Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam - Kỳ 6

Ðức Phật thị hiện trên không trung tại Miến Ðiện và Trung Quốc
 Sưu tầm từ báo chí địa phương Trung Quốc năm 2005
KỲ 6
Sau hết, ở đầu đoạn dẫn trên Lê Mạnh Thát ghi “….. năm Hàm Hanh thứ ba (672)”, tức năm thứ 3 Niên hiệu này tương ứng năm 672, thế nhưng, ở đoạn cuối lại viết “.... năm Hàm Hanh thứ 3 (674)”, tức năm thứ 3 Niên hiệu này nhằm năm 674, nói khác đi, cùng một thời điểm mà sai biệt 2 năm!
Nguyên văn đoạn trên của Thích Nghĩa Tĩnh:
- Vu thời Hàm Hanh nhị niên, tọa Hạ Dương Phủ. Sơ Thu hốt ngộ Cung Châu sứ quân Phùng Hiếu Thuyên, tùy chí Quảng Phủ, dữ Ba Tư bạch chủ kỳ hội Nam hành - Phục mông sứ quân lệnh vãng Cương Châu, trùng vi đàn chủ, cập đệ Hiếu Đản sứ quân, Hiếu Chẩn sứ quân, Quận quân Ninh thị, Quận quân Bành thị đẳng, hợp môn quyến thuộc hàm hiến tư tặng, tranh trừu thượng hối, các xả kỳ xan, thứ vô phạp ư hải đồ, khủng hữu lao ư hiểm địa. Đốc như thân chi huệ, thuận Cấp Cô chi tâm. Cộng tác qui y, đồng duyên thắng cảnh. Sở dĩ đắc thành lễ yết giả, cái Phùng gia chi lực dã! Hựu Lãnh Nam pháp tục cộng cảnh khứ lưu chi tâm; Bắc thổ anh nho câu hoài sinh biệt chi hận.
Chí thập nhất nguyệt toại nãi diện Dực, Chẩn bội Phan Ngu, chỉ Lộc Viên nhi hà tưởng, vọng Kê Phong nhi thái tức!
Vu thời quảng mạc sơ phiêu, hướng chu phương nhi bách trượng song quải - lệ sáng tiết, khí huyền sóc nhi ngũ lưỡng đơn phi. Trường tiệt hồng minh, tự sơn chi đào hoành hải - tà thông cự hác, như vân chi lãng thao thiên.
Vị cách lưỡng tuần, quả chi Phật Thệ. Kinh đình lục nguyệt, tiệm học thanh minh. Vương tặng chi trì tống vãng Mạt La Du quốc (Kim cải vi Thất Lợi Phật Thệ). Phục đình lưỡng nguyệt, chuyển hướng Kiệt Đồ.
Chí thập nhị nguyệt, cử phàm hoàn thừa vương bạch, tiệm hướng Đông thiên hĩ!
Tòng Kiệt Đồ bắc hành thập nhật dư, chí Lõa Nhân quốc. Hướng Đông vọng ngạn, khả nhất, nhị lý hứa, đản kiến gia tử thụ, tân lang lâm sâm nhiên khả ái.
Bỉ kiến bạch chí, tranh thừa tiểu đỉnh hữu doanh bách số, giai tương gia tử, ba tiêu cập đằng trúc khí lai cầu thị dịch. Kỳ sở ái giả đản duy thiết yên, đại như lưỡng chỉ, đắc gia tử hoặc ngũ hoặc thập.
Trượng phu tất giai lộ thể, phụ nữ dĩ phiến diệp già hình. Thương nhân hí thụ kỳ y, tức tiện dao thủ bất dụng.
Truyền văn tư quốc đương Thục Xuyên tây nam giới hĩ. Thử quốc bất xuất thiết dịch quả kim, ngân, đản thực gia tử, thứ căn, vô đa đạo cốc, thị dĩ lô ha tối vi trân quí. (Thử quốc danh thiết vi lô ha).
Kỳ nhân dung sắc bất hắc, lượng đẳng trung hình, xảo chức đoàn đằng sương, dư xứ mạc năng cập. Nhược bất cộng giao dịch tiện phóng độc tiển, nhất trúng chi giả vô phục tái sinh.
Tòng tư cánh bán nguyệt hứa, vọng Tây bắc hành, toại đạt Đam Ma Lập Để Quốc, tức Đông Ấn Độ chi Nam giới dã, khứ Mạc Ha Bồ Đề câp Na Lạn Đà khả lục thập dư dịch. Ư thử sáng dữ Đại Thừa Đăng Sư tương kiến, lưu trú nhất tái , học Phạm ngữ, tập Thanh Luận, toại dữ Đăng sư đồng hành, thủ chính Tây lộ, thương nhân sổ bách, nghệ Trung Thiên hĩ. Khứ Mạc Ha Bồ Đề hữu thập nhật tại, quá đại sơn trạch, lộ hiểm nan thông, yếu tạ đa nhân, tất vô cô tiến!
Vu thời Tĩnh nhiễm thời hoạn thân thể bì luy, cầu chẩn thương đồ, tuyền khốn bất năng  cập, tuy khả lệ kỉ cầu tiến ngũ lý chung tu bách tức! Kỳ thời hữu Na Lạn Đà Tự nhị thập hứa tăng tính Đăng thượng nhân tịnh giai tiền khứ, duy dư đơn kỷ, cô bộ hiểm ải. Nhật vãn bô thời sơn tặc tiện chí, viện cung đại hoán, lai kiến tương lăng. Tiên toát thượng y thứ trừu hạ phục, không hữu thao đới, dịch tịnh đoạt tương! Đương thị thời dã, thực vị trường từ nhân đại, vô hài lễ yết chi tâm, thể tán phong đoan bất toại bản cầu chi vọng!  Hựu bỉ quốc tương truyền, nhược đắc bạch sắc chi nhân, sát sung thiên tế! Ký tư thử thuyết cánh chẩn vu hoài nãi nhập nê khanh biến đồ hình thể, dĩ diệp già tế, phù trượng từ hành, nhật vân vãn hĩ, doanh xứ thượng viễn!  
Chí dạ lưỡng canh phương cập đồ lữ, văn Đăng thượng nhân thôn ngoại trường khiếu!  Ký kỳ tương kiến lệnh thụ nhất y trì nội tẩy thân phương nhập thôn hĩ!
Tòng thử Bắc hành sổ nhật, tiên đáo Na Lạn Đà kính Căn Bản Tháp, thứ thướng Xà Quật kiến điệp y xứ, hậu vãng Đại Giác Tự lễ chân dung tượng.
Sơn Đông đạo, tục sở tặng đà quyên, trì tác Như Lai đẳng lượng Ca Sa, thân phụng phi phục.
Bộc Châu Huyền luật sư phụ la cái sổ vạn, vi trì phụng thượng.
Tào Châu An Đạo thiền sư ký bái lễ Bồ Đề tượng dịch vi lễ cật.
Vu thời ngũ thể bố địa nhất tưởng kiền thành, tiên vị Đông Hạ tứ ân, phổ cập Pháp giới hàm thức! Nguyện “Long Hoa Tổng Hội”, ngộ Từ Thị tôn, tịnh khế Chân tông, hoạch vô sinh trí! Thứ nãi biến lễ thánh tích, quá phương trượng nhi giới Câu Thi, sở tại khâm thành, nhập Lộc Viên nhi khoa Kê Lãnh.
Trú Na Lạn Đà Tự thập tái cầu Kinh phương thủy tuyền chủng, ngôn qui hoàn Đam Ma Lập Để. Vị chí chi gian, tao đại kiếp tặc, cận miễn trị nhận chi họa, đắc tồn triêu tịch chi mệnh! Ư thử thăng bạch quá Kiệt Đồ quốc. Sở tương Phạm bản Tam Tạng ngũ thập vạn dư Tụng, Đường dịch khả thành thiên quyển, quyền cư Phật Thệ hĩ!
                                   /  Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện. Qu. Hạ  /.
- Bấy giờ là vào năm thứ 2 Niên hiệu Hàm Hanh, tôi đang ở trong mùa Kết Hạ tại Phủ Dương Châu. Tới đầu Thu thì bất ngờ gặp Sứ quân Cung Châu là Phùng Hiếu Thuyên nên tiện dịp theo ông tới Phủ Quảng Châu, ước hẹn với thuyền buôn Ba Tư đi xuống phương Nam - Lại thừa lệnh Sứ quân đi Cương Châu, (ông) lại làm đàn chủ, cùng các em của ông là Sứ quân Hiếu Đản, Sứ quân Hiếu Chẩn, cùng với bà Quận quân vợ ông họ Ninh, bà Quận quân vợ ông họ Bành, tất cả bà con giòng họ của những người này đều tới tặng tiền bạc, vật dụng, tranh nhau đem dâng cúng, người nào cũng thí xả những món ăn lạ, mong rằng tôi sẽ không thiếu thốn trên đường biển, (tất cả) sợ rằng tôi mệt nhọc chốn nguy hiểm! (Ai nấy đều) thực lòng như tặng cho người thân, thuận tấm lòng của (Trưởng giả) Cấp Cô Độc. Mọi người rồi cùng làm lễ qui y, cùng nương cảnh Phật. Việc lễ kính này có được tóm lại là nhờ vào sức của nhà họ Phùng! Lại nữa (bản chất của) người Tăng, kẻ tục ở vùng Lãnh Nam đều cùng nghẹn ngào trước cảnh kẻ ở người đi; (bản chất của) bậc trí thức tài cao nơi phương Bắc ai cũng buồn thương cho cảnh chia lìa giữa người sống.
Tới tháng 11 thì thẳng hướng sao Dực, sao Chẩn mà lìa Phan Ngu, nhắm Lộc Viên mà lòng nghĩ miên man, ngóng Kê Phong mà chép miệng than dài!
Bấy giờ gió bấc chớm thổi, dây neo thuyền 2 sợi treo lên, thuyền về phương Nam -  thời tiết chuyển tới phương vị sao là lúc gió bắt đầu nổi, một chiếc thuyền đơn lẻ lìa phương Bắc, trên thuyền, những chiếc lông gà phất phơ ở đầu cây cần đo độ gió. Giữa  khoảng mênh mông xa thẳm những lượn sóng tựa núi nhấp nhô trải ngang biển - trong lòng sơn cốc rộng nghiêng, những làn sóng như mây giăng đầy trời.
Chưa tới 20 ngày rốt cục tới thành Phật Thệ. Ở lại đây 6 tháng, học dần ngôn ngữ.
Vua (xứ này) tặng cho tiền bạc, vật dụng đưa tiễn tới nước Mạt La Du (Bây giờ đổi gọi là  nước Thất Lợi Phất Thệ). Lại ở lại đây 2 tháng rồi chuyển hướng qua nước Kiệt Đồ.
Tới tháng Chạp thì giong buồm, đi thuyền lớn của vua đi lần tới Ấn Độ.
Từ nước Kiệt Đồ theo hướng Bắc đi hơn 10 ngày thì tới nước Người Lõa Thể. Nhìn về bờ ở hướng Đông cũng vào khoảng 1, 2 dặm thì chỉ thấy rừng dừa, rừng cau xum xuê khả ái!
Dân kia thấy thuyền lớn tới thì tranh nhau cỡi thuyền nhỏ, có đến cả trăm chiếc, tất cả đều chở theo dừa, chuối và những vật dụng đan bằng tre, mây tới để đổi chác. Vật mà họ thích nhất là sắt, 1 miếng sắt bằng 2 ngón tay thì đổi được hoặc 5 hoặc 10 trái dừa.
Đàn ông thì tất cả đều lõa thể, đàn bà thì dùng [vài cái] lá cây để che thân! Khách buôn giỡn lấy y phục cho thì họ xua tay tỏ ý không dùng.
Cứ lời truyền thì nước này nằm ở địa giới mé Tây nam của đất Thục Xuyên. Nước này đã không có sắt, lại ít vàng, bạc, (dân ở đây) chỉ ăn dừa, khoai mỡ, họ không có nhiều lúa gạo, do đó sắt là thứ quí hơn hết! (Nước này gọi sắtlô ha).
Dân xứ này mặt mũi không đen, thân hình vừa tầm, họ khéo đan những cái rương tròn bằng mây, các xứ khác không xứ nào đan khéo bằng. Nếu (người xứ khác) không chịu giao dịch với họ họ sẽ bắn tên độc, người nào trúng tên này thì không cứu sống được!
Từ đây theo hướng Tây bắc, đi chừng hết nửa tháng thì tới nước Đam Ma Lập Để, đây  tức biên giới phía Nam của miền Đông Ấn Độ, cách Mạc Ha Bồ ĐềNa Lạn Đà cũng tới hơn 60 trạm nghỉ.
Đây là nơi tôi gặp Đại Thừa Đăng lần đầu tiên, lưu lại đây một năm học tiếng Phạn, tập ngữ pháp tiếng Phạn, sau đó cùng đi với thầy (Đại Thừa) Đăng, khách buôn cùng đoàn mấy trăm người, theo hướng chính Tây đi về miền Trung Ấn Độ. Rời Mạc Ha Bồ Đề độ 10 ngày thì tới vùng núi non, ao đầm lớn, đường đi nguy hiểm khó qua được, phải có đông người cùng đi, không thể đi một mình được!
Bấy giờ (Nghĩa) Tĩnh tôi nhiễm bệnh thời tiết, người mệt mỏi, gầy ốm, xin đi theo đoàn thương buôn, (nhưng) cứ khốn đốn luôn không theo kịp đoàn; tuy tự khích lệ là phải cố vượt lên (cho kịp) nhưng cứ đi 5 dặm thì nghỉ tới cả trăm lần. Lúc đó có lối 20 thầy tăng ở Chùa Na Lạn Đà cùng với Đăng thượng nhân đã ở đằng trước, chỉ mình tôi đơn độc đi qua chỗ nguy hiểm! Tới chiều tối thì giặc núi đổ ra, cầm cung hò hét tới cướp. Trước chúng lột áo trên, kế đến lột quần dưới, còn mỗi cái đai lưng chúng cũng lấy luôn! Lúc bấy giờ quả thực phải nói là nếu rời bỏ cõi người thì rồi không hợp với tâm nguyện đến bái yết đất Phật, thân như chết đi dưới đầu gươm dáo thì không đạt thành nguyện vọng của mình! Lại nữa, nước đó truyền nhau rằng nếu bắt được người da trắng thì bọn họ  giết đi để tế trời! Nghĩ tới truyền thuyết này thì đau đớn trong lòng, vì vậy tôi dầm mình trong hố bùn, lấy bùn trét khắp người, lấy lá cây che thân, chống gậy đi từ từ, trời cũng đã tối, chỗ trú chân thì còn xa!
Tới tối, vào canh 2 mới gặp đoàn lữ hành, nghe Đăng thượng nhân đang lớn tiếng kêu ở mé ngoài thôn! Lúc gặp nhau rồi thượng nhân đưa tôi một bộ y phục nói tôi xuống ao tắm rửa đâu đó mới vào thôn.
Từ đây theo hướng Bắc đi mấy ngày thì trước tới chùa Na Lạn Đà lễ Tháp Căn Bản, kế lên Kỳ Xà Quật thăm nơi có (dấu tích) áo (Cà sa bằng vải) bạch điệp của Phật, sau đó đi Chùa Đại Giác hành lễ tượng chân dung của Phật.
Tơ và vải người tăng kẻ tục ở vùng Sơn Đông gởi tặng thì đem may áo Cà sa vừa vặn với thân của Như Lai, và đích thân tôi bận cho tượng.
Luật sư HuyềnBộc Châu gởi phụ theo mấy chục ngàn cái lọng may bằng thứ tơ mịn nhuyễn, để dâng lên Phật.
Thiền sư An ĐạoTào Châu đến hành lễ tượng Bồ Đề xong cũng dâng lễ đầy đủ.
Bấy giờ tôi 5 vóc mọp xuống đất, một lòng chí thành, trước là tạ 4 ân cõi Đông Hạ, sau trải khắp các hàm thức trong Pháp giới! Nguyện trong “Tam Hội Long Hoa” được gặp đức Từ thị, trong mỗi Hội đều khế hợp thực lý của Chân như Pháp tướng, đạt được trí vô sanh! Kế tới là đi hành lễ khắp các Thánh tích, ghé qua nhà cũ của Cư sĩ Duy Ma rồi đi qua nước Câu Thi, đến chỗ nào (tôi) cũng cung kính, thành tâm, vào Lộc Viên, và vượt qua dãy Kê Lãnh.
Tôi ở Chùa Na Lạn Đà 10 năm cầu Kinh sau đó mới trở gót, nói là về Đam Ma Lập Để. Chưa tới nơi thì gặp nạn lớn giặc cướp, may thoát được cái họa gươm đao, giữ được cái mạng ngắn ngủi. Tại đây tôi lên thuyền buôn đi Nước Kiệt Đồ. Tam Tạng Kinh Điển Phạn ngữ mang theo về gồm hơn 500,000 Tụng, chuyển dịch ra Đường ngữ cũng đến 1,000 Quyển; do nơi tình thế tạm thời tôi ở lại Phật Thệ! 
 [Chú thích.
1). - “Thời tiết chuyển tới phương vị sao Cơ là lúc gió bắt đầu nổi”.
Nguyên tác: “Lệ cơ sáng tiết”.
Cuốn Vĩ thư “Xuân Thu Khảo Dị Bưu” ghi:
- “Nguyệt thất kỳ hành, lệ vu Cơ giả phong”.
- “Mặt trăng vận hành không đúng tiết điệu, vận hành tới vị trí sao Cơ thì gió nổi”.
2). Vải bạch điệp.
Xin coi chú thích 21). trong phần “Những cái sai của Lê Mạnh Thát” ở trên.
3). Đông Hạ.
Tức miền Đông Trung Hoa, phiếm chỉ Trung Quốc. Ấn Độ ở phương Tây, Trung Quốc ở phương Đông nên gọi “Đông Hạ”.
4). 500,000 Tụng.
Trong Nam Hải Ký Qui Nội Pháp Truyện, Nghĩa Tĩnh cho biết:
- “Phàm ngôn nhất Tụng nãi hữu tứ cú, nhất cú bát tự, tổng thành tam thập nhị tự. Cánh hữu tiểu Tụng, đại Tụng, bất khả cụ thuyết”.
                              Nam Hải Ký Qui Nội Pháp Truyện. Qu. IV. Tây phương học pháp 34  /.
- “Nói chung, một Tụng4 câu, mỗi câu 8 chữ, tổng cộng 32 chữ. Lại có tiểu Tụng, đại Tụng không nói hết được”. 
Trong mục “Định Không Và Định Pháp Sư” Lê Mạnh Thát viết:
   -Toàn Đường thi 333 tờ 3722 khi chép lại các tác phẩm của Dương Cự Nguyên, đã chép bài có nhan đề Cung phụng Định pháp sư qui An Nam:
                                 Quê hương ngoài Nam Việt
                                 Muôn dặm núi mây xa
                                 Cửa trời kinh luận vắng
                                 Vào biển gặp hương hoa
                                 Sóng gợn cò soi bóng
                                 Thành xây hến mấy tòa
                                 Trường An lòng nghĩ nhớ
                                 Giao Châu chuông đêm tà
                                (Cố hương Nam Việt ngoại
                                 Vạn lý bạch vân phong
                                 Kinh luận từ thiên khứ
                                 Hương hoa nhập hải phùng
                                 Lộ đào thanh phạm triệt
                                 Thần các hóa thành trùng
                                 Tâm đáo Trường An mạch
                                 Giao Châu dạ hậu chung)
(LSPGVN. trang 267, 268).
Bài thơ Lê Mạnh Thát dịch trên đây có 2 cái sai rất nặng:
(1). Sóng gợn cò soi bóng.
Nguyên tác: “Lộ đào thanh phạm triệt”.
Chữ “lộ” trong câu nghĩa là “con cò”, thế nhưng chẳng có con cò nào ở đây hết!
2 chữ “lộ đào” có nghĩa là “sóng nước”; sóng bạc nhấp nhô như con cò trắng bay lượn cho nên ghép chữ “lộ” để nói lên hình ảnh đó! Chỉ giản dị có thế!
Chỉ giản dị có thế, chẳng con cò nào “soi bóng” như Lê Mạnh Thát tưởng tượng cả!
Mai Thặng (? - ?) đời Tây Hán (206 tr Cn – 08) viết:
- “Diễn dật, phiêu tật, ba dũng nhi đào khởi! Kỳ thủy khởi dã, hồng lâm lâm yên, nhược bạch lộ chi hạ tường!”.
                                   /  Văn Tuyển. Qu. XXXIV. Thất thượng. Mai Thúc Thất phát  /.
- “Mênh mông chảy gấp, gợn vọt mà sóng dậy! Lúc mới cuốn lên, thế ào ào đổ, dường cò trắng bay lượn xuống!
Lạc Tân Vương (? - ?) đầu đời Đường (618 - 907):
                                   Lộ đào khai bích hải,
                                   Phụng thể chuyết từ lâm.
                                   (Hạ nhật du Đức Châu tặng Cao Tứ).
                                                       Sóng phau lan biển biếc,
                                                       Lời đẹp điểm rừng văn.  
+ Tóm lại, thấy tiếng “lộ đào”, “lộ là “con cò”, “đào” là “sóng nước” bỗng đâu, chợt đâu mà ý tứ trào ra, Lê Mạnh Thát dịch luôn là “sóng gợn cò soi bóng” không chịu để ra một khoảng hở để suy nghĩ, để thắc mắc!
Lê Mạnh Thát không suy nghĩ, không thắc mắc để thấy môt chuyện hết sức đơn giản là chỉ ở mặt hồ, mặt ao, nước lặng chim chóc, cảnh vật mới “soi bóng” được! Sóng nước cuốn ào ào, nổi bọt trắng xóa thì làm thế nào chim chóc, cảnh vật “soi bóng” được đây!
( còn tiếp ...)
Minh Di

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét