Kami
-
-
“… tại sao áp lực cuộc sống đang đè nặng lên vai tầng lớp dân nghèo, là những người công nhân, nông dân, các cựu chiến binh, những người làm ăn chân chính sống dựa vào đồng lương hay lực lượng dân oan khổng lồ, mà sự bức xúc, phẫn uất của họ có thể ví như một quả bom nổ chậm nhưng không hề có phản ứng?”
Tôi rất thích câu “Lãnh tụ hay lãnh đạo, cũng như tã lót, cần phải được thay đổi thường xuyên, vì cùng một lý do!”, câu trên có nghĩa người lãnh đạo ở bất kỳ đâu nếu để tại vị lâu thì sẽ nhiều khiếm khuyết và dẫn đến có các hành xử bẩn thỉu trong công việc lẫ tư cách. Có lẽ vì thế mà nhiều quốc gia đã quy định rõ trong Hiến pháp của họ về kỳ hạn đảm trách chức vụ đối với các quan chức cấp cao, vì ta biết quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn tới sự tha hóa tuyệt đối. Đó là biện pháp phòng tránh và ngăn ngừa.
Với thể chế chính trị độc tài toàn trị như ở Việt nam hiện nay, thì chính quyền cũng như vậy, nghĩa là cũng cần phải có sự thay đổi. Bởi vì nếu một chính quyền nhà nước nào đó tự cho mình cái quyền độc quyền chính trị thì hậu quả sẽ dân tới sự tha hóa của các nhà lãnh đạo, bởi vì họ không chịu bất kỳ một cơ chế kiểm soát và điều chỉnh (check and balances) nào. Hậu quả là đất nước đó sẽ không cơ cơ hội phát triển hết khả năng và tiềm lực vốn có của mình có thể và thực tế đã minh chứng điều đó đang là sự thật.
Để giải quyết sự bất cập này, để thay thế các quan chức lãnh đạo cao cấp hay cả một chính quyền, ở các quốc gia tiến bộ theo chế độ chính trị tự do dân chủ điều này đã được giải quyết bằng các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, công khai và minh bạch có đa đảng tham gia mà, khi đó chính quyền sẽ do người dân tự lựa chọn thông qua lá phiếu bầu cử của mình. Đây là sự cạnh tranh chính trị lành lành mạnh để cử tri quyết định chọn những người lãnh đạo có tài để phụng sự cho mình và đất nước của họ. Dẫu biết rằng thể chế chính trị dân chủ tự do chưa phải là một thể chế chính trị hoàn hảo nhất, xong cho đến giờ phút này thì nó vẫn là cái thể chế chính trị tốt nhất so với các thể chế chính trị hiện có của xã hội loài người đồng thời đây cũng là cách tránh tình trạng xung đột chính trị giữa các phe phái trong một quốc gia.
Bản chất vốn dĩ của sinh vật nói chung và con người nói riêng là tính phản kháng đối với tự nhiên, bởi nhờ đặc tình này mà nó đã tồn tại và phát triển không ngừng. Nếu không có đặc tính phản kháng chắc chắn sinh vậy hay con người không thể tồn tại đến ngày hôm nay. Trong xã hội con người cũng thể, sự phản kháng muôn mặt kể cả sự phản kháng với chính quyền luôn là bản năng tiềm ẩn trong mỗi con người nó luôn luôn có khả năng bộc phát khi có cơ hội. Mọi sự bức xúc của con người nếu không được phép tự do giải tỏa thì tới một lúc nào đó nó sẽ bật tung như một cái lò xo, hay một nồi hơi bị hỏng van. Và hậu quả thế nào cũng hết sức khó lường trước, ví dụ chuyện ở Đài loan người ta có các cửa hàng cho khách hàng sử dụng dịch vụ trút sự giận dữ, bằng cách đập bát, đập đĩa và các vật dụng. Dịch vụ này khá phát đạt bởi số người mắc bệnh phản ứng với stress tăng lên trong một xã hội công nghiệp hóa ở Đài loan khá nhanh.
Lực lượng hậu thuẫn của các tổ chức chính trị khi được phát huy sẽ có tác dụng thế này
Ở xứ Đài loan giàu có, dân chủ, văn minh mà còn như vậy, thì chuyện số người mắc bệnh phản ứng với stress này ở xã hội Việt nam đang ở mức độ nào? Hình như chưa có một nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào đề cập cụ thể về tỷ lệ phản ứng của người dân Việt nam đối với chính quyền hiện tại. Khi mà toàn xã hội sống trong một chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề theo như lời của Giáo sư – Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tình trạng đó dẫn tới hậu quả tạo nên cách chính sách chính trị, kinh tế, xã hội hết sức bất cập, khiến giá cả tăng vọt làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của những người lao động chân chính. Đó là chưa nói đến khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng lớn. Vậy mà hình như tình hình chính trị xã hội Việt nam nhìn bề ngoài đến nay vẫn có vẻ ổn định, không biết có phải vì dân Việt nam đã quá quen chịu đựng, để rồi họ thờ ơ vô cảm hay không? Nếu không phải như vậy thì tại sao áp lực cuộc sống đang đè nặng lên vai tầng lớp dân nghèo, là những người công nhân, nông dân, các cựu chiến binh, những người làm ăn chân chính sống dựa vào đồng lương hay lực lượng dân oan khổng lồ, mà sự bức xúc, phẫn uất của họ có thể ví như một quả bom nổ chậm nhưng không hề có phản ứng?
Câu trả lời cho vấn đề ở Việt nam là có lẽ vì chưa có người (tổ chức) làm công việc châm ngòi nổ để tạo nên một hiệu ứng đám cháy lớn trên diện rộng, nhưng điều quan trọng hơn cả là hình như các chính đảng và tổ chức chính trị trong nước và hải ngoại chưa xác định được lực lượng nào sẽ hậu thuẫn cho chính đảng hay tổ chức của mình.
Nguyên tắc chung bắt buộc của các chính đảng hay tổ chức chính trị trong sự vận động để dân tới một sự thay đổi về chính quyền trong hoàn cảnh xã hội độc tài hay tự do dân chủ điều quan trọng là phải xác định lực lượng hậu thuẫn cho chính đảng của mình. Việc tính toán lựa chọn đó phải dựa trên lực lượng chiếm tỷ lệ số đông trong xã hội, vì một khi việc lựa chọn chính quyền thông qua việc bầu cử, thì khi bỏ phiếu thì ngài tỷ phú cũng chỉ bằng bà quét rác vì đều chỉ một lá phiếu bầu như nhau, do đó đích hướng tới thông minh nhất của mọi chính đảng nhằm tới sẽ là tầng lớp dân nghèo có thu nhập thấp. Vì lực lượng này đã nghèo do vậy sẽ luôn có mặc cảm chán ghét chính quyền và mong muốn có sự thay đổi bất kể tương lai sẽ tốt hay xấu.
Biết điều đó để thấy đó là trách nhiệm và thách thức của các tổ chức chính trị trong và ngoài nước phải nghiên cứu để đề ra các biện pháp hành động ngay, để sao cho phải tạo nên hiệu ứng nhất hô bá ứng, một người hô để vạn người đều hưởng ứng đồng lòng, đồng loạt làm theo, điều tưởng chừng đơn giản đó vậy mà cũng khó mà tìm ra. Bởi cần phải hiểu hành động của con người phải bắt đầu từ nhận thức của họ, chỉ khi nào người dân đã thức tỉnh, cộng với áp lực nhiều mặt của cuộc sống đè nặng lên họ thì khi đó sức mạnh của họ sẽ được nhân lên vô cùng lớn. Nhưng trên thực tế công việc này không được quan tâm thỏa đáng, bằng chứng là sự tuyên truyền vận động của các chính đảng hay tổ chức chính trị đối lập hoàn toàn dựa vào mạng internet. Xin hỏi đa số tầng lớp dân nghèo có thu nhập thấp là lực lượng chủ lực của mọi cuộc thay đổi chính quyền ở Việt nam hiện nay họ có điều kiện tiếp cận với các thông tin trên mạng internet hay không?
Tình trạng trên có lẽ vì chúng ta nhầm lẫn vai trò của truyền thông và vai trò của các tổ chức chính trị, nhiều người nghĩ các nhà báo, các bloggers phản biện chính quyền (phải) là những người hoạt động chính trị và chính trị gia thì cũng cần phải tập trung cho việc viết báo hay viết blog để tuyên truyền. Đó là những suy nghĩ hết sức sai lầm, nhà báo họ làm vai trò phản biện xã hội, cũng ví như sản xuất ra sản phẩm nhằm khai sáng dân trí, nhưng công việc phân phối các sản phẩm nói trên (truyền tải, đưa các thông tin) tới quần chúng thì là trách nhiệm của các tổ chức chính trị.
Vì với hiện tại các thông tin mang tính chất phản biện xã hội, nâng cao dân trí để người dân hiểu được quyền của họ và trách nhiệm của chính quyền ở góc độ mang tính đối lập mới dừng lại ở các chương trình radio (số lượng rất ít) và các trang mạng trên internet. Nó lại là những cái quá xa vời với những người nghèo vì họ không có khả năng và kỹ năng để tiếp cận, mà tầng lớp dân nghèo, dân oan họ cần các loại báo giấy, các bản photo copy nhỏ gọn để truyền tay nhau. Điều đó sao không thấy ai hay các tổ chức chính trị triển khai để làm, thử so với các điều kiện kỹ thuật hiện nay với các bản báo, tạp chí hay truyền đơn trên khuôn khắc gỗ bằng đá, in roneo, in typo ngày xưa của những người cộng sản họ đã từng làm ngày xưa và hiệu quả của nó cao tới mức nào. Ngay trong các nhà tù lớn những người cộng sản họ còn tìm mọi cách, mọi điều kiện để xuất bản báo bí mật để tuyên truyền cho nhau nhằm củng cố tinh thần?
Các tổ chức chính trị, các chính trị gia nghĩ gì về việc này?
Công việc này không khó, dễ làm vấn đề quan trọng là cần phải giữ được bí mật. Mỗi cơ sở trong nước của các tổ chức hỉ cần một máy tính, một máy in kèm photo copy với chi phí khoảng 400 $, mỗi ngày phát tán khoảng 100 -200 bản in lại các bài viết quan trọng, mang giá trị thông tin cao để quần chúng đọc và truyền tay nhau. Mỗi ngày một ít, nhiều ngày sẽ nhiều dần lên, công việc nếu tiến hành thường xuyên liên tục trong một vài năm sẽ mang lại hiệu quả vô cùng lớn. Ở Việt nam, muốn có sự thay đổi, muốn có cách mạng hoa Nhài hay hoa Cải thì đây có lẽ là biện pháp duy nhất có hiệu quả cao.
Trong xã hội có muôn vàn ngành nghề khác nhau, mỗi người mỗi nghề, mỗi người mỗi việc. Chỉ riêng trong vấn đề tổ chức đấu tranh chính trị đã có không ít các lĩnh vực, các vấn đề cần phải giải quyết. Mỗi lĩnh vực cần phải có các chuyên gia chuyên sâu vào vấn đề đó, người làm chính trị và và các nhà báo, blogger cũng vậy việc ai người đó làm để tạo nên tính chuyên nghiệp, đồng thời tránh tình trạng dẫm chân lên nhau. Đối với những người muốn tham gia hay hoạt động hay dấn thân làm công việc chính trị thì cũng vậy, cần phải có kiến thức hiểu biết về vấn đề khoa học chính trị, ai không (hoặc chưa) biết thì phải chịu khó dành thời gian để tìm hiểu, đọc các tài liệu, suy ngẫm để biến nó thành kiến thức của mình để áp dụng cho công việc mà mình theo đuổi cho đúng và đảm bảo tính khoa học. Tránh để xảy ra tình trạng như một số người không có kiến thức và hiểu biết về tổ chức đấu tranh chính trị, mượn việc làm chính trị nhằm khuếch trương tạo tiếng vang về tên tuổi của cá nhân mình, bằng những tuyên bố gây hiệu ứng sock và phản cảm cho dư luận, đây là một việc làm lợi bất cấp hại cần phải chấm dứt. Vì như thế vô tình tự họ biến mình thành một gã hề trong mắt của quần chúng, điều đó hết sức nguy hiểm bởi nó làm xấu đi hình ảnh và thiện cảm của quần chúng nhân dân đối với phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt nam vốn dĩ đang èo uột và mỏng manh.
Làm bất cứ việc gì, kể cả việc đấu tranh chính trị xin mỗi người chúng ta nên suy nghĩ đến cái lợi, cái hai. Đâu là cái hay, cái dở để xác định cái nên và không nên làm. Vì nhiều khi sự nhiệt tình cộng với sự ngu dốt bỗng chốc biến bản thân mình thành kẻ phá hoại.
Nếu so sánh công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt nam với quốc gia láng giềng Myanmar thì thấy chúng ta còn thiếu rất nhiều yếu tố căn bản cần phải có, nhưng ngược lại thì quá thừa nhưng cá nhân và tổ chức mang danh nghĩa đấu tranh chính trị, mà thực chất chỉ là một phường đánh trống múa rối với mục đích nhằm gây thanh thế và tạo dựng tên tuổi.
Thử hỏi những cái đó có mang lại lợi ích gì cho phong trào đấu tranh vì tự do dân chủ của Việt nam hay không, hay ngược lại là hành động phản tác dụng?
Ngày 20 tháng 03 năm 2012
© Kami blog´s
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét