Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

NHÀ THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN Kinh nghiệm tù Cộng sản và tác phẩm "Hỏa Lò"

Nguyễn Cao Quyền

(Góp ý nhân ngày ra mắt tác phẩm "Hỏa Lò" của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, 24 tháng 6 năm 2001, tại trường đại học George Mason, Virginia.)

Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, tướng Việt Cộng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy Ban Quân Quản thành phố Saigon, tuyên bố với báo chí một câu rất ngon lành:"Đối với người Việt Nam không có ai là kẻ chiến thắng hoặc chiến bại, chỉ có đế quốc Mỹ là bị đánh bại mà thôi".

Lời tuyên bố đượm tình đoàn kết dân tộc đó lẽ ra đã phải được ghi lại trên "bảng vàng lịch sử " để cho muôn đời hậu thế noi theo nếu nó đã không phải là một trò lường gạt hèn hạ nhất mà các thế hệ người Việt mai sau sẽ không bao giờ tha thứ.

Vì lời tuyên bố nói trên mà hàng trăm ngàn quân nhân, công chức, thành viên đảng phái quốc gia đã tự nguyện đi "học tập cải tạo" với số lương thực là 10 ngày hoặc 1 tháng tùy theo cấp bậc, chức vụ.

Thế rồi một tháng trôi qua, không ai được thả. Khi được hỏi về sự việc này bọn cai tù cộng sản, dương dương tự đắc, trả lời : " Đó là nghệ thuật của Cách Mạng bắt các anh vào tù chứ làm gì có chuyện trả tự do cho những người có nợ máu với nhân dân như các anh sau một tháng giam giữ. Các anh còn phải cải tạo dài dài ".


Sau khi biết mình bị lừa, một số người uất ức đã tự tử. Nhiều người khác tìm cách trốn trại để rồi cũng bị bắt lại và bị đánh chết thảm thương như những con vật. Những người cam tâm cải tạo thì bị đưa tới những trại giam giữa những vùng "ma thiêng nước độc" để chết dần chết mòn ở đó sau những năm tháng dài bị bỏ đói và bị bắt buộc lao động khổ sai. Số còn lại, may mắn sống sót, phần đông đã trở thành phế nhân về cả hai phương diện tinh thần lẫn thể xác sau khi lấy lại tự do.

Khi còn ở trong trại tù CS, tôi đã tự hứa với lương tâm là sau khi rời trại thế nào cũng phải viết một cuốn sách ghi hết những thảm cảnh của cuộc đời tù tội. Nhưng khi trở về với cuộc sống bình thường, vì có những ưu tiên khác phải làm, tôi đã không thực hiện được ước muốn trong tù. Sự thất hứa với lương tâm này trở thành một nỗi dằn vặt đeo đuổi tôi trong nhiều năm dài dòng dã cho đến ngày 17 tháng 6 năm 2001, tôi nhận được tác phẩm Hỏa Lò từ tay anh Nguyễn Chí Thiện trao tặng.

Tôi đã nghỉ một ngày làm việc tại công sở để dành thời giờ đọc những dòng viết của anh, trải dài trên hơn 300 trang giấy, đọc một hơi từ dòng đầu đến hết dòng cuối. Những dòng viết ngắn gọn, sắc như dao chém và những từ chọn lọc tài tình, lột trần không tha thứ những cảnh đời khốn nạn đến cùng cực của cái địa ngục trần gian do CS gây nên, đã lần lượt trôi qua trước mắt tôi và làm cho tôi sống lại từng chi tiết nhỏ của quãng đời đen tối mà tôi đã phải trả giá sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam. Đọc xong, gấp sách lại, tôi cảm thấy như mình vừa trút được một gánh nặng trên vai. Tôi thầm cám ơn anh Nguyễn Chí Thiện vì anh đã làm hộ tôi cái việc mà từ lâu tôi rất muốn, nhưng cho tới nay vẫn chưa làm được.

Tất cả những tác phẩm đã viết về thực tế của cái gọi là "chính sách cải tạo" của cộng sản Việt Nam đều là những bản cáo trạng lên án chế độ vô nhân. Nhưng bản cáo trạng của Nguyễn Chí Thiện mới thật là đầy đủ và nghiêm khắc. Đầy đủ vì không có một chi tiết nào của tội phạm đã bị bỏ qua. Nghiêm khắc vì tất cả những yếu tố cấu thành tội phạm đã được thâu thập đầy đủ và hài ra một cách rõ ràng, minh bạch. Nếu đem so sánh nội dung của tác phẩm Hỏa Lò với những gì sử gia Pierre Margolin đã viết trong cuốn Le Livre Noir Du Communisme về Việt Nam thì có thể mạnh dạn nói rằng Nguyễn Chí Thiện đã bổ túc cho Pierre Margolin về nhiều phương diện.

Sự tàn ác của cộng sản Việt Nam thường tập trung cao độ trong bốn bức tường của các trại tù. Đó là điều Pierre Margolin chưa bao giờ biết tới nhưng Nguyễn Chí Thiện, trái lại, là người biết quá nhiều. Anh mô tả nhà tù CS với một mức độ chính xác chưa từng thấy :" Nhà tù thực dân đế quốc kém hiệu quả lắm. Bọn CS không sợ. Chúng coi nhà tù là một trường học....Thời Nga Hoàng, Lenine bị đi đầy 3 năm ở Siberi. Y đọc sách, viết sách, câu cá, săn bắn và cưới cả vợ!...Rút kinh nghiệm đó, CS xây dựng một hệ thống nhà tù kinh hồn táng đởm, tiêu diệt mọi sinh lực, tiêu diệt mọi ý chí. Thực chất là những trường bắn im lìm, không tiếng súng, những lò thiêu không cần lửa điện." (trang 93).

Nghệ thuật sát nhân của CSVN cao siêu hơn kỹ thuật giết người của bất cứ dân tộc nào trên thế giới tính cho đến ngày nay. Nghệ thuật đó kết hợp hai chính sách cực kỳ thâm độc. Chính sách bỏ đói và chính sách bắt lao động khổ sai. Khúc phim kinh hồn táng đởm sau đây mà tác giả viện dẫn ở trang 182, là kết quả của sự áp dụng các chính sách vô nhân đạo nói trên : "Lão không nói gì, đứng dậy quay nhìn về phiá bên kia sân.Lão kinh hoàng trố mắt. Cách lão chừng 30 thước thôi, một cảnh tượng suốt đời không thể phai mờ đối với lão ! Trong nắng chiều vàng ủng như nghệ hàng trăm tên tù trần truồng, xám xịt, lủng củng xương da, đứa nằm đứa ngồi, đương bốc cơm ăn. Có những tên không còn cầm nổi cái bát, cơm rơi đổ cả xuống đất, lẩy bẩy bò xuống, vốc nhặt đưa lên miệng. Tất cả diễn ra như một màn kịch câm. Như những bóng ma. Hai bóng ma, đầu trọc lốc, mắt sâu hoắm, đờ đẫn ngồi đối diện nhau. Bốn bàn tay bám vào cái bát men đựng cơm, giơ lên run run, từ từ đưa đi đưa lại. Phải nhìn một lúc lão mới hiểu là hai đứa đương giành nhau bát cơm của một tên nằm gục bên cạnh, không ăn nổi. Chúng không còn sức để nói, để chửi, để giằng mạnh. Một chiếc xe bò lộc cộc đi vào. Hai tên tù tự giác vào phòng, lần lượt khiêng ra năm xác chết trần truồng, đặt lên xe kéo đi. Những tên tù ... ăn xong đứng lên, máu mủ từ hậu môn rỏ xuống...". Thật là kinh hồn táng đởm hết chỗ nói, rùng rợn gấp trăm lần những cảnh hỏa thiêu người Do Thái.

Năm 1976, bị chuyển trại ra ngoài Bắc đến nhà tù Quảng Ninh, anh em tù "cải tạo" rất đỗi kinh ngạc khi thấy bên khu hình sự vô số nữ phạm nhân mang con đi lao động. Những đứa trẻ sơ sinh này chẳng tội tình gì cũng phải ở tù chung với mẹ. Đây là một nét độc đáo của các trại tù CSVN. Nghe nói nhiều em đã chết vì mẹ chúng không có sữa cho con bú. Thảm trạng này được Nguyễn Chí Thiện xác nhận và diễn tả rất thương tâm trong tiểu truyện Đàn Bò Sữa. Không phải chỉ có cái chết của đứa trẻ không có sữa bú trong tù mà chính là cái "phông" xa đọa đến rùng mình của những người phụ nữ Việt Nam sống trong cái chế độ nghèo đói và tàn bạo đến cùng cực, đã làm cho người ta xa lệ.

Rùng rợn nhất là các điều kiện sinh sống trong trại. Cái chết đến với những người bị giam giữ không phải chỉ vì đói mà còn vì vấn đề vệ sinh hoàn toàn thiếu vắng. Ở trại Thanh Cẩm, nơi chúng tôi bị giam giữ, đã có một thời gian anh em chết đói và chết bệnh nhiều đến độ cái chết đã trở thành quen thuộc, không gây sợ hãi và cũng không gây xúc động. Người ta chờ đợi "Thần Chết" đến thăm viếng như chờ đợi một sự giải thoát. Thực trạng ghê hồn này cũng đã được đề cập tới trong tiểu truyện "Một Lựa Chọn" mà tác giả đã diễn tả với một bút pháp tả chân sống động tuyệt vời.

Tù nhân trong các trại "cải tạo" phần đông là những người phạm pháp hình sự. Tuy nhiên, lẫn trong đám đâm thuê chém mướn, trộm cắp buôn lậu, ma cô đĩ điếm, tham ô trấn lột, thỉnh thoảng cũng có những người lương thiện vào tù vì đã nhẹ dạ nghe cộng sản tuyên truyền. Số phận của nhân vật Việt Kiều trong tiểu truyện "Tạc Tượng " là một trường hợp điển hình. Việt Kiều này, một kỹ sư sống ở Pháp, nghe lời dụ dỗ của cộng sản, đã mang gia đình về phục vụ tổ quốc. Về nước, khi vào làm việc tại một nhà máy thấy ban lãnh đạo bê bối, anh đã thẳng thắn lên tiếng chỉ trích. Thế là anh bị tống vào tù về tội gián điệp. Ở Việt Nam, dưới chế độ cai trị của bọn độc tài dốt nát, tội danh không liên quan gì đến các yếu tố cấu thành tội phạm là một chuyện thường tình. Tự do, nếu có, chỉ là một sự ban ơn ban phước. Những dòng này viết lên để nhắc nhở những ai muốn về nước phục vụ hoặc hợp tác làm ăn với người cộng sản.

Tôi bị nhốt ở trại Thanh Cẩm (Thanh Hoá) 8 năm, từ 1977 cho đến ngày về vào cuối năm 1985. Tám năm là một thời gian dài đối với một đời người cho nên những cảnh tượng và những kỷ niệm tù đầy đã ăn xâu vào trí óc tôi, rõ ràng và đậm nét, tương tự như những gì tôi còn giữ lại từ thời niên thiếu. Chính vì vậy mà khi tôi đọc xong tiểu truyện "Sương Buồn Ôm Kín Non Sông " tôi có cảm tưởng như truyện đó đã do chính tôi sáng tác. Những lời nói lỗ mãng và thái độ ác độc của các tên quản giáo mất hết tính người, những cảnh gọi đi "làm việc" để vu cáo, dọa nạt và ép cung, những buổi nhận quà tưng bừng của tù nhân chính trị (gây thèm thuồng cho bọn công an CS đói rách), những màn thậm thụt ăn hối lộ của những tên cai tù lưu manh và biến chất, những pha nguy hiểm đứng tim khi những người tù tiếp tế cho nhau từ buồng nọ qua buồng kia, những đêm tù ca hát, vui ít buồn nhiều, để quên đi quãng đời khổ ải .. tất cả những thứ đó, tác già ...

Nguyễn Chí Thiện đã mô tả lại với một mức độ chuẩn xác hiếm thấy. Tất cả những thứ đó đã mở lại trong tôi những "vết thương cải tạo" chưa hoàn toàn hàn gắn.

Tiểu truyện "Sương Buồn Ôm Kín Non Sông" là phần đạt nhất của tác phẩm "Hỏa Lò ". Bút pháp Nguyễn Chí Thiện qủa là tuyệt diệu. Không những nó đã vẽ nên một bức tranh rất trung thực về cái xã hội người tù do CSVN thiết kế và điều hành mà nó còn truyền đạt chính xác tư tưởng của tác giả sang tư tưởng của người đọc với một sự bén nhậy lạ thường, nhờ những dòng viết ngắn gọn nhưng quyết liệt, những từ bình dân nhưng đanh thép và chọn lọc.

Thật khó có thể tưởng tượng được là tình yêu lại có thể nảy nở trong một môi trường sinh sống mất tự do, thiếu thốn và khổ cực như trong nhà tù cộng sản. Thế mà ngay cả trong hoàn cảnh này, người ta vẫn yêu nhau. Dù biết trước là tình yêu sẽ không bao giờ đạt tới mục tiêu tối hậu nhưng người ta vẫn hồn nhiên tiến tới.

Trong thời gian bị giam giữ, anh em tù cải tạo, đã được chứng kiến nhiều mối tình rất cảm động giữa nữ công an cộng sản miền Bắc và mấy anh tù miền Nam hào hoa phong nhã. Mặc dầu toàn bộ những mối tình vụng trộm và nguy hiểm này đều đưa đến một chung cuộc rất thương tâm cho cả đôi bên nhưng họ vẫn ung dung chấp nhận. Tình yêu giữa nhân vật "Bà Saigon" và người tù khí phách trong tác phẩm Hỏa Lò xảy ra trong một hoàn cảnh tương đồng. Họ yêu nhau vì cảm phục. Họ yêu nhau vì tình yêu sưởi ấm lòng người trong những ngày tù tội. Đối với những mảnh đời tan nát, hy vọng mà tình yêu nhen nhúm và nuôi dưỡng đã khiến người ta chiến thắng sự đe dọa của cái chết để quyến luyến với sự sống nhiều hơn.

Nói tới tình yêu trong nhà tù cộng sản là để dẫn dắt tới tình yêu cay nghiệt trong "Trăng Nước Sông Hồng", tiểu truyện cuối cùng của tác phẩm Hỏa Lò. Đó là tình yêu giữa hai người tử tội, nẩy nở vào lúc cả hai sắp bị mang ra pháp trường xử bắn. Người con trai, 31 tuổi, là một lính CS đã lăn lộn cả chục năm trên khắp các mặt trận để sau cùng bị giải ngũ vì các vết thương chinh chiến. Áp lực của một xã hội thối nát, đầy dẫy bất công tham những đã biến anh thành trộm cắp. Anh tổ chức một vụ trộm thuốc Tây và bị bắt. Không may cho anh, kho thuốc anh đột nhập để thi hành kế hoạch lại là kho thuốc của Trung Ương Đảng nên anh bị án tử hình. Còn cô con gái, 19 cái xuân xanh, đẹp với đôi mắt mơ buồn, cũng bị án chết vì can tội đốt nhà làm chết cả gia đình một cán bộ hộ khẩu. Cô có hành động đó vì cô muốn tự tay trừng phạt tên cán bộ tham những đã lạm dụng thân thể cô, đã hiếp đáp gia đình cô và kiếm cách bẩy gia đình cô đi vùng kinh tế mới. Trước giờ chết họ đã trao đổi với nhau những lời tình tự siêu linh não nuột làm đổ nát lòng người. Họ hẹn gặp nhau sau khi chết để xây dựng hạnh phúc bên kia thế giới, cái thế giới vô hình mà họ hoan hỉ bước vào để tránh khỏi phải sống trong cái địa ngục trần gian, nơi họ đã sinh ra và mang nặng kiếp người.

Nguyễn Chí Thiện đã kết thúc rất đẹp tác phẩm Hỏa Lò bằng thiên tình sử não nùng khắc nghiệt ấy. Năm 2000, anh đã dùng thời gian ở ẩn tại Saint Lo, một địa phương tĩnh mịch của miền Bắc nước Pháp để cho ra đời một công trình chữ nghĩa bằng văn suôi, được coi như kết tinh của những kinh nghiệm tù đầy trong 27 năm trời dòng dã. Có lẽ vì anh quan niệm :

Thế lực đỏ, phải đồng tâm đập nát
Để nó hoành hành, họa lớn sẽ lan nhanh
Nhưng không thể dùng bom A, bom H
Phá nát địa cầu vì một lũ gian manh
Nên phải viết, phải muôn ngàn kẻ viết
Những tội tầy đình được bưng bít tinh vi
Nếu nhân loại mọi người đều biết
Cộng sản là gì, tự nó sẽ tan đi

nên văn suôi của anh cũng có sức công phá mãnh liệt vào thành trì cộng sản, không thua kém gì thơ của anh trong thời dĩ vãng. Tác phẩm Hỏa Lò của anh truyền sức chiến đấu cho người đọc, vì chúng tôi biết tinh thần chiến đấu vẫn còn nguyên vẹn trong anh qua những vần thơ anh viết sau biến cố 1975:

Cuộc chiến đấu này chưa phân thắng phụ
Ta còn đây và sắt thép còn kia ...
Ta muốn nói với loài dã thú :
Khúc khải hoàn ta sẽ hát thiên thu

Để kết thúc phần góp ý hôm nay, tôi xin mượn nhận xét sau đây của Dominique Nédellec đã nói về anh năm 1999 : "Son immense courage et la grandeur de son oeuvre forcent le respect et l'admiration " (Tạm dịch : Lòng can đảm vô biên và tính vĩ đại của tác phẩm đã mang lại cho ông sự kính trọng và ngưỡng mộ của người đời).

Anh Nguyễn Chí Thiện! Anh thật xứng đáng với lời khen tặng ấy./.

Nguyễn Cao Quyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét