Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Văn lang, Âu lạc, Giao chỉ: nhất thống mội Việt Nam nhân giỗ Tổ Hùng, về nguồn oanh liệt xưa

Hà Nhân Văn

Hằng năm vào dịp này, giỗ Quốc tổ Hùng Vương, bản báo và HNV dành mục bình luận thời sự một kỳ để viết về vua Hùng và nước Văn Lang. Năm trước, giỗ Tổ nhằm số báo ra ngày 12-4-2011, mục này đăng tải bài "Giỗ Tổ Hùng tìm về cội nguồn dân tộc". Để tiếp nối, kỳ này trình bày về đất nước của vua Hùng từ Văn Lang, Âu Lạc, Giao Chỉ cũng là một VN xưa nay để trả lời mấy ông sử gia Bắc Kinh, nhất là mấy ông Đại Hán Đỏ đang "chỉ đạo chiến lược Việt - Trung" và Tổng cục tình báo Hoa Nam với luận điệu ngang ngược phi lịch sử: VN là một phần của Trung quốc và là quận huyện của TQ. Và rằng không có nước Văn Lang - Âu Lạc!

VIỆT NAM TÔI ĐÂU?

Tiếng hát Việt Khang từ tận đáy lòng, từ tâm thức dân tộc đang vút tỏa, cao ngất ngời. VN bây giờ là đây: vùng mỏ than Nông Sơn đã thành tô giới nhượng địa (the concession) của Đại Hán Đỏ. Theo báo Thời Luận Nam Cali, trích tin từ Thủ Dầu Một: Phố Tàu (Chinatown) ở Bình Dương chẳng những là tô giới của Hán Đỏ mà còn ngang nhiên đặt tên là Đông Đô, tức thủ đô TQ ở phương Nam. HNV lúc đầu ngỡ ngàng, chắc là Đông phố, lấy tên cũ của đất Đồng Nai, Biên Hòa xưa. Nhưng kiểm lại đây lại là Đông Đô phố. Mở lại sử cũ, bộ Cương Mục, phần nhiều trích dẫn Minh sử vào giai đoạn nhà Minh xâm lăng và thống trị VN (1407-1427). Năm 1407, tướng giặc Trương Phụ, cực kỳ hung ác, tiến vào Thăng Long, xóa bỏ nước Đại Việt, đổi thành Giao Chỉ tỉnh, đổi tên Thăng Long là thành Đông Quan. Thượng thư Hoàng Phúc, coi về chính sự của giặc, một đại khoa mưu sâu, hiểm độc, lập phố riêng cho người Đại Minh (Hoa Hán), đặt tên Đông Đô phố, người Việt gọi là chợ Đông Đô, nơi Trương Phụ bêu đầu các liệt sĩ bất khuất kháng cự như Hối Khanh Tuyên phủ sứ Thăng Bình, tuẫn tiết, Phụ cho chặt đầu đêm về bêu ở chợ Đông Đô (xem: Cương Mục, chính biên, Q. XII, tr. 29). Hơn 500 năm qua, Đông Đô phố, một tiểu Bắc Kinh lại xuất hiện ở Bình Dương. Không phải vô tình mà đó là thâm ý của Đại Hán Đỏ. VN tôi đâu? VN bây giờ là như thế!

VIỆT NAM VƯƠNG VIỄN CỔ

Nước Việt dưới triều Hùng, tên gọi là Văn Lang, họ Hồng Bàng (2878-256 trước Công nguyên) kể từ năm Quý Mão đến năm Ất Tỵ, được 2622 năm, tính đến nay đã 4890 năm. Theo khảo cứu cuả Nguyễn Trãi, trong Địa Dư chí (viết vào khoảng năm 1430 sau khi toàn thắng Đô hộ Minh Trung Hoa), nước Việt đời Hồng Bàn còn gọi là Việt Nam: "Vua Đế Minh trao cho Kinh Dương Vương làm Việt Nam vương (Ức Trai tướng công di tập, Dư Địa chí. Bản dịch và chú giải của Á Nam Trần Tuấn Khải, Văn Hóa số 65 - Sàigòn 1961, tr. 1249-1256). Đời vua Trần Nghệ Tông (1370-1585), Tiến sĩ Hồ Tôn Thốc soạn bộ thế chí đặt tên là "Việt Nam thế chí". Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1595) trong thi tập "Trình tiên sinh quốc ngữ" mở đầu có câu "Việt Nam khởi Tổ xây nền". Trong một bài thơ gửi bạn là Trạng Nguyên Nguyễn Cảo Xuyên đi sứ Bắc Kinh, Trạng Trình nhắc nhở bạn "Đường xa lối rộng ông nên nhớ! Tiếng để sao đẹp Việt Nam" (Thùy thị thanh danh trọng Việt Nam - xem: Phong văn tư, "Trạng Trình với tên nước VN" trong NBK, Tác gia và tác phẩm, nxb GD, HN 2001, tr. 224-226).

Kế thừa triều Hùng, Thục Phán tức Thục An Dương Vương lập nước Âu Lạc, thống nhất 2 tộc lớn Âu Việt (hay Tây Âu) và Lạc Việt, lập nhà Thục (257-208 trước CN). Thục An Dương Vương lãnh đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Tần Thủy Hoàng (246-209 trước CN) lần đầu tiên Tần thống nhất được Trung Hoa, xây Vạn Lý Trường Thành chống lại hung nô phía Bắc, thiết lập một nước lớn quân chủ chuyên chế. Nhà Tần, nước Tần, là dân Đông Di, phi Hán, sau này nhà Hán mới Hán hóa nhà Tần, Hán hóa cả Tần Thủy Hoàng để nhận chiến công vĩ đại gọi là "thống nhất Trung quốc". Riêng về phương Nam, Tần đóng binh 50 vạn quân xâm lăng Bách Việt phía nam Trường giang tức Dương Tử giang nhưng cuối cùng quân Tàu đại bại. Theo sách Hoài Nam Tử, "người Việt đều vào rừng sâu, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người tuấn kiệt lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư (nguyên soái giặc). Quân Tàu thây phơi máu chảy hàng mấy chục vạn người". Sử ký Tư Mã Thiên cũng chép như Hoài Nam Tử: "Nhà Tần sai úy Đồ Thư đem quân Lâu thuyền xuống nam đánh đất Bách Việt. Người Việt bỏ trốn. Quân Tần đánh giữ lâu ngày, lương thực bị thiếu và tuyệt. Người Việt đổ ra đánh. Quân Tần đại bại. Nhà Tần sai úy Đà (tức Triệu Đà) đem binh đóng giữ đất Việt. Lúc bấy giờ nhà Tần ở phía bắc thiì mắc họa với người Hồ, phía nam thì mắc họa với người Việt. Đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được thoái cũng không xong. Trong hơn 10 năm, đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta thắt cổ trên cây dọc đường. Người chết chồng lên nhau. Kịp khi Tần Thủy Hoàng đế băng hà thì cả thiên hạ nổi lên chống". Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng đế quốc Tần bị dân Việt đánh tan. Đại thắng đầu tiên của dân tộc Việt đánh qụy giặc Bắc.

THÁNH GIÓNG ĐẠI PHÁ GIẶC

Phải kể thêm chiến thắng trong huyền sử Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương đánh tan giặc Ân phương Bắc. Theo cổ thư và truyền thuyết, Thánh Gióng đại thắng quân nhà Ân là sự thực lịch sử nhưng do dân Việt đã thần thoại hóa cậu Gióng. Nhà Thương đóng đô ở đất Ân nên gọi là nhà Ân, một nhà nước cộng chủ gồm nhiều nước chư hầu lớn nhỏ bao trùm cả Hoa Lục. Vào đời vua Bàn Canh Thái Giáp (1401-1374), danh tướng nhà Ân là Thạch Lĩnh cử binh đánh Văn Lang vào đời vua Hùng Huy Vương. Tướng Thạch Lĩnh trước khi tiến đánh, sai bố trí ngựa đá ở Trâu Sơn, trên đỉnh núi, phần bụng giấu cái lẫy bật lên bật xuống để ngựa há mồm và ngậm mồm. Thời bấy giờ tuy kỹ thuật còn quá thô sơ nhưng đã là văn minh lắm. Di tích ngựa đá hiện nay vẫn còn gần đền Sóc Thiên Vương, nơi Thánh Gióng về trời (huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội). Cậu Gióng là người "bằng xương bằng thịt", tên thực là Nguyễn Cương dòng dõi nhà Hùng ở Phong đô. Thực ra đây là một trận hỏa công, cậu Gióng phá giặc "cầm roi sắt 8 vạch kinh Dịch Phục Hy, đốt giặc Ân cháy trụi". Toàn thắng, "Tướng nhà Trời" về núi Vệ Linh (tức Sóc Sơn). Vua Hùng phong cậu Gióng tướng nhà Trời là Phù Đổng Thiên Vương. Dân làng Phù Đổng nhớ ơn cậu trai làng, lập đền thờ. Vua Lý Thái Tổ tôn phong là Xung Thiên Thần Vương, từ đời nhà Lý đến năm 1945, dân 4 xã tổng Phù Đổng mở hội Gióng, diễn lại thần tích trận đánh. Hội lễ chọn các trai tráng khỏe mạnh, vạm vỡ đóng vai quân Ân, cử 28 thiếu nữ đóng vai các tướng Văn Lang. Trận đánh diễn ra từng lớp lang, quân tướng Văn Lang làm lễ tế cờ rồi xuất trận. Kết thúc, Văn Lang đại thắng, vang lừng khúc quân ca khải hoàn. Đặc biệt màn cuối diễn lại cảnh các tướng giặc Bắc quì lạy chư tướng Văn Lang. Các tướng giặc trong đó có nguyên soái Thạch Lĩnh kéo nhau đến bái yết Thiên Vương đều được tha chết và được thết tiệc. Văn Lang kéo cờ "Thiên hạ thái bình" (phỏng theo Toan Ánh, Nếp cũ - Hồi hè đình đám, q. Thượng, Sàigòn 1969, Hội Gióng, tr. 95-215). Hội lễ diễn lại thần tích võ công diệt ngoại xâm, diễn đi diễn lại hàng năm và cả ngàn năm đã thấm nhuần vào tâm can máu huyết dân tộc Việt. Dân gian đồng hóa giặc Ân với giặc Bắc, giặc Hán. Thời Lê Duẫn và Nguyễn Văn Linh (TBT ĐCSVN) được phục hồi. Nhưng sau này bị bãi bỏ để gọi là tôn trọng quan hệ răng môi Việt -Trung với 16 chữ nạm vàng và 4 tốt! Tâm linh Việt, hồn Việt qua các lễ hội đang bị hủy diệt. Hội Gióng là một.

VĂN LANG - VIỆT NAM LÀ MỘT

Trở lại Văn Lang - Âu Lạc, tuy tên gọi khác nhau vẫn là một Việt Nam, khởi nghiệp từ Kinh Dương Vương với đất nước bao la từ hồ Động Đình, từ con sông phúc lợi Việt giang đến bình nguyên Việt Quế, từ Trường Giang, Động Đình hồ đến Ôn Châu, Quảng Châu, Việt Đông, Việt Tây, Hải Nam, lãnh thổ nhất thống của Việt tộc. Kinh Dương Vương, Hùng Vương, Văn Lang không phải là huyền thoại, huyền sử mà là sự thực lịch sử. Tổ phụ của miền đất hoa gấm bao la ấy kéo dài đến cực nam Việt Thường (Bình Định và Phú Yên ngày nay): Đó là Phục Hy, Thần Nông là tổ Đông Y dược thảo. Các triều đại từ Đinh, Lê, Lý, Trần và Nguyễn đều thờ thủy tổ của dân tộc Việt là Tam tổ Phục Hy, Thần Nông hoàng đế và thờ quốc tổ VN là Kinh Dương Vương và 18 đời vua Hùng. Nhà Nguyễn lập miếu quốc gia Lịch Đại Đế vương thờ các ngài theo đạo lý Nhân bản hồ tổ, gốc của con người là Tổ (xem: Đại Nam Hội điển sự lệ - bộ Lễ, q. 96).

Từ thời Mao Trạch Đông đến nay, sử gia Đại Hán Đỏ không ngừng rêu rao, không có nước Văn Lang - Âu Lạc kể cả không có quốc gia Nam Việt vì Triệu Vũ Vương là người Hán! Thần Nông, thủy tổ Việt tộc là ai? Là người, không phải là thần nhân, Hán tộc nhận Thần Nông, tổ Việt tộc là tổ Hán tộc rồi thần thoại, hoang đường hóa Thần Nông và Hoàng Đế. Họ quên rằng nếu thực là tổ Hán tộc thì phải gọi là Nông thần (như Sơn thần, Thủy thần) (xem: Gs. Lê Chí Thiệp, Gốc tích dân tộc VN, Văn Hóa, số 39, Sàigòn 3&4, 1959, tr. 214-220). Sử gia Pháp George Soulié de Morant, trong bộ sử Trung Hoa, sưu khảo công phu từ cổ thư, cổ sử Tàu cho ta biết Thần Nông là người ở đất Việt "sinh và chết ở đất Kinh (tức Kinh châu) sau là nước của VN vương) gần hồ Động Đình" (Histoire de la Chine - Paris Payot 1929, p. 25). Theo Thực Lục và Hội điển sự lệ, hàng năm xuân thu nhị kỳ và giỗ Tổ, vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức đều thân hành đến tế Tổ. Năm nào không đến được, nhà vua cử một Thân vương làm Khâm mạng (thay vua) và quan Lễ bộ thượng thư đến tế Tổ vô cùng long trong. Trong niềm tin của dân tộc Việt, kể cả trong tín ngưỡng, quốc đạo, Phục Hy - Thần Nông và Hoàng Đế là thủy tổ Việt tộc. Từ Kinh Dương Vương đến 18 vua Hùng là quốc tổ của dân Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt cũng là một Việt Nam nhất thống.

NAM VIỆT VÀ GIAO CHỈ

Nam Việt (207-111) cũng là nước VN bao gồm cả đảo Hải Nam, nhân chủng học cho biết, tộc Lạc Việt là đa số rồi đến Tây Việt, bao trùm cả Biệt Đông ngày nay, cổ thư và cổ sử Tàu gọi là Việt hải, thuộc chủ quyền của Nam Việt kéo dài cho đến Khánh Hòa, Bình Thuận ngày nay. Đại Nam Nhất Thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), Q. XII về tỉnh Bình Thuận cho ta biết "xưa là nước ngoài cõi của Nhật Nam" (sđd, bản dịch, tr. 125). Và đó là chủ quyền lịch sử của VN (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa) từ nước Văn Lang đến Âu Lạc và Nam Việt.

Năm Tân Mùi (110 trước CN), Hán Vũ đế cho cử đại binh xâm lăng, chiếm trọn Nam Việt, lập Giao Chỉ bộ, cách nay 2122 năm, vẫn là lãnh thổ nước Nam Việt nhưng tách ra khỏi 2 châu Đạm Nhĩ và Châu Nhai, đảo Hải Nam. Nhưng Đô hộ Hán đã không giữ nổi miền Nam Giao Chỉ tức quận Nhật Nam. Viên công tào bản xứ (người Việt) tên là Khu Liên nổi dậy giết viên huyện lệnh (người Hán) xưng là Lâm Ấp vương, lập nước Lâm Ấp, hùng cứ một phương từ phía nam Nghệ An - Hà Tĩnh đến Phú Yên - Bình Định ngày nay. Một Lâm Ấp cuả dân Việt, gốc Việt Thường (từ năm 137 đến 803) sau suy yếu, không chống lại được quân Hán, phải tháp nhập vào Chiêm Thành. Do vậy, dù Bắc phương đô hộ VN nhưng từ năm 137 đến năm 14709, là năm vua Lê Thánh Tông chinh phục Chiêm Thành lấy lại đất cũ Việt Thường của Văn Lang, Biển Đông với Hoàng Sa Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Lâm Ấp rồi Chiêm thành, sau năm 1470 trở về tay nước Đại Việt.

MẤT ĐẤT: BẤT HẠNH LỊCH SỬ

Giao Chỉ hay VN hay Nam Việt mất đảo Hải Nam. Năm Canh Tý (40) bà Trưng khởi nghĩa với lời thề đêm xuân Phong Châu: "Dựng lại nghiệp xưa họ Hùng". Hai Bà là cháu viễn tôn vua Hùng, giải phóng Giao Chỉ không đầy một mùa trăng. Giao Chỉ vẫn còn là lãnh thổ Văn Lang - Nam Việt xưa bao gồm cả Quảng Đông - Quảng Tây. Lần đầu tiên đế quốc Đại Hán bị Hai Bà Trưng đánh bại ở phương Nam giành lại độc lập, làm rúng động triều đình Hán. Sử gia La Sỹ Bằng, người Khách gia (Việt tộc) Quảng Đông, khá khách quan, công bình, ca tụng Hai Bà và cho rằng "Chị em họ Trưng được người VN coi đó là những vị anh hùng dân tộc, tượng trưng cho nền độc lập tự do" (Bắc thuộc thời kỳ đích VN - Trung Việt quan hệ sử chi nhất (Hoa ngữ), ĐH Trung Á, Hương Cảng 1964, tr. 42 -hiện lưu trữ tại Thư viện quốc gia Hoa Kỳ). Sử gia Ngô Thời Sỹ, Tiến sĩ triều Lê, ca tụng "Vương là người con gái hô một tiếng mà đuổi được Thái thú nước Tàu, như đuổi đứa nô bộc, lấy lại được đất Ngũ Lĩnh" (Việt sử tiên án, bản dịch, Sàigòn 1960, tr. 39). Thời Hai Bà, Giao Chỉ tức Giao Châu vẫn còn gồm cả cỏi Lĩnh Nam, Quảng Đông - Quảng Tây. Đất nước văn minh trù phú, nối tiếp sự nghiệp của vua Hùng, đất nước Văn Lang. Đó là sự thực lịch sử, sáng rõ như ban ngày, mặt trời chiếu sáng về nguồn gốc văn minh phương Nam, về truyền thống nhân bản, khai phóng "Vua Hùng trị dân theo lối kết nút, trên dưới ràng buộc với nhau", theo Quốc sử. Ngay dưới thời Bắc thuộc, Hán đế trong chiếu thư gửi Thái thú Sĩ Nhiếp (người Việt) ca tụng Giao Châu (VN) như sau: "Giao Châu ở cõi xa vời văn hóa thấm xa (...) Số trời phân định, sông núi thật là cảnh đẹp, Nam Bắc cách trở xa xôi". Hán đế tuyên dương "Đất nước Giao Châu là nơi văn hiến, núi sông phong phú, của báu vật lạ, văn vật rất đẹp, nhân tài lỗi lạc" (Lý Tế Xuyên, viện điện U linh tập - Lịch đại đế vương, bản dịch của Gs. Nguyễn Đăng Thục, Văn Hóa tập san, số 1, tập XXII, Sàigòn 1973, tr. 19). Do vậy các triều đại Bắc phương rất ham Giao Chỉ. Năm 226, Thái thú Sĩ Nhiếp qua đời, sau 42 năm cầm quyền, hùng cứ một phương, Bắc triều nhân cơ hội cắt đất Giao Châu một nửa, tháp nhập vào phương Bắc, lập quận Quảng Châu (Cương Mục, Tiền biên, Q. III, tr. 3). VN mất hẳn Quảng Đông - Quảng Tây từ bấy giờ.

Hôm nay, thảm kịch gần 1800 năm xưa có thể lại tái diễn, VN đang trên đà mất nước, Hán hóa. Hồn Việt, tâm linh Việt đang tiêu vong trước làn sóng Đại Hán Đỏ trên đất nước của Tổ Hùng. Nhưng bao lâu còn khói nhang nghi ngút ở đất thánh Hy Cương, Tổ quốc Việt vẫn còn trường tồn như lăng mộ vua Hùng vẫn tồn tại những ngàn năm từ những đêm dài đô hộ Hán cho đến nay. Sẽ có một ngày VN quang vinh, ngày mà con cháu chúng ta tuổi trẻ làm nên lịch sử, ngày ấy không còn xa. VÀ sẽ như lời tieê tri trong sấm Trạng Trình ngày ấy sẽ là "Bắc hữu khuynh thành tráng, Nam tạc ngọc bích thành". Thánh Gióng thời đại sẽ đứng lên cứu nước. Hội lễ Phù Đổng lại tưng bừng diễn lại mùa Xuân vinh quang của Văn Lang, đời vua Hùng thứ VI.

HÀ NHÂN VĂN
(25/3/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét