Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Lịch sử Phật giáo Việt Nam - Kỳ 3

KỲ 3                                                                    *
Phần chuyển dịch của tôi sau đây sẽ cho thấy cái ngớ ngẩn, thiếu mạch lạc - nhiều lúc đến tối tăm, của đoạn dịch văn dẫn trên của Lê Mạnh Thát.
Nguyên tác đoạn trên như sau:
-Trí Hoằng luật sư, Lạc Dương nhân dã, tức sính Tây vực đại sứ Vương Huyền Sách chi điệt dã! Niên tài nhược tuế tảo hạp xung hư, chí miệt khinh phì, tình hoài thê độn. Toại vãng Thiếu Lâm Sơn xan tùng phục nhĩ, lạc tụng Kinh điển, phả công văn bút. Ký nhi ngộ triều thị chi huyên hoa, thượng Pháp môn chi trừng tịch, toại bội Bát Thủy nhi khứ Tam Ngô, xả tố chi nhi hoán tri phục.
Sự Tha thiền sư vi sư, bẩm thừa tư huệ. Nhi vị kinh đa tái tức phưởng phất huyền quan. Phục vãng Cần Châu Nhẫn thiền sư xứ trùng tu định liễm. Nhi phương căn tuy thực, sùng điều vị tủng, toại tế Tương xuyên, khoa Hành Lãnh, nhập Quế Lâm nhi thác tưởng, độn u tuyền dĩ tức tâm, phả kinh niên tái trượng Tịch thiền sư vi y chỉ. Đổ sơn  thủy chi tú lệ, ngoạn lâm bạc chi thanh hư, huy hàn tả trung, chế “U Tuyền Sơn Phú” thân viễn du chi hoài. Ký lãm Tam Ngô chi Pháp tượng phả tận phương diên, lịch Cửu Giang chi thắng hữu, cơ nhàn diệu lý. Nhiên nhi túc thực thiện căn phỉ do nhân tưởng,  tự xuất Trung Phủ dục quan lễ Tây Thiên. Hạnh ngộ Vô Hành thiền sư dữ chi đồng khế, chí Hợp Phố thăng bạch, trường phiếm thương minh. Phong tiện bất thông, phiêu cư Tỷ Ảnh. Phúc hướng Giao Châu trú kinh nhất Hạ. Ký chí Đông mạt phục vãng hải tân Thần Loan tùy bạch Nam du, đáo Thất Lợi Phật Thệ quốc. Tự dư kinh lịch cụ tại Hành thiền sư truyện nội.
Đáo Đại Giác Tự trú kinh nhị tái, chiêm ngưỡng tôn dung, khuynh thành lệ tưởng, phúng tụng Phạm bản. Nguyệt cố nhật tân nhàn “Thanh Luận”, năng Phạm thư. Học Luật nghi, tập “Đối Pháp”. Ký giải “Câu Xá”, phục thiện nhân minh.
Ư Na Lạn Đà Tự tắc phi lãm Đại Thừa. Tại Tín Giả đạo trường nãi chuyên công Tiểu Giáo. Phục tựu danh đức trùng tẩy luật nghi. Khẩn khẩn cần cần vô vong thốn ảnh! Tập Đức Quang luật sư sở chế “Luật Kinh”, tùy thính tùy dịch, thực hữu công phu. Thiện hộ phù nang, vô khuy phiến kiểm.
Thường tọa bất ngọa, tri túc thanh liêm, phụng thượng khiêm hạ, cửu nhi di kính”.
                 /  Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện. Qu. Hạ. Trí Hoằng  /.                   
- “Luật sư Trí Hoằng, người Lạc Dương, chính là cháu của Đại sứ Vương Huyền Sách từng đi sứ Tây vực! Mới trưởng thành thì tánh tình đạm bạc, thanh tĩnh, không thích sự ràng buộc, tâm coi thường sự giàu sang, ý muốn ẩn dật. Bởi vậy mà tới núi Thiếu Lâm ăn uống đạm bạc, vui với việc đọc Kinh điển, viết văn rất hay. Khi đã nhận biết ra được sự ồn ào của chốn thành thị, thích cảnh tĩnh lặng của chốn Đạo thì rời đất Quan Trung đến các vùng Ngô Quận, Ngô Hưng, Đơn Dương bỏ áo thế tục mà mặc pháp phục.
Tôn thiền sư Tha làm thầy, tiếp nhận được trí huệ tư tưởng của thầy. Và chưa được bao năm thì chừng như đã thấu lẽ Đạo. Sau đó, lại đến chỗ thiền sư NhẫnCần Châu tiếp tục tu tập Thiền định. Nhưng, thiện căn tuy đã gieo mà cành nhánh chưa vươn cao nên lại qua sông Tương, vượt Hành Sơn, vào đất Quế Lâm mà suy tư, ẩn mình ở chốn núi sâu để tĩnh tâm; ở nơi đây theo thiền sư Tịch tu tập nhiều năm. Thấy cảnh núi sông  đẹp đẽ, dạo cảnh rừng thanh tĩnh mà [cảm hứng] làm bài phú “U Tuyền Sơn”, trình bày hoài vọng viễn du của mình. Đã đến khắp các chỗ của các bậc nổi tiếng đức độ ở vùng Tam Ngô, đã gặp hết các thiện tri thức vùng Cửu Giang, luận bàn rốt ráo đạo lý vi diệu. Thế nhưng, [do] thiện căn gieo trồng kiếp xưa cho nên chẳng cần có người khích lệ mà tự mình rời Lạc Dương muốn đến phương Tây tìm hiểu sâu xa về Đạo. May gặp được thiền sư Vô Hành cùng ý hướng [nên cùng nhau] tới Hợp Phố lên thuyền buôn, lênh đênh trong chuyến hành trình trên biển xa thẳm. Gặp gió không thuận lợi thuyền trôi dạt vào huyện Tỉ Ảnh. Thuyền quay trở về Giao Châu, ở lại đây hết mùa Hè. Khi đến cuối Đông lại trở ra cửa biển Thần Loan theo thuyền buôn đi về Nam, tới nước Thất Lợi Phật Thệ. Những sự việc khác mà bản thân (Trí Hoằng) trải qua (trong chuyến hải trình này) đều được tự thuật đầy đủ trong phần Truyện của thiền sư Vô Hành.
Đến Chùa Đại Giác ở 2 năm, chiêm ngưỡng dung mạo các bậc tài cao, đức trọng, dốc lòng thành khích lệ tâm chí, tụng đọc Kinh tiếng Phạn. Ngày qua tháng lại sau rồi cũng rành rẽ văn pháp của ngôn ngữ này, có thể đọc được Kinh văn tiếng Phạn. [Từ đó] học Luật nghi, tập “Đối Pháp”. Đã thông hiểu “Câu Xá Luận” ông lại giỏi cả khoa luận lý.
Chùa Na Lạn Đà thì đọc Kinh điển Đại Thừa, tại Đạo trường Tín Giả thì nghiên cứu Giáo pháp Tiểu Thừa. Lại đến gặp những bậc nổi tiếng đức độ học lại Luật nghi. Tâm ý thành khẩn học tập không lơ là một giây phút nào! Tập theo Bộ “Luật Kinh” của Luật sư Đức Quang, vừa nghe giảng vừa dịch (ra tiếng Hán), thực là chịu khó. (Như) cái phao khéo giữ gìn (cho thân khỏi bị chìm), (đọc) không thiếu sót một luật nghi nhỏ nhặt nào!
Ông thường ngồi chứ không nằm, tánh biết đủ, trong sạch; với người trên thì (hết lòng) hầu hạ, với kẻ dưới thì nhún nhường, ở chung lâu ngày người càng kính trọng!
[Phụ chú.
[Phụ chú.
Luật sư. Trong Phật giáo, người giải thích rốt ráo được giới luật của Phật được gọi là Luật sư.
Cũng như người giải thích được vi ngôn diệu lý của Kinh điển Phật giáo thì được gọi là Luận sư. Luận nghĩa là những lời chú giải Kinh.
Trong khi bên Nho gia thì gọi những chú giải Kinh là “Truyện”.
Cửa Thần Loan. Nguyên tác:Hải tân Thần Loan”.
Có lẽ là cửa biển Thần Đầu.
Bộ “Cổ Đại Nam Hải Địa Danh Vị Thích”: chép:
- “[Thần Đầu hải khẩu]. Hựu tác Thần Đầu hải, Thần Đầu hải môn, Thần Thụ hải khẩu, Thần Đầu hải khẩu, hoặc ngộ vi Linh Phù hải khẩu.
An Nam Khí Thủ”:
~ (Trương) Phụ do Hoàng giang, A giang, Đại An hải khẩu, chí Phúc Thành giang chuyển nhập Thần Đầu hải khẩu, giai quyết kỳ úng tắc nhi hậu hành. Thập dư nhật chí Thanh Hóa”.
Tại kim Việt Nam Thanh Hóa tỉnh, Nga Sơn huyện, Đông ngạn ngoại, vị cai tỉnh dữ Hà Nam Ninh tỉnh giao giới ngoại”.
- “[Thần Đầu hải khẩu]. Lại viết Thần Đầu hải, Thần Đầu hải môn, Thần Thụ hải khẩu, Thần Đầu hải khẩu, hoặc có thuyết lầm là Linh Phù hải khẩu.
Sách “An Nam Khí Thủ”:
~ (Trương) Phụ [trong khoảng] từ Hoàng giang, A giang, Cửa biển Đại An cho đến chỗ sông Phúc Thành chuyển đổ vào Cửa biển Thần Đầu, [trong khoảng này] những chỗ nào tắc nghẽn đều cho khai thông sau đó mới tiến. (Như vậy) đi 10 ngày thì tới Thanh Hóa.
Hiện nay [Cửa biển này] nằm ở mé ngoài Đông ngạn huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa nước Việt Nam, vị trí ở chỗ giao giới giữa tỉnh này và tỉnh Hà Nam Ninh”.
Tụng đọc Kinh tiếng Phạn. Nguyên tác: “phúng tụng”. 
Phúng tụng có nghĩa là “không xem nguyên văn mà chỉ đọc thuộc lòng theo trí nhớ”.
Ở đây ý nói Trí Hoằng chỉ tụng theo những gì mình từng tụng đọc thuộc lòng trong lúc tu tập chứ không đọc được nguyên văn Phạn ngữ.
Phúng tụng cũng gọi là “bối tụng”; “bối” nghĩa là “cái lưng”, “bối tụng” là day lưng lại mà đọc chứ không nhìn vào sách.
 Ngôn ngữ, văn tự Phạn ngữ. Nguyên tác: Thanh Luận.
Ngôn ngữ, văn tự là 1 trong 5 môn học chính - được gọi là “Ngũ Minh- ở học đường Ấn Độ thời cổ. Thanh Minh là môn đầu tiên trong 5 môn học này.
Tập “Đại Đường Tây Vực Ký” viết:
~ Nhi khai mông dụ tiến, tiên đạo Thập nhị chương, thất tuế chi hậu, tiệm thụ Ngũ minh Đại luận:
Nhất viết Thanh minh, thích cổ huấn tự, thuyên mục lưu biệt.
Nhị Công xảo minh, kỹ thuật cơ quan, Âm dương, Lịch số.
Tam Y phương minh, cấm chú hàn tà, dược thạch châm ngải.
Tứ vị Nhân minh, khảo định chính tà, nghiên hạch chân ngụy.
Ngũ viết Nội minh, cứu sướng ngũ thừa, nhân quả diệu lý.
                               /  Đại Đường Tây Vực Ký. Qu. II. Ấn Độ tổng thuật. 9. Giáo dục  /.     
~ Việc hướng dẫn dạy dỗ trẻ mới nhập học thì trước hết là dạy 12 Chương, cho tới lúc qua 7 tuổi thì tuần tự dạy 5 Môn học chính:
Một là Thanh minh, là môn học về ngôn ngữ, chủ đề là giải thích ngôn ngữ văn tự cổ cũng như sự phân chia trong ngôn ngữ, văn tự, và giải thuyết về sự khác biệt trong sự phân chia này. 
Hai là Công xảo minh, dạy kỹ thuật về máy móc, dạy các khoa Thiên văn, Số học.
Ba là Y phương minh, dạy phòng tà, chống tà, dược liệu, châm cứu, ngải cứu.
Bốn là Nhân minh, dạy khảo định chính, tà, nghiên cứu kiểm tra thực, giả.
Năm là Nội minh, nghiên cứu thông suốt về 5 Tông giáo, về diệu lý nhân quả. 
Đối Pháp.
Tức A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Abhidharmakośāsastra) của Thế Thân (Vasubandhu).  
Tiếng “A Tỳ” dịch ý là “Đối”, tiếng “Đạt Ma” ý dịch là “Pháp”, và “Câu xá” là “Tạng”.
Hợp lại thành: “Đối Pháp Tạng”, cũng gọi “Đại Pháp”, hoặc “Vô Tỷ Pháp”, gọi giản lược là “Câu Xá Luận”.
Tác phẩm này Thế Thân soạn, luận quá trình từ Tiểu Thừa tiến qua Đại Thừa, căn bản phản ánh quan niệm lưu hành thời bấy giờ tại nước Ca Thấp Di La (nay là Kashmir) về thế giới của Bộ phái “Thuyết Nhất Thiết Hữu” của Tiểu Thừa, về nhân sinh và tu hành.
Thế Thân sống vào khoảng thế kỷ thứ IV hoặc thứ V, là 1 trong những người khai sáng Du Già Hành Phái của Đại Thừa, em của Vô Trước. Buổi đầu theo Tiểu Thừa, xuất gia theo Bộ phái “Thuyết Nhất Thuyết Hữu”. Theo truyền thuyết, ông tinh thông Giáo nghĩa không tin Đại Thừa, cho rằng Đại Thừa không phải do Phật nói (phi Phật sở thuyết).
Vô Trước ở nước Phú Lâu Sa Phú La sợ em mình viết Luận đả phá Đại Thừa, nên cho người tới nước A Thâu Đồ gọi ông về nước truyền dạy Giáo nghĩa Đại Thừa. Từ đó bỏ Tiểu Thừa theo anh nghiên tập Đại Thừa. Sau đó ông soạn rất nhiều bộ Luận giải thích Kinh điển Đại Thừa - như Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Niết Bàn, Kinh Pháp Hoa, Kinh Bát Nhã, Kinh Duy Ma, Kinh Thắng Man. Ông lại viết sách, luận thuật rất tường tận về lý luận của phái Du Già.
Thế Thân viết rất nhiều, chủ yếu có:
- “Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận Thích”.
- “Biện Trung Biên Luận”.
- “Kim Cương Kinh Luận Thích”.
- “Thập Địa Kinh Luận”.
- “Tịnh Độ Luận”.
- “Nhị Thập Duy Thức Luận”.
- “Duy Thức Tam Thập Luận Tụng”.
- “Nhiếp Đại Thừa Luận Thích”.
- “Đại Thừa Thành Nghiệp Luận”.
- “Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận”.
- “Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận”.
- “Phật Tính Luận”.
Tập Đại Đường Tây Vực Ký tự thuật việc Thế Thân theo Đại Thừa như sau:
- Vô Trước giảng đường cố cơ Tây bắc tứ thập dư lý chí cố Già lam, Bắc lâm Cắng Già hà, trung hữu chuyên Toát đổ ba cao bách dư xích, Thế Thân Bồ Tát sơ phát Đại Thừa tâm xứ.
Thế Thân Bồ Tát tự Bắc Ấn Độ chí ư thử dã, thời Vô Trước Bồ Tát mệnh kỳ môn nhân lệnh vãng nghinh hậu chí thử Già lam ngộ nhi hội kiến. Vô Trước đệ tử chỉ hộ dũ ngoại, dạ phân chi hậu tụng Thập Đa Kinh.
Thế Thân văn dĩ cảm ngộ truy hối thậm thâm diệu pháp, tích sở vị văn, phi báng chi diễn, nguyện phát ư thiệt. Thiệt vi tội bản kim nghi trừ đoạn. Tức chấp tiêm đao, dục tự đoạn thiệt. Nãi kiến Vô Trước trú lập cáo viết:
- Phù, Đại Thừa giáo giả, chí chân chi lý dã! Chư Phật sở tán, chúng Thánh du tông. Ngô dục hối nhĩ, nhĩ kim tự ngộ ngộ kỳ thời hĩ, hà thiện như chi! Chư Phật Thánh giáo đoạn thiệt phi hối! Tích dĩ thiệt hủy Đại Thừa, kim dĩ thiệt tán Đại Thừa, bổ quá tự tân, do vi thiện hĩ! Đổ khẩu tuyệt ngôn, kỳ lợi an tại?
Tác thị ngữ dĩ hốt bất phục kiến.
Thế Thân thừa mệnh toại bất đoạn thiệt, đán nghệ Vô Trước, tư thụ Đại Thừa.
Ư thị nghiên tinh đàm tư, chế Đại Thừa luận phàm bách dư Bộ, tịnh thịnh tuyên hành.
                                                                    /  Đại Đường Tây Vực Ký. Qu. V. A Du Đà quốc  /.
- Lúc Bồ Tát Thế Thân từ Bắc Ấn Độ tới đây thì Bồ Tát Vô Trước sai đệ tử tới Chùa này chờ để đón tiếp, gặp mặt nhau tại đây. Đệ tử của Vô Trước đứng bên ngoài cửa phòng (Thế Thân) sau lúc trời vào tối, tụng Thập Địa Kinh.
Thế Thân nghe xong cảm ngộ nghĩ lại mà hối, diệu pháp thậm thâm, xưa chưa hề nghe, cái tội phỉ báng (Đại Thừa) rồi từ cái lưỡi mà ra. Cái lưỡi là cái gốc của tội, bây giờ phải cắt bỏ nó đi. Tức thời lấy dao bén định cắt lưỡi thì thấy Vô Trước đứng đó nói rằng:
- Đại Thừa giáo là cái lý cực chân thực, là điều các Phật ca ngợi, các Thánh tôn sùng! Ta muốn dạy em, bây giờ em tự giác ngộ! Giác ngộ đúng lúc có gì tốt hơn! Thánh giáo của chư Phật, cắt lưỡi mà không hối hận. Trước kia dùng cái lưỡi hủy báng Đại Thừa bây giờ dùng cái lưỡi để tán dương Đại Thừa, sửa lầm lỗi, thay đổi thành con người mới cũng vẫn tốt! Ngậm miệng không nói, cái lợi rồi ở chỗ nào?
(Vô Trước) nói xong những lời này thì bỗng dưng không thấy người đâu nữa!
Thế Thân nghe theo, không cắt lưỡi nữa. Sáng sớm ngày hôm sau tới gặp Vô Trước thảo luận và thụ Giáo pháp Đại Thừa.
Do đó Thế Thân nghiên cứu tinh tường, suy nghĩ sâu xa, biên các Bộ Luận Đại Thừa cộng hơn trăm Bộ, tất cả đều được lưu hành rộng rãi.
                  
Câu Xá.
Coi phần chú thích trên về “Đối Pháp” ở trên.
Khoa luận lý. Nguyên tác: Nhân minh.
Xin coi chú thích về điều mục “Ngôn ngữ, văn tự Phạn ngữ” ở trên].
( còn tiếp ...)
Minh Di

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét