Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Số phận an bài, Tổng thống Đức từ chức, Triều Đại Christian Wulff chấm dứt !

Lá Thư  từ Đức Quốc
 
                                             * Lê-Ngọc Châu

Lời phi lộ: Sau đây là tin tổng hợp cũng như vài nhận định liên quan đến "những tai tiếng" của Tổng Thống (TT) Đức, Christian Wulff để giới thiệu cùng độc giả trong và ngoài nước Đức đôi khi vì hoàn cảnh không hiểu rõ những chuyện tai tiếng của ông Wulff. Vì chỉ tóm lược nên sơ sót khó thể tránh khỏi, mong quý độc giả hoan hỷ cho. Trân trọng  (LNC).

                                                                       *
Khác với các nước theo chủ nghĩa cộng sản khi mà Tự Do Ngôn Luận Báo Chí bị giới hạn hay bị kiểm soát chặt chẽ, nhất là đối với cấp lãnh đạo vì thế ít ai biết đến "những sự bê bối thật sự của họ" thì ngược lại tại Đức nói riêng, trước Giáng Sinh 2011 và ngay sau Tết Dương Lịch 2012 nhiều vụ phanh phui khác liên quan đến đương kim Tổng Thống Đức, Christian Wulff được các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí Đức loan tải rầm rộ, trong khi ông Wulff im lặng, tìm cách tránh né!
 
Số lượng các vụ "tai tiếng và tin giật gân" xung quanh Tổng thống Wulff từ từ được bạch hóa đến mức độ khó đo lường trước. Người ta có thể mất đi cái nhìn tổng quát về sự kiện đã xảy ra. Chronik (tạm dịch là Biên niên=theo thời gian) của chúng tôi chỉ muốn soi sáng vào các vấn đề còn chìm trong bóng tối, và xa nữa cho chúng ta thấy với mức độ rõ ràng, đầy đủ hơn về Xì-Căng-Đan của Christian Wulff.

1) Đầu tiên vào năm 2010 một loạt các vụ tai tiếng được phổ biến trong công chúng. Gia đình Wulff đi du lịch đến Florida/USA tháng 5 năm 2009 - Không những miễn phí mà gia đình Wulff còn được ưu đãi cho ngồi vào chỗ dành cho "tầng lờp doanh gia (Business Class)" - lý do là vì TT Wulff quen với Xếp của hãng hàng không Air Berlin. Nhưng sau đó bị đả kích nên một năm sau, cựu thống đốc Christian Wulff móc tiền túi ra trả lui cho các chuyến bay riêng của mình.

2) Trong tháng 12 năm 2011 nhật báo "Bild" khám phá ra rằng, nhà chính trị gia đảng CDU Wulff đã vay một khoản tiền là 500 ngàn € từ người bạn kinh doanh để mua nhà.
 
3) Dần dà được biết Tổng thống Wulff đã vay mượn tiền của vợ của doanh nhân Egon Geerkens. Điều này cũng chẳng đáng để phê bình nhưng cay đắng trong vấn đề "tín dụng" này là vào năm 2010, chính Wulff đã nói giữa nghị viện tiểu bang Niedersachsen ông không dính dáng gì với nhà kinh doanh nói trên. Ngược lại, Egon Geerkens lại cho biết ông ta có liên hệ nhiều đến các cuộc đàm phán để vay "credit"!

4)
Sau đó Wulff đã trả các khoản vay cá nhân bằng một khoản vay từ Ngân hàng của BW với một mức lãi suất thấp đặc biệt. Bây giờ càng rõ ràng hơn vì chính Geerkens đã tham gia vào các buổi thương lượng. Trong giới truyền thông có tin đồn rằng tất cả sự vay mượn đều do "tình bạn" mà ra! Giới phân tích chính trị đánh giá có thể đây là một sự trả ơn, nguyên nhân là vì ông Wulff đã cứu giúp hãng chế tạo xe hơi Porsche trong năm 2009! Theo báo Spiegel thì lúc đó Wulff nằm trong trong ban giám sát của VW, Porsche đã "ngẫu nhiên" giúp ngân hàng BW, nhờ vậy ngân hàng của Porsch là chi nhánh của ngân hàng Landesbank (LBBW) Baden-Wuerttemberg không bị phá sản.
 
5) Từ từ, Tổng thống Wulff thừa nhận rằng đã trải qua tổng cộng sáu ngày nghỉ hè với các doanh nhân. Gia đình Wulff đã ba lần là khách của gia đình Geerkens, còn ba lần kia tại nhà doanh nghiệp tài chính Wolf-Dieter Baumgartl, doanh nhân Angela Solaro và Volker Meyer.

6) Nhưng đó chưa phải là sự kết thúc của câu chuyện: Một nhà thầu khác, Carsten Maschmeyer, người bạn của Wulff đã trả quảng cáo trên báo trị giá hơn 40 ngàn euro bốn năm trước đây, vận động cho cuốn sách của ông Wulff, điều tuy xảy ra nhưng chính ông ta không được biết đến!

7) Ngày 22 Tháng Mười Hai 2011, Tổng thống đích thân công khai xin lỗi dân chúng Đức. Trước đó, Wulff sa thải người thân tín lâu năm và phát ngôn viên của ông là Olaf Glaeseker.

8) Các cáo buộc nghiêm trọng nhất cho đến nay được phổ biến đầu năm mới 2012. Tổng thống Wulff gặp nhiều nguy biến hơn qua vụ hăm dọa chủ bút Kai Diekmann của nhật báo Bild, giống như tờ báo SZ đã loan tin, mục đích ngăn chận báo "Bild" công bố thông tin về các khoản vay gây tranh cãi bất lợi cho ông. Không gặp được Kai Diekmann, Wulff đã nói trên hộp thư của biên tập viên trưởng "Bild" Kai Diekmann và đe dọa nếu viết bài báo về ông. Nhà chính trị gia CDU còn đe dọa "cắt đứt sự liên hệ" với hãng ấn loát Springer-Verlag.
 
9) Ngày 4 Tháng một, Christian Wulff công khai giải thích những cáo buộc trong một cuộc phỏng vấn của hai đài truyền hình ARD và ZDF. Ông nói là không từ chức, nhưng thừa nhận những sai lầm của chính mình. Ông phủ nhận rằng ông muốn ngăn Diekmann viết bài báo tường thuật về mình. Ông chỉ yêu cầu hoãn lại một ngày. Báo "Bild" ngay sau đó được gửi một phần tin mà Wulff đã nói trong hộp thư để khơi lại trí nhớ của ông ta.
10) Sự chỉ trích của đảng đối lập trở nên sắc bén hơn và tổng thư ký của đảng SPD, thậm chí bà Andrea Nahles còn muốn Wulff từ chức!

11) Và ngày 10 Tháng Giêng lại có thêm một lời buộc tội nữa vào trong danh sách: nhà sản xuất phim Groneworld đã tài trợ cho cuốn tiểu sử của Christian Wulff 10 ngàn € - và nhà chính trị gia CDU đã vận động "tế nhị" cho "sự quan tâm" đến ngành điện ảnh.

12) Trong cuộc phỏng vấn truyền hình, Tổng thống cho biết sẽ công bố, nhưng vào ngày 11 Tháng Giêng thì luật sư của Wulff lại từ chối không phổ biến công khai các câu hỏi và câu trả lời liên quan đến vụ vay tiền bị phanh phui ra. Một tuần sau, 237 trang với những câu hỏi và câu trả lời được công bố online (trực tuyến). Tuy nhiên không phải vì thế mà Tông Thống Wulff được yên.

13) Cựu phát ngôn viên của Wulff, Glaeseker Olaf hiện nay đang bị cáo buộc tham nhũng và văn phòng tư nhân và kinh doanh bị công tố viện (Staatsanwaltschaft) khám xét.

14) Tuy lạ nhưng là sự thật: Ngay cả món quà - xe Bobby - của một người quản lý bán xe nhân ngày sinh nhật của con trai Wulff cũng trở thành vấn đề chính trị. Người vợ chính trị gia (Wulff) đã nhận chiếc Audi Q3 với điều kiện rất thuận lợi từ cùng một đại lý xe hơi.

15) Lời buộc tội cuối cùng vừa được công khai hóa cuối tuần trước. SPD tiểu bang Niedersachsen kiện ông Wulff, cáo buộc chính Wulff đã tự vận động việc tài trợ cho sự kiện gây tranh cãi, buổi tổ chức Lobby "đối thoại Bắc-Nam". Ngay cả sách để dạy nấu ăn, được phân phối như món quà tặng, đã được Bộ Nông Nghiệp trả tiền.
 
16) Hiện tại, đảng SPD ở Niedersachsen muốn thưa kiện chính phủ Wulff trước đây, vì đã không trả lời câu hỏi của SPD một cách rõ ràng và trung thực. Wulff đã tấn công lại và nói rằng: "ông hoan nghênh sự kiện tụng, vì nó góp phần vào sự làm sáng tỏ vấn đề".
 
17) Cuối cùng, báo cáo mới kỳ nghỉ trên Sylt của gia đình Wulff, tạo thêm tranh cãi. Tổng thống Wulff nghỉ hè ở đây với bà vợ hiện tại Bettina Wulff ngày 31 Đến 3 Tháng 11 năm 2007 tại "Hotel Stadt Hamburg" trên Sylt. Giá là 258 Euro một đêm. Theo tin nhật báo "Bild" thì nhà doanh nghiệp phim ảnh David Groenewold, bạn ông Wulff  là người đã thanh toán tiền phòng. Cơ quan công tố viện Hannover kiểm tra vấn đề này và muốn tiến hành cuộc điều tra Tổng thống Liên Bang.
 
18) Những gì còn lại từ tất cả các vụ tai tiếng nêu trên là sự mất lòng tin của người Đức. Theo kết quả thăm dò ý kiến gần đây, chỉ còn chưa đến 20% dân số Đức tin cậy Tổng Thống Wulff!
 
Qua đó chúng ta thấy, áp lực càng ngày càng đè nặng lên đương kim Tổng Thống (TT) Đức, Christian Wulff (CDU) và đã đạt đến mức độ mới, khá trầm trọng!
 
Người viết xin trích dẫn vài lời chỉ trích TT Wulff của các chính trị gia hàng đầu của Đức thuộc mọi đảng phái để độc giả tìm hiểu thêm và thử tìm cho mình một sự phẩm định khách quan.
 
Chủ tịch đảng đối lập SPD Gabriel nói: " Sự thiếu sót rõ ràng cho biết nửa sự thật gây nên sự mất tin tưởng và nghi ngờ", đồng thời mỉa mai trách khéo Wullf liên quan đến quyển sách "Tốt Hơn, Sự Thật" khi nhắc nhở chính Wullf hãy tỏ bày "đạo đức" của mình, dân chúng Đức sẽ đo lường tư cách của  Wulff qua chân lý của ông Wulff  "Besser die Wahrheit" (Better the truth!).
 
Nhà lãnh đạo Klaus Ernst của đảng Tả Khuynh cho biết qua báo "Hamburger Abendblatt", Wulff đã có "động lực quan trọng đối với sự hội nhập của Hồi giáo và sự chống lại khuynh hướng cực hữu". Nhưng cấp bách hơn theo ước muốn của tôi là ông nên thực sự giải thích những nghi vấn hầu làm giảm các cáo buộc về hành vi sai trái của cá nhân ông".
 
Ông phó chủ tịch khối dân biểu nghị viện tiểu bang Niedersachsen của CDU, Karl-Heinz cho biết qua báo "Allgemeine  Zeitung Hannover: "Nhiều đảng viên đã gọi cho tôi. Tất cả bày tỏ thái độ  tiêu cực đối với Wulff"! Ông còn thêm, nói chung, hiện tại dân Đức chỉ mong muốn "là TT Wulff phải giải thích cụ thể, rõ ràng nội vụ, nếu không thì "chức vụ của tổng thống bị hư hỏng".
 
Phó chủ tịch FDP (đảng Tự Do Dân Chủ Đức), ông Holger Zastrow cho biết qua cơ quan truyền thông MDR: "Nếu đúng như vậy khi đích thân tổng thống cầm điện thoại quay cho chủ bút, rồi nói vào máy ghi âm nhắn tin, thì đó không phải là phẩm hạnh mà tôi mong đợi từ một vị Tổng thống".
 
Qua sự kiện Wulff muốn dùng quyền hạn áp lực chủ bút của báo Bild, Ông Oppermann chỉ trích nặng nề, và đã nói: "Không có Tổng thống nào đứng trên qui luật và luật pháp! Điều này cũng có giá trị đối với quyền Tự Do Báo Chí"! Wulff đã hoàn toàn sai lầm khi muốn với địa vị của mình ảnh hưởng và ngăn chận phổ biến tin tức đứng trên căn bản "Tự Do Thông Tin và Báo Chí"!.
 
Chuyên gia về nội an của SPD, ông Sebastian Edathy đi xa hơn nữa và đã nói qua đài truyền hình N24: " điều xấu hổ khi có một vị Tổng Thống như thế"!
 
Phó chủ tịch khối dân biểu đảng Xanh tại Hạ Viện Đức, Fritz Kuhn đã mỉa mai, nói qua đài phát thanh Đức Deutschlandfunk : "Tổng thống có một sự hiểu biết riêng biệt về Tự Do báo Chí !". Dựa vào tổng số những dữ kiện được loan tải thì cá nhân ông Kuhn đi đến nhận định là "Wulff chưa hội đủ điều kiện để đảm nhận trọng trách đang có".
 
Ông Wolfgang Kubicki (FDP là đảng đang cầm quyền Đức với CDU+CSU) nói qua "Passauer Neuen Presse": "Khi sức mạnh lời nói chẳng tạo ra bất kỳ tác dụng nào nữa thì ông Wulff không còn có thể hoạt động được. Nếu không, ông ta phải tự hỏi là "liệu ông ta còn có thể thực hiện nhiệm vụ của mình nữa không ?".
Nữ chính trị gia của đảng CDU, bà Lengsfeld nói qua Handelsblatt Online: "Wulff bây giờ cuối cùng đã trở thành trò hề". Cứ mỗi một giờ đồng hồ mà Wulff bám vào chức vụ của ông thì chỉ làm xấu thêm cho nền văn hóa dân chủ!.
 
Cựu Chủ tịch SPD, ông Hans-Jochen Vogel đòi hỏi Wulff phải hành động nhanh chóng. Ông chỉ trích sự can thiệp của Wulff đối với các nhà báo: "Tổng thống không những đã gọi điện thoại cho một biên tập viên, mà còn tìm cách gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhà xuất bản của tờ báo này." Đối với một người đứng đầu một quốc gia, đánh giá sự tự do báo chí cao"  thì phải hành sự một cách thận trọng vì: "Không phải là một quá trình hàng ngày!" mà phải là một sự dầy dạn kinh nghiệm.
 
Ông Frank-Walter Steinmeier chủ tịch khối thượng nghĩ sĩ SPD nói rằng Wulff đã mang tiếng xấu cho chính trị qua hành động của ông ta!
 
Ngoài ra, bà Kuenast, chủ tịch khối dân biểu của đảng Xanh tại Quốc hội Đức cho rằng không thể chấp nhận Wulff được nữa, đã lên tiếng kêu gọi Tổng Thống nên "giải phóng" chúng tôi, hãy từ chức đi! Gysi thuộc đảng tả khuynh cũng bày tỏ ý muốn tương tự.
 
Hôm 30-01-2012, ông Gabriel, đảng trưởng SPD lên tiếng nói rằng chính quyền tiểu bang Niedersachsen dưới sự lãnh đạo của cựu thống đốc Wulff không còn gì để che giấu được nữa và yêu cầu TT Wulff từ chức, sau khi văn phòng làm việc của ông Olaf Glaeseker, cựu phát ngôn viên của Wulff bị khám xét, liên quan đến cáo buộc nghi ngờ có hối lộ trong vụ Xì-Căng-Đan của ông Wulff.
 
Chưa hết, chính TT Wulff còn gặp phải nhiều khó khăn hơn nữa sau khi công tố viện Hannover loan tin vào ngày 03-02-2011 cho hay là đã nhận được 100 đơn khiếu nại, thưa kiện TT Wulff.  Sau đó, qua kết quả thăm dò ý kiến cử tri Đức của đài truyền hình ARD thì chỉ còn 33% hài lòng với việc làm của Wulff và chỉ còn 16% tin tưởng ông ta nói thật!
 
Ngay cả giáo dân Thiên Chúa Giáo cũng không còn đặt niềm tin nơi ông Wulff qua những tin tức được đăng tải liên quan đến tai tiếng của ông. Hôm 06-02-2012, ông Alois Glueck, chủ tịch của Ủy Ban Trung Ương Công Giáo Đức (ZdK) nói qua nhật báo Tagesspiegel: " Tổng thống đã "bị mất đi sự tin tưởng quá rõ ràng". Sự thiếu tin tưởng này rất "nghiêm trọng cho văn phòng của tổng thống". Tuy không đề cập đến sự từ chức của Wulff nhưng theo Glueck, TT Wulff phải tự biết và quyết định rằng liệu ông có thể tiếp tục làm việc với tư cách là vị tổng thống trong thời gian dài hoặc cảm thấy là đang bị tê liệt!.
 
Nhưng tin nóng và bất ngờ nhất là ngày 16-02-2012 vừa qua, thông tấn xã AFP cho biết công tố vin Hannover đã chính thức yêu cầu Quốc Hội Đức truất rút bỏ quyền bất khả xâm phạm của Tổng thống Christian Wulff. Xin được nói thêm, theo luật pháp Đức hiện hành muốn thu hồi "quyền bất khả xâm phạm của Thượng Nghị Sĩ, Tổng Thống" thì phải được quốc hội Đức thông qua và chấp thuận. Ngay cả việc bắt đầu một cuộc điều tra cũng không được phép. Biện pháp đòi bỏ "quyền được hưởng miễn trừ truy tố" chỉ có thể xảy ra trước khi chính thức mở cuộc điều tra, sau khi công tố viện xác nhận là những việc làm của đương sự không được minh bạch cho lắm với bằng chứng cụ thể, hay nói cách khác có "sự nghi ngờ ban đầu" là nghị viên hay người lãnh đạo quốc gia đã vi phạm nặng luật pháp Đức nói chung. Qua đó uy tín của Wulff xem như không còn nữa và chính Wulff bị nằm trong thế kẹt khi mà cơ quan hình sự phải dùng tới biện pháp này hầu từ đó mới có thể truy tố TT Wulff được.
 
Lần lượt những chính trị gia hàng đầu của các đảng phái đối lập lên tiếng đòi hỏi người đứng đầu nước Đức hãy từ chức. Mở đầu là bà Andreas Nahles, tổng thư ký đảng SPD, kế tiếp là thành viên hội đồng quản trị của SPD, ông Ralf Stegner. Chủ tịch Đảng Xanh Renate Kuenast và Juergen Trittin cho biết phải thu hồi quyền bất khả xâm phạm của TT Wulff vào thời điểm sớm nhất, có thể sẽ xảy ra vào cuối tháng 02-2012 này. Thượng nghị sĩ Christian Wulff Ströbele (Xanh) đi xa hơn, đã nói qua nhật báo "Tagesspiegel" là phải thu hồi quyền này ngay lập tức!
 
Như tôi đã trình bày trong mấy Lá Thư Từ Đức Quốc trước đây dựa theo tài liệu thu thập cộng với các nhận định của giới chuyên gia phân tích tình hình chính trị của Đức đã đánh giá rằng sự từ chức của Tổng Thống Đức khó tránh được với thời gian. Và cuối cùng, linh tính cho biết chuyện gì đến phải đến cho dù bà Thủ tướng Merkel hay Wulff muốn níu kéo sau khi nghe bà Merkel bất thình lình hủy chuyến công du đã ấn định và TT Wulff sẽ công bố tin tức từ lâu đài Bellevue/Bá Linh. Tổng thống Đức vì không chịu đựng nổi áp lực từ nhiều phiá nên vào lúc 11 giờ ngày 17-02-2012, Wulff xuất hiện tuyên bố từ chức Tổng Thống ngay lập tức, lý do ông không còn có được sự tín nhiệm của đa số dân chúng Đức. Đây là lần thứ hai Đức phải trải qua cảnh một vị tổng thống ra đi không vẻ vang gì trong thời gian một năm rưỡi.
 
Ngay sau đó, báo chí Đức cho chạy tít là "Wulff từ chức quá trễ và Đức có thể thở phào nhẹ nhõm như vừa trút đi một gánh nặng!". Ông Wulff đã "đầu hàng" trước áp lực của "các cơ quan truyền thông, báo chí" sau khi nhiều vụ "Xì-Căng-Đan" của ông ta bị phanh phui liên tục trong vài tháng qua. Người ta đánh giá sự từ chức của Wulff như là hành động "cứu nguy" cho toàn bộ quốc gia. Qua vụ tai tiếng lâu như vậy, Wulff đã đặt nước Đức vào một tình trạng không thể chịu đựng nổi. Đây là cú sốc quốc gia, gây ảnh hưởng không tốt chưa từng thấy đối với nền chính trị Đức. Bây giờ người ta hy vọng là qua việc Wulff từ chức nước Đức mới có cơ hội giành lại sự tin tưởng của người dân dành cho chính trị gia Đức.

Một điều rõ ràng là kể từ hôm nay, 17-02-2012: "Triều Đại Christian Wulff sẽ đi vào lịch sử!", và không phản ảnh đúng chút nào so với những gì mà dân chúng Đức tưởng tượng trước khi ông Wulff nhậm chức tổng thống. Tên tuổi của ông ta có lẽ mãi mãi được liên kết với một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất từ trước đến nay tại Cộng Hòa Liên Bang Đức.
 
Thực tế, dân chúng Đức đã không chấp nhận Wulff với chức vụ tổng thống, người đứng đầu nước Đức trong thời gian gần đây, thậm chí không thể chịu đựng nổi. Xuyên qua những tai tiếng mà chúng ta biết được đã làm cho dân chúng Đức nói riêng có cảm tưởng rằng ông Wulff cố bám vào chức tổng thống để nhờ vào quyền bất khả xâm phạm dành cho ông mà không bị công tố viện điều tra kỹ hơn!. Chuyện công tố viện yêu cầu truất bỏ quyền bất khả xâm phạm của một vị tổng thống hôm thứ Năm 16-02-2012 là việc làm chưa từng có trong lịch sử Đức, đưa đến quyết định cuối cùng không tránh được "là phải từ chức"! Từ đó người ta suy diễn thêm, chắc ông Wulff đã phạm luật nặng, phải trầm trọng lắm nên công tố viện đã không thể nhắm mắt làm ngơ với người lãnh đạo quốc gia được! Và sự từ chức của Wulff, tuy "quá hạn rồi" nhưng còn có thể cứu vãn chút ít "uy tín" trước một "sự nhục nhã" lớn hơn nữa!
 
Vâng, triều đại Christian Wulff chấm dứt, nhưng bạn bè trong đảng CDU của ông ta hiện đang đứng trước những ngày giờ khó khăn nhất. Điều này cũng có giá trị với đương kim thủ tướng Đức, Angela Merkel, người đã hết lòng ủng hộ, cất nhắc Christian Wulff vào chức tổng thống Đức. Liên minh cầm quyền gồm CDU/CSU+FDP bắt đầu tìm gấp rút một người kế vị "thích hợp" trong tình trạng đang bị khủng hoảng.
 
Giới chuyên gia đã đưa ra danh sách ứng cử viên gồm 11 chính trị gia hàng đầu của Đức, gồm các ông/bà: Bộ trưởng quốc phòng Đức, ông Thomas de Maizière (CDU); Andreas Voßkule, chủ tịch Toà Án Hiến Pháp Liên Bang; Joachim Gauck (đối thủ của Wulff trước đây, không đảng phái); Norbert Lammert (CDU), chủ tịch quốc hội (QH) Đức; Katrin Göring-Eckardt (Bündnis 90/Die Grünen), từ 2005 là phó chủ tịch QH; Wolfgang Schaeuble (CDU); bộ trưởng tài chánh Đức; Klaus Toepfer (CDU), cựu bộ trưởng môi sinh; Bà Bộ trưởng Ursula von der Leyen (CDU); Horst Seehofer (CSU), đương kim chủ tịch Thượng Viện Đức và hiện nắm quyền tổng thống sau khi Wulff từ chức trong thời gian 1 tháng; Renate Schmidt (SPD), cựu bổ trưởng gia đình và sau cùng là Edmund Stoiber (CSU), cựu thống đốc tiểu bang Bayern (Bavaria).
 
Điều quan trọng là phải tìm cho ra một vị "Tân Tổng Thống" trong vòng 30 ngày là thời điểm theo luật định bầu lại Tổng Thống, không những được tất cả các đảng phái trong Quốc Hội, Thượng Viện chấp nhận mà "ứng cử viên TT còn phải được mọi người dân Đức tin tưởng nữa mới là khó. Theo sự nhận xét của giới chuyên  gia, chỉ khi nào vị tân tổng thống đạt được hai yếu tố căn bản nêu trên thì "chức vụ tổng thống" mới từ từ lấy lại được uy tín của nó và quan trọng hơn "Nền Dân Chủ Đức" mới được "khôi phục" lại!.
 
Nhìn người lại nghĩ đến ta, "Tự Do báo chí, truyền thông" đã soi sáng dần dần những ẩn khuất mà dân đen bình thường không bao giờ khám phá ra được. Khác với các nước độc tài đảng trị, luật pháp Đức không bao che những ai phạm luật, cho dù đó là vị tổng thống để rồi tuy vẫn cố bám víu vào danh vọng (có thực) nhưng cuối cùng phải đầu hàng, ra đi không kèn không trống, chẳng vinh quang gì như TT Wulff!
 
Hy vọng đây là một bài học quý giá khác dành cho những ai "chuyên dùng bá đạo" để che đậy "tội lỗi" của mình, sau các bài học những nhà độc tài, tham quyền cố vị như Ben Ali, Mubarak đã phải từ bỏ "ngai vàng" hay thảm hại hơn bị giết chết cách thê thảm như Gaddafi (Libya) chỉ vì không thức thời đúng lúc!
 
* Lê- Ngọc Châu ( Đầu Xuân Nhâm Thìn, Nam Đức_17-02-2012 )
* Tài liệu tham khảo: AFP, DPA, Spiegel Online, Yahoo-News, Welt Online.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét