Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Bài thứ 4 - Kỳ 5 - Phê bình cuốn sách của ông tiến sĩ Lê Mạnh Thát

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam

KỲ 5
 
Trở lại với cuốn “Đông Tây Dương Khảo” của Trương Tiệp đã dẫn ở một đoạn trước.
Trương Tiệp có một giòng rất sơ lược về sông Như Nguyệt như sau:
- “Như Nguyệt giang (Nguyên binh dữ Hoài Văn hầu chiến xứ)”.
                  /  Sđd. Qu. I. Tây dương liệt Quốc khảo. Giao Chỉ. Hình thắng danh tích  /.                      
- “Sông Như Nguyệt (Nơi quân của Nguyên triều và Hoài Văn hầu giao chiến)”.
[Phụ chú. Hoài Văn hầu tức Trần Quốc Toản.
Phần chữ in nhỏ trong ngoặc đơn của dẫn văn trên đây là phần t chú thích của Trương Tip]. 
Sông Phú Lương và sông Như Nguyệt được Trương Tiệp tự thuật riêng biệt cho thấy 2 Sông này là 2 con Sông khác nhau!
Lê Mạnh Thát viết:
       “Sau hơn một tháng giằng co với quân ta phòng tuyến sông Như Nguyệt, Quách Quỳ không những không thể đem quân vượt qua sông, mà còn bị quân ta đánh trả quyết liệt. Cùng lúc, lương thảo thì thiếu, một tình hình mà ngay khi mới đem quân vượt qua biên giới nước ta, Quách Quỳ đã gặp phải, như lời tâu của tên phó chuyển vận sứ Quảng Tây là Miêu Thì Trung vào ngày 17 tháng 12 năm Ất Mão (14/ 1/ 1077), mà Lý Đào ghi lại trong Tục tư trị thông giám trường biên 279 tờ 17a”.
(LSPGVN III. tr. 138, 139).
+ Những cái sai của Lê Mạnh Thát trong đoạn trên.
(1). Lương thảo của quân Tống.
Bộ “Trường Biên” chép:
- “Quảng Nam Tây Lộ Chuyển vận phó sứ Miêu Thời Trung ngôn:
~ Ung Châu hành ty ngôn vận lương phu bất túc, kiến thân đốc đinh phu ứng phó quân tu, kỳ Châu huyện quan lại thỉ mạn, khất tiên giới lệ!”.
                   /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCLXXIX. Thần tông kỷ  /.
- “Chuyển vận Phó sứ Quảng Tây Miêu Thời Trung nói:
~ Giới chức trách Ung Châu nói là dân phu chuyển vận lương thảo không đủ, đích thân thần đốc thúc trai tráng [làm việc này] để cung cấp nhu cầu của quân binh, quan lại các Châu huyện thì lơ là, bê trễ, trước hết xin răn đe để họ làm việc này cho đàng hoàng!”.
Minh Di:
Vấn đề lương thảo của quân Tống ở đây có 2 trường hợp:
1). Lương thảo vốn đủ nhưng thiếu người vận chuyển tới các doanh trại, vì lẽ đó mà hóa ra thiếu, tức trường hợp Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” nói ở đây.
2). Lương thảo vốn không đủ thì dầu người vận chuyển có dư thì thiếu vẫn là thiếu!
Tự thuật sự việc thì phải có đầu có đuôi, có nhân có quả. Viết như Lê Mạnh Thát rồi sẽ khiến độc giả hiểu sai là lương thảo quân Tống vốn không đủ (trường hợp 2), việc này sai sự thực!
(2). Sai về thời điểm.
Ngày 17 tháng 12 nói ở đây là năm Bính Thìn (1076), không là năm Ất Mão (1075) như Lê Mạnh Thát ghi ở đoạn dẫn trên.
(3). Sai về nhân danh.
Tên của tác giả “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” là “Lý Đáo” (1115 - 1184), trong đoạn dẫn trên Lê Mạnh Thát ghi sai là “Đào” (Đao + huyền).
Chữ này Từ điển Từ Nguyên thiết âm là:
- “Đồ đáo thiết, khứ, hào vận, định”.
- “Thiết âm là Đồ + đáo, đọc khứ thanh, vận của chữ hào, phụ âm đầu của chữ định”.
Sau đoạn dẫn trên vài giòng Lê Mạnh Thát viết:
       “Cùng lúc với những diễn tiến bất lợi vừa nói về phía địch, mà chắc chắn bộ tham mưu sau khi phân tích kỹ đã nhận thấy, Lý Thường Kiệt gởi sứ đến điều đình với Quách Quỳ. Tục tư trị thông giám trường biên 349 tờ 7a đã ghi tên sứ giả ta là Kiều Văn Ứng. Khi gặp Quách Quỳ, Ứng đã nói: “Xin hạ chiếu rút quân về thì lập tức sai sứ sang tạ tội và tu cống”.
(LSPGVN. tr. 139).
Đọc quyển CCCXLIX của “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” về việc nói trên:
- “Nguyên Phong thất niên.
Đông thập nguyệt Đinh Mão sóc……
Mậu Tý……
Sơ Hi Ninh thập niên, Càn Đức ngôn, khất chiếu hồi đại binh, tức khiển Sứ tạ tội phụng chức cống. Chiếu tòng kỳ thỉnh, lệnh An Phủ ty khiển nhân hoạch định cương giới, nhi Tuyên Phủ sứ Quách Quì dĩ vi tạc đại quân chí Phú Lương giang, Giao Chỉ nạp khoản nhật ngụy Văn Tư sứ Kiểu Văn Ưng dĩ thường nghị định: “đại binh sở chí tức thị phong cương”. Lệnh Thái Bình Trại chủ Thành Trác vãng phân hoạch”.
                     /  Tục Tư Trị Thông Giám trường Biên. Qu. CCCXLIX. Thần tông kỷ  /.
- “Năm thứ 7 Niên hiệu Nguyên Phong.
Mùa Đông, tháng 10, mồng 1 ngày Đinh Mão……
Ngày Mậu Tý……
Lúc đầu, vào năm thứ 10 Niên hiệu Hi Ninh, Càn Đức nói xin vua ra Chiếu thu đại quân trở về thì cho sứ giả qua tạ tội, xin theo kỳ dâng cống. Vua xuống Chiếu chỉ chấp thuận lời thỉnh cầu của Càn Đức, lệnh cho An Phủ Ty sai người định lằn ranh giới, thế nhưng chức Tuyên Phủ sứ Quách Quì nói là trước đây khi đại quân đến sông Phú Lương, vào ngày Giao Chỉ qui hàng, ngụy Văn Tư sứ Kiểu Văn Ưng đã từng đưa ý kiến: “Đại quân tới chỗ nào thì chỗ đó là ranh giới”. Vua lệnh cho Thành Trác, trại chủ Trại Thái Bình đi tới nơi phân đường ranh giới”.
+ Những cái sai của Lê Mạnh Thát trong đoạn trên.
(1). Sai về nhân danh. Kiều Văn Ứng.
1). Tên họ ở đây là “Kiểu” (Kiêu + hỏi), không phải Kiều (Kiêu + huyền).
Chữ “Kiểu”, Từ điển Từ Nguyên thiết âm như sau:
- “Cư yêu thiết, thượng, tiểu vận, kiến”.
- “Thiết tự: Cư + yểu, thượng thanh, vận của chữ tiểu, phụ âm đầu của chữ Kiến”.
2). Tên là “Ưng” (Ưng không dấu), không phải Ứng (Ưng + sắc)
Chữ “Ưng”, Từ điển Từ Nguyên thiết âm như sau:
- “Ư lăng thiết, bình, chưng vận, nh”.
- “Thiết tự: Ư + lăng, bình thanh, vận của chữ chưng, nguyên âm đầu của chữ nh”.
(2). Sai về sự kiện Lịch sử.
Như nguyên tác “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” tôi trích dẫn ở trên:
1). Không thấy chỗ nào nói Kiểu Văn Ưng là Sứ giả của Giao Chỉ hết.
Như đã dẫn trên, bộ “Trường Biên” ghi chức vụ của Kiểu Văn Ưng là Văn Tư Sứ, thấy chữ “Sứ” Lê Mạnh Thát không hiểu, tưởng chữ “Sứ” này chỉ Sứ giả. Chữ “Sứ” ở đây là tiếng chỉ người đứng đầu 1 Cơ quan, như đứng đầu Khu Mật Viện là Khu Mật Sứ.
Văn Tư Sứ là tiếng gọi gọn lại của “Văn Tư Viện Sứ”, người đứng đầu Văn Tư Viện.
Cơ quan Văn Tư Viện được thành lập vào thời Đường (618 - 907), là một trong các Ty ở Nội phủ, đứng đầu Ty là Văn Tư Sứ, do hoạn quan đảm nhiệm.
Tống triều cũng theo đó mà thiết lập Viện này, lệ thuộc Thiếu Phủ Giám, nhiệm vụ của Ty là chế tạo, cẩn chạm, các vật trang sức khéo đẹp từ vàng, bạc, sừng tê, và ngọc…
Bộ “Trung Quốc Lịch đại Chức quan Biệt Danh Đại Từ Điển” dẫn bộ “Ngọc Hải” của Vương Ứng Lân (1223 - 1296) thời Nam Tống (1127 - 1279) viết:
-Thái Bình Hưng Quốc Văn Tư Viện. Hưng Quốc tam niên thủy trí Văn Tư Viện, lệ Thiếu Phủ Giám, chưởng công tác chi sự. Hữu Sứ, Giám tứ nhân, Giám môn nhị nhân. Kim thuộc Công bộ, phân thượng, hạ giới”.
-Văn Tư Viện thời Thái Bình Hưng Quốc. Năm thứ 3 Niên hiệu Hưng Quốc lần đầu thiết lập Văn Tư Viện, lệ thuộc Thiếu Phủ Giám, nắm giữ việc chế tạo những vật dụng tinh xảo. Quan viên có chức (Viện) Sứ, 4 chức Giám, 2 chức Giám môn. Hiện nay Viện thuộc Bộ Công, phân 2 bộ phận thượng giới, hạ giới”. 
[Phụ chú. Niên hiệu Hưng Quốc tức Niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (976 - 984) nói gọn - năm thứ 3 tức năm 978. Đây là Niên hiệu của Tống Thái tông (939 - 997; tại vị: 976 - 997)]. 
2). Không thấy Bộ Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép: Khi gặp Quách Quỳ, Ứng đã nói: “Xin hạ chiếu rút quân về thì lập tức sai sứ sang tạ tội và tu cống. như ông Lê Mạnh Thát viết một cách khẳng định như trên!
Như “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép, đã dẫn trên, thì câu nói này là của Lý Thánh tông (Càn Đức) nói với Tống Thần tông.
Ở một đoạn dưới Lê Mạnh Thát viết về 2 động Vật Dương, Vật Ác như sau:
       “Sau khi thu hồi Quảng Nguyên, vấn đề chủ quyền của hai động Vật Dương Vật Ác được đặt ra. Theo văn thư ngoại giao mà vua Lý Nhân Tông của ta gởi cho Tống Triết Tông vào năm Bính Dần (1086) chép trong Tục tư trị thông giám trường biên 380 tờ 20b, thì gốc gác hai động và kết quả thương lượng cho việc thu hồi hai động này được ghi nhận lại như sau:
       “Ấp tôi có tám huyện ở hai động Vật Dương và Vật Ác, giáp với đất nhà vua, trước  sau bị các tù trưởng làm loạn, rồi bỏ đi, mà đem vào quy thuận. Đất Vật Dương thu vào  đất vua năm Bính Thìn (1076), còn Vật Ác thì năm Nhâm Tuất (1082) mới được thu và đặt ải Thông Khang. Tuy đất ấy là nhỏ nhen, nhưng tôi rất lấy làm đau xót, luôn luôn nghĩ tới. Thật tổ tiên tôi ngày trước đã đánh dẹp những kẻ chiếm lĩnh, xông pha gian hiểm mới có được. Nay gặp lúc vận suy đồi, tôi không hay nối thừa sự nghiệp cha ông, đâu dám dự vào hàng thiên thầnsống trong chốc lát. Năm Giáp Tý (1084), tuy kinh lược Quảng Tây đã từng tâu việc ấy. Tiên triều lấy hai huyện Túc, Tang và sáu huyện cho tôi chủ lĩnh. Nhưng các đất Túc, Tang hiện thuộc đất tôi rồi, không phải là đất mà nay tôi xin. Cho nên tôi không dám nhận lệnh. May gặp khi bệ hạ lên ngôi, việc gì cũng đổi mới, tôi kính cẩn tỏ lời biểu này để tâu lên”1.
(LSPGVN. tr. 143, 144).
 Cước chú số 1 ở cuối trang 144 nêu trên Lê Mạnh Thát ghi: 
1 Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, NXB Văn học, 1995, tr. 251, 252.
Như cước chú của Lê Mạnh Thát thì phần chữ nghiêng trong đoạn trên là dịch văn của Hoàng Xuân Hãn, dịch từ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”.
Sau đây tôi trích dẫn nguyên văn đoạn ghi chép về 2 Động Vật Dương, Vật Ác kể trên từ bộ Sử thư “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”, để nhận định mức độ chính xác của Hoàng Xuân Hãn trong đoạn dịch trên của ông ta!
Về 2 động Vật Dương, Vật Ác, “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép như sau:
- “Nguyên Hựu nguyên niên.
Lục nguyệt Tân Sửu……
Nhâm Tý……
Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức ngôn:
~ Hạ Ấp hữu Vật Dương, Vật Ác nhị Động bát huyện dữ tỉnh nhưỡng tiếp liên, tiền hậu bị thủ thổ nhân bạn khứ, ủy thân qui minh. Kỳ Vật Dương ư Bính Thìn niên mông thu nhập tỉnh, Vật Ác ư Nhâm Tuất niên mông thu thiết Thông Khang Ải. Tuy thử đẳng đạn hoàn chi địa, vưu thiết thống hoài, thường bất li mộng mị giả, thành dĩ tiên tổ thần bình tích tru cầm tiếm nghịch, xung gian mạo hiểm, tất mệnh chi sở trí dã!
Kim mạt tháo bất năng tự thừa, khởi cảm bị số ư phiên viên, thâu sinh ư khoảnh khắc dã?! Giáp Tý niên, Quảng Tây Kinh Lược Ty thường vi thân tấu tiên triều, dĩ Túc, Tang nhị Động lục huyện tứ thần chủ lãnh - Án Túc, Tang đẳng hiện thuộc hạ Ấp, phi kim tư trần thỉnh chi địa, bất cảm bái mệnh.
Phục ngộ bệ hạ nhất tân vũ nội, cẩn cụ biểu dĩ văn”.
                   /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCCLXXX. Triết tông kỷ  /.
- “Năm đầu Niên hiệu Nguyên Hựu.
Tháng 6. Mồng 1 ngày Tân Sửu……
Ngày Nhâm Tý……
Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức nói:
~ Nước hạ thần có 2 Động Vật Dương, Vật Ác gồm 8 huyện nằm tiếp giáp địa vực của bệ hạ, lần lượt bị những kẻ giữ các đất này phản bội lấy đi, theo về với Bệ hạ. Động Vật Dương vào năm Bính Thìn bị thu nhập lãnh thổ của nhà vua, Động Vật Ác thì vào năm Nhâm Tuất bị thu lấy rồi sau lập thành Ải Thông Khang. Tuy rằng các Động này là những mảnh đất nhỏ hẹp nhưng các việc rất đau lòng này thường chẳng lìa giấc mộng của thần, (những đất này) thật sự vốn do tiên tổ của thần ngày trước đánh bắt, diệt trừ những kẻ phản nghịch chiếm cứ không phải lẽ, xông pha gian khổ, trải bao hiểm nguy dốc hết sức mình, bất kể tính mạng mà có được!
Nay thời suy vong (thần) không nối được sự nghiệp cha ông, lẽ nào lại dám vơ vào cho đủ số đất đai vùng biên giới, sống trái đạo nghĩa trong đời sống ngắn ngủi này? Năm Giáp Tý, Ty Kinh Lược Quảng Tây từng tâu lên triều trước, xin lấy 2 Động Túc, Tang 6 huyện ban cho thần làm chủ - Xét ra các Động Túc, Tang hiện nay thuộc về Nước của hạ thần, không phải là những đất thần trình bày để xin hiện nay nên không dám nhận.
Gặp lúc bệ hạ mới lên ngôi thần kính cẩn dâng biểu văn trình bày đầy đủ sự việc”.
Đối chiếu thì thấy một số sai sót của đoạn dịch văn của Hoàng Xuân Hãn như sau:
(1). Dịch không chính xác.
1). Nguyên văn: “Hạ Ấp”.
Hoàng Xuân Hãn dịch là Ấp tôi thì không chính xác, có thể gây ngộ nhận.
Chữ “Ấp” ở đây có nghĩa là “Nước”, tức “Quốc gia”.
Hứa Thận (30 - 124), trong bộ “Thuyết Văn Giải Tự”, giải nghĩa chữ “Ấp”:
- “[Ấp]. Quốc dã.”, nghĩa là: - “[Ấp]. Quốc gia”.
Chữ “Ấp” cũng có nghĩa là chỗ cư dân tụ tập, như nói “thôn ấp”, “xã ấp”……
Cho nên nếu dịch “Ấp” là “Ấp” thì khiến người đọc hiểu lầm Ấp đây là thôn ấp.
Kế đến, chữ “Hạ” ở đây Hoàng Xuân Hãn dịch là “tôi” cũng không chính xác, phải dịch là “hạ thần- vì rằng Giao Chỉ bấy giờ thần phục Tống triều. Hơn nữa, như đã thấy, ở đoạn dưới vua nhà Lý có chỗ tự xưng là “thần” (bề tôi).
2). Nguyên văn: “tiền hậu bị thủ thổ nhân bạn khứ, ủy thân qui minh.
Hoàng Xuân Hãn dịch:
- “trước sau bị các tù trưởng làm loạn, rồi bỏ đi, đem vào quy thuận.  
Từ điển Từ Nguyên giảng tiếng thủ thổ như sau:
- “[Thủ thổ]. Thủ vệ cương thổ.
Thư Thuấn Điển: “Tuế nhị nguyệt, Đông tuần thủ”.
Truyện: “Chư hầu vi thiên tử thủ thổ, cố xưng thủ”.
Hậu dã phiếm chỉ địa phương trưởng quan chưởng quản trị lý nhất địa khu đích chính sự”.
- “[Thủ thổ]. Giữ và bảo vệ lãnh thổ.
Kinh Thư, thiên Thuấn Điển: “Một năm 2 tháng, vua đi tuần tra ở phương Đông”.
Phần Truyện (Chú thích): “Chư hầu là người giữ đất cho thiên tử, do đó gọi là thủ”.
Sau cũng phiếm chỉ chức trưởng quan địa phương quản trị chính sự ở một địa khu”.
[Minh Di: Phần Truyn kể trên là của Khổng An Quốc (? - ?) thời Tây Hán (206 tr. Cn - 25 Cn)].
Câu làm loạn, rồi bỏ đi, đem vào quy thuận dịch rất lủng củng, tối nghĩa!
Chữ “bạn” nghĩa là “phản bội”, không là làm loạn như Hoàng Xuân Hãn hiểu sai.
Nóilàm loạn” là dùng quân đánh lại vua mình, chủ mình. Những kẻ được Lý triều giao cho cai quản 2 Động Vật Dương, Vật Ác không nổi dậy đánh Lý triều, chỉ phản bội theo về với Tống triều. “Làm loạn” khác xa với “phản bội”.
3). Nguyên văn: Tuy thử đẳng đạn hoàn chi địa.
Hoàng Xuân Hãn dịch là: “Tuy đất ấy là nhỏ nhen”.
Tiếng “đạn hoàn” có nghĩa “viên đạn bắn ná”, dùng để thí dụ cái gì nhỏ.
Câu đạn hoàn chi địanghĩa là “đất nhỏ hẹp”.
Sử gia Tư Mã Thiên (145 - 86? tr. Cn) chép trong bộ “Sử Ký”:
- “Tần kí giải Hàn Đan vi nhi Triệu vương nhập triều, sử Triệu Thích ước sự ư Tần, cát lục huyện nhi cấu.
Ngu Khanh vị Triệu vương viết:  Tần chi công vươngquyện nhi qui hồ? vương dĩ kỳ lực thượng năng tiến, ái vương nhi phất công hồ?
Vương viết:  Tần chi công ngã dã bất di dư lực hĩ, tất dĩ quyện nhi qui dã!.
Ngu Khanh viết:  Tần dĩ kỳ lực công kỳ sở bất năng thủ, quyện nhi qui, Vương hựu dĩ kỳ lực chi sở bất năng thủ dĩ tống chi, thị trợ Tần tự công dã! Lai niên Tần phục công vương, vương vô cứu hĩ!.
Vương dĩ Ngu Khanh chi ngôn cáo Triệu Thích.
Triệu Thích viết: … Thử đạn hoàn chi địa phất dữ, lệnh Tần lai niên phục công vương”.
                                                                     /  Sử Ký. Qu. LXXVI. Ngu Khanh truyện  /.
- “Sau khi Tần rút quân, không vây Thành Hàn Đan nữa, thì Triệu vương vào triều, liền sai Triệu Thích giao ước việc thần phục Tần, cắt 6 huyện cho Tần để giảng hòa.
Ngu Khanh nói với Triệu vương: “Tần tới tấn công nhà vua có phải vì quân mệt mỏi rút về chăng? nhà vua có cho rằng lực của Tần còn có thể tiếp tục tấn công, thế nhưng vì thương nhà vua mà không tấn công nữa hay không?”.
Triệu vương nói: “Quân Tần đánh ta không còn sức nữa, đây chắc chắn vì mệt mỏi mà rút về!”.
Ngu Khanh nói: “Tần thấy lực của mình đánh chiếm cái không thể chiếm được, bởi lẽ đó, khi thấy quân mệt mỏi mà rút về, bây giờ nếu nhà vua nghĩ là quân lực của Tần không thể đánh chiếm được Thành của Triệu lại cắt đất nhượng cho Tần thì đây là nhà vua giúp Tần để tự đánh mình! Năm sau Tần lại tới tấn công nhà vua thì chừng đó nhà vua không cứu được mình nữa!”.
Triệu vương đem lời của Ngu Khanh nói với Triệu Thích.
Triệu Thích viết: “…… vùng đất nhỏ này mà không cho thì năm sau Tần lại tới tấn công nhà vua nữa……”.
 [Phụ chú. Về tiếng “đn hoàn chi đa”, tham khảo thêm:
- Chiến Quốc Sách. Qu. XX. Triệu Sách 3. Tần công Triệu ư Trường Bình].
2 chữ thử đẳng trong nguyên tác chỉ  2 Động Vật Dương, Vật Ác, chỉ số nhiều, do đó phải dịch là Những đất này”, “các đất này. Dịch là đất ấy(số ít) thì không chính xác!
Tiếp đến, trong tiếng Việt, tiếng “nhỏ nhenchỉ dùng để chỉ những gì thuộc về tinh thần mà thôi, như nói “tâm địa nhỏ nhen”, “tính tình nhỏ nhen”, “con người nhỏ nhen”...... mà không dùng để chỉ những gì thuộc vật chất, như đất đai, nhà cửa, vật dụng……
Trong tiếng Việt không ai nói “một căn nhà nhỏ nhen”, một “cái bàn nhỏ nhen”.
4). Nguyên tác: tru cầm tiếm nghịch.
Hoàng Xuân Hãn dịch là “đánh dẹp những kẻ chiếm lĩnh”.
2 chữ tru cầm là “giết, bắt”, tiếm là “quá phận, không chính đáng, không phải lẽ”, và chữ nghịch nghĩa là “phản loạn, phản nghịch”, do đó, câu trên phải được dịch là:
-diệt trừ, bắt giữ những kẻ phản nghịch chiếm cứ (đất đai) không chính đáng”.
Chỉ dịch “những kẻ chiếm lĩnh” không thôi thì không nói hết ý của nguyên tác, tức thiếu các ý “phản nghịch”, “không chính đáng”.
5). dự vào hàng thiên thần”.
Ai cũng thấy rõ nguyên tác không có câu nào có ý như câu dịch của Hoàng Xuân Hãn.
Không rõ Hoàng Xuân Hãn dịch câu dự vào hàng thiên thần.” từ đâu ra?
Đối chiếu từng câu một với nguyên tác thì có vẻ như Hoàng Xuân Hãn đã dịch câu này từ câu “khởi cảm bị số ư phiên viên”.
Nếu đúng như thế thì Hoàng Xuân Hãn đã dịch rất bậy!
Tiếng bị số tức “sung số”. Từ điển Từ Nguyên giải nghĩa tiếng “sung số” như sau:
- “[Sung số]. Miễn cưỡng thấu số”.
- “[Sung số]. Miễn cưỡng gom lại cho đủ số”.
Còn phiên viên nghĩa là “vùng đất ở ranh giới 2 nước”.
Phiên là hàng rào, viên là bờ tường thấp. Rào, tường đây chỉ lằn ranh giữa 2 nước.
2 tiếng “phiên viên” còn dùng để chỉ quan chức trấn giữ biên cương bảo vệ đất nước.
6). Nguyên tác: thâu sinh ư khoảnh khắc.
Hoàng Xuân Hãn dịch là sống trong chốc lát.” - tức đã dịch thiếu mất chữ thâu”, có nghĩa là “trái đạo nghĩa”. Tiếng thâu sinh ở đây có nghĩa là “sống trái với đạo nghĩa”.
Chữ thâu còn có nghĩa là “trộm”, nên có người đã dịch sai là “sống trộm”.
(2). Dịch thiếu.
Hoàng Xuân Hãn đã không dịch những câu sau đây:
1). Nguyên tác: Thường bất li mộng mị giả.
Như tôi đã dịch ở trên là “thường chẳng lìa giấc mộng của thần- ý nói là sự nghĩ nhớ về việc đòi lại 2 Động Vật DươngVật Ác thường hằng canh cánh bên lòng của vua Lý Nhân tông (1072 -1127; tại vị: 1072 - 1127), đến đỗi trong giấc ngủ sự nghĩ nhớ này vẫn thường hiện trong giấc mộng của vua, tức Lý Nhân tông vẫn thường chiêm bao về việc mất 2 Động Vật Dương, Vật Ác này.
(Vào thời điểm gởi thư này (1086) cho Tống triều, Lý Nhân tông mới có 14 tuổi - còn là một đứa con nít, thì không thể có một sự suy tư, nghĩ ngợi, như viết trong thư. Dĩ nhiên thư là do văn thần triều Lý viết thay vua nhỏ của mình.
Phía bên kia, vua Tống triều, Tống Triết tông (1077 - 1100; tại vị: 1085 - 1100), cũng là một đứa con nít, còn nhỏ hơn vua Lý. Đương thời Tống Triết tông mới có 9 tuổi).
Minh Di

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét