Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Giáo dục hay trừng phạt

Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý thân hữu quý chiến hữu cùng quý Niên Trưởng,
Anh em bạn bè vừa theo Bùi Nhân lên tiếp tế cho Bùi Hằng về, nghe họ kể lại cho mọi người, ai nấy đều rất phẫn nộ. Tất cả các gói cháo, gói mỳ, gói bánh gói kẹo, nghĩa là tất cả những gì đóng gói trong bao bì đều bị họ cắt hết ra để kiểm tra. Bánh kẹo thì vài gói có thể buộc túm lại chứ cháo với mỳ ăn liền hàng mấy chục gói thế mà bị cắt hết ra thì bảo quản kiểu gì? Vì bị cắt hết ra như thế nên Bùi Hằng không nhận nữa. Nếu vậy thì lần trước không cho thằng con gặp Bùi Hằng, nhưng các vị ở trại vẫn nhận hết quà của chúng tôi gửi cho Bùi Hằng. Làm sao mà kiểm chứng được Bùi Hằng có nhận được tất cả những thứ đó hay không?



Mọi người ai nấy đều căm giận, chửi rủa cái quy định độc ác ấy hết lời. Ở đời thì ác giả ác báo. Quy định gì thì cũng phải có lý có tình, phải có lương tâm chứ. Đến tù tạm giam cũng không đến nỗi bị đối xử như thế. Tôi nhớ trong Hỏa Lò người ta cũng không kiểm soát đến nỗi gắt gao như vậy. Nếu họ sợ người nhà nhét cái gì đó vào trong thì sao không dùng cái máy soi đồ thay vì cắt vụn nó ra thế. Cả một cái trại trông khang trang như thế mà không mua nổi một cái máy như vậy sao?

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg_aTm0hyYC5QZQcEwVyDmYUTeVnlXGqzqnfLfsswkpqgIHw2mG5SCkPxA9miiYCBRz6q5B02rT4zh60KaPJJOvMGEqvMOz89ARCmr6UAqus6HO43Eauxrvi1LTg1ReNiMtBCOOocXyAzWN/s1600/clip_image001_thumb%255B1%255D.jpg
Chúng tôi chả rõ thẩm quyền của công an đến đâu. Những cái quy định này là do công an họ tự đặt ra, không thông qua một sự giám sát của một cơ quan lập pháp nào. Nếu vậy thì làm sao có thể khẳng định được cái quy định đó là đúng? Là không vi phạm hiến pháp? Ngay việc giáo dục cưỡng chế một người vốn có nhà cửa đàng hoàng hợp pháp ở Vũng Tàu đưa ra tít tận Vĩnh Phúc, cách xa hàng nghìn cây số để giam giữ cải tạo là trái với chính quy định của họ, mà họ cứ cố tình lờ đi. Luật sư của Bùi Hằng gửi đơn khiếu nại gần tháng nay họ cứ im lặng. Vậy có thể hiểu là họ cố tình không?

Hơn một tháng nay, thằng con trai của Bùi Hằng bỏ cả nhà cả cửa ở Vũng Tàu để ra ngoài này nhờ cậy luật sư và tìm cách gặp mẹ. Lần gặp thứ hai vừa rồi, nó nói mẹ nó tay bị sưng tím, khắp người bắt đầu lở loét và hắc lào. Nó nói khi mẹ nó yêu cầu được chữa bệnh, cán bộ trại có tiêm thuốc nhưng không nói tên thuốc cũng như xuất xứ và công dụng, thế là Bùi Hằng không đồng ý tiếp tục chữa bệnh nữa. Cô ấy cảnh giác như thế là phải, bây giờ chuyện bệnh nhân chết trong bệnh viện không phải là hiếm, huống hồ trong cái trại giam đèo heo hút gió này thì mạng người nó lại càng rẻ rúng bao nhiêu. Hôm đọc cái đơn của Bùi Nhân có đoạn cảnh báo về hậu quả của việc giam giữ cải tạo mẹ nó, tay đội trưởng phân khu 3 có vẻ quở trách trong đơn dùng từ nặng quá, nhưng rồi vẫn rất dõng dạc nói không sao, ý nói nặng thế chứ nặng nữa cũng chả là cái cóc khô gì đối với họ. Không khéo ngày ra trại, tinh thần không lo hỏng chỉ lo hỏng người. Không khéo sau khi được giáo dục về, ích lợi đâu chả thấy, tiến bộ đâu chả thấy, chỉ thấy mang thêm bệnh vào người – món quà duy nhất thu hoạch được nhờ ơn chính quyền gia ân ban tặng.


http://lh6.ggpht.com/-3zQ4_QQIj5c/TwTkuL3FIZI/AAAAAAAAKLc/PMA86Gn5E8s/clip_image001_thumb%25255B1%25255D.jpg?imgmax=800
Hãy chứng minh cho sự nghi ngờ của tôi, rằng đây là sự trả thù của chính quyền đối với Bùi Hằng là không đúng đi. Tôi chắc hẳn không một kẻ gây rối trật tự công cộng nào bị kiểm soát chặt chẽ và gắt gao đến vậy. Họ muốn giáo dục cái gì khi một đề nghị chẳng cao sang gì lắm là được ăn cháo sau 15 ngày tuyệt thực cũng không được. Giáo dục kiểu gì mà dã man thế?

Sau khi mục sở thị cái cung cách thăm nuôi trại viên, tôi tự hỏi chính quyền có nhằm giáo dục thực không hay đó chỉ là sự trừng phạt? Việc giáo dục thì phải có chuyên ngành sư phạm, vậy mà các cơ sở này hoàn toàn do công an trực tiếp cai quản thì có nên gọi nó là cơ sở giáo dục cải tạo không? Trong các cơ sở giáo dục ấy, thay vì gọi là học viên thì người ta gọi là trại viên (vậy sao không gọi béng là trại cho rồi). Rồi trại viên chỉ được gặp người nhà trong một gian buồng có vách ngăn bằng tấm kính mờ. Họ nhìn nhau, nói chuyện với nhau qua những ô cửa tò vò be bé không khác gì nhà tù.

Khi nói giáo dục ai đó thì thường là câu người ta dành cho những kẻ bề dưới. Ví dụ như cha mẹ giáo dục con cái, thầy cô giáo dục học sinh chứ có bao giờ người ta nói ngược lại. Đấy là cách nói chung về cái công việc giáo dục. Còn việc người nào, thành phần nào trong xã hội cần phải giáo dục thì người ta hiểu đó là những kẻ hư đốn. Nhưng ngay cả đến cái từ hư ấy người ta cũng chỉ dành cho bọn trẻ chứ ít khi dùng cho người lớn.



https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEivOAsllgOyB1onO-5vDowoP5ieYEZtnwTkdC1XbavqeIcwSSqG2i_5NV36J_CDUjw1NCBKsnXhiMolLFb-6XAMZd_3TG2n5SjeXVLETSRVLb_wQebisc9PnMvLd7U5sL1GrYAZcAW1_-Y/s1600/P1200625.jpg
Thế nào là hư để bắt phải để xã hội giáo dục? Rồi ai là người đủ tư cách giáo dục ai lại là một câu hỏi có những đáp án không giống nhau khi ngày một nhiều quan chức phạm pháp, thiếu tư cách đạo đức bị phơi bày trên mặt báo. Ngày càng nhiều clip quay các vụ cảnh sát nhận hối lộ trưng lên trên mạng. Người ta có quyền nghi ngờ, đặt dấu hỏi về uy tín và tư cách của chính quyền, bởi trước khi bị bắt quả tang phạm tội thì họ chính là những người lớn tiếng giảng giải về bài học đạo đức cho xã hội nhất.

Cố lên Bùi Hằng ơi. Hãy dũng cảm chống đỡ lại bệnh tật. Hãy chứng minh cho họ thấy bà mạnh mẽ thế nào. Không một ai quên sự hy sinh của bà, và mọi người đang chờ đợi từng giây từng phút ngày được đón bà trở về. 

Phương Bích

Quan Hệ Việt – Mỹ Gặp Thử Thách Với Trường Hợp Bùi Thị Minh Hằng

- Ngày 06/01 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải lên tiếng giải thích về việc chính quyền Hà Nội quyết định bắt một người tích cực biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, và đưa vào giam giữ hai năm trong trại “giáo dục”. Việt Nam đã phản ứng như trên sau khi gặp phải nhiều chỉ trích, trong đó có lời phản đối chính thức từ phía Hoa Kỳ hôm 05/01, thông qua đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Giáo sư Carl Thayer phân tích trường hợp này.
Nhân vật trung tâm trong vụ việc này là bà Bùi Thị Minh Hằng, 47 tuổi, đã nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam tại vùng Biển Đông, và đã tiếp tục biểu tình bất chấp lệnh cấm của chính quyền.

Theo lời giải thích của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị, được báo chí Việt Nam trích dẫn thì : “Các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cho biết (là bà) Bùi Thị Minh Hằng đã nhiều lần gây rối trật tự công cộng. Việc xử lý trường hợp này phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam”. Cũng theo ông Lương Thanh Nghị, trường hợp bà Hằng không phải là một vụ giam giữ vì quan điểm chính trị do « Tại Việt Nam, không ai bị bắt vì lý do bày tỏ chính kiến ».

Tuyên bố trên đây đã gián tiếp đáp lại lời chỉ trích chính thức từ phía Hoa Kỳ được đưa ra trước đó một hôm. Ngày 05/01, đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã tỏ ý “quan ngại sâu sắc” vì những thông tin cho biết là bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị « kết án không qua xét xử tới hai năm giam giữ tại một trại cải tạo ở Việt Nam, vì đã tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hòa ».

Hành động can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ và phản ứng của Việt Nam cho thấy là việc bắt giam bà Hằng đang khuấy động quan hệ Mỹ - Việt, vào lúc Việt Nam có ý muốn nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, trong bối cảnh Hà Nội liên tiếp bị Bắc Kinh chèn ép trên vấn đề Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Carl Thayer đã cho rằng trường hợp Bùi Thị Minh Hằng đã nêu bật hai yếu tố nhân quyền và Biển Đông trong tương lai quan hệ Việt Mỹ. Theo ông Thayer, có bốn giả thuyết giải thích nguyên nhân vì sao bà Hằng bị bắt giữ và đối đãi một cách khắc nghiệt như vậy.

« Trước hết, đó có thể là vì Việt Nam muốn thực hiện tốt lời hứa "hướng dẫn công luận" trên những vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ song phương Việt -Trung. Đây là thỏa thuận đạt được ngày 25 tháng 6 năm 2010 nhân dịp phái viên đặc biệt của Việt Nam đến Bắc Kinh (sau khi Việt Nam tố cáo Trung Quốc sách nhiễu tàu thăm dò dầu khí Việt Nam trong vùng thềm lục địa của mình).

Giả thuyết thứ hai là các quan chức Việt Nam tính toán rằng ý định của Hoa Kỳ muốn lôi kéo Việt Nam vào việc ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông sẽ xóa nhòa các mối quan tâm của Mỹ về nhân quyền. Trong trường hợp đó, phản ứng của Đại sứ quán Mỹ trong vụ bà Minh Hằng chỉ mang tính chiếu lệ mà thôi.

Theo giả thuyết thứ ba, có thể là giới lãnh đạo Việt Nam lo ngại trước tác động của ba vấn đề khác nhau trên sự ổn định chính trị trong nước : Hiện trạng kinh tế của Việt Nam, tình hình bất ổn chính trị tại Trung Quốc và tác động tiềm tàng của mùa xuân Ả Rập…

Giả thuyết thứ tư là bà Minh Hằng đã có thành tích đấu tranh chính trị. Theo Human Rights Watch, bà đã bị giam giữ ít nhất bốn lần trong sáu tháng qua. Các bức ảnh và video quay cảnh bà tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc cho thấy là bà rất dũng cảm. Dù bị nhiều áp lực, bà vẫn tiếp tục biểu tình. Cơ quan an ninh Việt Nam không quen khoan dung, và thái độ cứng rắn của bà Minh Hằng được coi là một sự thách thức trực tiếp uy quyền của nhà nước".

Theo giáo sư Thayer, trường hợp của Minh Hằng rất nhạy cảm vì không thể khép bà vào tội hoạt động tuyên truyền chống nhà nước. Việc bà nhằm chống lại các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông được đông đảo công chúng Việt Nam ủng hộ và có ảnh hưởng rộng rãi.

Vấn đề này nổi cộm lên vào lúc các cuộc đàm phán Mỹ - Việt về một bản tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược Việt - Mỹ đã gặp trở ngại vào năm ngoái, do bất đồng trong hồ sơ nhân quyền. Phía Hoa Kỳ muốn xếp vấn đề này vào một đề mục riêng biệt, trong lúc phía Việt Nam lại chủ trương lồng nhân quyền vào bên trong một đề mục chung là quan hệ chính trị.

Trọng Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét