Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Khoảng Cách Giữa Hai Thế Hệ

Có một con số thống kê về tình trạng gia đình của người tị nạn Đông Dương tại Hoa Kỳ như người Việt Nam, Lào, Campuchia, Hmong, và người Hoa khiến chúng ta là các bậc phụ huynh phải suy nghĩ là cứ ba gia đình thì một gia đình có con bỏ nhà đi hoang, còn không, dù sống chung dưới một mái nhà thì cũng không ít mâu thuẫn xung đột giữa cha mẹ và con cái.
Đây là một thực trạng hết sức đau buồn vì chúng ta rời bỏ quê hương đi tìm tự do, hơn nữa cho con cái có một tương lai rực rỡ nhưng không ngờ rằng có ngày chúng ta mất mát hay xa cách những đứa con yêu dấu như vậy.  Tại sao con em chúng ta lại muốn rời bỏ gia đình để sống lang thang vô định?  Có phải các em không muốn ở dưới quyền kiểm soát của cha mẹ?  Chúng ta cùng đến với các em để lắng nghe như thế nào.

Một cô gái khoảng 18 tuổi, bực dọc cho biết: “Cha mẹ cháu dường như không hiểu gì về cháu, chỉ muốn cháu vâng lời một cách tuyệt đối như đứa bé.  Luôn luôn la rầy khi cháu lầm lỗi nhưng lại không bao giờ chỉ bảo cho biết phải nên làm gì.  Đòi hỏi phải học giỏi, kiếm điểm cao, nhất là lên án kịch liệt cách ăn mặc thời trang của cháu.

Cấm cháu có bạn trai, thậm chí không muốn lắng nghe một lời giải thích.  Chiếc áo mặc sao qua khỏi đầu… Có lẽ họ quên rằng, cháu đã 18 tuổi và có lối sống riêng cho mình…Cha mẹ luôn luôn có cái nhìn chín chắn do rút tỉa biết bao kinh nghiệm nơi cuộc sống, đó là điều tất nhiên, nhưng trong xã hội văn minh, hiện đại ngày nay, những quan điểm của cha mẹ và con cái cần được phân định rõ ràng.  Những gì còn phong kiến, hủ lậu thì loại bỏ, tu chỉnh, những gì tiến bộ thì nên được khuyến khích.”
Một em trai khác cũng thổ lộ: “Cha mẹ cháu chẳng bao giờ quan tâm đến cháu.  Có rất nhiều chuyện cháu muốn trình bày với cha mẹ để mong tiếp nhận một vài lời khuyên, nhưng dường như họ không có thời gian dành cho cháu vì tờ mờ sáng thì đã ra khỏi nhà, rồi đến tối mới trở về.  Dù họ cho cháu nhiều tiền và nghĩ rằng như thế là đủ nhưng cháu thực sự cảm thấy lạc lõng ngay giữa chính gia đình.  Cháu luôn luôn chống chế lại mọi ý kiến của cha mẹ để họ phải chú ý đến cháu … Có quá nhiều mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái”, và:  I get left out of the family, nobody pays attention to me; I want to be part of the family, but I can’t.  What do I do? (Em bị loại khỏi gia đình, không ai thèm để ý đến em, em muốn là một thành phần của gia đình nhưng không được.  Vậy, em phải làm gì?).
Thật ra, những câu chuyện đại loại như trên chúng ta thường nghe thấy nhan nhãn trong đa số gia đình người Việt định cư tại hải ngoại, và vấn đề nầy cũng không gì mới lạ, đã hiện diện trong nếp sống con người từ lâu nhưng thể hiện rõ ràng hơn kể từ khi xã hội càng văn minh phát triển, nhu cầu sinh hoạt đa dạng.  Đó là giữa người lớn tuổi và người trẻ tuổi luôn luôn có một khoảng cách nhất định.  Danh từ Generation Gap nghĩa là Khoảng Cách Thế Hệ (mỗi thế hệ cách nhau từ 20-40 năm để người trẻ tuổi lớn lên trở thành người lớn tuổi), và từ ngữ nầy được các xã hội Âu Mỹ sử dụng vào thập niên 1960.   Còn theo Tự điển Oxford định nghĩa Generation Gap là sự khác biệt về thái độ giữa những người ở thế hệ khác nhau.  Theo bác sĩ Nguyễn Ý Đức cho biết thái độ (attitude) bao gồm sự suy nghĩ và thấy thế nào về một sự việc hoặc một người nào đó.  Như là:
- khác biệt quan điểm về nếp sống hoặc thiếu sự hiểu biết lẫn nhau giữa lớp thanh niên và lớp già
- khác biệt tuổi tác giữa những người ở giai đoạn khác nhau của cuộc đời
- khác biệt thế hệ, giữa những người sinh trưởng trong thời gian khác nhau, hình thành trong điều kiện xã hội khác nhau
- khác biệt về tâm lý, hành động và đối xử
Như vậy, giữa người lớn tuổi và trẻ tuổi luôn luôn có những khác biệt nhất định, và chính những khác biệt nầy tạo nên khoảng cách và ngày càng đưa đẩy hai thế hệ xa dần nhau hơn.  Trong câu chuyện Mái Ấm Gia Đình hôm nay, chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân nào đã tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái?  Có thể hóa giải, hàn gắn, hay thu ngắn được khoảng cách giữa hai thế hệ, cha mẹ và con cái không? 
Những Nguyên Nhân Tạo Ra Khoảng Cách Giữa Hai Thế Hệ
both good and bad to be young and old 
1. Văn hóa
Trong thời đại và xã hội nào cũng đều có khoảng cách giữa thế hệ già và trẻ, tuy nhiên khoảng cách trong các gia đình người Việt hải ngoại có tính chất mãnh liệt hơn vì bắt nguồn từ sự va chạm giữa hai nền văn hóa:  cổ truyền Á Đông và Tây Phương.  Theo văn hóa cổ truyền Á Đông, cha mẹ có toàn quyền trên con cái như trong bài viết:  Hai Thế Hệ - Một Ước Mơ của tác giả Thiên Phúc: “Nền giáo dục cổ truyền Á Đông dựa trên căn bản quyền uy ‘con cãi cha mẹ trăm đường con hư’ đã trở thành chân lý bất biến, khỏi tranh luận, nêu bằng chứng, lý giải gì cả.  Từ quan niệm nầy, một số cha mẹ đã can thiệp cứng rắn vào mọi quyết định của con cái từ cách ăn, nếp nghĩ đến việc học hành và giao tế.”  Còn văn hóa Tây Phương, con cái được tôn trọng, được phép bày tỏ ý kiến của mình dù khác ý với cha mẹ, và tự chủ trong việc định hướng sự nghiệp tương lai của mình.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ khi định cư sinh sống ở hải ngoại vẫn lưu giữ thể hiện những phong tục tập quán của quê hương, dân tộc qua ngôn ngữ, cách phục sức, ăn uống, các sinh hoạt trong gia đình hay ngoài xã hội, còn các em rời quê nhà lúc còn tuổi thơ, những hình ảnh, kỷ niệm về quê hương hầu như đã phai mờ hay không có, rất dễ dàng thu thập những cái hay cái lạ của xứ người.  Do đó, giữa cha mẹ và con cái khó tìm được một điểm chung để trò chuyện hay chia sẻ tâm tình với nhau, nên cha mẹ lo lắng nghĩ rằng mình đã mất con nên nghiêm khắc, dùng uy quyền và kỷ luật để níu kéo con cái trở lại với mình, như thế lại vô tình đưa đẩy con cái đi xa mình hơn.
Em B. tâm tình: “Bố mẹ cháu không cho cháu chơi với những người bạn nhuộm tóc và trang điểm vì cho thế là hư hỏng, nhưng các bạn ấy chỉ muốn làm đẹp mình hơn thôi chứ các bạn vẫn luôn chăm học, không đua đòi.”  Cháu cho rằng mình đã 20 tuổi, bạn bè cũng đồng lứa tuổi vậy, nên chúng cháu có quyền chọn cho mình cách sống mà vẫn học tốt, thân thiện với người khác.  Bố mẹ không nên cấm đoán như thế.
2. Tuổi tác:
Khi con cái đến tuổi trưởng thành thì phần đông cha mẹ đã bước vào tuổi xế chiều, do đó suy nghĩ, hành động, quan niệm sống, cách diễn tả tình cảm, tâm trạng giữa cha mẹ và con cái khác nhau.  Và do tuổi đời chồng chất, tích lũy được những hiểu biết, kinh nghiệm nên cha mẹ nhìn con người, cuộc sống, xã hội với cái nhìn chín chắn, dè dặt, thận trọng, trong khi con cái trẻ khỏe, đầy nhiệt huyết, tự tin, hăng say, tự ái nên cha mẹ và con cái khó ngồi lại với nhau để tâm tình, chia sẻ.  Có những người suốt đời là thầy dạy ở trường, cố vấn cho bao thanh niên nhưng lại không thể hướng dẫn, chỉ bảo con mình được.  Nếu họ cứ nghĩ mình già dặn, kinh nghiệm, khôn ngoan mà con cái dưới mắt họ còn bé bỏng, dại dội thì không bao giờ phá vỡ được những mâu thuẫn nầy.  Trứng không thể nào khôn hơn vịt!
Một bạn trẻ than thở: “Tụi cháu là bạn bè sau đó thương mến nhau, yêu nhau.  Mọi việc thật thuận lợi vì hai gia đình không phản đối.  Sau đó, cháu trình bày với cha mẹ là tiến đến hôn nhân, nhưng cha mẹ phản đối kịch liệt: “Con bao nhiêu tuổi, kiếm được bao nhiêu tiền một tháng mà bày đặt chuyện lấy vợ?”  Cháu giải thích, đối với cha mẹ chúng cháu còn nhỏ dại nhưng cháu với D. đã trên 25 tuổi, có trách nhiệm bảo vệ tình yêu và xây dựng hạnh phúc cho nhau.  Cuộc khẩu chiến luôn bất bất phân thắng bại.
3. Môi trường sinh sống
Vì sinh kế mà cha mẹ đã rời nhà từ sáng sớm khi con còn ngon giấc, đến khi về nhà thì con đã vào phòng riêng.  Đến ngày nghỉ cuối tuần thì con cái mãi mê xem TV, phim, chơi game còn cha mẹ thì nghỉ ngơi, đấu láo với bạn bè, đi chợ, sinh hoạt cá nhân.  Ngày tháng qua dần đưa đến tình trạng gia đình mà cha mẹ và con cái ít có thời gian, dịp tiện ngồi lại với nhau để trò chuyện, chia sẻ, tuy sống chung một mái nhà nhưng lại là hai thế giới.  Hơn nữa, tại các nước văn minh phát triển mạnh, các bậc cha mẹ không có nhiều cơ hội tìm hiểu về các mặt đời sống xã hội hiện tại trong khi con cái ngày càng thích ứng và tiến bộ hơn, thì khoảng cách giữa hai thế hệ lại càng xa dần hơn.
Một đứa trẻ suốt ngày nói tiếng Mỹ ở trường, rồi tư tưởng, ý thức hệ, quan niệm sống do thầy cô, bạn bè, sách vở, cùng những phương tiện thông tin hiện đại cứ thấm dần sâu vào tâm trí, đến khi va chạm, trái ngược với những gì truyền thống của cha mẹ thì cha mẹ giận dữ, nóng nảy, rầy la, than thân trách phận.  Kết quả chỉ làm cho mâu thuẫn càng mâu thuẫn, xa cách càng cách xa.  Lại có gia đình đến định cư ở Hoa Kỳ thì chọn lựa sinh sống ở khu vực toàn người Mỹ vì e ngại gần gũi người Việt rất phức tạp.  Do sống lẻ loi, xa cách cộng đoàn, nên con cái chỉ quen nói tiếng Mỹ, giao du với bạn Mỹ, khi cha mẹ nhận hiểu ra con mình đã hoàn toàn Mỹ hóa và xa lạ với chính bậc sinh thành, thì đã quá muộn.  Già néo đứt dây, thôi đành phải ngậm ngùi chấp nhận hoàn cảnh vậy.
4. Tâm sinh lý
 Nếu cơ thể tăng trưởng thì tâm tính cũng ảnh hưởng thay đổi theo như đến tuổi thiếu niên, con cái thường không thích gần gũi, và ít muốn nói chuyện với cha mẹ.  Các em thích sinh hoạt riêng tư như ở trong phòng, đóng kín cửa, nghe nhạc, không thích không khí quây quần trong bữa ăn chung với cả nhà.   Có khi viện cớ bận học hành để tránh mặt những thành viên trong gia đình, không muốn bị ai sai bảo, nhắc nhở.  Các bậc cha mẹ tạm chấp nhận những thay đổi của chúng, đừng khư khư cho mình lúc nào cũng đúng, dễ tạo ra mâu thuẫn, mâu thuẫn nầy ầm ĩ, đầu mối cho những mâu thuẫn khác, khoảng cách càng hơn.  Nhất là khi con em chúng ta đến tuổi 13, 14, các em không còn hồn nhiên, vui vẻ như trước kia, ngoài việc hay giận và hay thách thức thẩm quyền của người lớn, các em còn có một thay đổi lớn, một nan đề mà nhiều phụ huynh không biết.  Nan đề đó là các em thường hay buồn bã, chán nản và chán đời.  Trong quyển How To Really Love Your Teenager, bác sĩ Ross Campbell cho biết, tình trạng chán nản hay buồn bã của các em thiếu niên là một cảm xúc phức tạp, tiềm tàng, nhẹ nhàng vì thường cha mẹ và người chung quanh không biết.  Tâm trạng chán nản nầy rất nguy hiểm, có thể đưa đến những hậu quả tai hại như thường bắt đầu từ việc nhỏ là không thích đi học đến trốn học, bỏ nhà đi hoang , cho đến việc can dự vào những hành động phạm pháp, và có khi đi đến tình trạng tự tử (Minh Nguyên).
Gia đình chỉ là một môi trường bình thường để con trẻ phát triển mọi mặt về thể chất, tinh thần từ lúc ra đời đến tuổi dậy thì, còn bắt đầu từ tuổi dậy thì, gia đình sẽ không thỏa mãn đầy đủ và kịp thời tất cả những đòi hỏi của các em.  Theo bác sĩ Lê Phương Thúy, chuyên khoa tâm thần cho biết:
- những lời dạy bảo của cha mẹ về các lãnh vực đạo đức, nghề nghiệp, tôn giáo, tình yêu, hôn nhân, v.v. không còn là những giáo điều luôn luôn đúng như các em vẫn nghĩ khi còn ở lứa tuổi nhỏ.  Các em trở thành hoài nghi, thách đố, biện luận và chống đối.
- ý kiến của thầy cô, học đường, xã hội qua phim ảnh, sách báo bắt đầu có ảnh hưởng quan trọng.  Những em nào không có sự giáo dục gia đình vững chắc thường chịu ảnh hưởng nhiều từ thầy cô và xem đây là mẫu mực.
- ý kiến lôi kéo của bạn bè, nhu cầu được chấp nhận “trong nhóm” (fit in).  Đây cũng là một thử thách cho các em làm sao có được một lập trường, một hướng đi phù hợp vói ý muốn riêng, phù hợp với ý cha mẹ mà lại không bị cô lập bởi bạn bè vì quá “cù lần’.
Như vậy qua phân tích các nhân tố trên, chúng ta nhận rõ giữa cha mẹ và con cái luôn luôn có một khoảng cách nhất định nào đó, chính khoảng cách nầy đã gây ra không ít xung đột trong gia đình và có thể ngày càng xa dần hơn.  Để có thể hóa giải, hàn gắn hay thu ngắn khoảng cách giữa hai thế hệ, thiết nghĩ cả cha mẹ lẫn con cái không những chấp nhận, cảm thông ở mỗi vai trò của nhau mà còn phải cố gắng, kiên nhẫn, tìm hiểu, để ngày càng thích ứng chan hòa sống vui.
 
source: machsong.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét