KỲ 5
8). “....... phép tục Lĩnh Nam cùng làm khó lòng kẻ đi người ở. Nho sĩ ăn tại đất bắc đều mang nỗi hận biệt ly.”.
Nguyên tác: “Lãnh Nam pháp tục cộng cảnh khứ lưu chi tâm; Bắc thổ anh nho câu hoài sinh biệt chi hận.”.
- “(Bản chất) của người Tăng, kẻ tục ở vùng Lãnh Nam rồi đều nghẹn ngào trước cảnh kẻ ở người đi; (bản chất) bậc trí thức tài cao phương Bắc ai cũng đều buồn thương cho cảnh chia lìa giữa người sống.”.
+ Lê Mạnh Thát không hiểu 2 chữ “Pháp tục” ở đây chỉ 2 giới Tăng và tục.
+ Chữ “Cảnh” trong đoạn trên có nghĩa “ăn mà bị nghẹn xương ở cổ”.
Chữ này bên trái là bộ “Ngư” (Con cá), bên phải là chữ “Canh”, nghĩa là “Sửa đổi”.
Ngoài ra chữ “Canh” còn âm đọc nữa là “Cánh”, nghĩa là “Lại, nữa. Càng”
+ 2 chữ “khứ lưu”: Khứ là đi, ở đây chỉ người đi; lưu là ở, ở đây chỉ người ở lại.
+ “Nho sĩ ăn tại đất bắc”. Tôi không rõ Lê Mạnh Thát dịch từ đâu ra chữ “ăn”?
Chưa nói “ăn tại đất bắc” là ăn làm sao? Thiệt là tối mò!
9). “Vườn Nai. Núi Gà.”.
Nguyên tác là “Lộc Viên. Kê Phong”.
Đây là những tên riêng, dịch ra thì rất ngớ ngẩn và ngô nghê, kiểu “đỉnh cao trí tuệ”!!!
10). (. . .).
Trong ngoặc đơn có 3 cái chấm này là một đoạn nguyên tác Lê Mạnh Thát không dịch! Đoạn này là: “Vu thời quảng mạc sơ phiêu...... tới câu “như vân chi lãng thao thiên”.
Tôi nghĩ Lê Mạnh Thát không hiểu đoạn này nên không dịch. (Coi phần dịch ở sau).
11). “Chưa được hai tuần......”.
Nguyên tác: “Vị cách lưỡng tuần......”.
- Chưa tới 20 ngày......”.
Thời cổ, Lịch pháp Trung Hoa phân 1 tháng làm 3 khoảng, mỗi khoảng 10 ngày, gọi là Tuần - như ta thường nghe “thượng tuần”, “trung tuần”, “hạ tuần”.
Trong Lịch pháp phương Tây, 1 tuần chỉ có 7 ngày. Cho nên, dịch mà không chú thích như Lê Mạnh Thát có thể khiến 1 số người đọc hiểu lầm chữ “Tuần” ở đây là 7 ngày!
12). “Trải ngừng sáu tháng.”.
Nguyên tác: “Kinh đình lục nguyệt”.
Lê Mạnh Thát dịch từng chữ một rất ngô nghê, trong khi Nghĩa Tĩnh rất giản dị nói rằng mình “ở lại đây (Phật Thệ) 6 tháng”.
13). “......Vua nước đó biếu giúp đưa đến nước Mạc La Du.”.
Nguyên tác: “Vương tặng chi trì tống vãng Mạt La Du quốc”.
- “Vua (xứ này) tặng cho tiền bạc, vật dụng đưa tiễn tới nước Mạt La Du”.
Vì Lê Mạnh Thát chỉ biết dịch từng chữ một cho nên rất hàm hồ!
Nói “biếu giúp”, nhưng “biếu giúp” cái gì ở đây?
Kế đến, chữ đầu của tên nước là “Mạt” (Mạ+t), không phải “Mạc” (Mạ+c).
14). “...... thuyền nhỏ hơn trăm chiếc.”.
Nguyên tác: “tiểu đỉnh hữu doanh bách số”.
- “Thuyền nhỏ nhẹ mà nhanh có đến trăm chiếc”.
Số lượng ở đây bất định, Nghĩa Tĩnh chỉ phỏng chừng mà thôi! Chữ “doanh” trong câu nghĩa là “đầy”. Giải rõ ra, ý nói là nhiều lắm cũng đầy, cũng tới 100 chiếc thuyền.
15). “...... biên giới phía nam của Thục Xuyên.”.
Nguyên tác: “Thục Xuyên Tây nam giới”.
Lê Mạnh Thát dịch thiếu chữ “Tây”.
16). “Lưu lại một năm để học tiếng Phạn và nghiên cứu các bộ luận thanh văn.”.
Nguyên tác: “Lưu trú nhất tái, học Phạm ngữ, tập Thanh luận”.
- “Ở lại đây 1 năm, học tiếng Phạn, tập Ngữ pháp (tiếng Phạn)”.
Lê Mạnh Thát dịch mà không suy nghĩ gì hết, cứ dịch càn tới. Thử hỏi, chỉ với một năm học nói đã xong chưa mà nghiên cứu tới những Bộ Luận Phật giáo - là những trứ tác của những Luận sư thuộc hàng Thanh Văn Thừa đã ngộ Tứ Đế (Khổ. Tập. Diệt. Đạo)?
Lê Mạnh Thát vốn không hiểu rằng tiếng “thanh luận” trong câu dẫn trên đây, cũng như tiếng “Thanh minh” ở một đoạn trước, chỉ ngôn ngữ học.
Hơn nữa, cứ coi nguyên tác thì thấy không có chữ nào có nghĩa là “nghiên cứu” cả!
17). “........... tìm cách đi với nhà buôn, nhưng không thể kịp. Dù đã cố hết sức mình tìm đường đi lên.”.
Nguyên tác: “……. cầu chẩn thương đồ, tuyền khốn bất năng cập, tuy khả lệ kỉ cầu tiến ngũ lý chung tu bách tức.
- “........ xin đi theo đoàn thương buôn, (nhưng) khốn đốn luôn không theo kịp đoàn, tuy tự khích lệ là phải cố vượt lên (cho kịp) nhưng cứ đi 5 dặm thì nghỉ tới cả trăm lần”.
Chữ “chẩn” trong nguyên tác có nghĩa là “cầu xin”, không có nghĩa là “tìm cách”.
Câu “tìm cách đi với nhà buôn, nhưng không thể kịp” hàm hồ. Không thể kịp cái gì?
Câu “cầu tiến” Lê Mạnh Thát dịch là “tìm đường đi lên” lại cũng hàm hồ nữa!
Tiếp đến, Lê Mạnh Thát dịch thiếu câu “tuyền khốn” (“khốn đốn luôn”), cũng không dịch câu “khả lệ kỉ” (“tự khích lệ”).
18). “........ mãi rời cuộc sống, không còn lòng để thăm hỏi.”
Nguyên tác: “Trường từ nhân đại, vô hài lễ yết chi tâm”.
- “Rời bỏ cõi người thì rồi không hợp với tâm nguyện đến bái yết đất Phật”.
Tiếng “trường từ” nghĩa là “sự từ biệt lâu dài”, ý chỉ “sự chết”.
Chữ “Hài” trong câu trên có nghĩa là “hòa hợp”.
Câu này nói rằng nếu chết đi thì điều này rồi không hợp với tâm nguyện của mình là đến xứ Phật cầu Pháp, chiêm bái các di tích của Phật.
Câu kế tiếp diễn rõ hơn ý trên đây:
- “thể tán phong đoan bất toại bản cầu chi vọng!”.
- “thân tan dưới đầu gươm dáo thì không đạt thành nguyện vọng của mình!”.
Lê Mạnh Thát dịch “không còn lòng để thăm hỏi” thì đã sai, lại mơ hồ! “Thăm hỏi” ai?
19). “...... lòng lại nhớ quanh co.”.
Nguyên tác: “Ký tư thử thuyết cánh chẩn vu hoài”.
- “Đã nghĩ tới truyền thuyết này thì càng đau đớn trong lòng”.
Trong Hoa ngữ có từ ngữ “chẩn hoài”, nghĩa là “đau lòng nghĩ nhớ” (thống niệm).
Khuất Nguyên (343 - 299 tr. Cn) có câu:
Xuất Quốc môn nhi chẩn hoài hề!
Bỏ Nước đi mà đau lòng kìa!
Vương Dật (? - ?) thời Đông Hán (25 - 220) chú thích:
- “Chẩn, thống dã; hoài, tư dã”.
- “Chẩn, là đau đớn; hoài là suy nghĩ”.
Có thể thấy, “nhớ quanh co” thì khác xa với “nhớ mà lòng đau đớn”!
20). “...... kêu dài”.
Nguyên tác: “Trường khiếu”.
- “Lớn tiếng kêu”.
Lê Mạnh Thát dịch từng chữ một là “kêu dài”. “Kêu dài” là kêu ra làm sao?
Tiếng Việt có các tiếng “than dài”, “thở dài”, không có “kêu dài”.
Trường nghĩa là “dài”, là “xa”, do đó nếu dịch câu “trường khiếu” là “lớn tiếng kêu” hoặc là “cất tiếng kêu lớn” thì hợp tinh thần tiếng Việt hơn.
Lớn tiếng kêu thì âm thanh lan xa cho người ngoài xa nghe.
21). “...... rồi lên Kỳ Xà Quật chiêm bái nơi giữ áo ấm của đức Phật.”.
Nguyên tác: “...... thướng Kỳ Xà Quật kiến điệp y xứ”.
- “...... lên Kỳ Xà Quật thăm nơi có [dấu tích] áo [cà sa bằng vải] bạch điệp của Phật”.
(Kỳ Xà Quật tức núi Linh Tựu, hay còn đọc là Linh Thứu. Coi phần tiếp sau phần này).
Đối chiếu câu dịch chính xác tôi dịch trên và câu dịch sai của Lê Mạnh Thát có thể thấy Lê Mạnh Thát:
1/. Không biết nguyên tắc giả tá (còn gọi là thông tá) trong Văn tự học Trung Hoa.
2/. Không thông điển tích Phật giáo.
Tôi lần lượt chứng minh từng điểm một sau đây.
1). Về văn tự học.
Chữ “Điệp” ở đây có các nghĩa “Tầng, lớp. Lập lại. Sợ hãi”.
Nhưng ở đây, trong Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện chữ “điệp” này chỉ thứ vải dệt từ sợi bông cây gòn (mộc miên) ở các xứ Tây vực.
Thứ vải dệt từ sợi bông cây mộc miên sắc trắng, chất mịn do đó mà được mệnh danh là “bạch điệp”.
Cà sa của Phật được may bằng thứ vải bạch điệp này do đó Nghĩa Tĩnh nói “điệp y”.
Chữ này vốn viết với Bộ “Mao” (Lông) ở bên phải chữ “điệp” kể trên, nhưng nguyên tác ở đây viết không có Bộ “Mao”, theo lối giả tá thường thấy trong văn chương cổ điển.
Nói rõ hơn là ở đây Lê Mạnh Thát không biết là 2 chữ “Điệp”, một chữ có Bộ “Mao”, và một chữ không có Bộ “Mao”, chỉ là một, tức mượn chữ này để chỉ chữ kia! Cho nên đã hiểu theo nghĩa “tầng, lớp”, để từ đó suy diễn là “lớp áo”, là “áo ấm”.
2). Về điển tích Phật giáo.
Trong “Tây Vực Ký” có khá nhiều đoạn nói đến thứ áo may bằng vải “bạch điệp” này ở một số nước vùng Tây vực .
Tổ Huyền Trang ghi lại trong “Đại Đường Tây Vực Ký”:
- “Cung Thành Đông bắc hành thập tứ, ngũ lý, chí Cật Lật Đà La Củ Trá Sơn (Đường ngôn Tựu Phong, dịch vị Tựu Đài. Cựu viết Kỳ Xà Quật, ngoa dã!)......
Kì sơn đỉnh tắc Đông tây trường, Nam bắc hiệp. Lâm nhai Tây thùy hữu chuyên tinh xá cao quảng kỳ chế, Đông tịch kỳ hộ, Như Lai tại tích đa cư thuyết Pháp......
Tinh xá Đông bắc thạch giản trung hữu đại bàn thạch, thị Như Lai sái ca sa chi xứ, y văn minh triệt, kiểu như điêu khắc”.
- “Từ Cung Thành đi về hướng Đông bắc 14, 15 dặm thì tới núi Cật Lật Đà La Củ Trá (Ngôn ngữ Đường gọi là Tựu Phong, cũng gọi Tựu Đài. Xưa gọi là Kỳ Xà Quật, là gọi sai)......
Đỉnh núi chiều Đông Tây dài, Nam Bắc hẹp. Sát bên ghềnh núi phía Tây có một tinh xá bằng gạch, cao rộng, kiến trúc đặc dị, day mặt về hướng Đông, đức Như Lai thuở xưa phần nhiều thuyết Pháp tại đây......
Ở khe núi đá mé Đông bắc tinh xá có tảng đá lớn, là nơi Như Lai phơi áo cà sa, dấu áo lưu lại trên mặt đá thật rõ, rành rạnh như điêu khắc”.
Ngoài ra, cũng sách dẫn trên, ở một đoạn nữa, cho biết:
- “Như Lai Tăng già đê Ca sa, tế điệp sở tác, kỳ sắc hoàng xích, trí bảo hàm trung, tuế nguyệt ký viễn, vi hữu tổn hoại”.
- “Cái áo Tăng già đê của Như Lai dệt với vải (bạch) điệp sợi mịn, có sắc vàng đỏ, để trong hộp quí, trải năm tháng xa xôi áo đã có chút ít hư hoại”.
Kinh Hoa Nghiêm so sánh Tâm Bồ đề thanh tịnh trắng sạch như sợi vải Bạch điệp:
- Bồ đề tâm giả như Bạch điệp tuyến, tòng bản dĩ lai tính thanh tịnh cố!
- Bồ đề tâm như sợi vải Bạch điệp, vì từ nào đến giờ tánh vốn thanh tịnh!
22). “...... hội đầu Long Hoa..... đều hợp chân tôn.”.
Đúng phải là “3 Hội Long Hoa”, không phải chỉ Hội đầu tiên.
Chân tông ở đây tức chỉ cái “thực lý của Chân như Pháp tướng”.
23). “...... qua phương trượng mà tới Câu Thi.”.
Nguyên tác: “quá Phương Trượng nhi giới Câu Thi”.
Có thể thấy ngay dịch văn dẫn trên của Lê Mạnh Thát rất hàm hồ!
Cứ như nguyên tác thì Phương Trượng và Câu Thi chỉ địa danh.
Điều mà ai cũng rõ là trong chùa, chỗ cư trú của Sư trụ trì được gọi là Phương trượng.
Dịch như Lê Mạnh Thát người đọc sẽ thắc mắc:
1/. Phương trượng của Chùa nào đây? Chùa ở đâu?
2/. Câu Thi là địa danh, nhưng là tên 1 địa phương, hay tên Quốc gia?
Về danh xưng “Phương trượng” chúng ta hãy đọc một đoạn trong bộ loại thư Phật giáo nổi tiếng là “Pháp Uyển Chu Lâm” của Thích Đạo Thế (? - ?) đời Đường:
- “Phệ Xá Li quốc, thuộc Trung Ấn Độ (Cựu vân Tỳ Xá Li quốc)......
Cung Thành chu ngũ lý. Cung Tây bắc lục lý hữu tự tháp, thị thuyết Duy Ma Kinh xứ.
Tự Đông bắc tứ lý hứa hữu Tháp, thị Duy Ma cố trạch cơ, thương đa linh thần! Kỳ xá điệp chuyên, truyền vân tích thạch, tức thị thuyết Pháp hiện tật xứ dã.
Vu Đại Đường Hiển Khánh niên trung sắc sứ Vệ Trưởng sử Vương Huyền Sách nhân hướng Ấn Độ, quá Tĩnh Danh trạch, dĩ hốt lượng cơ, chỉ hữu thập hốt, cố hiệu Phương Trượng chi Thất dã!
/ Pháp Uyển Chu Lâm. Qu.XXIX. Cảm Thông thiên. Thánh tích Bộ đệ Nhị /.
- “Nước Phệ Xá Li, thuộc miền Trung Ấn Độ (Thời cũ gọi là nước Tỳ Xá Ly)......
Cung Thành chu vi 5 dặm. Cách Cung Thành 6 dặm về phía Tây bắc có Tháp miếu, là nơi Phật giảng Kinh Duy Ma.
Mé Đông bắc Tháp miếu khoảng 4 dặm có ngôi Tháp, là nền cũ của nhà của Duy Ma Cư sĩ, nơi đây vẫn còn xuất hiện những việc linh thiêng, thần kỳ! Căn nhà của Duy Ma Cư sĩ được xếp gạch lên nhau mà thành, truyền thuyết nói chồng đá lên nhau, nhà này là nơi Duy Ma thị hiện thân bệnh mà thuyết Pháp.
Trong khoảng Niên hiệu Hiển Khánh triều Đại Đường vua ra sắc chỉ cho Vệ Trưởng sử Vương Huyền Sách đi Sứ (Ấn Độ), tiện dịp ghé qua nhà (cũ) của Tĩnh Danh, dùng thẻ hốt đo nền nhà, đo được chỉ có 10 hốt, do đó gọi là Nhà Phương Trượng!”.
Tiếng Phương Trượng chỉ phòng của Sư trụ trì trong Chùa đã bắt nguồn từ đó.
Người ta vẫn nói “Phương trượng” là tiếng chỉ nhà ở của Cư sĩ Duy Ma Cật, thế nhưng không thấy ai nêu rõ 1 trượng dài bao nhiêu để có khái niệm về độ lớn của căn nhà!
Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề này.
Trước hết là cái Hốt của quan chức thời cổ và độ dài của nó.
Hốt là thẻ bài các quan cầm khi vào họp triều, có việc gì thì ghi trên đó để nhớ. Thời cổ từ vua quan cho tới sĩ thứ đều dùng hốt. Về sau thì chỉ có quan chức mới được dùng.
Hoàng Dĩ Chu (1828 - 1899), học giả cuối kỳ Thanh triều (1644 - 1911), trong tác phẩm nghiên cứu Lễ chế “Lễ Thư Thông Cố”, dẫn thiên ‘Ngọc Tảo’ trong sách “Lễ Ký” nói là độ dài qui định của HỐT là “Nhị xích hữu lục thốn” (2 thước 6 tấc).
(Tham khảo Lễ Thư Thông Cố. Qu. XLIX. Danh vật đồ 2. Hốt).
Thước, tấc nói trong sách “Lễ Ký” là thước, tấc đời Chu (1121 - 256 tr. Cn):
1 xích = 19.91 cm / 1 tấc = 1 / 10 thước = 1.991 cm.
Vậy 1 Hốt = (19.91 cm x 2) + (1.991 cm x 6) = 39.82 cm + 11.946 cm = 51.766 cm.
10 Hốt = 51.766 cm x 10 = 517.66 cm, tức 5.1766 m.
1 xích thời Đường = 31.10 cm, tính ra thì mỗi cạnh nhà của Duy Ma sẽ là 8.086 m.
Thế nhưng, cứ đoạn văn dẫn trên của “Pháp Uyển Chu Lâm” thì 10 Hốt = 1 Trượng.
Vậy, nếu nói theo hệ thống đời Chu thì ở đây 1 Hốt dài 19.91 cm.
Còn nói theo hệ thống đời Đường thì 1 Hốt dài 31.10 cm.
Nếu nói theo đơn vị Trượng thời Chu thì mỗi cạnh nhà của Duy Ma Cật = 1.991 m.
Nếu tính theo qui định thời Đường thì mỗi cạnh nhà của Duy Ma Cật sẽ là: 3.11 m.
Nói khác đi, nếu ứng dụng 1 Cây Hốt dài 2 xích 6 tấc của thiên “Ngọc Tảo” thì điều này không ăn khớp với cả 2 hệ thống Chu và Đường!
Không rõ “Pháp Uyển Chu Lâm” nói theo hệ thống đo lường thời nào?
Thích Đạo Thế, tác giả tập sách kể trên là người thời Đường bởi vậy có lẽ ông nói theo qui định đo lường thời ông.
Từ hệ thống đo lường đời Đường nếu phân tích chút nữa ta thấy:
3.11m x 3.11m = 9.6721 m2. Tức xấp xỉ con số 10.
Qua đoạn văn của “Pháp Uyển Chu Lâm” thì rõ nhà cũ của Cư sĩ Duy Ma Cật sau này được gọi là “Phương Trượng”.
Cho nên câu “Quá Phương Trượng nhi giới Câu Thi” phải dịch là:
- “Qua nhà cũ của Cư sĩ Duy Ma Cật rồi đi qua nước Câu Thi”.
Tóm lại, có thể nói rằng Lê Mạnh Thát không hiểu câu “quá Phương Trượng” trên đây nói gì cho nên mới dịch hàm hồ như đã thấy.
24). “...... chỉ khỏi được họa dao đâm, mà giữ được thân hôm sớm”.
Nguyên tác: “...... cận miễn trị nhận chi họa, đắc tồn triêu tịch chi mệnh”.
- “Trị nhận” nghĩa là “dùng dao đâm thấu vào”.
Dịch là “dao đâm” thì không sai, có điều, câu ở trước đã nói “đại kiếp tặc” thì giặc cướp không chỉ dùng “dao” mà còn dùng các thứ như kiếm, cung, dáo….. tóm lại là vũ khí.
Câu “cận miễn trị nhận chi họa” do đó nếu dịch là “thoát được cái họa gươm đao” hoặc dịch “thoát được cái họa bị giặc cướp giết” thì xác đáng hơn! Dịch từng chữ một trong nhiều trường hợp phải nói là ngô nghê.
Kế đến, 2 chữ “triêu tịch” ý chỉ “khoảng thời gian ngắn”, như nói kiếp sống của loài sâu phù du “triêu sinh nhi tịch tử”. Dịch là “hôm sớm” thì không nói rõ được ý nguyên tác!
Dịch từng chữ - điều rất thường thấy trong việc chuyển dịch của Lê Mạnh Thát, nhiều lúc rồi không diễn hết ý của nguyên văn, mà đôi khi còn ngớ ngẩn nữa!
( còn tiếp ...)
Minh Di
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét