Trần Khải Thanh Thủy
I- Từ việc coi thường tính mạng của người dân
Dân chúng xã Tân Lập kéo đến UBND xã đòi người |
Ngày 12/3/2012, bỗng dưng 40 thanh niên của xã Tự Lập, huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội bị công an xã bắt không rõ lý do, không thông qua gia đình cũng như không lập biên bản bắt người, cứ muốn bắt là tràn vào làng để bắt. Một số thanh niên khi ấy còn đang hì hụi làm cỏ, bỏ phân hoặc chăn trâu cắt cỏ trên đồng cũng lập tức bị lôi lên bờ tra tay vào còng.
Cả buổi chiều rồi buổi tối, gia đình, người thân chờ mãi không thấy liền nhà nọ tìm đến nhà kia, quyết dò cho rõ ngọn nguồn lạch sông. 9 giờ rồi 10 giờ đêm không thấy ai về, tất cả hàng trăm con người kéo lên ủy ban nhân dân xã để đòi người, mà chủ tịch như điếc như câm, không biết không bàn, không nói cũng không cho hỏi lôi thôi.
Bực mình vì cách làm việc của chính quyền xã mà đại diện là ông Dương Văn Nhạn, Chủ tịch UBND xã Tự Lập, tất cả hàng trăm con người cùng la lối gào thét (*):
- Trả con tôi đây, con tôi có tội tình gì?
- Các người cậy có chức có quyền định bắt nạt dân đen chúng tôi hả?
- Cứ cho là chúng nó trẻ người non dạ nên đánh nhau đi nhưng tại sao không bắt những kẻ đầu têu phá bĩnh, những kẻ qúa khích ở thôn Bạch Trữ xã Tiến Thắng lại bắt người bị hại là con em chúng tôi hả?
- Thả người ra, tại sao khi bắt thì thông qua chính quyền xã mà khi hỏi lại bảo không biết, bắt lên huyện mà hỏi? Huyện có liên quan gì đến đây. Là chủ tịch ủy ban nhân dân xã ông phải có trách nhiệm chứ?
Cứ thế suốt 3 tiếng đồng hồ, sự phấn kích ngày càng lan tỏa, cuối cùng như nước vỡ bờ, một tiếng nói cất lên:
-Không nhiều lời với lũ sâu mọt ăn trên ngồi trốc nữa, chính quyền này của ai hả? Tất cả trụ sở ủy ban này, nhà ông ta đang xây đều là thuế má của dân đóng góp, là mồ hôi công sức của chúng ta gây dựng nên, không thả người thì phá đi bà con ơi.
- Đúng đấy, phá đi cho chúng nó biết thế nào là lòng dân. Không thể cứ bóp hầu bóp họng dân mãi được.
-Bọn này khốn nạn lắm, đánh bắt quen tay rồi, từ trước đến nay có ai vào trụ sở công an mà ra về lành lặn đâu? Không bẹp phổi cũng sưng gan, không tím tái chân tay cũng tối đen mặt mũi lại, phải phá tan trụ sở cho chúng nó chừa cái thói cậy quyền cậy thế bắt người dân đi...
Một bảo hai, hai bảo năm, năm bảo mười, đầu tiên chỉ là những viên gạch, hòn đá ném vào các ô cửa kính bóng lộn, cuối cùng cơn phấn kích dâng cao khi một trong 40 người được thả về cho biết đã bị giải lên công an huyện Mê Linh, bị đánh đập, ép cung tàn nhẫn nên nhiều người phải nhập viện vẫn chưa được về. Số ít được thả thì người bị đánh tím tay, người thủng màng nhĩ, người tím bầm ở mắt do bị đấm v.v...
Không còn gì để mất, vốn quý nhất là mạng người cũng bị xâm phạm nghiêm trọng hết lần này lần khác. Tất cả ùa vào trụ sở đập nát mọi thứ, xô đổ bàn ghế, xé nát các băng rôn khẩu hiệu, đập vỡ cửa kính. Ngay cả cầu thang vốn được bê tông hóa cũng bị người dân đập bỏ không thương tiếc. Bất kể các loài hoa, cây cảnh quý giá hàng chục triệu đồng cũng bị đạp đổ ngả nghiêng hoặc lăn long lóc dưới chân đoàn người uất hận, căm hờn.
Bóng tối như nung nấu thêm các hành động căm thù bức xúc của bà con... Khi phát hiện ra phòng làm việc của trưởng công an xã đang khóa, tất cả ùa tới lấy gạch, đá, xà beng đập tung chốt khóa tràn vào, bao nhiêu máy móc trang bị, từ điện thoại, computer, bàn ghế, giấy tờ, quạt bàn, đập hết, phá nát.
Các phòng làm việc dù được khóa cửa nhưng cửa kính bị phá ghế nằm ngổn ngang trên hành lang UBND xã Tự Lập |
Chưa hả giận, mấy trăm con người cùng kéo về nhà chủ tịch xã Dương văn Nhạn đập phá nốt. Bao nhiêu vật dụng trong nhà bị đốt cháy, chậu cây cảnh bị lôi xuống vứt ngổn ngang. Vừa làm vừa hò reo, náo loạn khiến toàn thể gia đình Chủ tịch xã phải cao chạy xa bay
Trưa 13-3, tất cả chỉ còn là quang cảnh đổ nát hoang tàn, từ trụ sở UBND xã, đến trụ sở công an và nhà riêng của Chủ tịch xã
II Thay cho lời kết :
Từ bao đời nay, người dân Việt Nam vốn nổi tiếng là cần cù chịu khó, chân chỉ, hạt bột, trong giao tiếp luôn lấy câu cửa miệng của ông bà để lại để tự răn mình: “một sự nhịn là chín sự lành”. Họ sẵn sàng nhường nhịn, chịu đựng, và luôn tìm cớ để biện hộ cho hành vi nhịn, nhục của mình. Sự nhường nhịn dường như đã thành bản chất cố hữu, thành phép tắc căn bản trong ứng xử riêng của mỗi người. Thậm chí cao hơn sự nhường nhịn là chịu đựng. Chịu đựng để giữ lấy nếp nhà, để không vì việc nhỏ mà hỏng việc lớn, để không vì chuyện của mình mà phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp với hàng xóm, với lãnh đạo xóm, thôn v.v... Chịu đựng, theo suy nghĩ đơn giản, thô mộc của họ - là cái gốc của điều thiện, là sự chia sẻ với những khó khăn của làng nước, cao hơn nữa là cấp xã, huyện tỉnh, trung ương. Sự chịu đựng của họ bao nhiêu năm qua, đặc biệt trong thời kỳ gọi là “chống Mỹ, cứu nước” cũng như xây dựng, kiến thiết trong thời bình đã chứng tỏ họ là những con người thật sự cao cả, biết hy sinh, sẵn sàng bỏ qua những sai lầm của lãnh đạo đảng và nhà nước để luôn tin tưởng vào các chính sách của chính phủ ban hành, từ thuế má, ruộng đất, chế độ v.v .
Song con giun xéo mãi cũng phải quằn, kể từ khi đời dân có đảng là đồng nghĩa với đời dân ... đáng cỏ ... hoặc đáng ... củ (!) Khi đảng hô “lấy dân làm gốc”, thì gốc nào có củ to được đảng tận dụng triệt để, moi hết củ rồi, dân chỉ còn trơ gốc, lại tiếp tục cặm cụi một nắng, hai sương, bỏ phân, nhổ cỏ, chờ vụ mùa mới tốt tươi, ra hoa, tạo củ, mời đảng xơi... Cả trăm nghìn cán bộ ngồi trên đầu dân, bòn rút công sức của dân qua hàng chục thứ thuế. Từ nông nghiệp, cầu đường, thuỷ lợi, giao thông, phụ nữ, thanh niên... đủ hết. Vậy mà vẫn không yên, giấc mơ từ chiến trường trở về với mái nhà, luống cày của mình, ngày ngày chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa, đã vĩnh viễn không còn là hiện thực...
Để thực hiện chính sách cai trị ác độc của mình, đảng đã ra cả một chiến dịch cướp đất, xúc dân để bán lại cho các ông chủ người Tàu, Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản v.v với giá đền bù vô cùng rẻ mạt... một mét đất đồng bằng châu thổ, bờ xôi ruộng mật đổi bằng một bát phở (30.000 VND) còn miền núi, trung du (Hoà Bình, Lâm Đồng) đổi bằng vài chiếc bánh mì (5.000 VND)... Trong khi đại bộ phận nông dân nghèo đi, thì tầng lớp cán bộ xã lại giàu lên trông thấy, vì hiện tượng đục nước bèo cò, té nước theo mưa, dậu đổ bìm leo, cố tình vào hùa với cái ác, cái xấu, cái sai của tầng lớp lãnh đạo đảng, lãnh đạo trung ương để mua rẻ, bán đắt, cướp trắng của bà con hàng nghìn ha đất (bên cạnh những ha đất bị tịch thu trong diện quy hoạch, giải toả) đã thế lại cậy quyền cậy thế hống hách, bắt nạt. Đã “ghế cao ngồi tót sỗ sàng” rồi, ngồi từ năm này sang năm khác, càng ngồi lâu thì mức độ ăn hại, đái nát càng lòi ra. Thay vì đề ra những đối sách có lợi cho dân, những chính sách phù hợp lòng dân thì họ lại coi dân như kẻ thù, như những kẻ cần phải bị nô lệ hóa, cần bắt cứ bắt, cần đánh cứ đánh, đánh đến mức thân tàn, lực kiệt cũng không một lời xin lỗi, một đồng đền bù... Thế là uất hận nổi lên, không còn gì để mất, cả trăm người dân cùng vùng lên với tất cả sức mạnh tiềm tàng, quật khởi của mình, để dạy cho lũ đầu trâu, mặt ngựa từ thôn, xã đến trung ương một bài học nhớ đời, bất chấp sự nguy hiểm đang đe dọa tính mạng mình cùng con em mình.
Máy móc đồ đạc trong văn phòng của Trưởng CA xã bị đập nát |
Cái gì phải đến sẽ đến. Người xưa dạy: “Giặc giã là ai, giặc giã là dân đấy, nuôi dân không đủ thì dân thành giặc”. Người nông dân Việt Nam với bản tính cần cù, đảm lược, không cần đảng và nhà nước nuôi họ mà ngược lại, bản thân họ phải è cổ nuôi cả một bộ máy cồng kềnh, ăn hại của đảng và nhà nước, chínhlà bọn cường hào xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao nhiêu năm nay rồi. Cái thời lấy dân làm gốc, làm củ đã qua rồi, lòng dân xã Tân Lập bị xéo mãi rồi, không thể quằn được nữa, đã vùng lên chống đảng và chính quyền với vũ khí thô sơ của mình là... lấy dân làm guốc, làm quả đấm, làm gạch đá chống lại dùi cui, roi gân bò, còng xích của công an đảng.
Tiếng súng Đoàn văn Vươn đã nổ, làm rạn nứt thành trì xã hội chủ nghĩa, nay lại đến tiếng hét của bà con xã Tự Lập... thử hỏi cứ với cách cai trị này thì đảng còn tồn tại được bao lâu? Hay câu nói của người xưa: “Phản dân là chết, sóng to, lũ lớn tràn bờ”, đã và đang thành hiện thực, dìm con thuyền “định hướng” cùng cả bè lũ giặc đảng xuống tận chín tầng đất đen, để độc lập, dân chủ - hoà bình và tự do mãi mở ra trên mảnh đất cằn cỗi, hoang hoá bao nhiêu năm vì độc tài, gian dối này.
Sacramento 16-3-2012
TKTT
(*) Theo lời kể của một số nhân chứng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét