Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Từ hy vọng đến thực tế tan hoang (Phần 1)

Lê Quế Lâm
 
Do yêu cầu của cơ quan “The Center for A Science of Hope” ở New York, năm 2001 ông Nguyễn Xuân Phong -cựu Trưởng phái đoàn VNCH tại hội nghị hai bên miền Nam Việt Nam ở La Celle Saint Cloud (Pháp) từ tháng 3/1973 đến 4/1975, đồng thời là Quốc Vụ khanh đặc trách hòa đàm, đã xuất bản quyển Hope and Vanquished Reality (Hy vọng và Thực tế tan hoang). Đây không phải là bài điểm sách, giới thiệu tác phẩm nói trên của một nhân chứng lịch sử. Tôi chỉ mượn tựa của sách để nói lên nổi bất hạnh của dân tộc, đã gánh chịu cuộc chiến đẩm máu hàng chục năm, cuối cùng niềm hy vọng vừa lóe lên khi hiệp định hòa bình ra đời ngày 27/1/1973, nhưng chỉ hơn hai năm sau, những thành quả xương máu của trên ba trăm ngàn tử sĩ đã sụp đổ tan tành.
Ông Nguyễn Xuân Phong là một thành viên của chính phủ VNCH từ thời nội các chiến tranh của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (1965) đến nội các Nguyễn Bá Cẩn (1975). Cuối tháng 10/1966, ông tháp tùng Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ -chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương và Trung tướng Nguyễn văn Thiệu -Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, tham dự hội nghị thượng đỉnh Manilla (Phi Luật Tân), có sự tham dự của lãnh tụ các nước đồng minh có quân tham chiến ở VN như tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos, tổng thống Đại Hàn Park Chung Hee, tổng thống HK Lyndon Johnson, thủ tướng Úc Đại Lợi  Harold Holt, thủ tướng Thái Lan Thanom Kittikachorn, thủ tướng Tân Tây Lan Keith Holyoake.
Với tư cách Ủy viên (Bộ trưởng) Phủ Chủ tịch UBHPTƯ, ông Phong là trưởng phái đoàn VN cấp bộ trưởng, tham gia việc soạn thảo bản thông cáo chung của hội nghị. Khi đề cập đến việc thương thuyết với cộng sản, đã xảy ra cuộc tranh luận giữa phái đoàn Đại Hàn và HK. Phía Nam Hàn nhất định đòi họ và các đồng minh khác của chính phủ Sàigòn phải có mặt trong bất cứ cuộc hòa đàm nào, trong khi phía Mỹ lập luận, chuyện đó phải là một vấn đề giữa người VN với nhau. Ông Phong bối rối khi thấy hai người bạn ngoại quốc tranh luận hăng say với nhau vì quyền lợi của VN, nên ông xin tạm ngưng một lúc để xả hơi. Sau đó, trưởng đoàn Đại Hàn đến gặp ông, giải bày lý do đã phải tranh luận với phái đoàn Mỹ. Ông ta cho biết đã nhận chỉ thị nghiêm ngặt của tổng thống Nam Hàn liên quan đến việc tranh luận, vì họ đã trải qua một trường hợp tương tự với HK vào thập niên 1950. Ông cảnh giác là nếu như hoà đàm có xảy ra, Sàigòn sẽ thấy Mỹ thương thuyết thẳng với bên kia, rồi Sàigòn chẳng nói năng gì được trong khi thương thuyết, rồi cuối cùng chỉ phải chấp nhận và tuân hành. (If peace talks ever came, he warned, Saigon would find itself with the Americans negotiating directly with the other side, and Saigon would not have much to say in the matter except to accept and comply) (1)
Quả thực, những lời cảnh báo của vị lãnh đạo Đại Hàn đã xảy ra trong cuộc hòa đàm ở Paris từ tháng 5/1968 đến đầu tháng Giêng 1973. Ai cũng biết, HK nổi tiếng có thói quen cứ làm theo ý của mình. Nhưng thành thật nhận xét, hành động đó không phản bội đồng minh và lại phù hợp với chiến lược của họ. Tại Triều Tiên, chiến tranh 1950-1953 kết thúc không mang lại một thắng lợi nào cho CS, dù cả triệu binh sĩ TC đã thương vong. HK can thiệp cứu Nam Hàn vì phần đất này thuộc ảnh hưởng của Mỹ do quyết định của đồng minh sau Thế chiến II, vì thế HK can thiệp vào Triều Tiên dưới danh nghĩa LHQ, có 14 nước tham chiến. Chiến tranh chấm dứt năm 1953, Triều Tiên trở lại nguyên trạng chia cắt cũ. Trái lại, VN và khu vực ĐNÁ đã đứng ngoài ảnh hưởng của Nga lẫn Mỹ sau TC II, nhưng ông Hồ Chí Minh đưa ra chiêu bài giải phóng dân tộc, chống thực dân đế quốc để đưa VN vào quỉ đạo CS quốc tế. Chiến tranh Đông Dương đã xảy ra từ sau 1949, nhưng đến 1965 HK mới trực tiếp can dự, lúc đó MN đã có một lực lượng đối nghịch với chính phủ VNCH là MTGPMN. Ai cũng biết tổ chức này do Hà Nội dựng lên để thôn tính MN, nhưng lực lượng này lại là những người MN đã từng kháng chiến chống Pháp trước đây, nay họ chống Mỹ với chủ trương xây dựng MN trung lập.
HK công nhận MTGPMN là một thực tế chính trị, nhằm phân hóa tổ chức này với Hà Nội, coi họ là một bên của miền Nam VN, sẽ góp phần xây dựng một MN phồn thịnh, không bị ảnh hưởng của một cường quốc nào, sau khi chiến tranh chấm dứt. HK không phản bội, HĐ Paris ra đời, cơ chế VNCH vẫn còn nguyên vẹn để chủ động xây dựng MN thời hậu chiến. Vì thế, từ đầu năm 1972, TT Nixon đã đi tìm sự thỏa thuận với TC và LX để kết thúc chiến tranh: HK rút khỏi miền Nam VN, nhân dân ở đây sẽ quyết định tương lai của MNVN mà không có sự can thiệp của bên ngoài. Chính quyền MN do nhân dân MN bầu lên qua cuộc tổng tuyển cử tự do dân chủ, sẽ hiệp thương với chính quyền miền Bắc, để thống nhất VN theo tinh thần của hai thoả hiệp Genève 1954 và Paris 1973, đều có sự thỏa thuận của ba cường quốc HK, LX và TC. Một nước VN thống nhất trong hòa bình sẽ là mẫu mực giúp hai miền nam và bắc Triều Tiên thống nhất. HK sẽ không còn trú đóng ở đây nữa.
Dự thảo HĐ Paris 1973 đã hoàn tất, ngày 17/1/1973 TT Nixon gởi thư thông báo TT Thiệu: “Tự do và độc lập của nước VNCH vẫn luôn luôn là mục tiêu trọng đại trong chính sách ngoại giao HK. Tôi đã theo đuổi mục tiêu này trong suốt cuộc đời chính trị của tôi và trong bốn năm trời nay, tôi đã lãnh nhiều hậu quả trầm trọng trong nước cũng như ngoài nước, vì theo đuổi mục tiêu này. Chính vì để bảo vệ những mục tiêu chung của chúng ta mà tôi phải nhất quyết chọn đường lối hành động này. Tôi cả quyết rằng việc từ chối bản hiệp định này sẽ đưa đến việc cắt đứt mọi viện trợ cho VNCH. Do đó tôi sẽ cho tiến hành việc phê chuẩn vào ngày 23/01 và sẽ ký kết vào ngày 27/01/1973....Tôi đang chuẩn bị gởi phó Tổng thống Agnew qua Sàigòn để thảo luận với Ngài về mối quan hệ giữa hai nước chúng ta trong thời hậu chiến. Ông Agnew sẽ rời Washington vào ngày 28, một ngày sau khi thỏa hiệp đã ký. Trong chuyến công du này, Phó TT Agnew sẽ công khai cam kết những gì tôi đã trình bày với Ngài. Tôi xin nhắc lại những cam kết đó như sau:
-Trước hết, HK công nhận chính phủ của Ngài là chính phủ duy nhất hợp pháp ở MNVN;
-Thứ hai, HK không công nhận quyền có mặt của quân ngoại quốc trên lãnh thổ MN;
-Thứ ba, HK sẽ phản ứng mãnh liệt nếu bản hiệp định bị vi phạm”.
Nixon kết thúc lá thư: “Tôi cho rằng Ngài có hai sự lựa chọn chính yếu: một là, tiếp tục cản trở việc ký kết, đó là hành động có vẻ lẫm liệt nhưng thiển cận; hai là, dùng bản hiệp định như một phương tiện để xây dựng một căn bản mới cho nền bang giao HK-VNCH. Tôi không cần phải nói Ngài cũng biết rõ đây là con đường duy nhất để bảo vệ mục tiêu của chúng ta”. (2)
Trong tuần lễ đầu, sau khi HĐ Paris 1973 được ký kết, để thực hiện điều 21 giúp BV hàn gắn vết thương chiến tranh, TT Nixon đã gởi đến TT Phạm Văn Đồng hai bức thư đề nghị thành lập Ủy ban Hỗn hợp kinh tế và đóng góp vào chương trình tái thiết nước VNDCCH số tiền 3,25 tỉ đôla trong thời gian 5 năm. Ngoài ngân khoản trên, chính quyền Nixon còn dự trù viện trợ thêm cho Hà Nội từ 1 đến 1,5 tỉ đôla thực phẩm và những nhu cầu khác. Cuối tháng 2/1973 Kissinger đến Hà Nội gặp Lê Đức Thọ để thảo luận việc thi hành HĐ Paris. Ông yêu cầu BV rút quân khỏi Lào và Cam Bốt, đồng thời thảo luận việc viện trợ kinh tế giúp VNDCCH hàn gắn vết thương chiến tranh và thành lập Ủy ban hỗn hợp kinh tế mà Nixon đã thông báo cho TT Phạm Văn Đồng. Trong hồi ký Kissinger tiết lộ chuyến đi BV của ông để nhắc nhở giới lãnh đạo Hà Nội phải chọn một trong hai con đường: Một là thi hành nghiêm chỉnh hiệp định để nhận viện trợ của Mỹ. Hai là không thi hành hiệp định, khước từ sự viện trợ của Mỹ. (3)
Từ 19/3/1973, hai phái đoàn VNCH và Cộng hòa Lâm thời Miền Nam VN (MTGPMN) đã gặp nhau tại hội nghị La Celle Saint Cloud ở Pháp để sớm ký kết một thỏa hiệp về những vấn đề nội bộ của MN. Chính phủ VNCH vẫn khăng khăng đòi CSBV phải rút hết quân về Bắc và nhất định không liên hiệp với chính phủ Lâm thời Cộng hòa MNVN. TT Thiệu chấp nhận cho MTGPMN tham gia vào đời sống chính trị MN bằng đề nghị tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trong vòng hai hoặc ba tháng sau khi quân BV rút khỏi MN. MTGP bác bỏ đề nghị đó, họ không chịu thảo luận những vấn đề nào không được ghi trong văn bản hiệp định. Họ đòi VNCH thả tất cả những người CS còn bị giam giữ và hai bên chọn người tham gia Hội đồng Quốc gia Hòa hợp và Hòa giải dân tộc, chớ không bầu cử. Sau đó Hội đồng đứng ra tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến và Quốc hội này sẽ soạn thảo hiến pháp cho MNVN. Đề nghị của MTGP bị VNCH bác bỏ vì TT Thiệu không chấp nhận thành phần thứ ba. (4)
Hội nghị La Celle Saint Cloud bế tắc, từ 17/5 đến 13/6/1973, theo đề nghị của HK, Kissinger và Lê Đức Thọ trở lại Paris “để tìm cách cải thiện việc thi hành hiệp định Paris”. Trong thời gian này, Nixon đã gởi đến TT Thiệu 9 lá thư khuyến cáo VNCH không nên vi phạm những thỏa ước đã ký và phàn nàn thái độ cứng rắn của phái đoàn VNCH ở hội nghị La Celle Siant Cloud. Trong lá thư cuối cùng gởi TT Thiệu, lời lẽ của Nixon vô cùng gay gắt: “Nếu ngài tiếp tục từ chối thì coi như Ngài khước từ toàn bộ chính sách của tôi vẫn hằng ủng hộ Ngài, quí chính phủ và quí quốc. Nếu Ngài lựa chọn đường lối tiêu cực này, thì chính Ngài đã vạch ra chính sách tương lai của HK đối với VN. Tôi sẽ bắt buộc chiều ý Quốc hội và công luận HK chỉ yểm trợ vừa đủ nhu cầu có tính nhân đạo cho nhân dân miền Nam VN. Chẳng cần phải nói dài dòng, nổ lực của chúng tôi trên toàn cỏi Đông Dương sẽ chấm dứt”. (5)
Hai tuần sau, Quốc hội Mỹ bắt đầu thực hiện lời cảnh báo của Nixon. Ngày 29/6/1973 Quốc hội thông qua dự luật chuẩn chi viện trợ cho nước ngoài, kèm theo một tu chính án quan trọng của hai nghị sĩ Clifford P. Case và Frank Church. Đạo luật qui định “Không có một kinh phí nào có thể được chi cho việc yểm trợ trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động của Mỹ trên lãnh thổ, trên không hoặc ngoài biển Cam Bốt, Lào, Bắc và Nam VN. Sau ngày 15/8/1973 không có kinh phí nào được cấp trước đây theo bất cứ đạo luật nào khác có thể được chi cho mục đích như vậy”. Đối với Quốc hội Mỹ, khi HĐ Paris ra đời, cuộc chiến VN kể như đi vào giai đoạn kết thúc, nên giảm dần quân viện cho VNCH. Mức quân viện cho tài khóa mới bắt đầu từ 1/7/1973 dự trù chỉ còn 1160 triệu so với 2270 triệu của tài khóa trước, nhưng khi chung quyết chỉ còn 900 triệu mỹ kim. Sự kiện này đã được Ngũ Giác Đài báo cho Phòng Tùy viên Quân lực HK ở Sàigòn (DAO) từ nhiều tháng trước.
Lúc bấy giờ, đảng Dân chủ nắm đa số ở Quốc hội, họ chủ trương cắt viện trợ cho VN. TT Thiệu cử ông Nguyễn Xuân Phong sang Hoa Thạnh Đốn vận động đảng Dân chủ, vì trong thời gian tham dự hòa đàm Paris, ông có quan hệ tốt với hai trưởng đoàn HK là Đại sứ Harriman và Đại sứ Cyrus Vance. Ông Vance sau này là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời TT Carter. Đây là sứ mạng khó khăn, vì đảng Dân chủ đã có ác cảm với TT Thiệu. Hồi cuối tháng 10/1969, ông Thiệu đã từ chối không gởi phái đoàn Sàigòn sang Paris tham dự hòa đàm theo yêu cầu của TT Johnson. Vì thế kế hoạch hòa bình của đảng DC thất bại, ứng cử viên Humphrey thất cử. Dù vậy, trước khi đến Mỹ cầu viện, ông Phong xin TT Thiệu cho phép ông, nếu Mỹ có hỏi “VNCH muốn người Mỹ làm gì?”, thì ông được trả lời “yêu cầu Mỹ giúp VNCH hai tỉ mỹ kim trong hai năm, sau đó chúng tôi tự lo liệu lấy”. TT Thiệu đồng ý.
Ông NXP luôn hy vọng, khi Mỹ rút khỏi MNVN, nơi đây không còn là “tiền đồn của Thế giới tự do” (Outpost of the free world), Miền Nam có nhiều khả năng trở thành “tiền đồn của Mậu dịch tự do” (Outpost of Free Trade) ở Viễn Đông. Trước khi tham chiến HK đã có kế hoạch Staley/VuQuocThuc (1961), hai vị này đều là tiến sĩ kinh tế. Sau khi Mỹ can dự vào cuộc chiến, đã có kế hoạch hậu chiến Lilienthal/VuQuocThuc, đặt trọng tâm vào việc phát triển đồng bằng sông Cữu Long. TT Johnson từng đề nghị với ông TTK/LHQ U Thant đề xướng với các nước ĐNÁ liên kết với nhau trong đó có BV, góp phần trong nổ lực chung để hợp tác và phát triển khu vực trong hòa bình. HK sẽ đầu tư 1 tỉ đôla cùng các nước kỹ nghệ phát triển kể cả LX tham gia vào nổ lực chung đó. Tại hội nghị thượng đỉnh Manilla (10/1966), các nước có quân tham chiến ở VN đưa ra sáng kiến hòa bình, quân ngoại nhập đồng rút khỏi MNVN để nhân dân ở đây tự quyết định vận mạng của họ. Đồng thời đề xướng kế hoạch phát triển khu vực Á châu/Thái bình Dương với việc thành lập Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB).
HĐ Paris ra đời, ngoài việc viện trợ giúp BV gần 5 tỉ đôla để hàn gắn vết thương chiến tranh, TT Nixon còn cam kết với TT Thiệu ở Saint Clemente, sẽ yểm trợ đầy đủ các kế hoạch hậu chiến của VNCH. Từ những sự kiện trên, ông NXP tin tưởng MN chỉ cần 5 tỉ đôla và 5 năm, sẽ trở thành “tiền đồn Mậu dịch tự do” ở khu vực Á châu Thái Bình Dương. MN sẽ mở rộng cửa mời đón bạn bè năm châu kể cả LX, TC và người “anh em” ở miền Bắc cùng đầu tư. Giới tuyến quân sự tạm thời năm 1954 với hai khu đệm ở hai bên vĩ tuyến 17 chia hai đất nước, từ nay được mở rộng thành một cảng tự do (free port) cho cả hai miền Nam Bắc và các nước như Pháp và Âu châu, Nhật, Trung Quốc và mọi quốc gia đến đó tự do kinh doanh, xuất nhập cảng hàng hóa. Nếu TC có Hồng Kông thì nơi đây sẽ là một Hồng Kông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bắc Kinh còn bày tỏ ý muốn, khi giới tuyến 17 trở thành “free port”, họ sẽ chọn khu vực phía Nam để đầu tư. (6)
Niềm hy vọng và mơ tưởng của ông NXP đã mờ dần trước thực tế phủ phàng trong những tháng đầu sau khi HĐ Paris 1973 ra đời. Tuy nhiên ông vẫn lạc quan, MN trở thành tiền đồn của mậu dịch tự do vẫn còn có thể thực hiện được. Ông sẽ vận động HK giúp thực hiện kế hoạch trên, trong khả năng vừa phải mà Quốc hội có thể chấp nhận: hai tỉ đôla và hai năm. Sau đó MN có thể tự lực và sống còn trong bối cảnh mới, không còn là tiền đồn của thế giới tự do. Ông Phong đã từng chia xẻ ý niệm này với đại sứ Harriman và nhiều chuyên viên kinh tế thuộc cơ quan viện trợ HK (U.S/AID) như Wheerley, MacDonald, Parker...Do đó, ông nhận sứ mạng của TT Thiệu đến Mỹ cầu viện hồi tháng 10/1973. Ông đã nói chuyện với ông George Woods cựu chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Charles Allen -Ngân hàng đầu tư, Cyrus Vance tổ hợp nghiên cứu luật đầu tư và nhiều doanh gia nổi tiếng của Mỹ. Ông đến sứ quán VNCH nhờ Đại sứ Trần Kim Phượng sắp xếp để ông gặp Đại sứ Harriman. Ông Phượng trả lời: Anh không thể có cuộc hẹn với ông ta! Từ mấy năm nay, có lẽ từ 1969, Thượng nghị sĩ Fulbright và Đại sứ Harriman luôn từ chối tiếp xúc với Đại sứ VNCH ở Hoa Thạnh Đốn. Ông Phong nhờ cô thư ký Toà Đại sứ điện thoại cho ông Harriman thông báo ông NXP muốn đến thăm. Mọi người không ngờ, ngay 4 giờ chiều hôm đó, ông Phong đã gặp Harriman và sáng sớm hôm sau gặp vị chủ tịch ủy ban của Quốc hội. Sau một giờ trình bày về tình hình ở Sàigòn, ông ta hỏi VNCH cần Mỹ giúp bao nhiêu và bao lâu nữa? Ông Phong đáp: hai tỉ đôla, hai năm, và sau đó chúng tôi tự lo liệu. Ông ta phì cười đưa ông Phong tờ báo New York Times có bản tin cho biết chiều hôm qua, Bộ trưởng ngoại giao của VNCH khi đến dự Đại hội đồng LHQ với tư cách quan sát viên, đã tuyên bố với báo chí là “HK phải ở lại VN ít nhất thêm 10 năm nữa”. Lúc đó, ông Nguyễn Phú Đức là quyền Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Phong sượng sùng, trở về tòa Đại sứ, gọi điện báo cho TT Thiệu sự việc. (7)
Dù gặp nhiều mâu thuẫn với TT Thiệu, bước sang năm 1974, chính quyền Nixon vẫn còn cố gắng giải quyết vấn đề VN bằng con đường hòa bình. Ngày 20/2/1974 Kissinger lại sang Paris gặp Lê Đức Thọ. Trong cuộc mật đàm lần này có sự hiện diện của Martin -Đại sứ Mỹ ở Sàigòn. Kissinger yêu cầu Hà Nội hợp tác với Mỹ để thúc đẩy hai bên miền Nam VN ngồi lại với nhau. Ông đề nghị bước đầu Việt Cộng hãy ngưng bắn ở vùng 3 và 4. VNCH sẽ công nhận ranh giới VC ở vùng 1 và 2. Ý ông muốn nói hai vùng này VC kiểm soát được nhiều đất thì sẽ nhường cho VC chỉ trừ Huế và Đà Nẳng. Sau đó, HK sẽ áp lực chính quyền Sàigòn thành lập Hội đồng Quốc gia Hòa hợp và Hòa giải dân tộc. Trở lại Sàigòn, Đại sứ Martin thúc hối TT Thiệu thành lập Hội đồng QG/HGHHDT và thừa nhận việc phân chia lãnh thổ mà Kissinger đã đề nghị với Lê Đức Thọ. Ngoài ra, được sự đồng ý của Tòa Bạch Ốc, Martin nhờ đại sứ Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát ngưng bắn, chuyển đến Hà Nội một điệp văn, kêu gọi giới lãnh đạo BV hưởng ứng đề nghị của Kissinger để chấm dứt cuộc chiến ở MNVN. (8) Martin cũng đánh điện về Hoa Thạnh Đốn, trình bày nhu cầu và sự hợp lý của việc cắt đất nhường cho VC khi tiền viện trợ đã bị cắt. (9)
                                                 Thực tế tan hoang
Ngày 10/3/1975, Cộng quân tấn công Ban Mê Thuộc. Theo ý đồ của Bộ Chính trị Đảng CSVN, từ Ban Mê Thuộc, cộng quân sẽ tiến thẳng xuống vùng duyên hải Phú Yên, chia hai miền Nam, giành phân nửa lãnh thổ phía bắc. Để chống lại âm mưu chia cắt của BV, ngày 14/3/1975 TT Thiệu triệu Thiếu tướng Phạm Văn Phú đến Cam Ranh, ra lịnh bỏ ngỏ cả vùng Cao nguyên. Ông cho rằng QLVNCH không còn đủ khả năng bảo vệ toàn thể lãnh thổ, phải rút bỏ những vùng kém trù phú, gom lực lượng về cố thủ vùng duyên hải. Trước đó, TT Thiệu gọi Trung tướng Ngô Quang Trưởng –Tư lịnh Quân đoàn 1 về Dinh Độc Lập, ông lấy viết vạch một đường từ Ban Mê Thuộc xuống Tuy Hòa và nói đó là ranh giới mới của miền Nam. TT Thiệu còn căn dặn tướng Trưởng “Phải giữ kín không tiết lộ cho các tư lịnh sư đoàn, các tỉnh trưởng cũng như Hải quân và Không quân biết việc bỏ miền Trung” (Sách “Can trường trong chiến bại” của Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại). TT Thiệu còn ra lịnh chỉ đem lực lượng Nhảy Dù và Thủy quân Lục chiến về cố thủ Sàigòn.
Kế hoạch rút bỏ miền Trung và Cao nguyên đã được Mỹ và Bắc Việt vạch ra từ đầu năm trước, sau đó đích thân Đ/sứ Martin trình bày chi tiết với TT Thiệu. Ted Serong một cố vấn người Úc cũng đề nghị ông Thiệu nên rút khỏi phân nửa lãnh thổ phía Bắc, vì nơi đây QLVNCH phải bố trí 7 trong số 13 sư đoàn chủ lực chỉ để bảo vệ 1/6 dân số MN. Serong nguyên là cựu thiếu tướng Quân đội hoàng gia Úc và sau đó làm việc với CIA. (10) Đó cũng là ý kiến của tướng John Murray, Tùy viên Quân lực/Sứ quán HK (DAO). Trong buổi họp cuối cùng với các tướng lãnh VNCH trước khi mãn nhiệm kỳ trở về nước (8/1974), Murray đã khuyên họ nên thu gọn tuyến phòng thủ, tập trung quân số và đạn được để bảo vệ những vùng đông dân trù phú.
Đã quyết định rút bỏ vùng 1 và 2 vì không còn đủ khả năng bảo vệ, người lãnh đạo đất nước cần phải cân phân, liệu phải bỏ bằng cách nào có lợi cho dân cho nước. Đây lại là một quyết định có tính xây dựng, TT Thiệu lại giữ bí mật, không cho người Mỹ biết. Đáng lẽ ông nên báo cho HK biết, để TT Ford nói thẳng với Brezhnev và Chu Ân Lai, họ sẽ yêu cầu Hà Nội án binh bất động. Đối với đồng bào, TT Thiệu có thể nêu lý do chiến tranh đã bùng nổ lớn khi CS đánh chiếm Ban Mê Thuộc, trong khi chính quyền quốc gia mong muốn giải quyết vấn đề MNVN bằng con đường hòa bình theo tinh thần HĐ Paris. Vì thế chính phủ VNCH quyết định giao vùng 1 và 2 cho MTGP tạm thời quản lý, trong khi chờ đợi hai bên MN tiến hành việc ổn định tình hình để tiến tới cuộc tổng tuyển cử tự do có quốc tế giám sát.
Với quyết định trên, chính quyền quốc gia vừa tranh thủ MTGP vừa phân hóa họ với Hà Nội. Nhờ VNCH mà họ có một được nửa MN, họ phải củng cố và ra sức tranh thủ đồng bào, nhờ đó hai bên ở MN mới có thể tồn tại, phát triển để sống còn, sau đó hợp nhất trước khi thống nhất đất nước. Hành động của TT Thiệu đã mở đường cho CSBV thôn tính MN áp đặt chế độ độc tài lên nhân dân, cả VNCH và MTGPMN đều bị đào thải. Trong hồi ký “Gọng kềm lịch sử”, cựu Đại sứ Bùi Diễm chua chát nhận xét “Có lẽ những năm nắm giữ uy quyền đã khiến ông trở nên mê muội. Ông đã không hiểu những biến cố xảy ra ở HK và giờ đây chính tôi tận mắt mục kích ông cũng không hiểu nổi chính cả những vấn đề đang xảy ra ngay ở VN. Dù đang lúc thập tử nhứt sinh mà ông Thiệu vẫn chẳng phóng tầm nhìn lên trên những vấn đề uy quyền cá nhân”. Hành động di tản chiến thuật của ông chỉ nhằm “thấu cấy” người Mỹ, trong khi ông là tay đánh bạc tồi. Gần 10 năm trước TT Đại Hàn Park Chung Hee đã báo cho ông biết “cái tẩy” của HK, mà còn đặt vận mạng đất nước vào canh bạc, thì chỉ có nước chết mà thôi, vã lại HK đã ngưng chơi với ông từ khi thấy ông không còn hợp “jeu” với họ nữa.
 Khi tấn công Ban Mê Thuộc, ông Lê Duẩn chỉ kỳ vọng sẽ áp lực ông Thiệu rút lui khỏi vùng 1 và 2. Việc “giải phóng” Miền Nam phải chờ đến giữa năm 1976, khi HK bận lo bầu cử tổng thống. Nào ngờ chỉ một tuần sau đó, tình hình MN trở nên hỗn loạn. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét