Đinh Từ Thức
(PHẦN I)
Lời giới thiệu: Vụ tấn công giết gần ba ngàn người ngay trên đất Mỹ ngày 11 tháng 9, 2001 được coi quan trọng ngang tầm vụ tấn công vào Pearl Harbor cuối năm 1941. Mỹ chỉ mất gần bốn năm để tóm cổ Thủ tướng Nhật Tojo Hideki, và ba năm xét xử trước khi treo cổ ông ta. Nhưng đã mất tới mười năm để hạ sát Osama bin-Laden.
Một tuần sau vụ 11 tháng 9, tới thăm Ngũ giác đài ngày 17 tháng 9, Tổng Thống George Bush tuyên bố: “Tất cả những gì tôi có thể nói là Osama bin-Laden là nghi phạm chính”. Ông nói, “Tôi muốn công lý. Như cáo thị ở miền Tây ngày xưa từng niêm yết: Cần bắt, sống hay chết”.
Cuộc săn bắt thật ra đã bắt đầu trước 11 tháng 9, 2001, khi bin-Laden chính thức tuyên bố mở đầu cuộc thánh chiến chống lại Hoa Kỳ từ năm 1996. Nhưng cuộc săn bắt chỉ thực sự khẩn trương từ sau vụ 11 tháng 9.
Bài này đã được viết lại, và dịch lại, dựa theo nhiều tài liệu đã công bố trên Washington Post, New York Times, Reuters, nhất là các bài “The Hunt” trên Wasington Post ngày 6 tháng 5, 2011, của Peter Finn, Ian Shapira, và Marc Fisher, bài “Top Secret America: STEALTH MISSIONS” của Dana Priest và William M. Arkin, cũng trên Washington Post ngày 4 tháng 9, 2011, và đặc biệt là bài “Getting Bin Laden” trên tạp chí The New Yorker ngày 8 tháng 8, 2011, của Nicholas Schmidle. Các tác giả bài The Hunt đã viết dựa trên các cuộc phỏng vấn trên 20 giới chức cao cấp về chính trị, quân sự và tình báo từ các chính quyền Clinton, Bush và Obama. Riêng bài báo của Schmidle đã được coi như một “coup” ngoạn mục trong làng báo, với nội dung rất phong phú, gồm những chi tiết chưa hề được tiết lộ trước đó.
Ngoài lời tuyên bố sẽ bắt bin Laden đền tội trước công lý dù sống hay chết, ông Bush còn đe dọa những ai giúp đỡ hay chứa chấp thủ phạm cũng sẽ bị trừng phạt. Chế độ Taliban của Afghanistan đã chứa chấp bin Laden, không chịu nộp trùm khủng bố này theo lời yêu cầu của Washington, nên Hoa Kỳ và đồng minh đã đổ bộ Afghanistan từ ngày 7 tháng 10, 2001.
Cùng ngày 17 tháng 9, 2001, ngoài lời tuyên bố Osama bin Laden là thủ phạm chính, Tổng thống George Bush còn chỉ thị cho CIA được quyền bắt hay giết các nghi phạm khủng bố. Cuộc đột kích hạ sát bin Laden đêm 1 tháng 5, 2011, trên căn bản pháp lý, dựa vào chỉ thị còn hiệu lực này.
Dư luận đã từng được nghe nhiều về những hành tung bí mật của CIA, và khả năng phi thường của “Người Nhái” (SEAL = Sea, Air and Land), nhưng trong mười năm qua, một cơ quan cực kỳ bí mật của Mỹ chuyên về chống khủng bố, bao trùm cả CIA và SEAL, là Bộ Chỉ huy hỗn hợp các chiến dịch đặc biệt (JSOC = Joint Special Operations Command). Chính cơ quan này đã phụ trách việc săn bin Laden. JSOC được mô tả như môt thế lực đen, ra lệnh hành động, nhưng không thể nhìn thấy. Được thành lập vào năm 1980, khởi đầu chỉ gồm một toán nhỏ, và chuyến ra quân đầu tiên để cứu các con tin Hoa Kỳ tại Đại Sứ Quán Mỹ ở Tehran đã gặp thất bại nặng nề, vì hai trực thăng đụng nhau, chẳng cứu được ai, còn thiệt mạng tám người trong nhóm đi cứu. Nhưng trong mười năm qua, nhân số của tổ chức này đã tăng gấp mười lần, với địa bàn hoạt động và quyền hành rộng rãi, cũng như cực kỳ bí mật. Khi các thành viên của nhóm ưu tú này hạ sát bin Laden ở Pakistan vào tháng Năm vừa qua, cấp chỉ huy JSOC đã ăn mừng, không phải chỉ do sứ mạng thành công, mà còn vì rất ít người biết có tổ chức này, đặt bản doanh tại Fayetteville, NC.
Tiền mặt là vũ khí
Mỹ bắt đầu cuộc chiến Afghanistan chỉ bốn tuần sau 11 tháng 9, với rất nhiều khó khăn, vì quá xa lạ, và thiếu người thông hiểu ngôn ngữ cũng như lịch sử và phong tục tập quán Afghanistan. Nhất là tại một nơi vẫn còn trong tình trạng bộ lạc. Công tác đầu tiên là phải tìm ra những ai là tù trưởng có thế lực, gặp họ, và khi gặp, phải mang theo quà. Thông điệp đưa ra: “Chúng tôi là bạn của quý vị, là bạn của mọi người. Những ai tốt với chúng tôi, thì được nhận đô la Mỹ”.
Berntsen của CIA chỉ huy một nhóm với nhiệm vụ săn bin Laden, làm việc tại một nhà khách ở Kabul, chứa hàng triệu đô la tiền mặt, để trong những hộc bằng plastic, sẵn sàng chi bạc ngàn cho những ai đưa tin về nơi trú ẩn của bin Laden. Berntsen nói, có khi nhận được tám báo cáo cùng một lúc, cho biết bin Laden đang ở làng này, hay làng kia. Thật ra, chẳng ai biết rõ bin Laden đang ở đâu.
Sau này, theo tin mật do WikiLeaks tiết lộ, căn cứ vào lời khai của những nghi can khủng bố bị bắt, ngay sau ngày 11 tháng 9, bin Laden và nhân vật thứ nhì của Al Qaeda là Ayman al-Zawahiri vẫn đi lại bằng xe khắp Afghanistan, hành động như một nguyên thủ quốc gia lưu vong, tiếp các bộ hạ tại Afghanistan, cũng như từ ngoại quốc.
Đầu tháng 10, 2001, vào lúc Mỹ bắt đầu tấn công Afghanistan, bin Laden được một vị trưởng lão Afghanistan là Yunis Khalis mời về nương náu tại Jalalabad, gần vùng hầm hố hiểm trở Tora Bora. Khalis 82 tuổi, là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng của Afghanistan, ông đã từng nhận được hàng chục triệu đô la võ khí do CIA cung cấp để chống Nga. Chính Khalis đã giới thiệu bin Laden với thủ lãnh Taliban là Mohammad Omar. Nhưng khi Mỹ bắt đầu tấn công Afghanistan, Khalis kêu gọi chống Mỹ.
Tới ngụ tại Jalalabad vào tháng 11, 2001, bin Laden cũng vung tiền ra cho các bộ tộc địa phương. Vô hình chung, CIA và bin Laden đã đánh nhau bằng tiền. Nhưng ngoài tiền, Mỹ còn có bom. Khi những cuộc ném bom gia tăng, bin Laden tới ẩn náu tại vùng núi hiểm trở Tora Bora. Tại đây, người của Berntsen đã kiếm ra dấu vết của bin Laden. Vào tháng 12, 2001, Mỹ sử dụng cả pháo đài bay B-52, và chiến đấu cơ F-15, mở cuộc tấn công liên tục kéo dài gần 60 giờ; ngoài ra, một trái bom khổng lồ (BLU-82), được thả xuống từ một phi cơ vận tải C-130, tàn phá một vùng rộng bằng năm sân túc cầu, giết nhiều chiến binh Qaeda, và Berntsen nghĩ rằng trong số có cả bin Laden. Nhưng sáu ngày sau, người của Berntsen nghe được tiếng bin Laden ra lệnh cho thuộc hạ của mình, qua máy radio trên người một tử sĩ Al Qaeda. Bin Laden đã chạy thoát vào sâu trong núi.
Việc hệ trọng không nên nhờ người ngoài
Trở về Kabul, Gary Berntsen đề nghị: muốn bắt bin Laden, oanh tạc bằng máy bay chưa đủ, mà cần phải có 800 biệt động quân mở cuộc lùng bắt, mới có thể thành công. Yêu cầu tấn công bằng bộ binh không được đáp ứng, vì khi đó, đã có dự tính dùng quân cho mặt trận Iraq.
Vẫn cố bám sát bin Laden, CIA đã tuyển được một người Afghanistan vào sâu trong núi, đem cho bin Laden và thuộc hạ thực phẩm và nước uống. Người này đã nhìn thấy bố con bin Laden, và trong cơn túng quẫn, bin Laden cũng không chê đồ ăn, nước uống.
Không đủ quân để tảo thanh vùng hiểm trở Tora Bora, một toán đặc nhiệm tinh nhuệ chọn lọc gồm 30 người thuộc lực lượng Delta, được trao nhiệm vụ đột kích nơi nghi là sào huyệt của bin Laden từ Pakistan, là phía sau ít được phòng thủ. Toán đặc nhệm phải mang theo bình dưỡng khí, vì phải vượt qua mỏm núi cao tới 14 ngàn bộ. Theo dự trù, cuộc đột kích này có sự phối hợp với quân của cả Pakistan và Afghanistan.
Theo lệnh trên, toán đặc nhiệm Delta ngừng tại phía biên giới thuộc Afghanistan để cho quân Afghanistan tiêu diệt bin Laden, trong khi quân Pakistan trấn giữ kín biên giới của mình. Nhưng theo vị thiếu tá chỉ huy toán đặc nhiệm (nay đã về hưu, viết sách với bút hiệu Dalton Fury), quân Afghanistan thiếu tinh nhuệ và sự hăng say chiến đấu, trong khi phía quân Pakistan đã lỗi hẹn, không có mặt. Ngày 10 tháng 12, 2001, được tin báo chỗ ở của bin Laden ở vùng Tora Bora, toán đặc nhiệm mở cuộc tấn công chớp nhoáng, nhưng khi thấy bị các đồng minh Afghanistan bỏ rơi đàng sau lằn ranh của địch quân, toán này phải ngừng tiến quân, bỏ ra hai giờ để cứu đồng đội. Cuộc tấn công bị hủy bỏ. Mùa Hè năm sau, người của Fury trở lại Tora Bora với một toán giảo nghiệm, đào 80 ngôi mộ chiến binh al-Qaeda, nhưng không tìm thấy ai mang dấu tích của bin Laden.
Toán săn bin Laden tiếp tục công tác. Tháng 12 ngăm 2002, họ mở một cuộc tấn công ban đêm vào Tora Bora, bắt được một người chăm sóc sức khỏe cho bin Laden. Người này nói bin Laden đã đi khỏi nơi này từ lâu. Kể từ đó, coi như bặt tin, trừ khi thỉnh thoảng bin Laden lại xuất hiện qua các đoạn băng video để tuyên truyền.
Theo các giới chức hàng đầu về tình báo, qua kinh nghiệm săn hụt bin Laden, Hoa Kỳ đã học được một bài học, là không nên nhờ người ngoài làm hộ chuyện quan trọng như giết bin Laden.
Mấy tháng sau Tora Bora, trong khuôn khổ chuẩn bị chiến tranh Iraq, chính quyền Bush rút bớt lực lượng đặc nhiệm và CIA từng được dùng để săn bin Laden ở Afghanistan. Ngay cả những máy bay không người lái (drones) vốn dùng để theo dõi những người qua lại ở vùng núi non hiểm trở tại Afghanistan cũng được dùng để chuẩn bị mặt trận Iraq. Trung tướng John Vines từng nói với Washington Post vào năm 2006 rằng: có lần, quân của ông chỉ còn cách nửa giờ là đuổi kịp bin Laden, ông xin máy bay không người lái theo dõi ba đường tẩu thoát. Nhưng chỉ có một máy bay sẵn sàng, những chiếc khác đã được gửi tới Iraq. Mục tiêu chạy thoát.
Bỏ đầu, tìm đuôi
Cuộc săn bin Laden không đem lại kết quả đã gây tranh cãi tại Washington, và đơn vị chuyên săn các mục tiêu quan trọng (HVT = High-Value Targets – bin Laden được coi là HVT-1) đã phải nghĩ tới cách săn theo đường lối mới: tìm đuôi để lần ra đầu. Bin Laden có thể trốn trong núi, có thể không, nhưng câu hỏi quan trọng không phải là “Bin Laden đang ở đâu?” mà là, “Bin Laden làm thế nào để thông tin?”
Kết quả thẩm vấn các nghi can khủng bố bị bắt cho biết bin Laden chỉ ra lệnh cho thuộc hạ mỗi tháng một lần, qua liên lạc viên. Điều này khiến các nhà phân tích và giới chức tình báo nhận thấy “cần phải biết rõ mạng lưới tổ chức và các liên lạc viên, để có thể tìm ra nơi trú ẩn của mục tiêu”.
Tại Bạch Ốc, do áp lực của dư luận về việc săn bin Laden quá chậm, ông Bush đã phải mở “chiến dịch Cannonball”, ra lệnh cho CIA “tràn ngập khu vực”, gia tăng nỗ lực săn đuổi tại Pakistan và Afghanistan, nhưng không đem lại kết quả nào.
Nhưng việc tìm hiểu mạng lưới tổ chức của al-Qaeda vẫn tiếp tục. Ngoài CIA, quân đội cũng tham dự cuộc săn bắt. Năm 2006, với tư cách chỉ huy JSOC, Tướng McChrystal đã mở những cuộc hành quân săn bắt các lãnh tụ của al-Qaeda tại cả Iraq, Afghanistan và Yemen. Theo Tướng McChrystal “để đánh bại một mạng lưới quân địch, chúng ta cũng phải trở thành một mạng lưới”. Những tin tức tình báo được phổ biến cho mọi người tại chiến trường, thay vì chỉ gửi cho hệ thống chỉ huy. Video từ các máy bay không người lái không chỉ được gửi cho các nhà phân tích điều khiển các chuyến bay trinh sát, mà gửi cả cho các nhóm chiến đấu tại trận địa. Kết quả tăng lên rõ ràng.
Tại CIA, các nhà phân tích không chỉ tìm kiếm dấu vết nơi các hầm hố, mà còn cả trong sách vở và lời khai từ các cuộc thẩm vấn nghi phạm. Ví dụ, trong cuốn sách nổi tiếng “Growing up Bin Laden” do vợ bin Laden là Najwa và con trai là Omar viết rằng, bin-Laden đã từng có những căn nhà an toàn ở Kabul, vì ông ta nghĩ Mỹ sẽ không bao giờ dội bom ở thành phố, vì sợ giết dân vô tội. Điều này khiến các nhà phân tích nghĩ bin Laden có thể trốn ở thành phố.
Anh hùng thấm mệt
Cuộc săn bắt tiến triển quá chậm, trong khi áp lực của dư luận quá lớn, khiến giới hữu trách cảm thấy mệt mỏi. Một cựu viên chức từng làm việc tại Bạch Ốc thời ông Bush cho biết: “Chúng tôi đã không thể tìm thấy bin Laden sớm hơn. Bên ngoài, chúng tôi vẫn giữ vẻ khẩn trương, làm như cố gắng hết sức. Nhưng năng lực đã hao mòn. Cuộc săn bắt đã bị coi như vấn nạn hạng nhì. Hơn nữa, đó là thời gian cuộc chiến Iraq trong tình trạng tồi tệ nhất”.
Cùng với cuộc chiến Iraq, tình trạng căng thẳng với võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đã đoạt sự chú ý hàng đầu của dư luận. Các giới chức cao cấp của chính quyền Bush không muốn đề cập tới cuộc săn bin Laden nữa. Trong mấy năm kế tiếp, cuộc săn bắt chỉ còn nhờ vào kết quả quan sát của máy bay trinh sát không người lái. Nhưng hy vọng vẫn chỉ là hy vọng.
Vào khoảng năm năm sau cuộc săn bắt, vì thiếu những tin tức khả tín về bin Laden, Bạch Ốc của ông Bush, qua các tuyên bố chính thức, đã có chiều hướng giảm thiểu vai trò quan trọng của cá nhân bin Laden, và hướng dư luận về những đe dọa khác.
Đầu năm 2009, Tổng Thống Bush con chấm dứt nhiệm kỳ, ra đi tay trắng, không bắt được bin Laden, sống hay chết. Cuộc săn Osama sang tay Obama.
Một tháng trước cuộc bầu cử tháng 11 năm 2008, trong cuộc tranh luận chót với đối thủ John McCain tại Đại Học Belmont ở Nashville, một phụ nữ trong số khán thính giả hỏi ông Obama rằng, ông có theo đuổi cuộc săn bắt lãnh tụ Al Qaeda không, nếu bin Laden trong lãnh thổ Pakistan, và làm như vậy, liệu có xâm phạm lãnh thổ của đồng minh không? Ông Obama trả lời: “Nếu chúng ta thấy Osama bin Laden và chính quyền Pakistan không thể, hay không muốn bắt, thì tôi nghĩ rằng chúng ta phải hành động để bắt. Chúng ta sẽ giết bin Laden. Chúng ta sẽ đập tan Al Qaeda. Đó là ưu tiên lớn nhất cho an ninh quốc gia của chúng ta”. McCain cho đó là lời hứa hão.
Bốn tháng sau khi Obama làm chủ Bạch Ốc , Giám Đốc CIA Leon Panetta tường trình Obama về các chương trình và sáng kiến mới nhất trong cuộc săn bin Laden. Obama không mấy phấn khởi. Vào tháng Sáu, ông đã chỉ thị cho Panetta thảo ra một kế hoạch chi tiết, sử dụng mọi nỗ lực cần thiết để săn bin Laden. Obama cũng ra lệnh cho CIA tăng cường các vụ tấn công bí mật của máy bay không người lái. Trong năm đầu nhiệm kỳ Obama, các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn trong nội địa Pakistan nhiều hơn tổng số tám năm nhiệm kỳ của ông Bush. Theo tin CBS tháng 7, 2009, chính Al Qaeda cũng thừa nhận “nhiều tư lệnh can trường đã bị bắt, và nhiều cơ sở bí mật đã bị bình địa”. Nhưng bin Laden vẫn biệt tăm.
(PHẦN II)
Người rảo bước
(Không ảnh chụp căn nhà nghi là nơi ẩn náu của Osama bin Laden)
Tháng Tám 2010, Panetta trở lại Bạch Ốc với tin tức khá hơn. Các nhà phân tích của CIA tin rằng họ đã tìm ra liên lạc viên của bin Laden.
Phải mất cỡ bốn năm để biết tên thật liên lạc viên thân cận nhất của bin Laden. Theo tin Reuters, một nghi phạm khủng bố bị CIA giam ở Guantanamo, tên là Hassan Ghul, sau thời gian thẩm vấn lâu dài, đã cho biết liên lạc viên của bin Laden tên là Abu Ahmad al-Kuwaiti, một người đàn ông ngoài 30 tuổi.
Theo Bob Woodward (người đã phanh phui vụ Watergate khiến Tổng Thống Nixon phải từ chức), nhờ một cú điện thoại di động, CIA đã tìm ra nơi ở của bin Laden. Vào năm 2007, một hôm al-Kuwaiti nhận được một cú điện thoại qua máy di động, từ một người bạn, với những lời thăm hỏi bình thường: “-- Tôi nhớ anh nhiều, bây giờ anh ở đâu, làm gì?” Kuwaiti trả lời bâng quơ: “ – Tôi trở lại với người cũ”. Theo chân Kuwaiti, đã dẫn các thám tử tới căn nhà ở Abbottabad.
Kuwaiti lái một xe SUV mầu trắng với bọc bánh xe phòng hờ vẽ một con tê giác trắng. Việc theo dõi được dành cho vệ tinh, và vệ tinh do thám ghi được hình ảnh chiếc xe này ra vào một ngôi nhà lớn ở Abbottabad. Các thám tử cho rằng Kuwaiti sống tại đây, nên cho vệ tinh quan sát thường trực ngôi nhà. Đó là một ngôi nhà chính ba tầng, một nhà khách và vài căn phụ. Họ quan sát thấy những người ở trong nhà thay vì đổ rác như người khác, đã đốt rác. Căn nhà cũng không có đường giây điện thoại và Internet. Mỗi khi Kuwaiti muốn gọi điện thoại di động, thường ra khỏi nhà cả hơn trăm cây số mới lắp pin vào máy. Kuwaiti và người anh/em lui tới căn nhà này thường xuyên. Nhưng có một người đàn ông khác, sống trên tầng ba, không bao giờ rời ngôi nhà. Khi người này ra khỏi nhà, thì vẫn ở trong khu vực được che chắn bởi các bức tường cao. Một số nhà phân tích cho rằng người này là bin Laden, và gọi bằng tên là “người rảo bước” (The pacer).
Obama, dù phấn khởi, vẫn chưa chuẩn bị ra lệnh hành động bằng biện pháp quân sự. Theo John Brennan, cố vấn chống khủng bố của tổng thống, các cố vấn của Obama bắt đầu một cuộc tra vấn về những sự kiện thu được qua các cuộc thẩm vấn nghi phạm, xem có luận cứ nào phủ nhận việc bin Laden sống tại căn nhà ở Abbottabad không. Đồng thời, CIA gia tăng nỗ lực thu góp các tài liệu tình báo. Theo báo The Guardian, một bác sĩ Pakistan làm việc cho CIA đã mở một cuộc chủng ngừa ở vùng Abbottabad, để hy vọng tìm được mẫu DNA của các con bin Laden (không có ai trong ngôi nhà đã đi chủng ngừa).
Người Nhái nhảy ra
Cuối năm 2010, Obama ra lệnh cho Panetta bắt đầu thảo kế hoạch cho một cuộc đột kích bằng quân sự vào ngôi nhà. Panetta tiếp xúc với Phó Đô Đốc (đã lên Đô Đốc 4 sao từ tháng Tám 2011) Bill McRaven, Tư lệnh Bộ chỉ huy hỗn hợp các chiến dịch đặc biệt (JSOC = Joint Special Operations Command), và từng là chỉ huy trưởng của một đơn vi Navy Seal. Tháng Giêng năm 2011, McRaven cử Brian, vốn là chỉ huy phó của một đơn vị người Nhái, có tên chính thức là Naval Special Warfare Development Group – DEVGRU (Nhóm phát huy chiến tranh đặc biệt của Hải quân), thảo kế hoạch hành quân.
Tháng sau đó, Brian vào làm việc tại một văn phòng ở tầng 1 Trụ sở Trung Ương CIA, Langley, thuộc bang VA, ngoại ô Washington, DC. Brian treo kín tường bản đồ và không ảnh ngôi nhà Abbottabad. Brian và chừng nửa tá sĩ quan biệt phái từ JSOC làm việc tại trung tâm chống khủng bố của CIA, đặc trách Pakistan/Afghanistan, nhưng thực tế, họ hoạt động độc lập. Một viên chức cao cấp về chống khủng bố từng viếng nơi làm việc này, mô tả đó là một nơi bí mật phi thường, “tất cả mọi cộng việc của họ đều giữ kín”.
Liên hệ giữa các đơn vị công tác đặc biệt với CIA đã có từ thời chiến tranh Việt Nam. Nhưng làn ranh giữa hai bên đã ngày càng lu mờ, khi các giới chúc CIA và sĩ quan quân đội cùng được gửi sang Iraq và Afghanistan. Theo một giới chức Bộ Quốc Phòng: “Họ lớn lên với nhau, hoạt động chung với nhau, nói tiếng của nhau”. Giới chỉ huy cũng thay đổi lẫn nhau: Tướng David Petraeus, cựu tư lệnh tại Iraq và Afghanistan, bây giờ là Giám Đốc CIA, trong khi Giám Đốc CIA Leon Panetta trở thành Bộ Trưởng Quốc Phòng.
Điệp vụ bin Laden, lập kế hoạch tại trụ sở trung ương CIA, và ra lệnh dưới tư cách CIA, nhưng thi hành bởi người Nhái của Hải Quân (Navy SEAL).
Từ ám ảnh “Móng Đại Bàng”…
Hôm 14 tháng Ba, 2011, Obama triệu tập các cố vấn an ninh quốc gia vào Phòng tình hình (Situation Room) ở Bạch Ốc, để thảo luận và lấy ý kiến trên một số chọn lựa cho vụ tấn công Abbottabad. Đa số lựa chọn giữa giải pháp một cuộc tấn công của JSOC, hay một trận oanh tạc bằng máy bay; một vài đề nghị khác, kể cả việc cộng tác với giới quân sự Pakistan. Obama chống lại việc thông báo hay làm việc chung với Pakistan. Một cố vấn của tổng thống tiết lộ: “Sự thật đã có việc không tin tưởng là Pakistan có thể giữ bí mật, dù chỉ hơn một khoảnh khắc”. Cuối cuộc họp, Obama ra lệnh cho McRaven tiến hành với kế hoạch đột kích.
Brian mời James, Chỉ huy trưởng Đội Nhái Hồng (Red Squadron) của DEVGRU, và Mark, một sĩ quan ưu tú của Hải Quân, tới làm việc với ông ta tại trụ sở trung ương CIA. Họ đã mất hai tuần rưỡi để tìm ra cách đột nhập vào bên trong căn nhà ở Abbottabad. Một giải pháp là trực thăng bay tới địa điểm ngoài Abbottabad, rồi để cho toán biệt kích đột nhập thành phố bằng đường bộ. Giải pháp này có thể gặp nhiều rủi ro, dễ bị khám phá, và toán biệt kích có thể mỏi mệt, vì phải chạy xa để tới căn nhà. Các kế hoạch gia đã nghĩ tới việc đào hầm dẫn tới căn nhà – hay rất có thể bin Laden đã có sẵn đường hầm để thoát ra. Nhưng hình ảnh do Cơ quan Quốc gia Trinh sát Không địa (National Geospatial Intelligence Agency) cho thấy có nước tụ ở vùng này, nghĩa là căn nhà cất trên một vũng lụt, khiến việc đào hầm không thể thực hiện. Cuối cùng, mọi người đồng ý để trực thăng chở toán biệt kích thẳng tới căn nhà.
Ngày 29 tháng Ba, McRaven đem kế hoạch tới Obama. Các cố vấn quân sự của Obama đã chia rẽ. Một số ủng hộ cuộc đột kích, một số ủng hộ cuộc oanh tạc bằng máy bay, và một số người khác muốn đợi cho đến khi tin tình báo khá hơn. Robert Gates, Bộ Trưởng Quốc Phòng, là người chống đối mạnh mẽ nhất một cuộc đột kích trực thăng vận. Ông Gates nhắc cho mọi người nhớ lại việc ông đã từng ở trong Phòng Tình hình Bạch Ốc thời Tổng Thống Carter, khi các giới chức quân sự trình bầy kế hoạch “Móng đại bàng” (Eagle claw) vào năm 1980 về cuộc đột kích bất thành của lực lượng Delta để cứu các con tin tại Tehran. Kết quả là một đại họa, vì trực thăng đụng nhau tại sa mạc Iran, khiến tám quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng. Ông Gates chua cay: “Họ cũng nói đó là một kế hoạch khá tốt”. Ông Gates và Tướng James Cartwright, Phó Chủ Tịch Liên Quân, thiên về kế hoạch không tập bằng pháo đài bay B-2. Lựa chọn này tránh được rủi ro để quân Hoa Kỳ đặt chân trên lãnh thổ Pakistan. Nhưng Không Lực tính ra rằng, một chuyến bay chở 32 “bom khôn” (smart bomb), mỗi trái nặng hai ngàn cân, mới đủ sức để xâm nhập khoảng 10 mét chiều sâu, hầu có thể phá hủy mọi căn hầm, “một sức mạnh như vậy sẽ tương đương một vụ động đất”. Theo Tướng Cartwright, triển vọng san bình địa một thị trấn Pakistan khiến Obama khựng lại. Ông đã loại bỏ kế hoạch B-2, và ra lệnh cho McRaven bắt đầu tập dượt vụ đột kích.
Đến triển vọng “Giáo Hải Thần”
Brian, James, và Mark lựa chọn một toán gồm hơn hai chục người Nhái, từ “Đội Hồng” (Red Squadron), và bảo họ tới trình diện tại địa điểm là một cánh rừng rậm ở North Carolina, đề bắt đầu tập dượt vào ngày 10 tháng Tư (Red Squadron là một trong bốn squadron của DEVGRU, có tất cả khoảng 300 người). Ngoài James và Mark, không có ai trong nhóm người Nhái biết được nguồn tin tình báo của CIA và căn nhà nghi là nơi bin Laden trú ẩn. Cho đến khi một thiếu tá Hải Quân bước vào một căn phòng tại nơi huấn luyện, thấy một Tướng hai sao từ JSOC ngồi tại bàn hội nghị với Brian, James và Mark, và nhiều nhà phân tích từ CIA, chắc chắn đây không phải là cuộc huấn luyện thông thường. Một căn nhà giống hệt nơi tình nghi bin Laden đang cư ngụ được dựng lên tại nơi luyện tập, với hàng rào giây thép thay cho bức tường cao bao bọc chung quanh căn nhà. Toán biệt kích dành ra năm ngày để thực tập. Ngày 18 tháng Tư, cả toán bay tới Nevada cho một tuần thực tập nữa. Nơi tập dượt là một rẻo sa mạc do chính quyền sở hữu, ở độ cao tương đương với vùng chung quanh Abbottabad. Một căn nhà được giả định là nơi ở của bin Laden. Nhóm phi hành lập ra đường bay giống như chuyến bay từ Jalalabad tới Abbottabad. Mỗi buổi tối, sau mặt trời lặn, cuộc tập dượt bắt đầu. Mười hai người Nhái, kể cả Mark, lên chiếc trực thăng số 1. Mười một người Nhái, kể cả James, cùng với Ahmed (thông dịch) và Cairo (quân khuyển), lên chiếc trực thăng số 2. Phi công bay trong trời tối, đến căn nhà mẫu.
Theo kế hoạch đột kích, khi tới nơi, trực thăng 1 không đáp xuống, mà giữ nguyên vị trí trên sân căn nhà, thả hai giây cho 12 người tụt xuống. Trực thăng 2 bay về phía Đông Bắc căn nhà, thả xuống thông dịch viên Ahmed, chó Cairo, cùng bốn người Nhái; nhóm này sẽ theo dõi và đối phó với tình hình bên ngoài căn nhà. Rồi trực thăng 2 bay trên căn nhà, thả James xuống mái nhà cùng sáu người Nhái còn lại. Nếu mọi sự diễn ra đúng dự trù, Ahmed, người Mỹ gốc Pakistan, nói tiếng Pakistan, sẽ không cho những láng giềng tò mò tới gần căn nhà. Bốn người Nhái, và con chó sẽ giúp anh, nếu cần. Rồi, nếu không tìm thấy bin Laden, con Cairo có thể được cho vào nhà để đánh hơi, tìm những tường giả hay cửa kín. Ahmed, vốn là nhân viên văn phòng, chưa hề có kinh nghiệm tụt từ trực thăng, đã phải học cấp tốc về kỹ thuật này.
Một chuyến bay chở đầy khách tới vào đêm 21 tháng Tư. Đô Đốc Mike Mullen, Chủ Tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân, cùng với Đô Đốc Eric Olson, tư lệnh Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (Special Operations Command – SOCOM), và Phó Đô Đốc McRaven, tư lệnh JSOC, họp với nhân viên CIA trong một nhà chứa máy bay (hangar), trong khi Brian, James, Mark và các phi công trình bầy vắn tắt về kế hoạch đột kích, được gọi là “Chiến dịch Giáo Hải Thần” (Operation Neptune’s Spear).
Thiếu tin tưởng
Mặc dầu do JSOC lãnh đạo, cuộc hành quân chính thức là một sứ mạng bí mật của CIA. Tính cách bí mật cốt để Bạch Ốc che dấu vai trò của mình, nếu cần. Như một giới chức mô tả gần đây: “Nếu cuộc đột kích chẳng tóm được ai, thì cứ êm ả rút lui, chẳng ai biết”.
Sau khi nghe trình bầy về cuộc hành quân, có người hỏi: “Nếu có đám đông kéo đến quanh căn nhà, thì sao? Liệu người Nhái có chuẩn bị để bắn vào thường dân?” Olson, người từng được tặng huy chương ngôi sao bạc trong vụ trực thăng Black Hawk bị rơi ở Mogadishu, Somalia, năm 1993, lo lắng sẽ là một tai nạn chính trị, nếu một trực thăng Hoa Kỳ bị bắn rớt trong lãnh thổ Pakistan. Sau khoảng một giờ thảo luận, các sĩ quan cao cấp và các nhà phân tích tình báo trở về Washington. Hai ngày sau, toán người Nhái trở lại căn cứ của họ ở Dam Neck, Virginia.
Đêm thứ Ba, 26 tháng Tư, toán nguời Nhái lên một phi cơ Boeing C-17 Globemaster tại Naval Air Station Oceana, cạnh Dam Neck. Sau khi đáp xuống lấy thêm nhiên liệu tại Ramstein Air Base ở Đức, chiếc C-17 tiếp tục bay tới Bagram Airfield, Bắc Kabul. Toán người Nhái qua đêm tại Bagram, rồi tới Jalalabad vào thứ Tư.
Hôm đó, tại Washington, Panetta triệu tập một phiên họp trên một chục viên chức cao cấp và các nhà phân tích CIA, để thảo luận về những chuẩn bị sau cùng. Panetta hỏi từng người tham dự, yêu cầu họ nói ra cảm tưởng của mình, xem có bao nhiêu tin tưởng về việc bin Laden ở tại căn nhà tình nghi. Một giới chức chống khủng bố tham dự cuộc họp nói với tác giả bài báo trên New Yorker rằng: “Tỷ lệ thay đổi từ 45% đến 95%”. Panetta quan tâm tới sự nghi ngại của các nhà phân tích, nhưng ông ta tin rằng những tin tình báo có được tốt hơn tất cả những gì CIA thu lượm được về bin Laden, từ khi ông ta thoát khỏi Tora Bora.
Xế chiều thứ Năm, Panetta và tất cả mọi người trong nhóm an ninh quốc gia họp với Tổng Thống. Theo dự báo khí tượng, vài đêm kế tiếp, trời sẽ không có trăng trên Abbottabad – điều kiện lý tưởng cho cuộc đột kích. Sau đó, phải chờ một tháng nữa, mới có mấy ngày trăng khuất. Nhiều nhà phân tích từ Trung tâm Quốc gia chống khủng bố được mời phê phán về các phân tích của CIA, sự tin tưởng của họ vào nguồn tin tình báo thay đổi giữa 40 và 60%. Giám đốc Trung Tâm là Michael Leiter nói ông ta muốn đợi có thêm tin tức xác nhận về sự có mặt của bin Laden ở Abbottabad. Theo Ben Rhodes, một phó cố vấn an ninh quốc gia nói gần đây, kế hoạch càng kéo dài, càng dễ bị lộ, “khiến mọi sự sẽ đảo ngược”. Obama hoãn phiên họp sau 7 giờ chiều, nói ông sẽ suy nghĩ qua đêm.
Sáng sau, Tổng Thống họp tại Phòng bản đồ (Map Room) với Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia, và Denis McDonough, một phó cố vấn, và Brennan. Obama đã quyết định để DEVGRU thi hành cuộc đột kích, và để McRaven chọn thời điểm hành sự. Lúc đó là 8 giờ 20 sáng 29 tháng Tư, 2011. Đã quá trễ để khởi sự vào đêm thứ Sáu, và sẽ có nhiều mây bao phủ vào chiều thứ Bảy. Obama dùng điện thoại liên lạc với McRaven, ông này nói cuộc đột kích sẽ diễn ra vào đêm Chủ Nhật, giờ địa phương. Obama nói với McRaven: “Chúc anh và lực lượng thành công; làm ơn cho họ biết là tôi sẽ theo dõi sát vụ này”.
(PHẦN III)
Giờ khởi hành
Chủ Nhật 1 tháng Năm, 2011.
Buổi sáng tại Washington. Các giới chức Bạch Ốc hủy bỏ những cuộc gặp gỡ đã hẹn trước, mua bánh mì kẹp tại Costco, biến Phòng Tình Hình thành Phòng Chiến Tranh. Mười một giờ sáng, các cố vấn cao cấp của Obama bắt đầu tụ họp quanh chiếc bàn hội nghị lớn. Một đường giây video nối họ với Panetta ở Trụ sở Trung ương CIA, và McRaven ở Afghanistan. (Ngoài ra, còn ít nhất hai trung tâm chỉ huy nữa, một ở bên trong Ngũ Giác Đài, và một tại Đại Sứ Quán Mỹ ở Islamabad).
Thiếu tướng Marshall Webb, một phụ tá tư lệnh của JSOC ngồi tại chiếc ghế ở đầu bàn trong một văn phòng nhỏ kế cận, mở chiếc máy vi tính để đùi. Ông mở nhiều cửa sổ trên máy, nối kết ông với Bạch Ốc, và các toán chỉ huy khác. Văn phòng nơi Tướng Webb ngồi, có nguồn cung cấp video duy nhất tới Bạch Ốc, cho nơi đây thấy những gì đang diễn ra tại mục tiêu, được thu hình bởi một máy bay không người lái, không võ trang, loại RQ 170, bay cao khoảng 5 cây số trên Abbottabad. Các nhà lập kế hoạch của JSOC đã quyết định giữ bí mật ở mức cao nhất có thể được, đã chống lại việc dùng thêm máy bay chiến đấu hay thả bom để hỗ trợ. Toán người Nhái phải tự mình lo lấy mọi việc.
Trong khi ấy, Obama vẫn tới căn cứ không quân Andrews ở ngoại ô Washington chơi golf, và trở lại Bạch Ốc lúc 2 giờ chiều. Nửa giờ sau…
Tại Afghanistan, đã hơn 11 giờ đêm. Hai chiếc trực thăng Black Hawk MH 60 cất cánh từ phi trường Jalalabad, phía Đông Afghanistan, bắt đầu phi vụ bí mật hướng vào Pakistan.
Tất cả trên hai trực thăng có 23 người Nhái Hải quân, thuộc Toán Sáu (Team Six), có tên chính thức là Nhóm Phát huy Chiến tranh Đặc biệt của Hải Quân (Naval Special Warfare Development Group – DEVGRU), cùng với một người Mỹ gốc Pakistan làm thông dịch, và con quân khuyển gốc Bỉ. Một đêm không trăng, các phi công đeo kính nhìn thấu đêm, bay không đèn, qua miền núi Pakistan. Radio được sử dụng tối thiểu; ngoài tiếng máy đã bị hãm bớt, một không khí yên lặng đáng sợ trong máy bay.
Mười lăm phút sau, các trực thăng bay xuống thấp theo thung lũng, vào không phận Pakistan, né tránh để không bị khám phá. Sáu mươi năm nay, Pakistan vẫn canh chừng nghiêm ngặt về phía láng giềng Ấn Độ ở mạn Đông, hầu như bỏ ngỏ phía Tây. Tuy nhiên, theo một gới chức quốc phòng Pakistan, sự thật không phải vậy. Pakistan không bao giờ bỏ ngỏ biên giới, thực trạng là kỹ thuật không cân xứng giữa Pakistan và Hoa Kỳ. Mỗi chiếc Black Hawk có hai phi công và phi hành đoàn thuộc Không Đoàn Đặc biệt 160, còn được gọi là “Night Stalkers” (Những kẻ rình đêm). Các trực thăng này đã được cải biến để tránh bị khám phá vì sức nóng, tiếng động, hay chuyển động; vỏ bọc là kim loại đặc biệt, và góc cạnh thay đổi để tránh radar.
Cẩn thận bớt lo
Điểm đến của nhóm người Nhái là căn nhà ở thị trấn nhỏ Abbottabad, cách biên giới Pkistan khoảng 120 dậm, ở phía Bắc thủ đô Islamabad. Abbottabad nằm dưới chân đồi của dẫy núi Pir Panjal, là nơi nghỉ mát nổi tiếng cho những người muốn tránh nắng mùa Hè. Được thành lập từ năm 1853 bởi một thiếu tá người Anh là James Abbott, thành phố này đã là nơi để thành lập Trường Võ Bị uy tín của Pakistan vào năm 1947.
Chỉ cách Trường Võ Bị dưới một dậm, có ngôi nhà lớn ba tầng, được xây cất kiên cố trên thửa đất rộng một mẫu (acre), nằm trên đường Kabul, thuộc Bilal Town, một khu gia cư của giới trung lưu. Theo thông tin CIA thu lượm được, bin Laden ẩn náu trên tầng ba ngôi nhà này.
Theo kế hoạch, toán người Nhái sẽ được thả xuống căn nhà từ trực thăng, trấn áp đám cận vệ, hạ sát bin Laden, rồi đem tử thi về Afghanistan.
Hai trực thăng bay qua Mohmand, là vùng thuộc về một trong 7 bộ lạc của Pakistan, bao bọc phía Bắc Peshawa, rồi tiếp tục bay về phía Đông. Người chỉ huy “Đội Hồng” là James (không phải tên thật) ngồi dưới sàn trực thăng số 2, chen chúc trong đám người Nhái, cùng với thông dịch viên Ahmed (cũng không phải tên thật), và chó Cairo. James ở lứa tuổi ngoài 30, thân hình mạnh khỏe, tuy là người Nhái, nhưng trông giống một lực sĩ ném đĩa, hơn là lực sĩ bơi lội. Đêm nay, anh mặc quần áo dã chiến lẫn với mầu sa mạc, mang súng ngắn Sig Sauer P226 có hãm thanh, cùng nhiều chất nổ, một Camel Bak để phòng khát, và thuốc tăng năng lực để chịu đựng dẻo dai. Anh cũng mang một súng ngắn nòng có hãm thanh (các người Nhái khác chọn loại súng Heckler&Koch MP7 của Đức). Trong túi áo là một bản đồ vị trí căn nhà. Trong túi khác là cuốn tập nhỏ gồm hình ảnh và mô tả ngoại hình của những người tình nghi cư ngụ tại căn nhà. Anh đội mũ có gắn máy lọc nhiễu âm.
(Theo Paris Match, đây là loại súng đã hạ bin Laden: H&K MP7 của Đức)
Trong chuyến bay kéo dài 90 phút, James và đồng đội ôn lại trong đầu những gì sẽ phải làm. Chuyến bay vào Abbottabad không phải là chuyến mạo hiểm đầu tiên vào Pakistan. Toán này đã từng vào nước này hàng chục lần. Tuy nhiên, vụ Abbottabad được coi là chuyến bay sâu nhất của DEVGRU vào lãnh thổ Pakistan, nó cũng được coi là vụ tấn công quan trọng nhất nhắm vào bin Laden, kể từ cuộc tấn công vào Tora Bora cuối năm 2001.
Bốn mươi lăm phút sau khi hai chiếc Black Hawk ra đi, bốn chiếc trực thăng loại Chinooks MH-47 cũng cất cánh từ cùng địa điểm ở Jalalabad. Hai trong số bốn chiếc này bay đến biên giới, đậu lại phía Afghanistan. Hai chiếc kia bay vào lãnh thổ Pakistan. Cho bốn chiếc Chinooks này đi theo, là quyết định vào phút chót, sau khi Tổng Thống Obama nói ông muốn bảo đảm là toán đặc nhiệm Hoa Kỳ có thể tự chiến đấu để ra khỏi Pakistan. Hai mươi lăm người Nhái của DEVGRU được lấy ra từ một đơn vị ở Afghanistan, ngồi trên hai chiếc Chinooks đậu bên trong biên giới – lực lượng “thần tốc” này chỉ được sử dụng nếu toán thi hành sứ mệnh gặp trở ngại bất thường. Các Chinooks thứ ba và thứ bốn, mỗi chiếc trang bị một cặp súng liên thanh M134. Cả hai theo đường bay của hai chiếc Black Hawks đã đi trước, và đậu lại trên một lòng sông cạn và rộng, vắng người ở, thuộc một thung lũng phía Bắc Pakistan. Đậu trên mặt đất, nhưng để cánh quạt vẫn quay, trong khi phi hành đoàn quan sát những đồi núi chung quanh, đề phòng trực thăng hay chiến đấu cơ của Pakistan. Một trong hai chiếc Chinook này có mang theo bình xăng phòng hờ, dự phòng các trực thăng khác cần thêm nhiên liệu.
Khoảnh khắc tựa thiên thu
Trong khi đó, hai chiếc Black Hawks mau lẹ đến Abbottabad từ phía Tây Bắc, bay khuất sau dẫy núi ở phía cực Bắc thành phố. Sau khi lượn qua lượn lại để tránh bị khám phá, hai trực thăng tới trung tâm thành phố. Mười hai ngừơi trong toán trên chiếc dẫn đầu “Helo One”, tất cả đều đeo bao tay và kính nhìn thấu đêm, sửa soạn tụt giây xuống nhà bin Laden. Họ đợi trưởng toán ra lệnh thả giây. Nhưng trong khi bay qua căn nhà, quần một chỗ trên không, và bắt đầu xuống thấp để thả giây, phi công nhận thấy như không còn điều khiển chiếc Black Hawk được nữa, làm như nó sắp rớt.
Mấy phút trước 4 giờ chiều (tại Washington), Panetta báo cho những người trong Phòng Tình Hình biết các trực thăng đang tới gần Abbottabad. Obama đứng dậy, nói “Tôi phải coi vụ này”, rồi bước qua hành lang, vào văn phòng nhỏ, ngồi xuống cạnh Tướng Webb. Phó Tổng Thống Biden, Bộ Trưởng Quốc Phòng Gates, và Ngoại Trưởng Hillary theo sau, cùng với tất cả những ai căn phòng nhỏ có thể chứa được.
(Obama ngồi cạnh Tướng Webb đang theo dõi vụ đột kích qua màn ảnh TV)
Trên màn ảnh TV cỡ trung bình trong căn phòng, hình ảnh đen trắng không rõ nét của chiếc trực thăng số 1 “Helo One” vừa xuất hiện bên trên căn nhà, lập tức có dấu hiệu gặp rắc rối.
Tại hiện trường, khi cảm thấy trực thăng không còn điều động được như bình thường, phi công kéo cần điều khiển cánh quạt, nhưng không có dấu hiệu đáp ứng. Những tường cao quanh căn nhà và khí hậu nóng khiến chiếc Black Hawk tụt hẫng. Khi thực tập tại North Carolina, chuyện rắc rối này không sẩy ra, vì hàng rào giây thép được dùng thay cho bức tường, gió cánh quạt có thể thông qua, không bị dội ngược trở lên, gây rối loạn không khí.
Phi công không còn nghĩ tới việc thả giây, mà chú tâm vào việc làm thế nào để trực thăng rớt xuống an toàn nhất. Ông cố điều khiển cho mũi máy bay đâm đầu xuống một đám bụi đất gần chuồng nuôi gia súc, để tránh trực thăng bị lật nghiêng. Các người Nhái tự ngồi theo thế chống đỡ, trong khi cánh quạt phía đuôi quay loạn xạ, đụng vào tường cao khi trực thăng rớt xuống, một nửa nằm lơ lửng bên ngoài. Thân máy bay nằm chống vào bức tường, ở mức nghiêng 45 độ. Bò, gà, thỏ chạy tán loạn. Phi hành đoàn gửi điện cầu cứu tới mấy chiếc Chinooks đang đợi sẵn.
James và toán người Nhái trong trực thăng “Helo Two” nhìn thấy cảnh này trong khi đang quần trên góc Đông Bắc của căn nhà. Phi công thứ hai này không hiểu đồng bạn gặp nạn vì bị bắn, hay trục trặc kỹ thuật, quyết định bỏ luôn dự tính thả người trên nóc nhà. Thay vào đó, đáp ngay xuống bãi cỏ trước con đường bên kia căn nhà. Lúc này, chưa có người nào đột nhập vào bên trong căn nhà. Mark và toán của anh trong trực thăng 1 rớt tại một góc, trong khi James và toán của anh ở phía đối diện. Tất cả mới tới mục tiêu được một phút, mà kế hoạch đã gặp trở ngại.
Tại Bạch Ốc, theo dõi mọi việc qua màn ảnh TV, Obama và các giới chức thân cận cảm thấy căng thẳng, còn hơn cả coi phim Hitchcock. Thời gian chờ đợi từ khi thấy trực thăng rơi cho đến khi được nghe tin từ hiện trường, tuy chỉ là khoảnh khắc, nhưng dài tựa ngàn năm.
Giờ định mệnh
Sau vài phút, 12 người Nhái thoát hiểm từ Helo One lấy lại bình tĩnh, cho biết họ tiếp tục nhiệm vụ. Vài phút sau khi máy bay đụng đất, Mark và cả toán phóng ra từ cửa hông trực thăng. Bùn lún giầy bốt trong khi họ chạy dọc theo bức tường cao bao bọc chuồng gia cầm. Một toán ba người thuộc đơn vị phá hoại chạy lên trước, dùng chất nổ phá cửa sắt thông chuồng với bên trong khu nhà. Sau tiếng nổ lớn, cửa bật tung. Chín người Nhái chạy tới, qua lối đi dẫn tới phía sau lối vào căn nhà chính, súng hãm thanh sẵn sàng ở thế nhả đạn.
Mark lùi lại sau để thông tin qua radio với toán kia. Ở cuối lối đi, họ phá bung một cửa khóa khác, và bước vào cái sân trước nhà khách, nơi Abu al-Kuwaiti sống với vợ và bốn con.
Ba người Nhái đi trước lo việc thanh toán nhà khách, trong khi chín người còn lại phá một cửa khác để vào sân trong, ở trước nhà chính. Khi đơn vị ba người đi vòng tới góc đối diện các cửa nhà khách, họ thoáng thấy Kuwaiti chạy bên trong, báo động cho vợ và các con. Người Nhái đã nhìn thấy cảnh này đượm mầu xanh ngọc qua kính nhìn đêm. Kuwaiti mặc bộ đồ “shalwar kameez” mầu trắng (kiểu quần áo thùng thình giống như bộ bà ba của VN – quần shalwar hay salwar giống quần pajama, thường phía trên rộng và ống túm; áo kameez rộng, chùng tới đầu gối, không cài khuy phía trước hay bên hông, mà có lỗ chui cổ xẻ xuống phía ngực), lượm vội khẩu súng chạy ra ngoài, khi các người Nhái nổ súng bắn chết.
Chín người Nhái khác, kề cả Mark, họp thành ba đơn vi ba người lo thanh toán sân trong. Các người Nhái nghi rằng còn nhiều đàn ông trong nhà: Người anh/em của Kuwaiti là Abrar 33 tuổi; các con trai của bin Laden là Hamza và Khalid, và chính bản thân bin Laden. Ngay khi bước mau trên lối vào phía trước, một đơn vị người Nhái thấy Abrar vạm vỡ, để ria, mặc bộ shalwar kameez mầu kem, xuất hiện với khẩu AK-47. Hắn bị bắn vào ngực, chết cừng vợ là Bushra, không võ khí, đứng cạnh.
Bên ngoài tường cao bao quanh, thông dịch viên Ahmed đi tuần trên con đường đất trước căn nhà, giống như một cảnh sát viên thường phục của Pakistan; mặc một bộ shalwar kameez bên ngoài áo chắn đạn, anh đóng vai khá chuẩn. Anh và con Cairo cùng bốn người Nhái có nhiệm vụ canh chừng bên ngoài căn nhà, trong khi James và sáu người Nhái khác – những người đáng lẽ tụt giây xuống nóc nhà – tiến vào bên trong. Đối với toán canh chừng bên ngoài, không có chuyện gì sẩy ra trong 15 phút đầu. Chắc chắn láng giềng đã nghe tiếng trực thăng bay thấp, tiếng máy bay rớt, và thỉnh thoảng có tiếng nổ với tiếng súng tiếp theo, nhưng chẳng ai ra ngoài. Một người địa phương viết trên twitter: “Trực thăng quần trên Abbottabad vào lúc 1 giờ sáng (là chuyện ít có)”.
Cuối cùng, có vài người tò mò tới hỏi chuyện gì đang sẩy ra bên kia bức tường. Ahmed nói bằng tiếng Pashto, trong khi con Cairo gương mắt nhìn: “Về nhà đi! Đang có chiến dịch về an ninh”. Họ về nhà ngay, chẳng ai nghĩ rằng họ đã nói với một người Mỹ. Khi phóng viên tới Bilal Town mấy ngày sau, một người địa phương nói với một ký giả: “Tôi trông thấy nhiều lính phóng ra từ trực thăng và tiến về căn nhà. Một vài người nói bằng tiếng Pashto, bảo chúng tôi tắt đèn và ở trong nhà”.
Trong khi đó, James, người trưởng toán đã vượt qua một bức tường, đi qua một khoảng sân có những dàn cây leo, vượt một bức tường thứ nhì, và nhập bọn với toán người Nhái từ Helo One, họ đã vào nhà bằng tầng trệt. Chuyện gì sẩy ra kế tiếp, đã không được kể lại rõ ràng. Sau này, Panetta nói qua chương trình tin tức (NewsHour) trên PBS rằng: “Tôi có thể nói, có một khoảng thời gian chừng 20 hay 25 phút, chúng tôi không biết chắc những gì đã sẩy ra”.
Cho đến lúc này, chiến dịch đã được theo dõi bởi hàng chục giới chức quốc phòng, tình báo, và hành chánh qua video do máy bay không người lái cung cấp. Người Nhái không đeo máy quay phim gắn trên mũ như CBS đã loan tin rộng rãi. Không có ai biết trước cách bố trí bên trong ngôi nhà, và họ còn bị giao động mạnh hơn nữa, khi biết rằng họ có thể sắp kết thúc một cuộc săn bắt đắt giá nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Do đó, kết quả là, ngay cả những lời kể được ghi lại ở đây, cũng có thể thiếu rõ ràng, hoặc gây tranh cãi.
Trong khi đám con của Abrar chạy trốn, người Nhái bắt đầu thanh toán tầng một căn nhà chính, từng phòng một. Mặc dầu người Mỹ từng nghĩ rằng căn nhà có thể đặt bẫy, nhưng sự hiện diện của đám trẻ con cho thấy sự thật không phải thế. Hơn nữa, căn nhà đã bố trí đầy đủ các biện pháp đề phòng đến mức tối đa, như cửa sắt có khóa chắn chân cầu thang lên tầng hai, biến tầng một giống một cái chuồng.
Sau khi phá cửa bằng chất nổ, các người Nhái tiến lên cầu thang. Lên được nửa chừng, họ thấy Khalid, con trai 23 tuổi của bin Laden, nghển cổ ra ở một góc. Rồi anh ta xuất hiện trên đầu cầu thang với khẩu AK-47. Khalid, mặc một áo thung trắng rộng cổ, với tóc ngắn và một chòm râu, bắn xuống phía người Mỹ. (Giới chức chống khủng bố nói Khalid không võ trang, nhưng vẫn là một đe dọa thực sự đáng quan tâm). Ít nhất hai người Nhái bắn hạ Khalid. Theo một cuốn sổ tài liệu nhỏ người Nhái mang theo, có thể tới năm người đàn ông sống trong căn nhà. Ba người bây giờ đã bị giết; người thứ tư là Hamza, con của bin Laden, chưa thấy xuất hiện, và người cuối cùng là bin Laden.
(PHẦN IV)
“We got him”
Trước khi cuộc đột kích bắt đầu, người Nhái đã đặt ra một bảng danh sách các tên hiệu để chỉ mỗi giai đoạn của chiến dịch. Chỉ cần đọc một tên nào đó, người ta có thể biết ngay diễn tiến đang đến dâu, như trực thăng rời Jalalabad, vào không phận Pakistan, tiến tới căn nhà… “Geronimo” là ám hiệu tìm thấy bin Laden. (Geronimo là tên một lãnh tụ người Da Đỏ Apache, từng chống lại quân đội Hoa Kỳ, cuối cùng đã đầu hàng, qua đời vào đầu thế kỷ trước – người Da Đỏ đã than phiền người Mỹ dùng tên Geronimo để chỉ bin Laden).
Ba người Nhái vượt qua thi thể Khalid, phá tung một cửa sắt khác dùng để ngăn xâm nhập tầng ba từ cầu thang. Vừa phóng lên những bậc thang tối om, họ vừa chú mục vào khoảng lan can ở chỗ đứng trên đầu cầu thang. Người Nhái dẫn đầu quay về bên phải, qua kính nhìn đêm, thấy một người đàn ông cao, gầy lòng khòng, với bộ râu dài trên mặt, nhìn ra từ phía sau cửa phòng ngủ, cách khoảng ba mét phía trước. Người Nhái này cảm thấy ngay, đó chính là “Crankshaft” (Trục quay trong bộ máy – tên đã được dùng trước đó để chỉ bin Laden). (Giới chức chống khủng bố nói người Nhái trông thấy bin Laden đầu tiên tại chỗ đứng ở đầu cầu thang, nổ súng, nhưng không trúng mục tiêu).
Các người Nhái ập tới cửa phòng ngủ. Người đầu tiên đẩy cửa mở. Hai trong số các người vợ bin Laden đứng che chắn cho chồng. Người vợ thứ năm, Amal al-Fatah, thét lên bằng tiếng Ả Rập. Bà ta có cử chỉ như sắp tấn công. Người Nhái hạ tầm nhắm, bắn bà ta một phát, vào đùi. Sợ một hay cả hai phụ nữ mặc áo gắn chất nổ tự sát, người Nhái này tiến tới, hai tay ôm cứng cả hai bà, đẩy sang một bên. Anh hầu như chắc chắn mình sẽ bị giết, nếu họ tự nổ, nên ôm cứng họ, có ý che chắn cho đồng đội phía sau thoát chết. Nhưng chẳng có bà nào mặc áo nổ.
Người Nhái thứ nhì bước vào phòng, chĩa tia laser của khẩu M4 vào ngực bin Laden. Lãnh tụ Al Qaeda mặc bộ shalwar kameez mầu nâu nhạt, mũ cầu nguyện trên đầu, tay không võ khí, đứng bất động. Theo một giới chức các chiến dịch đặc biệt, “không bao giờ có chuyện bắt giữ. Chẳng ai cần tù nhân”. (Chính quyền vẫn nói rằng, nếu bin Laden đầu hàng ngay, ông ta có thể đã bị bắt sống). Chín năm, bảy tháng, và 20 ngày sau 11 tháng 9, một người Mỹ đã lẩy cò, kết liễu cuộc đời của Osama bin Laden. Viên đạn đầu tiên, cỡ 5,56 ly, trúng ngực bin Laden. Trong khi ông ta ngã người về phía sau, người Nhái bồi thêm phát thứ nhì vào đầu, ngay trên mắt trái. Qua radio, anh báo cáo: “Vì Thiên Chúa và Tổ Quốc – Geronimo, Geronimo, Geronimo”. Ngừng, rồi anh thêm: “Geronimo E.K.I.A” (Enemy Killed in Action – kẻ thù giết tại trận).
Tại Bạch Ốc, nghe được điều này qua radio, Obama mím môi, nghiêm trang nói, không với riêng ai: “Ta đã hạ hắn” (We got him).
Cần đi lễ tối nay
Buông hai bà vợ bin Laden, người Nhái thứ nhất trói hai bà bằng lạt mềm, rồi hướng dẫn họ xuống dưới nhà.
Trong khi đó, hai trong các đồng đội chạy lên với bao đựng tử thi. Họ mở bao, mỗi người quỳ một bên bin Laden, đặt xác chết vào bao. Mười tám phút đã qua kể từ khi toán DEVGRU đáp xuống. Trong 20 phút kế tiếp, sứ mạng chuyển sang việc thu lượm tin tức và tài liệu tình báo.
Bốn người lục lọi tầng nhì, bao plastic trong tay, họ thu góp các phần mềm, CD, DVD…, và phần cứng computer trong phòng, những vật dụng và tài liệu đã giúp bin Laden điều hành một cơ sở thông tin tại nơi ẩn náu. Trong số tài liệu thu được, có cả video sex. CIA cho biết, căn cứ vào tài liệu thu được, bin Laden đã trực tiếp tham dự vào hoạt động khủng bố, nhiều hơn người ta vẫn tưởng. Ông ta đã phác họa cả kế hoạch ám sát Tổng Thống Obama và Tướng Petraeus, cũng như một cuộc phá hoại ngoạn mục vào dịp kỷ niệm 10 năm vụ 11 tháng 9.
Ở bên ngoài, đàn bà trẻ con được/bị gom lại một chỗ, ai cũng bị trói bằng lạt mềm, và cho ngồi tựa vào bức tường đối diện chếc Black Hawk thứ nhì còn nguyên. Người thông dịch thẩm vấn họ. Hầu hết trẻ con đều dưới 10 tuổi. Chúng hầu như không biết gì về những người sống trên lầu, ngoài “một ông già”. Không có phụ nữ nào xác nhận “ông già” này là bin Laden.
Khi một chiếc Chinook cấp cứu tới, một y tá bước ra, cúi xuống bên tử thi. Anh đâm kim vào thi thể bin Laden, rút ra hai ống mẫu tủy xương. Thêm nhiều mẫu DNA được lấy bằng bông gòn. Một ống mẫu tủy xương được đưa lên chiếc Black Hawk, ống kia đưa lên chiếc Chinook, cùng với tử thi bin Laden.
Sau đó, trước khi ra đi, người Nhái phá hủy chiếc Black Hawk bị rớt. Phi công, với cái búa được dự trữ sẵn để làm việc này, đập nát bảng dụng cụ chỉ dẫn, radio, và các trang bị bí mật khác trong phòng lái. Rồi đến phiên toán phá hoại. Họ đặt chất nổ vào nhiều nơi, gần hệ thống điều khiển, truyền tin, động cơ và cánh quạt. Thêm chất nổ được đặt dưới thân máy bay, một cuốn đạn lửa trong thân máy bay, rồi lùi ra xa. Helo One bùng cháy, trong khi toán phá hoại lên chiếc Chinook. Tất cả đám đàn bà trẻ con đều bỏ lại, số phận họ sẽ do nhà cầm quyền Pakistan định đoạt.
Tại Phòng Tình Hình ở Bạch Ốc, Obama nói: “Tôi sẽ không mừng cho đến khi tất cả trở ra bình an”. Sau 38 phút tại căn nhà, hai toán người Nhái phải trải qua một chuyến bay khá dài trở lại Afghanistan. Chiếc Black Hawk còn ít xăng, cần gặp chiếc Chinook đậu gần biên giới Afghanistan – nhưng vẫn còn trong lãnh thổ Pakistan – để đổ thêm nhiên liệu. Cần tới 25 phút để đổ đầy bình xăng. Có một lúc, Phó tổng Thống Biden – trước đó đã lần tràng hạt cầu nguyện – quay sang Tướng Mullen, Chủ Tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân: “Chúng ta nên đi lễ tối nay”.
Các trực thăng đáp xuống Jalalabad vào khoảng 3 giờ sáng. McRaven và trưởng trạm CIA gặp cả toán tại sân bay. Hai người Nhái khiêng bao đựng tử thi xuống, mở ra, để McRaven và giới chức CIA nhìn thấy tỏ tường thi thể bin Laden. Chụp hình mặt, và thân thể khá dài của bin Laden; được nghe nói cao tới 6 feet 4 inches. Nhưng chẳng ai có sẵn thước đo để xác nhận. Một người Nhái cao 6 feet, nằm xuống bên cạnh tử thi, xác chết quả thật dài hơn người sống khoảng 4 inches. Được biết chuyện này, Obama nói: “Chúng ta đã bỏ ra 60 triệu đô cho chiếc trực thăng (bị phá hủy) trong chiến dịch này. Chẳng lẽ chúng ta không mua nổi một cái thước giây?” Vài phút sau, McRaven xuất hiện trên màn ảnh tại Phòng Tình Hình Bạch Ốc, xác nhận thi thể bin Laden đã nằm trong bọc, trước khi được gửi tới Bagram.
Kế hoạch tốt
Từ trứơc, người Nhái đã lập kế hoạch bỏ xác bin Laden xuống biển. Họ đã từng làm vậy, ít nhất một lần trước đó. Trong một vụ tấn công trực thăng vận của DEVGRU tại Somalia vào tháng 9, 2009, người Nhái đã hạ sát Saleh Ali Saleh Nabhan, một trong các lãnh tụ hàng đầu của Al Qaeda tại Đông Phi châu. Thi thể Nabhan sau đó đã được chở tới một chiến hạm trên Ấn Độ Dương, làm các nghi lễ theo Hồi Giáo, rồi thẩy xuống biển.
Nhưng trước khi làm như vậy với bin Laden, John Brennan, từng có hồi là trưởng trạm CIA ở Riyadh, đã gọi cho một giới chức tình báo quen thuộc của Saudi Arabia. Brennan cho biết chuyện gì đã sẩy ra tại Abbottabad, và cho ông ta biết kế hoạch sẽ thủy táng bin Laden. Tuy nhiên, vì bin Laden có nhiều thân nhân là người có thế lực tại Vương Quốc, cũng như bin Laden trước đây mang quốc tịch Saudi, liệu chính quyền Saudi có muốn nhận xác bin Laden không? Câu trả lời của Saudi, là: “Kế hoạch của các ông có vẻ tốt đấy”.
Bình minh 2 tháng Năm, thi hài bin Laden được chất vào lòng một phi cơ V-22 Osprey (loại phi cơ đặc biệt có thể bay, cất và hạ cánh như máy bay thường, hay xoay hai cánh quạt ở đầu cánh theo chiều thẳng đứng, để cất và hạ cánh như trực thăng), có sĩ quan liên lạc của JSOC và một toán quân cảnh đi theo. Chiếc Osprey bay về hướng Nam, tới hàng không mẫu hạm USS Carl Winson (một mẫu hạm dài bằng ba sân túc cầu, chạy bằng nhiên liệu hạt nhân, đang di chuyển trên Biển Ả Rập, ngoài khơi Pakistan). Một lần nữa, Mỹ lại phải bay qua không phận Pakistan, mà không xin phép.
Xác bin Laden được thanh tẩy, bọc vào khăn liệm, và được đặt vào một túi cùng với trọng lượng cần thiết để chìm. Brennan nói với các ký giả: “Lễ nghi khâm liệm đã được làm đúng theo quy định của Hồi Giáo”. Thi thể được mang vào thang máy lộ thiên, xuống tầng dứơi, nơi thường dùng làm chỗ chứa phi cơ. Từ một nơi cách mặt nước khỏang ba tầng lầu, thi hài được nâng lên một đầu, cho rơi tuật xuống biển.
Trong khi ấy, tại Abbottabad, cư dân Bilal Town và hàng chục nhà báo tụ tập tại căn nhà, tìm hiểu xem những gì đã sảy ra đêm qua. Những khoảng nám đen do chiếc Black Hawk bị phá hủy gây ra vẫn còn đó. Đuôi chiếc Helo One, trông khá lạ so với trực thăng thường, lần đầu tiên xuất hện trước công chúng, vẫn còn treo tòn ten ngoài bức tường cao. Một giới chức chiến dịch đặc biệt nói: “Tôi mừng vì không ai bị thương trong vụ máy bay rớt. Mặt khác, tôi mừng vì dấu tích trực thăng vẫn còn đó. Đấy là bằng chứng, để mọi người có thể tin ngay, là cuộc đột kích đã thực sự diễn ra”.
Khủng bố và tử đạo
Ngày 6 tháng Năm, 2011, Al Qaeda xác nhận cái chết của bin Laden, và phổ biến lời ca tụng “các dân tộc Hồi Giáo” về “cuộc tử đạo của người con yêu dấu Osama”. Tác giả thông điệp nhắn nhủ người Mỹ: “Sự vui mừng của họ sẽ trở thành đau thương và nước mắt họ sẽ hòa với máu”. Cùng ngày này, Tổng Thống Obama tới thăm Fort Kampbell ở Kentucky, nơi đồn trú của đơn vị không vận đặc biệt 160, gặp đơn vị DEVGRU và các phi công đã thi hành cuộc đột kích. Các người Nhái về từ Afghanistan trước đó trong tuần, đã bay đến từ Virginia. Biden, Tom Donilon, và hàng chục cố vấn an ninh khác tháp tùng.
McRaven đón chào Obama trên sân bay (họ đã gặp nhau vài ngày trước đó tại Bạch Ốc, và Tổng Thống đã tặng McRaven một cái thước cuốn). McRaven hướng dẫn Tổng Thống và phái đoàn vào một ngôi nhà ở phía bên kia căn cứ. Họ bước ào một căn phòng không cửa sổ. McRaven, Brian, các phi công, và James lần lượt thuyết trình.
Khi James, trưởng toán lên tiếng, anh kể tên những người Nhái đã hy sinh trong các chiến dịch trước ở Afghanistan, anh nói: “Tất cả những gì chúng ta làm trong mười năm qua đã chuẩn bị cho chúng ta trong vụ này”. James cũng không quên nhắc tới con chó Cairo, khiến Obama chặn ngang: “Có cả một con chó?” James gật đầu, nói con chó ở phòng bên cạnh, nhưng bị bịt miệng, do yêu cầu của mật vụ. Obama nói: “Tôi muốn gặp con chó”. James dỡn: “Nếu ông muốn gặp, nên mang theo phần thưởng”. Obama đi gặp con Cairo, không có “thưởng”, mà có cũng vô ích, vì nó vẫn bị bịt miệng.
Sau đó, Obama và đoàn tùy tùng vào một phòng thứ nhì ở cuối hành lang, để gặp tất cả những ai đã tham dự vào chiến dịch, kể cả những người lo về nơi ăn chốn ở cho toán. Tổng Thống tặng cả đơn vị Bằng Tưởng Lệ. Nhóm biệt kích sau đó tặng Tổng Thống lá quốc kỳ đã để trên chiếc Chinook cấp cứu. Có kích thước 3x5 feet, lá cờ đã được căng ra, ủi thẳng, đóng khung. Tất cả người Nhái và phi công ký tên phía sau, với lời đề tặng khắc ở phía trước: “From the Joint Task Force Operation Neptune’s Spear, 01 May 2011: For God and Country. Geronimo” (Từ Lực lựơng Hỗn hợp Chiến dịch Giáo Hải Thần, 01 tháng Năm, 2011: Vì Thiên Chúa và Tổ Quốc. Geronimo).
Trước khi ra về, Obama đã lần lượt chụp hình với mỗi người trong nhóm, và nói truyện với nhiều người trong số họ. Nhưng ông không bao giờ hỏi ai là người đã lẩy cò giết thủ phạm. Người Nhái cũng không bao giờ tự ý nói cho ông biết.
--------------------------------------
Nguồn và tài liệu tham khảo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét