Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Hồ Chí Minh – Ông là Ai ? (bài 3 - a)

PHẦN BA:  Những sự kiện và các nhân chứng đương thời với Hồ Chí Minh                                                                                              

*** 

Nghĩ về Thế Việt tâm Tàu

"Công lao vĩ đại nhất của Hồ Chí Minh là đã tạo nên được một đảng cộng sản người Việt cho Tàu. Những gì đang diễn ra trên đất nước hôm nay là kết quả mỹ mãn của công lao đó".

Chân dung Hồ Chí Minh dược tạo nên từ hình chụp môt người Tàu
          Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc ngày nay là một địa chỉ du lịch nỗi tiếng trên toàn thế giới. Sự kỳ vĩ, ngoạn mục, tuổi thọ, quy mô đằng nào cũng chiếm kỷ lục nằm sờ sờ ra giữa trung nguyên hùng vĩ để nhân loại hôm nay nhìn thấy sức người Tàu trên hai nghìn năm trước đã ghê gớm như thế. Vâng! Hơn hai nghìn năm trước địa giới nước Tàu ở đó nên mới làm nên tên nước là Trung Hoa. Cái đẹp ai cũng mê. Hùng vĩ ai cũng nể. Và, trong cái độ dài làm nên trường thành ấy, người ta tĩnh tâm còn nghe rõ tiếng khóc ai oán, còn nhìn thấy dấu tay của cư dân  nước Tần với sáu nước láng diềng Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy bị xóa sổ. Ngày ấy biên cương Trung Hoa xa Văn Lang vạn dặm mà quân nhà Tần đã tràn xuống phương nam rồi. Ngày nay “Vạn Lý Trường Thành không là biên cương nữa. Trung Hoa thành Đại Trung Hoa. Bách Việt bị thôn tính.

          Sử ký một nghìn năm Bắc Thuộc, con nít nước ta đứa nào cũng thuộc. Vạn Lý Trường Thành oai hùng, các nhà cầm quyền nước ta đứng đầu từ cấp huyện trở lên hình như người nào cũng đã được đặc ân chiêm ngưỡng. Không biết, khi đi trên “Vạn Lý Trường Thành” trong số họ có ai thầm nhắc câu hát mà Trinh Công Sơn đưa vào ca khúc hay không!

                   “Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu”

          Vạn Lý Trường Thành xóa xong ranh giới sáu nước vào năm 221 trước Công nguyên thì ngay lập tức, Tần Thủy Hoàng cho quân tiến lên phía bắc chiếm đất người Hung Nô lập nên Hà Sáo đồng thời xua quân xuống phía nam thôn tính Bách Việt. Nhâm Ngao và Triệu Đà được sai đánh chiếm Âu Lạc (214 trước CN).

          Trong cuốn “Lịch sử nước ta” (diễn ca) của Hồ Chí Minh viết vào năm 1941, bản in thạch cở nhỏ dạng sổ tay khoảng 8cm x 12cm, tôi được đọc một lần khi mới phát hiện, nhớ mấy câu đầu là “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Lạc Long... Triệu Đà là tổ nước ta. Nước ta khi đó gọi là Văn Lang...”

          Tôi và vài người bạn đều trố mắt nhìn nhau. “Triệu Đà là tổ nước ta” ?. Từ đó tôi biết sợ.

          Quân của Nhâm Ngao, Triệu Đà xông vào cướp Âu Lạc. Nhân dân Âu Lạc tản vào rừng, nhờ rừng để tránh và để chống ngoại tộc cướp nước.

          Triệu Đà không làm gì được bèn thay mưu. Cho con trai là Trọng Thủy sang lấy vợ, ở rể. Vì mất cảnh giác, thành Cổ Loa vào tay Triệu Đà, An Dương Vương cõng con gái chạy về phía Hồng Lĩnh. Vào đến đất Nghệ mới được thần nhân cho biết giặc ngồi sau lưng mình. Thì ra giặc là người trong nhà. Ta mất nước thì ra do người trong nhà. Chỉ một chút nhẹ dạ cả tin thôi dân ta phải chịu “Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu”. Triệu, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường thay nhau cai trị nước ta. Cho hay triều nọ suy, triều kia thịnh, nội bộ người ta sát phạt nhau, nhưng mục tiêu bành trướng Đại Hán với tính tham lam, tàn bạo, nham hiểm trong thống trị ngoại tộc thì không thay đổi. Di dân, chiếm đất, đồng hóa song hành với tiêu diệt bản địa … trước Công nguyên hay sau Công nguyên vẫn thế.

          Năm 938 may có ông Ngô Quyền không thèm bả vinh hoa phương Bắc đã hô hào dân chúng làm cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đời Đường. Rừng góp sức làm nên chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất. Thế rồi, rừng lại làm nên chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai dưới thời Lê Đại Hành (981).

          Sang thế kỷ XIII, quân Nguyên đã gây nên sợ hãi ám ảnh không chỉ các nước phương Đông mà lan tràn khắp lục địa Á, Âu. Nhờ rừng và biển vua Trần mới bảo toàn lực lượng tổ chức kháng chiến. Lại nhờ rừng Trần Hưng Đạo Đại Vương mới làm nên chiến công Bạch Đằng lần thứ ba (1288).

          Thơ ông Tố Hữu tôi mê không được, nhưng câu “Rừng che bộ đội, rừng ngăn quân thù” thì tôi nghĩ là ông rất biết tác dụng của rừng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giữ nước.

          So về bằng cấp học vị, ông Tố Hữu không bằng các “nhà” trị dân trị nước ngày nay, nhưng ông có tầm nhìn, nếp nghĩ như bàn dân ta, như tổ tiên ta mà không như bộ này bộ nọ đang cai trị dân ta. Đang lừa phỉnh dân ta thì đúng hơn. Lẽ nào họ không biết vị thế rừng giúp dân tộc ta giữ nước ? Họ bán rừng đầu nguồn, bán Bô xít Tây Nguyên, bán một số cảng nước sâu, miễn thị thực nhập cảnh... gợi lên cho tôi ý nghĩ rằng từ ngày có cụ Hồ, DÂN ta đã “nuôi quá nhiều ong trong tay áo”.

          Từ kinh nghiệm xâm lược, người Tàu nhận ra thế chiến lược phòng thủ và tiến công từ rừng của ta. Từ âm mưu thôn tính ta hàng nghìn năm qua, người Tàu nhận ra tầm quyết định của nội thuộc. Thời trước tìm mọi cách đưa Trọng Thủy sang làm con rể, lấy cho được bí quyết nỏ thần. Ngày nay đổi hướng, người ta tìm mọi cách vun đắp tô điểm vị “cha già dân tộc” còn cao tay hơn. Đã có “cha già” càng cần nhiều con trẻ. Làng Tàu theo dự án đầu nguồn mà lập nên mọi nơi có rừng. “Thâm Nho” là chỗ đó.

          Thưa ông Tố Hữu. Thơ ông bị đàn em của ông sử lại rồi:

                   “Rừng che mưu giặc, rừng ngăn dân mình

          Hài lòng chưa các ông!

          Là dân nước ta, từng chia sẻ với vị thế nước ta “Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông. Chung một biển Đông chung tình hữu nghị”. Ca khúc hay ho đó họ chế cho ta ra rả hát để họ ra rả bắn giết, đánh đập, cướp bóc Ngư dân ta trên biển, thủ tiều lâm dân ta trong rừng. Lịch sử Trung cộng cho ta biết rằng họ không thực thi chủ nghĩa cộng sản trên đất nước họ mà chỉ tâm đắc thuyết “Thế Giới Đại Đồng” để thực hiện chủ nghĩa bá quyền mà thôi.

Bởi chủ nghĩa bá quyền là không định được biên giới quốc gia. Thôn tính và thôn tính, đó là “học thuyết Trung Hoa”.

          Ta bé nhỏ mà phải đội cái thúng đá to quá cở trên đầu. Thế nước Nam là thế! Nhìn xem bản đồ nước ta và nước Tàu có phải thế không! Đầu ta bị lún sâu vào đít thúng nên không nhìn thấy gì nữa. Ta cong lưng đến bao giờ? Vạn Lý Trường Thành 200 năm trước Công nguyên đã liếm xuống biển Đông theo cái lưỡi bò và tham vọng Trung Hoa chắc chắn không dừng lại đó.

          Người đội đá không nhanh tay hất sang một bên hẳn là tự sát.

          “Cha già dân tộc” lập mưu “dắt năm châu đến đại đồng” là cốt phỉnh ta phải yêu Tàu, nhưng đã đến lúc ta nên “bất hiếu” với “cha”. Bởi láng diềng “bốn tốt” của ta cần không gian sinh tồn cho người Hán, không cần thuộc dân. Có thế mới cứu được cộng đồng các dân tộc Việt Nam qua khỏi nạn diệt chủng.

          Thời Minh Mạng (1820 -1841), mỏ đồng Tụ Long nằm trong lãnh địa Đại Nam, do nhà nước Đại Nam tổ chức khai thác. Ngày nay Tụ Long nằm sâu trong lục địa Tàu. Lẽ nào các nhà cầm quyền hiện thời không biết! Năm 1955 “anh ta” giúp ta khôi phục tuyến đường sắt Nam Quan - Hà Nội. Bởi quá “thiện chí” “anh ta” làm mẫu 10 km từ ải trở vào rộng 1,40m như đường bên nước anh ta, nói là để khi thế giới đại đồng thì đường sắt xuyên lục địa đều thống nhất cùng một cở. “Bác” bảo thế! Ta tưởng thật, để “anh ta” vô tư làm. Ngót ba mươi năm sau, “anh ta” cãi đường rộng 1,40m đến đâu là biện cương của “anh ta” đến đó.

Lẽ nào các nhà cầm quyền hiện thời không biết ? Ngày trước, mỗi lần xuống Ninh Bình, tôi nhìn cái ống khói của nhà máy thiêu hủy than đá Quảng Ninh chính phẩm do Tàu giúp ta xây dựng vừa đốt than vừa ban phát bụi cho toàn thành phố đồng thời làm cái “dương” cắm giữa cái “âm” của Ngọc Mỹ Nữ (núi Cánh Diều) đã bị họ, vâng! chính họ chặt đôi chân Thần Nhân nằm ngả giữa trời (1955). Yểm. Người Tàu yểm. Dân Ninh Bình thuở đó bảo thế!

          Những điều như thế, lẽ nào các nhà cai trị không biết!

          “Bác vẫn còn chúng cháu hành quân” sao đặng.


         Quảng Châu với Hồ Chí Minh

     Dường như mọi loại sách báo, giáo trình, giáo khoa các cấp học từ vở lòng đến đại học, học viện... khi viết về Hồ Chí Minh đều dựa vào cuốn “Những mẫu chuyện về đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch” do Trần Dân Tiên biên soạn.

      Trần Dân Tiên đóng vai nhà báo nhiều lần xin gặp Hồ Chí Minh nhưng vì “người bận trăm công nghìn việc” nên không thể được, đành phải tự lần mò khắp hang cùng ngõ hẽm mới góp nhặt được ít nhiều mẫu chuyện về một con người mà “cả cuộc đời chỉ vì dân vì nước bôn ba khắp năm châu bốn biển”. Từ lẽ đó, Trần Dân Tiên không thể đi hết, viết hết mọi chuyện về vị lãnh tụ tối cao này mà chỉ chắp nối từng đoạn như vẽ một con rồng khi ẩn khi hiện trong mây.  

      Được đọc “Những mẫu chuyện về đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch” ai ai cũng cảm động và cảm phục Trần Dân Tiên tận tâm, chịu khó. Rõ ràng là, nếu không có Trần Dân Tiên mấy ai biết được công lao vĩ đại của “Bác Hồ”.

      Trường mẫu giáo là nơi bắt đầu “trồng người” hay học viện chính trị quốc gia là chốn đào tạo quan liêu các cấp để “gài người”, tất thảy đều dựa vào Trần Dân Tiên mà ngợi ca Hồ Chí Minh.

      Trên cõi đời này chưa có nhà báo nào sánh được với Trần Dân Tiên.
      Trên cõi đời cũng không có ai như Hồ Chí Minh bịa ra Trần Dân Tiên để thêu dệt về mình.

      Với người Việt Nam ta “mèo khen mèo dài đuôi” đã bị lên án, đã bị chế riễu và được liệt vào loại tiếu lâm. Trần Dân Tiên quả là nhân vật tiếu lâm và là tay viết tiếu lâm có nghề. Nghề tinh từ nền tảng năng khiếu. Năng khiếu xuất chúng do tâm làm điểm xuất phát. Cái tâm Hồ Chí Minh làm nên nhà báo Trần Dân Tiên không ngoài lẽ đó.

       “Vào nửa sau năm 1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, lần lượt tham dự hội nghị Quốc tế nông dân (15-101923), Đại hội lần thứ năm Quốc tế Cộng sản (17-6 đến 18-7-1924), Đại hội lần thứ tư Quốc tế thanh niên, Đại hội lần thứ ba Quốc tế phụ nữ cộng sản, Đại hội lần thứ ba Quốc tế công hội đỏ và Đại hội lần thứ nhất Quốc tế các chiến sĩ cách mạng (tức Quốc tế cứu tế đỏ). 
      …
      Sau các hội nghị quốc tế, Nguyễn Ái Quốc còn ở lại Liên Xô làm việc trong Quốc tế Cộng sản, nghiên cứu chế độ xô viết, nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức một chính đảng kiểu mới theo học thuyết Lê nin, tiếp tục tuyên truyền những luận điểm của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa trên báo sự thật của đảng Cộng sản Liên Xô và tạp chí Thư tín quốc tế của Quốc tế Cộng sản.
      …
      Sau khi dự Đại hội lần thứ năm Quốc tế Cộng sản và các hội nghị quốc tế khác, cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc).

    Tháng 6-1925, tại đây người đã lựa chọn một số chiến sĩ trẻ tuổi trong tổ chức Tâm tâm xã và một số thanh niên yêu nước đã từng hoạt động dưới ảnh hưởng của Phan Bội Châu để lập ra một đoàn thể cách mạng có xu hướng mácxit – đó là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (gọi tắt là Thanh niên).

     Tháng 7 năm đó, cùng với các nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Indônêsia, Mã lai, Ấn Độ...Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông do ông Liêu Trọng Khải (Trung Quốc) làm hội trưởng. Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội có quan hệ mật thiết với tổ chức này”.

  (GS Lương Ninh (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam Giản Yếu, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nôi, 2000, trang 451-452). 

      Thiết nghĩ nếu không có Trần Dân Tiên (tức Hồ Chí Minh), sáu giáo sư đồng tác giả lấy đâu ra tư liệu viết được những dòng hay đến thế ?

     Nhân những ngày vừa qua, Tàu thực hành “bốn tốt” với ta ngoài biển Đông, Hà Nội thường hay có người tụ tập thể hiện tinh thần yêu nước, để tránh mọi hành vi biểu tình, tôi ngại ra đường. Vốn nhát gan, sợ các “đồng chí còn đảng còn minh” lôi về đồn nên tôi nằm nhà đọc sách và ngủ. Gặp những dòng trên đây, lấy làm đắc chí chép lại hầu bạn đọc gần xa.

     Đã đọc là phải ngẫm, tôi nhận ra lắm lẽ đáng quan tâm. Vào nửa sau năm 1923,  Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, với tư cách gì mà lần lượt tham dự nhiều hội nghị Quốc tế thế? Có đảng nào cử đại biểu trước hàng năm trời để đi dự liền tù tì tất cả các hội nghị Quốc tế. Đến khi kết thúc mọi hội nghị thì đại biểu được cử đi không quay về nơi xuất phát để báo cáo thu hoạch mà lặng lẽ về Quảng Châu (mùa Thu, 1924). Đảng Cộng sản Pháp dư quỹ đài thọ đại biểu và quản lý đảng viên hời hợt, lỏng lẻo vậy sao? Đại hội lần thứ năm Quốc tế Cộng sản kết thúc vào cuối tháng 7 năm 1924. Sau đó “đồng chí Nguyễn Ái Quốc” còn dự một loạt hội nghị quốc tế khác và còn ở lại “nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức một chính đảng kiểu mới theo học thuyết Lê nin, tiếp tục tuyên truyền những luận điểm của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa trên báo sự thật của đảng Cộng sản Liên Xô và tạp chí Thư tín quốc tế của Quốc tế Cộng sản (sách đã dẫn, trang 451).

       Cái tài của các giáo sư sử học - tác giả công trình này là nói được những điều lạ tai. Một người Việt Nam thất học trình độ tiểu học Đông Ba (Huế), bị đuổi khỏi trường đi làm phụ bếp độ nhật, nhảy lên Paris sau ngày chiến tranh thế giới kết thúc, viết được “Thỉnh nguyên thư gửi Hội nghị Quốc tế tại cung điện Véc Xây (1919)” rồi sang Nga lại viết báo “tuyên truyền những luận điểm của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa” cho dân Nga đọc, rồi về Trung Quốc thành lập tổ chức quốc tế rồi giao cho một nhân sĩ Trung Quốc làm hội trưởng… Quả là ghê gớm.

        Chú tôi, một giáo sư vào lớp đàn anh, có mặt ở Nga khá sớm đang ôm trong lòng một nỗi day dứt chưa dám ngõ cùng đời, rằng năm 1955 Hồ Chí Minh sang Nga báo cáo về cải cách ruộng đất, chú tôi được đi làm phiên dịch. Cảm tưởng đầu tiên là tiếng Nga của Hồ Chí Minh chỉ đủ để giao tiếp thôi. Viết lách chắc còn vất vả lắm. Trong một buổi đàm thoại bằng tiếng Pháp với một người Pháp, “Bác” tưởng chú tôi thuộc loại trẻ con nhà quê ra tỉnh mới sang hoc tiếng Nga, không biết gì về tiếng Pháp nên đã dùng tiếng bồi nhà nghề nói với người Pháp kia một số lời làm chú tôi giật mình. “Lẽ nào Bác lại là mật thám Pháp”. Điều day dứt đó chú tôi dặn “sống để bụng, chết mang theo” đừng hở ra mà mang tai họa khó lường. Nghe lời chú, tôi ngậm miệng từ đó cho đến hôm nay Tàu gây hấn mới dám ngõ vụng cùng đời. Và nếu Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam vì Tàu mà ra lệnh cho thuộc hạ gây tai nạn giao thông hại tôi, tôi cũng cam lòng hả dạ là đã nói được điều nên nói.

      Tôi muốn nhắc lại điều này vì mấy lẽ - Đại hội lần thứ V của quốc tế cộng sản diễn ra từ ngày 17 tháng 6 đến ngày 08 tháng 7 năm 1924 là mạnh Thu. Sau Đại hội đó “người” còn tham dự một loạt Đại hội của Thanh niên, Phụ nữ, Công hội, Cứu tế đỏ. Đã dự quá nhiều đại hội lại bỏ ra một thời gian để nghiên cứu và viết bài tuyên truyền cho người Nga hiểu Lênin, mà đến tháng 8 trọng Thu “người” đã có mặt tai Quảng Châu với tên mới là Lý Thụy rồi. Thánh thật! Một tháng thôi sao làm nhiều việc thế!

      Quảng Châu những năm 1924 – 1927 là tai mắt dò la mà nội bộ là Quốc – Cộng, ngoại bộ là Anh, Pháp, Nga, Nhật...Nghĩa là luôn luôn có sự rình rập của mọi kẻ thù. Nguyễn Ái Quốc lại ngang nhiên lựa chọn người này loại bỏ người kia để đứng ra thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội dễ như mua bán giữa chợ trời vậy sao! Tôi nghĩ những việc này đều phải coi lại. Bởi Trần Dân Tiên (HCM) khoe cốt để giúp Hồ Chí Minh – Trọng Thủy của thế kỷ XX, chiếm lĩnh ngôi cao nhất nhằm lái Việt Nam nhập vào quỹ đạo “Xích quỷ” Tàu. Các giáo sư hăng hái quá nên không kịp nghĩ.

      Về những thanh niên yêu nước có mặt ở Quảng Châu có thể chia thành hai thời đoạn trước và sau năm 1925. Trước năm 1925 là lớp thanh niên thuộc phong trào Đông Du,  do Phan Bội Châu đề xướng và kêu gọi đã có mặt tại Nhật khoảng 200 người. Nhật tẩy chay theo yêu cầu của Pháp (1908), một số người đổi tên ở lại học hành và tìm việc làm độ nhật, một số chạy sang vài ba nước châu Âu, đại bộ phận theo Phan Bội Chau về Quảng Châu. Tại đây họ là những người làm nên Việt Nam Quang phục Hội (19/6/1912), về sau một số thành lập Tâm Tâm xã. Từ Tâm Tâm xã một bộ phận chuyển thành Việt Nam Quốc dân đảng (19/6/1924). Lớp thứ hai, sang sau năm 1925 là những người chứng kiến, tham gia phong trào đòi tha Phan Bội Châu và dự đám tang Phan Chu Trinh.

      Xin mọi người nhớ rằng Quảng Châu sau khi quả bom Phạm Hồng Thái mưu giết toàn quyền Mec lanh nổ tai khách sạn Victoria ở Sa Điện thuộc tô giới Pháp (ngày 19 tháng 6 năm 1924) thì mạng lưới mật thám Pháp rải khá dày ở “thủ đô” cách mạng Việt Nam lưu vong này. Kế đến, là vị lãnh tụ thiên cộng Tôn Trung Sơn đột ngột qua đời tại Bắc Kinh trong một chuyến công cán (12/3/1925), chính phủ Quảng Châu thuộc quyền điều hành của Đới Quý Đào và Tưởng Giới Thạch. Hai nhân vật này là hai lưỡi gươm thanh cộng không nương tay. Mọi ngõ ngách Quảng Châu đều được kiểm soát nghiêm ngặt. Bởi vậy không bao lâu sau đó phái bộ Nga do Mikhain Bôrôdin cầm đầu phải rời Quảng Châu về nước, chấm dứt công việc của Lý Thụy. Tiếp theo là vụ Phan Bội Châu bị chỉ điểm để Pháp bắt tại ga xe lửa Thượng Hải vào ngày 01 tháng 6 năm 1925. Đối với người Việt trong và ngoài nước, nhất là tại Quảng Châu, Phan Bội Châu bị Pháp bắt là một tổn thất nặng nề và ngay lúc đó người ta nghi do có người chỉ điểm. Nguyễn Thượng Huyền, Lâm Đức Thụ, Lý Thụy là ba nghi can hầu như đã được xác định. (Nhóm năm thanh niên Việt Nam được Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội gửi sang học tại trường Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa không cho Line (tức Lý Thụy, Thậu Chín) vào ký túc xá (1929) một phần xuất phát từ lý do trên).

     Có điều mong được các giáo sư - tác giả công trình vừa nêu giải thích thêm là tại sao một người mà các tác giả đã viết là của Quốc tế cộng sản lại không rút về Nga theo phái bộ Bôrôđin mà bị bỏ lại, rơi vào tình thế “lưng không bén đất. Cật không đến trời”.  Tại sao khi Trương Vân Lĩnh báo Tưởng Giới Thạch đã có lệnh truy nã, Lý Thụy không tìm được bất cứ một chỗ dựa nào trong anh em Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đang có cơ sở ở Quảng Châu để nương thân mà lại phải chạy sang Phì Chịt (Thái-lan) ăn nhờ ở đậu tại Trại cày Đặng Thúc Hứa? Và tại sao, một người được các tác giả đề cao là sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, mà 6 lần tổ chức này họp với Việt Nam Cách mạng đảng (Tân Việt) trong nước để bàn về hợp nhất, “người sáng lập” lại không hay biết gì. Đến như Đại hội lần thứ nhất của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội họp tại Hương Cảng ngày 01 tháng 5 năm 1929 phân hóa bất thành mà người sáng lập cũng không can dự! Tôi sợ cái sáng lập khống lắm.

     Với tư cách một người giúp việc cho phái bộ Bôrôđin, Lý Thụy chỉ có chỗ dựa trong thời gian Bôrôđin còn ở Quảng Châu. Bôrôđin rời Quảng Châu là Lý Thụy hết việc. Vậy thì, lấy gì để coi ông ta là ủy viên phương Đông bộ của Quốc tế cộng sản. Và, một điều nên lưu ý là một ủy viên phương Đông bộ của Quốc tế cộng sản mà chỉ dự một kỳ đại hội lần thứ V còn đại hội IV, đại hội VI, đại hội VII lại đứng ngoài nhìn!
  
      Một câu hỏi lịch sử phải trả lời là Hồ Chí Minh là ai? Nguyễn Ái Quốc là ai? Hai người này chắc chắn không phải là một.

       Nguyễn Ái Quốc xuất hiện lần đầu trong bản Thỉnh nguyện thư gửi Hòa hội Véc xây là Patriot Nguyen. Như vậy Nguyễn Ái Quốc này chỉ mang tính đại diện cho nhóm nhân sĩ trí thức Việt Nam yêu nước đang có mặt tại Pháp. Đó là Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh. Vài năm sau, Nguyễn Thế Truyền còn viết một số bài trên báo Người Cùng Khổ vẫn để bút danh mang tính đại diện đó. Có thể coi Nguyễn Ái Quốc trong khoảng thời gian 1919-1925 là của chung không phải riêng ai.

       Năm 1924, Nguyễn Tất Thành về Quảng Châu với phái bộ Bôrôđin, bị xa lạ trước những thanh niên Việt Nam sang Quảng Châu theo các tuyến đường mà Phan Bội Châu và cộng sự của ông lập nên. Những tuyến đường đó là:

1. Vinh-Thanh Hóa-Nam Định-Thái Bình-Quảng Yên-Mông Cái-Mũi Ngọc-Đông Hưng.
2. Sài Gòn-Hương Cảng.
3. Vinh – Phì Chịt – Băng Cốc – Hương Cảng.

     Xa lạ là khó tin. Cho dù Lý Thụy là người Nghệ yêu nước và hoạt động cứu nước đến mức nào, nhưng không nằm trong sự lựa chọn, gửi gắm  từ cơ sở đều khó có thể gia nhập hội. Bởi mỗi tuyến có người tuyển chọn, có sự đảm bảo đủ độ tin cậy riêng từ cơ sở. Lý Thụy không thuộc tuyến nào cả.

      Trong tình thế đó, Lý Thụy tự nhận mình là Nguyễn Ái Quốc để Phan Bội Châu nể và khoe mà dọa các thành viên khác của ông. Phan Bội Châu nhầm và tưởng đó là Nguyễn Ái Quốc thật, người mà ông đã hâm mộ qua một số bài viết với bút danh Nguyễn Ái Quốc. Tạm coi đây là Nguyễn Ái Quốc do Nguyễn Tất Thành – Lý Thụy mạo nhận.

      Sau ngày bị Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong tẩy chay không cho Tống Vân Sơ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chúc tại Ma Cao (1935), Tống Vân Sơ lại sang Nga lảng vãng quanh hội trường Đại hội lần thứ VII của Quốc tế cộng sản họp tại mạc Tư Khoa (25/7-25/8/1935) và bị Staline bắt đày ra Xibiari.

      Năm 1939 có một hiện tượng trùng lặp trong tư liệu chữ viết là Hồ Quang (một bí danh của Hồ Chí Minh) và Hồ Học Lãm (1884-1943), người Nghệ làm lính rồi làm quan của Tưởng Giới Thạch cùng về Hoa Nam.

      Hồ Quang đội lốt Nguyễn Ái Quốc nhập Pắc Bó trở thành Hồ Chí Minh.

      Như vậy là có ba dạng Nguyễn Ái Quốc.
1.   Nguyễn Ái Quốc đại diện tập thể (1919-1925)
2.   Nguyễn Ái Quốc mạo nhận (1925-1931)
3.   Nguyễn Ái Quốc đội lốt (1931-1969)

     Từ đó tôi nghĩ rằng: Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc – Nguyễn Sinh Cung ba không phải là một. Có lẽ Nguyễn Tất Thành bị kết thúc đời hoạt động cách mạng của mình ngay sau phong trào “Xô viết Nghệ Tĩnh” (1930-1931) bị khủng bố khi mà tiếng tăm Nguyễn Ái Quốc cùng với đảng Cộng sản Đông Dương đã gây nên dấu ấn mới mẻ có khả năng thay các thế hệ đi trước. Người tinh khôn đón được rằng Việt Nam không còn Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh thì Nguyễn Ái Quốc thế nào cũng nắm đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng Cộng sản Đông Dương thế tất sẽ leo lên cái giàn chống Pháp mà người Việt đã tạo dựng trên đất Việt như một thứ trước bạ kể từ năm 1858 tại Đà Nẵng. Thay thế Nguyễn Ái Quốc của họ vào vị thế Nguyễn Ái Quốc của Nguyễn Tất Thành là có trong tay cái giàn Việt trọn vẹn. Năm 1931, chậm lắm là năm 1932 Tống Vân Sơ thay thế Nguyễn Ái Quốc từ toan tính đó. Bởi tại thời điểm này, tên tuổi Nguyễn Ái Quốc đã gieo được vào dư luận Việt Nam mà mặt thật của ông ta thì không mấy ai nhận rõ. Có chăng, một vài người Việt từ trong nước lén lút sang Quảng Châu thì chân ướt chân ráo giữa buổi nhập nhèm tranh tối, tranh sáng sau các sự kiện Phạm Hồng Thái giết hụt toàn quyền Đông Dương và Phan Bội Châu bị bắt, khó mà nhìn được mặt nhau. Tống Vân Sơ, Vương, Lý Thụy, Trần, Trần Lực, Hồ Quang, T. Lan. T. L … chưa ai lắm tên như thế cũng chính là một kiểu tung hỏa mù làm quan trọng hóa nhân vật Nguyễn Ái Quốc giả cho mau thành thật nhanh chóng xóa mọi bở ngỡ hoài nghi. Tống Vân Sơ nghiễm nhiên thay thế Nguyễn Ái Quốc để trở thành Hồ Chí Minh, “cha già” dân tộc không gây nên bất cứ trục trặc nào.

Lớp thanh niên yêu nước Việt Nam đang tôn thờ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh nhưng cả hai thần tượng trên thì một đã bị bắt, một đã tạ thế. Tống Vân Sơ mà mọi người tin là Nguyễn Ái Quốc như là hiện thân của hai đấng cứu nước trên trở thành mục tiêu tập hợp.

Thế là những người cộng sản Việt mang trọn cái giàn chống ngoại xâm cứu nước có sẵn giao cho Tống Vân Sơ. Người Tàu qua Tống Vân Sơ - Hồ Chí Minh nắm gáy những người cộng sản Việt. Người cộng sản Việt đã có sẵn trong tay cái giàn cứu nước đẩy toàn dân lao vào lò lửa chiến tranh, làm lính đánh thuê cho Tàu. Tàu đứng ngoài cổ vũ, bố thí súng đạn và lương khô. Chiến công càng lớn. Con em chết trận càng nhiều. Sinh lực Việt mỗi ngày mỗi kiệt quệ trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn càng oanh liệt Tàu càng hài lòng khích lệ. Chu Ân Lai ép Phạm Văn Đồng ký Hiệp định đình chiến Geneve (21/7/19540) chia đôi đất nước, rồi lại xui Việt cộng thẩy hết thanh niên ưu tú vào miền Nam gây chiến để miền Bắc, Tàu canh giữ cho.

     Không có Lê Duẩn, Lê Đức Thọ thì Hồ Chí Minh qua Chu Văn Tấn, khu Tự trị Việt Bắc và khu Tự trị Tây Bắc “thắm thiết tình Việt Trung” với khu Tự trị Choang, Quảng Tây không mấy trở ngại.

     Quảng Châu 86 năm trước là sân chung của nhân loại. Không dành riêng cho cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, có ta là có địch. Tứ xứ chẳng ai nhận ra ai trong trò chơi mèo chuột thuở đó. Thay người dễ như thay áo. Vì thế không đơn giản như các vị giáo sư vẽ nên chân dung một người xa lạ từ đâu nhảy tới là đứng ra thành lập ngay tổ chức cách mạng chống Pháp ngang nhiên như mua bán giữa chợ trời. 

     Nhìn ba tấm ảnh tư liệu Nguyễn Ái Quốc, Tống Vân Sơ, Hồ Chí Minh xin mọi người chú ý vành tai phải của Nguyễn Ái Quốc khác hẳn vành tai phải của Tồng Vân Sơ, Hồ Chí Minh.  Ấy là lẽ tạo hóa không để bọn bất lương bịt hết mắt thiên hạ rồi muốn làm gì thì làm. Thâm Nho mấy vẫn có sơ suất. Ấy là lẽ đời.

    Điều đáng sợ là người biết cố tình không biết.

     Năm 1969 Hồ Chí Minh chết nếu đúng tuổi là 77 hoặc như khai gian là 79. Nhưng nhìn thẳng vào dung nhan ngoài đời của ông ta lúc đó, tôi nghĩ phải trên 80 – 85. Khai thêm tuổi là sợ mình già trước tuổi chăng? Mặt khác tôi còn nghĩ Hồ Chí Minh không phải là Lý Thụy nên né tránh những ai đã từng có mặt ở Quảng Châu trước năm 1930. Nhiều người già ở quê tôi nghi ông ta là Hồ Học Lãm, hậu duệ của Thái thú Hồ Hưng Dật được Tầu nhồi nặn phục hưng tiếp tục sứ mệnh bành trướng đại Hán. 5 tháng vào Pắc Bó (1941) nắm được gáy Việt Nam, thì về Tàu ngay năm đó. Hai năm sau Hồ Học Lãm “chết” (1943) mãi đến cuối năm 1944 Hồ Chí Minh trở lại Pắc Bó dấn thân vào sự nghiệp cao cả: Lái con tuyền cách mạng Việt Nam lao vào chiến tranh “cứu nước” cho Tàu. Nếu Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc thật thì không đời nào Tưởng Giới thạch lại cho diễu bên đó những ba năm.

        “Ngục trung nhật ký” có lẽ cũng giống như báo Thanh Niên và sách Đường Kách Mệnh... rất đáng nghi là tư liệu người ta chuẩn bị gây niềm tin, uy tín cho Hồ Chí Minh để ông ta củng cố vị thế “cha già dân tộc” của mình!

        Xin mọi người một lần nữa hãy nhìn vào thế thái nhân tình nước ta hiện thời, nhìn vào sự mất mát của Dân tộc ta kể từ ngày có Hồ Chí Minh, rồi nhìn ra chung quanh xem các nước láng diềng trước và sau năm 1945. trước và sau năm 1975 thì mới nhận ra “công lao vĩ đại của Bác”

      Điều cần thiết lúc này là trả lại vị thế đảng nằm trong lòng Dân tộc chứ không phải Dân tộc nằm trong lòng đảng để mọi người Việt Nam gạt bỏ định kiến trong hay ngoài, đảng này hay đảng nọ, cùng nhìn rõ mưu ma chước quỷ của Tàu, tỉnh táo chung sức, chung lòng đặt lợi ích Dân tộc, Tổ quốc lên trên hết thì may ra còn có cơ cứu nước.  
                                                                                    
Thử nhìn lại phía sau lời hô hào " Đoàn kết! Đoàn kết! Đại đoàn kết" của Hồ Chí Minh


     Hồ Chí Minh bổng dưng xuất hiện trong hang Cốc Lếu, bản Pắc Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sát biên giới Việt Trung mà trước đó dường như chưa ai biết gì về người mang cái tên lạ hoắc này. Nếu ông ta đích thực là Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc “sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về” như người ta tâng bốc, thì tại sao lại không do những người của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội hoặc cơ sở của tổ chức đó dẫn về mà lại vòng lên Vân Nam để nhờ một người Quảng Trị tên là Trịnh Đông Hải, làm thợ sửa chữa xe ở dọc đường Mông Tự – Xì Xuyên đưa vào hang Cốc Lếu ? Tại sao lại không do những người cộng sản đã từng là “đồng chí” cùng có mặt ở Quảng Châu, Ma Cao, Hương Cảng, Mạc Tư Khoa, nghĩa là những người ít nhất một lần gặp Lý Thụy, đón mà lại là Đặng Xuân Khu, Hạ Bá Cang? Hồ Chí Minh là gì ở thời điểm trước ngày 28 tháng 01 năm 1941 và quan hệ với những ai thuộc đảng cộng sản Đông Dương để được toàn quyền triệu tập và chủ trì hội nghị Pắc Bó, tháng 5 năm 1941.Nguyên tắc đảng ở đâu! Chỉ thế thôi. Nếu không vì đạo diễn, không vì áp lực, không vì a dua thì khó có thể ra đời một hội nghị trung ương chẳng có ai trước đó đã chính thức hoặc được bàn giao thừa kế là trung ương.

     Không nói chuyện thời xa xưa mà kể từ khi có đảng cộng sản trên đất Việt Nam, việc giữ bí mật của một hội kín, nhất là để chống Pháp đã trở thành lẽ sống còn. Phan Bội Châu sang Nhật, Pháp theo sang gây sự. Phan Bội Châu về Trung Quốc Pháp bỏ tiền, rải người lập mưu bắt. Ngô Gia Tự, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ … thận trọng, kín đáo hết sức vẫn sa lưới. Nhiều mẻ lưới xét cho thấu là có nội gián. Điều đó dạy cho mọi người hoạt động chống Pháp luôn luôn đề phòng. Và chính điều đó cũng làm cho mọi người Việt Nam khi bình tâm rồi mới nghĩ ra rằng hoạt động bí mật chống Pháp không thể dễ dải, đơn giản như vậy! Một người tự cho mình sáng lập, huấn luyện Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội đồng thời lựa chọn những thành viên xuất sắc gửi sang Nga đào tạo... mà nhóm năm Thanh niên Việt Nam thuộc tổ chức đó đang học tại trường Đại học Phương Đông Mạc Tư khoa (1929) lại không biết, không muốn tiếp “vị huấn luyện” mình (?). Khi miễn cưỡng tiếp thì chỉ gặp xã giao ngoài cửa trường, dứt khoát không cho vào Ký túc xá và không tiếp lần thứ hai. Vì sao vậy ? Một người tự cho mình là sáng lập đảng Cộng sản Đông Dương, là ủy viên Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản, mà Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập tẩy chay không cho tham dự Đại hội đảng lần thứ I họp tại Ma Cao năm 1935. Có nghĩa là không được bầu làm đại biểu cộng sản Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản (1935). Một người tự cho mình là đại diện của Quốc tế Cộng sản, tại sao lại bị Stalin bắt giam rồi đày ra Xibiari?

     Những điều như thế đủ nói rằng Lý Thụy – Tống Vân Sơ chẳng có vai vế gì ở tổ chức quốc tế này. Lảng vảng, dòm ngó quanh những địa chỉ mà mật thám Pháp thuở đó quan tâm gợi lên cho người ta nhận thấy hành vi của một thám tử quốc tế hơn là một nhà hoạt động chính trị.

     Một người như thế lấy tư cách gì để đứng ra triệu tập, rồi chủ trì hội nghị Pắc Bó tháng 5 năm 1941 chỉ có dăm bảy người tham dự. Kể cũng lạ và cũng đáng nghi. Tại sao khi Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt vượt qua biên giới Việt Trung sang Tàu để vòng về Pắc Bó tổ chức hội nghị đó, thì Xứ ủy Bắc Kỳ lại triệu tập Hội nghị bất thường mở rộng tại Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, phê phán tính vô nguyên tắc và tẩy chay hội nghị Pắc Bó? Tại sao một người trung kiên như Chu Huệ (bạn Trương Văn Lĩnh) vượt ngục Đắc Min để ra tù hoạt động cách mạng thì cải cách ruộng đất lại bị vu rồi xử bắn mà một người như Bùi San dự hội nghị Pắc Bó, trên đường về bị Pháp bắt cung khai đầy đủ với Pháp lại vẫn được trọng dụng?

     Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương do Hội nghị lần thứ 6 của ban Thường vụ Trung ương đảng Cộng sản Đông Dương chính thức tuyên bố thành lập tháng 11 năm 1939, tại Bà Điểm là sản phẩm tập thể, Hồ Chí Minh lấy tư cách gì xóa bỏ để thay Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh do Hồ Học Lãm thành lập tại Nam Kinh (Trung quốc) trước đó 5 năm (1936).

    Tình hình nước ta ở thời điểm 1939 – 1945 mục tiêu cấp bách là “phản đế” hay “đồng minh”? “Đồng minh” với ai?  Tàu Tưởng hay Tàu cộng?

     Phần nhiều những người tham gia Hội nghị lần thứ 6 của Ban Thường vụ Trung ương đảng Cộng sản bị Pháp bắt, một số bị xử bắn hoặc bị đày ra Côn Đảo chịu án cấm cố, có liên quan gì với sự xuất hiện đột ngột, bất ngờ của nhóm Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hồ Chí Minh, tại Pắc Bó tháng 5 năm 1941. Ai đứng đàng sau, manh mối, đạo diễn hội nghị này?

    Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt là những học sinh bỏ học tham gia biểu tình đòi thả Phan Bội Chấu (1925), rồi tham gia hoạt động chống Pháp ở Bắc Kỳ, bị Pháp bắt giam tại nhà tù Sơn La, trước đó chưa hề biết Quảng Châu, có nghĩa là chưa một lần giao tiếp với Hồ Chí Minh ở bất cứ đâu. Vậy tại sao lại là những người được Hồ Chí Minh tin cậy và tin cậy Hồ Chí Minh. Chỉ thế thôi, hàng ngũ những người cộng sản Việt Nam tức khắc bị phân liệt. Trước hết là Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt với xứ ủy Bắc Kỳ. Kế đến là Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt với  những người cọng sản Nam Kỳ, và mở rộng dần ra giữa những người cọng sản từng bị giam cầm ở nhà tù Sơn La với những người cộng sản bị Pháp bắt giam ở các nhà tù khác như Hỏa Lò, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo.

    Hội nghị tháng 5 năm 1941 được gán là hội nghị lần thứ 8 của ban Thường vụ trung ương có xứng đáng đại diện toàn đảng cộng sản Đông Dương không? Tại sao từ đó gây nên nạn phân liệt? Trường hợp điển hình cụ thể là Võ Xán, một người yêu nước chân chính, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, quê ở huyện Bình Khê, bị Pháp bắt đày lên nhà tù Sơn La, ra tù đã tổ chức cướp chính quyền ở Bình Định lại bị nhóm cộng sản nhà tù Buôn Ma Thuột đứng đầu là Nguyễn Văn, Ngô Đức Mậu giết tại Bống Sơn vì cho rằng ông ta là Việt Minh giả của Trường Chinh (cùng tù Sơn La). Võ Xán uất quá lao đầu vào bụi tre, sau khi chết đầu bị kẹp chắt, không lôi xác ra được!

    Một điều tưởng cũng nên nhắc lại là tại sao hội nghị Đình Bảng cuối năm 1940 do Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt chủ trì đã có lúc gọi là hội nghị lần thứ 7 nhưng về sau lại không được thừa nhận. Như vậy là mấy người trên chưa đủ tư cách thay thế Ban Thường vụ của Hội nghị lần thứ 6 (11/1939) thì cũng có nghĩa là chưa đủ tư cách làm nên hội nghị lần thứ 8 tại hang Cốc Lếu, bản Pắc Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tháng 5 năm 1941.

       Pháp đại bại. Nhật thất thế. Nội các Trần Trọng Kim được thành lập sẽ là bước chuyển giao quyền lực ôn hòa vừa giành độc lập dân tộc vừa tránh đổ máu do một cuộc nội chiến hoặc ngoại xâm gây nên. Nếu Hồ Chí Minh, Trường Chinh thực lòng vì quyền lợi và sinh mệnh tối cao của dân tộc thì đã hợp tác với chính phủ đó. Tàu sợ một chính phủ thân Nhật. Hồ Chí Minh, Trường Chinh cũng sợ một chính phủ thân Nhật. Vì sao Hồ Chí Minh vu cáo Chính phủ Trần Trọng Kim là bù nhìn thân Nhật, lại ra sức lôi kéo các thành viên của Nội các đó làm trang sức cho chính của phủ mình? Từ đây mọi người Việt Nam nên nhìn cho rõ khẩu hiệu “Đoàn kết! Đoàn kết! Đại đoàn kết” của Hồ Chí Minh với việc làm cụ thể của ông ta! Nếu là một người yêu nước chân chính biết đặt lợi ích tối cao của dân tộc lên trên hết thì đã đoàn kết với chính phủ đang ra sức thực thi quyền độc lập thực sự cho đất nước mình! 

      Mong mọi người hãy nhìn vào các thành viên Nội các Trần Trọng Kim đã được nhà vua Bảo Đại phê chuẩn, có nghĩa là danh chính ngôn thuận trước công luận trong và ngoài nước gồm:
Mong mọi người hãy nhìn vào các thành viên Nội các Trần Trọng Kim đã được nhà vua Bảo Đại phê chuẩn, có nghĩa là danh chính ngôn thuận trước công luận trong và ngoài nước gồm:

  1. Trần Trọng Kim, Học giả, Thủ tướng
  2. Trần Văn Chương, Luật sư, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.
  3. Trần Đình Nam, Y sĩ, Bộ trưởng Nội vụ.
  4. Trịnh Đình Thảo, Luật sư, Bộ trưởng Tư pháp.
  5. Hoàng Xuân Hãn, Thạc sĩ toán, Bộ trưởng Giáo dục và Kỷ nghệ.
  6. Vũ Văn Hiền, Luật sư, Bộ trưởng Tài chính.
  7. Phan Anh, Luật sư, Bộ trưởng Thanh niên.
  8. Lưu Văn Lang, Kỷ sư, Bộ trưởng Công chính.
  9. Vũ Ngọc Anh, Bác sĩ, Bộ trưởng Y tế.
  10. Hồ Tá Khanh, Bác sĩ, Bộ trưởng Kinh tế.
  11. Nguyễn Hữu Thi, Y sĩ, Bộ trưởng Tiếp tế.

      Ngoài Nội các trên, Chính phủ Trần Trọng Kim còn bổ nhiệm Phan Kế Toại làm Khâm sai Bắc Bộ, Nguyễn Văn Sâm, Khâm sai Nam Bộ, Trần Văn Lai, Đốc lý Hà Nội, Đặng Văn Hướng, Tổng đốc Nghệ An, Kha Vạng Kân, Đô trưởng Sài Gòn.

      Dưới con mắt năm châu, một Nội các toàn là những danh nhân trí thức tên tuổi lại được nhà vua của một Vương triều thuộc một dòng họ đã làm nên xứ Đàng Trong lại làm nên Quốc hiệu Việt Nam thống nhất phê chuẩn là hợp hiến, đủ tư cách pháp lý bang giao với nhân loại.

       Nội các Trần Trọng Kim với những thành viên đó đủ tỉnh táo giành và giữ được nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải lại tránh cho dân tộc mình không rơi vào cuộc chiến tranh máu lửa.

      Thật đáng tiếc!

Nguyễn Gia Định

(còn tiếp)

1 nhận xét: