Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Anh hùng Đông A – Gươm Thiên Hàm Tử - Hồi 111

HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT,

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
(vua Trần Nhân tông)
Xã tắc hai lần chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thủa vững âu vàng.

Bây giờ tới mặt trận Bắc cương

Ngay sau buổi hội quân ngày 17 tháng 2 năm mậu tý (1288). Vũ Uy vương, vương phi, cùng chư tướng rời Thăng long về Bắc cương. Vương mở buổi hội quân tại Chi lăng. Chư tướng tề tựu đông đủ. Vương mở đầu:
– Chúng ta bao gồm những người bao năm từng sống chết bảo vệ đất nước. Những người từng lưu lạc sang Thảo nguyên, sang Cao ly, Tây tạng. Nhưng chúng ta đều là người Việt, ngút lửa lòng yêu nước. Hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây để đuổi giặc Mông-Nguyên. Bọn giặc tàn ác nhất đã gây ra không biết bao nhiêu thảm thiết cho dân chúng.
Vũ sơn công Tạ Quốc Ninh biết mặt tất cả chư tướng. Công giới thiệu từng người một. Khi Công giới thiệu đến hoàng hậu Nãi man Thúy Trang. Thúy Trang nói:
– Thưa thầy con về  đây với tư cách là một con dân Đại việt. Theo con về giữ nước còn có 5 cặp nam hùng, nữ kiệt. Họ là những người thành đạt ở Thảo nguyên, nhưng không muốn ngồi hưởng hạnh phúc, trong khi quê hương bị bọn Nguyên tàn phá. Con xin giới thiệu.
Hậu ngừng lại chỉ A Mít Lỗ Tề với phu nhân là Phan Ngọc Tiên:
– Đây là đại tướng quân A Mít Lỗ Tề, hiện đang thống lĩnh vạn phu trấn nhậm miền nam Nãi Man, tước hầu. Hầu gốc người Hoa thích tử mô (Khwaresme). Phu nhân là Phan Ngọc Tiên, gốc người An biên con cháu của nữ tướng Lê Chân thời vua Trưng. Hầu với phu nhân được Vũ Uy vương phi, rồi thánh mẫu Bạch Liên kết hợp, thành duyên vợ chồng. Hầu là đấng trượng phu, khi cưới phu nhân hầu đã hứa: nếu có dịp sẽ làm lợi cho quê hương của phu nhân. Bây giờ hầu thực hiện lời hứa.
Vợ chồng A Mít Lỗ Tề, Phan Ngọc Tiên tuy tuổi đã đi vào 40, ngồi trong trướng uy nghiêm, cạnh có 2 con trai, 1 con gái; mà vẫn nắm tay nhau như những cặp vợ chồng trẻ. A Mít Lỗ Tề  đứng dậy nói bằng tiếng Việt:
– Đa tạ Vũ Uy vương phi, đa tạ thánh mẫu Bạch Liên đã tác thành cho tiểu tướng có người vợ  đẹp như tiên nữ, hết lòng với chồng. Hôm nay tiểu tướng chờ lệnh vương, để đuổi giặc hung ác cho quê vợ.
Giọng Lỗ Tề lơ lớ, nhưng mọi người đều hiểu ông nói gì.
Thúy Trang giới thiệu tiếp:
– Đây là đại tướng quân Đi Mi Trinh hiện là tướng thống lĩnh kị binh miền đông Nãi man, tước hầu. Phu nhân là Vũ Ngọc Trị, gốc người Trường yên. Cũng nhờ Vũ Uy vương phi, với thánh mẫu Bạch Liên mà nên duyên vợ chồng. Hầu là em của hoàng hậu đại hãn Mông ca. Hầu gốc người Nga La Tư. Nga La Tư hiện lâm cảnh vong quốc, bị Mông cổ cai trị. Khi kết hôn với phu nhân, hầu có hứa, sau này sẽ về Đại việt sống. Bây giờ đại tướng được toại nguyện. Hai vị hiện có 3 công tử.

Đi Mi Trinh nói:
– Tôi thâm tạ ơn vương phi Vũ Uy. Trong trận đánh tại điện Quang minh ở Yên kinh, vương phi thấy tôi chiêm ngưỡng sắc đẹp của phu nhân tể tướng A Lan Đáp Nhi và Ngột A Đa. Người hứa sẽ gả cho tôi một giai nhân đẹp như 2 vị phu nhân. Người thực hiện lời hứa, và tôi có người vợ đẹp, nhu mỳ. Chúng tôi thành hôn trên 20 năm, mà ngày nào cũng là trăng mật, tháng nào cũng là trăng mật, và trăng mật cho đến hết đời.
Đi Mi Trinh nói tiếng Việt trơn tru, không ngọng, văn hoa như người Việt. Mọi người đều nhìn phu nhân Vũ Ngọc Trị với con mắt kính phục, vì đã dạy trượng phu nói tiếng Việt văn chương.
Thúy Trang lại giới thiệu:
– Bây giờ đến đại tướng Kim Đại Hòa, tước hầu.
Kim Đại Hòa đứng dậy, ngắt lời Thúy Trang:
– Tâu nương nương. Kim là họ giả. Thần là con của Bình Hải công Lý Quang Bật triều Lý. Thần thuộc giòng chính, hậu duệ của vua Lý Nhân tông. Phụ thân thần theo Kiến bình vương Lý Long Tường sang kiều ngụ tại Cao ly.
Thúy Trang mỉm cười, nghiêng nghiêng đầu, ánh mắt lung linh:
– Xin lỗi quân hầu, tôi quen miệng. Lý tướng quân hiện chỉ huy lực lượng cứu ứng Nãi man, tương đương với nhiệm vụ của Hoài Văn vương tại Đại việt. Nhờ vương phi Vũ Uy và Thánh mẫu Bạch Liên kết hơp thành đôi giai ngẫu với phu nhân là Lê Ngọc Hạ, gốc người Ái châu. Suốt 20 năm qua, khi thì hầu chỉ huy đội cận vệ  Đại hãn Mông Ca. Khi thì chỉ huy Ngự lâm quân Đại hãn A Lý Bất Ca. Lúc nào cặp vợ chồng này cũng mơ màng được về Đại việt sống. Hôm nay hai vị được toại nguyện.
Thúy Trang tiếp:
– Bây giờ tới 2 vị tướng mà ba đời sống ở Thảo nguyên, đó là: Thiên ưng đại tướng, tước công Trần Mạnh Quốc, thống lĩnh  Ngự lâm quân Nãi man. Hùng uy đại tướng Vũ Cao San thống lĩnh Thị vệ Nãi man. Ông nội của 2 đại tướng là võ sĩ trong đội võ sĩ Côi sơn, vì nạn nước theo phò mã Trần Thủ Huy và công chúa Đoan Nghi sang Thảo nguyên, rồi trở thành vạn phu trưởng thời Thành Cát Tư hãn. Trải đến đời thân phụ 2 vị cũng lĩnh vạn phu trưởng. Đến 2 vị thành đại tướng của Mông cổ thời Mông ca. Nhờ được ông, cha dạy dỗ, nên 2 vị sớm theo Vũ Uy vương. Được vương phi Ý Ninh gả cho hai giai nhân Lý Ngọc Đức, Lê Ngọc Thiên. Khi tôi được phong hoàng hậu Nãi man, tôi đã xin với Đại hãn Hoài Đô bổ nhiệm 2 vị vào chức vụ tín cẩn.
Vũ Uy vương ban chỉ:
– Từ hôm 5 tướng về nước, Trung Thành vương cùng 5 tướng đem hết kinh nghiệm ra huấn luyện Nghĩa dũng quân chiến thuật phục kích, truy đuổi giặc. Cho đến hôm nay đã đào tạo được 10 vạn Nghĩa dũng. Như vậy ta đủ lực lượng  đánh giặc trong trận này.
Vương tiếp:
– Khu mật viện cho biết, Thoát Hoan sẽ rút đại lực lượng bằng đường bộ. Đại quân của chúng tập trung từ  Như nguyệt, tới Vạn kiếp. Nếu rút theo đường nam-bắc nghĩa là Nội bàng, Chi lăng rồi qua Đại trợ, Khả lan vi với 17 vạn người ngựa phải mất nhiều ngày, mà lương thực hết sạch rồi. Thoát Hoan sẽ cho rút làm 2 đường khác nhau: cánh phía tây, cánh phiá đông như khi chúng tiến quân.
Vương mỉm cười:
– Ta đánh Thoát Hoan bằng 5 mũi khác nhau. Mũi thứ nhất tại Hãm sa. Mũi này do Minh Đức hầu Trần Linh (1), với quốc công Trần Mạnh Quốc đảm trách. Hai vị phục binh tại đồi Hãm sa. Chặn đường không cho chúng tiến lên. Bắt buộc chúng phải quay lại cùng rút với cánh phía đông.
Trần Linh hỏi:
– Trong 2 chúng tôi, ai là chúa tướng?
– Quốc công Trần Mạnh Quốc lớn tuổi hơn, làm chánh. Minh Đức hầu làm phó.
Trần Linh hỏi:
– Chúng tôi chỉ có hiệu binh Thiên cương. Nếu giặc rút ngả này 5 vạn quân thì e chúng tôi không cản được.
Trần Mạnh Quốc nói:
– Linh ơi,  suốt mấy tháng qua, tôi ăn dầm, nằm dề ở khu vực Hãm sa, huấn luyện Nghĩa dũng quân. Trong vùng này mình có tới 2 vạn Nghĩa dũng quân. Khi bọn chúng còn cách Hãm sa 10 dặm, tôi đã cho Nghĩa dũng phục binh làm 5 khu, đánh chúng. Khi chúng tới Hãm sa thì mệt mỏi lắm rồi. Chúng không còn sức đánh vào phòng tuyến của hiệu Thiên cương. Tiến không được, lui không xong ắt chúng đi đường tắt sang Chi lăng, tôi sẽ phục Nghĩa dũng dọc tất cả những con đường mòn, đánh chúng.
Trần Linh vui vẻ cùng Trần Mạnh Quốc rời trướng.
– Mũi thứ nhì do Trấn biên đại tướng quân Nguyễn Thế Lộc, Tráng tiết tướng quân Nguyễn Lĩnh với Quốc công Vũ Cao San đảm trách. Ba vị đem hiệu binh Thiên thuộc trấn tại ải Nội bàng. Lại chia Nghĩa dũng quân ra từng đô ẩn vào các làng xóm từ Vạn kiếp tới Chi lăng. Đợi cho giặc rút qua làng nào thì đánh vào hậu quân chúng. Mục đích đe dọa chúng: hãy rút cho mau, không thể lùi được, vì phía sau bị  bịt hậu rồi.
Vương chỉ Vũ Cao San:
– Quốc công làm chánh tướng, tướng quân Nguyễn Lộc làm phó.
Vũ Cao San hỏi:
– Địa thế Nội bàng rất hiểm trở, một bên là núi Kết, hai bên là Đồng lầy, chỉ có một bên là đất. Chúng tôi có thể giữ được cả tháng. Vậy chúng tôi trấn giữ bao nhiêu lâu?
– Chỉ cần giữ từ 4 đến 6 ngày, rồi âm thầm rút vào rừng. Đợi chúng đi qua thì đánh vào hậu quân.
– Mũi thứ ba, Quốc công Tạ Quốc Ninh làm chánh tướng, với các tướng Nguyễn Lộc, Kim Đại Hòa, Đi Mi Trinh đem hiệu Tứ thiên,10 đô Ngưu binh trấn tại Chi lăng. Thoát Hoan rút tới đây thì đã trải qua các trận phục kích mũi thứ 2, đang bị mũi thứ 2 đuổi phía sau. Chúng sẽ tử chiến. Không cần tiêu diệt chúng. Chỉ cần giữ vững trận địa 3 ngày, rồi để cho chúng thoát chạy. Bấy giờ  chúng sẽ phân chia thành đạo quân nhỏ vượt qua đường rừng, thôn xóm chạy về bắc. Ta cũng chia lực lượng các mũi 1,2, 3 tỏa ra đuổi theo chúng.
– Mũi thứ tư  do Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện (Nghiện) làm chánh tướng, có tướng A Mít Lỗ Tề làm phó trấn tại các cửa ải Khâu ôn, Khâu cấp, Đại trợ, Khả lan vi, vây  bắt các toán quân lẻ tẻ.
– Mũi thứ 5, tôi với vương phi Ý Ninh, công chúa Hoàng Liên, ông Bạch Viên sẽ tùy các tướng giặc võ công cao, theo cánh nào thì tìm đánh chúng.
Trong khi phía Việt chuẩn bị các đạo quân trấn Ái châu, Thiên trường, Thăng long và 2 đạo chặn đánh đường rút quân của Mông-Nguyên, thì Thoát Hoan Áo Lỗ Xích chuẩn bị cho cuộc rút quân.
Ngày 27 tháng 2 năm mậu tý (30-03-1288) sau khi Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp với chu sư nặng nề lên đường, Thoát Hoan bắt đầu rút bộ, kị binh.
Áo Lỗ Xích điều quân:
– Chúng ta rút làm 2 đạo. Trước hết A Bát Xích dẫn kị, bộ binh mở đường tới Nội bàng. Man Việt đóng chốt tại đây. Dùng toàn lực nhổ chốt, rồi tiến tới Chi lăng, bảo vệ hẻm núi nguy hiểm này. Vương gia với bộ tham mưu rút theo sau đạo binh của A Bát Xích hướng về Lạng sơn. Đạo thứ nhì Tích Đô Nhi (2) lĩnh 2 vạn kị, 3 van  bộ, rút theo đường phía Tây.
Tích Đô Nhi nói:
  Đường phía tây lên biên giới có đồi Hãm sa, dài khoảng 6 dặm, đường đi dưới vách núi thẳng đứng. Hồi mấy tháng trước mình tiến quân, tướng Man Việt là Hưng đức hầu Trần Quán đã phục binh trên núi, lăn đá, bắn tên. Tôi phải đánh 10 ngày mới vượt qua được. Nếu bây giờ Man Việt lại phục binh thì e khó qua.
– Khó thì khó, cũng phải vượt qua. Không lẽ chịu chết đói sao?
Trong khi các đoàn bộ, kị binh nhổ lều trại, chuẩn bị lui binh, thì Tế tác báo:
– Ngay khi chu sư Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp rời bến được 10 dặm, thì gặp phục binh của Man Việt. Chúng dùng ngư thuyền của dân, đánh vào hậu quân, làm chìm 10 chiến thuyền; rồi chúng rút lui. Quân Man Việt với Nghĩa dũng chiếm trại đóng trại cũ của thủy quân.
– Bọn Man Việt này là tụi nào?
– Thưa là tên Nguyễn Địa Lô, Phạm Ngũ Lão với Phạm Cự Địa.
Thế rồi cứ nửa ngày quân lại báo chu sư Ô Mã Nhi bị phục binh. Các cuộc giao tranh không lớn, nhưng chu sư bị thiệt hại nhẹ thì 1 chiến thuyền. Nặng thì 10 chiến thuyền.
 Cho đến ngày 1 tháng 3,  thì tin báo:
– A Bát Xích tới Nội bàng thì quân Man đóng đồn chặn ngang đường. Kị, bộ đánh nhau suốt một ngày, một đêm mà không vượt qua được. Trong khi bọn Nghĩa dũng phục binh từ các làng, đánh vào hậu quân. Ngày đêm.
– Quân Man Việt là hiệu binh nào? Tướng nào?
– Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh. Lạ một điều là Hùng uy Đại tướng Vũ Cao San thống lĩnh Thị vệ Nãi man, tổng chỉ huy. Y hiểu chiến thuật của ta, điều quân nhịp nhàng. Nên quân ta đã ào ạt tấn công 9 lần đều bị đẩy lui.
Ngày 3 tháng 3, quân báo:
– Hữu thừa Trình Bằng Phi và Tháp Xuất đi dọc bên sông hộ tống chu sư Ô Mã Nhi bị phục kích, bị chặn đánh không tiến được. Hai bên sông, Man Việt đặt nhiều bẫy ngựa, chông. Đường bị cắt, cầu bị hủy không qua được. Đến Đông triều, kị, bộ bị sông ngăn phải quay về. Nhưng bị chặn đánh, phải lội tắt cánh đồng, tuy vậy cũng về tới.
Áo Lỗ Xích ra lệnh:
– Cho 2 tướng vào.
Trình Bằng Phi khải:
– Thần đã  cố gắng, nhưng sông rộng, không có cầu. Quân sĩ đẵn chuối làm bè. Bè chở ngựa qua sông bị lật. Anh em thần đành trở về đây theo vương gia.
Lòng Thoát Hoan rối như tơ vò:
– Thôi 2 người đem quân tiếp viện cho A Bát Xích mở đường. Nội ngày mai phải nhổ cho được Nội bàng.
Ngày 4 tháng 3, quân báo:
– A Bát Xích, Trình Bằng Phi đã phá được chiếân lũy Nội bàng. Quân man rút vào núi Kết. Tiền quân đang tiến về Chi lăng.
– Cánh quân của Tích Đô Nhi trên đường tiến tới Hãm sa thì bị  Nghĩa dũng binh phục kích trên suốt dọc dường. Khi đến Hãm sa thì gặp ngọn đèo. Quân Man đóng chặn ngang.  Quân không thể đánh lên được. Trong khi đó bọn Nghĩa dũng phục binh đánh vào 2 bên hông. Có một điều lạ là đại tướng Trần Mạnh Quốc, thống lĩnh  Ngự lâm quân Nãi man tổng chỉ huy mặt trận này. Tích Đô Nhi tiến lên không được, lui về không xong, đành bỏ cuộc đi đường rừng tiến về Chi lăng. Dọc đường bị Nghĩa dũng quân phục kích đánh suốt ngày, suốt đêm. Khi Tích Đô Nhi gặp đạo quân của A Bát Xích thì chỉ còn không quá một vạn người, mà phân nửa bị thương tích. Vũ khí, chiến cụ mất hết.
Tối 8 tháng 3, Thoát Hoan ra lệnh cho bộ tham mưu, sáng  hôm sau lên đường, thì quân báo:
– Toàn bộ chu sư lọt vào trận địa cọc của Hưng Đạo vương trên sông Bạch đằng. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ vương, đều bị bắt. Binh tướng chết, bị bắt làm tù binh hết.
Nghe tin, Thoát Hoan, Áo Lỗ Xích run bắn người lên. Mặt nhìn mặt, không biết sống chết sẽ đến lúc nào? Liệu ngày mai có thoát thân không?
Sáng hôm sau ngày 9 tháng 3, Thoát Hoan cùng bộ tham mưu lên đường. Khi qua Nội bàng, y được Tế tác cho biết, hồi bọn Đô Mi Ni qua đây bị quân Việt đóng trong ải chặn đường, mở đường không nổi, phải qua đêm tại núi Kết. Đêm bị Ngưu binh, Đại đởm đột kích đánh phá, đành phải rút lui, rồi bị phục kích ở giữa Chi lăng và Đại trợ, bị diệt gọn. Cách đây mấy ngày A Bát Xích mở đường, phải đánh 4 ngày mới khai thông.
Áo Lỗ Xích hỏi:
– Tại Chi lăng có quân Man Việt không?
– Quân Man Việt ở Chi lăng không đông, chỉ có một hiệu binh với 10 đô Ngưu binh. Nhưng Nghĩa dũng rất đông, tới 2 vạn. Qua Chi lăng, tới các ải Đại trợ, Khả lan vi, Khâu ôn, Khâu cấp cũng chỉ có một hiệu binh, nhưng Nghĩa dũng binh thì tới 2 vạn.
– Tướng chỉ huy Chi lăng là ai?
– Là Tạ Quốc Ninh, y từng thống lĩnh quân Cần vương Đại lý đánh ta. Lạ một điều còn có 2 cựu đại tướng Mông cổ, hiện là tướng Nãi man là Kim Đại Hòa, Đi Mi Trinh.
Áo Lỗ Xích than:
– Như vậy trong mặt trận truy đuổi ta có 5 cựu đại tướng Mông cổ là A Mít Lỗ Tề, Đi Mi Trinh, Vũ Cao San, Trần Mạnh Quốc, Kim Đại Hòa. Nghe nói Trấn Tây vương Trần Nhật Duy sau khi treo ấn từ quan, cũng về đây đánh ta. Chính vương tổng chỉ huy mặt trận từ Vạn kiếp tới Lạng sơn.
Thoát Hoan chửi tục một hơi rồi than:
– Kể từ đức Thái tổ Thành Cát Tư Hãn khởi nghiệp. Khi chinh phục xứ nào, người cũng trọng dụng nhân tài xứ đó, tạo thành một hệ thống quan quân đủ mọi nước. Tất cả đều thâm cảm, trung thành với Mông cổ. Thế nhưng cái nước An Nam nghèo khó, thấp nhiệt, lam chướng đầy muỗi, mòng này thì không thế. Hai tên Vũ Cao San, Trần Mạnh Quốc đã ba đời hưởng ân huệ, được trọng đãi của Mông cổ ta. Bây giờ chúng đang là những đại tướng quân ở Nãi man, hưởng hạnh phúc, mà chúng bỏ về đây tham  chiến! Đến Trần Nhật Duy, chức tước của vương lớn gấp 5 gấp 10 tên Nhật Huyên, mà vương cũng bỏ về giúp nó! Ta làm sao địch lại vương?
Quân rầm rập lên đường. Thám mã báo:
– A Bát Xích, Tích Đô Nhi, Trình Bằng Phi, Tháp Xuất tung quân đánh Chi lăng, sau một ngày quân mệt, lùi lại thì bị Nghĩa dũng quân phục trong rừng đánh vào sau lưng. Suốt ngày đêm không yên.
Thình lình quân reo, trống thúc, quân báo:
– Đạo quân Man Việt trấn tại Hãm sa, cùng quân Nghĩa dũng băng rừng đuổi theo quân của Tích Đô Nhi tới đánh ép vào hông trái mình. A Bát Xích sai Tháp Xuất chia quân ra chống cự.
Thoát Hoan cho dừng quân, dựa vào chân núi hạ trại.
Phía hậu quân, quân sĩ la hoảng. Quân báo:
– Có một đạo binh cực kỳ hùng tráng đang từ Nội bàng đánh vào phía sau ta.
– Có biết là đạo binh  nào không?
– Thưa là hai hiệu Hàm tử và Văn bắc. Hai tướng đi đầu có kỳ hiệu là Hoài Văn vương Trần Quốc Toản và Tả thiên ngưu vệ đại tướng quân Trần Quốc Kinh. Hai tên này đe sẽ ném vương gia một nghìn tảng đá như đã ném Đại hãn Mông ca.
Thoát Hoan kinh hãi hỏi:
– Hai tên này dự trận Bạch đằng. Sao bây giờ chúng cũng đến đây?
– Trận Bạch đằng kết thúc ngày 8. Hôm nay là ngày 10. Với 2 ngày thì bọn Quốc Toản, Quốc Kinh dư sức tới đây!!!
Tích Đô Nhi từ phía trước trở lại báo vời Thoát Hoan:
– Cái hẻm núi Chi lăng này hiểm trở quá. Quân Man Việt chỉ có một hiệu binh, nhưng bọn Nghĩa dũng đông tới 2 vạn, thêm 10 đô Ngưu binh. Chúng trấn đóng tất cả các ngả đường, rồi gọi loa chiêu dụ binh người Hán, quẳng vũ khí vào rừng sẽ được ân xá, được nuôi ăn, rồi được cho về nguyên quán. Ta xung sát suốt 2 ngày mà vẫn không phá được một lớp rào chiến lũy của chúng. Quân sĩ bỏ vào rừng đầu hàng giặc, không kiểm soát được.
Áo Lỗ Xích than:
– Ta bị vây 4 mặt rồi! Phía trước là Chi lăng. Phía hông trái là đạo binh từ Hãm sa tới. Phía phải là núi, với đồng lầy, bọn Nghĩa dũng dùng thuyền nhỏ dàn ra tới sườn núi. Phía sau là bọn Quốc Toản, Quốc Kinh. Lương thực hết. Ngày mai thì quân không chết vì giặc giết mà chết vì đói.
Trời về chiều, Áo Lỗ Xích ra lệnh cho quân tản vào sườn núi, qua đêm, hái rau  cỏ hoang, xả thịt chiến mã bị chết ra làm thức ăn.
Thoát Hoan kinh sợ, quay lại nói với Ngọc Trí:
– Vương phi, chu sư của Ô Mã Nhi bị diệt gọn. Cánh quân của Tích Đô Nhi bị đánh tan, 5 vạn chỉ còn một. Bây giờ phía trước bị chặn ở hẻm Chi lăng. Phía sau thì Trần Quốc Toản với Dã Tượng đem hùng binh đe ném đá. Lần trước ta gặp đường cùng, nhờ phi xin với tướng Việt mà ta thoát nạn. Không biết bây giờ phi có thể vì tình nghĩa vợ chồng mà xin chúng mở đường cho cho ta rút không?
Ngọc Trí nhỏ nhẹ:
– Lần trước ba đứa là thiếp với vợ của Lý Hằng, vợ của Đường Ngột Đải đem thân ra đứng đầu, hứng đao kiếm, cung tên cho chồng. Chính tên Trần Ích Tắc bị Dã Tượng, Quốc Kiện, Quốc Toản phục binh bắn tên, ném đá. Y chui đầu trong váy Ngọc Quốc để được sống sót. Thế mà khi về Đại đô, y đến Khu mật viện bịa chuyện quy kết chị em thiếp bằng những lời đầu đường xó chợ. Bây giờ thiếp xin chư tướng Việt nới tay, khó vô cùng. Vì mở miệng mắc quai. Nhưng thôi, vì chồng, vì con thiếp phải vào chốn hang hùm vậy.
Đến đó có tiếng nói lanh lảnh từ xa vọng lại:
– Ném đá giết tên Thát đát Thóat Hoan này!
Tiếp theo là tiếng vi vu, rồi một viên đá trúng con ngựa của Thoát Hoan. Con ngựa hí lên mấy tiếng thê thảm, rồi ngã vật ra.
Ngọc Trí đứng trên xe của nàng, tay phất cờ. Nàng nhìn về phía trước, trên mỏm núi, Dã Tượng cầm viên đá to bằng quả bưởi, đang định vị để ném. Nàng thét lên:
– Anh Dã Tượng. Em đây! Ngọc Trí đây.
Dã Tượng vẫy tay gọi:
– Ngọc Trí lên đây với anh.
Ngọc Trí ra roi cho ngựa chạy về phía Dã Tượng.  Xe đi khoảng hơn 5 trăm trượng thì gặp một toán Nghĩa dũng binh bên đường, đánh trống, tấu nhạc đón nàng bằng nghi lễ công chúa. Tiến vào sâu là một cái hang núi. Trong hang nào hoàng hậu Hồng Liên của Tháp Sát Nhi, nào hoàng hậu Nãi Man Thúy Trang, nào vương phi A Lan Đáp Nhi Thúy Nga, nào công chúa Ngọc Hoa của Tống, nào công chúa Vương Chân Phương. Lại có cả vương phi A Truật là Hồng Nga.
Vương phi Ý Ninh nắm tay Ngọc Trí dắt xuống xe. Hoài Văn vương Quốc Toản, Tả thiên Ngưu vệ đại tướng quân Dã Tượng đã tới. Dã Tượng lên tiếng:
– Cô em xinh đẹp! Có phải cô em đến xin tha chết cho tên ác ôn Thoát Hoan không? Lần trước anh với Hoài Văn vương hứa ném y 100 cục đá. Em xin anh nới tay cho y, anh hứa không ném đá em. Y chui đầu vào váy em để được che chở, thoát nạn. Thế mà bây giờ y đem quân qua tàn sát dân chúng, đào mồ người chết vứt xương đầy đồng. Lần này anh với Quốc Toản sẽ ném y một nghìn viên đá.
Nước mắt đầm đìa, Ngọc Trí nói:
– Anh Dã Tượng! Anh ỷ cầm quân trong tay, rồi bắt nạt em đấy à? Như vậy mà cũng xưng anh được ư? Anh có biết công trạng của em trong mấy trận vừa qua ra sao không? Em không dám xin ban thưởng mà chỉ xin ân xá cho chồng em.
Dã Tượng ngơ ngác:
– Anh không biết em đã lập công gì. Có lẽ Hoài Văn vương quản Khu mật viện, vương biết.
Ngọc Trí hướng Quốc Toản:
– Vương gia! Xin vương gia nới tay cho.
Quốc Toản là tướng hét ra lửa, mửa ra khói, nhưng người anh hùng này có nét nhu mì của bà nội là một nghệ nhân, có lòng từ bi của ông nội là vua Trần Thái tông, một Phật tử thuần thành. Vương ghi Ngọc Trí đã lập đại công trong các trận đánh vừa rồi. Bây giờ thấy nàng khóc, lòng người anh hùng lại nhũn ra. Vương nhỏ nhẹ:
– Công chúa Ngọc Trí! Trong lần đem quân sang tàn phá nước ta kỳ này, bọn Nguyên thua mau, bị đại bại ở Thăng long, một phần nhờ công lao của công chúa. Không biết công chúa muốn Đại việt ân sủng gì nào?
– Vương gia ơi, dù nói cách nào, Thoát Hoan cũng là chồng của tiểu tỳ. Tiểu tỳ lớn gan xin vương gia tha cho y.
– Tổng chỉ huy mặt trận này là phụ vương, vương mẫu của tôi. Tôi chỉ là một tướng được Thượng hoàng sai lên tiếp viện mà thôi. Mở đường cho Thái tử Thoát Hoan rút về phải do Thượng hoàng. Tôi không có quyền ra lệnh cho các tướng đang dự chiến dịch này mở vòng vây!
Ngọc Trí cầu cứu với vương phi Ý Ninh:
– Chị! Em lấy Thoát Hoan làm chồng là do chị với Thánh mẫu Bạch Liên xếp đặt. Khi dạy em thuật bắt nai, Linh Từ quốc mẫu dặn: dù chồng là Thát đát, là Tây vực, cũng phải hết lòng với chồng. Vì vậy mà em mới tới đây.
Vương phi Ý Ninh tuyên chỉ:
– Quốc Toản! Thôi con đừng ném đá Thoát Hoan nữa. Còn mở đường cho quân Nguyên rút để bố-mẹ xin với Thượng hoàng xem sao?
Phi ban chỉ cho Tạ Quốc Ninh:
– Quốc công! Bọn Thoát Hoan bị vây như thành đồng, vách sắt rồi. Hơn 17 vạn quân nay còn không quá 7 vạn dưới núi như cá nằm trên thớt. Ta xuống tay lúc nào thì chúng chết lúc đó. Mà dù ta không đánh thì chiều mai chúng cũng chết đói. Xin quốc công ban lệnh cho quân mình hưu chiến đêm nay, chờ chỉ dụ của triều đình. Sáng mai dù chỉ dụ của triều đình như thế nào chăng nữa, ta muốn bắt chúng thì không khác gì bắt ba ba trong rọ.
Ngọc Cách (vợ của Đường Ngột Đải) từ sau chạy tới, không nói không rằng, nàng trao cho Ngọc Trí một cái túi vải. Ngọc Trí mở túi, bất giác mọi người đều ngẩn người ra. Vì bên trong có một hũ tôm rim thịt ba chỉ, nửa con gà mái luộc, một niêu cơm tám, một niêu canh cua nấu với rau đay khói bốc nghi nghút. Lại còn mấy xâu thịt heo nướng với bún, rau muống chẻ.
Hoàng hậu Nãi Man Thúy Trang kinh ngạc:
– Thế này là ý nghĩa gì? Các em làm mà chị không hiểu nổi!
Ngọc Cách đáp:
– Tâu nương nương. Theo như ước đoán của em, từ sáng đến giờ 2 con của Trí bị đói, phải ăn thịt ngựa nướng, thịt ngựa chiến dai lắm các cháu nuốt không trôi đâu. Trong khi 2 năm qua sống ở Thụy khuê, các cháu được ăn những con tôm, con cá ngon nhất. Được ăn thịt gà, thịt chim mái tơ.  Thấy Trí tới, em lấy phần cơm của mẹ con em đem ra để Trí cho hai cháu ăn. Dã tâm đem quân sang đánh ta là Hốt Tất Liệt, tàn ác là bọn Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi, chứ 2 trẻ vô tội. Hơn nữa mẹ chúng là công chúa Việt.
 Nghe Ngọc Cách nói, Ngọc Trí  òa lên khóc.
Vương phi Ý Ninh tiễn Ngọc Trí:
– Thôi em về, cho chồng khỏi mong. Sáng mai chị sẽ cứ sứ tới gặp y. Dù tình huống xấu nhất, chị hứa rằng vợ chồng em và các con cũng được đưa về Trung nguyên an toàn. Nếu em sợ tên bay đạn lạc thì em về trại mang hai cháu đến đây. Chị sẽ đưa 2 cháu về Thụy Khuê sống với ông bà ngoại nó.
– Đa tạ thịnh tình của phi. Em là gái Việt, dù chồng tàn ác đến đâu mà y đang gặp đường cùng em cũng không nỡ, không thể bỏ y trong lúc này.
Chiều hôm đó có sứ gỉa mang chỉ dụ của triều đình tới chiến lũy. Sứ giả là Hưng Ninh vương. Vũ Uy vương họp chư tướng cùng đọc. Chỉ dụ do chính Thượng hoàng ký, đóng Ngọc tỷ:
“ Vũ Uy vương, vương phi cùng 5 tướng từ Nãi man về hiểu rõ tình hình Nguyên hơn triều đình. Vậy quyết định mở vòng vây cho quân Nguyên rút, rút như thế nào, triều đình để vương và chư tướng quyết định“.
Vũ Uy vương hỏi chư tướng:
  Hiện còn gần 10 vạn quân Nguyên bị ta bao vây. Công chúa Ngọc Tri xin bỏ hết công lao, đổi lại mình mở đường cho chúng rút. Cô gia gửi biểu về xin chỉ dụ của triều đình. Triều đình để cho chúng ta quyết định. Vậy chư tướng quyết định sao?
Trấn biên đại tướng quân Nguyễn Thế Lộc, Tráng tiết tướng quân Nguyễn Lĩnh với Quốc công Vũ Cao San trình bầy:
– Từ lúc rút lui, chúng bị phục kích, đánh ngày, đánh đêm, thần trí mệt lỏi, bệnh tật hành hạ, lại thiếu ăn. Chúng đang bị vây. Ta tung quân ép thêm, rồi chiêu hàng. Chúng không hàng thì ta đánh. Thế là toàn bộ 50 vạn quân đi, lần trước còn 15 vạn về. Lần này 50 vạn đi, bị diệt hoàn toàn. Như vậy Nguyên bị kiệt quệ. Từ nay Hốt Tất Liệt không còn dám nghĩ đến đánh mình nữa.
Vũ sơn công Tạ Quốc Ninh khải:
– Hiện quân Nguyên hết sạch lương. Chiều nay đã phải nhịn đói rồi. Ngày mai ta đánh thì chúng chỉ có một đường là đầu hàng. Ta không đánh, chúng cũng phải đầu hàng, vì đói quá. Thần đồng ý với Vũ Cao San: mình bao vây thật chặt rồi bức hàng. Đó là đường lối hành động tốt nhất.
Dã Tượng nhìn Tuệ Trung bồ tát:
– Thần thấy triều đình để ta quyết định, mà lại nhờ sư phụ đem chỉ dụ lên, thì ẩn ý của Thượng hoàng tha cho chúng đã rõ ràng. Thần xin vương gia tha cho chúng mới đúng ý Thượng hoàng.
Hoài Văn vương Quốc Toản lắc đầu tỏ ý:
– Bọn binh tướng Nguyên sang kỳ này có hành vi tàn ác quá đáng. Bây giờ mình có tha chúng về, kỳ sau chúng sang chúng sẽ tàn ác hơn. Vậy thì thế này: ngày mai ta đánh ép phía sau,  để cho chúng phá vòng vây chạy về phía bắc. Ta đuổi thực gấp. Bọn nào đầu hàng thì ta tha cho. Còn bọn nào chạy thoát về bên Trung nguyên thì kinh tâm, động phách. Chúng sẽ đem cái kinh hãi đó truyền ra cho dân chúng. Bọn binh tướng ở Trung nguyên chưa sang ta, mà đã kinh sợ rồi. Sau này chúng có sang đánh thì  tâm lý run sợ sẽ khiến cho chúng không còn tinh thần giao tranh nữa.
Vũ Uy vương quyết định:
– Bây giờ thầy Tạ Quốc Ninh với công chúa Đặng Ngọc Quốc đi sứ. Hãy nói như thế... như thế...
Quốc công Tạ Quốc Ninh với Đặng Ngọc Quốc đi trên xe song mã với 2 xe chở thực phẩm. Viên bách phu canh phòng vào báo với Thoát Hoan:
– Khải vương gia, có sứ thần Đại Việt tên Tạ Quốc Ninh và phu nhân Tả thừa Lý Hằng xin cầu kiến.
– Mời vào.
Tuy quân tan, tướng run sợ, nhưng Áo Lỗ Xích          cũng dàn 20 Võ vệ, cùng văn võ quan, rồi đích thân y ra đón.
Lễ nghi tất.
Đặng Ngọc Quốc gặp Ngọc Trí thì ôm lấy nhau mà khóc. Thấy Đặng Ngọc Quốc, Thoát Hoan bùi ngùi:
– Khu mật viện nghe lời của bọn mặt dơi Trần Ích Tắc, đã gây ra cái chết đau thương của Thái tử phi Ngọc Kỳ, làm cho vương phi của tôi, của Tả thừa Đường Ngột Đải, của Hữu thừa Lý Hằng phải bỏ Trung nguyên về An Nam. Không biết hôm nay phu nhân tới đây có việc gì?
Ngọc Quốc chỉ Tạ Quốc Ninh:
– Tạ Quốc công tuân chỉ Vũ Uy vương đi  sứ! Nhân đó tôi xin theo sứ đoàn tới thăm Thái tử với chư tướng là cố nhân của phu quân, xem có giúp được gì không?
Thoát Hoan cảm thán:
– Vũ Uy vương là tướng văn võ toàn tài, trí dũng vô biên. Nên phụ hoàng hết sức sủng ái, phong cho tước Trấn Tây vương. Thế mà vương bỏ đất phong về Đại việt, đem tài ra đánh cô gia. Hỡi ơi!!!
Tạ Quốc Ninh cười nhạt:
– Hoàng đế Chí Nguyên là một minh quân, trài trí bậc  nhất Trung nguyên, gây dựng nghiệp lớn hơn cả Hán, Đường cao  tổ. Nhưng tiếc rằng nghe lời bọn bội cha, phản anh Trần Ích Tắc, rồi dự tính đem vương về triều làm hàng thần lơ láo, vì vậy vương phải bỏ Nguyên về Đại việt. Đó là thế bất đắc dĩ. Chí Nguyên hoàng đế phụ vương, chứ vương không phụ Chí Nguyên hoàng đế. Bây giờ triều đình Đại việt trao cho vương cầm quân từ Vạn kiếp tới châu Tư minh. Hôm qua Thái tử phi tới yết kiến người, xin người nới tay cho Thái tử. Nên người sai tôi đến đây yết kiến Thái tử, gọi là chút tình cố cựu.
Ngọc Quốc chỉ vào 2 cỗ xe đi theo:
– Tại mặt trận này, hiện có rất nhiều người của Mông cổ, của Nguyên, người nào cũng động lòng cố cựu, nên nhất nhất xin Vũ Uy vương mở vòng vây cho Thái tử. Tôi biết, hiện từ Thái tử, đến vương phi Ngọc Trí, 2 thế tử đều phải nhịn đói từ qua đến giờ, nên đem lương thực đến để giúp đỡ cho qua cơn khốn cùng.
Ngọc Trí sai thị nữ mở tấm vải che lễ vật trên 2 chiếc xe. Trên xe chất 10 mâm xôi nén, 2 con lợn luộc, 10 con gà quay, 40 cặp bánh chưng, 200 cặp bánh dầy, 50 cây giò. Nàng sai đem ra sau cho 2 con và chia cho chư tướng.
Ngọc Quốc xin vào sau trướng thăm 2 con của Ngọc Trí. Ngọc Trí biết ý, nàng dẫn đường. Vào trong hậu trướng, Ngọc Quốc nói sẽ với Thoát Hoan:
– Trấn Tây vương, vương phi muốn mở dường cho Thái tử rút lui. Ngặt vì tướng sĩ căm thù quân Nguyên giết đàn bà, trẻ con quá tàn bạo, lại quật mồ đem xương phơi đầy đồng. Tuy nhiên động lòng cố cựu, người sai tôi tới đây nhắn với Thái tử. Ngày mai người cho rút bớt lực lượng trấn phía trước. Thái tử cứ đem quân phá vòng vây mà chạy. Chạy qua Chi lăng thì tỏa ra làm nhiều cánh vượt rừng về Trung nguyên.
Nàng nói với Ngọc Trí:
– Còn chị, chị cứ kéo kỳ hiệu của Tuệ Trung bồ tát trước xe, thì không binh tướng nào dám bắn tên, ném đá. Tuy nhiên Thái tử, phải tối đề phòng Dã Tượng mà thôi. Thiên tướng khắc tinh của Thái tử là Hoài Văn vương thì vương phi Ý Ninh dã ban chỉ không cho ném đá Thái tử nữa!
Ngọc Trí hỏi:
  Chị có định về Trung nguyên không?
– Không! Đại việt ghi công chị, phong tặng rất hậu. Anh Lý Hằng là khai quốc công thần của triều Nguyên, công lao biết mấy. Ấy thế mà vừa tuẫn quốc, thì bọn mặt dơi, tai chuột tại Khu mật viện đã nghe lời bọn Ích Tắc, định làm nhục chị. Chị không về Nguyên đâu. Chị chỉ về Nguyên khi bọn mặt dơi Ich Tắc chết hết rồi.
Phái đoàn Tạ Quốc Ninh về yết kiến, thuật lại chi tiết với Vũ Uy vương. Ngay lúc đó, có chỉ dụ mới của triều đình:
“ Mở vòng vây cho giặc chạy. Đem quân đuổi theo. Tuyệt đối không chặn đánh“.
Vũ Uy vương than:
– Muộn quá rồi. Bây giờ là giờ tý. Giờ mão bọn Nguyên sẽ rút quân. Khi vượt qua Chi lăng, chúng sẽ tỏa ra khắp núi, rừng, đường mòn để chạy. Ắt chúng bị quân của hiệu Tiền thánh dực phục kích với Nghĩa dũng tiêu diệt! Làm sao chuyển lệnh đến cho Hưng Trí vương Quốc Hiện bây giờ? Dù có mang lệnh đến, vương cũng không thi hành được. Vương chia quân thành từng đô hợp với Nghĩa dũng quân dàn dọc biên giới dài đến mấy trăm dặm, làm sao vương có thể  ra lệnh cho từng xóm, từng bản, từng khu! Đành vậy! Ta phải chịu lỗi với triều đình.
Vương ra lệnh:
– Quốc Công Tạ Quốc Ninh cho rút quân trấn trên Chi lăng ngay đêm nay. Chỉ để lại mươi đô Nghĩa dũng quân. Ngày mai bọn Nguyên mở đường máu, Nghĩa dũng quân chỉ reo hò, lăn đá đánh cầm chừng. Đợi chúng qua khỏi Chi lăng thì Quốc công Tạ Quốc Ninh đem hiệu Tứ thiên, 10 đô Ngưu binh chia làm 3 trao cho các tướng Nguyễn Lộc, Kim Đại Hòa, Đi Mi Trinh đuổi theo đường Nữ nhi, Khâu ôn, Khâu cấp cho tới biên giới. Chỉ đuổi theo, bắt tù binh, tránh chém giết.
Vương ra lệnh cho Minh Đức hầu Trần Linh (1), với quốc công Trần Mạnh Quốc:
– Hai tướng đem hiệu binh Thiên cương, trở lại Hãm sa, vượt đèo lên dàn ra khắp núi rừng biên giới, bắt những toán quân giặc lẻ tẻ băng rừng chạy về Trung nguyên. Tránh chém giết.
Vương gọi Hoài Văn vương Trần Quốc Toản:
– Hiện con có bao nhiêu kỳ hiệu Hàm tử?
– Thưa bố không nhiều, khoảng 50 lá.
– Quân Nguyên cứ thấy kỳ hiệu Hàm tử là bỏ chạy. Vậy con chia hiệu Hàm tử làm 25 toán, mỗi toán mang một kỳ hiệu, hợp với Nghĩa dũng binh, phục trên con đường tới Đại trợ, Khả lan vi. Thấy quân Nguyên tới thì kéo cờ hiệu đánh trống reo  hò, hù cho chúng chạy. Rồi  đuổi theo cho tới biên giới, bắt tù binh, tránh chém giết.
– Con với anh Dã Tượng đã thề ném tên Thoát Hoan 1 nghìn tảng đá. Vậy con có quyền ném chết y không?
Vũ Uy vương cốc tay vào đầu Hoài Văn vương:
– Mẹ đã bảo con không ném đá Thoát Hoan, thì con phải tuân. Con không tuân chỉ thì dù con là Hoài Văn vương, mẹ cũng đánh đòn. Còn Dã Tượng cứ ném. Nhưng nhớ, tránh ném công chúa Ngọc Trí với 2 con.
Vương gọi Dã Tượng:
– Đại tướng quân đem hiệu Văn bắc, kéo cờ hiệu Hàm tử chờ sẵn, thấy quân Nguyên khỏi rút thì reo hò đuổi theo.
Tại trại Nguyên, sau khi sứ đoàn Tạ Quốc Ninh về rồi thì Thoát Hoan gọi bọn tướng tá đang đói lè lưỡi ra đến soái lều cùng ăn. Áo Lỗ Xích ra lệnh cho chư tướng:
– Trấn Tây vương động lòng cố cựu, muốn mở vòng vây cho chúng ta về Trung nguyên. Nhưng ngặt vì các tướng không đồng ý, nên vương di chuyển các lực lượng trấn Chi lăng đi. Thành ra phía trước mặt chỉ có Nghĩa dũng binh. Vậy ngày mai A Bát Xích, Lưu Thế Anh, Đáp Lạt Xích đi tiên phong mở đường máu thoát khỏi Chi lăng. Trương Quán chỉ huy 3 nghìn quân tinh nhuệ hộ tống Trấn Nam vương.Tích Đôâ Nhi, Trình Bằng Phi, Tháp Xuất  đi cản hậu. Chớ thấy Nghĩa dũng quân là đàn bà, lão già hiền lành mà tấn công chúng. Tuy không thiện chiến, nhưng chúng hung dữ can đảm vô cùng. Đụng vào chúng thì toi mạng hết.
Các tướng ăn uống xong, trở về lều mình. Ngọc Trí nói với Thoát Hoan:
– Ngày mai thiếp cùng 2 con đi trên một xe song mã. Thiếp sẽ kéo kỳ hiệu của Tuệ Trung bồ tát. Bằng không e khó thoát nổi những đoàn mai phục của Nghĩa dũng binh. Như chị Ngọc Quốc nói: tuy Trấn Tây vương cho rút quân, để mình chạy. Nhưng hai hung thần của số mạng Thái tử là Quốc Toản, Dã Tượng sẽ đón đường ném đá đấy. Hồi còn con gái, thiếp rất thân với 2 người này. Họ không ném đá thiếp đâu. À cũng may vương phi Trấn Tây là mẹ Quốc Toản, đã ban chỉ cho Quốc Toản không được ném đá giết chồng em. Vậy chỉ còn Dã Tượng thôi! Thiếp xin đứng trên xe, mặc váy lụa thực dài, nếu Thái tử muốn thoát nạn thì ẩn thân vào như lần trước.
Thoát Hoan thở dài:
– Dĩ nhiên ta lại ẩn thân trong váy của phi.
Sáng hôm sau, khi trời bình minh, nắng tỏa trên rừng núi Chi lăng, những con chim bắt cô trói cột kêu thảm thiết. Các đội quân Nguyên uể oải lê bước tiến về Chi lăng. A Bát Xích đi đầu. Y kinh ngạc khi qua chiến lũy thì không thấy cờ xí, cũng như quân sĩ ở trong. Y sai ngựa báo cho trung, hậu quân biết.
Thoát Hoan cỡi ngựa đi cạnh Trương Quán. Vừa đi qua mỏm núi y chỉ lên:
– Hồi 2 năm trước tên Dã Tương đứng trên kia ném đá. Bây giờ không thấy nó.
Thình lình có tiếng quát:
– Ném đá giết ác tặc Thoát Hoan.
Rồi một viên đá rít lên vo vo trúng vào giữa lưng một Võ vệ cỡi ngựa đi trước. Bộp một tiếng, tên Võ vệ bay khỏi mình ngựa, ngực bị dập, chết tại chỗ. Kinh hoảng, Thoát Hoan nhìn lên: trên một mỏm đá khác, rõ ràng là Dã Tượng đang đứng như một thiên tướng. Trương Quán hô Võ vệ bắn lên, nhưng cao quá, tên không tới. Dã Tượng lại hét:
– Ném hai viên này.
Rồi ném viên thứ hai. Viên đá quay tròn kêu lên tiếng vo vo, rơi trúng chiếc xe đi sau, trên xe chở chiến cụ. Binh, chiếc xe bị thủng một lỗ, con ngựa kéo xe kinh sợ hí lên rồi chạy vào rừng. Tên lính đánh xe phải khó ngọc lắm mới điều khiển nó ra lộ.
Chiếc xe song mã của Ngọc Trí từ sau vọt lên. Nàng đứng trên xe, gọi:
– Thái tử! Mau lên đây.
Thoát Hoan tung mình nhảy lên. Thì một viên đá trúng chỗ y vừa rời. Bộp một tiếng, tảng đá  chui sâu xuống đất. Thoát Hoan rùng mình:
– Cha ơi! Mẹ ơi!
Rồi tốc váy Ngọc Trí chui đầu vào!
Hậu quân, binh sĩ la hoảng. Thám mã báo:
– Hậu quân bị hiệu binh Hàm tử từ bên đường xông ra đánh. Các tướng liều chết cản chúng lại. Nhưng binh tướng thấy kỳ hiệu Hàm tử thì bỏ chạy.
Xe chở Ngọc Trí thoát khỏi khu Chi lăng, thì A Bát Xích sai quân báo:
– Tất cả đường đến Khâu ôn, Khâu cấp, Đại trợ, Khả lan vi, Nữ nhi đều có quân Man Việt phục kích. Dọc 300 dặm biên giới thì hiệu binh Tiền thánh dực với 2 vạn quân Nghĩa dũng phục suốt các địa thế hiểm trở. Hiệu binh Thiên cương thấy ta rút khỏi Chi lăng, đã bỏ về Hãm sa, rồi dàn ra đọc biên giới như thành đồng vách sắt.
Áo Lỗ Xích đề nghị:
– Bây giờ tiến lên thì bị phục binh, phía sau bị hiệu binh Hàm tử truy đuổi. Lương hết sạch. Chỉ còn một đường sống: ban lệnh cho các tướng, chia quân từng bách phu, tìm đường xuyên rừng, cứ hướng bắc mà đi. Gặp làng xóm lẻ tẻ thì cướp lương sống cho qua ngày.
Lưu Thế Anh phản đối:
– Hiện quân Man Việt không nhiều, chỉ có 4 hiệu, khoảng 4 vạn. Ngoài ra là Nghĩa dũng binh. Nếu ta phân tán ra thành bách phu, thì làm mồi cho Nghĩa dũng binh. Ta còn tới trên 7 vạn, tại sao phải hèn thế? Thần đề nghị, chia lực lượng làm 4 cứ thẳng đường đánh 4 ải lớn là  Nữ nhi, Khâu ôn, Khâu cấp, Đại trợ phá vòng vây mà rút.
Thoát Hoan đồng ý. Y ban lệnh:
– A Bát Xích lĩnh 2 vạn binh, đánh Nữ nhi.
– Tích Đô Nhi lĩnh 2 vạn đánh Khâu ôn.
– Lưu Thế Anh lĩnh 1 vạn đánh Khâu cấp.
– Trình Bằng Phi lĩnh 1 vạn binh đánh Đại trợ.
– Áo Lỗ Xích, Trương Quán, Tháp Xuất lĩnh 2 vạn quân bảo vệ bộ tham mưu và hậu quân. Chúng ta tiến theo A Bát Xích.
Các đạo quân chia nhau rút. Thoát Hoan lại đi ngựa cạnh xe của Ngọc Trí. Y nói:
– Hồi sáng tên Dã Tượng ném đá thực nguy hiểm vô cùng. Còn tên Trần Quốc Toản đâu mà không thấy nó xuất hiện?
– Anh lại quên rồi! Hôm em đi sứ, em xin Trấn Tây vương mở đường cho anh rút binh. Vương từ chối vì không có quyền. Em xin Hoài Văn vương đừng ném đá anh. Vương cũng chối. Em cầu cứu với vương phi Ý Ninh. Vương phi khuyên Hoài Văn vương. Vương tuân lệnh mẹ, hứa không hại anh, dù ném đá hay bắn tên.
  Vương phi Ý Ninh qủa thực là người nhân hậu, xử sự chính đại quang minh.
Đoàn quân đang tiến nhanh thì bị ùn lại. Thám mã báo:
– Đoàn quân của A Bát Xích bị trúng phục binh của hiệu Hàm tử. Quân hai bên đang giao chiến. Quân chết nhiều mà phòng tuyến giặc không phá được.
Thoát Hoan hỏi Áo Lỗ Xích:
– Mới sáng nay hiệu binh này đánh vào hậu quân ta. Chúng nó có cánh hay sao mà bây giờ lại ở đây?
Tháp Xuất đề nghị:
– Phía tây, có nhiều khu rừng, với đường mòn, hiện không có phục binh. Mình có thể rút theo đường này rồi về Lộc châu hơn là rút theo Nữ nhi về Tư minh.
– Vậy Tháp Xuất đem quân tiến về ngả này. Để cho A Bát Xích đi đoạn hậu.
Chiều hôm đó vừa tới khu  rừng mang tên Trà lửng (Tà lửng) thì đoàn của Tháp Xuất lọt vào ổ phục kích. Nhưng quân Việt là Nghĩa dũng, nên Tháp Xuất phá được vòng vây. Khi bộ tham mưu với Thoát Hoan qua khe suối Thủy yên (Nguyên) thì Nghĩa dũng quân lại ào ào đổ ra đông đếm không hết. Quân Việt từ trên sườn núi bắn tên, phóng lao xuống. (6 ). Họ  thấy trên xe của Ngọc Trí có cờ hiệu của Tuệ Trung bồ tát thì không bắn vào.
Có tiếng quát:
– Ném đá giết ác tặc Thát Đát.
Rồi một viên đá bay tới trúng đầu con ngựa y đang cỡi. Con ngựa vỡ đầu, ngã vật xuống chết ngay lập tức. Thoát Hoan tung người lên, vừa đáp  xuống đất thì lại một viên đá trúng tên Võ vệ ngay cạnh. Tên Võ vệ bị vỡ đầu, ngã lộn xuống đất. Nhìn lên một mỏm đá trên cao, thấy Dã Tượng đang đứng trên đó, tay cầm tảng đá  khổng lồ, miệng hét:
– Giết tên Thoát Hoan này.
Kinh hồn, Thoát Hoan vọt mình lên xe Ngọc Trí, thì ngay lúc đó tảng đá rơi trúng chỗ y vừa đứng, lõm một hố khá sâu. Y cúi xuống, tốc váy Ngọc Trí, chui đầu vào. Ngọc Trí vốn cao, váy nàng lại dài, nên che trọn vẹn thân thể chồng.
Đám Võ vệ cạnh Thoát Hoan đã bị giết hết. Nghĩa dũng binh tránh đường cho xe Ngọc Trí đi. Xe đi trong khoảng 1 giờ thì gặp đạo quân của Tích Đô Nhi đi ngược chiều. Y nói:
– Vương phi ơi! Thần thoát về Lộc châu.  Nghe tin vương gia bị vây, nên đi đón. Vương gia đâu?
Ngọc Trí chỉ vào váy mình, tủm tỉm cười:
– Vương gia ẩn thân tại đây.
Ngọc Trí đập tay vào đầu chồng gọi:
– Vương gia! Mình về tới Lộc châu rồi! Không còn sợ Dã Tượng nữa. Vương gia ra thôi.
Thoát Hoan ra khỏi váy vợ, chân tay vẫn còn run lẩy bẩy, hai hàm răng đánh vào nhau lịch kịch. Trong khi bọn bại binh, bại tướng mở to mắt ra nhìn chúa tướng của chúng từ trong váy vợ ra ngoài, đầu tóc bù xù, coi không giống ai! Thoát Hoan cũng nhận ra thuộc hạ của y đang nhìn y như quái vật.
Y chữa thẹn:
– Thực nguy hiểm quá.
Tháp Xuất  trình:
– Vương gia. Có một sự lạ là các đạo quân của mình không bị đánh chặn, thành ra rút an toàn. Nhưng truy binh Man Việt từ trong rừng ào ra, như kiến. Phân nửa quân mình bị bắt sống hay đầu hàng. Bọn Nghĩa dũng binh hung dữ vô cùng, nhất là mấy mụ đán bà, với mấy lão già. Chúng từ trong lũy tre, trong các làng mạc ào ào đổ ra, đâm chém không nương tay.
Viên quan trấn thủ Lộc châu là Hoàng Kiện rước Thoát Hoan vào thành. Thoát Hoan ban chỉ cho Hoàng Kiện xuất công khố ra nuôi tàn quân.
Sáng hôm sau tàn quân của các đạo A Bát Xích, Trình Bằng Phi, Lưu Thế Anh cũng đã thoát về. Bọn An Nam gian Trần Ích Tắc, Lê Tắc cũng đến chầu. Chúng xin vào yết kiến Trấn Nam vương. Thấy vương phi Ngọc Trí hiện diện thì cả bọn lấm lét như chó cụt đuôi. Nhưng chúng không chịu hành lễ với nàng.
 Ghét mặt tên phản phúc, Tháp Xuất hỏi:
– Các người là bọn hàng thần lơ láo, tại sao thấy vương phi không hành lễ? Hay các người chê phi không chặt được những cái đầu củ chuối rẻ tiền của các người chăng?
Bọn Lê Tắc dương cổ lên chỉ vào Ích Tắc cãi:
– Vị này được hoàng đế Chí Nguyên phong cho tước An Nam quốc vương. Vương không phải hành lễ với một đứa con gái dân dã hèn mọn.
Ngọc Trí nói với Thoát Hoan:
– Vợ chồng mình thành hôn do mẫu hậu ban chỉ. Dù thiếp là con nhà dân dã thì cũng thành vương phi. Chúng khinh khi thiếp, thì cũng như khinh khi vương. Vợ chồng mình đang hạnh phúc, thì bọn rác rưởi này đến Khu mật viện bịa đặt ra những truyện hoang đường, suýt nữa chúng mình phải cách trở nghìn trùng vĩnh viễn. Bây giờ chúng lại làm nhục thiếp trước mặt vương gia!
Nhờ núp váy vợ thoát chết, thấy tận mắt, nghe tận tai  bọn Ích Tắc lại làm nhục Ngọc Trí , Thoát Hoan mắng:
– Các người với đội Võ vệ 5 nghìn người bị giết sạch. Cô gia chưa tính tội. Bây giờ các người lại buông lời nhục mạ vương phi. Võ  sĩ đâu! Đem chúng ra chặt đầu.
Võ sĩ dạ ran. Áo Lỗ Xích can:
– Xin vương gia bớt nóng. Dù gì bọn chúng cũng đã nhận sắc phong của hoàng thượng. Bất kính không phải là tội chết.
Bọn Ích Tắc kinh hoảng, phủ phục trước Ngọc Trí rập đầu binh binh:
– Bọn thần ngu tối, lỡ lời, xin vương phi tha cho cái mạng cóc nhái, kiến ruồi này!
Ngọc Trí nghĩ:
– Mình ra oai như vậy cũng đủ rồi. Thoát Hoan không có quyền xử tử tới tước vương!
Nàng quát:
– Đuổi chúng đi.
Bọn Ích Tắc lủi thủi ra khỏi trướng.
A Bát Xích bị trúng 3 mũi tên vào đầu, đùi, cổ sưng tấy lên. Y thuật:
– Đạo quân của thần gặp hiệu binh Tiền thánh dực, của Hưng  Trí vương Quốc Hiện hung dữ lạ thường. Nhưng trước cái chết các tướng bị thương phải buộc vết thương lại mà đánh.(6).
Đến đây y rùng mình một cái, rồi chết.
Hôm đó là ngày 18 tháng 3 năm mậu tý (19-4-1288)
Thoát Hoan ban chỉ cho A Lỗ đem quân về Vân nam. Lại ra lệnh cho bọn Tích Đô Nhi ở lại, thu thập những tàn binh đang trốn về.

Trận đánh truy đuổi quân Nguyên tại Bắc cương diễn ra từ ngày 7 tháng 3 năm (8-4) đến ngày 18 tháng 3 năm mậu tý (19-4-1288), niên hiệu Trùng Hưng thứ tư đời vua Trần Nhân tông bên Đại việt, bên Trung nguyên là niên hiệu Chí Nguyên thứ 25 của Nguyên Thế tổ Hốt Tất Liệt. Người tổng chỉ huy là Vũ Uy vương Trần Nhật Duy.
            Cả ba gia phả của dòng họ Đông a, thuộc Đế phái, Thánh phái, Vương phái, đều chép hành trạng của vương giống nhau. Vương hoăng (1327) thọ 91 tuổi., với bài tán lời thơ đơn sơ, nhưng đầy đủ, dễ hiểu :
Nhị tổ húy Nhật Duy,
Thái tông phong Vũ Uy.
Sơ tổng trấn Tây Bắc,
Thần uy phá Hoài Đô.
Khâm mệnh sứ Mông cổ,
Thần mưu thoái Trường giang.
Bắc viện cứu Tống mạt,
Thảo trường sát Mông ca.
Sắc phong Hành sơn địa.
Tống tuyệt, chí Đại nguyên.
Nhất kiếm Trấn tây vực,
Vãn tuế hồi cố hương.
Anh hùng đại sát Đát.
Cương la tỏa Bắc cương,
Tứ vạn diệt thập bát,
Uy dũng khiếp Thoát Hoan.
Đông a vi đệ nhất,
Anh hùng đất Viêm bang.

Dịch nghĩa :
Nhị tổ tên Nhật Duy. Phả thuộc đế phái, nên chép vua Thái tông là nhất tổ, Vũ uy vương là nhị tổ.
Vua Thái tông phong Vũ Uy vương.
Lúc đầu trấn Tây Bắc cương.
Trổ thần oai phá quân của Hoài Đô (và Ngột Lương Hợp Thai).
Tuân chỉ đi sứ Mông cổ,
Mưu thần khiến giải binh quyền Hốt Tất Liệt, Mông cổ phải rút khỏi Trường giang.
Đem quân cứu Tống,
Giết chết Mông Ca ở Thảo trường.
Được phong Hành sơn vương.
Tống bị diệt, đi sứ Nguyên.
Được Nguyên phong Trấn tây vương.
Khi tuổi  cao hồi hương,
Anh hùng giết Thát đát,
Bủa lưới biên giới Bắc địa,
Với 4 vạn binh, phá 18 vạn binh Nguyên.
Uy dũng làm Thoát Hoan kinh sợ.
Người là đệ nhất anh hùng triều Đông a,
Của lãnh thổ  tộc Việt.

Ngay từ ngày 17 tháng 3 (28-4-1288), khi được tin Vũ Uy vương đại thắng chiến dịch Bắc cương, Thượng hoàng cùng triều đình triều nghị biết rằng, việc đuổi Thoát Hoan đã thành công. Hai vua cùng hoàng tộc, triều đình về phủ Long hưng (trấn Thiên trường), đem bọn tù Nguyên-Mông làm lễ hiến tiệp. Những tên tù gồm Tích Lệ Cơ vương; đô đốc Tham tri chính sự  Ô Mã Nhi; Tham chính Phàn Tiếp; nguyên soái Sầm Đoan, Điền Thúc Dinh, cùng hằng chục vạn phu, hàng trăm thiên phu điệu vào lăng vua Thái tông, cùng các tiên đế Trần triều. Đó là lễ vật sống với lễ vật như trâu, bò, heo.
Tất cả tù nhân đều bị trói 2 tay, móc lên cổ, mắt bị bịt kín. Riêng Đường Ngột Đải thì không bị trói. Y bế đứa con ba tuổi trên tay, đi cạnh vợ là Lý Ngọc Cách. Y được cấp phát y phục như một phò mã Việt.
 Khi tế bắt đầu, chiêng trống ba hồi, nhạc tấu lên, thì tù nhân được gỡ miếng vải che mắt. Tích Lệ Cơ vương hỏi Đường Ngột Đải:
– Người không bị trói, được mặc quần áo đẹp. Tại sao người được trọng đãi như thế?
Yết Kiêu đi cạnh trả lời:
– Vì y có vợ là người Việt. Vương gia không biết ư? Trong lần 2 quân Thiên triều sang đánh có tướng nào mà vợ là người Việt bị giết đâu?
– Ngụy biện! Thế sao Lý Hằng vẫn bị chêt!
– À! Đó là Lý tướng quân bị trúng tên trong lúc giao tranh. Tại trận tiền, chém giết, gươm đao, cung tên đều vô tình. Vả khi rút chạy Lý tướng quân không đi cạnh vợ để được váy che chở như thái tử Thoát Hoan.
Sầm Đoan hỏi Ô Mã Nhi:
– Nghe nói đô đốc đã cho binh lính quật mồ mả tiền nhân họ Trần, đem xương vất ra đồng. Thế sao lăng mộ vẫn còn đây?
– Chỗ lăng mộ này cha con tên Nguyễn Chiến Thắng, Nguyễn Linh Nhan không biết mà chỉ cho tôi.

Lễ tế xong, mọi người cùng xem xét những tượng thờ trong lăng. Tất cả cùng kinh ngạc, khi 18 con ngựa đá, đứng trên bệ, chân đều lấm bùn. Tích Lệ Cơ vương than:
– Anh linh tiên tổ họ Trần đã cỡi ngựa đá, chỉ huy âm binh đánh mình. Mình bại là phải.
Trùng Hưng hoàng đế nhìn chân ngựa đá lấm bùn, ngài cầm bút viết hai câu thơ cảm khái:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
(Xã tắc hai lần chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thủa vững âu vàng).

Ngày 27 tháng 3 (27-4-1288) hai vua cùng triều đình về Thăng long. Hoàng thành bị tàn phá, hoang phế. Bao nhiêu cung, điện đều bị cháy. Nhà vua thiêt triều ở hành lang điện Giảng võ. Bản văn đầu tiên nhà vua ban ra là: tha thuế cho tất cả những vùng bị chiến tranh tàn phá. Lai ban chỉ trợ cấp những gia đình bị cháy nhà, hoặc có người chết.

Ngày 29 tháng 3, Vũ Uy vương cùng chư tướng từ Bắc cương về Thăng long. So vai vế, vương là anh củaThượng hoàng, uy tín công lao cực cao, chỉ thua có Hưng Đạo vương; nên Thượng hoàn cùng nhà vua, triều đình thân ra cổng thành đón.
Buổi thiết đại triều, hiện diện tất cả các tướng bộ, kị, thủy binh.  Lại có tất cả các Tuyên vũ sứ, An phủ sứ. Thượng hoàng, Trùng Hưng hoàng đế ngồi trên vị trí cao nhất. Hai vương được ngồi vào bậc nhì là Hưng Đạo vương, Vũ Uy vương. Mọi lễ nghi đều  bỏ.
Câu đầu tiên Thượng hoàng hỏi:
– Các vị ở đây, cùng là cột trụ của triều đình. Các vị đừng nề hà gì, cứ phát biểu thực ý kiến của mình. Chúng ta vừa trải qua 2 trận chiến khủng khiếp. E dân chúng không chịu được lần nữa. Vậy các khanh nghĩ sao?
Nhân Huệ vương tâu:
– Lần trước chúng ta bị thiệt hại nặng do bọn Trần Ích Tắc, Trần Tú Hoãn, Trần Quang Kiện gây ra. Lần này thì không có nội thù. Nhưng chúng tàn phá trang ấp, giết dân nhiều quá. Nếu chúng lại sang nữa thì quốc sản khánh kiệt, dân chết nữa e nước Đại việt bị diệt vong.
Vũ Uy vương tiếp:
– Hốt Tất Liệt không thể không báo thù cho đến khi thắng ta. Nhưng nay y già quá rồi, giỏi lắm y sống được vài năm nữa. Người kế vị y đương nhiên không là Chân Kim cũng là Thoát Hoan. Chân Kim thì thù hận bọn chủ chiến, vì bọn này muốn hất cẳng Thái tử cho Thoát Hoan kế vị. Còn Thoát Hoan, vì 2 lần thua chạy nhục nhã, khi y lên ngôi vua, không bao giờ y dám nghĩ đến đánh mình. Tôi dám quyết Nguyên không thể đánh mình một lần nữa.
Vũ Uy vương chỉ vào hoàng hậu Nãi man Thúy Trang và 5 cựu tướng Mông cổ:
– Sau hai trận vừa qua, Nguyên kiệt quệ tài nguyên, nhân lực. Hốt Tất Liệt muốn báo thù thì không tuyển đâu ra trai tráng xung quân nữa. Trong khi đó thì toàn Trung nguyên cần vương Tống nổi lên khăp nơi. Mà nguy hiểm nhất là cựu địa Mông cổ thành Nãi man, đang đem quân tấn công vào vùng Liêu, Kim cũ, đe dọa nặng nề Đại đô. Vậy hoàng hậu Nãi man cùng 5 tướng mau trờ về giúp Đại hãn Hoài Đô đánh chiếm toàn bộ Thảo nguyên, để hút lực lượng Nguyên. Mặt khác ta hết sức giúp Cần vương Tống, chiếm phía Nam Trường giang.
Thúy Trang khiếu nại:
– Vũ Uy vương ra lệnh thì chúng tôi không thể cãi. Tôi chỉ là một cô bé nói như Địa Lô : cả ngày chỉ biết ca hát, ăn quà như mỏ khoét. Hạnh ngộ vương, vương phi dậy dỗ, gây dựng mà có địa vị ngày nay. Nhưng chúng tôi xa quê hương từ hồi thanh xuân, bây giờ lại phải ra đi nữa sao?
Vương phi Ý Ninh nói bằng giọng thiết tha, ngọt ngào:
– Trang ơi! Kể từ năm 18 tuổi, chị theo Vũ Uy vương, vừa là chồng, vừa là chúa tướng, trải 31 năm cầm kiếm xung trận, bôn ba không bao giờ được nghỉ. Nay em ngồi ở địa vị chót vót vùng Thảo nguyên, mà nước mình yên, thì cũng nên nghĩ đến 7 chị Tô lịch, nay thành Thánh mẫu. May mắn thay, 5 em Đông hoa, trải qua không biết bao nhiêu biến cố, nay đoàn tụ nơi đây.
Thúy Trang nhìn 5 cặp vợ chồng đại tướng cùng về với mình:
– Các vị tướng quân, các chị tiên tử. Chúng ta chỉ nên ở lại Đại Việt mấy tháng rồi, vị quốc bôn ba hải ngoại nữa. Ta đánh Nguyên trên Thảo nguyên, hơn là đánh Nguyên tại Đại việt.
Trung Nghĩa vương Ngột A Đa phát biểu:
– Như Vũ Uy vương ban chỉ về Cần vương tống. Thần điều khiển Nghĩa quân Tống, nhưng có người không phục, vì trước kia thần từng chỉ huy quân Mông cổ đánh Tống. Đa số các tướng cần vương Tống là người cũ của Vũ Uy vương. Họ tưởng nhớ hồi vương trấn Kinh hồ làm cho Mông cổ kinh hãi. Nếu như Vủ Uy vương nhân danh Hành sơn vương sang chỉ huy thì tướng, dân, quân đều phục.
Vũ Uy vương xua tay:
– Hốt Tất Liệt yêu tài tôi, phong cho tôi chức Trấn Tây vương quá lớn. Dù thế nào y cũng là tri kỷ của tôi. Tôi không thể phản y được. Vả tuổi tôi đã lớn, tôi xin ở Đại việt an dưỡng tuổi già.
Triệu Hòa chỉ Quốc Toản:
– Xưa vua Nghiêu gả hai công chúa Nga Hoàng, Nữ Anh cho vua Thuấn, mà nhân  tâm quy phục vuaThuấn. Tại Đại việt, vua Lý Thái tổ kết hôn với công chúa nhà Lê, mà được tôn lên ngôi. Đức Thái tông nhà ta kết hôn với vua Chiêu Hoàng mà được nhường ngôi, thiên hạ quy tâm, lập ra triều Đông a. Vì ba anh em thần là con của Trường sa vương, nối tiếp chính thống mà được nghĩa quân theo. Vậy Quốc Toản vừa là Thế tử của Hành sơn vương, vừa là phò mã Tống. Chính thống sáng vằng vặc, nếu Quốc Toản sang Tống lãnh tước Kinh nam vương thì tướng, quân, dân Tống đều quy tâm.
Vũ Uy vương hỏi Hoài Văn vương:
– Con nghĩ sao?
– Lời của ông nội Trung Thành, của anh Triệu Hòa thực đúng với đạo lý. Con xin thay Bố sang lĩnh chức Hành sơn vương kế tiếp võ nghiệp của bố, kế tiếp chính thống của chư vị tiên đế Tống triều, đuổi Thát đát, lập lại sự nghiệp Tam hoàng, Ngũ đế.
Vũ Uy vương dặn con:
– Bố được tin một hoàng tử em của Đế Bính, hiện đang ẩn ở vùng Hoa sơn. Con với các vị quốc công Triệu Hòa phải tìm cho được, rồi đem về tôn lên ngôi vua, gọi là hưng diệt kế tuyệt, tái lập triều Tống, thì anh hùng thiên hạ mới theo. Đối với các lộ anh hùng cần vương khác, con cần đem chính nghĩa:  phục hưng đất nước của vua Hán, vua Đường. Như vậy mới thu phục dược nhân tâm
Một bữa tiệc đạm bạc được bầy ra tiễn Hoài Văn vương, vương phi lên đường.
Chiêu Văn vương truyền cho đoàn ca nhi phủ Chiêu Văn trình diễn điệu múa Bài Bông. Điệu múa có 9 màn. Nay (2009) còn lưu truyền. (Xem hồi thứ 78)

Viết xong lúc giao thừa 31 tháng 12 năm 2009
Nhằm ngày 16 tháng 11 năm Kỷ sửu,
Tại thành phố nhỏ Pontault Combault nước Cộng Hòa Pháp.

Yên tử cư sĩ Trần Đại Sỹ.

Bộ  Anh hùng Đông a chia ra làm 2 giai đoạn.
– Giai đoạn thứ nhất mang tên Anh hùng Đông a  dựng cờ Bình Mông, thời gian từ năm 1150, đến năm 1257,  chia làm 5 tập, mỗi tập 10 hồi # 500 trang, cộng chung 50 hồi, 2566 trang.
– Giai đoạn thứ nhì, mang tên Anh hùng Đông a, gươm thiêng Hàm tử, thời gian từ 1257 đến năm 1289, chia làm 6 tập, mỗi tập 10 hồi # 500 trang, cộng chung 61 hồi, 3135 trang.
Tổng cộng 2 giai đoạn, 11 tập, 111 hồi, 5701 trang.

––––––––––––––––––––
Chú giải
(1). Hưng Đức hầu Trần Quán, là con của Hưng Ninh vương.
(2). Tích Đô Nhi, tên Mông cổ là Sic Tua (Siktur) phát âm là Sich Tua. NS phiên âm là Tích Đô Nhi.
         (3). Đáp Lạt Xích tên Mông cổ là Daraci đọc là Đa Ra Tri. NS phiên âm là Đáp Lạt Xích. ANCL q.4.
(4). Quả đúng như Vũ Uy vương ước tính. Khi lệnh của vương gửi đến Hưng  Trí vương Quốc Hiện, thì vương không thể ban lệnh đến cho binh tướng hiệu Tiền thánh dực, vì hiệu binh đã xé nhỏ, dàn ra lẫn với Nghĩa dũng binh. Vương than: Tướng ngoài mặt trận không nhất thiết phải nghe lệnh vua. Vương để cho các đạo quân thuộc quyền đánh giết giặc. Vì vậy khi hết giặc nghị công. Vương không bị trách phạt, nhưng không được thăng thưởng. Vương có làm bài thơ tự biện hộ. Chúng tôi không tìm được bài thơ này. Bác ruột của vương là Hưng Ninh vương có họa lại bài thơ ấy. Ngài đem Phật pháp an ủi vương. Bài thơ này chép trong sách Thượng sĩ ngữ lục. như sau:

Họa Hưng Trí vương thượng vị hầu

Thiên phong vô hậu diệc vô tiền,
Bản thể như như chỉ tự nhiên.
Thiếu thất cửu niên vô nhất nhữ,
Hoàng mai bán dạ giả đơn truyền.
Tâm cơ bất quải tỳ háo niệm,
Khẩu nghiệp hà lao gián trạch nghiên (ngôn).
Vị báo nguyên quân Trần xử sĩ,
Nhất thanh lãnh nhạn độ sương thiên.

Dịch nghĩa :

Họa thơ Hưng Trí vương, thượng vị hầu,

Phong độ thiền không trước cũng không sau,
Bản thể tròn đầy mãi mãi là điều tự nhiên.
Chín năm ở Thiếu Thất không nói một lời,
Nửa đêm ở Hoàng Maị lập kế truyền đạo cho một người.
Tâm cơ không vướng một mảy may ý nghĩ,
Nghiệp miệng cần gì phải chọn lời cho mệt.
Xin báo nguyên quân Trần xử sĩ,
Một tiếng nhạn lạnh lùng bay qua trời sương.

Dịch thơ :
Không trước, không sau ngọn gió Thiền,
Muôn đời bản thể cứ hồn nhiên.
Chín năm Thiếu Thất, im không nói,
Một tối Hoàng Mai, bỗng mật truyền.
Một áng suy tư, lòng chẳng vướng,
So đo lời chữ, miệng nào quen.
Báo cho xử sĩ Trần quân biết,
Nhạn lạnh sương khuya, một tiếng rền.
                                                Huệ Chi

            (5) NS q.2009, An Nam truyện chép quân số Đại việt tham dự trận Bắc cương là 30 vạn. Có lẽ bọn Thoát Hoan nghe bọn An Nam gian báo cáo rồi tâu về Khu mật viện Nguyên, sau này sử gia triều Minh cứ thế mà chép. Tổng cộng Đại việt có 14 hiệu binh, 4 hạm đội, thì quân số khoảng 18 vạn. Làm sao có thể  có 30 vạn dự trận Bắc cương ? NS. q.133, Tích Đô Nhi truyện chép là 4 vạn. Con số này hợp với bộ Trần Tông ngọc phả, phần đệ nhị tổ Trần Nhật Duy ghi : Đại việt có 4 hiệu binh tham dự chiến dịch này là Thiên thuộc, Thiên cương, Tứ thiên, Tiền thánh dực, Cuối trận thêm hiệu Hàm tử. Nếu tính cả 10 vạn Nghĩa dũng binh, cũng chỉ tới con số 14 vạn thôi.

 (6) NS q.129, A Bát Xích truyện,

(7) NS q.133, Tích Đô Nhi truyện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét