Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Bài thứ 4 - Kỳ 6 - Phê bình cuốn sách của ông tiến sĩ Lê Mạnh Thát

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam

KỲ 6
 
2). Nguyên tác: Tất mệnh chi sở trí dã.
Từ điển Từ Nguyên giải nghĩa 2 chữ “tất mệnh” như sau:
- “[Tất mệnh]. Tận lực hiệu mệnh”.
- “[Tất mệnh]. Tận sức đến xả bỏ cả mạng sống”.
Tiếng “tất mệnh” nghĩa cũng như “trí mệnh”, nghĩa là “giao mạng, bỏ mạng”.
Các tiếng này được dùng để chỉ sự dốc hết sức lực để làm một việc gì dầu có bỏ mạng cũng đành!
Dịch Kinh, Quẻ Khốn (Đoài / Khảm), Đại Tượng từ:
- “Tượng viết: Trạch vô thủy, Khốn, quân tử dĩ trí mệnh toại chí”.
- “Tượng viết: Đầm không có nước, là (Tượng [hình ảnh] của) Quẻ Khốn, bậc quân tử coi đó mà đến bỏ cả tính mạng để thực hiện cho được chí hướng của mình”.
Câu này tôi đã dịch ở trên là dốc hết sức mình, bất kể tính mạng mà có được!”.
3). Nguyên tác: khởi cảm bị số ư phiên viên?”.
Xin coi đoạn liền trước đoạn này.
Những câu dịch thiếu dẫn trên chẳng phải những câu khó khăn chi, vậy mà không hiểu tại sao lại không thấy trong dịch văn của Hoàng Xuân Hãn?
Cuốn sách viết về Lý Thường Kiệt của ông Hoàng Xuân Hãn, theo tôi được biết, được nhiều người ca tụng, trong đó có ông Tạ Chí Đại Trường, do đó, từ trước đến nay cũng được nhiều người trích dẫn. Thế nhưng, với những cái sai như đã thấy thì có lẽ rồi cần xét lại giá trị của cuốn sách này! Rất tiếc là tôi không có cuốn sách này trong tay, do đó tạm thời không thể nói gì, sau này nếu có tôi sẽ duyệt lại coi sự thực, sự hư ra sao?
Không thể vì cuốn sách ca tụng một nhân vật lịch sử của dân tộc mình mà mình vỗ tay ca tụng mà không xét tới những sai lầm về phương diện học thuật.
Cũng như ở đây, tập LSPGVN của ông Lê Mạnh Thát rồi đã sơn phết đủ mọi màu sắc chóa mắt nhiều người về 1 dân tộc anh hùng, cái gì dân tộc ta cũng hay, cũng đẹp, và ngay cả việc xâm lấn đất đai của láng giềng cũng là một hành vi cao cả, như các nước Tây phương đem chiến thuyền, súng ống xâm lược các nước Á Châu yếu thế hơn vào những thế kỷ trước với chiêu bài khai hóa dân mọi rợ. Mới đây, ông được gọi là Sử gia Trần Gia Phụng đã bị con cháu người Chiêm Thành ở hải ngoại phản đối về quan điểm  trong Cuốn “Những Câu Chuyện Việt Sử”, chương “Đường Về Phương Nam” rằng dân Việt ta xưa đã “không tiêu diệt người Chiêm, và chính quyền Đại Việt không chủ trương diệt chủng”. Chỉ một câu nói này thôi, chưa đọc tôi đã có thể thấy cái chương sách này của “ngài sử gia” Trần Gia Phụng méo mó, dẹp lép” như cái lon bia mang bán cho những công ty nấu nhôm lại! Nếu có Cuốn này của Trần Gia Phụng tôi sẽ Phê bình. Về Kiến thức Sử học của “sử gia” này thì độc giả đã quá rõ qua bài Phê bình của tôi năm 2008 về cuộc khởi nghĩa của 2 Bà Trưng của ông ta..
Trong trận chiến từ cuối năm 1075, đầu năm 1076, và 1077, giữa Lý triều và Tống triều Lê Mạnh Thát rất nhiều lần dẫn bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”.
Vấn đề:
Nếu như Lê Mạnh Thát có bộ Sử thư kể trên thì tại sao không đọc và dịch trực tiếp mà phải trích dẫn phần dịch của Hoàng Xuân Hãn, với những cái sai, cái thiếu không thể ngờ được như đã nêu ra ở trên?
Lại nữa, nếu có nguyên bản trong tay thì khi thấy bất cứ đoạn dịch văn của người khác ta cần đối chiếu coi người đó dịch có chính xác hay không?
Trên đâyviệc phải làm của người nghiên cứu đúng nghĩa là nghiên cứu, thế nhưng Lê Mạnh Thát đã không làm.
Ở một đoạn sau, Lê Mạnh Thát lại dẫn một đoạn dịch văn của Hoàng Xuân Hãn viết về 2 Động Vật Dương, Vật Ác như sau:
       “Năm Gia Hựu (1057), Nùng Tông Đán đem Động Vật Ác nộp, vua ban tên Thuận An. Đời Trị Bình (1064), Nùng Trí Hội đem động Vật Dương nộp, vua ban tên Quy Hóa. Nay các châu động họ Nùng cai quản, vốn không thuộc xứ Nam Bình. Mà các châu Quy Hóa là đất yết hầu của Hữu Giang, chế ngự các đường xung yếu đi Giao Chỉ, Đại Lý, Cửu Đạo Bạch Y. Vậy xin hạ chiếu cho Giao Chỉ, hỏi vì sao đã xâm phạm châu Quy Hóa và bảo trả lại tất cả các nhân khẩu mà chúng đã cướp. Như thế mới dứt được lòng ác của chúng, khi nó chưa sinh”1.
(LSPGVN. tr. 144, 145).
1 Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, NXB Văn học, 1995, tr. 243.
(Cước chú của Lê Mạnh Thát cuối trang 145).  
Nguyên văn của đoạn trên trong “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” như sau:
- “Kinh Lược ty Hùng Bản dịch ngôn:
~ Gia Hựu trung Nùng Tông Đán dĩ Vật Ác đẳng động qui minh, tứ danh Thuận An châu. Trị Bình trung Nùng Trí HộiVật Dương động qui minh, tứ danh Qui Hóa châu.
Kim Nùng thị sở lãnh châu, động bất lệ Nam Bình, nhi Qui Hóa đẳng châu hệ Giang Hữu khống ách yết hầu chi địa, chế ngự Giao Chỉ, Đại Lý, cửu đạo Bạch y chư Man chi yếu lộ. Khất chiếu Giao Chỉ, cật kỳ xâm phạm Qui Hóa Châu chi cố, cập lệnh tận hoàn lược khứ sinh khẩu, tuyệt kỳ trưởng ác vị manh chi tâm!”.
                    /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCCXLIX. Thần tông kỷ  /.
- “Hùng Bản bên Ty Kinh Lược cũng nói:
~ Trong khoảng Niên hiệu Gia Hựu, Nùng Tông Đán đem Vật Ác cùng một số Động về qui thuận, vua ban tên Thuận An châu. Trong khoảng Niên hiệu Trị Bình, Nùng Trí Hội đem động Vật Dương qui thuận ta, vua ban tên là Qui Hóa châu.
Những châu, động mà Nùng Trí Hội hiện đang cai quản, vào buổi đầu không thuộc về Giao Chỉ, mà Qui Hóa và các Châu trong khu vực là đất chẹn ở vị thế yếu hại của vùng sông Hữu giang, là con đường trọng yếu chế ngự các tộc dân man Giao Chỉ, Đại Lý, và 9 khu dân man Bạch y. Xin ban chiếu cho Giao Chỉ trách hỏi vì duyên cớ gì xâm phạm châu Qui Hóa, và ra lệnh cho họ giao trả tất cả những người (của ta) bị họ bắt đi, nhằm dứt hẳn cái tâm ác của họ lúc chưa chớm!”. 
[Phụ chú. Nam Bình tức Giao Chỉ].
Trên Bản đồ Lịch sử, Động Vật DươngChâu Qui Hóa là một, tức Động Vật Dương khi sáp nhập lãnh thổ Tống triều thì đổi cấp số hành chánh, Động trở thành Châu, tức Động Vật Dương thành Châu Qui Hóa.
Trong khi trên Bản đồ thì Động Vật ÁcChâu Thuận An thuộc 2 địa khu khác nhau.
Về vị trí thì Động Vật Ác ở về phía Tây bắc - thiên Tây, Thuận An, cách Thuận An hơn 20 cây số, tính theo đường chim bay. Và như vậy, sau khi Nùng Tông Đán đem Vật Ác về qui thuận, Tống triều đã nhập Động này vào Châu Thuận An.
Châu Qui Hóa ở phía chính Bắc của Châu Quảng Nguyên (ở Đông bắc Giao Chỉ), nằm giáp ranh Quảng Nguyên.
Động Vật Ác trước khi nhập Châu Thuận An, nằm ở phía Đông nam Châu Qui Hóa.
Về vị trí 2 Động Vật Dương, Vật Ác, và các Châu Qui Hóa, Thuận An:
Tham khảo:
- Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập. Đệ Lục sách. Tống. Liêu. Kim thời kỳ.
Bắc Tống. Bản đồ 34 – 35. Quảng Nam Đông Lộ. Quảng Nam Tây Lộ.
Bây giờ tôi nói những cái không chính xác trong đoạn dịch văn của Hoàng Xuân Hãn.
(1). Dịch thiếu và không rõ ràng.
1). Trước hết là dịch thiếu.
Nguyên tác ghi là “Gia Hựu trung”, nghĩa là “Trong khoảng Niên hiệu Gia Hựu”.
Cũng vậy, ở đoạn dưới, “Trị Bình trung”, nghĩa là “Trong khoảng Niên hiệu Trị Bình”.
Và như vậy, Hoàng Xuân Hãn dịch thiếu chữ “trung”, nghĩa là “trong khoảng”, biểu thị ý không xác định, không biết đích xác.
Niên hiệu Gia Hựu bắt đầu từ ngày mồng 10 tháng 9 (Âm) năm 1056 (Năm Bính Thân) cho đến ngày mồng 1 tháng 4 năm 1063 (Năm Quí Mão).
Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép:
- “Gia Hựu nguyên niên……
Cửu nguyệt Nhâm Ngọ……
Tân Mão. Cung tạ thiên địa ư Đại Khánh Điện, đại xá, cải Nguyên”.
                    /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CLXXXIV. Nhân tông kỷ  /.
- “Năm đầu Niên hiệu Gia Hựu……
Tháng 9. Mồng 1 ngày Nhâm Ngọ……
Ngày Tân Mão. Cung tạ ơn trời đất tại Điện Đại Khánh, ban lệnh đại xá, đổi Niên hiệu”.
Mồng 1 tháng 9 là ngày Nhâm Ngọ, tính lần tới, ngày Tân Mãongày Mồng 10.
Đến mùa Hạ, tháng 4 ngày Nhâm Thân (ngày Mồng 1) Tống Nhân tông băng.
Anh tông lên ngôi Hoàng đế, và vẫn giữ Niên hiệu Gia Hựu của Tống Nhân tông cho đến ngày Mồng 1 năm sau mới đổi Niên hiệu là Trị Bình (1064 - 1067).
(Tham khảo: “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”. Qu. CXCVIII [Qu.198]).   
2 con số (1057) và (1064) Lê Mạnh Thát để trong ngoặc đơn hàm hồ, vì có thể làm cho người đọc nghĩ sai lạc rằng động Vật Dương bị nhập lãnh thổ Tống triều năm 1057, và động Vật Ác bị nhập lãnh thổ Tống triều năm 1064.
2 con số (1057) và (1064) trong đoạn dịch văn dẫn trên nếu dùng để chỉ năm khởi đầu của Niên hiệu thì, như đã dẫn, điều này sai đối Niên hiệu Gia Hựu: Vì lẽ Niên hiệu này bắt đầu từ năm 1056, không phải 1057. Năm 1064 của Niên hiệu Trị Bình thì đúng.
Còn nếu Hoàng Xuân Hãn muốn nói 2 năm này (1057 và 1064) là 2 thời điểm đích xác 2 động Vật Dương Vật Ác nhập lãnh thổ Tống triều thì nửa trúng, nửa trật.
Trước hết hãy nói “nửa trúng”:
Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép:
- “Gia Hựu nhị niên……
Hạ, tứ nguyệt Đinh Vị……
Giáp Tuất……
Hỏa động man Nùng Tông Đán giả Trí Cao chi tộc dã, cứ hiểm tụ chúng sác xuất phiếu lược. Tri Ung châu Tiêu Chú dục đại phát Động đinh kích chi, tri Quế châu Tiêu Cố độc thỉnh dĩ sắc chiêu hàng; Chuyển vận sứ Vương Hãn dĩ vi Tông Đán bảo sơn khê hoàng trúc gian, cẩu thiết phục yêu ngã, quân vị tất khả thắng, đồ huyên biên hoạn. Nãi độc lãnh binh thứ cảnh thượng, sử nhân triệu Tông Đán tử Nhật Tân, vị viết:
~ Nhữ phụ nội vi Giao Chỉ sở cừu, ngoại vi biên thần hi thưởng chi nhĩ, qui báo nhĩ phụ khả trạch lợi nhi hành! ~
Vu thị Tông Đán phụ tử giai hàng, Nam sự toại bình!”.
                    /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CLXXXV. Nhân tông kỷ  /.
- Năm thứ 2 Niên hiệu Gia Hựu……
Mùa Hè, tháng 4 mồng 1 ngày Đinh Mùi……
Ngày Giáp Tuất……
Dân man Nùng Tông Đán ở Hỏa Động, là người trong họ Nùng Trí Cao, đóng địa thế hiểm trở, tụ tập quân binh, đã nhiều lần đổ ra cướp bóc. Quan trấn nhiệm Ung Châu là Tiêu Chú muốn điều động một số đông trai tráng tại các Động đi đánh dẹp, trong khi đó chỉ mỗi quan trấn nhiệm Quế châu Tiêu Cố là xin triều đình ra sắc chỉ chiêu hàng; chức Chuyển Vận sứ Vương Hãn cho rằng Tông Đán thủ vùng sơn khê, sau những rừng tre dày đặc, nếu như Tông Đán đặt quân ẩn phục [trong rừng tre] ngăn trở quân ta quân ta chưa chắc thắng được, mà rồi chỉ khuấy động thêm mối lo vùng biên cảnh. Bởi thế  Vương Hãn một mình dẫn quân đến vùng Biên cảnh, sai gọi con của (Nùng) Tông Đán là (Nùng) Nhật Tân tới, nói:
~ Cha ngươi mặt trong là kẻ thù của Giao Chỉ, mặt ngoài là cái mồi ban thưởng béo bở của quan chức vùng biên cảnh, ngươi về nói với cha ngươi, cứ chọn đường nào có lợi mà làm! ~
Cha con Nùng Tông Đán do đó đều ra hàng, việc biên giới phía Nam do đó mà yên!
Cứ ngày Đinh Mùi, mồng 1 tháng 4 tính lần xuống, ngày Nhâm Tuất ghi ở đoạn trên là ngày 28 tháng 4.
Vì cứ nghĩ là năm đầu Niên hiệu Gia Hựu là năm 1057 bởi vậy Hoàng Xuân Hãn ở đây chỉ “ngáp” mà thôi! Hoặc nói cách khác, “nửa trúng” của Hoàng Xuân Hãn ở đây chỉ do ngẫu nhiên mà trúng, chứ không do kiến thức mà trúng! 
Có thể nói như vậy! Vì sao?
Vì lẽ, nếu ghi trong ngoặc đơn năm (1057) là năm Nùng Tông Đán qui hàng Tống triều và đem Động Vật Ác về nhập lãnh thổ Tống triều thì ở đoạn dưới thời điểm năm (1064) ghi trong ngoặc cũng phải là năm Nùng Trí Hội đem Động Vật Dương dâng Tống triều!
Thế nhưng, những việc xảy ra trong Niên hiệu Trị Bình của Tống Anh tông được chép trong Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”, từ Quyển CC (Qu. 200) cho tới đầu Quyển CCIX (Qu. 209), duyệt hết 10 Quyển đã nói trên thì không thấy chỗ nào chép về thời điểm Nùng Trí Hội đem Động Vật Ác qui thuận Tống triều cả!.
Đây là “nửa trật”.
Cần phân tích rõ như trên để xét lại coi người viết, ở đây là 2 ông Hoàng Xuân Hãn và Lê Mạnh Thát, có thật sự đọc những sách mà họ đã trích dẫn hay không, để thấy được đâu là kiến thức thực sự, và đâu là chỉ chép lại từ đâu đó không chính xác!
 2). Không chú thích rõ Địa danh. Hiểu sai Địa danh.
1). Chú thích Địa danh.
Địa danh Nam Bìnhtrong đoạn trên của “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” tức chỉ Giao Chỉ. Không dịch rõ ra, để nguyên, thì cần phải giải thích, nếu không, độc giả rồi nghĩ “Nam Bình” là một vùng đất nào ở đẩu ở đâu đó không biết!
2). Không rõ Địa danh.
Tiếng cửu đạo ở đây không phải là danh từ riêng mà Hoàng Xuân Hãn viết Hoa.
Tiếng “Cửu đạo” đây có nghĩa là “9 khu vực”, 9 khu vực tụ cư của Bộ tộc Bạch Y.
Bạch Y tức sắc tộc Bạch Y, Trung Quốc gọi là Bạch Y Man
Bạch Y man, cũng gọi Bạch Di, Bách Di, Bãi Di, Bãi Y, Bặc Di, danh xưng tối cổ của tộc hệ Thái-Lào. Khu tụ cư của Sắc tộc này hiện nay là miền Đông bắc nước Lào, ở về phía Tây bắc Việt Nam, và mạn Nam tỉnh Vân Nam.
Hiện tôi không có sử liệu về dân Bạch y nên chưa rõ “9 khu vực” của dân này là những khu nào?
Người Trung Hoa có lúc dùng chữ “Cửu” (Số 9) để phiếm chỉ “số nhiều”, và nếu thế thì tiếng “cửu khu” ở đây có thể dịch là “các khu”, không nhất thiết là “9 khu”.
Tuy nhiên tôi viết điều này với tất cả sự dè dặt trong khi chờ đợi có tài liệu về vấn đề.
Tiếp liền sau đoạn dẫn trên Lê Mạnh Thát viết”
          “Tuy cãi cọ nhau về nguồn gốc như vậy, nhưng trên thực tế các động này cho đến những năm sau vẫn thuộc về ta. Chẳng hạn ngày 25 tháng chạp năm Quý Hợi (1083) khi quân ta tập hợp đe dọa Quy Hóa do Nùng Trí Hội quản lý, thì chính vua Tống đã hạ lệnh đưa Trí Hội vào nội địa Trung Quốc, như Tục tư trị thông giám trường biên 341 tờ 18b đã ghi. Điều này rõ ràng muốn nói, cuộc thương lượng về chủ quyền của hai động này nhằm về vấn đề pháp lý nhiều hơn là thực tế, vì ta mới tập hợp quân Quy Hóa đã thành vô chủ, nghĩa là thuộc về chủ cũ của nó”. 
(LSPGVN. tr. 145).
Lê Mạnh Thát không biết một thực tế ở vùng biên cảnh Việt – Trung ngày trước là các sắc tộc ở vùng biên cảnh Giao Chỉ / Trung Quốc thời trước rồi ở giữa 2 lằn gươm đao.  Nhìn chung bên nào mạnh thì họ theo! Việc này được ghi chép rất nhiều trong Sử sách Trung Quốc nói chung, và “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” nói riêng!
Và như vậy, nếu nói chủ quyền của hai động này nhằm về vấn đề pháp lý nhiều hơn là thực tế thì câu này của ông Lê Mạnh Thát đúng là thiếu thực tế, và thực tế này, như đã nói, là “mạnh theo, yếu bỏ”. Áp lực phía nào mạnh thì họ theo về, yếu thì họ bỏ về bên kia! Thực tế là vậy! Lê Mạnh Thát không đọc sử cho nên không thấy được thực tế hiển nhiên này! Hiểu được sự kiện này thì mới hiểu được tại sao quân Giao Chỉ có thể tiến vào nội địa Tống triều một cách nhanh chóng! Vùng Khê Động của Trung Quốc là vùng rào chắn, do đó, một khi không còn rào chắn nữa thì Giao Chỉ tiến rất nhanh!
Nói ta mới tập hợp quân Quy Hóa đã thành vô chủ, nghĩa là thuộc về chủ cũ của nó.
thì rằng Lê Mạnh Thát không coi “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” để thấy là sau khi Tống triều đưa Nùng Trí Hội từ Châu Qui Hóa vào nội địa của mình, Tống triều đã “khai triển việc phòng ngự các con đường trọng yếu ở các cửa ải của Qui Hóa”; nếu là vô chủ thì sao Tống triều lại có hành vi phòng thủ này? (Coi đoạn sau).
Thấy Tống triều đưa Nùng Trí Hội vào nội địa thì ông Lê Mạnh Thát đã nhận định rằng Châu Qui Hóa thành “vô chủ”. Một nhận định con nít!
Lại nữa, nói “Pháp lý” là nói việc thảo luận về khía cạnh hợp pháp hay không hợp pháp của vấn đề chủ quyền đất đai, là nói thương thuyết về mặt ngoại giao… Nhưng một khi đã nói tới việc “tập hợp quân” thì đây là dùng “áp lực Quân sự” để tranh dành, tức đâu còn là chuyện “Pháp lý” nữa! Cho dù dùng áp lực Quân sự nhằm đạt được thắng lợi về mặt Pháp lý đi nữa thì bản chất của vấn đề vẫn là “Quân sự”, là Võ lực
Về việc kể trên “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” chép như sau:
- “Nguyên Phong lục niên……
Thập nhị nguyệt. Tân Vị sóc……
Ất Vị……
Quảng Tây Kinh Lược Ty ngôn:
~ Qui Hóa Châu ngôn: - Giao Chỉ tụ binh dục phục thủ bản Châu. Giao nhân tạc dĩ truy bô Nùng Trí Hội vi từ, xâm phạm Qui Hóa, kim tuy thoái bảo sào huyệt, do thường hữu khuy du chi ý! Kim Trí Hội xưng: - Như Giao Chỉ tái phạm, bản Châu nan ngự, tức đầu tỉnh địa!
Trí Hội ký bất năng kiên cự Giao tặc, nhược lệnh tại bỉ, bất miễn trí khấu! ~
Chiếu Hùng Bản ủy khúc hiểu dụ Trí Hội tỉ trí nội địa, nhưng tướng đạc bả thác Qui Hóa Châu yếu hại ải lộ, như Giao Chỉ phục lai tức thị vô cố nhập tỉnh địa, tự khả di điệp vấn tội!”.
                       /  Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên. Qu. CCCXLI. Thần tông kỷ  /.
- “Năm thứ 6 Niên hiệu Nguyên Phong……
Tháng 12. Mồng 1 ngày Tân Mùi……
Ngày Ất Mùi……
Ty Kinh Lược Quảng Tây nói:
~ Châu Qui Hóa nói: - Giao Chỉ tụ tập quân binh muốn chiếm lấy bản Châu. Trước đây người Giao Chỉ lấy cớ truy bắt Nùng Trí Hội, xâm phạm quản hạt Qui Hóa, hiện giờ tuy đã rút về giữ sào huyệt nhưng vẫn luôn có ý dòm ngó (hòng chiếm châu này)! Bây giờ Trí Hội nói: - Nếu Giao Chỉ lại tới xâm phạm thì Châu khó mà chống lại được, chừng đó sẽ về vùng đất của triều đình!
(Nùng) Trí Hội đã không thể kiên quyết chống cự giặc Giao Chỉ thì nếu để Trí Hội tại đó rồi không khỏi khiến giặc tới cướp! ~
Triều đình ra chiếu chỉ cho Hùng Bản khéo léo uyển chuyển nói rành mạch tình thế cho Trí Hội biết để đưa Trí Hội vào nội địa, nhưng vẫn phải y như cũ xem xét (tình hình) mà khai triển việc phòng ngự các con đường trọng yếu ở các cửa ải của Qui Hóa, nếu như Giao Chỉ lại kéo đến nữa thì đây là vô cớ xâm nhập địa phận của tỉnh, chừng đó có thể gởi văn thư hỏi tội!”.
Minh Di

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét