Có người nói “Nền văn minh của mỗi dân tộc là do dân tộc đó đặt tên được nhiều hay ít những gì có trên cõi đời nầy. Dân tộc nào trong ngôn ngữ đặt được nhiều tên thì dân tộc đó văn minh hơn!” Đó là câu nhận định thật đơn giản, nhưng ngẫm ra thật chí lý. Những nước có nền văn minh cao thì từ điển của họ có thật nhiều từ ngữ. Mà từ ngữ là gì? Có phải đó là tên do con người đặt ra để chỉ người, thú vật, chim muông, cây cỏ, hành động, trạng thái, tư duy...? Càng văn minh người ta càng có nhiều tên, tức nhiều từ ngữ.
Người ta đặt tên cho những cái gì cụ thể, mà cũng đặt tên cho những cái gì vô hình, trừu tượng nữa, như trời, tiên, thần thánh, niết bàn, thiên đường, âm phủ, càn khôn, tư duy, lo lắng, nghĩ suy,...
Tìm gặp một ngôi sao mới, người ta vội vã đặt cho nó một cái tên. Đến một vùng đất lạ, chuyện đầu tiên là lo đặt tên cho nơi đó. Phát hiện một cây mới, một con thú mới, thậm chí một con vi trùng mới, người ta lo đặt tên trước đã.
Khám phá ra được một bộ lạc còn đời sống sơ khai, người ta thấy tiếng nói của bộ lạc đó rất ít. Đó có nghĩa là số tên do bộ lạc đó đặt ra thật ít.
Cho tới bây giờ, nền văn minh của loài người tiến đến chỗ ta có cảm tưởng gần như tuyệt đỉnh, vậy mà con người đầy tham vọng vẫn tiếp tục tìm kiếm tên mới để đặt cho cái gì đó. Tức nhiên đó là cái mới tìm ra, mới phát minh ra.
Tên để làm gì?
Trước hết là để phân biệt cái nầy khác cái kia. Người khác thú, gà khác vịt, đi khác chạy, nói khác nghe, giận khác vui, khác buồn, Ân khác Thuấn, Thế Sơn khác Mạnh Quỳnh, Lệ Thu khác Khánh Ly... Mỗi tiếng ta nghe người ta nói, mỗi chữ ta thấy người ta viết ra, là TÊN đặt cho cái gì đó. Thử tưởng tượng, loài người không đặt tên cho các thứ trên cõi đời nầy, thì bây giờ ta ra cái gì? Chắc vẫn là một bộ lạc sơ khai, ăn lông ở lỗ. Mà bộ lạc sơ khai cũng đặt ra một số tên tối thiểu để còn sanh sống được với nhau. Tôi nghĩ, có lẽ không người nào tìm ra được một chữ trong từ điển không là tên một cái gì đó.
Kế đến, điều nầy thật là quan trọng, tên đặt cho các thứ trên cõi đời nầy được lựa chọn, rồi ghép lại với nhau để tạo ra lời nói, câu nói, hầu trao đổi thông tin giữa người với người, trao đổi và truyền lại kinh nghiệm trong cuộc sống cho người xa kẻ lạ, thậm chí cho những người đời sau, nhiều đời sau nữa.
Một đứa trẻ sinh ra chưa biết tên nào hết, chúng phải học thuộc từng tên một. Chúng học tên đơn giản trước, tên có một tiếng, như chó, mèo, gà, vịt...; ông, bà, ba, má,...; tay, chân, đầu, mình,...; đi, chạy, giỡn, ăn, uống... Rồi lần hồi học đến các tên phức tạp hơn, tên có 2-3 tiếng, như học trò, thầy giáo, sinh viên, kiến trúc sư, hàng không mẫu hạm... Đồng thời chúng cũng học cách ráp các tên đó lại để bày tỏ ý muốn (thông tin), như “Má, con đói”, “Ba, ẵm con”, “Chị, dẫn em đi chơi”...
Mỗi dân tộc đặt tên cho các thứ mình thấy biết bằng thứ tiếng, bằng chữ viết của mình. Cùng một thứ, mà có hằng trăm tên dành cho hằng trăm dân tộc.
Tôi nói chuyện về cái tên hơi dông dài, để chứng minh về sự quan trọng của cái tên, sự quan trọng của việc đặt tên. Bây giờ xin thu hẹp vào việc đặt tên người của người Việt.
Người ta nói "Con cái là cuộc sống nối dài của cha mẹ". Do vậy, bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình có một cái tên đẹp.
Hiện nay dân số Việt Nam có hơn 80 triệu. Lúc tôi còn bé, cách nay trên 60 năm, khi nói về dân số VN, người ta mở miệng ra là “25 triệu đồng bào”. Thuở đó có 25 triệu cái tên, bây giờ có hơn 80 triệu. Chữ nghĩa của ta chỉ có 6 nghìn chữ đơn. Chúng ta ghép ngang ghép dọc, ghép đủ kiểu cũng chỉ tạo thêm chừng tròm trèm 50 nghìn từ kép nữa thôi. Vậy tên của người Việt trùng nhau rất nhiều. Bạn tên gì cũng có người trùng tên với bạn. Tên càng đẹp, càng tốt thì bị trùng rất nhiều. Tên xấu, tên có chữ nghĩa hóc hiểm thì ít trùng với ai. Tên trùng tên rất nhiều, tuy nhiên cũng có nhiều cách để phân biệt tên bạn với tên của người khác. Đó là nhờ "họ" đi kèm. Việt Nam có tới “trăm họ”. Vậy cũng khó có cơ hội bạn trùng tên trùng họ với người khác, xác suất nầy là 1/100 (xác suất trùng tên là 1/56.000) Tổng cộng tên và họ trùng nhau xác suất là 1/56.000 x 100 = 1/5.600.000.
(Tôi dùng “trăm họ” với nghĩa đen để làm toán, bằng số 100. Thật ra “trăm họ” thường dùng với nghĩa bóng, chỉ tất cả dân chúng trong một triều đại, một nước)
Đó là chưa kể chữ lót vào. Thuở trước (thời Pháp thuộc trở về trước) gần như dân quê (miền Nam) chỉ có 2 chữ lót giữa tên và họ là “Văn” và “Thị” để phân biệt Nam và Nữ. Bây giờ chưa có ai làm thống kê để biết xem có bao nhiêu chữ dùng để đệm giữa họ và tên. Nhưng ai cũng biết là nhiều lắm, nhiều không kể xiết: phước, đức, tấn, tài, khắc, đình, khoa, hùng, mãnh, hồng, thanh, xuân, hạ, thu, đông... Nhờ vậy xác suất để 3 thứ họ, tên, chữ lót trùng nhau trở nên thật mong manh, 1/5.600.00 x 6.000 = 1/33.600.000.000 (một phần ba mươi ba tỷ, sáu trăm triệu). Đó là tính chữ nào cũng có thể dùng đặt tên chính và tên đệm. (Thực tế thì không đến như thế. Những chữ xấu, tục tĩu không ai lấy đặt tên cho con hay dùng để đệm)
Xác suất mỏng như vậy thật khó mà trùng nhau. Dù vậy, tôi cũng biết được 2 cặp trùng nhau họ, chữ lót và tên kép (4 chữ trùng nhau đúng theo thứ tự trước sau).
Tôi có 2 người bạn là anh em ruột, người anh tên Lâm Xuân Ngoạn, người em tên Lâm Xuân Nguyên. Thời chinh chiến 2 anh em đều nhập ngũ QL/VNCH. Anh đồn trú tại chân trời, em nơi góc biển. Hai anh em sanh con cùng khoảng thời gian, và họ cùng đặt tên con là Lâm thị Xuân Mai. Hai chị em chú-bác cùng có một tên.
Trường hợp thứ nhì là chính 2 đứa cháu ruột của tôi.
Ông anh tên Nguyễn Văn Chỉ đặt tên con là gì thì gọi con đúng là vậy. Đứa con thứ ba của anh tên Nguyễn thị Phương Thảo.
Chú em tên Nguyễn Thành Công sanh toàn con gái. Bốn đứa đầu đặt tên nào gọi tên đó, 5 đứa sau đặt tên trong khai sanh một đường, gọi tên ngoài đời một nẻo, cứ bé Sáu, bé Bảy, bé Tám, bé Chín, bé Mười.
Chừng tan cuộc chiến chinh, chúng tôi ghi chép lại gia phả, mới bật ngửa ra thấy bé Chín tên trong khai sanh là Nguyễn Thị Phương Thảo. Hai đứa cháu của tôi, một đứa gọi bằng chú, một đứa gọi bằng bác, hiện đang sống tại Hoa Kỳ, cô chị ở Nam Cali, cô em ở Sacramento. Không biết sau nầy chúng sẽ có bị trục trặc gì không về chuyện tên của chúng trên xứ sở nầy? Tuy vậy, chúng cũng có chỗ phân biệt, là cô chị sanh ngày 30-4-1963, còn cô em sanh ngày 5-8-1974.
Đấy là chuyện hy hữu, nhưng không phải là chuyện không thể gặp!
Ai đặt tên con?
Thông thường là cha mẹ đặt, chứ còn "ai trồng khoai đất nầy". Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam, hệ thống đại gia đình vẫn còn khá phổ cập. Con cái sau khi lập gia đình, vẫn còn sống chung với cha mẹ (bên chồng). Đứa con thường nhường quyền đặt tên con cho ông bà. Tôi là một trong những ông bà đó. Tôi còn quá hơn các ông bà khác ở chỗ là tôi gần như giành quyền đặt tên cháu nội. (Thuở mới lập gia đình, tuy còn sống chung với đại gia đình, nhưng tôi không nhường quyền đặt tên con cho Ba tôi). Tên tôi là Nguyễn Phước Đáng. Khi đám con đến tuổi thành gia thất, rồi sanh con đẻ cái, tôi phán rằng “Khi sinh con, đặt tên phải lót chữ Phước như ông Nội, bất luận trai hay gái. Sanh trai thì lấy tên cha nó làm chữ đầu cho tên kép; sanh gái thì lấy chữ lót của tên mẹ làm chữ đầu tên kép” Như vậy là tôi đã đặt hơn phân nửa tên của đám cháu nội chưa sanh, tôi đặt ra cái khung để theo đó mà đặt tên cho đám cháu nội (Tôi không có con gái, chỉ có 6 trự con trai), chỉ còn tên chính của chúng chưa chọn mà thôi.
Năm 1982, cô dâu thứ Năm sanh đứa con gái đầu lòng, cha mẹ nó nhờ tôi chọn chữ đặt tên. Mẹ nó tên Phạm thị Giao Chi. Tôi đặt tên Nguyễn Phước Giao-Linh cho nó. (Một thời gia đình tôi ngưỡng mộ tiếng hát Giao Linh)
Năm Mậu Thìn (1988) 3 cô con dâu hè nhau sanh 2 cậu trai và 1 cô gái. Thằng con lớn của tôi tên Nguyễn Phước Cường, tôi đặt tên cháu nội là Nguyễn Phước Cường-Duy. Đứa cháu nội gái tên Nguyễn Phước Giao-Hoà (Nó là em kế của Giao-Linh)
Cậu con trai kế của tôi tên Nguyễn Phước Hải. Cô con dâu tên Đoàn Trần Mỹ-Huyên, tôi đặt tên cháu nội là Nguyễn Phước Hải-Đăng. Nhưng cô con dâu phản ứng, cho rằng con trai mà tên tới 4 chữ, nghe yếu xìu như con gái. Cô chỉ đồng ý tên gọn ghẽ, Nguyễn Hải Đăng thôi. Nghe thằng con điện về nói ý vợ nó như vậy, tôi từ Long Xuyên tức tốc lên Sài Gòn thăm cô con dâu mới sanh, với hy vọng kịp thời dùng lời lẽ và quyền làm cha chồng để thuyết phục được cô con dâu theo cái khung đặt tên của tôi là có chữ Phước sau họ Nguyễn. Cô con dâu thẳng thắn nói "Thưa Ba, con mang nặng đẻ đau, xin Ba cho con được quyền đặt tên con của con." Tôi lặng thinh, không còn mong thuyết phục được cô con dâu nữa. Tôi quay trở về Long Xuyên ngay, lòng buồn bã nhiều ngày, mỗi khi nhớ lại đám cháu nội của mình có một nhánh tên chúng mất đi chữ Phước, thoát ra khỏi cái khung tôi định đặt.
Tôi muốn dùng chữ Phước để cột dính chùm tụi cháu lại, để nhắc nhở tụi nó đoàn kết, thương yêu, nâng đỡ nhau, giống như tiền nhân đặt ra chuyện mẹ Âu Cơ sanh 100 con trong cùng một bọc mà tạo thành dân tộc Việt; giống như chuyện đặt tên “đồng bào”, để nhắc nhở tình đoàn kết, người sanh ra cùng một bọc.
Mà sao tôi lại ôm đồm làm chi, để bây giờ phải ôm ấp mãi nỗi buồn phiền trong lòng? Khi làm cha, tôi giành quyền đặt tên con, chỉ tham khảo ý kiến Ba tôi để tránh trùng tên những ông bà, chú bác trực hệ thôi. Rồi khi làm ông, tôi lại còn giành quyền đặt tên cho cháu, mà không để con cái làm gì thì làm.
Tôi vấp váp chuyện đặt tên cháu nội trước cô con dâu thứ ba, nên từ đó tôi buông xuôi để mặc cha mẹ chúng tự lo liệu đặt tên con. Sáu đứa con trai, đứa thì theo cái khung của tôi, đứa thì không. Thằng tên Vĩnh, có 3 con trai sanh tại Hoa Kỳ, ngoài tên Mỹ, nó còn đặt tên VN là Nguyễn Phước Vĩnh-An, Nguyễn Phước Vĩnh-Hảo, Nguyễn Phước Vĩnh Phú. Cô con dâu thứ sáu tên Phạm thị Kim-Oanh có 3 con gái, cha mẹ nó đặt tên Nguyễn Phước Kim-Loan, Nguyễn Phước Kim-Phượng, Nguyễn Phước Kim-Yến. Vợ chồng thằng Út sanh con gái tại Mỹ, đặt tên là Catherine Khánh-Châu Nguyễn! Dấu vết cháu nội chỉ còn chữ Nguyễn!
Mỗi người có một ý định đặt tên con. Cái thú làm cha mẹ là thực hiện được ý định đó.
Tôi có vị thầy học tên Phan Văn Tài, những năm cuối cuộc đời, ông là Trưởng Ty Tiểu học tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh). Ông có lối đặt tên con, mà tôi gọi là móc xích, ông lấy tên ông làm chữ lót cho đứa con cả, lấy tên con cả làm chữ lót cho đứa kế, và cứ tiếp tục như vậy. Cha con móc dính chùm nhau.
Tôi nhớ thuộc lòng tên các con ông, một phần vì lối đặt tên đó, phần khác vì có 2 đứa là bạn của tôi: Phan Tài Ái, Phan Ái Nghĩa, Phan Nghĩa Sĩ, Phan Sĩ Nghiệp (ở Úc), Phan Nghiệp Đoàn. Có điều, con gái của ông không nằm trong hệ thống nầy. Hai cô con gái của ông tên Phan thị Mỹ Dung (ở Pháp), Phan thị Mỹ Hạnh (ở Mỹ).
Mới đây, qua một người bạn thời trung học, tôi vừa làm quen được với thân phụ của xướng ngôn viên Vân Yến, người miền Nam VN, có giọng đọc rất chuẩn, có tài đọc truyện biến đổi giọng theo từng nhân vật thật xuất sắc, được rất nhiều thính giả mến mộ.
Anh chị Nguyễn Thanh Vân, Lê Thị Thuận, trước khi có con, anh chị hứa hẹn với nhau, chừng nào sanh con, nếu là gái thì lấy tên anh (Vân) làm chữ đầu của tên kép cho con, còn nếu là trai thì lấy tên chị (Thuận) làm chữ lót (tên đệm) cho con. Anh chị sanh một loạt được "ngũ long công chúa". Chữ "Vân" 5 lần đứng đầu tên các con anh, bắt đầu là Nguyễn Thị Vân-Yến, rồi Vân-Trang, Vân-Đài, Vân-Mai, Vân-Phượng. Anh chị thực hiện được phân nửa ý định đặt tên con. Rất tiếc anh chị không thực hiện được phân nửa kia, lấy chữ Thuận (tên của chị) làm tên đệm cho con trai.
Anh chị đừng buồn, ông sui tôi chỉ có 7 cô con gái, thằng em tôi có tới 9 đứa con gái, chẳng tìm được đứa con trai nào. Tất cả đều hạnh phúc với đám con gái của mình.
Tôi đi Garden Grove tham dự lễ cưới cô cháu gái, con của anh chị Lê Văn Thiều và phát hiện bên nhà chú rể có lối đặt tên con khá độc đáo: Ông Bà Nguyễn Hoàng Tân đặt tên cho 3 người con là Nguyễn Hoàng Tâm, Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Phương Tâm. Ba anh em, trai và gái, có chung một tên, chỉ khác nhau tên đệm. Những tên như vậy thường được gọi bằng tên đệm để phân biệt, hoặc gọi đủ tên kép, Hoàng Tâm, Minh Tâm, Phương Tâm.
Một sự trùng hợp về ý muốn đặt tên con thật lý thú của 2 anh em nhà họ Trần: Ông anh là Trần Ngọc Lâm có 4 cậu con trai tên Trần Ngọc Tân-Khoa, Trần Ngọc Đăng-Khoa, Trần Ngọc Tuấn-Khoa, Trần Ngọc Bách-Khoa. Bà em tên Trần Kiều Lan, chồng là Nguyễn Văn Ba có 4 cô con gái tên Nguyễn Thị Kiều-Loan, Nguyễn Thị Phương-Loan, Nguyễn Thị Trúc-Loan, Nguyễn Thị Mai-Loan. Họ gọi con bằng chữ đầu của tên kép: Tân, Đăng, Tuấn, Bách; Kiều, Phương, Trúc, Mai. Nguyễn thị Kiều Loan hiện là Bác sĩ tại San Jose.
Anh bạn Phương Duy Trương Duy Cường, phu quân của nhà văn Hoa Hoàng Lan, hiện sanh sống tại San Jose, tộc họ anh có hệ thống đặt tên con rất có lợi trong chuyện lập gia phả. Ông tổ họ Trương của anh từ bên Tàu chạy sang VN lập nghiệp, dựng phủ thờ Trương Đôn Hậu ở Hội An. Ông tên Trương Mậu Viễn, ra 2 câu đối, mỗi câu 9 chữ. Tất cả 18 chữ nầy (mỗi chữ có một ý nghĩa sâu sắc- Lời anh Duy Cường) “Mậu, Thừa, Chí, Đồng, Hoài, Đình, Duy, Bách, Thế; Hiếu, Hữu, Truyền, Hậu, Chữ, Phái, Viễn, Vạn, Niên” được truyền dạy, dặn dò con cháu, mỗi thế hệ theo thứ tự đó mà lấy một chữ làm chữ lót cho mình và chữ kế lót cho đời con của mình, để nhìn vào chữ lót mà biết liên hệ ra sao trong gia tộc. Cùng chữ lót là anh em với nhau. Nhớ biết được thứ tự hệ thống chữ lót đó thì biết được tộc hệ, khi đọc gia phả nhà họ Trương của anh Duy Cường. Ông Tổ Trương Mậu Viễn là đời thứ nhất, thì anh Trương Duy Cường là đời thứ 7. Hiện họ Trương nầy đang có tới đời thứ 11. Con anh Trương Duy Cường tên Trương Bách Tùng (đời thứ 8, Bách), cháu nội anh tên Trương Thế Lâm (đời thứ 9, Thế). Anh còn 2 đời cháu họ nữa, tên lót đến chữ Hiếu (đời thứ 10) và chữ Hữu (đời thứ 11)
[Sử dụng hết các chữ trong cặp đối nầy, dòng họ (Trương) chúng ta trải qua được 18 đời! Nhờ vào các chữ lót nầy, trong vòng 18 thế hệ, các thành viên trong gia tộc có thể xác định mình phải gọi người trên, kẻ dưới đúng với vị trí của mình, đúng với tôn ti trật tự, Tổ, cao... bác, chú, cha, anh, cháu, chắt...] (Trích Gia Phả Trương Tộc)
Bài Đế Hệ Thi của vua Minh Mạng (gồm 20 chữ):
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
cũng dùng để lấy làm chữ đầu đặt tên (kép) cho con và cháu của ông. Vua Bảo Đại, tên Nguyễn Phúc Vĩnh-Thuỵ. Vĩnh thuộc đời (thế hệ) thứ 6 từ vua Minh Mạng.
Không biết ý của vua Minh Mạng và ý của vị tổ dòng họ Trương Duy Cường có liên hệ nào không? Ai trước ai sau? Ai bắt chước ai? Hay là "chí lớn gặp nhau"? (Tôi nghĩ, chắc ông Trương Mậu Viễn bắt chước vua Minh Mạng)
Một người bạn của Ba tôi bảo rằng Ba tôi đặt tên đám con trai của ông có chủ ý để thành một câu có ý nghĩa "Chỉ An Đáng Công Danh Quang Lạc" Nhưng tôi biết chắc Ba tôi không có chủ ý gì cả. Và tên anh em chúng tôi ráp lại cũng không thành một câu ra hồn, mà chỉ có nghĩa gượng ép. Tên 3 anh em giữa “Đáng Công Danh” có vẻ như là một kỳ vọng của Ba tôi. Nhưng chúng tôi không làm được việc gì xứng đáng với kỳ vọng của cha mình.
Nhưng tôi biết được một gia đình đặt tên con có chủ ý để thành một câu có ý nghĩa: Cha tên Công đặt tên con (cả trai lẫn gái) tiếp nối tên mình là “Thành, Danh, Toại; Phỉ, Chí, Nam, Nhi; Bia, Truyền, Tạc, Để” Đó là tên 11 anh chị em của 2 nữ nghệ sĩ lừng danh, Bà Năm Phỉ và Bà Bảy Nam (mẹ nữ nghệ sĩ Kim Cương). Điều lý thú là ông bà Đốc tên Công đã sanh đủ ngần ấy con để thực hiện được cái thú đặt tên con văn chương chữ nghĩa như vậy. Tên 12 người ráp lại thành 3 thành ngữ có nghĩa thành công, hài lòng và lưu danh:
Công Thành Danh Toại,
Phỉ Chí Nam Nhi,
Bia Truyền Tạc Để.
(Đây là câu chuyện tôi nghe bà xã kể, vì Bà mười Truyền vốn là em dâu của ông dượng của bà xã tôi. Chuyện nầy có thể kiểm chứng qua bà Bảy Nam** và Cô Kim Cương, hiện còn sống tại VN. Nếu có gì không thật đúng, xin hoan hỉ đính chính, vì chuyện bà xã tôi nghe biết từ hơn 50 năm về trước. Thời gian khá lâu, không biết trí nhớ có bị suy suyển không. Rất tiếc, tôi không biết họ và chữ lót của 12 người nầy để ghi ra đây. Nếu ai biết, xin bổ sung)
Có quy tắc nào để đặt tên con không?
Thưa không! Không có quy tắc chung nào cả. Phần lớn, mỗi người cha tìm một lối có ý nghĩa để đặt tên cho con. Ngày xưa, chuộng đông con, nên đặt tên đứa đầu lòng, mà còn nghĩ đến chuyện liên quan đến đứa kế và nhiều đứa tiếp theo. Do vậy, bậc làm cha mẹ lao tâm khổ trí, mà cũng có cái thú vị trong đó, trong việc đặt tên bầy con. Ngày nay, người Việt “văn minh”, thích ý tưởng “một đổi một”, nghĩa là chỉ sanh tối đa 2 con, và mong đợi được một trai, một gái là lý tưởng nhứt. Nếu không đạt được điều “lý tưởng”, mà đứa con sanh sau lại là con trai, hoặc lại là con gái, thì họ cũng chịu thua ngay, chứ chả ai dám liều mạng như tôi, kiên trì kiếm đứa con gái, mãi đến khi nhà đầy 6 thằng đực rựa mới chịu thua. Thằng em ruột Nguyễn Thành Công, còn kiên trì hơn nữa, mãi đến khi nhà đầy nhốc 9 cô “tôn nữ” mới chịu thua. Còn ông sui của tôi là Đoàn Nhựt Chí la toáng lên “Tôi chưa chịu thua, mà bà xã thấy nhà có 7 cô công chúa, 7 hũ mắm treo đầu giàn, đủ quá rồi, nên bả lén tôi triệt sản. Tôi chịu thua bả thôi!” Ba trong số 7 công chúa đó lấy chồng tứ tán 3 nơi, Nhựt Bổn, Canada, Hoa kỳ, trong đó có cô con dâu Đoàn Trần Mỹ Huyên của tôi.
Do vậy, thời nay chuyện đặt tên con bớt nhiêu khê. Đôi trai gái lấy nhau, đâu vội lo nghĩ đến chuyện đặt tên con cái. Họ có khoa học yểm trợ, nào phương pháp, nào thuốc, nào áo mưa... để họ thong dong hưởng "tuần trăng mật" suốt đôi ba năm. Sau đó, nếu họ còn "hợp khẩu" nhau, cô gái mới hầm hè đặt điều kiện "Một đứa thôi đấy nhé. Tôi còn phải giữ eo o. Bụng phải sát để còn mặc được quần trịch rún đó. Thêm đứa nữa là tôi móc ra đấy nhé!" (Lại có khoa học kỹ thuật yểm trợ). Có 1 hoặc 2 đứa con, một trai, một gái, thì đơn giản chọn một tên con trai và một tên con gái dành đó. Đâu có dây mơ rễ má gì nữa mà bận tâm chuyện đặt tên như xưa.
Tên chính của con không có quy tắc nào ràng buộc cả. Ai muốn lấy chữ nào đặt cũng được, thậm chí những chữ không có nghĩa trong tự điển cũng được, như Phạm Thế Ruyệt, Đặng Tiết Rũng, Nguyễn Đình Phư, Mai Thanh Truyết, Nguyễn Đình Bin... và còn nhiều tên vô nghĩa khác nữa. (Những tên vô nghĩa, không có trong tự điển phần lớn là do viên chức hộ tịch viết sai)
Tên chính đã vậy, mà chữ lót, tên đệm, cũng thế. Chữ nào lót cũng được, thậm chí chữ vô nghĩa, không có trong tự điển. Chữ lót có ranh giới giữa nam và nữ, rõ ràng nhứt là chữ "văn" và "thị". Không ai lấy chữ "thị" lót cho tên con trai, và lấy chữ "văn" lót cho tên con gái. Phần lớn, chữ lót nào ráp với tên chính mà làm cho ý nghĩa của tên chính thêm vẻ thướt tha, dịu dàng, quý giá, thì chữ lót đó dành cho tên con gái. Chữ lót mang vẻ dũng mãnh thì dành cho tên con trai. Nói là nói vậy, chứ cái ranh giới đó cũng có người vượt qua.
Đố quý vị, cựu đại tá Nguyễn Mộng Tiên là nam hay nữ quân nhân?
- Thưa, là nam quân nhân đó (Số phone của ông là (408) 254.8690, để quý vị kiểm chứng)
Đố quý vị Nguyễn Trí Minh Quang là trai hay là gái?
- Thưa là nữ hoạ sĩ, con của hoạ sĩ Nguyễn Trí Minh và hoạ sĩ Trương Thị Thịnh.
Tên thấy trên "net" Đào Mộng Xuân, Trần Nam Bình, ai trai, ai gái?
- Thưa Trần Nam Bình là cô, Đào Mộng Xuân là ông (niên trưởng cựu Đại Tá Đào Mộng Xuân)
Nói tóm lại, không có quy tắc nào rõ ràng cho việc đặt tên con cả. Nếu cố tình nghĩ rằng có những quy tắc mơ hồ nào đó, thì cái ranh giới kia cũng không ngăn cấm được ai vượt qua.
Ngay chuyện phân biệt tên dành cho con trai và tên dành cho con gái cũng lỏng lẻo, không có ranh giới nào hết. Ông chú tôi tên Nguyễn Ngọc Châu. Nhân viên làm căn cước quận Ô môn, Cần Thơ (thời Việt Nam Cộng Hoà) sớn sát thế nào mà ghi là "nữ". Vậy Ngọc Châu là tên con trai cũng được, mà tên con gái cũng đâu có sao. Loại nầy nhiều lắm. Phụng, Hoàng là tên của loài chim (một con trống, một con mái) cả hai dùng đặt tên cho con trai, con gái đều được. Loan, Phượng, Yến, Anh... cũng vậy. Chắc ai cũng biết tên vị tướng Nguyễn Ngọc Loan; chắc nhiều người biết tên ông Đỗ Ngọc Yến, báo Người Việt, Nam Cali. Cả 2 tên đó có vẻ con gái, mà lại là tên của 2 đấng đàn ông. Tên bông hoa như Hồng, Mai, Cúc,... tên cây, cỏ như Trúc, Liễu... đem đặt cho con trai cũng thiếu gì. Đọc thấy tên tác giả Đàm Bảo Kiếm, thường thấy trên “net”, tôi cứ nghĩ đây là đấng nam nhi, nào ngờ đó là giới hồng quần thướt tha. Ông Khải Chính Phạm Kim Thư từng lên "net" ca ngợi "Ông học giả" Trần Nam Bình, mà Trần Nam Bình thật ra là đàn bà con gái.
Phần lớn, nhứt là ở thôn quê, trước kia người ta chỉ lấy một chữ để đặt tên cho con trai và con gái. Ngoài thị thành, trước là người sang, sau nầy, sang hèn gì cũng cá mè một lứa, người ta dùng từ kép, dùng 2 - 3 chữ để đặt tên con gái. Chữ kép, một thời là chữ dành riêng để đặt tên cho con gái. Nhưng bây giờ, đó đây, người ta xé rào, đặt tên con trai bằng từ ngữ kép, bằng 2 chữ.
Một người có bao nhiêu tên?
Trên nguyên tắc, một người chỉ có một tên. Nhưng trên thực tế một người còn có nhiều tên khác, do người khác đặt cho mình, hoặc do chính mình đặt cho mình. Người bình dân gọi là tên trong, tên ngoài. Tên trong là tên chính thức, do cha mẹ đặt, có ghi trong sổ bộ, ghi trong giấy khai sanh. Tên ngoài là tên tục, có khi cũng do cha mẹ đặt, dùng để gọi hằng ngày. Có nhiều lý do để một người có thêm tên ngoài. (Những người làm chính trị, hoạt động bí mật cho một đảng, thường được đảng đặt cho một bí danh, tên giữ kín – bí mật – chỉ có một số đảng viên biết với nhau mà thôi.)
Người có tên ngoài thường là biết cả 2 tên của mình, ai gọi tên nào, mình cũng biết là gọi mình. Tuy nhiên, cũng không ít trẻ em, đợi đến lúc đi học mới có cơ hội biết tên trong, tên thiệt, của mình là gì. Lúc đầu, có đứa ngơ ngác, đực ra, khi cô giáo gọi đến tên thật của nó. Chừng có người nhắc, nó mới biết là gọi nó. Khổ cho nó, đi học, cô gọi tên trong, về nhà mọi người gọi nó bằng tên ngoài. Năm dài tháng rộng, rồi nó cũng quen cuộc sống 2 tên.
Đặt tên ngoài cho con, có nhiều trường hợp thật tình cờ và khôi hài nữa. Trong xóm tôi ở trọ trước kia (lúc ở VN), có một chủ gia đình còn khá trẻ, làm nghề lao động tay chân, nhà ngày nào cũng tụ tập bạn bè nhậu nhẹt. Năm sanh thằng con cả, anh ta đặt tên trong cho nó là gì tôi không biết, nhưng tên ngoài của nó là "Một Xị", năm kế tôi nghe có thằng tên "Hai Xị", rồi "Ba Xị". Những đứa bé đó lớn lên, đến tuổi đi học, tôi vẫn còn nghe Ba nó gọi "Một Xị", "Hai Xị", "Ba Xị" để sai đi mua rượu. Sau nầy rời khỏi xóm đó, tôi không biết gia đình anh ta có thêm được "Mấy Xị" nữa. Ba đứa đầu là con trai, không biết khi sanh con gái họ có tiếp tục đặt là "Bốn Xị" gái, "Năm Xị" gái không?
Dân ngu khu đen mà còn có 2, 3 tên, thì những người sang cả, người đặc biệt, người “văn minh” vặn vẹo chữ nghĩa, còn có nhiều tên hơn nữa. Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ký giả... có thêm rất nhiều tên.
Lý do gì phải có nhiều tên khác như vậy?
Nhiều lý do lắm. Có những lý do chính đáng, như viết tiểu thuyết lấy tên nầy, viết biên khảo lấy tên khác, viết phiếm lấy tên khác nữa, làm thơ thanh lấy tên khác với làm thơ tục; viết móc họng, vạch mặt Việt cộng thì lấy tên bút hiệu ít dùng và giấu kỹ, để phòng tránh đòn thù cho con cái còn kẹt nơi quê nhà... Cũng có những lý do bất chánh. Viết vu cáo, viết bẩn thì ký tên khác, tránh là bài viết nặc danh, mà thực ra y như là thứ nặc danh vậy.
Ngày nay, trên các diễn đàn điện tử, thế giới ảo, những người ưa tranh luận bằng văn phong tục tĩu, thô bỉ rất thường lấy nhiều tên khác nhau để mặc tình muốn viết gì thì viết. Đó là những tên nặc danh. Chính họ cũng không dám cho ai biết đó là chính họ. Ngay cha mẹ, anh em ruột, vợ chồng cũng chẳng biết đó là chính họ.
Viết sách tự ca tụng mình, lấy tên khác để mị người, như đặt ra tác giả ma Trần Dân Tiên là lấy một cái tên bút hiệu bất chánh.
Tôi mới tập viết mấy năm nay mà cũng chọn thêm cho mình 2 tên, ngoài “tên trong” Nguyễn Phước Đáng. Cầu mong tôi không lấy thêm tên nào theo chiều hướng bất chánh.
Lý do chung cho mọi người cầm bút dường như là có tên bút hiệu thì mới ra vẻ là nhà văn, nhà thơ, nhà báo... chăng? Người sau bắt chước người trước, hễ có sử dụng tới ngòi bút, viết được dăm ba bài, thậm chí chưa viết được bài nào ra hồn, là phải mau mau chọn cho mình một tên bút hiệu.
Tên bút hiệu cũng nhiêu khê, lắm điều nhiều chuyện. Tên chính Thứ Lễ, lấy bút hiệu là Thế Lữ. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, nhà thơ lừng danh Việt Nam, lấy tên Sông Núi quê mình làm bút hiệu là Tản Đà (Núi Tản, Sông Đà)
Tên bút hiệu bí hiểm TTKH, TCHYA
Tên chính là Đáng lấy tên bút hiệu Đắc Sang để vòng vo giải thích: Đắc Sang = Đang Sắc = Đáng.
Tên bút hiệu của văn sĩ, thi sĩ, ký giả, tên của nhạc sĩ, nghệ sĩ trình diễn, ca sĩ, tài tử, kịch sĩ, kép hát, đào hát cải lương phần đông do tự mình đặt, hầu hết là từ kép, 2 hoặc 3 chữ, Nhất-Linh, Thế-Lữ, Duy-Lam, Khái-Hưng, Thanh-Tâm-Tuyền,... Thanh-Lan, Khánh-Ly, Ý-Lan, Như-Quỳnh, Duy-Khánh, Công-Thành, Chế-Linh, Trang-Thanh-Lan, Dũng-Thanh-Lâm,...
Thông thường, người ta, người thân cũng như bạn bè, chỉ gọi nhau bằng tên đơn. Kim- Oanh chỉ gọi Oanh; Giao-Hoà, chỉ gọi Hoà; Tuyết-Mai chỉ gọi Mai...
Điều trái khoáy là ca sĩ thích có tên kép, nhưng khi nói chuyện trên sân khấu, họ lại ưa tự xưng bằng tên đơn. Công-Thành thì chỉ xưng Thành; Thế-Sơn thì chỉ xưng Sơn; Thanh-Lan chỉ xưng Lan, Việt-Thảo chỉ xưng Thảo, Vân-Sơn chỉ xưng Sơn, Bảo-Liêm chỉ xưng Liêm... Người ngoài thì gọi đủ tên kép của họ. Không ai gọi tên đơn Ly, Lan, Dũng, Thu, Bích... thay cho tên kép Khánh-Ly, Ý-Lan, Việt-Dũng, Lệ-Thu, Lưu-Bích... Có phải tự xưng bằng tên đơn như vậy để tỏ ra còn trẻ, còn ngây thơ chăng?
Theo tôi, như những gì viết ở trên,
. Dùng bất cứ chữ nào đặt tên chính cũng được,
. Dùng bất cứ chữ nào để làm tên đệm (chữ lót) cũng được.
. Tuy nhiên, không ai dùng chữ thô tục để đặt tên hay chữ lót cho con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét