Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Mỹ hối thúc giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, thực tế


Các tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông đang gây trở ngại cho việc khai thác nguồn dầu khí dồi dào mà các quốc gia châu Á đang rất cần. Do vậy, các nước có liên can cần giải quyết tranh chấp dựa theo luật lệ quốc tế hay tìm kiếm những thỏa hiệp mang tính chất thực tế để tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện nay. Trên đây là quan điểm vừa được một thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tuyên bố vào hôm nay 21/03/2012 tại Hà Nội.

Phát biểu với báo chí bên lề một hội nghị cấp cao về năng lượng vùng Thái Bình Dương, ông Robert Hormats, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng, và môi trường, đã tỏ ý rất bức xúc trước thực tế là các nước trong vùng Biển Đông đang ngồi trên một nguồn dự trữ dầu khí có thể cực lớn, nhưng lại không phát huy được vì các tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

Đây là một điều rất đáng tiếc, trong bối cảnh châu Á rất cần năng lượng để phát triển, nhưng không sản xuất tại chỗ được, mà chủ yếu phải đi nhập từ bên ngoài. Toàn cảnh nói trên đã được ông Hormats tóm lược như sau : « Đây là khu vực của thế giới mà nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất, nhưng có lẽ cũng là khu vực có tranh chấp lãnh thổ nhiều hơn bất cứ nơi nào khác... và điều đó đã hạn chế năng lực sản xuất chính nguồn năng lượng mà khu vực cần đến để nuôi dưỡng đà tăng trưởng kinh tế của mình ».
Đối với thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, toàn thể khu vực cần phải tìm cách giải quyết các tranh chấp một cách vừa nhanh chóng, vừa hòa bình : « Nhanh chóng vì các nước đang rất cần năng lượng, và hòa bình vì mọi bất ổn trong khu vực đều có thể cản trở việc sản xuất và làm giới đầu tư dài hạn nản chí… ».
Theo ông Hormats, đầu tư trong lãnh vực khai thác dầu khí đòi hỏi một thời gian rất dài mới mang lại thành quả, do đó, nếu muốn có được dầu khí lấy từ Biển Đông trong vòng 10 năm sắp tới, thì các nước phải cho khởi động công việc khai thác ngay từ bây giờ.
Lời thúc giục được quan chức Mỹ đứa ra trong bối cảnh Việt Nam, Philippines và Trung Quốc, cũng như Brunei, Indonesia, Malaysia và Đài Loan đang có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo lên nhau tại vùng Biển Đông. 
Trong thời gian gần đây, cả Hà Nội, Bắc Kinh lẫn Manila đều đã có kế hoạch phân lô vùng biển mà họ tự nhận chủ quyền, để mời các tập đoàn quốc tế đến đấu thầu khai thác. Vấn đề là quyết định nào cũng bị các nước khác có tranh chấp phản đối. 
Hai ví dụ gần đây nhất là vụ Trung Quốc phản đối Philippines đã cho đấu thầu một số lô ngoài khơi đảo Palawan gần Trường Sa, được cho là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh, hay là sự kiện Việt Nam vào tuần trước, đã tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của minh khi Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc cho đấu thầu khai thác dầu khí gần quần đảo Hoàng Sa. 

Các tranh chấp này khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng vì lợi ích của toàn khu vực, Hoa Kỳ, theo lời thứ trưởng Hormats, khuyến khích các nước tìm ra giải pháp ổn thỏa : « Vai trò của Hoa Kỳ... là khuyến khích các bên liên quan tìm ra giải pháp trong tinh thần phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc không cưỡng chế nhau và hợp tác thực tiễn ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét