Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Những ý kiến đóng góp cho Đại hội liên kết đấu tranh Dân chủ Nhân quyền cho Việt Nam

Nguyễn Anh Tuấn (Political scientist)

Khi đề cập đến vấn đề toàn cầu hóa sẽ có nhiều người cho rằng đây là vấn đề quá lớn lao và quá mênh mông. Tuy nhiên dưới cái nhìn của Khoa Học Xã Hội chúng ta không thể không nhận xét tình thế trên hai mức độ là đại vĩ mô và tiểu vĩ mô, nghĩa là đi từ cái nhỏ đến cái lớn, hay là đi từ cái lớn xuống cái nhỏ. Ở mức độ lớn là toàn cầu và ở mức độ nhỏ là làng xã, cộng đồng, thành phố và quốc gia hay khu vực. Tất cả đều tác động và ảnh hưởng dây chuyền lẫn nhau. Các nhà xã hội học cho rằng, không có xã hội nào, dù nhỏ, và đang sống ở những vùng xa xôi mà có thể thoát được tầm ảnh hưởng lớn lao của văn hóa, kinh tế, tài chính và chính trị trên toàn thế giới đang thay đổi và chuyển hóa từng ngày.

Cuộc cách mạng vĩ đại của truyền thông qua Internet đã làm cho cả thế giới thu hẹp lại gần nhau hơn bao giờ hết. Từ các khu vực Bắc Mỹ, Âu Châu, Phi Châu, Trung Đông và Á Châu đang từ từ sát lại gần nhau để làm thành ngôi làng của toàn cầu (global village). Đó là tất cả ý nghĩa của toàn cầu hóa, tình thế và hoàn cảnh của thời đại toàn cầu hóa đang đòi hỏi chúng ta phải thích nghi và hòa nhập vào ngôi làng toàn cầu để sống còn và tiến hóa. Trên dòng tiến hóa của lịch sử nhân loại kể từ thế kỷ XVII đến nay, Việt Nam của chúng ta đã đánh mất tất cả những cơ hội quý báu để thay đổi và chuyển hóa nhưng chúng ta đã không thích nghi được với các trào lưu lịch sử của thời hiện đại. Cả nhân loại đều tiến lên không ngừng thì đất nước chúng ta lại cứ đi thụt lùi để rước lấy bao thảm họa và đau khổ vì dốt nát và lạc hậu. Tất cả chỉ vì đất nước chúng ta luôn luôn bất lực trước kẻ thù thâm hiểm nhất. Đó là giặc chia rẽ ngay trong lòng của dân tộc Việt Nam. Nếu chúng ta không thấy được giặc chia rẽ, làm sao chúng ta đủ sức mạnh để chiến thắng kẻ nội thù là Cộng sản Việt Nam và kẻ ngoại thù là giặc xâm lăng Đại Hán đang âm thầm xâm lăng đất nước chúng ta.

Từ đó nhìn vào cuộc tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt Nam phải có sự đoàn kết để có sức mạnh. Đó là một khao khát và là một đòi hỏi vô cùng cần thiết của tình thế mà đã 37 năm qua cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã vẫn không thể nào làm được. Tất cả những nỗ lực tranh đấu, những nhiệt tình nóng bỏng và những hy sinh lớn lao khắp nơi, nhưng tất cả vẫn là những hoạt động lẻ tẻ trên tầm mức phe nhóm. Tại sao chúng ta lại thất bại hoài như thế này?


Trong đời sống chính trị và xã hội của một quốc gia, ngay từ thời lập quốc, các Founding Fathers của Hoa Kỳ đã nhận ra kẻ thù nguy hiểm nhất cho quyền lợi của quốc gia là phe nhóm (factionism). Họ cho rằng bản chất tự nhiên của con người là ích kỷ và vì ích kỷ nên quyền lợi phe nhóm thường gây tổn hại cho quyền lợi chung của quốc gia (common interest). Hoa Kỳ không tìm cách để loại trừ phe nhóm, nhưng họ có những chiến lược để kiểm soát phe nhóm bằng những nguyên tắc phân quyền để các phe nhóm kiểm soát và chế tài lẫn nhau bằng Luật Hiến Pháp. Nguyên tắc phân quyền trong hiến pháp rất có hiệu năng và hiệu quả tốt đẹp. Ở đó quyền hành của phe nhóm được duy trì trong tình trạng thăng bằng đồng tiến. Khi ấy, Quốc Gia vừa bảo vệ được quyền lợi cá nhân, quyền lợi phe nhóm và bảo vệ được cả quyền lợi chung của xã hội.


Vì thế, vấn nạn chính về sự chia rẽ trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại không chỉ xuất phát từ tinh thần phe nhóm, mà còn vì chúng ta chưa biết cách áp dụng triệt để các nguyên tắc phân quyền trong tất cả các sinh hoạt dân chủ giữa các tổ chức với nhau. Điều quan trọng cần có là chúng ta phải nắm vững sự khác biệt giữa GOVERNMENT OF MAN và GOVERNMENT OF LAW. Chính quyền của con người khác với chính quyền của luật pháp. Chúng ta tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ thì không thể trông cậy vào chính quyền của con người, mà phải trông cậy vào chính quyền của luật pháp quốc gia. Nhất định chúng ta phải trông vào CHÍNH QUYỀN CỦA LUẬT PHÁP để bảo vệ nhân quyền, tự do và quyền làm chủ đất nước của toàn dân. Chúng ta phải trông chờ vào CÁC CƠ CẤU TRONG CHÍNH QUYỀN, chứ đừng trông vào con người. Như thế mục đích chính của cuộc tranh đấu của chúng ta cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt Nam thì phải tranh đấu để có một CHÍNH QUYỀN CỦA LUẬT PHÁP. Có như thế chúng ta mới bảo vệ được nhân quyền cho tất cả mọi người. Sở dĩ có sự chia rẽ trong các phe nhóm tranh đấu, vì họ chỉ nghĩ tới làm thế nào để thành lập một chính quyền, mà trong đó họ muốn nắm hết mọi quyền hành, và quyền lợi và sẵn sàng đàn áp các phe nhóm khác, hay người dân một cách rất tàn bạo. Hình như không có mấy ai nghĩ đến làm thế nào để thành lập một CHÍNH QUYỀN CỦA LUẬT PHÁP. Hình như tinh thần các phe nhóm vẫn còn lưu luyến với truyền thống chính trị của các NHO QUAN, nên nếu không thay đổi quan niệm xây dựng chính quyền thì rồi đây người dân vẫn khổ vì nạn THAM Ô QUAN LẠI như thuở nào. Đây là một TẬP QUÁN CHÍNH TRỊ RẤT LẠC HẬU đã có từ bao ngàn năm qua và ngày nay vẫn còn đó.


Tôi cho rằng đây là một ảo tưởng vĩ đại của những người đang hô hào tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho toàn dân Việt Nam khi họ vẫn chưa giải thoát ra khỏi tập quán chính trị của tinh thần phong kiến hủ bại và Nho quan lạc hậu do nền VĂN HÓA TIỂU NGÃ và VĂN HÓA BÁI VẬT nhào nặn, uốn nắn nên từ bao ngàn năm qua, nhưng ngày nay vẫn còn đó, nghĩa là họ vẫn muốn xây dựng một chính quyền của con người, mà không phải một chính quyền của luật pháp. Điều cần biết là chúng ta phải học cho bằng được tinh thần xây dựng quốc gia của Hoa Kỳ. Từ những kinh nghiệm quý báu của nền chính trị quá tốt đẹp của Hoa Kỳ, chúng ta nhìn lại cuộc tranh đấu cho nhân quyền tự do, và dân chủ cho toàn dân Việt Nam thì phải tranh đấu để có một nền DÂN CHỦ PHÁP TRỊ (legal democracy). Nhìn vào một chính quyền của luật pháp chúng ta thấy cấu trúc quyền hành trong các chính quyền các cấp, trong đó các chính quyền địa phương như làng xã, quận hạt hay thành phố cũng giống như cấu trúc quyền hành của các chính quyền liên bang và tiểu bang đều theo nguyên tắc chung là NGUYÊN TẮC PHÂN QUYỀN.


-- Lập pháp để làm luật cho quốc gia


-- Hành pháp để thi hành luật pháp quốc gia


-- Tư pháp để duyệt xét là luật pháp được quốc hội viết và hành pháp thi hành có hợp hiến hay vi hiến không?


Như thế, quyền hành (authority) và quyền lực (power) đã được hiến pháp quy định và được cơ cấu hóa và định chế hóa trong hệ thống chính quyền và trong hệ thống chính trị (political system and government system). Mục đích của nguyên tắc phân quyền là để tránh đi cảnh lạm dụng quyền hành khi quyền hành được tập trung vào một chỗ quá nhiều mà không có những cơ cấu kiểm soát hữu hiệu xem người được trao quyền sẽ sử dụng quyền hành của họ như thế nào để hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của họ, cũng như đóng đúng vai trò mà hiến pháp đã quy định cho họ.


Tầm Quan Trọng Để Duy Trì Sự Phân Quyền Theo Hàng Dọc


Theo nhận định của James Madison thì những quyền hành lập pháp, hành pháp và tư pháp nên tách rời lẫn nhau và phải có sự phân biệt rõ ràng trong tất cả các chính quyền tự do, trật tự chính trị được xây dựng rất vững vàng. Còn Jefferson thì nói rằng, nếu tam quyền phân lập, lập pháp, hành pháp và tư pháp được duy trì trên cân bằng độc lập của mỗi ngành, nhưng tùy thuộc để hỗ tương lẫn nhau (mutual independent) giữa các tiểu bang với nhau, chính quyền của chúng ta sẽ đứng vững lâu dài, nếu không làm như thế thì quyền hành này sẽ ăn tươi nuốt sống quyền hành khác. JEFFERSON CHỦ TRƯƠNG ĐỪNG CHO PHÉP TẬP TRUNG QUYỀN HÀNH TẠI WASHINGTON DC.... Nếu không, ở đó sẽ có cảnh không có quyền hành để kiểm soát, từ đó sẽ đưa tới tình trạng quyền hành đứng trên quyền hành, và con người dễ trở nên sa đọa để tác yêu tác quái và ra tay đàn áp người khác.


Kiểm Soát Để Chế Tài Và Giữ Sự Thăng Bằng Quyền Lực, Sửa Trị Một Cách Uyển Chuyển Sự Lạm Dụng Và Chiếm Đoạt Quyền Hành. Các Nhà lập quốc Hoa Kỳ đã nhận thấy, nơi nào có chế độ quân chủ với quyền hành tuyệt đối, hoặc quyền lập pháp có quyền tuyệt đối thì ở đó hoàn toàn thiếu sử dụng những biện pháp kiểm soát quyền hành và những biện pháp chế tài lẫn nhau để duy trì sự thăng bằng quyền lực quốc gia và trừng phạt sửa sai những người lạm dụng quyền hành vô lý hay vi phạm luật pháp quốc gia. Vì lẽ đó các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã xây dựng cấu trúc quyền hành hết sức cẩn thận, từ đó Hoa Kỳ mới có một hệ thống có những công cụ và biện pháp uyển chuyển để tự động sửa sai và bảo vệ sự thăng bằng khi có tình trạng lạm dụng quyền hành và tiếm đoạt quyền hành. Thí dụ Hoa Kỳ có 17 cách để kiểm soát chính quyền liên bang hay chính quyền quốc gia, đồng thời cũng có những biện pháp để kiểm soát giữa chính quyền tiểu bang và liên bang để đạt được sự thăng bằng và để dùng quyền lực chống lại quyền lực.


Sửa Soạn Lạm Quyền


Riêng Grayson thì cho rằng, quyền hành phải được kiểm soát và phải có những giới hạn quyền hành hay có thể ngăn chặn những người bất chính cố ý lạm dụng quyền hành tự do. Phải rất thận trọng vì sự thật là có những con người rất dễ trở thành bất chính, khi họ có quyền hành mà lại không có quyền hành khác để kiểm soát họ.


Sự Kiểm Soát Là Một Đòi Hỏi Phải Có Để Đương Đầu Với Bản Chất Yếu Đuối Dễ Sa Ngã Của Con Người Khi Họ Nắm Quyền Hành.


James Madison đưa ra một câu hỏi quan trọng, cái gì làm thành một chính quyền?


Phải chăng chính quyền là hình ảnh phản chiếu từ con người tự nhiên mà có (human nature), nếu con người là những Thiên thần thì đâu cần phải có chính quyền. Nếu những Thiên thần cai trị con người thì kiểm soát trong và ngoài chính quyền không cần thiết nữa. Trong khi thành lập nên một chính quyền để con người cai trị con người, điều hành guồng máy công quyền, điều khó khăn hơn hết nằm ở chỗ là các ông phải có khả năng để kiểm soát những người nắm giữ quyền hành để cai trị con người, và phần kế tiếp là người nắm giữ quyền hành phải có trách vụ tự kiểm soát lấy chính mình. Phần lớn tùy thuộc vào người dân phải là những người đầu tiên kiểm soát chính quyền. Vì thế người dân phải vô cùng thận trọng khi bầu cho con người để họ cai trị mình.


Những Biện Pháp Kiếm Soát Và Thăng Bằng Quyền Lực


Hamilton phát biểu thêm, với hình thức chính quyền này và trong đường lối lập hiến, các ông sẽ tìm thấy tất cả những kiểm soát mà những chính trị gia vĩ đại nhất và những học giả lỗi lạc nhất trên thế giới cũng chưa nghĩ ra được như thế này. Con người còn muốn gì hợp lý hơn nữa không? Có bất cứ ngành nào mà cả quyền lập pháp, hành pháp lại tập trung vào một chỗ không? Không, ngành lập pháp là một trong ba ngành khác biệt nhau; cần sự thăng bằng đúng chỗ. Ngành hành pháp là một ngành và ngành tư pháp được duy trì là một bộ phận độc lập, ở đó những ai nắm giữ quyền hành với phẩm hạnh và phẩm giá cao quý của họ. Tổ chức như thế này thì quá phức tạp, nên cần có những tài năng đặc biệt. Điều đáng chú ý là không thể nào một thứ người tay mơ về chính trị hoặc khả năng thẩm định quá tồi tệ mà có thể có đủ khéo léo để làm thành công những việc lớn lao như thế này.


Những Kiểm Soát Sẽ Giảm Thiểu Sự Nguy Hại Về Tình Trạng Lạm Quyền


Bowdoin phát biểu ý kiến của ông như sau: sự lạm quyền sẽ xảy ra, và điều đó đã từng được nói tới là quyền hành lớn lao có thể bị lạm dụng, thay vì có thể bảo vệ, nếu quốc hội sử dụng quyền để áp chế quyền hành khác, kể cả áp chế cả cử tri đã bầu cho họ. Một hiểm họa về sự lạm dụng quyền hành, chẳng hạn như tất cả quyền hành được đại diện, mặc dù chính quyền chưa đủ thẩm quyền để được coi là đại diện, đó là điều làm cho chúng ta phải cẩn thận... là trong các đại diện quan trọng, như có người đưa ra đề nghị cho hiến pháp thì phải có ngay sự kiểm soát để đừng rơi vào thất vọng sau đó, và phải chú tâm vào đại diện quyền hành phải kiểm soát bằng được sự an toàn thì mới coi là xong được, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền hành và đưa ra biện pháp kiểm soát trong hiến pháp hai bộ phận chính quyền, lập pháp và hành pháp, trong các cơ cấu đó, bao gồm Tổng thống và phó Tổng thống, thượng nghị sĩ và dân biểu, trực tiếp với ngành lập pháp, có quyền đại diện, vì đó chính là người dân lựa chọn họ.


Tổng thống và phó Tổng thống trước khi nắm vai trò hành pháp, mọi người phải đưa tay lên thề hoặc là xác minh là họ sẽ hành xử chức vụ của một Tổng thống của Hoa Kỳ, và họ sẽ, với tất cả khả năng để duy trì, bảo vệ và chống đỡ hiến pháp của Hoa Kỳ.


Những thượng nghị sĩ và dân biểu, và tất cả các thành viên trong ngành lập pháp, và tất cả các viên chức tư pháp, của cả liên bang và tiểu bang, cũng phải đưa tay lên thề, với sự minh xác, để cùng bảo vệ hiến pháp.


Tổng thống và phó Tổng thống, cũng như tất cả các viên chức chính quyền dân sự, sẽ bị sa thải trục xuất khỏi chức vụ, sau các vụ xử án (impeachment), và những lần bị kết án về những tội như phản quốc, tham nhũng hoặc trọng tội cũng như thường phạm.


Đạo Đức Xã Hội


Đạo đức riêng tư cá nhân (personal morality) là chuyện lương tâm của họ. Họ có quyền có đạo đức riêng để làm bất cứ điều gì họ muốn, nếu những việc ấy không gây ảnh hưởng xấu xa tới người khác. Tuy nhiên lúc nào cung cách đạo đức của họ có sự vi phạm những giá trị của đời sống xã hội mà đa số trong cộng đồng đã quyết định đưa ra, thì lúc đó họ đứng trước lãnh vực đạo đức xã hội (public morality), họ phải tuân theo ý chỉ của đa số (the will of majority). Trong những phê bình, Sir William Blackstone đã mô tả sự khác biệt giữa đạo đức riêng tư và đạo đức xã hội như sau:


Không cần biết nguyên tắc nào một người có thể từ bỏ hay làm điều xấu xa như thế nào, nếu họ giữ lấy điều đó cho riêng họ, và không vi phạm những nguyên tắc công chính trong xã hội, họ vẫn đứng ngoài vòng phạm tội để bị trừng phạt bởi luật pháp xã hội. Nhưng nếu họ làm điều xấu xa trong xã hội, thì họ trở thành một hình ảnh xấu xa, thì việc làm của người làm luật là trừng phạt và sửa trị những con người đó”.

Muốn hiểu rõ luật đạo đức xã hội là gì thì nên nhìn vào Ten Commandments (10 giới răn của Thiên Chúa giáo) là một thí dụ điển hình, trong đó có 10 nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức xã hội. Các chính giáo như Hồi Giáo, Phật Giáo hay Ấn Độ Giáo đều có đề cập đến đạo đức trong các giới luật của họ. Nhưng điều khác với Thánh Kinh là ở chỗ - là tinh thần đạo đức đã được luật pháp hóa, cơ cấu hóa và định chế hóa để trở thành luật đạo đức xã hội và luật đạo đức chính trị trong nền văn minh dân chủ toàn cầu hiện nay. Đạo đức xã hội và đạo đức chính trị gần như vẫn còn xa lạ với đời sống chính trị và đời sống xã hội tại Việt Nam, Trung Hoa và các nước Á Châu nói chung. Phần đông người Việt Nam, Trung Hoa và Á Châu thường cho rằng, đạo đức xã hội và đạo đức chính trị quá xa vời không tưởng, nên ai đi cổ súy cho những giá trị đó thì bị chê cười là người đi trên mây, không tưởng và không thực tế. Đó là điều đáng buồn nhất. Ngay với một số đảng phái đấu tranh và đảng phái chính trị không nắm vững ý nghĩa và giá trị của nhân quyền và những giá trị của tự do và dân chủ một cách chính xác. Đó là điều thật ngạc nhiên; bởi vì tôn trọng nhân quyền là đạo đức xã hội. Tôn trọng quyền sống của mọi người là đạo đức xã hội và đạo đức chính trị. Tôn trọng quyền tư hữu của mỗi người là đạo đức xã hội. Đặc biệt là tôn trọng giá trị nhân bản và phẩm giá của con người là đạo đức xã hội, trong đó tôn trọng công lý và tình thương với anh em là đạo đức xã hội quan trọng và cần thiết nhất trong đời sống xã hội.


Chúng ta đứng lên hô hào tranh đấu cho nhân quyền, cho tự do và dân chủ, có nghĩa là chúng ta đòi hỏi chính quyền Cộng Sản phải tôn trọng nhân quyền, tôn trọng tự do và quyền làm chủ đất nước của toàn dân, bởi một lý do rất đơn giản là chính quyền Cộng Sản Việt Nam không có đạo đức chính trị và đạo đức xã hội nên những con người đó mới không tôn trọng nhân quyền, không tôn trọng quyền tự do và quyền làm chủ đất nước của toàn dân Việt Nam. Vì thế ý thức đạo đức xã hội và đạo đức chính trị cũng như ý thức về công lý là ý thức đầu tiên cho tất cả các cuộc tranh đấu cho một nền văn minh dân chủ và một chế độ chính trị dân chủ. Nếu chúng ta muốn những người nắm quyền hành và quyền lực quốc gia để cai trị con người và cai trị quốc gia - thì chúng ta phải đòi hỏi chính quyền ấy phải có đạo đức chính trị và đạo đức xã hội; bởi vì khi những người nắm giữ quyền hành và quyền lực quốc gia phi đạo đức chính trị và phi đạo đức xã hội thì những con người đó lúc nào cũng sẵn sàng chà đạp lên nhân quyền, tước đoạt phũ phàng quyền tự do của người dân, và đàn áp quyền làm chủ đất nước của dân. Tất cả sự thật đó đã quá hiển nhiên, ai ai cũng thấy.


Từ ý thức, ý nghĩa và giá trị của cuộc tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt Nam, thì cuộc tranh đấu này phải diễn ra song hành với cuộc tranh đấu cho một nền dân chủ pháp trị để đưa đến tự do và công lý cho tất cả mọi người. Một nền dân chủ pháp trị không thể không xây dựng đạo đức xã hội và đạo đức chính trị. Hai hệ thống giá trị này không thể tách rời nhau được, mà phải gắn liền với nhau, nếu muốn bảo vệ ý nghĩa và giá trị thực sự cho cuộc tranh đấu khó khăn và thiêng liêng này cho đến lúc thành công. Muốn thế chúng ta phải có sức mạnh, để thuyết phục không chỉ đám đông quần chúng, những tầng lớp trí thức tinh hoa, mà còn có khả năng thuyết phục cả những kẻ thù của chúng ta là chế độ độc tài CSVN, là họ phải thay đổi và chuyển hóa để sống còn, và họ không còn một lựa chọn nào khác nữa đâu. Do đó tất cả ý nghĩa về mặt trận không tiếng súng để tranh hùng với chế độ độc tài CSVN hiện nay. Trong cuộc chiến tranh không tiếng súng này chúng ta phải thắp sáng đại nghĩa dân tộc, không phải bằng những lời hoa mỹ, mà bằng những hành động cụ thể của chúng ta để mọi người đều thấy được. Đó là cách duy nhất để phục hồi lại niềm tin đã mất trong đại đa số quần chúng Việt Nam.


Điều chúng ta cần bây giờ là một practical solution, một giải pháp thực tế, thực tiễn và thực dụng trong một tình thế và hoàn cảnh quá phức tạp, nhiều khó khăn và trở ngại, vì chúng ta đã đánh mất niềm tin với nhau rồi. Trong đó những tổ chức tranh đấu cũng thường không tin nhau được. Đám đông quần chúng đã trở thành vô cảm và liệt cảm, hay thờ ơ lạnh lùng đến độ thật tàn nhẫn, vì họ không biết tin vào cái gì và không còn biết tin vào ai nữa. Đám đông không chỉ mất niềm tin vào người khác, mà còn đánh mất cả niềm tin vào chính họ nữa. Chúng ta không thể trách họ, vì tình trạng liệt cảm và vô cảm đều do hoàn cảnh sống quá khắc nghiệt và tàn bạo do chế độ CSVN đem lại cho đất nước của chúng ta.


Đối với phần đông hình như mọi hy vọng đã lịm tắt và mọi ngã đường đã bị bịt lối. Xã hội gần như trong tình trạng tan rã, vì tất cả giá trị sáng tạo để làm nên sự sống đều phải bắt nguồn từ giá trị tinh thần, thì giá trị ấy bây giờ đã hoàn toàn bị phá sản gần như toàn diện.


Những tổ chức tranh đấu hình như không để ý đến cơn khủng hoảng của niềm tin và cơn khủng hoảng mọi giá trị tinh thần là nguyên nhân sâu xa đưa đến tình trạng liệt và vô cảm cho người dân, và gần như mất hết nhuệ khí và sức sống trên đường tranh đấu chỉ còn thoi thóp. Trước tình thế đó các tổ chức tranh đấu nên tự xét lại chính mình, và xét lại quan niệm đấu tranh xem có còn phù hợp với trào lưu mới của tự do và dân chủ không? Bởi vì tranh đấu là hy sinh, và có ai dám hy sinh thật sự không? Nếu sự hy sinh đòi hỏi là phải tạm thời quên đi cái Tiểu Ngã của chính mình để hòa đồng hợp nhất với anh em mà làm nên sức mạnh cho cuộc tranh đấu này. Nếu con người tiếp tục duy trì, bảo vệ và xiển dương cái tiểu ngã của chính mình thì mối tương giao liên hệ giữa người đó và người khác sẽ gặp khó khăn vô cùng, nói gì đến xã hội to tát ngoài kia.


Khi các nhà tranh đấu muốn tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho bao triệu người khác, thì không thể tự mình xây nên đạo đức xã hội và đạo đức chính trị, nghĩa là xây dựng lại mối tương quan liên hệ giữa người và người, giữa người dân và chính quyền, nhất là những người giữ quyền hành quốc gia để cai trị dân.


Phần lớn chúng ta đều sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong một xã hội phong kiến rất lạc hậu và khép kín trong một môi trường văn hóa tiểu ngã và văn hóa bái vật nên rất xa lạ với những khung trời mở rộng và những nền văn minh khác. Trong xã hội đó hoàn cảnh và những điều kiện sống khuyến khích, cổ súy, duy trì và bảo vệ cái tư vị, tư quyền, tư lợi và tư danh một cách rất ích kỷ cho riêng mình, dòng dõi, gia tộc của mình hay phe nhóm của riêng mình, còn xã hội lớn lao thì thường không quan tâm tới. Xã hội đó là sản phẩm của những chế độ quân chủ độc tài chuyên chế và tham ô quan lại; mặc dù vẫn có những vị anh quân và những ông quan đức độ, nhưng đó vẫn là thứ đạo đức riêng tư của một con người (personal morality) với lương tâm của họ. Nhưng xã hội đó không có hay chưa có đạo đức xã hội và đạo đức chính trị. Văn hóa tiểu ngã và văn hóa bài vật khai sinh ra những con người tiểu tâm, tiểu trí nên mọi nhận thức và phán đoán của họ rất nông cạn và thiển cận, chỉ biết tôn thờ quyền uy, bạo lực và danh lợi phù phiếm nhất thời và giả tạm. Trong những xã hội đó, giá trị nhân bản và phẩm cách của con người hầu như đã bị bỏ quên, vì không nghe ai nhắc tới.... Vì thế mà con người nói chung luôn luôn bị chà đạp hết sức độc ác và phũ phàng mà không có ai dám đứng lên phản đối hay chống trả hay lên tiếng bênh vực cho giá trị của con người. Bởi vì khi xã hội con người chỉ biết tôn thờ quyền uy, bạo lực và danh lợi vật chất giả tạm nhất thời thì giá trị nhân bản của con người không còn giá trị gì cả.


Ngày nay chúng ta đứng lên tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ là tranh đấu cho giá trị nhân bản cao quý của con người phải được tôn trọng, bởi vì giá trị nhân bản đó đã và đang bị chà đạp khắp nơi tại Việt Nam, Trung Hoa và các nước Á Châu là những xã hội không có đạo đức xã hội và đạo đức chính trị.


Bây giờ từ những xã hội phong kiến khép kín lạc hậu, tối tăm đau khổ và nghèo đói, chúng ta đứng lên để tranh đấu để thay đổi chuyển hóa những xã hội đó. Chúng ta không thể không tự chính mình thay đổi và chuyển hóa từ những con người phong kiến để trở thành những con người mới, con người của thời đại tôn trọng nhân quyền và tự do dân chủ đã và đang được đề cao, xiển dương khắp mặt đất này từ nửa thế kỷ nay, nhưng tất cả những giá trị đó đến ngày nay vẫn còn xa lạ với các xã hội Á Châu. Khi chúng ta đứng lên tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ là chúng ta tranh đấu cho quyền sống, quyền tự do và quyền tìm kiếm hạnh phúc của toàn dân. Muốn được như thế chúng ta phải cổ súy, đề cao và xiển dương xây dựng một chế độ dân chủ pháp trị đặt trên nền tảng đạo đức quốc gia. Đó cũng là nền móng căn bản trong các mối tương quan liên hệ giữa người và người, giữa người dân và chính quyền, và giữa người dân với những người nắm quyền hành cai trị quốc gia để cai trị con người. Điều quan trọng phải cần chú ý là đạo đức xã hội và đạo đức chính trị không phải đi cổ súy cho triết lý trừu tượng quá lý tưởng không thực hiện được, mà đạo đức xã hội và đạo đức chính trị vốn đã có sẵn trong tất cả các luật lệ quốc tế, cũng như nền móng căn bản của các tổ chức và cơ cấu quốc tế hiện nay trên thế giới. Đó là tinh thần văn hóa chính trị toàn cầu (global political culture) của trật tự mới và toàn cầu hóa mà chúng ta đều đã thấy trong tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền từ hơn nửa thế kỷ nay, mà cho đến nay vẫn còn xa lạ với xã hội Việt Nam, Trung Hoa và các nước Á Châu.


Trên tinh thần ấy, phần còn lại là nếu các tổ chức tranh đấu hiện nay tại hải ngoại chưa thể đi đến đoàn kết ngay được vì nhiều lý do thì cũng nên hợp tác (cooperation) với nhau để cùng làm việc chung thiết thực và cụ thể trong những bước khởi đầu. Muốn xây dựng một cộng đồng hay một tổ chức vững mạnh thì phải xây dựng thành một hệ thống như một hệ thống chính quyền. Đó là một government of law, chứ không phải government of man như truyền thống chính trị của Á Đông từ trước tới nay. Vì thế việc đầu tiên là phải thay đổi quan niệm về chính quyền và thay đổi về quan niệm xây dựng chính quyền trên căn bản luật pháp tối cao của quốc gia tương tự như Hoa Kỳ.


Trong đó mỗi tổ chức sẽ bởi người đại diện để thành những bộ phận trong hệ thống lớn đó như đưa người vào nắm các chức vụ trong các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp trong hệ thống chính quyền. Như thế tất cả các tổ chức tranh đấu đều có vai trò, chức vụ, và quyền hành. Vì thế tất cả những ai còn lưu luyến với tinh thần tranh danh đoạt lợi, tranh bá đồ vương và tranh quyền cướp nước thì nên xét lại, vì tinh thần này đã hoàn toàn thoái hóa trước trật tự mới của quốc gia và trật tự mới của thế giới hiện nay. Các tổ chức phải rất cẩn thận lựa chọn người có đủ tài năng và đức độ để đại diện cho cả tổ chức mà nắm những bộ phận quan trọng trong một nhiệm kỳ nào đó. Nếu làm như thế thì sẽ khai thác và phát triển được tài năng và năng lực đang nằm trong khối tài nguyên nhân lực của tổ chức. Vì là những bộ phận trong một guồng máy nên khi hết nhiệm kỳ hay gặp những trở ngại trục trặc thì rất dễ thay thế mà guồng máy vẫn luôn luôn chạy đều đặn và luôn luôn ổn định. Trong hệ thống đó có hiến pháp hay hiến chương cũng như luật định để sắp xếp và thiết định lên cấu trúc quyền hành và các cơ cấu vững mạnh. Cần tôn trọng nguyên tắc phân quyền với những biện pháp kiểm soát chặt chẽ quyền hành để duy trì sự thăng bằng giữa các ngành, và các cơ cấu độc lập với nhau và vừa để giúp đỡ lẫn nhau bảo vệ hiến pháp hay hiến chương. Nếu những người được các tổ chức đưa vào nắm quyền hành trong ngành lập pháp, hành pháp hay tư pháp được tuyển chọn kỹ lưỡng và cẩn thận theo đúng tiêu chuẩn tài năng và đức độ (merit principle) để đưa vào điều hành guồng máy thì cộng đồng và tổ chức sẽ vững mạnh vô cùng. Khi đã thành một hệ thống như thế thì không có ai có thể khuynh đảo tổ chức hay cộng đồng được nữa. Bởi vì ngoài tài năng và đức độ, người nắm giữ quyền hành phải chịu trách nhiệm và bổn phận theo luật pháp đã quy định cho họ khi họ đứng vào vị trí và nắm vai trò nào đó với quyền hành được trao cho họ.


Trên đây chỉ là một vài nét phác họa để xây dựng nên một hệ thống công quyền hay cộng đồng. Vì thế các tổ chức nên gởi người đại diện thật tài ba và đức độ, có đầy đủ sự hiểu biết và kiến thức cần thiết về họp với các tổ chức khác mà cùng thảo luận việc xây dựng một hệ thống tổ chức như một hệ thống công quyền hay hệ thống chính trị (political system and governmental system) để mở đầu cho giai đoạn hợp tác giữa các tổ chức, trước khi đi đến đoàn kết thật sự như các tiểu bang của Hoa Kỳ thì họ cùng nhau họp để thành lập một chính quyền liên bang, gồm các đại diện tinh hoa nhất của các tiểu bang, sau khi đã được toàn dân lựa chọn để đại diện cho dân và cho tiểu bang của họ. Vì thế các chính quyền tiểu bang mới có chính quyền liên bang để thành chính quyền quốc gia mà lo những việc như quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ an ninh cho đất nước cũng như làm phối trí viên cho các sinh hoạt và hoạt động giữa các tiểu bang.


Nguyên tắc đầu tiên đưa đến sự hợp tác giữa các tiểu bang và liên bang là:


− Collective thinking... suy tư tập thể.

− Collective solution... giải pháp tập thể.
− Collective decision making... quyết định tập thể.
− Collective action... hành động tập thể.

Nói tóm lại, tại Đông Phương cũng có những nguyên tắc đạo đức chủ trương dùng nhân trị và lễ trị, nhưng chưa xây dựng được giá trị nhân bản và chưa đạt được nền móng căn bản cho những hợp tác xã hội (social cooperation) nên nguyên tắc tu, tề, trị, bình nói bao ngàn năm mà chẳng có mấy vị vua, các quan hay thường dân chịu tu thân và tu tâm nên lời nói chỉ để khoa trương mà không bao giờ thực hành cả. Ý thức tôn quân đã xây dựng suốt bao ngàn năm những chính quyền của con người (government of man). Một người nắm giữ tất cả quyền hành và không có cơ cấu nào kiểm soát người nắm giữ quyền hành nên thay vì sử dụng quyền hành để đem đến ích quốc lợi dân thì chỉ đàn áp làm khổ người dân, rồi bắt muôn dân phải tôn thờ. Thời hiện đại, hàng ngũ Cộng sản Á Châu cũng theo tinh thần tôn quân ấy mà bắt tất cả phải tôn thờ lãnh tụ khi họ cũng như bao người khác... không có ai là thiên thần cả, nhưng quốc gia đã trao tất cả quyền hành quốc gia cho những con người đó để họ ra tay đàn áp và ức chế cả xã hội mà không có ai dám đứng lên phản đối hay bênh vực cho người dân thấp cổ bé miệng. Chỗ tai hại của government of man là như thế. Trước những kinh nghiệm quá đau thương ấy, bài học xây dựng quốc gia của các Founding Fathers của Hoa Kỳ quá quý giá. Nhờ họ Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ trung nhất thế giới mà trở thành quốc gia lãnh đạo minh triết và đức độ nhất thế giới. Tất cả chỉ vì họ đã khôn ngoan xây dựng được một government of law mà quốc gia này cường thịnh đến như thế.


Đây là bài học cần thiết mà các tổ chức tranh đấu hiện nay cần có để tổ chức nên một tổ chức tranh đấu đầy hiệu năng và vững mạnh, và chấm dứt luôn thảm cảnh chia rẽ quá đau thương trong cộng đồng việt nam hải ngoại.


Chỉ mong sao Đại Hội Liên Kết đấu Tranh hôm nay rút được chút kinh nghiệm khi muốn xây dựng nên một tổ chức vững mạnh.



Nguyễn Anh Tuấn
California ngày 10.08.2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét