Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Góp ý sửa đổi hiến pháp 1992

Lê Chí Quang
Tin sửa đổi Hiến pháp làm mọi người nức lòng. Ai cũng hy vọng đây là lúc Ðảng thực tâm đổi mới, muốn từ bỏ những nội dung quá sức lạc hâụ và phản tiến bộ của các bản hiến pháp trước để xây dựng được một bản Hiến pháp động viên được khối đại đoàn kết toàn dân, trên một tinh thần hoà giải và hoà hợp. Có như vậy chúng ta mới động viên được mọi tầng lớp dân cư trong nước, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài, những người con xa tổ quốc đang ngày đêm mong ngóng một nước Việt Nam tự do dân chủ, để họ có thể trở về chung tay xây dựng quê hương . Tôi mong nuốn chúng ta có được lần đầu tiên một bản Hiến pháp thực sự của dân, do dân và vì dân, chứ không phải chỉ là bản Hiến pháp của Ðảng như Hiến pháp năm 1992 . Một bản Hiến pháp dân chủ mà quyền tự do cơ bản của con người được coi trọng. Một bản Hiến pháp đa nguyên đầu tiên kể từ năm 1946.
Tuy nhiên, đọc báo Nhân Dân ngày 16/8/2001, tôi thấy phân vân quá. Ðảng mong muốn dân đóng góp để sửa đổi Hiến pháp, vậy mà Ðảng lại gợi ý là sẽ chỉ sửa như thế này, như thế kia.... thì dân làm thế nào để còn có thể làm chủ trong việc đóng góp. Vả chăng đọc xong bản hướng dẫn góp ý, ai cũng thấy nhiều điều cơ bản rất đáng sửa thì không sửa mà chủ yếu chỉ thấy sửa câu, chữ và một số điều khá vụn vặt.
Tôi xin mạnh dạn nêu một số ý kiến như sau :
Về tên nước:
Nước ta chưa bao giờ là nước Xã hội chủ nghĩa, ta mới chỉ quá độ, hay định hướng XHCN thôi mà đã đói nghèo và tụt hậu ngày càng xa so với thế giới, vậy nên tên của nước ta không nên để là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa VN mà hãy trở lại với tên nước do Bác Hồ đã dặt : Việt Nam Dân chủ Công hoà. ; hoặc : Việt Nam Cộng hoà Dân chủ, Việt Nam Cộng hoà, Cộng hoà Việt Nam. Từ đấy, tất cả những điều nào có chữ XHCN đều phải bỏ đi. Cụ thể gồm : Lời nói đầu; Ð1; Ð2; Ð5; Ð12; Ð13; Ð14; Ð31; Ð44; Ð45; Ð46; Ð49; Ð50; Ð66; Ð82; Ð83; Ð101; Ð103; Ð109; Ð112; Ð118; Ð127; Ð133; Ð141; Ð142; Ð143; Ð144; Ð146; Ð147.
Về lời nói đầu:
Trong lời nói đầu có đoạn viết: "... Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lê nin..." Theo tôi được biết, tất cả những nước đi theo con đường của chủ nghĩa Mác- Lênin hoặc làm theo học thuyết Mác- Lênin đều đói nghèo, lạc hậu, mất dân chủ và đều đã xụp đổ. Chúng ta rồi cũng không thể tránh khỏi vết xe đổ đó. Những kẻ dóng dả học thuyết Mac-Lê chẳng qua chỉ cốt là để duy trì sự thống trị vĩnh viễn, tiện bề vơ vét và bóc lột nhân dân. Nếu thực tâm muốn xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, cùng nhau xây dựng đất nước giầu mạnh, văn minh thì cần xoá bỏ mệnh đề trên, từ bỏ cái ý thức hệ quái đản đó đi .
Về điều 4:
"Ðảng cộng sản VN, là đội tiên phong của giai công nhân VN,". Tôi tạm đồng ý với Ðảng về câu này. Nhưng tiếp theo, Ðiều 4 lại viết "..., đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc,...". Câu này tôi hoàn toàn không đồng ý . Ðảng có thể đại diện cho giai cấp công nhân, nhưng nếu vậy thì không thể đại diện cho cả dân tộc được. Ðảng đã từng phát động cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc, cải tạo tư sản ở miền Nam, tiến hành cuộc nội chiến vì ý thức hệ, gây tang tóc oán hờn không biết đến bao giờ mới tiêu tan được. Ðại diện cho cả dân tộc thì sao lại vì ý thức hệ giai cấp mà tàn hại dân tộc như thế ! ?.
Ngày nay, Ðảng chắc chắn không còn là đội tiền phong của giai cấp công nhân, cũng nhất định không thể đại biểu trung thành cho giai cấp công nhân nữa vì ở đây thấy toàn những vị đại diện cho một tầng lớp mới trong xã hội. Ðó là tầng lớp tư bản đỏ, bọn tham quan ô lại , bọn cửa quyền bóc lột, hà hiếp dân chúng, bọn buôn lậu, bọn bán biên cương, hải đảo, lãnh hải của tổ quốc.
Ðiều 4 lại viết tiếp Ðảng "....là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội..." Nói như thế thì chứng tỏ đây là bản Hiến pháp của Ðảng rồi, đâu còn là Hiến Pháp của toàn dân. Ðảng chỉ là của 2,5 triệu đảng viên chứ không thể là đại diện của hơn 76 triệu người dân VN. Ðảng luôn dùng súng và nhà tù để bắt dân phải nghe theo và công nhận sự lãnh đạo tuyệt đối của Ðảng. Hãy thử trưng cầu dân ý tự do xem kết quả là thế nào.
Ðã là bản Hiến pháp của toàn dân tộc thì phải chấp nhận nhiều luồng tư tưởng của tất cả các cộng đồng trong xã hội, phải dân chủ, phải đa nguyên. Sự độc quyền, độc đảng bao giờ cũng dẫn đến chuyên chế, bao giờ cũng phản dân chủ, triệt tiêu dân chủ.
Theo tôi, điều 4 nên sửa lại là:
" Ðảng cộng sản VN, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, cùng các đảng phái khác đại diện cho các tầng lớp dân chúng trong xã hội tham gia tranh cử để chọn người lãnh đạo nhà nước. Mọi đảng phái hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.".
Về chế độ kinh tế:
Ðiều 15 có viết: "Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN...." . Ðã là nền kinh tế thị trường thì không thể định theo hướng XHCN. Ðây rõ ràng chỉ là sự sáng tạo gượng ép của Ðảng ta. Kinh tế thị trường là nền kinh tế gồm nhiều thành phần, là một nền kinh tế tư bản. Còn kinh tế XHCN là nền kinh tế tập trung bao cấp mà hậu quả đói nghèo của nó thì cả đất nước đã được nếm trải suốt bấy nhiêu năm, ai cũng đã rõ. Chắp vá như vậy là nguỵ biện, là đầu Ngô mình Sở là đầu người mình thú . Nó là quái vật, chỉ lừa phỉnh, đe doạ được chứ không thể chấp nhận được. Theo ý tôi điều 15 nên viết lại là :
"Nhà nước phát triển nền kinh tế tư bản, là nền kinh tế nhiều thành phần, huy động mọi tài năng và nỗ lực của cá nhân cũng như pháp nhân cùng đóng góp xây dựng nên một nhà nước giàu mạnh."
Về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân:
Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ ngày 24/9/1982. Tuy nhiên, việc ký kết này chỉ nhằm làm hài lòng các quốc gia phương Tây, để xin viện trợ của nước ngoài. Thực tế, ở VN, người dân chưa hề được biết khái niệm nhân quyền đích thực. Họ chỉ được tuyên truyền về sự đối lập với các giá trị phổ quát của nhân quyền phương Tây, các điều kiện và quan điểm khác nhau về nhân quyền, nhằm biện minh cho sự duy trì vĩnh viễn một học thuyết, một chế độ đã lỗi thời, phản tiến bộ. Ðừng giả dối, chỉ cố tô vẽ những lời hoa mỹ vào Hiến pháp nhưng thực tế thì luôn dùng bạo lực và nhà tù để đàn áp những người khác chính kiến. Quyền chính trị nhiều khi còn mang những giá trị lớn lao hơn là những quyền về kinh tế. Cùng với quyền kinh tế, quyền chính trị tại mỗi quốc gia cho phép ta đánh giá chất lượng toàn bộ hệ thống xã hội, nó xác định bản chất chế độ chính trị đó là dân chủ hay độc tài. Một nền dân chủ chân chính đòi hỏi phải khắc phục những quan niệm giáo điều, đố kỵ về bản chất tôn giáo và nhu cầu tồn tại tất yếu của nó trong xã hội. Cũng như tính tất yếu của tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo phải là hiện thân cuộc sống .
Ðiều 69 viết : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật."
Mệnh đề theo quy định của pháp luật rất dễ bị chính quyền sử dụng như là chiếc khoá khoá chặt tất cả các quyền ở trên rồi. Chính vì vậy nên điều 12 của luật báo chí thẳng thừng quy định chỉ có nhà nước mới có quyền được xuất bản báo chí. Bên cạnh đó, điều 88 và điều 226 của bộ Luật Hình sự lại hùn thêm vào để tước nốt quyền được nhận và trao đổi thông tin. (Thế mới đúng quy định của pháp luật chứ ! )
Cho nên, Ðiều 69 cần được sửa là : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được nhận và trao đổi thông tin bằng bất cứ hình thức nào; có quyền hội họp; lập hội; quyền được thành lập đảng phái của mình; quyền được biểu tình, đình công "
Về tự do tư tưởng:
So với Công ước quốc tế mà ta tham gia ký kết, điều 70 của Hiến pháp 1992 đã bỏ mất dòng chữ "mọi người đều có quyền tự do tư tưởng..." . Nói chung trong toàn bộ bản Hiến pháp 1992, mấy chữ tự do tư tưởng được xem là huý kỵ. Một cách trắng trợn, Ðảng buộc toàn dân tộc phải là nô lệ tư tưởng của Ðảng.
Ðiều này cần được sửa lại là : " Công dân có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, và tôn giáo; có quyền không theo hoặc theo một tôn giáo do mình lựa chọn; tự do bày tỏ, hoặc tuyên truyền về tôn giáo cho từng cá nhân hoặc nơi đông người.
Các tôn giáo được bình đẳng trước pháp luật. Nơi thừa tự của tín ngưỡng và tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
Quyền này chỉ bị hạn chế khi nó xâm phạm đến các quyền tự do cơ bản khác của công dân, hoặc các quy định về an toàn sức khoẻ, trật tự công cộng."
Về điều 72:
" Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Người bị bắt giam, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt giam, giam giữ truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nhiêm minh."
Theo đúng như điều này thì các ông Hà Sỹ Phu, Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Văn Lý, Lê Quang Liêm đều là những người vô tội, vì đều chưa có bản án kết tội. Nghị định 31/ CP/ ban hành ngày 14/4/1997 là hoàn toàn vi hiến . Yêu cầu huỷ bỏ ngay nghị định 31 CP, đồng thời thả ngay những người có tên trên, phục hồi danh dự và xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, bồi thường thiệt hại cho những người bị xử lý sai và truy tố những người ra các quyết định vi phạm Hiến pháp .
Trên đây là một vài ý kiến đóng góp của tôi với ban dự thảo sửa đổi Hiến Pháp . Tin rằng đây cũng là nguyện vọng của quảng đại quần chúng nhằm góp phần đưa đất nươc bước sang một kỷ nguyên mới văn minh, dân chủ và hạnh phúc.
Hà Nội ngày 23 tháng 8 năm 2001
Lê Chí Quang
22 Phố Trung Liệt Ð Ð. HN
Ðiện thoại: 8.514000.
Kính gửi :
- Ban soạn thảo và sửa đổi Hiến pháp.
- Quốc Hội nước VN
- Các phương tiện thông tin đại chúng
- Các bạn hữu .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét