KỲ 4
Lê Mạnh Thát dịch đoạn Thích Nghĩa Tĩnh tự thuật từ Quảng Châu đi Ấn Độ.
“Đại Đường Tây Vức cầu pháp cao tăng truyện quyển hạ ĐTK 2066 tờ 7c3-8b14 đã ghi cuộc gặp gỡ này khá chi tiết: “Bấy giờ vào năm Hàm Hanh thứ ba (672), đang kiết hạ tại Dương Châu. Đầu mùa thu bỗng gặp sứ quân Cung Châu là Phùng Hiếu Thiên bèn đi theo đến Quảng Châu, hẹn gặp với chủ thuyền Ba Tư để đi về phía Nam. Lại được sứ quân sai đến Cương Châu, lại làm đàn chủ cùng với em là sứ quân Hiếu Đẳng, sứ quân Hiếu Chẩn, quận quân họ Ninh, quận quân họ Bành, tập hợp nhân viên bà con, đều đến gặp để dâng biếu. Họ tranh nhau cho những tấm vải tốt, mỗi bỏ ra những món ăn lạ, để không thiếu hụt trên đường đi biển, lo sợ khó nhọc trên đất hiểm nguy, dốc lòng như ơn nghĩa đối với người thân, chiều theo lòng giúp kẻ cô độc, cùng làm lễ quy y, cùng có duyên với cảnh Phật. Sở dĩ được thành lễ gặp gỡ như vậy, ấy là nhờ sức của nhà họ Phùng. Lại phép tục Lĩnh Nam cùng làm khó lòng kẻ đi người ở. Nho sĩ ăn tại đất bắc đều mang nỗi hận biệt ly.
Đến tháng 11 bèn bỏ Phiên Ngung, mặt hướng sao Dực sao Chẩn, nhắm vườn Nai mà xa mong, ngóng núi Gà mà mãi than (. . .). Chưa được hai tuần quả đến Phật Thệ. Trải ngừng sáu tháng, học dần ngôn ngữ. Vua nước đó biếu giúp đưa đến nước Mạc La Du (nay đổi là Thất Lợi Phật Thệ, Srìboja), lại dừng hai tháng để chuyển hướng nước Yết Trà (Kaccha, tức nay là Khotaraja ở phía bắc đảo Sumatra, LMT). Đến tháng 12 giương buồm, lại ngồi thuyền vua dần nhắm Đông Ấn Độ. Từ Yết Trà đi lên hướng bắc hơn 10 ngày thì đến nước người lõa thể. Hướng về đông trông bờ khoảng một hai dặm, chỉ thấy cây dừa rừng cau xanh um khả ái.
Những người dân đó thấy thuyền đến thì tranh nhau cưỡi thuyền nhỏ hơn trăm chiếc, đều đem dừa chuối và những đồ dùng mây tre đến tìm đổi chác. Thứ họ thích nhất là sắt. Một miếng sắt bằng hai ngón tay thì đổi được 5 hoặc 10 trái dừa. Đàn ông thảy đều lõa thể. Đàn bà thì dùng một miếng lá để che thân. Kẻ buôn giỡn cho áo thì liền khoát tay không dùng. Tương truyền nước này là ở biên giới phía nam của Thục Xuyên. Nước này đã không sản xuất ra sắt, nhưng cũng ít vàng bạc. Họ chỉ ăn dừa và củ mài, không có nhiều thóc lúa. Vì thế, lô ca là quí nhất (nước này gọi sắt là lô ca). Da mặt người nước ày không đen, thân hình tầm cỡ trung bình. Khéo đan những rương mây tròn, mà những nơi khác không thể bì kịp. Nếu không cùng họ giao dịch thì liền bị bắn tên độc. Ai bị trúng thì không còn sống lại được.
Từ đây lại nhắm hướng tây bắc mà đi thêm khoảng nửa tháng, bèn tới nước Đam Ma Lập Để, tức biên giới phía nam của Đông Ấn Độ, cách Mạc Ha Bồ Đề và Na Lan Đà có thể hơn 60 trạm dịch. Ở đây mới bắt đầu gặp thầy Đại Thừa Đăng. Lưu lại một năm để học tiếng Phạn và nghiên cứu các bộ luận thanh văn. Bèn cùng thầy Đăng cùng đi, lấy con đường chính tây. Mấy trăm thương nhân đi Trung Ấn Độ. Cách Mạc Ha Bồ Đề có 10 ngày, đường qua những núi đầm lớn nguy hiển khó thông, nhờ nhiều người, chứ không thể một mình vượt qua.
Bấy giờ, Tịnh tôi mắc bịnh thời tiết, thân thể ốm mệt, tìm cách đi với nhà buôn, nhưng không thể kịp. Dù đã cố hết sức mình tìm đường đi lên, thì cứ 5 dặm phải trăm lần nghỉ. Lúc ấy có khoảng 20 thầy ở chùa Na Lan Đà cùng Đăng thượng nhân đều đi lên phía trước. Chỉ còn một mình tôi đơn độc, bước lẻ loi qua cửa ải nguy hiểm. Ngày đã về chiều, cướp núi liền đến, cầm cung kêu lớn đến gặp bắt nạt. Tước lột y trên, rồi lấy y dưới, luống có dây lưng cũng bị cướp nốt. Đúng vào lúc đó, thật có thể nói mãi rời cuộc sống, không còn lòng để thăm hỏi. Xác tan trên đầu ngọn giáo, không thỏa được nguyện vọng của chính mình.
Nước kia lại tương truyền rằng hễ bắt được người da trắng thì đem giết, sung vào việc tế trời. Khi nghĩ tới chuyện đó thì lòng lại nhớ quanh co. Bèn mới vào trong hố bùn, bôi khắp thân thể, lấy lá che mình, chống gậy mà đi từ từ. Ngày sắp tối hẳn mà chỗ ở thì còn xa. Đến đêm canh hai mới bắt kịp bạn bè, nghe Đăng thượng nhân kêu dài bên ngoài thôn. Khi đã gặp nhau, thượng nhân khiến trao cho một y, xuống hồ rửa mình, rồi mới vào thôn. Từ đó đi mấy ngày thì trước đến Na Lan Đà, đi kính lễ tháp Căn Bổn, rồi lên Kỳ Xà Quật chiêm bái nơi giữ áo ấm của đức Phật, sau đến chùa Đại Giác lễ bái chân dung Phật. Vải quyến tốt do đạo tục vùng Sơn Đông tặng đều đem làm áo cà sa đúng thân đức Phật Như Lai, tự mình đem lên mặc cho Ngài.
Huyền luật sư của Bộc Châu gửi kèm theo bảo cái bằng lụa mỏng mấy vạn để đem dâng lên. Thiền sư An Đạo của Tào Châu gửi lễ bái đến tượng Bồ Đề. Tịnh tôi cũng vì vậy mà làm lễ xong. Lúc ấy, năm vóc gieo xuống đất, một lòng tưởng nhớ kiền thành, trước vì bốn ơn ở Đông Hạ, rộng ra tới cả pháp giới hàm thức, nguyện xin hội đầu Long Hoa, gặp được đức Từ Thị, cùng hợp chân tôn, chứng được trí vô sanh. Tiếp theo bèn lễ khắp thánh tích, qua phương trượng mà tới Câu Thi, chỗ nào cũng đều chí thành. Vào vườn Nai mà vượt núi Gà, ở chùa Na Lan Đà 10 năm, mới bắt đầu trở gót, nói về Đam Ma Lập Để. Khi chưa đến, thì gặp giặc cướp lớn, chỉ khỏi được họa dao đâm, mà giữ được thân hôm sớm. Từ đó, lên thuyền qua nước Yết Trà. Ba tạng Phạn Bản mang theo khoảng hơn 50 vạn tụng, dịch ra tiếng Hán có thể thành một ngàn quyển. Bèn tạm ở lại Phật Thệ”.
Đọc những ghi chép vừa dẫn của Đại Đường Tây Vức cầu pháp cao tăng truyện ta thấy Nghĩa Tịnh đã gặp Đại Thừa Đăng tại Đam Ma Lập Để, sau khi đã rời vùng Yết Trà vào tháng 12 của năm Hàm Hanh thứ 3 (674) và đi thêm khoảng một tháng nữa”.
(LSPGVN2. từ trang 179 đến 183).
Những cái sai của Lê Mạnh Thát ở đoạn trên tôi đánh chữ đỏ và gạch dưới.
Sau đây tôi nói rõ từng cái sai một:
1). Năm Hàm Hanh thứ 3.
Đúng phải là năm Hàm Hanh thứ 2.
+ Trong Tập “Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện Hiệu Chú”, chú thích câu “Hàm Hanh nhị niên” (Chú thích 10), trong đoạn dẫn trên, Vương Bang Duy viết:
(10). Hàm Hanh nhị niên. Trừ Túc Bản ngoại, các Bản nguyên câu tác “Hàm Hanh tam niên”. Đản <Ký Qui Truyện> Quyển IV vân: “Chí tam thập thất, phương toại sở nguyện”. Hựu vân: “Toại dĩ Hàm Hanh nhị niên thập nhất nguyệt phụ bạch Quảng Châu, cử phàm Nam hải.
(Đại 54 / 232c, 233b) <Trung tông Thánh Giáo Tự>: “Tam thập hữu thất, phương toại nhã hoài, dĩ Hàm Hanh nhị niên hành chí Quảng Châu”.
(Chiêu 3 / 1421c) <Nghĩa Tĩnh Tháp Minh>: “Dĩ Hàm Hanh nhị niên, phát tự toàn Tề, đạt vu Quảng Phủ”
(Đại 55 / 871c) <Khai Nguyên Lục> Quyển IX, <Tục Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Ký>, <Trinh Nguyên Lục> Quyển XIII, <Tống Cao Tăng Truyện> Quyển I sở ký đồng.
Dĩ Nghĩa Tĩnh đích sinh tốt niên suy toán, tham hạch dĩ thượng các gia ký tái, khả xác định “tam niên” thực vi “nhị niên” chi ngộ, kim cải chính chi.
/ Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện Hiệu Chú. Qu. Hạ. Nghĩa Tĩnh tự thuật /.
- Năm thứ 2 Niên hiệu Hàm Hanh. Trừ Túc Bản, các Bản vốn đều ghi “Hàm Hanh tam niên”. Nhưng <Ký Qui Truyện> Quyển IV nói: “Tới 37 tuổi mới đạt ước nguyện”. Lại nói: “Sau cùng tháng 11 năm thứ 2 Niên hiệu Hàm Hanh theo thuyền buôn tới Quảng Châu, ra khơi Nam hải.
+ (Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh Qu.54, tr.232c,233b) <Trung tông Thánh Giáo Tự>: “37 tuổi mới đạt được hoài vọng cao đẹp, để năm thứ 2 Niên hiệu Hàm Hanh đến Quảng Châu”.
+ (Chiêu Hòa Pháp Bảo Tổng Mục Lục Qu.3, tr.1421c) <Nghĩa Tĩnh Tháp Minh>: “Năm thứ 2 Niên hiệu Hàm Hanh, xuất phát từ đất Tề đi Phủ Quảng Châu.
+ (Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh Qu.55, tr.871c). Ghi chép (về thời điểm này) của các Tập <Khai Nguyên Lục> Quyển IX, <Tục Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Ký>, <Trinh Nguyên Lục> Quyển XIII, <Tống Cao Tăng Truyện> Quyển I đều giống (như trên).
Lấy năm sinh năm tử của Nghĩa Tĩnh mà suy tính, tham khảo đối chiếu những ghi chép của các nhà dẫn trên đây thì có thể xác định “năm thứ 3” quả thực là lầm lẫn từ “năm thứ 2”, nay sửa cho đúng lại”.
Những trưng dẫn trong phần chú thích trên đây Vương Bang Duy viết liền nhau, ở đây tôi sắp xếp lại, mỗi tác phẩm trưng dẫn tôi xuống hàng cho dễ thấy.
2). “Hiếu Đẳng”.
Chữ “Đẳng” đúng phải là “Đản”.
Chữ “Đản” này tức chữ “đản’ nghĩa là “sanh ra”, như nói “Phật đản sanh”.
3). “...... lại làm đàn chủ.”.
Lê Mạnh Thát dịch câu này hàm hồ:
Ai làm đàn chủ? Thích Nghĩa Tĩnh, hay ông Sứ quân Phùng HiếuThiên?
4). “...... tập hợp nhân viên bà con.”.
Nguyên tác: “...... hợp môn quyến thuộc”.
Nghĩa là: “...... tất cả bà con trong giòng họ”.
Chữ “Hợp” ở đây có nghĩa là “tất cả, đầy đủ”, như nói:
- “Hợp quốc” (cả nước), “hợp gia” (cả nhà) ......
Chữ “Môn” ở đây có nghĩa là “Gia tộc, gia đình”.
Lê Mạnh Thát dịch là “tập hợp bà con nhân viên” thì đúng là không rành Hán văn!
Kế đến, trong dịch văn có danh xưng “Quận quân” Lê Mạnh Thát đã không dịch. Đây là danh xưng chuyên môn nếu không dịch thì người đọc không chuyên môn không hiểu là cái gì?
Cao Thừa (? - ?) thời Bắc Tống (960 - 1127) viết trong “Sự Vật Kỷ Nguyên”:
~ Đường chế: Tứ phẩm thê vi Quận quân, Ngũ phẩm vi Huyện quân - kỳ mẫu ấp hiệu giai gia Thái quân phong, xưng Thái quân”.
/ Sự Vật Kỷ Nguyên. Qu.I. Tân Ngự Mệnh Phụ Bộ. 4. Thái quân /.
~ Định chế Đường triều: Vợ của quan chức trật Tứ phẩm được gọi là Quận quân, vợ các quan chức thuộc trật Ngũ phẩm thì được gọi là Huyện quân - trong danh hiệu của các phần đất Triều đình ban cho mẹ của các quan chức nói trên đều có thêm các tiếng Thái quân phong, do đó gọi mẹ của các quan chức này là Thái quân”.
5). Tranh nhau cho những tấm vải tốt.
Nguyên tác: “Tranh trừu thượng hối”.
Cứ như dịch văn của Lê Mạnh Thát thì ông ta dịch chữ “Trừu” là “vải tốt”.
Tôi không rõ Lê Mạnh Thát lấy cái nghĩa này từ đâu? Vì trong tất cả Từ thư Trung Hoa chữ “Trừu” không có nghĩa nào là “vải tốt” như Lê Mạnh Thát dịch hết!
Chữ Trừu có các nghĩa: Lấy ra, rút ra, đưa ra......
Câu “tranh trừu thượng hối” có nghĩa là “tranh nhau lấy tiền bạc của cải đưa lên tặng”.
Chữ “Hối” có nghĩa là “tài vật” (tiền bạc, của cải), có nghĩa là “tặng biếu tài vật”.
6). “...... để không thiếu hụt trên đường đi biển.”.
Nguyên tác: “Thứ vô phạp ư hải đồ”.
Ở đây chữ “thứ” có nghĩa là “mong, hi vọng”, Lê Mạnh Thát dịch là “để” thì không được chính xác lắm! Chữ “Thứ” này là chữ “Thứ” có nghĩa là “dân chúng”, như nói “thứ dân”.
7). “Dốc lòng như ơn nghĩa đối với người thân, chiều theo lòng giúp kẻ cô độc.”.
Nguyên tác: “Đốc như thân chi huệ, thuận Cấp Cô chi tâm”.
Chữ “huệ” ở đây dịch là “ơn nghĩa” thì không xác đáng, dịch là “tặng, biếu” phải hơn!
Lê Mạnh Thát không hiểu là 2 chữ “Cấp Cô” ở đây tức “Cấp Cô Độc”, một Đại thần của vua Thắng Quân. Cấp Cô Độc cực giàu, ông là người cúng dường khu rừng Thệ Đa để Phật Thích Ca lập Đạo tràng. Cấp Cô Độc thường giúp đỡ kẻ nghèo khổ thiếu thốn nên thời đó người ta gọi ông là Thiện Thí Trưởng Giả.
Về Cấp Cô Độc, Huyền Trang viết trong Đại Đường Tây Vực Ký như sau:
Thiện Thí trưởng giả nhân nhi thông mẫn, tích nhi năng tán, chửng phạp tế bần, ai cô tuất lão, thời mỹ kỳ đức, hiệu Cấp Cô Độc yên! Văn Phật công đức, thâm sinh tôn kính nguyện kiến Tinh xá thỉnh Phật giáng lâm.
Thế Tôn mệnh Xá Lợi Tử tùy chiêm quĩ yên! Duy thái tử Thệ Đa viên địa sảng khải tầm nghệ thái tử cụ dĩ tình cáo. Thái tử hí ngôn:
- Kim biến nãi mại!
Thiện Thí văn chi, tâm hạt như dã, tức xuất tàng kim, tùy ngôn bố địa; hữu thiểu vị mãn thái tử thỉnh lưu viết:
- Phật thành lương điền, nghi thực thiện chủng.
Tức ư không địa kiến lập Tinh xá, Thế Tôn tức chi cáo A Nan viết:
- Viên địa Thiện Thí sở mãi, lâm thụ Thệ Đa sở thí, nhị nhân đồng tâm thức sùng công nghiệp, tự kim dĩ khứ ưng vị thử địa vi Thệ Đa Lâm Cấp Cô Độc Viên!
Trưởng giả Thiện Thí là người nhân từ, trí huệ, mẫn tiệp, gom góp được nhiều tiền của nhưng cũng biết bỏ ra bố thí, cứu người thiếu thốn, giúp kẻ nghèo khổ, thương những trẻ không cha, không mẹ, xót người già cả, và cũng vì khâm phục cái đức của ông mà người đương thời gọi ông là Cấp Cô Độc! Nghe nói về công đức của Phật ông vô cùng tôn kính, nguyện lập Tinh xá để thỉnh Phật tới. Thế Tôn sai Xá Lợi Tử theo Cấp Cô Độc đi các nơi xem xét đất đai! (Rốt cục) chỉ có khu đất vườn của thái tử Thệ Đa là cao ráo.
Sau đó 2 người tới gặp thái tử, nói rõ ý nguyện, thái tử nói chơi rằng:
- Nếu các ông trải vàng khắp hết mảnh đất đó thì ta sẽ bán cho!
Nghe vậy, Thiện Thí, với lòng rộng rãi, tức thời đem hết vàng trong nhà ra, theo lời của thái tử Thệ Đa mà trải kín khắp mảnh đất đó. (Trải đến lúc cuối) có một khoảnh đất nhỏ chưa trải kín, thái tử nói là để chừa đó, nói rằng:
- Phật đúng là ruộng tốt, phải gieo trồng hột giống thiện.
Liền cho xây dựng Tinh xá tại khoảng đất trống đó. Thế Tôn liền nói với A Nan:
- Đất vườn là của Thiện Thí mua, cây rừng là của Thệ Đa cho, 2 người đồng tâm, để làm cao công trạng và sự nghiệp. Từ đây trở đi nên gọi đất này là Vườn Cấp Cô Độc ở Rừng Thệ Đa.
( còn tiếp ...)
Minh Di
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét