Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Luận Ngữ Tâm Đắc

Trần Đông Đức

Cách đây mấy hôm, mềnh viết bài “Hãy để Khổng Giáo lụi tàn” tạo được một số thu hút và tranh luận. Bên website danchimviet.info có tới mấy chục ý kiến. Có nhiều ý kiến dài tới cả trang đọc rất là sướng mắt. Đồng tình có, phê bình có, chỉ trích có – xin ghi nhận hết. Có người còn bảo mềnh quá nông cạn, xa rời giá trị đạo đức truyền thống. Ối! Giời ơi…
Không đúng đâu! Mềnh viết bài đấy trong một trạng thái sâu sắc và có đức độ đàng hoàng. Với nhận thức rằng, người Việt Nam chúng ta đang hành xử theo một thứ gọi giả Khổng Giáo mà không biết chân Nho, chân Khổng đang nằm ở phương hướng nào. Thôi thì đề nghị hãy để cho nó lụi tàn không thì vướng mắc vào đấy, nhân dân Việt Nam còn khổ lâu dài.

Trong bài viết hôm nay, ở một góc cạnh khách quan khác, mềnh muốn giới thiệu về những tâm đắc trong Luận Ngữ. Tuy là ở dạng khái quát thôi, nhưng hy vọng qua đó để mọi người thấy rõ một số hình tướng căn bản của Nho Giáo để rồi tìm tòi thêm, để rồi dẫn đến một thái độ mới về sự quan sát cổ học tinh hoa.
Về mặt kinh văn chuyển tải Luận Ngữ, Trang Tử, Đạo Đức Kinh vv… nó lại có một giá trị văn học kinh điển nào đó trong văn hóa Trung Quốc. Cho đến giờ này, sự cô đọng của nó, sự khái quát phác họa của nó, cùng với những giá trị cổ văn, các sách này vẫn như một ngôi đền thiêng liêng mang tính tượng đài văn hóa trong Hán ngữ. Giá trị còn nằm ở chỗ ấy chứ không phải chỉ là về mặt nội dung “nguyệt điểu mông lung” của nó.
Không nói thì thôi, cũng nhờ các sách này mà nhiều người có hứng thú đặc biệt về chữ Hán (mà trường phái An Vi – Kim Định gọi là Việt Nho). Người trẻ, nếu đã biết chữ “Nho” rồi thì sau này chuyển hệ sang học tiếng Trung Quốc như là ngoại ngữ hiện đại thì không khó khăn gì, vì đã quen mặt chữ gần hết. Cảm nhận kim cổ – biết người biết ta càng tăng thêm vời vợi.
Đối với nhiều người, đọc được chữ Hán cũng là điều thú vị, nhất là khi nghe các đoạn trong phim bộ Hồng Kông kiểu “Phong Vân Nhất Chuyển” trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký phải nói là tâm đắc. Nghe Đặng Lệ Quân hát bài “Thiên Ngôn Vạn Ngữ” phải nói là tâm đắc. Đọc sách Tàu từ nhỏ có thể dẫn đến những hứng thú này. Cũng nói thêm, tiếng Việt phong phú vì ý nghĩa của từng từ từng chữ được diễn giải bằng nhiều giai tầng mênh mang. Nhưng ngược lại, về quy phạm nội hàm và sự khái quát của từ vựng thì tiếng Trung Quốc lại có ưu thế cũng vì nền cổ văn cô đọng kiệm lời ít chữ của nó.
Trở lại vấn đề “Luận Ngữ Tâm Đắc” trong các sách này – phải nói một cách chân thành đọc Luận Ngữ là rất là khó hiểu vì quan niệm thời xưa so với nhận thức của xã hội thời nay – thật là một trời một vực, khó lòng đem ra ứng dụng. Mà khi hiểu rồi thì lại thấy có nhiều chỗ mang tính dạy người tuân theo quy củ chứ đâu không có chất triết học như người ta ngộ nhận.
Trong tinh thần “bách gia giảng đàn” trên đài truyền hình Trung Quốc, các vị giáo sư toàn là tinh hoa “Khổng Học trung ương” mà giải nghĩa còn sai, cãi nhau liên tục về những ý nghĩa rất cơ bản cho nên mềnh đâm ra nghi ngờ nhiều thứ.
Tuy rằng, Luận Ngữ Tâm Đắc nhất của mềnh, không gì xa xôi bằng câu số 1, chương số 1 mang tên Học Nhi: (Câu này được coi là phổ biến nhất, ai đụng vào sách Luận Ngữ là biết ngay, và có thể người đọc Luận ngữ rút cục cũng chỉ có nhớ mỗi câu này) 學而時習之,不亦說乎!有朋自遠方來,不亦樂乎!人不知而不慍,不亦君子乎 ! “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ. hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ. Nhân bất tri nhi bất oán, bất diệc quân tử hồ” – có nghĩa là “Học mà phải ôn tập kìa, không vui sao hả. Có bạn từ phương xa tới, không sướng sao hả. Người không biết, ta không chấp, không là quân tử sao hả” (dịch sát nghĩa nhé!). Chỉ một đoạn văn ngắn thôi, nhưng mang tính khái quát cao độ. Nếu để nguyên bố cục thì có ba mệnh đề:
Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? “Học mà thường ôn tập, cũng chẳng thích ư?
Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Có bạn từ phương xa tới đàm đạo, cũng chẳng vui sướng ư?
Nhân bất tri nhi bất oán, bất diệc quân tử hồ? Người đời không biết đến mình, cũng chẳng vì thế mà buồn, như vậy há chẳng phải là bậc quân tử sao?
Mấy cái chi chi hồ hồ trong cổ Hán ngữ có giá trị như các dấu chấm phẩy.
***Mấy đoạn in nghiêng đậm là diễn dịch một cách chính thức trên website http://hochanvan.blogspot.com.
Rõ ràng đây là một nhận thức, một quan điểm, một lối sống. Người đời sau thường ngắt các đoạn văn trong luận ngữ để khái quát hóa một tình huống ví dụ như câu “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?” mà không cần phải nhớ tới cái bố cục toàn diện của nó.
Tính ra, cách chia phần mang tính “điển tích” này rất phổ biến, tạo nên trạng thái tâm đắc của người đọc sách. Nhưng nếu đọc kỹ thì thấy cái nội dung toàn diện này có gì quá đặc sắc không? Mềnh không nhận ra sự đặc sắc mang tính triết lý nào cả. Ở một trạng thái trầm tư nào đó, người ta có thể vời vợi mênh mang với nó và bỗng dưng gợi ý tới bất cứ cảm xúc nào mà con người muốn liên tưởng. Độc đáo cũng là ở chỗ đấy.
Sang tới câu đầu của chương hai gọi là Vi Chính (làm chính trị) có câu: “Vi chính dĩ đức, tỉ như Bắc Thần, cư kỳ sở nhi quần tinh cộng chi” (為政以德,譬如北辰,居其所而眾星共之) có nghĩa đại khái là: Làm chính trị mà dùng đức, giống như ngôi sao Bắc Thần, vị trí để các ngôi sao khác hướng về. Mềnh thích câu này vì nó mang tính hải đăng của trăng sao trên trời và cách nhìn vào thiên văn siêu thực diệu vợi của người xưa. Tuy không phản ánh được sự tương quan chặt chẽ nào về cơ chế nhưng nghe là thấy hay hay rồi. Đồng ý Bắc Thần có thể là ngôi sao sáng có sức lan tỏa nào đó, nhưng mà sức thu hút đem ra so sánh hoàn toàn không dựa trên một nguyên tắc lý luận nào (mềnh chưa bao giờ thấy sao Bắc Thần này á!). Xem xét kỹ các lối ẩn dụ trong các sách Trung Quốc thì rõ ràng mang tính đại khái cao độ. Có nhiều lối ví von mà ngay cả nguyên tắc hợp lý lúc đầu đã có sự chênh lệch lè ra.
Liên tưởng
Tuy nhiên, sang tới chương ba gọi là Bát Dật (múa tám hàng): có câu “Khổng Tử vị Quý thị: Bát dật vũ ư đình, thị khả nhẫn dã, thục bất khả nhẫn dã” (孔子謂季氏: 八佾舞於庭,是可忍也,孰不可忍也) Khổng Tử nói với họ Quý, đội múa có tới tám hàng, mà còn làm được, thế thì còn chuyện gì mà không làm được. Nếu không hiểu bối cảnh giai cấp thời Xuân Thu; Thiên tử, chư hầu, công, khanh vv… thì không cách nào hiểu ý nghĩa của câu trên. Thời đó chỉ có Thiên Tử mới có đội múa tám hàng (gồm 64 người). Thế mà giai cấp khanh tướng mới lên như họ Quý (Quý thị) phá quy củ tự so mình ngang hàng thiên tử, giành hết uy thế cũng lập đội múa tám hàng để mua vui trong nhà. Việc này đã làm Khổng Tử tức giận đến mức không thể chịu đựng nổi vì họ Quý đúng là không biết sĩ diện phép tắc là gì. Câu chuyện chỉ là như thế!
Nhưng ở một vị trí liên tưởng tới tình thế xã hội thì người ta luôn luôn có thể mượn các câu chuyện như thế này để bày tỏ lòng cảm thán trước cảnh chướng tai gai mắt. Ví dụ trong trạng thái uất ức của Nho gia, họ Quý này cũng không khác gia đình Nguyễn Tấn Dũng bây giờ, thâu tóm quyền hành, vun vén gia tộc, làm cay mắt thế nhân. Dưới lập trường của Khổng Tử, đúng là bọn “tân hưng địa chủ” không biết ngượng là gì, chạy đông chạy tây để cố tạo dựng phong cách quý tộc bằng mọi cách. Trong sự cảm thán này, những việc xấu hổ như thế mà nó còn làm được, thì có chuyện gì xấu xa hơn mà chúng không dám làm.
Gia đình thủ tướng (Ảnh photoshop)
Mà cũng đúng, nhà Nguyễn Tấn Dũng này thật là trơ tráo không khác gì gia đình họ Quý trong thời Xuân Thu làm Khổng Tử tức giận. Tranh quyền đoạt lợi nhất nhé!. Con gái thì cài cắm một cách ngang ngược, vừa là đảng viên đội mũ tai bèo, vừa lấy Việt Kiều quốc tịch Mỹ, lại vừa nắm luôn quyền lực ngân hàng tới bốn đại công ty (cộng sản á). Con trai thì đổi chức thứ trưởng nhằm lót đường cho sự nghiệp trị dân sau này. Con trai út nữa thì xưng là thủ lãnh du học sinh, về nước nắm quyền tổ chức đoàn thanh niên cộng sản HCM. Khổng Tử sống dậy chắc cũng chửi Nguyễn Tấn Dũng là đồ phường múa tám hàng (bát dật).
Do đó, để nhìn một cách khách quan, Luận Ngữ – Khổng Giáo vẫn có nhiều câu chuyện có sự liên tưởng mang tính tuỳ ý với tất cả mọi bối cảnh, cho nên nội dung vẫn có giá trị bao trùm. Sự khái quát mang tính điển hình làm Kinh Thư cổ đại Trung Quốc luôn luôn mang tính phiếm chỉ, làm bài học để đời, đề cao lễ mạo và sự ám chỉ vào thế lực tăm tối.
Tuy nhiên, lập trường của Khổng Tử còn nhiều góc cạnh gay cấn và khắc khổ khác. Chúng ta chỉ cần nhìn chân tướng của học thuật Trung Quốc cổ đại theo tâm trạng dửng dưng để không cần nhắm mắt tôn thờ, không để những thủ đoạn bá quyền văn hóa áp đảo tinh thần. Có như thế mới không bị những thế lực cầm quyền dùng Khổng Giáo làm xiềng gông vào cổ.
Nhưng mềnh cũng đã từng nêu ra, đọc các sách cổ xưa Trung Quốc ít ai đọc và trích dẫn tới chương thứ ba. Vì sao?
Nguồn: Facebook Trần Đông Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét