Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Ở Dưới Giếng Đã Lâu (Bài bổ túc)

Trước khi bước xuống đường.
Cách đây mấy ngày tôi viết vội, gởi vội ,cho Tạp Chí Dân Văn một Bài viết về một cuộc tranh luận về ý nghĩa của 2 tiếng bình quântrung bình.
Đã nói là vội cho nên quên đầu, quên đuôi là chuyện không tránh khỏi!
Bài gởi đi rồi, đọc lại, tôi thấy có một vài điểm lẽ ra phải nói thêm, một vài chỗ lẽ ra cần nhấn mạnh hơn!
Ngoài ra, bên lề và khoảng đã hồ tàn cuộc tranh luận này, chợt đâu có người thắc mắc không hiểu 2 chữ mà ít lâu nay được một số người dùng trong các e-mail gởi cho nhau có nghĩa gì, từ đâu mà ra? Đó là 2 chữ “vi hữu”.
Tôi đoán được nghĩa của “2 chữ này”, và có lẽ tôi cũng đoán biết được người đầu tiên dùng 2 chữ này là ai? Và nếu tôi không lầm thì người này cũng tham gia cuộc tranh cãi vừa kể!
Có mặt ở đó (cuộc tranh cãi) nhưng người này không dám nói ra ý nghĩa và nguồn gốc của 2 chữ này khi có người nêu thắc mắc, vì nói ra rồi lại tranh cãi, lại chửi bới nhau và thảy mũ lên đầu nhau.
Ở đây, và không ở đâu hết, dĩ nhiên tôi không nói ra người này là ai.
Chỉ nói ra là chữ “VI” trong tiếng “VI HỮU” tức không gì khác hơn là tiếng “Vi Tính”, mà ở “bên kia bờ” (trong Nước) người ta dùng để chỉ “cái “Computer”.
Hương Sg cũng dùng 2 tiếng “Vi hữu- mà cô nói là để trả lại cái người đã viết cho cô 2 chữ này. Nói thế tức cô không hiểu nghĩa của 2 chữ này, vì nếu hiểu được cô rồi dạy kẻ kia một chập rồi!
Tôi cũng thấy lạ, đã không hiểu ý nghĩa tại sao một số người lại cứ dùng nó?
Mà thôi đây là chuyện, như đã nói, bên lề!
Bài viết này, như đã nói, bài viết cách đây mấy ngày với cái “đầu”, cái “đuôi” để quên ở nhà!
Bây giờ thì tôi tiếp tục nói chuyện trên đường!
An toàn nhất là đi trên lề, còn đã xuống đường thì nên thận trọng!
Cô Hương Saigon còn trẻ [như cô nói], còn có thể tiến xa hơn, lên cao hơn, như bất cứ người tuổi trẻ nào, ở bất cứ xứ sở nào, thế nhưng……
Khổng Tử nói “hậu sinh khả úy…… nhưng (hậu sinh) tới 4, 5 mươi tuổi mà không thấy  có tiếng tăm gì thì chừng đó kẻ sinh sau không còn đáng sợ nữa!”.
Tự mãn thì đổ vào tất sẽ tràn ra, cứ đà này, như người Việt chúng ta thường nói giỡn làhậu sinh khả ố thì người tuổi trẻ sẽ không bao giờ khả úy, 4 mươi, 5 mươi, hay là 6 mươi, 7 mươi…… cũng vậy!
Có lần tôi có ý kiến là khi viết không cần “màu mè” khiêm nhường, vì màu mè nhiều lúc chỉ là màu mè, chỉ cần dè dặtchừng mực là tốt hơn hết, an toàn hơn hết!
Tôi viết Bài bổ túc này không phải để làm cho cô Hương Saigon khó chịu thêm, thật sự mà nói tôi không cần làm như thế, chỉ muốn nhắc lại một Câu rất sáo, nhưng ở đây tôi nghĩ hết sức ích lợi cho cô, đó là “biển học mênh mông”.
Nếu cô chịu xả ra những gì đầy trong tâm cô, cô sẽ nhận vào rất nhiều!  
                                                                           #
Lối 2 tuần trước đây trong khi lướt qua khu “Spam” truy lùng những Bài, và những thư không cần để xóa tôi bắt gặp một số e-mail lời qua tiếng lại về 2 tiếng “bình quân” và tiếng “trung bình” về khái niệm “per capita income”.
Lúc đó tôi bận viết một bài phê bình nên chỉ đọc lướt qua rồi xóa, không chú ý lắm!
Rồi những ngày tiếp theo đó thì ngày nào những e-mail về “2 chữ này” cũng xuất hiện trong máy của tôi. Tới đây thì tôi không xóa những thư này nữa, tò mò, giữ lại đó, để lúc rảnh đọc lại.
                                                                           #
¸ Câu chuyện bắt đầu từ 1 bài viết có tựa “10 nước giàu nhất thế giới năm 2011” của một vị nào đó. Trong bài viết này có một câu “GDP bình quân đầu người”.
Có 2 bên:
Một bên là cô Hương Saigon, một bên là nhiều vị ở khắp bốn phương. Cô Hương SG tả xung hữu đột kể cũng mệt gớm!
Khoan nói tới những gì 2 bên nói qua nói lại, trước hết tôi xin nói về cảm nghĩ của 1 số những vị đối đáp với cô Hương SG, và cả những người đứng ngoài, nghĩ về cô.
 
Các E-mail ngày 3 tháng 11. 2011.
1). Nguyễn Văn Thành:
~ “Bị đuối lý thì cô Hương SG hay mất bình tĩnh, xoay sang chiến thuật đánh lạc hướng dư luận và cũng nhây không kém những nhân vật mà cô dọa sẽ block mail và cuối cùng thì cô tuyên bố sẽ không tranh luận về vấn đề đó nữa!
Đây cũng là một cách rút lui trong danh dự”.
2). Chinh Trần.
Hương SG quả là uyên bác vànho thâm”,……”
 
Cô Nguyễn Thị Bạch Phượng gởi cho Chinh Trần:
~ “Chúng ta cũng nên cẩn thận, không khéo lại bị người ta chụp mũ là mình dùng tiếng của Tàu cộng đấy”. 
Chinh Trần trả lời Nguyễn Thi Bạch Phượng:
~ “Cám ơn những lời “Thanh Nghị” của bà, tuy nhiên kẻ nào “chụp mũ” kẻ đó sẽ chụp (bắt) được rắn hổ mang”.
 
E-mail ngày 04 tháng 11.
1). Ky Duc Huynh.
~ “Cám ơn quí vị đã hỏi dùm và trả lời thắc mắc của tui.
À thì ra “thanh nghị” là “lời chê khen” của người “sĩ phu”.
Hèn gì bà Hương Saigon lâu nay hay dùng chữ “thanh nghị”, chắc bả tự xem mình là sĩ phu. Ai mà dám cãi lại bả thì chắc phải là kẻ “thất phu”.”.
 
E-mail ngày 05 tháng 11.
1). Chinh Trần.
~ “3/. Hương SaiGon nói đúng “there is always someone whom you could never convince… và hình như HSG cũng là một trong số “someone” này thì phải!??”.
  
2). Nguyễn Văn Thành.
~ “Cô Hương SG cũng chỉ thích lên diễn đàn để khoe kiến thức, để lên lớp người khác, chứ không phải là một bậc “sĩ phu” biết mình biết người.
Anh em tôi thất vọng về thái độ bất phục thiện và lối viết “nửa ổ bánh mì” và “một nửa đồng tiền” của HSG.
Những người trí thức và nghiên cứu chuyên nghiệp chắc chắn không có cái thái độ phiến diện như vậy”.
3). Nguyễn Văn Thành.
~ “Qua cách tranh cãi đốp chát, bắt bẻ, gieo tiếng oán, thái độ trịch thượng của cô HSG, chúng tôi thấy rõ cô ấy chỉ là một người kiêu ngạo và háo thắng”.
 
4). thanhlang nguyễn.
~ “HSG càng viết nhiều, người đọc càng thấy HSG không biết phục thiện, chỉ là một thứ ngựa non háu đá”.
 
5). Ky Duc Huynh.
~ “Nếu bà Hương Saigon là con nít thì tui thây kệ, đàng này bả hống hách, viết được mấy bài kinh tế, làm được vài bài văn vầng thì mục hạ vô nhân”.
 
E-mail ngày 6 tháng 11.
1). Ky Duc Huynh.
~ “Diễn đàn ai viết gì viết tui thây kệ, nhưng lối và khi người quá thì hỏng được…”.
 
Còn nhiều nhưng tôi dẫn ra chừng ấy cũng đủ, đủ cho cô Hương Saigon!
Tạm không nói về những cảm nghĩ trên đây đúng hay sai, mà trước hết thử xét coi cô Hương Saigon đã nói những gì, viết những gì để đến nỗi như thế!
                                                                           &
Bây giờ chúng ta bước xuống đường!
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Câu chuyện bắt đầu từ Bài viết có tựa là: “10 nước giàu nhất thế giới năm 2011” của một vị nào đó. Trong bài viết này có một câu “GDP bình quân đầu người”.
Cô Hương Saigon nói:
~ “Chữ “bình quân” trong danh từ “GDP bình quân” không có nghĩa gì cả. Nói cho đúng phải nói “GDP trung bình theo đầu người” (per capita income) = GDP / số người trong nước.
CS dùng từ ngữ “bình quân” thay cho “trung bình” là hoàn toàn sai với Việt ngữ truyền thống, tiếng nước ta”. 
 
Thế nhưng, hầu hết mọi người trong cuộc tranh cãi này đều nói trước năm 1975 họ đã từng nghe tiếng “bình quân”, và có người còn đưa lên Diễn đàn một trang “Từ điển” có chữ này (bạn Chinh Trần), để nói cho cô Hương Saigon biết tiếng “bình quân” không là tiếng made by VC như cô Hương Saigon khẳng định!
Thế nhưng, cô Hương Saigon vẫn không chấp nhận và tìm đủ mọi cách để chấp trước ý kiến của mình.
Tiếng nào cô Hương Saigon không biết, rồi thấy trong nước dùng thì gõ búa phán rằng đó là tiếng VC, vì vậy mà cô ta nói tiếng “bình quân” là chữ “made by VC” (sic).
 
Ngày 03 tháng 11 cô Hương Saigon nói với cô Nguyễn Thị Bạch Phượng:
~ “Điều tôi muốn nói là thời VNCH không nói “lợi tức bình quân” mà là “lợi tức trung bình”.
Tôi đã nói là tự điển VN của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ không có chữ “Bình Quân”.
Nếu Hán-Việt Tự-điển có chữ “Bình Quân” thì nó cũng không có nghĩa là “trung bình”. Đây là quan điểm của tôi, khi tôi phê bình cái email đầu tiên của ai kia dùng chữ “GDP bình quân”.
Chữ “liên hệ” có thể có từ 10 thế kỷ về trước, nhưng dùng trong câu “Anh Ba liên hệ chị Tư” là sai. Do đó, nếu chữ “bình quân” có từ 1 triệu năm về trước, mà tiếng Việt mình dùng để ám chỉ cho số “trung bình” thì vẫn sai.
I hope it’s clear enough, if you understand my Vietnamese”.
Cũng cùng ngày, cô Hương Saigon lại viết:
~ “Chữ “bình quân” có thể có từ trước, nhưng nếu chữ “bình quân” đó dùng để thay thế cho chữ “trung bình” thì đó là chữ made by VC, cũng như chữ “liên hệ” dùng thay cho chữ “liên lạc” thì chữ “liên hệ” đó là made by VC.
Điều này không cần phải là chuyên gia mới hiểu.
You have the right to disagree, but it does not mean that you are right!”.
 
Tóm lại là, cô Hương Saigon “bịt tai” nói chuyện với mọi người trên Diễn đàn!
Cô Hương Saigon đưa ra mọi lý luận để giữ cho chặt sự suy nghĩ, cái hiểu của cô:
~ “Tiện đây tôi xin giải nghĩa tại sao tôi bài bác từ ngữ “GDP bình quân” của Trung Hoa và csVN (theo giáo sư H. Q. Dam).
Rõ ràng chữ “bình quân” có nghĩa là: Đều nhau, không thiên trọng, không lệch” [Nhan T. Vo]. Trong ý nghĩa này, gọi “per capita income” là “lợi tức bình quân” là sai. Tại sao? Tại vì “per capita income” không có nghĩa là chia đồng đều (lợi tức cho mỗi đầu người). Lấy một thí dụ đơn giản:
Tôi có 12 đồng bạc chia đồng đều cho 3 em bé, tức là mỗi em bé được 4 đồng. Nếu phải dùng chữ “bình quân” thì số bình quân là 4 đồng:
(4 + 4 + 4) / 3 = 4.
(ghi chú: trong trường hợp này ta có thể gọi 4 là số “trung bình” vì số 4 là kết quả của tổng số (12) chia cho số em bé (3).
Còn số “trung bình” không phải là số chia đồng đều. Thí dụ:
Tôi có 12 đồng chia cho 3 em: Em A: 3 đồng, Em B: 5 đồng và Em C: 4 đồng. Như vậy số trung bình là:
(3 + 5 + 4) / 3 = 4.
Do đó số 4 không thể được gọi là số “bình quân” mà phải gọi là số “trung bình” vì 3 em bé không được chia đồng đều mà bị thiên lệch, đứa được nhiều đứa được ít”.
Thiên hạ nói thế mà đúng: “Ngọng thì hay nói”.
++ Muốn thảo luận một vấn đề gì trong một lãnh vực nào đó thì tối thiểu phải có một số kiến thức tương đối nào đó về lãnh vực đó. Ở đây mọi người nói về ngôn ngữ, cho nên tôi nói chuyện ngôn ngữ với Hương Saigon, là người, như ít lâu nay trên các Diễn đàn đều thấy, rất thích giảng dạy ngôn ngữ - và là ngôn ngữ Việt cho người khác, bất kể là già, trẻ, lớn, bé!
 
Bây giờ tôi nói chuyện ngôn ngữ với cô Hương Saigon.
Mỗi Quốc gia có ngôn ngữ riêng, và ý, nghĩa, của chữ của Quốc gia này đều được qui định căn cứ thói quen, tình cảm, lý luận….. của riêng họ, muốn giải thích chính xác 1 ngôn ngữ nào đó thì phải giải thích ngôn ngữ này theo qui định của Dân tộc sử dụng ngôn ngữ đó chứ không thể giải thích theo cái hiểu chủ quan của mình, thậm chí có lúc vì không hiểu tới nơi mà suy diễn quàng xiên, để rồi cả vú lấp miệng em, đánh phủ đầu người khác, như trường hợp cô Hương Saigon đây!
Biết chưa tới nơi tới chốn thì không ai trách, có trách chăng là đã biết chưa đến nơi mà không tự biết, còn ngạo mạn!
Kinh Dịch có câu: HỌC để thu thập kiến thức, HỎI để biện biệt Đúng / Sai”.
Qua những lời đối đáp của cô Hương Saigon trên Diễn đàn tôi thấy rất rõ chẳng những cô không chịu HỌC, mà cũng chẳng chịu VẤN!
 
Tiếp đây, tôi sẽ trình bày về các tiếng “Lợi tức bình quân”, “Số bình quân”, theo đúng như định nghĩa của chính người Trung Quốc
(1). “Lợi tức bình quân”.
Tiếng Hán Việt là “Bình quân thu nhập”.
Người Trung Quốc giảng chữ “bình quân” như sau:
- “[Bình quân]. Average, mean.
Án nhân khẩu bình quân kế toán thu nhập per capita income”.
Dịch như sau:
- “[Bình quân]. Trung bình, mức giữa.
Căn cứ nhân số mà tính lợi tức trung bình per capita income”.
 
(Tham khảo: The Pinyin Chinese-English Dictionary.
                     The Commercials Press, Ltd. (Thương Vụ Ấn Thư Quán) 1984.
                    
Tóm lại là sao? Hay nói như gần đây người ta ưa nói là “Túm lại là sao?”.
- : tiếng “bình quân” của Trung Quốc tức là tiếng ‘trung bình” của Việt Nam - dùng trong trường hợp Anh ngữ gọi là “per capita income”, và nói “Lợi tức bình quân” hay nói “Lợi tức trung bình” thì cũng đồng nghĩa, nói hơn là 2 tiếng này rồi diễn tả cùng một khái niệm, chỉ khác ở chỗ mỗi ngôn ngữ dùng mỗi chữ khác nhau!
Như “cái lon” (lon bia chẳng hạn) ở bên Mỹ người ta gọi là “Tin” trong khi đó ở bên Úc người ta lại gọi nó là “Can”; tôi ở Úc tôi dùng chữ “Can” và không phải vì lý do này mà tôi nói người ở Mỹ dùng sai, và ngược lại người ở Mỹ cũng không thể nói là tôi nói sai!
Rốt cục, cô Hương Saigon vớ lấy cái “Tin” chọi cái “Can” và rầy thằng “Can”:  “Tại sao mày dám xưng mày là cái “Lon”, chỉ có tao mới là cái “Lon” thôi!”.
 
(2). Số bình quân.
Tiếng Hán Việt là “bình quân số”.
Vẫn người Trung Quốc giảng tiếng “bình quân số” như sau:
-Average. n. 1. Bình quân số; bình quân: The average of 3, 8, and 10 is 7.
3, 8, 10 đích bình quân số thị 7”.
-Average. dt. 1. Số bình quân; bình quân: Số bình quân của 3, 8, và 10 là 7.
Số bình quân của 3, 8, 10 là 7”.
 
(Tham khảo: THE ENGLISH-CHINESE DICTIONARY (Unabridged). Volume I: A – L.
                      Thượng Hải Dịch Văn Xuất Bản Xã      1989 / Sơ bản.
 
Tóm lại, Hương Saigon không biết rằng “bình quân” là chữ của Hoa, còn “trung bình” là chữ của Việt, chữ khác nhưng nghĩa như nhau.
Nói rõ hơn, “trung bình” là tiếng Hán Việt đấy, nhưng là tiếng của người Việt chế ra, để dùng riêng cho mình, người Hoa không hiểu! Thí dụ:
Trong Vật lý, Việt gọi là “cộng hưởng” (resonance), trong khi Hoa gọi là “cộng minh”, ta gọi là “y tá”, Hoa gọi là “hộ sĩ”, ta gọi “truyền hình”, Hoa gọi “điện thị”..... còn nhiều lắm!
Tôi có 1 cuốn sách tựa là: “Dịch Kinh Nghiên Cứu”, ngoài bìa và sau gáy sách ghi tên tác giả: “Từ Cần Đình bác sĩ soạn”, dịch ra Việt ngữ là “Tiến sĩ Từ Cần Đình soạn”.
Ta gọi học vị tiến sĩ (Ph. D) nhưng người Hoa gọi là “Bác sĩ”. Cho nên tôi rất buồn cười khi thấy một số ông bác sĩ [thầy thuốc] Việt Nam tại cái xứ Úc này đi đặt cái bảng hiệu viết 2 chữ “bác sĩ” bằng chữ Hán to tổ bố trước phòng mạch, hòng kiếm thêm thân chủ người Hoa! Có biết đâu họ nghĩ: “ủa, ông “tiến sĩ” nào trị bệnh đây!”. Tức cười quá đi!  
Tiếng Hán Việt chiếm phần lớn trong ngôn ngữ Việt, có khi ta dùng nguyên theo họ, có khi ta lấy chữ Hán tạo ra chữ riêng cho ta, như những thí dụ trên cho thấy.
Hương Saigon không rành về tiếng Hán Việt mà lớn giọng, múa bút, dạy ngôn ngữ cho thiên hạ, thật đúng như Chinh Trần nói Hương SG quả là uyên bác vànho thâm!”.
chưa hiểu Ngôn ngữ tới nơi Hương Sg mới chẻ vấn đề để đưa ra 2 thí dụ mà cô ta  gọi là “số bình quân”: (4 + 4 + 4) / 3 = 4. và “số trung bình”: (3 + 5 + 4) / 3 = 4.
Như đã dẫn chứng, cả 2 trường hợp kể trên chỉ là một, nếu nói theo Hoa ngữ thì gọi là “số bình quân”, còn nói theo Việt ngữ thì đây là “số trung bình”, hay “trung bình cộng”.
Có lẽ cũng thấy cái gượng gạo trong lý luận của mình nên Hương Saigon ghi chú thêm là trường hợp “số bình quân(4 + 4 + 4) / 3 = 4 cũng có thể gọi là “số trung bình”.
Tới đây thì đã có thể thấy càng tỏ ra uyên bác, thông thái thì Hương Saigon càng để lộ  cái kiến thức về Ngôn ngữ học cỡ “năm gian nhà cỏ”, và “một chiếc thuyền câu” của cô ta. Càng nói cô ta càng nói bậy, càng chứng tỏ cô ta chẳng biết gì hết!
Trong 1 thư trả lời Nguyễn Văn Hoàng, chủ Diễn đàn Phố Nắng, cô ta nói thế này:
~ “… nên trao đổi trong tinh thần khoa học, khách quan”.
Hương Saigon không biết chút gì về ngôn ngữ Trung Quốc mà dám giảng nghĩa vân vi về thứ tiếng này. Như thế thì cái “tinh thần khoa học, khách quan” của cô rồi nó nằm ở cái hóc nào đây? Đã không biết thì làm sao bàn luận “khoa họckhách quan” được!
Một người có chút suy nghĩ thôi cũng không bao giờ dám nói, dám viết về một điều mà mình biết lõm bõm, chứ đừng nói là mù tịt!
Rốt cục, Hương Saigon chẳng nói chuyện “ngôn ngữ” mà chỉ nói “ngông ngữ” thôi!
 
Sau cùng, Hương Saigon dựa hơi 2 ông khoa bảng là H. Q DamNhan T. Võ để mà ra uy với thiên hạ! Sợ quá đi thôi, nhất là ông Nhan T. Vo thì vênh váo lớn lối viết rằng:
~ “Xin mời quí vị sưu tra cho đúng chỗ, hỏi cho đúng người”.
Đọc câu trên tôi hình dung ra cái bản mặt vênh váo của Nhan T. Vo, ý rằng: Các người hỏi tôi đây thì sưu tra đúng chỗ, hỏi đúng người rồi!
Tưởng sao, cái ông khoa bảng nhà ta trích dẫn Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh!
Xin ông khoa bảng Nhan T. Vo bỏ cái giọng lớn lối đó đi! Nói chữ nghĩa Trung Quốc thì xin ông “sưu tra” dùm các Từ điển Trung Quốc cho những dân ngu như chúng tôi đây nhờ chút, còn nếu ông hỏi ở các Từ điển Hán Việt thì dân ngu này xin phép mời ông đi chỗ khác chơi dùm nhé!
Đây là lãnh vực chuyên môn xin các ông các bà, các cô cho thiên hạ thấy cái khả năng chuyên môn đích thực, về Ngôn ngữ, của mình một chút!
Dưới 2 cái e-mail của 2 ông khoa bảng cũng chẳng rành ngôn ngữ lắm mà cô dẫn ra để hù thiên hạ, Hương Saigon viết hết sức ngạo mạn như sau:
~ “Và tôi coi đây là kết luận của cuộc thảo luận. Tôi sẽ không để ý đến và cũng không bỏ thêm thì giờ để bàn cãi một cách vô bổ vì cuộc thảo luận kết thúc với kết luận rõ ràng”.
 
Nhân chuyện Hương Saigon hỏi ý kiến 2 ông H. Q. Dam, và Nhan T. Vo trên đây tôi có nhận xét như sau:
Trong một số Bài viết của cô Hương Saigon người ta thấy rất rõ một chuyện, là khi nào bắt đầu có người có ý kiến khác với ý kiến của cô thì cô ta cũng bắt đầu xin ý kiến của các bậc “cao niên”, “trưởng thượng”.
Thế nhưng, chuyện đáng nói ở đây cô Hương Saigon rồi chỉ theo ý kiến của những bậc “cao niên”, “trưởng thượng” nào mà Hương Saigon quen biết mà thôi, và coi ý kiến của những người này là đúng, còn ý kiến của những cao niên, trưởng thượng khác thì cô “đè lẻ tẻ” (delete) cho biến mất, không thèm xét tới!
Như đã thấy ở trên, khi dẫn ý kiến của 2 “trưởng thượngH. Q. DamNhan T. Vo mà Hương Sg quen biết, cô ta đã kết luận một cách ngạo mạn, và theo tôi là xấc xược: 
~ “Và tôi coi đây là kết luận của cuộc thảo luận. Tôi sẽ không để ý đến và cũng không bỏ thêm thì giờ để bàn cãi một cách vô bổ vì cuộc thảo luận kết thúc với kết luận rõ ràng”.  
 
Hương Saigon học tới Đại học ở nước ngoài mà rồi đến không biết tới một việc hết sức căn bản trong việc nghiên cứu, là khi cần tới ý kiến của 1 ai đó về 1 vấn đề gì đó, trong một lãnh vực nào đó, thì tất yếu phải kiếm người chuyên môn trong lãnh vực đó.
Ở đây, vấn đề là ngôn ngữ, Hương Saigon dẫn 2 ông kể trên là vô giá trị, vì 2 ông này không chuyên môn về ngôn ngữ. Cô Hương Saigon có thể hỏi những người không có học vị về ngôn ngữ với điều kiện những người này phải có kiến thức về ngôn ngữ học! Vì nếu không rành ngôn ngữ về vấn đề đang bàn cãi, có liên quan Hán ngữ, thì rốt cục ông, bà khoa bảng nào cũng chỉ đến “ầu ơ ví dầu” mà thôi!
Những người tranh luận với Hương Sg trên diễn đàn chỉ đưa ra được mỗi chứng cứ là tiếng “bình quân” đã được dùng trước năm 1975 ở Miền Nam, mà không đưa ra được chứng cứ nào nối kết tiếng này với trường hợp “per capita income”, chính vì vậy mà cô ta mới hung hung hăng đưa ra kết luận ngạo mạnxấc xược như đã thấy!
Cũng về chuyện Hương Saigon xin ý kiến các bậc cao niên, trưởng thượng của cô ta tôi nhớ có lần cô ta đưa lên 1 bài viết về Kinh tế, trong đó cô ta dùng chữ “Ức- nhưng lại không rõ Số này là bao nhiêu, có người hỏi, cô đi hỏi bậc trưởng thượng cô quen.
Sau đó cô ta cho biết “bác” nào đó nói với cô ta là 1 “Ức= 100,000 (một trăm ngàn).
(Sau đó, nhóm “lytranlenguyen” ở Paris, có lẽ cũng muốn chứng tỏ sự thông thạo nên đưa lên Net cho biết là Ức = 100,000. Không rõ cái “bác” nào đó của cô Hương Saigon có phải là người của nhóm “lytranlenguyen” này hay không?).
Cái biết của “bác” nào đó của Hương Sg và nhóm “lytranlenguyen” còn phiến diện.
Ở đây tôi không có ý chê những người này, mà chỉ muốn nói không biết mà đi hỏi cũng là việc hay thôi, nhưng với người nghiên cứu cẩn trọng thì luôn luôn phải tìm hiểu thêm để coi những gì người chỉ cho mình chính xác tới đâu. Sở dĩ tôi nói vậy là vì tôi thấy cô Hương Saigon hỏi người nào rồi thì cô ta nghĩ rằng mình đã nắm được chân lý - từ đó có thái độ coi thường, ngạo mạn đối với những người đối thoại với cô ta, như đã thấy!
+ Về trường hợp Số lượngỨc” kể trên tôi xin nói sơ qua cho cô thấy cái kiến thức của những bậc “trưởng thượng” mà cô quen biết nó tới đâu nhé!
Sách “Toán Thuật Ký Di” viết:
- “Hoàng Đế vi pháp số hữu thập đẳng cập kỳ dụng dã nãi hữu tam yên.
Thập đẳng giả vị: Ức. Triệu. Kinh. Cai. Tỷ. Nhưỡng. Câu. Giản. Chính. Tái.
Tam đẳng giả vị: Thượng. Trung. Hạ dã.
Kỳ Hạ Số giả thập thập biến chi, nhược ngôn thập vạn viết Ức, thập Ức viết Triệu, thập Triệu viết Kinh dã.
Trung Số giả vạn vạn biến chi, nhược ngôn vạn vạn viết Ức, vạn vạn ức viết Triệu, vạn vạn Triệu viết Kinh dã.
Thượng Số giả số cùng tắc biến, nhược ngôn vạn vạn viết Ức, Ức ức viết Triệu, Triệu Triệu viết Kinh dã”.
Dịch:
- “Hoàng Đế lập phép tính đếm gồm 10 Bậc, và có 3 Cấp ứng dụng.
10 Bậc là: Ức. Triệu. Kinh. Cai. Tỷ. Nhưỡng. Câu. Giản. Chính. Tái.
3 Cấp là: Thượng. Trung. Hạ.
Các Số Cấp Hạ tiến cấp là 10, 10, như 10 vạn là Ức, 10 Ức là Triệu, 10 Triệu là Kinh.
Các Số Cấp Trung tiến cấp là 100,000,000, như 100,000,000 là 1 Ức, 100,000,000 Ức là 1 Triệu, 100,000,000 Triệu là 1 Kinh.
Tới các Số Cấp Thượng, Số cùng thì biến, như 100,000,000 là 1 Ức, Ức ức là 1 Triệu và Triệu Triệu là 1 Kinh”.
Vài giòng về các con số kể trên:
(1). Số Cấp Hạ: tiến cấp 10.
1 Ức là 10 vạn: tức 100,000. 
1 Triệu là 10 Ức: tức 10 x 100,000 = 1,000,000.
1 Kinh là 10 Triệu: tức 10 x 1,000,000 = 10,000,000.
1 Cai là 10 Kinh: tức 10 x 10,000,000 = 100,000,000.
1 Tỷ là 10 Cai: tức 10 x 100,000,000 = 1,000,000,000.
Cứ thế mà tính lần lên Nhưỡng, Câu, Giản, Chính, Tái, mỗi lần lên 1 bậc thì x 10.
 
(2). Số Cấp Trung: tiến cấp 100,000.
1 Ức là 10 ngàn vạn: tức 100,000,000.
1 Triệu là 100,000,000 Ức: tức 100 triệu x 100 triệu = 10,000,000,000,000,000.
Tức 10 triệu tỷ = 116.
1 Kinh là 100 triệu Triệu: tức 100,000,000 x 10,000,000,000,000,000.
Tức 1 triệu tỷ tỷ (1,000,000,000,000,000,000,000,000) tức 124.
Cứ thế mỗi bậc lên thì x 100,000,000.
 
Thời cổ, người Trung Hoa thường chỉ tính theo số Cấp Hạ, hoặc Cấp Trung mà thôi!
Thư tịch Cổ Trung Quốc khi nói “Ức” người ta không nói Số nàyCấp nào, người đọc phải tùy văn ý mà suy.   
Số căn bản ỨcSố Cấp Hạ 100,000, chuyển qua Số Cấp Trung100,000,000.  
Tức từ Số Cấp Hạ lên Số Cấp Trung số căn bản (tức Số Ức) lớn hơn 1,000 lần.
Chuyển qua Số Cấp Thượng, trị số của số căn bản Ức vẫn là 100,000,000. Thế nhưng từ 1 bậc lên bậc kế tiếp các Số tăng theo một cấp độ lớn hơn nhiều: -Trị số của số sau bằng bình phương của số trước một bậc.
 
Với những gì dẫn trên thì thấy số “Ức” mà người quen nói cho cô Hương Saigon biết là số “Ức” ở Cấp Hạ, và ông này chỉ biết tới đó. Cấp này người Việt vẫn dùng.
Trị số của “Ức” ở Cấp này thấp nên viết ra con số không gọn lắm.  
Tính trong lãnh vực Kinh tế Thế giới ngày nay thì dùng những trị số ở Cấp Trung, như “Ức”, “Triệu”, “Tỷ” viết ra con số hơn ngắn gọn, thuận tiện hơn là ở Cấp Hạ.
Dài giòng một chút để Hương Saigon thấy có những kiến thức các bậc trưởng thượng cô quen chỉ cho cô không hẳn là đúng hoàn toàn, và đầy đủ, theo đòi hỏi chuyên môn!
 
Hương Saigon viết:
~ “Tôi đã nói là Tự điển VN của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ không có chữ “Bình quân”.”.
 
Cô nói đến ông Lê Ngọc Trụ thì tôi nói ông Lê Ngọc Trụ.
+ Trong cuốn “Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị” của ông Lê Ngọc Trụ, tra chữ “Bình” (tr. 26) rồi lần xuống là phần liệt kê 21 chữ ghép với chữ “Bình”, chữ thứ 17 là chữ “quân”.
Cuốn sách nói trên do nhà Xuất bản Khai Trí (Saigon) tái bản lần thứ I (năm 1972).
Cô Hương Saigon còn gì để nói không?
 
Tới đây Hương SG chắc hẳn là mừng lắm, vì ở phần trên đây tôi cứ viết, cứ gọi tràn ra những tiếng như “người Trung Quốc”, “Ngôn ngữ Trung Quốc”. Cô sẽ tha hồ “dạy” tôi!
Tôi nói chuyện này vì cách đây ít lâu có một ông viết một bài, trong đó ông ta viết 1 câu là “quan h Vit-Trung”, thế là cô nhảy xổ ra, nhảy lên bục, nói xối xả vào mặt ông kia rằng người Việt Nam thời VNCH gọi là nước Trung Hoa, không gọi là Trung Quốc - Và Hương Saigon “dạy” ông kia rằng phải nói là “Quan hệ Việt-Hoa” mới đúng!
Lại nghe cô nói “tôi viết, thường tra cứu tự điển hoặc sách thời VNCH”.
Thế cô Hương Saigon có biết những sách thời Việt Nam Cộng Hòa sau đây không:
- Đại Cương Triết Học Trung Quốc.
Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê soạn.
- Trung Quốc Triết Học Sử.
Trung Quốc. Phùng Hữu Lan biên soạn.
(Nếu tôi nhớ không lầm thì do Viện Đại Học Vạn Hạnh dịch).
- Trung Quốc Triết Học Sử Đại Cương.
Trung Quốc. Hồ Thích biên soạn.
Việt Nam. Huỳnh Minh Đức dịch.
- Trung Quốc Thông Sử.
Trung Quốc. Lữ Tư Miễn biên soạn.
Phan Khoang dịch.
- Cổ Văn Trung Quốc.
Nguyễn Hiến Lê dịch.
Còn nhiều nhưng tôi chỉ kể ra một vài cuốn, đủ để cho cô thấy cái kiến thức thiển cận chưa tới đâu hết của cô.
Đây là tôi chưa nói Sử sách cổ viết chữ Hán, vì có nói cô cũng chẳng tra lại được!
Đó, những người nghiên cứu, những người viết biên khảo Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 họ gọi nước Tàu là “Trung Quốc” hà rầm đó!
Thấy Cộng Sản Trung Quốc gọi tên nước là “Trung Quốc” Hương Saigon liền cho rằng tên gọi này do CS Trung Quốc đặt ra, hay nói theo kiểu của cô là made by TC. Cô có biết rằng danh xưng “Trung Quốc” vốn có từ đời ông cố, ông tổ, ông tổ, tổ……của bọn Trung Cộng hay không?
Cô Hương Saigon sính nói, đúng hơn là giảng dạy, ngôn ngữ Việt cho thiên hạ, thế mà những Bài học căn bản nhất về Ngôn ngữ học cô lại tịt. Cô Hương Saigon có một đoạn phê bình chê trong nước nói “hàng cao cấp” là sai, phải nói là: “hàng hạng nhất hoặc là hàng thượng hạng”, rồi cô ta lại chê chữ “siêu sao” là sai, bởi lẽ “Siêu” là chữ “Nho”, và “Sao” là chữ “Nôm”, không ghép với nhau được! Thôi thì đủ thứ để cô “dạy” người ta!
1). Bài học thứ nhất: Tính đồng thuận.
¸ Ngôn ngữ nhằm để chỉ vật, chỉ việc, bày tỏ tình cảm, ý tưởng…… 1 chữ, 1 tiếng, hay một câu đều là kết quả của sự đồng thuận của những người trong xã hội.
Khi nói “hàng cao cấp” thì người ta đã đồng thuận là những hàng đó có một số đặc tính nhất định nào đó, như chất liệu tốt, bền chắc, tinh xảo…. chẳng hạn. Những món hàng hội đủ những đặc tính vừa kể người ta đồng thuận với nhau để gọi là hàng cao cấp.
Hương Saigon vì thiên kiến [Chính trị] không ưa tiếng đó, gọi là “hàng thượng hạng”, là quyền của cô.
2). Bài học thứ hai: Thói quen.
Trong Ngôn ngữ có những chữ dùng sai, nhưng dùng riết rồi cũng thành đúng!
Tôi nói một thí dụ tại Úc này, nơi tôi đang sống.
Những mảnh mái của Nhà Hát Lớn (Opera House) ở Sydney trông thì hơi giống những Vỏ Sò, cũng hơi giống Cánh Buồm. Người Việt ở Úc đều gọi là Nhà Hát Con Sò. Ai mà gọi là “Nhà Hát Cánh Buồm” thì bị chênói sai! Nếu tất cả đồng ý là “Con Sò” thì nó không là “Cánh Buồm”! Và như vậy, chúng ta lại trở lại với tính đồng thuận nói trên của Ngôn ngữ!
3). Bài học thứ ba: Ngôn ngữ của Đám đông.
Từ 2 điểm nói trên có thể thấy Ngôn ngữ là ngôn ngữ của đám đông. Một chữ nào, hay một tiếng nào, nếu được nhiều người dùng, và tiếp tục dùng thì nó “sống”, không có sự tiếp tục này thì nó “chết”! Không 1 ông, bà tiến sĩ, hay siêu tiến sĩ nào, có thể buộc đám đông phải dùng chữ này, chữ này…… theo ý mình, nếu không có đồng thuận của đám đông.  
Cách đây hơn 4 năm (ngày 28 / 6 / 2007) có một vị bên Mỹ đề nghị tôi viết một bài luận về “Sự vẩn đục” của tiếng Việt trong Nước, tôi viết trả lời, trong đó có đoạn như sau:
- “Liệu chúng ta có thể sửa đổi được cả 1 Chính sách Giáo dục hiện nay ở trong Nước hay không? Học sinh được giáo dục học đường từ nhỏ tới lớn, nghe những tiếng mà chung quanh, trong xã hội, hằng ngày ai cũng nói, ai cũng viết như thế cả! Cái vòng cứ thế mà xoay chuyển! Liệu chúng ta có thể cắt đứt được cái vòng đó hay không?
Tôi tránh bàn chuyện ngôn ngữ là vì lí do đó, tôi chỉ đặt vấn đề giáo dục. Chúng ta nắm được giáo dục là chúng ta nắm được nhiều thứ ngôn ngữ một trong những thứ đó! Tôi có thể chứng minh được cái đầu óc nô lệ của những người cầm quyền trong Nước qua những tiếng Hán Việt mà họ áp đặt lên dân cả nước, nhưng tôi có nói ra, có viết ra cũng chẳng làm họ thay đổi trong khi Chính quyền trong tay họ!......”.
 
Không chỉ ở trong nước mà ở đâu cũng vậy, khi nói chuyện, khi giao tiếp ai cũng muốn người đối diện hiểu mình nói cái gì.
Như bây giờ ở trong Nước, một người khi nói một chữ, một câu nào đó, người này có thì giờ để suy nghĩ đây là tiếng Quốc gia, hay là tiếng Cộng sản hay chăng? - giả sử người này là người Miền Nam trước kia! Giả sử cô Hương Saigon còn kẹt ở bên kia bờ cũng thế thôi, cũng phải hòa vào sự đồng thuận ngôn ngữ như đã nói! Và ở bên đây cô lại hòa vào ngôn ngữ trong xã hội (Việt) cô đang sống! Hợp lý!
Lời tục có câu “Quan nhất thời, Dân vạn đại”, chế độ nào rồi cũng qua đi, kéo theo khá nhiều sự thay đổi, trong đó có Ngôn ngữ. Những người nào đã từng sống qua 2 chế độ Cộng hòa I và II ở Miền Nam có thể nhớ lại rất rõ chuyện tôi nói đây! Sau này thì cũng thế thôi! Và không phải chỉ chế độ thay đổi Ngôn ngữ mới thay đổi mà trong một Xã hội khi tới 1 giai đoạn nào đó vẫn có thể những chữ mất đi, có những chữ mới vào, tùy diễn tiến, sinh hoạt của Xã hội đó!
Chúng ta không ưa một người thì những gì người đó làm, người đó nói chúng ta cũng đều ghét, cũng bài bác. Trường hợp cô Hương Saigon đây, và hầu như tất cả chúng ta ở bên này cũng thế, tôi hiểu thái độ đó.
Nếu chúng ta nói Tiếng nói trong nước là “dị hụ”, hay bất cứ hình dung từ nào chúng ta có thể nghĩ ra, chẳng giống ai (chúng ta ở đây) cả thì bên kia họ cũng nghĩ về chúng ta như vậy! “Dị hụ” vì nói ra chúng ta sẽ cảm thấy khó khăn khi giao tiếp với nhau!
Đã hẳn tôi không bài bác những gì Hương Saigon bài bác ngôn ngữ trong nước nhưng tôi nghĩ những người thân của cô, những bạn bè của cô còn ở bên kia bờ hẳn rồi muốn nói với cô một chuyện quan trọng là: xin để cho chúng tôi sống!
Kiến thức về Ngôn ngữ Việt chỉ cỡnăm gian nhà cỏ” và “một chiếc thuyền câu” mà Hương Saigon dám lên Diễn đàn múa may, thiệt là “điếc không sợ súng”. À, tôi quên là Hương Saigon không phải điếc mà là “bịt tai nói chuyện” bởi vậy không nghe được các điều hay và đúng, để học hỏi, ích lợi cho đường “học, vấn” của bản thân!
Tôi lại hi vọng cô rồi sẽ không “bịt cả mắt” nói chuyện với các vị trên diễn đàn để có thể thấy những gì người ta viết!
Kẻ kiêu căng tự mãn thì cái chi cũng đầy cả: đầu đầy, tai đầy, bụng đầy, không nhận thêm được chút gì cho thân tâm mình!
 
Hương Saigon hô hào dùng tiếng Việt trong sáng mà trong 1 số bài cô ta viết người ta thấy một đống lẫn lộn Anh, Việt xà bần, còn chú tiếng Anh không cần thiết, chẳng hạn viết khiêu khích thì ai cũng hiểu rồi, cô ta còn mở ngoặc viết (provocative), lại còn dùng chữ Hán Việt không cần thiết, như thay vì viết “Vài ý kiến về……” thì cô lại ra vẻ ta đây rành rẽ Hán Việt mà viết “Vài dòng thanh nghị……” tới chẳng ra cái thể thống chi cả!
Nếu thực sự cô giỏi tiếng mẹ đẻ thì cần chi phải viết Việt chêm Anh như thế?
 
Trở lại những phê bình của những người nói qua nói lại với Hương Saigon, của những người bên ngoài nói vào, như bất phục thiện”, “ngựa non háu đá”, “trịch thượng”, “kiêu ngạo”, “háo thắng”, “lối”, “khi người”…… tôi thấy cũng không xa sự thực là mấy!
Những người khác nói đã quá đủ, tôi không nói gì thêm, không có gì để nói, chỉ thấy cô Hương Saigon đến chỉ có “năm gian nhà cỏ”, và “một chiếc thuyền câu” mà thôi!
 
Ở một đoạn trước, trong e-mail ngày 05 tháng 11 bạn Chinh Trần viết:
~ “3/. Hương SaiGon nói đúng “there is always someone whom you could never convince… và hình như HSG cũng là một trong số “someone” này thì phải!??”.
 
Tôi thì tôi không “convince” cô Hương Saigon!
Có gì mà phải “convince” ở đây, vì rằng, cái sai, cái học chưa tới đâu về phương diện ngôn ngữ Việt của Hương Saigon tôi đã nêu ra rất rõ, dẫn chứng rất rõ, chẳng có gì để mà “convince” cả!
Khi nói Mặt trời mọc ở đằng Đông thì tôi có cần phải “convince” Hương Saigon để cho cô ta đồng ý với tôi là Mặt trời mọc ở đằng Đông, mà không ở đằng Tây hay không?
                                                                           #
Người ta vẫn nói ếch ngồi đáy giếng, nhưng tôi còn biết một câu nữa:
- “Ngồi dưới giếng dòm sao chẳng qua chỉ thấy mấy vì sao!”.
Cô Hương Saigon “chẳng qua chỉ thấy mấy vì sao” lác đác, nhưng thường tưởng rằng mình thấy cả một bầu trời sao!.
Hương Saigon ngồi dưới đó cũng đã đủ lâu rồi, tới lúc phải lôi cô ta lên cho cô ta thấy một trời lấp lánh những sao là sao!
 
Minh Di.
Vu xứ. Sydney.
09 tháng 11.
8 giờ 30 tối.
Bổ túc: 11/ 11/ 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét