếu tướng.
Tướng quân, tương đương với ngày nay là Trung tướng.
Thượng tướng quân, tương đương với ngày nay là Thượng tướng.
Đại tướng, tương đương với ngày nay là Đại tướng.
Đô thống, tương dương với ngày nay là Đại tá.
Tá lĩnh, tương đương với ngày nay là Trung tá.
Tham tá, tương dương với ngày nay là Thiếu tá.

– 18 đệ tử của Thiên Phong đại sư được phong:
Đại từ, Minh tâm, Thông huyền đại sư.

Văn Thiên Tường hướng về Vũ Uy vương và các tướng Việt:
– Triều đình đã gửi sứ sang Đại Việt tạ ơn Thái thượng hoàng và Thiệu Long hoàng đế, xin phép được phong tặng cho tướng sĩ Việt. Quả Thượng hoàng là một  Bồ tát hóa thân, lòng dạ người rộng như biển, người ban chỉ:

“ Trong lịch sử Hán Việt, có không biết bao nhiêu người Việt từng được các triều đại Trung nguyên thụ phong. Bây giờ Cảnh Định hoàng đế  ban chức tước cho tướng sĩ Bắc Viện, càng thắt chặt tình ruột thịt con cháu vua Thần nông”.

 Vì vậy triều đình đã nghị. Xin chư tướng tiếp chỉ.
Các tướng Việt quỳ gối tiếp chỉ. Văn Thiên Tường đọc chiếu chỉ. Chiếu chỉ là một bản văn ca tụng tinh thần, tài trí của các tướng Việt, rồi phong:

Vũ Uy vương:
Chức tước Đại Việt phong cho là:

Thái tử thái bảo,
Đồng bình chương sự,
Võ hiển đại học sĩ,
Bắc cương Tiết độ sứ,
Trấn Bắc đại tướng quân,
Tước Vũ Uy đại vương.
Trấn ngự Bắc cương.

Chức tước Tống phong cho là:

Thái sư, thượng trụ quốc,
Khai phủ nghị đồng tam tư,
Nam phương trung thứ công thần.
Phụ quốc đại tướng quân,
Đồng bình chương sự,
Kinh Nam  tiết độ sứ.
Hành sơn đại vương.

Như vậy chức tước Tống phong cho lớn hơn chức tước của Đại Việt bốn bậc, cao nhất của Tống triều.
Thái sư là hàm cao nhất của Tống triều.
Khai phủ nghị đồng tam tư, được mở phủ đệ riêng, như một triều đình nhỏ.
Phụ quốc đại tướng quân, cấp bậc cao nhất trong 18 đại tướng triều Tống.
Đồng bình chương sự, chức Văn, tức Tể tướng.
Kinh Nam tiết độ sứ: tư lệnh quân đội miền Nam Kinh châu.
Hành sơn vương: vương tước ăn lộc miền Hành sơn.

Tước của Vương phi Ý Ninh tại Đại Việt là  Thạc hòa, Minh đức, Trang duệ, Vũ thắng trưởng công chúa.
Nay thêm Linh mẫn huyền quân.
Như vậy ngang với hàm của các bà Thái hậu Tống.

Nguyễn Thiên Sanh,
Chức tước của Đại Việt phong cho là:

Đại đởm đại tướng quân,
            Tước An xuyên hầu.

Nay thăng lên:

Đại đởm, đại tướng quân,
Minh tâm,  dũng lược, duệ mưu công thần,
Nam phương, thần vũ Quốc công.

So với chúc tước Đại Việt phong cho cao hơn bốn bậc.
Các Đại đởm dũng sĩ được Đại Việt phong  cho hàm Vệ úy. Nay tất cả đều được thăng lên Tá lĩnh, ban cho mỹ tự Hổ uy, tước Minh tâm Nam.

Dã Tượng:
Chức tước Đại Việt phong cho là:

Tả thiên ngưu vệ đại tướng quân,
Tước Khâu Bắc bá.

Nay thăng lên:

 Thiên tượng đại tướng quân,
Nam phương uy dũng công thần.
Tước Khâu Bắc đình hầu.

Cao hơn chức tước Đại Việt phong cho 4 cấp.

Vì Thúy Hồng tước của Đại Việt là công chúa, Tống triều thể theo lệ phong cho các hoàng hậu, công chúa, phong cho tước:

Nam phương, đại từ, thạc hòa huyền quân.
Vũ uy, quang minh công chúa.

Yết Kiêu:
Chức tước Đại Việt phong cho là:

Hữu thiên ngưu vệ thượng tướng quân,
Tước An biên Tử.

Nay thăng lên:

Đông hải Thiên kình đại tướng quân,
Nam phương hùng uy, công thần.
Tước An biên đình hầu.

Cao hơn chức tước Đại Việt phong cho 8 bậc.

Phu nhân Vương Chân Phương là thần dân Tống, từng theo quân thiết kế, theo chồng ra trận, an ủi tướng sĩ, công rất lớn, theo nữ quan giai Tống thì đầu tiên phong cho tước phu nhân rồi từ từ lên nhất phẩm phu nhân, rồi quận chúa, sau mới thăng công chúa. Nhưng vì công lao lớn nên một bước được phong ngay:
Hồng đức, trang hòa Công chúa
Nguyễn Địa Lô:
Chức tước Đại Việt phong cho là:

Văn Bắc thượng tướng quân,
Tước Văn sơn Tử.

Nay thăng lên:

Binh bộ tham tri,
Trung lang tướng,
Tước Văn sơn hầu.

Tức là thăng lên 12 bậc.
Binh bộ tham tri, tương đương với ngày nay là Thứù trưởng quốc phòng.
Trung lang tướng, chức văn thấp hơn Tể tướng một bậc.Cao hơn phó Tể tướng.

Phu nhân  Thái Ngọc Hồng được phong Nhu mẫn, hồng anh nhất phẩm phu nhân.

Phó thống lĩnh  hiệu binh Văn  Bắc: Lý Đại, các Quân trưởng hiệu Văn  Bắc là Trần Nhị, Vũ Tam, Phạm Tứ, Hoàng Ngũ đều được phong hàm Đô thống, tước Vũ uy Nam.
Tất cả các Ngưu tướng nam nữ  đều được phong Ngưu vệ tướng quân, tước Nam thiên tử.

Trấn Bắc thượng tướng quân Phùng Tập kính cẩn nói với Văn Thiên Tường:
– Thưa Thái phó, tất cả tướng sĩ hiệu Thiệu hưng đều có ước vọng được ở lại quê cha, chống Thát đát. Thượng hoàng cũng như Đại Việt hoàng đế đã chấp thuận. Xin Thái phó tâu với hoàng thượng cho anh em chúng tôi được toại nguyện.
Văn Thiên Tường cực kỳ cao hứng:
– Khi tôi lên đường hoàng thượng, cùng triều đình đã nghị về việc này. Tất cả đều biết rõ tấm lòng yêu quê hương của hiệu Thiệu Hưng. Hoàng thượng muốn dùng hiệu Thiệu Hưng trấn ở phía Nam hồ Động đình làm trừ bị cho Tương dương, Phàn thành.
Ngưu vệ tướng quân Lý  Long Đại đưa mắt cho vợ là Vũ Trang Hồng rồi  khải với Vũ Uy vương:
– Khải vương gia,  hiện trong nước vô sự, tại Tống giặc Thát đát tạm yên. Thần lớn mật xin vương gia cho phép vợ chồng thần được thăm hồ Động đình, cánh đồng Tương là nơi phát tích ra hai vị Quốc mẫu Đại Việt!
Trang duệ, Thạc hòa công chúa, Linh anh huyền quân Vương Chân Phương nói với Văn Thiên Tường:
– Thưa Thái phó, trong gần 2 năm sống với tướng sĩ hiệu Văn Bắc, tôi  có dịp truyện trò với họ. Họ cùng có tâm nguyện rằng kỳ Bắc viện này sẽ được thăm khu đất linh hồ Động đình. Xin Thái phó tâu lên triều đình chuẩn cho.
– Thưa công chúa, không cần tôi tâu. Mà hoàng thượng muốn mời vương gia, vương phi cùng chư tướng về Lâm an để triều đình được thấy uy vũ các vị. Trong buổi yết kiến, chư vị có ước nguyện gì cứ tâu thẳng.
Vũ Uy vương quyết định:
– Hiệu Thiệu Hưng sẽ lên đường đi Trường sa, do Tạ Binh bộ thượng thư điều động. Hiệu Văn Bắc sẽ do Thủy quân chở về Giang an, rồi lên bộ về Đại Việt. Các tướng phải đi theo quân. Sau khi về tới Đại Việt, các tướng được nghỉ ba tháng. Trong ba tháng đó sẽ có sứ Tống triều đón đi Lâm an yết kiến Tống Thiên tử, rồi du ngoạn hồ Động đình. Cô gia với vương phi sẽ đi cùng chư tướng.
Tạ Phương Đắc quyết định:
– Bây giờ Thái tử thái bảo Gia Huyễn Ông sẽ cho thủy quân sẽ đưa hiệu Thiệu Hưng xuôi Trường giang rời Thục vào hồ Động đình. Tuyên vũ sứ Trường sa đã được chỉ dụ của triều đình tiếp đón, chỉ định khu vực đóng quân. Thái bảo đi theo giúp Trấn Bắc thượng tướng quân, Linh viễn đình hầu Phùng Tập, là người của triều đình giúp quan quân Trường sa với binh tướng hiệu Thiệu Hưng hiểu nhau.
Trước khi rời Thục, trong tiệc tiễn đưa các tướng Việt,  Văn Thiên Tường, Tạ Phương Đắc, Gia Huyễn Ông, Vương Kiên dùng lời lẽ hết sức cảm động cảm ơn. Cuối cùng Văn Thiên Tường thiết tha nói với vương phi Ý Ninh:
– Khải phi! Trong những ngày gần phi. Tường này thấy phi có tầm nhìn xa khác người. Ngày mai chúng ta kẻ Nam, người Bắc không biết bao giờ gặp lại nhau. Tuy nhiên vương gia, vương phi dã nhận tước phong của triều đình, thì những thành bại của triều đình vương phi đều quan tâm. Xin phi cho mấy lời khuyên!
Vương phi Ý Ninh cảm động:
– Đa tạ Thái phó đã coi trọng tôi. Trước đây tổ Trần Tự Mai* của chúng tôi đã từng là Phò mã Tống triều, lập công với vua Nhân Tông. Bây giờ vợ chồng tôi lại theo gương người xưa.

Ghi chú
* Xin đọc bộ Nam quốc sơn hà, cùng tác giả, để biết hành trạng của tổ họ Trần là Trần Tự Mai kết hôn với công chúa Tống là Triệu Huệ Nhu, mà trở thành phò mã Tống, giúp Tống đánh đông dẹp bắc, được phong tước Thái sư Kinh Nam vương.

Phi nhấn mạnh:
– Chúng tôi trở về Đại Việt mà lòng để ở bên Tống. Cái họa Mông cổ chỉ mới tạm yên. Bây giờ Mông cổ đã bị cắt ra thành 5 nước thì không còn mạnh như trước nữa. Cuộc nội chiến Mông cổ trước sau gì rồi cũng chấm dứt. Dù A Lý Bất Ca thắng hay Hốt Tất Liệt thắng thì chúng cũng sẽ đem quân đánh Tống. Vì sao? Vì từ thời Thành Cát Tư Hãn đã phác họa cho con cháu biết rằng lãnh thổ Mông cổ đều ở vùng khí hậu lạnh cắt da, xé thịt, tài nguyên nghèo nàn. Cần tìm một vùng đất để di dân vào lập nghiệp. Cuối cùng Thành Cát Tư Hãn thấy Trung nguyên là nơi có thể đáp ứng nhu cầu. Cho nên Mông cổ xâm chiếm vùng đất sát Trường thành tới Yên kinh, Sơn tây, Tứ xuyên, Sơn Đông, rồi ào ạt di dân vào.
Phi cười nhạt:
– Nhưng kế hoạch di dân của Thành Cát Tư Hãn bị thất bại quá nặng.
Gia Huyễn Ông kinh ngạc:
– Phi nói thất bại quá nặng ư? Bọn Mông cổ tràn vào Trung nguyên chiếm lĩnh đất cát, ruộng vườn của người Hán rồi canh tác, khiến trời sầu đất thảm mà!!!
Phi cười lớn:
– Tôi hỏi tiên sinh nhé: Liêu, rồi Kim từng chiếm Hoa Bắc, xua dân vào định cư,  cai trị người Hán hơn trăm năm. Nay khắp Hoa Bắc có còn người Kim, người Liêu nào không? Họ thành người Hán hết rồi!
Thấy cả bốn đại thần Tống đều ngơ ngác, phi tiếp:
– Tôi nói Thành Cát Tư Hãn thất bại quá nặng. Bởi từ ngày ông ta cho di dân vào Trung nguyên nay trải 50 năm, tuy số dân di vào thì nhiều, mà như ném nắm muối xuống biển. Họ biến đâu mất hết rồi. Vậy số di dân đó đi đâu? Các vị có thấy dân Mông cổ ở Yên kinh không? Nhìn bề ngoài dường như không có xóm nào, thôn nào có dân Mông cổ. Sự thực họ vẫn còn đó, họ sinh đẻ rất nhanh. Họ thành người Hán hết rồi.  Mấy năm trước chúng tôi từng tới Yên kinh, từng đi thăm khắp các vùng đất từ Lâm đồng, Đồng quan cho tới Trương gia khẩu. Tôi thấy di dân Mông cổ đã mất hết đặc tính dân lều trại. Nhà cửa của họ là nhà tộc Hán. Y phục của họ là y phục tộc Hán. Con cháu họ không còn nói tiếng Thảo nguyên nữa, mà chỉ nói tiếng Hán. Họ dùng văn tự Hán. Đi đâu cũng nghe người Mông cổ bàn về Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế. Họ dẫn chứng toàn truyện Khổng tử, Mạnh tử. Hễ mở miệng ra là bàn truyện Hán, Đường. Họ không còn dùng tên Mông cổ, mà đổi ra dùng tên Hán. Nghĩa là họ thành người Hán rồi. Cơ đồ này chỉ vài chục năm nữa, những di dân gốc Thảo nguyên chết đi thì không còn vết tích của Mông cổ nữa, mà con cháu họ sẽ tự nhận là người Hán hết.
Tạ Phương Đắc tỏ ra hiểu vấn đề. Ông nói:
– Chúng tôi quả không chú ý đến điều vương phi nhận xét. Nhờ vương phi mà chúng tôi như người mù được mở mắt ra.
– Chúng tôi đã gây cho Mông cổ có nội chiến. Hiện Hốt Tất Liệt đã hủy bỏ hết những tố chức chính sự, phong tục Thảo nguyên. Y dùng Hán pháp mà thành công. Xung quanh y toàn mưu sĩ, văn quan người Hán. Binh tướng của y ba người Hán mới có một người Mông cổ. Y bỏ ngôi Đại hãn, mà xưng là Trung Thống hoàng đế.  Triều đình của y tổ chức giống triều đình Đường-Tống. Nếu y thắng trong cuộc chiến này, thì có nghĩa tập đoàn lều trại bại, tập đoàn định cư thắng thế. Trung nguyên trở thành Thiên quốc, Mông cổ trở thành thuộc quốc. Dĩ nhiên sau đó người Mông cổ bỏ lều trại ào ạt vào Trung nguyên sống. Ít lâu sau họ thành người Hán hết. Dân chúng sống tại Thảo nguyên trở thành thiểu số. Đế quốc Mông cổ không thể phục hồi nữa.
Phi  thấy bốn đại thần Tống như người trong cuộc cờ, mê mê, tỉnh tỉnh. Mình ngồi ngoài cuộc cờ mà thấy rõ. Phi tiếp:
– Nếu A Lý Bất Ca thắng, y cũng sẽ cho dân Mông cổ tràn vào Trung nguyên. Không sao! Năm ba chục năm sau họ cũng thành người Hán. Họ sẽ không còn nhận mình là giòng sói xám, mà tự nhận là con cháu Thần Nông, Phục Hy, Hoàng Đếá.
Vương Kiên hỏi:
– Nếu như  Trung Thống thắng, y đem quân đánh Tống, thì vương phi nghĩ sao?
– A Lý Bất Ca thắng, y đem quân đánh Tống có nghĩa là rợ Thát đát xâm Trung nguyên. Sĩ dân Hán sẽ hết sức cùng Tống triều chống ngoại xâm. Tống triều sẽ tồn tại rất lâu. Còn như Trung Thống thắng, dân Hán coi triều Nguyên như Hán, như Đường. Y đem quân đánh Tống thì có nghĩa triều Nguyên đánh triều Tống. Như Hạng Võ chiến Lưu Bang. Bởi y khéo chiêu hiền, nạp sĩ, các tướng Tống sẽ hàng Nguyên, đánh Tống. Trường hợp này Tống sẽ không thể tồn tại lâu được.

Vũ Uy vương, vương phi dẫn bộ tham mưu cùng hiệu binh Văn Bắc dùng thuyền từ Thành đô theo đường thủy đi Giang an, rồi vào Chiêu thông, sau đó về Khâu Bắc, Văn sơn. Phải mất 10 ngày, đoàn quân chiến thắng mới trở về tới biên giới Việt-Hoa.
Vừa lúc đó có sứ giả Tống bao tin Tống Cảnh Định hoàng đế băng. Thái tử  Triệu Kỳ lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Hàm Thuần ( sau này băng miếu hiệu là Độ Tông).
Vũ Uy vương cùng chư tướng dừng lại giữa đường lập bàn thờ tế vọng, tất cả tướng sĩ nhận chức tước của Tống đều để tang.

Phụ quốc Thái úy Chiêu Minh vương Trần Quang Khải; Tổng trấn Thăng long kiêm quyền Tổng trấn Tây Bắc cương Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc; Quản khu mật viện Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật; dẫn các quan văn võ thuộc Tòa Tổng trấn đi đón. Trong đoàn đón còn có cả Vũ sơn công Tạ Quốc Ninh, phu nhân Hoàng Liên; Văn sơn hầu* Nguyễn Địa Lô, phu nhân Thái Ngọc Hồng; Chiêu võ thượng tướng quân, Chiêu dương Nam, và phu nhân  Kha Li Đa.

Ghi chú
* Chức tước của triều đình ban Ngũ ưng thấp hơn chức tước của Tống ban cho, nên từ nay, chúng tôi dùng chức tước của Tống.
Chức tước của cho Địa Lô mà triều Trần ban cho là Văn Bắc thượng tướng quân, tước Văn sơn Tử. Nhưng chức tước mới của Tống phong cho cao hơn nhiều Binh bộ tham tri, Trung lang tướng, Văn sơn hầu.


Vũ Uy vương phi hỏi Chiêu Minh vương:
– Vũ sơn công Tạ Quốc Ninh về nước từ bao giờ?
– Công từ Đại lý về nước hơn nửa năm. Em trao cho công giữ chức Phó quản khu mật viện. Nhưng công xin cáo từ vì tuổi già sức yếu. Còn phu nhân thì do Địa Lô đưa về đã ba tháng.
Vũ Uy vương hỏi:
– Côi sơn Nam Cao Mang với phu nhân Kha Li Đa từ Hồi cương về nước bao giờ?
– Mới được ba ngày.
Chiêu Minh vương than:
– Tiếc quá, trong buổi mừng chiến thắng này, Thiên trường ngũ ưng vắng mặt Đại Hành.

Căn cứ vào sổ ghi công của Vũ Uy vương, Chiêu Minh vương thăng thưởng cho tướng các cấp Lượng trưởng, Ngũ trưởng, binh sĩ. Còn lại từ cấp Đô trưởng, Vệ trưởng trở lên, thì gửi tấu chương về triều xin thăng thưởng. Tất cả tướng sĩ được nghỉ ba tháng về thăm nhà.
Một buổi khao quân linh đình được tổ chức. Để bảo mật, các vương không hỏi nhiều về việc Bắc viện, mà dành cho Vũ Uy vương tấu trình trong buổi thiết đại triều.
Chiêu Quốc vương cử một đội Kỵ mã hộ tống Vũ Uy vương, vương phi cùng chư tướng về Thăng long tấu trình chi tiết những gì đã làm trong thời gian Bắc viện.
Vương nói với anh:
– Em cho Kỵ mã hộ tống anh chị với chư tướng là để tỏ lòng tôn kính. Chứ bọn trộm cướp, bọn gian tà gan có to bằng trời cũng không dám đụng đến anh chị với Dã Tượng, Yết Kiêu mà tan xương nát thịt.
Đã lâu ngày, bây giờ anh em Vũ Uy vương mới được gặp nhau trong buổi hội quân chiến thắng vinh dự. Theo thứ tự tuổi tác, Vũ Uy vương lớn nhất rồi tới Chiêu Minh vương, Chiêu Quốc vương, Chiêu Văn vương, cùng đi một đoàn về Thăng long.
Khi đoàn người ngựa về tới Gia lâm thì có sứ của giả của triều đình đón. Ngoài thành Thăng long hơn ba  nghìn thiết kị dàn ra uy nghiêm, cử nhạc chiến thắng đón vào thành.
Buổi thiết đại triều tại điện Uy viễn trong khu Giảng võ. Thượng hoàng, Thiệu long hoàng đế, Trung vũ đại vương Thủ Độ, Hưng Đạo vương Quốc Tuấn, Hưng Ninh vương Quốc Tung, Nhân Huệ vương Khành Dư thân ra cửa điện đón tướng sĩ Bắc viện trở về.
Lễ nghi tất.
Lễ bộ thượng thư tâu:
– Buổi thiết đại triều hôm nay có thêm Thượng hoàng, Trung Vũ đại vương quang lâm. Nội dung nghe Vũ Uy vương cùng chư tướng tấu trình về cuộc Bắc viện, chiến thắng trở về. Trước hết, Trưởng sử của đạo quân Bắc viện tâu trình.
Trưởng sử (người ghi chép nhật ký hành quân) là Nguyễn Địa Lô bước ra tâu:
– Thần, Văn Bắc thượng tướng quân, Văn sơn Tử Nguyễn Địa Lô kính tâu Thượng hoàng, Hoàng thượng chi tiết cuộc Bắc viện.
Trung Vũ đại vương Thủ Độ ban chỉ:
– Cháu được Tống triều phong cho chức tước Binh bộ tham tri, Trung lang tướng, Văn sơn hầu tại sao cháu không xưng chức tước này? Như vậy phụ lòng Tống đế . Cháu đừng ái ngại khi được Tống triều phong chức. Vì từ Thượng hoàng cho đến Hoàng thượng đều nhận sắc phong của Tống cả.
– Dạ! cháu tuân chỉ của ông trẻ.
– Cho cháu bình thân. Cháu chỉ tấu trình diễn tiến các trận đánh mà thôi. Còn những chi tiết về 12 Tây thi, cũng như  mật kế của Vũ Uy vương, cháu sẽ trình tại Khu mật viện sau.
Địa Lô được ngồi trước một án thư. Hầu mở cuốn sổ nhật ký hành quân Bắc viện sát đát minh thư nghĩa là cuốn số ghi chép công cuộc Bắc viện giết Mông cổ. Hầu tấu trình chi tiết kể từ ngày hai hiệu binh vượt biên sang Trung nguyên cho đến lúc về đến Đại Việt.
Thượng hoàng ban chỉ:
– Tất cả có ba trận đáng ghi nhận là trận Trường thảo, Bồ lăng và Điếu ngư. Trận Trường thảo do Thiên tượng đại tướng quân, Nam phương uy dũng công thần Khâu Bắc đình hầu Trần Quốc Kinh chỉ huy. Trận Bồ lăng do Đông hải Thiên kình đại tướng quân, Nam phương hùng uy, công thần, An biên đình hầu Trần Quốc Vỹ chỉ huy. Trận đánh Điếu Ngư do Binh bộ tham tri, Trung lang tướng, Văn sơn hầu  Nguyễn Địa Lô chỉ huy. Ba tướng đã dùng sở học về Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư. Vậy ba tướng hãy tâu trình diễn tiến chi tiết, để triều đình biết cái lẽ huyền diệu của hai bộ binh pháp này.
Thấy Thượng hoàng dùng chức tước của Tống ban cho, Dã Tượng, Yết Kiêu, Địa Lô không còn e dè rằng mình vọng ngoại nữa. Cả ba hầu biết trước rằng sẽ phải làm việc này, nên ba tướng mang theo một trục vải rộng, dài ước 2 trượng (4 mét ngày nay) trên vẽ sơ đồ địa thế trận đánh.
 Dã Tượng treo trục vải trước sân rồng, rồi hầu tâu trình dùng quân bao vây năm khu vực của năm bách phu Cấm quân. Hầu dùng cờ tùy theo hoàn cảnh chỉ huy, biến đổi trận thế ra sao. Cuối cùng là việc hầu ném đá giết Mông ca.
Tiếp theo Dã Tượng, đến Địa Lô tường trình về trận đánh Điếu ngư. Hầu treo cái trục vải trên vẽ hình thành Điếu ngư rất sống động, rồi hầu trình bầy các đợt công thành của Mông cổ.
Cuối cùng Yết Kiêu trình bầy việc bố trí ba hiệu binh lập phòng tuyến Bồ lăng, diễn tiến trận đánh ở bốn lớp chiến lũy. Hầu kết luận:
– Thần là người tổng chỉ huy. Còn  trận chiến phá giặc khi chúng vượt sông Ô giang đánh vào hông do Ngưu binh. Thần xin để các tướng trâu Lý Long Đại , Vũ Trang Hồng; Trần Long Nhất, Phạm Trang Tiên; Vũ Long Nhị, Hoàng Trang Liên;  Phạm Long Tam; Hoàng Long Tứ  tấu trình.
Vũ Uy vương ban chỉ:
– Tướng chỉ huy Ngưu binh trong trận này là Ngưu tướng Lý Long Đại. Vậy Long Đại hãy tâu trình.
Sau khi Lý Long Đại tâu chi tiết, Trung vũ đại vương Thủ Độ ban chỉ:
– Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, từng là chúa tướng của Dã Tượng, Yết Kiêu, Địa Lô và các tướng trâu trong trận phá Mông cổ lần thứ nhất. Vương lại là thầy của hai tướng về Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư. Vương cho nhận xét.
Nhân Huệ vương bước ra:
– Tâu Thượng hoàng. Trước hết thần xin nhận xét về Ngưu tướng. Quân số của Kị binh Mông cổ đối trận với Ngưu binh trong trận Phù lỗ, Đông bộ đầu thì một Ngưu binh phải chọi với 10 Kị binh. Còn trong trận Bồ lăng thì một Ngưu binh phải chọi với 32 Kị binh. Thế mà Ngưu binh thắng dễ dàng. Xét về nguyên do, thần thấy có 3.
Vương ngừng lại, rồi tiếp:
– Một là các Ngưu tướng đã kinh nghiệm trong các trận Phù lỗ, Đông bộ đầu, Thảo nguyên. Rồi luyện tập trong suốt thời gian 10 năm qua. Bây giờ được dịp thi hành. Kinh nghiệm dư thừa.
– Hai là vùng Bồ lăng lầy lội như vùng Phù lỗ, Đông bộ đầu. Nên Kị binh vô dụng, Ngưu binh có đất tung hoành. Trận đánh diễn ra vào ngày 11 tháng 8, khí hậu vùng Tứ xuyên thấp nhiệt như Đại Việt, nên trâu có sức tung hoành. Ngược lại khí hậu này đối với binh tướng Mông cổ, sống ở vùng lạnh , nay gặp khí hậu nóng, mệt mỏi, tinh lực giảm đi nhiều.
– Ba là các Ngưu tướng dùng những gì học được trong Vạn kiếp tông bí truyền thư, uyển chuyển thay đổi trận thế, phá vỡ trận thế Kị binh.
Nghe Nhân Huệ vương tâu trình, Hưng Đạo vương không ngớt gật đầu tán thành.
– Về trận Thảo trường ,
Nhân Huệ vương tiếp:
– Cách ém quân, phục binh, biến đổi trận thế hoàn toàn đúng với binh thư. Tuy nhiên khi dàn phục binh, Quốc Kinh có một sơ hở lớn là quên mất chủ đích giết chết Mông ca. Mình có một hiệu binh, địch chỉ có 500 Kị mã. Thay vì cho hai vệ tiễn thủ khóa chặt hai đầu thì lại cho hai vệ bộ binh. Nên Mông Ca, Ô Mã Nhi cũng như bọn Cấm vệ chạy thoát. Đúng ra chúng sẽ bị bắt, bị giết tuyệt.
Vũ Uy vương lên tiếng:
– Đúng như Nhân Huệ vương nhận xét. Khi thiết kế Dã Tượng bị ám ảnh câu: giặc cùng chớ đuổi, nên để hở cho chúng chạy. Tuy nhiên Mông Ca không bị giết tại trận, nhưng bị trọng thương rồi băng hà.
Nhân Huệ vương kết luận:
– Còn trận Bồ lăng thì từ cách lập chiến lũy, giằng co cho giặc mệt mỏi rồi đuổi theo. Cuối cùng dùng Ngưu binh truy sát, gây kinh hoàng cho giặc, đó là một ưu điểm Tất cả đều đúng như Vạn kiếp tông bí truyền thư. Kể từ khi Mông cổ lập quốc, đây là trận thảm bại nhất của chúng: 4 vạn Kị binh bị giết, bị bắt chỉ trong hai ngày.
Nhân Huệ vương tiếp:
– Còn trận thủ thành Điếu ngư của Địa Lô, thì từ thiết kế, đến diễn tiến trận đánh toàn vẹn, không có một chút sơ hở. Giỏi! Dù Khổng Minh có sống lại cũng không hơn. Chỉ có Công chúa Thánh Thiên thời vua Trưng là hơn được mà thôi!
Trung Vũ đại vương Thủ Độ vẫy tay gọi Vũ Trang Hồng, Phạm Trang Tiên, Hoàng Trang Liên lại bên vương. Vì tuổi vương với 4 nữ tướng như cụ (ông cố) với cháu, nên vương không tỵ hiềm nam nữ. Vương nâng cằm 4 người tát yêu mỗi người hai cái rồi than:
– Bốn cháu thực giỏi, nếu Linh Từ quốc mẫu còn tại thế chắc người sẽ vui lắm. Chiến pháp của Kị binh mông cổ là dùng một Thập phu xung vào trận địch, phá vỡ phòng tuyến, rồi hai thập phu tiếp theo đánh tỏa ra hai bên. Sau đó ba thập phu mới đánh trực diện. Nhưng các cháu đã chọn địa thế lầy lội dàn trận. Khi Thập phu thứ nhất xung vào, các cháu lùi lại. Kị binh lao tới bị sa lầy. Hai Thập phu sau tiến lên bị dồn lại với nhau. Thế là chúng bị Ngưu binh ép ba  mặt.
Vương cầm bút viết lên tấm lụa bốn chữ:
Trưng vương di đức.
(Đức của vua Trưng để lại)
Rồi vương trao cho bốn nàng, mỗi nàng một tấm. Vương lai lấy ra bốn cái hộp bằng gỗ trầm, trao cho mỗi nàng một hộp:
– Đây là những nữ trang mà đương thời Quốc mẫu dùng. Đúng ra nữ trang này dành cho dâu của người. Nhưng người không có hoàng nam, nên già này cho các cháu. Hôm qua ngựa trạm Bắc cương báo các cháu chiến thắng trở về, nên già mang theo thưởng cho các cháu.
Bốn nàng cảm động mở hộp ra, bên trong nào vòng ngọc, nào nhẫn kim cương, nào thoa, nào xuyến, nào châm cài đầu. Các nàng đeo vào người rồi bái tạ vương.
Trung Vũ đại vương ban chỉ:
– Chiêu Minh vương là Thái úy lập danh sách thăng cho tất cả các cấp chỉ huy của hiệu Văn Bắc chưa được Tống triều phong chức tước, thăng lên một cấp. Các binh sĩ đều thăng lên Ngũ trưởng rồi chuyển đến các hiệu binh khác. Lại tuyển tân binh thay cho các Ngũ trưởng. Tất cả binh tướng không phân biệt cấp, cao nhất là Vũ Uy vương trở xuống đều được thưởng ba tháng bổng, lại cho nghỉ ba tháng để hưởng những ngày thanh phúc với gia đình. Trong 21 tử  sĩ đều thăng lên ba cấp. Lương bổng sẽ cấp cho vợ-con. Nếu chưa có vợ con thì cha mẹ được hưởng.
Nguyễn Địa Lô khiếu nại:
– Khải Đại vương. Tướng sĩ ra trận được tiếp viện đầy đủ lương thực, cung tên, vũ khí là do Tuyên vũ sứ Hà Bổng cùng các châu trưởng Hà Đặc, Hà Chương đã tận tụy với nhiệm vụ trao cho...
Thủ Độ à lên một tiếng:
– Cháu không nhắc, e già này quên. Ta già rồi! Tất cả các tướng sĩ phụ trách tiếp vận cho mặt trận cũng được thăng thưởng như những người ra trận.
Thượng hoàng tuyên chỉ:
– Trong 40 đệ tử của Mê linh được Vô Huyền Bồ Tát gửi theo sứ đoàn, đã lập công không nhỏ. Vậy Lễ bộ ban chỉ phong tước cho họ, phong hàm cho cha mẹ những đệ tử này.
Trước khi bãi triều, Lễ bộ thượng thư tuyên chỉ của nhà vua:
– Hôm nay là ngày mười bẩy. Để tướng sĩ Bắc viện có thời giờ về thăm nhà. Đến ngày 28 này sẽ có buổi thiết tiểu triều thu gọn gồm Thái sư, Thái úy, Binh bộ thượng thư, Khu mật viện, các vương tổng trấn Đông Bắc, Tây Bắc, Thăng long, Tổng lĩnh thiên tử binh, Tổng lĩnh Ngưu binh, Ngạc binh, Đại đô đốc Thủy  quân để nghị quốc kế.
Bãi triều.

Thiên trường Ngũ ưng đã được phong tước Nam từ sau trận giải phóng, tái chiếm ba châu Văn sơn, Khâu Bắc, Chiêu dương. Rồi dần dần do công lao thăng tới Tử, Bá. Sau cuộc Bắc viện, triều đình Việt chưa kịp thăng chức tước, thì triều Tống phong cho 3 anh hùng Dã Tượng, Yết Kiêu, Địa Lô lên tước hầu. Triều đình Việt chấp nhận những phong tặng này, không cần thăng lên nữa; mà chỉ thăng cho hai vị Cao Mang, Đại Hành vượt cấp từ tử lên tước hầu.  Aáp phong của 5 anh hùng này ở 5 nơi khác nhau.
– Aáp của Dã Tượng là châu Khâu Bắc, cực Bắc của Đại Việt. Châu này mới tái chiếm, sau hơn nghìn năm bị mất. Trong cuộc tái chiếm này Dã Tượng lập công đầu. Nay thuộc Quảng Tây, Trung quốc. Dân chúng hầu hết là người Việt bị bọn Thân Long dụ dỗ, đánh lừa sang sinh sống với chiêu bài phục hồi Lý triều.
– Vì Yết Kiêu gốc là ngư dân ở Đông triều, nên ấp của Yết Kiêu là An biên. An biên nằm ở phía Nam sông Bạch Đằng. Ngày nay là thành phố Hải phòng. An biên là đất linh, tối cổ. Hồi đầu thế kỷ thứ nhất, dân chúng ở đây sống rải rác, bị thú rừng phá phách, bị trộm cướp hoành hành. Bấy giờ có một nữ kiệt tên Lê  Chân, đứng ra hô hào dân chúng tập hợp lại thành một trang, tổ chức cai trị, xây  trường, lập quy, gọi là trang An biên. Lê Chân ứng nghĩa khởi binh theo vua Trưng được phong Công chúa Đông triều. Dinh của công chúa  dựng trên ngôi nhà khi ngài còn là con gái. Sau khi ngài tuẫn quốc, dân An biên nhớ công, xây đền thờ gọi là đền Nghè. Ngày nay nằm trên phố Ngõ Ngay, thành phố Hải phòng, quận Lê Chân.
– Aáp của Cao Mang, là Chiêu Dương nằm cạnh Khâu Bắc. Nay thuộc tỉnh Quảng Tây Trung quốc. Đất này mới phục hồi cùng Khâu Bắc. Tình trạng giống châu Khâu Bắc của Dã Tượng.
– Aáp của Đại Hành là Côi sơn. Nay thuộc tỉnh Ninh bình. Vì Đại Hành gốc người Trường yên.
– Aáp của Địa Lô là Văn sơn, nay thuộc tỉnh Vân Nam, Trung quốc. Cũng là đất mới phục hồi cùng Khâu Bắc, Chiêu dương.
Theo chế độ nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, những người có tước đại vương, vương, công, hầu , bá, tử, nam thì được phong ấp. Aáp đó coi như giang sơn riêng của người được phong. Tước gia có quyền tổ chức cai trị, thu thuế, bổ nhiệm các chưc sắc làng, xã. Các tước gia xây dinh thự  của mình trong ấp phong. Trường hợp các tước gia làm quan tại triều, hay các trấn lại có dinh thự tại chỗ.
Dã Tượng, Cao Mang, Địa Lô được phong ấp vào dịp ba người đang có mặt tại chỗ, nên cả ba tổ chức hệ thống cai trị, bổ nhiệm quan chức, ấn định thuế khóa xong.

Đại Hành, với Yết Kiêu,  thì chưa có thời giờ về ấp phong của mình. Khi được phong,  Đại Hành cho ngựa phi về ấp của mình, triệu hồi Đại tư, Câu Đương, Học Lễ, Chánh ty về Thăng long, để biết tình hình sinh hoạt ấp rồi cho thành lập một hội đồng cai trị khi mình vắng nhà. Sau khi kết hôn với Cẩm Nhãn, Đại Hành cùng vợ về ấp phong, xem xét tình hình, ấn định tô thuế, xây trường dậy trẻ học, bổ nhiệm các chức sắc.

Ghi chú,
Đại Tư, Câu Đương: xem chú giải hồi thứ  nhì.
Học Lễ,  ngày nay không có chức tương đương. Chức này dành cho người có học thức. Hoặc do tước gia bổ nhiệm, hoặc do Tuyên vũ sứ bổ nhiệm. Học Lễ phụ trách nhiệm giáo dục dân trong xã, cai quản các thầy đồ. Giảng giải luật pháp cho Đại Tư, Câu Đương. Trông coi việc thuế khóa, ngân sách của xã. Hưởng lương vua.
Chánh ty, phụ trách thi hành luật pháp trong ấp, xã. Chức này do Tuyên vũ sứ bổ nhiệm, tương dương với trưởng công an xã. Hưởng lương vua.

Còn Yết Kiêu, thì ấp phong An biên chính là quê hương của hầu. An biên bây giờ là một tổng, gồm 5 xã. Hầu biết rất rõ từng nhà, từng người. Hầu cho ngựa về An biên, mời ba người bạn hồi thơ ấu là Trịnh Nguyên Cừ, Nguyễn Lương Thiện, Lại Ngọc Đĩnh về Thăng long. Sau khi bốn anh em bàn luận, Yết Kiêu cử Trịnh Nguyên Cừ làm Đại tư, Lại Ngọc Đĩnh làm Câu Đương, Nguyễn Lương  Thiện làm Học lễ.
Sau hơn 10 năm khi thì xông pha chiến trận, khi thì theo sứ đoàn, khi thì Bắc viện. Đây là lần  đầu tiên 4 vị anh hùng được nghỉ ngơi ba tháng liền.
Ngay hôm vừa từ Bắc cương về, dự buổi thiết đại triều; Dã Tương, Yết Kiêu dẫn phu nhân về nhà của mình. Nhà của hai hầu tại Thăng long được xây cất hồi gần 10 năm trước, bấy giờ hai người mới được phong tước Nam, quân hàm Đô thống, lương bổng không nhiều, nên không lấy gì làm to lớn cho lắm. Nhà hai hầu nằm cạnh nhau, bên bờ Hồ tây, gần chùa Trấn quốc và đền Trấn võ. Mấy năm trước hai vị cưới vợ về ở trong dinh 10 ngày, rồi cả hai  vợ chồng phải lên đường Bắc viện. Nhà bỏ trống, không ai ở. Vì Dã Tượng, Yết Kiêu lãnh đạo Ngưu binh, Ngạc binh trong tình huynh đệ. Nên suốt thời gian hai vị đi vắng, Thống lĩnh Ngưu binh, Ngạc binh vẫn cử người cắt cỏ, trồng hoa, quét dọn dinh cho hai huynh trưởng.
Bây giờ hai hầu mới được trở về hưởng thanh phúc. Nhưng hai cặp vợ chồng này sinh ra không phải để hưởng thụ, mà để gánh vác việc nước. Nên họ  chỉ ở trong dinh có ba ngày, rồi Dã Tượng đi Kinh Bắc thăm nhạc phụ, nhạc mẫu. Yết Kiêu đi Hạ long thăm song thân.

Hồi Thúy Hồng mới theo sứ đoàn, nàng được hưởng hàm Vệ úy, bổng của nàng do xã trao cho cha mẹ. Lại khi nàng lập đại công trong trận giải phóng 3 châu Văn sơn, Khâu Bắc, Chiêu dương, cha được triều đình ban hàm Tam tư, mẹ được Ngũ phẩm phu nhân, được hưởng 5 mẫu công điền không phải nộp thuế. Rồi khi nàng được phong công chúa, ông được phong tước Nam, bà được phong Nhị phẩm phu nhân, được hưởng 15 mẫu công điền. Khắp làng kéo đến mừng ông bà. Bổng của tước công chúa là 100 mẫu ruộng. Nhưng bố mẹ Thúy Hồng muốn gieo cái đức với dân làng. Ông bà cho tá tiền cầy, chỉ thu tô tượng trưng mà thôi.
Bây giờ Dã Tượng với Thúy Hồng về làng, có một lượng Kị binh 20 người theo hộ vệ. Đại tư sai đánh trống báo cho cả làng kéo ra đón.
Ở quê vợ 5 ngày, Dã Tượng rủ vợ về thăm quê mình. Quê Dã Tượng ở Thiên trường, trong một làng giầu có. Song thân Dã Tượng qua đời sớm, hầu được bà nội nuôi dưỡng. Ngay khi đuổi Mông cổ ra khỏi nước thời Nguyên Phong, triều đình chiếu công lao của Dã Tượng, phong hàm cho bà. Đại tư cử người phụng dưỡng bà rất chu đáo. Bây giờ Dã Tượng được phong hầu, tin đưa về làng. Cả làng kéo đến mừng bà. Tuyên vũ sứ sai người về  báo với bà rằng Dã Tượng được phong hầu cùng vợ tước công chúa về quê. Đại tư cho dựng nhà rạp, làm cỗ mời cả làng đến chung vui. Nhớ  lại thời thơ ấu, hầu được sư trưởng trong làng tận tâm dậy dỗ. Hầu tới chùa đỉnh lễ với thầy rồi xin cúng dàng 50 lượng vàng cho chùa. Với bổng Tả thiên ngưu vệ đại tướng quân của hầu chỉ đủ ăn tiêu, hoặc dư giả thì thưởng cho đàn em, chứ làm gì có vàng? Số vàng mà Dã Tượng có là do hồi kết hôn với Thúy Hồng, được Thượng hoàng, Hưng Đạo vương ban cho. Nhất là Thái sư Thủ Độ ban cho tới 200 lượng ! Suốt thời gian Bắc viện, hầu cùng phu nhân không có dịp chi tiêu
Sau đó hầu cùng phu nhân lên Bắc cương, nghỉ tại ấp phong là châu Khâu Bắc.

Yết Kiêu dẫn phu nhân đi Đông triều thăm song thân, thăm họ hàng, thăm ấp phong của hầu là Tổng An biên thuộc trấn Đông triều.
Đối với Vương Chân Phương, cái gì tại Đại Việt cũng khác Dương châu. Nên suốt dọc đường từ Thăng long đi Đông triều, hầu phải luôn miệng giải thích cho phu nhân.
Song thân Yết Kiêu là ngư dân trên vịnh Hạ long. Từ này con được phong chức tước, ông bà cũng được phong hàm, cấp ruộng công điền, nhưng ông bà vẫn ở trên thuyền, vẫn làm nghề đánh cá, mà không về dinh của con tại An biên. Đường từ Thăng long đi Đông triều, phải hai ngày sức ngựa. Ngày đầu, khi gần tới trưa thì viên  trưởng toán Kị binh hộ tống đến trước xe trình:
– Thưa quân hầu, phía trước là Tổng An biên ấp phong của quân hầu. Chúng ta phải vượt sông Bạch đằng để đi Đông triều. Vậy quân hầu cho vượt sông rồi ăn trưa. Hay ăn trưa rồi vượt sông?
– Không vượt sông vội. Tôi phải về An biên đã.
Thấy phu nhân liếc mắt như muốn hỏi chi tiết về An biên, hầu biết ý, mỉm cười:
– Vùng ấp phong An biên của anh gồm toàn Tổng, nằm ở phía Nam sông Bạch đằng. Có tất cả 5 xã. Gọi là An biên thượng, An biên hạ, An biên trung, An biên đông và tây. An biên là đất linh của Đại Việt. Dân trong vùng một nửa sống bằng nghề đánh cá. Một nửa sống bằng nghề buôn bán, kiếm lời. Vùng này nức danh về những món ăn hải sản. Em có đại tài về nấu nướng. Trong ấp phong không thiếu những người nấu ăn giỏi. Anh sẽ bảo họ nấu những món anh thích  nhất cho em ăn, rồi sau này em làm cho anh ăn.
Chân Phương móc trong bọc ra hai đĩnh bạc trao cho viên trưởng toán:
– Anh em có 20 người phải không? Đây bạc đây, anh em kiếm hàng quán gì ăn, rồi cho ngựa vào An biên nghỉ trưa. Mai ta vượt sông sau. Nhưng nhớ không được uống rượu đấy nhá!
– Đa tạ phu nhân.
Tới An biên. Yết  Kiêu chỉ con sông phía trước nói với phu nhân:
– Đây là sông Bạch  đằng, xưa kia vua Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán, bắt sống Thái tử Hoàng Thao, đem chém đầu. Phía sau kia có một ngôi đền thờ vị nữ anh hùng thời vua Trưng. Bà được phong tước Công chúa Đông triều. Cho nên dân ở đây tự  hào về mảnh dất linh của mình.
– Hồi trên đường từ Tứ xuyên về nước. Chị Ý Ninh có thuật cho em nghe về hành trạng của công chúa. Công chúa tên Lê Chân. Thời còn niên thiếu, công chúa thấy dân chúng vùng này sống lẻ tẻ, dễ bị trộm cướp hại. Công chúa mới tập hợp dân chúng lại thành trang An  biên. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, công chúa cầm quân đanh chiếm Luy Lâu, Long Biên. Sau công chúa tuẫn quốc trong lần truy kích Mã Viện ở Nam hải, dân chúng nhớ công ơn, lập đền thờ. Tại An biên đàn bà, con gái được kính trọng, chiều chuộng lắm vì họ là hiện thân của công chúa Lê Chân.
 – Em nhớ dai nhỉ! Nào chúng ta đi lễ công chúa đã rồi hãy về dinh. Em tuy không phải là con gái công chúa Đông triều, mà anh cũng kính trọng em vậy!
Hầu trao cho viên Kị binh đánh xe một xâu tiền Nguyên phong thông bảo:
– Em xuống xe, kiếm gì ăn cùng anh em hộ tống. Tôi với phu nhân đi lễ đền Nghè. Aên xong, em trở lại dinh của tôi. Em đến cổng An biên, nhờ tráng đinh dẫn về dinh của tôi. Tôi chờ ở đó. Em tên Khuê phải không?
– Dạ. Aên xong em sẽ đến đền ngay.
Từ  tổng An biên tới thủ phủ trấn Đông triều không xa. Đây là vùng mà thời niên thiếu  hầu từng cùng các bạn thường đua ngựa khắp nơi. Nên hầu rất thạo đường lối. Hầu ra roi cho xe đi vào vùng An biên của mình. Từ ngày được phong thực ấp, đây là lần đầu tiên hầu về ấp. Trước hết qua cái cổng bằng đá rất lớn trên có ba chữ lớn An biên hạ. Có tráng đinh gác. Thấy xe của hầu, anh trưởng toán cầm dùi đánh ba tiếng trống. Lập tức hơn năm chục tráng đinh xếp thành hai hàng, vũ khí uy nghiêm. Viên trưởng toán hô lớn:
– Anh em tráng đinh bái kiến quân hầu và phu nhân.

Yết Kiêu, Chân Phương xuống xe duyệt hàng binh, rồi hỏi về tình hình an ninh trang.
– Em tên gì? Bao nhiêu tuổi?
– Cao Thanh Ngừ. 22 tuổi.
Chân Phương hỏi:
– Tên anh sao giống tên cá vậy?
– Thưa phu nhân đúng ra tên em là Ngân. Nhưng em có biệt tài đánh cá Ngừ, nên thầy Học Lễ cho em cái tên Ngừ để ghi tài.
– Ngày thường em là gì?
– Thưa vào ngày mùa thì em làm ruộng. Còn lại em theo bố đi đánh cá.
– Em làm việc có đủ ăn không?
– Dạ trước kia thì bố mẹ em với chúng em làm việc vất vả lắm cũng chỉ đủ ăn thôi. Từ ngày xã này thuộc quân hầu, thì hải sản không phải nộp thuế. Còn ruộng thì tô giảm nhẹ, nên bố mẹ em dư giả, xây được nhà ngói, sắm được thuyền lớn đánh cá.
– Em cho tôi một người biết đánh xe ngựa, để đưa tôi đi thăm trang ấp.
Ngừ vẫy tay gọi một tráng đinh da đen dòn, lực lưỡng:
– Chú Thi,
Thi chạy ra khỏi hàng quân hành lễ. Chân Phương ban lệnh:
– Chú đánh xe cho tôi tới chợ nào gần nhất.
Thi nhanh nhẹn lên xe, ra roi cho ngựa chạy.
Chân Phương hỏi:
– Trong tổng có bao nhiêu tráng đinh?
– Trình phu nhân có 950 người, chia ra: tráng đinh bộ 450 người. Tráng đinh thủy 300. Còn lại 250 là tráng đinh Ngưu.
– Em đánh xe vào chợ. Chúng tôi cần sắm lễ dâng công chúa.
Chiếc xe vào phố chợ. Dân chúng thấy một người mặc võ phục cấp tướng quân, cạnh một thiếu phụ trẻ cực kỳ xinh đẹp, có tráng đinh đánh xe thì cùng mở to mắt ra nhìn.  Họ đâu biết đây là vị hầu tước vùng họ đang sinh sống.
Thi nói:
– Thưa quân hầu, khu chợ An biên hạ lớn nhất trong 5 phố chợ An biên. Có tới gần trăm phố.

Xe dừng trước cửa hàng bán hoa quả. Rất thành thạo, Chân Phương chọn mua một mâm ngũ quả: bưởi, na (mãng cầu), chuối, đu đủ, nhãn. Lại mua một con gà trống luộc, một mâm xôi. Thấy phu nhân chọn toàn những loại thượng phẩm .
Bà chủ hàng đon đả:
– Chắc tướng quân với phu nhân đi lễ đền Nghè thì phải?

Ghi chú,
Xã An biên, thời vua Trưng là trang An biên do nữ tướng Lê Chân chiêu mộ dân phiêu bạt lại, tổ chức ngư nghiệp, nông tang, mở trường học lập thành trang. Cuộc cách mạng của vua Trưng thành công bà được phong Công chúa Đông Triều. Sau khi bà tuẫn quốc, dân chúng trong trang lập đền thờ ngay tại ngôi nhà của bà. Đền thờ gọi là đền Nghè. Đền Nghè, hiện nay ( 2009) nằm giữa thành phố Hải phòng. Bà rất thiêng, linh ứng kỳ lạ.
Chân Phương nở nụ cười làm mọi người đều muốn ngây ngất:
– Sao bà đoán rằng chúng tôi lễ  đền Nghè mà không  đi lễ vua Ngô bên sông Bạch đằng?
– Thưa phu nhân, tôi bán hàng ở đây từ hồi còn là con gái, trải 10 năm dư nên kinh nghiệm mà thôi. Nếu phu nhân lễ vua Ngô ắt mua thêm rượu. Còn lễ công chúa Đông triều thì không mua rượu.
– À thì ra thế.
Chân Phương  muốn biết tình hình ấp phong của chồng, công chúa hỏi:
– Thế nào? Đời sống ở đây có dễ chịu không? Thuế có cao lắm không?
– Nhờ ơn bà phù hộ mưa thuận gió hòa, ba mùa trúng liên tiếp. Dân đi biển không bị bão, đánh được nhiều hải sản lắm. Còn thuế ư? Từ khi ấp được phong cho ngài Trần Quốc Vỹ, ngài chưa từng về. Nhưng ấp do ba người bạn của hầu thay hầu cai trị, thuế nhẹ, trộm cướp không có. Song xưởng đóng chiến thuyền nằm trong ấp nên có mấy nghìn thợ với vợ con sống trong Xã. Mấy ông thợ say xỉn tối ngày, hay quấy nhiễu lắm.
Xe đến cổng đền. Hai thiếu phụ khăn áo chỉnh tề từ trong sân ra đón khách:
– Kính mời  quân hầu cùng phu nhân vào lễ bà.
Yết Kiêu kinh ngạc:
– Sao hai cô biết có vợ chồng chúng tôi mà ra đón?
Hai thiếu phụ đỡ mâm lễ vật:
– Dạ chú Ngừ sai người báo.
Cô ta lễ phép chỉ vào một trung niên nam tử  đứng trong sân:
– Thưa quân hầu, ông chủ từ  biết quân hầu về nên dẫn chúng em tới đây chờ. Còn quan viên của An biên thì tập họp ở đình An biên trung, chờ quân hầu.
Yết Kiêu nhìn ông chủ từ: dáng quen quen dường như đã gặp ở đâu. Nhưng trong nhất thời hầu không nhớ ra. Ông chủ từ chắp tay vái hầu:
– Chúc mừng cố nhân, nay công với đất nước đã thành, danh đã toại, áo gấm về cố hương.
Yết Kiêu đáp lễ:
– Yết Kiêu này trí nhớ không tốt. Huynh tha lỗi cho vì không nhớ huynh là ai!
– Lương Thiện đây!
Yết Kiêu giật mình nhớ lại, hồi thơ ấu hầu cùng ba người bạn là Trịnh Nguyên Cừ, Nguyễn Phúc Ninh, Lại Ngọc Đĩnh cùng học với nhau. Cả bốn cùng học với thầy đồ Năng ở làng bên cạnh. Cả bốn cùng là học trò giỏi của trường. Lương Thiện đẹp trai, hiền lành, tính tình nhu nhã. Hồi mới được phong An biên Nam, Yết Kiêu đã ủy cho ba người bạn thay mình coi ấp phong. Trịnh Nguyên Cừ làm Đại tư, Lại Ngọc Đĩnh làm Câu dương. Nguyễn Lương Thiện làm Học lễ.
Hầu tạ lỗi:
– Xin lỗi anh! Vì chúng mình cách xa nhau thoáng một cái đã 15 năm. Cả hai cùng lớn lên, nên Yết Kiêu không nhận ra.
– Hồi giặc Mông cổ sang, lúc anh tổ chức Ngạc binh. Mình ứng nghĩa, định theo anh. Nhưng anh đã lên đường về Thăng long. Mình đành nhập Thủy quân. Nhờ lập công mình được thăng hàm Tá lĩnh. Rồi khi anh được phong tước Nam, trao cho mình làm Học lễ. Vì mình có chút học, nên anh em ủy cho mình làm thủ từ đền này. Ban nẫy thấy anh, mình đã nhận ra ngay. Vì anh không thay đổi nhiều.
Yết Kiêu với phu nhân lễ xong, Lương Thiện mời hai người cùng thụ lộc:
– Mời quân hầu với phu nhân xơi thịt gà trống của An biên. Gà trống này nuôi bằng tôm, tép, cá của dân chài, nên thịt mềm, thơm lắm. Còn xôi thì dùng nếp cái hoa vàng, rền lắm.
Yết Kiêu vừa ăn mấy miếng, thưởng thức đặc sản của quê hương mình mà từ ngày theo quân, hầu không được ăn.
 Từ cổng, một thiếu phụ tuổi khoảng 30-31 đang bưng mâm lễ tới. Bà ta nói với Lương Thiện trong nước mắt:
– Xin thầy khấn với Bà dùm em.
  Cô Kiều Vy đấy phải không? Cô muốn cầu xin gì nào?
– Em xin Bà phù hộ cho chồng em bỏ rượu. Từ nay không đánh em nữa.
Chân Phương nhìn thiếu phụ: mắt trái sưng vù, tím bầm. Môi ướm máu. Cánh tay phải buộc bằng một miếng vải. Công chúa nắm lấy tay hỏi bằng giọng thiết tha:
– Người chị đầy vết thương! Những vết thương này do chồng đánh hả?
– Vâng ạ!
– Chắc lại già mồm, già miệng nên chồng nó mới đánh cho phải không?
Thiếu phụ òa lên  khóc:
– Thưa cô! Chồng cháu uống rượu nhiều quá. Cháu can anh ý uống ít đi ! Anh ý không nghe. Anh ý đánh cháu. Chứ cháu đâu có già mồm, già miệng. Đây không phải là lần đầu anh ý đánh cháu.
Lương Thiện can thiệp:
– Chị Yết Kiêu ạ. Vùng này có đến 10 xưởng đóng chiến thuyền, với hơn nghìn lính thợ. Bọn lính thợ thường họp nhau chén chú, chén anh, say khướt, rồi đánh vợ chửi con. Vì thợ là lính thủy quân, nên xã vô thẩm quyền. Đô đốc thống lĩnh các xưởng suốt ngày phải xử tội bọn chúng, nhưng chúng chứng nào tật ấy. Mà cũng tại mấy bà vợ, chồng say rượu đánh đến nhừ đòn mà không dám cáo với quan Chánh ty tổng.
Thiếu phụ thở dài:
– Thưa thầy, nếu em mách quan, thì chồng bị phạt nặng. Anh ấy đánh chết.
Chân Phương mủi lòng nói với chồng:
– Thực là một kiếp người đáng thương. Đây thuộc ấp phong của anh! Anh nói ấp này có truyền thống trọng phụ nữ, mà sao chị này bị đánh như thế này? Anh phải giải quyết cái nạn chồng đánh vợ tàn nhẫn thế này đi! Em chịu không nổi rồi!
– Được! Em là vợ anh. Luật Đại Việt cho phép các phu nhân tước gia được thay chồng sửa trị dân trong ấp. Em là người có học thức, em giải quyết ngay.
  Em nói tiếng Việt không thạo, sợ có chỗ hiểu lầm.
Lương Thiện chỉ vào Yết Kiêu nói với Kiều Vy:
– Vì chị thành tâm cầu Công chúa. Nên ngài dun dủi cho chị gặp quý nhân đây. Quý nhân chính là Trần Quốc Vỹ, tước phong Đông hải Thiên kình đại tướng quân, Nam phương hùng uy, công thần, An biên đình hầu. Chúng ta là dân trong ấp của hầu đấy. Hầu sẽ có cách chữa cho chồng chị bỏ rượu. Chị khai đi, chồng chị tên gì? Thuộc cơ đội nào?
– Dạ anh ấy tên  Lê Văn Khoa, cấp Vệ úy phó  xưởng số chín.
Lương Thiện bảo thiếu phụ giúp lễ:
– Cô đến đình xã Trung, bảo có Đông hải Thiên kình đại tướng quân, Nam phương hùng uy, công thần, An biên đình hầu đòi Đại Tư, Câu Đương, Chánh ty tới có việc.

Không đầy một khắc Đại Tư Trịnh Nguyên Cừ, Câu Đương Lại Ngọc Đĩnh, và viên Chánh ty tới.
Lễ nghi tất.
Đại Tư Trịnh Nguyên Cừ nói:
– Ty chức được báo tin quân hầu với Công chúa về. Chức sắc năm xã tập trung ở đình An biên trung chờ quân hầu.
Chân Phương nói:
– Các anh với anh Quốc Vỹ là bạn thời thơ ấu. Không cần lễ nghi phiền phức. Phiền Đại Tư, Câu Đương tới xưởng số chín, gọi trưởng xưởng với phó xưởng là Vệ úy Lê Văn Khoa tới đây hầu việc.
Yết Kiêu lệnh cho Lương Thiện dẫn vợ Lê Văn Khoa ra phía sau vườn. Hơn khắc sau một Tá lĩnh, một Vệ úy tới. Tá lĩnh tên Lê Quang Nghi. Vệ úy tên Lê Văn Khoa. Cả hai cùng hành lễ quân cách.
Yết Kiêu hỏi:
– Vệ úy Khoa! Người dã biết tội chưa?
– Thưa đại tướng quân thuộc cấp không hề phạm tội gì. Có Tá lĩnh Nghi làm chứng.
– Người có đọc 10 điều răn của Tiết Chế Hưng Đạo Đại vương không?

 Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét