Ngô Nhân Dụng
Tuần trước, Thủ Tướng Israel Benjamin
Netanyahu cải tổ nội các. Trong chính phủ mới có Tướng Shaul Mofaz, một cựu tham
mưu trưởng quân đội Israel; ông là một người sinh trưởng ở Iran trước khi trở về
sống tại nước tổ của người Do Thái.
Nhiều người tin rằng
đây là dấu hiệu Israel chuẩn bị cho một cuộc tấn công Iran. Trước khi đi tới một
hành động quyết liệt với hậu quả sẽ làm thế giới rung chuyển, ông Netanyahu muốn
cả nước đồng ý với quyết định đó, cho nên ông mời phe đối lập tham gia vào chính
phủ liên hiệp. Một nhân vật thân cận với ông thủ tướng nhận xét là thời điểm tấn
công Iran đã tới, vì hai lý do. Thứ nhất, đánh Iran trong một năm dân Mỹ bầu
tổng thống sẽ bó buộc chính phủ Mỹ phải ủng hộ Israel. Lý do thứ hai là nếu trì
hoãn mấy tháng thì Iran sẽ hoàn thành trung tâm tinh luyện nguyên tử Fordo. Cơ
sở này nằm sâu 90 mét dưới núi đá, chung quanh được súng phòng không bảo vệ,
hiện đã có 800 máy tinh luyện uranium và đang tăng thêm 2,000 máy nữa. Khi đó,
bom của Iarael sẽ không còn phá thủng hầm được nữa.
Nói về mối đe dọa của một nước Iran có bom nguyên tử, ông Benjamin Netanyahu
từng tuyên bố: Thế giới đang đối diện với một hiểm họa Hitler mới! Ông nhắc tới
sự kiện trước Ðại Chiến Thứ Hai, thế giới Tây Âu đã không ngăn chặn ngay Hitler
khi ông ta bắt đầu tái võ trang nước Ðức. Netanyahu không muốn bị ghi trong lịch
sử như là người đã nhắm mắt trước hiểm họa của một nước Iran có bom nguyên tử,
mà vị tổng thống Iran từng kêu gọi phải hủy diệt nước Israel.
Trong không khí căng thẳng đó, hôm Thứ Ba, Ðại Sứ Mỹ Dan Shapiro ra trước
Luật Sư Ðoàn Israel, đã nói rằng: “Biện pháp quân sự của Mỹ đã sẵn sàng!” Nếu
không đạt tới thỏa hiệp trên bàn hội nghị để thuyết phục Iran chịu sự cho Liên
Hiệp Quốc kiểm soát các lò nguyên tử thì Mỹ ủng hộ việc tấn công bằng vũ
lực.
Về phía Iran, trưởng phái đoàn thương thuyết Saeed Jalili trước khi lên đường
phó hội vẫn cương quyết tuyên bố rằng Mỹ và các nước Tây phương không thể nào
dùng bàn hội nghị để đe dọa và ép buộc Iran được!
Tại sao tình hình đột nhiên trở nên nóng hổi như vậy? Liệu Israel có tấn công
Iran, như họ đã từng cho máy bay sang phá các lò luyện nguyên tử của Iraq và
Syria trước đây hay không?
Trước hết, những lời nói của chính phủ Israel và ông đại sứ Mỹ tại nước này
không có gì mới lạ, so với chính sách mà hai nước vẫn công bố từ trước đến nay.
Chính phủ Israel nhấn mạnh họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi kết quả các cuộc thương
thuyết giữa Iran và phái đoàn đại diện cho 5 nước trong Hội Ðồng Bảo An Liên
Hiệp Quốc, cộng nước Ðức (gọi là 5+1) do bà Catherine Ashton, đứng đầu về ngoại
giao của Liên Hiệp Âu Châu cầm đầu. Phiên họp vào cuối Tháng Tư vừa qua tại
Istanbul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ được hai bên mô tả là hữu ích. Những bất đồng ý kiến
sẽ được thảo luận ngày 23 Tháng Năm tại Baghdad, thủ đô Iraq. Về phía chính phủ
Mỹ, Tổng Thống Barack Obama cũng từng nói không khác gì ông Ðại Sứ Shapiro: Nước
Mỹ luôn luôn sẵn sàng về quân sự, nếu các cuộc thương thuyết với Iran thất
bại.
Các chính sách căn bản của Mỹ và Israel không thay đổi. Nhưng nhiệt độ được
hâm lên nóng hơn vì cả Israel và Mỹ muốn tạo them áp lực trên chính quyền Iran;
cho họ biết phải thay đổi thái độ, trước khi đến Baghdad họp trong tuần tới. Vì
sự kiên nhẫn của dân Israel có giới hạn; còn phần tổng thống Mỹ thì ông không
thể để mất cự ủng hộ của các cử tri Mỹ gốc Do Thái. Ứng cử viên tổng thống đảng
Cộng Hòa Mitt Romney nhiệt liệt ủng Israel và chỉ trích ông Obama không lo bảo
vệ Israel đầy đủ. Khi chính hai ông Obama và Netanyahu đều bị thúc đẩy đằng sau
lưng họ, thì các người lãnh đạo ở Iran phải công nhận mối đe dọa Israel tấn công
các lò nguyên tử của họ là một sự thật, không phải chỉ là dọa dẫm suông.
Iran có thêm những lý do khác để nhượng bộ trong cuộc đàm phán sắp diễn ra.
Các biện pháp phong tỏa kinh tế của Mỹ và các nước Âu Châu có những hậu quả tai
hại càng ngày càng rõ rệt. Iran là quốc gia xuất cảng dầu thô đứng hàng thứ ba
trên thế giới sau Á Rập Sau đi và Nga; nền kinh tế tùy thuộc vào tiền bán dầu.
Số tiền thu nhờ dầu hỏa của Iran đang bị đe dọa sẽ bị ngăn chặn bắt đầu từ Tháng
Bẩy này.
Trong việc phong tỏa Iran chính phủ Mỹ sẽ trừng phạt các ngân hàng Mỹ và
ngoại quốc có liên hệ với ngân hàng trung ương của Iran, có hiệu lực từ ngày 28
Tháng Sáu. Ðiều này có nghĩa là các ngân hàng quốc tế nào lo việc thanh toán trả
tiền dầu cho Iran cũng sẽ bị Mỹ ghi vào sổ đen và bị cấm làm ăn ở Mỹ. Tất nhiên
Iran và các khách hàng mua dầu vẫn tìm được những ngân hàng nhỏ lo việc trả
tiền, nhưng việc trang trải sẽ chậm trễ và chi phí tốn kém hơn. Các khách hàng
sẽ tìm cách đi mua dầu ở nơi khác nếu thấy không đắt hơn.
Các chính phủ Liên Hiệp Âu Châu đã công bố chương trình phong tỏa dầu lửa của
Iran, bắt đầu từ Tháng Bẩy này. Tới lúc đó, các hãng dầu của Âu Châu sẽ ngưng
mua của Iran, và các công ty bảo hiểm Âu Châu cũng ngưng không bảo hiểm cho các
tầu chở dầu do Iran xuất cảng. Iran xuất cảng mỗi ngày 2.2 triệu thùng dầu mà Âu
Châu mua 600 ngàn thùng, gần một phần ba. Nhưng hệ quả lớn của việc phong tỏa là
vấn đề bảo hiểm.
Phần lớn các tầu chở dầu trên thế giới được các công ty Âu Châu bảo hiểm. Khi
Âu Châu phong tỏa thì các bến cảng khắp thế giới có thể ngưng không chịu cho tầu
chở dầu Iran cập bến nữa. Nếu xẩy ra tai nạn chảy dầu khắp bến cảng thì ai lo
trả tiền tẩy uế? Các công ty bảo hiểm khác, không của Mỹ hay Âu Châu, cũng sẽ
khó tiếp tục bảo hiểm cho tầu chở dầu Iran, vì tất cả các công ty bảo hiểm trên
thế giới đều phải được “tái bảo hiểm” để giảm bớt rủi ro. Mà việc tái bảo hiểm
từ lâu đều do các công ty Âu Châu phụ trách.
Một hậu quả là dầu do Iran bán ra ngoài sẽ gặp khó khăn, khiến các khách hàng
sẽ đi tìm nguồn cung cấp mới. Hiện nay các nước mua dầu của Iran nhiều nhất là
Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, mỗi nước mua từ 220 đến 550 ngàn thùng
dầu của Iran mỗi ngày.
Cho nên chính phủ Iran phải nhìn thấy việc phong tỏa sẽ bắt đầu gây khó khăn
cho túi tiền của chính họ, kể từ đầu Tháng Bẩy năm 2012. Các nước Tây phương có
thể lợi dụng tình trạng đó ép Iran phải thỏa hiệp nhiều hơn trong phiên họp tuần
tới.
Một dự thảo của Nga đề nghị những thỏa hiệp đi từng bước một, mỗi bên sẽ
nhượng bộ trên từng bước để trao đổi và tạo thêm tin tưởng. Iran đang muốn Âu
Châu nhượng bộ ngay bằng cách ngưng việc phong tỏa dầu lửa, nhưng điều này khó
được chấp thuận vì cả guồng máy phong tỏa đang sắp sửa chạy rất khó ngừng. Chỉ
khi nào Iran đồng ý để cơ quan Nguyên tử lực Liên Hiệp Quốc (IAEA) kiểm tra tất
cả các lò luyện nguyên tử, bảo đảm không biến chế các uranium đã tinh luyện
thành vũ khí, thì các quyết định phong tỏa của Liên Hiệp Quốc và của Âu Châu mới
được nới lỏng. Khi nào IAEA xác nhận tất cả các lò luyện nguyên tử của Iran đều
chỉ nhằm mục đích dân sự thì đến lượt Mỹ sẽ bãi bỏ việc phong tỏa.
Chính phủ Iran có thể nào chấp nhận các thỏa hiệp như vậy hay không?
Trong giới lãnh đạo Iran cũng có phe diều hâu và phe bồ câu. Nhiều khi họ
chống nhau không phải vì lập trường khác biệt mà còn vì tranh giành quyền lực và
ảnh hưởng. Trước đây, khi Tổng Thống Barack Obama đề nghị một giải pháp là đem
các chất uranium đã tinh luyện của Iran ra chứa ở nước ngoài, thí dụ Thổ Nhĩ Kỳ,
để biết chắc sẽ không được biến chế thành bom nguyên tử; ông Tổng Thống Iran
Ahmadinejad đã tỏ ý có thể chấp nhận. Nhưng ngay sau đó lãnh tụ tôn giáo tối cao
Ali Khamenei đã lên tiếng phản đối, có thể chỉ vì muốn chứng tỏ chỉ có ông ta
mới là người cầm chìa khóa trong vấn đề nguyên tử.
Nhưng vào Tháng Hai vừa qua, lãnh tụ Khamenei đã tuyên bố: Việc chế tạo bom
nguyên tử là một tội lỗi, trái với luật Hồi Giáo. Ông Khamenei cũng phát hành
một “giáo lệnh” với ý kiến lên án việc chế tạo bom nguyên tử. Ðiều đáng chú ý là
những ý kiến trên được đưa ra sau khi Tổng Thống Mỹ Obama tuyên bố ông muốn
chính phủ Iran nói rõ ràng họ không có ý định chế tạo bom nguyên tử.
Người ta không thể hoàn toàn vào lời tuyên bố của ông Khamenei, vì thao luật
Hồi Giáo, một tín đồ có quyền nói dối nếu cần bảo vệ niềm tin, thí dụ nếu kẻ thù
đe dọa thì cứ chối mình không theo Hồi Giáo cũng được. Nhưng ý kiến của ông
Khamenei có thể làm cho chính phủ và chế độ ở Iran không bị mất mặt nếu họ chấp
nhận thỏa hiệp với các nước Tây phương; với các biện pháp bảo đảm họ không thể
chế tạo bom nguyên tử, như Bắc Hàn đã thành công. Mặt khác, họ cũng phải thấy
rằng một quốc gia có thêm bom nguyên tử như Bắc Hàn thì cũng không khá gì hơn,
dân vẫn đói, mà các lãnh tụ vẫn bị cả thế giới tẩy chay không coi ra gì cả!
Cho nên người ta có thể hy vọng cuối cùng Israel sẽ không cần phải tấn công
Iran.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét