Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Phê bình văn học - học thuật : Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam - Kỳ 1

01 – 50 (55).
< Để nhớ bạn Lê Hòa Huyền Thanh Lữ >
KỲ 1
Dẫn nhập.
Cách đây khoảng hơn 3 năm không lâu (khoảng giữa năm 2008) tôi viết 2 Bài phê bình bộ “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam” (LSPGVN), tất cả 4 Tập, của Lê Mạnh Thát.
2 Bài phê bình này nêu lên những khiếm khuyết của Lê Mạnh Thát về mặt Hán văn, về mặt kiến thức Văn học, Sử học (Trung Hoa), và kể cả kiến thức Phật giáo.
2 Bài phê bình này tôi chỉ mới duyệt qua Tập I của bộ LSPGVN.
Bài phê bình thứ 2 xong ngày 8 tháng 5 năm 2008.
Sau đó tôi định phê bình tiếp, nhưng vì cần viết 1 số bài khác nên tôi gác lại việc này.
+ Với một cuốn sách liên quan Lịch sử Cổ Trung Hoa và Việt Nam như cuốn LSPGVN ở đây thì điều tất yếu người viết phải thông hiểu Hán văn.
Thế nhưng, trong 2 Bài phê bình kể trên tôi đã đưa ra những chứng cứ rất rõ ràng rằng khả năng Hán văn của người biên soạn Lê Mạnh Thát rất thấp!
Về chữ nghĩa, ngay đến những chữ thông thường nhất Lê Mạnh Thát cũng không hiểu nói chi là về phương diện cú pháp, ngữ pháp!
Lê Mạnh Thát muốn lập luận chiều nào, hướng nào cũng được - mặc lòng! Thế nhưng trình độ căn bản về ngôn ngữ, văn tự - ở đây Hán văn, rồi kiến thức Cổ Sử học, và  kiến thức Phật học, của ông ta đã không có thì có chỗ nào cho ông ta đứng (lập) đây?
Trong cuốn LSPGVN khi trích dẫn thư tịch Hán văn Lê Mạnh Thát chỉ đưa ra phần dịch (chỉ trừ những bài thơ) chứ không ghi lại nguyên tác, do đó, không thể biết ông ta dịch đúng hay sai nếu không có những tài liệu đó trong tay.
Những Sử liệu Hán văn Lê Mạnh Thát trưng dẫn nếu tôi thì tôi phê bình, còn những Sử liệu nào tôi không có, như tập “Thiền Uyển Tập Anh” chẳng hạn, thì nếu ông ta có dịch không đúng thì không sao mà rõ được!
Có điều, qua mấy bài phê bình trước đây của tôi người đọc có thể thấy được khả năng Hán văn của Lê Mạnh Thát ra sao, từ đó sẽ có nhận định về giá trị tập LSPGVN, có lẽ tôi không cần nói thêm!
Vào thời kỳ Hán văn suy tàn này, thực sự chuyên tâm học tập thứ văn tự này chẳng có bao nhiêu, trong khi số kẻ võ vẽ lại ba hoa muốn thiên hạ biết tài của mình thì nhiều!
                                                                           &
Nhìn chung thì thời bây giờ, ở cảnh “vu xứ” này, người ta rất thích nói Hán văn, có điều không chịu tra cứu để coi những gì mình nói ra, viết ra có chính xác hay không?
Nhìn theo một góc độ nào đó thì người ta thích vậy cũng phải, vì có những trường hợp dùng tiếng Hán Việt thì rất “sướng miệng”, “khoái tay”, dù rằng tiếng Việt cũng có tiếng diễn tả được nhưng người ta vẫn cứ thích dùng tiếng Hán Việt! Cho nó kêu! 
Tháng trước đây (ngày 21/7/ 2011), tôi đọc được Bản tin về lễ tấn phong 3 Thượng tọa  Thích Phước Nhơn, Thích Viên Lý, Thích Ân Đức lên Hòa Thượng.
Bản tin này có đoạn viết về 3 vị Hòa Thượng mới kể trên như sau: 
- “........................ Sau nghi thức Niệm Phật Cầu Gia Bị, TT. T Viên Huy đã trình bày về Giáo chỉ Tấn phong cũng như vài nét sơ lược về hành trạng của quý Ngài......”.
+ Người viết Bản tin nói trên không biết rằng tiếng “hành trng” là một thể văn thời cổ tự thuật việc làm của người chết lúc sinh thời. Văn tập của các học giả, danh nhân xưa có những bài “hành trạng” tự thuật công nghiệp, ngôn hành của người chết.
Chẳng hạn:
Văn hào Hàn Dũ (768 - 824) đời Đường (618 - 907) có các bài:
- Tặng Thái phó Đổng công Hành trạng.
- Đường cố tặng Phong Châu Thích Sử Mã phủ quân Hành trạng.
(Tham khảoHàn Xương Lê Văn Tập”. Qu.VIII. Tạp văn. Trạng. Biểu).
Văn hào Vương An Thạch (1021 - 1086) thời Bắc Tống (960 - 1127) có các bài:
- Thượng Thư Binh Bộ Viên ngoại lang Tri chế cáo Tạ công Hành trạng.
- Chương Vũ Quân Tiết Độ Sứ Thị trung Tào Mục công Hành trạng.
(Tham khảoVương Lâm Xuyên Toàn Tập”. Qu. XC. Hành trạng. Mộ biểu).
Ba Thượng tọa Thích Phước Nhơn, Thích Viên Lý, Thích Ân Đức vừa được tấn phong liền được người viết Bản tin cho qua đời luôn, liền một khi! Thiệt là tai hại!  
Cũng chỉ vì thích tiếng “Hành trạng” nghe “thật kêu” mà người viết Bản tin cho cả 3 ông Hòa Thượng mới được tấn phong đi khỏi cõi đời này!
                                                                           & 
Cảm khái lan man vài giòng ngoài lề bây giờ tôi xin tiếp tục nêu ra sự yếu kém căn bản (Hán văn) của Lê Mạnh Thát! 
                                                                           &
Trong phần “THAY LỜI TỰA” cho Tập 2 của Cuốn “LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM” Lê Mạnh Thát có một đoạn “bổ sung tư liệu bị thất thoát trong đợt in vừa rồi của tập I”.
Trong đoạn này, khi nói về ngôi Chùa tên “Địa Ngục” (Địa Ngục Tự), Lê Mạnh Thát dẫn cuốn “Kiến Văn Tiểu Lục”, và dịch một đoạn như sau:
- “.……… Trên đỉnh núi cao có chùa Đồng Cổ (…) Suối từ sườn núi chảy ra, trái gọi là suối Bạc, từ chùa bên phải chảy ra. Chùa bên phải này vuông vắn độ hơn một trượng, tượng toàn bằng đá, cánh cửa hai bên khóa chặt lại bằng khóa sắt lớn, trên có viên đá khắc chữ triện Địa Ngục Tự”.
Bây giờ chúng ta hãy coi Lê Quí Đôn viết ra sao:
- “…. Trùng sơn chi điên hựu hữu Cổ Đồng Tự, thượng, hạ đãi nhị nhật lực.
Tòng Giải Oan khê tả trắc du thượng sơn, chí liên hồ, thủy giai bích, trung hữu kỳ thạch, hồng liên tứ thời giai hoa. Hồ ngoại lưỡng bàng tuyền tự sơn yêu xuất, tả viết Ngân tuyền, kỳ nguyên tự sơn đầu thạch khích nhi há, vọng chi như luyện; hữu viết Kim tuyền tòng hữu tự xuất. Hữu tự phương tài trượng dư, ốc bích thuần thch, lưỡng môn phi dụng đại thiết tỏa phong chi, thượng hữu thạch khắc triện văn viết “Đa Ngc Tự”.
                                                                    /  Kiến Văn Tiểu Lục. Qu. VI. Phong vực  /.
- “…. Trên đỉnh núi chập chùng lại có Chùa Cổ Đồng, lên xuống chùa phải mất gần 2 ngày.
Từ mé trái suối Giải Oan trèo lên núi tới hồ sen, nước hồ xanh biếc, trong hồ có tảng đá kỳ lạ, sen đỏ bốn mùa nở hoa. 2 bên hồ suối từ lưng núi đổ xuống, suối bên trái tên Ngân tuyền bắt nguồn từ khe đá trên đầu núi đổ xuống, coi như 1 giải lụa trắng; suối bên phải tên Kim tuyền, từ ngôi chùa bên phải chảy ra. Ngôi chùa bên phải này vuông vức hơn một trượng, vách chùa toàn bằng đá, 2 cánh cửa chùa dùng khóa lớn bằng sắt khóa lại, trên đầu cửa Chùa có khối đá, trên mặt đá khắc chữ triện đề “Đa Ngc Tự”.
Đối chiếu nguyên tác mới thấy Lê Mạnh Thát dịch sai, và thiếu, một số điểm:
1). Nguyên tác chép rõ làTrùng sơn chi điên”, nghĩa là “trên đỉnh núi chập chùng”, tức không phải chỉ trên đỉnh núi cao mà thôi, thiếu ý “chập chùng”.
2). Suối Bạc (Ngân Tuyền) từ lưng núi ở mé bên trái của hồ sen chảy ra, không phải là từ ngôi “chùa bên phải chảy ra” như Lê Mạnh Thát dịch sai.
3). Nguyên tác nói rõ vách chùa toàn bằng đá, không phải tượng toàn bằng đá, như Lê Mạnh Thát dịch.
4). “trên có viên đá”, câu này gây hiểu lầm là viên đá nằm trên mặt cánh cửa Chùa.
Lại một đoạn khác, Lê Mạnh Thát dịch trọn phần tiểu sử Luật sư Trí Hoằng chép trong cuốn Đại Đường Tây  Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện:
               “Luật sư Trí Hoằng người Lạc Dương, là cháu của đại sứ Vương Huyền Sách từng đi sứ Tây Vức. Khi tuổi còn nhỏ, đã thích lẽ huyền vi. Lòng khinh chốn phồn hoa giả dối, ý muốn ở ẩn núi rừng. Bèn đến núi Thiếu Lâm, ăn đọt tùng, uống nước suối, thích tụng kinh điển, lại giỏi văn bút. Thế rồi hiểu được sự ồn ào của phố thị, vắng lặng của cửa pháp, bèn rời tám sông mà đi về Ba Ngô, bỏ áo trắng mặc lấy áo nâu, thờ Ta thiền sư làm thầy. Học lấy tư huệ, chưa trải nhiều năm mà đã ít nhiều thấm được cửa huyền. Lại đến chỗ của Nhẫn thiền sư ở Kế Châu liền tập lại thiền định. Song gốc lành đã trồng, mà cành lớn chưa phát, bèn vượt sông Tương đến núi Hoành, vào rừng Quế mà nghĩ suy, sống suối xa mà dứt lòng. Trải hơn năm, nhờ Tịch thiền sư y chỉ, thấy núi sông đẹp đẽ, xem rừng rú thanh hư, bèn múa bút tả nỗi lòng, viết nên bài phú U thiền sư, giải bày mong ước được đi xa.
               Khi đã gặp hết bậc tôn túc của vùng Tam Ngô, đến hết các trường dạy để học, lại trải qua bạn bè đất Cửu Giang, mấy lần bàn lẽ diệu. Song gốc lành xưa trồng,   chẳng phải do con người tặng lại. Cho nên từ kinh đô muốn đi xem Tây Thiên, may  gặp thiền sư Vô Hành, cùng làm bè bạn. Họ đến Hợp Phố, lên thuyền vượt dài biển  xanh. Song gió không tiện đường, bèn trôi dạt đến Thượng Cảnh, lại nhắm Giao Châu  ở qua một hạ. Lại đến cuối đông thì ra bờ biển Thần Loa, theo thuyền đi về phía Nam. Đến nước Thất Lợi Phật Thệ. Còn những chi tiết trải qua thì đã đầy đủ ở trong truyện của Hạnh thiền sư.
               Đến chùa Đại Giác ở qua hai năm, chiêm ngưỡng tôn dung, tỏ hết lòng thành, đọc kinh tiếng Phạn. Tháng cũ ngày mới, bèn hiểu tiếng ấy, có thể viết tiếng Phạn, học  luật nghi, ngiên cứu luận tạng. Khi đã hiểu Câu xá, lại rành nhân minh, thì ở chùa Na Lan Đà chuyên xem đọc đại thừa. Còn ở đạo tràng Tính giải thì chuyên nghiên cứu tiểu giáo. Lại đến các bậc danh đức, học thêm luật nghi một cách siêng năng không quên  tức bóng. Lại học luật kinh do luật sư do luật sư Đức Quang viết ra, vừa nghe vừa dịch, thật có công phu, khéo giữ bè nổi, không chút thiếu sót. Thường ngồi không nằm, tri  túc thanh liêm, vâng trên dạ dưới. Ở lâu người ta càng thêm kính trọng……
(LSPGVN2. tr. 164, 165).
Những cái sai của Lê Mạnh Thát trong đoạn dịch văn trên:
1). “Khi tuổi còn nhỏ”.
Nguyên tác: “Niên tài nhược tuế”.
Lê Mạnh Thát không biết rằng tiếng “nhược tuế” trong câu trên tức “nhược quán”, là độ tuổi làm lễ “gia quan” (đội mũ), tức 20 tuổi (ta).
2). thích lẽ huyền vi”.
Nguyên tác: “hạp xung hư”.
Chữ “hạp” có nghĩa là “thân cận, thân mật”, là “thói quen” (tập quán).
Tiếng “xung hư” có nghĩa là “đạm bạc, thanh tĩnh, không ràng buộc”.
3). “Lòng khinh chốn phồn hoa giả dối”.
Nguyên tác: “chí miệt khinh phì”.
Lê Mạnh Thát không biết rằng tiếng “khinh phì” là 2 tiếng “khinh cừu” và “phì mã” được viết gọn lại.
Khinh cừu là “áo da chồn nhẹ”, phì mã là “ngựa mập”. Chỉ sự giàu sang.
Sách Luận Ngữ viết:
- “Tử Hoa sứ ư Tề, Nhiễm tử vị kỳ mẫu thỉnh túc, Tử viết: Dữ chi phủ.
Thỉnh ích, viết: Dữ chi dũ.
Nhiễm tử dữ chi túc ngũ bỉnh!
Tử viết: Xích chi thích Tề dã thừa phì mã ý khinh cừu, ngô văn chi dã, quân tử chu cấp bất kế phú!”.
                  Luận Ngữ. Ung Dã VI. 04  /.
- “Tử Hoa đi sứ nước Tề, Nhiễm tử xin cấp lúa gạo cho mẹ Tử Hoa.
Khổng Tử nói: - Cho bà ấy 64 thăng.
Nhiễm tử xin thêm, Khổng Tử nói: - Cho bà ấy 160 thăng.
(Nhưng) Nhiễm tử cấp cho mẹ Tử Hoa tới 8000 thăng lúa!
Khổng Tử nói: - Xích qua nước Tề cỡi ngựa mập, bận áo da chồn nhẹ, ta nghe nói bậc quân tử giúp người gặp cảnh ngặt nghèo, không giúp cho kẻ có dư!
Chu Hi (1130 - 1200) chú thích:
- “Thừa phì mã, ý khinh cừu, ngôn kỳ phú dã!”.
- “Cỡi ngựa mập, bận áo da chồn nhẹ, ý nói Tử Hoa giàu có!”.
Đỗ Phủ (712 - 770) có câu:
                                            Đồng học thiếu niên đa bất tiện,
                                            Ngũ Lăng y, mã tự khinh phì.
                                                             Đồng học thiếu niên ít kẻ khó,
                                                             Ngũ Lăng áo, ngựa những khinh phì.
Trên đây là 2 câu cuối của bài thứ 3 trong 8 bài “Thu Hứng”.
Ngoài ra, Lê Mạnh Thát còn “cương” tiếng giả dối; trong Câu dẫn trên của nguyên tác không có chữ nào nghĩa là giả dối hết!
4). “…. bèn rời tám sông mà đi về Ba Ngô”.
Nguyên tác: “…. toại bội Bát thủy nhi khứ Tam Ngô”.
Cũng vì không hiểu những tiếng trên đây, nói rõ hơn là không rõ về Địa lý, cho nên ông Lê Mạnh Thát đã dịch rất hàm hồ, ngớ ngẩn như trên!
Bát thủy, còn gọi là Bát xuyên, chỉ 8 con sông ở vùng Quan Trung.
Từ Kiên (659 ? - 729) đời Đường trong bộ Sơ Học Ký:
- [Sự đối]…… Bát thủy, Tam xuyên……
Đới Diên Chi “Tây Chinh Ký” viết: - “Quan nội Bát thủy: nhất Kinh, nhị Vị, tam , tứ Sản, ngũ Lạo, lục Quyệt, thất Lễ, bát Hảo”.”.
                                     /  Sơ Học Ký. Qu. VI. Địa bộ - Trung. Tổng tái Thủy đệ nhất  /.
- [Sự đối]…… Bát thủy, Tam xuyên……
Tập “Tây Chinh Ký” của Đới Diên Chi chép: - “8 con sông vùng Quan nội: 1 là sông Kinh, 2 là sông Vị, 3 là sông , 4 là sông Sản, 5 là sông Lạo, 6 sông Quyệt, 7 sông Lễ, 8 sông Hảo”.”.
Quan Nội, hoặc còn gọi Quan Trung, đại khái là địa khu tỉnh Thiểm Tây hiện nay, do đó cho dễ hiểu và rõ phải dịch câu “bội Bát thủy” là “rời vùng Quan Trung”.
Tam Ngô.
1/. Thủy Kinh Chú (Qu. XL. Tiệm giang thủy): Ngô Hưng, Ngô Quận, Cối Kê.
2/. Thông Điển (Qu. CLXXXII. Châu Quận 12): Ngô Quận, Ngô Hưng, Đơn Dương.
3/. Chỉ Chưởng Đồ: Tô Châu, Thường Châu, Hồ Châu.
4/. Danh Nghĩa Khảo (Qu. III. Địa bộ): Tô Châu, Nhuận Châu, Hồ Châu.
Nghĩa Tĩnh là người đời Đường, Đỗ Hựu (735 - 812), tác giả Bộ Thông Điển, cũng là người đời Đường, do đó Địa lý Hành chánh ở đây theo ghi chép của Đỗ Hựu.
( còn tiếp ...)
Minh Di

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét