Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Ngày tàn của 1 ảo ảnh

Lê Tất Điều
Thuyết Tương đối đặc biệt của Einstein – còn gọi là thuyết “thời gian giãn nở” - ra đời năm 1905, ngự trị thế giới khoa học hơn một thế kỷ, đang bị nghi là đã từ trần trong tháng 9 năm 2011, hưởng thọ 106 tuổi.
Thủ phạm vụ sát hại gây chấn động thế giới khoa học này là những hạt vi mô neutrinos. Trong cuộc chạy đua với ánh sáng do lò thí nghiệm CERN (European Organization for Nuclear Research) tổ chức, chúng vượt tốc độ ánh sáng, đến đích sớm hơn 60 nanoseconds, vô tình đụng chạm, xô đẩy thuyết vào tử địa.
Thuyết sống hùng sống mạnh lâu nay vì cha đẻ của nó, Albert Einstein, có ra lệnh cấm tuyệt đối không cho bất cứ cái gì trong vũ trụ được bay nhanh hơn ánh sáng. Lý do: thuyết bảo rằng “khi con tàu di chuyển thì thời gian trong khoang tàu trôi chậm lại.” Tàu đạt vận tốc ánh sáng, thời gian sẽ ngừng trôi, nếu chạy nhanh thêm, nhanh hơn ánh sáng, thì thời gian sẽ trôi… giật lùi, nghĩa là khoang tàu bay ngược về quá khứ.

Biết chuyện này chắc chắn vũ trụ không cho phép, cụ E. cẩn thận ra luật hạn chế tốc độ tối đa của muôn vật muôn loài, để bảo vệ thuyết được an toàn trên xa lộ.
Khi neutrinos ở CERN vượt tốc độ tối đa của Einstein, làm tính mạng thuyết lâm nguy, rất nhiều khoa học gia lừng danh thế giới xúm lại cứu cấp. Những bài báo chỉ trích phòng thí nghiệm CERN, nghi có sự sơ xuất trong tiến trình thí nghiệm, đo kết quả không chính xác … xuất hiện ào ào. Có vị nêu giả thuyết là bè lũ neutrinos ăn gian, bay đường tắt, chui vào “chiều thứ tư, thứ năm chi đó” mới nhanh khiếp thế!
Nhưng chỉ hai tháng sau, tháng 11-2011, lò thí nghiệm liên quốc OPERA (Oscillation Project with Emulsion Tracking Apparatus) lập lại thí nghiệm của CERN, với nhiều cải tiến để tránh sai lầm, thấy kết quả giống hệt như trước, nghĩa là bè lũ hạt vi mô quái ác này vẫn qua mặt ánh sáng ào ào.
Chắc những khoa học gia đang cật lực bênh thuyết cũng hơi chột dạ, nhưng chưa nao núng, nản lòng đâu. Không tín đồ nào cho phép mình nản lòng trong nhiệm vụ bảo vệ chân lý trong lời Chúa, Phật dậy. Còn cãi nhau to.
Tội nghiệp bọn neutrinos! Chúng nó bị kết tội oan!
Chuyện chúng nó chạy nhanh hay chậm hơn ánh sáng chẳng dính dáng gì đến sức khỏe hay sự tồn vong của Thuyết thời gian giãn nở.
 Dù chúng có bay chậm như rùa thì Thuyết vẫn chết.
Vượt tốc độ ánh sáng, bọn chúng chỉ làm sáng tỏ thêm cái lý do đã khiến thuyết lăn cổ ra ngỏm củ tỏi từ lâu lắm rồi.
Tháng 3-2006, chúng tôi mở cuộc điều tra, và đã khám phá ra rằng cái thuyết vĩ đại, lẫy lừng được cả thế giới tôn thờ hơn trăm năm nay, chỉ là một ảo ảnh. Khai quật tử thi Thuyết lên để nghiên cứu thêm, thấy xương cốt nhỏ tí teo của nó, ai cũng thương cảm, đau lòng. Nó còn ở dạng bào thai.
Vậy xin có vài lời minh oan cho bọn neutrinos:
Quả thực khi neutrinos bay nhanh hơn ánh sáng thì chúng làm Thuyết “thời gian giãn nở” kẹt cứng, vì tạo ra những cảnh này:
Bản thân chúng nó bay “ngược về quá khứ”, nghĩa là nếu có khẩu súng bắn những hạt vi mô này ra thì chúng sẽ “tới đích TRƯỚC KHI súng được bóp cò”. Hậu quả xẩy ra trước nguyên nhân! Luật “nhân quả” bị xáo trộn, hết thiêng. Đấng Tạo Hóa không thể dung thứ mà đức Phật cũng phiền lòng.
Phi thuyền bay nhanh hơn ánh sáng cũng thế, sẽ làm thời gian trong khoang tàu trôi ngược lại. Thí dụ:
Một phi thuyền khởi hành từ A lúc  2:00PM, khoảng  2:30PM  tới B, 3:00PM  tới C, rồi từ đó tăng tốc độ, nhanh hơn ánh sáng, du lịch ngược thời gian, khi tới D, đồng hồ lại chỉ 2:30PM. Thế thì phi thuyền đã vi phạm luật lia chia, toàn những luật tuyệt đối không thể vi phạm, it nhất là trong phạm vi của vũ trụ này. (F. A1)
Trước hết: “Một vật thể không thể hiện hữu ở hai không gian khác nhau, trong cùng một khoảnh khắc.” Con tàu vượt ánh sáng, ngược thời gian, thì cùng lúc 2:30PM đã hiện hữu ở cả hai địa điểm B và D.
Luật: “Hai vật thể không thể cùng lúc chiếm ngụ một không gian” cũng bị vi phạm luôn.
Hãy quan sát kỹ những chuyện xảy ra trong vùng không gian ở D khi có con tàu “ngược về quá khứ” bay đến.
Giả sử vào lúc 2:30PM khi phi thuyền số 1 bay tới B, cũng chính lúc ấy, phi thuyền số 2 bay đến D, đậu lại vài phút rồi bay đi. Ta có: trong cùng một khoảnh khắc, 2:30 PM, phi thuyền 1 hiện hữu, chiếm ngụ không gian B, phi thuyền 2 hiện hữu, chiếm ngụ không gian D.
Như thế, vùng không gian ở D, lúc 2:30PM đã chứa đựng một con tàu.
Từ B, phi thuyền 1 tăng tốc độ, bay nhanh hơn ánh sáng, tiến vào quá khứ. Lúc 3:30PM, nó đến vùng D thì đồng hồ trong tàu chỉ đúng 2:30PM. Thế thì ở vùng D bỗng nhiên có hai phi thuyền: số1(từ tương lai bay về) và số2(đã đậu sẵn tại đó) cùng hiện hữu, chiếm ngụ chung một không gian, trong cùng một lúc, 2:30 PM.
Xin nói rõ thêm: Trước khi phi thuyền 1 đến D, thì ở vùng không gian của D, thời gian vẫn trôi đều với tốc độ bình thường. Lúc 2:30 PM, vùng D có con tàu đậu, một tảng thiên thạch bay qua, hay dù chỉ là khoảng trống, thì không gian của D đã bị chiếm ngụ, đã đầy ắp rồi.
Nếu lúc 4:00PM hay 5:00PM, con tàu số 1, chui vào quá khứ, xông tới, cũng muốn chiếm ngụ cái không gian đã hiện hữu, đã đầy ắp trong quá khứ ấy, thì những vật thể trong toa tàu sẽ phải chung nhau tuyệt đối một không gian trong cùng một lúc (lúc 2:30 PM mới do khoang tàu mang đến) với nhiều món khác đã nằm sẵn ở đó,( lúc 2:30PM ) trong quá khứ của vùng D!
Đó là lý do cụ Einstein không cho những hạt neutrinos, hay bất cứ cái gì trong vũ trụ bay nhanh hơn ánh sáng, để rồi chui tọt vào quá khứ, làm hư hết thuyết của cụ.
Nhưng Einstein đã cấm đoán quá trễ và vô ích.
Con tàu của cụ, ngay khi đạt tốc độ làm cho thời gian trong tàu trôi chậm lại, theo đúng thuyết thời gian giãn nở, thì cả không gian khoang tàu đã lọt vào quá khứ rồi. Giờ bên ngoài tàu là 11:00AM, thí dụ thế, thì chiếc đồng hồ trong tàu (mà những người ủng hộ Thuyết thời gian giãn nở cả quyết rằng đã chạy chậm lại, đúng theo giờ mới trong tàu) sẽ chỉ 10:00AM thôi, nghĩa là cả khoang tàu đã lùi vào quá khứ một giờ.
Bay cực nhanh để tiến vào quá khứ, hay chỉ bay đủ nhanh để làm thời gian trôi chậm lại, khiến con tàu lùi vào quá khứ, thì mức vi phạm luật thiên nhiên, luật cấm du lịch trong thời gian, cũng như nhau.
Trở lại thí dụ con tàu bay qua bốn vị trí A, B, C, D ở trên:
Hãy tưởng tượng: Khởi hành từ A, phi thuyền1 tăng tốc độ đủ nhanh để thời gian trong khoang tàu chậm hơn thời gian bên ngoài mười phút. Ta có: Ở B thời gian bên ngoài 2:30PM, trong tàu 2:20PM. Ở C, bên ngoài 3:00PM, trong tàu 2:50PM. Ở D, bên ngoài 3:30PM, trong tàu: 3:20PM.
(F. A2).
Thế thì tại các địa điểm B,C,D đã diễn ra những cuộc xâm lăng quái dị nhất… vũ trụ. Không gian của khoang phi thuyền ở các thời điểm 2:20PM, 2:50PM, 3:20PM xông tới chiếm đóng những vùng không gian đã đầy ắp những món lỉnh kỉnh trong đó, đã hiện hữu trước đây 10 phút.
Nếu một thiên thạch bay qua D lúc 3:20PM thì lúc 3:30PM nó đã ở xa D lắm rồi, Nhưng phi thuyền1 đến D, mang theo chiếc đồng hồ chỉ đúng 3:20PM, thì tảng thiên thạch vô phúc này phải phản ứng thế nào? Nó đành lù lù hiện ra giữa khoang tàu? Hay bị bọn xâm lăng đụng tan xác trong… quá khứ, khiến tất cả sự hiện hữu của nó sau 3:20PM tan biến hết luôn vào hư vô?
Mà đâu phải chỉ có B, C, D bị xâm lăng. Khi một phi thuyền bay với cái khoang chứa một thời gian khác, chậm hơn thời gian bên ngoài và trên thân tàu, thì nó tạo ra một đường hầm trong không gian. Đường hầm này dài bằng suốt chuyến du hành của nó. Và tại mỗi điểm không gian trong đường hầm ấy, dù nhỏ cỡ nào, cũng xẩy ra những cuộc xâm lăng, những vụ hai vật thể nhất định CHIẾM NGỤ MỘT KHÔNG GIAN TRONG CÙNG MỘT LÚC.
Khi thời gian trong khoang tàu chạy chậm lại, dù chỉ chậm tí tẹo như một nanosecond thôi, thì đường hầm quá khứ xuất hiện ngay, làm nẩy sinh những cuộc xâm lăng: Những vật thể trong không gian khoang tàu đồng loạt lui vào quá khứ để ào ào tấn công chiếm chỗ của những vật thể trong những không gian đã hiện hữu trước (trước hiện tại bên ngoài) đúng một nanosecond.
Do đó, không cần bọn neutrinos hãm hại, thuyết thời gian giãn nở đã tự đẩy mình vào hoàn cảnh khó sinh tồn trong vũ trụ. Nếu neutrino thực sự bay nhanh hơn ánh sáng, đó chỉ là phát súng ân huệ, chấm dứt sự sống của một ảo ảnh.
Muốn biết sự thật thì đừng bám chặt lấy cái ngọn, như chuyện tốc độ của neutrinos, để luận đúng sai, rồi cãi cọ ồn ào. Phải điều tra tận gốc, xem lại từng hình vẽ, bài toán, những suy diễn, lý luận từ phút khởi đầu lập thuyết.
Chúng tôi đã làm việc ấy, đã thấy thuyết thời gian giãn nở sụp đổ, ngay từ giây phút chào đời trong năm 1905, chưa hưởng dương được ngày nào. Cấu trúc, sự vận hành, cùng những định luật cực kỳ khắt khe của vũ trụ đã nhất định không chịu cung cấp dưỡng khí cho nó. Và nó chết vì ngạt thở.
Sau đây là bản tường trình.
(Xin đọc toàn bài trên einsteinerrs.com)
Lê Tất Điều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét