KỲ 2
5). “đến núi Hoành, vào rừng Quế”.
Chữ “Hoành” phải là chữ “Hành” mới đúng.
Lê Mạnh Thát không biết “rừng Quế” ở đây phải để nguyên là “Quế Lâm”, một địa danh thuộc tỉnh Quảng Tây.
6). “sống suối xa mà dứt lòng”.
Nguyên tác: “khoa Hành Lãnh, nhập Quế Lâm nhi thác tưởng, độn u tuyền dĩ tức tâm”.
Dịch chính xác phải là:
- “vượt Hành Sơn, vào đất Quế Lâm mà suy tư, ẩn mình ở chốn núi sâu để tĩnh tâm”.
7). “viết nên bài phú U thiền sư”.
Tôi không rõ Lê Mạnh Thát đọc thế nào mà sai lạc đến thế! Bài phú này tựa chính xác là “U Tuyền Sơn”, không phải “U thiền sư” như Lê Mạnh Thát viết.
8). “trải qua bạn bè đất Cửu Giang”.
Nguyên tác: “lịch Cửu Giang chi thắng hữu”.
Lê Mạnh Thát dịch là “bạn bè” thì dịch thiếu chữ ‘thắng”.
Nguyên tác nói “thắng hữu”, không chỉ nói “hữu”. “Thắng” nghĩa là “vượt hơn, tốt đẹp”. Và “thắng hữu” có nghĩa là “bạn bè hay, giỏi”. “Thắng hữu” đây chỉ thiện tri thức.
9). “….. Song gốc lành xưa trồng, chẳng phải do con người tặng lại. Cho nên từ kinh đô muốn đi xem Tây Thiên”.
9). “….. Song gốc lành xưa trồng, chẳng phải do con người tặng lại. Cho nên từ kinh đô muốn đi xem Tây Thiên”.
Nguyên tác: - “...... Nhiên nhi túc thực thiện căn phỉ do nhân tưởng, tự xuất Trung Phủ dục quan lễ Tây Thiên”.
Dịch: - “......Thế nhưng, [do] thiện căn gieo trồng kiếp xưa cho nên chẳng cần có người khích lệ mà tự mình rời Lạc Dương muốn tới phương Tây tìm hiểu sâu xa về Đạo”.
Chữ “tưởng” trong câu có nghĩa “khích lệ, khuyến khích”, không có nghĩa “tặng lại” như Lê Mạnh Thát dịch.
Ngoài ra, tiếng “Trung Phủ” trong câu trên chỉ đất Lạc Dương (nay là tỉnh Hà Nam), mà không là “kinh đô” như Lê Mạnh Thát hiểu sai. Kinh đô Đường triều là Trường An.
Lạc Dương vị trí ở giữa Trung Hoa cho nên thời cổ cũng được gọi là Trung Châu.
Thời Đường triều đình vài lần lập Phủ tại Lạc Dương, nên còn được gọi là Trung Phủ.
Trí Hoằng là người Lạc Dương cho nên Nghĩa Tĩnh nói “Trung Phủ”.
Và như vậy, câu “xuất Trung Phủ” ở đây phải được dịch là “rời Lạc Dương”.
10). “cùng làm bè bạn. Họ đến Hợp Phố lên thuyền, vượt dài biển xanh”.
Nguyên tác: ‘dữ chi đồng khế, chí Hợp Phố thăng bạch, trường phiếm thương minh”.
Câu trên dịch như sau:
- “ý hướng như nhau, (mà cùng) tới Hợp Phố lên thuyền buôn, lênh đênh trong chuyến hành trình trên biển xa thẳm”.
Ở một phần sau trong phần ‘Truyện” Vô Hành, Nghĩa Tĩnh chép:
- “Dữ Trí Hoằng vi bạn, Đông phong phiếm bạch, nhất nguyệt đáo Thất Lợi Phật Thệ quốc”.
/ Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện. Qu. Hạ. Kinh Châu Vô Hành thiền sư /.
- “Cùng Trí Hoằng là bạn đồng hành, theo gió Đông lên thuyền buôn, đi một tháng thì đến nước Thất Lợi Phật Thệ”.
Lê Mạnh Thát hiểu tiếng “đồng khế” là “bè bạn” là sai.
Tiếng “đồng khế” ở đây có nghĩa “ý hướng hợp nhau” - và ý hướng nói đây là ý hướng muốn đi đến Ấn Độ học Đạo.
Chữ “khế” có nghĩa là “hợp ý” (đầu hợp), “ăn khớp”……, như nói “khế hợp”.
Bây giờ tôi tóm tắt từ đầu tự thuật của Nghĩa Tĩnh về đoạn này:
Trước hết, Trí Hoằng muốn qua Ấn Độ tìm hiểu sâu xa hơn về Pháp. Trên đường đi đó gặp được Thiền sư Vô Hành cũng có ý hướng như mình (dữ chi đồng khế), vì vậy cả 2 đi chung với nhau. Tự thuật rất mạch lạc.
Nếu diễn thêm nữa thì có thể về sau Trí Hoằng và Vô Hành sẽ là bạn; thế nhưng ở đây tự thuật của Nghĩa Tĩnh không nói điều này! Ngay cả phần tự thuật về Vô Hành sau đó vài trang cũng không thấy Nghĩa Tĩnh nói Vô Hành là bạn của Trí Hoằng!
Kế đến, chữ “phiếm” nghĩa là “trôi nổi” (phiêu phù), trong câu ý chỉ thuyền “lênh đênh”.
Câu “trường phiếm” ý nói thuyền trôi lênh đênh trên đường biển xa xôi.
Lê Mạnh Thát dịch “trường phiếm” là “vượt dài” thì không đúng tinh thần Việt, vì lẽ rằng trong tiếng Việt không ai nói “vượt dài” hết!
11). “bèn trôi dạt đến Thượng Cảnh”.
Lê Mạnh Thát đọc ở đâu mà sai lạc đến thế! Tên đúng là Tỉ Ảnh, hoặc Tí Cảnh.
Các tên gọi này từ trước đến giờ người ta vẫn quen đọc, viết là Tỉ Cảnh.
Về danh xưng “Tỉ Ảnh” Lịch Đạo Nguyên (469 - 527) đời Bắc Chu (557 - 581) viết trong bộ “Thủy Kinh Chú”:
- “…… Chí Tỉ Ảnh huyện nhật trung đầu thượng ảnh đương thân hạ, dữ ảnh vi tỉ.
Như Thuần viết: “Cố dĩ Tỉ Ảnh danh huyện”.
Khám Ân viết: “Tỉ độc “ấm tí chi Tí”, ảnh tại kỷ hạ, ngôn vị thân sở tí dã!”.
- “…… Tới huyện Tỉ Ảnh, giữa trưa bóng nắng trên đầu ngả dưới thân.
Như Thuần nói: - “Cho nên lấy tiếng “Tỉ Ảnh” đặt tên cho huyện”.
Khám Ân nói: - “Chữ “Tỉ” đọc là “Tí” (che) trong tiếng “ấm tí” (che chở), bóng nắng ngả dưới thân mình, ý nói (bóng) được thân che chở”.”.
(Như Thuần (? - ?) là học giả triều Ngô (223 - 280) thời Tam Quốc (220 - 280).
Khám Ân (? - ?) là học giả triều Bắc Chu (557 - 581) thời Nam Bắc triều (420 - 589).
Tỉ Ảnh là 1 trong 4 huyện thuộc Quận Nhật Nam thời Tây Hán (206 tr. Cn - 08 Cn), lúc Hán Vũ đế xâm lược nước Nam Việt. 3 huyện kia là Chu Ngô, Tây Quyển, Lư Dung.
Huyện Tỉ Ảnh nằm ở khoảng giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình hiện nay.
Kinh độ 106o 34’. Vĩ độ 17o 40’.
Thời Trí Hoằng huyện Tỉ Ảnh thuộc lãnh thổ nước Lâm Ấp.
Thời Đường, địa vực Tỉ Ảnh không thuộc Đường triều. Có lẽ không rõ tên gọi vùng này của Lâm Ấp lúc đó là gì cho nên Nghĩa Tĩnh dùng danh xưng Địa lý thời Tây Hán.
12). “Tháng cũ ngày mới, bèn hiểu tiếng ấy”.
Nguyên tác: “Nguyệt cố nhật tân, nhàn thanh luận”.
Lê Mạnh Thát dịch từng chữ một nên câu văn rất ngớ ngẩn.
Câu “nguyệt cố nhật tân” nếu dịch là “Ngày qua tháng lại” thì đúng tinh thần Việt hơn!
Kế tới, câu “nhàn Thanh Luận” Lê Mạnh Thát dịch không xuôi.
Câu này phải được dịch là “rành rẽ ngôn ngữ văn tự”.
Chữ “nhàn” (Bộ Môn [cửa, cổng], trong là chữ mộc [cây]) nghĩa là “thành thục”.
13). “nhân minh”.
Cho sáng sủa câu văn phải dịch là “luận lý học”.
14). “đạo tràng Tính giải”.
Nguyên tác ghi là “Tín Giải đạo trường”. Đạo tràng Tín Giải đây tức “Chùa Tín Giải”.
Nhưng tôi nghĩ đây là gõ máy sai, vì ở trang 170 Lê Mạnh Thát ghi đúng là “Tín Giả”.
Có điều là nếu lộn thì lộn một chữ “Tín” thành “Tính” thôi, sao lại lộn thêm chữ tiếp liền sau đó là “Giả” thành “Giải”?
Chùa Tín Giải thuộc lãnh thổ nước Am Ma La Bạt ở phía Bắc sông Hằng.
Và, như câu “Tại Tín Giả đạo trường nãi chuyên công Tiểu Giáo.” của Nghĩa Tĩnh thì rõ đây là một ngôi chùa Tiểu Thừa.
Tín Giả là 1 ngôi Chùa lớn nổi tiếng. Theo tự thuật của Nghĩa Tĩnh thì ngoài Trí Hoằng các cao tăng như Huyền Chiếu, Mạt Để Tăng Ha, Tín Trụ, Trí Hành, Huệ Luân, cũng từng trú ngụ tại Chùa này. Tín Trụ viên tịch tại đây!
15). “tiểu giáo”.
Lẽ nào Lê Mạnh Thát không biết “Tiểu giáo” đây tức “Tiểu Thừa giáo”?
16). “học thêm luật nghi một cách siêng năng không quên tức bóng”.
Nguyên tác: “Khẩn khẩn, cần cần, vô vong thốn ảnh”.
Dịch là: Thành khẩn, siêng năng, không lơi giây phút nào”.
Tiếng “thốn ảnh” tức “thốn âm”, là khoảng thời gian ngắn ngủi.
Câu “vô vong thốn ảnh” phải dịch là “không quên giây phút nào” - hoặc cho rõ hơn nữa có thể dịch là “không lơi giây phút nào”.
Câu “vô vong thốn ảnh” mà dịch là “không quên tức bóng” thì có trời mà hiểu nổi!
Có lẽ Lê Mạnh Thát gõ lộn chữ “tấc” (thốn = 1 / 10 xích) thành chữ “tức” (?).
Nhưng cho dầu là “tấc” đi nữa thì dịch “thốn ảnh” là “tấc bóng” cũng ít ai hiểu được!
Trong tiếng Việt nói “tấc lòng” (thốn tâm) thì ai cũng hiểu, nhưng nói “tấc bóng” thì có lẽ hơi khó hiểu với nhiều người!
17). “khéo giữ bè nổi, không chút thiếu sót”.
Nguyên tác: “Thiện hộ phù nang, vô khuy phiến kiểm”.
Dịch là: “(Như) cái phao khéo giữ gìn (giữ cho thân khỏi bị chìm), (đọc) không thiếu sót một luật nghi nhỏ nhặt nào”.
Tiếng “phù nang” [túi nổi], còn gọi “khí nang” [túi hơi], nghĩa là “cái phao”, không phải là cái “bè nổi” như Lê Mạnh Thát dịch.
Thời xưa người ta dùng da dê, hoặc là da bò…. may thành cái túi, cái bao, thổi hơi vào cho phồng lên, đem theo khi đi biển, phòng lúc thuyền chìm dùng đây để cứu mạng.
Chữ “kiểm” ở đây có nghĩa là “qui luật” (pháp thức), là “ước thúc”, tức chỉ “giới luật”.
Bộ “Phật Học Đại Từ Điển” viết:
- “[Phù nang]…….
Kinh trung dĩ tỉ Giới Luật, hộ trì Bồ Tát chi giới, do như hải nhân chi ư phù nang dã”.
- “[Phù nang]…...
Trong Kinh (Phật) lấy cái phao để thí dụ Giới Luật, hộ trì giới luật của Bồ Tát, cũng như người đi biển đối với cái phao vậy”.
18). “vâng trên dạ dưới”.
Nguyên tác: “phụng thượng, khiêm hạ”.
Nghĩa là: “với người trên thì (hết lòng) hầu hạ, với kẻ dưới thì nhún nhường”.
( còn tiếp ...)
Minh Di
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét