Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Gần 300 nông dân đối đầu cả ngàn công an

Chống cưỡng chế đất ở Vụ Bản, Nam Ðịnh
NAM ÐỊNH (NV) - Khoảng 300 nông dân, ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh, đã đối đầu với lực lượng cưỡng chế “đông cả ngàn người,” trong vụ chống cưỡng chế đất vào sáng 9 tháng 5.


Nhiều nông dân chít khăn tang chờ lực lượng cưỡng chế đất. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)
 Vụ cưỡng chế nhằm lấy 160 héc ta đất ruộng của ba xã Kim Thái, Liên Bảo, Liên Minh làm Khu công nghiệp Bảo Minh do Tập đoàn Dệt may Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo những người nông dân, họ bị ép để lấy đất và không chấp nhận số tiền đền bù “trái pháp luật.”
Ông Bùi Quang Tiếp, một nông dân bị cưỡng chế đất, tường thuật với báo Người Việt rằng: “Họ (lực lượng cưỡng chế) đông cả ngàn người, có cả bộ đội, công an, hai xe bọc thép tràn vào khu đất trên cánh đồng.”
“Họ dùng lá chắn ép dân, đánh dân bằng dùi cui, khắp nơi vang lên tiếng gào khóc, nhiều phụ nữ chứng kiến cảnh tượng hãi hùng đã ngất xỉu.”
Vẫn theo lời ông Tiếp nói với Người Việt, “họ bắt đi 3 người đàn ông, 1 phụ nữ bị đánh ngất xỉu phải đưa đi bệnh viện.”
Từng đi bộ đội “chống Tàu” vào năm 1985, nhưng ông Tiếp tâm sự rằng, đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng hãi hùng như vậy”
Cho đến khoảng 9 giờ sáng, theo lời ông Tiếp, tất cả những các nông dân hoàn toàn bị ép ra khỏi khu đất cưỡng chế và bất lực đứng nhìn đất đai của mình bị cướp mất.
“Chúng tôi chằng có vũ khí gì trong tay, ngoài vài dụng cụ nhà nông và gạch đá, làm sao chống lại họ?” Ông Tiếp kể.
Trong khi đó, một phụ nữ tên Lan, kể với Người Việt rằng bà không còn từ ngữ nào để mô tả về “sự dã man mà nhà cầm quyền đối xử với những người nông dân chân lấm tay bùn.”
“Chúng tôi chỉ biết khóc và đứng nhìn người ta lấy mất đất đai cơ nghiệp của mình.” Bà Lan nói.
Trước đó, theo trang blog Nguyễn Xuân Diện, nhiều phụ nữ, trong số gần ba trăm nông dân, đã chít khăn tang trắng trên đầu vào hôm 8 tháng 5 để chống cưỡng chế đất.
Họ dựng lều canh thức suốt đêm 8 tháng 5, và đợi lực lượng cưỡng chế vào sáng 9 tháng 5.
Theo tường thuật của blog Nguyễn Xuân Diện, thì công an huyện, dân phòng, công an xã... tất cả đều mặc thường phục đang tập trung về khu vực gần nơi sẽ cưỡng chế vào sáng 9 tháng 5. “Cuộc cưỡng chế sẽ có cả quân đội tham gia, và kiêm cả việc phòng cháy chữa cháy tại hiện trường.”
“Khoảng 100 cái rào sắt đã được chở về từ chiều, tập kết ngay gần đó. Nghe đồn, ngoài chó nghiệp vụ, chủ đầu tư thuê cả xe cứu hỏa từ Nam Ðịnh về Vụ Bản, và còn thuê cả lực lượng công binh dò mìn...”
Trong khi cưỡng chế, theo trang blog Nguyễn Xuân Diện, “công an giật cờ, phá lều của bà con. Có khoảng 250 công an cả nam lẫn nữ và cảnh sát cơ động được trang bị súng.”
Hình ảnh cho thấy trong số nông dân có rất nhiều phụ nữ. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)
 
* Cướp đất trắng trợn
“Bị ép, bị lừa để cướp đất,” là lời ông Bùi Quang Tiếp khi nói về đất đai của mình bị nhà cầm quyền tìm cách tước đoạt.
Gia đình ông Tiếp với 6 người, có hơn 6 sào ruộng (mỗi sào 360 m2) và được đền bù 11 triệu 500 ngàn đồng một sào. Nếu bị lấy hết đất, ông sẽ được khoảng 70 triệu đồng (3,500 đô la) nhưng trên thực tế, với giá thị trường thì nó gấp 5 lần.
Gia đình ông Tiếp chỉ là một trong số 988 gia đình đã bị nhà cầm quyền ra quyết định “thu hồi” hơn 165 ha đất để giao cho công ty Vinatex xây dựng khu công nghệ “Bảo Minh.”
Phần lớn là đất nông nghiệp “hạng nhất” có sản lượng cao 6 tới 7 tấn lúa một ha được gọi là “bờ xôi ruộng mật” tại Việt Nam. Khu vực bị thu hồi cách thành phố Nam Ðịnh khoảng 10km dọc theo quốc lộ 10 giữa Nam Ðịnh và Ninh Bình.
Một bức thư dài 8 trang giấy đánh máy của bà Vũ Thị Thinh, đại diện cho một gia đình dân oan gửi cho ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong đó, bà tố cáo những khuất tất, sai luật của một vụ “thu hồi” và đền bù kiểu cướp ngày.
Tiền đền bù ban đầu được ấn định chỉ có 27,000 đồng/m2 dù chưa có “quyết định thu hồi đất” năm 2007. Sau những chống cự quyết liệt của nhiều gia đình liên tiếp đến năm ngoái, tiền đền bù được nâng lên thành 60,000 đồng/m2 trong khi nhà đầu tư sẽ bán lại với giá 6 triệu đồng/m2, tức cao gấp 100 lần.
Nhà cầm quyền từ huyện đến tỉnh đã áp dụng nhiều thủ đoạn khác nhau từ đe dọa đến dùng côn đồ trấn áp.
Ðể có thể tiến hành được dự án, nhà cầm quyền tỉnh Nam Ðịnh đã huy động không những công an mà cả quân đội đến để đàn áp cưỡng chế, như lần diễn ra vào đêm 20 tháng 12, 2010. Một số nông dân đã bị bắt và kết án tù.
Hiện nay “vẫn còn 111 hộ dân kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Hơn 4 năm qua, người dân 3 xã Vụ Bản đã gửi rất nhiều đơn thư đến tất cả các cấp từ địa phương đến trung ương nhưng đều không được giải quyết. (KN)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét