"Những người mắc bệnh phong cám ơn Đảng và Bác Hồ đã
mang đến cho chúng tôi mùa xuân chan chứa tình người"
Bỏ bệnh nhân ăn thịt sống?
Một số y tá hiện đang trực tiếp làm việc tại Khoa Điều Trị Nội Trú – Trung
tâm Da Liễu Hà Đông (trụ sở tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) phản ánh
về tình trạng 21 bệnh nhân bệnh nhân mắc bệnh phong, bị tàn phế nặng đã bị các
hộ lý của Khoa ngược đãi một cách thậm tệ?.
Trao đổi với phóng viên, chị T. T. B, y tá Khoa điều trị nội trú cho biết:
“Khoảng 9h40 phút ngày 4/5/2012 khi tôi đi thăm khám cho 20 bệnh nhân mắc bệnh
phong, thuộc loại tàn phế nặng của khoa, số bệnh nhân này thuộc diện chăm sóc
hoàn toàn thì phát hiện thấy bệnh nhân kêu khóc vì không có cơm ăn.
Tìm hiểu sự việc, tôi mới phát hiện số bệnh nhân này sáng 4/5 được các hộ
lý của khoa phát cho mỗi người: Một suất gạo đủ dùng trong hai bữa trưa và tối,
4 đến 5 miếng thịt sống, một ít rau để bệnh nhân tự xoay sở với lý do hết chất
đốt, họ không thể đun nấu được.
Trước tình trạng đó, tôi đã báo cáo sự việc với ông Vũ Văn Trình, PGĐ trung
tâm Da Liễu Hà Đông, người trực tiếp quản lý Khoa điều trị nội trú thì ông Trình
trả lời rằng: “Tôi không cần biết, cô đi mà báo cáo với những người ở trên… Ngày
mai cũng có thể sẽ như thế này nữa…?”.
Sự việc này cũng được Y sĩ P. T. T, hiện đang công tác tại Khoa điều trị
nội trú – Trung tâm Da Liễu Hà Đông xác nhận.
Theo điều tra của phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam: Trụ sở của Khoa
điều trị nội trú – Trung tâm Da Liễu Hà Đông có tổng cộng 90 bệnh nhân phong
đang được điều trị. Trong đó, 70 bệnh nhân phong còn khả năng tự sinh hoạt được
phân sang một khu; 20 bệnh nhân không còn khả năng tự sinh hoạt, thuộc diện được
chăm sóc hoàn toàn phân sang một khu riêng để tiện cho quá trình chăm sóc và
điều trị.
Trao đổi với PV, cụ Vũ Thị Bớt (89 tuổi, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP
Hà Nội) nghẹn ngào: “Khổ lắm các chú à! nhiều lúc nghĩ sao thấy số phận của mình
bất hạnh quá. Tôi bị mắc căn bệnh phong quái ác này từ những năm 1960, đến năm
1969, khi bệnh tình có dấu hiệu nặng tôi được chuyển về Khoa điều trị nội trú –
Trung tâm Da Liễu Hà Đông để điều trị theo tiêu chuẩn của nhà nước cho đến
nay.
Cũng vì mắc phải căn bệnh quái ác này, nên cái ước muốn được cưới chồng rồi
sinh con đẻ cái đã trở thành một điều gì đó quá xa vời, nhiều lúc nghĩ thấy tủi
thân, ứa nước mắt. Nhất là những lúc ốm đau, không có ai bên cạnh, một mình vật
lộn với cơn đau, không biết kêu ai đành phải cắn răng chịu đựng. Những lúc đó,
tôi chỉ ước ao dù chỉ có một người thân ở bên cạnh, chăm sóc, an ủi
thôi!”.
Về sự việc sáng ngày 4/5, cụ Bớt chua xót nói: “Sáng 4/5, tôi được các hộ
lý mang đến phòng cho một phần gạo đủ nấu hai bữa sáng, chiều, một vài miếng
thịt sống cùng một ít rau. Thấy lạ, vì bình thường đến giờ ăn trưa các cô ấy
thường mang đồ ăn đã nấu sẵn đến cho chúng tôi, nhưng hôm nay lại toàn là đồ
sống, nên tôi hỏi thì các cô ấy trả lời hết ga rồi không nấu được, nên phát đồ
sống cho chúng tôi, làm thế nào thì tùy.
Các chú thấy đó, tay chân tôi bị “ăn” hết thế này thì có còn đủ khả năng tự
sinh hoạt đâu, vậy mà các cô ấy lại có hành động như vậy. Do không biết làm thế
nào, sáng nay tôi đành nhờ người pha cho gói mì tôm ăn tạm và nhịn đói đên
tối…”.
Bón cơm bằng cách dùng thìa chọc vào miệng?
Còn cụ Nguyễn Văn Rộng (SN 1935, ở Phú Xuyên, TP Hà Nội) thều thào: “Từ khi
biết mình mắc phải căn bệnh này, tôi đã không còn nghĩ đến chuyện tìm cho mình
một mái ấm nữa, bởi vì như vậy không chỉ có tôi bất hạnh mà người tôi yêu sẽ còn
đau đớn hơn. Tôi vào điều trị tại Khoa điều trị nội trú – Trung tâm Da Liễu Hà
Đông này từ năm 1999 đến nay cũng đã mười mấy năm nhưng chưa bao giờ bị đối xử
như những gì mà các hộ lý tại đây đã làm vào ngày 4/5 khi phát cho bệnh nhân
chúng tôi gạo, thịt sống và rau trong khi họ thừa biết tôi cũng như 19 bệnh nhân
trong diện được chăm sóc hoàn toàn không có khả năng tự sinh hoạt”.
Thậm chí khi tôi bị ốm được những bệnh nhân khác đưa lên bệnh xá của khoa
để điều trị thì các hộ lý trực cũng bỏ mặc chẳng ngó ngàng gì. Trong suốt 20
ngày nằm điều trị tại bệnh xá nằm trong khuôn viên Khoa điều trị nội trú –Trung
tâm Da Liễu Hà Đông, các hộ lý không hề nấu ăn cho tôi, không tắm rửa, thay quần
áo cho tôi dù chỉ một lần.
Tôi đành phải thuê hai bệnh nhân khỏe mạnh khác trong khoa nấu ăn và tắm
rửa cho tôi. Thậm chí bệnh tình tôi như thế, thuốc men cũng không được phát,
thấy lạ tôi hỏi thì một hộ lý bảo thuốc để trong tủ không có chìa khóa nên không
mở được. Cho đến khi một số y tá trong khoa phát hiện ra nhắc nhở hộ lý họ mới
nấu ăn cho tôi, tuy vậy về cung cách phục vụ của họ tôi không thể nào chấp nhận
được. Thức ăn họ nấu cho tôi nhiều khi còn sống, không thể ăn được, khi bón cơm
cho tôi, một số hộ lý dùng thìa thọc thẳng vào mồm tôi…”.
Theo ghi nhận trực tiếp của PV tại phòng của 21 bệnh nhân này, phần gạo
cùng những thực phẩm sống như thịt và rau do các hộ lý phát sáng ngày 4/5 cho
đến ngày 5/5 vẫn còn nguyên, để ở một góc do bệnh nhân không biết làm cách nào
để nấu nướng. Rất nhiều người trong số 21 bệnh nhân này đã phải nhịn đói, kêu
khóc, cầu cứu tới một vài người còn có trách nhiệm tại đây như Y tá Trần Thị
Bắc, Y sĩ Phạm Thị Thủy.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo trung
tâm Da liễu Hà Đông khi đó đã xác nhận thông tin bệnh nhân phong bị bỏ đói và
“ép” ăn thịt sống là đúng sự thật.
Liên quan đến sự việc này, theo dự kiến đúng 14h hôm nay (9/5) phóng viên
sẽ có buổi làm việc với ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội để
có thông tin chính xác trong vụ việc này để cung cấp thông tin đến bạn
đọc.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc
này….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét