Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Tư bản đỏ

Gs Nguyễn Hữu Chi (Danlambao) -
 Kính thưa quý vị, Kính thưa quý thân hữu, Theo Các-Mác, chế độ tư bản tự phát triển, và dần dần đi tới giai đoạn “tư bản tập trung” trong tay một nhóm thiểu số. Tới thời điểm “tư bản giãy chết”, giai cấp tư bản càng ngày càng thu hẹp và càng ngày càng tàn bạo. Trong khi đó, giai cấp thợ thuyền càng ngày càng đông, và càng ngày càng khổ cực, nên có đủ sức và đủ quyết tâm vùng lên lật đổ chế độ tư bản bóc lột.

Đó là nhận định theo lý thuyết của Các-Mác. Nhưng trên thực tế thì không vậy. Thực ra, chế độ tư bản Âu Mỹ (“tư bản xanh”) dựa trên tự do dân chủ, nên rất uyển chuyển, biết thích ứng kịp thời khi rơi vào khủng hoảng kinh tế hoặc chính trị. Nhờ vậy thời điểm tư bản xanh “giãy chết” khó mà đoán mò ra được. Trái lại, chế độ tư bản đỏ dựa trên một hệ thống cứng rắn “thẳng tay bóc lột” thì lại là một vấn đề cần phải xét một cách chín chắn. Vì vậy diễn tiến tư bản đỏ đi tới thời điểm “giãy chết” khác một chút. 

Trước hết, ta có thể nhận thấy chế độ tư bản đỏ giản dị hơn chế độ tư bản xanh về ba phương diện. 

(1) Chế độ tư bản đỏ tập trung quyền lực và sức mạnh kinh tế trong tay giới lãnh đạo. Trái lại, chế độ tư bản xanh lại dựa trên nguyên tắc tản quyền. Vì thế mới có vụ cạnh tranh giữa các thành phần có thế lực trong xã hội: các nhóm tài phiệt phải tranh giành lẫn nhau, ngoài ra còn phải cạnh tranh với các nhóm xã hội và các khuynh hướng chính trị khác nhau; các tổ chức trong chính quyền cũng phải cạnh tranh với nhau; trong khi đó, báo chí tranh giành độc giả và thính giả trong nhiệm vụ thông báo cho quần chúng, và hướng dẫn quần chúng để biết đâu là sự thật, đâu là bịp bợm, v.v.. 

(2) Khác với chế độ tư bản xanh, chế độ tư bản đỏ nắm độc quyền sản xuất, độc quyền bóc lột sức lao động của toàn dân. Nếu sản xuất không đủ chi dùng, thì tạo ra một chương trình bóc lột đại quy mô mà không cần để ý tới những điều dân than, dân oán (“bóp đá thành đất, thay trời làm mưa”). Nếu cần tiền thêm, thì đi vay ngoại quốc để thế hệ con cái nhân dân gánh nợ. Nếu vay không đủ, thì bán đất hương hỏa cho ngoại bang, v.v.. Nói tóm lại, không một chế độ tư bản xanh nào mà có thể thì hành chính sách bất nhân, bất nghĩa như vậy! 

(3) Chế độ tư bản xanh được xây dựng trên chữ “tín”. Trái lại, chế độ tư bản đỏ lập ra trên căn bản “bạo tàn” – dùng bất cứ phương tiện nào cũng được, cố làm sao cho tới mục đích là chính -- lừa thầy, phản bạn, ăn gian nói dối với dân trắng trợn cũng coi là những phương sách cần thiết. 

Để hiểu rõ về chế độ tư bản đỏ và diễn tiến “giãy chết” như thế nào, tôi xin tạm thời phân tách 5 thành phần trong xã hội như sau: 

(1) Nhóm cán bộ tài phiệt lãnh đạo chế độ, nắm toàn quyền kinh tế và sinh sát trong tay. Ngồi trên đỉnh cao quyền lực, những tên này cũng ý thức được tình trạng tối nguy hiểm đến tính mạng, nên cố gắng vơ vét và tìm cách trốn chạy khi “sơn hà nguy biến” bằng cách (1) Gửi tiền ngân hàng ngoại quốc; (2) Cho con cái đi du học Âu Mỹ để lập hậu cứ an toàn; (3) Kiếm một tên Việt kiều lơ ngơ nào đó làm con dâu hoặc con rể cho những đứa con không đủ trình độ vào đại học. Đó là những lối chạy cửa hậu, vừa thơm, vừa ngon. 

(2) Nhóm cán bộ trung lưu sống dựa vào chế độ, nên đời sống tương đối khá dư dả. Tuy nhiên vì không có thế lực “chân trong” (không có nhiều quyền, nhiều bổng lộc), nên không tích cực bảo vệ chế độ như nhóm lãnh đạo chóp bu. Vì thế nhóm này dễ bị chao đảo khi thấy “nồi cơm” của mình có thể bị nhân dân nổi lên đạp vỡ. Trong lòng cũng muốn “nhảy lên bàn độc” để cứu vãn tình thế (và nồi cơm của mình). Thấy “mấy thằng chết tiệt đó dám coi thường ông”, thì cũng bực mình lắm chứ! Nhất là mấy thằng đó “làm ăn không ra thể thống gì, làm cho ông bị vạ lây”. 

(3) Nhóm cán bộ khuyển mã bảo vệ chế độ. Đó là nhóm “Còn Đảng Còn Mình”. Vì chỉ có cái mình mà không có cái đầu suy nghĩ, nên khi thấy “Đảng mất” không biết vội vàng trở cờ ngay để cứu mạng sống. Thế là “dao con chó” ở miền Nam, và “dao găm” ở miền Bắc, có dịp tung hoành như “vào chỗ không người”. “Mất Đảng” tạo ra cảnh “Mất Mình” một cách lãng nhách. 

(4) Nhóm dân nghèo thành thị -- thợ thuyền, tiểu công chức, tiểu thương gia -- sống một đời sống vất vưởng vừa đủ ăn, hàng ngày bị quan chức thối nát bóc lột. Sống và làm ăn trong đống rác thối nát cũng hận trong lòng lắm chứ. Tuy nhiên, họ vẫn còn phải “suy hơn tính thiệt, để xem ngã ngũ ra làm sao” mới dám hành động. Khi thấy đã “ngã ngũ” rồi, thì hàng ngàn người kéo nhau ra chào mừng những chiến sĩ tranh đấu bằng dao găm hoặc dao con chó cho Tự Do, Dân Chủ. 

(5) Nhóm bần cùng sinh sống trong khu nhà lá tối tăm ở thành phố, hay trong vùng bùn lầy nước đọng ở nông thôn, thường bị các tài phiệt dựa vào quyền lực quốc gia, cướp nhà, cướp đất để kinh doanh. Nhóm lửa cách mạng phụt bừng lên từ chỗ này. Đến lúc đó, “Bác” có sống lại cũng không cứu nổi các “cháu hư” của Bác. 

Nói tóm lại, hồi kết của chế độ Tư Bản Xanh vẫn còn mù mịt. Nhưng cảnh tượng Tư Bản Đỏ giải thể ra làm sao thì ai cũng biết khi nhìn nhân dân Đông Âu nổi lên đuổi các “chiến sĩ anh hùng” chạy dài về tới Mút-Cu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét