Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Từ tiếng hát Việt Khang tới thỉnh nguyện thư

Cách đây hơn một tuần tôi đến trung tâm y tế Ne Ponset Health Center ở Boston để hỏi về những chương trình y tế. Ở đây tôi đã gặp một chuyện đặc biệt là một cô gái Việt làm ở phòng Dịch Vụ Tư Vấn đã nói với tôi về nhạc sĩ Việt Khang. Cô cho biết Việt Khang làm hai bản nhạc: Việt Nam Tôi Đâu? Và Anh là ai?. Nội dung hai bài hát nói lên lòng yêu nước và sợ mất nước và hỏi công an Việt Nam tại sao lại đàn áp, đánh đập những người Việt biểu tình biểu lộ lòng yêu nước. Và chỉ vì hai bài hát này mà Việt Khang đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bắt ngày 23/12/11. Vì thế nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài truyền hình SBTN và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS đã phát động một chiến dịch kêu gọi người Việt ở Mỹ ký Thỉnh Nguyện Thư vào thẳng trang mạng của White House yêu cầu Tổng Thống Obama tạo áp lực, yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trả tự do cho Việt Khang và những người tù lương tâm trong nhà tù hay tù tại gia.


Sau khi trình bày xong biến cố Việt Khang và thỉnh nguyện thư, cô nói:

- Cháu xin bác một chữ ký để cứu Việt Khang.

Tôi xúc động nhìn cô nói:

- Cám ơn cháu đã cho bác biết chuyện Việt Khang. Việc này bác đã biết qua trên net, cũng có ý định ký, nhưng vào trang mạng tòa Bạch Ốc khá phức tạp nên chưa ký được. Tiện đây cháu giúp bác thì tốt quá.

Cô nhìn tôi cười tươi, xoay chiếc laptop, rồi miệng hỏi cùng với những ngón tay di chuyển trên keyboard. Và chỉ khoảng 15 phút sau, cô dừng tay nói:

- Xong rồi bác.
- Cám ơn cháu, tôi nói rồi hỏi:

- Từ ngày khởi đầu chiến dịch đến nay, cháu đã kêu gọi được bao nhiêu người ký tên?

Cô ngẫm nghĩ một lát, rồi đáp:

- Dạ, trên 20 người. Cũng có người từ chối, nhưng đa số đã sốt sắng ký tên. Ngoài Boston, cháu đã gọi cho những người bạn ở mấy tiểu bang khác tham gia vào việc này – Cô ngừng lại, mở tấm bìa dày, lấy 5 tờ giấy đầy chữ đưa cho tôi – Thưa bác đây là tiểu sử Việt Khang, 2 bài hát Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai? Và một bài viết về Việt Khang, cháu lấy từ trang mạng Tuổi Trẻ Yêu Nước… Xin bác vận động người thân và bạn bè cho Việt Khang một chữ ký. Nếu không có computer hay không thể vào trang mạng của White House, bác bảo họ đến Hội Người Việt bên Dorchester. Ở đó có người thường trực hướng dẫn bà con việc ký tên.
Giọng nói nhiệt thành với ánh mắt của cô gái đã theo tôi mấy ngày nay. Tôi đã sống ở Mỹ trên 25 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp một cô bằng tuổi cháu mình, nói với mình về một người yêu nước ở quê nhà, rồi lại còn khẩn khoản nhờ tôi đi vận động những người khác: Bác xin cho Việt Khang một chữ ký.

Qua việc theo dõi chiến dịch và làm theo lời cô gái, tôi có một số ý nghĩ, nên xin ghi lại:

1. Từ tiếng hát Việt Khang:

Sau khi nghe Việt Khang hát Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai?, tôi có nhận định là hai bài hát đã kết tinh được thảm kịch cách mạng vô sản của đảng Cộng Sản Việt Nam đối với dân, với nước.

Thảm kịch với dân: Khởi đi từ mục tiêu đấu tranh giải phóng dân nghèo, đảng Cộng Sản đã cướp được chính quyền và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa 20 năm ở miền Bắc và 37 năm trên cả nước, nhưng Việt Khang đã nhận rõ: Chế độ của đảng Cộng Sản không giải phóng dân nghèo mà là chế độ dối trá, áp chế, bóc lột dân nghèo:

Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời
Người lầm than đói khổ nghèo nàn
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian.

Thảm kịch với nước: Khởi từ mục tiêu đấu tranh giải phóng đất nước, đảng Cộng Sản đã phát động 2 cuộc chiến tranh, gọi là kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), rồi kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1960-1975), hủy diệt trên 3 triệu sinh mạng, cướp cho được miền Nam. Nhưng Việt Khang cũng lại nhận rõ: Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cướp cả nước để dâng cho Tàu:

Giờ đây, Việt Nam còn hay đã mất? Mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta.

Hoàng, Trường Sa đã bao người dân vô tội,
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu.

Vì thế, trước nỗi nguy của nước và nỗi đau, nỗi nhục của dân, Việt Khang kêu gọi mọi người đứng lên:

Chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam.

Với những tiếng kêu thảng thốt: Việt Nam tôi đâu?, Việt Khang đã đứng dậy cùng đồng bào yêu nước đấu tranh cho sự sống còn của dân tộc:

Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng,
Dân tộc tôi phải đắm chìm một ngàn năm hay triền miên tăm tối.
Tôi không thể ngồi yên, để đời sau con cháu tôi làm người,
Cội nguồn ở đâu, khi thế giới này không còn Việt Nam?

Nhưng công an của đảng Cộng Sản đã đàn áp, đánh đập, bắt bỏ tù những người biểu tình yêu nước lên tiếng chống Tàu xâm lược. Trên nửa thế kỷ đảng Cộng Sản Việt Nam đã đồng hóa hai tiếng yêu nước với đảng Cộng Sản: Yêu nước chống Pháp, yêu nước chống Mỹ, yêu nước chống bá quyền Bắc Kinh. Nhưng nay thì đảng Cộng Sản lại từ bỏ hai tiếng yêu nước, về phe với bọn bá quyền Bắc Kinh để đàn áp dân Việt yêu nước. Vì thế Việt Khang đã hỏi: Anh Là Ai?

Câu hỏi Anh Là Ai, nhìn gần thì đó là hỏi những tên công an đánh đập, đạp vào mặt, quăng những người biểu tình lên xe như quăng súc vật, còn nhìn xa hơn thì Anh là Ai là hỏi đảng Cộng Sản. Anh là Ai? Là Việt hay Tàu mà lại làm tay sai cho Tàu để đưa Việt Nam vào vòng nô lệ Tàu?

Với 2 bài hát, Việt Khang đã tổng kết được lịch sử 67 năm của đảng Cộng Sản: Từ cách mạng giải phóng lao động thành áp chế, bóc lột lao động. Từ yêu nước thành tay sai bán nước. Ở đây xin nói thêm là đảng Cộng Sản đã làm nên lịch sử ấy bằng núi xương, sông máu, bằng hận thù dân tộc, bằng tàn phá đất nước nhân danh cách mạng vô sản.

Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai là hai câu hỏi đảng Cộng Sản không dám trả lời mà chỉ dùng công an và nhà tù để đáp lại những người dám lên tiếng hỏi thẳng đảng Cộng Sản như Nguyễn Xuân Nghĩa, Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), Phạm Thanh Nghiên, Cù Hà Huy Vũ, Tạ Phong Tần, Bùi Minh Hằng… và nay đến lượt Việt Khang.

2. Đến Thỉnh Nguyện Thư

Bao lâu nay, mỗi lần chính quyền Cộng Sản Việt Nam bắt một người đấu tranh cho dân chủ là mỗi lần cộng đồng người Việt ở Mỹ biểu tình lên án chế độ độc tài và kêu gọi quốc tế can thiệp. Lần này với Việt Khang cũng thế. Nhưng với sáng kiến làm Thỉnh Nguyện Thư gửi Toà Bạch Ốc của nhạc sĩ Trúc Hồ và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã đưa cuộc vận động lên một bình diện cao, rộng, đơn giản mà cụ thể. Vì thế kết quả không ngờ là cùng với hai bài hát Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai?, chiến dịch đã lan tỏa nhanh chóng, dấy lên như những lớp sóng:

- Thành phố lớn nào có cộng đồng người Việt là có hội đoàn đứng ra cùng với những người trẻ thông thạo máy điện toán, vừa vận động vừa giúp đồng bào ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư.

- Chiến dịch dâng cao với những con số thay đổi từng giờ. Ngày khởi đầu là 8 tháng 2, chỉ 4 ngày sau, con số đã vượt 25.000, con số cần đạt được trong 30 ngày để Tòa Bạch Ốc trả lời trực tiếp.

- Đến ngày 19/2, con số lên tới 54.000 và Tòa Bạch Ốc đã phải lên tiếng xin được gặp cộng đồng người Việt để nghe tiếng nói của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ về những vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và về những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong nước.

- Theo sự thông báo của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng thì chiến dịch có thể đạt quá con số 100.000 vào ngày Cộng Đồng Người Việt vào Tòa Bạch Ốc, và hiện đã có một số tác dụng đáng kể:

Thứ nhất, Tòa Bạch Ốc cho biết một số tổ chức thuộc các cộng đồng bạn ngỏ ý muốn vào Tòa Bạch Ốc ngày 3/5 để yểm trợ tiếng nói của cộng đồng người Việt.

Thứ nhì, nữ dân biểu Zoe Lofgren (Dân chủ, CA) sẽ thảo một văn thư để các đồng viện cùng ký gởi Tổng Thống Obama, kêu gọi Hành Pháp đáp ứng thỉnh nguyện của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

Thứ ba, Người Việt ở nhiểu nơi sẽ về Hoa Thịnh Đốn tham gia việc biểu dương ý chí và nguyện vọng trước Tòa Bạch Ốc.

Thứ tư, Cựu dân biểu Cao Quang Ánh lên tiếng kêu gọi người Việt ở mọi nơi đồng loạt tổ chức các cuộc biểu tình ngay tại địa phương của mình vào cùng ngày và cùng giờ với cuộc biểu tình trước Tòa Bạch Ốc.

Thứ năm, hưởng ứng chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư của người Việt ở Mỹ, ngày 24/2, Liên Hội Người Việt Canada phát động chiến dịch gửi Thỉnh Nguyện Thư lên chính phủ Canada với mục đích tương tự như Thỉnh Nguyện Thư của cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Kết luận

Từ biến cố Việt Khang và chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư chúng tôi có mấy kết luận sau đây:

1. Từ đầu thập niên thế kỷ XXI đến nay, những người trẻ ở trong nước đã vượt qua sự sợ hãi bạo quyền, xuất hiện ngày càng nhiều với những bài viết cùng tiếng nói để đấu tranh cho dân chủ, dân quyền và hầu hết đã bị bắt với những bản án 3, 7 năm tù. Đến nay Việt Khang tiếp nối những người đi trước, và anh đã dùng thân mạng mình để hỏi đảng Cộng Sản: Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai? Lời đau, cay đắng mà hùng của hai câu hỏi này đã vang xa, vì chỉ trong một tuần chúng tôi đã được nghe chục người hát từ nhiều nơi vọng lại. Nghe lời hát cùng những lời phát biểu của nhiều người ở trong nước cũng như ở Hoa Kỳ về hiện tượng Việt Khang, chúng tôi nghĩ rằng rồi đây dân Việt, người người sẽ hỏi đảng Cộng Sản: Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai, hỡi người Cộng Sản Việt Nam?

2. Cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ luôn luôn có những cuộc vận động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nhưng cuộc vận động ký Thỉnh Nguyện Thư trước biến cố Việt Khang có thể nói là cuộc vận động chính trị đầu tiên được giới trẻ tham dự đông đảo và nhiệt thành. Thật sự các bạn trẻ đã thúc đẩy lớp người có tuổi vào cuộc. Và chính người trẻ với chiếc laptop đã đưa cuộc vận động đi xa, đi vào từng ngõ ngách của cộng đồng người Việt ở khắp nơi.

Trong bài “Hiện Tượng Việt Khang”, trên trang mạng của đài RFA (2/27/12), thông tín viên Hiền Vy đã ghi lại nhiều lời ca ngợi Việt Khang của các bạn trẻ. Trong đó một bạn tên là Linh Trần ở Houston đã nói: “Cùng với một số ông bà và anh chị em, tôi đã thu ra 200 cái CD trong đó có 2 bài ca bất hủ của Việt Khang. Chúng tôi đã vận động được trên 1000 chữ ký để nỗ lực đấu tranh đòi hỏi lại cái dân quyền bình đảng cho người dân trong nước”. Và trong cuộc biểu tình do Ủy Ban Đấu Tranh Chính Trị Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận tổ chức trước Lãnh Sự Quán Việt Nam (2/27/12) để đòi Hà Nội trả tự do cho những người tù lương tâm, một bạn trẻ tên Thông đã nói: “Việt Khang là một người trẻ sinh ra sau 75. Anh dám viết nói lên cái nguyện vọng cuà anh đối với đất nước. Anh Việt Khang là một người rất can đảm, là cái gương sáng cho tất cả tuổi trẻ sống tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại. Tuổi trẻ ở hải ngoại có rất nhiều cơ hội để nói lên tiếng nói của mình và tham gia các cuộc biểu tình cũng như những cuộc vận động cho dân chủ và tự do tại Việt Nam”. Anh Thông cho biết: “Em là một trong những người ký tên ngày đầu tiên. Em cũng giúp mẹ em ký tên và em cũng vận động chị, anh và bác của em ở San Francisco, thì họ đã gọi vào SBTN ký tên rồi”.

Trước hiện tượng giới trẻ đi vào cuộc vận động ký Thỉnh Nguyện Thư, chúng tôi phấn khởi với một niềm tin là thế hệ trẻ dù sanh Mỹ hay ở đâu, nhưng các bạn ấy vẫn quan tâm đến quê cha đất tổ, vẫn biết Việt Nam bây giờ ra sao.

3. Từ hai câu hỏi: Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai? Cùng những việc đàn áp, bắt bớ, coi những người biểu tình chống Tàu xâm lược như kẻ thù, chúng tôi có một nhận định là chế độ độc tài đảng trị đã đưa đất nước tới chỗ cùng. Và từ chỗ cùng này hồn nước đã bật dậy.

- Tại sao một đảng, một chế độ đã dùng mấy chữ yêu nước chống xâm lăng để có chính quyền và giữ chính quyền lại đưa dân tới một câu hãi hùng: Việt Nam Tôi Đâu?

Việt Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét