Đặng Thái Minh
Bác Hồ gọi hội Hồng Thập Tự là hội Chữ Thập Đỏ thì lập tức hội ấy phải đổi tên, khắc con dấu khác. Hoàng Tùng bảo Bác muốn đổi “ba đảm nhiệm” thành “ba đảm đang” là lập tức “ba đảm nhiệm” biến mất; ấy là Hội Phụ Nữ chỉ nghe Hoàng Tùng truyền đạt loáng thoáng qua điện thoại thôi, không có giấy tờ gì xác nhận ý Bác là như thế. Nếu bây giờ Bác nói “thất bại vì ngại thành công”, liệu có ai dám tịch thu quyển sách ấy không?...
*
Đầu năm 1991 tôi ôn thi vào khóa 1 cao học ngôn ngữ học so sánh ở Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh. Ông Trần Chút, lúc đó là tổ trưởng bộ môn ngôn ngữ học, đến giảng mấy buổi trong học phần “Các vấn đề về tiếng Việt”.
Tiếng Việt thì nhiều vấn đề lắm. Nguồn gốc của tiếng Việt là Môn- Khơ me hay Tày Thái? Tiếng (âm tiết) có phải là từ không?.... Nhưng về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ông chỉ nói một câu:
-Tôi cho là nói dóc hết.
Câu nói ngắn gọn của ông Trần Chút làm tôi rất hoang mang. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngôn ngữ học từ năm một chín sáu mấy. Bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu hội nghị bàn chuyện tiếng Việt ta giàu và đẹp đều là chuyện nói dóc hết ư? Nhưng tôi không cần tìm hiểu nhiều hơn. Ông thầy đã nói thế tức là ra thi sẽ không hỏi vấn đề ấy.
Mãi nhiều năm về sau tôi mới lĩnh hội được câu nói của ông Trần Chút. Bàn luận lý thuyết dông dài thì phải viết cả mấy pho sách nhưng nói ngắn gọn như ông thầy hoặc diễn nôm dài hơn ông một chút là như sau:
Ngôn ngữ có quan hệ mật thiết với quyền lực. Ai nắm quyền lực thì ngôn ngữ của người (hoặc nhóm người) đó (được xưng tụng) là trong sáng, giàu đẹp.
Bác Hồ gọi hội Hồng Thập Tự là hội Chữ Thập Đỏ thì lập tức hội ấy phải đổi tên, khắc con dấu khác. Hoàng Tùng bảo Bác muốn đổi “ba đảm nhiệm” thành “ba đảm đang” là lập tức “ba đảm nhiệm” biến mất; ấy là Hội Phụ Nữ chỉ nghe Hoàng Tùng truyền đạt loáng thoáng qua điện thoại thôi, không có giấy tờ gì xác nhận ý Bác là như thế. Nếu bây giờ Bác nói “thất bại vì ngại thành công”, liệu có ai dám tịch thu quyển sách ấy không?
Người nắm giữ quyền lực lo bảo vệ (sự trong sáng của) ngôn ngữ như tròng mắt, con ngươi vì bảo vệ ngôn ngữ chính là bảo vệ quyền lực.
Người nào muốn chen chân vào tầng lớp tinh hoa của xã hội, phải nói và viết đúng phép tắc, quy định của tầng lớp đó. Ngày xưa thí sinh phạm húy có thể bị chém bay đầu là vì sao? Hôm nay có ai đi thi mà được phép dùng ngôn ngữ a còng không? Đông Tây, xưa nay đều lấy ngôn ngữ làm căn cước cá nhân. Từ ông nguyên thủ đất nước xuống đến ông thầy bà cô, ông bố bà mẹ, bất cứ ai có chút quyền lực đối với nhân dân, học trò hoặc con cái đều chung một nếp nghĩ:
-Nó phải nói năng như mình. Nếu không, sẽ không cho nó lên chức/ thi đậu / đi chơi...
Nhưng chẳng ai nói huỵch toẹt những điều ấy. Khi ra lệnh thu hồi một quyển sách, người có thẩm quyền chỉ có thể tuyên bố là quyển sách ấy không có lợi cho người đọc hoặc cho... tác giả hay cho ai cũng được. Nhưng không thể bảo là quyển sách ấy không có lợi cho chính người ra lệnh cấm.
Đặng Thái Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét