Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Biển Đông nổi sóng: Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà - Phần II

Trần Đỗ Cẩm
NHỮNG DIỄN BIẾN QUAN TRỌNG

I. Những diễn biến trước Trận Hải Chiến

Vụ tranh chấp chủ quyền tại Biển Ðông đột ngột trở nên sôi động vào ngày 11.1.1974 khi Trung Cộng ngang nhiên tuyên bố các Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa đang nằm trong tay Việt Nam Cộng Hòa là một phần Lãnh Thổ của họ. Ðể làm hậu thuẫn cho những lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Cộng phái nhiều tàu đánh cá võ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ quân giả dạng ngư phủ lên các Ðảo không có Lực Lượng Việt Nam Cộng Hòa chiếm đóng.
Ngay ngày hôm sau 12.1.1974, Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc của Việt Nam Cộng Hòa đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Cộng, đồng thời Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cũng chuẩn bị tăng cường chiến hạm tuần tiễu tại vùng biển Hoàng Sa. Lúc đó,chỉ có một Trung Ðội Ðịa Phương Quân thuộc Chi Khu Hòa Vang thuộc Tiểu Khu Quảng Nam gồm 24 người đóng tại Ðảo Hoàng Sa cùng với 4 Nhân Viên thuộc Ðài Khí Tượng. Các Ðảo khác trong Nhóm Nguyệt Thiềm không có Quân Việt Nam Cộng Hòa trú đóng.

Trong các ngày kế tiếp, Trung Cộng tiếp tục để người lên các Ðảo khác. Tính cho đến ngày 15.1.1974, quân Trung Cộng đã chiếm đóng các Ðảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lộc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond).

1.Tuần Dương Hạm Lý Tường Kiệt ( HQ-16) tới Hoàng Sa
Ðể bảo vệ chủ quyền chính đáng tại Biển Ðông, ngày 15.1.1974, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh cho HQ-16 trực chỉ Hoàng Sa để tăng cường cho Lực Lượng trú phòng. Ðồng thời dùng biện pháp ôn hòa yêu cầu lực lượng Trung Cộng rời khỏi lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa. Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt còn chở thêm một Phái Ðoàn Công Binh 6 người thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I gồm 1 Thiếu Tá Trưởng Ðoàn, 1 cố vấn dân sự Hoa Kỳ, 2 Trung Úy và 2 Trung Sĩ Công Binh. Tháp tùng theo Phái Ðoàn còn có một người Hoa Kỳ bận đồ dân sự và Hải Quân Ðại Úy Trần Kim Diệp thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải. Phái Ðoàn này có nhiệm vụ thám sát địa thế để thiết lập một phi trường nhỏ trên Ðảo Hoàng Sa.

HQ-16 do Hải Quân Trung Tá Lê Văn Thự (Khóa 10 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang) làm Hạm Trưởng. Hạm Phó là Hải Quân Thiếu Tá Trần Văn Hoa Em (Khóa 11 Sinh Viên Hải Quân Nha Trang) lúc đó nghỉ phép không có mặt trên chiến hạm. Cơ Khí Trưởng là Ðại Úy Cơ Khí Hiệp (Khóa 14 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang). Ðúng ra, HQ-16 đã mãn hạn tuần dương tại Vùng I và đang chuẩn bị trở về Sài Gòn nghỉ bến, chuẩn bị ăn Tết Giáp Dần. Công tác phụ trội tại Hoàng Sa của HQ-16 được dự trù sẽ chấm dứt trong vòng 5 ngày. Tình trạng chiến hạm khiển dụng tương đối khả quan, nhưng quân số không được đầy đủ vì gần Tết nên nhiều người đi phép, chờ chiến hạm trở về Sài Gòn mới trình diện.

Sáng ngày 16 tháng 1, HQ-16 tại Hoàng Sa, sau đó thả một xuồng đổ bộ gồm 4 Nhân Viên cơ hữu để đưa 6 người trong Phái Ðoàn thám sát lên Ðảo Hoàng Sa. Công tác hoàn tất tốt đẹp không có gì trở ngại. Sau đó, chiến hạm tiếp tục công tác tuần dương và phát hiện một số tàu lạ đang quanh quẩn trong vùng Ðảo Cam Tuyền (Robert) về phía Nam. HQ-16 liền đổi đường tới gần để điều tra. Ðây là những tàu tương đối nhỏ như loại tàu đánh cá sơn màu xanh đậm có bề ngang hơi lớn với đài chỉ huy khá lớn như loại tàu quân sự. Chiến hạm dùng đèn hiệu để liên lạc yêu cầu các tàu lạ cho biết xuất xứ theo đúng qui luật hàng hải quốc tế nhưng không được trả lời. Khi đến gần hơn mới nhìn rõ những chiếc tàu này treo cờ Trung Cộng. Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt một mặt lập tức báo cáo sự phát hiện về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải tại Ðà Nẵng, đồng thời dùng cờ, đèn và cả máy phóng thanh bằng tiếng Trung Hoa yêu cầu các tàu Trung Cộng phải lập tức rời khỏi lãnh hải Việt Nam. Nhưng các tàu Trung Cộng vẫn không trả lời, một số nhân viên mặc quân phục màu xanh nhạt còn đứng trên boong buông những lời lẽ khiếm nhã và cử chỉ trêu chọc. HQ-16 vẫn kiên nhẫn dùng loa phóng thanh liên lạc, sau cùng phía tàu Trung Cộng cũng lên tiếng, đòi hỏi ngược lại, yêu cầu HQ-16 rời khỏi lãnh hải của họ. Cứ như vậy, đôi bên dằng co suốt ngày 16 tháng 1, không bên nào chịu nhượng bộ cho tới tối Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt phải di chuyển xa hơn ra ngoài khơi để tránh vùng đá ngầm nước cạn nguy hiểm cho sự an toàn của chiến hạm.

Cùng ngày tại Sài Gòn, Hãng Thông Tấn UPI loan tin chiến hạm và Binh Sĩ Việt Nam đã nổ súng vào một toán người đang cắm cờ Trung Cộng tại Ðảo Cam Tuyền. Không rõ phía Trung Cộng có bắn trả hay không. Trong lúc đó, các giới chức cao cấp trong Chính Phủ cũng đang họp khẩn để tìm cách đối phó với sự hiện diện đáng nghi ngờ của Trung Cộng tại Hoàng Sa. Trong một cuộc họp báo, Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc cho biết tàu Trung Cộng đã xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ bộ người lên các Hải Ðảo và ‘’hành động này đã mang đến sự đe dọa cho nền an ninh chung trong vùng’’.

Sáng sớm ngày 17.1, khi HQ-16 quay trở lại vùng Ðảo Cam Tuyền thấy có tàu Trung Cộng vẫn còn ở đó. Ngoài ra, gần Ðảo Vĩnh Lộc (Money) lân cận cũng có thêm tàu Trung Cộng xuất hiện với hàng trăm lá cờ màu đỏ cắm rải rác ven bờ biển dọc theo bãi cát trắng. Có lẽ những chiếc tàu mới này đổ bộ người lên Ðảo cắm cờ trong đêm để mạo nhận chủ quyền của Trung Cộng. Hai chiếc tàu dùng để chở quân của Trung Cộng mang số 402 (tên Nam Ngư) và 407.

Tại Sài Gòn, nguồn tin Reuters cho biết Trung Cộng đã gởi hai chiến hạm đến Hoàng Sa sau khi các Binh Sĩ Việt Nam Cộng Hòa bắn vào toán người Trung Cộng trên các Hải Ðảo. Phát ngôn viên quân sự, Trung Tá Lê Trung Hiền cũng cho biết Hải Quân đã phái 6 chiến hạm lớn nhất ra Hoàng Sa để theo dõi các chiến hạm Trung Cộng. Trung Tá Hiền tuyên bố tiếp ‘’Trong lúc này, chúng tôi chưa thể nói sẽ hành động ra sao, gọi thêm Lực Lượng tăng viện hay chỉ đuổi toán Trung Cộng ra khỏi hòn Ðảo Cam Tuyền’’.

2. Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư ( HQ-4) nhập vùng
Ngay khi nhận được báo cáo của HQ-16 phát hiện nhiều tàu Trung Cộng xâm nhập hải phận Hoàng Sa, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải lập tức phản ứng. Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải chỉ thị Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 ra Hoàng Sa tăng cường, đồng thời ra lệnh cho HQ-16 đổ bộ Nhân Viên cơ hữu lên Ðảo Cam Tuyền để triệt hạ cờ Trung Cộng. Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư do Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San làm Hạm Trưởng. Trung Tá San, xuất thân Khóa 11 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Tác phong đứng đắn, luôn luôn tuân hành và hoàn tất chu đáo mọi chỉ thị của thượng cấp, Trung Tá San không những là một Sĩ Quan Hải Quân tài giỏi, mà còn là một Hạm Trưởng được xếp vào hàng xuất sắc nhất của Hải Quân Việt Nam. Hạm Phó của Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư là Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Thành Sắc, bạn cùng Khóa 11 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang với Hạm Trưởng Vũ Hữu San.

Tại cầu tàu của Bán Ðảo Tiên Sa, Ðà Nẵng, lúc đó HQ-4 đang nhận dầu, nước ngọt cũng như thực phẩm, được lệnh hoàn tất việc tiếp tế và lên đường càng sớm càng tốt vì tình hình tại Hoàng Sa mỗi lúc một căng thẳng thêm. Mọi Nhân viên trên chiến hạm đều ráo riết chuẩn bị và làm việc không ngưng nghỉ để kịp thời lên đường. Vào khoảng nửa đêm 16 rạng ngày 17 tháng 1, Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư vận chuyển tách bến Ðà Nẵng trực chỉ Hoàng Sa, chở theo một Trung Ðội Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải do Ðại Úy Nguyễn Văn Tiến chỉ huy. Tới xế trưa ngày 17.1, khoảng 2 giờ chiều, chiến hạm ra tới vùng hành quân, hợp cùng với HQ-16 tuần tiễu tại Hoàng Sa. Trong thời gian này, Trung Tá San được Phó Ðề Ðốc Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng cuộc Hành Quân Bảo Vệ Quần Ðảo Hoàng Sa, chịu trách nhiệm điều động cả hai chiến hạm.

Khi vừa nhập vùng, Hạm Trưởng HQ-4 đã có những hành động tức thời để uy hiếp lực lượng Trung Cộng. HQ-16 được lệnh vận chuyển từ phía Bắc (Ðảo Hoàng Sa) xuống, trong khi HQ-4 từ hướng Nam (Ðảo Vĩnh Lộc) tiến lên tạo thành thế gọng kìm xiết chặt hai chiếc tàu Trung Cộng vào giữa. Thấy Lực Lượng Việt Nam Cộng Hòa được tăng cường và nhất là có phản ứng mạnh hơn so với ngày hôm trước, hai chiếc tàu Trung Cộng lãng xa khỏi Ðảo Cam Tuyền nhưng vẫn bám chặt vùng. Ðôi bên lại dùng loa phóng thanh để trao đổi yêu sách, bên này đòi bên kia phải rời khỏi hải phận của mình. Thấy dằng co hồi lâu không đạt được kết quả mong muốn, Trung Tá San ra lệnh cho HQ-4 húc nhẹ mũi tàu của mình vào một tàu Trung Cộng như muốn đẩy xa ra ngoài khơi để cảnh cáo. Vì mũi tàu HQ-4 cao lớn nên đã làm đài chỉ huy của tàu Trung Cộng thấp hơn bị bể một lỗ lớn. Trước hành động quyết liệt đó, hai chiếc tàu Trung Cộng đành phải nhượng bộ, rời vùng chạy về phía hai Ðảo Duy Mộng và Quang Hòa ở hướng Ðông Nam.

Sau khi đuổi được hai tàu Trung Cộng đi chỗ khác, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt lập tức đổ bộ một Toán Nhân Viên cơ hữu gồm 15 người lên Ðảo Vĩnh Lộc để dẹp cờ Trung Cộng và cắm cờ Việt Nam Cộng Hòa. Toán Nhân Viên này đa số được lựa trong ngành trọng pháo quen tác chiến, mang theo súng ống, đạn dược và lương khô đủ dùng trong vòng ba ngày. Trưởng toán đổ bộ là Trung Úy Lâm Trí Liêm xuất thân khóa 10 OCS được đào tạo tại Trường Hải Quân tại Rhodes Island, Hoa Kỳ. Trung Úy Liêm trước đây đã từng phục vụ tại các Giang Ðoàn chiến đấu trong các sông rạch miền Nam nên tương đối có nhiều kinh nghiệm tác chiến trên bờ.

Toán đổ bộ lên Ðảo Vĩnh Lộc không gặp sức kháng cự nào, chỉ tìm thấy mấy ngôi mộ mới và vài lá cờ Trung Cộng. Tất cả những dấu tích ngụy tạo này đều bị Binh Sĩ Việt Nam Cộng Hòa phá hủy. Tiếp đó, theo đúng lệnh hành quân, HQ-4 đổ bộ 13 Nhân Viên cơ hữu lên Ðảo Cam Tuyền. Tại đây, Trung Cộng có 3 tàu neo gần Ðảo và mấy chiếc xuồng nhỏ để liên lạc với những người trên Ðảo. Khi thấy Lực Lượng Việt Nam Cộng Hòa đổ quân, những chiếc tàu Trung Cộng lặng lẽ thu quân rút lui không chống trả.Toán đổ bộ lục soát tìm thấy một lá cờ Trung Cộng mới cắm vài ngày trước. Các dấu tích cũ của Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn trên Ðảo gồm một tấm bia ghi ngày 5.12.1963 của Thủy Quân Lục Chiến, 2 bể chứa nước mưa bằng xi măng và một ngôi miếu nhỏ có hàng chữ đề ngày 31.11.1963.

Khoảng 6 giờ chiều ngày 17.1, hai chiến hạm của Hải quân Trung Cộng loại Kronstadt trang bị hải pháo 100 ly và 37 ly mang số 271 và 274 xuất hiện. Có lẽ những chiến hạm này xuất phát từ căn cứ Hải quân Yulin ở phía Nam Ðảo Hải Nam đến tăng cường theo lời cầu cứu của mấy chiếc tàu chở quân. Hai chiếc Kronstadt từ phía Ðảo Quang Hòa xả hết tốc độ hướng về các HQ-4 và HQ-16 với thái độ khiêu khích thách thức. Tuy nhiên các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa vẫn bình tĩnh và ôn hòa dùng đèn hiệu yêu cầu tàu Trung Cộng hãy rời khỏi hải phận Việt Nam. Phía Trung Cộng cũng dùng quang hiệu trả lời, yêu cầu các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa rời khỏi hải phận của họ. Ðôi bên trao đổi tín hiệu chừng một tiếng đồng hồ không có kết quả, nhưng trước thái độ cương quyết của phía Việt Nam Cộng Hòa, hai chiếc Kronstadt đành nhập đoàn với những tàu Trung Cộng khác lui về bố trí tại hai Ðảo Quang Hòa và Duy Mộng. Dường như họ có ý định củng cố lực lượng và bảo vệ toán quân đã được đổ bộ lên Ðảo.

Trước đó, thấy tình hình càng thêm căng thẳng vì Trung Cộng có ý đồ nhất quyết chiếm giữ Quần Ðảo Hoàng Sa bằng võ lực, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải tại Ðà Nẵng đã ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1 (số 50.356, nhóm ngày giờ 180020H/01/74).
Nội dung được tóm tắt như sau:
a. Nhiệm Vụ: Chiếm lại các Ðảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng và Vĩnh Lộc. b.Thi Hành: HQ-16 chiếm Ðảo Vĩnh Lộc bằng Nhân Viên cơ hữu. HQ-4 nhận 32 Nhân Viên Biệt Hải tại Ðà Nẵng có nhiệm vụ đổ bộ chiếm Ðảo Cam Tuyền, Duy Mộng và Quang Hòa.HQ-5 chở Toán Hải Kích từ Ðà Nẵng ra Hoàng Sa để phối hợp và tăng cường cho Toán Biệt Hải. Các Ðảo sau khi chiếm được sẽ giao cho Trung Ðội Ðịa Phương Quân trấn giữ. Toán đổ bộ phải cố gắng dùng biện pháp ôn hòa nhưng cứng rắn để yêu cầu người và tàu bè xâm nhập bất hợp pháp ra khỏi lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa. c. Chỉ Huy: Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải chỉ huy tổng quát. Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc là Sĩ Quan chỉ huy công tác trên mặt biển.
(Ghi chú của người viết: Trong suốt cuộc hành quân, Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải là Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại ở tại Bản Doanh Ðà Nẵng, còn Ðại Tá Ngạc mãi tới ngày 18.1 mới ra tới vùng hành quân nên trước đó Trung Tá San được chỉ định làm Sĩ Quan Chỉ Huy công tác trên mặt biển như trên đã nói).

3. Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5 và Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10 ra Hoàng Sa
Ðược tin Hải quân Trung Cộng gọi thêm nhiều chiến hạm từ căn cứ Yulin thuộc Ðảo Hải Nam đến Hoàng Sa, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cũng tăng cường thêm chiến hạm. Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5 được lệnh tiếp tế khẩn cấp tại Ðà Nẵng và rời Quân Cảng trong thời gian sớm nhất, còn Hộ Tống Hạm Nhật Tảo đang trên đường ra Ðà Nẵng tiếp ứng.

Hạm Trưởng HQ-5 là Hải Quân Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh, cùng Khóa 11 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang với Hạm Trưởng HQ-4. Trung Tá Quỳnh là người rất mực thước, đứng đắn, ngay từ khi còn thụ huấn tại Quân Trường đã tỏ ra có nhiều đức tính tốt cần thiết để trở thành một Vị Hạm Trưởng thành công. Trung Tá Quỳnh vừa nhận lãnh quyền chỉ huy Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng tại Vũng Tàu khi được lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội trực chỉ Vùng I ngay vì nhu cầu hành quân. Chiến hạm ra tới Ðà Nẵng và cập cầu Tiên Sa tại Bán Ðảo Sơn Chà vào ngày 17.1. Lúc đó, tại Hoàng Sa tình tình đã rất khẩn trương vì HQ-16 và HQ-4 đang phải đương đầu với một lực lượng thủy bộ khá mạnh của Trung Cộng.

Về chiếc Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, Hạm Trưởng là Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, xuất thân Khóa 12 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Thiếu Tá Thà là một Vị Hạm Trưởng trẻ tuổi có nhiều kinh nghiệm hành quân trong sông, xứng đáng là một cấp chỉ huy trong Hải Quân. Hạm Phó của HQ-10 là Hải Quân Ðại Úy Nguyễn Thành Trí, xuất thân Khóa 17 Sĩ Quan Nha Trang. Hải Quân Ðại Tá Hà Văn Ngạc, được Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải chỉ định làm Sĩ Quan chỉ huy công tác trên mặt biển, đặt Bộ Chỉ Huy trên HQ-5. Là một Sĩ Quan nhiều kinh nghiệm hải hành và với chức vụ đương nhiệm Chỉ Huy Trưởng Hải Ðội 3 Tuần Dương gồm nhiều chiến hạm chủ lực. Lúc bấy giờ, có lẽ Ðại Tá Ngạc là người hợp lý và xứng đáng nhất để được tuyển chọn làm Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật (OTC). Ngày 18.1, hồi 11 giờ 30 đêm, từ Soái Hạm HQ-5, ông gởi đi một công điện hành quân ‘’Thượng Khẩn’’ tới các Chiến Hạm HQ-4, HQ-16 và HQ-10 thuộc quyền.

Nội dung được tóm tắt như sau: Nhiệm Vụ: Hành quân thủy bộ cấp tốc chiếm Ðảo Quang Hòa. Thi Hành: Hoàn tất nhiệm vụ bằng đường lối ôn hòa. Nếu địch khai hỏa kháng cự, tập trung hỏa lực tiêu diệt địch.
Kế Hoạch: Hai Chiến Hạm HQ-16 và HQ-10 có nhiệm vụ yểm trợ cho lực lượng đổ bộ bằng cách bám sát hai chiến hạm Kronstadt mang số 271 và 274 của Trung Cộng. Nếu địch khai hỏa, HQ-16 và HQ-10 phải lập tức dùng hỏa lực cố hữu để tiêu diệt. HQ-4 có nhiệm vụ đổ bộ Toán Biệt Hải vào mặt Tây Ðảo Quang Hòa và yểm trợ hải pháo cho lực lượng đổ bộ. Chiến hạm cũng được lệnh canh chừng và sẵn sàng tiêu diệt các tàu đánh cá võ trang và tàu nhỏ của địch. Ngày N là ngày 19.1.74. giờ H là 6 giờ sáng.

Qui Luật Khai Hỏa: Ðược căn cứ trên hai trường hợp căn bản sau đây: a.- Nếu địch khai hỏa trước: Ta phản ứng bằng hỏa lực cơ hữu để tiêu diệt lực lượng địch càng nhiều càng tốt. Ưu tiên hỏa lực nhắm vào các đơn vị quan trọng như Kronstadt hoặc loại chiến hạm lớn hơn nếu có. b.- Nếu địch tỏ vẻ ôn hòa: Ta dè dặt và cảnh giác tối đa với sự ôn hòa tương ứng, đồng thời tiếp tục thi hành nhiệm vụ chiếm Ðảo Quang Hòa bằng cách thương lượng quyết liệt để địch rút lui. Sau đó sẽ trương Quốc Kỳ Việt Nam và tổ chức phòng thủ trên Ðảo. c.- Nếu địch không khai hỏa trước nhưng không chịu rút lui: Ðối với lực lượng Hải quân địch, áp dụng qui luật quốc tế để yêu cầu rời khỏi lãnh hải. Nếu địch ngoan cố, áp dụng những huấn thị căn bản về việc ngăn chận các chiến hạm và chiến thuyền xâm nhập hải phận. Ðối với lực lượng địch trên Ðảo, phản ứng thích nghi tùy thuộc vào kết quả của việc thương lượng.

Với Chỉ Huy Trưởng Hải Ðội có mặt trên Chiến Hạm,HQ-5 ráo riết chuẩn bị cho cuộc hành quân thủy bộ tái chiếm Hoàng Sa. Sau đây là các hoạt động chính của Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng và Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, một thành phần của Phân Ðoàn Ðặc Nhiệm 213.7.1. Những hoạt động này được căn cứ vào phúc trình số 001/HQ.5/PT/K ngày 21 tháng 2 năm 1974 của Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng:

Ngày 17 tháng 1, HQ-16 tại Ðà Nẵng nhận tiếp tế dầu nước và đón Ðại Ðội Hải Kích gồm có 49 người do Hải Quân Ðại Úy Nguyễn Minh Cảnh (Khóa 20 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang) chỉ huy. Nửa đêm 17 rạng ngày 18.1, hồi 00.12 giờ, HQ-16 khởi hành từ Ðà Nẵng đi Hoàng Sa. Hồi 3 giờ 15 sáng, chiến hạm tới điểm hẹn với HQ-10 tại vị trí cách hải đăng Tiên Sa 9 hải lý về hướng Ðông (ngoài khơi cửa biển Ðà Nẵng). Theo báo cáo, tình trạng kỹ thuật của HQ-10 không được khả quan, chỉ còn một máy chánh, máy kia bị hư hỏng chưa kịp sửa chữa nên vận tốc bị giảm trên 50%, radar hải hành cũng bị hư không sử dụng được. Sau khi gặp nhau, hai chiến hạm đổi đường hướng về Hoàng Sa, đi hình hàng dọc theo thứ tự HQ-10, HQ-5. Sau khi hải hành được chừng 15 phút, hồi 03.27 giờ,vì HQ-5 cần tới Hoàng Sa đúng giờ hơn như đã dự trù, nhưng vận tốc của HQ-10 quá chậm nên Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật (OTC) ra lệnh cho HQ-5 tăng máy, tách khỏi đội hình trực chỉ Ðảo Cam Tuyền. Theo lời thuật lại của Hạm Trưởng HQ-5, tuy bỏ lại HQ-10 phía sau, nhưng HQ-5 vẫn dùng radar để hướng dẫn tàu bạn trên đường tới Hoàng Sa.

Hồi 3 giờ chiều ngày 18.1,HQ-5 tại Hoàng Sa. Lúc đó, lực lượng Hải quân đôi bên như sau: Ta có 3 Chiến Hạm là HQ-4, HQ-5 và HQ-16, phía Trung Cộng có hai tàu Kronstadt mang số 271 và 272, hai tàu chở quân võ trang mang số 402 (tên Nam Ngư) và 407, một tàu vận tải và một ghe buồm. Hai chiến hạm Kronstdat chủ lực của địch di chuyển quanh các Ðảo Quang Hòa và Duy Mộng để bảo vệ lực lượng bộ binh đã chiếm đóng Ðảo. Các Chiến Hạm ta vào nhiệm sở tác chiến toàn diện vào lúc 3 giờ 15 chiều.

Sau khi HQ-5 tới Hoàng Sa, các Chiến Hạm ta lập tức vận chuyển theo đội hình tác chiến để quan sát và thăm dò phản ứng địch. Hồi 4 giờ chiều, khởi đi từ vị trí nằm về hướng Ðông Ðông Nam và cách Ðảo Cam Tuyền chừng 3 hải lý, ba Chiến Hạm vào đi hình hàng dọc theo thứ tự HQ-16, HQ-5 và HQ-4, trực chỉ phía Tây Ðảo Quang Hòa là nơi các chiến hạm Trung Cộng đang tập trung. Tới 4 giờ 16 chiều, thấy các Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa tới gần, lực lượng Trung Cộng cũng phản ứng. Hai chiến hạm Kronstadt vận chuyển về hướng Tây Nam Ðảo để nghênh cản và chạn đường. Hai toán chiến hạm càng tiến gần nhau, tình hình càng căng thẳng. Ðôi bên đều vào nhiệm sở tác chiến nhưng các hải pháo vẫn còn ở vị thế nằm ngang, chưa nhắm thẳng vào nhau. Vì chỉ muốn tham dò phản ứng địch, trước tình trạng gay cấn đó, các Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa tạm bỏ ý định tiến đến gần Ðảo Quang Hòa và ngưng máy thả trôi tại vùng giữa Ðảo Cam Tuyền và Quang Hòa. Lực lượng Trung Cộng cũng không dám gây hấn, trở lại quanh quẩn tại chỗ cũ.

Hồi 5 giờ 15 chiều, theo lệnh của Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật,HQ-5 thả xuồng đưa một số Hải Kích qua HQ-16 và nhận lại Toán Thám Sát Hoàng Sa thuộc Quân Ðoàn I gồm 1 Thiếu Tá, 2 Trung Úy Công Binh, 2 Binh Sĩ Công Binh, 1 Ðại Úy Hải Quân thuộc Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải, 1 Nhân Viên thuộc Ðài Khí Tượng Hoàng Sa và một người Mỹ. Sau đó, Chiến Hạm tiếp tục tuần tiểu trong vùng trách nhiệm thuộc phía Ðông Ðông Nam của Ðảo Cam Tuyền. Khi lên HQ-5, thấy tình hình giữa các Chiến Hạm Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị đổ bộ tác chiến và tình hình quá căng thẳng, Nhân Viên Dân Sự Hoa Kỳ trong nhóm thám sát yêu cầu được rời Chiến Hạm, trở về Ðảo Hoàng Sa. Vì vậy, vào lúc 9 giờ tối, Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật ra lệnh cho HQ-5 tới gần Ðảo Hoàng Sa rồi thả xuồng đưa 7 người trong nhóm thám sát lên Ðảo. Riêng Hải Quân Ðại Úy Trần Kim Diệp thuộc Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải ở lại Chiến Hạm. Có lẽ Nhân Viên Hoa Kỳ trong nhóm thám sát đã được nguồn tin riêng thông báo sẽ có đụng độ giữa hai lực lượng nên không muốn hiện diện trên Chiến Hạm Việt Nam, có thể gây rắc rối về mặt ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.

Trong đêm 18 rạng ngày 19.1, các Chiến Hạm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thả trôi và tuần tiễu trong vùng biển phía Tây Hoàng Sa, bên ngoài các Ðảo của Nhóm Nguyệt Thiềm để tránh những khu vực đá ngầm nguy hiểm và cũng để tránh sự quan sát của lực lượng Trung Cộng. Lúc này, HQ-10 cũng đã tới khu vực hành quân. Như vậy, Lực Lượng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã có 4 Chiến Hạm trong vùng Hoàng Sa.

Sáng sớm ngày 19.1, vào lúc 3 giờ 50 sáng, Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật ra lệnh cho các Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa chia làm cánh cung di chuyển từ vùng biển bên ngoài vòng sâu về phía Nam Ðảo Vĩnh Lộc, hướng tới Ðảo Quang Hòa. Phân Ðội 1 gồm HQ-5 và HQ-4 có nhiệm vụ đổ bộ Toán Biệt Hải và Hải Kích để chiếm lại Ðảo, trong khi Phân Ðội 2 gồm HQ-16 và HQ-10 lãnh nhiệm vụ yểm trợ hải pháo cũng như ngăn chận các chiến hạm Trung Cộng. Vì trời còn tối nên đội hình các Chiến Hạm Việt Nam di chuyển rất thận trọng, dự trù sẽ tới mục tiêu lúc trời vừa rạng sáng.

Tới 5 giờ sáng, các Chiếm Hạm tới vị trí Tây Bắc, cách Ðảo Vĩnh Lộc chừng 3 hải lý. Nhiệm sở tác chiến toàn diện được ban hành lúc 5 giờ 25 sáng khi đội hình bắt đầu vào bên trong các hải Ðảo của nhóm Nguyệt Thiềm.
Lúc 6 giờ sáng, các Chiến Hạm tại vị trí Ðông Nam, cách Ðảo Vĩnh Lộc chừng 5 hải lý. Lúc này, trời đã rạng sáng. Lúc 6 giờ 40 sáng, hai Phân Ðội đã vào vị trí được ấn định trước như sau: Phân Ðội 1 (Nam) gồm 2 Chiến Hạm HQ-5 và HQ-4 ở phía Nam Ðảo Quang Hòa. Phân Ðội 2 (Bắc) gồm 2 Chiến Hạm HQ-16 và HQ-10 ở phía Tây Tây Bắc Ðảo Quang Hòa. Lực lượng Trung Cộng lúc này đang tập trung tại phía Ðông Ðảo Quang Hòa và đã được tăng cường thêm 2 Trục lôi hạm (tàu vớt mìn) loại T.43 mang số 389 và 396 trong đêm. Trên Ðảo, địch đã dùng 5 dãy nhà tiền chế sơn màu xanh đậm để trú quân và các công sở phòng thủ đã được bố trí chu đáo đủ để phòng các cuộc đổ bộ. Ngoài ra, sát bờ Ðảo còn có một số ghe nhỏ dùng để tiếp tế.

II.Lực Lượng Đôi Bên

a.Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa
Tính cho tới ngày 19 tháng 1 là lúc xảy ra Trận Hải Chiến, lực lượng Hải quân đôi bên tại Hoàng Sa được ghi nhận như sau. Lực Lượng tham chiến Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa gồm 4 Chiến Hạm: Soái Hạm Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5. Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16. Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4. Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10

Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5 Nguyên là tàu thuộc Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ (USCG-US Coast Guard) mang tên Castle Rock (WHEC 383). Ðóng tại Thủy Xưởng Lake Washington thuộc Tiểu Bang Washington. Hạ thủy ngày 11.5.1944 và bắt đầu hoạt động kể từ ngày 8.10.1944. Ðược chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam vào ngày 21.12.1971. Trọng tải: 1766 tấn tiêu chuẩn, 2800 tấn tối đa. Kích thước: Dài 310.75 ft, chiều ngang 41.1 ft, tầm nước 13.5 ft. Máy chánh: 2 máy dầu cặn loại Fairbank Morse 6080 mã lực, 2 chân vịt. Vận tốc tối đa, chừng 18 knots.
Vũ khí: 1 khẩu 127 ly (5 inch) phía trước mũi, 1 đại bác 40 ly đôi cũng ở sân trước nhưng ở sân thượng phía trên khẩu 127 ly,2 khẩu 40 ly bên Tả và hữu Chiến Hạm tại sân sau và 2 khẩu đại bác 20 ly đôi ở hai bên hông Ðài Chỉ Huy.
Thủy thủ đoàn: Chừng 200 người.
Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 Nguyên thuộc Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ, trước đây mang tên Chicoteague (WHEC 375). Ðóng tại Thủy Xưởng Lake Washington thuộc Tiểu Bang Washington. Hạ thủy ngày 15.4.1942 và bắt đầu hoạt động kể từ ngày 12.4.1943. Ðược chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam vào ngày 21.6.1972. Ðặc tính: Tương tự như HQ-5 (xem phần trên). Tuần Dương Hạm là loại Chiến Hạm lớn nhất của Hải Quân Việt Nam và có súng cỡ 127 ly cũng lớn nhất. Các loại vũ khí chống tàu ngầm đã bị cắt bỏ khi chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam.

Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 Nguyên là USS Foster DER 334 của Hải Quân Hoa Kỳ. Ðóng tại Thủy Xưởng Consolidated Steel Corporation, Orange Tiểu Bang Texas. Hạ thủy ngày 13.11.1943 và bắt đầu hoạt động kể từ ngày 25.1.1944. Ðược chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam vào ngày 25.9.1971. Trọng tải: 1590 tấn tiêu chuẩn, 1850 tấn tối đa. Kích thước: Dài 306 ft, ngang 36.6 ft, tầm nước 14 ft. Máy chánh: 2 máy dầu cặn loại Fairbank Morse 6.000 mã lực. Vận tốc: Tối đa 21 knots. Vũ khí: 2 đại bác 76 ly, một tại sân trước có pháo tháp và một tại sân sau lộ thiên cùng một số đại bác 20 ly. Thủy thủ đoàn: Chừng 170 người. HQ-4 nguyên là một Khu Trục Hạm thuần túy có nhiệm vụ yểm trợ phòng không và chống tàu ngầm, nhưng sau Thế Chiến Thứ Hai đã được hoàn toàn tân trang và gắn loại radar TACAN (Tactical Aircraft Navigation) để trở thành loại chiến hạm chuyên dùng radar để phát hiện hỏa tiễn địch (radar picket). Chiến Hạm này đã từng tham dự chiến dịch Market Times ngoài khơi Việt Nam để ngăn chặn sự xâm nhập của cộng sản bằng đường biển.

Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10 Nguyên là USS Serene (MSF 300). Ðây là loại tàu chuyên được dùng để rà mìn ngoài đại dương (MSF-Mine Sweeper Fleet). Ðóng tại Thủy xưởng Winslow Marine & SB Co. Winslow, Tiểu Bang Washington. Ðược chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam vào tháng 1.1964 cùng với Hộ Tống Hạm Chí Linh.
Trọng tải: 650 tấn tiêu chuẩn, 945 tấn tối đa. Kích thước: Dài 184.5 ft, ngang 33 ft, tầm nước 9.75 ft. Máy chánh: 2 máy dầu cặn Cooper Bessemer 1710 mã lực, 2 chân vịt. Vận tốc tối đa: 14 knots. Vũ khí: 1 đại bác 76 ly l thiên ở sân trước, 2 đại bác 40 ly đơn bên Tả và hữu Hộ Tống Hạm ở sân giữa, 4 đại bác 20 ly đôi ở hai bên Ðài Chỉ Huy và ở sân sau. Thủy thủ đoàn: Chừng 80 người.
Khi được chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam, Chiến Hạm được biến cải từ tàu vớt mìn thành tàu hộ tống. Các dụng cụ rà mìn được cắt bỏ. Các vũ khí chống tàu ngầm được thêm vào gồm 2 giàn thả thủy lựu đạn (depth charge) ở sân sau và một giàn phóng thủy lựu đạn loại Hedgehog ở sân trước.
b. Hải Quân Trung Cộng

Tổng cộng gồm 11 chiếc tàu đủ loại,trong số này có 2 Hộ Tống Hạm (Submarine Chaser) loại Kronstadt mang số 271 & 274 và 2 chiếc Trục Lôi Hạm (tàu rà mìn) loại T.43 mang số 389 & 396 trực tiếp tham chiến là có hỏa lực đáng kể. Những chiếc khác là tàu chở quân hay ngư thuyền võ trang. Ngoài ra, lực lượng tiếp viện của Trung Cộng còn có các Khinh Tốc Đỉnh hỏa tiễn Komar và có thể cả loại Osa và Khu Trục Hạm loại Kiangnan.

Hộ Tống Hạm Kronstadt Sáu chiếc Kronstadts đầu tiên trong Hải quân Trung Cộng do Nga chế tạo vào khoảng năm 1950-1953 và chuyển giao vào năm 1956-1957. Sau này Trung Cộng tự đóng thêm 12 chiếc nữa tại các xưởng đóng tàu Thượng Hải và Quảng Ðông, chiếc sau cùng hoàn tất vào năm 1957. Ðặc tính của loại Kronstadt là mình hẹp, lườn thấp và có vận tốc cao để săn đuổi tàu ngầm. Trước năm 1974, loại tàu Kronstadt mang chiến số từ 600 trở lên, sau này được đổi lại với chiến số loại 200 sơn ngoài vỏ tàu. Trọng tải: 310 tấn tiêu chuẩn, 380 tấn tối đa. Kích thước: Dài 170 ft, ngang 21.5 ft, tầm nước 9 ft (52 m x 6.5 x 2.7) Máy chánh: 2 máy dầu cặn 3.300 mã lực, 2 chân vịt. Vận tốc tối đa: 24 knots. Vũ khí: 1 đại bác 100 ly (3.5 inch) ở sân trước và 2 đại bác 37 ly ở sân sau, 2 giàn thủy lựu đạn và 2 giàn thả mìn. Thủy thủ đoàn: Chừng 65 người.

Trục Lôi Hạm T.43
Hai chiếc đầu tiên do Nga chế tạo và chuyển giao vào khoảng năm 1954-1955. Sau đó Trung Cộng tự đóng thêm 18 chiếc nữa. Trọng tải: 500 tấn tiêu chuẩn, 610 tấn tối đa. Kích thước: Dài 190.2 ft, ngang 28.2 ft, tầm nước 6.9 ft (58 m x 6.1 x 2.6) Máy chánh: 2 máy dầu cặn 2.000 mã lực, 2 chân vịt. Vận tốc tối đa: 17 knots. Thủy thủ đoàn: Chừng 40 người.
Lực lượng trừ bị ứng chiến của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa

Gồm 2 Chiến Hạm: Tuần Dương Hạm Trần Quốc Toản HQ-6.Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ-11. Những Chiến Hạm này vì được điều động từ xa tới nên không thể có mặt tại Hoàng Sa trước ngày 19 tháng 1. Về Không Quân, tuy có tin các Phi Ðoàn phản lực cơ F-5 và A-37 được lệnh túc trực tại Phi Trường Ðà Nẵng nhưng thật ra những phi cơ này có tầm hoạt động rất ngắn không thể ra tới Hoàng Sa. Cũng có nguồn tin không chính thức cho biết đã có ý định sử dụng các Dương Vận Hạm (LST-Landing Ship Tank) như mẫu hạm tạm thời để chở các trực thăng võ trang ra Hoàng Sa nhưng kế hoạch này không được thực hiện. Tóm lại, các Chiến Hạm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa không có phi cơ trợ chiến.

Lực lượng trừ bị ứng chiến của Hải Quân Trung Cộng
Gồm nhiều chiến hạm đủ loại và phi cơ Mig đủ loại: 4 phi tiền đỉnh loại Komar. Nhiều Khu Trục Hạm mang hỏa tiễn loại Kianjiang. Một hay nhiều tiềm thủy đỉnh. Các phi cơ Mig.

Tốc đỉnh Hỏa Tiễn Komar
Chiếc Komar đầu tiên do Nga chuyển giao vào năm 1965, 2 chiếc khác vào năm 1967 và 7 chiếc nữa trong khoảng năm 1968-1971. Sau đó Trung Cộng tự đóng thêm chừng 10 chiếc khác và đặt tên là ‘’Hoku’’. Loại chiến hạm này tuy nhỏ nhưng rất nguy hiểm vì có vận tốc nhanh, dễ vận chuyển nên là một mục tiêu rất khó bắn trúng. Ngoài ra, loại hỏa tiễn Styx có thể bắn trúng mục tiêu cách xa vài chục cây số. Chính một quả hỏa tiễn này do Ai Cập bắn đánh chìm Khu Trục Hạm Eilath, chiếc tàu lớn nhất của Hải Quân Do Thái trong trận chiến tranh năm 1967. Trọng tải: 70 tấn tiêu chuẩn, 80 tấn tối đa. Kích thước: Dài 83.7 ft, ngang 19.8 ft, tầm nước 5 ft (25.5 m x 6 x 1.8) Hỏa tiễn: 2 giàn phóng hỏa tiễn loại Styx dùng để bắn chiến hạm. Máy chánh: 2 máy dầu cặn 4.800 mã lực, 2 chân vịt. Vận tốc tối đa: 40 knots Vũ khí: 2 đại bác 25 ly (1 giàn đôi gần đàng trước mũi). Thủy thủ đoàn: Chừng 10 người. Kinh Tốc Đỉnh hỏa tiễn Osa Chiếc Osa đầu tiên do Nga chuyển giao vào tháng 1 năm 1965. Bốn chiếc khác chuyển giao vào năm 1966-1967 và 2 chiếc nữa vào năm 1968. Trung Cộng cũng tự đóng lấy một số khác và đặt tên là ‘’Hola’’. Trọng tải: 165 tấn tiêu chuẩn, 200 tấn tối đa. Kích thước: Dài 128.7 ft, ngang 25.1 ft, tầm nước 5.9 ft (39.3 m x 7.7 x 1.8). Máy chánh: 3 máy dầu cặn, 13.000 mã lực. Vận tốc tối đa: 32 knots Vũ khí: 4 đại bác 30 ly (2 giàn đôi, 1 trước mũi và 1 sau lái). Thủy thủ đoàn: Chừng 25 người.
III. Tương quan lực lượng
Nếu chỉ so sánh về vũ khí, phía Việt Nam Cộng Hòa có phần trội hơn vì các Tuần Dương Hạm được trang bị hải pháo 127 ly, trong khi các Kronstadt của Trung Cộng chỉ được gắn súng cỡ 100 ly, nhưng trong mặt Trận Hải Chiến khi đôi bên gần nhau, cỡ súng lớn chưa chắc đã chiếm được lợi thế vì không tận dụng được tầm bắn xa và nhịp bắn lại chậm. Phần các chiến hạm Trung Cộng có vận tốc cao lại nhỏ nhẹ dễ vận chuyển nên chiếm được ưu thế trong lúc hải chiến. Hơn nữa, các Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa không những vừa to, cao lại xoay trở tương đối chậm nên là mục tiêu rất dễ dàng cho địch thủ nhắm bắn. Chính Trung Tá San, Hạm Trưởng HQ-4 cho biết vì các chiến hạm Trung Cộng nằm rất thấp gần sát mặt nước nên rất khó bắn trúng. Trong khi các khẩu hải pháo Việt Nam Cộng Hòa vì nằm trên cao nên phải rất khó khăn hạ cao độ xuống dưới đường chân trời mới có thể nhắm trúng mục tiêu, các chiến hạm Trung Cộng vì thấp hơn nên dễ dàng nâng cao độ của những khẩu đại bác chừng 5-10 độ là đã có thể tác xạ hữu hiệu.

So sánh những sở trường và sở đoản của từng loại chiến hạm, trong Trận Hải Chiến một chọi một tại Hoàng Sa, lực lượng đôi bên có vẻ tương đồng, việc hơn thua phần lớn sẽ do các cấp chỉ huy và tinh thần của Thủy thủ đoàn quyết định. Tuy nhiên, kể về lực lượng trừ bị ứng chiến, phía Trung Cộng chiếm ưu thế tuyệt đối, nhất là về mặt không yểm. Có thể nói dù đánh chìm hết các tàu Trung Cộng trong ngày 19.1, các Chiến Hạm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cũng không thể ở lại Hoàng Sa vì không thể đương đầu với lực lượng tăng viện của địch.

IV. Trận Hải Chiến
Thấy các Chiến Hạm ta bất thần bao vây và dàn đội hình tác chiến để uy hiếp Ðảo, lực lượng địch cũng chia thành hai nhóm để nghênh cản. Hai chiến hạm mới tới mang số 389 và 396 vận chuyển về hướng Tây Bắc Ðảo để chặn đường Phân Ðội Bắc, trong lúc 2 Kronstadt còn lại mang số 271 và 274 đối đầu với Phân Ðội Nam tại phía Nam Ðảo Quang Hòa.

Mặc dù phía Trung Cộng phản ứng mạnh, Lực Lượng Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiến hành kế hoạch hành quân đổ bộ tái chiếm Ðảo Quang Hòa như đã dự trù. Hồi 6 giờ 48 sáng, toán đổ bộ cũng được chia làm hai cánh, cánh Biệt Hải trên HQ-4 được đổ bộ lên mặt Nam, trong khi cánh Hải Kích trên HQ-5 được đổ bộ lên mặt Tây Nam Ðảo Quang Hòa. Tới 7 giờ 42 sáng, vì gió thổi quá mạnh khiến hai bè cao su chở Toán Hải Kích bị dạt ra ngoài khơi nên HQ-5 phải thả xuồng máy để phụ giúp kéo tới điểm đổ bộ. Cũng trong lúc này, Trung Cộng cũng cho đổ thêm quân từ 2 tầu võ trang lên mặt Bắc Ðảo.

Tuy gặp khá nhiều khó khăn vì gió mạnh và sóng lớn sát bờ, cuối cùng Toán Hải Kích cũng đổ bộ lên được mặt Tây Nam Ðảo Quang Hòa vào lúc 7 giờ 45 sáng. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ đổ quân, hai Chiến Hạm HQ-5 và HQ-4 thuộc Phân Ðội Nam di chuyển trong vùng từ Nam Ðông Nam tới Tây Nam của Ðảo Quang Hòa, có lúc vào sát bờ chỉ cách chừng 1 hải lý để trợ chiến cho Lực Lượng đổ bộ.

Lực Lượng đổ bộ gồm những thành phần được huấn luyện tinh thục, thiện chiến nhất của Hải Quân Việt Nam. Toán Biệt Hải do Hải Quân Ðại Úy Nguyễn Văn Tiến (Khóa 16 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang) chỉ huy, gồm những Quân Nhân ‘’Người Nhái’’ thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải.Toán Hải Kích chuyên về phục kích và đánh bộ do Hải Quân Ðại Úy Trần Cao Sạ (Khóa 16 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang) chỉ huy. Ngay từ khi vừa đặt chân lên bờ Ðảo, cả hai Toán bị quân Trung Cộng trên Ðảo đông hơn đàn áp. Ðịch quân trang bị vũ khí nặng dàn hàng ngang ngăn cản và uy hiếp, một số lớn khác ẩn núp trong các giao thông hào và công sự phòng thủ kiên cố để yểm trợ khiến Lực Lượng đổ bộ không thể nào tiến sâu vào trung tâm Ðảo. Tình hình lúc bấy giờ rất nguy cập và thật bất lợi cho Lực Lượng Việt Nam Cộng Hòa, nhưng vì tuân hành thượng lệnh quyết tâm bảo vệ lãnh thổ nên vào khoảng 9 giờ sáng, Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật ra lệnh cho Toán Hải Kích vượt lên trước, di chuyển về mặt Tây Nam Ðảo. Thấy quyết tâm chiếm lại Ðảo của các Chiến Sĩ Việt Nam, quân Trung Cộng nấp trong các công sự phòng thủ nổ súng thượng liên vào Toán Hải Kích khiến 1 Sĩ Quan là Trung Úy Nguyễn Văn Ðơn và 1 Ðoàn Viên tên Long bị tử thương và 2 Ðoàn Viên khác bị thương. Toán Hải Kích lập tức dùng hỏa lực cơ hữu gồm súng phóng lựu M.79 và súng cá nhân M.16 bắn trả. Còn Toán Biệt Hải tuy cũng bị lính Trung Cộng đông hơn uy hiếp nhưng hoàn toàn vô sự.
Lúc 10 giờ sáng, HQ-5 vị trí cách Ðảo Quang Hòa 5000 yards (khoảng 3 hải lý) về hướng Tây Nam (245 độ). Vào khoảng 9 giờ 30 sáng, trước tình hình bất lợi và áp lực địch quá mạnh có thể đưa tới nguy cơ toàn thể lực lượng đổ bộ bị địch quân đông hơn tiêu diệt, Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật ra lệnh rút tất cả hai Toán Hải Kích và Biệt Hải về Chiến Hạm. Lực Lượng đổ bộ về tới Chiến Hạm an toàn, không bị thêm một thiệt hại nào, mang theo được xác Sĩ Quan, còn các Ðoàn Viên không kịp mang theo. Hai Ðoàn Viên bị thương được di tản qua HQ-4.

Trước những biến chuyển kém thuận lợi, Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật ban hành chỉ thị mới. Trong khoảng thời gian từ 10 giờ 17 sáng cho tới 10 giờ 24 sáng, các Chiến Hạm Việt Nam vận chuyển chiến thuật để thiết lập một hình vòng cung ở phía Tây Ðảo Quang Hòa. Phân Ðội Bắc gồm hai chiến hạm HQ-16 và HQ-10 di chuyển về phía Tây Bắc Ðảo trong khi Phân Ðội Nam gồm hai Chiến Hạm HQ-5 và HQ-4 di chuyển từ Tây Nam tới vị trí phía Tây Ðảo. Khi thấy các Chiến Hạm Việt Nam thiết lập đội hình mới, bốn chiếc tầu Trung Cộng lập tức bám theo, một đổi một. Theo phúc trình hậu hành quân của Soái Hạm HQ-5, tình hình lúc đó đã hết sức căng thẳng. Chiến hạm đôi bên chỉ cách nhau khoảng 1.600 yards (chừng 1 hải lý) đều ở trong tình trạng nhiệm sở tác chiến toàn diện với các Nhân Viên ngồi trong các ổ súng. Các khẩu hải pháo chĩa thẳng vào tàu địch trong tư thế sẵn sàng tác xạ tiêu diệt.

Lúc đó, vị trí các Chiến Hạm đều nằm về hướng Tây và Tây Bắc của Ðảo Quang Hòa. Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bao vây phía ngoài, cách Ðảo khoảng 4-5 hải lý, các tàu Trung Cộng nằm hơi chếch về phía bên trong, cách Ðảo chừng 3-4 hải lý. Vị thế tác chiến của các Chiến Hạm Việt Nam thiết lập thành hình vòng cung, thứ tự từ Bắc xuống Nam được ghi nhận như sau: HQ-16 chiếm vị trí cực Bắc của đội hình, sau đó là HQ-10. Kế tiếp là HQ-4 và HQ-5 ở vị trí cực Nam.

Các chiến hạm Trung Cộng cũng ở vị thế nghênh cản một chọi một như sau: Kronstadt 274 đối đầu HQ-5, Kronstadt 271 đối đầu HQ-4, Trục Lôi Hạm 396 đối đầu HQ-10, Trục Lôi Hạm 389 đối đầu HQ-16.

Trên Soái Hạm HQ-5, Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật chỉ định mục tiêu cho từng Chiến Hạm, đó là những chiếc Kronstadt và chiến hạm địch đối đầu. Lệnh tác xạ đồng loạt vào các chiến hạm địch được ban hành từ Soái Hạm HQ-5 vào lúc 10 giờ 25 phút sáng. Trận Hải Chiến tại Hoàng Sa khởi đầu.

Ðến đây, cần mở một dấu ngoặc để tìm câu trả lời đúng nhất cho nghi vấn: Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa hay Trung Cộng đã khai hỏa trước mở đầu Trận Hải Chiến? Theo các tài liệu của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, các Chiến hạm Trung Cộng đã bắn trước. Ngay sau khi xảy ra Trận Hải Chiến vào ngày thứ bảy 19 tháng 1, Phát Ngôn Viên Quân Sự của Việt Nam Cộng Hòa là Trung Tá Lê Trung Hiền đã tuyên bố trong một buổi họp báo có các Thông tín viên quốc tế tham dự rằng:

‘’Hồi 10 giờ 22 phút sáng nay, một chiến hạm Trung Cộng đã nổ súng bắn vào một tàu Tuần Dương (cutter) của Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa. Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa bắn trả để tự vệ khiến tàu Trung Cộng bị cháy. Tàu Việt Nam Cộng Hòa chỉ bị hư hại nhẹ’’. (Sài Gòn-tin Reuter ngày 19 tháng 1 năm 1974).

Chiến tàu Tuần Dương của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa mà Trung Tá Hiền nói tới là loại tàu ‘’WHEC’’ (White High Endurance Cutter) nguyên của Coast Guard Hoa Kỳ, khi chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam được gọi là ‘’Tuần Dương Hạm’’ như HQ-5 Trần Bình Trọng, HQ-16 Lý Thường Kiệt tham chiến tại Hoàng Sa.

Trong Bản Thông Tin (Communique) chính thức của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa phát hành ngày 19.1.1974 cũng loan báo nguyên văn như sau:

‘’Sáng nay, ngày 19.1.1974 vào hồi 10 giờ 20 sáng, một Hộ Tống Hạm Trung Cộng loại Kronstadt đã nổ súng vào Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-04 của Việt Nam Cộng Hòa. Chiến Hạm Việt Nam bắn trả để tự vệ khiến tàu Trung Cộng bị hư hại’’ (Trích Bản Thông Tin của Bộ Ngoại Giao ngày 19.1.1974 loan báo về việc Trung Cộng khơi mào những hành động quân sự tại vùng Hoàng Sa).
Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư đúng ra mang chiến số ‘’HQ-4’’ chứ không phải là ‘’HQ-04’’ như đã đăng trong bản tin. Trong Hải Quân Việt Nam, Chiến Hạm mang số ‘’HQ-04’’ là Hộ Tống Hạm (PC-Patrol Craft) Tụy Ðông lúc đó đã phế thải.

Chúng tôi chỉ muốn nói lại cho đúng vì các vì Phát Ngôn Quân Sự thường là Sĩ Quan Bộ Binh không mấy quen thuộc với các loại Chiến Hạm của Hải Quân, còn về Phát Ngôn Viên Dân Sự của Bộ Ngoại Giao lại càng dễ lầm lẫn.

Nhưng những lầm lẫn ‘’kỹ thuật nhỏ’’ như HQ-4 và HQ-04 hay Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa bị tàu Trung Cộng bắn là Tuần Dương Hạm hay Khu Trục Hạm đều không quan trọng. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn tìm bằng cớ chứng từ các nguồn tin chính thức của Việt Nam Cộng Hòa đều cho biết Trung Cộng các chiến hạm Trung Cộng đã nổ súng trước. Tuy nhiên, những lời tuyên bố chính thức, nhất là về mặt ngoại giao, lại chưa chắc đã là sự thật mà nhiều khi chỉ nhằm mục đích tìm thêm hậu thuẫn cho mình. Vì vậy, tại đây, vẫn chưa dứt khoát trả lời được câu hỏi ‘’Chiến Hạm bên nào đã bắn trước?’’.

Gần đây, rất may thay vì sự thật mỗi ngày một mai một với thời gian, chúng ta đã có câu trả lời chắc chắn. Câu trả lời đó nằm trong bài nói chuyện mới đây vào ngày 17.1.1998 nhan đề ‘’Sau 24 năm, nhớ về Hải Chiến Hoàng Sa, Tưởng Niệm các Liệt Sĩ hy sinh vì Tổ Quốc’’ của Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San, Cựu Hạm Trưởng HQ-4. Trong bài nói chuyện rất cảm động này, Trung Tá San đã cùng với Trung Tá Quỳnh ‘’xác nhận việc các Chiến Hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 và HQ-10 chúng tôi đã bắn trước vào kẻ xâm lăng’’. Trung Tá San và Trung Tá Quỳnh, những Hạm Trưởng xuất sắc và Quân Nhân gương mẫu thuần túy đã đưa ra lý do rất chính đáng và hùng hồn để cần nói lên sự thật này rằng: ‘’Sợ gì mà không nói Hải Quân Việt Nam bắn trước? Giặc vào nhà, ta phải đẩy lui chúng’’.

Lý do của các Vị Hạm Trưởng đáng kính này cũng oai dũng như khi họ đứng trên Ðài Chỉ Huy, ra lệnh cho Chiến Hạm bắn thẳng vào tàu địch năm xưa tại Hoàng Sa.

Ðể kiểm chứng thêm, mới đây chúng tôi cũng nói chuyện khá nhiều lần với Cựu Hải Quân Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh và được ông xác nhận việc các Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa bắn vào tàu địch trước là đúng vì chính ông đã ra chuyển lệnh tác xạ mở đầu Trận Hải Chiến tại Hoàng Sa theo lệnh của Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Hạm Trưởng.

Trả lời các diễn tiến của Trận Hải Chiến Hoàng Sa. Ngay sau khi nhận được lệnh tác xạ chuyển đi từ Soái Hạm HQ-5, các Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa đồng loạt khai hỏa vào mục tiêu được chỉ định là các chiến hạm địch đối đầu. Các khẩu đại bác 40 ly và 20 ly tác xạ rất chính xác và hiệu quả vì có nhịp bắn nhanh và mục tiêu lớn lại nằm trong tầm tác xạ hữu hiệu. Các khẩu đại bác 76 ly trên Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư tác xạ cũng rất chính xác nhưng nhịp bắn không được nhanh vì hệ thống kiểm xạ viễn khiển bị hỏng. Những giàn đại pháo 127 ly trên các Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng và Lý Thường Kiệt có nhịp bắn chậm hơn trong lúc các chiến hạm đôi bên vận chuyển với vận tốc cao nên rất khó nhắm vào mục tiêu. Riêng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10 vì chỉ còn một máy chánh nên xoay trở rất khó khăn và chậm chạp, giàn radar bất khiển dụng, tình trạng kỹ thuật không được khả quan nên lâm vào tình thế rất bất lợi.

Với chiến thuật ‘’tốc chiến,tốc thắng’’, các Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa chiếm được thượng phong vì bắn trước với cỡ súng lớn hơn. Các tàu Trung Cộng bị thiệt hại nhiều trong những phút đầu tiên này nhưng cũng bắn trả mãnh liệt. Trên Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 thuộc Phân Ðội Bắc, lệnh tác xạ của Hạm Trưởng, Hải Quân Trung Tá Lê Văn Thự, được đáp ứng ngay bằng quả đạn đầu tiên của khẩu đại pháo 127 ly do Trung Úy Ất làm Trưởng Khẩu. Sau đó, các khẩu đại bác 40 ly và 20 ly từ trước mũi đạn sau lái thi nhau bắn vào tàu địch. Giống như HQ-5, vũ khí chính của Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt là khẩu đại pháo 127 ly (5 inch) đặt tại sân trước. Cũng ở sân trước, đàng sau của khẩu đại pháo là giàn đại bác 40 ly đôi (2 nòng) nằm một tầng cao hơn ngay dưới Ðài Chỉ Huy. Hai bên hông Ðài Chỉ Huy là các khẩu đại bác 20 ly đôi (2 nòng). Tại sân sau có các khẩu đại bác 40 ly đơn, một bên Tả Chiến Hạm, một bên Hữu Chiến Hạm.

Sau đây là lời tường thuật của một nhân chứng, Sĩ Quan Hải Hành Ðào Dân có mặt trên Ðài Chỉ Huy HQ-16 trong lúc xảy ra Trận Hải Chiến:

‘’Cả Chiến Hạm như bị giật lùi vì tiếng khai hỏa của đại pháo 127 ly. Những người trên Ðài Chỉ Huy chú tâm đến nỗi ai cũng có cảm tưởng mình nhìn thấy được đường đi của viên đại bác đầu tiên. Rồi tiếng nổ dồn dập của khẩu đại bác 40 ly đôi trước mũi và khẩu 40 ly đơn sau lái Hữu Chiến Hạm, cùng với tiếng nổ liên hồi của đại bác 20 ly làm thành một hòa âm khó tả. Khói thuốc súng từ trước mũi, sau lái, boong trên phía sau và ngay Ðài Chỉ Huy phía dưới bay lên làm mờ cả một vùng trời trên Chiến Hạm...Từ lỗ tròn của ổ đại bác 127 ly trước mũi, Trung Úy Ất đã đứng hẳn người lên, nhô cả thân mình lên trên ổ súng để tận mắt chứng kiến kết quả của những viên đạn đang nổ, điều chỉnh những sai sót. Tiếng oang oang thường ngày của Ất được dịp phát ra từ đó mà ở Ðài Chỉ Huy chúng tôi còn nghe được. ‘’Lên hai độ’’, ‘’xuống một độ’’, ‘’bên phải’’, ‘’bên trái một chút’’. Cả Ðài Chỉ Huy cùng chăm chú theo dõi từng viên đại pháo phát nổ xung quanh tàu địch, bỗng ồ lên như ong vỡ tổ: ‘’Trúng rồi’’ Tôi nhìn lên, chếch về phía bên phải mũi tàu, một Chiến Hạm địch đang bốc khói. Có lẽ là khói của viên đạn nổ tung ngay Ðài Chỉ Huy vì sau đó, dường như hoạt động của tàu này có phần chậm lại’’.

Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10 là một thành phần của Phân Ðội Bắc dưới quyền chỉ huy của HQ-16. Trong lúc hải chiến, HQ-10 nằm chếch về hướng Nam, cách HQ-16 chừng 1 hải lý. Vì là một tàu loại rà mìn được biến cải nên là Chiến Hạm nhỏ nhất, chậm nhất và nhỏ nhất trong số các Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa tham chiến. Ngoài ra, ngay từ khi gia nhập Hải Ðội Hoàng Sa, tình trạng kỹ thuật của HQ-10 đã không được khả quan vì chỉ còn một máy chánh, radar lại bị hư. Trước đây, trên đường đi từ Ðà Nẵng ra Hoàng Sa vào ngày 18.1, Soái Hạm HQ-5 đã phải rời đội hình, bỏ HQ-10 lại phía sau vì chạy quá chậm. Tuy cần đi trước cho kịp giờ hẹn với các Chiến Hạm bạn tại Hoàng Sa, HQ-5 vẫn dùng radar của mình để hướng dẫn HQ-10 hải hành trong đêm. Vũ khí chính của HQ-10 là khẩu trọng pháo 76.2 ly đặt tại sân trước, 2 đại bác 40 ly đơn tại sân giữa và 4 đại bác 20 ly đặt hai bên hông Ðài Chỉ Huy và sân sau.

Theo kế hoạch lúc ban đầu, Phân Ðội Bắc có nhiệm vụ yểm trợ hải pháo để Phân Ðội Nam để quân chiếm Ðảo Quang Hòa. Nhưng sau khi cuộc đổ bộ bất thành vì quân Trung Cộng trên Ðảo quá đông và tàu yểm trợ của chúng cũng rất nhiều (tổng cộng 11 chiếc đủ loại) nên sau khi thảo luận kỹ càng, Lực Lượng Việt Nam Cộng Hòa quyết định tiêu diệt các chiến hạm địch trước. Ðây là một quyết định rất sáng suốt vì nếu phá được đoàn tàu yểm trợ, địch quân trên Ðảo sẽ bị cô lập và sẽ bị đánh tan dễ dàng. Do đó, HQ-10 cũng được chỉ định một mục tiêu tác xạ, đó là chiếc tàu Trung Cộng mang số 396. Theo lời tường thuật của các nhân chứng, chỉ trong vòng 5 phút đầu, các khẩu hải pháo trên HQ-10 đã bắn tê liệt phòng lái chiến hạm địch khiến chiếc tàu này không còn điều khiển được nữa, cứ chạy vòng vòng làm mồi cho hỏa lực chính xác của HQ-10. Tuy nhiên, vì chỉ còn một máy, xoay trở rất khó khăn nên HQ-10 cũng bị trúng nhiều đạn địch. Hạm Trưởng, Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà bị tử trận, Hạm Phó là Hải Quân Ðại Úy Nguyễn Thành Trí bị thương nặng. Sau khi bắn hạ tàu địch, cuối cùng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo cũng bị chìm. Một số Nhân Viên xuống được bè đào thoát mang theo Vị Hạm Phó, nhưng chẳng bao lâu, Ðại Úy Trí cũng đền nợ nước vì bị mất máu quá nhiều.

Về việc Hộ Tống Hạm Nhật Tảo bị chìm, có một số tài liệu nói rằng Chiến Hạm bị hỏa tiễn từ chiến hạm Trung Cộng bắn trúng Ðài Chỉ Huy. Tuy Hải quân Trung Cộng có loại tàu Komar trang bị hỏa tiễn Hải-Hải (surface to surface missile) Styx nhưng lúc đó chưa có mặt tại Hoàng Sa, còn các loại tàu Kronstadt và T.43 tham chiến chỉ trang bị hải pháo cổ điển thông thường, hỏa tiễn nếu có cũng chỉ là loại cá nhân (rocket) cầm tay. Vả lại, nếu có loại phi tiễn đỉnh Komar tham chiến thì có lẽ mục tiêu sẽ là những chiến hạm chủ lực lớn hơn chứ không phải HQ-10 là chiếc nhỏ và kém quan trọng nhất. Theo lời thuật lại của Trung Tá Vũ Hữu San, sau khi Trận Hải Chiến đã chấm dứt, các Chiến Hạm ta quan sát thấy có 4 lượng sóng bạc đầu rất lớn đang từ hướng Ðông Bắc tiến lại rất nhanh. Rất có thể đây mới là các Phi Tiền Đỉnh Komar hay Khinh Tốc Đỉnh Swatow của Trung Cộng từ căn cứ Hải Quân Yulin thuộc Ðảo Hải Nam kéo xuống trợ chiến. Nói tóm lại,có nhiều phần vì HQ-10 vận chuyến khó khăn, bất lợi trong lúc hải chiến nên mới bị chìm vì trúng đạn của tàu địch.

Mới đây, Hải Quân Trung Úy Nguyễn Ðông Mai là Sĩ Quan Hải Pháo có mặt trên HQ-10 trong Trận Hải Chiến cũng cho biết về trường hợp HQ-10 bị bắn chìm như sau: ‘’Khi trận đánh kết thúc, các Chiến Hạm bạn đã rời vùng, HQ-10 vì bị trúng đạn cháy hầm máy nên bất khiển dụng, ở lại một mình tại Hoàng Sa. Hai chiếc Kronstadt mới tới tăng viện của Trung Cộng mang số 281 và 282 chạy quanh HQ-10 nhiều vòng và dùng hải pháo bắn chìm Chiến Hạm này’’.
Khi có dịp thuận tiện, chúng tôi sẽ viết một bài chi tiết về trường hợp HQ-10 đi vào lòng biển mẹ Hoàng Sa.

Trong số các tàu Việt Nam Cộng Hòa tham chiến, có lẽ chỉ có Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 mới xứng đáng mang danh ‘’Chiến Hạm’’. Trong khi các ‘’Chiến Hạm’’ khác tuy được gọi là Tuần Dương Hạm hay Hộ Tống Hạm, nhưng thật ra chỉ là loại tuần duyên (Coast Guard) hay tàu rà mìn của Hoa Kỳ. HQ-4 nguyên là một Khu Trục Hộ Tống Hạm được trang bị radar phòng không tối tân (DER-Destoyer Escort Radar). Vũ khí chính là hai giàn đại pháo 76.2 ly có radar kiểm xạ (radar control) với khả năng tự dò tìm góc độ và tầm xa để ‘’khóa chặt’’ (lock on) mục tiêu. Ðó là nói về loại DER của Hải Quân Hoa Kỳ, nhưng khi chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam, những trang bị tối tân đều đã bị tháo gỡ hay không còn sử dụng được nữa vì thiếu bảo trì hoặc cả phần thay thế. Tuy hai khẩu đại pháo 76.2 ly, một tại sân trước và một tại sân sau vẫn còn, nhưng hệ thống kiểm xạ đã bất khiển dụng nên các vũ khí chính mất đi rất nhiều hiệu quả. Nếu các khẩu súng 76.2 ly còn chính xác và bắn nhanh như khi được Ðài Kiểm Xạ điều khiển giống như trong Hải Quân Hoa Kỳ, HQ-4 dưới sự chỉ huy đầy kinh nghiệm của Hạm Trưởng Vũ Hữu San đã bắn hạ dễ dàng các chiến hạm Trung Cộng. Nhưng rất tiếc, vào thời điểm năm 1974 khi Hoa Kỳ đã phủi tay và cuộc chiến tại Việt Nam gần tàn, khả năng tác chiến của HQ-4 đã giảm sút rất nhiều mặc dù Thủy Thủ Ðoàn rất thiện chiến. Một điểm khá bất lợi nữa là HQ-4 ngoài hai khẩu 76.2 ly, không có đại bác 40 ly bắn nhanh. Trong mặt Trận Hải Chiến khi mục tiêu chỉ cách trên dưới một hải lý, một dàn 40 ly bắn nhanh sẽ có lợi thế hơn một khẩu 76.2 ly bắn chậm.

Nhưng dù với những bất lợi nói trên, dưới quyền chỉ huy sáng suốt, kinh nghiệm của Hạm Trưởng Vũ Hữu San cùng sự quả cảm, gan dạ của Thủy Thủ Ðoàn, HQ-4 đã xứng đáng mang danh Khu Trục Hạm. Ngay sau khi nhận được lệnh tác xạ vào tàu địch, hai khẩu đại bác 76.2 ly đã khai hỏa chính xác trúng ngay tàu địch lúc đó chỉ cách khoảng 1.600 yards. Chỉ trong vòng vài phút đầu, chiếc Kronstadt 271 đã bị bắn cháy không còn khả năng tác chiến. Có nguồn tin nói rằng chiếc tàu này sau đó phát nổ và đã bị chìm. Nhưng cũng như những Chiến Hạm Ðồng Ðội khác, HQ-4 là một mục tiêu khá lớn cho tàu địch nên cũng bị trúng nhiều vết đạn, nhưng các máy móc chính, nhất là hệ thống truyền tin vẫn trong tình trạng khiển dụng tốt. Ðặc biệt, Trung Tá San cho biết vì HQ-4 là một Chiến Hạm khá lớn có nhiều tầng nên được trang bị một hệ thống quạt hút khổng lồ để các từng bên dưới bớt nóng. Khi tác chiến, một viên đạn địch khi phát nổ đã thổi bay hệ thống quạt hút khổng lồ này. Tuy nhiên, những thiệt hại của HQ-4 được coi là nhỏ so với các Chiến Hạm bạn khác và vẫn còn khả năng tác chiến.

Trên Soái Hạm HQ-5, khi lệnh tác chiến được ban hành, các ổ súng nổ dòn đã hướng về tàu địch. Trong lúc tác chiến, Hạm Trưởng, Hải Quân Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh, lo việc vận chuyển Chiến Hạm để vào vị trí tác xạ hữu hiệu nhất cũng như để tránh các vùng san hô, đá ngầm nguy hiểm trong khi Hạm Phó và Sĩ Quan Hải Pháo lo việc chỉ huy tác chiến. Mục tiêu của HQ-5 là chiếc Kronstadt mang số 274 mặc dầu chống trả mãnh liệt nhưng bị hư hại nặng vì trúng nhiều đạn 40 ly và 20 ly nên bị loại ra khỏi vòng chiến. Ðể dễ bề lẩn tránh, tàu địch phun ra một màn khói ngụy trang khiến HQ-5 khó nhận biết chính xác mục tiêu. Tuy nhiên, bị trúng đạn quá nặng, chiếc Kronstadt này bắt buộc phải ủi vô bờ san hô phía Nam Ðảo Quang Hòa để tránh bị chìm. Tuy đã loại được đối thủ, nhưng tình trạng tác chiến của HQ-5 cũng không mấy khả quan. Tới khoảng 10 giờ 50 sáng tức là vào phút thứ 25 của trận chiến, tất cả các ổ súng lớn trên Chiến Hạm đều bị trở ngại tác xạ không bắn được, ngoại trừ khẩu đại bác 40 ly bên Tả Chiến Hạm do Thượng Sĩ Tài làm Trưởng Khẩu. Như vậy, nguyên hông phải của Chiến Hạm không còn trọng pháo để bảo vệ. Nguy hiểm hơn nữa, các chiến hạm còn lại của Trung Cộng tập trung lực lượng nhắm vào HQ-5 như để trả thù cho đồng bạn. Tuy bị bao vây và bắt đầu bị trúng nhiều đạn địch, khẩu đại bác 40 ly độc nhất còn lại phản pháo ác liệt khiến địch phải chùn lại.

Trung Tá San cho biết cũng trong lúc đó, các Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa quan sát thấy có bốn lượng sóng lớn trắng xóa đang tiến tới từ hướng Ðông Bắc với vận tốc rất nhanh và có tin các Phi Tiền Đỉnh loại Komar và Hộ Tống Hạm của địch đang trên đường đến tiếp viện. Trước tình thế bất lợi, vả lại các chiến hạm chính của địch tham chiến cũng đã bị hư hại, Ðại Tá Hà Văn Ngạc, Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật đã sáng suốt ra lệnh cho các Chiến Hạm Việt Nam Cộng Hòa rời vùng giao tranh để bảo toàn lực lượng.
Khi rời khỏi vùng giao tranh vào khoảng 11 giờ sáng ngày 19.1, Hải Ðội Việt Nam Cộng Hòa cũng chia làm hai cánh. HQ-16 vì hoạt động ở khu phía Bắc và đã bị thiệt hại khá nặng có nguy cơ bị chìm nên đã đổi đường ngược lên phía Bắc, hướng về Ðảo Hoàng Sa rồi sau đó di chuyển về hướng Tây nhắm về Ðà Nẵng. Trong khi đó Phân Ðội Nam gồm HQ-4 và HQ-5 hải hành về hướng Ðông Nam. Phía Trung Cộng cũng không còn sức để đuổi theo vì tất cả các chiến hạm tham chiến đấu đã bị chìm hay lên cạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét