KỲ 7
(2). Thành xây hến mấy tòa.
Nguyên tác: “Thẩn các, hóa thành trùng!”.
Câu dịch của Lê Mạnh Thát tối mò mò! Cái sự tối mò mò này không có gì lạ hết, bởi lẽ chính Lê Mạnh Thát rồi không hiểu nguyên tác nói cái chi nữa! Không hiểu thì làm sao câu dịch không tối mò mò cho được! “Thành xây hến mấy toà”, tòa hến là tòa gì đây?
Những người không biết Hán văn rồi chẳng hiểu Lê Mạnh Thát nói cái gì? Bản thân đã không hiểu thì làm sao làm cho người khác hiểu được!
Câu này gồm 2 cặp, 4 chữ diễn tả một quan điểm quan trọng của Phật giáo, quan điểm nhất thiết thế giới đều là hư huyễn, không thực!
1). Thẩn các. Còn gọi thẩn lâu, hay thẩn khí.
Thẩn (Thân + dấu Hỏi) Lê Mạnh Thát đọc sai là Thần (Thân + dấu Huyền).
+ Có những lúc sóng êm, gió lặng, trên mặt biển, từ một điểm nhìn ra khoảng xa xa, do hiện tượng ánh sáng chiết xạ mà tạo thành ảnh ảo những cung điện, thành quách.
+ Người xưa cho rằng đây là do hơi (khí) của những loài trai, sò lớn (thẩn) phả ra mà thành hiện tượng này. Không chỉ ở trên biển, ở sa mạc cũng xảy ra hiện tượng kể trên!
Trong Kinh điển Phật giáo, cung điện hư ảo nói trên được gọi là Thành Càn Thát Bà, là duyên thứ 5 trong 10 duyên gọi là “Thập Duyên Sinh Câu”.
Trong ngôn ngữ Trung Hoa có thành ngữ “hải thị thẩn lâu” dùng để chỉ những gì hư ảo không thực!
Kinh Hoa Nghiêm:
- “Phật tử, tỉ như Long cung y địa nhi lập, bất y hư không. Long y cung trú dịch bất tại không nhi năng hưng vân biến mãn không trung. Hữu nhân ngưỡng thị sở kiến cung điện đương tri giai thị Càn Thát Bà thành, phi thị Long cung! Long tuy xử hạ nhi vân bố thượng”.
- “Phật tử, ví như Long cung dựa nơi đất mà tạo lập, chẳng dựa nơi hư không. Rồng ở trong cung cũng chẳng ở nơi hư không mà có thể nổi mây đầy khắp trời. Có người nào nhìn lên (không trung) thấy cung điện thì nên biết đây đều là Thành của Càn Thát Bà chứ không phải là Long cung! Rồng tuy ở dưới nhưng mây giăng trên không”.
Lại một đoạn khác:
- Tỷ như tỳ khâu nhập biến xứ định, nhược hành, nhược trú, nhược tọa, nhược ngọa tùy sở nhập định cảnh giới hiện tiền.
Thiện Tài đồng tử dịch phục như thị, nhập ư lâu quán, nhất thiết cảnh giới tất giai minh liễu!
Tỷ như hữu nhân ư hư không trung kiến Càn Thát Bà Thành cụ túc trang nghiêm tất phân biệt tri, vô hữu chướng ngại!
Tỷ như Dạ Xoa cung điện dữ nhân cung điện đồng tại nhất xứ nhi bất tương tạp, các tùy kỳ nghiệp sở kiến bất đồng!
- Ví như tỳ kheo nhập biến xứ định, lúc đi, lúc đứng, lúc ngồi, lúc nằm, tùy định nhập mà tất cả cảnh giới đều hiện ra trước mắt.
Thiện Tài đồng tử cũng vậy, vào trong lầu gác thì tất cả cảnh giới đều thấy rõ cả!
Ví như có người thấy thành Càn Thát Bà ở giữa hư không có đầy đủ sự trang nghiêm mà phân biệt biết rõ hết, không có chướng ngại!
Ví như Cung điện của Dạ Xoa và Cung điện của loài người cùng tại một chỗ mà không lẫn lộn, mỗi người đều tùy nghiệp của mình mà thấy khác nhau!
+ Thập Duyên Sinh Câu.
1/. Huyễn. Huyễn thuật sư sở tác chi chủng chủng tướng mạo dã.
Huyễn ảo. Các loại hình tướng do nhà ảo thuật tạo ra.
2/. Dương diệm. Nhiệt không trần đẳng nhân duyên hòa hợp ư khoáng dã chi trung hiện thủy tướng giả dã.
Ánh nắng gắt. Trong không khí nóng ở khoảng đồng hoang bao la vi trần (phiêu động) các nhân duyên hòa hợp mà hiện tướng nước.
3/. Mộng. Thụy miên trung sở kiến chi chủng chủng cảnh giới dã.
Mộng. Các loại cảnh giới thấy trong giấc ngủ.
4/. Ảnh. Kính trung chi ảnh tượng dã.
Bóng. Cái bóng hiện trong gương.
5/. Càn Thát Bà thành. Thẩn khí ánh nhật quang, ư đại hải thượng hiện Cung điện chi tướng giả dã.
Thành Càn Thát Bà. Hơi của các loài trai sò lớn phả ra giao thoa với ánh nắng mà hiện thành hình những Cung điện trên mặt biển bao la.
6/. Hưởng. Thâm cốc đẳng trung y thanh nhi sinh chi thanh dã.
Tiếng vang. Âm thanh sinh ra từ âm thanh phát ra trong các hang sâu.
7/. Thủy nguyệt. Thủy trung sở kiến chi nguyệt ảnh dã!
Bóng trăng thấy trong nước!
8/. Phù lãng. Thủy thượng sở kiến chi bào mạt dã.
Sóng nổi. Bọt nước thấy trên mặt nước.
9/. Hư không hoa. Nhãn mạc ư không trung sở kiến chi chủng chủng hoa dã.
Những đom đóm mà mắt thấy giữa không trung.
10/. Tuyền hỏa luân. Nhân dĩ hỏa lư tuyền chuyển không trung tắc sinh luân tượng.
Con người cầm lò lửa quay giữa khoảng không thì thành hình cái bánh xe (lửa).
- “Dĩ thượng “Thập duyên sinh câu” giai vi tòng duyên sinh, vô tự tính chi nghĩa”.
- “Trên đây là “Thập duyên sinh câu”, đều tùy duyên mà sinh, không có tự tánh”.
Trung Hoa có thành ngữ “Hải thị thẩn lâu” để chỉ những gì hư huyễn, không thực!
2). Hóa thành. Thành huyễn hóa, không thực.
Kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”:
~ “........ Tỉ như ngũ bách do tuần hiểm nạn ác đạo, khoáng tuyệt vô nhân bố úy chi xứ! Nhược hữu đa chúng dục quá thử đạo chí trân bảo xứ!
Hữu nhất đạo sư thông huệ minh đạt, thiện tri hiểm đạo thông tắc chi tướng, tương đạo chúng nhân dục quá thử nạn. Sở tương nhân chúng trung lộ giải thoái, bạch đạo sư ngôn:
- Ngã đẳng bì cực, nhi phục bố úy, bất năng phục tiến, tiền lộ do viễn, kim dục thoái hoàn!
Đạo sư đa chư phương tiện nhi tác thị niệm: Thử đẳng khả mẫn, vân hà xả đại trân bảo nhi dục thoái hoàn? Tác thị niệm dĩ, dĩ phương tiện lực ư hiểm đạo trung tam bách do tuần hóa tác nhất Thành, cáo chúng nhân ngôn:
- Nhữ đẳng vật bố, mạc đắc thoái hoàn, kim thử đại thành khả ư trung chỉ tùy ý sở tác. Nhược nhập thị Thành khoái đắc an ổn, nhược năng tiền chí bảo sở dịch khả đắc khứ!
/ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Qu. XI. Hóa Thành dụ Phẩm đệ thất /.
~ “......... Ví như có một xứ rộng 500 do tuần có nhiều sự kinh khủng, sợ hãi với những nguy hiểm, họa nạn, đường đi nguy hiểm, hoang vu, tuyệt nhiên không có người ở! Có một đoàn nhiều người muốn đi qua đường này để tới xứ có nhiều vật quí!
Có một người dẫn đường thông minh trí huệ, hiểu sự lý, biết hình thế đường đi chỗ nào hung hiểm, chỗ nào thông chỗ nào nghẽn, đưa đoàn người muốn vượt qua con đường (nhiều) hiểm nạn này. Đoàn người được dẫn đi tới giữa đường thì lười mỏi, chùn bước muốn lui trở lại, nói với người dẫn đường:
- Chúng tôi đã mệt mỏi lắm, lại sợ hãi không đi tới được nữa, (đoạn) đường phía trước thì còn xa, bây giờ chúng tôi muốn quay trở về!
Vốn có nhiều phương cách hay người dẫn đường nghĩ thế này: Những người này thực đáng thương, sao lại từ bỏ những vật rất quí mà toan quay trở về? Nghĩ xong điều này liền dùng sức thần thông, nơi một vùng rộng 300 do tuần, giữa con đường nguy hiểm hóa ra một ngôi Thành, nói với mọi người:
- Các ông đừng sợ, không nên lui về, bây giờ chúng ta có thể dừng lại nghỉ ngơi trong tòa Thành lớn này, muốn làm gì thì làm. Nếu vào Thành này thì rất an ổn, nếu có muốn đi nữa tới chỗ các vật quí thì cũng có thể đi được!”.
Tiếp đến chúng ta hãy coi Lê Mạnh Thát nói về quan chức Trung Hoa:
- “Cung Phụng là một văn chức trong môn hạ tĩnh, tức gồm những người tham mưu cho hoàng đế, như Tân Đường thư 47 tờ 2a6-7 cho biết……”.
(LSPGVN2, trang 273).
Lê Mạnh Thát không biết rằng 2 chữ “Cung Phụng” không chuyên chỉ một chức vụ nào nhất định như Lê Mạnh Thát viết tào lao.
Lê Mạnh Thát không biết rằng tiếng “Cung Phụng”, hay rõ hơn, “Cung Phụng Quan”, là danh xưng chỉ chung những chức quan kề cận hoàng đế để làm nhiệm vụ chuyên môn của mình. Nói rõ hơn, tiếng “Cung phụng” tự nó không phải là một chức vụ độc lập như Lê Mạnh Thát viết hàm hồ!
Nhóm biên soạn Lý Lâm Phủ (? - 752) ghi trong “Đường Lục Điển”:
- “Cung Phụng quan. Vị Thị trung, Trung Thư lệnh, Tả / Hữu Tán kỵ Thường thị, Hoàng môn, Trung thư Thị lang, Gián nghị Đại phu, Cấp sự trung, Trung thư xá nhân, Khởi cư lang, Khởi cư xá nhân, Thông sự xá nhân, Tả / Hữu Bổ khuyết, Thập di, Ngự sử Đại phu, Ngự sử Trung thừa, Thị Ngự sử, Điện trung Thị Ngự sử”.
/ Đường Lục Điển. Qu. II. Thượng Thư Lại Bộ /.
- “Cung Phụng quan. Chỉ các chức: Thị trung, Trung Thư lệnh, Tả / Hữu Tán kỵ Thường thị, Hoàng môn, Trung thư Thị lang, Gián nghị Đại phu, Cấp Sự trung, Trung thư Xá nhân, Khởi Cư lang, Khởi Cư xá nhân, Thông sự Xá nhân, Tả / Hữu bổ khuyết, Thập di, Ngự sử Đại phu, Ngự sử Trung thừa, Thị Ngự sử, Điện trung Thị Ngự sử.
Bộ Tân Đường Thư chép:
- “Môn Hạ Tỉnh.........
Tả Bổ khuyết lục nhân, túng Thất phẩm thượng - Tả Thập di lục nhân, túng Bát phẩm thượng, chưởng cung phụng phúng gián đại sự, đình nghị, tiểu tắc thượng phong sự”.
- “Cơ quan Môn Hạ Tỉnh.........
Chức Tả Bổ khuyết có 6 người, ngạch trật đứng trên trật túng (tòng) Thất phẩm - chức Tả Thập di có 6 người, ngạch trật trên túng (tòng) Bát phẩm, chuyên việc can gián vua trong các việc lớn, trong những buổi thảo luận của triều đình, về việc nhỏ thì xét những việc sắc phong”.
Tới đây thì có thể thấy Lê Mạnh Thát đâu có đọc bộ “Tân Đường Thư” như ông ta dẫn ở trên!
Cuốn “Giản Minh Trung Quốc Lịch Đại Quan Chế Từ Điển” giảng 2 chữ Cung phụng như sau:
- [Cung Phụng]. Tại hoàng đế tả hữu cung chức giả đích xưng hô. Đường sơ hữu Thị Ngự sử Nội Cung phụng, Điện trung Thị Ngự sử Nội Cung phụng đẳng. Huyền tông thời tuyển Văn học chi sĩ vi Hàn lâm Cung phụng chưởng Cung trung chế chiếu thư sắc, hậu cải vi Hàn lâm học sĩ”.
/ Giản Minh Trung Quốc Lịch Đại Quan Chế Từ Điển. Cung Phụng /.
- [Cung Phụng]. Tiếng xưng hô những quan chức làm nhiệm vụ của mình bên cạnh vua. Đầu thời Đường có các chức Thị Ngự sử Nội Cung phụng, Điện trung Thị Ngự sử Nội Cung phụng. Thời Huyền tông tuyển người trong giới Văn học làm Hàn lâm Cung phụng nắm giữ công việc soạn thảo chế thư, chiếu thư, sắc thư trong Cung, sau đổi thành Hàn lâm Học sĩ”.
Và như vậy, tiếng Cung phụng chỉ là tiếng thêm vào chức vụ của một quan chức nhằm xác định quan chức này là người phục vụ trong Cung, làm việc bên cạnh vua.
Cuốn “Cổ Kim Xưng Vị Ngữ Từ Điển” viết:
- “[Cung Phụng]. Dĩ mỗ chủng kỹ nghệ thị phụng đế vương đích nhân.
Lệ: Thị Ngự sử Cung phụng / Hàn lâm Cung phụng / Nội đình Cung phụng”.
- “[Cung Phụng]. Người dùng khả năng nào đó của mình để phục vụ bậc đế vương.
Thí dụ: Thị Ngự sử Cung phụng / Hàn lâm Cung phụng / Nội đình Cung phụng”.
Cuốn “Trung Quốc Lịch Đại Chức Quan Biệt Danh Từ Điển” nêu 3 trường hợp:
(1). Gián quan thuộc 2 cơ quan Trung Thư Tỉnh và Môn Hạ Tỉnh thường theo bên cạnh hoàng đế, giữ việc can gián do đó tục gọi các quan chức này là “Cung Phụng Quan”.
(2). Cung Phụng là tên gọi khác chỉ chung quan lại trong các Ty.
(3). Cung Phụng cũng là tiếng phiếm chỉ Hoạn quan.
( còn tiếp ...)
Minh Di
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét