Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Luật để cho ai ?

Nguyễn Vạn Phú
Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý
thân hữu, quý chiến hữu cùng quý Niên Trưởng,

Nếu như nỗ lực đưa ra dự thảo Luật Nhà văn dẫn đến câu hỏi “Luật để làm gì?” thì những cố gắng loại bỏ dự thảo Luật Biểu tình của một đại biểu Quốc hội vào tuần trước đưa chúng ta đến với câu hỏi “Luật để cho ai?”

Nếu thường xem phim hình sự Mỹ, chắc người xem sẽ nhớ ngay đến chuyện lúc nào trước khi bắt ai, cảnh sát đều đọc như máy: “Anh có quyền giữ im lặng. [Nhưng nếu anh từ bỏ quyền này] Bất kỳ điều gì anh nói hay làm có thể sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa…”. Có lẽ ai cũng từng có lúc thắc mắc vì sao cảnh sát nói thế làm gì cho thêm rắc rối, không lẽ họ không muốn kẻ tình nghi nhanh chóng khai hết mọi sự? Vì sao lại tự trói buộc mình vào một tình huống gây khó cho chính họ? 

Đó là bởi luật lệ nước Mỹ (và luật của nhiều nước khác) quy định như thế, cảnh sát phải làm theo. Còn vì sao phải quy định như thế là bởi một trong nhũng tu chính án của Hiến pháp Hoa Kỳ không cho phép ép buộc một người tự khai để chống lại mình. Ép buộc thì không được (để tránh trường hợp bức cung, tra tấn buộc tù nhân nhận tội) nhưng tự thú thì đương nhiên là chuyện bình thường.

Đến đây, chắc mọi người cũng thấy rõ luật, đặc biệt là bộ luật gốc, tức Hiến pháp, không phải dành cho chính quyền – luật nhằm bảo vệ công lý, tạo ra sự công bằng xã hội và luật là công cụ để người dân bảo vệ các quyền hiến định của họ. Một số ít người vẫn nhầm tưởng luật nhằm kiểm soát xã hội.


Vì vậy, trước khi trả lời câu hỏi, Luật Biểu tình có cần thiết không trong ý nghĩa bảo vệ công lý, chúng ta nên đặt câu hỏi vì sao các bản Hiến pháp nước ta - cho đến bản Hiến pháp mới nhất đều ghi rõ công dân có quyền biểu tình (Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật – Điều 69, Hiến pháp 1992)?

Có thể trả lời câu hỏi này bằng nhiều cách. Đơn giản nhất thì cho rằng đó là các quyền cơ bản của con người trong một xã hội văn minh. Ở một mức cao hơn thì giải thích biểu tình đâu phải đơn thuần là chống lại Chính phủ như một số ít người hiểu nhầm, biểu tình là để người dân bày tỏ thái độ và thái độ đó có thể là phản đối, có thể là ủng hộ, có thể là nhắm đến Chính quyền nhưng cũng có thể nhắm tới hàng loạt đối tượng khác.
Nhưng thực chất vấn đề không nằm ở đó, không dừng lại ở những khái niệm nhất thời. Hiến pháp được xem là một khế ước cao nhất của tất cả mọi người trong một đất nước, cùng thỏa thuận cách thức sống chung với nhau như một xã hội thống nhất nên Hiến pháp cũng là công cụ để giúp kiểm soát, ngăn chận sự lạm quyền trong mọi thời điểm tương lai.

Người dân trao cho những người cầm quyền nhiều quyền lực để thực thi nhiệm vụ nhưng đồng thời họ cũng giữ cho mình những công cụ để tước đi quyền lực ấy nếu người cầm quyền lạm dụng quyền lực để làm điều xấu có hại cho người dân. Những công cụ ấy rất đa dạng, ở góc độ cá nhân là những luật lệ chặt chẽ mà ý nghĩa là nhằm bảo vệ công lý cho từng cá nhân như nói ở trên, ở góc độ xã hội là sự phân công quyền lực để dùng quyền lực giám sát quyền lực. Và ở góc độ tập thể chính là quyền biểu tình như quy định trong Hiến pháp.
Nếu nhìn từ góc độ người lãnh đạo, với một bộ máy nhà nước khổng lồ, nhu cầu có những cơ chế, những thủ tục, những quy trình để kiểm soát cấp dưới khỏi làm bậy, khỏi lạm quyền, khỏi đi chệnh những đường lối chính sách mà mình vạch ra là rất lớn. Trao cho xã hội những công cụ như luật lệ, trong đó có Luật Biểu tình, là nhằm mục đích đó. Giả định một tình huống, lãnh đạo một địa phương nào đó lạm dụng quyền lực chiếm đất của người dân trái phép, lại có đủ thủ đoạn để chặn đứng những nỗ lực đương đầu của người dân như khiếu nại, tố cáo, kiện ra tòa… Lúc đó, biểu tình là cách tốt nhất để người dân ở nơi đó gởi thông điệp của họ đến thẳng chính quyền cấp cao hơn để biết và giải quyết triệt để.

Thật ra, để trả lời cho vị đại biểu tuần trước ra trước Quốc hội phát biểu bác bỏ nhu cầu cần có dự luật biểu tình thì đơn giản hơn nhiều. Biểu tình là một trong những quyền của công dân ghi trong Hiến pháp. Chừng nào Hiến pháp còn ghi điều đó thì nhiệm vụ của các đại biểu lập pháp như ông là phải cụ thể hóa quyền đó thành một đạo luật cụ thể. Nói chờ dân trí cao hơn mới có thể ban hành Luật Biểu tình là một cách nói vi hiến không thể chấp nhận ở một đại biểu Quốc hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét