(NLĐO) – "Chống người thi hành công vụ", về hình thức thì rõ ràng là có tội, nhưng về bản chất thì là chống người làm sai, cướp phá tài sản của công dân thì lại là có công.
Luật pháp được đặt ra để bảo vệ quyền lợi công dân và trật tự xã hội. Luật pháp quy định những việc nhà nước phải làm và công dân không được làm.
Xét theo tinh thần này thì chính quyền nhà nước huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng đều sai. Từ cái sai có tính mở đường dẫn đến cái sai của anh em ông Đoàn Văn Vươn: "Chống người thi hành công vụ".
Sự việc đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận tại buổi làm việc chiều ngày 10-2. Bây giờ dư luận chờ xem chính quyền Hải Phòng xử sai và sửa sai cán bộ công chức của mình như thế nào và tòa sẽ xử anh Vươn vào tội danh nào?
Xét ra, hai việc này có mối quan hệ biện chứng rất chặt chẽ với nhau. Vì nguyên nhân ông Vươn phạm tội chống người thi hành công vụ là do chính quyền làm sai, ức hiếp dân nên "tức nước vỡ bờ".
Cũng trên ý nghĩa đó mà Thủ tướng đề nghị ngành tư pháp xem xét tình tiết giảm nhẹ cho các bị can. Đây là một dấu son cho cả nước thấy rõ tính nhân văn, tính nhân dân của Chánh phủ đối với vụ việc.
Ông Đoàn Văn Vươn (trái) và Đoàn Văn Quý
Việc đưa ra tội danh của anh Vươn và những người liên quan cũng hết sức quan trọng.
"Chống người thi hành công vụ", về hình thức thì rõ ràng là có tội, nhưng về bản chất thì là chống người làm sai, cướp phá tài sản của công dân thì lại là có công.
Thử hỏi, không có tiếng nổ do gia đình ông Vươn gây ra thì ai nghe để mà vạch trần những việc làm sai trái của chánh quyền Hải Phòng? Đó chính là tình tiết giảm tội, tăng công.
Căn nhà hai tầng của gia đình ông Quý đã bị đập nát sau cưỡng chế
Còn tội danh "Giết người" là quy chụp theo lối suy diễn tất yếu: Có nổ vũ khí tự chế có thể gây thương vong.
Vậy lực lượng cưỡng chế có cả bộ đội, trang bị vũ khí và phương tiện hiện đại, có cả chó bẹc-giê chực xé xác người để làm gì, nếu không nói là để chuẩn bị "giết người"? Chưa kể sau đó còn phá hoại tài sản công dân - phá nhà người ta trước ngày Tết cổ truyền thiêng liêng thì có gọi là quá ác?
Nếu quy tội giết người cho anh em họ Đoàn trong trường hợp này thì cũng giống như quy tội người nằm dưới dùng dao định đâm người nằm trên đang dùng lưỡi lê đâm vào bụng mình để lấy tiền!
Nếu tội danh giết người mà tòa có nêu ra là của cả hai phía thì tội nặng hơn thuộc về phía các nhân viên công quyền. Tội ác thúc giục tội ác!
Trước khi viết bài này, tôi xem vụ án Đồng Nọc Nạn năm 1928 ở tỉnh Bạc Liêu. Tôi không ngờ ngành tư pháp thực dân mà xử vụ án có hậu như vậy.
Liên hệ lại vụ án năm 1968 ở huyện Tân Châu - An Giang, con gái ông Ban Tống là Nhan Kim Thu, có chồng là thiếu tá chế độ Sài Gòn, đòi lại nhà cho ông Nở thuê nhưng tòa vận dụng điều luật về "quyền lưu cư thâm niên" mà ông Nở thắng.
Tôi nhớ không lầm, lịch sử nước ta có ghi nhận, sau Cách mạng tháng tám thành công, trong khi chính quyền mới chưa có luật mới, Hồ Chủ tịch ra sắc lệnh đầu tiên: “Những luật của chánh quyền cũ - thực dân về dân sự tiếp tục được thực hiện, trừ những điều khoản thực dân. Một xã hội một ngày không có luật là loạn”.
Trở lại vụ án chống người thi hành công vụ của anh em họ Đoàn, nếu tòa xử hợp lòng dân là tiền đề cho yên lòng dân chớ không phải tiền lệ xúi giục dân chống chánh quyền mà cũng đã có người "lo xa". Vì xét cho cùng luật pháp là bảo vệ dân mà!
Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang)
Nguồn: Người Lao động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét